
XIN THÔNG BÁO

Ngoài các công trình nổi tiếng như nhà hát Esplanade và Marina Bay Sands, Singapore còn có nhiều viên ngọc kiến trúc đáng để du khách khám phá.
The Hive, Đại học Công nghệ Nanyang: Tòa nhà The Hive sở hữu không gian giống một tổ ong. Các lỗ thông gió tự nhiên được thiết kế giữa các khoang. Đây là tòa nhà đầu tiên nhận Green Mark Platinum Star Champion, giải thưởng cao nhất cho công trình nổi bật về thiết kế bền vững ở Singapore.
The Interlace: The Interlace là chung cư ở Singapore có 31 khối căn hộ được xếp chồng lên nhau theo hình lục giác. Công trình giành nhiều giải thưởng về kiến trúc, đáng chú ý bao gồm Tòa nhà Thế giới (năm 2015) và Môi trường sống Đô thị (năm 2014). Thiết kế của tòa nhà đảm bảo mọi căn hộ đều có tầm nhìn bao quát khu vực xung quanh.
Khu dân cư Ferrell: Tòa nhà nổi bật bởi thiết kế kỳ quái với nhiều đường nét uốn lượn. Công trình kiến trúc này chỉ có 2 căn hộ ở mỗi tầng. Cửa sổ bao quát từ trần đến sàn ở mỗi bên giúp căn hộ nhận nhiều ánh sáng và không khí từ ngoài với tầm nhìn 270 độ. Sân thượng, hồ bơi phun tia, spa và bể sục là một số tiện nghi tại đây.
SkyTerrace @ Dawson: SkyTerrace @ Dawson được cho là tác phẩm tuyệt đẹp trong ngành kiến trúc. Thiết kế của tòa nhà thú vị này lấy cảm hứng từ trò chơi xếp hình cổ điển hoặc các khối lego. Công trình cũng chú trọng đến tính thân thiện với môi trường bằng nhiều khu vườn trên cao. Hơn 70% diện tích được bao phủ bởi cây xanh.
Khoa Nghệ thuật, Thiết kế và Truyền thông, Đại học Công nghệ Nanyang: The Hive không phải là tòa nhà có khuôn viên độc đáo duy nhất ở Đại học Công nghệ Nanyang. Nơi đây còn có tòa nhà Nghệ thuật, Thiết kế và Truyền thông (ADM). Thiết kế của công trình gồm 3 khối đan xen nhau bao quanh một quảng trường. Mái nhà là lớp cỏ xanh tươi. Bên trong có các lớp học, thư viện và xưởng thiết kế.
Tree House: Tòa chung cư thân thiện với môi trường 24 tầng ở Bukit Timah đã giành được vị trí trong Kỷ lục Guinness Thế giới năm 2014 nhờ thiết kế độc đáo. Khu vườn thẳng đứng giảm lượng khí CO2 bằng cách làm mát không gian trong nhà với các tiện ích xanh như cửa sổ giảm nhiệt, đèn kích hoạt cảm biến chuyển động tại khu vực công cộng.
Skyville @ Dawson: Với thiết kế thông minh, tòa nhà Skyville @ Dawson không có cột và dầm, giúp dễ dàng thay đổi và tùy chỉnh không gian. Công trình này được xây dựng với 12 khu vườn trên cao. Khu vườn trên mái ở tầng 47 có đường chạy bộ dài 400 m. Các khu vực chung, hành lang, thang máy và lối đi ra vào đều được thông gió tự nhiên. Pin Mặt Trời được sử dụng để cung cấp năng lượng cho đèn điện trên mái nhà.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN
Bà lão ấy hờ con suốt một đêm. Bao giờ cũng vậy cứ hết đường đất làm ăn là bà lại hờ con. Làm như chính tự con bà nên bây giờ bà phải đói. Mà cũng đúng như thế thật. Chồng bà chết từ khi nó mới lọt lòng ra. Bà thắt lưng buộc bụng, nuôi nó từ tấm tấm, tí tí giở đi. Cũng mong để khi mình già, tuổi yếu mà nhờ. Thế mà chưa cho mẹ nhờ được một li, nó đã lăn cổ ra nó chết. Công bà thành công toi.
Con vợ nó không phải giống người. Nó có biết thương mẹ già đâu! Chồng chết vừa mới xong tang, nó đã vội vàng đi lấy chồng ngay, nó đem đứa con gái lên năm giả lại bà. Thành thử bà đã già ngót bảy mươi, lại còn phải làm còm cọm, làm mà nuôi đứa con gái ấy cho chúng nó. Hết xương, hết thịt vì con, vì cháu, mà nào được trông mong gì?
Nuôi cháu bảy năm trời, mãi cho đến khi nó đã mười hai, bà cho nó đi làm con nuôi người ta lấy mười đồng. Thì cải mả cho bố nó đã mất tám đồng rồi. Còn hai đồng bà dùng làm vốn đi buôn, kiếm mỗi ngày dăm ba xu lãi nuôi thân. Có chạy xạc cả gấu váy, hết chợ gần đến chợ xa, thì mới kiếm nổi mỗi ngày mấy đồng xu. Sung sướng gì đâu! Ấy thế mà ông trời ông ấy cũng chưa chịu để yên. Năm ngoái đấy, ông ấy còn bắt bà ốm một trận thập tử nhất sinh. Có đồng nào hết sạch. Rồi chết thì không chết nhưng bà lại bị mòn thêm rất nhiều sức lực. Chân tay bà đã bắt đầu run rẩy. Người bà thỉnh thoảng tự nhiên bủn rủn. Đang ngồi mà đứng lên, hai mắt cũng hoa ra. Đêm nằm, xương cốt đau như giần. Đi đã thấy mỏi chân. Như vậy thì còn buôn bán làm sao được? Nghĩ đến nắng gió bà đã sợ.
Tuy vậy mà bà vẫn phải ăn. Chao ôi! Nếu người ta không phải ăn thì đời sẽ giản dị biết bao? Thức ăn không bao giờ tự nhiên chạy vào mồm. Có làm thì mới có. Nhưng bây giờ yếu đuối rồi, bà không còn kham được những việc nặng nề, cũng không còn chịu đựng được nắng sương. Bà phải kiếm việc nhà, việc ở trong nhà. Ở làng này, chỉ có việc bế em, như một con bé mười một, mười hai tuổi. Mới đầu còn có nhiều người muốn thuê. Ai cũng nghĩ rằng: những bà già tính cẩn thận và chẳng bao nhiêu, bữa lưng bữa vực thế nào cũng đủ no; mà đã không no các cụ cũng chỉ lặng im, không ấm ức như những đồ trẻ nhãi, hơi một tí cũng đem chuyện nhà chủ đi kể với đủ mọi người hàng xóm… Nhưng thuê bà được ít lâu, tự nhiên người ta chán. Người ta nhận ra rằng: thuê một đứa trẻ con lại có phần thích hơn. Trẻ con cạo trọc đầu. Những lúc tức lên, có muốn cốc nó dăm ba cái thì cứ cốc. Chẳng ai kêu: ác! Nhưng bà lão đầu đã bạc. Người ta tức bà đến gần sặc tiết ra đằng mũi cũng không thể giúi đầu bà xuống mà cốc. Cũng không thể chửi. Mắng một câu, đã đủ mang tiếng là con người tệ. Mà bà thì lẩm cẩm, chậm chạp, lì rì. Bà rờ như thể xẩm rờ. Tay bà, đưa bát cơm lên miệng cũng run run. Cơm vương vãi. Tương mắm rớt ra mâm, rớt xuống yếm bà, rớt cả vào đầu tóc, mặt mũi, quần áo đứa bé nằm ở lòng bà. Rồi hơi trái gió, trở trời, bà lại đau mình. Suốt đêm bà thở dài với rên rẩm kêu trời. Có khi bà lại khóc lóc, hờ con. Nghe rợn cả người. Như vậy thì chịu làm sao được? Ấy thế là người ta lại phải tìm cớ tống bà đi. Bà lại phải gạ gẫm ở cho nhà khác… Không đầy một năm trời bà thay đổi đến năm, sáu chủ. Mỗi lần đổi chủ là một lần hạ giá. Thoạt tiên cơm nuôi tháng một đồng. Rồi cơm nuôi tháng năm hào. Rồi cơm nuôi, một năm bốn đồng. Rồi hai đồng. Rồi chẳng có đồng nào. Đến nước ấy mà cũng chẳng ma nào chịu được. Một hôm, người chủ cuối cùng sai bà xách hai cái lọ đi kín nước. Bà bào: bà chỉ có thể mang một lọ. Y đã lấy sự ấy làm khó chịu, nhưng cố nhịn. Nhưng một lọ cũng không xong. Bà xách một lọ nước đầy, ở dưới cầu ao bước lên bờ, chẳng biết bẩy rẩy thế nào mà ngã khuỵu xuống, vỡ tan cái lọ và què một bên tay. Nghe tiếng bà kêu, chủ nhà phải chạy ra đỡ bà về. Không ai có thừa cơm nuôi báo cô bà. Y bèn đãi bà năm hào cho bà về hưu trí. Từ ngày ấy đến nay tính ra đã hơn ba tháng rồi.
*
* *
Hơn ba tháng, bà lão chỉ ăn toàn bánh đúc. Mới đầu, còn đuợc ngày ba tấm. Sau cùng thì một tấm cũng không có nữa. Tiền hết cả. Mỗi sáng, bà ra chợ xin người này một miếng, người kia một miếng. Ai lấy đâu mà ngày nào cũng cho như vậy? Lòng thương cũng có hạn. Mấy hôm nay bà nhịn đói. Bởi thế bà lại đem con ra hờ. Bà hờ thê thảm lắm. Bà hờ suốt đêm. Bà khóc đến gần mòn hết ra thành nước mắt. Đến gần sáng, bà không còn sức mà khóc nữa. Bà nằm ẹp bụng xuống chiếu, nghĩ ngợi. Có người nói: những lúc đói, trí người ta sáng suốt. Có lẽ đúng như thế thật. Bởi vì bà lão bỗng tìm ra một kế. Bà ra đi.
*
* *
Cứ đi được một quãng ngắn, bà lại phải ngồi xuống nghỉ. Nghỉ một lúc lâu, trống ngực bà mới hết đánh, tai bà bớt lùng bùng, mắt bà bớt tối tăm, người tàm tạm thôi quay quắt. Bà nghỉ tất cả năm sáu quãng. Thành thử đến tận non trưa, bà mới tới nhà mình định tới: ấy là nhà bà phó Thụ, nuôi cái đĩ. Bà quen gọi như vậy, ngay từ khi nó còn nhỏ; cái đĩ tức là đứa con của anh con trai đã cướp công bà để về với đất, yên thân mà mặc tất cả những gì còn lại. Anh con trai chẳng còn phải khổ sở như bà ngày nay.
Bà nghĩ đến con, để mà ghen với nó thêm lần nữa, trong khi ngồi nghỉ ngoài đầu ngõ nhà bà phó Thụ. Ngoài đầu ngõ nhà bà phó Thụ, có một cây sung lớn. Bà tựa lưng vào gốc. Từ đầu ngõ vào đến nhà, còn những hai lần cổng. Có gọi thật to, ở trong nhà mới nghe tiếng. Mà bà thì còn hơi sức đâu mà gọi? Tiếng bà bải hải. Hơi nói to một chút, nó đã ra đằng lỗ tai. Vả lại, chó nhà giàu dữ lắm. Nhà bà phó Thụ có những hai con chó đẫy đà, lực lưỡng. Lúc thiến, người ta rắc mảnh chai tán nhỏ vào. Vết thiến lành dúm mảnh chai ở bên trong gây cho con vật một nỗi đau ngứa ngáy, suốt đời không khỏi. Nỗi đau làm tội nó. Nó bứt rứt, khổ sở, cáu kỉnh, nên bạ thấy người nào lại nào cũng lăn xả vào chân, hoặp một miếng, ray thịt người ta cho hả giận. Trời ơi! Những con chó nhà bà phó Thụ, chúng dữ ghê gớm lắm. Bà lão nghĩ đến chúng còn chết khiếp. Cái lần bà đưa cái đĩ vào, một người nhà phải cầm một cái gậy to tướng ra đe. Ấy thế mà cả ba con cũng hồng hộc chạy ra. Chúng vây lấy bà già rách rưới. Con nào cũng uốn cong cái lưng xuống, hếch cái mõm đen thui lên, nhe ra những chiếc răng trắng hơn hớn và nhọn sắc. Bị cái gậy của người nhà cản lại, chúng càng tức tối. Chúng lồng lộn chung quanh. Chúng nhảy chồm lên. Chúng ngoạm những cái cột giậu, kêu sồn sột. Chúng lay thật mạnh, hục hặc như muốn bẻ gãy cái cột, để lao vào đầu nguời ta… Bà lão với đứa cháu cứ rúm cả tay chân lại. Cháu nép vào bà, bà nép vào người bà phó Thụ. Chị người nhà thì luôn tay vụt cái gậy bên này, bên nọ, đằng sau, đằng trước, và quát mắng. Ấy thế mà một con chó còn xông vào được, và chỉ một tí nữa nó xơi chân bà một miếng. Nhưng chị người nhà đánh kịp. Nó mới đấm được mõm vào cái bắp chân gầy đét của bà lão thôi. Hú hồn!… Bây giờ dám gọi sao? Chó thính tai mà lại rất mau chân. Chúng xộc cả ra thì khốn. Ấy thế là bà lão đành ngồi đợi dịp. Cái đĩ bế em ra ngõ chơi chẳng hạn… Hay là có người nào trong nhà đi đâu… Hay là có người đàn ông khoẻ mạnh nào đến nhà bà phó Thụ, để cho bà đi ghẹ… Bà ngồi rỗi, tưởng tượng ra đủ mọi cái may mắn tương tự thế. Chỉ còn mỗi một cái bà chưa nghĩ đến: ấy là lúc chính bà phó Thụ ra, hoặc đi đâu về. Thì chính bà phó Thụ đi chợ về. Mới thoạt trông thấy bà lão, bà tưởng là một con mẹ ăn mày. Bà hơi cau mặt:
– Ai kia? Ai ngồi làm gì kia? Chó nó ra, nó lôi mỡ ra cho đấy. Sao mà bạo thế?
Bà lão quay lại mỉm cười móm mém:
– Bẩm bà đi chợ về!…
Bà phó Thụ mở to đôi mắt đỏ ngầu, nhìn kĩ hơn một chút. Bà nhận ra bà cái đĩ ở. Tức thì mặt bà nguỷu xuống. Bà lão này còn muốn quấy quả gì nữa đây? Để vòi tiền thêm chăng? Bà lão rên một tiếng và chống tay lên đầu gối, bẩy rẩy đứng lên. Bà phó hỏi:
– Bà đi đâu thế?
Bà lão lại rên tiếng nữa để mở đầu câu nói (bà rên cũng như một vài người khác bạ lúc nào cũng thở dài. Cái ấy thành thói quen).
– Bẩm bà, con lên chơi với cháu. Lâu lắm, cháu không được về, con nhớ cháu quá!
– Úi dào ôi! Vẽ cái con chuột chết! Nó phải làm chứ có rỗi đâu mà bà chơi với nó? Nhà tôi không có cơm cho nó ăn để nó cứ nồng nỗng nó chơi. Bà muốn chơi với nó thì đem ngay nó về nhà, tìm cơm cho nó ăn, bà cháu chơi với nhau vài ba tháng cho thật chán đi, rồi hãy bảo nó lên. Tôi không giữ. Bà tưởng nó đã làm giàu làm có cho tôi rồi đấy, hẳn?
Bà cần phải nói ráo riết ngay để chặn họng, không cho bà lão mở mồm vòi vĩnh. Bà lão bị những lời tàn nhẫn ấy hắt vào mặt quả nhiên không còn nói sao được nữa. Bà cúi đầu, như một con mẹ ăn cắp lúa, bị tuần sương tóm được. Bà phó chiếp chiếp mồm luôn mấy cái, rồi vác mặt lên trời mà bảo:
– Chơi với bời! Cái lúc nó mới đến, trông như con giun chết, cạy gỉ mũi còn chưa sạch thì không thấy chơi với bời. Người ta nuôi mãi, bây giờ mới trơn lông đỏ da một tí, đã phải đến mà giở quẻ. Tưởng báu ngọc lắm đấy! Tưởng người ta đã phải giữ khư khư lấy đấy!… Úi chào! Có phải mả tổ nhà người ta đâu mà người ta giữ? Muốn bắt nó về, cho nhà nào nó nuôi làm bà cô tổ nhà nó nó thì cứ bắt. Ai người ta thiết? Cứ trả lại tiền người ta!…
Bà lão rưng rưng nước mắt. Khốn nạn, bà có ý quắt quéo thế đâu? Bà lão mếu máo:
– Bẩm bà, bà dạy thế thật oan cho con quá. Trời để con sống bằng này tuổi đầu, con còn dám lừa lọc hay sao? Thật có trời trên kia làm chứng, nếu con quả định đến đây để dỗ dành cháu về để đem cho người khác thì trời cứ vật chết con đi! Con chỉ xin bà cho được trông thấy cháu, bà cháu chơi với nhau một lúc. Cũng chẳng còn mấy chốc nữa mà con chết, con cũng tưởng đi chơi dối già một bận…
– Nó không đuợc rỗi mà chơi với bà. Chẳng chơi bời gì cả! Bà đã trót lên thì vào đây, tôi cho một bữa cơm. Bận sau thì đừng vẽ con khỉ nữa. Nhà tôi không có thói phép cho chúng nó như thế được. Con tôi đi học tận Hà Nội, dễ tôi cũng phải nay ra chơi, mai ra chơi với nó đấy! Đã đi ở mà còn không biết phận… Chơi với bời!…
Môi bà lại chiệp chiệp và xìa ra…
Cái đĩ vừa trông thấy bà, mừng rối rít. Nó cười rồi nó khóc chẳng biết vì sao cả. Nhưng đôi mắt khoằm khoặm của bà phó Thụ dội nước vào lòng nó. Nó tự nhiên ngượng nghịu. Nó không dám xoắn xuýt bà nó nữa. Nó cúi đầu, khẽ hỏi:
– Bà đi đâu đấy?
– Bà đến xin bà phó một bữa cơm ăn đây! Bà đói lắm.
Câu nói rất thật thà ấy, bà lão dùng giọng đùa mà nói. Như thế người ta gọi là nửa đùa nửa thật. Một cách lấp liếm cái ý định của mình bằng cách nói toạc nó ra. Cái đĩ bế em, dắt bà ra đầu chái, để không bị ai nhìn nữa…
– Da bà xấu quá! Sao bà gầy thế?
– Chỉ đói đấy thôi, cháu ạ. Chẳng sao hết.
– Lớp này bà ở cho nhà ai?
– Chẳng ở với nhà ai.
– Thế lại đi buôn à?
– Vốn đâu mà đi buôn? Với lại có vốn cũng không đi được. Người nhọc lắm.
– Thế thì lấy gì làm ăn?
– Chỉ nhịn thôi chứ lấy gì mà ăn!
Bà cháu mới kịp trao đổi với nhau từng ấy câu thì bà phó đã the thé hỏi:
– Nó bế em đi đâu rồi?
Ấy là dấu hiệu bà sắp gọi. Cái đĩ vội đặt em xuống đất, bảo:
– Bà giữ nó hộ con một tí.
Nó cởi dải yếm lấy ra một cái túi rút con con. Trong túi xóc xách mấy đồng trinh. Nó rút ra, đếm lấy hai xu, giúi cho bà…
– Con biếu bà để bà ăn bánh đúc. Bà về đi!
Tiếng bà phó giục:
– Cái đĩ đi đâu rồi? Đem em về đây, rồi quét nhà, dọn cơm.
– Vâng!
Nó tất tưởi bế em chạy về. Bà lão hãi chó, lẽo đẽo đi theo cháu. Bà phó trông thấy mà lộn ruột. Bà xa xả:
– Bà đừng theo đít nó thế. Bà cứ ngồi một chỗ rồi mà ăn cơm, Khiếp thật thôi!
– Vơơơng!…
Bà lão “vâng” thành một tiếng rên. Bà vào nhà, ngồi xón vén vào một xó ngay xuống đất. Bà phó cất lấy con. Cái đĩ lụt cụt chạy xuống nhà dưới. Một lát sau, tiếng đũa bát bắt đầu lạch cạch… Bà phó bảo:
– Bà xuống dưới này mà ăn cơm.
Bà bế con ra. Bà lão theo sau. Tiếng khung cửi đã ngừng. Mấy cô dệt cửi đều là con gái hoặc con nuôi bà phó Thụ, đang tới tấp, cô xới cơm, cô bỏ rau, cô sẻ mắm, chung quanh cái mâm gỗ đặt ngay trên mặt đất. Cả nhà quây quần vào, chỉ ngồi có một mâm. Bà lão chẳng đợi ai phải bảo, ngồi ngay xuống cạnh cháu, tay run run so đũa. Trông bà so đũa mà ngứa mắt! Bà phó muốn giật xoét lấy làm thật nhanh cho đỡ bực. Nhưng bà nhịn đuợc. Bà chỉ chép miệng và lừ lừ đôi mắt, tỏ ý khó chịu. Cái đĩ hiểu nên chỉ nhìn xuống đất. Nó giận bà nó lắm. Nó đã bảo bà nó về đi mà bà nó không chịu về…
Bà phó chẳng nói nửa lời, bê lấy bát cơm ăn. Mặt bà vẫn hầm hầm. Lũ con gái, con nuôi, con ở, biết hiệu, vội vàng cũng làm theo. Chậm một tí, bà chửi cho phải biết! Có khi bà hắt cả bát cơm vào mặt. Bà lão nhìn vòng quanh một lượt, rồi cũng cất bát cơm lên:
– Mời bà phó…
Nhưng bà vừa mới há mồm ra thì bà phó đã cau mặt quát:
– Thôi, bà ăn đi! Đừng mời!
Bà lão vội vàng ăn ngay. Nhưng họ ăn nhanh quá. Mọi người đều lặng lẽ, cắm cúi, mải mốt. Đôi đũa này lên lại có đôi khác xuống. Liên tiếp luôn như vậy. Cứ tăm tắp tăm tắp. Tay bà lão lờ rờ, không biết lợi dụng lúc nào để gắp rau vào bát mắm. Lập cập quá, bà đánh rơi cả mắm ra ngoài bát. Bà phó lại cau mặt, gắt:
– Sẻ riêng cho bà ấy một bát mắm, để ra cạnh mâm cho bà ấy!
Một cô vội làm ngay. Từ đấy, bà lão dễ xoay xở hơn một chút. Nhưng bà mới ăn chưa hết hai lượt cơm thì bà phó đã quăng bát đũa xuống đất. Chỉ một thoáng sau, mọi nguời khác cũng thôi. Họ thôi gần đều một lượt. In như bà mẹ ra hiệu cho họ vậy. Thật ra thì lệ mỗi người chỉ được ăn có ba vực cơm thôi. Mà phải ăn nhanh để còn làm. Nhưng bà lão nhà nghèo, đã quen sống vô tổ chức, làm gì hiểu trong những nhà thừa thóc, thừa tiền, lại có sự hạn chế miệng ăn như vậy? Bà đoán rằng họ khảnh ăn. No dồn, đói góp. Người đói mãi, vớ được một bữa, tất bằng nào cũng chưa thấm tháp. Nhưng người no mãi, người ta có cần ăn nhiều lắm đâu. Vậy thì bà cứ ăn. Ăn đến kì no. Đã ăn rình thì ăn ít cũng là ăn. Đằng nào cũng mang tiếng rồi thì dại gì mà chịu đói? Bà ăn nữa thật. Cái đĩ ngượng quá, duỗi cổ ra, trợn mắt, nuốt vội mấy miếng cơm còn lại như một con gà con nuốt nhái. Rồi nó buông bát đũa. Bà bảo cháu:
– Ăn nữa đi, con ạ. Nồi còn cơm đấy. Đưa bát bà xới cho.
Nó chưa kịp trả lời thì bà phó đã mắng át đi:
– Mặc nó! Nó không ăn nữa! Bà ăn bằng nào cho đủ thì cứ ăn!
À! Bây giờ thì bà lão hiểu. Người ta đứng lên tất cả rồi. Chỉ còn mình bà lão ngồi ăn với bà phó Thụ ngồi lại để lườm với nguýt. Nhưng bà lão còn thấy đói. Còn cơm mà thôi ăn thì khí tiếc. Vả đã đi ăn chực thì còn danh giá gì mà làm khách. Bà cứ ăn như không biết gì. Đến khi bà đã tạm no, thì cơm vừa hết. Chỉ còn một ít bám dưới đáy và chung quanh nồi. Bà vẫn tiếc. Bà kéo cái nồi vào lòng, nhìn, và bảo con bé cháu:
– Còn có mấy hột để nó khô đi mất. Tao vét cho mày ăn nốt đi kẻo hoài, đĩ nhé?
– Khô mặc kệ nó! Bà có ăn được hết thì ăn đi, đừng bảo nó. Nó không ăn vào đâu được nũa. Ăn cho nó nứt bụng ra thì ăn làm gì?
Bà phó vội gắt gỏng bảo thế. Ừ, thì bà ăn nốt vậy! Bà cạo cái nồi sồn sột. Bà trộn mắm. Bà rấm nốt. Ái chà! Bây giờ thì bà no. Bà bỗng nhận ra rằng bà no quá. Bụng bà tưng tức. Bà nới thắt lưng ra một chút cho dễ thở. Bà tựa lưng vào vách để thở cho thoả thích. Mồ hôi bà toát ra đầm đìa. Bà nhọc lắm. Ruột gan bà xộn xạo. Bà muốn lăn kềnh ra nghỉ, nhưng sợ người ta cười, cố gượng. Ôi chao! Già yếu thì khổ thật. Đói cũng khổ mà no cũng khổ. Chưa ăn thì người rời rã. Ăn rồi thì có phần còn nhọc hơn chưa ăn. Ôi chao!…
Xế chiều hôm ấy, bà lão mới ra về được. Bà bảo: về muộn cho đỡ nắng. Thật ra thì bà tức bụng, không đi nổi. Mà bà uống nhiều nước quá. Uống bằng nào cũng không đã khát. Bà chỉ càng thêm tức bụng. Đêm hôm ấy, bà lăn lóc rất lâu không ngủ được. Bà vần cái bụng, bà quay vào lại quay ra. Bụng bà kêu ong óc như một cái lọ nước. Nó thẳng căng. Bà thở ì ạch. Vào khoảng nửa đêm, bà thấy hơi đau bụng. Cơn đau cứ rõ thêm, cứ tăng dần. Chỉ một lúc sau, bà đã thấy đau quắn quéo, đau cuống cuồng. Rồi bà thổ. Rồi bà tả. Ôi chao! Ăn thật thì không bõ mửa. Bà tối tăm mặt mũi. Đến khi bệnh tả dứt thì bà lại sinh chứng đi lị. Ruột bà đau quằn quặn. Ăn một tí gì cũng đau không chịu được. Luôn nửa tháng trời như vậy. Rồi bà chết. Bà phó Thụ, nghe tin ấy, bảo: “Bà chết no”. Và bà dùng ngay cái chết ấy làm một bài học dạy lũ con gái, con nuôi:
– Chúng mày xem đấy. Người ta đói đến đâu cũng không thể chết nhưng no một bữa là đủ chết. Chúng mày cứ liệu mà ăn tộ vào!…
Theo Bigone.vn
Trong cuộc đời ai cũng có thể phạm sai lầm. Nhưng có những sai lầm có thể sửa chữa được, còn có những sai lầm lại lưu lại sự nuối tiếc sâu sắc. Dưới đây là 3 sai lầm không nên phạm phải trong cuộc đời một người.
Sách Mạnh tử viết rằng:
Vua Thuấn xuất thân nơi đồng ruộng, Phó Duyệt được tiến cử từ khi còn là thợ xây, Giao Cách được tiến cử từ quầy bán cá muối, Quản Trọng được tiến cử khi còn là binh sỹ, Tôn Thúc Ngao được cất nhắc từ vùng ven biển, Bách Lý Hề được tiến cử từ nơi chợ búa.
Khi trời giao sứ mệnh trọng đại cho những người ấy, trước hết ắt phải làm khổ tâm chí họ, làm nhọc gân cốt họ, khiến thân xác họ đói khát, hao tổn thân họ, nhiễu loạn việc họ làm. Cho nên người ấy mới động tâm mà học cách nhẫn nại, làm giàu thêm những tài năng người ấy chưa có. Người ta thường lầm lỗi rồi sau đó mới có thể sửa đổi, khi thống khổ trong lòng mới biết cân nhắc, toan tính về sau. Vậy mới làm nên việc.
Lòng tin, chí khí là thứ quan trọng nhất trong cuộc sống. Mất lòng tin là mất đi mục tiêu. Trong vô vọng rất có thể người ta sẽ trở nên sa ngã. Bấy giờ sẽ có đủ điều níu kéo người ta sa đọa: cờ bạc, rượu chè, tình dục, v.v.. Điều đáng tiếc nhất là người ở trong nghịch cảnh không nhận ra cơ hội tôi rèn ý chí và bồi dưỡng phẩm đức của mình.
Có câu rằng: “Trời sinh ta ắt có chỗ dùng”. Đôi khi nghịch cảnh chỉ là cái cớ để ta quay đầu tìm ra phương hướng phù hợp hơn mà thôi.
Thành Troy đứng vững trước liên quân Hy Lạp hùng mạnh nhiều năm trời. Cuối cùng quân Hy Lạp phải dùng đến mưu kế giả vờ rút quân, để lại một con ngựa gỗ thật to, bên trong chứa đầy binh lính Hy Lạp. Quân trấn thủ thành Troy không biết, bèn coi con ngựa gỗ là chiến lợi phẩm, và vận chuyển nó vào trong thành bất chấp sự ngăn cản của một số ít người tỉnh táo và trí tuệ. Thành Troy nhảy múa hoan ca, mở tiệc rượu ăn mừng đánh bại quân Hy Lạp, đến nỗi toàn bộ binh lính không còn phòng vệ gì hết. Đến khi nửa đêm tĩnh lặng, quân Hy Lạp mới lặng lẽ chui từ bụng con ngựa gỗ ra, mở cổng thành, giết lính canh, quân Hy Lạp giả vờ rút đi cũng nhanh chóng ập đến, kết quả thật là thảm khốc: thành Troy bị hạ, người dân bị thảm sát, thành bị phá hủy hoàn toàn, vợ của các tướng lĩnh thành Troy bị chia cho tướng lĩnh Hy Lạp.
Khiêm tốn, cẩn trọng mới không phạm sai lầm lớn. Khi đắc ý quên mất bản thân, kiêu ngạo tự đại, cũng là lúc sa cơ lỡ bước đã gần kề. Do đó đây đặc biệt là một sai lầm không nên phạm phải.
Có những người nỗ lực nửa đời người, trả giá rất nhiều để có thể thành công. Nhưng khi thành danh rồi, có được bổng lộc rồi, lại là lúc khó giữ vững bản thân nhất. Bởi vì nhàn cư vi bất thiện, không có đủ ý chí và nghị lực để giữ mình, cuối cùng tự mình bôi nhọ thanh danh bản thân, kiếm củi ba năm thiêu một giờ. Đây cũng chính là vì đắc ý mà quên mất bản thân, quên mất quá trình khổ cực thành tựu chính mình.
Ảnh: internet
Con người không thể sống thiếu lương tri. Lương tâm là cái gốc làm người, một người hành thiện hay hành ác, hết thảy đều xuất phát từ lương tâm.
Ông tổ nghề mộc Lỗ Ban có một người đồ đệ là Vương Ân. Một lần nọ Lỗ Ban chế tác một người gỗ dùng để cưa gỗ. Sau này Vương Ân tình cờ nhìn thấy người gỗ này, bèn lặng lẽ đo đạc và làm một chiếc y hệt như vậy, nhưng nó lại không thể hoạt động.
Vương Ân miễn cưỡng quay về thỉnh giáo Lỗ Ban. Hai thầy trò người hỏi người đáp rằng:
– Kích thước đã đo hết chưa?
– Đo chuẩn rồi ạ!
– Đã đo đầu chưa?
– Đo rồi ạ!
– Đo chân chưa?
– Đo rồi ạ!
…
Cuối cùng Lỗ Ban chợt hỏi: “Ồ chắc đại khái là do ngươi không đo tâm!”
Vương Ân tuỳ tiện đáp: “Đúng! Con không đo tâm.”
Lỗ Ban đanh mặt lại nói: “Vương Ân, người không có lương tâm thì không thể thành công được!”
Người có lương tâm, thì trước khi hành sự thường tự hỏi bản thân xem làm như vậy đúng hay không. Người có lương tâm sẽ cẩn trọng trong từng lời nói, việc làm, nên dễ tránh được sai sót.
Không có lương tâm là sai lầm không nên phạm phải nhất. Con người có thể không có tiền tài, quan tước, quyền thế, nhưng không thể không có lương tâm. Bởi lẽ không có lương tâm thì tiền tài danh vọng cũng chỉ đưa người ta đến trước vực thẳm.
Thiên Cầm / Vạn điều hay
Trong phiếu kết quả xét nghiệm sinh hóa, ngoài chỉ số Cholesterol toàn phần, còn có sự xuất hiện của các chỉ số khác như LDL, HDL. Vậy chúng là gì, và riêng chỉ số LDL mang ý nghĩa như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây.
Trong kết quả xét nghiệm sinh hóa máu, những chỉ số có liên quan tới cholesterol bao gồm:
Cholesterol toàn phần: giá trị bình thường là < 200 mg/dL.
Cholesterol không hoàn toàn là chất có hại. Nó là phần chất béo thiết yếu mà tế bào trong cơ thể chúng ta cần. Cholesterol có thể được tạo ra từ gan, hoặc được thu nạp từ thức ăn. Cholesterol được vận chuyển trong máu nhờ chất trung gian vận chuyển, đó chính là lipoprotein. Như chúng ta đã thấy sự xuất hiện của hai chỉ số là LDL và HDL, trong đó HDL được coi là “cholesterol tốt”, còn LDL là “cholesterol xấu”.
LDL là “cholesterol xấu” bởi nó gây nên tình trạng vữa xơ động mạch, là nguyên nhân dẫn tới các bệnh lý đe dọa tính mạng như nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.
LDL – “cholesterol xấu”.
LDL là “cholesterol xấu”, do đó giá trị của LDL trên kết quả xét nghiệm sinh hóa máu càng thấp càng tốt.
Ở người trưởng thành khỏe mạnh, giá trị tối ưu của LDL nên ở mức < 100 mg/dL, tuy nhiên ở mức 100 – 129 mg/dL vẫn là bình thường (riêng trường hợp người có sẵn bệnh lý tim mạch hoặc có yếu tố nguy cơ về bệnh lý tim mạch thì cần giữ ở giá trị dưới 100 mg/dL). Nếu kết quả trong khoảng 130 – 159 mg/dL là ở giới hạn cao, 160 – 189 mg/dL là ở mức cao và từ 190 mg/dL trở lên là rất cao.
Ở trẻ em, giá trị bình thường thấp hơn so với người lớn. LDL nên giữ ở ngưỡng < 110 mg/dL, mức giới hạn cao là 110 – 129 mg/dL, và từ 130 mg/dL trở lên là mức cao.
LDL gây vữa xơ động mạch.
Để đạt được và duy trì giá trị LDL tối ưu không phải điều dễ dàng, nó đòi hỏi sự kiên trì thực hiện lối sống lành mạnh, chế độ ăn lành mạnh và tập luyện hợp lý. Cholesterol sẽ tăng dần theo tuổi tác, do đó, càng bắt đầu cuộc sống lành mạnh sớm bao nhiêu thì kết quả càng tốt bấy nhiêu. Những lời khuyên cụ thể bao gồm:
Nếu bản thân có chỉ số LDL vượt giới hạn, người bệnh có tiền sử bệnh lý tim mạch hoặc có yếu tố nguy cơ, hãy gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn, điều trị kịp thời.
Theo vinmec / Khoa học TV
Trong mấy ngày qua, “Everything Everywhere All at Once” đã trở thành một hiện tượng của Oscar 2023 khi giành được tới 7 giải Oscar liên tiếp. Hơn nữa nam diễn viên Quan Kế Huy được tượng vàng Oscar lại là một người Mỹ gốc Việt, sinh ra trong một gia đình người Việt gốc Hoa, rồi trở thành thuyền nhân và được tị nạn ở Mỹ. Là một bộ phim kinh phí thấp, với một đội ngũ kỹ xảo điện ảnh khiêm tốn, “Everything Everywhere All at Once” đã không đi theo con đường của các ông lớn trong làng phim.
“Everything Everywhere All at Once” xoay quanh nhân vật Evelyn, người đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống: Tình hình kinh doanh hiệu giặt ảm đạm, hôn nhân rạn nứt, mối quan hệ với con gái căng thẳng… Giữa lúc cuộc đời rối ren nhất, Evelyn bất ngờ phải gánh vác thêm nhiệm vụ giải cứu đa vũ trụ, bằng cách xâm nhập vào tiềm thức của chính mình trong các vũ trụ khác, vận dụng các kỹ năng mà bản thân có ở các vũ trụ khác đó để ngăn cản cái ác làm đa vũ trụ diệt vong. Và oái oăm thay, cái ác đó lại là Jobu, người mang hình hài con gái của Evelyn ở một thực tại khác.
“Everything Everywhere All at Once” mang một cảm giác rất “đa vũ trụ”. Đôi khi bạn không biết mình đang xem một bộ phim tâm lý xã hội, phim kinh dị, hay phim khoa học viễn tưởng nữa. Có lẽ điều khiến bộ phim này đặc biệt là vì nó lồng ghép được rất rất nhiều vấn đề, rất nhiều câu hỏi mà nhân loại hiện đang phải đối mặt.
Alpha-Waymond, chồng Evelyn tại vũ trụ Alpha, nói với Evelyn về sự thay đổi của vũ trụ như vậy:
“Chúng ta đều có thể cảm giác được. Em cũng cảm giác thấy, đúng không? Có gì đó không đúng. Quần áo em mặc không còn vừa vào ngày hôm sau. Tóc em không còn rụng theo cách nó vẫn rụng. Vị cà phê cũng không còn đúng. Nền móng của chúng ta đang đổ vỡ. Không ai còn tin tưởng hàng xóm của mình. Và em thức khuya tự hỏi… Làm thế nào để mọi thứ quay trở lại?”
Cảm giác mà Alpha-Waymond nói tới ở đây, có thể nhiều người tinh ý sẽ để mắt tới. Trên thực tế, ngoài sự ô nhiễm môi sinh khiến đôi khi hít thở cũng là điều khó khăn, thì chúng ta cũng đang phải đối mặt với một sự ngột ngạt khó giải thích thành lời. Nó khiến cho con người sống không có niềm tin vào nhau, khiến cho chúng ta luôn phải nghĩ xem người khác nghĩ gì, luôn đánh giá người khác, luôn sinh ra sự uất hận đối với người khác. Có thể bạn cho mình là người tốt, nhưng khi quan niệm cá nhân bị xung kích đến thì bạn sẽ thấy bản thân tràn ngập tâm đố kỵ, oán hận, tranh đấu, thay vì lòng bao dung và vị tha. Thậm chí chuyện con giết cha mẹ, chồng giết vợ, vợ chồng giết con… đã không còn là một hai trường hợp cá biệt nữa. Những người sống nơi thị thành có lẽ sẽ cảm nhận được điều này rõ nhất, và sẽ càng cảm nhận rõ hơn khi chỉ cần cách xa khỏi thành phố vài km thôi, áp lực đó sẽ được giảm nhẹ nhiều lần mặc dù vẫn có.
Và bạn biết không, chỉ mới 60, 70 năm trước thôi, cảnh “ngủ đêm không cần khóa cửa” vẫn là điều bình thường trong cuộc sống. Đôi khi bạn tự hỏi: Xã hội làm sao vậy? Chúng ta làm sao vậy?
Một ví dụ nữa là về thời gian, điều này có lẽ những người già hoặc người lớn tuổi sẽ mơ hồ cảm giác được. Trong quá khứ, chúng ta cảm thấy thời gian một ngày trôi qua rất lâu, làm được rất nhiều việc, nhưng hiện tại dường như thời gian trôi qua thật là nhanh, có cảm giác thân thể không theo kịp. Nhất là những người sống nơi thành thị, cảm thấy vừa khổ vừa mệt, thoáng cái là đã qua một ngày, một tháng, một năm.
Có thể trong tiềm thức bạn cũng cảm giác được áp lực đè nén lên thời đại của chúng ta. Nó thật giống như điều mà “Everything Everywhere All at Once” mô tả. Nếu cứ tiếp tục như thế này, chẳng phải nhân loại sẽ đi vào một hố đen hủy diệt – cái “bánh vòng” của Jobu sao?
“Cái ác” Jobu trong phim cũng là một hình tượng chân thực của xã hội hiện đại. Bị mẹ là Alpha-Evelyn ép vượt quá điểm tới hạn, Jobu lâm vào một trạng thái khiến bản thân cô đồng thời trải nghiệm được ý thức tại tất cả các vũ trụ song song. Việc trải nghiệm một lượng ý thức khổng lồ này mang tới cho Jobu năng lực siêu thường, đồng thời cũng mang lại một sự rối loạn, khủng hoảng tinh thần.
Tại các vũ trụ song song, mỗi cá nhân đưa ra các lựa chọn khác nhau tại các thời điểm khác nhau của cuộc đời. Một người có thể là nhà khoa học ở vũ trụ này, và là kẻ giết người ở vũ trụ khác. Việc nhìn nhận bản thân ở mỗi phiên bản khác nhau đã khiến Jobu sụp đổ hoàn toàn khái niệm về đạo đức. Chuyện gì cũng có thể xảy ra, vậy thì đạo đức là gì, sống để làm gì? Jobu chỉ còn lại một “cái tôi” cô độc, vô đạo, cũng không tìm được mục đích sống.
Bởi vậy, Jobu trong “Everything Everywhere All at Once” xuất hiện với một hình ảnh phản truyền thống nhất: khủng bố, chém giết, bất cần… Đồng thời Jobu cũng ảnh hưởng tới Joy, con gái của Evelyn, thực tại khác của Jobu ở vũ trụ này. Joy biểu lộ mọi sự bất cần của lứa tuổi dậy thì, xăm mình, đồng tính, không bao giờ hỏi thăm gia đình, v.v..
Nhưng nếu nhìn vào hình ảnh của Jobu hay Joy, chúng ta sẽ thấy hình ảnh chân thực của chính thời đại mà chúng ta đang sinh sống. Có thể nói rằng nhân loại khác gì Jobu?
Thời đại của chúng ta là một thời đại phản truyền thống, không còn sự ước thúc về quy phạm đạo đức nhân luân, ngôn từ thô tục vô lễ, quan hệ nam nữ hỗn loạn. Ý thức hiện đại cùng sự phổ cập của những thiết bị điện tử và mạng internet có sự ảnh hưởng rộng lớn đến mức đáng sợ. Những câu chuyện cười dung tục, những bức ảnh, video kỳ quái… đều khiến con người từng phút từng giây bị ngập trong tư duy hiện đại.
Không chỉ là giải trí, ý thức hiện đại này còn thẩm thấu vào mọi lĩnh vực trong xã hội như chính trị, pháp luật, giáo dục, kinh tế… Ví như văn hóa truyền thống nhìn nhận kinh tế là để kinh bang tế thế, cứu đời giúp người, coi trọng giao dịch công bằng trong toàn xã hội, không gây tổn hại tới lợi ích của người khác. Nhưng kinh tế ngày nay về tổng quan lại hướng dẫn cách thành công, chủ yếu chỉ lưu tâm tới lợi nhuận, lợi ích lớn nhỏ. Tóm lại cũng chỉ là “cái tôi”.
Khoa học hiện đại thì phát triển mà không còn chịu sự ước thúc của đạo đức, đã phóng đại dục vọng vô cùng của nhân loại, như kỹ thuật nhân bản vô tính, phẫu thuật thay đầu người, biến đổi gen người… Đây đều là biểu hiện của việc phá hoại quy luật tự nhiên, vi phạm đạo lý, càng phát triển lại càng đưa nhân loại sớm tới vực thẳm diệt vong.
Điều này có khác gì cái “bánh vòng” – thứ Jobu tạo ra bằng cách ném vào đó mọi ước mơ, hy vọng và những thứ mình yêu thích – để tạo ra một hố đen “không có gì” – nhưng có thể phá hủy tất cả? Có thể thấy rằng Jobu cảm thấy cuộc đời mình, cuộc đời của mọi thực tại của bản thân, cũng như cuộc đời của tất cả sinh mệnh, đều là vô nghĩa.
Khoa học hiện đại đã nghiên cứu đến được một số điều tương đối nhỏ bé. Thế giới của chúng ta nhìn từ góc độ vật lý là thế giới của các “hạt”. Nhưng nếu coi cuộc sống này đơn giản là những sự lựa chọn, đơn giản là “xác suất thống kê”, đơn giản là “sự dao động của các hạt”, như Jobu chỉ ra, thì đạo đức là gì đây?
Kỳ thực đây là một câu hỏi lớn mà “Everything Everywhere All at Once” đặt ra – hoặc giả tiếp nối.
Kể từ thời kỳ viễn cổ xa xưa, trong bất kể nền văn minh nào, trong bất kể phương cách sinh tồn nào, trong bất kể triết lý, nhận thức hay tín ngưỡng nào, nhân loại vẫn luôn kiếm tìm câu trả lời cho những câu hỏi lớn: “Chúng ta là ai? Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta sẽ đi về đâu? Mục đích của sinh mệnh là gì?” Con người là những đứa con do Chư Thần “dùng bùn đất tạo ra” hay là kết quả “may mắn” của những đột biến “ngẫu nhiên” từ một giống loài cổ đại?
Cuộc sống của người hiện đại đã mất đi niềm vui mà tự nhiên ban tặng và những suy ngẫm về bản nguyên sinh mệnh, mất đi con đường giúp đạo đức, tầng thứ sinh mệnh thăng hoa. Con người ngày càng rời xa chính đạo. Nhiều người thật sự không thể hiểu được tâm cảnh của người xưa, lại càng chẳng thể thông hiểu lịch sử nhân loại và văn hóa truyền thống một cách chân chính. Không chỉ vậy, các tín ngưỡng vốn có thể giúp con người thăng hoa cũng đã bị con người đưa vào những tranh đua danh lợi chốn bụi trần.
Vì sao ngày nay lại có nhiều người trẻ tuổi tự sát, sát hại bạn bè, người thân một cách tàn nhẫn không chút run tay như thế? Vì sao ngày nay con người lại vô cảm như thế? Nếu như tất cả chỉ là tương đối, tất cả chỉ là quy tắc mà chúng ta dùng để bó buộc nhau, thì đạo đức lại là gì đây? Sống để làm gì? Chết thì có sao?
*
“Everything Everywhere All at Once” đã cố gắng trả lời những câu hỏi của thời đại chúng ta thông qua nhân vật Waymond:
“Làm ơn! Xin làm ơn! Liệu chúng ta… có thể dừng đánh nhau lại? Tôi biết rằng mọi người đánh nhau vì sợ hãi và bối rối. Tôi cũng bối rối. Cả ngày hôm nay tôi chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhưng dường như… dường như tất cả đều là lỗi của tôi vậy. Tôi không biết nữa. Nhưng điều duy nhất tôi biết là chúng ta cần phải tử tế. Hãy tử tế. Đặc biệt khi chúng ta không biết chuyện gì đang xảy ra.”
Dù khoa học nói với chúng ta rằng chúng ta đang sống trong một thế giới của xác suất thống kê, dù cho chúng ta bối rối khi không biết ý nghĩa cuộc sống là gì, dù cho đạo đức trong mắt người hiện đại chỉ là tương đối, thì “hãy tử tế”, hãy thiện lương với mọi người. Đó là thông điệp của “Everything Everywhere All at Once”.
Tất nhiên, đó không phải là một câu trả lời toàn vẹn. Nhưng có một điểm bộ phim đình đám này nói đúng, nhân loại vẫn còn hy vọng, bởi vì chúng ta vẫn còn sự thiện lương và lòng tốt, dù chỉ là một chút thôi. Hãy nhìn mọi việc ở mặt tích cực, và hãy cho người khác cơ hội, bởi nhân loại vẫn còn cơ hội. Cũng như Evelyn đã làm vậy, khi một cá nhân trong toàn thể các thực tại trở nên tốt hơn một chút, thì cái tốt thực sự đã lan tỏa và làm cân bằng lại đa vũ trụ từ góc nhìn của cô.
Và có thể “Everything Everywhere All at Once” không trả lời trọn vẹn được những câu hỏi mà bộ phim đưa ra, nhưng nó lại vô ý chỉ ra được hy vọng cho nhân loại: quay về với những giá trị thiện lương truyền thống.
Một bộ phim kỳ lạ, không phải hài kịch, không phải bi kịch, không phải tâm lý xã hội, cũng chẳng phải hành động, với đầy rẫy cảnh đánh giết, đồng tính, u ám, bạo dâm… lại chỉ ra một điều như vậy. Quả thật là rất phi lý mà cũng rất hợp lý, phải không?
Quang Minh / Trí thức VN
Nguồn: Sergey Radchenko, “Coups in the Kremlin,” Foreign Affairs, 22/09/2022
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Lịch sử của những cuộc tranh giành quyền lực ở Nga cho chúng ta biết gì về tương lai của Putin?
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hoàn toàn xa rời thực tế. Ông vừa tuyên bố tổng động viên một phần để đảo ngược thất bại của mình ở Ukraine, và còn tung ra những luận điệu về vũ khí hạt nhân của Nga, một dấu hiệu cho thấy ông đã rơi vào tuyệt vọng. Chiến tranh càng kéo dài, đất nước của ông càng bị cô lập với phần còn lại của thế giới. Nga cũng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc để giữ cho nền kinh tế của họ không sụp đổ dưới sức nặng của các lệnh trừng phạt, ngay cả khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc bày tỏ quan ngại về cuộc xâm lược. Thất bại trong việc chiếm Kyiv, và những bước lùi gần đây tại khu vực Kharkiv ở miền đông Ukraine đã khiến các nhà bình luận ủng hộ Putin cũng phải nghi ngờ về quyết định của ông. Trong bối cảnh đó, có lẽ nhiều người Nga đã bắt đầu đặt câu hỏi rằng: Putin có thể nắm quyền và theo đuổi cuộc chiến man rợ của mình thêm bao lâu nữa. Một số ít các quan chức cấp tỉnh – những người mạnh dạn kiến nghị yêu cầu Putin từ chức – đã công khai bày tỏ điều mà nhiều thành viên của giới tinh hoa chính trị Nga đang cân nhắc một cách riêng tư. Hẳn là có ai đó trong những hành lang âm u của Điện Kremlin sẽ quyết định rằng ông ta phải ra đi.
https://anchor.fm/nghien-cuu-quoc-te/embed/episodes/Lch-s-nhng-cuc-o-chnh–in-Kremlin-e1ofmbj
Nhưng ngay cả khi các cấp phó của Putin kết luận rằng họ muốn phế truất Putin khỏi chiếc ghế quyền lực, thì việc loại bỏ ông vẫn sẽ rất khó khăn. Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Moscow đã không trải qua một cuộc đảo chính nào, dù thành công hay không thành công. Thậm chí còn chưa có một âm mưu nào nghiêm túc – chí ít là trong số những âm mưu được công khai. Cuộc đối đầu của cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin với Xô-viết Tối cao vào năm 1993 – kết thúc sau khi xe tăng Nga bắn vào tòa nhà quốc hội – là điều gần nhất với một cuộc đảo chính mà đất nước từng trải qua. Nhưng ngay cả sự kiện đó cũng không đủ điều kiện để xem là đảo chính, vì nó chỉ là cuộc đối đầu công khai giữa cơ quan hành pháp và cơ quan lập pháp.
Tuy nhiên, nước Nga của Yeltsin tương đối cởi mở và dân chủ, cho phép phản đối hợp pháp ở một mức độ nào đó. Xét đến việc Putin cho trấn áp những người bất đồng chính kiến và đưa nước Nga tiến sâu trên con đường chuyên chế, lịch sử Liên Xô sẽ là một so sánh phù hợp hơn – và đem lại gợi ý tốt hơn về những gì có thể khiến cuộc đảo chính ngày hôm nay thành công, hoặc thất bại. Những câu chuyện dưới đây không thực sự có kết cục tốt đẹp, mà khá phức tạp. Các quan chức hàng đầu đã lật đổ thành công Nikita Khrushchev. Số khác lên nắm quyền trong những khoảnh khắc hiếm hoi khi đất nước thiếu vắng một nguyên thủ quốc gia rõ ràng. Những quan chức này thường không thể hiện tư tưởng chỉ đạo hay nguyên tắc chính trị nào, mà đơn giản chỉ là tham vọng quyền lực. Thành công phần lớn phụ thuộc vào thời điểm và lực lượng: phải hành động nhanh chóng và quyết liệt khi nhà lãnh đạo đương nhiệm bộc lộ yếu kém.
Trong trường hợp của Putin, không thiếu những kẻ có thể soán ngôi ông ta. Vòng tròn thân tín, những nhà quản lý khủng hoảng và những người thừa kế tiềm năng của tổng thống là một nhóm người vô cùng đa dạng. Họ được lựa chọn vì lòng trung thành không nghi ngờ đối với Putin, nhưng lòng trung thành chỉ là một khái niệm tương đối trong một môi trường cực kỳ nguy hiểm. Không ai trong số họ có thể hoàn toàn tin tưởng Putin và cũng không ai trong số họ dám tin tưởng lẫn nhau. Nếu họ lên nắm quyền thông qua một cuộc đảo chính, họ có thể sẽ muốn bản thân tách biệt với người tiền nhiệm về nhiều mặt, bao gồm cả – và đặc biệt là – những thất bại của ông ta ở Ukraine. Hoặc nếu họ lên nắm quyền sau khi Putin qua đời, họ có thể vạch ra một con đường mới để thoát khỏi chủ nghĩa đế quốc.
Thời Liên Xô, đảo chính rất hiếm. Chẳng hạn, hãy xem xét nhiệm kỳ của Joseph Stalin, một nhà độc tài tàn bạo, người đã mở ra nhiều thập niên đàn áp đẫm máu, nhấn chìm ngay cả các quan chức cộng sản hàng đầu. Trong số 139 thành viên và ứng viên của Ban Chấp hành Trung ương được bầu tại Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1934, đã có 98 người bị bắt và bị xử bắn theo lệnh của Stalin. Nhà độc tài đầy thù hận và hoang tưởng đã nhắm mục tiêu vào những đồng đội thân cận nhất của mình, sỉ nhục họ hoặc buộc họ phải đối đầu với nhau. Khrushchev, người kế nhiệm Stalin, kể lại rằng ông đã từng nghĩ, một ngày không xa, Stalin sẽ “kéo quần của mình xuống và xả hết trước mặt chúng tôi, rồi sau đó nói rằng điều này là vì lợi ích của Tổ quốc.” Nếu chuyện kinh tởm như vậy thực sự xảy ra, có lẽ cũng chẳng ai buồn ngạc nhiên.
Khi nhìn lại, thật không thể tưởng tượng nổi rằng giới tinh hoa của Đảng Cộng sản Liên Xô đã dung túng cho một tên bạo chúa khát máu. Vậy mà họ đã làm thế. Một phần nguyên nhân có thể là vì họ công nhận những thành tựu của Stalin với tư cách là một nhà cách mạng kỳ cựu và một nhà lãnh đạo chiến tranh. Nhưng phần còn lại, chắc chắn là vì họ lo sợ cho cuộc sống của chính mình. Để cho Stalin nắm quyền là điều nguy hiểm, nhưng âm mưu đảo chính còn rủi ro hơn. Thất bại sẽ đồng nghĩa với án tử.
Sau khi Stalin qua đời, một cuộc tranh giành quyền lực đã nổ ra, và những người thân cận nhất của ông đã không thể nhận một cái kết tốt đẹp. Nạn nhân đầu tiên là cánh tay đắc lực của Stalin, Bộ trưởng Nội vụ Lavrenty Beria, người bị các đồng nghiệp sợ hãi và coi thường. Ông có quyền kiểm soát lực lượng an ninh quốc gia với khả năng giám sát và bảo an, cũng như nổi tiếng về sự tàn bạo tột cùng. Ông nắm trong tay nhiều thông tin chống lại các nhà lãnh đạo cấp cao khác. Điều mà ông không có là quyền lực trong đảng và trong nước, nghĩa là kẻ khác vẫn có thể lật đổ ông, nếu họ hành động nhanh chóng.
Vụ lật đổ Beria diễn ra trong hỗn loạn và bí mật đến mức đến tận hôm nay, khi hầu hết các tài liệu có liên quan đã được giải mật, người ta vẫn không thể nói chính xác chuyện gì đã xảy ra. Nhưng theo phần lớn các nhân chứng, Khrushchev và Thủ tướng Georgy Malenkov đã đóng vai trò quan trọng. Đầu tiên, hai người âm thầm hỏi các thành viên khác của Đoàn Chủ tịch Xô-viết Tối cao – cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của đất nước – họ sẽ phản ứng ra sao trước một động thái chống lại Beria. Sau đó, họ đưa một số sĩ quan quân đội cấp cao, trong đó có Nguyên soái Georgy Zhukov, vào Điện Kremlin. Trong một cuộc họp của Đoàn Chủ tịch, Khrushchev kể ra tội lỗi của Beria, còn Malenkov nhấn một chiếc nút bí mật, ra hiệu cho quân đội tiến vào bắt giữ một Beria vẫn đang kinh ngạc. Sau đó, Beria bị đưa ra xét xử trong một phiên tòa dàn dựng, nơi ông không được phép tự bào chữa (có lẽ vì sợ rằng ông có thể làm liên lụy đến các lãnh đạo cấp cao khác từng tham gia những tội ác hèn hạ thời Stalin). Cuối cùng, Beria đã bị kết tội và bị xử tử.
Trong những năm sau đó, Khrushchev chuyển sang tập trung cô lập Malenkov. Chẳng ai có thể tưởng tượng một kết cục như vậy sau cái chết của Stalin: uy tín và vị thế chính trị của Khrushchev kém xa Malenkov. Nhưng Khrushchev có thể và đã hành động một cách quyết đoán, thậm chí thô bạo, suýt chút nữa khiến bản thân cũng sụp đổ theo. Trong một cuộc họp tháng 06/1957, một nhóm các nhân vật có tiếng nói nặng ký của Đoàn Chủ tịch đã cáo buộc Khrushchev có khuynh hướng độc tài và cố gắng lật đổ ông ta. Tỷ lệ phiếu bầu tại Đoàn Chủ tịch là 7 phiếu chống lại Khrushchev và 4 phiếu ủng hộ. Khrushchev gần như đã đánh mất quyền lực. Nhưng ông đã lôi kéo được Zhukov, khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng, và Giám đốc KGB Ivan Serov về phe mình, và họ đã giúp tập hợp những người ủng hộ ông trong Ban chấp hành Trung ương Đảng – những người đã bỏ phiếu để bác bỏ quyết định của Đoàn Chủ tịch. Vài tháng sau, Khrushchev thể hiện “lòng biết ơn” của mình bằng cách thẳng tay loại luôn Zhukov.
Khrushchev sống sót ở đỉnh kim tự tháp thêm bảy năm nữa trước khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính cung đình vào tháng 10/1964. Kẻ chủ mưu chính là người Khrushchev bảo trợ, Leonid Brezhnev, người đã lợi dụng sự bất mãn ngày càng tăng trong đảng và chính phủ đối với việc nhà lãnh đạo Liên Xô liên tục tái tổ chức bộ máy, với thói quen sỉ nhục đồng nghiệp của ông ta, xu hướng áp dụng những liệu pháp kinh tế vô tác dụng, và trên hết là thói khoe khoang đến mức không thể chịu nổi.
Brezhnev đã cộng tác chặt chẽ với Alexander Shelepin, một người khác được Khrushchev bảo trợ và là cựu lãnh đạo KGB, cũng như người đứng đầu KGB lúc bấy giờ là Vladimir Semichastny. Họ đã tận dụng lúc Khrushchev vắng mặt. Nhà lãnh đạo Liên Xô đang đi nghỉ ở Abkhazia thì bị triệu hồi khẩn cấp về Moscow, nơi các đồng nghiệp trong Đoàn Chủ tịch trình cho ông một danh sách phê bình và kêu gọi ông từ chức. Lần này, những kẻ chủ mưu đã buộc giới tinh hoa đảng phải phục tùng. Cuộc họp toàn thể của đảng được tổ chức trong vội vã đã xác nhận rằng Khrushchev sẽ nghỉ hưu “vì lý do sức khỏe.” Brezhnev, thoạt tiên được coi là nhân vật sẵn lòng thỏa hiệp, đã dần dần củng cố quyền lực của mình bằng cách tiêu diệt các đối thủ – trước hết và quan trọng nhất, là Shelepin.
Một đặc điểm nổi bật của những cuộc tranh giành quyền lực này là không có sự khác biệt về chính sách giữa những kẻ chủ mưu và nạn nhân của họ. Những quan điểm cho rằng Beria đại diện cho một cách tiếp cận chính sách đối ngoại khác về mặt bản chất so với Khrushchev, hay Khrushchev và Malenkov có những bất đồng sâu sắc về việc phi Stalin hóa, hiện nay phần lớn đã bị bác bỏ. Các đồng chí của Khrushchev đã viện dẫn những sai lầm của ông trong Khủng hoảng Tên lửa Cuba và việc ông bất hòa với Trung Quốc là những lý do khiến ông bị lật đổ. Nhưng cuối cùng, giới tinh hoa Xô-viết coi chính sách đối ngoại là một lĩnh vực đặc biệt mà chỉ có nhà lãnh đạo cao nhất mới có kinh nghiệm và khả năng phán đoán cần thiết để đưa ra quyết định. Nó đóng vai trò thứ yếu so với các mối quan tâm trong nước. Và về cơ bản, các cuộc đảo chính cung đình xoay quanh các mối quan hệ cá nhân trong hành lang quyền lực: chúng là về những tham vọng trần trụi và các đối thủ sẵn sàng đâm sau lưng nhau.
Cũng đáng chú ý là sự thất bại của quân đội hoặc lực lượng an ninh trong việc tận dụng các âm mưu đảo chính. Quân đội và lực lượng an ninh đóng một vai trò thiết yếu trong việc giúp các nhà lãnh đạo lên nắm quyền, tuy nhiên cả Zhukov, Shelepin và Semichastny đều không thu được nhiều lợi ích từ “thành quả lao động” của họ. Sau khi Beria bị lật đổ, các lãnh đạo cấp cao của đảng đã giữ khoảng cách với quân đội và KGB. Liên Xô đã không bao giờ trở thành một chính quyền quân sự. Thật vậy, khi quân đội và KGB cố gắng tiến hành một cuộc đảo chính, như họ đã làm vào năm 1991, để chống lại cố Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev, họ chỉ cho thấy mình vô cùng kém cỏi và đã nhanh chóng bị đánh bại.
Cuối cùng, không hề có dấu vết nào cho thấy có sự tham gia của nước ngoài trong bất kỳ cuộc tranh giành quyền lực nào ở Liên Xô. Beria bị các đối thủ buộc tội là gián điệp phương Tây, nhưng đây là một cáo buộc phi lý. Năm 1957, Khrushchev bày tỏ lòng biết ơn đối với những người Trung Quốc đã ủng hộ ông – Nhà sử học Trung Quốc Trầm Chí Hoa (Shen Zhihua) thậm chí còn lập luận rằng thỏa thuận của Khrushchev, mà sau này ông đã rút lại, trao cho Trung Quốc một quả bom hạt nhân là cách để nói lời cảm ơn. Tuy nhiên, sự ủng hộ này là vì: Bắc Kinh không, và không thể, can dự vào các âm mưu của Điện Kremlin. Năm 1964, Trung Quốc từng ám chỉ rằng Khrushchev sẽ bị lật đổ vì ông ta theo đuổi các chính sách chống Bắc Kinh, nhưng điều đó không đóng vai trò nào trong sự sụp đổ của ông ta, và Brezhnev vẫn giữ nguyên kế hoạch của mình.
Người Mỹ và người Trung Quốc đã ủng hộ hai phe đối lập nhau trong âm mưu đảo chính năm 1991. Nhưng tương tự như cách Tổng thống Mỹ George H.W. Bush lặng lẽ hòa giải để tiếp tục đối thoại với phe quân đội (trước khi họ thất bại), Bắc Kinh đã nhanh chóng hỗ trợ phe quân đội và kịp thời chấp nhận nhà dân chủ cực đoan Yeltsin.
Theo dấu những biến động trong cuộc đấu đá nội bộ của Điện Kremlin là một việc cực khó. Các liên minh chính trị ở cấp cao nhất có xu hướng thay đổi rất nhanh. Kết quả của các cuộc tranh giành quyền lực phụ thuộc vào nhận thức rằng thế nào là thành công, và hầu hết người chơi chỉ thích ngồi bên lề. Đôi khi, âm mưu chẳng dẫn đến kết quả nào cụ thể. Sau tất cả những thất bại và những vụ lạm quyền, một nhà lãnh đạo vẫn có thể cai trị trọn đời và sau đó ra đi vì nguyên nhân tự nhiên.
Không nghi ngờ gì, Putin sẽ thích kịch bản này nhất. Dù một số nhà quan sát suy đoán rằng những sửa đổi hiến pháp mà ông cho thông qua vào tháng 03/2020, đảm bảo rằng các cựu tổng thống sẽ khó bị tước quyền miễn trừ, được thiết kế là nhằm cho phép ông nghỉ hưu, nhưng viễn cảnh đó giờ đây dường như không thể tưởng tượng được. Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev đã bị lôi kéo vào các vụ bê bối và trở thành mục tiêu cho các cuộc biểu tình hàng loạt, chỉ vài năm sau khi ông từ chức vào tháng 03/2019. Qua đó chứng minh cho các nhà chuyên chế khác rằng ngay cả những quá trình chuyển giao quyền lực được dàn xếp trước cũng hiếm khi hoạt động như dự định.
Putin nhiều khả năng đã quyết định tiếp tục tại vị. Nhưng khi triều đại đầy tham nhũng và tai tiếng của ông tiến đến dịp kỷ niệm 23 năm nắm quyền, và khi Putin gần 70 tuổi, gần như chắc chắn những người sẽ thay thế ông đang để mắt đến nhau, và suy nghĩ về các kịch bản kế nhiệm tiềm năng. Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, nhà lãnh đạo có xuất thân danh giá nhưng lại có hồ sơ quân sự đáng thất vọng, khó mà là một ứng viên, dù sự ủng hộ của ông sẽ rất cần thiết cho bất kỳ âm mưu tranh giành quyền lực nào. Người đứng đầu Hội đồng An ninh, Nikolai Patrushev, đôi khi có tên trong danh sách những người kế nhiệm Putin, nhưng điều này cũng khó xảy ra, bởi ông thậm chí còn lớn tuổi hơn Putin.
Cựu Tổng thống Dmitry Medvedev đã dùng đến lập luận diệt chủng để mọi người để ý, nhưng chẳng ai coi trọng ông ta. Chủ tịch Duma Quốc gia, Vyacheslav Volodin, rõ ràng là đang bắt đầu cuộc đua, và ông ta kiểm soát cơ quan lập pháp bù nhìn vốn rất quan trọng đối với bất kỳ sự hợp pháp hóa nào dành cho nhà lãnh đạo mới. Kế đến là Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, một nhà kỹ trị tài ba và một chú ngựa ô đang phi nước đại trên những địa hình nơi ngựa ô từng ghi được những chiến công lớn trong lịch sử. Cựu Thủ tướng Sergei Kirienko, một người từng theo chủ nghĩa tự do mà Putin đã tin tưởng giao cho nhiệm vụ giám sát lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng, cũng đang chuẩn bị đối đầu. Viktor Zolotov, vệ sĩ cũ của Putin và hiện là người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Quốc gia, cũng hy vọng sẽ kế nhiệm ông chủ của mình. Tương tự là Alexander Kurenkov, một cựu vệ sĩ khác của Putin và hiện là Bộ trưởng Bộ Các Tình trạng Khẩn cấp. Ngoài ra còn có những kẻ ngoài cuộc: Ramzan Kadyrov – nhà lãnh đạo không mệt mỏi của Chechnya, và Yevgeny Prigozhin, người thân tín của Putin và là nhà tài phiệt Nga đang nắm trong tay nhóm bán quân sự Wagner.
Tất cả những ứng viên này đều có dính líu đến nhiều hành động bạo lực của Putin, bao gồm cuộc xâm lược Ukraine. Và nếu nhìn từ bên ngoài, khi bất kỳ ai trong số này lên nắm quyền, chương trình nghị sự đối ngoại của Nga cũng sẽ thay đổi rất ít. Nhưng cuộc chơi quyền lực của Điện Kremlin hiếm khi xoay quanh các câu hỏi về nguyên tắc, và những người kế nhiệm cũng có thể đi ngược lại những người tiền nhiệm khi thời cơ thuận lợi. Điều đó có nghĩa là người thay thế Putin không nhất thiết sẽ đi theo chương trình nghị sự chủ nghĩa tân đế quốc của ông. Thật vậy, nếu Putin bị lật đổ, người kế nhiệm của ông có thể sẽ đổ lỗi cho Ukraine về các quyết định của Putin, và sẽ cố gắng có một khởi đầu mới.
Tất nhiên, các nhà phân tích không thể biết liệu những tổn thất ở Ukraine có làm lung lay quyền lực của Putin hay không. Và người kế nhiệm ông cũng có thể tiếp tục cuộc chiến để xoa dịu những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Nga, hoặc đơn giản là vì sức ì. Nhưng nếu Putin ra đi, thế giới nên tận dụng sự kiện đó như một cơ hội nhằm nối lại các cuộc đàm phán để Nga rút khỏi Ukraine. Một nước Nga thời hậu Putin có thể vẫn chuyên chế, nhưng nó không nhất thiết phải tiếp tục những cuộc phiêu lưu liều lĩnh ở nước ngoài.
Sergey Radchenko, “Coups in the Kremlin,” Foreign Affairs,/ Biên dịch Nguyễn Kim Phụng / Nghiên cưu Quốc Tế
Sergey Radchenko là Giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao Johns Hopkins (SAIS) và là thành viên của Trung tâm Kissinger. Ông hiện đang làm việc tại chi nhánh châu Âu của SAIS ở Bologna, Ý.
Thương hiệu đồ sứ cao cấp Bernardaud đề cao nghệ thuật sắp đặt bàn ăn từ châu Âu, từng đường nét khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên.
Bộ sưu tập Aux Oiseaux của Bernardaud lấy cảm hứng từ phòng trưng bày bảo vật từ thế kỷ 16, 17 – tiền thân của bảo tàng đương đại, đồng thời gợi liên tưởng tới hoạ tiết đậm phong cách Nhật. Vẻ đẹp thiên nhiên được thể hiện thi vị trên từng sản phẩm, tạo nét chấm phá riêng.
Đại diện nhà sản xuất cho biết mọi sản phẩm đều trải qua hai lần nung ở nhiệt độ rất cao, đảm bảo bền bỉ suốt quá trình sử dụng và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt trước khi tung ra thị trường. Các họa tiết trên gốm được nghệ nhân nhiều năm kinh nghiệm vẽ bằng tay, đồng thời tuyển chọn vàng cao cấp nhằm tạo tổng thể hoàn chỉnh.
Nghệ nhân tạo hình với họa tiết chim nhiều màu sắc đậu trên cành cây dát vàng cách điệu. Những cánh bướm điểm thêm sức sống cho khung cảnh thiên nhiên trên chất liệu sứ Limoges.
Đại diện Công ty Quốc tế Tam Sơn – nhà phân phối thương hiệu Pháp tại Việt Nam – cho hay: “Bộ sưu tập Aux Oiseaux thể hiện tính thẩm mỹ độc đáo và kỹ thuật chế tác sứ bậc thầy của Bernardaud. Các thiết kế tạo điểm nhấn cho không gian sống nói chung và bàn tiệc thân mật nói riêng”.
Các thiết kế Aux Oiseaux với cảm hứng thiên nhiên, màu sắc nổi bật phù hợp mọi phong cách bàn tiệc và cấu trúc căn hộ hiện đại.
Thưởng thức tách trà hảo hạng và chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật từ nghệ nhân tài ba là một trong những khoảnh khắc khó quên của tín đồ Bernardaud.
150 năm qua, Bernardaud không ngừng đổi mới, ứng dụng công nghệ để vượt qua giới hạn kỹ thuật. Lối thiết kế khác biệt cùng di sản chế tác thủ công giúp thương hiệu chinh phục nhiều nhà sưu tầm khó tính.
Các bộ sản phẩm Bernardaud là gợi ý quà tặng, biếu vào các dịp lễ, Tết.
Tại Việt Nam, thương hiệu Bernardaud được phân phối chính hãng bởi Công ty Quốc tế Tam Sơn.
Hiếu Châu (ảnh: Bernardaud)
Năm nay, được công ty cho nghỉ Tết sớm, Đại Quân vội vã trở về quê. Thấy Đại Quân trở về tay không, bà nội lắc đầu, thở dài, vào nhà lấy ra hai hộp sữa, nói: “Đại Quân, trước đây mỗi lần cháu về nhà đều mang theo ít quà Tết biếu chú Hai và dì Ba. Năm nay cháu về tay không nhưng không thể có ngoại lệ, cháu có thể đem hai hộp sữa này biếu họ!”
Sau đó, bà nội vỗ nhẹ vào từng hộp sữa và dặn dò: “Không được nhầm lẫn đấy nhé, hộp này là của chú Hai Quý, còn hộp này đưa biếu thím Ba của cháu”.
Đại Quân đang mải chơi điện thoại di động, không ngẩng lên, chỉ liếc xéo mắt nhìn, liền thấy một hộp sữa nhiều canxi dành cho người trung niên và người cao tuổi cùng một hộp sữa đậu nành giàu dinh dưỡng. Anh ta gật đầu lia lịa: “Cháu biết rồi”. Ông Hai Quý tuổi đã cao, còn đứa nhỏ nhà thím Ba lại thích uống sữa đậu nành nhất, cho nên Đại Quân đương nhiên biết làm thế nào để sao giao hai hộp sữa này cho đúng chỗ.Anh ta còn tinh mắt nhìn ngày sản xuất của hai hộp sữa, may mắn là không có hộp nào sắp hết hạn sử dụng.
Trong khi bà đang nấu ăn trong bếp, Đại Quân mang hộp sữa giàu canxi dành cho người trung niên và người già đến nhà ông nội, và đưa hộp sữa đậu nành bổ dưỡng cho thím Ba.
Trong lúc ăn cơm trưa, bà hỏi về việc Đại Quân biếu sữa.Đại Quân sốt ruột nói: “Ầy dà, cháu đâu có còn là một đứa trẻ, chẳng lẽ lại không biết cách đưa biếu sữa cho đúng sao? Sữa có hàm lượng canxi cao dành cho người trung niên và người cao tuổi chắc chắn là dành cho chú Hai Quý, còn hộp sữa đậu nành giàu chất dinh dưỡng là…” Không chờ Đại Quân nói xong, bà nội đã lo lắng vỗ đùi cái đét: “Sai rồi, sai rồi!”. Đại Quân xưa nay chưa từng thấy bà nội tỏ ra lo lắng như vậy nên không khỏi giật mình, hoảng hốt: “Sao vậy bà?”
“Ôi, tiểu tổ tông, cháu đã biếu sữa nhầm người rồi!”. Bà nội thở dài buồn bã nói: “Bà nói chuyện, dặn dò cháu nhưng cháu hoàn toàn không chú ý nghe lời, chỉ mải mê chơi điện thoại di động mà! Cháu có biết cái hộp sữa giàu canxi dành cho người trung niên và người cao tuổi là quà mừng sinh nhật của ông Hai Quý của cháu tặng cho bà, còn hộp sữa đậu nành bổ dưỡng, là thím Ba của cháu nói rằng nhà mua nhiều quá, đứa trẻ không thể uống hết nên bà ấy đã mang nó đến cho bà uống!”.
Trần Dân Phong (dịch) / Tả Cát Bình (Trung Quốc)/ Văn nghệ CA
1. Một người có tướng mạo tươi đẹp đều rất biết cách sống, không những biết cách giải tỏa áp lực cho mình, mà trong những ngày mệt mỏi, gặp phải mưa to gió lớn, có lẽ cũng khóc thống khổ, nhưng khóc đủ rồi thì sẽ dũng cảm bước tiếp.
Nội tâm không oán thán chính là phú quý. Bất kể thế sự đổi thay như thế nào đi nữa, họ vẫn tin tưởng, nhất định có một ngày, những điều xấu xa tệ hại cũng sẽ qua đi, những điều tốt đẹp sẽ đến ngay trước mắt. Không có cái gì vĩnh viễn đen đủi ngập đầu, hãy thêm chút đường mật ngọt ngào cho cuộc sống, sẽ thu hoạch được càng nhiều niềm vui hơn.
2. Bao dung là liều thuốc của tâm hồn, không so đo toan tính không phải là ngốc nghếch mà nó là một loại hạnh phúc. Hôm nay tạm thời chịu thiệt, sau này phúc báo sẽ tìm đến. Kỳ thực, bao dung đã chính là một loại phúc báo tâm hồn rồi.
3. Biết đủ thường vui. Náo nhiệt nhất thời là của người ta, hạnh phúc mãi mãi mới là bản thân. Không hâm mộ cho cuộc sống người khác, bình thản với những gì mình có; cuộc sống này có bạn bè, người thân, có sức khỏe, có nụ cười, có nơi để đi, có nhà để về, có mối lương duyên khiến ta trân quý, ấy đã là hạnh phúc rồi.
4. Sống tươi đẹp không phải lúc nào cũng cứng rắn là người mạnh mẽ cứng rắn mà là có thể biến kiểm soát tâm trạng của bản thân, có thể thành tâm chân thành đối đãi với mỗi người, không tùy tiện nổi giận. Cuộc đời giống như răng và lưỡi, cuối cùng răng rụng hết nhưng lưỡi vẫn còn, do đó cần có sự mềm mại, nhu hòa. Gặp phải sự tình không thuận lợi, có thể cho qua thì cho qua. Tâm trạng tốt là bảo chứng đời người.
5. Dù ngoài kia có gây ra sức sát thương thế nào cho ta, ta vẫn phải đối xử thật tốt với bản thân, giữ cho mình phong thái vốn dĩ nên là. Lúc nên cười thì cứ cười, lúc nên náo nhiệt thì cứ náo nhiệt, đặt cho mình mục tiêu nho nhỏ, thi thoảng dành riêng thời gian cho chính mình. Con người sống trên cõi đời này, hãy thong dong lại dịu dàng, yêu cái mình yêu, đừng lãng phí những niềm vui mà cuộc đời ban tặng. Vẫn cứ vui vẻ làm việc, phóng khoáng thoáng đạt, kiên cường lại quả cảm, như vậy cũng đã không phụ lòng với chính mình.
Kỳ Mai / Vạn điều hay Net