Nội dung lời khai của vợ Trịnh Xuân Thanh tại tòa Đức

Quang cảnh bên ngoài tòa Thượng thẩm Berlin
Quang cảnh khu vực sảnh bên ngoài phòng xử án, Tòa Thượng thẩm Berlin

Sáng ngày thứ Hai ngày 7/5, phiên xử tiếp theo đối với bị cáo Long N. H, nghi phạm tham gia vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, diễn ra tại Tòa thượng thẩm ở Berlin.

Sau phần mở đầu chóng vánh, toà tuyên bố tạm dừng hai lần, lần đầu khoảng 15 phút, và sau đó lại dừng tiếp trong 50 phút theo yêu cầu của luật sư bào chữa cho bị cáo Long N. H. để nghiên cứu hồ sơ.

Vào lúc 10.50, vợ ông Trịnh Xuân Thanh và luật sư xuất hiện trong vai trò nhân chứng.

Phiên tòa ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ nêu nhiều tình tiết mới

Slovakia: ‘VN phải giải thích thỏa đáng vụ Trịnh Xuân Thanh’

Tòa Đức ‘nêu tướng Hưng và nhiều người VN’

“Tôi tên là Trần Dương Nga, năm nay 49 tuổi. Tôi là nhân viên tư vấn tại một công ty cổ phần quản lý đầu tư truyền thông”, Vợ ông Trịnh Xuân Thanh mở đầu phần khai trước tòa.

Sau đó tòa thẩm vấn và kiểm tra chéo xem bà Nga có quan hệ họ hàng gì với người tên là Hải Long (bị cáo), một người tên là Oai (một trong các nghi phạm trong vụ bắt cóc) và ông Đường Minh Hưng (cũng là một trong những người bị nghi là có tham gia vào vụ bắt cóc này).

Phiên xử phúc thẩm ông Trịnh Xuân Thanh trong vụ "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" bắt đầu hôm 7/5/2018 tại Hà Nội
hình ảnhGETTY IMAGES
Phiên xử phúc thẩm ông Trịnh Xuân Thanh trong vụ “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” bắt đầu hôm 7/5/2018 tại Hà Nội

Dưới đây là nội dung phần lời khai trước tòa của bà Nga:

Bà Nga: Tôi sang Đức khám bệnh vào cuối tháng 7/2016. Tôi hiện sống ở Berlin. Tôi nhập cảnh vào Đức cùng ba người con. Sau đó, một người con đã quay trở về Việt Nam, rồi người đó lại trở lại Đức. Đó là người con trai. Lúc mới sang tôi ở tại các khách sạn. Chúng tôi có địa chỉ đăng ký nhưng không ở chỗ đó.

Gia đình tôi sang Đức vì chồng tôi khi đó (hồi 2016) đang có chuyện ở Việt Nam. Chúng tôi bàn với nhau tôi đi trước cùng các con, chồng tôi sẽ đi sau. Chúng tôi không muốn ai biết là chúng tôi ra đi.

Chúng tôi đến Đức vào khoảng ngày 20/8/2016. Chúng tôi không sống tại địa chỉ đăng ký chính thức. Tôi không có đồ đạc cá nhân nào tại địa chỉ đăng ký đó. Chúng tôi thỉnh thoảng có qua lại nhưng không sống tại đó.

Đến đây tòa hỏi lại và bà Nga xin dừng để trao đổi với luật sư. Sau đó bà đổi câu trả lời và nói rằng cũng có lúc bà ở địa chỉ đó.

Tòa: Thời gian từ ngày 18 đến 23/7/2017, bà ở đâu và chuyện gì đã xảy ra vớichồng của bà?

Bà Nga: Hôm 19/7/2017, chồng tôi nói tôi chở anh ấy vào trại tỵ nạn bởi vì anh phải vào đó vài ngày để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn hôm 24/7. Tôi đưa chồng tôi vào đó vào lúc đầu giờ chiều hôm 19/7 rồi tôi quay về.

Đến sáng 21/7 chồng tôi nói tôi đến đón anh ấy tại trại tỵ nạn vào buổi sáng. Tôi chở chồng về, chồng tôi ăn cơm trưa ở nhà. Bốn giờ chiều, tôi lại chở chồng tôi vào trại tỵ nạn. Sáng ngày 23/7/2017, khoảng 9.30 phút sáng, chồng tôi gọi điện nói chuyện với tôi vài phút. Đó là lần cuối cùng chúng tôi nói chuyện với nhau. (Bà Nga nghẹn ngào khi nói đến đoạn này).

Sau đó vài phút, chồng tôi gọi điện cho con gái nói chuyện một chút. Con gái tôi khi đó 5 tuổi. Tôi đứng ở gần đó nhưng không nghe chồng tôi nói chuyện gì với con tôi cả.

Đó là tất cả những gì xảy ra trong những ngày đó.

Tòa: Chồng bà nói chuyện với bà về những chủ đề gì?

Bà Nga: Chúng tôi nói chuyện về gia đình, về con cái.

Tòa: Bà có linh cảm gì có chuyện gì đó đặc biệt hay hệ trọng, hay có thay đổi gì khác lạ ở chồng bà không?

Bà Nga: Không

Tòa: Trong cuộc gọi điện thoại cuối cùng giữa bà và chồng bà, bà có nghe thấy âm thanh gì lạ hay bất thường ở phía sau nơi chồng bà gọi điện thoại, hay có giọng nói gì ở phía đằng sau hay không?

Bà Nga: Không

Tòa: Khi con gái bà nói chuyện với chồng bà, bà có nghe được không?

Bà Nga: Tôi có đứng cạnh nhưng không để ý nghe kỹ. Con tôi có hỏi là bố đang làm gì, đang ở đâu.

Đến sáng 24/7, luật sư và phiên dịch đến giờ hẹn rồi mà không thấy chồng tôi đến. Chúng tôi (gồm cả luật sư, phiên dịch và tôi) đều không biết là anh ấy đang ở đâu, chúng tôi đã liên tục gọi điện thoại nhưng không thấy trả lời. Điện thoại của chồng tôi có đổ chuông nhưng mà không có người bốc máy.

Tới 5 giờ chiều tôi sốt ruột, đến gặp luật sư là bà Schalagenhauf. Và đến khoảng chiều thứ Ba ngày 25/7/2017 là lần đầu tiên tôi được biết tin về chồng tôi bị mất tích.

Khi đó, Sở Cảnh sát Berlin gọi tôi lên nói rằng có vụ xô xát xảy ra ở công viên sở thú Tiergarten và họ nói rằng nghi đó là vụ bắt cóc chồng tôi.

Họ (Sở Cảnh sát) đưa cho tôi chiếc điện thoại của chồng tôi mà họ thu được ở hiện trường.

Bà Petra Schlagenhauf là đại diện của ông Trịnh Xuân Thanh, người bị hại, trong phiên tòa 'bắt cóc ở Berlin'
Bà Petra Schlagenhauf là đại diện của ông Trịnh Xuân Thanh, người bị hại, trong phiên tòa ‘bắt cóc ở Berlin’

Tòa: Trong thời gian đó bà có cảm thấy có hiện tượng gì bất thường ở chồng bà hay không?

Bà Nga: Tôi chưa bao giờ nhận thấy có chuyện gì bất thường ở chồng cả.

Tòa: Bà có nhận được cảnh báo từ ai đó gửi đến  và gia đình bà không?

Bà Nga: Chúng tôi thường xuyên nhận được cảnh báo từ người thân nói rằng chồng tôi có thể bị bắt cóc. Những lời cảnh báo đưa ra là phía Việt Nam thường xuyên cho các phi đội mật vụ từ Bộ Công an tới tìm truy nã chồng tôi. Đặc biệt là trên báo chí ở Việt Nam thì thời gian đó thường xuyên đăng tải những lời tuyên bố là phải bắt bằng được chồng tôi.

Tòa: Bà và chồng bà bắt đầu nhận được những lời cảnh báo đó từ khi nào?

Bà Nga: Tôi không nhớ chính xác thời điểm nhưng mà chắc chắn là sau khi có lệnh nói là Việt Nam truy nã Interpol đối với chồng tôi.

Trước vụ bắt cóc khoảng hơn 10 ngày thì tôi và chồng tôi có gặp một nhóm người Việt Nam, khoảng 5-6 người gì đó tại một sân golf nơi mà chồng tôi và tôi thỉnh thoảng tới chơi.

Họ cũng ra sân golf chơi, đăng ký chơi nhưng thái độ của họ rất là lạ. Có người thì vào để check in với lễ tân, có người thì ngồi ở bàn để xem ipad, có người thì đứng ngay đằng sau lưng chúng tôi.

Đây là một điều rất đặc biệt bởi vì trước khi chúng tôi vào sân golf này chơi thì chúng tôi đã hỏi rất kỹ nhân viên ở đó và họ nói là sân golf đó không có người Việt nào chơi cả. Và đây là lần đầu tiên chúng tôi bắt gặp một nhóm người Việt như vậy. Chồng tôi nói với tôi là những người này trông rất giống người của Tổng cục 2 và chúng tôi đi về ngay lập tức.

Bị cáo Long N. H và luật sư biện hộ trong phiên xử 25/4/2018
hình ảnhGETTY IMAGES
Bị cáo Long N. H và luật sư biện hộ trong phiên xử 25/4/2018

Tòa: Tổng cục Hai là gì?

Bà Nga: Tổng cục Hai là cơ quan tình báo của quân đội Việt Nam, theo như tôi hiểu.

***

Sau phần khai trên, bà Nga được hỏi và trả lời toà về mối quan hệ giữa chồng bà với hai người tên là Vũ và Oai. BBC sẽ sớm tường thuật chi tiết phần nội dung này.

Cuộc thẩm vấn kéo dài đến 11.55 thì thẩm phán chủ tọa quyết định tạm dừng để nghỉ trưa.

Nhà báo Lê Mạnh Hùng, người tham dự phiên tòa ở Berlin hôm 7/5, cho biết tại Tòa Thượng thẩm Berlin, công tác kiểm tra an ninh diễn ra gắt gao hơn những phiên xử trước.

Những người vào tham dự không được mang gì vào trong, và các nhân viên tư pháp bảo vệ mặc cả áo giáp chống đạn.

“Điều này cho thấy việc bảo vệ nhân chứng được đề cao”, ông Lê Mạnh Hùng bình luận.

BBC

Bình luận về bài viết này