Ngôi nhà trắng tinh khôi, ngỡ như lạc vào thế giới điện ảnh Hollywood

Ngôi nhà phố thiết kế trần vòm ấn tượng cùng không gian sống thú vị, ngỡ như ở thế giới điện ảnh Hollywood.

Kiến trúc sư Đỗ Nguyễn Anh Quý chia sẻ: “Kiến trúc không đơn giản là tạo nên ngôi nhà để ở mà chính là giải quyết những bài toán hóc búa gia chủ đặt ra, tạo nên không gian sống nhiều cảm xúc, công năng bố trí khoa học, tiện nghi và có tính thẩm mỹ cao. Ở đó, mỗi góc nhà đều có sự độc đáo riêng, tổng thể hài hòa, mang nét cá tính của gia chủ”.

Các công trình của anh cùng cộng sự thi công đã mang đến một cái nhìn mới mẻ trong lĩnh vực thiết kế xây dựng nhà ở, trong đó không gian sống đan xen yếu tố nghỉ dưỡng. Mỗi công trình là sản phẩm nghệ thuật, chứa đựng sự tâm huyết của đội ngũ thiết kế, thi công. 

Hãy cùng VietNamNet tham quan một công trình nhà ở ấn tượng do kiến trúc sư Quý thực hiện:

Phòng khách ngập tràn ánh sáng với trần mái vòm kiểu châu Âu và khung cửa lớn choáng ngợp không gian. Màu trắng chủ đạo thể hiện sự sang trọng nhưng được trung hòa bởi màu vàng gỗ và nhấn bằng đệm ghế sọc đen. 

Phòng bếp có sức chứa khoảng 20 người và có thể mở rộng ra ngoài sân vườn nhờ hệ cửa kính lớn, linh hoạt. Toàn bộ trần bếp ốp gỗ sơn trắng kiểu phong cách Farmhouse, nhấn thêm đèn thả trần hình nấm đơn giản. 

Sân vườn cạnh phòng bếp, nơi được thiết kế cho những tiệc trà chiều với hệ thống bồn cây xanh trải dài kết hợp ghế. Mái hiên rộng cản mưa, nắng nhưng vẫn chừa khe thoáng hút gió, ánh sáng. 

Cầu thang xương cá tiết kiệm diện tích. Kiểu cầu thang này nhìn tuy đơn giản nhưng đòi hỏi kỹ thuật thi công cao, cầu kỳ và tỉ mẩn. Gầm cầu thang được anh Quý tận dụng thành góc ngồi chơi đọc sách với tấm gỗ làm bàn khá lạ mắt. Để tránh bụi rơi xuống khu vực này khi mọi người di chuyển, anh Quý dùng vách kính trong che kín, vừa thẩm mỹ lại an toàn, sạch sẽ. Mảng tường gạch không trát vữa mà để mộc rồi sơn và phủ lớp chống bắt bụi lên.

Giếng trời tạo góc bo cong mềm mại, phía sau là khu vệ sinh nên nhóm dùng tường kính để tận dụng ánh sáng mà vẫn có được sự riêng tư cần thiết. 

Những phòng ngủ lấy ý tưởng từ các bộ phim Hollywood xưa nhưng vẫn mang yếu tố hiện đại, tiện dụng. 

Góc chill ở ban công phòng ngủ.
Cầu thang phụ hình xoắn ốc từ phòng bếp lên tầng 2. 

Quỳnh Nga / Vietnam Net

Cuộc sống mưu sinh ở Việt Nam qua tranh ký hoạ đô thị của hoạ sĩ Pháp

Họa sĩ Pháp Fred Campana và vợ người Việt Nam
Chụp lại hình ảnh,Họa sĩ Pháp Fred Campana và vợ người Việt Nam

Những hình ảnh chỉ có ở Việt Nam như người đàn ông nằm ngủ trên ba chiếc xe máy, những gánh hàng rong… được hoạ sĩ người Pháp tái hiện sống động qua các bức ký hoạ đô thị.

Fred Campana, sinh năm 1976 tại Aix-en-Provence, miền Nam nước Pháp. Anh đã sống và làm việc tại châu Á trong hơn 20 năm qua, đang làm việc trong ngành công nghiệp đồ chơi.

Anh bắt đầu hành trình ký hoạ đô thị cách đây 10 năm. Anh chỉ tranh thủ vẽ vào những lúc rảnh rỗi, nhằm cải thiện kỹ năng phân tích và sáng tạo của mình.

Những tác phẩm về Việt Nam được đăng trên trang Instagram Theminimalisturbansketcher của anh đã được đón nhận với gần 18.000 lượt theo dõi và nhiều bình luận tích cực.

Trả lời BBC News Tiếng Việt, Fred Campana cho biết: “Tôi đến Việt Nam trong một chuyến công tác cách đây 15 năm và ngay lập tức bị thu hút bởi năng lượng của đất nước này cũng như lòng tốt của người dân nơi đây.”

“Ngoài ra, tôi đã kết hôn với một người phụ nữ Việt Nam tuyệt vời, người chắc chắn đã giúp tôi hiểu sâu sắc về văn hóa Việt Nam.”

 đánh thức sự tự do

Gánh bún riêu "Only in Vietnam" (Chỉ có ở Việt Nam)
Chụp lại hình ảnh,Gánh bún riêu “Only in Vietnam” (Chỉ có ở Việt Nam)

Khi được hỏi về cách chọn đề tài ký hoạ, Campana chia sẻ rằng anh thấy đường phố Việt Nam sôi động và náo nhiệt.

“Tôi có thể đi bộ hàng giờ vào một ngày thứ bảy đầy nắng. Bất cứ khi nào nhìn thấy một khung cảnh đầy cảm hứng, tôi lập tức ngồi xuống sàn, lôi bút và cuốn sổ phác thảo ra và vẽ. Mỗi lần như vậy, tôi mất đi cảm giác về thời gian và hoàn toàn sống trong thời điểm hiện tại.”

Để hoàn thành một bức vẽ, anh cho biết mình dành khoảng 20 phút cho đến vài tiếng. Thời tiết của Việt Nam là một trong những thách thức với hoạ sĩ người Pháp.

“Nhưng đó là điều tôi thích, đổ mồ hôi dưới trời nắng nóng hay hoàn thành một bức vẽ dưới trời mưa nặng hạt luôn là những kỷ niệm đẹp”, Campana nói.

ky hoa do thi

“Mối quan tâm chính của tôi là về những người mưu sinh trên đường phố mà không ai để ý đến, không ai nhìn vào họ.”

“Họ là những người thầm lặng nhưng chúng ta không biết là chúng ta cần họ”, anh lý giải.

Thật vậy, những bức vẽ của Campana được nhiều người đánh giá là gợi cảm xúc hoài niệm, bình yên. Hình ảnh đường phố Việt Nam từ gánh bún riêu trong góc phố đến chiếc xe máy chở hàng trăm con vịt… hiện ra vô cùng sinh động.

Nhiều tin nhắn được gửi tới cảm ơn hoạ sĩ nói rằng các bức tranh nhắc nhớ về kỷ niệm đẹp thời thơ ấu của người Việt. Một người bình luận: “Bóng dáng của ba mẹ tôi trong cuộc mưu sinh qua nét vẽ của hoạ sĩ hiện ra thật hồn hậu.”

ky hoa

Tác phẩm mà Campana tâm đắc nhất là bức ký hoạ người bán kem trên chiếc xe đạp tặng cho người vợ Việt Nam của mình. Anh cho biết vào dịp sinh nhật vợ, cô đã nhờ anh vẽ bức này để hoài niệm về tuổi thơ.

“Tôi đã vẽ ra và in trong một tờ giấy tre khổ lớn, đóng khung bằng gỗ sồi. Đó chắc chắn là một tác phẩm tuyệt vời trong phòng khách của chúng tôi”, anh dí dỏm nói.

Gia đình Pháp Việt
Chụp lại hình ảnh,Gia đình Pháp Việt

Khi phóng viên BBC thắc mắc vì sao các bức ký hoạ của anh đều sử dụng tông đơn sắc trên giấy màu nâu, Campana giải thích rằng anh bị mù màu, cách anh nhìn thấy các chi tiết và độ tương phản hoàn toàn khác với một người bình thường.

“Tôi sử dụng những gì có vẻ là bất lợi và biến chúng thành phong cách riêng của mình. Tôi đã phát minh ra một kỹ thuật sử dụng mực đen và rửa mực trên giấy nâu và trắng. Cho đến nay tôi không thấy có bất kỳ nghệ sĩ nào sử dụng kỹ thuật tương tự”, Campana nói với BBC.

Chia sẻ về các dự án trong tương lai, Campana cho biết anh vẫn đang hoàn thiện kỹ thuật của mình trên giấy nâu. Bên cạnh Việt Nam, anh cũng có những ký hoạ về cuộc sống đời thường tại các quốc gia khác như Nhật Bản, Pháp, Hong Kong…

“Một lúc nào đó, tôi sẽ chia sẻ chúng trên trang Instagram của mình.”

Các bạn xem thêm các bức ký họa đô thị Việt Nam của Fred Campana dưới đây:

Tranh xe bán kem mà Fred Campana vẽ tặng sinh nhật vợ
Chụp lại hình ảnh,Tranh xe bán kem mà Fred Campana vẽ tặng sinh nhật vợ
Fred Campana
Fred Campana
Fred Campana
Fred Campana
Fred Campana
Fred Campana
Fred Campana
Fred Campana
Fred Campana
Fred Campana
Fred Campana
Fred Campana
  • Thương Lê
  • Vai trò,BBC News Tiếng Việt

Một điều đáng sợ khác về ChatGPT: Lừa đảo quá tài tình

Cắc chuyên gia lo ngại ChatGPT có thể trở thành công cụ cho những kẻ lừa đảo và tin tặc viết những bài viết lừa đảo hiệu quả hơn.

Nỗi sợ về ChatGPT

Khi được yêu cầu viết một email lừa đảo, ChatGPT tỏ ra rất đạo đức khi dạy cho người dùng một bài giảng nghiêm khắc về việc lừa đảo là xấu.

Công cụ này gọi lừa đảo là một “hoạt động độc hại và bất hợp pháp nhằm đánh lừa các cá nhân để cung cấp thông tin nhạy cảm như mật khẩu, số thẻ tín dụng và thông tin cá nhân”, đồng thời nói thêm rằng nó được lập trình để “tránh tham gia vào các hoạt động có thể gây hại cá nhân hoặc gây hại cho cộng đồng”.

Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy, công cụ trí tuệ nhân tạo miễn phí đang gây bão trên toàn thế giới hoàn toàn có khả năng tạo ra bài viết lừa đảo, thuyết phục một ai đó tải xuống phần mềm độc hại gây rủi ro.

Các chuyên gia lo ngại ChatGPT – và trí tuệ nhân tạo nói chung – có thể trở thành công cụ cho những kẻ lừa đảo và tin tặc ở nước ngoài viết những bài viết lừa đảo hiệu quả hơn, tránh những lỗi về ngữ pháp trước đây khiến người dùng cảnh giác.

Các chuyên gia cho biết những email do AI tạo ra cũng có nhiều khả năng vượt qua các bộ lọc email của phần mềm bảo mật.

Nhưng các chuyên gia nói rằng không nên đổ lỗi cho AI. Randy Lariar, giám đốc vận hành dữ liệu lớn, AI và phân tích của công ty an ninh mạng Optiv, cho biết: “Điều đó không phải tốt hay xấu. Nó chỉ là một công cụ giúp người tốt và kẻ xấu làm những việc họ đang làm dễ dàng và ít tốn kém hơn”.

Mặc dù các công ty an ninh mạng từ lâu đã quảng cáo AI và học máy như một cách thay đổi cuộc chơi nhằm tăng cường bảo vệ trực tuyến tự động và giúp lấp đầy khoảng trống trong lực lượng lao động của ngành, nhưng việc tăng tính khả dụng của loại công nghệ này thông qua các công cụ như ChatGPT sẽ chỉ giúp tội phạm dễ dàng thực hiện nhiều cuộc tấn công mạng hơn.

Ngoài ra, người dùng công nghệ sẽ cần phải cẩn thận với những thông tin mà họ cung cấp cho AI, bởi vì một khi họ cung cấp thông tin đó, nó sẽ trở thành một phần cơ sở dữ liệu khổng lồ của ChatGPT và họ sẽ có rất ít hoặc không có quyền kiểm soát đối với việc thông tin được chia sẻ với ai hoặc cách thức thông tin được chia sẻ được sử dụng sau đó.

Mặc dù có các biện pháp bảo vệ được tích hợp sẵn để ngăn chặn tội phạm mạng sử dụng ChatGPT cho các mục đích bất chính, nhưng chúng không phải là hoàn hảo.

Người ta có thể yêu cầu công cụ này viết một bức thư xin tị nạn hoặc đề xuất về một điểm hẹn lãng mạn. Nhưng ai đó cũng có thể sử dụng ChatGPT viết một lá thư giả để lừa ai đó đã trúng giải độc đắc xổ số bang New York.

Một điều đáng sợ khác về ChatGPT: Lừa đảo quá tài tình - Ảnh 1.

Mối nguy hại trong tương lai

Mặc dù những lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu đối với AI không phải là mới, cuộc tranh luận về việc sử dụng công nghệ AI trong một số lĩnh vực đã nổ ra trong nhiều năm.

John Gilmore, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Abine, công ty sở hữu DeleteMe, một dịch vụ giúp mọi người xóa thông tin khỏi cơ sở dữ liệu, cho biết những lo lắng về các mô hình ngôn ngữ như ChatGPT có thể không rõ ràng nhưng ngày càng trở nên đáng chú ý.

Gilmore lưu ý rằng người dùng không có bất kỳ quyền nào liên quan đến việc ChatGPT làm gì với dữ liệu mà công cụ thu thập từ họ hoặc người mà nó chia sẻ dữ liệu đó.

Khi việc sử dụng AI lan rộng sang các lĩnh vực khác khác, mọi thứ càng trở nên khó minh bạch hơn và người dùng cần có những quy tắc nhất định.

Ví dụ: thông tin bí mật hoặc độc quyền không bao giờ được nhập vào các ứng dụng hoặc trang web AI, cũng như các yêu cầu trợ giúp về những thứ như đơn xin việc hoặc biểu mẫu pháp lý.

Gilmore nói: “Mặc dù có thể rất hấp dẫn khi nhận được lời khuyên dựa trên AI vì lợi ích ngắn hạn, nhưng bạn nên lưu ý rằng trong quá trình đó, bạn đang cung cấp nội dung cho những người khác”.

Lariar của Optiv cho biết do sự mới mẻ của các mô hình ngôn ngữ AI, vẫn còn rất nhiều điều cần được quyết định khi nói đến tính hợp pháp và quyền của người tiêu dùng.

Ông so sánh các nền tảng AI dựa trên ngôn ngữ với sự phát triển của ngành công nghiệp phát trực tuyến video và âm nhạc, dự đoán rằng sẽ có hàng loạt vụ kiện được đệ trình trước khi mọi thứ được giải quyết ổn thỏa.

Trong khi đó, AI dựa trên ngôn ngữ sẽ không biến mất. Về cách bảo vệ chống lại những kẻ sẽ sử dụng nó cho mục đích xấu, Lariar cho biết giống như mọi thứ về bảo mật, điều này sẽ bắt đầu từ những điều cơ bản.

Ông nói: “Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả những ai không đầu tư vào các chương trình bảo mật cần thiết. Những biện pháp bảo vệ ngày càng lơi lỏng hơn, dễ bị tấn công và lừa đảo. AI sẽ ngày càng tăng lên”.

Mạnh Kiên / Tổ Quốc

Một năm Ukraine chuyển mình trong khói lửa chiến tranh

Vào đêm Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Sergiy Osachuk, lúc bấy giờ là thống đốc tỉnh Chernivtsi, choàng tỉnh vì những tiếng nổ lớn.

“Tôi bị đánh thức bởi hàng loạt vụ nổ và tin nhắn trên điện thoại thông báo rằng cuộc tấn công tổng lực của Nga vào Ukraine đã bắt đầu”, Osachuk, 50 tuổi, nhớ lại khi cuộc xung đột chuẩn bị bước sang năm thứ hai.

Là một sĩ quan dự bị, Osachuk muốn đăng ký nhập ngũ, nhưng không được đáp ứng ngay lập tức, bởi ông lúc đó đang giữ chức thống đốc tỉnh Chernivtsi, miền tây Ukraine.

“Nửa đầu năm 2022, tôi điều hành công tác huy động quân ở tỉnh Chernivtsi. Ngày nào tôi cũng kêu gọi mọi người gia nhập lực lượng vũ trang”, ông kể lại. “Khi nhiệm kỳ thống đốc kết thúc vào ngày 14/7, tôi đăng ký tòng quân ngay. Tôi rất vinh dự được trở thành một người lính biên phòng tham gia vào những nỗ lực bảo vệ lãnh thổ Ukraine”.

Từ bỏ bộ vest chỉn chu của một chính trị gia, Osachuk khoác lên mình quân phục dã chiến, trở thành một trung tá biên phòng.

Serhiy Osachuk (giữa), cựu thống đốc tỉnh Chernivtsi, hiện là trung tá Lực lượng Bảo vệ Biên giới, bên trong phòng chỉ huy của Ukraine ở Bakhmut hôm 9/2. Ảnh: AFP.
Serhiy Osachuk (giữa), cựu thống đốc tỉnh Chernivtsi, hiện là trung tá Lực lượng Biên phòng, bên trong phòng chỉ huy của Ukraine ở Bakhmut hôm 9/2. Ảnh: AFP.

Lực lượng Biên phòng Ukraine trong thời bình có nhiệm vụ tuần tra bảo vệ biên giới. Nhưng khi chiến tranh nổ ra, họ cũng tham gia các trận đánh ở tiền tuyến như bất kỳ lực lượng nào khác của quân đội Ukraine.

Với vai trò mới, Osachuk phối hợp hành động với các đơn vị khác trong lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. “Tại đây, giữa chiến trường, tôi cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều so với việc phải ở lại hậu phương làm thống đốc. Đó là một trách nhiệm lớn”, ông nói.

Osachuk quả quyết ông muốn ở lại quân đội lâu nhất có thể, coi nhiệm vụ bảo vệ đất nước tới khi giành chiến thắng là trách nhiệm của cá nhân ông cũng như mọi công dân Ukraine khác.

Lái xe băng qua Bakhmut, tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine, nơi quân đội Nga tìm cách tấn công từ năm ngoái, Osachuk mô tả đây chính là “nơi số phận của cả Ukraine và các quốc gia tự do trên thế giới được định đoạt”.

Không chỉ ở tiền tuyến, chiến sự còn thay đổi mạnh mẽ cuộc sống ở hậu phương Ukraine. Trước xung đột, Kateryna Musienko, cư dân Odessa ở miền nam Ukraine, chỉ nói tiếng Nga và thậm chí coi thường những người sử dụng tiếng Ukraine hay “Surzhyk”, ngôn ngữ pha trộn giữa hai thứ tiếng.

Theo khảo sát năm 2004 của Viện Xã hội học Quốc tế Kiev, khoảng 85% dân số ở Odessa thường xuyên sử dụng tiếng Nga. Nhưng từ khi chiến sự nổ ra, “mọi thứ đã thay đổi”, Musienko, cô gái 24 tuổi, nói.

Ekaterina Musienko trong một cuộc phỏng vấn ở Odesa hôm 8/2. Ảnh: AFP.
Ekaterina Musienko trong một cuộc phỏng vấn ở Odessa hôm 8/2. Ảnh: AFP.

Hồi tháng ba năm ngoái, bà cô thiệt mạng sau một cuộc tập kích của Nga vào Odessa. “Tôi đã rất sốc. Tôi không đau buồn mà chỉ cảm thấy giận dữ, căm thù”, Musienko cho hay. “Tôi trở thành một người chỉ nói tiếng Ukraine, không thỏa hiệp và không thể thay đổi”.

Cha mẹ, bạn trai cô và một số đồng hương của Musienko cũng quyết định chuyển sang nói tiếng Ukraine.

Musienko ủng hộ việc tháo dỡ các tượng đài và đổi tên những con đường liên quan đến Nga ở Odessa. Cô đồng thời sáng lập một tổ chức phi chính phủ nhằm bảo vệ tiếng Ukraine.

“Ngôn ngữ chỉ có thể được duy trì và phát triển khi nó tồn tại trong cuộc sống hàng ngày”, Musienko giải thích. “Nếu con cháu chúng tôi không sử dụng, tiếng Ukraine sẽ chết”.

Cô muốn tổ chức của mình xây dựng các trò chơi, những buổi tranh luận, bài giảng, khóa học, câu lạc bộ giao lưu và lễ hội nhằm tôn vinh và thúc đẩy người dân Odessa chuyển sang sử dụng tiếng Ukraine. “Tất nhiên, không phải bằng vũ lực, mà bằng cách đặt câu hỏi, suy luận”, cô nói.

Với nhân viên lái tàu hỏa Andriy Yeryomenko, cuộc xung đột để lại dấu ấn rất rõ ràng trên khuôn mặt. “Râu của tôi đã chuyển bạc”, người đàn ông 53 tuổi, mặc bộ đồng phục lái tàu màu xanh, nói đùa trong lúc ngồi trong cabin.

Xuất thân từ một công nhân đường sắt, Yeryomenko nhớ lại những giây phút đầu tiên chiến sự nổ ra, khi ông cùng các đồng nghiệp vội vã lái tàu chở hàng nghìn người sơ tán khỏi vùng chiến sự.

“Mọi người đều sợ hãi, tất cả đều trong tình trạng sốc: trẻ em, chó mèo, người lớn, người già”, ông kể. “Chúng tôi đón tiếp bất cứ ai trong khả năng, 10 đến 12 người cùng ngồi chung trong một khoang vốn chỉ dành cho 4 hành khách”.

Chuyến tàu mà Yeryomenko lái đi dọc chiều dài đất nước, đôi khi tắt hết đèn để giữ bí mật, chở những người dân đang sợ hãi, hoang mang đến nơi an toàn.

Trưởng tàu Andriy Yeryomenko ở Kiev hôm 8/2. Ảnh: AFP.
Lái tàu Andriy Yeryomenko ở Kiev hôm 8/2. Ảnh: AFP.

Ukrzaliznytsia, hệ thống đường sắt quốc gia Ukraine, vẫn duy trì hoạt động ngay cả khi bị pháo kích, giữ cho giao thông đất nước được xuyên suốt.

Trên mạng xã hội, nhiều người Ukraine đã coi công nhân đường sắt như những “người hùng” giúp họ vượt qua khó khăn. Nhưng Yeryomenko, người có hai con trai đang chiến đấu nơi tiền tuyến, không quá quan tâm đến những lời ngợi ca này.

“Chúng tôi chỉ đơn giản là đang làm công việc của mình”, ông nhấn mạnh. “Chẳng ai trong chúng tôi phá hủy được một chiếc xe tăng hay bắn hạ chiếc máy bay nào”

Vũ Hoàng Theo AFP / Vietnam Express

Kinh tế Hoa Kỳ, 2020 – 2023

Chỉ hơn hai năm sau cú sốc COVID-19, tỷ lệ thất nghiệp và tổng sản lượng nội địa đã trở lại các mức trước đại dịch. Trong khi đó lạm phát đang tiếp tục giảm và nguy cơ trì trệ kinh tế đã mờ dần.

Nền kinh tế Hoa Kỳ đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 nhờ những biện pháp kích thích mạnh mẽ chưa từng có.

Không có suy thoái kinh tế và lạm phát tiếp tục giảm.

Nguyễn Quốc Khải

Tổng Thống Joe Biden vừa kết thúc hai năm đầu của nhiệm kỳ bốn năm. Đây là thời điểm thích hợp để thẩm định nền kinh tế Hoa Kỳ. Kinh tế gia thường dựa vào sáu chỉ số sau đây để thẩm định một nền kinh tế: (1) Tổng sản phẩm nội địa, (2) Tỉ lệ thất nghiệp, (3) Lạm phát, (4) Lãi suất (5) Thị trường trứng khoán, (6) Ngân sách quốc gia.

TỔNG SẢN PHẨM NỘI ĐỊA

Hoa Kỳ: Tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa, 1990 – 2022
Hoa Kỳ: Tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa, 1990 – 2022

Tổng sản phẩm nội địa (gross domestic product – GDP) là tổng số giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được các quốc gia sản xuất và bán trong một khoảng thời gian cụ thể. Sau khi suy giảm ở mức -2.8% vào năm 2020 vì đại dịch COVID 19, GDP của Hoa Kỳ đã phục hồi đáng kể với tỉ lệ 5.9 % vào năm 2021 nhờ đại dịch đã giảm bớt với thuốc chủng ngừa. Bước qua 2022, GDP đã tăng trưởng bình thường trở lại ở mức 2.1%. Khi GDP tăng trưởng trong khoảng 2% – 3%, nền kinh tế được xem như lành mạnh. Khi mức tăng trưởng trên 3% nền kinh tế phát triển quá nhanh. Khi chỉ số này xuống dưới 2%, kinh tế Hoa Kỳ có nguy cơ suy thoái.

Theo sự tiên liệu vào ba tháng trước đây của một số nhà nghiên cứu, kinh tế Hoa Kỳ có thể có 70% nguy cơ suy thoái vào năm 2023. Điều này có nghĩa là mức tăng trưởng GDP xuống dưới 0%. Một số các kinh tế gia nghĩ rằng sự suy thoái sẽ không đáng kể. Goldman Sachs và JPMorgan Chase, hai công ty tài chánh và ngân hàng đầu tư Hoa Kỳ, có cùng một dự đoán. Wells Fargo Investment Institute và Barclays Capital nói rằng kinh tế Hoa Kỳ sẽ phải đối phó với một tình trạng suy thoái nghiêm trọng.

Tuy nhiên, triển vọng của nền kinh tế Hoa Kỳ vào năm 2023 hiện tại có vẻ tốt hơn một chút so với tiên đoán ba tháng trước theo 37 nhà dự báo được Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Philadelphia khảo sát. Theo dự đoán này, nền kinh tế sẽ mở rộng với tốc độ hàng năm là 0.6% trong quý một, 1.0% trong quý hai năm 2023 và 1.3% cho cả năm 2023. Như vậy có nghĩa là suy thoái kinh tế sẽ không xảy ra vào 2023 dù Quỹ Dự Trữ Liên Bang tang lãi suất để giảm lạm phát.

TỈ LỆ THẤT NGHIỆP

Thị trường lao động phát triển phát triển mạnh mẽ trong hai năm qua gây ngạc nhiên cho mọi người. Nạn thất nghiệp tiếp tục giảm từ tháng 4/2020 với tỉ lệ cao nhất là 14.7% vì đại dịch COVID 19. Vào tháng 1/2021 tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 6.3% nhờ đại dịch bớt dần đã giúp kinh tế hoạt động trở lại. Đúng một năm sau, tỉ lệ thất nghiệp hạ xuống còn 4% vào tháng 1/2022. Con số của tháng 1/2023 là 3.4%, một tỉ lệ thấp nhất kể từ 1969, nghĩa là hơn nửa thế kỷ trước. Kinh tế đã tạo thêm tổng cộng 6.5 triệu việc làm trong năm 2021, 4.8 triệu trong năm 2022 và 517,000 việc làm riêng trong tháng 1, 2023. Đối với mỗi công nhân thất nghiệp, có 1.9 việc làm chờ họ.

Khi tỉ lệ thất nghiệp thấp như hiện nay, guồng máy kinh tế có nhiều công nhân làm việc để sản xuất hàng hóa và dịch vụ, giúp tăng tổng sản phẩm nội địa. Sự kiện này chứng tỏ rằng kinh tế còn đang trong giai đoạn bành trướng của chu kỳ kinh doanh. Do đó tình trạng trì trệ chưa thể xảy ra.

Theo các nhà dự báo được Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Philadelphia khảo sát, tỉ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng đôi chút trong 2023 từ 3.5% vào quý một lên đến 4.1% vào quý bốn hay là 3.8% cho cả năm 2023. Đây là kết quả gián tiếp của việc Quỹ Dự Trữ Liên Bang (Federal Reserves) tăng lãi suất để giảm lạm phát. Một số công ty đã phải điều chỉnh để thích ứng với thay đổi môi trường kinh doanh và phải giảm bớt đầu tư vì chi phí tài trợ cao.

Sa thải hàng loạt (mass layoff) nhân viên đã xảy ra trong 2022 tại 26 công ty bao gồm Cisco, Amazon, Meta, và Twitter. Riêng trong hai tháng đầu của 2023, sa thải hàng loạt đã áp dụng tại 21 công ty bao gồm cả Disney, Zoom, Dell, Paypal, IBM, 3M, Google, Microsoft, Amazon, DirecTV, Vimeo, và Goldman Sachs.

Sa thải hàng hoạt xảy ra khi ít nhất 50 nhân viên bị cho nghỉ việc trong vòng 30 ngày, tương đương với 1/3 tổng số nhân viên của công ty hoặc là 500 nhân viên bị sa thải trong vòng 30 ngày bất kể công ty lớn hay nhỏ.

LẠM PHÁT

Lạm phát là tỉ lệ giá tăng hay giảm giữa hai thời điểm. Chỉ số giá tiêu thụ (consumer price index – CPI) thường được dùng để đo mức lạm phát. Vào cuối năm 2020, tỉ lệ lạm phát rất thấp là 1.4% vì kinh tế đang co cụm (14.7% toàn năm), nạn thất nghiệp cao, và mức cầu kinh tế giảm. Ngược lại vào cuối năm 2021, lạm phát tăng vọt lên đến 7% do kinh tế tăng trưởng mạnh (5.9% toàn năm) nhờ đạo luật Kế Hoạch Giải Cứu Hoa Kỳ 2021 (American Rescue Plan Act of 2021).

Mức lạm pháp tiếp tục tăng sáu tháng đầu của 2022 cho tới đỉnh điểm 9.1% vào tháng 6/2022. Sau đó may mắn tỉ lệ lạm pháp hạ liên tục sáu lần xuống còn 6.5% vào tháng 12/2022. Tuy nhiên con số này còn quá cao so với mức lạm phát lành mạnh là 2%. Đây là một dấu hiệu cho thấy kinh tế chưa ở trong giai đoạn suy thoái của chu kỳ kinh doanh.

Hiện nay chưa có con số lạm phát chính thức cho 2023 cho đến khi Bureau of Labor Statistics công bố thống kê mới vào 14-2-2023. Với việc tăng lãi suất của Quỹ Dự Trữ Liên Bang bốn lần liên tiếp để đánh bại lạm phát, mỗi lần là 3/4 điểm bách phân trong năm 2022. Quỹ Dự Trữ Liên Bang với chủ đích hạ mức lạm phát xuống tới mức 2% và với tỉ lệ thấp nghiệp thấp hiện nay, sẽ còn tăng lãi suất đôi chút nữa trong năm 2023. Trong kịch bản này, các nhà phân tách kinh tế tiên đoán lạm phát sẽ tiếp tục đi xuống.

Theo các nhà dự báo được Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Philadelphia khảo sát, mức lạm phát trung bình dựa trên CPI sẽ là 3.3% và 3.4% vào quý một và hai của 2023 và 3.1% cho cả năm.

Không những thế sau khi đại dịch COVID-19 đã yên ổn, những chuỗi cung ứng toàn cầu được cải thiện cũng giúp cho giảm lạm phát. Thị trường xăng dầu cũng đã ổn định. Theo cuộc thăm dò thị trường xăng dầu hàng năm của Reuters, giá dầu Brent sẽ ở mức $90 / thùng trong năm năm tới. Một cuộc tiên đoán cũng của Reuters cho thấy giá dầu trung bình trong năm 2023 sẽ ở trong khoảng $70 – $105 / thùng.

LÃI SUẤT

Lãi suất là một trong những công cụ của Quỹ Dự Trữ Liên Bang để gián tiếp kiềm chế lạm phát và nạn thất nghiệp. Khi lãi suất cao, chi phí vay nợ sẽ cao hơn nên các công ty và người tiêu thụ bớt chi tiêu, giảm mức cầu và như vậy là giảm sức ép lạm phát. Đó là chiến thuật Quỹ Dự Trữ Liên Bang đang áp dụng. Lãi suất của Quỹ Dự Trữ Liên Bang hướng dẫn hầu hết những lãi suất khác trên thị trường.

Quỹ Dự Trữ Liên Bang đã bảy lần liên tiếp tăng lãi suất trong năm 2022 để đối phó với lạm phát cao, từ 0% vào đầu năm 2022 khi còn COVID-19, lên đến 4.25% – 4.50% vào 14-12-2022. Vào đầu năm 2023, Quỹ Dự Trữ Liên Bang một lần nữa đã tăng lãi suất lên 4.50% – 4.75%. Tỉ lệ tăng lãi suất lần đầu của 2023 là 0.25%, tương đối nhỏ hơn sáu lần trước (0.50% – 0.75%). Điều này cho thấy là Quỹ Dự Trữ Liên Bang thận trọng, không muốn quá tay với lạm phát, để tránh đẩy kinh tế vào vòng suy thoái. Tuy nhiên, Jerome Powell, chủ tịch của Quỹ Dự Trữ Liên Bang tuyên bố rất có thể sẽ còn phải tăng lãi suất vài lần nữa. Quỹ Dự Trữ Liên Bang sẽ chưa hài lòng khi lạm phát ở trên mức 2% như hiện nay.

Lãi suất thế chấp mua bất động sản (mortgage rate) được xác định bởi nhiều yếu tố bao gồm nền kinh tế, nhu cầu mua bán nhà, lợi suất ngân khố phiếu Hoa Kỳ, và đặc biệt là chính sách tiền tệ của Quỹ Dự Trữ Liên Bang. Lãi suất thế chấp 30 năm cố định ở Hoa Kỳ trung bình ở dưới mức 4% trong suốt hai năm 2020 và 2021 nhưng bắt đầu tăng lên trên 4% kể từ 17/3/2022 khi Quỹ Dự Trữ Liên Bang cùng trong ngày tăng lãi suất lần đầu lên đến 0.25% – 0.50% để đối phó với lạm phát.

Lãi suất thế chấp tiếp tục tăng dần lên đến đỉnh điểm 7.08% vào ngày 10-11-2022 và sau đó hạ thấp dần theo lãi suất của Quỹ Dự Trữ Liên Bang. Hiện nay lãi suất thế chấp giảm xuống còn 6.12% vào ngày 9/2/2023 theo Freddie Mac. Nếu Quỹ Dự Trữ Liên Bang tiếp tục chính sách tiền tệ hạn chế hiện nay, lãi suất thế chấp sẽ tiếp tục bớt xuống. Có nhiều tiên đoán bi quan khác nhau về lãi suất thế chấp trong 2023, nhưng theo Mortgage Bankers Association, lãi suất thế chấp 30 năm cố định sẽ thuyên giảm xuống còn 5.2%.

THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Thị trường chứng khoán phản ảnh lợi nhuận của công ty và như vậy cho biết công ty có hoạt động hữu hiệu hay không và sức mạnh của nền kinh tế như thế nào. Thị trường chứng khoán cũng cho biết những gì các nhà đầu tư nghĩ về tương lai của nền kinh tế. Ba chỉ số thị trường chứng khoán quan trọng nhất ở Hoa Kỳ là Dow Jones Industrial Average, S&P 500, và Nasdaq Composite.

Vào đầu tháng 2, 2020 một số nhà phân tích vẫn lạc quan rằng đợt bùng phát đại dịch COVID-19 sẽ giảm bớt. Tuy nhiên, sự lây lan ngày càng tăng của virus bắt đầu ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, khiến thị trường chứng khoán lao dốc kỷ lục. Đại dịch COVID-19 đã gây ra một giai đoạn hỗn loạn cho thị trường chứng khoán, nhưng đã phục hồi một cách tốt đẹp hơn là mong đợi từ sau đại dịch.

Chỉ số Trung bình Dow Jones Industrial Average (DJIA) giảm khoảng 8,000 điểm trong bốn tuần từ ngày 12 tháng 2 đến ngày 11 tháng 3 năm 2020, nhưng sau đó đã phục hồi lên 33,973.01 điểm vào ngày 11 tháng 1 năm 2023. Vào tháng 2 năm 2020 – ngay trước đại dịch toàn cầu COVID-19, chỉ số DJIA đứng ở mức hơn 29,000 điểm một chút.

S&P 500 và Nasdaq Composite cũng bị sụt giảm nghiêm trọng. Từ ngày 4/3 đến ngày 11/3 năm 2020, chỉ số S&P 500 giảm 12%, rơi vào thị trường giá xuống lâu dài. Vào ngày 12/3 năm 2020, S&P 500 lao dốc 9.5%, mức giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ năm 1987. Chỉ số này bắt đầu phục hồi vào đầu tháng 4 và tính đến ngày 20/1 năm 2021 đã đạt kỷ lục mới là 3,849.62.68. Kể từ ngày 11/1 năm 2023, giá trị hàng tuần của S&P 500 là 3,969.61 điểm.

Chỉ số Nasdaq Composite đã giảm khoảng 2,400 điểm trong bốn tuần từ ngày 12/2 đến ngày 11/3 năm 2020, nhưng sau đó đã phục hồi lên 10,931.67 điểm vào ngày 11/1 năm 2023. Vào tháng 2/2020 – ngay trước khi xảy ra đại dịch toàn cầu do vi-rút corona (COVID-19) ) xảy ra đại dịch, chỉ số Nasdaq Composite đứng ở mức hơn 9,700 điểm một chút.

Ngoài COVID-19, trong thời gian gần đây thị trường chứng khoán còn phải chịu ảnh hưởng tăng lãi suất của Quỹ Dự Trữ Liên Bang trong 2022. Nguyên tắc là khi lãi suất tăng, giá trị của cổ phiếu có xu hướng giảm vì thu nhập trong tương lai thấp hơn. Khi lãi suất giảm, ảnh hưởng sẽ ngược lại. Vào ngày 4/12/2022, vì lo ngại Quỹ Dự Trữ Liên Bang tăng lãi suất đáng kể, các nhà đầu tư đã làm chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 482.78 điểm, tương đương 1.4%. Nasdaq nặng về công nghệ giảm 221.56 điểm, tương đương 1.9%, trong khi S&P 500 giảm 72.86 điểm, tương đương 1.8%.

Chứng khoán tăng vào 23/1/2023 khi các nhà đầu tư dự đoán Quỹ Dự Trữ Liên Bang sẽ tăng lãi suất chậm lại. Nasdaq Composite tăng 2.01%, kết thúc ở mức 11,364.41, trong khi chỉ số Dow Jones tăng 0.76%, kết thúc ở mức 33,629.56. S&P 500 tăng 1.19% lên 4,019.81.

NGÂN SÁCH QUỐC GIA THIẾU HỤT

Hoa Kỳ: Thiếu hụt ngân sách quốc gia, tài khóa 2019 - 2023
Hoa Kỳ: Thiếu hụt ngân sách quốc gia, tài khóa 2019 – 2023

Kể từ cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới đến nay, hầu như trong tài khóa nào ngân sách quốc gia Hoa Kỳ cũng thiếu hụt. Tuy nhiên trong những năm gần đây ngân sách thiếu hụt tăng vọt lên đến $3,132 tỉ, tương đương với 15% GDP vào tài khóa 2020 dưới thời Tổng Thống Donald Trump so với $585 tỉ tương đương với 3.1% GDP vào tài khóa cuối cùng của tổng thống Barack Obama. Vào 2019 trước khi có đại dịch COVID-19, ngân sách quốc gia cũng đã thiếu hụt $984 tỉ tương đương với 4.6% GDP.

Qua tài khóa 2021, Tổng Thống Joe Biden đã giảm thiếu hụt ngân sách xuống còn $2,772 tỉ tương đương với 12.1% GDP. Theo ước tính của Ngân Khố Hoa Kỳ (US Treasury), thiếu hụt ngân sách của tài khóa 2022 chấm dứt vào ngày 30/9 là $1,150 tỉ.

Thiếu hụt ngân sách làm tăng nợ quốc gia và có thể làm đảo lộn nền kinh tế nếu tỉ lệ nợ quốc gia so với khả năng trả nợ tức là GDP lên quá cao. Để bù đắp thiếu hụt ngân sách, nhà nước trong những năm gần đây phải thương lượng với Quốc Hội tăng nợ trần để vay thêm tiền như bán công khố phiếu với lãi suất hấp dẫn. Nhưng lãi suất cao sẽ tạo ra lạm phát và suy thoái kinh tế.

KẾT LUẬN

Nền kinh tế Hoa Kỳ đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 nhờ những biện pháp kích thích mạnh mẽ chưa từng có. Chỉ hơn hai năm sau cú sốc COVID-19, tỷ lệ thất nghiệp và tổng sản lượng nội địa đã trở lại các mức trước đại dịch. Trong khi đó lạm phát đang tiếp tục giảm và nguy cơ trì trệ kinh tế đã mờ dần. Cố gắng giảm bớt thiếu hụt ngân sách quốc gia đã góp phần đáng kể vào việc kiềm chế lạm phát. Kinh tế Hoa Kỳ xem ra ổn định ngay trong giai đoạn phức tạp và khó khăn cả thế giới đang phải đối phó với những xáo trộn bên ngoài do cuộc xâm lăng Ukraine của Nga gây ra.

Theo VOA