Những siêu phẩm biệt thự hiện đại, đẹp nhất thế giới ai cũng ngưỡng mộ

Những biệt thự hiện đại, xa hoa có chi phí xây dựng và thi công rất lớn. Chúng đem lại không gian nghỉ dưỡng thoải mái, tiện nghi và đẳng cấp.

Những ngôi biệt thự hiện đại đẹp nhất thế giới luôn làm người xem ngất ngây vì vẻ đẹp tráng lệ và tuyệt vời của nó. Chúng không chỉ có lối kiến trúc riêng biệt, độc đáo, hiện đại mà còn bởi phong cách độc lạ.

Bel Air Spec Manor, Los Angeles (Mỹ)

Bel Air Spec Manor là một trong những căn biệt thự đắt nhất Hoa Kỳ được niêm yết với giá 250 triệu đô vào năm 2018. Vượt qua những căn biệt thự khác, biệt thự này đã giành vị trí đầu bảng trong top 25 căn nhà đắt và đẹp nhất thế giới. Diện tích của ngôi biệt thự này lên tới 380.000m2 với nhiều tiện ích đi kèm như: 1 rạp chiếu phim ngoài trời, một sân chơi bowling, sân đậu trực thăng…

Khu biệt thự R ở Emirates Hills (Dubai)

Khi nhắc đến những biệt thự hiện đại sang trọng bậc nhất thế giới không thể không nhắc tới R Sector Villas In Emirates Hills. Đây là một ngôi biệt thự rộng lớn bao gồm 70 biệt thự độc lập khác. Từ đây có thể nhìn ra sân golf nổi tiếng Montgomerie ở Emirate Hills. Mỗi phòng của căn biệt thự này đều có phòng tắm riêng cùng không gian ngoài trời đẹp được bao bọc bởi hồ bơi nước nóng. R Sector Villas In Emirates Hills còn được xây dựng với không gian giải trí riêng biệt gồm rạp chiếu phim và quầy bar.

Ellison Estate, California (Mỹ)

Ellison Estate là căn biệt thự trải dài trên 10 tòa nhà riêng biệt cùng 23 mẫu đất. Ngôi biệt này hiện đang thuộc quyền sở hữu của Larry Ellison – Người đàn ông giàu thứ 3 thế giới.

Villa Gajah Putih, Bali (Indonesia)

Siêu phẩm bất động sản Villa Gajah Putih nằm trong một ngôi làng thuộc xứ Bali (Indonesia). Ngôi biệt thự nổi tiếng với khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, tinh khôi mang đến cảm giác trong lành hiếm có. Thiết kế sang trọng gồm các công trình bể bơi, sân tennis, sân bóng và vườn kiểng. Lối thiết kế của Villa Gajah Putih chú trọng đến các mảng xanh không gian.

Frond Signature Villa In Palm Jumeirah (Dubai)

Đây là một trong những ngôi nhà sang trọng và xa hoa bậc nhất ở Dubai. Frond Signature Villa In Palm Jumeirah có view tuyệt đẹp nhìn ra biển. 

Villa Leopolda (Pháp)

Villa Leopolda là một trong những ngôi nhà đắt nhất thế giới hiện nay. Khác với những ngôi biệt thự sang trọng kiểu triệu phú, căn biệt thự này đã có lịch sử suốt một thế kỷ. Đây chính là kiệt tác được xây dựng bởi vua Bỉ Leopold II. Hiện nay, Lily Safra đang là chủ nhân của căn biệt thự độc đáo này.

Biệt thự ở Ridgefield, Connecticut (Mỹ)

Được mệnh danh là căn biệt thự có tầm nhìn đẳng cấp nhất thế giới, biệt thự này ngự ở Ridgefield, Connecticut (Mỹ) được thiết kế với 2 phòng ngủ, 6 phòng tắm với diện tích 450m2 với mức giá là 4,95 triệu USD. Đây là sản phẩm được thiết kế bởi một vị kiến trúc sư vô cùng nổi tiếng Rafael Viñoly. Điểm nổi bật của nó chính là sở hữu tầm nhìn xa lên đến 80km. Bên cạnh là những căn phòng đều được thiết kế và xây dựng tại khu vực cao nhất của căn biệt thự nên không gian nơi đây vô cùng thoáng mát.

Biệt thự Leopoldac (Pháp)

 Tòa nhà từng thuộc quyền sở hữu của gia đình Agnelli, người sáng lập hãng xe Fiat. Vào những năm 1960, đây từng là nơi tổ chức các bữa tiệc của giới đại gia chuyên đi lại bằng máy bay phản lực. Trong số này có huyền thoại âm nhạc người Mỹ Frank Sinatra và cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan.

Quỳnh Nga / Vietnam Net

Truyện ngắn Nam Cao : Cái mặt không chơi được

Hôm nay đang ngồi viết với nhau, chẳng biết cái ý nghĩ lan man nào dã xui anh Sen đột ngột bảo tôi:

– Này! Tri ạ, cái mặt anh trông thế nào ấy. Quả thực không chơi được!

Tôi ngửng đầu lên. Anh đang cười mủm nhìn tôi. Tôi cười gượng. Và tự nhiên tôi buồn. Tôi nhớ đến cái lần đầu tiên tôi được gặp anh Đa. Sen giới thiệu chúng tôi, chúng tôi bắt tay nhau. Câu chuyện rất chóng trở nên thân mật. Bởi anh Đa và tôi là người đồng quận. Nhất là tôi đã được xem những bức vẽ của anh ngay từ hồi tôi chưa ra khỏi trường.

Tôi mến anh ngay. Anh nói chuyện rất có duyên. Cũng như tất cả những người đã chịu nhiều đau khổ quá, anh có tài làm cho người nghe chuyện anh phải cười. Cười không nhịn được. Nhưng cười rồi mà ngao ngán lòng. Chẳng biết những người khác được nghe chuyện anh Đa có thế không! Tôi thì tôi đã thấy buồn. Tôi cứ nghĩ đến ba cái buồn của đời anh, cái buồn thứ nhất, làm thế nào mà nói được ra đây? Mà có nói sợ người ta cũng chỉ cười anh Đa, hoặc cười tôi là thích làm bộ điệu. Cái buồn thứ hai dễ nói hơn bởi người ta hiểu được hơn: ấy là cái buồn cảnh nhà nghèo. Cái buồn thứ ba khi nhàm tai, ấy là một cái buồn mà người ta phải nghe nói đến đã nhiều quá mất rồi: cái buồn nhân tình đi lấy chồng. Cái buồn nhân tình đi lấy chồng! Tôi đã cười và có lẽ bây giờ tôi cũng còn cười, nếu anh Đa, nếu anh Đa chỉ là một cậu học trò mới lớn lên. Đằng này anh đã ngoài tam tuần. Mà không vợ không con. Chao ôi! Có thể rằng cái buồn kia âm ỷ ở trong lòng anh những từ ngày anh chưa hai mươi tuổi. Một cái buồn dằng dặc. Và tôi thấy tôi thương lắm: thương anh, thương tôi, thương cho đời hai ta. Tôi lại càng mến anh thêm nữa. Mến như một tâm hồn khao khát gặp một tâm hồn khao khát. Nhưng có bao giờ anh hiểu thế hỡi anh Đa mà đời có những ba mối buồn!…

Anh không hiểu thật. Cách đây ít lâu, một hôm đi chơi phố anh Sen bảo tôi:

– Tôi vừa gặp anh Đa. Tôi rủ anh Đa đến chơi với anh. Nhưng Đa từ chối. Anh ấy bảo tôi: anh ấy sợ Tri lắm. Trông cái mặt Tri… không chơi được. Đa hỏi tôi mãi: Tri làm sao thế? Hay là Tri không thích đùa? Mặt hắn có một cái gì khó tả!

Khó tả? Đó là một cách nói. Tôi thì tôi hiểu rồi. Tôi hiểu anh muốn bảo: cái mặt tôi lạnh như nước đá và ngượng nghịu và vô duyên, và lố bịch và đủ hết. Tôi cười gượng và tôi buồn… Chao ôi là buồn!

Hỡi Thượng đế mà người ta đồn là rất công bình và chỉ làm toàn những điều nhân, sao Ngươi lại cho tôi một cái mặt tai hại cho tôi đến thế? Một cái mặt… nó thế nào! Ai chỉ gặp tôi có một lần cũng phải có một cảm tưởng khó chịu về tôi, mặc dù tôi gặp ai cũng cố làm mình không đến nỗi là một thằng đáng ghét. Tôi lễ phép, tôi nhã nhặn, hay thân mật tùy từng trường hợp. Tôi lựa ý mỗi người để chiều người. Thật công toi! Bởi rồi người ta cứ phải ghét tôi, ghét tôi tuy không có cớ để mà ghét mới khổ cho tôi chứ. Tôi khinh khỉnh ư? Tôi ngạo nghễ ư? Tôi lèo lá quá ư? Hay trái lại tôi khúm núm, tôi đê tiện quá. Hay là tôi thô tục. Không, không, họ không nói thế. Họ biết tôi không có một tí gì như thế. Nhưng, cái mặt tôi trông… làm sao ấy. Chao ôi, chao ôi thế thì tôi còn biết làm sao bây giờ! Sinh ra cái mặt tôi là giời.

Hồi còn nhỏ tôi phải xa nhà từ khi mới bảy tám tuổi đầu. Tôi ra tỉnh học. Tôi trọ tại một nhà bà dì. Cả một căn gác mông mênh chỉ có tôi và Đức người con trai của dì tôi. Đức xấp xỉ tuổi tôi và học cùng một trường với tôi. Thế mà chẳng bao giờ cùng đi học với tôi. Anh thích đi sớm hơn hoặc muộn hơn. Và bao giờ anh cũng đi với Kình con ông đội Thảo bên hàng xóm. Dì tôi thấy tôi cứ lủi thủi một mình, ý chừng nghĩ cũng thương. Một hôm dì gọi Đức vào mắng Đức:

– Mày hư quá! Sao đi học không bảo em đi với? Nhà có hai anh em cũng đứa đi trước, đứa đi sau. Từ mai còn thế rồi tao bảo! Rồi dì tôi dịu dàng bảo tôi:

– Cháu cứ đi với nó. Nếu nó không chịu đi với cháu hay bắt nạt cháu thì cháu cứ bảo dì. Dì trị cho nó biết.

Tôi cúi đầu. Tuy còn bé tôi đã hiểu rằng: dì tôi làm thế chẳng ích gì. Mà lại có hại cho tôi là khác nữa. Sự yêu hay sự ghét cũng như những ý nghĩ của người ta không thể dùng quyền mà ép buộc. Không thích đi với tôi thế nào Đức chẳng sinh hờn oán tôi. Nghĩ thế nên khi chỉ có một mình tôi với Đức, tôi phải bảo:

– Dì nói thế nhưng anh không muốn đi với tôi thì cứ đi một mình. Dì chẳng biết đâu mà sợ.

Không biết nghĩ thế nào mà Đức bảo:

– Sợ thì tao không sợ. Nhưng từ mai tao cứ đi với mày cũng được. Chúng ta gọi thằng Kình nữa. Cả ba thằng cùng đi.

Tôi rất mừng. Tôi mua kẹo về đãi Đức. Chúng tôi vừa nhai kẹo vừa cười cười nói nói, vui như ngày tết mặc cái áo kép mới và cái quần trúc bâu còn sột soạt chạy thi nhau trên đường để đến mừng tuổi ấy.

Sáng hôm sau chúng tôi dồn sách vở của cả hai vào một cái cặp. Đức đi trước, tôi cắp cặp theo sau. Chúng tôi đi từ nhà trong ra. Dì tôi trông chúng tôi mỉm cười. Mặt tôi hớn hở! Nhưng thú thật cũng có hơi ngường ngượng. Thì cũng như một cô con gái mặc cái áo mới mình chưa quen. Chúng tôi sang nhà bên cạnh gọi Kình. Kình còn đang ăn xôi, miệng phúm phím chạy ra. Chúng tôi mỉm cười và gật đầu chào nhau. Kình hỏi:

– Cả Tri cũng đi đấy à?

Đức gật đầu. Kình có vẻ nghĩ ngợi một loáng. Rồi anh bảo:

– Thôi hai đứa chúng mày đi trước. Tớ ăn rồi đi sau. Tôi vội bảo:

– Anh cứ ăn chúng tôi đứng đợi.

Anh xua tay và lắc đầu lia lịa:

– Không, không. Tớ ăn còn lâu lắm. Chúng mày cứ đi. Cứ đi đi nhé.

Kình chạy tọt vào nhà trong. Đức bảo tôi:

– Mày đứng đợi đây một tý. Tao vào nhà xem sao.

Anh vào nhà. Hai anh nói chuyện với nhau đến hơn mười phút. Rồi Đức chạy ra kéo tôi đi.

– Thôi kệ nó. Chúng mình đi đi.

– Anh ấy chưa ăn xong kia à?

– Xong rồi. Có một nắm xôi vừa bằng quả sung…

– Thế thì ta đợi anh ấy một lát.

– Không đợi. Nó bảo: chúng mình đi trước.

Đi được một quãng, Đức buột miệng bảo tôi:

– Nó không thích đi với mày.

Tôi sửng sốt:

– Vì sao vậy? Tôi xấu chơi đến thế?

– Không phải. Không phải.

– Hay là tôi vô ý mếch lòng anh ấy điều gì?

– Cũng không phải nốt. Nhưng nó bảo trông mày… làm sao ấy. Nó không thích mày.

*

* *

Một chục năm sau. Chỉ còn vài ba năm nữa là tôi đã hai mươi – Đức cũng thế. Tôi thấy chúng tôi thay đổi. Tiếng nói khác đi. Mặt hơi trứng cá. Đức thích loăng quăng đi chơi phố. Còn tôi đột nhiên sinh đãng trí và rất lắm lúc thành vẩn vơ. Một người nữa cũng thay đổi như Đức và tôi ấy là cô Nhung. Nhung con bà Thụy Thành, bạn của dì tôi. Nhà Nhung ở liền bên. Trước kia những ngày nghỉ Nhung vẫn sang nhà dì tôi đánh ô hay đánh rải gianh với Đức. Tôi không được rủ chơi bao giờ cả. Tôi chỉ lẳng lặng đứng nhìn họ chơi. Bây giờ Nhung cũng nhớn vọt lên. Tóc bỏ rơi óng ánh như tơ và đã khá dài. Mắt long lanh. Má ửng hồng. Tiếng nói mềm hơn cũng như quần áo đã sửa sang hơn trước. Tuy vậy Nhung vẫn qua lại nhà dì tôi một cách tự nhiên như thường. Nhung qua lại để nhờ Đức giảng cho một cái tính khó, hay giúp cho một vài ý để làm một bài luận văn. Nhung nghĩ hàng buổi chưa ra câu nào. Tôi ngấm ngầm ghen với Đức. Và tôi thầm mong cho có khi nào Nhung đem sách sang mà không gặp Đức để tôi được giúp Nhung một lần. Nhưng không khi nào cả. Bởi Nhung có chắc chắn là có Đức ở nhà thì mới sang.

May cho tôi, một lần Nhung sang thì Đức đang bận học bài thi. Tôi thì học xong rồi, đang tập vẽ. Đức bảo Nhung:

– Tôi mải quá. Chú Tri ấy rỗi. Cô đưa sách chú ấy giảng cho mà làm. Tôi thấy tim đập mau thon thót. ấy là tôi sung sướng. Tôi cố tươi cười, ngừng bút vẽ ngửng đầu lên lóng đợi. Nhung ngập ngừng một chút. Rồi Nhung kêu lên:

– À thôi em nghĩ ra được rồi. Em về làm đây.

Tôi toan mếu, tôi đau đớn lắm. Nhưng cũng chưa đau đớn bằng hôm sau Đức vừa cuời hi hí vừa khoe với tôi.

– Cô ả Nhung hôm nay phải phạt. Cái tính đố hôm qua chưa làm. Lúc bấy giờ kêu nghĩ ra rồi. Kỳ tình thì cô ả có nghĩ ra được cái năm kia. Nó oán tôi ghê lắm nhé…

Tôi sầm mặt. Tôi còn đang tìm một cái gì để nói lảng cho đỡ ngượng thì Đức bảo:

– Cho đáng kiếp. Ai bảo hỏi Tri không chịu hỏi. Rồi anh nhìn tôi nói tiếp:

– Này Tri ạ. Không hiểu sao Nhung nó sợ Tri lắm nhé. Nó bảo nó không dám hỏi Tri. Trông Tri… thế nào!

– Vâng, vâng! Tôi biết rồi!…

*

* *

Năm sau tôi đỗ bằng tốt nghiệp thành chung. Nhà nghèo như nhà tôi mà được học hành đến bậc ấy cũng là may lắm. Kể tốn kém có đến nửa cơ nghiệp rồi. Tôi bỏ học. Tôi nghĩ đến Nhung, trái tim rơm rớm máu. Tôi nghĩ đến những thiếu nữ khác đẹp hay xấu mà tôi đã gặp. Tôi nghĩ đến sự ơ hờ của bao người. Lòng tôi buồn như một con chim lạc vào cái lúc chiều thẫm cho đất trời thành mênh mông.

Nhưng ở những người trẻ tuổi nhà nghèo những cái buồn thường phải sớm nhường chỗ cho những cái lo. Toàn là những cái lo tầm thường mà đến làm ta bực mình. ấy là cái lo không có gạo ăn, không có tiền mua thuốc cho một người mẹ ốm hay mua một bát canh để cúng cha, không có áo cho thằng em trai vào vụ rét sắp tới này, hay không tìm được chỗ gả chồng cho một đứa em gái nhan sắc kém lại không có vốn. Những cái lo nhỏ nhặt, tủn mủn hơn nữa thế nhưng vẫn là phải lo.

Một hôm tôi xách một cái va li nhỏ và cũ kỹ đáp xe lửa một mình vào Nam. Lần đầu tiên tôi được đi xe. Lòng tôi phấp phới bao nhiêu là hy vọng. Tôi hy vọng kiếm được cơm ăn và kiếm được tiền. Tôi hy vọng được nhìn rộng biết xa. Hy vọng có thể mua sách để học thêm, đọc báo chí cho thỏa thích, cọ xát cái trí óc thô sơ của tôi với trí óc người thiên hạ. Cũng có cả cái hy vọng gặp mặt một người đàn bà không thờ ơ với tôi. Người ta bảo vào Nam Kỳ, là đất bị ảnh hưởng nhiều của Tây phương. Tình cảm ở đấy bồng bột, những cử chỉ bề ngoài ít khép nép rụt rè; đàn ông đàn bà giao thiệp tự do hơn; những tâm hồn không thiếu sự nồng nàn cũng như trời có nhiều mầu rực rỡ. Như thế thì những cuộc trao duyên phải dễ dàng. Lo gì tôi không tìm được bạn?

Tôi sa vào một hiệu thợ may. Công việc của tôi rất linh tinh. Tôi giữ sổ sách và viết thư từ. Tôi cắp cặp đến những nhà người Pháp, đến các trại lính các tàu binh để nhận hàng và giới thiệu hàng. Tôi lại đạp máy hoặc làm khuy. Tối đến tôi dạy mấy người thợ học để kiếm thêm một tháng vài chục bạc. Hồi ấy tiền, tôi không thiếu thốn quá như trước nữa, nhưng mà tình…

Bao nhiêu lần thất bại, khiến bây giờ tôi sợ những thiếu nữ đi đường. Những nữ sinh nhí nhảnh không còn hợp với lứa tuổi tôi và nghề nghiệp của tôi. Và tôi rất trọng những tâm hồn trong trắng. Những cô bán hàng dành riêng cho những kẻ mua hàng và những cậu có nhiều thì giờ để phất phơ. Gái giang hồ thì bẩn thỉu. Tôi phải lánh xa tất cả những hạng người vừa mới kể. Tôi định tìm những người gần gũi hơn, gần gũi tôi hơn. Tôi để ý đến những cô gái làm khuy nút. Sau khi đã quan sát rõ tình hình xưởng thợ tôi tính với tôi như thế này: Thợ gái có năm cô thì cô Tám đã có chồng. Còn lại bốn cô. Thợ trai có bảy người nhưng may mắn cho tôi là đã có đến bốn người có vợ. Nếu còn những bốn người chưa có vợ thì tôi đành là không có phần. Phúc mà lại còn thừa một cô thợ gái, tôi sẽ cố chiếm lòng cô Tư Bình.

Giá tôi yêu tôi hơn chút nữa thì tôi phải tả Bình với một cái dáng hình mộng thơ hơn. Nhưng tôi yêu sự thật thà. Mà muốn thật thà thì phải nói là Bình không đẹp lắm. Bảo cô xấu cũng được. Mặt thiếu vẻ dịu dàng. Đôi mắt xếch quá. Cái mũi lại to, còn cái miệng thì lại cứ dẩu ra đàng trước. Tai hại nữa là cô lại có một chiếc răng bọc vàng. Đã thế người trông lại thưỡn thườn thườn. Uốn éo chẳng ra uốn éo. Cứng nhắc chẳng ra cứng nhắc. Chính ra thì tôi muốn chữa cái nọ bằng cái kia. Tôi an ủi tôi bằng cách bảo tôi rằng: bàn tay cô dáng thon thon và tiếng nói của cô nghe rất ấm. Thế là được, cần gì đẹp, miễn là có duyên. Vậy tôi nhất định cho là cô có duyên lắm lắm. Và tôi lợi dụng từng dịp để có thể ngồi gần cô, chuyện trò cùng cô. Những lúc không bận đi đâu cũng không bận coi hàng tôi thích làm khuy. Cô Bình dạy tôi làm. Tôi sướng run người mỗi khi tôi có thể chạm tay tôi vào tay cô một cái. Trời đất ơi, một cái tay đàn bà. Những buổi sáng thấy cô đến, tôi mỉm cười để chào cô. Những buổi chiều lúc cô về, tôi cũng mỉm cười để chào cô. Những ngày cuối tháng được thay chủ phát lương tôi hay bảo nhỏ với câu này:

– Cô Tư đấy hả? Tôi đã phải đếm sẵn để riêng cho cô trong túi tôi đây rồi.

– Dẩy hả?

Và cô nhếch mép để hở ra cái răng bọc vàng. Tôi phải cố bảo tôi rằng; đấy là một nụ cười. Rồi tôi mơ màng… Như thế được nửa năm, tôi sốt ruột. Tôi thấy cần phải nói. Nhưng nói ra thế nào? Tôi ngập ngừng lâu lắm. Cứ nhất định nói rồi lại nhất định để thủng thỉnh rồi hãy nói. Rồi lại nhất định là phải nói. Mỗi lần tôi nhất định là một lần tim tôi nhảy chồm lên như một mụ đàn bà ghen tuông. Nó mệt. Nó bị đau không biết chừng. Thôi thì tôi nói đi cho nó rồi!…

Một buổi trưa tôi nghĩ thế. Tôi hồi hộp đi vào xưởng thợ. Bọn thợ ăn cơm xong chạy sang hiệu cà-phê cả. Chỉ còn vài anh ngủ mệt, không đáng ngại. Tôi rón rén lại gần cô Tư. Cô ngồi tựa lưng vào cái tủ đang cầm chiếc kéo cắt móng tay. Tôi ngồi xuống trước mặt cô. Người tôi sốt rét lên. Có lúc tôi thấy váng vất như đứng lơ lửng trên không khí. Một lúc lâu tôi mới run run gọi khẽ.

– Cô Tư à!

Cô vẫn nhìn cái kéo.

– Gì dậy anh?

Tôi không nói nữa. Tôi nhìn cô tròng trọc. Tôi có ý dùng cái nhìn của tôi thay lời nói. Cô ngước mắt lên. Cô sửng sốt hiện ra nét mặt. Tôi choáng váng người khi thấy cô kêu lên rằng:

– Trời ơi! Ăn Ba ngó gì mà kỳ dậy? Chà! Coi sợ góa! Rồi cô lay Bảy Huế nằm ngủ ngay gần đấy:

– Ăn Bảy, ăn Bảy! Nè. Dậy coi ăn Ba Trí, ăn ngó tôi nè! Coi kỳ góa heng!

Mặt tôi nóng rực. Tôi chạy trốn. Cô Tư cười rú lên… Ngay chiều hôm ấy tôi đến nằm ở nhà một người bạn. Tôi sợ gặp cô Tư và bọn thợ nơi tôi làm quá. Có lẽ bấy giờ họ vẫn còn bàn chuyện tôi mà cười. Tôi thẹn chết. Mười giờ khuya hôm ấy tôi về thu xếp quần áo và xin với chủ cho tôi không làm nữa. Sáng sớm hôm sau tôi khuân hòm ra đi.

*

* *

Tôi đã tưởng suốt đời tôi chẳng gặp tình. Nhưng mà tôi đã gặp. Và gặp một cách giản dị không ai ngờ.

Tôi về Bắc. Mẹ tôi bảo tôi nên lấy vợ. Tôi lấy vợ. Vợ tôi là một cô gái nhà quê không đẹp, có lẽ xấu nhưng được cái cũng là đàn bà mà lại thuộc cái hạng đặt đâu ngồi đấy. Hình như y cũng nhận thấy cái mặt tôi làm sao ấy. Bởi mấy tháng đầu tôi thấy y buồn bã. Tôi cũng buồn. Nhưng rồi cũng quen đi. Cái gì lâu mà lại chẳng quen? Kể cả một cái mặt không chơi được.

Một hôm tôi thấy y nhìn tôi mỉm cười. Tôi gần ngất đi. Tôi lảo đảo. Thiếu một chút nữa tôi ngã lộn từ trên giường xuống đất. Y sợ hãi và đỡ lấy đầu tôi.

– Ô hay! Làm sao thế, làm sao thế?

– Không, không…

– Thế sao đảo đồng đảo địa? Hay say rượu?

Tôi mỉm cười:

– Say em!

Và tôi nắm lấy bàn tay y lại. Y vội rụt bàn tay. Y đỏ mặt. Y đập tay vào đầu tôi bảo:

– “Nợ” lắm!

Tôi muốn vừa chạy vừa kêu lên như nhà bác học:

– Tôi đã thấy! Tôi đã thấy, tôi đã thấy người tình của tôi đây rồi.

Nhóm máu có nguy cơ mắc bệnh tim cao nhất

Len lỏi trong huyết quản của cơ thể mỗi giây là các biến thể nhỏ giúp phân loại máu thành các nhóm khác nhau, bao gồm: A+, A-, B+, B-, O-, O+, AB+, AB-.

Nhóm máu ít được chú ý đến cho đến khi bạn phải ở trong bệnh viện chờ truyền máu hoặc đi hiến máu.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đang được tiến hành cho thấy nhóm máu có thể quyết định nhiều yếu tố sức khỏe hơn chúng ta nghĩ. Những khác biệt vô hình trong máu có thể mang lại lợi thế ngăn chặn các vấn đề về tim mạch hoặc cũng khiến cơ thể dễ mắc bệnh hơn, theo CNET.

Nhóm máu có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Nhóm máu có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch. (Ảnh: Hindustan Times).

Nguy cơ mắc bệnh tim với từng nhóm máu

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), những người có nhóm máu A, nhóm máu B hoặc nhóm máu AB có khả năng bị đau tim hoặc suy tim cao hơn những người có nhóm máu O.

Theo một nghiên cứu lớn, người nhóm máu A hoặc B có nguy cơ đau tim cao hơn 8% và nguy cơ suy tim tăng 8% so với các nhóm máu còn lại. Những nguy cơ này không cao nhưng tốc độ đông máu có sự chênh lệch nhiều hơn, theo AHA.

Trong cùng nghiên cứu trên, những người nhóm máu A và B có nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu cao hơn 51% và thuyên tắc phổi cao hơn 47%. Đây là chứng rối loạn đông máu nghiêm trọng, cũng có thể làm tăng nguy cơ suy tim.

Theo tiến sĩ Guggenheim, nhà huyết học của Penn Medicine, nguy cơ này có thể liên quan đến tình trạng viêm nhiễm xảy ra trong cơ thể của những người mang nhóm máu A, B hoặc AB.

Các protein có trong nhóm máu A và B có thể gây ra tình trạng “tắc nghẽn” hoặc “làm dày” tĩnh mạch và động mạch. Điều này dẫn đến tăng nguy cơ đông máu và các bệnh về tim.

Tiến sĩ Guggenheim cũng cho rằng đây có thể là lý do người mang nhóm máu O giảm nguy cơ mắc Covid-19 mức độ nặng, dù chưa có kết luận rõ ràng. Nguyên nhân là virus Corona có thể gây ra các vấn đề về tim, đông máu và các biến cố tim mạch khác.

Những người nhóm máu O có thể ít mắc các vấn đề tim mạch hơn.
Những người nhóm máu O có thể ít mắc các vấn đề tim mạch hơn. (Ảnh: Pexels).

Các ảnh hưởng khác của nhóm máu đến sức khỏe

Những người mang nhóm máu O có nguy cơ mắc bệnh tim và đông máu thấp hơn, nhưng họ có thể dễ bị xuất huyết hoặc rối loạn đông máu hơn. Theo một nghiên cứu về mất máu sau sinh, nguy cơ nói trên gia tăng ở những phụ nữ có nhóm máu O.

Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Critical Care cho thấy những người mang nhóm máu O cũng có thể bị ảnh hưởng nặng hơn sau chấn thương do mất máu.

Một nghiên cứu khác đã phát hiện những người mang nhóm máu AB có thể gặp nguy cơ bị suy giảm nhận thức cao hơn so với người thuộc nhóm máu O. Suy giảm nhận thức bao gồm những vấn đề như khó ghi nhớ, tập trung hoặc đưa ra quyết định.

Mặc dù các nghiên cứu hiện nay cho thấy nhóm máu có thể liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim, các yếu tố như chế độ ăn uống, tập thể dục hoặc thậm chí ô nhiễm môi trường cũng tác động lớn đến sức khỏe tim mạch.

Theo tiến sĩ Guggenheim, bất kể thuộc nhóm máu nào, bạn cũng cần duy trì chế độ ăn uống tốt cho tim mạch.

Thịt nạc, chất béo lành mạnh, trái cây, rau và ngũ cốc đều là thực phẩm lành mạnh cho tim.
Thịt nạc, chất béo lành mạnh, trái cây, rau và ngũ cốc đều là thực phẩm lành mạnh cho tim. (Ảnh: Pexels).

Ông nhấn mạnh trong tương lai, các nghiên cứu có thể đưa ra bằng chứng rõ ràng hơn về mối liên quan này, từ đó giúp bác sĩ điều trị tốt hơn cho bệnh nhân dựa theo nhóm máu của họ.

Khi tất cả yếu tố được xem xét như nhau, bệnh nhân có mức cholesterol khỏe mạnh và nhóm máu A có thể dùng aspirin mỗi ngày, trong khi nó có thể không cần thiết đối với người tương tự nhưng mang nhóm máu O.

Tiến Guggenheim nói: “Chế độ ăn uống cân bằng, tốt cho sức khỏe tim mạch sẽ là điều mà bất kỳ bác sĩ nào cũng sẽ khuyến nghị. Dù nhóm máu của bạn là gì, khuyến nghị này vẫn không thay đổi”.

Theo Zing

Chủ nghĩa hoàn hảo và sự thần kỳ kinh tế của người Đức

Ít ai biết, từ năm 1992, tức chỉ 2 năm sau khi thống nhất 2 miền Đông Tây, nước Đức trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, dù dân số chỉ khoảng 80 triệu so với khoảng 300 triệu của Mỹ và 1.3 tỷ của Trung Quốc.

Chủ nghĩa hoàn hảo và sự thần kỳ kinh tế của người Đức

Trị vì ngôi vô địch thế giới về xuất khẩu trong suốt 17 năm, đến năm 2009, Trung Quốc mới qua mặt nước Đức vì rất nhiều sản phẩm là tài nguyên thiên nhiên, nhiều sản phẩm thâm dụng lao động, trong khi nước Đức phần lớn xuất khẩu là xe hơi, máy móc công nghệ và chất xám.

Vào nhà một người Đức, khó có thể phát hiện một sản phẩm nào mà không phải Made in Germany. Thậm chí bông ráy tai nước Đức cũng sản xuất, dù giá thành sản xuất là 10 USD so với 1 USD của người Trung Quốc. Khi Trung Quốc mở cửa và thành công xưởng của thế giới, các nước khác thấy không hiệu quả nếu tự họ sản xuất, nên qua Trung Quốc đặt hàng hết. Nhưng nước Đức thì không. Họ vẫn tự sản xuất cái cục gôm, cây bút chì, chiếc xe đạp…dù giá thành rất cao, và vì họ có một phân khúc thị trường riêng. Đó là dành cho những người quen dùng đồ Đức trên khắp thế giới.

Vì sao? Vì dân tộc Đức là dân tộc theo chủ nghĩa hoàn hảo trong sản xuất. Giữa sự chao đảo của suy thoái kinh tế, nước Đức vẫn không hề hấn gì, và là chỗ dựa cho bao nhiêu quốc gia khác trong cộng đồng chung châu Âu. Nền giáo dục Đức là nền giáo dục mà Tony thích nhất, vì nó đào tạo ra những người học để “cho việc” thay vì tốt nghiệp ra trường để đi xin việc cho tốt. Một nền giáo dục dựa trên sự kỷ luật Vô cùng vô cùng nghiêm khắc. Sự tập trung cao độ của người Đức còn thể hiện qua bóng đá, năm 2014, tại World Cup được tổ chức tại Brazil, dưới áp lực của hàng vạn khán giả nước chủ nhà trên sân, các chàng trai đến từ nước Đức không hề bị run chân run tay gì, thắng vẫn vui nhẹ nhàng, thua vẫn bình thản thi đấu, ai vị trí người đó, tổ chức tấn công phòng thủ bình thường, và họ đã đăng quang ở ngôi cao nhất. Ít ai biết trước đó người Đức đã sang Brazil 4 năm trước, xây dựng một khu resort riêng cho đội tuyển Đức sang ăn ở tập luyện cho quen khí hậu, với đầu bếp bác sĩ đến lao công đều là người Đức. Khu resort này sau WC được tặng lại cho nước chủ nhà như là một món quà kỷ niệm của sự well-prepared.

Người Nhật cũng từng hâm mộ và học theo người Đức, và gần đây là người Hàn Quốc, và trở thành 2 bản sao hoàn hảo. Ở trường, giáo viên Đức tỉ mỉ sửa cho học sinh từng lỗi dấu chấm, dấu phẩy…để tạo thành thói quen “hoản hảo” trong mọi thứ, tuyệt đối không bao giờ xuề xoà cho qua, vì như vậy là hại cá nhân từng học sinh, hại đến xã hội sau này vì thói quen làm sai, bất cẩn. Nên khi ra đời, họ khắt khe từng mm trong công việc, tạo thành hiệu quả cao, không tốn thời gian sửa sai vô ích.

Người Đức quan niệm, trong cuộc đời con người, trong cuộc sống, có thể méo mó một chút để thú vị hơn. Tuy nhiên, trong học tập, sản xuất và kinh doanh, chúng ta phải áp dụng chủ nghĩa hoàn hảo. Nếu bạn biết lái xe hơi, cầm vô lăng xe Đức sản xuất sẽ thấy cảm giác yên tâm hơn nhiều so với xe đến từ các nước khác. Và tỷ lệ thu hồi xe lỗi của các dòng xe do nước Đức sản cũng thấp hơn nhiều so với các nước khác. Anh bạn của Tony, một kỹ sư làm việc cho một hãng xe Đức ở Sài Gòn, hay kể Tony nghe về câu chuyện ông sếp người Đức đã dạy anh như thế nào. Anh nói, ở Việt Nam, mình hay nói đại khái sản phẩm này là tất cả tâm huyết của tao. Tâm-huyết là tim và máu, tức cũng ghê gớm lắm rồi, nhưng với người Đức, tâm-huyết có ý nghĩa gì đâu, họ còn đem cả tính mạng ra bảo lãnh. Kỹ sư trưởng thiết kế một mẫu xe hơi mới, sẽ phải chịu trách nhiệm bằng tính mạng của mình cho độ an toàn của xe. Anh ấy sẽ phải sẵn sàng chết đi để cả triệu người lái mẫu xe đó được an toàn trên đường thiên lý.

Ở nhà Tony có một cái thau giặt đồ bằng nhựa, người thân mang về từ Đông Đức từ năm 1988, để ngoài nắng mưa gió sương nhưng bây giờ vẫn còn xài tốt, màu đỏ vẫn rực rỡ. Chỉ là một cái thau nhựa thôi, nhưng vì Made in Germany nên đó là một đẳng cấp khác, một sản phẩm do người Đức tạo ra. Còn nếu bạn học kiến trúc, một bộ bút vẽ Made In Germany là cái phải có của mọi kiến trúc sư chuyên nghiệp trên thế giới.

Ở Đức, giáo dục công lập được miễn phí kể cả đại học, kể cả sinh viên nước ngoài nhưng với điều kiện là phải biết tiếng Đức và có bằng Abitur tức tú tài. Những tưởng với sự tiên tiến của nền giáo dục ấy, sinh viên quốc tế sẽ đổ xô sang học? Nhưng không, số lượng sinh viên vẫn không nhiều so với các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Úc…một phần tiếng Đức khá khó, nhiều người ngại. Vì sợ học xong rồi ra trường, nếu không làm cho công ty Đức thì cũng không có lợi thế, dù tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ phổ biến ở nước Đức. Thứ 2 là họ nghiêm khắc, học khó vì chất lượng thật sự chứ không chạy theo thành tích. Giáo dục Đức phân cấp học sinh theo trí tuệ của các bạn từ lúc tốt nghiệp tiểu học, tức ai giỏi thì bắt đầu lớp 5 sẽ đi theo hướng đào tạo hàn lâm, còn lại thì các trường khác theo hướng thực hành. Cả 2 hệ đều được xã hội tôn trọng như nhau, vì khả năng 1 đứa trẻ khác nhau nên cho nó học cái gì phát huy tối đa khả năng của nó. Ví dụ bạn Anne không tưởng tượng ra được cái hình cầu nội tiếp trong hình nón, mở 2 vòi nước và không tính được sau bao nhiêu phút thì đầy cái bồn, thì thôi định hướng cho nó học văn sử địa âm nhạc nghệ thuật cho rồi, chứ bắt nó sin cos làm gì cho nó nóng não.

Cái cuối cùng quan trọng hơn chính là kỷ luật của người Đức, nhiều bạn trẻ ngại và sợ nếu phải học hay làm với họ. Họ chấp hành tuyệt đối các luật Lệ, các quy tắc của tổ chức một khi là thành viên. Nói 8hAM bắt đầu học là đúng khi kim giây vừa chỉ số 12 của 8 AM là cửa trường đóng lại, vô xin năn nỉ cỡ nào bảo vệ cũng không cho vô. Trong lớp đúng 8AM là thầy trò bắt đầu mở sách vở ra và học. Khi gửi con vô trường công lập ở Đức, hay hệ thống trường quốc tế Đức trên thế giới, phụ huynh học sinh sẽ ký vào một nội quy dài ngoằng, trong đó có nhiều cam kết, đại loại là con của họ sẽ không được ăn cắp (tức quay bài, đạo văn), nói dối (tức cha mẹ làm giùm bài cho con, nói dối thầy cô)…Nếu học sinh vi phạm, thì sẽ bị làm tư tưởng, học sinh sẽ phải ngồi suy nghĩ về hành vi của mình 1 ngày. Nếu tái phạm, học sinh đó sẽ bị đuổi học ngay và ghi vào sổ bìa đen (black list) trên khắp nơi và các trường công lập khác sẽ không muốn nhận, nếu muốn học tiếp thì vô trường tư sẽ rất đắt đỏ và cũng không tốt bằng. Tony hỏi hiệu trưởng một trường quốc tế Đức ở Thượng Hải vì sao có quy định đó, ông nói nếu bạn chọn cho con cái của bạn giáo dục Đức từ đầu, sản phẩm của bạn sẽ hoàn hảo. Vì giáo dục nước Đức không tạo ra sản phẩm con người của ăn cắp và nói dối. Đứa ăn cắp và nói dối thì không kiêu hãnh được, không ngẩng đầu được.

Để sang và chảnh, người ta phải tự mình giỏi giang, tự mình đạo đức, tự mình tử tế, tự mình văn minh. Nước Đức nằm ở Trung Âu, và mỗi nước châu Âu xung quanh, hầu như người Đức nhờ gia công làm dịch vụ giùm cho họ. Đức là một dân tộc cho việc, tức giao việc cho các nước lân bang. Người Đan Mạch thì làm giao nhận vận tải mã hiệu mã vạch kiểm soát chất lượng cho họ, người Hà Lan thì như là một công viên giải trí với cảnh sắc tươi đẹp hoa nở khắp nơi để họ sang dạo chơi, giải trí; các nước phía Đông như Ba Lan, Séc,…thì cung cấp nhân công lao động sản xuất; Thụy Sĩ thì giữ tiền giùm; Áo thì là nơi họ đến nghe nhạc và xem triển lãm tranh; Ý là nơi cung cấp họ các dịch vụ liên quan ăn uống vì ẩm thực với Pizza, Spaghetti, Cappuccino..

Người Pháp, Anh, Nga…thì suốt ngày ganh tụy với người Đức, bên Đức có cái gì thì họ sản xuất cái đó, nhưng chất lượng thì còn lâu mới bằng, vì họ không có tinh thần Perfectionism (chủ nghĩa hoàn hảo) trong sản xuất. Bạn trẻ nào theo chủ nghĩa hoàn hảo trong công việc thì không bao giờ sợ bị thất nghiệp. Và may mắn thay, hồng phúc thay cho doanh nghiệp nào có được nhân viên theo chủ nghĩa hoàn hảo này, làm ăn với họ sẽ vô cùng yên tâm vì không lo sai sót.

Bắt đầu chủ nghĩa hoàn hảo đầu tiên với bản thân mình, sạch sẽ thơm tho trí tuệ thể lực đều không thể ngon hơn, rồi xung quanh 1m bán kính quanh mình, sạch sẽ gọn gàng không thể sạch đẹp hơn. Rồi bắt đầu lên bán kính 2m, 5m, 100m, cả ngôi nhà, cả khu phố,…tất cả đều phải hoàn hảo, hoàn hảo…

Theo TONY BUỔI SÁNG / Trí thức VN

Nhiều manh mối tiết lộ chương trình khinh khí cầu do thám của Trung Quốc

Với Trung Quốc, chiến trường mới nhất giữa các siêu cường là không gian nằm trong khoảng 19 – 96km từ mặt đất, trong lớp khí quyển không khí loãng được gọi là “vùng cận vũ trụ”.

Nhiều manh mối tiết lộ chương trình khinh khí cầu do thám của Trung Quốc - Ảnh 1.

Ông Cheng Wanmin, chuyên gia về công nghệ quốc phòng của Trung Quốc, giải thích về khí cầu trong đoạn phim do Xinhua sản xuất

Nằm cao hơn đường bay của hầu hết máy bay thương mại và quân sự nhưng thấp hơn vệ tinh, không gian cận vũ trụ là vùng mà các vũ khí siêu thanh và tên lửa đạn đạo bay qua.

Trung Quốc chú ý đến sự phát triển của những quốc gia khác trong vùng này, nơi mà các chuyên gia quân sự Trung Quốc gọi là “mặt trận quân sự mới” và là “vùng cạnh tranh quan trọng giữa các cường quốc quân sự thế giới”.

Bên cạnh việc phát triển các phương tiện công nghệ cao như máy bay không người lái chạy bằng năng lượng mặt trời và phương tiện siêu thanh, Trung Quốc cũng đang cải tiến công nghệ có từ mấy thập kỷ trước để tận dụng khoảng không gian này – phương tiện nhẹ hơn không khí. Chúng bao gồm các khí cầu bình lưu và khí cầu tầm cao, tương tự như chiếc bị phát hiện và bắn rơi ở Mỹ cuối tuần qua.

Trung Quốc khẳng định đó là khí cầu dân sự, nhưng giới chức Mỹ khẳng định đó là một phương tiện thuộc chương trình giám sát quy mô toàn cầu của Trung Quốc.

Điểm lại những bản tin trên báo chí và bài báo khoa học được xuất bản ở Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh ngày càng quan tâm đến các phương tiện nhẹ hơn không khí. Một số chuyên gia Trung Quốc từng đề cập đến việc ứng dụng vào nhiều mục đích, từ thông tin liên lạc, giám sát và trinh sát, đến đáp trả tấn công điện tử.

Tham vọng cận vũ trụ

Nghiên cứu của Trung Quốc về khí cầu tầm cao bắt đầu từ cuối những năm 1970, nhưng được chú ý trở lại trong thập kỷ qua. Phương tiện cũ được trang bị thêm công nghệ hiện đại, trong bối cảnh các cường quốc khắp thế giới đang chạy đua phát triển năng lực trên trời.

“Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện đại, không gian cho cạnh tranh thông tin không còn giới hạn trên bộ, trên biển và không gian tầm thấp. Vùng cận vũ trụ cũng đã trở thành một chiến trường mới trong chiến tranh hiện đại và là một phần quan trọng trong hệ thống an ninh quốc gia”, bài viết của PLA Daily năm 2018 đánh giá. PLA Daily là tờ báo chính thức của quân đội Trung Quốc.

Theo bài viết, hàng loạt “phương tiện bay cận vũ trụ” sẽ đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch tác chiến phối hợp, tích hợp không gian ngoài vũ trụ với khí quyển Trái đất.

Từ năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ đạo Không quân Trung Quốc “tăng tốc tích hợp năng lực không gian và vũ trụ, mài giũa năng lực phòng thủ và tấn công. Các chuyên gia quân sự nước này xác định vùng cận vũ trụ là mắt xích quan trọng cho sự tích hợp như vậy.

Tìm kiếm trên CNKI, kho dữ liệu học thuật trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc, cho thấy các nhà nghiên cứu quân sự và dân sự nước này đã xuất bản hơn 1000 bài báo nghiên cứu về vùng cận vũ trụ, trong đó chủ yếu nói đến việc phát triển “các phương tiện bay trong vùng cận vũ trụ”. Trung Quốc cũng đã lập một trung tâm nghiên cứu để thiết kế và phát triển khí cầu tầm cao và khí cầu bình lưu, còn gọi là khí cầu điều khiển được. Trung tâm này thuộc quyền quản lý của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc.

Một lĩnh vực được quan tâm hơn cả là giám sát. Dù Trung Quốc đã triển khai một mạng lưới vệ tinh rộng khắp để tạo nên hệ thống giám sát tầm xa phức tạp, nhưng các chuyên gia quân sự nước này nhấn mạnh những lợi ích của phương tiện nhẹ hơn không khí.

Khác với vệ tinh hay máy bay, khí cầu bình lưu và khí cầu tầm cao “có thể bay lượn quanh các địa điểm cố định trong thời gian dài” và không dễ bị radar phát hiện, Shi Hong, giám đốc điều hành của Shipborne Weapons , một tạp chí quân sự có uy tín thuộc một viện liên quan đến quân đội Trung Quốc, viết trong bài báo đăng trên báo chí nhà nước năm 2022.

Trong video được Xinhua đăng năm 2021, một chuyên gia quân sự giải thích cách khí cầu nhẹ hơn không khí bay ở vùng cận vũ trụ có thể giám sát, chụp những bức ảnh và quay video có độ phân giải cao với chi phí thấp hơn nhiều so với vệ tinh.

Trong video, Cheng Wanmin, một chuyên gia thuộc ĐH Công nghệ quốc phòng, nêu bật những thành tựu của Mỹ, Nga và Israel trong phát triển những phương tiện như vậy, đồng thời cho biết Trung Quốc cũng đã đạt được “bước đột phá”.

Nhiều manh mối tiết lộ chương trình khinh khí cầu do thám của Trung Quốc - Ảnh 2.

Hải quân Mỹ vớt xác khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn rơi cuối tuần qua. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Một ví dụ thể hiện những tiến bộ mà Trung Quốc đạt được trong lĩnh vực này là chuyến bay của khí cầu không người lái dài 100m mang tên “Người săn mây”.

Năm 2019, trong cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Đô thị phương nam , ông Wu Zhe, giáo sư công tác tại ĐH Beihang, cho biết khí cầu này đã bay qua châu Á , châu Phi và Bắc Mỹ trong chuyến bay vòng quanh Trái đất ở độ cao 20km so với mặt đất.

Một nhà khoa học khác thuộc dự án nói với tờ báo rằng, so với vệ tinh, khí cầu bình lưu là lựa chọn tốt hơn cho “quan trắc lâu dài”, có thể phục vụ nhiều mục đích, từ cảnh báo thiên tai, nghiên cứu môi trường đến xây dựng mạng liên lạc không dây và trinh sát trên cao.

Nhiều manh mối tiết lộ chương trình khinh khí cầu do thám của Trung Quốc - Ảnh 3.

Bản tin của CCTV năm 2019 chiếu hình ảnh một khí cầu bay lên trong chương trình thử nghiệm mẫu “phương tiện bay tầm rộng” thu nhỏ

Rõ ràng Trung Quốc không phải nước duy nhất sử dụng công nghệ này, vì khí cầu đã được sử dụng cho mục đích quân sự từ cuối thế kỷ 18, khi quân đội Pháp vận hành một quân đoàn khinh khí cầu.

Mỹ cũng đang tăng cường năng lực sử dụng các phương tiện nhẹ hơn không khí. Năm 2021, Bộ Quốc phòng Mỹ ký hợp đồng với một hãng công nghệ vũ trụ để sử dụng khí cầu bình lưu của họ nhằm “tạo nên bức tranh hoàn thiện hơn và áp dụng cho chiến trường”, theo thông cáo mà hãng Raven Aerostar đưa ra khi đó.

“Đó không phải là thứ của riêng Trung Quốc. Mỹ và các quốc gia khác cũng đang phát triển khí cầu tầm cao và những phương tiện tương tự”, Brendan Mulvaney, giám đốc Viện nghiên cứu vũ trụ Trung Quốc thuộc Không quân Mỹ, nói với CNN .

“Chúng có giá thành rẻ, trở thành phương tiện thu thập hình ảnh, liên lạc và thu thập những thông tin khác liên tục”, ông Mulvaney cho biết.

Ông Mulvaney là tác giả một bài báo xuất bản năm 2020 về sự quan tâm của Trung Quốc trong sử dụng các phương tiện nhẹ hơn không khí để “trinh sát từ vùng cận vũ trụ”.

Trung Quốc có vẻ cũng biết khả năng các quốc gia khác sử dụng khinh khí cầu để do thám họ.

Năm 2019, loạt phim tài liệu về lực lượng biên phòng Trung Quốc do kênh truyền hình nhà nước sản xuất nói về sự việc không quân nước này phát hiện và bắn rơi một vật thể nghi là khí cầu giám sát tầm cao đang “đe doạ an toàn phòng không Trung Quốc”.

Phim tài liệu không đề cập cụ thể thời gian và vị trí bắn rơi khí cầu, nhưng một bài viết của các nhà nghiên cứu làm việc cho viện thuộc quân đội Trung Quốc đăng tháng 4 năm ngoái nói rằng, nước này phát hiện các khí cầu của nước ngoài vào năm 1997 và 2017.

Theo CNN

4 ‘con hổ’ châu Á đầu tư vào Việt Nam: Hàn Quốc rót hơn 81 tỷ USD, 3 nền kinh tế còn lại thì sao?

4 'con hổ' châu Á đầu tư vào Việt Nam: Hàn Quốc rót hơn 81 tỷ USD, 3 nền kinh tế còn lại thì sao?

4 ‘con hổ’ châu Á – Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc) đều lọt top 5 nền kinh tế có lũy kế tổng vốn đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam tính đến tháng 1/2023.

4 nền kinh tế này liên tục rót tiền đầu tư vào Việt Nam trong nhiều năm qua. Trong tháng 1/2023, trong 4 ‘con hổ’ châu Á, Singapore là nền kinh tế rót nhiều tiền đầu tư vào Việt Nam nhất. Cụ thể, Singapore đầu tư vào Việt Nam khoảng 813,94 triệu USD với 21 dự án cấp mới, xếp thứ nhất trong tổng số các nền kinh tế đầu tư vào Việt Nam trong tháng 1/2023.

Sau Singapore, Hàn Quốc là nền kinh tế rót tiền đầu tư xếp thứ 2 vào Việt Nam trong 4 ‘con hổ’ châu Á. Cụ thể, Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam khoảng 418,83 triệu USD với 26 dự án cấp mới, xếp thứ 3 trong tổng số các nền kinh tế đầu tư vào Việt Nam trong tháng 1/2023.

4 con hổ châu Á đầu tư vào Việt Nam: Hàn Quốc rót hơn 81 tỷ USD, 3 nền kinh tế còn lại thì sao? - Ảnh 1.

Tổng vốn FDI từ 4 ‘con hổ’ châu Á vào Việt Nam trong tháng 1/2023. Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đài Loan (Trung Quốc) là nền kinh tế rót tiền đầu tư xếp thứ 3 vào Việt Nam trong 4 ‘con hổ’ châu Á. Cụ thể, Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư vào Việt Nam khoảng 139,16 triệu USD với 9 dự án cấp mới, xếp thứ 4 trong tổng số các nền kinh tế đầu tư vào Việt Nam trong tháng 1/2023.

Hồng Kông (Trung Quốc) đầu tư vào Việt Nam khoảng 55,65 triệu USD với 13 dự án cấp mới, xếp thứ 6 trong tổng số các nền kinh tế đầu tư vào Việt Nam trong tháng 1/2023.

Xét về lũy kế tổng vốn đầu tư FDI đến tháng 1/2023, Hàn Quốc là nền kinh tế đầu tư nhiều tiền nhất vào Việt Nam trong 4 ‘con hổ’ châu Á. Cụ thể, lũy kế tổng vốn đầu tư FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam đạt khoảng 81,2 tỷ USD với 9.559 dự án tính đến tháng 1/2023. Theo đó, Hàn Quốc xếp thứ nhất trong tổng số các nền kinh tế có lũy kế tổng vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam tính đến tháng 1/2023.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư Hàn Quốc tập trung rót vốn nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; đứng thứ hai là hoạt động kinh doanh bất động sản; tiếp theo là lĩnh vực lĩnh vực xây dựng; còn lại là những ngành khác.

Cùng với đó, Hàn Quốc hiện đã đầu tư tại hầu hết các tỉnh, thành của Việt Nam. Một số tỉnh, thành mà Hàn Quốc đã rót vốn đầu tư lớn là Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Đồng Nai, Thái Nguyên và TP. HCM.

4 con hổ châu Á đầu tư vào Việt Nam: Hàn Quốc rót hơn 81 tỷ USD, 3 nền kinh tế còn lại thì sao? - Ảnh 2.

Luỹ kế tổng vốn FDI từ 4 ‘con hổ’ châu Á vào Việt Nam đến tháng 1/2023. Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Sau Hàn Quốc, Singapore là nền kinh tế rót tiền đầu tư xếp thứ 2 vào Việt Nam trong 4 ‘con hổ’ châu Á. Cụ thể, lũy kế tổng vốn đầu tư FDI từ Singapore vào Việt Nam đạt khoảng 71,85 tỷ USD với 3.123 dự án tính đến tháng 1/2023. Theo đó, Singapore xếp thứ 2 trong tổng số các nền kinh tế có lũy kế tổng vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam tính đến tháng 1/2023.

javascript:if(typeof(admSspPageRg)!=’undefined’){admSspPageRg.draw(3304);}else{parent.admSspPageRg.draw(3304);}

Các dự án đầu tư của doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chiếm khoảng 40% tổng vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam. Đứng thứ hai là hoạt động kinh doanh bất động sản, tiếp theo là lĩnh vực sản xuất điện, hai lĩnh vực này chiếm khoảng 45% tổng vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam.

Xếp thứ 3 là Đài Loan (Trung Quốc). Cụ thể, lũy kế tổng vốn đầu tư FDI từ Đài Loan (Trung Quốc) vào Việt Nam đạt khoảng 69,17 tỷ USD với 2.917 dự án tính đến tháng 1/2023. Theo đó, Đài Loan (Trung Quốc) xếp thứ 4 trong tổng số các nền kinh tế có lũy kế tổng vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam tính đến tháng 1/2023.

Các dự án đầu tư của Đài Loan (Trung Quốc) tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; hoạt động kinh doanh bất động sản. Đài Loan (Trung Quốc) hiện đã đầu tư tại hầu hết các tỉnh, thành của Việt Nam. Các địa phương được nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư nhiều là Hà Tĩnh, Bình Dương, Đồng Nai.

Lũy kế tổng vốn đầu tư FDI từ Hồng Kông (Trung Quốc) vào Việt Nam đạt khoảng 36,48 tỷ USD với 2.176 dự án tính đến tháng 1/2023. Theo đó, Hồng Kông (Trung Quốc) xếp thứ 5 trong tổng số các nền kinh tế có lũy kế tổng vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam tính đến tháng 1/2023.

Đa phần các dự án của Hồng Kông (Trung Quốc) tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo; ngành sản xuất điện; hoạt động kinh doanh bất động sản.

Minh Tiến / Nhịp sống Thị trường