Ngôi nhà mái ngói đỏ ở Diên Khánh (Khánh Hòa) rộng 130m2 lưu giữ nét kiến trúc truyền thống đang dần bị mai một của các công trình nhà ở nông thôn.
Diên Khánh House là ngôi nhà mái ngói đỏ nằm ở xã Diên Phú, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) rộng 130m2 do nhóm kiến trúc sư Lê Viết Hội, Đặng Thanh Bảo, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Ngọc Thiên thiết kế, thi công. Công trình hoàn thiện năm 2020.
Ngôi nhà chụp từ flycam. Với sự đô thị hoá đang diễn ra mạnh mẽ từ thành phố lan dần về các vùng nông thôn ở Việt Nam, mô hình nhà ống ở thành phố bắt đầu xuất hiện ngày càng dày đặc, phá vỡ đi hình ảnh thanh bình và nên thơ của làng quê. Vì vậy nhóm cố gắng lưu giữ lại nét quen thuộc truyền thống đang dần bị mai một của nhà ở nông thôn, tạo ra một môi trường sống trong lành, gần gũi với thiên nhiên nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống hiện đại.Đặc điểm của nhà là có mặt bằng hẹp nhưng dài theo chiều sâu, hình chữ nhật. Vì công trình ở vùng duyên hải miền Trung, thường xuyên chịu ảnh hưởng khắc nghiệt của mưa bão nên hình khối và vật liệu cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng để phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng địa phương.Tỉ lệ mái dốc bê tông lớn được kéo dài từ lầu 1 xuống tầng trệt của công trình cùng với phần hiên rộng làm giảm ánh nắng cho phòng khách vào mùa hè và hạn chế mưa tạt vào mùa đông. Mái nhà phù hợp với việc chống bão, mái chóp dốc cho gió trượt trên công trình hạn chế sức phá hoại khi những cơn bão tấn công. Phần ngói đỏ được phủ trên bề mặt mái bê tông vừa có tính bảo vệ vừa chống nóng cho phần mái. Cùng với đó, việc sử dụng hình thức mái như vậy tạo sự gần gũi thân quen khi tiếp cận công trình.Mái ngói đỏ với độ dốc lớn giảm bớt sự vuông vức của ngôi nhà. Ngôi nhà đậm chất nông thôn thông qua sân trước và sân sau được lát bằng gạch nung, thể hiện rõ đặc trưng kiến trúc bản địa. Công trình được xây lùi vào phía sau để chừa khoảng sân rộng. Hai bên trồng hàng cau quen thuộc kết hợp mảng cây xanh làm dịu mát cho công trình.
Phòng khách được kết nối với tầng trên bằng khoảng không gian thông tầng lớn. Không gian bắt đầu đóng dần khi giảm cao độ trần ở phòng ăn và đóng hẹp lại khi qua hành lang kết nối ra phía sau nhà. Từ hành lang đó lại mở rộng, kết nối bếp, giếng trời và phòng ngủ của bố mẹ.
Ánh sáng tự nhiên được đưa vào nhà theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như nâng cao phần mái phía trước để hấp thụ ánh sáng dịu nhẹ từ phía đông. Giếng trời phía trên cầu thang xoắn lên tầng 2. Khu vườn mở 2 tầng đồng thời là không gian xanh và tạo sự lưu thông không khí trong nhà. 3 mái nhà được ngăn cách bởi các khe hở dọc. Kiểu mái dích dắc này giúp dễ dàng thoát nước mưa.
Các không gian sinh hoạt và nghỉ ngơi được ngăn chia bởi khoảng thông tầng và giếng trời giữa nhà. Qua những khoảng không này, ánh sáng và gió được dẫn dắt vào công trình một cách tự nhiên, mang đến sự thông thoáng, mát mẻ cho nhà.
Phòng ngủ bố mẹ được bố trí tách biệt với không gian phòng khách, phòng ăn, bếp bằng giếng trời có khu vườn nhỏ giữa nhà. Phòng 2 con được bố trí trên tầng 2, cũng kết nối với nhau qua giếng trời này.
Cầu thang cong kết hợp khoảng thông tầng ngay vị trí gãy góc của khu đất tạo cảm giác ngay ngắn.Màu sắc trắng, gỗ nhạt của nội thất tạo sự rộng rãi và sáng sủa cho không gian. Các yếu tố truyền thống được đưa vào không gian khéo léo như chiếc phản gỗ ở phòng khách, bệ ngồi hàng hiên thường thấy trong không gian nhà ở truyền thống của người Việt.Vật liệu ốp lát cầu thang được cân nhắc sử dụng đá mài, một vật liệu quen thuộc và cũng hạn chế được nhược điểm gãy khúc của khu đất.Sự chuyển tiếp giữa các không gian trở nên mềm mại nhờ sân vườn trước và sau.
Họ đều có điểm chung là không có điều kiện để được học hành đầy đủ nhưng bằng chính sự đam mê, ham học hỏi đã giúp họ thành công và nổi danh.
Cuộc sống khổ sở của những thiên tài vĩ đại
1. Michael Faraday (1791–1867) – Thiên tài tự học là chính
Tên tuổi của Michael Faraday vô cùng nổi danh trên toàn thế giới và được đánh giá là một trong những nhà khoa học có tầm ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại. Nhưng ít ai biết ông không được học hành hay qua trường lớp đào tạo nào cả mà hầu hết kiến thức ông có được đều là do tự tìm tòi khám phá.
Michael Faraday sinh trưởng trong một gia đinh nghèo tại thành phố London vì thế không có điều kiện để được đi học. Thay vào đó, khi mới tròn 14 tuổi, Faraday đã phải đi làm công việc phụ đóng sách tại một tiệm sách trong hơn 7 năm trời. Trong thời gian tại đây, ông bắt đầu đọc những cuốn sách được giao để đóng và tìm thấy sự say mê thích thú dành cho môn khoa học. Ông đã xin làm phụ tá cho một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất London thời bấy giờ, Humphrey Davy, nhưng bị từ chối vì không có một bằng cấp chính quy hay bất kỳ kinh nghiệm thực tế nào.
Tuy nhiên, bằng nỗ lực và cố gắng, ông đã giành được công việc này sau đó và đã thể hiện khả năng xuất sắc của mình với hàng loạt những phát minh được ra đời như động cơ điện, máy phát điện, lò đốt Bunsen cùng những phát hiện quan trọng khác, tạo nên một cuộc cách mạng trong khoa học và ghi danh ông như là một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất trong lịch sử.
2. William Herschel (1738-1822) – Người nhạc công với niềm say mê cho thiên văn học
William Herschel là một nhạc công người Đức sống ở Anh vào thế kỷ 18. Bên cạnh âm nhạc, ông còn dành niềm say mê cho thiên văn học khi tình cờ đọc cuốn sách thiên văn vào năm 1773. Để thỏa mãn niềm đam mê này, ông còn miệt mài tự làm một chiếc kính viễn vọng cho riêng mình với 16 tiếng mỗi ngày để mài gương và ống kính. Với chiếc kính tự chế nhưng tuyệt hảo hơn bất kỳ cái nào được sản xuất trước đó, ông đã phát hiện ra rất nhiều tinh vân cũng như những chòm sao, vệ tinh mới cùng nhiều đóng góp khác cho ngành thiên văn.
Tuy nhiên phát hiện lớn nhất là trong một lần tình cờ, ông đã tìm thấy một vật thể lạ mà sau khi gửi quan sát của mình đến cho một chuyên gia người Nga, ông biết rằng mình đã tìm thấy một hành tinh mới. Lúc đầu, ông đặt tên hành tinh mới là “Georgian Star” theo tên của vua George III tuy nhiên sau đó cái tên Thiên Vương tinh đã được chọn. Đây là một trong số 7 hành tinh lớn nhất trong hệ mặt trời và khám phá này thực sự đánh dấu một bước tiến lớn cho ngành thiên văn.
3. Srinivasa Ramanujan (1887-1920) – Nhà toán học huyền thoại
Nhà toán học người Ấn Độ Srinivasa Ramanujan được đánh giá là một trong số ít những thiên tài toán học hiếm hoi trong hàng thế kỷ qua với gần 3.900 kết quả nghiên cứu phần lớn thuộc lĩnh vực phương trình và đồng nhất thức. Không được đào tạo bài bản về toán học nhưng những đóng góp và phát hiện của ông cho ngành toán học thực sự là vô cùng quan trọng và có giá trị.
Sinh ra trong một gia đình Ấn Độ nghèo, Srinivasa Ramanujan không có điều kiện để được học hành đầy đủ nên phải tự học là chính. Năm Ramanujan 10 tuổi, cậu bé làm quen với toán học khi bố mẹ tặng cho cậu một cuốn sách toán lượng giác cao cấp. Năm 13, ông đã thành thục quyển sách và bắt đầu mày mò tự phát minh ra các định lý toán học.
Sau này, ông được nhận học bổng vào một trường đại học công nhưng rớt ngay năm đầu vì không thể tập trung những môn học khác do đã dành phần lớn thời gian vào việc nghiên cứu toán học. Ông có gửi vài công trình của mình đến những nhà toán học nổi tiếng ở Ấn Độ và Anh tuy nhiên đều bị bỏ xó, không được công nhận hoặc bị gửi trả về. Chỉ có mỗi giáo sư G.H. Hardy thuộc trường Đại học Cambridge phát hiện ra tài năng của ông và đã gửi lời mời Ramanujan đến Anh, tuy nhiên, ông đã từ chối vì không muốn chuyển đến một vùng đất xa lạ, cho dù đó là cơ hội hiếm hoi duy nhất để giúp ông nổi danh và được ghi nhận thực sự.
4. Gregor Mendel (1822-1884) – Cha đẻ của di truyền học hiện đại
Gregor Mendel sinh năm 1822 tại Cộng hòa Séc, do điều kiện gia đình khó khăn nên khi học xong trung học, ông đã đến học tại một tu viện ở Brunn năm 1843. Tại đây, ông vừa học tập và nghiên cứu với thí nghiệm lai trên cây đậu Hà Lan từ đó khám phá ra định luật di truyền đặt nền móng đầu tiên cho ngành di truyền học hiện đại cũng như cơ sở cho tất cả những kiến thức về DNA và di truyền ngày nay.
Tuy nhiên, vào thời gian đó không một ai tin vào những phát hiện của ông và nó đã bị lãng quên trong nhiều thập kỷ cho đến tận thế kỷ 20 mới được công nhận. Đến lúc đó, ông mới được tôn vinh như một nhà khoa học thiên tài, một danh hiệu mà ông xứng đáng được nhận từ lúc sinh thời.
Ra tù năm 1976, sau chín năm, qua nhiều trại, tôi bỡ ngỡ, tôi ngu ngơ trước cuộc sống xô bồ.
Vắng người đàn ông trụ cột, gia đình tôi rơi xuống đáy vực nghèo khổ. Vợ tôi gày nhom, xanh rớt, mấy đứa con quần áo vá chằng vá đụp. Tôi làm hùng hục mọi việc đến tay, không dể ý đến cái gì khác.
Phải hai năm sau tôi mới gặp lại Trần Độ.
Tôi không có ý tìm anh. Là phó chính uỷ kiêm phó bí thư quân uỷ Quân Giải phóng Miền Nam, Trần Độ rất bận với công việc tổng kết kinh nghiệm chiến tranh, viết quân sử vv… Bạn bè cho tôi biết như vậy.
Còn một khía cạnh tâm lý khác, ai có qua cầu mới hay. Đó là tôi không muốn gặp các quan chức. Không một tẹo nào.
Nhưng rồi Trần Độ tìm tôi. Trong bữa rượu hàn huyên đạm bạc có ba người. Ngoài hai chúng tôi còn có một chị cán bộ trẻ, phụ tá của anh.
Trần Độ biết tôi ở tù.
Anh nhìn tôi thương hại:
– Chín năm! Chắc chú có làm gì sai thì Đảng mới xử nặng đến thế chứ.
Tôi sững người.
Vậy ra anh chẳng biết gì về cái gọi là vụ án “nhóm xét lại chống đảng” mà tôi bị đính vào. Tôi dùng chữ “đính vào” như nói về một cái khuy áo, trong đó tôi là cái khuy dưới cùng, có cũng được, mất không sao.
Mà khốn nạn, có cái nhóm chó nào đâu cơ chứ! Chỉ có những cuộc luận bàn thế sự của mấy cán bộ hoạt động từ hồi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc còn trứng nước với lớp cán bộ trẻ tới sau. Ấy thế mà mấy thằng “lãnh tụ” quen thói nhìn đâu cũng thấy kẻ chống mình phát hoảng, vội vã làm một cuộc bắt bớ đại quy mô. Lê Duẩn, lãnh tụ tối cao tuyên bố: “Kẻ nào không theo ta là chống ta”. Lê Đức Thọ, đầu sai của Lê Duẩn, quăng lưới. Thế là các cán bộ lũ lượt vào tù. Cao nhất là uỷ viên trung ương, thấp nhất là tôi, cán sự 3. Lê Duẩn lúc nói “xử lý nội bộ”, lúc nói cho đi “tập trung cải tạo”.
Để tạo ra chính danh cho hành động của mình, anh Ba, anh Sáu (Ba Duẩn, Sáu Thọ tức Sáu Búa) và bộ hạ liền nghĩ ra cho nó một cái tên thật kêu là “Nhóm tổ chức chống Đảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài”. Tổng bí thư mất ghế Trường Chinh tuy đã bị gạt ra rìa,cũng nhào vô vỗ tay ké.
Bắt cán bộ đảng chưa đủ, Lê Duẩn cho tóm cả người ngoài đảng cho vào một rọ được gọi là “nhóm” đó.
Thế là tôi vào tù, Vũ Huy Cương vào tù, Bùi Ngọc Tấn vào tù, cũng một tội “xét lại”. Cả ba đều không phải đảng viên. Tôi dám cá là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ “xét đi” còn chưa thuộc, làm sao biết “xét lại” là cái gì.
Vào tù rồi tôi càng tin mình hiểu đúng – cán bộ công an cấp vụ cấp bộ làm cviệc hỏi cung, tên chữ là chấp pháp, cũng chẳng hề đọc Marx. Chủ nghĩa Mác trong họ chỉ gồm mớ kiến thức lẻ tẻ nhặt được từ mấy cuốn mác-xít nhập môn.
Tôi ngạc nhiên là phải.
Một vụ án lớn, nhiều cán bộ cao cấp bị khai trừ, bị bắt, bị bỏ tù, các cán bộ cao cấp và trung cấp đều được nghe “báo cáo số 1” “báo cáo số 2″… của Sáu Búa Lê Đức Thọ, sao tướng Trần Độ lại không biết?
Nghe anh nói thế, tôi nhìn anh trân trân – thì ra ông anh mà tôi kính trọng cũng mù loà như mọi quan chức khác. Với họ, nghị quyết của đảng có giá trị Kinh Thánh.
Chả cứ Trần Độ, tới tận năm 1988, tướng Trần Văn Trà cũng chẳng biết gì về vụ bắt bớ này.
– Hồi đó tôi đang lo đường vận chuyển vũ khí trên biển – Trần Văn Trà phân trần – Có, tôi có nhận được thông tin của Ban tổ chức Trung ương, nhưng tôi không chú ý. Chúng tôi đang bận tối tăm mặt mũi với việc của mình.
Chuyện trong Đảng chia ra nhiều cấp, nhiều đối tượng trong việc được nhận hoặc không được nhận thông tin, tôi biết lắm.
Nhưng đến mức những cán bộ cấp tướng mà cũng không được biết về vụ bắt bớ to lớn ấy thì thật lạ.
Trần Văn Trà là một tướng cấp tiến. Đó là hồi tờ “Truyền thống Kháng chiến” của “Câu lạc bộ Những Người Kháng Chiến Cũ” mới ra hai số đã bị cấm. Trần Văn Trà kêu tôi tới nhà anh ở đường Nguyễn Thị Minh Khai để bàn chuyện ra một tờ báo độc lập, tiếng nói khác với báo chính thống.
Tôi từ chối. Đó là việc làm vô ích. Tờ báo sẽ bị bóp chết từ trong trứng.
Khác với Trần Văn Trà, Trần Độ được tôi coi như người anh lớn, vì nhân cách, chứ không vì địa vị.
Đáp lại, tôi cười buồn:
– Em có nói gì bây giờ anh cũng sẽ nghĩ là em thanh minh. Tốt hơn hết, ta cạn với nhau chén rượu tái ngộ này, kèm theo một giao ước: “Anh sẽ xem xét sự việc bằng con mắt của mình, suy xét bằng cái đầu của mình, để rồi có kết luận”. Em chờ câu trả lời của anh trong một bữa rượu sau. Anh hứa chứ?
Anh gật đầu, cạn chén.
Trần Độ hơn tôi đúng 10 tuổi. Với anh, tôi là đàn em, không dám lắm lời.
Gần một năm sau mới có bữa rượu thứ hai.
Tôi nâng ly:
– Em lắng nghe câu trả lời của anh.
Trần Độ thở dài:
– Một lũ chó má! Không thể ngờ.
Và văng một câu chửi tục, lần đầu tôi nghe thấy từ miệng anh.
Trần Độ rồi còn nhận nhiều chức vụ mới – Trưởng ban Văn hoá-Văn nghệ của Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, rồi Phó Chủ tịch Quốc Hội.
Đã tưởng sau cuộc gặp tôi, nghe tôi kể, anh đã biết tỏng cái đảng của anh nó thế nào, nhưng anh vẫn không từ chối bổng lộc của nó. Tôi không buồn nói chuyện với anh nữa. Tôi chán anh.
Trần Độ hoá ra không như tôi nghĩ.
Thiên hạ xì xào sự thăng quan tiến chức cho anh về dân sự thực chất là nhằm đưa anh ra khỏi quân đội.
Qua những câu nói bị nghe lén mà anh không biết, kèm theo những báo cáo mật được gửi lên, những người cầm trịch quốc gia cảm thấy anh đã xa rời họ, và họ khó chịu. Khó chịu rồi bực tức.
Những lời đồn về một Trần Độ ương bướng xúi tổng bí thư Nguyễn Văn Linh “cởi trói” cho văn nghệ sĩ, tháo gỡ việc ngăn sông cấm chợ, toa rập với Nguyên Ngọc đưa ra bản “Đề dẫn” ngang ngạnh rõ ràng rời xa đường lối văn nghệ của Đảng vv…
Văn Cao chăm chú theo dõi thời cuộc, thở dài:
-Trần Độ thẳng quá, hỏng! Cao Biền dậy non. Phí!
Tôi đồng ý với Văn Cao.
Trần Độ được phong trung tướng cùng lúc với Lê Đức Anh, nhân vật sau này làm mưa làm gió trong chính trựờng. Nếu biết xuôi dòng anh có thể lên cao hơn nữa trong hệ thống quyền lực, hơn đứt Lê Đức Anh.
Trần Độ là người nghĩ gì nói nấy, không giữ gìn. Anh không biết lui tới, không biết náu mình chờ thời. Anh hành xử theo lương tâm, cứng đầu trong cuộc đấu tranh cho chân lý. Về mặt này anh giống Hoàng Minh Chính. Cả hai đều có tố chất người lính can trường. Nhưng không có tố chất người làm chính trị.
Không ai có thể ngăn Trần Độ. Những phát biểu của anh lúc này lúc khác, chỗ này chỗ nọ tiếp tục làm chối tai các “lãnh tụ”.
Mà có phải anh chỉ phê bình sơ sơ những khuyết điểm cục bộ đâu. Từ chỗ nhỏ nhẹ, anh dần nói to, nói trắng ra ý muốn thay thế thể chế hiện tại bằng chế độ dân chủ với tam quyền phân lập…
Người khác nói thế đã khó nghe, đàng này lại là người cộng sản từ khi chính quyền còn trứng nước, đang giữ chức vụ cao. Những phát biểu như thế có ảnh hưởng lớn tới quần chúng đảng viên, chưa nói gì tới người ngoài đảng.
Một anh bạn công an cấp cao khuyên tôi:
– Cậu chớ dây với Trần Độ. Nguy hiểm đấy.
Những bài viết của anh, không được đăng báo, nhưng được chuyền tay rộng rãi. Anh nhanh chóng trở thành “tên phản động”.
Thời thế đã khác – người ta không thể bỏ tù anh tức khắc. Người ta chỉ có thể dùng đủ mọi cách hạ uy tín của anh.
Còn nhớ năm 1997 tôi ở thành phố Strassbourg cùng với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Một hôm, Trần Độ gửi cho tôi bài anh vừa viết, bảo tôi xem lại trước khi anh công bố. Tôi đưa Thiện cùng đọc. Thiện đọc xong, nói anh không hài lòng một số câu chữ trong đó.
Tôi bảo Thiện cứ nói thẳng ý kiến của mình khi nói chuyện với Trần Độ. Thiện bốp chát:
– Không hiểu sao đến nay anh vẫn còn có thể dùng những từ “giải phóng”, “Mỹ-Nguỵ”. Nó không đúng, không chỉnh, người đọc sẽ khó chịu lắm đấy.
Trần Độ cười hề hề:
– Do thói quen ấy mà, cậu sửa lại hộ mình.
Tôi ngạc nhiên khi đọc ở đâu đó có người viết Trần Độ quan cách, hách dịch. Tôi không hề thấy tính cách ấy ở anh. Rất có thể người nào đó bị anh khinh, không thèm trò chuyện, đã nghĩ thế. Là người trực tính, Trần Độ không biết giấu đi thái độ của mình trong giao thiệp, và chỉ có thế.
Năm 2001, trong một cuộc điện đàm với Trần Độ khi tôi đang ở Frankfurt, có mặt một chú em rất hâm mộ bác Độ. Chú nằng nặc đòi tôi cho chú nói với bác Độ vài câu:
– Bác ơi, cái đảng của bác sao kỳ quá, ai đời chống tham nhũng mà lại chống từ cấp cơ sở? Quét nhà thì người ta phải quét từ tầng trên xuống tầng dưới chứ! Ai lại đi làm chuyện ngược đời – quét từ dưới lên trên?.
TrầnĐộ cười to:
-Hay, chú nói hay lắm. Chỉ sai một chút thôi: cái đảng ấy không phải của tôi. Nó là của một lũ vừa ngu vừa rồ. Này, chú tên gì nhỉ?”
– Dạ, cháu tên Cóc, Nguyễn Văn Cóc. Dễ nhớ lắm, bác ạ. Ở Đức này chỉ có mình cháu có cái tên xấu xí ấy thôi.
Anh Độ lại cười:
– Xấu gì mà xấu, cậu ông Giời nói đúng lắm, cái đảng ấy toàn làm chuyện lộn ngược thôi!.
Việc Trần Độ bị khai trừ Đảng năm 1999 mọi người đều biết.
Đảng cộng sản vốn không thích vạch áo cho người xem lưng đã kiên nhẫn với Trần Độ lắm rồi, nhịn Trần Độ nhiều lắm rồi. Lẽ ra, không bắt anh bỏ tù thì đảng cũng phải khai trừ anh từ lâu.
Anh cười, anh nói anh bị đảng của anh khai trừ là may. Như thế, anh được thừa nhận không phải là người nằm trong “vũng bùn mà cái đảng ấy đang đằm mình một cách ngạo nghễ”.
Khai trừ anh, đảng cộng sản thêm một lần không thèm giấu giếm cái hẹp hòi truyền thống – không chịu nghe lời nói ngược.
Hành hạ anh cho tới khi chết, cấm người đi đưa tang không được dùng chữ “Vô cùng thương tiếc”, đảng cộng sản càng cho thiên hạ thấy nó tiểu nhân tới mức nào.
Đảng của anh căm ghét anh, đuổi anh ra khỏi hàng ngũ.
Bù lại, anh được nhân dân đón vào lòng.
Anh được rất nhiều, mà không mất gì. Nói cách khác, cái người ta cho là mất chẳng là cái quái gì đối với anh.
Khi lâm bệnh, anh không dùng một viên thuốc nào của nhà nước. Có hai người rất sốt sắng lo cho anh có thuốc đủ dùng là Tưởng Năng Tiến và Đinh Quang Anh Thái. Khi anh qua đời, những bọc thuốc cuối cùng vẫn còn ở trên đường. Trần Độ không bao giờ quên nhắn tôi gửi lời cảm ơn hai người bạn thiết anh không biết mặt.
Được tin anh mất, tôi không khóc. Nước mắt chảy vào tim.
Tôi hiểu rằng mất mát này lớn hơn rất nhiều mất mát cho riêng tôi, đứa em yêu mến và kính trọng anh.
Mất mát này là của cả dân tộc đang nhọc nhằn đi tìm quyền sống, quyền làm người.
Trong bức thư chót Trần Độ gửi cho tôi trước khi mất, anh dặn: “Giai đoạn chuẩn bị cho sự chuyển đổi chế độ có thể kéo dài. Việc hàng ngày của ta, không được quên, là nâng cao dân trí. Dân trí càng được nâng cao bao nhiêu thì sự chuyển đổi sẽ càng thuận lợi bấy nhiêu. Thời cơ đến, việc mới thành. Chuẩn bị tốt thì thành tốt”.
Thời cơ mà ta chờ đợi sẽ đến, bao giờ cũng bất ngờ, lịch sử vốn thế, nhưng nó sẽ đến, tất yếu sẽ đến, bởi nó là quy luật của muôn đời.
Như nó đã từng xảy ra cùng với sự kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai bất ngờ đưa lại nền độc lập cho các nước thuộc địa.
Như nó đã đến với sự sụp đổ không thể nào đoán trước của cường quốc Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.
Nó sẽ đến, như Trần Độ mong ước. Như chúng ta cùng mong ước với anh.
Theo danh sách được Ủy ban Nobel vừa được công bố sau 50 năm giữ kín do quy định, thi bá Vũ Hoàng Chương là một trong 100 nhân vật được đề cử giải Nobel Văn chương năm 1972. Viện Hàn lâm Thụy Điển ghi rõ rằng Vũ Hoàng Chương là Chủ tịch Hội Văn bút Việt Nam và người giới thiệu là Thanh Lãng.
Trong “Mười gương mặt văn nghệ”, Tạ Tỵ viết về Vũ Hoàng Chương:
Cách đây 27 năm, vào buổi tối đầu thu, thành phố Hà Nội vừa lên đèn. Gió từ bờ Hồng Hà thổi nghe thấm lạnh. Những chiếc lá đầu mùa đã thả xuống lề đường làm duyên cho thành phố. Nguyễn Đức Nùng, người bạn cùng trường đưa tôi đến gặp Vũ Hoàng Chương tại một căn nhà cổ, sau đến Bà Kiệu. Đến nơi tôi gặp thêm Đinh Hùng, Lê Trọng Quỹ cùng vài ba bạn khác.
Căn nhà thấp, rất thấp, tối om om. Đó đây từng ngọn dạ đăng cháy lập lờ không soi tỏ mỗi khuôn mặt. Tôi được giới thiệu với Vũ và các bạn. Hình ảnh đầu tiên ghi nhận ở Vũ, đến hôm nay còn in rõ trong tôi như vết tích không phai với thời gian, đó là một thanh niên mảnh mai chìm khuất dưới bộ bà ba trắng đã ngả màu, nằm nghiêng bên ngọn dạ đăng ma quái. Vũ đưa mắt nhìn tôi mà tôi tưởng như Vũ nhìn vào khoảng trống. Đôi mắt ấy toát ra ánh sáng kỳ lạ. Nó lóe lên giống tia chớp rồi vụt tắt giữa màu mây nặng trĩu hơi mưa (…)
Tôi mê thơ Vũ đến nỗi thuộc hết tập Mây lúc nào không hay. Tôi còn thích Vũ ở lối ăn mặc đặc biệt. Vũ thường mặc áo gấm màu lam, đi giày ta, mang khăn xếp, tay cầm quạt và luôn luôn có đem theo cuốn Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh bằng chữ Hán. Vũ đi thất thểu, chậm rãi với phong độ nho gia. Sau đó ít lâu Vũ về quê nhà ở Nam Định. Bẵng đi một dạo, cho tới năm kháng chiến thứ ba, tôi mới gặp Vũ tại Đống Năm thuộc tỉnh Thái Bình, nhân buổi họp mặt Văn Nghệ. Vũ vẫn thế, chiến tranh không làm Vũ đổi thay từ bản thân tới suy nghĩ. Chiếc áo gấm năm xưa đã phai màu gió bụi trường chinh, nhưng phong cách Vũ vẫn y nguyên. Trong thời gian ấy, Vũ làm thơ một phần để tỏ bày thái độ, một phần để nguôi ngoai tâm sự (…)
Sinh ra đời dưới một ngôi sao tốt, từ nhỏ, Vũ được bọc đùm trong nhung lụa, được dạy dỗ ở cả hai phía, Tây học và Hán học. Vũ đã hấp thụ văn học Tây phương đồng thời do sự giáo huấn của bà mẹ, Vũ cũng say mê Đông phương và sớm suy tư triết thuyết Lão, Trang với cổ thư Trung Quốc.
Sự ám ảnh của thời đại hoàng kim chìm khuất với vóc dáng chàng Tư Mã áo xanh trên bờ sông Dương Tử, hay khuôn mặt nàng ca kỹ bén Tầm Dương “tay ôm đàn che nửa mặt hoa”… đã làm phai mờ tất cả kích thước các nhà thơ lớn Tây phương: Hugo, Lamartine, Musset, Baudelaire, Verlaine, Rimbaud đang chiếu sáng trên vòm trời thi ca Việt Nam khoảng 1935-43 với từng người thơ chịu ảnh hưởng sâu đậm kỹ thuật, nhất là tư tưởng vay mượn của nền thi ca miền tóc vàng, tuyết trắng.
Vũ là tượng hình đứng cô liêu trong vòm trời quá khứ. Ánh sáng của ngọn hải đăng le lói giữa đêm khuya mịt mùng sóng vỗ, Vũ lắng nghe hồn mình trải rộng trên mỗi con nước đại dương và thầm ước sẽ tìm được trong sự luân lưu đó, chút hơi thở của người xưa vọng đến. Nhưng ánh sáng của ngọn hải đăng vẫn le lói hằng đêm và đại dương cứ luân lưu theo chu kỳ miên viễn, hơi thở của quá khứ trôi đi biền biệt không để lại vết tích gì trong vũ trụ bao la, có chăng chỉ còn lại niềm tưởng vọng giữa sự-sống-hôm-nay gửi về cõi-chết hôm-qua bằng môi trường suy cảm.
Vũ đã suy cảm và lựa chọn khổ đau, với đam mê huỷ diệt. Vũ khước từ cái công danh phú quý mà đời đã trao tặng sau những năm đèn sách, để tự dấn thân vào thế giới thi ca, tức là mang lấy nghiệp. Sự “đầu thai lầm thế kỷ” mà Vũ đã viết ra, hét to lên trong cơn mê loạn của thể xác, trong nỗi vò xé của tâm linh trước cuộc sống nghẽn lối, trước cơn bi phẫn của con chim bị trúng tên rã cánh, nhìn trời cao mà không vút lên được, nhìn trái ngọt mà không vừa an hưởng, nhìn thân phận trôi đi, trôi đi như ảo ảnh để nuối tiếc giấc mơ thành bướm thuở nào (…)
Thơ Vũ hiện diện như loài hoa quý, ngạo nghễ rung rung từng cánh mỏng cho phấn hương tan vào thinh không gửi đến mọi phương trời, mọi góc cạnh tâm tư đang chới với trong mê muội, trong dục vọng thấp hèn giữa cuộc sống buông trôi. Hành trình vào thơ Vũ, mỗi con người tự cảm thấy lâng lâng như lạc vào giấc mơ kỳ thú. Thời gian, không gian xáo trộn, quỷ với người là tình nhân, gỗ đá cũng mặc áo linh hồn. Nhưng muốn hiểu thơ Vũ đến cùng, người ta phải tìm hiểu cả cái dòng sống phức tạp xuyên qua từng khía cạnh ngọt ngào và cay đắng, đã làm Vũ chết điếng sầu đau, tê rời cảm xúc (…)
Tình yêu mà Vũ đã gửi tặng lầm nơi không phải thứ tình yêu qua nhanh như gió thổi, như lằn chớp ngang trời. Nó day dứt sượng sùng. Nó tái tê cuồng dại đến nỗi Vũ phải kêu la: “Yêu sai lỡ để mang sầu trọn kiếp Tình mười năm còn lại mấy tờ thư!” Biết rằng thất bại và biết được giá trị khổ đau, Vũ muốn tìm quên bằng cách đắm chìm thân phận vào trời say, nhưng không được:
“Say đã gắng để khuây sầu lẻ gối
Mưa, mưa hoài rượu chẳng ấm lòng đau
Gấm thế nào từ buổi lạnh lùng nhau
Vàng son có thay màu đôi mắt biếc?
Tình đã rời đi riêng mình tưởng tiếc
Thôi rồi đây chiều xuống giấc mơ xưa
Lá, lá rơi nằm bệnh mấy tuần mưa
Say chẳng ngắn những đêm dằng dặc nhớ…”.
(Lá thư ngày trước, Mây)
_____________________
Kể về những ngày cuối đời của Vũ Hoàng Chương, nhà văn Mai Thảo thuật lại trong bài “Mấy tháng cuối cùng với Vũ Hoàng Chương”:
Vượt qua cây cầu Calmette soi bóng trên một con kinh tù đọng, con kinh chạy dọc theo vùng ngoại vi tràn lan náo nhiệt nhất của Sài Gòn là khu Chương Dương, Ông Lãnh, chiếc xe đạp lọc cọc chở tôi đi trên một mặt nhựa lồi lõm, đụng tới tòa nhà xám bẩn của hãng làm phân bón thì rẽ trái và lăn vào một con đường trải đá xanh. Chiếc xe chở tôi rẽ phải trên một con đường nhỏ, yên tĩnh, rẽ trái vào một con đường nhỏ yên tĩnh nữa, rồi tới một đầu ngõ khuất khúc. Tôi xuống xe, dắt bộ tới cuối ngõ, tới trước một căn nhà gỗ hai tầng. Đẩy một cánh cổng khép hờ đi vào, tôi đã tới Gác Bút của Vũ Hoàng Chương.
Thi sĩ mới dọn về đây ít lâu sau biến cố tháng tư 1975, cái tiểu gia đình gươm đàn nửa gánh gồm có thi sĩ, người bạn trăm năm của ông là nữ sĩ Đinh Kiều Oanh và đứa con trai nuôi là Vũ Hoàng Tuân, ông đặt tên cho con bằng lấy tên Tuân của Nguyễn Tuân, nhà văn viết tùy bút rất hay và là bạn thân của thời kỳ tiền chiến.
Địa chỉ mới của Vũ Hoàng Chương nguyên là chỗ ở của gia đình thi sĩ Đinh Hùng, em vợ ông ngày trước. Chỗ ở này sinh thời, Đinh Hùng, tự xưng là Đinh Công Tử, nghịch ngợm đặt tên là động Hoa Lư, trong cái ý nhà vua xưa Đinh Bộ Lĩnh dấy nghiệp ở động Hoa Lư thì Đinh Hùng đời sau cũng có một động Hoa Lư ở phường Cây Bàng như thế. Đinh Hùng mất, vợ con vẫn ở, tên Hoa Lư vẫn còn. Nhưng từ khi Vũ Hoàng Chương dọn về ở chung, Hoa Lư còn có thêm một tên mới. Đó là Gác Bút.
Hỏi tại sao không dùng lại tên Gác Mây của căn lầu trên vùng Phú Nhuận vừa rời bỏ, thi sĩ cười, hóm hỉnh: “Đổi đời, giờ là Gác Bút mới đúng. Vì Hà Nội nó bắt ta gác hết bút lên rồi, đâu còn cho viết nữa.” (…)
Thời gian này, sức khỏe của Vũ Hoàng Chương đã hết sức suy nhược và gia cảnh thì đã rớt xuống tới đáy cùng của túng thiếu cùng quẫn. Những tháng sau cùng ở Gác Mây, Phú Nhuận, ông đã đau yếu rất nhiều. Trong lồng ngực mỏng, con tim đã yếu. Trên cái vóc hạc, xế chiều đã tới. Vũ Hoàng Chương gần như không ra khỏi nhà nữa. Lên xuống mấy bậc thang lầu, cũng phải đứng lại nhiều lần để thở. Có việc phải đi đâu, bao giờ cũng phải Đinh Kiều Oanh cùng đi. Ở Gác Mây anh em văn nghệ đã phải chia lượt tới viếng thăm ông đau yếu nhiều lần. Đem thuốc thang tới nữa. Về Gác Bút, tình trạng sức khỏe của thi sĩ càng mong manh (…)
Sống với cộng sản, trường hợp của miền Nam là ở lại, là vẫn có mặt ở Sài Gòn sau ngày 30 tháng 4, kẻ sĩ, nhà thơ, nhà văn thất thế, khi mọi phương tiện lên tiếng đã bị triệt hủy hoàn toàn, chỉ còn một cách thế biểu hiện nhân phẩm duy nhất là giữ vững bản ngã, giữ vững nhân cách giữa bi thảm, không cho sa đọa. Và như vậy, đối diện với nghịch cảnh, đối diện với kẻ thù, đối diện với cái chết. Bi thảm này tên là Định Mệnh.
Hàng ngàn nhà văn nhà thơ trên khắp mọi phần đất thế giới đã đứng trước định mệnh khốc liệt như thế, trên tổ quốc đất nước họ, trước bạo lực quân phiệt và chuyên chính vô sản. Anh em văn nghệ miền Nam, ngoại trừ một thiểu số khiếp nhược, nói chung đã có một phong cách nghiêm chỉnh, lúc thất thế, trong bi thảm, trước kẻ thù. Nhưng gương mẫu nhất, rực rỡ nhất tuy từ hai cách thế biểu hiện khác biệt, qua suy nghĩ và nhận thức tôi là Vũ Hoàng Chương và Thanh Tâm Tuyền (…)
Nói một cách khác, giữa cộng sản, Vũ Hoàng Chương vẫn sống tự do và đường hoàng như không có cộng sản. Như không có lá cờ đã đỏ chói ngoài phường Cây Bàng. Như không có cái lưới an ninh đã dầy đặc khắp vùng Khánh Hội. Như miền Nam chưa mất. Như vẫn là như trước. Chân lý Vũ Hoàng Chương, riêng ông đạt tới chân lý tuyệt diệu này, tóm gọn ở một chữ “không”. Đối phó với cộng sản bằng không đối phó, không đối phó gì hết. Chấp nhận cộng sản bằng không chấp nhận gì hết (…)
Thời điểm tới, trôi qua, rồi chìm khuất vào quá khứ. Nhưng thời điểm nào mang tên Vũ Hoàng Chương cũng là một trọng điểm của thi ca Việt Nam suốt ba mươi năm trời. Khởi đầu là tính chất đại diện. Thi sĩ, giữa chúng tôi là một đại diện. Từ Đinh Hùng mất đi, vị thế đại diện ấy rõ rệt và duy nhất. Ông là người đại diện cuối cùng của dòng thơ tiền chiến. Dòng đại lưu ấy của thơ bị ngăn chặn lại bởi biến động 45, xuôi chảy yếu ớt đứt khúc với toàn dân kháng chiến, bị cộng sản hủy diệt dần dần cho tới chết hẳn, duy Vũ Hoàng Chương là người mang được nó chảy xiết vào thi ca miền Nam, khi hai miền đất nước tổ quốc đã chia lìa, miền Bắc không còn thơ nữa (…)
Ngày một thăng hoa khiến vị thế đại diện tồn tại nguyên vẹn trước đào thải nhiều mặt, khiến ông vừa là người khai sáng vừa là người chuyển tiếp, khiến ông là một gia tài thơ cho cả một thế hệ thơ sau được kế thừa, chỉ có Vũ Hoàng Chương trong thơ chúng ta. Chỉ có Vũ Hoàng Chương mà thôi. Có nhìn Vũ Hoàng Chương trên trình tự thời gian khá dài của thơ, có đặt ông vào cuộc vận động cực kỳ lớn lao của thơ Việt từ 50 năm trở lại đây, mới nhận thức được trên mọi chiều hướng kích thước của nó, cái tài thơ phi thường ấy, nhà thơ vĩ đại của thơ Việt chúng ta. Tôn vinh ông là đệ nhất đương thời thi sĩ, Thanh Tâm Tuyền, nhà thơ lớn nhất của một dòng thơ khác, đã không đi theo một xô đẩy tình cảm nào. Chỉ là Thanh Tâm Tuyền nhìn nổi ông, bằng một cái nhìn lớn.
Mọi người là thi sĩ. Riêng ông là thi bá.
Bởi vậy mà với một chế độ tử thù với thơ, sau ngày 30 Tháng Tư 1975, Vũ Hoàng Chương phải bị giết chết. Ngày bắt ông, 13 Tháng Tư 1976. Ngày ông mất 19 Tháng Tám cùng năm. Chúng bắt ông sau cùng. Và giết ông trước nhất.
Buổi sáng ngày 13 Tháng Tư 1976 (phần hồi ký này viết theo lời chị Vũ Hoàng Chương thuật lại) là một buổi sáng ấm áp, nhưng đêm trước lộng gió, lạnh, thi sĩ bị cảm, đã 9 giờ còn đắp chăn nằm trên mặt sàn, không sao ngồi dậy được. Mọi người trên Gác Bút, trừ chị Chương, đã ra khỏi nhà. Chúng đến, từ phía Sài Gòn. Bốn chiếc Jeep đầy nhóc an ninh áo vàng mang súng ống như cho một hành quân lớn ầm ầm vượt qua cầu Calmette, khu chợ Khánh Hội, phóng thẳng tới phường Cây Bàng và ngừng lại trước con ngõ nhỏ dẫn vào Gác Bút.
Bọn an ninh cộng sản, trên 20 đứa, tới tấp nhẩy xuống xe. Khoảnh khắc, cả phường Cây Bàng bị vây kín. Sau này tôi được biết là đến bắt các anh Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sĩ, Duyên Anh, vợ chồng Trần Dạ Từ và tôi, an ninh đỏ chỉ điều động một lực lượng từ 4 đến 6 đứa, trên một hoặc hai xe Jeep là cùng. Thường thường điều động thế này, như trường hợp đến vây bắt tôi: hai đứa đứng ở vỉa hè đối diện, bên kia đường, hai đứa đứng sát hai bên cửa ra vào, hai đứa vào.
Bắt được người rồi, bốn đứa ở ngoài mới vào theo, cùng lục soát tịch thu tài liệu. Vây bắt công khai nhưng tránh gây náo động. Trường hợp Vũ Hoàng Chương khác hẳn. Chúng chạy rầm rập, trí súng, mai phục theo tư thế chiến đấu, phá tan bầu không khí yên tĩnh của cả phường Cây Bàng buổi sáng hôm đó. Dân chúng xung quanh Gác Bút thất kinh. Có người hỏi, chúng trả lời: “Phải huy động một lực lượng lớn lao như thế này để tóm trọn ổ một bọn cướp (!) lợi hại.”
Sự náo động đột ngột dưới chân tường Gác Bút, tiếng la thất thanh của chị Vũ Hoàng Chương từ trên lầu chạy xuống khi bọn sát nhân xô cửa ập vào đánh thức thi sĩ khỏi giấc ngủ chập chờn. Ông gắng gượng ngồi dậy, lấy áo gấm mặc vào người, ngồi thật thẳng giữa chiếu, bất động, chờ đợi.
Suốt thời bọn Khuyển Ưng Khuyển Phệ tới làm tan hoang Gác Bút với sự hôi tanh kinh tởm toát ra từ con chó chết xã hội chủ nghĩa chúng mang theo (tôi dùng lại danh từ của Soljenitsyne), tâm thức phóng thoát rời đứt với thân thế ô trọc ở thi sĩ thể hiện một lần nữa. Lần cuối cùng. Ông không kinh hãi, cũng không phẫn nộ. Ông không bất ngờ, cũng chẳng ngạc nhiên. Chỉ ngồi thẳng, thành tượng, mắt nhắm lại, thu hết tâm thức đã hợp nhật với đời đời vào nội giới đóng kín.
Bọn quỷ dữ ở lại trên Gác Bút hơn hai tiếng đồng hồ. Suốt thời gian này, thi sĩ không thèm nói với chúng một lời nào. Chúng hỏi, ông không trả lời. Chúng đọc bản cáo trạng, lệnh bắt giữ, ở ông chỉ một thoáng nhún vai rồi ngồi yên như cũ. Riêng chị Vũ Hoàng Chương không sao thản nhiên được, chị uất ức gào lên: “Chồng tôi làm gì mà bắt chồng tôi?”, thì được tên thủ trưởng của bọn quỷ dữ trả lời là sau đại thắng của cách mạng, tên thi sĩ phản động kia vẫn còn làm thơ chống phá cách mạng và cho phổ biến khắp Sài Gòn những bài thơ chống phá chế độ ấy.
Rồi là cuộc lục soát và tịch thu tàn nhẫn. Từ những cuốn sách đến từng tờ bản thảo. Lúc mặt trời đứng bóng trên mái lầu Gác Bút, cuộc lục soát xong, hai thằng lực lưỡng nhất bọn quỷ tiến lại, xốc nách thi sĩ đứng lên, kèm ông xuống cầu thang. Dân chúng láng giềng với Gác Bút đứng chật lòng con ngõ khi chúng dẫn thi sĩ đi ra và đưa thẳng ông vào khám lớn Chí Hòa (…)
Hơn 4 tháng nằm trong ngục tối của thi sĩ, không ai có được những chi tiết đầy đủ. Kể cả chị Đinh Hùng, chị Vũ Hoàng Chương, cháu Vũ Hoàng Tuân, cháu Đinh Hoài Ngọc, những người đêm ngày ở cạnh chỗ nằm của ông suốt 5 ngày hấp hối. Trở về Gác Bút, thể chất trút thoát dần dần những tinh khí cuối cùng, thần trí Vũ Hoàng Chương vẫn cực kỳ minh mẫn sáng suốt. Tới đêm lâm chung. Tới phút từ trần. Nhưng thi sĩ không nói, không nói một lời nào về bốn tháng Chí Hòa.
Ngày thứ hai của năm ngày chót ông mê đi. Tưởng ông đi, chị Vũ Hoàng Chương lớn tiếng kêu khóc. Ông dịu dàng: “Tôi còn sống đây.” Rồi nói đùa: “Bị bắt vẫn còn oai. Được thủ tướng hầu hạ.” Thủ tướng đây là bác sĩ Phan Huy Quát, ở cạnh phòng ông, phòng tối số 6. Buổi chiều ngày thứ ba, ông quằn quại đau đớn hết một lúc. Thấy vậy chị Vũ Hoàng Chương lo lắng hỏi: “Ở trong ngục anh có bị chúng hành hạ gì không?” Ông trả lời: “Chúng cần gì hành hạ. Chỉ bỏ đói là đủ cho mình chết.” Vậy thôi. Ngày thứ năm, ngày 17 Tháng Chín 1976, Gác Bút yên tĩnh với thi sĩ nằm đó, trên mặt sàn hiu quạnh. Rồi ngày hết, đêm xuống. Và định mệnh mở rộng cánh tay như một lớp sóng mênh mông vô tận đón ông vào đời đời lúc đó là vừa đúng 12 giờ đêm (…)
Mãi hơn hai tháng sau, một đêm mưa lớn, từ một chỗ ẩn mới bên quận Bình Thạnh vùng xa lộ Biên Hòa lặn lội trở lại khu Cao Thắng Bàn Cờ thăm H., cũng là để có tin tức về bạn từ bài thơ từ biệt, tôi mới được H. ngậm ngùi cho biết tin thi sĩ đã qua đời (…) Và nghe tin bạn mất, tôi không còn một phản ứng nào hết. Chỉ lẳng lặng ngồi xuống, hơ hai bàn tay lạnh lên ngọn đèn, nhìn đăm đăm những ngón tay ấm dần, hồng dần trên lửa. Một đêm cộng sản, tin dữ về thiên tài thơ, một tri kỷ được đón nhận như thế. Trong thờ ơ nhân thế, trong hiu quạnh cõi đời, trong giới nghiêm tăm tối, trong trống không vô cùng vô tận. Trên một sàn gác xép hiu quạnh.
Một lát thật lâu. Mưa ào ạt trên mái. Rồi H. hỏi:
– Anh không biết gì sao?
Tôi lắc đầu, nói nơi ẩn náu lần này xa khuất, ra ngoài gần như không được, tôi đứt hết mọi liên lạc, kể từ gặp H. lần trước.
Rất ít người biết. Chúng tôi cũng không biết. Bọn khốn nạn hiểu rõ cái chết của anh Chương sẽ gây chấn động lớn. Chúng tìm hết cách bịt đi. Mấy ngày sau đám tang, chị Vũ Hoàng Chương tới đây, xõa tóc, mặc đại tang, chị khóc lóc nói anh Chương đi mà chị không làm sao báo tin dữ đến bạn bè. Cáo phó cháu Đinh Hoài Ngọc đưa đăng trên tờ Tin Sáng, bọn Ngô Công Đức hèn đớn đã thu tiền nhận đăng sau lại gửi trả tiền nói An Ninh Thành Ủy cấm.
Thành ra đưa anh Chương tới nơi an nghỉ cuối cùng chỉ có mấy người trong nhà đi sau linh cữu. Bọn Phường Khóm được lệnh còn cấm cả hàng xóm láng giềng phường Cây Bàng không cho tới chia buồn và phúng viếng. Nhà không còn một đồng một chữ, chị Chương cuống cuồng không biết xoay sở thế nào. May được Thầy Thích Đức Nhuận và Từ Mẫn tới, lo liệu mọi chuyện. Từ áo quan tới xin đất nghĩa trang.
– Anh Chương nằm ở đâu?
– Xa lắm. Một nghĩa trang làng mới có từ sau 30 Tháng Tư. Hết vùng Chí Hòa, Lê Văn Duyệt còn phải đi một quãng nữa. Năm mươi ngày của anh Chương cũng không được làm ở nhà, sợ Phường, Khóm gây khó dễ. Mà ở chùa Giác Minh.
– Có những ai tới?
– Chừng mươi mười lăm người, trong số đó có Nguyễn Hoạt, Bàng Bá Lân, Nguyễn Hiến Lê, Vương Hồng Sển. Mọi người đều yên lặng cả. Chỉ có Nguyễn Hiến Lê, trước lúc ra về, nắm lấy tay chị Chương, an ủi: “Chị đừng đau buồn nhiều. Anh mất thế là thoát. Bọn chúng tôi bây giờ sống cũng như chết, muốn được như anh mà không được.” (…)
Hai thi sĩ vĩ đại của nền thi ca Việt Nam: Vũ Hoàng Chương và Bùi Giáng
________________
Thi bá Vũ Hoàng Chương sinh ngày 14 Tháng Năm 1915, nguyên quán làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, nay là xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Thuở nhỏ, ông học chữ Hán; năm 1931 ông nhập học trường Albert Sarraut ở Hà Nội, đỗ Tú tài năm 1937. Năm 1938 ông vào Trường Luật nhưng chỉ được một năm thì bỏ đi làm Phó Kiểm soát Sở Hỏa xa Đông Dương, phụ trách đoạn đường Vinh – Na Sầm. Năm 1941, ông bỏ Sở hỏa xa đi học Cử nhân toán tại Hà Nội, rồi lại bỏ dở để đi dạy ở Hải Phòng.
Trong suốt thời gian này, ông không ngừng sáng tác thơ và kịch. Sau đó trở về Hà Nội lập “Ban kịch Hà Nội” cùng Chu Ngọc và Nguyễn Bính. Năm 1942 đoàn kịch công diễn vở kịch thơ Vân muội tại Nhà hát Lớn. Cũng năm đó ông gặp Đinh Thục Oanh, chị ruột nhà thơ Đinh Hùng và hai người thành hôn năm 1944.
Sau 1945, ông về Nam Định và cho diễn vở kịch thơ Lên đường của Hoàng Cầm. Thời kháng chiến chống Pháp, Vũ Hoàng Chương tản cư cùng gia đình về Thái Bình, làm nghề dạy học. Đến 1950, ông hồi cư về Hà Nội. Năm 1954, ông di cư vào Nam ở Sài Gòn, tiếp tục sáng tác và dạy học ở các trường trung học và Đại học Văn khoa Sài Gòn.
Năm 1959 ông đoạt “Giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc” với tập thơ Hoa đăng. Từ 1969-1973, thi bá Vũ Hoàng Chương là Chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam. Năm 1972 ông đoạt giải thưởng văn chương toàn quốc lần thứ hai. Sau năm 1975, ông bị cộng sản bắt tù và chết trong nghèo khổ.
Chiến đấu cơ Mỹ, Nhật, Úc bay đội hình tại căn cứ Andersen Air Force Base, Guam, 2020. Hình minh họa.
Cho đến nay, với sự tham gia của các đồng minh và đối tác, Mỹ đã sắp đặt gần như hoàn chỉnh một vành đai phòng thủ để sẵn sàng đáp trả nguy cơ xâm lược từ phía Trung Quốc và Bắc Hàn.
Đó là tuyên bố của Thiếu tướng Joshep Ryan – Tư lệnh Sư đoàn 25 Bộ binh của Mỹ (*). Phạm vi trách nhiệm của sư đoàn có Bộ Tư lệnh đặt tại Hawaii này của Lục quân Mỹ là toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tướng Ryan đưa ra tuyên bố vừa kể trong một cuộc phỏng vấn với AP tại Manila – thủ đô Philippnes. Tư lệnh Sư đoàn 25 Bộ binh Mỹ đang ở Philippines để thảo luận với giới hữu trách của Philippines về kế hoạch cho các cuộc tập trận chung sẽ diễn ra trong tháng tới và tháng tới nữa cả trên bộ, trên biển lẫn trên không ở Philippines. Theo dự kiến, sẽ có hàng ngàn quân nhân Mỹ tham gia hai cuộc tập trận này và riêng năm nay, Mỹ sẽ cùng Philippines tổ chức khoảng 500 cuộc tập trận chung ở các quy mô khác nhau.
Mức độ cứng rắn trong các thông điệp mà Mỹ gửi cho Trung Quốc, Bắc Hàn đang tăng dần và cuộc trò chuyện giữa tướng Ryan với AP chính là một ví dụ. Trong cuộc trò chuyện này, tướng Ryan nhắc đến cuộc chiến giữa Ukraine và Nga đề lưu ý cả Trung Quốc lẫn Bắc Hàn – hai quốc gia được xác định là những đối tượng có khả năng phát động các cuộc chiến xâm lược ở châu Á – cần quan sát kỹ lưỡng về hậu quả mà Nga đang phải gánh chịu và suy nghĩ cẩn thận xem có nên hung hăng như thế hay không.
Tướng Ryan nhấn mạnh: Các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và những đồng minh ở châu Á trong thời gian vừa qua cho thấy Mỹ và đồng minh sẵn sàng tham chiến. Thông qua các cuộc tập trận chung, Mỹ, Nhật, Úc, Philippines và những quốc gia khác đã chứng minh sẽ cùng với nhau chống lại sự xâm lược của những quốc gia muốn thay đổi trật tự thế giới ở châu Á. Tuy châu Á không phải là đối tác của NATO nhưng liên minh quân sự này sẽ cung cấp các biện pháp bảo vệ, tham gia duy trì trật tự quốc tế trong khu vực.
Tư lệnh Sư đoàn 25 Bộ binh của Mỹ bày tỏ sự phấn khởi trước những gì ông đã chứng kiên từ các đồng minh và đối tác trong khu vực châu Á, đặc biệt là việc cùng nhau đáp trả hành động gây hấn của Trung Quốc. Chuyện Philippines mở cửa chín căn cứ quân sự (một số trông sang Đài Loan, một số trông ra biển Đông) để tiếp nhận các đơn vị của quân đội Mỹ trú đóng theo hình thức luân phiên và bố trí sẵn vũ khí, quân cụ, phương tiện quân sự là ví dụ mới nhất.
Cho đến nay, với sự tham gia của các đồng minh và đối tác, Mỹ đã sắp đặt gần như hoàn chỉnh một vành đai phòng thủ để sẵn sàng đáp trả nguy cơ xâm lược từ phía Trung Quốc và Bắc Hàn. Sự phản đối của Trung Quốc về những cuộc tập trận có quân đội Mỹ tham gia ở những vùng ven biển Đông – khu vực mà Trung Quốc muốn xác lập chủ quyền – cũng như những cáo buộc vể việc Mỹ can thiệp vào các tranh chấp ở châu Á, quân sự hóa gia tăng nguy hiểm tại khu vực này… rõ ràng là… phản tác dụng!
Theo tướng Ryan, mục đích chính của việc thiết lập vành đai phòng thủ và liên tục tổ chức các cuộc tập trận chung với đồng minh và đối tác trong khu vực châu Á là nhằm “răn đe” đối thủ trong khu vực: Mỗi chính khách, mỗi chính phủ sẽ phải nhìn vào mối liên kết đó để suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định. Họ phải cân nhắc xem có thể thắng nếu phải đối mặt với lực lượng đã được huấn luyện và sẵn sàng như vậy hay không. Trước nay, giới hữu trách của các bên tham gia tập trận ở khu vực châu Á thường không xác định loại hoạt động này nhắm vào quốc gia nào nhưng giờ đã khác. Tướng Ryan bảo rằng: Sự hung hăng của Trung Quốc là một thực tế đáng ngại mà cả khu vực nên chuẩn bị. Khi huấn luyện, khả năng xâm lược của Trung Quốc có xuất hiện trong suy nghĩ của chúng ta không? Hoàn toàn có thể! Chúng ta có nghĩa vụ phải bảo đảm rằng Philippines có thể duy trì và sẽ duy trì chủ quyền của họ. Sự gây hấn của Trung Quốc khiến đồng minh của chúng tôi khó chịu cũng khiến chúng tôi khó chịu.
Chỉ tính riêng năm ngoái, Philippines đã gửi khoảng 200 công hàm phản đối các hành động hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông – hải lộ vừa đông đúc, vừa giàu tài nguyên, nơi Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei cùng xác lập chủ quyền ở những vùng chồng lấn. Trả lời thắc mắc, liệu Mỹ và các đồng minh ở châu Á có sẵn sàng ứng phó nếu xảy ra tình huống tương tự như Nga xâm lược Ukraine trong khu vực hay không, tướng Ryan khẳng định: Hoàn toàn có thể. Tôi tự tin là chúng tôi đã sẵn sàng nhưng điều đó không có nghĩa là tôi hài lòng. Chúng ta luôn có thể làm tốt hơn. Theo ông: Các đối thủ của Mỹ nên ngẫm nghĩ về đối thoại vì chiến tranh rất phức tạp và có thể diễn ra theo nhiều cách khác nhau. Nga đã nhận ra và sẽ còn nhận ra điều này. Trước chiến tranh, nhiều người nghĩ Ukraine sẽ nhanh chóng bị khuất phục trước sức mạnh quân sự của Nga nhưng điều đó đã không xảy ra vì hai lý do, thứ nhất, đó là ý chí chiến đấu của dân chúng Ukraine…
Thứ hai là Mỹ và NATO đã hỗ trợ quân đội Ukraine bằng cách huấn luyện, nâng cao khả năng đối phó với các tình huống an ninh bất ngờ của họ trong nhiều năm trước khi Nga tiến hành cuộc xâm lược quy mô lớn vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Tướng Ryan nói thêm: Tôi nghĩ các đồng minh của chúng ta trong khu vực coi trọng chủ quyền của họ, coi trọng tự do của họ, coi trọng nền độc lập của họ và không đối thủ nào nên xem nhẹ điều đó.