Day: 23/05/2018
Chùm ảnh: 10 viện bảo tàng có kiến trúc ấn tượng nhất thế giới

Viện bảo tàng thiết kế ở London, Anh: Tới đây du khách có thể chiêm ngưỡng vô số thiết kế trên thế giới từ kiến trúc, robot cho đến thời trang hay cả xe Vespa.
Viện bảo tàng thiết kế Holon, Israel: Du khách bị ấn tượng ngay bởi kiến trúc ngoại thất mạnh mẽ từ đường nét đến màu sắc của viện bảo tàng này. Nơi đây được xây dựng và phát triển bởi các kiến trúc sư và nhà thiết kế quốc tế và Israel.
Viện bảo tàng Ngày mai, Rio de Janeiro, Brazil: Bảo tàng truyền cảm hứng cho du khách khi gợi lên một tương lai tươi sáng thông qua trải nghiệm kỹ thuật số và suy ngẫm các câu hỏi triết học – chúng ta đến từ đâu, nơi chúng ta đang hướng đến – với logic khoa học.
Viện bảo tàng Dongdaemun Design Plaza, Seoul, Hàn Quốc: trong tương lai bảo tàng sẽ trưng bày hình ảnh những thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton và tìm hiểu ảnh hưởng của Hàn Quốc đối với nền thiết kế quốc tế.
Viện bảo tàng Lịch sử và Văn hóa Mỹ gốc Phi, Washington D.C., Mỹ: Khai trương tại thủ đô Washington, D.C., vào năm 2016, đây là bảo tàng lớn nhất dành riêng cho câu chuyện của người Mỹ gốc Phi, từ chế độ nô lệ đến thế kỉ của tổng thống Obama và hơn thế nữa.
Viện bảo tàng châu Phi, thành phố Cape Town, Nam Phi: đây là bảo tàng châu Phi lớn nhất, kỷ niệm những năm thịnh vượng của ngành nghệ thuật đương đại nơi châu lục này.
Viện bảo tàng mậu dịch và rượu Bordeaux, Pháp : với thiết kế táo bạo như sản phẩm mà nó trưng bày, Bordeaux thu hút nhiều du khách có niềm đam mê với rượu đến tham quan và mua sắm.
Viện bảo tàng Ragnarock, Đan Mạch: Nơi dành cho những người hâm mộ âm nhạc, Ragnarock trải thảm đỏ trên mọi ngóc ngách của bảo tàng. Nơi đây triển lãm những nhạc cụ và trang phục biểu diễn của các nghệ sĩ huyền thoại những năm của thập kỷ 50.
Viện bảo tàng Tate Modern, London, Anh: Phòng trưng bày ở Tate Modern sử dụng Nhà máy điện bên bờ sông bị bỏ hoang, được thiết kế lại phong cách vào năm 2000 do các kiến trúc sư Thụy sĩ Herzog và De Meuron.
Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại San Francisco, California, Mỹ: Khuôn viên nơi đây vô cùng rộng lớn với 7 tầng nhà chứa những phòng triển lãm, nhà hàng, những bức tường cao và bao quanh là cây xanh. Các tác phẩm nghệ thuật đương đại cũng đem đến nhiều ấn tượng.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN / NATIONAL GEOGRAPHIC
Độc chiêu hiếm có Việt Nam, lão nông thu lãi 1,5 tỷ/tháng
Sau hơn 20 năm đi chăm gà thuê, lão nông Nguyễn Phương Đông quyết định học kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà rồi mở trại nuôi gà đẻ. Kết quả, sau một năm nuôi thử nghiệm thành công, giờ đây với trại 2,2 vạn con gà đẻ, ông đều đặn thu lãi tới 1,5 tỷ đồng/tháng.
Sang Trung Quốc học thụ tinh nhân tạo cho gà
Cách trung tâm Hà Nội gần 70km, sau hơn một giờ đi xe, chúng tôi cũng có mặt tại trại gà của lão nông Nguyễn Phương Đông ở Ba Trại (Ba Vì, Hà Nội). Dẫn chúng tôi vào thăm trại gà, ông Đông khoe: “Nhìn không quá bề thế như các trại gà của công ty lớn, nhưng trại gà đẻ của tôi áp dụng kỹ thuật cao chẳng kém gì đâu nhé”.
Thắc mắc vì sao nuôi gà đẻ trứng đem ấp nở mà gà trống lại nhốt trong lồng sắt tạo thành một hàng dài bao quanh chuồng, ông Đông bật mí: “Những trại gà đẻ lấy trứng ấp nở thường nuôi trống và mái chung trong chuồng để gà trống đạp mái. Nhưng ở trại của tôi, gà mái được thụ tinh nhân tạo nên gà trống sẽ nuôi nhốt riêng. Thế nên, lúc nãy tôi mới nói tôi áp dụng phương pháp nuôi gà đẻ với kỹ thuật cao chẳng kém gì các công ty lớn là thế”.
![]() |
Trại gà đẻ lấy trứng giống được ông Đông nuôi nhốt mái riêng |
Ông Đông có hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi và chăm gà. Khi còn trẻ, ông là công nhân chăn gà thuê. Làm được hơn chục năm, ông về quê mở lò ấp nở để chuyên bán gà giống. Công việc khá vất vả, thu nhập bấp bênh vì đầu ra và đầu vào phụ thuộc vào thị trường. Nếu giá gà cao thì con giống giá cũng đắt và ngược lại, giá gà thấp thì gà giống bán rẻ như cho. Lúc đó, coi như ấp nở không công, thậm chí còn thua lỗ nặng.
Theo nghề được vài năm, ông nghĩ cứ thế mãi cũng không ổn. Trong lúc trăn trở tìm hướng đi khác, ông vô tình biết về công nghệ thụ tinh nhân tạo cho gà. Thấy hấp dẫn, ông đi sâu vào tìm hiểu và năm 2017, ông quyết định khăn gói một mình sang Trung Quốc học cho bằng được kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà.
“Hơn một tháng sống ở xứ người với chi phí lên tới 200 triệu đồng, tôi đã học được kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà của Trung Quốc”, ông Đông nói. Học xong, ông về bắt tay ngay vào làm trại gà đẻ và bắt đầu thử nghiệm phương pháp thụ tinh nhân tạo cho gà, đồng thời hướng dẫn và đào tạo cho công nhân thuần thục kỹ thuật này.
![]() |
Đàn gà trống bố được nuôi tách biệt ở bên ngoài |
“Thực ra, quan trọng nhất là kỹ thuật lấy tinh từ gà trống và bơm tinh vào gà mái thôi. Chứ kỹ thuật nuôi gà tôi thuộc ‘nằm lòng’ vì có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề rồi”, ông chia sẻ.
Thử nghiệm cho kết quả mỹ mãn, tỷ lệ trứng gà có phôi đạt tới 97%, ông tiến hành mở rộng quy mô trang trại của mình. Từ 1, ông tăng lên thành 2, 3 trại,… đến nay ông có tổng cộng 10 trại, với tổng đàn 5 vạn con gà, trong đó có 2,2 vạn con đang trong thời kỳ đẻ trứng, còn lại là gà hậu bị.
Thu lãi 1,5 tỷ mỗi tháng
Ông Đông cho hay, một số trại ông nuôi gà bố là chọi nòi, gà mẹ là gà mái nội nhập; một số khác ông nuôi gà bố là gà mía thuần chủng,… để tạo ra giống gà có chất lượng thịt thơm ngon, chắc thịt, phù hợp với thị hiếu của thị trường.
Theo đó, gà trống bố được nhốt riêng vào các lồng ở bên ngoài, còn gà mái mẹ được nuôi ở phía bên trong với các lồng gà được thiết kế xếp chồng lên nhau nhằm tiết kiệm diện tích, đồng thời cũng tạo thuận lợi cho quá trình thụ tinh nhân tạo cho gà.
![]() |
Từ 4 giờ chiều hàng ngày, gà trống bố sẽ được bắt ra lấy tinh trùng thụ tinh nhân tạo cho gà mái đẻ |
Dùng kỹ thuật này có thể giảm được đàn gà trống bố, bởi, tinh trùng lấy từ 1 con gà trống bố có thể thụ tinh cho 40 con gà mái đẻ. Cứ tầm 4 giờ chiều (lúc gà mái đã kết thúc việc đẻ trứng trong ngày), công nhân kỹ thuật sẽ bắt gà trống bố lấy tinh, sau đó pha với dung dịch pha tinh chuyên dụng để làm loãng tinh, giúp chia nhỏ lượng tinh ra một cách dễ dàng. Sau đó, tinh gà được bơm ngay vào gà mái đẻ với tần suất 4 ngày một lần.
Nếu cho gà trống đạp mái tự nhiên, tỷ lệ trứng có phôi đạt rất thấp, nhưng thụ tinh nhân tạo cho gà, tỷ lệ trứng có phôi đạt đến 97%. Do đó, giá trứng giống bán ra cũng cao hơn vì được các lò ấp nở chuộng mua.
Ông Đông nuôi gà đẻ thụ tinh nhân tạo trên quy mô lớn được nửa năm nay, hiện lứa gà đầu tiên đã bước vào thời kỳ đẻ sai trứng. Ví như trại này có 4.000 con gà mái, lượng trứng thu được lên tới 2.700 quả/ngày. Với giá trứng gà giống đang bán cho các lò ấp là 5.000 đồng/quả, trừ đi chi phí cám, nhân công, hao mòn chuồng trại,… ông đút túi khoảng 10 triệu đồng/ngày. Tính ra, với quy mô 2,2 vạn gà đẻ trứng, sau khi trừ đi chi phí, mỗi tháng ông lãi khoảng 1,5 tỷ đồng.
Trong quá trình nuôi gà đẻ trứng, có những lúc giá trứng cao, thấp; song, do chọn nuôi giống gà này nên ông chủ động được việc duy trì gà đẻ để lấy lãi hay phá đàn bán gà thịt.
![]() |
Nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo cho gà đẻ giúp tỷ lệ trứng có phôi cao mà ông thu lãi đều 1,5 tỷ đồng/tháng |
Đơn cử, gà mái mẹ nuôi từ lúc bóc trứng đến lúc đẻ bói đạt trọng lượng cơ thể ở mức 3,3-3,6 kg/con, chi phí khoảng 45.000 đồng/kg tính cả tiền giống. Với giá trứng cao như hiện tại, ông tiếp tục cho gà đẻ để bán trứng giống, còn giá trứng xuống thấp, ông sẽ phá đàn bán gà thịt.
Thường thì sau khi phá đàn, giá gà thịt loại này thấp nhất cũng trên 50.000 đồng/kg, cao thì trên 80.000 đồng/kg. Như vậy, đa phần sẽ không chịu lỗ bao giờ kể cả khi giá trứng xuống thấp phải phá đàn.
Ông Nguyễn Xuân Hòa – chuỗi liên kết sản xuất Hatthocvang – chuyên về các giống gà đặc sản giống và thương phẩm ở Hà Đông (Hà Nội), cho rằng, lão nông Nguyễn Phương Đông thành công với mô hình chăn nuôi gà đẻ thụ tinh nhân tạo và thu được lợi nhuận lớn là bởi đã biết chọn nuôi các loại gà đặc sản thuần chủng mang bản sắc vùng miền, với chất lượng thịt thơm ngon, chắc. Loại gà này được người tiêu dùng ưa thích và nông dân chuộng nuôi.
Một điểm đặc biệt khác là dù đi theo hướng làm giống gà đặc sản, song ông Đông lại áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà khá hiện đại. Từ đó, tạo ra được con giống có nguồn gen thuần quý với năng suất cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Châu Giang / VNNet
Thấy gì từ ‘Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia’?

Lần đầu tiên từ khi nổ ra vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ vào tháng Bảy năm 2017 mới xuất hiện công khai một hồi đáp từ Bộ Ngoại giao Việt Nam tới một chủ thể ở châu Âu, nhưng chỉ là với ‘đối tác thân thiện nhất’ Slovakia mà không phải là Đức – quốc gia cáo buộc mật vụ Việt Nam bắt cóc Thanh ngay tại Berlin và đang mở một phiên tòa đình đám để xét xử vụ bắt người như phim thời chiến tranh lạnh này.
Lần đầu tiên bị công khai
Bởi cho tới nay vẫn không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Việt Nam muốn trả lời theo cách công khai, cho dù các cuộc đàm phán Việt – Đức sau vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ đã diễn ra suốt từ tháng Tám năm 2017 đến gần đây. Trong thực tế, những nội dung hiếm hoi được tiết lộ từ các cuộc đàm phán này chỉ đến từ phía Đức, trong khi có tin cho biết đảng cầm quyền ở Việt Nam đã thông báo cấm ngặt các đảng viên không bàn tán về vụ Trịnh Xuân Thanh. Báo chí nhà nước cũng bởi thế đã chẳng có bất cứ tin tức nào về câu chuyện mang tính ‘danh thể cầm quyền’ này.
‘Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia’ – đó là trả lời từ Đại sứ Việt Nam tại Bratislava, ông Dương Trọng Minh.
Thông tin trên được Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini đưa ra tại một hội nghị thượng đỉnh không chính thức của EU ở Sofia hôm 18/5/2018 (VOA).
Im như thóc
Peter Pellegrini chỉ mới thay thế cho người tiền nhiệm là thủ tướng Robert Fico, sau khi ông Fico phải từ chức do liên đới trách nhiệm về cái chết của một nhà báo chống tham nhũng tại Slovakia. Khỏi phải nói, Peter Pellegrini mong muốn đến thế nào việc Slovakia ‘vô can’ trước nghi vấn về Trịnh Xuân Thanh đã được trung chuyển qua đất nước này, trước khi đến Moscow và được đưa về Hà Nội trên một cái cáng cứu thương. Cũng là để Peter Pellegrini không phải chịu bất kỳ trách nhiệm ‘đổ vỏ’ nào cho đời thủ tướng cũ Robert Fico.
Cần nhắc lại, trong cuộc gặp ngày 2/5/2018 giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Slovakia Pellegrini tại dinh Thủ tướng ở Berlin, ông Pellegrini đã phải đối mặt với một câu hỏi khó chịu từ phía Đức: Chính phủ Slovakia đã đóng vai trò gì trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Berlin đưa về nước hồi mùa hè năm ngoái?
Truyền thông Đức cho biết vào ngày 26/7/2017, 3 ngày sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, Bộ trưởng Công an Việt Nam, tướng Tô Lâm đã đến thăm Slovakia và có cuộc làm việc ngắn với Bộ trưởng Nội vụ nước này. Theo báo chí Đức, trong đoàn của ông Tô Lâm có những nghi phạm đã tham gia vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Sau đó phía Việt Nam đã mượn Slovakia một chiếc máy bay để di chuyển. Truyền thông Đức cho rằng rất có thể Trịnh Xuân Thanh đã ở trên chiếc máy bay đó.
Sang ngày 3/5/2018, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Slovakia đã triệu tập Đại sứ CHXHCN Việt Nam – ông Dương Trọng Minh, yêu cầu giải thích về những nghi ngờ nghiêm trọng trong vụ công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh bị đưa về nước (bằng chuyên cơ của Slovakia).
Nhưng trong vài tuần sau đó, phía Việt Nam im như thóc. Phản ứng của chính thể Việt Nam nói chung và Bộ Ngoại giao Việt Nam nói riêng là quá yếu ớt và quá mập mờ.
Thái độ yếu ớt là một bằng chứng gián tiếp về sự thừa nhận hành vi phạm pháp. Dẫn chứng gần nhất và sống động nhất là cuộc khủng hoảng Đức – Việt.
Thông thường, hành động của một quốc gia nhằm trả đũa quốc gia khác trục xuất nhân viên ngoại giao của mình là trục xuất lại nhân viên của quốc gia đối phương. Nhưng kể từ tháng Tám năm 2017 khi Đức tố cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và trục xuất ít nhất hai nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, cho tới nay phía Việt Nam vẫn chỉ một mực ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’ nhưng lại chẳng dám có bất kỳ phản ứng công khai hay trục xuất trả đũa nào đối với các nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội.
Phạm Bình Minh làm gì?
Khác với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam có một chế độ mà về lợi ích thì ‘sở hữu cá nhân’, nhưng về trách nhiệm thì lại quy cho ‘tập thể’. Sau khi xảy ra vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, ngay cả Bộ Ngoại giao của Ủy viên bộ chính trị Phạm Bình Minh cũng như thể “đá” trách nhiệm cho Bộ Công an theo phương kế “hồn ai đó giữ, thân ai người đó lo” trong cảnh “tang gia bối rối”.
Trong suốt một thời gian dài, dường như Phạm Bình Minh đã tự cho mình tư thế ‘vô can’ trong vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’.
Nhiều dấu hiệu và biểu hiện cho thấy Bộ Ngoại giao của Phạm Bình Minh đã ‘không biết gì’, hoặc chỉ biết rất ít về vụ việc chấn động trên. Nhưng đến khi vụ việc nảy nở hậu quả, chính Bộ Ngoại giao lại được chỉ đạo ‘đàm phán xoa dịu’ với phía Đức.
Phạm Bình Minh có vẻ đã chẳng mấy nhiệt tình trong cái chuyện ‘đổ vỏ’ cho Bộ Công an về vụ Trịnh Xuân Thanh. Và có lẽ chính vì thế mà vào năm ngoái, trong khi kết quả của các cuộc đàm phán Việt – Đức chẳng đi tới đâu, Bộ trưởng Phạm Bình Minh lại bị điều ra Hội nghị trung ương 6 vào tháng Mười năm 2017 để đọc một báo cáo chuyên đề về… dân số.
Trong cảnh ‘tang gia bối rối’ của chính giới Việt, mối quan hệ giữa ‘đối tác thân thiện nhất’ Slovakia với Việt Nam lại đang trở nên kém hẳn thân thiện cứ sau mỗi ngày.
Tình cảnh kém thân thiện mới nhất là một thông tin từ tờ Slovak Spectator của Slovakia cho biết Bộ Ngoại giao Slovakia đã gửi các câu hỏi về vụ bắt cóc này cho Đại sứ Dương Trọng Minh, nhưng mãi đến ngày 16/5/2018 vẫn chưa nhận được câu trả lời.
“Chúng tôi sẽ không bỏ qua chuyện này mà không có một câu trả lời nào”, tờ báo của Slovakia dẫn lời Bộ trưởng ngoại giao Miroslav Lajcak nói, đồng thời cho biết thêm rằng Slovakia đã cảnh báo đại sứ Việt Nam rằng họ đã chờ đợi đủ rồi và vấn đề quá nghiêm trọng để mà kéo dài.
Vì sao Việt Nam phải trả lời Slovakia?
Có thể thấy gì và mổ xẻ điều gì từ câu trả lời ‘Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia’ của Đại sứ Dương Trọng Minh, trong tình cảnh bị Slovakia hối thúc?
Bất kể câu trả lời của Việt Nam về vụ Trịnh Xuân Thanh là giả dối hay hợp lý, và nếu hợp lý thì liệu có đứng vững lâu dài một khi các cơ quan tư pháp của Slovakia trưng ra những bằng chứng ngược lại, thái độ chây ì hồi đáp cho Slovakia càng làm đậm mối nghi ngờ về việc Hà Nội đã trở thành một chủ thể trong việc vận chuyển Trịnh Xuân Thanh từ Berlin qua Bratislava. Khi đó, không loại trừ khả năng do phải chịu áp lực từ dư luận tại Slovakia, từ Chính phủ Đức và từ giới báo chí quốc tế, phản ứng tối thiểu của Chính phủ Slovakia đối với Việt Nam sẽ là hạ cấp mối quan hệ ngoại giao và thương mại mà được xem là ‘tốt đẹp’ trước đây, cùng lúc có thể chấm dứt hoàn toàn ý định hỗ trợ Việt Nam để vận động Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA).
Và nếu xảy ra hậu quả về EVFTA như thế, Slovakia sẽ là quốc gia thứ hai, sau Đức, khiến chính thể độc đảng ở Việt Nam mất hẳn 2 phiếu trên cung đường đầy gai nhọn hoa hồng dẫn đến một EVFTA ‘cứu cánh’.
Cuộc khủng hoảng Slovakia – Việt Nam nếu xảy ra còn chắc chắn làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người đồng hương của Slovakia là Cộng hòa Séc với Việt Nam.
Trong khi đó, Việt Nam lại đang quá cần đến EVFTA, sau khi TPP không có Mỹ tham gia mà đã hất Việt Nam khỏi tương lai ‘quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất trong TPP’.
Và còn có thể thấy gì từ câu trả lời ‘Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia’?
Không dám thanh minh ‘Việt Nam không bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’!
Tại sao trong bối cảnh bị Chính phủ Đức và sau đó là hầu hết các tờ báo quốc tế quan tâm đến vụ Trịnh Xuân Thanh cáo buộc rằng Thanh đã bị bắt cóc chứ không phải ‘tự nguyện về Việt Nam đầu thú’ mà sau đó đã phải nhận đến hai cái án chung thân, Hà Nội lại không phản ứng quyết liệt theo cách ‘đập tan những luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động’ – theo cái cách mà họ hay ‘nhảy dựng lên’ để phản ứng với các báo cáo của Hoa Kỳ và những tổ chức nhân quyền quốc tế về việc Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng?
Và tại sao câu trả lời của Đại sứ Dương Trọng Minh chỉ là ‘Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia’, mà không hề thanh minh cho việc ‘Việt Nam không bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’?
Cùng thời điểm xuất hiện câu trả lời trên, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hiện ra vào ngày 17/5 với phát ngôn ‘Việt Nam đang tiếp tục trao đổi chặt chẽ với phía Đức’ và ‘luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức’.
Vẫn chỉ là cách ‘đọc bài’ xã giao, giống hệt thái độ ‘tuyên bố cho có’ đã từng thể hiện vào năm ngoái.
Trong buổi họp báo thường kỳ diễn ra ở Hà Nội vào ngày 3/8/2017, một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Đức ra tuyên bố phản đối hành động mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Bộ Ngoại giao Việt Nam tuy “lấy làm tiếc”, nhưng đã không có lấy một câu hay từ ngữ nào phủ nhận cáo buộc của phía Đức về việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc.
Lần này cũng vậy, không hề phủ nhận và không dám phủ nhận.
Cái cách lấp ló như thế của Bộ Ngoại giao Việt Nam càng phác ra bức tranh tổng quát: vào chính lúc này, hình như không một cơ quan nào muốn “dây” đến vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” và cơn khủng hoảng ngoại giao Việt – Đức lẫn Việt – Slovakia.
Trong khung cảnh ‘tang gia bối rối’ của Việt Nam, liệu Bộ Ngoại giao Slovakia có thể tin tưởng được câu trả lời từ Đại sứ Dương Trọng Minh – một quan chức bậc trung và chẳng có quyền quyết định gì – là có một giá trị nào đó?
Tô Lâm làm gì?
Trong khi đó, tuyệt nhiên vẫn không thấy Bộ trưởng công an Tô Lâm hiện ra để ‘phản bác những luận điệu sai trái’ mới đây của phía Slovakia và Đức về vụ ‘Tô Lâm làm bình phong’. Hiện tượng quá trống vắng này càng khiến dư luận quốc tế tin rằng đã có một mối liên đới nào đấy giữa tướng Tô Lâm và Trịnh Xuân Thanh trong vùng lãnh thổ Slovakia.
Điều gì sẽ xảy ra nếu trong thời gian tới, các cơ quan tư pháp Slovakia xác định được nghi vấn của cơ quan an ninh Đức về vụ ‘Tô Lâm làm bình phong?’ là đúng, để ngược lại niềm vui mừng có vẻ còn hơi sớm của Thủ tướng Slovakia Pellegrini về sự ‘vô can’ của Slovakia, những bằng chứng nào đó sẽ được trưng ra và khiến mối quan hệ Slovakia – Việt Nam không thể khác hơn là phải khủng hoảng như cơn khủng hoảng Đức – Việt kéo dài cho tới nay?
Nếu xảy ra tình huống trên, liệu khi đó phía Việt Nam sẽ thản nhiên cho rằng câu trả lời ‘Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia’ chỉ là của cấp đại sứ chứ không mang danh nghĩa Bộ Ngoại giao hay Chính phủ Việt Nam, và do đó Việt Nam sẽ… rút kinh nghiệm?
Và nếu vụ ‘Tô Lâm làm bình phong’ được xác minh đúng theo bản chất của hành vi này, đây sẽ là một scandal ghê gớm nữa của ngành tình báo Việt Nam, tiếp theo scandal về Trung tướng Phan Hữu Tuấn – Phó tổng cục trưởng Tổng cục tình báo Bộ Công an – bị bắt do liên quan đến vụ Vũ ‘Nhôm’.
Khi đó, chắc chắn sẽ có thêm những vụ trục xuất mới ở châu Âu đối với giới quan chức ngoại giao Việt Nam. Sau Đức, lần này sẽ là ở Slovakia.
Không những thế, nhiều nước Tây Âu và cả Đông Âu sẽ có thể đặt Việt Nam vào một tầm ngắm mới và khởi tạo một hàng rào kiên cố nhằm ngăn chặn mật vụ Việt Nam hành xử theo ‘luật rừng’ ở Lục Địa Già.
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Đức truy nã Trung tướng mật vụ Đường Minh Hưng từ đầu tháng 11/2017
Ngày 04.10.2017, yêu cầu Slovakia trợ giúp pháp lý đã được phía Đức bổ sung với một lệnh bắt giam một người đàn ông Việt Nam mà có mặt trong cuộc họp ở khách sạn Bôrik tại Bratislava thủ đô Slovakia: Trung tướng mật vụ Đường Minh Hưng, người bị tình nghi chỉ huy vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
![]() |
Trung tướng mật vụ Đường Minh Hưng bị Đức ra lệnh truy nã từ đầu tháng 11 năm 2017 |
Ngày 04.10.2017, yêu cầu Slovakia trợ giúp pháp lý đã được phía Đức bổ sung với một lệnh bắt giam một người đàn ông Việt Nam, là người có mặt trong cuộc họp ở khách sạn Bôrik tại Bratislava, thủ đô Slovakia: Trung tướng mật vụ Đường Minh Hưng, là người bị tình nghi chỉ huy vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Nhật báo TAZ của Đức, số ra ngày thứ Ba 22.05.2018 có đăng một bài báo, đặc biệt trong đó có một chi tiết chưa từng được hé lộ, đó là Trung tướng mật vụ Đường Minh Hưng đã bị Đức ra lệnh truy nã từ đầu tháng 11 năm 2017.
Bản đăng trên báo in và báo điện tử của tờ TAZ là bản rút ngắn. Tác giả đã gửi cho tờ Thoibao.de bản không rút ngắn. Sau đây là bản dịch bài báo (bản gốc) của nhật báo TAZ:
“Những mâu thuẫn, trái ngược nhau trong các tuyên bố của Slovakia”
Chính phủ Slovakia đã bị cáo buộc đã giúp mật vụ Việt Nam đưa một nạn nhân bị bắt cóc ra khỏi EU. Nghi vấn khủng khiếp này đã có từ ba tuần nay. Thậm chí giờ đây chính phủ Slovakia bị tổng thống của nước này công kích. Slovakia có dính líu đến vụ bắt cóc hay không? Chính phủ Slovakia đang “lươn lẹo” trong cuộc điều tra.
Đối với ông Peter Pellegrini, Thủ tướng Slovakia, thì tất cả mọi chuyện đã được giải quyết: “Đại sứ Việt Nam tại Slovakia đã xác nhận chắc chắn rằng người bị bắt cóc ở Đức không có mặt trong phái đoàn Việt Nam rời khỏi Bratislava thủ đô Slovakia. Chỉ có các thành viên chính thức của phái đoàn Việt Nam trên máy bay”. Như vậy là đã rõ, ông Pellegrini nói, Slovakia đã không tham gia vào bất kỳ vụ bắt cóc nào. Slovakia đã không vận chuyển một người Việt Nam bị bắt cóc bằng chuyên cơ của chính phủ.
Nhưng thật sự hoàn toàn không có gì được làm sáng tỏ. Thậm chí chính phủ Việt Nam còn tuyên bố rằng, không có vụ bắt cóc nào cả. Sưu tra của báo TAZ cho thấy, ngay từ đầu phía Slovakia đã hỗ trợ nửa vời cuộc điều tra của phía Đức.
Tân Bộ trưởng Bộ Nội vụ, bà Denisa Saková, người trước đây là Ngoại trưởng Slovakia, và người phát ngôn của bà, là người đã có mặt tại cuộc họp vào thời điểm đó, phát biểu: “Hình như là đầu tháng giêng năm 2018 chính quyền Slovakia mới biết về vụ bắt cóc”.
Nhưng theo truy tầm của báo TAZ, chính quyền Slovakia đã biết vụ bắt cóc sớm hơn nhiều so với thời gian họ đưa ra như trên. Vào ngày 28.09.2017 Tổng Công tố viên Liên bang Đức đã gửi văn thư đến Slovakia, yêu cầu trợ giúp pháp lý. Nội dung thư trình bày về “tình nghi đội đặc vụ từ Việt Nam hoạt động gián điệp ở nước ngoài do chính phủ Việt Nam giao nhiệm vụ”, và cũng đề cập đến cuộc gặp giữa đại diện chính phủ Slovakia và Việt Nam tại khách sạn Bôrik ở Bratislava thủ đô Slovakia vào ngày 26.07.2017, ba ngày sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra.
Đến ngày 04.10.2017, yêu cầu này đã được bổ sung với một lệnh bắt giam một người đàn ông Việt Nam mà có mặt trong cuộc họp nêu trên: Trung tướng mật vụ Đường Minh Hưng, người bị tình nghi chỉ huy vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Vào đầu tháng 11 năm 2017 thông qua Viện Công tố Slovakia, yêu cầu trợ giúp pháp lý của Đức được gửi đến cảnh sát Slovakia, chính xác hơn là gửi đến một bộ phận của Cơ quan Hình sự Quốc gia trực thuộc Bộ Nội vụ. Sau đó, Nhà chức trách Slovakia đã đáp ứng yêu cầu này của các nhà điều tra Đức: ngày 24.11.2017 Tòa án Slovakia ra quyết định, công bố các dữ liệu điện thoại của những người bị cáo buộc mà có mặt tại khách sạn Bôrik.
Vào cuối tháng 11, cảnh sát Slovakia đã gửi thư hỏi người đứng đầu bộ phận Lễ tân của Bộ Nội vụ Slovakia, là người cũng có mặt tại cuộc họp ở khách sạn Bôrik ngày 27/07/2017. Trong thư, cảnh sát không đề cập đến vụ bắt cóc, nhưng họ kiên quyết đòi hỏi bất kỳ thông tin nào liên quan đến cuộc họp này. Sau đó, người đứng đầu Lễ tân gửi một bản tường trình ngắn gọn về cuộc họp bao gồm tên họ của những người tham dự, nhưng lại ỉm đi việc sau đó một nhóm gồm 12 người Việt Nam – kể cả Trung tướng mật vụ Đường Minh Hưng, là người đang bị truy nã lúc đó – rời khỏi Slovakia bằng một chuyên cơ của chính phủ nước này.
Vào thời điểm đó, dường như có những hé lộ được lan truyền xa và rộng. Hiện nay ông Andrej Kiska, Tổng thống Slovakia kể lại những gì ông đã nghe được vào cuối mùa hè năm ngoái: rằng một người Việt Nam bị bắt cóc từ Đức và bị áp tải sang Slovakia; rằng một hộ chiếu giả đã được cấp cho nạn nhân và nạn nhân bay ra khỏi EU bằng một chuyên cơ của chính phủ Slovakia. “Dường như tôi không thể nào tin được rằng Bộ Nội vụ của chúng tôi dính líu đến một vụ bắt cóc“, Tổng thống Kista nói. “Nó giống như một bộ phim Hollywood tồi“.
Tổng thống Kiska, không đảng phái, là người mà thường tỏ thái độ phê bình đường lối của chính phủ Slovakia, đã cáo buộc chính quyền Slovakia không tiến hành điều tra: ông ngạc nhiên, nói, chỉ có người Đức điều tra nghi vấn nghiêm trọng này “đáng lẽ cảnh sát và Viện Công tố của chúng tôi cũng phải điều tra“. Nhưng ông tin chắc rằng “sự thật sẽ được tìm ra, vì nếu không, chúng tôi sẽ phải chịu tai tiếng rất xấu ở châu Âu“.
Ngoại trưởng Miroslaw Lajčák, cũng không đảng phái, hứa sẽ làm sáng tỏ, dĩ nhiên ông chỉ quan tâm đến khía cạnh ngoại giao. “Tình hình rất nghiêm trọng. Chúng tôi nên điều tra đến tận cùng, bởi vì nếu không, nó thực sự có thể có một tác động tiêu cực đến mối quan hệ của chúng tôi với Đức“.
© Hiếu Bá Linh / (Tiếng Dân)
Từ “cung điện” tới cống ngầm: Đằng sau hành trình cuối cùng của cố lãnh đạo Libya Gaddafi

Ảnh: Reuters
Từ một “đại tỉ phú” với tài sản lên tới hàng trăm tỉ USD, ông Gaddafi bị truy nã gắt gao, bị xét xử bởi “luật rừng” và chết trong cay đắng, tủi nhục.
LTS: Cuối tháng 4 vừa qua, trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Fox News, Cố vấn An ninh Mỹ John Bolton đã tuyên bố nước này đang cân nhắc áp dụng kiểu mẫu giải trừ hạt nhân của Libya hồi những năm 2003-2004 đối với Triều Tiên. Tuyên bố này đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận trong những ngày vừa qua.
Tòa soạn xin trân trọng gửi tới quý độc giả loạt bài tư liệu về Quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác của Libya để giúp quý độc giả có cái nhìn tổng quan hơn về sự kiện lịch sử này.
Để xem các bài viết trước, mời quý độc giả click vào đây:
Phần 1: Vì sao người Libya phẫn nộ và xấu hổ khi ông Gaddafi quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân?
Phần 2: “Đòn hiểm” của tình báo Anh, Mỹ và bí mật thương thảo khiến Libya từ bỏ vũ khí hạt nhân
Phần 3: Vụ bắt giữ Saddam Hussein và “phút cân não” cuối cùng trước khi Gaddafi chịu xóa sổ vũ khí cấm
********
Cái chết của cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đã trở thành một trong những sự kiện nổi bật nhất thế giới năm 2011, sau khi những thước phim ghi lại hình ảnh ông Gaddafi bị tra tấn bởi phe nổi dậy được đăng tải trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, những chi tiết đằng sau vụ việc – nhất là diễn biến quanh thời điểm phiến quân tìm thấy người đàn ông này trong một cống bê tông ở thành phố Sirte – vẫn chưa được xác nhận cụ thể.
Theo tờ The Guardian, bản báo cáo do Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) công bố ngày 16/10/2012 có thể được coi là nguồn thông tin đáng tin cậy nhất về những giây phút cuối cùng của nhà lãnh đạo Libya.
Qua các cuộc phỏng vấn với những người thân cận nhất của ông Gaddafi – cũng là những người đã sống sót và chứng kiến toàn bộ vụ việc, HRW đã thu thập được nhiều chi tiết quan trọng xoay quanh cái chết của người đàn ông này.
Cái chết của ông Gaddafi
Sau vài năm liên tục được cựu thủ tướng Anh Tony Blair và các nhà lãnh đạo thế giới khác hối thúc từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, không ai có thể ngờ người điều hành đất nước Libya lại có ngày bị mắc kẹt giữa sa mạc hoang vu, tuyệt vọng vì thiếu thốn lương thực, thực phẩm.
Từ một “đại tỉ phú” với tài sản lên tới hàng trăm tỉ USD, ông Gaddafi bị truy nã gắt gao, bị xét xử bởi “luật rừng” và chết trong cay đắng, tủi nhục.
Bản báo cáo của HRW ước tính rằng có ít nhất 66 nạn nhân trong đoàn người của ông Gaddafi đã bị phiến quân hành quyết sau khi bắt giữ.
Trong khi chính quyền Libya tuyên bố ông Gaddafi trúng đạn trong cuộc chiến cuối cùng ở nơi trú ẩn, các bằng chứng được HRW thu thập cho thấy nhà lãnh đạo này đã bị hành hình tại chỗ.
Theo lời khai của một thủ lĩnh phiến quân, thì “tình hình khi đó rất rối loạn, bạo lực và không thể kiểm soát”. Các thước phim ghi lại bằng điện thoại di động cho thấy thân thể ông Gaddafi bị thương nặng.
Hành trình trốn chạy
Ngày 28/8/2011, Tripoli thất thủ sau làn sóng Mùa xuân Ả rập, ông Gaddafi và một đoàn bao gồm người thân cận và tùy tùng tìm đường rời khỏi thủ đô. Khi ấy, không ai biết họ dự tính đi về đâu. Vài người họ hàng ông Gaddafi sau này xuất hiện tại nước láng giềng Algeria.
Còn bản thân nhà lãnh đạo quay trở lại quê hương Sirte – một thành phố nằm dọc bờ biển phía đông từng được ông Gaddafi tôn làm thủ đô của ý tưởng “Nước Mỹ ở Châu Phi”.
Chịu các mũi tấn công dồn dập từ Benghazi ở phía đông và Misrata ở phía tây, thành phố này bị bao vây trong gần hai tháng. Người lãnh đạo chiến dịch phòng thủ Sirte là Mutassim, con trai thứ 4 của ông Gaddafi.
Khi phiến quân ngày càng tiến sâu vào khu vực, Gaddafi và những người thân cận buộc phải di chuyển thường xuyên hơn. Cuối cùng, họ tới vùng ngoại ô ở miền đông Libya.
“Ban đầu, chúng tôi ở lại khu vực trung tâm thành phố,” Mansour Dhao, người đứng đầu lực lượng cảnh sát thuộc chế độ ông Gaddafi thuật lại.
“Nhưng chúng tôi buộc phải rút lui khi phiến quân tràn vào khu vực. Không còn thực phẩm, không còn thuốc men, nước uống cũng khan hiếm. Các bể chứa nước lớn bị phiến quân tấn công. Cứ 4 hoặc 5 ngày, chúng tôi lại phải tìm nơi trú ẩn mới.”
Theo bản ghi chép của HRW, ông Gaddafi “giành hầu hết thời gian đọc kinh Koran và cầu nguyện”.
Dhao kể: “Các phương tiện giao tiếp với thế giới bên ngoài đã bị tước bỏ: không có TV, không có gì cả. Chúng tôi chẳng có việc gì để làm, chỉ ngủ hoặc ngồi không. Gaddafi bắt đầu trở nên bực bội.”
“Ông ấy tức tối vì không có điện, không có điện thoại, TV và không có cách nào để giao tiếp với thế giới. Chúng tôi nhìn ông ấy, ngồi xuống bên cạnh trong khoảng 1-2 giờ gì đó. Ông Gaddafi bắt đầu hỏi: ‘Tại sao ở đây không có điện? Tại sao không có nước?'”
Khoảng ngày 19-20/10, lực lượng của ông Gaddafi liên tiếp hứng chịu các cuộc tấn công tên lửa và pháo dữ dội từ phe nổi dậy. Ông Mutassim ra lệnh mở vòng vây, đưa thường dân và những người bị thương lên các xe chở đầy vũ khí và đạn dược.
Tuy nhiên, giờ khởi hành ban đầu trong khoảng 3h30 đến 4h sáng đã bị lùi xuống 8h sáng. Tới lúc này, các nhóm phiến quân đã chuẩn bị sẵn sàng.
Đoàn người của ông Gaddafi hầu như không có chút cơ hội nào để vượt qua vòng vây. Trên đường rời khỏi thành phố, chiếc xe đi ngay cạnh xe chở Gaddafi trúng tên lửa và nổ tung.
“Lực nổ mạnh đến nỗi túi khí bung ra,” ông Dhao nói.
Tới thời điểm ấy, chẳng còn đường nào để đoàn xe của ông Gaddafi chạy. Các chiến cơ, máy bay không người lái theo sát mọi động thái từ trên cao. Một căn cứ quân sự của phe nổi dậy chốt chặn ở cuối đường di chuyển.
Một nguồn tin cho hay: “NATO không biết rằng ông Gaddafi đang di chuyển trong đoàn xe. Máy bay của lực lượng NATO tấn công những chiếc xe chứa đầy vũ khí này để giảm mối đe dọa đối với thường dân.”
Chỉ huy phiến quân Khalid Ahmed Raid nhớ lại: “Đoàn xe của Gaddafi lao thẳng tới căn cứ và dùng súng phóng lựu tấn công chúng tôi. Họ tìm cách đi vòng qua khu vực. Chúng tôi sử dụng súng phòng không để bắn trả.”
Những giây phút cuối cùng
Nhóm người của ông Gaddafi buộc phải đầu hàng, tìm cách trú ẩn trong một khu nhà ở gần đó nhưng tiếp tục bị vây hãm. Trả lời HRW, một người sống sót cho biết đã thấy ông Gaddafi “đội mũ phòng hộ và mặc áo chống đạn, tay cầm súng tự động và súng ngắn trong túi áo”.
Trước tình hình nguy cấp, Mansour Dhao thuyết phục ông Gaddafi né đường chính, chui xuống đường cống để sang khu vực nông trại ở đầu bên kia. Khi họ vừa chui ra, các phiến quân tung một loạt đạn đón đầu. Nhóm của ông Gaddafi ném lựu đạn đáp trả. Không may, một quả lựu đạn bật trở lại, giết chết người ném và làm ông Gaddafi bị chấn thương đầu.
Trên đà chiến thắng, phiến quân tràn lên, lục soát. Theo lời một vài binh sĩ, họ lần theo vết máu và phát hiện một gương mặt quen thuộc.
“Muammar! Muammar!” một người hét lên. Quân nổi dậy xúm lại, kéo người đàn ông lớn tuổi trong bóng tối ra bên ngoài.
“Cậu đang làm gì vậy? Con trai ta, cậu đang làm gì vậy?” – ông Gaddafi hoảng hốt trước vòng vây người xung quanh. Ông van xin được tha mạng, nhưng không ai lắng nghe.
“Tôi đã làm gì các người?”
Nhà lãnh đạo Libya đứng không vững, tóc tai rối bù, máu chảy nhỏ giọt xuống gương mặt thất thần. Khung cảnh sau đó được ghi lại trong một thước phim điện thoại kéo dài 3 phút 38 giây.
Khalid Ahmed Raid thừa nhận: “Lúc đó rất hỗn loạn. Quân nổi dậy túm tóc và đánh ông ấy. Chúng tôi hiểu rằng phải đưa ông ấy ra xét xử, nhưng tôi không thể cản tất cả mọi người được.”
Nhiều người có mặt giơ điện thoại trước mặt, ghi lại những giờ phút cuối cùng của Gaddafi. Ông bất tỉnh nhiều lần trước trận đòn thù.
“Khi Gaddafi được đưa lên xe cứu thương, ông ấy đã hấp hối. Sau chuyến hành trình tới Misrata kéo dài hai tiếng đồng hồ, Gaddafi qua đời.”
Nguyên nhân thực sự gây ra cái chết của ông Gaddafi vẫn còn là điều gây tranh cãi. Theo một binh sĩ, ông đã bị bắn vào bụng bằng khẩu súng ngắn 9 ly.
Theo các bác sĩ khám nghiệm tử thi, ông đã bị bắn vào đầu. Một vài quan chức thuộc Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya cho hay Gaddafi đã bị “giết hại sau khi bị bắt”, trong khi những người khác cho rằng ông đã bị bắn giữa lúc giao tranh hỗn loạn.
Tuy nhiên, di sản ông Gaddafi để lại sau 42 năm lãnh đạo Libya mới là những gì người dân nước này quan tâm nhất. Một vài đại diện người Libya đã có cơ hội được tiếp cận nhà xác nơi bảo quản thi thể của cựu lãnh đạo.
Một thời đại đã khép lại và người dân Libya có những lựa chọn của riêng mình cho kỉ nguyên mới.
Diễn biến nội chiến Libya
Cuối năm 2010, phong trào Mùa xuân Ả rập còn được gọi là Cách mạng hoa nhài bắt nguồn từ các cuộc diễu hành chống tình trạng tham nhũng tại Tunisia, sau đó lan rộng sang các nước Ả rập khác như Ai Cập, Yemen, Jordan… Đến tháng 2/2011, làn sóng này “đổ xô” sang người láng giềng Libya.
Tại thủ đô Tripoli và thành phố lớn thứ hai ở Libya – Benghazi, các nhóm phản đối chính quyền Gaddafi tự phát tổ chức diễu hành thị uy quy mô lớn, rất nhanh sau đó, các cuộc biểu tình phát triển thành cuộc nổi dậy vũ trang trên toàn quốc.
15/2/2011 – Các cuộc biểu tình nổ ra tại Benghazi sau khi chính quyền Gaddafi bắt giữ Fathi Terbil, một nhân vật chống đối chính phủ. Khoảng 2.000 người tham gia phản đối qua đêm. Cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát đã dẫn tới thương vong.
17/2/2011 – Hàng ngàn người Libya tổ chức “Ngày thịnh nộ”, diễu hành trên các đường phố để phản đối sự lãnh đạo của Gaddafi. Lực lượng cảnh sát bị cáo buộc giết hơn chục người biểu tình khi phản ứng bằng cách bắn đạn thật trực tiếp vào đám đông.
20/2/2011 – Sau vài ngày, lực lượng nổi dậy quân chống Gaddafi chiếm quyền kiểm soát Benghazi. Các thành phố xa hơn về phía đông, bao gồm Baida và Tobruk, đã bị kiểm soát đối lập vào thời điểm này.
26/2/2011 – Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 1970 áp đặt lệnh cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản đối với ông Muama Gaddafi, cấm vận vũ khí đối với Libya và yêu cầu đưa các vụ xử lý biểu tình ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).
5/3/2011 – Một nhóm các nhà lãnh đạo nổi dậy tự xưng là Hội đồng chuyển tiếp quốc gia đưa ra tuyên bố rằng, lực lượng này là đại diện duy nhất của Libya.
19/3/2011 – Sau một cuộc tranh luận, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã bỏ phiếu để thiết lập vùng cấm bay ở Libya. Liên quân Anh-Pháp-Mỹ tổ chức tấn công Libya vài giờ sau khi nghị được thông qua.
15/4/2011 – Quân của Gaddafi rút khỏi Misrata.
21/8/2011 – Máy bay tiêm kích phe đối lập tiến vào Tripoli
16/9/2011 – Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (NTC) được Liên Hợp Quốc công nhận là đại diện hợp pháp của Libya, thay thế chính phủ Gaddafi.
20/10/2011 – Gaddafi bị bắt và bị giết khi cố gắng trốn thoát khỏi Sirte
23/10/2011 – NTC tuyên bố giải phóng Libya và kết thúc chiến tranh
theo Thời đại
Tin tức Quốc tế
Tổng thống Trump sẽ không gặp Thượng đỉnh nếu Triều Tiên “bỡn cợt“

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (bên phải hàng trên) và em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên bà Kim Yo Jong lạnh lùng giáp mặt nhau tại Olympic PeongChang. Ảnh: Getty Images
Triều Tiên không nên tìm kiếm “sự nhượng bộ” của nước Mỹ trong vấn đề phi hạt nhân hóa.
Trả lời phóng vấn hãng tin Fox News, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 21/5 cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng rời khỏi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều nếu như nhà lãnh đạo Triều Tiên có ý định “bỡn cợt” với Mỹ.
Theo ông Pence, Tổng thống Trump đến nay vẫn giữ nguyên quyết định của mình, rằng sẽ không để Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân và sử dụng tên lửa đạn đạo để đe dọa Mỹ và các đồng minh của mình.
Do đó, Triều Tiên không nên tìm kiếm “sự nhượng bộ” của nước Mỹ trong vấn đề này.
Tuyên bố của Phó Tổng thống Mỹ đưa ra khi mà mới đây các quan chức ngoại giao cấp cao của Triều Tiên cảnh báo nước này có thể hủy cuộc gặp gặp lịch sử giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump khi Washington nhất quyết bắt Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân mà không đưa ra sự đảm bảo các lợi ích của Bình Nhưỡng./.
=====================
Sự kiện phá hủy bãi thử hạt nhân ở Triều Tiên: Phóng viên quốc tế có mặt đầy đủ trừ Hàn Quốc

Ông Kim Jong-un cùng ông Moon Jae-in và hai vị phu nhân tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều. (Ảnh: Reuters)
Các nhà báo nước ngoài bắt đầu có mặt tại Wonsan, Triều Tiên sẵn sàng chứng kiến sự kiện phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri dự định diễn ra vào một trong các ngày từ 23-25/5.
Theo Sputnik, máy bay chở các nhà báo nước ngoài đến ”Sự kiện Punggey-ri” xuất phát vào khoảng 9h40 sáng (giờ địa phương) từ Bắc Kinh, Trung Quốc và hạ cánh ở sân bay Kalma, gần thành phố Wonsan, Triều Tiên.
Phóng viên Sputnik cho biết không có đại diện nào của truyền thông Hàn Quốc xuất hiện trên máy bay. Trước đó sự kiện phá hủy bãi thử hạt nhân dự kiến mời các nhà báo đến từ Nga, Mỹ, Anh, Trung Quốc và Hàn Quốc đến đưa tin.
Theo ban tổ chức, các nhà báo sẽ đến bãi thử hạt nhân ngày 23/5 nếu điều kiện thời tiết cho phép.
Theo báo Hàn Yonhap News, Triều Tiên không chấp nhận danh sách nhà báo được chọn của Hàn Quốc để đưa tin sự kiện. Bộ thống nhất Hàn Quốc cho biết đã thử gửi danh sách lại lần nữa qua kênh liên lạc giữa hai bên nhưng Triều Tiên không trả lời.
Kế hoạch đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri được cơ quan thông tấn Triều Tiên đưa ra bao gồm phá hủy lối vào bãi thử cũng như các công trình bao quanh, rút hết các nhà khoa học và nhân sự an ninh khỏi địa điểm này. Theo đó tòa nhà viện nghiên cứu, đồn bảo vệ và những công trình mặt đất khác sẽ bị cho nổ tung.
Vào hồi đầu tháng 5 vừa qua, tại cuộc họp của Ủy ban trung ương Đảng Lao động Triều Tiên quyết định ngưng tất cả các thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa và đóng cửa bãi thử hạt nhân ở phía Bắc đã được thông qua.
Quyết định đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggey-ri của Bình Nhưỡng từng được truyền thông quốc tế nhận định là kết quả tích cực sau Hội nghị liên Triều hôm 27/4 vừa qua. Thậm chí Bình Nhưỡng còn thông báo sẽ miễn thị thực cho đoàn phóng viên Hàn Quốc đến Wonsan.
Việc phóng viên và các cơ quan thông tấn của Hàn Quốc chưa có mặt tại Wonsan sẽ khiến những người lạc quan nhất cũng sẽ có dự cảm xấu về tình hình trên bán đảo Triều Tiên, sau thời gian ngắn có dấu hiệu ấm dần lên và liên tục có những động thái tích cực kể từ khi ”Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm (Panmunjom) về Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên bán đảo Triều Tiên” được hai nhà lãnh đạo ký kết.
Tuy nhiên việc Bình Nhưỡng phản đối gay gắt cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn diễn ra từ 14-22/5 và đột ngột hủy bỏ hội đàm cấp cao tại Bàn Môn Điếm hôm 16/5 làm dấy lên mối lo ngại về tình hình căng thẳng sẽ sớm quay trở lại bán đảo Đông Bắc Á này.
=====================