Cười chút chơi

Thơ vui về chồng

Chồng là một đấng anh hào

Là duyên, là nợ trời trao cho mình

Chồng là trụ cột gia đình

“Ba đồng một mớ” ta rinh về nhà

Chồng là Bố của con ta

“To đầu mà dại” đến già chưa khôn

Chồng là loài sống bằng cơm

Lại ham món phở, bia ôm vỉa hè

Chồng là một gã lái xe

Uống nhiều, hút lắm, lè phè ngày đêm

Chồng là anh của nhiều em

Ga lăng nên hễ có tiền là vung

Chồng là cái thế anh hùng

Mát xa, sàn nhảy vẫy vùng khắp nơi

Chồng là hào kiệt trên đời

Vợ mình thì sợ, vợ người thì yêu

Chồng là quân tử hạng siêu

Cứ ai phái yếu là chiều, là thương

Chồng là một gã ương ương

Bỏ đi thì tội, phải vương cả đời!

(Sưu tầm)

Hoa Kỳ: Nạn buôn người tại Việt Nam vẫn tồi tệ

Tệ nạn buôn người ở Việt Nam vẫn diễn ra khá phổ biến, hệ quả của nghèo đói, sự thiếu hiểu biết của quần chúng trong khi nhà cầm quyền chỉ có những nỗ lực rất giới hạn để đối phó.

3 thanh niên bị công an Hà Nội khởi tố về hành vi mua bán người năm 2011. (Hình: VNExpress)

Bản phúc trình về tình hình nạn buôn người trên thế giới được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phổ biến hôm Thứ Ba 19 tháng 6 năm 2012, gồm cả Việt Nam. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chia tình trạng buôn người trên thế giới làm 3 loại. Loại 1 (Tier 1) là nước không có nạn buôn người. Loại 2 (Tier 2) là nước có nạn buôn người, tuy nhà nuớc có ngăn chặn, đối phó nhưng không hết lòng. Loại 3 (Tier 3) là nước có nạn buôn người phổ biến mà nhà nước không làm gì để đối phó hay ngăn cản.

Trong loại 2, Bộ Ngoại Giao Mỹ còn chia ra làm hai. Loại 2 tồi tệ được xếp vào loại cần theo dõi (Watch List) vì có một số lượng nạn nhân khá lớn với những hình thức buôn người nghiêm trọng và có khuynh hướng còn gia tăng. Nhà cầm quyền tuy có luật lệ ngăn chống nhưng đã thất bại hoặc không chứng minh được là có gia tăng nỗ lực để đối phó.

Việt Nam bị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xếp vào loại 2 tồi tệ này, tức là “Tier 2 Watch List”.

Trong phần phúc trình riêng về Việt Nam, Bộ Ngoại Giao Mỹ nói đàn ông, đàn bà và trẻ em người Việt Nam không những bị buôn bán ra nước ngoài để cưỡng bách lao động hoặc mại dâm mà còn bị cưỡng bách như vậy ngay ở trong nước của mình.

Ðàn ông, đàn bà và trẻ em Việt Nam bị các tổ chức buôn người, phần lớn núp dưới hình thức xuất cảng lao động hợp pháp thuộc các cơ quan nhà nước CSVN đưa ra nước ngoài. Họ bị nói dối là đi lao động nước ngoài với lương cao nhưng khi ra khỏi nước thì bị bán cho các động mãi dâm hoặc các tổ chức bóc lột sức lao động. Họ bị tịch thu hộ chiếu, giấy tờ tùy thân nên trở thành những người sống bất hợp pháp nếu bỏ trốn.

Những nước được nêu tên chính yếu trong bản phúc trình mà người Việt Nam bị buôn bán tới đó mãi dâm là Cam Bốt, Thái Lan, Trung Quốc, Lào, Mã Lai, Singapore và đến cả Âu Châu.

Các tổ chức xuất khẩu lao động của nhà cầm quyền CSVN cùng các kẻ môi giới đòi lệ phí có khi lên tới 10,000 đô la hoặc có thể nhiều hơn tùy địa điểm đến. Vì vậy, các nạn nhân và gia đình của họ mang những số nợ rất lớn.

Phúc trình nói khi tới nơi (bị bán) nạn nhân bị cưỡng bách làm việc trong những điều kiện vô cùng tồi tệ với tiền công rất thấp hoặc không được trả công dù người ta mang những món nợ rất lớn. Nhiều công ty còn không cho nạn nhân đọc bản hợp đồng lao động cho tới ngày sửa soạn lên máy bay. Rất nhiều người còn bị ép ký vào các bản hợp đồng bằng ngoại ngữ mà họ không hiểu.

Bản phúc trình kể thêm một vài trương hợp người Việt được vận chuyển đến Anh Quốc qua ngả Nga rồi đường bộ băng ngang Âu Châu, để trồng cần sa. Các nạn nhân này được hứa hẹn lương rất cao nên đã chịu những phí tổn lên đến 32,000 đô la.

Bản phúc trình cũng đề cập đến một số phụ nữ được thuê để mang bầu đẻ con cho một số người ở Thái Lan.

Không những bị lừa gạt đi bán dâm hoặc cưỡng bách lao động tại các nước khác, phụ nữ và trẻ em Việt Nam còn bị lừa gạt bán dâm hoặc cưỡng bách lao động ngay trong nước mình.

Bản phúc trình đề cập đến tình trạng cưỡng bách lao động tại các trung tâm cai nghiện nhưng nhà cầm quyền Hà Nội phủ nhận.

Trẻ vị thành niên Việt Nam bị bán cho những tổ chức phục vụ tình dục bệnh hoạn đặt tại Cam Bốt dành cho các du khách đến từ Nhật, Nam Hàn, Anh Quốc, Úc, Âu Châu và cả Hoa Kỳ nữa.

Phúc trình cho biết nhà cầm quyền CSVN tuy có làm luật chống buôn người nhưng “không hoàn toàn tuân thủ theo các tiêu chuẩn tối thiểu để trừ diệt tệ nạn buôn người”. Bản phúc trình cho rằng Hà Nội cần phải có những luật mới chống buôn người với các cơ chế cần thiết để bảo đảm mọi hình thức buôn người đều bị cấm đoán và trừng phạt.

“Trong khi nhà cầm quyền CSVN chứng tỏ có một số cố gắng đối phó với nạn buôn người phục vụ mãi dâm xuyên quốc gia, họ cũng chứng tỏ không có các cố gắng thi hành luật đầy đủ để chống mọi hình thức buôn người trong năm được phúc trình (2011), bao gồm luôn cả nạn buôn người cưỡng bách lao động”, phúc trình của Bộ Ngạoi Giao Hoa Kỳ viết.

Một số tổ chức nhân quyền người Việt ở hải hoại từng trợ giúp pháp lý cho hàng trăm công nhân Việt Nam bị bóc lột sức lao động ở Mã Lai và Trung Ðông. Chế độ Hà Nội có tòa đại sứ hoặc đại diện ngoại giao ở những nước đó nhưng quay mặt đi.

“Luật lệ hình sự CSVN không có những điều khoản trừng phạt đích xác các tội buôn người. Trong năm (2011) nhà cầm quyền CSVN báo cáo truy tố hầu hết các vụ buôn người lao động không theo điều 119 (buôn bán phụ nữ) mà lại chỉ theo các điều khoản trừng phạt lừa gạt theo luật lệ lao động mà như vậy, lại không có truy tố hình sự về tội buôn người”, bản phúc trình Bộ Ngoại Giao Mỹ viết.

Theo bản phúc trình này, năm 2011, chế độ Hà Nội đã đưa ra nước ngoài 85,000 công nhân “xuất khẩu lao động” tại 40 nước và lãnh thổ khắp thế giới. Tổng số người Việt Nam đang lao động ở các nước khác trong năm qua ước lượng khoảng 500,000 người.

“Không biết các thỏa thuận ký giữa Việt Nam và các nước nhận người lao động Việt Nam có các điều khoản chống buôn người hay không và có bảo vệ các nạn nhân của các vụ buôn người hay không”, phúc trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ viết. “Nhiều phái bộ ngoại giao (CSVN) bị cáo buộc là lờ các khiếu nại của công nhân khi người ta kêu cứu là bị bóc lột, bị hành hạ hay là nạn nhân của vụ buôn người.”

Theo bản tin báo điện tử VNExpress ngày 27 tháng 4 năm 2012, trong khoảng thời gian 5 năm từ 2007 đến 2011 “cả nước xảy ra gần 2,600 vụ buôn bán người, với gần 5,800 nạn nhân, tăng gấp 3 lần so với 6 năm trước. Trong đó, hơn 60% nạn nhân bị bán sang Trung Quốc, 11% sang Campuchia, số còn lại bán sang Lào, qua tuyến đường biển, hàng không tới một số nước khác”.

@NguoiViet

Phác thảo chân dung người Việt ở Mỹ

cử tri gốc Việt bỏ phiếu cho Dân chủ và Cộng hòa ngang nhau, theo khảo sát này

Một nghiên cứu lớn về cộng đồng người gốc Á tại Mỹ cho hay số lượng cử tri người Việt theo đảng Cộng hòa hay Dân chủ hiện ngang nhau.

Để so sánh, 50% người Mỹ gốc Á theo đảng Dân chủ và chỉ có 28% theo Cộng hòa.

Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Pew, công bố hôm 19/6, cho hay 35% người Mỹ gốc Việt bỏ phiếu hoặc có xu hướng bầu cho đảng Cộng hòa, trong khi 36% theo Dân chủ.

Đây là một nghiên cứu công phu về người gốc Á tại Mỹ của một tổ chức đặt ở Washington, thường được tin cậy về các đánh giá xung quanh tình trạng nhập cư lậu.

Họ làm khảo sát với 3,511 người thuộc sáu nhóm người gốc Á lớn nhất – người Hoa, Philippines, Ấn Độ, Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản.

Cộng đồng người Việt đứng thứ tư trong các nhóm Á châu, với hơn 1,7 triệu người, chiếm 10% trong tổng số người Mỹ gốc Á.

Lạc quan

Nghiên cứu này cho biết người Mỹ gốc Việt là cộng đồng lạc quan, với 83% người được hỏi nói rằng có thể thăng tiến nếu chịu khó.

48% nói con cái của họ sau này sẽ có đời sống tốt hơn.

Thu nhập trung bình của một hộ gia đình người Việt là 53,400 đôla. Toàn bộ cộng đồng gốc Á có thu nhập hộ gia đình là 66,000 đôla, trong khi một hộ gia đình trung bình ở Mỹ chỉ có thu nhập 49,800 đôla.

Trong số người trên 25 tuổi, chỉ có 19% người Việt có bằng đại học, và 7% có bằng cấp cao hơn. Còn trong cộng đồng gốc Á, nhìn chung 29% có bằng đại học; còn tính cả nước Mỹ, 18% người Mỹ có bằng đại học, và 10% có bằng cao hơn.

Chỉ có 31% người Việt trên 18 tuổi nói tiếng Anh “rất tốt”, so với 53% người Mỹ gốc Á.

84% người Mỹ gốc Việt trên 18 tuổi là sinh ra ngoài nước Mỹ.

Thống kê cũng cho biết 57% người Mỹ gốc Việt có gia đình, so với 51% người Mỹ.

Nếu tính số lượng đăng ký kết hôn từ 2008 đến 2010, 73% Việt kiều lấy người gốc Việt, còn 9% lấy người gốc Á, và 18% kết hôn với người sắc dân khác.

‘Không phải Mỹ’

Khoảng một nửa người Mỹ gốc Á nói họ rất khác với một người Mỹ ‘đúng nghĩa’. Có đến 52% người gốc Hoa, 57% người gốc Ấn và 61% người gốc Việt có cảm giác này.

Nghiên cứu của Pew nói 18.2 triệu người gốc Á đã trở thành nhóm thiểu số tăng mạnh nhất, và hiện chiếm 6% dân số Mỹ.

Người gốc Ấn có tỉ lệ tốt nghiệp đại học cao nhất (32%) và có thu nhập hộ gia đình cao nhất (88,000 đôla).

Cộng đồng người gốc Hoa chiếm số lượng lớn nhất với hơn 4 triệu người. 25% người Mỹ gốc Hoa có bằng đại học, và 26% có bằng cao hơn.

Thu nhập trung bình của hộ gia đình gốc Hoa là 65,050 đôla.

Nghiên cứu cho biết người gốc Việt là nhóm duy nhất đến Mỹ chủ yếu trong tư cách tị nạn chính trị. Các nhóm khác tâm sự họ đến Mỹ chủ yếu vì lý do kinh tế, giáo dục và gia đình.

@bbc

KD – Con đường Việt Nam hãy cứ là phong trào, đừng là tổ chức!

Riêng tôi thì tôi không nghi ngờ, mà tin rằng những kẻ vụ lợi trong hàng ngũ chính quyền rồi sẽ muốn PT CĐVN trở thành “bể chứa” họ sau sự tan rã của XHCN CSVN.  Nhưng đồng thời cũng nghĩ rằng, chứa hay không chứa là tùy vào động thái của họ sau khi “té nước theo mưa” và sự phản ứng của phong trào đối với họ.

****

Mấy ngày qua, theo dõi đã nhiều, tài liệu và những bài viết trên trang blog CĐVN cũng đã đọc. Sau đây là một vài nhận xét riêng của tôi về PT CĐVN:

Về tài liệu thì thư phát động, cương lĩnh, mục tiêu, tôn chỉ, phương hướng, và những bài viết trên CĐVN blog có tính chất nhân bản, dân chủ, không hận thù, đầy tinh thần dân tộc chứng tỏ tác giả phải là người có tâm và có tầm.  Hơn nữa, lá thư của bác Trần văn Huỳnh đã đánh tan mọi nghi vấn ban đầu về người chủ xướng.   Tuy có phần nhập nhằng giữa phong trào và tổ chức cần phải làm rõ, tôi vẫn thấy nó được viết rất đầy đủ và có giá trị riêng khi tách rời khỏi người viết.

Về mục tiêu, PT CĐVN đã đi đúng với phương châm “tự lực khai hóa” và tư tưởng dân quyền của phong trào Duy Tân đáng lẽ đã phải được bắt đầu từ lâu để đất nước hưng thịnh (nhưng rất tiếc ĐCSVN lại vùi chôn nó để xây dựng XHCN).  Người Việt đã từng cậy nhờ vào ngoại bang.  Kểt quả ra sao? Giờ đây chẳng lẽ lại trông chờ vào ngoại bang?  Ai lại muốn giúp đỡ và tôn trọng một người không muốn tự tranh đấu cho bản thân mình nếu không có chủ đích lợi dụng phía sau?  Theo tôi, PT CĐVN còn thiết thực hơn phong trào tranh đấu vì Dân Chủ cho VN (PT DCVN) vì nó không bắt đầu từ những khái niệm mơ hồ đối với người Việt hiện nay như xã hội Dân Chủ, quyền bày tỏ bất đồng chính kiến, quyền lập đảng phái chính trị.  Thay vào đó, PT CĐVN bắt đầu từ quyền được sống trong một xã hội công bằng, quyền được đại diện và xét xử công minh trước những tranh chấp pháp lý, quyền làm người để được tôn trọng, không bị đánh đập và bóc lột để làm giàu cho kẻ khác.  Nó bắt đầu bằng cách đánh động sức mạnh của một quốc gia:  người dân và nung núc lòng tự tin của họ (qua sự đoàn kết của phong trào).

Về hình thức hoạt động, gọi đó là một phong trào không theo phương hướng chính trị là một hành động đúng vì phong trào khác với tổ chức, nó không cần lãnh tụ (lãnh tụ = lãnh án tù), nó không cần cấp bậc ngôi vị chặt chẽ như đảng phái chính trị nên không cần ai phải nghe lệnh ai, chỉ cần hưởng ứng nếu thấy phương thức thích hợp để cùng tiến đến mục tiêu chung của phong trào.  Tôi cho rằng mọi nghi vấn bắt đầu ở việc thư mời kêu gọi tham gia thay vì kêu gọi hưởng ứng.  Với lời kêu gọi “hãy tham gia làm người sáng lập, quản trị, điều hành, thành viên” của phong trào, tôi đồng tình với người sáng lập, và thành viên.. nhưng tôi nghĩ ở thời điểm bắt đầu, không cần thiết phải có quản trị và điều hành.  Khi cả đảng phái chính trị muốn hưởng ứng phong trào, theo đuổi mục tiêu chung bằng phương pháp riêng (miễn không trái ngược với quy chế) làm sao có thể quản trị và điều hành họ?  Trong lúc này, bắt đầu bằng cách sử dụng phong trào như một kim chỉ nam có tốt hơn không?  Những người có khả năng và có nhiều đóng góp, mức uy tín của họ sẽ gia tăng và ý kiến của họ sẽ được hưởng ứng mạnh thêm thôi.

Về quá trình hình thành, tôi tin đây là một bước đi đã được dự định trước của ba anh Thức-Định-Long. Nếu phải đoán bừa, tôi đoán 3 anh đã không nghĩ mình lại phải vào tù trước khi phát động phong trào này.  Việc anh Lê Thăng Long nhận tội, tôi thà võ đoán anh sử dụng khổ nhục kế nhận tội để được ra tù nhằm mục đích phát động phong trào còn hơn nghi ngờ việc khác.  Tuy anh Long đã đích thân phát động phong trào, có người vẫn nghi ngờ về sự tham dự của 2 anh Thức và Định, nếu người phát động không phải 1 trong 3 anh, thì sao nữa?  Theo tôi đoán thì anh Long rồi cũng sẽ trở lại vào tù.  Anh Thức và Định thì đã bị định tội rồi và đang thọ án, chính quyền khó có thể lôi họ ra và gán thêm vài năm lên bản án nữa.  Tôi nghĩ nếu 3 anh phát động phong trào trước khi bị kêu án thì bản án sẽ còn nặng hơn.  Dù bước đi này có được tính trước hay không, cũng xin được “ngây thơ” tin các anh có tài mưu lược.  Các anh còn có lòng can đảm hy sinh, dùng bản thân để vạch một con đường cho dân tộc theo tinh thần của hai cụ Phan.

Về danh sách mời và cách thức mời tham gia (phải chi gọi là hưởng ứng nhỉ), tôi thấy rằng một phong trào không thiên về đường lối chính trị thì chen lẫn thành phần Đảng viên ĐCS cũng là lẽ thường tình.  Nếu không thì trước sau bất nhất.  CĐVN nào phải con đường mới lạ gì, “gia tăng hiểu biết để tự tin làm giàu cuộc sống” nào phải là chuyện mới lạ gì?  Có lạ chăng thì lạ ở chỗ nó trở thành một phong trào, người người không ngại nói ra mình đang theo đuổi mục đích đó, không ngại giúp đỡ người khác cùng theo đuổi.  Tôi cho rằng âm thầm mời riêng mới là hạ sách, làm sao có thể gia tăng lòng tự tin của dân tộc, nâng cao dân trí bằng cách âm thầm làm, nhất là khi chuyện mình làm có trái pháp luật, trái đạo đâu.  Huống chi trước cường quyền, chuyện gì không công khai chuyện đó sẽ dễ bề đâm thọc để gây chia rẽ.  Chuyện “công khai, bán công khai” này xin nhường cho bác Đinh Tấn Lực viết.  Tôi cũng có vài thắc mắc về những người không có mặt trong danh sách đó, nhưng nghĩ lại, việc bác Long nhớ tới ai, biết ai, mời ai, là chuyện của bác ấy.  Đối với tôi không quan trọng mấy.

Về phía chính quyền, tôi đoán rằng họ đang án binh bất động vì hai khả năng: (1)  Họ không biết về nước cờ phát động phong trào này và đang bất ngờ chưa biết ứng xử.  Hơn nữa, còn phải chờ mấy khách mời “bự” trong danh sách lên tiếng trước đã.   (2) Họ biết và lợi dụng nó với lý do (2a) tiêu diệt trọn ổ các mối họa; (2b) làm thước đo để quyết định cải cách nhân quyền toàn diện hay tiếp tục đàn áp bạo trị (2c) gây tranh cãi, hạ uy tín trí thức và các tổ chức tranh đấu.

Tôi tin vào khả năng (1) hơn nhưng không thể không nghĩ đến (2).  (2a) là một nước cờ xấu, người nào nguy hiểm, chính quyền đã biết và cho nằm trong sổ bìa đen rồi, còn cuốn sổ nào đen hơn nữa? Vu khống và ám toán ư? Xin tìm đọc còm của bạn Hùng Quân trong bàiChuyện Lạ Thứ Ba của tác giả Huỳnh Ngọc Chênh.  (2b) là một chuyện có khả năng xảy ra rất ít, nếu được thì quý hóa quá, tôi không đặt hy vọng mấy vào khả năng này.  (2c) Nếu phải là 2, khả năng 2c là cao nhất.  Là 2c hay không là 2c thì kết quả mấy ngày qua vẫn vậy.   Trừ trường hợp (2a) báo hiệu sự giẫy chết quyết liệt của chế độ bạo quyền. Người trong nước có quyền nghĩ đến và nhẹ nhàng từ chối vịn theo lời mời “tham gia” vì nó khác với “hưởng ứng”, chính quyền có thể dựa vào các chức vị trong đó mà gọi nó là tổ chức rồi gán hai chữ phản động vào như thường lệ (2a), (2b) hay (2c) đều không ảnh hưởng nặng đến người ở hải ngoại.  Với (2b) và (2c) riêng mà nói thì biện pháp đối phó phải là “ùn ùn hưởng ứng phong trào”.

Trên đây là những nhận xét cá nhân của tôi.   Có thể đúng, có thể sai, có thể khác với nhiều người có kinh nghiệm với CS và tin rằng lịch sử vẫn có thể tái lập dễ dàng.  Tôi cho rằng lịch sử có  tái diễn hay không sẽ không định đoạt được bằng khả năng lẫn tránh, mà bằng khả năng đối phó.  Xin miễn tranh cãi vì không muốn rơi vào bẫy 2c, nếu có.  Trong trường hợp chẳng ai giăng bẫy mà tình nguyện nhảy vào thì càng quờ quạng hơn nữa.

Xin bày tỏ lòng kính phục với ba anh Định-Thức-Long và bác Trần Văn Huỳnh.  Rất ngưỡng mộ tinh thần, khả năng, sự can đảm và hy sinh của các vị.  Khi những người chủ xướng phát động phong trào mãn hạn tù hết, cục diện sẽ có thay đổi rồi.   Phong trào này chỉ có thể thất bại nếu mọi người không dám công nhận rằng mình cũng đang theo đuổi các mục tiêu trong đó, quyết định lặng im như nó chưa hề xảy ra.

Nếu muốn có được đông đảo người hưởng ứng, những người khởi xướng hiện nay cần phải rõ ràng hơn một chút giữa phong trào và tổ chức.  Con Đường Việt Nam hãy cứ là phong trào.  Đừng là tổ chức.  Trong phong trào, mọi người ngang nhau, phiếu bầu có giá trị bằng nhau.  Như một bạn đọc đã góp ý đâu đó “phong trào sẽ tự sinh lãnh tụ”.  Việc những kẻ mưu toan, vì lợi ích riêng, gian xảo có chỗ đứng hai không trong phong trào, thì còn tùy vào việc những người hưởng ứng phong trào có đi sát mục tiêu đã đặt ra, có đặt uy tín trên quyền lực và lợi ích cá nhân, đảng phái của mình hay không.

Những nhận xét này viết trước khi và post sau khi đọc bài Chọn Đường của nhà văn Phạm Thị Hoài.  Ai đọc xong bài này cũng nên sang đọc bài Chọn Đường được viết rất hay với những băn khoăn rất đúng tình lý.  Một cách khước từ rất nhã nhặn.  Hy vọng những băn khoăn trong bài này sẽ được trả lời rõ ràng sớm.

Riêng tôi thì tôi không nghi ngờ, mà tin rằng những kẻ vụ lợi trong hàng ngũ chính quyền rồi sẽ muốn PT CĐVN trở thành “bể chứa” họ sau sự tan rã của XHCN CSVN.  Nhưng đồng thời cũng nghĩ rằng, chứa hay không chứa là tùy vào động thái của họ sau khi “té nước theo mưa” và sự phản ứng của phong trào đối với họ.  Theo tôi thì phong trào chỉ có chỗ cho họ chuộc lại lỗi lầm (đã nhúng tay hoặc đã làm ngơ cho đồng bọn đàn áp nhân quyền) mà thôi, chứ không thừa chỗ cho họ lấy lại đủ mức uy tín để tiếp tục độc quyền lãnh đạo hay tái dựng một XHCN đổi màu. Lý do là vì ĐCSVN đã và đang chà đạp thậm tệ lên nhân quyền, đồng thời cũng đi trái với phương châm khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh sau mấy mươi năm cầm quyền.  Dung túng họ thái hóa trong phong trào ở chức vị lãnh đạo sẽ làm mất đi ý nghĩa của Con Đường Việt Nam này.

19/6/12
KD

@Danluan

Phạm Thị Hoài – Chọn đường

Sự từ chối rất nhã nhặn và khôn khéo.

Nghi ngờ và đứng ngoài PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM ?

Phạm Thị Hoài
Theo Pro & Contra
Là một trong những người được mời tham gia đồng sáng lập Phong trào Con đường Việt Nam, trước hết tôi xin cảm ơn sự tin cậy của nhóm khởi xướng. Tôi tin rằng những nỗ lực riêng của các cá nhân đã góp phần vào sự trưởng thành và tiến bộ của xã hội Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, song những chuyển biến nền tảng, đặc biệt là chuyển biến về mô hình chính trị, để giải quyết những vấn nạn lớn của xã hội này cần sự hình thành và phát triển của những tổ chức, đảng phái và phong trào vận động xã hội. Tôi luôn vui mừng trước những tín hiệu về sự xuất hiện của những phong trào như thế và đương nhiên cũng đầy lo âu vì hiểu rõ rằng đối tượng được ưu tiên đàn áp trong một nhà nước toàn trị không phải là các anh hùng cá nhân, mà là những mầm mống của tổ chức. Vì vậy, tôi dành rất nhiều thiện cảm cho sự kiện Phong trào Con đường Việt Nam ra đời và đánh giá cao tính công khai của nó, phẩm chất cần thiết cho một phong trào chính danh và theo tôi là phù hợp với đặc điểm của thời đại chúng ta đang sống. Tôi cũng ngưỡng mộ sự sắc sảo và phong cách ôn hòa trong những bài viết của ông Lê Công Định, người được công luận biết đến nhiều nhất trong nhóm khởi xướng, và kính trọng sự dấn thân của cả ba thành viên nhóm khởi xướng, những người đã đánh đổi vị trí xã hội thành đạt của mình lấy tổng cộng gần 25 năm tù chưa kể thời gian quản chế, trong khi tuyệt đại đa số chúng ta, kể cả những người đang sống ở các xứ tự do như tôi, không sẵn sàng trả một cái giá thấp hơn thế rất nhiều nhưng có thừa lí do chính đáng để biện minh.

Với tất cả cảm tình và sự trân trọng, tôi xin phép nêu ra đây những băn khoăn của mình về phong trào Con đường Việt Nam và mong rằng sự thẳng thắn này được ghi nhận như dấu hiệu đáp lại sự tin cậy nói trên.

1. Cương lĩnh và mục tiêu

Cương lĩnh hành động của Phong trào dựa trên tác phẩm Con đường Việt Nam [1] do ông Trần Huỳnh Duy Thức và Nhóm Nghiên cứu Chấn chủ trương. Nhưng tác phẩm này mới hoàn thành phần I, tức phần giới thiệu mục đích và bố cục dự định của cuốn sách. Có thể loại trừ khả năng là hai trong số các tác giả chính, ông Trần Huỳnh Duy Thức và ông Lê Công Định, đã hoàn thiện công trình này trong nhà tù Việt Nam. Như thế, có thể coi là phong trào dựa trên một cương lĩnh hành động còn bỏ dở không?

Trong khi đó lại có một tác phẩm khác, không cùng nội dung, bố cục cũng khác hẳn và giọng văn hoàn toàn khác, nhưng cũng mang tên Con đường Việt Nam do ông Nguyễn Sĩ Bình, Trưởng Ban Thường vụ Đảng Dân chủ Việt Nam, chủ biên và ra mắt năm 2010 [2]. Quan hệ giữa hai Con đường Việt Nam khác nhau này nên được làm sáng tỏ, nhất là khi ông Nguyễn Sĩ Bình – đáng ngạc nhiên là không đứng trong danh sách nói trên, sau đây xin gọi là Danh sách Lê Thăng Long – đóng vai trò then chốt trong vụ án, sau đây xin gọi chung là Vụ án Lê Công Định, đã đưa nhóm khởi xướng Phong trào vào tù và tình tiết cuộc họp mặt giữa ông Nguyễn Sĩ Bình với các ông Lê Công Định và Trần Huỳnh Duy Thức tại Phuket tháng 3.2009 để thảo luận về việc viết chung một cuốn sách mang tên Con đường Việt Nam được đánh giá như một bằng chứng phạm tội nghiêm trọng. [3]

Những tài liệu mới công bố trên website của Phong trào, theo lời thân phụ của ông Trần Huỳnh Duy Thức được gia đình tìm thấy hơn một năm về trước, theo tôi là một tập hợp tương đối lỏng lẻo của những lời tuyên bố, kêu gọi, giải thích và phác thảo nghiên cứu với những thông điệp rất tốt đẹp nhưng rất chung chung như bảo vệ quyền con người, chấn hưng dân tộc, vì hòa bình thế giới… Tôi chưa tìm thấy ở đây những kiến giải mang tính đột phá, có thể khắc họa diện mạo riêng của Phong trào. Điểm riêng duy nhất của Phong trào, theo cảm nhận của tôi là sự nhấn mạnh yếu tố dân tộc, song cách khai thác yếu tố này lại khiến tôi ít nhiều dị ứng hơn là chia sẻ. Tôi không tin rằng những Tuyên ngôn Lạc Hồng, minh triết Lạc Hồng, cương lĩnh Lạc Hồng, sấm Lạc Hồng, hồn thiêng sông núi Lạc Hồng… có thể là bí quyết cho sự thành công của con đường Việt Nam.

2. Vấn đề đảng phái

Tuy xác định Phong trào “không phải là một đảng chính trị hoạt động nhằm tìm kiếm nhiệm kì cầm quyền tại Việt Nam”, nhưng lí lịch chính trị của chính các thành viên nhóm khởi xướng rất nên được minh bạch, nhất là khi thông tin về sự tham gia đảng phái cũng như dự định cầm quyền của họ [4] cho đến nay khá nhiễu loạn, không giúp những người muốn tham gia có thể định hướng và khó gây được niềm tin.

Theo các lời nhận tội do truyền thông nhà nước công bố, ông Lê Công Định và ông Trần Huỳnh Duy Thức đã kết hợp với ông Nguyễn Sĩ Bình để chuẩn bị cho sự ra đời của hai đảng chính trị là Đảng Lao động và Đảng Xã hội. Đồng thời, ông Nguyễn Sĩ Bình chính thức xác nhận ông Lê Công Định là Tổng thư kí, ông Trần Huỳnh Duy Thức và ông Lê Thăng Long là những chí hữu và cộng sự của Đảng Dân chủ [5]. Bản thân ông Nguyễn Sĩ Bình lại từng là Chủ tịch Đảng Nhân dân Hành động trước khi chuyển sang lãnh đạo Đảng Dân chủ [6].

Như vậy, có đến bốn đảng chính trị xuất hiện trên sân khấu hoạt động của vỏn vẹn ba người khởi xướng Phong trào, chưa kể Nhóm Chấn của chính họ, một vai phụ thuộc Đảng Việt Tân [7] và một vai còn ẩn trong hậu trường. Vai bí ẩn này chính là đầu mối cho sự lo ngại của những người đã có kinh nghiệm về điều gì có thể xảy ra trong cái hộp đen quyền lực của Đảng Cộng sản. Theo dư luận, vai diễn đó thuộc về những thành phần đổi mầu theo khí hậu chính trị trong chính nội bộ Đảng Cộng sản. Một phong trào như Con đường Việt Nam chỉ có thể ra đời với bàn tay đạo diễn của những thành phần đó. Trong trường hợp Đảng sụp đổ, nó sẽ là bể chứa cho những bộ phận cấp tiến trong Đảng, để nhanh chóng tập hợp lực lượng mới, tránh cho đất nước khỏi rơi vào khoảng chân không quyền lực. Trong trường hợp Đảng tiếp tục cầm quyền, nó sẽ là bể lọc để thanh trừng chính những bộ phận đang âm thầm thúc đẩy cải cách nói trên. Cũng theo dư luận, kế hoạch hai mặt này hình thành trong bối cảnh hậu cộng sản đầu những năm 90, sau khi khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, và tác nhân của nó khi đó lại chính là Đảng Nhân dân Hành động của ông Nguyễn Sĩ Bình.[8] Trường hợp 1 chưa bao giờ xảy ra. Trường hợp 2 được đánh giá là đã xảy ra, với Vụ án Nguyễn Sĩ Bình năm 1992 và Vụ án Lê Công Định năm 2009. Trong bối cảnh đó, thái độ hoài nghi và cảnh giác cao độ của rất nhiều người quan tâm đến thế sự đối với sự ra đời của Phong trào Con đường Việt Nam là tất yếu, nhất là khi những thông tin không thể kiểm chứng về những biến động trong hậu trường của chính quyền Việt Nam xuất hiện gần như cùng một lúc với lời phát động Phong trào những ngày vừa qua.

3. Tọa độ chính trị

Ngay cả trong trường hợp có chung một mục đích lâu dài thì các tọa độ chính trị ở quá xa nhau cũng không thể đạt tới một đồng thuận trong những chương trình hành động cụ thể. Thiếu cơ sở để đồng thuận, đoàn kết sẽ không chỉ là một thứ cao dán bách bệnh vô nghĩa mà còn là chỗ bám víu lừa mị và tự lừa mị khi lập luận lâm vào ngõ cụt.

Trong nhiều kiến nghị và thư riêng gửi cho các ông Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng và Nông Đức Mạnh từ năm 2004 đến năm 2007, và đặc biệt trong thư riêng gửi cho ông Nguyễn Minh Triết trước khi bị bắt, ông Trần Huỳnh Duy Thức cho biết:

“Tinh thần cốt lõi của Con đường Việt Nam là nhìn nhận một cách khách quan và khoa học những yếu kém cốt tử cũng như những thế mạnh tiềm năng của đất nước để phân tích và đưa ra những giải pháp dựa trên những qui luật khách quan nhằm đạt được những mục tiêu theo nhân sinh quan xã hội chủ nghĩa. Các giải pháp này sẽ đưa ra những chiến lược cho đất nước nhằm không những để tránh được sự sụp đổ nặng nề do cuộc khủng hoảng trầm trọng mà còn nhanh chóng vượt lên thành một nước XHCN dân chủ, thịnh vượng. Đồng thời nó cũng sẽ kiến nghị những thay đổi trong phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và mô hình quản lý của nhà nước CHXHCN Việt Nam về kinh tế, chính trị, xã hội để hỗ trợ cho việc thực hiện các chiến lược trên. Những thay đổi này hoàn toàn trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật hiện hành, theo tinh thần pháp chế xã hội chủ nghĩa, và thuận theo qui luật khách quan nên sẽ hợp lòng dân.”
Tinh thần này cũng được trình bày trong phần giới thiệu tác phẩm Con đường Việt Nam chưa hoàn thành của ông Trần Huỳnh Duy Thức và Nhóm Chấn và một lần nữa được khẳng định trong đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của ông gửi Tòa án Nhân dân Tối cao ngày 01.2.2010. Tại đây, ông Trần Huỳnh Duy Thức lí giải việc ông muốn kiến nghị và cảnh báo với Đảng về nguy cơ từ những kẻ cơ hội, vì ông “ý thức rất rõ ràng và chắc chắn rằng nếu Đảng Cộng sản Việt Nam bị suy vong thì đất nước Việt Nam sẽ bị thôn tính biến thành nô lệ”, đồng thời ông chỉ muốn “kiến nghị với Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam cho phép những người không phải đảng viên được tham gia điều hành đất nước”, chứ “tuyệt đối không hề bàn, cũng không hề đề cập gì đến việc thay đổi hiến pháp hay điều 4 hiến pháp gì cả.”

Một cách ngắn gọn, nếu Phong trào Con đường Việt Nam do ông Lê Thăng Long thay mặt cả nhóm khởi xướng phát động dựa trên cương lĩnh và tinh thần đó thì tọa độ chính trị của nó chẳng những không đối lập mà còn rất gần gũi với Đảng Cộng sản, đương nhiên đó là một “Đảng Cộng sản của những người chân chính cấp tiến, lực lượng duy nhất có thể tập hợp sức mạnh của nhân dân”, như ông diễn đạt trong đơn kháng cáo. Lực lượng đảng viên cộng sản chân chính cấp tiến đó được ông Trần Huỳnh Duy Thức gọi là “lực lượng thứ ba”. Con đường Việt Nam mà ông để xuất cũng có thể được coi là “con đường thứ ba”, một chủ nghĩa xã hội cải cách dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản sáng suốt và cởi mở [9], cho phép cả những người ngoài Đảng như các thành viên Nhóm Chấn tham gia điều hành đất nước.

Giải pháp chính trị đó cho Việt Nam của Phong trào không có gì là bất ngờ. Bất ngờ là sự trừng phạt của Đảng Cộng sản dành cho nhiều thiện chí và niềm tin gửi vào mình như vậy, và qua đó nó gieo thêm một hạt hoài nghi nữa vào mảnh đất tiếc thay đã đầy những nghi kị, tố giác, sợ hãi và thậm chí cả những lời sỉ nhục, nơi mà Phong trào chọn làm chỗ sinh trưởng.

Số đông trong Danh sách Lê Thăng Long, theo cảm nhận của tôi, có thể chia sẻ giải pháp chính trị này ở những mức độ khác nhau. Cá nhân tôi coi “con đường thứ ba” này là ảo tưởng.

4. Thuế tư cách

Lời nhận tội và xin khoan hồng của ba người trong nhóm khởi xướng vẫn bám theo Phong trào Con đường Việt Nam như một bóng đen xấu xí [10]. Trước họ và sau họ, chắc chắn còn có nhiều lời nhận tội khác, trong những hoàn cảnh khác. Sống tại Việt Nam, ai có thể khẳng định mình chưa bao giờ phải cắt một phần tư cách của mình nộp cho chính quyền? Có người mới tự thiến một mảnh nhỏ. Có người đã xẻo đến phân cuối cùng và không còn một tư cách nào nữa. Song những người đã ấp ủ và quyết tâm khởi xướng một phong trào chính trị để thay đổi chính xã hội ấy, những người muốn hay không sẽ đóng vai những biểu tượng, có nên đóng thuế tư cách, như các ông Lê Công Định, Lê Thăng Long, và phần nào ông Trần Huỳnh Duy Thức đã làm hay không?

Tiết lộ của ông Lê Thăng Long về kế hoạch nhận tội để ông sớm được ra tù và tiếp tục gây dựng phong trào, để ông Lê Công Định cũng sớm được ra tù và ra nước ngoài hoạt động, trong khi ông Trần Huỳnh Duy Thức “tiếp tục kiên định để khẳng định sự đúng đắn và chính nghĩa của việc làm của mọi người” quả nhiên đã khiến tôi xem lại những đoạn băng ghi cảnh họ đọc lời nhận tội với một con mắt khác, song kế hoạch đóng thuế tư cách ấy vẫn là một con dao hai lưỡi. Bởi lẽ, điều mà nhà nước toàn trị này muốn đạt được, bằng tất cả mọi phương tiện, là sự cúi đầu tuân phục của chúng ta. Nhóm khởi xướng sẽ có lời khuyên nào cho những người tham gia sáng lập Phong trào trong trường hợp họ bị bắt: Cúi đầu nhận tội, hay ngẩng cao đầu kiêu hãnh?

Tôi xin dẫn một câu nói của Albert Einstein để kết thúc: Các chế độ độc tài sinh ra và được dung dưỡng, bởi chúng ta đã đánh mất cảm giác về tư cách và về quyền có một nhân cách.

Vì những băn khoăn này, tôi xin phép chưa quyết định việc tham gia Phong trào Con đường Việt Nam.

© 2012 pro&contra

__________________