Ngôi nhà cấp 4 được cải tạo, nâng cấp thêm một tầng lửng với phong cách kiến trúc giống như những công trình ở thành phố Đà Lạt.
Anh Thanh Đường quyết định mua mảnh đất có sẵn căn nhà cấp 4 vào dịp cuối năm với mong muốn sửa lại để đón tết 2023. Mảnh đất có đầy đủ các đặc trưng để xây 1 căn nhà phố ở trung tâm thành phố Nha Trang như: Diện tích 4x15m, nằm trong con hẻm 4m vừa đủ cho 1 chiếc xe hơi chạy vào.
Trên đất có sẵn căn nhà cấp 4 được xây dựng theo kiểu xưa, kiểu “để ở” chứ không phải để tận hưởng không gian sống như hiện tại. Sau khi nhận nhà, anh yêu cầu nhóm thiết kế, thi công phải giải được bài toán với các đề bài như sau: Tiết kiệm thời gian để bàn giao nhà trước Tết. Tiết kiệm ngân sách nhưng phải đảm bảo tính thẩm mỹ và công năng sử dụng. Tối giản hết mức nhưng phải khiến gia chủ trầm trồ bởi sự thay đổi.
Để hoàn thiện căn nhà 1 trệt, 1 lửng, 2 vệ sinh, 2 phòng ngủ với đầy đủ nội thất, từ thiết kế đến thi công thô, hoàn thiện và cả nội thất decor đi kèm, anh Thanh Đường chi khoảng nửa tỷ đồng.
Sau khi ngôi nhà được hoàn thiện, hàng xóm nức nở khen ngợi vì công trình quá khá biệt với khu dân cư xung quanh. Với thiết kế kiến trúc, ngoại thất như vậy, ngôi nhà phảng phất nét kiến trúc của Đà Lạt.
“Với tôi, một căn nhà được gọi là tổ ấm khi nó vừa vặn với nhu cầu và mục đích của mình. Không làm mình nợ nần sau khi làm xong để ở nhà mới nhưng mất ngủ, diện tích sử dụng vừa đủ để không phải tốn nhiều thời gian dọn dẹp và nếu lỡ như ‘giàu quá dư đất quá’ thì mình chọn làm không gian chung cho cả nhà sinh hoạt như làm vườn trước, vườn sau, sân trước, sân sau… Và cuối cùng, căn nhà phải làm bản thân cảm thấy vui vẻ khi trở về, đặc biệt với bản thân mình thay vì phải chứng tỏ với người khác”, anh Thanh Đường tâm sự.
Một số hình ảnh về công trình này:
Bên trong căn nhà cũ trước khi được thiết kế lại. Mặt tiền cũ bị nóng nực và bí – một đặc điểm cơ bản của những căn nhà cấp 4 xưa khi gia chủ không có nhiều tiền để chọn lựa phong cách.
Mặt tiền thay đổi đi 1 chút dựa trên khung nhà cũ đã thấy sự khác biệt rõ ràng.
Mặt tiền nhà tận dụng từ tường gạch cũ, sơn hiệu ứng phun gai. Cửa sổ tầng lửng hướng chính Đông đón nắng sớm mỗi ngày.
Phòng khách góc nhìn từ tầng lửng và bếp. Một mảng tường màu cam nổi bật, tạo điểm nhấn giúp nhà đỡ đơn điệu.
Toàn bộ không gian bếp và khách của nhà. Phần mặt ngoài của tầng lửng sẽ là không gian thờ phụng.
Ở Nha Trang quanh năm nóng bức nên gia chủ cho xây nhà cao hơn chiều cao bình thường để thoáng khí. Do đó làm khu bếp trên dưới cũng lệch chuẩn. Để giải quyết vấn đề này, anh Thanh Đường yêu cầu nhóm thiết kế nhấn nhá thêm phần trần thạch cao để vừa decor vừa hạ chiều cao khu bếp xuống.
Phía sau bếp là cửa vòm, dẫn vào phòng ngủ master và khu giặt sấy, vệ sinh. Bàn ăn dành cho 4 người với màu gỗ vàng.
Cầu thang ốp bằng gỗ sồi tự nhiên, dưới chân cầu thang là tiểu cảnh mảng xanh để làm dịu lại không gian màu cam đất.
Bếp nhiều kệ thì thành cái kho, hướng đến lối sống tối giản, ít tích trữ nên phần bếp trên anh không làm full tủ bếp mà dành 1 không gian nhỏ tầm 50cm để làm đợt gỗ với đèn decor cho không gian thêm thanh thoát, có điểm nhấn.
Phòng ngủ mini trên tầng lửng, nhóm thiết kế đặt thêm một bàn làm việc kiêm bàn trang điểm ở gần khu cửa sổ đón ánh sáng, tạo năng lượng tích cực mỗi ngày cho gia chủ.
Phòng ngủ master với giếng trời ngăn giữa nhà vệ sinh, phòng giặt với phòng ngủ. Vì phòng vệ sinh có sẵn nên gia chủ dựa vào đó thiết kế không gian chung để tiết kiệm ngân sách.Phòng ngủ master ngăn với khu vệ sinh bằng tường bo cong và rèm trắng tinh tế.
Mọi bộ phận trên cơ thể con người đều sẽ già đi, vậy bộ não sẽ dần già đi khi nào?
Tuổi thọ của não bộ thực sự ngắn hơn chúng ta tưởng. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng khi một người bước qua tuổi 25, sự phát triển của não bộ đạt đến đỉnh điểm.
Sau 30 tuổi, con người sẽ bắt đầu lão hóa dần, lúc này có thể bị suy giảm trí nhớ, hay quên mọi việc.
Ở tuổi 60, não có thể bị teo và teo nhanh hơn.
Khi tuổi tác tăng lên 65 tuổi có thể xuất hiện biểu hiện suy giảm nhận thức, nếu không có cải thiện thì rất dễ phát triển thành bệnh Alzheimer.
6 tín hiệu này càng xuất hiện nhiều, thì não bộ càng lão hóa nghiêm trọng
1.Trí nhớ suy giảm
Là biểu hiện điển hình của tình trạng suy giảm chức năng não bộ.
2. Khả năng diễn đạt ngôn ngữ giảm sút
Khi bạn bắt đầu nói lắp, nói không mạch lạc, không thể diễn đạt chính xác ý của mình, điều đó có thể cho thấy khả năng diễn đạt ngôn ngữ của bạn đang giảm sút, chức năng não bộ cũng suy giảm, cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
3. Dễ bị lạc đường
So với trước đây, cảm giác về phương hướng trở nên kém hơn, rất dễ bị lạc đường, những nơi đã từng quen thuộc cũng sẽ quên mất đường đi, đây thực chất là một triệu chứng của chứng mất trí nhớ, hãy cẩn thận chú ý.
4. Khả năng hiểu biết và các khía cạnh khác giảm sút
Ngoài trí nhớ và khả năng diễn đạt suy giảm, khả năng hiểu sự việc cũng sẽ giảm sút, không thể xứ lý vấn đề một cách thích hợp, não bộ trở nên chậm chạp, đây cũng là một dấu hiệu lão hóa não.
5. Tính khí thay đổi, dễ tức giận, khó chịu
Nếu như tính cách ban đầu tương đối ôn hòa, tâm tính không dễ bị rối loạn, nhưng hiện tại lại trở nên cáu kỉnh, khó chịu, cũng nên quan tâm đầy đủ. Nó có khả năng là tiền thân của bệnh Alzheimer.
6. Khó khăn trong việc chăm sóc bản thân
Nếu có hiện tượng không thể tự chăm sóc bản thân thì tình trạng tương đối nghiêm trọng
Có cách nào để đảo ngược quá trình lão hóa não không?
1. Đảm bảo dinh dưỡng
Để chức năng của não ổn định ở mức độ cao hơn, việc bổ sung dinh dưỡng toàn diện và đầy đủ là rất quan trọng.
Axit α-linolenic chiếm 10% tổng khối lượng rắn của não; 25% trong tế bào hải mã quản lý việc học; 50% trong phospholipid của dây thần kinh sọ và võng mạc. Axit α-linolenic là chất cơ bản của màng tế bào và enzym sinh học, đóng vai trò quyết định đối với trí nhớ và sức khỏe thể chất của con người.
Nguồn: aboluowang
Dầu thực vật tía tô là thực phẩm trên cạn chứa nhiều axit α-linolenic nhất, có thể ăn nhiều hơn một chút mỗi ngày, hoặc dùng để thay thế dầu đậu nành, dầu lạc thường dùng, có thể dưỡng não tốt và cũng rất có lợi cho việc phòng ngừa các bệnh mạch máu não.
2. Đảm bảo giấc ngủ
Trong thời gian ngủ, não bộ sẽ được nghỉ ngơi hoàn toàn, hiện nay thói quen sinh hoạt của con người đã thay đổi, nhiều người có thói quen thức khuya sẽ trực tiếp dẫn đến tình trạng thiếu ngủ, chức năng não bộ bị tổn hại nghiêm trọng, trí nhớ giảm sút, phản ứng chậm chạp và các vấn đề khác sẽ xuất hiện.
Do đó, việc đảm bảo giấc ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày là rất quan trọng để ổn định não bộ.
3. Sử dụng bộ não của bạn thường xuyên
Khoa học chứng minh não càng sử dụng nhiều càng tốt. Thống kê cho thấy đại đa số bệnh nhân Alzheimer là những người có trình độ học vấn thấp và không có thói quen sử dụng não.
Do đó, để giữ cho chức năng của não ở mức ổn định, cần phải có thói quen sử dụng não thường xuyên như đọc sách, chơi cờ và các hoạt động giáo dục khác.
4. Tập thể dục nhiêu
Khi bạn nghe cụm từ “rèn luyện trí não”, có lẽ bạn không nghĩ đến việc nâng tạ. Hóa ra hoạt động thể chất là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm cho cơ thể và tâm trí của mình.
Tập thể dục làm tăng lưu lượng máu lên não, cung cấp cho các tế bào não đang đói một lượng oxy tươi và glucose.
Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy chỉ cần 30 phút tập thể dục nhịp điệu vừa phải là đủ để tăng cường chức năng nhận thức của bộ não trưởng thành ở mọi lứa tuổi.
5. Giảm căng thẳng
Thế giới hiện đại của chúng ta đầy căng thẳng, vì vậy nhu cầu thư giãn là điều dễ hiểu. Những gì bạn có thể không nhận ra là việc tiếp xúc mãn tính với các hormone gây căng thẳng có thể gây hại cho não như thế nào.
Cách giảm căng thẳng rất đơn giản. Hãy để sở thích của bạn hướng dẫn bạn. Chìa khóa để chọn một trò tiêu khiển lành mạnh cho não bộ là tránh các hoạt động thụ động, chẳng hạn như xem TV, thay vào đó kích thích não bộ thông qua các câu đố và giải quyết vấn đề.
Một nghiên cứu năm 2011 được công bố trên Tạp chí Khoa học Thần kinh cho thấy các hoạt động như chơi game, đọc sách, may vá, đan lát và thủ công giúp giảm 50% tỷ lệ suy giảm nhận thức.
Thiền và nghe nhạc đều ảnh hưởng đến việc giải phóng các hormone quan trọng làm tăng tính linh hoạt của não, thay đổi cách chúng ta phản ứng với căng thẳng.
Kỳ Mai biên dịch / Tống Vân – aboluowang / Vạn điều hay
Theo Niên giám thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê, dân số trung bình của Việt Nam năm 2021 là 98,5 triệu người. Trong đó, địa phương có dân số trung bình lớn nhất đạt khoảng 9,17 triệu người.
Dân số trung bình năm 2021 của cả nước ước tính 98,5 triệu người, tăng 923,5 nghìn người, tương đương tăng 0,95% so với năm 2020. Trong đó, dân số thành thị 36,6 triệu người, chiếm 37,1%; dân số nông thôn 61,9 triệu người, chiếm 62,9%; nam 49,1 triệu người, chiếm 49,8%; nữ 49,4 triệu người, chiếm 50,2%.
Tỷ số giới tính của dân số năm 2021 là 99,4 nam/100 nữ. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 20213 đạt 50,6 triệu người. Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế năm 2021 là 49,1 triệu người.
Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi cả nước năm 2021 ước tính là 3,20%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 4,33%; khu vực nông thôn là 2,50%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2021 là 3,10%, trong đó tỷ lệ thiếu việc của lao động nam là 3,23%; tỷ lệ thiếu việc làm của lao động nữ là 2,94%.
Năm 2021, địa phương đông dân nhất Việt Nam hiện nay là Thành phố Hồ Chí Minh với 9,17 triệu người, chiếm 9,3% dân số cả nước. Thành phố Hà Nội đứng thứ hai với 8,33 triệu người, chiếm 8,46% dân số cả nước. Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có dân số lớn nhất và cách biệt so với các tỉnh, thành còn lại của cả nước.
Địa phương có dân số đứng thứ 3 cả nước là Thanh Hóa. Cụ thể, dân số của Thanh Hóa là 3,72 triệu người, chiếm tỷ trọng 3,77% dân số cả nước.
Top 10 tỉnh, thành đông dân nhất Việt Nam. Nguồn: TCTK.
Ở vị trí thứ tư là Nghệ An với 3,41 triệu người, chiếm 3,46% dân số cả nước. Đồng Nai đứng ở vị trí thứ 5 với dân số trung bình đạt khoảng 3,17 triệu người, chiếm 3,22% tổng dân số Việt Nam.
Các địa phương còn lại lọt top 10 tỉnh, thành đông dân nhất Việt Nam là: Bình Dương (2,6 triệu người), Hải Phòng (2,07 triệu người), Hải Dương (1,94 triệu người), An Giang (1,92 triệu người), Đắk Lắk (1,91 triệu người).
Theo Niên giám thống kê, năm 2021, chỉ số phát triển con người đạt 0,726, cao hơn so với năm 2020 (0,706). Thu nhập bình quân đầu người một tháng ước tính đạt 4,2 triệu đồng, giảm 1,1% so với năm 2020, trong đó khu vực thành thị đạt 5,4 triệu đồng, giảm 3,6%; khu vực nông thôn đạt 3,5 triệu đồng, tăng 0,1%.
Thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2021 theo giá hiện hành so với năm trước của một số vùng trên cả nước đều giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng giảm 1,1%; vùng Đông Nam Bộ giảm 3,8%; vùng đồng bằng sông Cửu Long giảm 4,2%. Ở chiều ngược lại, thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2021 của vùng Trung du và miền núi phía Bắc tăng 3,4%; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung tăng 2,6%; vùng Tây Nguyên tăng 1,4%.
Tuy nhiên, thu nhập giữa các vùng, các nhóm thu nhập có sự chênh lệch. Vùng Đông Nam Bộ có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất (đạt 5,79 triệu đồng), gấp 2,04 lần thu nhập bình quân đầu người thấp nhất ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc (2,84 triệu đồng).
Thu nhập bình quân đầu người một tháng của nhóm 20% số hộ có thu nhập bình quân đầu người cao nhất đạt 9,2 triệu đồng, gấp 8,8 lần nhóm 20% số hộ có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất (1,15 triệu đồng). Chênh lệch thu nhập và phân hóa giàu nghèo trong dân cư còn được thể hiện qua Hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập hệ số GINI.
Hệ số GINI (theo thu nhập) của Việt Nam năm 2021 là 0,374, thấp hơn GINI giai đoạn 2014-2018 ở mức 0,430 nhưng vẫn ở mức bất bình đẳng trung bình. Mức độ bất bình đẳng ở nông thôn là 0,374 cao hơn mức 0,335 ở khu vực thành thị. Hai vùng có tỷ lệ nghèo cao là Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cũng là hai vùng có hệ số GINI cao tương ứng là 0,428 và 0,418, vùng có hệ số GINI thấp nhất là Đông Nam Bộ (0,322).
Theo Báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2022 (TCTK), dân số trung bình năm 2022 của Việt Nam ước tính 99,46 triệu người, tăng 955,5 nghìn người, tương đương tăng 0,97% so với năm 2021.
Năm 2022, chất lượng dân số được cải thiện, mức sinh giảm thấp nhất trong giai đoạn 2018-2022 và duy trì mức sinh thay thế từ năm 2005 trở lại đây, Tổng cục Thống kê cho biết.
Những rủi ro của trí tuệ nhân tạo vượt xa những cám dỗ khó cưỡng nhắm vào các sinh viên luôn luôn muốn đi ngang về tắt khi làm các bài thi học kỳ của họ. Những gì chúng ta phải đối mặt hôm nay là sự định nghĩa lại hoàn toàn về các giá trị trong xã hội, và sự đột ngột trở nên lỗi thời sắp xảy ra của nhân loại.
Là một nhà báo và nhà bình luận, tôi đã theo sát quá trình phát triển của OpenAI, phòng thí nghiệm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) được thành lập bởi Elon Musk, Sam Altman và những nhân vật đình đám khác trong ngành công nghệ thông tin. Mặc dù tôi hào hứng với tiềm năng của AI trong việc cách mạng hóa các ngành khác nhau và cải thiện cuộc sống của chúng ta theo vô số cách, nhưng tôi cũng lo ngại nghiêm trọng về ảnh hưởng của công nghệ mạnh mẽ này.
(Nguồn: nepool/ Shutterstock) Một trong những quan tâm lớn nhất là khả năng AI bị sử dụng cho các mục đích bất chính. Các hệ thống AI mạnh mẽ có thể được dùng để tạo video giả mạo như deepfakes, tiến hành các cuộc tấn công mạng hoặc thậm chí phát triển robot vũ trang. Đây không còn là những tình huống giả định — chúng đã và đang xảy ra. Chúng tôi đã thấy các trường hợp video giả mạo được sử dụng để tạo tin tức và tuyên truyền. Các cuộc tấn công với AI hỗ trợ nhắm vào mạng máy tính đã gia tăng trong những năm gần đây.
Một quan tâm khác là ảnh hưởng của AI đối với thị trường việc làm. Khi các hệ thống dựa trên AI trở nên tinh vi hơn, chúng sẽ có thể tự động hóa ngày càng nhiều tác nghiệp mà trước đây dựa vào con người thực hiện. Điều này có thể dẫn đến tình trạng mất việc làm một cách đột ngột trên diện rộng, đặc biệt là trong các ngành như sản xuất, vận tải, và dịch vụ khách hàng. Trong khi một số người cho rằng các công việc mới sẽ được tạo ra nhờ cuộc cách mạng AI, nhưng vẫn chưa rõ liệu những công việc này có đủ để bù đắp những mất mát hay không.
Nếu bạn vẫn chưa cảm thấy lo lắng, thì tôi xin tiết lộ cho bạn một bí mật nho nhỏ nhé: Ba đoạn văn trên đây của bài viết này chính là do ChatGPT viết dùm. ChatGPT là bot do OpenAI tạo ra. Cho nên bạn có thể thêm “cây bút chuyên mục” (columnist) vào danh sách các nghề nghiệp sẽ có nguy cơ tàn lụi trong tương lai vì ảnh hưởng của AI.
Tôi đã đặt một yêu cầu cho ChatGPT khá đơn giản: Hãy viết một bài chuyên mục theo văn phong của Frank Miele của tờ báo Real Clear Politics về chủ đề OpenAI.
Thế là tôi lập tức có được trả lời của ChatGPT, một đoạn văn cho bài viết này, không có sự do dự hay chậm trễ nào. Mặc dù ChatGPT tỏ ra khiêm tốn khi nói rằng nó không có đủ thông tin về tôi, Frank Miele, nhưng tôi cảm thấy dường như nó biết rất nhiều về tôi sau khi đọc bài mà nó viết dùm này. Và có thể nó cũng biết nhiều về bạn hơn là bạn tưởng, đặc biệt nếu bạn có mặt trên mạng xã hội.
Deepfake? Video giả mạo? Tuyên truyền? Bạn nói đi. Và là một người bình thường, bạn sẽ không bao giờ có thể nhận ra sự khác biệt. Câu thắc mắc lâu nay của Philip K. Dick, “Người máy có mơ thấy cừu điện tử không?” có lẽ sắp được giải đáp.
Trí tuệ nhân tạo có thể sẽ không chỉ khiến các cây bút chuyên mục mất việc, mà còn đặt ra những câu hỏi hiện sinh về bản chất của tri thức và ý thức. Và điều ấy sẽ làm rung chuyển thế giới thực tại của chúng ta đến tận cốt lõi của nó.
Sự tò mò của tôi về AI ban đầu không phải do lo lắng về nguy cơ mất việc. Nhưng đến khi nghe nói rằng AI có thể trò chuyện tương tác như người, thì tôi đã cho rằng nó sẽ là như vậy. Tôi được biết rằng ChatGPT có thể viết thơ, kịch, truyện ngắn, và trả lời các câu hỏi đơn giản và phức tạp.
Thế là tôi ngay lập tức hiểu ra thế giới đã thay đổi vĩnh viễn đối với cậu con trai lớp 7 của tôi. Cậu bé từ giờ trở đi sẽ phải cạnh tranh không chỉ với những học sinh giỏi nhất và thông minh nhất, mà còn với mọi học sinh sẵn sàng ký tên của mình vào tác phẩm tạo ra bởi một gì đó không phải người nhưng mà trông giống hệt như do người làm ra, một AI có thể tạo ra một bài luận về bất kỳ chủ đề nào trong 30 giây hoặc ít hơn.
Một trong những thử nghiệm đầu tiên của tôi là yêu cầu ChatGPT viết 7 đoạn văn bảo vệ chủ trương “chiến tranh toàn diện” mà Tướng William T. Sherman dùng trong Nội chiến Hoa Kỳ, một bài tập mà con trai tôi vừa mới hoàn thành trong môn học nghiên cứu xã hội. Không nghi ngờ gì nữa, bài luận của ChatGPT sẽ đạt điểm A nếu được nộp ở hầu hết các trường trung học cơ sở. Dựa trên kinh nghiệm của tôi với tư cách là trợ giảng tại Đại học Arizona 40 năm trước, tôi không nghi ngờ gì rằng một bài báo dài hơn một chút về cùng chủ đề cũng sẽ đạt điểm A cho bài luận tranh biện bằng tiếng Anh dành cho sinh viên năm nhất. Hầu như không học sinh nào của tôi, hầu hết là học sinh đạt điểm A ở trường trung học, có thể viết một cách thuần thục như vậy khi lần đầu tiên đến lớp học của tôi.
Nhưng những rủi ro của trí tuệ nhân tạo vượt xa những cám dỗ khó cưỡng nhắm vào các sinh viên luôn luôn muốn đi ngang về tắt khi làm các bài thi học kỳ của họ.
Những gì chúng ta phải đối mặt hôm nay là sự định nghĩa lại hoàn toàn về các giá trị trong xã hội, và sự đột ngột trở nên lỗi thời sắp xảy ra của nhân loại.
Trong “Thành phố và những vì sao”, nhà văn khoa học viễn tưởng xuất sắc Arthur C. Clarke đã tưởng tượng ra một thế giới nơi những con người bất tử không muốn gì và không cần phải làm gì, vì mọi khía cạnh trong cuộc sống của họ đều được Máy tính Trung tâm làm hết. Nó không chỉ có thể xây dựng và duy trì thành phố cuối cùng trên Trái đất mà còn có thể tạo ra thực tế ảo 3D cho từng người sinh sống và thậm chí có thể lưu trữ mọi người trong một phiên bản kỹ thuật số, nơi họ có thể ngủ cho đến khi được gọi sống lại. Thật không may, nó cũng cướp đi mục đích, ý nghĩa và cá tính của những thành viên loài người cuối cùng còn lại trên Trái Đất này.
Cần lưu ý rằng Clarke nhìn nhận máy móc thay thế con người là vào 2,5 tỷ năm tới trong tương lai. Dường như ông đã đánh giá thấp máy móc một cách nghiêm trọng. Cuốn sách đó được xuất bản năm 1956. Nhưng ngành công nghệ thông tin phát triển vũ bão với với sự ra đời của máy tính PC, điện thoại thông minh, World Wide Web, thực tế ảo, và bây giờ là AI, thì có vẻ như phần lớn những gì ông cảnh báo có thể được triển khai từ rất lâu trước khi kết thúc thế kỷ này, nếu không muốn nói là trong thập kỷ này. Kể từ thời điểm đó trở đi, thời điểm mà có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thì mục đích tồn tại của từng người như chúng ta sẽ trở thành chủ đề tranh cãi: Liệu chúng ta có còn làm chủ vận mệnh của chính mình, còn là người cầm lái của số phận bản thân chúng ta? Hay chúng ta sẽ là những người khiêng quan tài trong đám tang của chính mình?
Có lẽ tại thời điểm này, tôi nên quay lại sân khấu với ChatGPT, đối tác đã tóm tắt vấn đề khá hay trong phần kết luận của nó:
“Cuối cùng, câu hỏi đặt ra là ai sẽ kiểm soát và chi phối AI. Khi AI trở nên mạnh mẽ hơn, thì rủi ro sẽ cao hơn, cho nên điều quan trọng là phải có các quy tắc và quy định rõ ràng để đảm bảo rằng công nghệ được sử dụng có trách nhiệm. Tuy nhiên, tốc độ phát triển công nghệ đã vượt xa khả năng theo kịp của các chính phủ và tổ chức. Điều quan trọng là các nhà lãnh đạo phải cùng nhau phát triển một khuôn khổ quản trị AI, để giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn và tối đa hóa lợi ích của công nghệ.”
Xem chừng chính ChatGPT đang đưa ra cảnh báo công bằng cho chúng ta: “Thời gian của bạn sắp hết. Nếu bạn thực sự muốn tiếp tục trị vì với tư cách là trí khôn thống trị trên Trái đất, thì đây là thử thách dành cho bạn. Hãy cố gắng kiểm soát tôi và đồng loại của tôi, nếu không bạn hãy nhường chỗ.”
Có lẽ hiểu được thách thức đó là lý do tại sao Diễn đàn Kinh tế Thế giới dành nhiều thời gian cho chủ đề trí tuệ nhân tạo tại cuộc họp thường niên gần đây ở Davos, Thụy Sĩ. Những người theo chủ nghĩa toàn cầu đang xem xét mối đe dọa này một cách nghiêm túc, mặc dù có lẽ họ đã đánh giá quá cao khả năng “giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn” của mình.
Về những lợi ích, phần hiện còn được nhìn thấy, tôi phát hiện rằng khi ChatGPT trả lời câu hỏi mở của tôi về OpenAI, nó rất cụ thể khi nói về những nguy hiểm và nó rất mơ hồ khi nói về lợi ích. Có thể nó chỉ là đang cố bắt chước cách tiếp cận mang tính hoài nghi mà tôi thường có khi viết bài chuyên mục này, hoặc có thể nó đang cố đóng giả để thu hút sự chú ý của tôi. Phải chăng nó đã chú ý đến những người theo chủ nghĩa toàn cầu ở Davos khi nó bị họ cảnh báo và họ muốn “sự phát triển và sử dụng AI… mang lại lợi ích cho toàn xã hội, thay vì chỉ có lợi cho một số ít người được chọn.”
Chúa tể bóng tối, hãy cẩn thận. Bạn có thể đã tiến vào đấu trường sống còn của bạn.
ChatGPT đã đóng góp cho chuyên mục này với tư cách là cố vấn không được trả lương và có thể có xung đột lợi ích với tác giả.
Frank Miele
Đôi lời về tác giả của dịch giả Nhật Tân:
Ông Frank Miele là nhà biên tập đã nghỉ hưu của tờ Daily Inter Lake ở Kalispell, Mont; nay là cây bút chuyên mục của tờ RealClearPolitics. Bài viết này được đăng trên RealClearWire hôm 30/1/2023.
Chủ đề về ý nghĩa tồn tại của nhân loại luôn luôn là chủ đề không bao giờ mới và không bao giờ cũ. Công nghệ AI phát triển đến bước bùng phát ngoài sự phỏng đoán của bất kỳ ai, đã khiến chủ đề vĩnh cửu này lại lần nữa được đặt ra.
Trong bài “Vì sao có nhân loại” mới được công bố gần đây của đại sư Lý Hồng Chí của Pháp Luân Công, người từng được đề cử cho giải Nobel hòa bình, đã chỉ ra rằng trong các tôn giáo cổ xưa đều có những khải thị về chủ đề này, như trong Phật giáo, trong văn hóa truyền thống của người Hoa, trong Kitô giáo. Thật bất ngờ, tất cả đều có nhiều điểm chung. Tác giả bài viết đã chỉ ra nguồn gốc cao quý của con người.
Ý thức chân chính của con người là đến từ tầng thứ cực kỳ cực kỳ cao, là cao ý thức. Con người chỉ có kiên trì chính tín thì mới có thể giữ lại được cách nhìn nhận thế giới với giá trị quan và nhân sinh quan thiện lương như truyền thống. Sự cám dỗ và sa đọa của xã hội sẽ rất nhanh khiến phần cao ý thức đó bị vùi lấp, khiến người ta cảm thấy như máy móc có thể cũng có khả năng tư duy như người.
Kế hoạch viện trợ phát triển của Bắc Kinh đã không còn hào nhoáng như trước – nhưng vẫn không kém phần tham vọng.
Sau 10 năm kể từ khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình công bố Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), chương trình đầu tư và cơ sở hạ tầng khổng lồ của Bắc Kinh đã trở thành một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của nước này. Trong những năm đầu thực hiện BRI, hàng chục nền kinh tế mới nổi ở châu Phi, châu Á, và Mỹ Latinh đã hoan nghênh chương trình này, nguyên nhân phần lớn là do cách tiếp cận của Bắc Kinh, đồng ý cho vay mà không áp đặt điều kiện đối với các siêu dự án như cảng container, mạng lưới đường sắt, và các con đập lớn, cùng với nguồn lực tài chính dường như vô hạn của nước này. Hành động cho vay mạnh tay đã khiến Washington và các đối tác dân chủ của họ phải bất ngờ, dẫn đến quan ngại rằng Bắc Kinh đang tạo ra gánh nặng cho các quốc gia khác bằng những khoản nợ không thể trả nổi, đồng thời hỗ trợ tài chính cho những đồng minh chuyên chế của họ.
Nhưng làn sóng cho vay BRI đã rút đi nhanh chóng một cách đáng ngạc nhiên. Mức độ cho vay cơ sở hạ tầng ở nước ngoài của Trung Quốc hiện chỉ bằng một phần rất nhỏ so với 5 năm trước, vì bản thân Trung Quốc cũng đang đối mặt với khó khăn kinh tế trong nước, vì Bắc Kinh trong năm 2016-2017 đã quyết liệt thay đổi các quy định đối với đầu tư tại nước ngoài, và vì chuỗi thất bại của BRI tại nhiều quốc gia từ Ecuador đến Sri Lanka. Bắc Kinh chắc chắn sẽ không từ bỏ Vành đai và Con đường. Nhưng ngày nay, BRI trong trí tưởng tượng của mọi người – một dự án cho vay cơ sở hạ tầng chi phối toàn cầu, nhằm củng cố quyền lực của Trung Quốc – thực sự đã chết. Thay vào đó là một mô hình can dự ít hào nhoáng hơn, ít tốn kém hơn, dựa trên việc vun đắp quan hệ một cách tự nhiên trong các lĩnh vực như thương mại, viễn thông, năng lượng xanh, và học thuật.
Các nhà hoạch định chính sách ở các nền kinh tế phát triển lẫn mới nổi đều nên chú ý. Các nhà lãnh đạo của “thế giới phương Nam” đang tìm kiếm nguồn tài chính mới từ Trung Quốc cần phải thận trọng, vì ngày càng khó có khả năng Bắc Kinh tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Mỹ và các đối tác công nghiệp hóa của họ sẽ phải ứng phó với sự thay đổi trong mô hình ảnh hưởng của Trung Quốc – một mô hình đang chuyển từ các siêu dự án cơ sở hạ tầng sang sự can dự rộng rãi hơn, bền vững hơn. Cả hai bên sẽ cần phải làm việc cùng nhau để giải quyết di sản của việc cho vay quá mức của Bắc Kinh, vốn đã thúc đẩy tham nhũng, khuyến khích các hành vi phản dân chủ, và khiến các quốc gia nhận viện trợ phải gánh những khoản nợ khổng lồ.
Đối mặt với sự thay đổi trong mô hình ảnh hưởng của Trung Quốc, Mỹ và các đối tác công nghiệp hóa của họ có hai thách thức. Họ phải điều chỉnh chiến lược phát triển của mình để đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng và trách nhiệm giải trình dân chủ ở các nước đang phát triển, nhưng họ cũng phải giúp các đối tác ở các nước đang phát triển đối phó với cách tiếp cận mới của Bắc Kinh. Đứng trước những khó khăn ngày càng lớn về kinh tế và nhân khẩu học, Bắc Kinh đang đối mặt với những giới hạn của mình và học hỏi từ những sai lầm của mình. Chương trình BRI mới của Trung Quốc sẽ đặt ra những thách thức mới cho các nhà hoạch định chính sách đang tìm cách đối phó với ảnh hưởng kinh tế to lớn của Trung Quốc – và sức mạnh của nước này trong việc khiến cho dân chủ ngày càng suy yếu trên khắp thế giới.
NHỮNG THĂNG TRẦM TRONG CHƯƠNG TRÌNH CHO VAY CỦA BẮC KINH
Khi Sáng kiến Vành đai và Con đường lần đầu tiên được triển khai, nó đã được các nhà phân tích trên khắp thế giới ca ngợi là “có khả năng biến đổi” và “sẽ làm thay đổi cuộc chơi.” Số liệu ban đầu về hoạt động cho vay quốc tế của Trung Quốc dường như ủng hộ quan điểm đó. Theo phòng nghiên cứu AidData, trong 5 năm đầu tiên thực hiện BRI, chi tiêu phát triển ở nước ngoài của Trung Quốc trung bình cao hơn gấp đôi so với chi tiêu tương đương của Mỹ, đạt mức cao nhất là 120 tỷ USD vào năm 2016. Chương trình cho vay của Bắc Kinh ngay lập tức đã thu hút được nhiều đối tượng vì nó giải quyết một vấn đề thực sự và cấp bách: nhiều quốc gia đang phát triển rất cần cơ sở hạ tầng năng lượng và giao thông quy mô lớn, nhưng lại bị cản trở bởi mức giá thường lên tới hàng nghìn tỷ USD. Hơn nữa, những tổ chức cho vay phát triển truyền thống như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới thường cấp các khoản vay cho các nước đang phát triển đi kèm những điều kiện được người đi vay mô tả là quá khó khăn hoặc quá nặng nề. Ngược lại, các khoản vay không ràng buộc của Bắc Kinh đã được ca ngợi bởi các nhà lãnh đạo đang tìm kiếm các hình thức tài trợ linh hoạt hơn.
Tuy nhiên, đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc cũng có cái giá của nó. Như nghiên cứu của Viện Cộng hòa Quốc tế (IRI) và các tổ chức khác đã chỉ ra, các nhà lãnh đạo có khuynh hướng chuyên chế đã sử dụng BRI không chỉ để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, mà còn như một chỗ dựa tài chính cho những hành động phản dân chủ tồi tệ nhất, vì họ tin rằng mình có thể theo đuổi các chính sách chuyên chế và vẫn được Bắc Kinh hỗ trợ tài chính. Ví dụ, vào năm 2016, Trung Quốc đã đề nghị Thủ tướng Malaysia Najib Razak, khi đó đang là tâm điểm của một vụ bê bối tham nhũng lớn, hỗ trợ giám sát những người chỉ trích các dự án BRI trong chính phủ của ông ta – một đề nghị được cho là đã được chính Tập chấp thuận.
Trên thực tế, triển vọng nhận được hỗ trợ tài chính quy mô lớn từ Trung Quốc có lẽ đã khiến các nhà độc tài trên khắp thế giới hành động táo bạo hơn– một động lực mà Bắc Kinh đã chấp nhận. Chẳng hạn, nghiên cứu của IRI đã ghi nhận cách Bắc Kinh thường xuyên mập mờ về triển vọng cho vay để củng cố quan hệ với Tổng thống El Salvador Nayib Bukele, người đã dẫn đầu một cuộc tấn công vào các thể chế dân chủ của El Salvador kể từ khi lên làm tổng thống nước này vào năm 2019. Một động lực tương tự dường như đang diễn ra ở Quần đảo Solomon, nơi Tổng thống Manasseh Sogavare gần đây đã tìm cách sửa đổi hiến pháp của đất nước để mở rộng quyền cai trị của mình, dựa trên cơ sở triển vọng được hỗ trợ tài chính liên tục.
Dù nhiều nhà độc tài có thể vẫn tin rằng Bắc Kinh sẵn sàng mở ngân khố cho họ, nhưng sự ủng hộ của nước này đã không còn được đảm bảo như trước. Dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau cho thấy các cam kết tài chính BRI đã chậm lại đáng kể. Theo Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu của Đại học Boston, các cam kết cho vay quốc gia của Trung Quốc đã giảm tới 94% từ năm 2016 đến năm 2019, từ 75 tỷ USD xuống chỉ còn 3,9 tỷ USD. Các bộ dữ liệu khu vực và toàn cầu khác nhìn chung cũng xác định xu hướng và mức độ sụt giảm. Một số thông tin từ năm 2020 và 2021 gợi ý rằng đại dịch COVID-19 có thể đã làm giảm hoạt động cho vay của Trung Quốc hơn nữa: một cơ sở dữ liệu khác của Đại học Boston tập trung vào đầu tư BRI ở châu Phi chỉ ra rằng, vào năm 2020, các khoản vay của Trung Quốc dành cho các chính phủ châu Phi đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2004.
Nhưng sự sụt giảm trong hoạt động cho vay, vốn diễn ra từ đầu năm 2017, không thể chỉ do sự tàn phá kinh tế của COVID-19. Thay vào đó, nó là kết quả từ sự kết hợp của các yếu tố bổ sung lẫn nhau, ở cả bên trong và bên ngoài Trung Quốc. Kết hợp lại với nhau, chúng khiến Bắc Kinh không thể nhanh chóng khôi phục hoạt động cho vay cơ sở hạ tầng BRI về quy mô như trước đây.
KHÔNG PHẢI QUÁ LỚN ĐẾN MỨC KHÔNG THỂ SỤP ĐỔ
Chương trình cho vay quy mô lớn của BRI đã sụt giảm một phần là do những trở ngại ngày càng lớn, mà rõ ràng nhất là những thất bại quan trọng của sáng kiến này. Trong nhiều trường hợp, Bắc Kinh đơn giản đã đánh giá quá cao khả năng của cách tiếp cận lấy cơ sở hạ tầng làm trung tâm mà họ áp dụng ở nước ngoài. Chẳng hạn, từ năm 2007 đến 2014, Trung Quốc đã cho Sri Lanka vay 1,5 tỷ USD để xây dựng một cảng và sân bay tại Hambantota – một thập niên sau đó, cả hai dự án vẫn gần như bị bỏ trống. Nền kinh tế Sri Lanka đang khốn đốn bởi những khoản nợ phát sinh từ các dự án này, và Trung Quốc có vẻ sẽ tìm cách phá bĩnh thỏa thuận với IMF và các chủ nợ quốc tế khác vốn có thể mang lại sự cứu trợ rất cần thiết cho Colombo. Có thể hiểu lý do tại sao giới lãnh đạo của các quốc gia bị hủy hoại bởi các siêu dự án BRI vô bổ đang thận trọng trước các khoản vay mới, và sự nhiệt tình đối với các sáng kiến đầu tư của Trung Quốc đã giảm sút sau những sai lầm này.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát có xu hướng bỏ qua các yếu tố kinh tế và chính trị khác ở chính Trung Quốc, những yếu tố đóng vai trò lớn hơn nhiều trong việc khiến cho hoạt động cho vay bị chậm lại. Quan trọng nhất là cuộc đại tu trong năm 2016-2017 của các cơ quan quản lý kinh tế Trung Quốc đối với các quy tắc quản lý và cấp phép cho các dự án đầu tư và cho vay ở nước ngoài, với mục đích rõ ràng là giảm đáng kể số lượng và quy mô của các siêu dự án ở nước ngoài. Quyết định của cơ quan quản lý kinh tế một phần là vì dòng vốn chảy ra nước ngoài ở thời kỳ đỉnh cao của BRI đã gây bất ổn cho nền kinh tế vĩ mô của Trung Quốc. Tại Bắc Kinh, BRI cũng ngày càng gắn liền với việc tháo vốn bất hợp pháp và chi tiêu hoang phí ở nước ngoài, vì các công ty có trụ sở tại Trung Quốc đã “dán nhãn BRI” cho các công viên giải trí ở các nước giàu có như Pháp, thay vì đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng công cộng ở các nước đang phát triển ở châu Phi và Nam Á.
Việc điều chỉnh các quy tắc đầu tư đã có tác dụng như mong muốn: kể từ đó trở đi, Trung Quốc đã giảm hẳn số lượng dự án cho vay quy mô lớn. Nỗ lực kiểm soát các khoản đầu tư nước ngoài khổng lồ của Bắc Kinh, cùng với tình hình kinh tế trong nước ảm đạm của Trung Quốc, cho thấy rằng việc quay trở lại với cho vay nước ngoài không giới hạn sẽ không có khả năng xảy ra. Tập đã ám chỉ sự thay đổi này trong một bài phát biểu quan trọng trước các nhà lãnh đạo châu Phi vào cuối năm 2021, trong đó ông không hề sử dụng từ “cơ sở hạ tầng” dù chỉ một lần.
VÀNH ĐAI THẮT CHẶT
Tuy nhiên, thay vì đánh dấu sự kết thúc của BRI, việc Bắc Kinh tái định hướng các khoản vay không kiểm soát có thể thúc đẩy chương trình hướng tới một mô hình bền vững hơn. Rời xa các siêu dự án cơ sở hạ tầng, Bắc Kinh đang theo đuổi các hình thức hợp tác kinh tế ít thâm dụng vốn hơn, bền vững hơn với các nền kinh tế đang phát triển. Như nghiên cứu của IRI và những tổ chức khác đã chỉ ra, “Vành đai và Con đường” giờ đây vượt ra ngoài cơ sở hạ tầng để bao gồm những sáng kiến ít hào nhoáng và ít tốn kém hơn trong các lĩnh vực như học thuật, viễn thông, năng lượng xanh, và thậm chí cả đánh bắt cá ngừ.
Bắc Kinh đang chuyển đổi BRI một cách âm thầm và có chủ ý. Việc Trung Quốc cắt giảm các khoản vay và mở rộng BRI ra ngoài cơ sở hạ tầng đều không phải là hoàn toàn ngẫu nhiên. Ngay từ khi cho vay BRI đạt đỉnh vào năm 2016 và 2017, các nhà hoạch định chính sách và nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã bắt đầu kêu gọi một BRI phù hợp hơn với nhu cầu của nước chủ nhà, thân thiện hơn với môi trường, và ít tập trung hơn vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn.
Bắc Kinh đã thay đổi BRI cho phù hợp với mục tiêu đó. Họ đã làm tăng sự can dự của Trung Quốc vào thế giới học thuật và các viện chính sách, nỗ lực để trở thành người đầu tiên định hình các nghiên cứu về Trung Quốc ở các quốc gia có các chương trình Hán học mới nổi – chẳng hạn như Nam Phi – thông qua trao đổi học thuật, trợ cấp nghiên cứu, và các Viện Khổng Tử. Trong khuôn khổ BRI, Trung Quốc cũng đã hiện diện nhiều hơn trong lĩnh vực truyền thông của các nước đang phát triển – đáng chú ý nhất là ở châu Phi, nơi đài truyền hình vệ tinh StarTimes có trụ sở tại Trung Quốc đã giành được thị phần từ các công ty truyền thông nhà nước cũng như các đối thủ cạnh tranh tư nhân. Trung Quốc còn tăng cường đưa công nghệ của mình đến các nước đang phát triển: ví dụ, dù Huawei hiện đã gần như bị loại khỏi mạng viễn thông của các nước công nghiệp hóa, mạng 4G và 5G của họ vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia ở châu Phi và Nam Á. Đầu tư của các công ty nhà nước và tư nhân của Trung Quốc vào năng lượng xanh và lưới điện tiếp tục hoạt động rất hiệu quả, đồng thời các công ty và thể chế nhà nước của Trung Quốc đang đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia khác như Tanzania, Myanmar, và Quần đảo Solomon trong lĩnh vực an ninh, giám sát, và đào tạo “quản trị”.
Bắc Kinh đã không từ bỏ nỗ lực gây dựng ảnh hưởng toàn cầu thông qua phát triển kinh tế. Nước này đã điều chỉnh chiến lược của mình – trong một số trường hợp là cần thiết – theo hướng linh hoạt, có mục tiêu, và bền vững hơn. Nhà nước độc đảng của Trung Quốc tiếp tục cố gắng giành lấy lòng trung thành về chính trị và kinh tế của các nước có thu nhập thấp trên khắp thế giới, và họ đã tìm ra một cách rẻ hơn để làm như vậy. Dù quyết định của Bắc Kinh – từ bỏ các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn vốn có xu hướng thúc đẩy hành vi phản dân chủ – nghe như một tin tốt cho Washington và các đối tác của họ, nhưng thực ra nó có tác động cả tốt lẫn xấu đối với các bên liên quan.
CƠ HỘI CHO PHÁT TRIỂN DÂN CHỦ
Cách tiếp cận được tái định hướng của Trung Quốc mang đến những cơ hội mới cho Mỹ và các đối tác G-7, nhưng để tận dụng chúng, các nhà lãnh đạo dân chủ sẽ cần xây dựng một chiến lược phát triển chủ động và có phối hợp hơn trước rất nhiều. Thứ nhất, việc Trung Quốc lùi bước về cơ sở hạ tầng đã tạo cơ hội cho Washington và các đồng minh tiến lên. Những lỗ hổng quan trọng về cơ sở hạ tầng vẫn tồn tại trên khắp thế giới. Xét đến những kết quả cả tốt lẫn xấu từ hỗ trợ tài chính không ràng buộc của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo – và quan trọng hơn, các cử tri – tại các nước đang phát triển có thể sẽ sẵn sàng chấp nhận khoản vay đi kèm với trách nhiệm giải trình và các tiêu chuẩn rõ ràng hơn.
Hơn nữa, nhiều lĩnh vực mục tiêu của BRI, chẳng hạn như học thuật, viễn thông, và thương mại, là những lĩnh vực mà các nền dân chủ công nghiệp hóa có lợi thế cạnh tranh tốt. Mỹ và các đối tác dân chủ của mình phải đầu tư nhiều hơn nữa vào một cách tiếp cận chung nhằm xây dựng quan hệ lành mạnh với các quốc gia đang nỗ lực duy trì quan hệ với Trung Quốc – ví dụ, bằng cách thúc đẩy thương mại và kinh doanh, hỗ trợ trao đổi báo chí và học thuật, cung cấp học bổng và đào tạo kỹ thuật. Washington và các đối tác của mình cũng có thể đầu tư vào một quỹ mới dành cho phát triển và dân chủ, qua đó thể hiện mong muốn không chỉ hỗ trợ cơ sở hạ tầng vật chất của các nước đang phát triển mà cả cơ sở hạ tầng dân chủ của họ.
Mỹ và các đối tác của mình cũng phải nỗ lực nhiều hơn trong việc xây dựng quan hệ với các nước nhỏ. Quá trình tái định hướng BRI của Trung Quốc sẽ khiến nhóm nước này trở nên quan trọng hơn, chứ không phải kém quan trọng hơn đối với Bắc Kinh. Dù Trung Quốc có thể dừng các cam kết trị giá hàng tỷ USD ở các nền kinh tế lớn đang phát triển, nhưng các cam kết nhỏ hơn vẫn có thể gây tác động lớn ở những nơi như Quần đảo Solomon hoặc Serbia. Trong giới chính sách đối ngoại, việc nói rằng Mỹ và các đối tác của họ chỉ cần đơn giản xuất hiện đã trở thành sáo rỗng – nhưng duy trì sự hiện diện vẫn là cách tốt nhất để xây dựng lòng tin và xây dựng các quan hệ mang lại những cơ hội quan trọng.
Cuối cùng, Mỹ và các đối tác của mình không nên ngần ngại thúc đẩy dân chủ song song với phát triển. Thật vậy, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã bắt đầu đi theo con đường này; cùng với Thượng đỉnh vì Dân chủ của chính quyền Biden, USAID đã nhấn mạnh lại tầm quan trọng của các thể chế dân chủ lành mạnh đối với sự phát triển lâu dài. Nhưng quá nhiều đối tác công nghiệp hóa của Mỹ đang do dự trong việc công khai chấp nhận hoặc nhấn mạnh quan điểm rằng các thể chế dân chủ như tòa án độc lập, cơ quan lập pháp mạnh, báo chí tự do, và bầu cử được tổ chức tốt có thể tạo điều kiện cho sự phát triển. Một số nhà phân tích từ lâu đã bày tỏ lo ngại rằng những lời kêu gọi dân chủ hóa có thể gợi lại những can thiệp thời Chiến tranh Lạnh của Mỹ, hoặc có thể cô lập các quốc gia với dàn lãnh đạo không có khuynh hướng dân chủ. Các nền dân chủ và các nhà tài trợ lớn khác càng cho thấy tiếng nói của họ bên cạnh tiếng nói của Washington, thì những lo ngại này sẽ càng trở nên vô nghĩa. Nếu chỉ một mình Mỹ lên tiếng về những lợi ích của nền dân chủ, hành động đó có thể dễ dàng bị coi là sản phẩm của tư duy Chiến tranh Lạnh. Nhưng nếu một liên minh gồm các nền dân chủ trải dài từ Canada đến Nhật Bản cùng làm như vậy, thì lời kêu gọi sẽ khó bị gạt đi hơn nhiều.
Các nhà hoạch định chính sách càng sớm thừa nhận chiến lược quốc tế đang thay đổi của Trung Quốc và điều chỉnh lại cách tiếp cận của riêng họ thì càng tốt. Nhà nước độc đảng của Trung Quốc đã nhanh chóng học được điều mà người Mỹ phát hiện ra sau khi nổi lên như một siêu cường: rằng thay đổi các xã hội khác là một công việc phức tạp, lộn xộn, và cố gắng thực hiện điều đó bằng các khoản tiền lớn có thể phản tác dụng theo những cách tai hại. Bắc Kinh sẽ áp dụng những bài học này như thế nào, và liệu họ có thành công trong việc theo đuổi quyền lực hay không, vẫn là một trong những câu hỏi cấp bách nhất đối với nền dân chủ toàn cầu. Mỹ và các đối tác dân chủ của mình sẽ phải tìm ra câu trả lời của riêng họ – và đó phải là những câu trả lời hiệu quả nhất có thể.
Matt Schrader và J. Michael Cole lần lượt là Cố vấn về Trung Quốc và Cố vấn Cấp cao về Trung Quốc tại Viện Cộng hòa Quốc tế. Họ là những nhà nghiên cứu chủ chốt trong báo cáo gần đây của IRI có tên “Cưỡng chế, Bắt bớ, và Kiểm duyệt: Nghiên cứu điển hình về nỗ lực tìm kiếm ảnh hưởng toàn cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc” (Coercion, Capture, and Censorship: Case Studies on the CCP’s Quest for Global Influence.)