Cận cảnh rừng trúc 7.500 cây lạ lẫm bên hồ Trúc Bạch

Hàng trúc xanh với 7.500 cây vừa xuất hiện bên hồ Trúc Bạch (Hà Nội) đã thu hút sự quan tâm của nhiều người dân. Vào mỗi buổi chiều, nhiều bạn trẻ và cả du khách nước ngoài tìm đến “khu rừng” này để dạo chơi.

Sự xuất hiện của “rừng” trúc rộng 1.000m2 với 7.500 cây bên hồ Trúc Bạch (Hà Nội) đang thu hút sự chú ý của người qua lại.

Không gian mới lạ với nhiều người trẻ mà vẫn mang hình ảnh hồ Trúc Bạch xưa cũ khi nơi đây đã từng nổi tiếng với những rặng trúc và người dân còn có những xưởng làm lụa bạch-lụa tơ tằm.

Những hàng trúc được trồng đều nhau, cao khoảng 4m, giữa không gian là lối đi bộ, không gian tập thể dục, ghế đá cùng hệ thống đèn trang trí, tưới nước tự động sẽ hoạt động trong thời gian tới.

“Rừng” trúc được trồng từ tháng 11/2023, đến nay đã bắt đầu có những mầm xanh, được những nhân viên chăm sóc dựng khung, kiểm tra định kỳ chống gãy đổ.

Ông Lương Quý Thành (quận Ba Đình) chia sẻ, nhà ông ở cách đây vài chục mét. Ngày nào ông cũng ra đây tập thể dục. Trước đó vị trí này chỉ là một sân bê tông nhưng giờ đây thực sự đã thay đổi và khang trang hơn nhiều. “Hình ảnh cây trúc cũng rất đẹp và đặc biệt, không mấy nơi ở Hà Nội có được đẹp đến vậy”, ông Thành tâm sự.

Đưa cháu đi dạo “rừng” trúc, ông Nguyễn Quốc Cương (trú tại quận Ba Đình) vui mừng kể: “Không gian rất đẹp. Ban đầu tôi cứ tưởng bối cảnh phim cổ trang khi những cây trúc rất đẹp và thẳng, thường chỉ thấy trong tivi. Mùa hè sắp tới được ngồi ở quanh đây chắc chắn sẽ rất mát mẻ và thư giãn”.

Trúc được trồng ven hồ Trúc Bạch sẽ được đơn vị liên quan của quận Ba Đình kiểm soát, không tạo bụi, cành rậm rạp, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, xáo trộn cảnh quan. 

Cuối buổi chiều những ngày này, rất đông người dân quanh vùng ghé qua “rừng” trúc để ngắm cảnh, thư giãn.

Chí Hiếu / Vietnam Net

Huy Cận sửa thơ

Huy Cận là một trong những nhà thơ rất khó tính trong việc sáng tác. Ông viết ra một bài thơ không lâu, có khi chỉ ít phút nếu cảm xúc dồi dào; nhưng đẽo gọt, tu chỉnh cho hoàn thiện thì mất rất nhiều thời gian, có khi cả tháng. Tôi chứng kiến và nhớ mãi mấy lần ông sửa thơ.

Huy Cận (1919 – 2005) là nhà thơ lớn, cùng với Xuân Diệu là hai thi sĩ chủ chốt của phong trào Thơ Mới (1932-1945). Những tập thơ nổi tiếng của ông là “Lửa thiêng”, “Vũ trụ ca”, “Kinh cầu tự” (trước Cách mạng Tháng 8), “Trời mỗi ngày lại sáng”, “Đất nở hoa”, “Bài thơ cuộc đời”, “Chiến trường gần đến chiến trường xa” (sau hòa bình năm 1954), “Hai bàn tay em” (tập thơ dành cho thiếu nhi)…

Huy Cận sửa thơ -0
Nhà thơ Huy Cận.

Ngoài tư cách một nhà thơ lớn, ông còn là chính khách với chức Bộ trưởng Bộ Canh nông ngay từ năm 1946 khi mới 27 tuổi, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp các hội Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, đại biểu Quốc hội nhiều khóa, viện sĩ Viện Hàn lâm Thơ thế giới. Ông được tặng Huân chương Sao vàng và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật ngay từ đợt đầu tiên.

Huy Cận là một trong những nhà thơ rất khó tính trong việc sáng tác. Ông viết ra một bài thơ không lâu, có khi chỉ ít phút nếu cảm xúc dồi dào; nhưng đẽo gọt, tu chỉnh cho hoàn thiện thì mất rất nhiều thời gian, có khi cả tháng. Tôi chứng kiến và nhớ mãi mấy lần ông sửa thơ.

Những năm 80 của thế kỷ trước, tôi làm việc ở Báo Văn hóa – Nghệ thuật (cơ quan ngôn luận của Bộ Văn hóa – Thông tin cũ) có trụ sở ở số nhà 26 phố Điện Biên Phủ (quận Ba Đình, Hà Nội). Huy Cận sống ở ngay bên cạnh, tức số nhà 24 phố này. Một lần, vào khoảng tháng 12 dương lịch, chúng tôi đang chuẩn bị số báo Tết Nguyên đán thì tôi được đồng chí Tổng Biên tập Mai Thúc Luân gọi vào phòng làm việc của ông. Vào, tôi thấy ông đang tiếp nhà thơ Huy Cận. Tổng Biên tập hỏi tôi:

– Chắc Nguyễn Đình San đã biết nhà thơ Huy Cận?

Tôi chào nhà thơ lớn. Ông Luân giới thiệu tôi với nhà thơ:

– Còn đây là anh Nguyễn Đình San, nhạc sĩ, biên tập trang nghệ thuật của báo.

Rồi Tổng Biên tập nói với tôi:

– Báo ta lâu nay chỉ đăng ca khúc chứ không đăng thơ, truyện. Nhưng năm nay, nhà thơ Huy Cận có một chùm thơ ngắn về mùa xuân, mình thấy hay nên phá lệ. Vậy cậu chịu trách nhiệm lo phần thơ, chọn thêm các bài hay khác nữa cho đủ một trang. Vì là số Tết nên cậu lưu ý chọn thơ phải hay, lại của những nhà thơ nổi tiếng một chút.

Huy Cận nói luôn:

– Phải ưu tiên chất lượng lên hàng đầu. Chứ nổi tiếng mà dở thì cũng chẳng nên đăng. Phải từ xa lạ rồi mới thành nổi tiếng được chứ. Ngay chùm thơ của mình, các ông thấy dở thì cứ nói, chớ đăng, để mình đưa thêm cho các ông chọn. Nổi tiếng mà thơ dở, cho đăng thì chỉ làm mất uy tín của nhà thơ mà thôi.

Cầm chùm thơ ngắn 3 bài của Huy Cận do Tổng Biên tập đưa, tôi về đọc lại để soát xét chữ nghĩa, dấu má cho chuẩn xác chứ không nghĩ nhiều về chất lượng vì dù thế nào Tổng Biên tập cũng đã “ô-kê”. Tôi cũng phải gấp rút lo thêm gần chục bài thơ nữa cho đủ một trang báo vì sắp hết hạn nộp bài để Thư ký tòa soạn lên trang.

Mấy hôm sau, Huy Cận lại sang gặp tôi yêu cầu sửa lại vài chữ ở cả 3 bài. Tôi thấy ông sửa đúng là hay hơn trước. 2 bài ông sửa một hai chữ, 1 bài ông cắt hẳn đi một khổ. Tôi nộp cho Trưởng ban Biên tập. Khi báo đã, lên khuôn, chỉ còn đưa xuống nhà in thì Huy Cận lại sang gặp tôi lần thứ hai, yêu cầu để ông sửa tiếp. Lần này ông chỉ sửa một từ ở một bài. Tôi thấy hơi phiền vì việc biên tập coi như đã khép lại, bây giờ lại dở dói ra. Chưa biết chừng báo đã chuyển xuống nhà in cũng nên. Hơn nữa, lần này tôi thấy ông thay chỉ một từ nhưng cũng không thật đích đáng, không hơn trước nhiều. Tất nhiên, tôi không thể nói với ông như vậy mà chỉ nói:

– Thưa anh, để em hỏi xem báo đã chuyển xuống nhà in chưa đã. Nếu chuyển xuống rồi thì đành chịu.

Tôi không ngờ ông nói:

– Nếu chuyển xuống rồi thì cho mình biết in ở đâu để mình xuống tận nơi. May ra còn phải xếp hàng chờ. Chỉ đành phải chịu khi báo đã in.

Huy Cận sửa thơ -1
Nhà thơ Huy Cận và nhà thơ Ngô Thế Oanh (bên trái). Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Như vậy có nghĩa là ông quyết tâm sửa bằng được. Tôi đành chiều mà nói ông chờ để tôi hỏi xem báo đã đưa xuống nhà in chưa. May quá, vẫn chưa chuyển xuống nhà in. Ông rất vui khi được thỏa mãn nguyện vọng.

Từ đó, cứ đến số Tết là Báo Văn hóa – Nghệ thuật lại đăng thơ và tôi được trao nhiệm vụ biên tập.

Đó là lần thứ nhất Huy Cận tự sửa thơ mình. Lần thứ hai cũng là những năm 1980 – 1981 gì đó, tôi không nhớ thật rõ. Tôi được nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi khi đó là người làm chương trình Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam (phát vào 22 giờ đêm chủ nhật hằng tuần) mời đến ngâm mấy bài thơ trong đó có bài “Quạt cho con ngủ” của Huy Cận. Nhà thơ lớn cũng được anh Vợi báo cho biết và đã đến dự. Ngâm xong lần thứ nhất, tôi ra khỏi phòng thu nghỉ vài phút để ngâm lại lần thứ hai thì Huy Cận đề nghị sửa lại 2 câu đầu tiên: “Con ngủ đi con, bố nằm bố quạt/ Bố viết bài thơ vừa nghĩ ban chiều” thành “Con ngủ cho ngoan, bố nằm bố quạt/ Bố nghĩ bài thơ vừa đến ban chiều”. Ông nói rằng trước hết mấy chữ “con ngủ đi con” quá bình thường, chỉ là lời bố dặn con. Sửa lại là “con ngủ cho ngoan” hay hơn, tình cảm hơn. “Ngoan” lại có vần với “quạt”. Câu sau: “Bố viết bài thơ” không ổn. Đang nằm quạt cho con ngủ thì viết thế nào? Tôi ngâm đúng theo văn bản. Huy Cận sửa tại chỗ, ngay sau khi nghe tôi ngâm mà trước đó, ông không nghĩ ra. Mọi người từ biên tập viên, người ngâm thơ đến các công nhân thu thanh đều thấy ông sửa lại chuẩn hơn.

Bài này trước đó, NSND Trần Thị Tuyết đã ngâm. Huy Cận khen chị Tuyết ngâm rất hay, ngọt ngào, chải chuốt nhưng nghe tôi ngâm thì thính giả rất xúc động, có cảm giác như cảnh “gà trống nuôi con”, có cái gì đó tội nghiệp, rất thương.

Kỷ niệm thứ ba về việc Huy Cận sửa thơ diễn ra trước hai lần trên. Lần này ông sửa thơ cho tôi. Đó là khoảng năm 1973. Khi ấy, tôi cư trú ở xóm Khương Trung, lúc đó thuộc khu Đống Đa, Hà Nội (ngày đó gọi là “khu” chứ không “quận” và sau này nơi đây thuộc quận Thanh Xuân). Tôi có người bạn, hàng xóm thân thiết là Cù Huy Chử – em ruột nhà thơ Huy Cận. Anh Chử lúc đó là giáo viên dạy văn một trường cấp 3 ở Hà Nội. Nhà chúng tôi chỉ cách nhau mấy trăm mét nên cứ rảnh là lại sang nhau chơi, đàm đạo về văn chương, thơ phú. Một hôm, đúng lúc đang như vậy thì Huy Cận xuống chơi với chú em. Đó là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với thi sĩ lớn, tác giả bài thơ nổi tiếng “Các vị La Hán chùa Tây phương” mà trước đó chỉ biết ông qua ảnh trên báo chí. Anh Chử giới thiệu tôi và cho anh mình biết tôi cũng đang là giáo viên dạy văn ở một trường đại học.

– Bạn em đây cũng làm nhiều thơ. Nhiều bài khá lắm anh ạ.

Huy Cận nói tôi đọc cho ông nghe một bài nào đó. Tôi xin phép đọc một bài thơ tình ngắn, chỉ có 4 câu vừa sáng tác: “Chiếc hôn khi rụng bên thềm/ Đôi ta cùng cháy một niềm thương đau/ Để rồi hàng triệu năm sau/ Ta còn bỏng vết môi nâu của nàng”. Tôi đọc xong, ông khen:

– Khá đấy. Tứ thơ bạo liệt. Hôn mà rụng bên thềm thì kinh khủng đó. Vết môi nâu cũng độc đáo. Nhưng cậu cần sửa một chữ. Đó là thay từ “niềm” bằng “miền” sẽ hay hơn nhiều. “Đôi ta cùng cháy một miền thương đau” hay hơn hẳn, đúng không? “Niềm thương đau” quá bình thường. “Miền thương đau” thì có ý nghĩa địa lý, không gian. Không biết cái thương đau ấy lan rộng như thế nào.

Tôi thấy ông sửa lại như vậy – chỉ một từ – mà hay. Từ đó, đọc bài thơ này ở đâu hoặc in ở báo nào, tôi đều lấy chữ “miền” của ông. Ai cũng khen bài này hay, có giá trị chính là ở chữ “miền” này. Tôi không thể không khai đó là chữ của Huy Cận chứ không phải của tôi. Quả là một nhà thơ tài năng lớn, chữ nghĩa ông sử dụng luôn rất “đắt”.

Lần gặp ông đến dự buổi thu thanh bài thơ “Quạt cho con ngủ” nói trên, tôi đã kể lại kỷ niệm gặp ông lần đầu ở nhà người em ruột của ông và việc ông sửa cho tôi một chữ. Ông vẫn nhớ và nói:

– Mình nhớ chứ. Cái bài thơ ấy có giọng điệu rất Xuân Diệu. Chắc cậu thích thơ tình của Xuân Diệu nên ảnh hưởng. Thơ tình anh Xuân Diệu bạo ngôn, luôn tới tận cùng của sự mê đắm.

Giờ đây, mỗi khi đi qua số nhà 24 đường Điện Biên Phủ (Hà Nội), tôi lại nhớ Huy Cận với mấy lần sửa thơ thật thú vị như trên.

Nguyễn Đình San / Văn nghệ Công An

Bí quyết trường thọ của giáo sư 101 tuổi từng đạt Nobel: Không phải tập thể dục hay uống nước, mấu chốt thực sự là 4 điều này

Chính những thói quen sống tưởng chừng bình thường nhưng lại rất quan trọng này đã giúp ông có thể thọ tới 101 tuổi như hiện nay.

Dương Chấn Ninh là một giáo sư vật lý nổi tiếng tại Trung Quốc, chuyên nghiên cứu về lĩnh vực cơ học thống kê và vật lý hạt. Ông đã nhận Giải Nobel Vật lý năm 1957 cho công trình đặc tính không bảo toàn tính chẵn lẻ trong tương tác yếu cùng một chuyên gia khác.

Bên cạnh đó, ông còn đặc biệt nổi tiếng trong đời sống bởi những kiến giải độc đáo về sức khỏe và tuổi thọ. Ông từng chia sẻ “bí quyết sống lâu” của mình, trong đó ông đề cập đến một số thói quen sống tưởng chừng bình thường nhưng lại rất quan trọng.

Bí quyết trường thọ của giáo sư 101 tuổi từng đạt Nobel: Không phải tập thể dục hay uống nước, mấu chốt thực sự là 4 điều này- Ảnh 1.

Dương Chấn Ninh là một giáo sư vật lý nổi tiếng tại Trung Quốc.

Uống nước và tập thể dục thật nhiều có thể giúp bạn sống lâu?

Đúng là nước uống có tác dụng tích cực rất lớn trong việc duy trì cân bằng nước trong cơ thể con người và thúc đẩy quá trình trao đổi chất, nhưng đối với người cao tuổi, uống nhiều nước hơn cũng có thể có hại.

Việc uống nhiều nước quá mức, có thể bị ngộ độc nước, rối loạn chức năng não. Điều này xảy ra khi có quá nhiều nước trong tế bào (bao gồm cả tế bào não), khiến chúng phù lên. Khi các tế bào trong não phù lên, chúng gây ra áp lực trong não (phù não) sau đó bắt đầu rơi vào trạng thái như lú lẫn, buồn ngủ và đau đầu. Với những người đang sử dụng thuốc, nếu uống quá nhiều nước có thể làm loãng nồng độ thuốc trong ruột và dạ dày, dẫn đến khả năng hấp thu thuốc kém. Vì vậy, người lớn tuổi không nên uống quá nhiều nước mỗi ngày, nên uống khoảng 1500 – 2000 ml nước mỗi ngày, tương đương với 6 đến 8 ly nước.

Về lượng vận động, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một người tập thể dục mười phút mỗi ngày có thể giảm tỷ lệ mắc nhiều bệnh mãn tính, thấp hơn nhiều so với những người không tập thể dục và sống lâu hơn những người không tập thể dục. Suy cho cùng, tập thể dục có thể cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể, thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể, điều hòa nội tiết, tránh béo phì và tăng cường chức năng tim phổi một cách hiệu quả. Tuy nhiên, điều quan trọng là tập sao cho đúng, cho đủ, chứ không phải lúc nào tập nhiều cũng tốt.

Nếu một người tập thể dục quá nhiều hoặc quá sức, tổn thương đầu tiên sẽ dẫn tới ở các bộ phận như xương, cơ, khớp và mô… Ngoài ra, điều này cũng có thể làm tăng gánh nặng cho tim, dẫn đến thiếu máu cơ tim và tổn thương cơ tim.

4 bí quyết trường thọ của giáo sư 101 tuổi

1. Điều trị khoa học, không điều trị mù quáng

Viện sĩ Dương Chấn Ninh từng được phẫu thuật đặt stent tim khi ông gần 70 tuổi. Trong dân gian, nhiều người không tin tưởng đặt stent tim, cho rằng phương pháp điều trị này sẽ khiến tử vong nhanh hơn. Họ thà tìm đến những cách chữa trị dân gian được truyền miệng chứ không tin tưởng khoa học.

Bí quyết trường thọ của giáo sư 101 tuổi từng đạt Nobel: Không phải tập thể dục hay uống nước, mấu chốt thực sự là 4 điều này- Ảnh 2.

Trong khi đó, khi bác sĩ đề nghị Dương Chấn Ninh đặt stent tim, ông đã đồng ý quyết định phẫu thuật ngay vì tin rằng, mục đích của việc phẫu thuật chính là điều trị bệnh tốt hơn, từ đó kéo dài tuổi thọ con người. Từ đó đến nay, Dương Chấn Ninh đã chung sống với một trái tim đã đặt stent hơn 20 năm và vẫn còn khỏe mạnh.

Khi đối mặt với bệnh nặng, đừng bị những tin đồn làm rối trí, nếu không sẽ ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh. Để chữa bệnh, hãy tuân thủ các phương pháp khoa học và chỉ dẫn từ đội ngũ y bác sĩ đến từ các bệnh viện uy tín. Đừng điều trị bệnh một cách mù quáng.

2. Luôn giữ thái độ lạc quan

Giáo sư Dương Chấn Ninh luôn giữ thái độ lạc quan khi gặp những thất bại, khó khăn trong cuộc sống. Ông tin rằng luôn lạc quan là một trong những chìa khóa để có sức khỏe tốt và tuổi thọ.

Nghiên cứu khoa học cho thấy những người lạc quan thường có hệ thống miễn dịch tốt hơn và nguy cơ mắc bệnh thấp hơn. Những người lạc quan có khả năng đối phó với căng thẳng và thất bại tốt hơn, từ đó làm giảm tác động của căng thẳng tâm lý đối với sức khỏe thể chất.

3. Đọc sách tốt hơn bồi bổ sức khỏe

Trong cuộc sống thực, nhiều người thường xuyên sử dụng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe để bồi bổ cơ thể. Tuy nhiên, ông Dương Chấn Ninh cho rằng, đã là thuốc thì luôn có ít nhất một phần hại, không nên lạm dụng quá thường xuyên, không có chỉ dẫn của chuyên gia vì điều đó có thể trở thành gánh nặng cho gan, thận.

Bí quyết trường thọ của giáo sư 101 tuổi từng đạt Nobel: Không phải tập thể dục hay uống nước, mấu chốt thực sự là 4 điều này- Ảnh 3.

Viện sĩ Dương Chấn Ninh cho rằng thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào đủ các loại sản phẩm chăm sóc sức khỏe trên thị trường, tốt hơn hết bạn nên duy trì một lối sống khoa học, dành thời gian để đọc nhiều hơn và trau dồi trí óc.

4. Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh

Tục ngữ nói, “Họa từ miệng ra, bệnh từ miệng vào”. Việc duy trì thói quen ăn uống lành mạnh là rất quan trọng.

Viện sĩ Dương Chấn Ninh đặc biệt để ý chế độ ăn uống mỗi ngày. Ông luôn kết hợp giữa thịt và rau củ để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn. Khi dùng bữa, ông cũng không ăn nhanh, ăn vội mà nhai kỹ từng miếng. Đặc biệt, mỗi bữa ông chỉ ăn vừa đủ no, tức là no 70%, tránh gây áp lực cho hệ tiêu hóa.

*Nguồn: Sohu / Thùy Anh / Đời sống & Pháp luật

AI giúp Trung Quốc duy trì mạng lưới đường sắt cao tốc nhanh nhất thế giới, dài hơn đường Xích đạo

Theo các kỹ sư tham gia dự án, Trung Quốc đang sử dụng AI để vận hành mạng lưới đường sắt cao tốc dài 45.000 km, và công nghệ này đã đạt được một số cột mốc quan trọng.

Lỗi nhỏ trên đường ray giảm 80% nhờ AI

Một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) ở Bắc Kinh đang xử lý lượng lớn dữ liệu thời gian thực trên khắp Trung Quốc và có thể cảnh báo các đội bảo trì kỹ thuật về các tình huống bất thường trong vòng 40 phút, với độ chính xác lên tới 95%, các kỹ sư tham gia dự án cho biết trong một bài báo đăng trên tạp chí học thuật China Railway.

AI giúp Trung Quốc duy trì mạng lưới đường sắt cao tốc nhanh nhất thế giới, dài hơn đường Xích đạo- Ảnh 1.
Trung Quốc đang sử dụng trí tuệ nhân tạo để giám sát và bảo trì tuyến đường sắt cao tốc nhanh nhất thế giới, với mạng lưới dài hơn đường Xích đạo. Ảnh: Tân Hoa Xã

Niu Daoan – kỹ sư cao cấp tại Trung tâm Kiểm tra Cơ sở Hạ tầng thuộc Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc – viết trong bài báo rằng: “Điều này giúp các đội tại hiện trường tiến hành kiểm tra lại và sửa chữa nhanh nhất có thể.”

Trong năm qua, không có tuyến đường sắt cao tốc nào đang hoạt động của Trung Quốc nhận được cảnh báo yêu cầu giảm tốc độ do các vấn đề bất thường trên đường ray, trong khi số lỗi nhỏ trên đường ray giảm 80% so với một năm trước đó.

Theo bài báo, với việc áp dụng công nghệ AI, biên độ dao động của đường sắt do gió mạnh cũng giảm, ngay cả trên những cây cầu lớn bắc qua thung lũng.

Theo các nhà nghiên cứu, trí thông minh nhân tạo có thể dự đoán và đưa ra cảnh báo trước khi có vấn đề phát sinh, cho phép bảo trì chính xác và kịp thời, giúp duy trì cơ sở hạ tầng của các tuyến đường sắt cao tốc ở tình trạng tốt hơn.

Niu và nhóm của ông cho biết, lượng dữ liệu đáng kể được tạo ra bởi các cảm biến gắn trong cơ sở hạ tầng đường sắt cao tốc đang “buộc Trung Quốc phải áp dụng các công nghệ mới như dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo”.

Họ cho biết, việc áp dụng các công nghệ này cho phép “đánh giá khoa học và chính xác hơn về tình trạng dịch vụ cơ sở hạ tầng”.

Dữ liệu thô cho AI gấp hơn 10 lần dữ liệu của Thư viện Quốc hội Mỹ

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), trước khi việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Trung Quốc bắt đầu cách đây 15 năm, các nhà phê bình lập luận rằng việc bảo trì sẽ trở thành một gánh nặng không thể chịu nổi khi dây điện và đường ray chắc chắn sẽ cũ đi.

Vào cuối năm ngoái, mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc đã vượt qua chiều dài đường Xích đạo, đặt ra thách thức về kỹ thuật và công nghệ để duy trì hoạt động an toàn.

Cũng theo SCMP, đường sắt cao tốc của Trung Quốc là tuyến đường sắt nhanh nhất thế giới, vận hành với tốc độ 350 km/h, với kế hoạch tăng tốc độ lên 400 km/h vào năm tới. Mạng lưới dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng nhanh chóng cho đến khi kết nối tất cả các thành phố có dân số trên 500.000 người.

Nhưng nhóm của Niu đã xác định được một vấn đề tiềm ẩn đối với mạng lưới đường sắt, đó là sự kết hợp giữa thu nhập tăng, tỷ lệ sinh giảm và tình trạng già hóa dân số nói chung tại Trung Quốc sẽ dẫn đến việc số lượng kỹ thuật viên bảo trì sẽ giảm dần so với mức hiện tại.

Các kỹ sư Trung Quốc cho biết, sự xuất hiện của AI như một cơ hội để quản lý “sức khỏe” của đường sắt tốc độ cao đã được công nhận hơn một thập kỷ trước, ở các nước như Đức và Thụy Sĩ.

Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, cả hai nước châu Âu đều đề xuất kế hoạch cải thiện việc bảo trì đường sắt bằng AI, nhưng mạng lưới đường sắt của họ nhỏ hơn so với mạng lưới ở Trung Quốc.

Để đáp ứng nhu cầu dữ liệu thực tế rộng lớn để đào tạo hệ thống AI, các nhà khoa học và kỹ sư đường sắt Trung Quốc đã thu thập và cung cấp gần 200 terabyte dữ liệu thô cho AI – gấp hơn 10 lần toàn bộ dữ liệu của Thư viện Quốc hội Mỹ.

Nhóm của Niu cho biết, công nghệ này đã cải thiện hiệu quả phân tích dữ liệu mới lên 85%. Trước đây, cơ quan quản lý bảo trì tại Bắc Kinh chỉ có thể đưa ra cảnh báo trên toàn quốc mỗi tuần một lần. Nhưng hiện nay, cảnh báo thường được đưa ra hàng ngày.

Theo Hữu Hiển / Theo Đời sống Pháp luật

Hơn 1/3 dân số thế giới đối diện vấn đề thần kinh

Các dạng rối loạn thần kinh hàng đầu góp phần làm suy giảm sức khỏe được WHO thống kê bao gồm đột quỵ, bệnh não sơ sinh, đau nửa đầu, mất trí nhớ….

Theo thông cáo báo chí toàn cầu được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát đi hôm 15-3, hơn 1/3 dân số thế giới đang bị ảnh hưởng bởi các rối loạn thần kinh, nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tàn tật trên toàn thế giới.

Con số này tương đương với hơn 3 tỉ người phải đối diện với vấn đề thời đại này.

Hơn 1/3 dân số thế giới đối diện vấn đề thần kinh- Ảnh 1.
Số người đối diện với rối loạn thần kinh tăng nhanh trong các thập kỷ qua – Ảnh minh họa từ Internet

Đó là kết quả từ một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí y học The Lancet Neurology, mà WHO đã đóng góp vào việc phân tích dữ liệu Nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật, thương tích và yếu tố rủi ro toàn cầu (GBD) năm 2021.

Theo WHO, tổng số trường hợp khuyết tật, bệnh tật và tử vong sớm do các vấn đề thần kinh gây ra đã tăng 18% kể từ năm 1990.

Hơn 80% số ca tử vong và mất sức khỏe do rối loạn thần kinh xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình, nơi số lượng chuyên gia thần kinh trên 100.000 dân thấp hơn tới 70 lần so với các nước thu nhập cao

TS Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO cho biết: “Nghiên cứu này sẽ đóng vai trò như một lời kêu gọi hành động khẩn cấp nhằm mở rộng các biện pháp can thiệp có mục tiêu nhằm cho phép ngày càng nhiều người mắc bệnh thần kinh được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng có chất lượng mà họ cần.

Mười dạng rối loạn thần kinh hàng đầu góp phần làm suy giảm sức khỏe là đột quỵ, bệnh não sơ sinh (chấn thương não), đau nửa đầu, mất trí nhớ, bệnh thần kinh do tiểu đường (tổn thương dây thần kinh), viêm màng não, động kinh, biến chứng thần kinh do sinh non, rối loạn phổ tự kỷ và vấn đề thần kinh trong bệnh ung thư.

Nhìn chung, các tình trạng thần kinh gây ra nhiều khuyết tật và suy giảm sức khỏe ở nam giới hơn so với phụ nữ. Dù vậy, một số tình trạng như chứng đau nửa đầu hoặc chứng mất trí nhớ thì phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Kể từ năm 1990, số lượng những người sống chung hoặc chết vì các bệnh lý thần kinh đã tăng lên, chủ yếu được thúc đẩy bởi sự thay đổi về nhân khẩu học và việc con người sống lâu hơn.

Bệnh thần kinh tiểu đường là tình trạng thần kinh gia tăng nhanh nhất, tăng hơn gấp 3 lần trên toàn cầu kể từ năm 1990, lên tới 206 triệu trường hợp vào năm 2021.

Các tình trạng khác như biến chứng thần kinh do COVID-19 (ví dụ suy giảm nhận thức và hội chứng Guillain-Barré) trước đây không tồn tại và hiện chiếm hơn 23 triệu trường hợp.

Gánh nặng thần kinh và tổn thất sức khỏe do các tình trạng khác đã giảm trên 25% kể từ năm 1990 nhờ công tác phòng ngừa – bao gồm vắc-xin – chăm sóc và nghiên cứu được cải thiện.

Đó là các vấn đề thần kinh liên quan đến uốn ván, bệnh dại, viêm màng não, khuyết tật ống thần kinh, đột quỵ, bệnh u nang thần kinh (nhiễm ký sinh trùng ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương), viêm não và bệnh não ở trẻ sơ sinh.

Nhiều rủi ro có thể tránh được

Nghiên cứu cũng xem xét 20 yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được đối với các tình trạng thần kinh có khả năng phòng ngừa được như đột quỵ, mất trí nhớ và thiểu năng trí tuệ vô căn.

Loại bỏ các yếu tố nguy cơ chính – trong đó hàng đầu là tình trạng cao huyết áp và ô nhiễm không khí – có thể ngăn ngừa tới 84% tổng số năm mà các bệnh nhân đột quỵ trên thế giới phải sống chung với di chứng.

Tương tự, việc ngăn ngừa tiếp xúc với chì có thể giảm gánh nặng khuyết tật trí tuệ vô căn tới 63,1% và giảm mức đường huyết lúc đói cao có thể giảm gánh nặng của chứng mất trí nhớ tới 14,6%.

Hút thuốc cũng góp phần đáng kể vào nguy cơ đột quỵ, mất trí nhớ và bệnh đa xơ cứng.

Anh Thư / Người Lao động / Cafe

TikTok trước “án tử” ở Mỹ: Ai sẵn sàng bỏ tiền thôn tính ứng dụng Trung Quốc?

Ai có đủ khả năng tài chính và lợi ích kinh tế để mua lại TikTok trong trường hợp ứng dụng Trung Quốc này buộc phải bán mình ở Mỹ đang là câu hỏi lớn.

TikTok trước “án tử” ở Mỹ: Ai sẵn sàng bỏ tiền thôn tính ứng dụng Trung Quốc?- Ảnh 1.

Ứng dụng 170 triệu người dùng ở Mỹ đứng trước nguy cơ phải bán mình

Hạ viện Mỹ vừa thông qua dự luật cấm TikTok nếu công ty mẹ ByteDance, một doanh nghiệp Trung Quốc, không chấp nhận bán nền tảng mạng xã hội 170 triệu người dùng ở Mỹ này cho một chủ sở hữu khác. Dù cần phải được Thượng viện Mỹ thông qua để có thể trình Tổng thống Joe Biden ký thành luật, người ta đã bắt đầu bàn tới việc ai có thể mua lại TikTok ở Mỹ.

Theo dự luật mà Hạ viện Mỹ thông qua, ByteDance có 180 ngày để bán TikTok tại Mỹ. Đó sẽ thực sự là cuộc đua nước rút bởi ứng dụng 170 triệu người dùng ở Mỹ này có giá hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD.

Các chuyên gia cho biết việc mua lại TikTok rõ ràng là một thương vụ hấp dẫn nhưng người mua sẽ phải đối mặt với những rào cản đáng kể, cả từ phía Mỹ lẫn phía Trung Quốc bên cạnh nhiệm vụ phải huy động số tiền khổng lồ trong thời gian ngắn.

Trong khi đó, những gã khổng lồ công nghệ với nguồn lực tài chính dồi dào có thể sẽ không mặn mà với thương vụ này vì lo ngại các quy định chống độc quyền. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ hơn lại thiếu nguồn lực để sở hữu Tiktok.

Erik Gordon, giáo sư kinh doanh tại Đại học Michigan, cho biết: “Chính phủ Mỹ muốn doanh nghiệp Trung Quốc thoái vốn khỏi các hoạt động của TikTok ở Mỹ, một hoạt động vô cùng tốn kém. Thế nhưng, chính phủ Mỹ lại không muốn các công ty công nghệ và truyền thông ở nước này ngày càng có sức ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh hơn. Hai mong muốn này dường như mâu thuẫn nhau”.

Thực tế, TikTok đã nhiều lần đối mặt nguy hiểm ở Mỹ. Hiện nay, nền tảng mạng xã hội này đang phải đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng từ một số quan chức chính phủ Mỹ, những người lo ngại dữ liệu người dùng có khả năng rơi vào tay Trung Quốc hoặc ứng dụng bị lợi dụng để truyền bá cái gọi là thông tin sai lệch.

ABC News dẫn lời các chuyên gia an ninh mạng cho rằng có rất ít bằng chứng cho thấy TikTok chia sẻ dữ liệu người dùng Mỹ với Chính phủ Trung Quốc hay Chính phủ Trung Quốc yêu cầu ứng dụng này làm như vậy. Tuy nhiên, điều đó vẫn không làm yên lòng các nhà lập pháp Mỹ.

Dù đã qua của ở Hạ viện Mỹ những dự luật này vẫn cần có ít nhât 60 phiếu tại Thượng viện Mỹ để được đệ trình lên Tổng thống Biden ký thành luật. Có lẽ, rào cản cuối cùng của dự luật là Thượng viện bởi ông Biden đã nhiều lần tuyên bố sẽ ký thành luật ngay khi dự luật này nằm trên bàn làm việc của ông.

Vậy ai sẽ mua lại TikTok ở Mỹ?

Về lý thuyết, cái tên tiềm năng nhất trong việc mua lại TikTok ở Mỹ chính là Meta – chủ sở hữu Facebook và Instagram và Alphabet – công ty mẹ của Google và Youtube. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hai tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số và video dạng ngắn này sẽ gặp phải sự phản đối mạnh mẽ về chống độc quyền trong việc mua lại TikTok. Và đó chính là rào cản.

Florian Ederer, giáo sư về thị trường, chính sách công và luật tại Đại học Boston, nói với ABC News: “Việc Google và Meta mua lại TikTok là điều hoàn toàn không lên làm. Việc đó sẽ thực sự khiến cho cơ quan chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ cảm thấy kinh ngạc”.

Các chuyên gia cũng có những quan điểm khác nhau về triển vọng các gã khổng lồ công nghệ khác, chẳng hạn như Apple hay Amazon, mua lại TikTok. Với giá trị vốn hóa trên 1,8 nghìn tỷ USD, tiền không phải bài toán khó với 2 gã khổng lồ này. Họ cũng sẽ gặp ít nguy cơ hơn đối với cáo buộc độc quyền vì không sở hữu mạng xã hội lớn như Instagram hay YouTube.

Năm 2020, dưới thời Tổng thống Donald Trump, TikTok từng suýt phải bán mình cũng bởi nhưng lo ngại về an ninh quốc gia. Walmart và Oracle tham gia vụ đàm phán mua lại TikTok ở Mỹ nhưng thương vụ sau đó đổ bể vì TikTok thoát khỏi lệnh cấm.

Vào thời điểm đó, Microsoft cũng không thành công trong việc mua lại TikTok. Bây giờ, Microsoft có thể thử lại nhưng họ sẽ chủ động tránh những rắc rối liên quan tới phản ứng của Trung Quốc cũng như những quy định chống độc quyền chặt chẽ của Mỹ.

Elon Musk, người đàn ông giàu thứ 2 thế giới, cũng có thể trở thành người mua tiềm năng. Tuy nhiên, bài toán khó của Musk là vấn đề tài chính. Sau hàng loạt ồn ào liên quan tới việc mua lại Twitter (hiện đã đổi thành X), liệu có nhà đầu tư nào sẵn sàng rót vốn cho Musk mua lại TikTok?

Khi các gã khổng lồ không thực sự mặn mà với việc mua lại TikTok, cơ hội có thể dành cho những doanh nghiệp nhỏ hơn. Thế nhưng, những vấn đề chính trị xoay quanh thương vụ này có thể khiến nhiều người cảm thấy e ngại vì sự không chắc chắn.

Tham khảo: ABC News / Ca fe VN