Dân Nghệ An đóng tàu đưa người vượt biên
BÀ RỊA – VŨNG TÀU (NV) – Thêm một con tàu đưa người vượt biên dự định xuất phát tại Vũng Tàu hướng tới Úc bị khám phá vào đêm 25 tháng 6. Có ít nhất 25 người bị bắt trong vụ này.
|
Tàu đưa người vượt biên sang Úc bất thành. (Hình: Vietnam net) |
Báo mạng VietnamNet cho biết, đó là một chiếc tàu đánh cá do một cư dân Cần Thơ làm thuyền trưởng tên Nguyễn Ngọc Lợi 52 tuổi. Ông Lợi cho tàu neo đậu tại bãi Dâu thuộc thành phố Vũng Tàu, chứa đầy vật dụng, nhu yếu phẩm chuẩn bị cho cuộc hành trình vượt biển.
Cuộc điều tra ban đầu nói rằng người cầm đầu đường dây vượt biên này cũng đã bị bắt. Ông cho biết tên Nguyễn Văn Kính 46 tuổi, cư dân Nghệ An.
Ông Kính nhìn nhận tính đưa 25 người vượt biên sang Úc để tìm kiếm sự “đổi đời.” Ông Kính và ông Lợi cho biết mỗi người phải nộp cho hai ông khoảng 11,000 đến 14,000 đô la mới được lên tàu.
Trong khi tàu còn neo đậu tại bãi Dâu thì đã có 10 người trú ngụ dưới khoang tàu. Tất cả đều bị công an bắt giữ. Khoảng 15 người khác chuẩn bị xuống tàu cũng bị bắt rải rác tại nhiều nơi khác.
Theo VNEpress, tổ chức đưa người vượt biên sang Úc lần này được tổ chức khá tỉ mỉ. Hai ông Kính và Tương đã bí mật móc nối, kiếm người ra đi. Khi nhận được tiền của họ, cả hai mới mua một chiếc tàu đánh cá, thuê người lái tàu, và dự tính xuất phát tại bến Ðình, Bãi Dâu mang theo 25 người khác.
Không may, kế hoạch không thành, tất cả 25 người tham gia đường dây đều bị bắt.
Trước đó, khoảng đầu tháng 11 năm 2011 cũng đã có một đường dây đưa người vượt biên bị lộ tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Hai người cầm đầu đường dây cũng là cư dân Nghệ An tên Nguyễn Ðình Chiến và Nguyễn Văn Sơn. Hai ông này cùng với ông Nguyễn Văn Toán, cư dân huyện Long Ðiền, Vũng Tàu cùng hoạch định và thực hiện kế hoạch đưa người sang Úc.
Nghe đâu trước đó cả ba người đã tổ chức ba lần ra khơi, đưa khoảng 120 người ra đi trót lọt.
Lần này, họ định đi luôn sang Úc cùng với hàng chục người khác nhưng lại không thành.
————————————————-
Tổng thống Mỹ thuận cho Việt Nam vay tiền mua vệ tinh viễn thông
Tổng Thống Mỹ Barrack Obama hôm Thứ Hai chấp thuận cho Ngân Hàng Xuất Nhập Cảng (Ex-Im Bank) cấp khoản tín dụng $125.9 triệu cho Việt Nam để mua một hệ thống vệ tinh viễn thông và truyền hình do một công ty Hoa Kỳ chế tạo.
|
Vệ tinh Vinasat-2 của Việt Nam phóng lên quỹ đạo ngày 16 tháng 5, 2012. (Hình: Aeriane) |
Hãng tin Reuters thuật theo lời ông Phil Cogan, phát ngôn viên của ngân hàng vừa kể cho biết, khoản tín dụng cần phải được tổng thống chấp thuận vì Việt Nam là một nước cộng sản chứ không phải vì vấn đề kỹ thuật cao đặc biệt nhạy cảm bán cho Việt Nam.
Luật lệ Hoa Kỳ buộc phải có sự chấp thuận của tổng thống khi Ngân Hàng Xuất Nhập Cảng của chính phủ cấp tín dụng nhiều hơn $50 triệu đô la cho một nước cộng sản để bảo vệ lợi ích của nước Mỹ, theo lời ông Cogan.
Sau khi được tổng thống chấp thuận, hợp đồng bán hàng sẽ phải chuyển sang Quốc Hội để thông qua. Quốc Hội Hoa Kỳ có 35 ngày cứu xét và biểu quyết rồi sau đó Hội Ðồng Quản Trị của Ex-Im Bank mới được thuận bán cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Quốc doanh của Việt Nam.
Việt Nam hiện đang có 2 vệ tinh viễn thông. Giữa tháng 5 vừa qua, vệ tinh Vinasat-2 được phóng lên quỹ đạo. Cả hai vệ tinh này đều do công ty Lockeed-Martin của Hoa Kỳ chế tạo.
Lockheed-Martin vừa là nhà cung cấp vệ tinh, vừa là nhà thầu giám sát, cung cấp thiết bị trạm điều khiển, hỗ trợ sau khi phóng vệ tinh cho cả Vinasat-1 và Vinasat-2.
Theo tin thông tấn xã Reuters, hiện chưa biết công ty nào của Mỹ sẽ chế tạo vệ tinh mới cho Việt Nam. Hai vệ tinh viễn thông và truyền hình mà Việt Nam đang có đều do công ty Lockheed-Martin chế tạo. Vệ tinh Vinasat-2 mới được phóng ngày 16 tháng 5, 2012 vừa qua từ một hỏa tiễn của Pháp tại căn cứ ở Guana, Trung Mỹ.
Theo lời ông Cogan, “Chúng tôi hy vọng đây là sự khởi đầu cho những thỏa thuận về phía Việt Nam. Ðất nước đông dân và tăng trưởng nhanh ở Ðông Nam Á này có nhu cầu hạ tầng vô cùng lớn lao từ năng lượng tái tạo đến xa lộ, phi trường và viễn thông.”
Ðược biết, ông Fred P. Hochberg, chủ tịch ngân hàng Ex-Im Bank của chính phủ Mỹ đã hai lần đến Việt Nam để cổ võ bán hàng và xuất cảng. Hiện Hoa Kỳ và Việt Nam cũng đang thương thuyết về một thỏa hiệp tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương.
Vào các ngày từ 5 đến 8 tháng 2, 2012, ông Hochberg đã cầm đầu một phái đoàn kinh doanh tới Hà Nội “thúc đẩy việc cấp tín dụng trị giá gần $1.5 tỉ đô la dành cho các dự án hạ tầng trọng điểm” của Việt Nam, theo bản tin của Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ. Ðược biết, chuyến đi của ông là nhằm thực hiện hai bản ghi nhớ hợp tác kinh tế và cấp tín dụng đã ký kết giữa Ngân Hàng Ex-Im Bank của Mỹ và Ngân Hàng Phát Triển Việt Nam vào các năm 2010 và 2011.
————————————————————
Bắc Kinh gọi thầu tìm dầu thềm lục địa
Việt Nam lên tiếng phản đối nhà cầm quyền Bắc Kinh gọi thầu dò tìm dầu khí ngay trên các vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
|
Bản đồ phân lô dầu khí của Việt Nam tại các khu vực bể trầm tích Nam Côn Sơn và Tư Chính Vũng Mây. (Hình: Internet) |
Hành động của Trung Quốc được xem như thách đố và đối chọi lại đạo luật về Luật Biển mà Quốc Hội CSVN mới thông qua tuần trước.
Hà Nội cũng yêu cầu Bắc Kinh hủy bỏ ngay việc mời thầu này.
Các lời qua tiếng lại cũng như các hành động của Bắc Kinh và Hà Nội từ khoảng một tuần qua báo hiệu những căng thẳng mới trong mối quan hệ giữa hai nước cộng sản anh em liên quan đến chủ quyền biển đảo trên Biển Ðông và tiềm năng dầu khí ở khu vực.
Ngày 23 tháng 6, 2012 Tổng Công Ty Dầu Khí Hải Dương (Cnooc) loan báo mở thầu quốc tế tại 9 lô thuộc các khu vực Trung Kiến Nam (Zhongjianan) (tức khu vực bồn trũng Nam Côn Sơn của Việt Nam), Vạn An (Wan’an) và (Nam Vi Tây (Namweixi) thuộc khu vực bồn trũng Tư Chính Vũng Mây của Việt Nam).
Việt Nam đang khai thác một số mỏ dầu và mỏ khí đốt ở khu vực bồn trũng Nam Côn Sơn suốt từ nhiều năm qua, nay Bắc Kinh ngang ngược loan báo chen tới khai thác. Hành động nguy hiểm và nghiêm trọng này là dấu hiệu có thể dẫn tới xung đột.
“Trước hết cần khẳng định khu vực mà Tổng Công Ty Dầu Khí Hải Dương Trung Quốc thông báo mở thầu quốc tế nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Ðây hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp.” Lương Thanh Nghị, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN nói trong cuộc họp báo hôm Thứ Ba.
Bản tin TTXVN thuật lời ông Nghị nói việc phía Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là “hành động phi pháp và không có giá trị, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia chính đáng của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên, làm phức tạp tình hình và gây căng thẳng ở Biển Ðông.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN “cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái trên, không có hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Ðông và mở rộng tranh chấp, nghiêm túc tuân thủ thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC).”
Các lô dầu khí mà công ty Trung Quốc Cnooc loan báo gọi thầu quốc tế nằm ở độ sâu từ 400 m đến 4,000 m bao trùm một vùng rộng lớn tới 160,124 km2. Theo đó, 7 lô nằm ở khu vực bồn trũng Nam Côn Sơn và hai lô nằm ở khu vực Tư Chính Vũng Mây.
Biển Ðông trên bản đồ thế giới bao trùm một khu vực từ phía Nam Ðài Loan đến eo biển Singapore, diện tích khoảng 3.5 triệu km2.
Hồi tháng 3 vừa qua, Việt Nam đã phản đối Trung Quốc loan báo chuẩn bị dò tìm dầu khí ở khu vực quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam vẫn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi dù đã bị Bắc Kinh cướp từ năm 1974.
Dù có đóng được một dàn khoan tìm kiếm ở độ sâu tới 3,000 m, Trung Quốc hiện vẫn còn phải tùy thuộc phần lớn vào các công ty chuyên về khoan tìm dưới lòng biển của các đối tác ngoại quốc như Husky Energy Inc. (Canada), Chevron Corp. (Mỹ), BG (Anh quốc).
Năm ngoái, Eni SpA, một công ty của Ý thỏa thuận với Cnooc khoan dò dầu khí ở phía Nam Hong Kong khoảng 400km.
Theo ước lượng, tiềm năng dầu khí dưới lòng biển ở khu vực Biển Ðông (Trung Quốc gọi là Nam Hải) rất lớn, khoảng 213 tỉ thùng dầu và 266 ngàn tỉ m3 khí đốt. Ðây là lý do chính giải thích tại sao Bắc Kinh vô cùng hung hăng đòi chiếm phần lớn diện tích Biển Ðông trong khi đất nước của họ nằm hoàn toàn ở phía Bắc.
Khi bị Việt Nam phản đối về việc gọi thầu quốc tế khai thác ở khu vực thềm lục địa Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hồng Lỗi trơ tráo nói “đây là những hoạt động bình thường.” Không những vậy, lại còn kêu gọi kiểu ông nói gà bà nói vịt “Trung Quốc và Việt Nam đã có nhiều thỏa hiệp giữa hai nước về giải quyết các tranh chấp trên biển. Hy vọng Việt Nam tôn trọng các thỏa hiệp này và tránh các hành động có thể làm tình hình phức tạp.”
Cùng một thời gian Cnooc gọi thầu quốc tế, nhà cầm quyền tỉnh đảo Hải Nam của Trung Quốc loan báo cử một nhóm tầu tuần tra gồm 4 chiếc “hải giám” từ cảng Tam Á tiến xuống vùng biển đang tranh chấp với Việt Nam.
Ngày 21 tháng 6, 2012, Quốc Hội CSVN biểu quyết thông qua Luật Biển với các điều khoản khẳng định chủ quyền lãnh thổ với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bắc Kinh lập tức phản đối mạnh mẽ. Ðồng thời, Bắc Kinh cũng loan báo nâng đơn vị hành chánh của “thành phố Tam Sa” lên cấp huyện (prefecture) và cơ sở chính đặt ở đảo Phú Lâm (họ gọi là Vĩnh Hưng đảo).
Tam Sa là gồm ba quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Trung Sa.
Theo tin phổ biến trên một số blogs “lề trái,” một cuộc biểu tình tại nhiều nơi, gồm cả Hà Nội và Sài Gòn, dự trù diễn ra vào ngày Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012 tới đây phản đối Trung Quốc xâm lược biển đảo Việt Nam. Ðây là cuộc biểu tình “tự phát” tương tự như các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xảy ra hồi năm ngoái từ tháng 6 đến tháng 8 từng bị công an CSVN đã đàn áp thẳng tay.