Những gương mặt mới trên chính trường Việt Nam

Hình minh họa
Cuối tháng Tư năm 2018, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế tại Viện Yusof Ishak, Singapore, dự báo một số gương mặt mới có khả năng vào Bộ chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Hội nghị trung ương 7 sắp tới đây, đó là các ông Lương Cường, thuộc quân đội, ông Nguyễn Văn Nên, Chánh văn phòng trung ương đảng, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án tòa án tối cao, ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban nội chính, và ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc học viện chính trị Hồ Chí Minh.
Cả năm người này đều thuộc Ban Bí thư trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp giải thích những lý do mà ông dựa vào đấy để đưa ra dự báo nhân sự này.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Cơ sở để đưa ra phán đoán này là vì trong cơ cấu của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện tại, cơ quan cao nhất đưa ra quyết định là Bộ chính trị, còn Ban Bí thư là cơ quan vận hành những công việc hàng ngày của đảng trong thời gian Bộ chính trị và Trung ương đảng không họp.
Trong thành phần Ban Bí thư này có một số người là Ủy viên Bộ chính trị, một số người thì chưa. Theo sự phân tích của tôi thì những người mà chưa phải thuộc Bộ chính trị mà nằm trong Ban Bí thư thì họ giống như là lực lượng dự bị, giống như ủy viên dự khuyết, đợi đến lúc có những thay đổi thì những người này sẽ được đôn lên, tương tự như trong Ban chấp hành trung ương cũng có những ủy viên dự khuyết. Những người chưa là ủy viên Bộ chính trị mà nằm trong Ban bí thư thì cũng có thể được coi là ủy viên Bộ chính trị dự khuyết, và khi có sự thay đổi thì họ có thể được đôn lên để trám vào Bộ chính trị, và những người này, theo tôi hiểu thì cũng là những người đã được cơ cấu từ trước. Nếu nhìn vào danh sách thì vừa rồi có hai người được bổ sung vào Ban Bí thư là ông Trạc và ông Thắng, thì dường như người ta nhắm trước cho hai ông đấy vào Bộ chính trị và đưa vào Ban Bí thư như là một bước đệm, để mà bầu cho hai ông đấy vào Bộ chính trị.
Nhìn tổng thế về qui trình thì trong tổng số 180 Ủy viên trung ương, nếu chọn ứng cử viên xứng đáng thì không có ai xứng đáng hơn những ông đấy, vì họ là thành viên Ban Bí thư, trên những ủy viên bình thường một bậc, như vậy họ có lợi thế hơn.
Kính Hòa: 5 Là một con số không nhỏ, vậy thì nếu suy đoán này đúng thì những thành phần mới này, mà ít lâu nay chúng ta thấy họ không nổi tiếng lắm, sẽ tạo ra điều gì thay đổi của sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam không?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Không phải là không nổi tiếng, ví dụ như ông Nên là Chánh văn phòng Trung ương đảng thì trước đó đã nắm nhiều chức như là Phó Chánh văn phòng Thủ tướng chẳng hạn, hay như ông Nguyễn Hòa Bình cũng vậy từ bên Viện Kiểm sát sang làm Chánh án Tòa án tối cao, Ông Trạc là một ngôi sao đang lên, từ Nghệ An đi lên, v.v… Nếu xét với những người trong Bộ chính trị thì những người này chưa nổi bật bằng, nhưng cũng có thể coi họ là những người được cơ cấu để bầu vào Bộ chính trị. Nhìn vào độ tuổi của họ thì họ đang ở trong độ tuổi có thể làm thêm một nhiệm kỳ sau nữa.
Rồi họ cũng có những chuyên môn phù hợp với những vị trí mà Bộ chính trị muốn cơ cấu vào, ví dụ như ông Thắng, xuất phát từ Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thì ông có thể phù hợp với nhiệm vụ tuyên giáo chẳng hạn, thì người ta nhắm ông Thắng để thay ông Thưởng, trong trường hợp điều động ông Thưởng qua vị trí khác.
Ông Trạc, ông Bình, ông Nên đều có xuất thân từ công an, thì nếu như có những vị trí ào chẳng hạn như bên Bộ Công an, hay bên nội chính chẳng hạn, các cơ quan có liên quan đến an ninh, cần một vị trí thì họ có thể đưa những người này vào.
Những người này mặc dù chưa nổi bật bằng những ủy viên Bộ chính trị, nhưng họ có thể là những người đã được cơ cấu để chuẩn bị để nắm những nhiệm vụ chủ chốt, nếu không trong nhiệm kỳ này thì là nhiệm kỳ sau.
Kính Hòa: Chúng ta giả sử như họ là thế hệ lãnh đạo sắp tới của Việt Nam, thì cái đường hướng của Việt Nam đi sẽ như thế nào? Tiếp tục cởi mở về kinh tế, sẽ có khả năng cởi mở một chút về tư tưởng, về chính trị không?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Tôi nghĩ sẽ không có thay đổi nhiều vì nếu những người này được bầu vào Bộ chính trị, thì sẽ làm việc cùng những ủy viên Bộ chính trị khác, những người có thâm niên cao hơn. Những người này trẻ hơn, được sắp xếp vào sau, thì họ vẫn có vị trí thấp hơn so với những người đã có mặt trong Bộ chính trị từ trước. Nhiệm kỳ sau, những người này có thể vào Bộ chính trị, nhưng vẫn sẽ còn những ủy viên Bộ chính trị khác hiện tại, và nhiệm kỳ sau họ vẫn còn đủ tuổi, đủ điều kiện để làm tiếp, thì có lẽ là những người này trong nhiệm kỳ sau khó có thể được vào trong tứ trụ chẳng hạn, khả năng rất thấp.
Do đó ảnh hưởng của họ đến đường hướng chính sách của quốc gia cũng hạn chế thôi, không nhiều, mà tôi nghĩ là cái đường hướng sẽ được quyết định bởi những nhân vật nằm trong tứ trụ ở nhiệm kỳ sau, mà những vị trí đấy có lẽ chưa phải là cơ hội cho những người mới được bầu bổ sung, chẩn bị bầu bổ sung lần này.
Kính Hòa: Nếu như bầu bổ sung thì khả năng đó sẽ xảy ra trong kỳ Hội nghị trung ương 7 sắp tới đây?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Vâng, kỳ họp trung ướng đảng lần thứ bảy tới đây được coi là kỳ họp giữa nhiệm kỳ của đảng. Thì một trong những nhiệm vụ của hội nghị giữa nhiệm kỳ là chuẩn bị nhân sự, đường hướng nhân sự cho Đại hội đảng lần thứ 13 sắp tới.
Cũng giống như giữa nhiệm kỳ lần trước, thì có bầu cho ông (Nguyễn Thiện ) Nhân, và bà (Nguyễn Thị Kim) Ngân vào Bộ chính trị, thì sau đó ông Nhân và bà Ngân cũng có những thăng tiến. Thì cũng vậy, trong giữa nhiệm kỳ này những người này sẽ được bầu, thì một số trong những người này cũng có thể sẽ được thăng tiến trong tương lai.
Có thể coi vấn đề nhân sự là nội dung chủ chốt của Hội nghị trung ương 7 lần này.
Kính Hòa: Nếu chúng ta quan sát thấy quê hương của 5 người trong danh sách mình giả định này thì thấy họ xuất thân từ cả ba miền, vậy liệu điều đó có nghĩa gì không trong chuyện cơ cấu?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Trong hoạch định cơ cấu nhân sự của Đảng Cộng sản thì họ có lưu ý đến sự cân đối vùng miền để có sự hài hòa giữa các vùng miền với nhau, tránh sự chi phối của một vùng miền nhất định, tránh sự lép vế của vùng miền nào đấy, có thể tạo ra sự mất đoàn kết trong nội bộ. Chính vì vậy mà trong thành phần từ Ban chấp hành trung ương, tới Bộ chính trị, tới tứ trụ, họ đều có cân nhắc yếu tố vùng miền, tất nhiên không thể là tuyệt đối, có thể có vùng miền nào đấy nổi trội hơn, nhưng nhìn chung họ có cân nhắc yếu tố đấy.
Lần này thì năm người này xuất thân từ những vùng miền khác nhau, thì cũng có lẽ là phù hợp với truyền thống lâu nay của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công tác hoạch định cán bộ, trong công tác qui hoạch nhân sự của họ, nhất là ở cấp cao.
@ Tintuchangngay

Vụ Eximbank, dấu hiệu ghê gớm về cơn khủng hoảng ngân hàng tại Việt Nam

Hà Văn Thắm, chủ tịch Ocean Bank, trong ngày ra tòa hồi cuối Tháng Tám, 2017. (Hình: Getty Images)

Có những nghịch lý không thể giải thích nổi ở Việt Nam. Năm năm trước khi xảy ra hàng loạt vụ chiếm đoạt tiền gửi khách hàng, Eximbank đã từng “vinh dự nhận giải thưởng ‘Ngân hàng được quản trị tốt nhất Việt Nam năm 2013.’”

Thậm chí Eximbank còn được một số tổ chức tư vấn và kiểm định tài chính quốc tế đánh giá khá cao và luôn được “lên hạng.”

Thế còn bây giờ thì sao?

“Hốt cú chót” và “Đã làm thì làm cho đáng”

Những năm trước, cũng đã có một số vụ việc chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng ở một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ, từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng. Nhưng quy mô chiếm đoạt đã vọt lên tới từ 50 tỷ đồng đến vài trăm tỷ đồng trong thời gian gần đây, cho thấy tâm lý kẻ phạm tội là nhân viên và quan chức ngân hàng đã gần giống với tâm lý của giới trộm cướp “đã làm thì làm cho đáng, đằng nào cũng một lần đi tù.”

Nếu vào những năm trước, các vụ chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng xảy ra không đều và còn có khoảng thời gian “giải lao,” thì trong khoảng hai năm qua, 2016 và 2017, con số hành vi này đã tăng vọt và liên tục. Hành vi này lại xảy ra trong bối cảnh “hết sức nhạy cảm”: khối nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần đã lên tới khoảng 900 ngàn tỷ đồng và đang trở nên vô phương cứu chữa, cho dù từ năm 2017 đến nay giới tài phiệt đã cố “đánh lên” thị trường bất động sản nhằm giải cứu khối tài sản khổng lồ mà các ngân hàng nhận thế chấp từ các doanh nghiệp nhưng chưa biết làm cách nào tiêu thụ được.

Hội chứng “hốt cú chót” cũng hình thành trong não trạng tội phạm – quan chức ngân hàng – như thế. Hình thành vào buổi hoàng hôn chế độ và vào lúc hiện hình ngày càng nhiều thông tin về tương lai phá sản không thể tránh khỏi của một số ngân hàng đang cõng trên mình số nợ xấu rất lớn mà không cách gì xử lý được.

Rõ là thế. Vào năm 2017, tình hình còn nguy hiểm hơn nhiều so với năm 2016, còn năm 2018 lại nguy hiểm hơn năm 2017: thị trường tín dụng đã và đang lan truyền thông tin về một số ngân hàng thương mại nhỏ và cả ngân hàng nằm trong top đầu đã lọt vào “danh sách đen”. Kể cả và đặc biệt là “ngân hàng quốc doanh lớn nhất” Agribank với tư cách quán quân bị ra tòa vì tham nhũng…

Tuy nhiên về phía các cơ quan nhà nước, cho tới nay bản “danh sách tử thần” các ngân hàng có nguy cơ phá sản vẫn được giấu kín. Một thông tin hiếm hoi là tại kỳ họp quốc hội vào cuối năm 2017, Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Lê Minh Hưng chỉ nói úp mở là sẽ “thí điểm xử lý nợ xấu” tại 6 ngân hàng thương mại, nhưng không cho biết tên các ngân hàng này.

Nhưng với dư luận xã hội thì không thể cấm đoán nỗi lo lắng khôn nguôi. Vấn đề của ngân hàng đã không chỉ là các đại án liên đới gói tiền khổng lồ của các nhóm quan chức và doanh nghiệp, mà đã chọc thẳng tới những món tiền gửi của khách hàng cá nhân.

Nguy hiểm ngân hàng cả nhỏ lẫn lớn

Vào thời gian khi xảy ra vụ chiếm đoạt tiền gửi khách hàng ở Eximbank, Vietinbank, Oceanbank…, đi đâu cũng nghe người dân, tiểu thương, công chức về hưu và không thiếu công chức đương nhiệm bàn tán xôn xao. Gương mặt nhiều người lộ rõ cũng vẻ hoang mang. Cụm từ “mất tiền gửi ngân hàng” trở nên phổ biến đến nỗi nó chiếm một tỷ lệ đáng kể trong số các tiêu đề của Google.

“Cả tài sản tiền mặt của gia đình tôi chỉ có gửi hơn 2 tỷ đồng gửi ngân hàng, nếu lỡ ngân hàng đó phá sản mà chỉ được bồi thường bảo hiểm tiền gửi có 75 triệu đồng thì thà ngay bây giờ tôi đem mua đất, vàng, mua đô la còn an toàn hơn nhiều,” nhiều người dân than vãn.

Lại nữa: “Sao nhà nước ma lanh quá vậy! Vét thuế đến từng đồng từng cắc cuối cùng trong túi dân còn chưa đã miệng sao mà còn đòi ép dân phải chịu rủi ro gửi tiền tiết kiệm. Mấy thằng ngân hàng ngồi mát ăn bát vàng quen rồi, có phá sản cũng không sao, nhưng dân bọn tui mà mất là mất sạch sẽ luôn, tán gia bại sản luôn, chỉ còn nước đi ăn xin hay lao đầu xuống sông chết cho rồi…”

Trên đây chỉ là vài trong số hàng ngàn ý kiến bức bối của người dân vào cuối năm 2017, sau khi chính phủ “liêm chính, kiến tạo và hành động” của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc bất ngờ tung ra một quyết định về mức bảo hiểm tiền gửi chỉ có 75 triệu đồng cho khách hàng cá nhân đối với những trường hợp ngân hàng bị phá sản, rồi đến kỳ họp quốc hội tháng 10 – 11 năm 2017 mà ngay cả các đại biểu quốc hội cũng phải bức xúc vì mức bảo hiểm tiền gửi đó là quá “bèo,” để khi ngân hàng đó phá sản thì khách hàng coi như vị mất trắng.

Vào nửa đầu năm 2018, cho dù Ngân Hàng Nhà Nước hay giới quan chức chính phủ cố giấu nhẹm danh sách những ngân hàng bị liệt vào dạng “tái cơ cấu” – mà về thực chất là phải chấp nhận cho phá sản, một lần nữa rộ lên trong dư luận giới kinh doanh về những cái tên hầu như chắc chắn nằm trong danh sách đó.

Trên hết là ba cái tên Ocean Bank – Ngân hàng Đại Dương, GP Bank – Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu, CB Bank – Ngân hàng Xây Dựng – đều là những ngân hàng đại án có lãnh đạo bị bắt vào các năm 2014 và 2015.

Sau đó là DongABank – Ngân hàng Đông Á, là ngân hàng đang xuất hiện vụ án mới nhất liên quan trực tiếp đến Vũ “Nhôm.”

Kể cả PG Bank – Ngân hàng Xăng Dầu Petrolimex, Sacombank – Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, hay một số ngân hàng có vốn điều lệ nhỏ nhưng tỷ lệ nợ xấu lại cao, cũng có thể bị phá sản hoặc sáp nhập như VietA Bank, BacABank, OCB, SaigonBank, VietCapital…

Bất an trở thành tia kích nổ trong bầu không khí tín dụng. Nhiều ngân hàng, dù muốn hay không, sẽ phải “tự nguyện” hoặc tự nhiên phá sản. Lại đúng vào lúc hàng loạt giám đốc của “quỹ tín dụng nhân dân” ôm tiền biệt tăm…

Trong bối cảnh đó, mật độ vụ việc chiếm đoạt tiền gửi khách hàng đã lan từ khối ngân hàng thương mại nhỏ 100% vốn tư nhân sang cả những ngân hàng thương mại lớn có cổ phần chi phối của Ngân hàng nhà nước như Agribank, Vietcombank, Eximbank, BIDV. Nhưng sự thể quá trớ trêu là nhũng ngân hàng này đều nằm trong “top 5” của hệ thống ngân hàng Việt Nam và từng được chính thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước thời Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Văn Bình hứa hẹn như đinh đóng cột “không để ngân hàng nào bị phá sản.”

Cho tới nay và khi đã trở thành ủy viên bộ chính trị, Nguyễn Văn Bình vẫn giữ được lời hứa trên: Vẫn chưa có ngân hàng nào phải phá sản.

Nhưng thay cho cảnh phá sản đáng lẽ đã phải xảy ra vào cuối năm 2014, có ít nhất 3 ngân hàng là Đại Dương, Xây Dựng và Dầu Khí Toàn Cầu đã được Ngân Hàng Nhà Nước thời Nguyễn Văn Bình dang tay ôm vào lòng với giá 0 đồng, bất chấp tình trạng nợ xấu và rất xấu của 3 ngân hàng này lên đến 20,000 tỷ đồng, tức gấp đôi vốn điều lệ tổng cộng của cả 3 ngân hàng chỉ có 10,000 tỷ đồng.

Và cho đến nay, vẫn không ai biết Ngân Hàng Nhà Nước đã làm cách nào để đạo diễn mua 3 ngân hàng trên với giá 0 đồng. Tất cả vẫn là một tấm màn bí ẩn và dường như được cả cấp trên của Ủy Viên Bộ Chính Trị Nguyễn Văn Bình tìm cách che khuất, bất chấp rất nhiều dư luận đã nghi ngờ về việc vào thời còn là thống đốc, Nguyễn Văn Bình đã chỉ đạo lấy tiền ngân sách – tức tiền đóng thuế của dân – để “cứu” 3 ngân hàng trên.

Cũng cho đến nay và sau hàng loạt vụ chiếm đoạt tiền gửi khách hàng ở nhiều ngân hàng thương mại, vẫn chẳng có một cuộc “đại phẫu” hay “thay máu” nào đặc cách dành cho khối ngân hàng và cơ quan quản lý của nó là Ngân Hàng Nhà Nước. Vẫn chỉ là những lý do mang tính ngụy biện phủ đầy như “do lỗ hổng quản trị rủi ro,” hay “do người dân không chịu kiểm tra thường xuyên khi gửi tiền ngân hàng,” mà không có một sự thừa nhận nào về trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan Ngân Hàng Nhà Nước.

Năm 2018 rách toạc

Nhưng lại có một bằng chứng không thể chối cãi về “thành tích điều hành” của Ngân Hàng Nhà Nước: vào Tháng Ba, 2018, một cựu phó thống đốc của Ngân Hàng Nhà Nước là Đặng Thanh Bình đã chính thức bị truy tố. Dưới thời Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thống Đốc Nguyễn Văn Bình, ông Đặng Thanh Bình phụ trách công tác giám sát kiểm tra. Đó cũng là thời của vô số khuất tất về chính công tác này mà đã khiến 3 ngân hàng được mua với giá 0 đồng và một số ngân hàng thương mại khác, chẳng hạn như DongABank, được “chui qua lỗ kim,” để đến giờ này Đặng Thanh Bình bị truy tố với ít nhất một vụ việc đã “giúp” Phạm Công Danh ở Ngân Hàng Xây Dựng làm thất thoát đến 9,000 tỷ đồng.

Rất nhiều quan chức và nhân viên ngân hàng có thâm niên kinh nghiệm đều biết rõ về những góc khuất tối tăm ấy.

“Đục nước béo cò” – hẳn là trong những năm gần đây, những quan chức và nhân viên ngân hàng “nhúng chàm” đã cảm nhận một cách rõ rệt về hơi thở đổ bể và khủng hoảng hệ thống ngân hàng đã kề cận, để từ đó dẫn đến tâm lý của hội chứng “hốt cú chót” – y hệt như nhiều quan chức lãnh đạo ở trung ương và địa phương lao như thiêu thân vào những vụ tham nhũng ngàn tỷ, chục ngàn tỷ trong buổi chợ chiều chính thể độc đảng.

Không còn nghi ngờ gì nữa, năm 2018 đang rách toạc những mảnh vá víu trên cơ thể ngân hàng ở Việt Nam, sau khi giai đoạn bục dần ra đã khởi động trong hai năm 2016 và 2017.

Vụ chiếm đoạt 245 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng ở ngân hàng Xuất Nhập Khẩu (Eximbank) bị phát hiện chỉ mới đây đã phát ra một dấu hiệu về triển vọng bục rách ghê gớm như thế.

Cái giá của một cuộc “đại phẫu ngân hàng” ở Việt Nam đã trở nên quá cao, vì đã quá muộn. Cái áo chỉ còn mặc được khi mới chớm rách hoặc chưa quá tã. Nhưng khối ngân hàng lại đang lao vào thời kỳ bục vỡ mà có thể khiến phân nửa trong số 30 ngân hàng hiện thời rơi vào chuỗi phá sản domino, tạo nên một cơn chấn động dữ dội lên phần lớn thị trường tiền gửi và phần lớn người gửi tiền tiền kiệm, dẫn dắt cuộc khủng hoảng mất khả năng thanh toán đến một cơn động loạn xã hội với hậu quả khó mà lường trước.
Phạm chí Dũng / người Việt

Tóm tắt tin Quốc tế.

Thượng đỉnh Trump-Kim sẽ diễn ở Bàn Môn Điếm?

Cuộc gặp lịch sử giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un có thể sẽ diễn ra tại một địa điểm đầy biểu tượng là Bàn Môn Điếm ? Đó là một khả năng mà chính tổng thống Trump đã nêu lên ngày 30/04/2018, trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Washington, ngày 30/04/2018
REUTERS/Kevin Lamarque
Theo hãng tin AFP, cũng như mỗi lần đề cập đến hồ sơ Bắc Triều Tiên trong những tuần qua, tổng thống Mỹ tỏ vẻ rất lạc quan về cuộc gặp với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, cho rằng Hoa Kỳ chưa bao giờ tiến gần đến “ khả năng thay đổi trên bán đảo Triều Tiên.”
Theo lời ông Donald Trump, thượng đỉnh với Kim Jong Un sẽ diễn ra trong 3 hoặc 4 tuần nữa, nói chung là từ đây đến đầu tháng 6. Hôm thứ Sáu vừa qua, tổng thống Hoa Kỳ cho biết là Washington đang xem xét chọn những nước thứ ba như Singapore là nơi tổ chức cuộc gặp. Hôm qua là lần đầu tiên mà ông Trump nhắc đến khả năng chọn Bàn Môn Điếm.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet gởi về bài tường trình :
Nhiều nước đã được dự trù là nơi tổ chức cuộc gặp, nhưng Nhà Hòa Bình ở biên giới giữa hai nước Triều Tiên phải chăng là một nơi tiêu biểu nhất và quan trọng nhất hơn bất cứ quốc gia thứ ba nào khác ?
Tổng thống Mỹ đã tự hỏi như thế trên mạng xã hội ưa thích của ông khi thức dậy. Nhưng ông nói thêm rằng đó chỉ là một quả bóng thăm dò : “Tôi chỉ đặt câu hỏi thế thôi !”
Đến giữa ngày, tổng thống Trump lại đề cập đến đề nghị của ông. Ông giải thích : “Nhà Hòa Bình, Nhà Tự Do (cả hai đều nằm bên phía Hàn Quốc), tôi đã đề xuất ý tưởng này vào sáng nay. Điều mà tôi thích trong ý tưởng này là chúng ta sẽ ở ngay tại chỗ. Nếu mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, sẽ có một lễ hội lớn tại chỗ, chứ không phải là ở một nước thứ ba”.
Từ nhiều tuần qua, hai bên vẫn thương lượng về địa điểm sẽ đón tiếp cuộc gặp lịch sử. Trong số các yếu tố được tính đến, có việc lãnh đạo Bắc Triều Tiên không muốn di chuyển bằng máy bay.
Tổng thống Mỹ đã từng muốn đến Bàn Môn Điếm trong chuyến viếng thăm Hàn Quốc, nhưng phi cơ trực thăng của ông đã phải quay trở lại do sương mù dày đặc.
Cũng về tình hình bán đảo Triều Tiên, hôm nay, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc bắt đầu tháo dỡ các loa phóng thanh tuyên truyền dọc theo biên giới hai nước. Đây là một trong những biện pháp mà lãnh đạo hai nước đã hứa hẹn trong cuộc họp thượng đỉnh Liên Triều thứ Sáu tuần trước tại Bàn Môn Điếm.
Còn hôm qua, đáp lại đề xuất trao cho ông giải Nobel Hòa Bình, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã nói rằng tổng thống Trump “ có thể đoạt giải Nobel” nếu hai nước Triều Tiên đạt đến hòa bình.
 
Thanh Phương / (RFI)
==================

Triều Tiên kỳ vọng gì từ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều?

Hãng tin CNN dẫn một số nguồn tin cho biết, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã thuyết phục được nhà lãnh đạo Kim Jong-un tổ chức cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên. Đây là địa điểm thuận lợi nhất về mặt hậu cần cho ông Kim, bởi vì các cơ sở và phương tiện truyền thông đã có sẵn để cho phép cuộc họp thượng đỉnh diễn ra vào cuối tháng 5.

Thực tế, đàm phán Mỹ – Triều sẽ bao gồm nhiều chủ đề rộng lớn và quá trình này thực thi chúng có thể kéo dài nhiều năm đặt trong trường hợp mọi thứ khởi động suôn sẻ. Theo giới quan sát, Triều Tiên có thể đề cập việc dỡ bỏ “vòng kim cô” cấm vận quốc tế vốn gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế nước này. Trong các thỏa thuận tại những vòng đàm phán trước mà sau đó đã không thành công, Triều tiên từng đồng ý từ bỏ chương trình vũ khí đổi lấy viện trợ và cam kết không xâm lược của Mỹ.

Bên cạnh đó, nước này cũng từng nhất trí quay lại Hiệp ước không phổ biến hạt nhân và mời Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đến thanh sát như yêu cầu thường có của quốc tế. Một chủ đề khác có thể đưa ra thảo luận tại cuộc gặp này là thay thế hiệp định đình chiến bằng một hiệp ước hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên “một cách hoàn toàn và không thể đảo ngược” cũng như mong muốn của Triều Tiên về việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc không phải là điều có thể thực hiện trong “một sớm một chiều”.

“Tôi cho rằng điều tốt nhất chúng ta có thể hy vọng tại Hội nghị này là một thỏa thuận nhằm mở ra nhiều cuộc đối thoại hơn nữa, trong đó có cả vai trò của Trung Quốc. Chúng ta vẫn cần lạc quan một cách thận trọng”, Ed Griffith, chuyên gia nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương tại Đại học Central Lancashire nhận định.

Ông Ed Griffith cho biết thêm, ông cũng rất ấn tượng với tài ngoại giao của nhà lãnh đạo Kim Jong-un: “Có lẽ chúng ta chưa thật sự đánh giá đúng biệt tài ngoại giao của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Từ cuộc gặp của ông Kim Jong-un với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho thấy ông thực sự biết cách điều chỉnh các mối quan hệ và đã thực hiện một chính sách ngoại giao với kết quả tích cực nhất. Để có được thành công này, ông Kim Jong-un phải rất am hiểu và nhanh nhạy trong các vấn đề quốc tế”./.

=================

THÁNG NĂM … SẮC TRẮNG VUI.

Image may contain: flower, plant and nature

 

 

Gió mơn man cành lá
Hồng reo vui nở rộ
Tên em là hoa hồng
Nhưng em lại trắng trong
Và hương thơm dìu dịu
Em mở đầu tháng năm.
Ui,
Sao ngắt em khỏi cây ?
Ah,
Để ngắm em suốt ngày
Và được hương thơm lây !
LeAn FB

Nghiên cứu chấn động thế giới: Rối loạn giấc ngủ gây mất trí nhớ và Alzheimer

Tại hội nghị TEDMED tổ chức tại Mỹ, kết quả nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu khoa học Mỹ đã gây chấn động toàn thế giới: Kết quả thí nghiệm của nhóm các nhà khoa học Mỹ đã chứng minh thủ phạm gây bệnh Alzheimer là chứng rối loạn giấc ngủ.

Thủ phạm gây bệnh Alzheimer là chứng rối loạn giấc ngủ (Ảnh: vietlink plus)

Nhiều người trong chúng ta ít nhiều đã gặp các vấn đề với giấc ngủ hàng ngày. Lý do có thể là vì căng thẳng, thay đổi múi giờ, ốm đau hay sự thay đổi bất thường thói quen sinh hoạt hàng ngày của bạn, lâu dần sinh ra chứng rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Rối loạn giấc ngủ là tình trạng cận giấc ngủ khi bạn thường xuyên gặp ác mộng. Nếu bạn thỉnh thoảng nằm mơ gặp ác mộng, điều đó hết sức bình thường. Tuy nhiên, nrrud bạn gặp ác mộng thường xuyên đến mức sợ phải đi ngủ, hoặc phải thức giấc nhiều lần trong đêm… thì đó là loạn giấc ngủ. Ác mộng liên quan đến những nguy hiểm tự nhiên khiến bạn sợ hãi trong lúc mơ hoặc cũng có thể là những đau khổ hay cảm xúc tiêu cực.

Rối loạn giấc ngủ là khi bạn thường xuyên gặp ác mộng tới sợ đi ngủ hoặc thức giấc nhiều lần trong đêm (Ảnh: neurological.co.uk)

Tại hội nghị TED MED tổ chức tại Mỹ, kết quả nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học Mỹ đã gây chấn động toàn thế giới: Kết quả thí nghiệm đã chứng minh thủ phạm gây bệnh Alzheimer là chứng rối loạn giấc ngủ.

Não bộ thiếu hệ bạch huyết để “dọn sạch” rác

Não bộ là cơ quan quan trọng nhất của cơ thể cũng là cơ quan tiêu hao nhiều năng lượng nhất (Ảnh: bacsitrongnha.com)

Não bộ là cơ quan quan trọng nhất của cơ thể cũng là cơ quan tiêu hao nhiều năng lượng nhất. Trọng lượng não chỉ chiếm 2-3% trọng lượng cơ thể tuy nhiên lại tiêu hao tới 25% năng lượng. Hệ thống tuần hoàn máu là nguồn cung cấp ô xy và dinh dưỡng cho não và qua đó cũng sản sinh ra lượng lớn chát thải. Mỗi cơ quan đều sản sinh ra chất thải, và bộ não cũng không ngoại lệ. Nhưng không giống như các phần kia của cơ thể, bộ não không có hệ thống bạch huyết, một hệ thống ống dẫn để lọc các chất thải mà cận một hệ thống khác phụ trách công việc này.

Dịch não tủy “công nhân vệ sinh” dọn rác của đại não

Dịch não tủy là một loại dịch ngoại bào đặc biệt lưu thông trong các não thất và trong khoang dưới nhện do các đám rối màng mạch trong các não thất bài tiết. Số lượng dịch não tủy ở người trưởng thành khoảng 140 ml và trong 24 giờ dịch não tủy được đổi mới từ 3 đến 4 lần.

Dịch não tủy “công nhân vệ sinh” dọn rác của đại não (Ảnh: health-guru.org)

Dịch não tủy lưu thông từ 2 não thất bên ở 2 bán cầu đại não, theo lỗ Monro đổ vào não thất III nằm ở gian não. Từ não thất III, dịch não tủy theo cống Sylvius đổ vào não thất IV nằm ở hành- cầu não. Từ đây, dịch này theo các lỗ Magendie và Luschka đi vào khoang dưới nhện rồi bao bọc xung quanh não bộ và tủy sống.

Dịch não tủy trao đổi vật chất 2 chiều với tổ chức thần kinh trung ương bằng cách cung cấp các chất dinh dưỡng và lấy đi các chất thải sinh ra trong quá trình chuyển hóa.

Ngủ là thời gian “dọn dẹp” rác tốt nhất

Theo một nghiên cứu gần đây của Đại học Rochester thì quá trình làm sạch bộ não chủ yếu hoạt động trong lúc ngủ. Các nhà khoa học cho rằng, phương pháp loại bỏ chất thải duy nhất của não được gọi là hệ thống glyphatic đã hoạt động rất tích cực trong suốt quá trình ngủ, loại bỏ độc tố gây ra chứng bệnh Alzheimer và các rối loạn thần kinh khác.

Ngủ là thời gian đại não “dọn dẹp” rác tốt nhất

Hơn nữa, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng trong giấc ngủ các tế bào não giảm kích thước, cho phép đào thải ảnh hưởng tiêu cực hiệu quả hơn. Để chứng minh toàn bộ quá trình “dọn dẹp” chất thải của cơ thể, các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành hai thí nghiệm trên chuột, bơm chất màu vào dịch não tủy vào hai thời điểm những cá thể này trong cả khi ngủ và thức. Sự di chuyển của các chất màu cho thấy dịch não tủy chỉ tràn qua não khi chuột ngủ.

Thí nghiệm cũng cho thấy hệ thống glymphatic có tốc độ hoạt động mạnh gấp 10 lần trong lúc ngủ so với lúc thức. Trong khi ngủ, các tế bào não “co lại” khoảng 60% tạo ra nhiều không gian giữa các tế bào, cho phép chất dịch trên di chuyển nhanh và tự do hơn.

Amyloid beta thành phần chủ yếu của chất thải đại não

Kết quả nghiên cứu cũng phát hiện trong số các chất thải bị đào thải trong giấc ngủ của đại não có một loại chất tên gọi amyloid beta, một loại protein tạo ra các mảng bám, là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh mất trí nhớ Alzheimer. Khi những mảng bám này đọng lại ở các vị trí khác nhau trong đại não sẽ ảnh hưởng tới chức năng của các tế bào thần kinh từ đó gây nên những triệu chứng khác nhau của hệ thống thần kinh bao gồm suy giảm trí nhớ, rối loạn nhận thức, trở ngại về ngôn ngữ…

Amyloid beta là một loại protein tạo ra các mảng bám, là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh mất trí nhớ Alzheimer (Ảnh: sachinese.com)

Có một điều đáng làm mọi người lưu ý đó là: Nếu không ngủ sâu và đủ giấc Amyloid beta sẽ tích tụ lại trong não gây ảnh hưởng các vùng tạo ra giấc ngủ sâu trong não bộ. Từ đó dần mất đi giấc ngủ ngon và càng ngăn cản việc loại bỏ chất thải này của não mỗi buổi tối. Gây nên tình trạng tích lũy chất này càng ngày càng nhiều và hình thành vòng tuần hoàn ác tính không ngừng nghỉ.

Amyloid beta bắt đầu tích tụ từ 20 năm trước

TS. Daniel Kahneman nhà tâm lý học, người đạt giải Nodel Kinh tế năm 2002, ông là người Mỹ gốc Israel. Ông là người có nhiều nghiên cứu về tâm lý học, thần kinh, và cũng có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu bệnh lý và ảnh hưởng của đại não tới sức khỏe. Thông qua rất nhiều ca bệnh mất trí nhớ TS. Kahneman phát hiện trong các mô não của hầu hết bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer, chất Amyloid beta đã bị tích tụ từ hơn 20 năm trước và cũng tìm thấy sự thay đổi bệnh qua ảnh chụp đại não nếu bệnh nhân cải thiện giấc ngủ, ăn uống và vận động hợp lý.

Ngủ sâu là biện pháp tốt nhất

Ngủ sâu và đủ giấc có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer (Ảnh: tksprosteta.com)

Những con số này đã nêu lên vấn đề then chốt: Trong cả cuộc đời mình nếu bạn ngủ ít sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Có nhiều nghiên cứu dịch tễ học với những người có vấn đề về giấc ngủ đã chứng thực được sự liên quan này. Nếu bạn bị mất ngủ, ngưng thở khi ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ sâu và không điều trị sẽ có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn.

Tuy nhiên các nhà khoa học hy vọng thông qua cải thiện giấc ngủ, tăng cường ngủ sâu và đủ giấc có thể làm giảm nguy cơ mắc căn bệnh nan y liên quan đến não bộ như Alzheimer.

Theo soundofhope  / Kiên Định

Nguyễn Phú Trọng và Trần Quốc Vượng sắp ‘nhốt cáo’

Nguyễn Phú Trọng và Trần Quốc Vượng đang chuẩn bị chiến dịch ‘nhốt cáo’. Ảnh VOV

Vietnam – Sau một năm chuẩn bị, ‘đảng trưởng’ Nguyễn Phú Trọng và nhân vật quyền lực thứ hai sau ông ta là Trần Quốc Vượng có vẻ đang thực sự muốn triển khai một chiến dịch ‘nhốt cáo’, thay cho chiến dịch ‘săn cáo’ vẫn chẳng có kết quả gì đáng tự hào cho tới nay.

Ngày 27/4/2018, trong một cuộc tiếp xúc cử tri tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay ‘Trung ương dự kiến tăng thẩm quyền cho Ủy ban Kiểm tra các cấp, nhất là cấp huyện trở lên, có thể đề nghị cơ quan chức năng cấm xuất cảnh, phong toả tài sản nếu đảng viên có dấu hiệu tham nhũng để phục vụ điều tra, ngăn ngừa việc tẩu tán tài sản’.

Dự kiến trên có nhiều khả năng trở thành hiện thực, bởi được nêu ra bởi chính Nguyễn Phú Trọng và Trần Quốc Vượng. Có thể cho rằng đây là một lần tăng quyền hạn chưa từng có dành cho cơ quan ủy ban kiểm tra đảng các cấp, đồng thời nâng vai trò và quyền lực của Ủy ban Kiểm tra trung ương mà Trần Quốc Vượng đang là chủ nhiệm lên một bậc – có thể so sánh với quyền hạn của Bộ Công an.

‘Đề nghị cơ quan chức năng cấm xuất cảnh, phong toả tài sản nếu đảng viên có dấu hiệu tham nhũng để phục vụ điều tra, ngăn ngừa việc tẩu tán tài sản’ lại là một thẩm quyền quan trọng của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương của đảng Cộng sản Trung Quốc, được Tập Cập Bình giao cho Vương Kỳ Sơn mà do đó đã đưa cơ quan kiểm tra kỷ luật này vượt mặt Bộ Công an để trở thành cơ quan có quyền uy thuộc loại ghê gớm nhất Trung Hoa đương đại. Thậm chí, một số nguồn tin của báo chí quốc tế cho biết Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương còn có nhà tù riêng.

Nhưng lại có một độ vênh rất đáng kể về thành tích giữa Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương của Trung Quốc và chính thể độc đảng ở Việt Nam.

Nếu cho tới nay, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương của Trung Quốc đã tổ chức khá thành công chiến dịch ‘Săn Cáo’ và lôi về hàng trăm quan chức, đại gia tham nhũng lẩn trốn ở nước ngoài, thì Việt Nam cho tới nay mới chỉ đạt được thành tích ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’ (trong khi Nhà nước Đức thẳng thừng cáo buộc mật vụ Việt Nam đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin, và hiện nay Đức đang mở một phiên tòa lớn xử vụ bắt cóc này). Trong khi đó, những nhân vật cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với Trịnh Xuân Thanh là Lê Chung Dũng, Vũ Đình Duy đều đã ‘ra đi tìm đường cứu nước’ nhưng cho tới nay ‘công an Việt Nam giỏi nhất thế giới’ vẫn không làm sao tìm ra và lôi về được. Thậm chí cả một quan chức phụ trách một chi nhánh Ngân hàng EximBank (Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam) vừa chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của khách hàng và trốn ra nước ngoài, bị công an Việt Nam truy nã quốc tế nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy tung tích nào.

Có lẽ không khỏi thất vọng sâu sắc trước ‘thành tích’ của Bộ Công an và công an các tỉnh thành về ‘săn cáo’, ông Nguyễn Phú Trọng đang phải khẩn trương đổi sang biện pháp ‘rào giậu’.

Vào tháng Năm năm 2017, Bộ Chính trị Việt Nam đã ban hành bản quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của khoảng 1.000 quan chức cao cấp. Tuy nhiên không bao lâu sau đó, quy định này rơi vào quên lãng do quá nhiều cản trở từ đội ngũ công chức ‘rờ ai cũng tham nhũng’.

Vào tháng Tư năm 2018, ông Trọng dường như có ý muốn tái khởi động quy định trên với thẩm quyền được giao cho Ủy ban Kiểm tra trung ương là lớn hơn hẳn.

Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng đang có kế hoạch kiểm tra đến tận cấp quận, huyện của các địa phương, thay vì chỉ kiểm tra cấp đầu tỉnh như trước đây.

Cùng động tác trên là hoạt động ‘kê khai tài sản cán bộ’ đang được ông Trọng tái khởi động.

Vào những năm trước, công tác kê khai tài sản cán bộ đã đạt kết quả xuất sắc đến mức chỉ phát hiện 5 trường hợp kê khai không trung thực trong tổng số gần 1 triệu công chức viên chức kê khai tài sản.

Nhưng trong thời gian gần đây, ông Trọng đặc biệt chú ý đến hoạt đông giám định tài sản. Đây là một tin rất không vui đối với giới quan chức nhiều tiền lắm của, bởi ông Trọng rốt cuộc đã chú ý đến vấn đề chi tiết và chuyên môn.

Trong thực tế, có nhiều trường hợp quan chức có tài sản khủng bị phát hiện, nhưng do các cơ quan chức năng hoặc không chịu giám định, hoặc chỉ giám định cho có, hoặc thông đồng với quan chức nên kết quả đã chẳng tới đâu.

Nếu trong những ngày sắp tới, đề nghị ‘cơ quan chức năng cấm xuất cảnh, phong toả tài sản nếu đảng viên có dấu hiệu tham nhũng để phục vụ điều tra, ngăn ngừa việc tẩu tán tài sản’ trở thành hiện thực, đó có thể là một cơn bão lớn thổi tung nóc nhà nhiều quan chức ở Việt Nam.

Và song trùng với quy định ngặt nghèo trên sẽ là một chiến dịch ‘Nhốt Cáo’, để khi đó nhiều quan chức tham nhũng sẽ thấm hiểu khái niệm ‘nhà tù lớn’ có ý nghĩa như thế nào ở Việt Nam.
Thiền Lâm / CaliToday

Tại vì sao cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại tái xuất hiện trước Hội Nghị Trung Ương 7?

Nguyễn Tấn Dũng có ‘thoát nạn’?

Miễn nhiệm thêm chức vụ của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể đang khiến nhiều người không ưa ông không ưa ông phải ngỡ ngàng bực tức: từ tết nguyên đán 2018 đến nay, tần suất xuất hiện của Nguyễn Tấn Dũng trên mặt báo quốc doanh là dày đặc hơn hẳn so với năm 2017.

Lần xuất hiện gần đây nhất là buổi sáng 25/4/2018 (10-3 âm lịch), tại buổi lễ dâng hương, tưởng niệm các Vua Hùng tại đền tưởng niệm ở quận 9, Sài Gòn. Người ta thấy Nguyễn Tấn Dũng đứng bên cạnh giới chóp bu của thành phố này là Nguyễn Thiện Nhân, Tất Thành Cang, Nguyễn Thành Phong…

Nhưng còn ấn tượng hơn thế nhiều, vào cùng thời điểm trên, một số tờ báo nhà nước bất chợt giật tít “Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng xin lỗi dân về “bệnh” của ngành thuế”.

Đã lâu lắm rồi, kể từ thời đại hội 12 vào dầu năm 2016, báo chí mới nhắc đến Nguyễn Tấn Dũng như một sự tri ân về “cống hiến” của ông ta, cho dù vào thời bị xem là ‘phá chưa từng có’ của Nguyễn Tấn Dũng, nạn tham nhũng và tiêu xài lãng phí trở nên kinh hoàng mà để lại hậu quả nợ chồng chất như núi cho đến ngày hôm nay.

Hiện tượng báo chí nhà nước nhắc lại “công lao của Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng” là hoàn toàn trái ngược với hiện tượng không một tờ báo đảng nào chịu đăng, dù chỉ là một dòng tin chia buồn nhỏ, khi thân mẫu của cự thủ tướng Dũng – bà Nguyễn Thị Hường – qua đời vào đầu tháng Mười Hai năm 2017, dầu trước đó báo chí nhà nước ra rả đăng tin mẹ của một hoa hậu bị bệnh chết.

Không biết vô tình hay hữu ý, chỉ ít ngày sau đám tang mẹ Nguyễn Tấn Dũng, đảng đã cho Đinh La Thăng “xộ khám”. Thăng lại là nhân vật được xem là “thân tín của anh Ba X”, đặc biệt vào thời cả hai nhân vật này còn “người tung kẻ hứng” liên quan đến núi tiền ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Hẳn không ít quan chức trung cao đã “đánh hơi” được vụ bắt Đinh La Thăng để từ đó mất tăm mặt mũi trong đám tang mẹ Nguyễn Tấn Dũng – một biểu trưng cho thói “ăn cháo đá bát” hết sức bạc bẽo của giới quan chức mang não trạng chỉ biết “phù thịnh không phù suy”.

Sau hàng loạt vụ bắt bớ dành cho Đinh La thăng và đại gia ngân hàng Trầm Bê – người cũng được xem là gần gũi với Nguyễn Tấn Dũng, ngày càng xôn xao dư luận cho rằng đường đi của Nguyễn Phú Trọng trước sau cũng “dẫn đến cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng”.

Nhưng thời gian cận tết nguyên đán 2018 đã chứng kiến một hiện tượng chính trị khá đặc biệt: ngày 9/2/2018, Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đến thăm cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông Nhân còn “tri ân sự đóng góp của nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”.

Từ việc Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đến “chúc tết” cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến hiện tượng ông Dũng được cho ‘tái xuất’ trên mặt báo nhà nước, trong khung cảnh “lò” của ông Trọng đang rừng rực thiêu đốt, đang khiến gợn lên một dấu hỏi lớn về một ẩn ý hay thâm ý của ông Trọng.

Phải chăng ông Trọng đã “buông bỏ”, quên bẵng những giọt nước mắt uất ức vì không thể kỷ luật “đồng chí X” tại Hội nghị trung ương 6 vào tháng 10/2012?

Phải chăng giữa Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng đã đạt được một ‘thỏa thuận’ nào đó – có phần giống với một ‘thỏa thuận ngầm’ giữa hai nhân vật này mà dư luận đồn đoán, để kết quả là Nguyễn Tấn Dũng chịu rút tại đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016?

Và phải chăng Nguyễn Tấn Dũng đã “thoát nạn”?

Giả thiết vẫn chỉ là giả thiết. Nhưng chỉ biết rằng ngay trước mắt là một đoàn thanh tra về quản lý đất đai đang áp sát Phú Quốc ở Kiên Giang – ‘lãnh địa’ hoặc ‘căn cứ địa’ của Bí thư Nguyễn Thanh Nghị tức con trai của Nguyễn Tấn Dũng.

Trong khi đó, cơ quan cảnh sát điều tra C46 của Bộ Công an cũng đang áp sát vụ ‘Mobifone mua AVG’ với những dấu hiệu nào đó liên quan đến người con thứ hai của Nguyễn Tấn Dũng – đại gia Nguyễn Thanh Phượng.

Phải chăng Nguyễn Phú Trọng đang tính toán một nước cờ mới, nằm trong tổng thể bàn cờ “chống tham nhũng thời kỳ trước”, với những chiêu thuật lúc quyết liệt lúc lắng dịu, vẫn gieo hy vọng cho đối thủ của mình, nhưng lại tuyệt đối chưa có gì “buông bỏ”?

Có một cách để suy xét trắng đen: hãy nhìn vào kết quả hoạt động điều tra vụ ‘Mobifone mua AVG’ và đặc biệt là thanh tra đất Phú Quốc. Nếu sau khoảng 3 – 4 tháng nữa mà Nguyễn Thanh Nghị vẫn không bị kỷ luật hoặc bị ‘luân chuyển cán bộ’, có thể cho rằng lá số tử vi của ông Nguyễn Tấn Dũng là tạm ổn trong một vài năm tới.

Nhưng nếu cả Nguyễn Thanh Phượng lẫn Nguyễn Thanh Nghị đều bị ‘lên thớt’ trong thời gian tới, khi đó người ta sẽ hiểu rằng tất cả những hình ảnh về Nguyễn Tấn Dũng và bài viết ‘tri ân nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng’ trên mặt báo nhà nước hiện nay chỉ là một thủ thuật tung hỏa mù chính trị, trong khi mục tiêu cốt yếu không hề thay đổi.

Thiền Lâm/ /tintưchangngay

Tóm tắt tin thế giới

Hôm 30/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un ngay tại vùng phi quân sự DMZ giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên, nơi vừa diễn ra hội nghị thượng đỉnh liên Triều.

Ông Trump viết trên Twitter: “Nhiều nước đang được cân nhắc làm nơi tổ chức CUỘC GẶP, nhưng liệu Nhà Hòa bình/Nhà Tự do, trên vùng Biên giới Nam & Bắc Triều Tiên sẽ là một nơi có tính cách Đại diện, Quan trọng và Lâu dài hơn là một nước thứ ba chăng? Chỉ thắc mắc vậy thôi!”

Nhà Hòa Bình là nơi đã diễn ra hội nghị thượng đỉnh liên Triều, nơi chứng kiến những cái bắt tay và cái ôm “nồng ấm” giữa lãnh đạo 2 miền Triều Tiên trong tuần qua.

Sau thành công của thượng đỉnh liên Triều, ông Trump bày tỏ lạc quan về một cuộc gặp chưa có tiền lệ đối với các đời Tổng thống Hoa Kỳ: gặp trực tiếp một lãnh đạo Bắc Hàn, vào khoảng đầu tháng 6 năm nay sau khi điện đàm với ông Moon và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Washington chúc mừng kết quả của cuộc gặp Moon-Kim hôm 27/4, nhưng tỏ ra thận trọng và nói rằng Bắc Triều Tiên cần đưa ra bằng chứng chứng tỏ mong muốn phi hạt nhân bán đảo của mình là thành thật.

Ông Trump khảng định rằng sẽ không để Mỹ bị đem ra làm “trò đùa” khi được hỏi liệu cam kết của Triều Tiên bây giờ có thật hay không.

Hôm 29/4, giới chức Seoul cho hay Kim Jong Un sẽ mời các chuyên gia và phóng viên Mỹ đến Bình Nhưỡng quan sát việc đóng cửa địa điểm thử nghiệm hạt nhân vào tháng 5, một thông tin không có trong tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều.

=========================

Hàn Quốc kêu gọi LHQ giám sát việc đóng cửa bãi thử hạt nhân Triều Tiên

Hàn Quốc kêu gọi LHQ giám sát việc đóng cửa bãi thử hạt nhân Triều Tiên
2 nhà lãnh đạo liên Triều đã có cuộc gặp thượng đỉnh thành công hôm 27/4. Ảnh: Korea Summit Press Pool

Hàn Quốc tin rằng, sự ủng hộ của Liên Hợp Quốc sẽ giúp cải thiện quan hệ liên Triều và sự thành công của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới.

Ngày 1/5, phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết, Tổng thống nước này Moon Jae-in vừa kêu gọi Liên Hợp Quốc giám sát việc đóng cửa bãi thử hạt nhân của Triều Tiên theo kế hoạch mà Triều Tiên đã công bố.

Theo đó, Tổng thống Moon Jae-in ngày 1/5 đã có cuộc điện đàm kéo dài khoảng nửa giờ đồng hồ với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, để trao đổi quan điểm về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm ngày 27/4 vừa qua.

Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Moon Jae-in đã thông báo với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố sẽ đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Tổng thống Hàn Quốc đề nghị Tổng thư ký Guterres cho phép các quan chức Liên Hợp Quốc tham gia giám sát và xác nhận việc đóng cửa bãi thử hạt nhân này.

Cũng trong cuộc điện đàm, Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc ra tuyên bố hoan nghênh và ủng hộ tuyên bố Bàn Môn Điếm đạt được giữa Tổng thống Hàn Quốc và nhà lãnh đạo Triều Tiên ngày 27/4 vừa qua về chấm dứt chiến tranh và tạo lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc tin rằng, sự ủng hộ của Liên Hợp Quốc sẽ giúp cải thiện quan hệ liên Triều cũng như sự thành công của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến sắp diễn ra./.

Giải pháp hạt nhân của ông Kim làm TQ không vui, ông Vương Nghị sang Triều Tiên “gỡ rối”?

Giải pháp hạt nhân của ông Kim làm TQ không vui, ông Vương Nghị sang Triều Tiên "gỡ rối"?
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tại cuộc gặp thượng đỉnh hôm 27/4 ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm (Ảnh: Reuters)

Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ làm rõ cam kết của Triều Tiên và Hàn Quốc về việc “kết thúc chiến tranh thông qua đàm phán 3 hoặc 4 bên”, và Bắc Kinh muốn trở thành một phần trong đó.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ công du Triều Tiên trong hai ngày 2-3/5, theo lời mời của người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong Ho. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Mỹ-Triều đang trù bị cuộc gặp cấp cao giữa tổng thống Donald Trump với lãnh đạo Kim Jong Un, và động thái của ông Vương cho thấy Bắc Kinh muốn “có chân” trong các vòng đàm phán tiếp theo liên quan tới Mỹ cùng hai miền bán đảo.

Trung Quốc là đối tác kinh tế chủ chốt và lớn nhất của Bình Nhưỡng kể từ chiến tranh Triều Tiên, nhưng quy mô thương mại song phương đã giảm tới 90% do Bắc Kinh siết chặt và tuân thủ những lệnh cấm vận của Hội đồng bảo an LHQ nhằm vào việc Triều Tiên thử hạt nhân, tên lửa trong hai năm vừa qua.

Hồi tháng 3, ông Kim Jong Un tạo ra bước ngoặt khi thực hiện chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên sau khi lên nắm quyền năm 2011 và tiếp xúc chủ tịch Tập Cận Bình – màn “khởi động” cho cuộc gặp lịch sử của ông với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In ngày 27/4 vừa qua.

Về lập trường chính thức, Trung Quốc tuyên bố ủng hộ các biện pháp trừng phạt của LHQ chống lại chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, nhưng đồng thời Bắc Kinh đau đầu tìm cách tránh bị “gạt ra bên lề” trong các tiến triển ngoại giao liên quan đến bán đảo.

Trên thực tế quan hệ ngoại giao Trung-Triều không quá cởi mở trong vài năm qua, và hai nước chủ yếu liên hệ thông qua kênh đối thoại giữa đảng Cộng sản Trung Quốc với đảng Lao động Triều Tiên. Lần gần nhất ngoại trưởng Trung Quốc thăm Triều Tiên là vào năm 2007, với người đứng đầu ngành ngoại giao của chính phủ Trung Quốc khi đó là ông Dương Khiết Trì – hiện là ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc.

Zhao Tong, nhà nghiên cứu về chính sách hạt nhân tại Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua Centre ở Beijing, đánh giá chuyến thăm Bình Nhưỡng của ông Vương Nghị là bằng chứng cho thấy Trung Quốc muốn áp đặt ý chí mạnh mẽ của mình lên các cuộc đàm phán tương lai về tình hình bán đảo.

Trước đó trong tháng 4, ông Tống Đào – trưởng Ban liên lạc đối ngoại trung ương ĐCSTQ – đã công du Bình Nhưỡng, dấu hiệu cho thấy quan hệ Trung-Triều được cải thiện rõ rệt sau khi ông Kim tới Bắc Kinh.

=====================

Trung Quốc quyết tham gia hòa đàm bán đảo

Theo chuyên gia Zhao Tong, chuyến đi của ông Vương “là tiếp xúc ở cấp độ cao hơn so với ông Tống và mang ý nghĩa quan trọng hơn nhiều”.

“Trung Quốc muốn biết Hàn Quốc và Triều Tiên có ý ra sao khi cam kết hôm thứ Sáu (27/4) rằng ‘sẽ hợp tác với nhau để chính thức kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên thông qua đàm bán 3 bên hoặc 4 bên,” ông Zhao nói.

“Trung Quốc có thể lo ngại về khả năng chỉ có thể có được ‘một chân’ ở bàn đàm phán sau khi các cuộc đối thoại giữa hai miền bán đảo với Mỹ đã diễn ra.”

“Ông Vương có lẽ sẽ thuyết phục Bình Nhưỡng có hành động liên quan đến đàm phán 4 bên, và bảo đảm Bắc Kinh có phần trong cuộc hòa đàm sắp tới.”

Ông Zhao nhận định, ngoại trưởng Trung Quốc cũng có thể tỏ rõ nguyện vọng của Bắc Kinh về việc tham gia vào các cuộc thanh sát hạt nhân trong tương lai ở Triều Tiên.

Ông nói, “Trung Quốc là một quốc gia hạt nhân hợp pháp và có lý khi Bắc kinh thanh sát lộ trình giải trừ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng”.

“Điều này sẽ bảo đảm vị thế ‘người chơi hợp lệ’ của Trung Quốc trong vấn đề phi hạt nhân hóa.”

Paik Hak Soon, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên, thuộc Viện Sejong ở Seoul, Hàn Quốc, đồng tình rằng ngoại trưởng Vương Nghị thăm Bình Nhưỡng để củng cố kịch bản Trung Quốc tham gia những vòng đàm phán sắp tới.

“Trong hội nghị thượng đỉnh Hàn-Triều năm 2007, trên thực tế chính là Bình Nhưỡng – chứ không phải Seoul – muốn có đối thoại 3 bên (Mỹ-Hàn-Triều) thay vì 4 bên,” ông Paik nói. “Không vô lý khi nói Bắc Kinh lo ngại sẽ bị ‘ra rìa’.”

Tuy nhiên, ông cho rằng cần nhìn vào bức tranh toàn cảnh. “Cụm từ ‘gạt bỏ Trung Quốc’ có thể đúng nếu chỉ nhìn vào tình hình hiện nay, nhưng lại sai nếu đánh giá bức tranh chính trị lớn ở khu vực”.

“Về địa chính trị, Trung Quốc đã đặt chính mình vào vị thế đóng vai trò quan trọng trong tương lai [dàn xếp hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo].”

Giải pháp hạt nhân của ông Kim làm TQ không vui, ông Vương Nghị sang Triều Tiên gỡ rối? - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Vương Nghị thăm Triều Tiên để tìm cách đưa Trung Quốc vào hòa đàm bán đảo (Ảnh: EPA-EFE)

Tuyên bố “ngưng thử hạt nhân” của Triều Tiên chưa như ý Trung Quốc

Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế (CSIS), Mỹ, nói rằng Bắc Kinh không thể chấp nhận bị gạt bỏ khỏi hòa đàm bán đảo.

“Người Trung Quốc muốn bảo đảm họ có mặt ở bàn đàm phán và có biện pháp tác động được lên hướng đi của các sự kiện trên bán đảo,” bà Glaser cho hay. “Trung Quốc rất muốn nghe kế hoạch của ông Kim về cuộc gặp sắp tới với ông Donald Trump”.

Đề xuất của Trung Quốc về giải quyết khủng hoảng bán đảo là “đóng băng kép”: Triều Tiên đình chỉ các vụ thử hạt nhân/tên lửa, đổi lại Mỹ-Nhật Bản- Hàn Quốc ngưng tập trận quân sự trong khu vực.

Sau thượng đỉnh Hàn-Triều, ông Kim Jong Un đã tự đề nghị ngưng các vụ thử, nhưng chưa hề đề cập công khai bất kỳ yêu cầu nào đối với các hoạt động quân sự của Mỹ/đồng minh.

“Ông Kim chưa nói gì về yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc – điều rõ ràng là kỳ vọng của Trung Quốc,” học giả người Mỹ đánh giá. “Bắc Kinh nhiều khả năng bất mãn khi ông Kim phớt lờ đề xuất ‘đóng băng kép’ của họ.”

Dù lãnh đạo Kim Jong Un đã gửi lời mời ông Tập Cận Bình thăm Triều Tiên, nhưng thời gian chuyến đi chưa được xác định. Các học giả tin rằng chuyến công du của ông Vương sẽ tạo tiền đề cho chuyến thăm của ông Tập.