Vợ chồng ca sĩ Hoàng Lê Vi bỏ phố về rừng

Hoàng Lê Vi và chồng – nhạc sĩ Trương Lê Sơn – rời TP HCM về Đà Lạt sống trên mảnh đất 2000 m2, trải nghiệm làm nông.

Nhà vườn của vợ chồng nhạc sĩ cách trung tâm Đà Lạt 30 km.

Trương Lê Sơn cho biết rời TP HCM bảy năm trước, lên phố núi làm nhân viên cho một công ty bất động sản. Sau đó, vợ – ca sĩ Hoàng Lê Vi – và hai con gái theo anh về vùng đất này định cư. Ngoài nhà vườn, họ còn ngôi nhà ở trung tâm để tiện làm việc.

“Tôi thích cuộc sống điền viên nên tìm mua đất, làm nhà vườn, cùng chồng con trải nghiệm công việc nhà nông”, Hoàng Lê Vi nói.

Còn Trương Lê Sơn cho biết: “Quyết định bỏ phố về rừng nên chúng tôi chấp nhận sống đơn giản, tiết kiệm hơn và dành nhiều thời gian cho gia đình”.

Không gian nhà vườn do Hoàng Lê Vi lên ý tưởng thiết kế.

Ca sĩ không thuê người giúp việc, tự chăm sóc vườn tược gồm các loại cây ăn quả như: Hồng, ổi, vú sữa, xoài, bơ, mít. Ca sĩ cũng dành một phần đất trồng hồng, ngũ sắc, thược dược.

Theo Trương Lê Sơn, vợ anh khéo tay hay làm nên ngôi nhà lúc nào cũng có hoa nở, cây trái trĩu quả.

Hoàng Lê Vi nói chọn gia đình là mục tiêu phấn đấu, không phải sự nổi tiếng, nên thấy cuộc sống làm nông, nội trợ nhẹ nhàng. Hiện tại, ca sĩ chỉ diễn những show có chọn lọc phù hợp thời gian và sức khỏe, để đỡ nhớ nghề.

Gia đình nhạc sĩ nói một trong những niềm vui khi bỏ phố về rừng là được ăn rau trái tự trồng.

“Tôi thường gọi vợ là ‘người nông dân biết hát’ và biết ơn cô ấy đã vun vén trong ngoài, lo cho gia đình tươm tất”, nhạc sĩ cho biết.

Không gian ngoài trời của khu vườn được thiết kế thuận tiện cho gia chủ tổ chức các bữa tiệc thân mật.

Gần bảy năm sinh sống ở Đà Lạt giúp vợ chồng nghệ sĩ nuôi dưỡng cảm xúc cho âm nhạc. Trương Lê Sơn sáng tác nhiều tác phẩm về phố núi như “Đà Lạt vắng em”, “Vì yêu mà tôi sẽ ở lại đây”. Anh cũng tổ chức chương trình ca hát, mời bạn bè đến giao lưu.

Trương Lê Sơn chơi nhạc tại vườn nhà. Video: Nhân vật cung cấp

Hoàng Lê Vy sưu tập những đồ trang trí cũ, tranh ảnh, ly sứ, tự trang trí, tạo không gian sống ấm cúng, gần gũi với thiên nhiên. Ngôi nhà được thiết kế tối giản gồm hai phòng ngủ, một phòng khách, bếp với nội thất chủ yếu bằng gỗ và tre.

Con gái Trương Lê Sơn giới thiệu nhà vườn của bố mẹ

Con gái Trương Lê Sơn – Hoàng Lê Vi giới thiệu nhà vườn bằng tiếng Anh. Video: Nhân vật cung cấp

Hoàng Lê Vi, 43 tuổi, quê Phú Yên, có giọng ca nội lực, được khán giả yêu mến với các ca khúc: “Danh phận”, “Dạ khúc”, “Nửa trái tim tội nghiệp”, “Vắng anh mùa đông”.

Trương Lê Sơn, 51 tuổi, quê TP HCM, từng chơi nhạc ở một số phòng trà lớn như Em và Tôi, Đồng Dao, Không Tên. Anh có nhiều nhạc phẩm đoạt giải Làn Sóng Xanh như: “Chén đắng”, “Đêm định mệnh”. Sau khi kết hôn với Hoàng Lê Vi, anh chuyển sang viết nhạc cho vợ biểu diễn. Họ có hai con gái lần lượt 17 tuổi và 11 tuổi.

Tuấn Hưng hát "Đêm định mệnh"

Trương Lê Sơn đệm đàn cho Tuấn Hưng hát “Đêm định mệnh” trong một chương trình tại Đà Lạt hồi năm 2023. Video: YouTube Thơ official

Hoàng Dung / Vietnam Express

Có nên uống trà và cà phê cùng một lúc?

Bạn có thể uống cà phê và trà rải rác trong ngày nhưng không nên trộn vào để uống.

Nghiên cứu được công bố trên PLOS Medicine cho thấy việc uống cả cà phê và trà có liên quan đến giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và đột quỵ. Các nhà khoa học đã đánh giá sức khỏe và thói quen uống trà, cà phê của hơn 365.000 người lớn tuổi ở Vương quốc Anh trong 11 năm.

Bạn có thể uống cà phê và trà trong cùng một ngày. Ảnh: AIB

So với những người không uống trà hoặc cà phê, nhóm uống 2-3 tách cà phê cũng như 2-3 tách trà mỗi ngày có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ thấp hơn 28% và nguy cơ đột quỵ thấp hơn 32%. Sự kết hợp của cả hai loại đồ uống dường như có tác dụng hơn so với việc chỉ uống loại này hay loại kia.

Harvard Health lưu ý nghiên cứu này chỉ mang tính quan sát chứ không phải nhân – quả. Nhưng cả hai loại đồ uống trên đều chứa polyphenol – hóa chất thực vật có thể chống lại chứng viêm mạn tính – liên quan đến chứng mất trí nhớ và bệnh tim mạch.

Đặc tính của trà và cà phê 

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), trà có 11,2% tannin trong khi cà phê chỉ có 4,6%.

Bạn có thể uống được cà phê khi bụng đói mặc dù người mới dùng có thể cảm thấy hơi buồn nôn. Trong đa số trường hợp, sẽ mất ít thời gian để làm quen với hàm lượng tannin 4,6% trong cà phê.

Điều tương tự khó có thể lặp lại với trà. 11,2% là tỷ lệ tannin quá cao đối với dạ dày rỗng. Tannin trong trà không tốt cho niêm mạc dạ dày. Vì vậy, nếu muốn uống trà trước các bữa chính, bạn sẽ cần thêm bánh sừng bò hoặc một món ăn nhẹ khác làm chất đệm. 

Trà chứa 26,2mg caffeine trong một cốc 240ml, trong khi cà phê chứa 94,8mg. Cà phê làm mất nước nhiều hơn trà, đó là lý do bạn nên uống nhiều nước hơn sau khi dùng cà phê. 

Trà và cà phê có tác dụng tốt với sức khỏe nhưng không nên uống quá nhiều. Ảnh minh họa: AIB

Có thể uống cà phê và trà trong cùng một ngày? 

Bạn có thể uống hai loại đồ uống trên trong một ngày, đặc biệt nếu bạn là người thường xuyên uống cà phê. Nếu uống trà sau khi dùng cà phê 3 giờ, bạn sẽ không gặp phải tác dụng phụ.

Tuy nhiên, bạn không nên uống hai loại này trong một ngày nếu: 

– Bạn hay lo lắng và không thường xuyên uống cà phê: Caffeine có thể khiến bạn bồn chồn và lo lắng quá mức. Cà phê có lượng caffeine cao hơn gấp ba lần trà, dễ gây các phản ứng phụ. 

– Bạn đang mang thai: Không nên dùng nhiều hơn một tách cà phê. 

– Nhịp tim không đều: Caffeine có thể gây tim đập nhanh.

– Chưa ăn gì trong 24 giờ: Chất tannin trong trà và cà phê có thể khiến bạn buồn nôn.

Có nên uống trà trộn cà phê? 

Nếu bạn đổ một ít bột cà phê hòa tan vào tách trà hoặc thêm trà đen vào cà phê, lượng tannin và caffeine đều sẽ tăng lên. Đây không phải là ý tưởng tốt. Những người có thói quen uống trà sẽ cảm thấy lo lắng quá mức sau khi uống cà phê, còn những người thích cà phê sẽ bị ợ nóng hoặc buồn nôn do hấp thụ quá nhiều tannin.

An Yên / Viet nam

Sức khỏe : Những bộ phận bẩn nhất của gà không nên ăn

Thịt gà phổ biến trong thực đơn hằng ngày của các gia đình. Khi chế biến các món ăn từ thịt gà các bà nội trợ nên lưu ý những bộ phận của gà dù ngon đến mấy cũng không nên ăn

Gia đình tôi thường xuyên ăn các món từ thịt gà. Tôi và chồng đều thích ăn phao câu, cổ gà. Người ta vẫn nói rằng “nhất phao câu, nhì đầu cánh” nhưng gần đây lại có thông tin các bộ phận này không nên ăn. Theo bác sĩ quan niệm này có đúng hay không? (Nguyễn Thị Phương, Tân Bình, TP.HCM).

Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3 tư vấn:

Thịt gà có nhiều giá trị dinh dưỡng. Theo y học hiện đại, trong 100g thịt gà chứa 20,3g protein, 4,3g chất béo và nhiều vitamin A, E, C, B1, B2, PP. Đây cũng là loại thịt chứa nhiều khoáng chất canxi, phốt pho, sắt có lợi cho sức khỏe. Trong thịt gà chứa hàm lượng beta-carotene, lycopene, retinol, alpha cao, đều bắt nguồn từ vitamin A.

Còn trong y học cổ truyền, thịt gà có vị ngọt, tính ấm, không độc. Có nhiều loại gà khác nhau theo màu lông nhưng nói chung thịt gà có tác dụng bổ tỳ, điều hòa khí huyết chữa thận yếu, phong thấp, dùng rất tốt cho phụ nữ sau sinh. 

Người dân dùng thịt gà tần với tam thất, nấm linh chi hoặc đông trùng hạ thảo để bồi dưỡng và cầm máu. Thịt gà hầm với hạt sen chữa suy dinh dưỡng. Cháo thịt gà mái ăn thường xuyên còn là bài thuốc hỗ trợ chữa liệt dương. Trong các phần thịt gà có thịt ức, lườn, đùi thì ức gà có giá trị dinh dưỡng cao nhất, chứa nhiều protein nhưng hàm lương calo thấp.

Khi sơ chế gà, bạn cần lưu ý các bộ phận của thịt gà không nên ăn:

Thứ nhất: Nội tạng gà, các gia đình có thói quen mổ gà giữ lại bộ lòng gà. Về mặt giá trị dinh dưỡng lòng gà nhiều chất đạm, chất béo nhưng đây là bộ phận có nhiều nguy cơ tồn dư lượng thuốc trong quá trình chăn nuôi, giun sán, vi khuẩn, virus gây hại.

Thứ hai: Phao câu giống như kho chứa vi khuẩn, nơi tập trung của tuyến dịch bạch huyết, nơi chứa đại thực bào. Phao câu cũng là nơi chứa lượng mỡ và cholesterol có thể gây hại cho sức khỏe, tuyệt đối không tốt với những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, rối loạn máu mỡ.

Thứ ba: Phần dưới da cổ gà chứa nhiều tuyến dịch bạch huyết, không nên ăn.

Thứ tư: Đầu gà là nơi tập trung nhiều chất độc hại, không nên ăn thường xuyên. Đầu gà chứa nhiều cholesterol, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Đầu gà còn chứa nhiều vi khuẩn, virus, không tốt cho sức khỏe.

Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý, đùi và cánh gà hai vị trí hay được chọn để tiêm phòng trong quá trình nuôi nên không thể loại trừ việc tồn dư thuốc trong thịt. Theo quan niệm dân gian “thứ nhất phao câu, nhì đầu cánh” đây chỉ là câu nói truyền miệng. Ngày xưa, thực phẩm hiếm nên ăn phao câu béo ngậy bổ sung thêm chất béo. Nhưng hiện nay, quan niệm này không còn đúng. Vì vậy, bạn nên cân nhắc khi ăn những bộ phận này. 

Phương Thúy / Vietnam Net

Cơ hội vàng cho giới trẻ với ngành công nghiệp có thể giúp Việt Nam tạo đột phá

Ngành công nghiệp có giá trị hàng trăm tỷ USD này Việt Nam có đủ năng lực phát triển và tạo ra sự đột phá.

Ảnh minh họa được tạo bởi AI

Ảnh minh họa được tạo bởi AI

Ngành bán dẫn và vai trò nền tảng thúc đẩy kinh tế thế giới

Sản xuất chất bán dẫn là ngành mới nổi, có vai trò quan trọng và là xu thế phát triển của thế giới. Theo thông tin từ Vụ Tổng hợp Kinh tế – Bộ Ngoại Giao, Mỹ là nước phát minh và đi đầu về công nghệ bán dẫn trong lịch sử và hiện vẫn dẫn đầu về quy mô thị trường (gần 50% thị trường toàn cầu). Mỹ nhìn nhận bán dẫn đóng vai trò nền tảng thúc đẩy kinh tế thế giới vào kỷ nguyên chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và công nghệ 5G.

Ngành công nghiệp bán dẫn đã chứng kiến sự gia tăng doanh thu mạnh mẽ trong những năm gần đây. Theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn SIA, doanh thu của ngành công nghiệp bán dẫn tăng từ 139 tỷ USD trong năm 2001 lên đến 573,5 tỷ USD vào năm 2022, tương đương với mức tăng 313%. Đồng thời, doanh số chất bán dẫn cũng tăng 290%.

Dự báo cho thấy, doanh thu của thị trường chất bán dẫn sẽ tiếp tục tăng lên 613,1 tỷ USD vào năm 2024. Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm ước tính là 6,3%, sẽ đưa tổng giá trị thị trường lên đến 736,4 tỷ USD vào năm 2027. Dự báo, doanh thu của ngành công nghiệp này sẽ đạt mốc 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Theo McKinsey, 70% sự tăng trưởng trong tương lai của ngành công nghiệp bán dẫn sẽ chủ yếu đến từ ba ngành công nghiệp chính là ô tô, tính toán, lưu trữ dữ liệu và công nghiệp không dây. Trong đó, ngành công nghiệp ô tô sẽ chiếm gần 20% việc mở rộng thị trường trong những năm tới.

Ngành bán dẫn tại Việt Nam hiện ra sao?

Vị trí địa chiến lược quan trọng cùng việc chuyển dịch sản xuất và xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu đã mang tới cho Việt Nam cơ hội trở thành nhân tố then chốt trong quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hiện Việt Nam đứng thứ 9 trên toàn cầu ở lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử. Năm 2023, máy tính, điện thoại và linh kiện điện tử là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 110,53 tỷ USD, chiếm hơn 31% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Có thể thấy rằng tiềm năng phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn ở Việt Nam là vô cùng lớn.

Cơ hội vàng cho giới trẻ với ngành công nghiệp có thể giúp Việt Nam tạo đột phá- Ảnh 1.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam với chủ đề “Kết nối Việt Nam với hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á”, diễn ra ngày 29/9/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam có đủ năng lực phát triển công nghiệp bán dẫn.

Đồng thời, để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hòa Lạc (Hà Nội) và Đà Nẵng với đầy đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực, các cơ chế chính sách đầu tư cao nhất sẵn sàng chào đón các tập đoàn, doanh nghiệp đến đầu tư.

“Chúng tôi khuyến khích các tập đoàn sản xuất đã có hoạt động tại Việt Nam nghiên cứu mở rộng hoạt động. Các tập đoàn chưa có hoạt động tại Việt Nam thì tìm hiểu các cơ hội để đầu tư vào Việt Nam với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi tại các khu công nghệ cao TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Thực trạng nguồn nhân lực ngành bán dẫn tại Việt Nam

Cùng với sự phát triển của ngành bán dẫn, theo Công ty Synopsys, đến năm 2030, toàn thế giới cần 900.000 nhân lực bán dẫn mới. Việt Nam còn có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn. Việt Nam cũng đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trên thế giới trong ngành bán dẫn.

Trong vòng 5 năm tới, Việt Nam sẽ cần khoảng 50.000 kỹ sư ngành công nghệ bán dẫn, tương ứng mỗi năm cả nước cần 10.000 kỹ sư. Tuy nhiên, nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn đang là thách thức với Việt Nam. Hiện tại, nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu đặt ra.

Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030.

Cơ hội vàng cho giới trẻ với ngành công nghiệp có thể giúp Việt Nam tạo đột phá- Ảnh 2.

Tại Việt Nam, đào tạo nhân lực về bán dẫn không phải là ngành học mới. Có rất nhiều trường đại học lớn, nổi tiếng đào tạo ngành học này như ĐH Quốc Gia Hà Nội, ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Quốc Gia thành phố HCM, Học viện Bưu chính Viễn thông… Các doanh nghiệp lớn có nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn như Viettel, VNPT, FPT, CMC.

Bên cạnh đó, việc liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, các tập đoàn hàng đầu về công nghệ được coi là yếu tố then chốt trong đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn. Việc hợp tác với Tập đoàn Samsung là ví dụ điển hình nhất.

Cách đây ít ngày, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội và Samsung Điện tử Hàn Quốc đã ký kết văn bản hợp tác triển khai chương trình VNU-Samsung Tech Track (V-STT) với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ thạc sĩ trong lĩnh vực bán dẫn và vi mạch. Sinh viên tham gia chương trình VNU-Samsung Technology Track sẽ được đào tạo chuyên sâu về các chuyên ngành công nghiệp bán dẫn như thiết kế mạch tích hợp, vật liệu bán dẫn, sản xuất và phân tích chất bán dẫn.

Những sinh viên sau khi tốt nghiệp theo chương trình học bổng V-STT do Samsung tài trợ sẽ có cơ hội được làm việc trực tiếp tại Công ty Samsung ở Hàn Quốc trong lĩnh vực chip/bán dẫn.

Hay như việc NIC đang phối hợp với Tập đoàn Synopsys (Mỹ) để đề xuất họ cung cấp các phần mềm bản quyền đào tạo chip miễn phí, từ đó cung cấp cho các trường đại học. NIC cũng đã đẩy mạnh kết nối với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới về chip bán dẫn, qua đó tạo cơ hội thực tập cho sinh viên tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu và các phòng thí nghiệm của họ… cũng là một trong những giải pháp để nâng cao nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn trong nước.

Với những nỗ lực của Việt Nam, nói theo cách TS Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT-TT, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam thì Việt Nam “đã sẵn sàng cho sự mở rộng đột phá của ngành công nghiệp bán dẫn”.

*Ảnh minh họa được tạo bởi AI

Pha Lê / Đời sống & Pháp luật

Tỉnh miền Bắc vừa lập kỷ lục chưa từng có về thu hút FDI sẽ trở thành trung tâm phát triển công nghiệp

Tỉnh này nằm gần các trung tâm đô thị, công nghiệp lớn của vùng kinh tế trọng điểm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.

Thái Bình đặt mục tiêu trở thành trung tâm phát triển công nghiệp

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1735/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là phấn đấu đến năm 2030 Thái Bình trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của Vùng đồng bằng sông Hồng; có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng để Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. 

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức trở thành nhân tố nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội phát triển đồng bộ với phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Cụ thể, tỉnh Thái Bình hướng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 13,4%/năm, trong đó: công nghiệp – xây dựng tăng 18%/năm; dịch vụ tăng 12%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,2%/năm. 

Cơ cấu kinh tế đến năm 2030 ngành công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 62,1%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 9,1%; ngành dịch vụ chiếm khoảng 28,8%. GRDP bình quân đầu người tương đương với bình quân chung của cả nước…

Tỉnh miền Bắc vừa lập kỷ lục chưa từng có về thu hút FDI sẽ trở thành trung tâm phát triển công nghiệp- Ảnh 1.
Biển Đồng Châu. ẢNh: Internet.

Đến năm 2050, Thái Bình là tỉnh phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng; có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được đảm bảo. Tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và các ngành kinh tế trụ cột có sức cạnh tranh cao. 

Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết nối liên vùng. Giá trị truyền thống và văn hóa được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất tinh thần của người dân được đảm bảo và không ngừng nâng cao. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở các cụm liên kết ngành (cluster) và kinh tế tuần hoàn. 

Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Xây dựng hệ thống đô thị trở thành các trung tâm động lực và lan tỏa phát triển. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; phát triển cộng đồng doanh nghiệp tỉnh. Nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Thực hiện chuyển đổi số, phát triển mạnh mẽ ngành công nghệ thông tin.

Thái Bình lọt top 5 địa phương dẫn đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Thái Bình là một miền quê sông nước, được bao bọc bởi ba dòng sông lớn là sông Hồng, sông Luộc và sông Hóa. Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình, cùng với ba con sông lớn bao quanh, được thông nguồn với gần 70 km con sông lớn nhỏ, mảnh đất Thái Bình như một hòn đảo nổi và lại một chiếc võng được đan bằng các dòng sông. Với vị trí đó, Thái Bình là một vùng đất phì nhiêu được phù sa hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình bồi đắp.

Tỉnh này nằm gần các trung tâm đô thị, công nghiệp lớn của vùng kinh tế trọng điểm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, là nơi chuyển giao và tiếp nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, dự án đầu tư và có lợi thế về tiêu thụ hàng nông sản (đặc biệt là nông sản tươi sống). Với vị trí đặc biệt quan trọng, Thái Bình có nhiều điều kiện để thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).

Tỉnh miền Bắc vừa lập kỷ lục chưa từng có về thu hút FDI sẽ trở thành trung tâm phát triển công nghiệp- Ảnh 2.
Khu Công nghiệp Liên Hà Thái là một trong những khu công nghiệp được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chú ý.

Số liệu tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư của các dự án trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 đạt gần 98.256,6 tỷ gấp hơn 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Thái Bình đã vượt qua những tỉnh mạnh về công nghiệp để tiến vào top 5 cả nước về thu hút vốn FDI. Nếu như năm 2022, tỉnh này chỉ xếp hạng thứ 18 thì đến năm 2023, tỉnh đã vươn lên vị trí thứ 5. Trong năm, tỉnh đã thu hút được 2,79 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Năm 2023, Thái Bình lần đầu gia nhập nhóm địa phương tỷ USD về thu hút vốn ngoại sau khi đón 3 dự án đổ bộ KCN Liên Hà Thái. Các dự án có số vốn đầu tư lớn trong năm 2023 của tỉnh gồm: Dự án Công ty TNHH Compal Electronic (Việt Nam) xây dựng nhà máy sản xuất, gia công máy vi tính, thiết bị ngoại vi của máy vi tính với tổng mức đầu tư khoảng 260 triệu USD.

Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tấm bán dẫn Silic tinh thể của Công ty ET Solar Power HongKong Limited với tổng mức đầu tư dự kiến 150 triệu USD; dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất đồ uống của Tập đoàn HiteJinro với tổng mức đầu tư dự kiến 100 triệu USD.

Thái Bình có lợi thế về quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp, với 10 khu công nghiệp, trong đó có 4 khu công nghiệp trong Khu Kinh tế Thái Bình và 49 cụm công nghiệp đã hình thành trên địa bàn 8 huyện, thành phố với tổng diện tích khoảng gần 3.000 ha đã giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng. 

Sức hút lớn nhất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong thời gian gần đây chính là Khu kinh tế Thái Bình với diện tích hơn 30.580 ha, có vị trí thuận lợi khi cách sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) khoảng 35km, cách cảng biển quốc tế Lạch Huyện khoảng 50km…

Pha Lê /Đời sống & Pháp luật