Day: 18/05/2018
Thật kỳ diệu, nhịp tim có thể dự đoán tuổi thọ của nam giới
Tim đập không ngừng nghỉ tạo thành vòng tuần hoàn mang máu và oxy đến nuôi các bộ phận trong khắp cơ thể. Nhịp tim là số nhịp đập/ phút, được xem là một phương pháp hữu hiệu để dự đoán tình trạng sức khỏe, tuy nhiên không chỉ có vậy, qua nhịp tim người ta còn có thể dự đoán được tuổi thọ của các quý ông.

Chỉ số nhịp tim bình thường
Thông thường, nhịp ở người trưởng thành, khỏe mạnh dao động trung bình từ 60 – 100 nhịp/phút khi đang ở trong trạng thái nghỉ ngơi. Tất nhiên, chỉ số này sẽ thay đổi tùy theo độ tuổi, thể trạng sức khỏe, trạng thái cơ thể hoạt động hay nghỉ ngơi, người luyện tập thường xuyên hay người ít vận động.

Nhịp tim tối đa: Là giới hạn nhịp tim cao nhất mà tim có thể đạt được khi vận động gắng sức, thường được tính bằng cách lấy 220 trừ đi tuổi của bạn.
Nhịp tim mục tiêu: Là khoảng nhịp tim an toàn, giúp bạn có chế độ luyện tập hợp lý để tránh biến chứng xảy ra khi vận động hoặc làm việc gắng sức. Chỉ số này được tính bằng 50% đến 85% nhịp tim tối đa. Trong quá trình luyện tập, nếu nhịp tim của bạn tăng trên khoảng này, bạn có thể gặp nguy hiểm.
Với động vật: Nhịp tim càng chậm tuổi thọ càng cao
Các nhà khoa học đã sớm phát hiện rằng những động vật có vú nhỏ như chuột, thỏ… có nhịp tim rất nhanh, tim đập vài trăm nhịp một phút và tuổi thọ của chúng chỉ từ khoảng 1 – 3 năm. Ngược lại ở những động vật có vú lớn ví dụ như cá voi, nhịp tim lại rất chậm chỉ khoảng 20 nhịp/ phút và tuổi thọ của chúng có thể đạt tới 30 – 40 năm.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ở tất cả các loại động vật đều có quy luật thống nhất này. Và một điều thú vị hơn đó là nhịp tim của loài chuột sống ở kho thóc cao hơn từ 20 – 30 lần so với cá voi tức là khoảng 500 – 600 nhịp/ phút nhưng trọng lượng của chúng chỉ bằng 1/500 nghìn của cá voi. Mặc dù các loài động vật có kích thước to nhỏ khác nhau tuy nhiên tỷ lệ trọng lượng của trái tim so với cơ thể là gần giống nhau tức là khoảng 0.5% -0.6%.
Với người trưởng thành: Nhịp tim là chỉ số dự đoán tuổi thọ của nam giới một cách hiệu quả
Số nhịp đập của trái tim trong cơ thể chúng ta chịu ảnh hưởng rất lớn bởi thần kinh tự chủ và thể dịch. Nếu bị kích động tim sẽ đập nhanh và khi bình tĩnh tim sẽ đập chậm. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh trái tim người trưởng thành trung bình đập khoảng 70 nhịp/ phút thì họ có thể sống tới 80 tuổi (trừ các loại can nhiễu do bệnh tật).

Trong suốt cuộc đời trái tim sẽ đập khoảng từ 2,5 – 3 tỷ lần, nếu nhịp tim lúc nghỉ ngơi (Rest heart rate) khoảng 60 nhịp thì tuổi thọ của chúng ta có thể đạt tới 93 tuổi. Qua đây có thể thấy nhịp tim lúc nghỉ ngơi càng chậm tuổi thọ càng kéo dài và ngược lại nếu nhịp tim lúc nghỉ ngơi khoảng hơn 80 nhịp thì tuổi thọ sẽ bị rút ngắn. Các nghiên cứu lâm sàng cũng chứng thực được rằng, những người có nhịp tim lúc nghỉ ngơi nhanh nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch nhiều hơn và tỉ lệ tử vong cũng cao hơn.
Có một nghiên cứu về mối liên hệ giữa nhịp tim và tuổi thọ của người già được thực hiện như sau. Đối tượng được lựa chọn nghiên cứu là những người già độ tuổi từ 65 – 70, không có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, trong nhóm đối tượng có 1.407 cụ ông và 1.134 cụ bà. Trải qua một thời gian nghiên cứu kết quả cho thấy ở các cụ ông có nhịp tim lớn hơn 80 nhịp/ phút, tỉ lệ sống thọ tới 85 tuổi giảm gần một nửa so với những người có nhịp đập của tim nhỏ hơn 60 nhịp/ phút. Như vậy có thể thấy nhịp tim là chỉ số có thể giúp ta dự đoán tuổi thọ của nam giới một cách hiệu quả, tuy nhiên lại không có khác biệt rõ ràng với nữ giới.
Nhịp tim tỉ lệ nghịch với tuổi thọ
Các nghiên cứu khoa học phát hiện nhịp tim có thể tỉ lệ nghịch với tuổi thọ, tức là nhịp tim càng chậm thì càng sống thọ; nhịp tim càng nhanh thì tuổi thọ càng ngắn. Nếu nhịp tim của một người trưởng thành khi bình tĩnh luôn duy trì khoảng 60 nhịp/ phút thì thọ mệnh có thể đạt tới 93 tuổi; ngược lại nếu nhịp tim lớn hơn 80 nhịp /phút, thì tuổi thọ sẽ bị rút ngắn rõ rệt.

Thông thường nhịp tim trên 100 nhịp/phút được coi là nhịp tim nhanh. Nhịp tim nhanh thường phổ biến khi hưng phấn, xúc động, hút thuốc, uống rượu, sau khi uống trà đặc hoặc cafe, hoặc thường thấy ở những trạng thái bệnh lý như nhiễm trùng, sốt, sốc, thiếu máu, cường giáp, suy tim…, hoặc thường gặp sau khi uống các loại thuốc có chứa atropine, epinephrine, ephedrine…
Nhịp tim chậm là khi nhịp đập của tim ở mức dưới 60 nhịp/ phút, tuy hiện tượng này không xuất hiện nhiều triệu chứng và biến chứng nhưng có thể gây ra do sự tác động của một số bệnh lý và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Đối với người có thể lực tốt, vận động viên thể thao thì hiện tượng nhịp tim chậm hơn người khác được coi là bình thường (khoảng 45 – 60 nhịp/ phút). Tuy nhiên, phần lớn người có nhịp tim chậm chủ yếu là đang gặp những rối loạn liên quan tới kiểm soát hoạt động bơm máu của tim. Hiện tượng này có thể do dị tật tim bẩm sinh, tổn thương hoặc thoái hóa mô tim, tăng huyết áp, biến chứng sau phẫu thuật tim. Hoặc do một số bệnh lý tác động như: sốt, thấp khớp, sốt virus, mất cân bằng điện giải, hội chứng khó thở khi ngủ, bệnh cao huyết áp do dùng thuốc.
Làm thể nào để có trái tim khỏe mạnh?
1. Hãy cười nhiều

Nụ cười có lợi ích giúp bạn giữ được một trái tim khỏe mạnh. Nhờ việc hạ thấp hàm lượng hormone cortisol stress, cười giúp giảm huyết áp, cải thiện tâm trạng. Bên cạnh đó, cười còn giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Nhiều nghiên cứu chỉ ra những người bị trầm cảm có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 2 lần so với người bình thường. Bởi vậy, hãy cười mỗi ngày để trái tim luôn khỏe mạnh.
2. Giảm cân
Cân nặng ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành các bệnh tim mạch. Mô mỡ trong cơ thể người bệnh béo phì tăng khiến lượng tuần hoàn máu tăng. Khi đó lực cản ngoại vi của động mạch nhỏ cũng tăng theo, buộc tim phải làm việc nhiều, tăng nhịp đập của tim để đảm bảo cung cấp máu cho cơ thể. Đó là nguyên nhân dẫn đến xơ cứng động mạch nhỏ gây tăng huyết áp. Ngoài ra, natri trong cơ thể người béo phì làm tăng lượng tuần hoàn máu dẫn tới tăng huyết áp.

3. Giảm căng thẳng
Cảm xúc của con người là một yếu tố rất quan trọng giúp cho tim khỏe mạnh và hoạt động bình thường. Cảm xúc thay đổi những cơn giận dữ, lo lắng sẽ làm cho tim đập nhanh, gây tình trạng hồi hộp và cảm giác khó thở. Chính vì vậy giữ cho cảm xúc được cân bằng, bình tĩnh trước mọi nghịch cảnh, giữ cho tâm được thanh tịnh là một trong những biện pháp tốt giúp cho trái tim luôn được khỏe mạnh.
Những bài tập thả lỏng thư giãn đầu óc như thiền, yoga, thái cực quyền, các kỹ thuật giảm căng thẳng giúp nhịp tim chậm dần theo thời gian. Nếu thường xuyên luyện tập các bài tập này hàng tuần, bạn sẽ có một trái tim khỏe mạnh.
4. Cai thuốc lá

Các loại chất độc trong khói thuốc cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tim. Chúng gây nên tình trạng viêm tắc động mạch trong đó có cả động mạch vành. Nhất là khi kết hợp với các bệnh khác mà chủ nhân của trái tim mắc phải như béo phì, đái tháo đường, xơ vữa động mạch… thì thật là tai hại. Trước đây người ta tưởng rằng thuốc lá chỉ gây ra bệnh viêm phế quản tắc nghẽn mạn tính và ung thư phổi, nhưng thật sự tác hại của nó trên tim mạch là rất lớn và vô cùng nguy hiểm. Chính vì vậy, không nên hút thuốc lá hay bỏ hút thuốc lá là một thông điệp vô cùng quan trọng với sức khỏe của trái tim.
Theo Secretchina / Kiên Định
Bắt chước mô hình Trung Quốc … 100%

Tờ Quân Đội Nhân Dân vừa công bố bài “Gáo nước lạnh giội vào những kẻ hiềm khích, chống phá” (1).
Theo đó, kết quả Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN (BCH TƯ Đảng CSVN) khóa 12 (07/05/2018-12/05/2018) chính là một “gáo nước lạnh”, “giội” vào toàn bộ âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc thâm độc, bịa đặt trắng trợn của các thế lực phản động, chống phá cách mạng Việt Nam. Ví dụ: Hội nghị lần thứ bảy của BCH TƯ Đảng CSVN khóa 12 không hề có biến động lớn về nhân sự. Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nhà nước, Thủ tướng vẫn yên vị. Các Ủy viên BCH TƯ Đảng CSVN khóa 12 chỉ bầu thêm hai thành viên Ban Bí thư. Bỏ phiếu để kiện toàn chức danh lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra BCH TƯ Đảng CSVN khóa 12, nhằm gia tăng việc kiểm soát quyền lực, gia tăng giám sát để xây dựng đội ngũ cán bộ càng ngày càng trong sạch, ngang tầm với yêu cầu về nhiệm vụ trong giai đoạn mới…
“Gáo nước lạnh giội vào những kẻ hiềm khích, chống phá” dành phần chủ yếu để biện bạch cho “Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”: Toàn Đảng bàn thảo về công tác cán bộ, Hội đồng Lý luận Trung ương và “đội ngũ trí thức nước nhà” tổ chức nhiều diễn đàn khoa học, hệ thống truyền thông thì mở các chuyên trang, chuyên đề tuyên truyền sâu rộng về cả tinh thần lẫn nội dung,… Nói cách khác, “Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” – giờ trở thành Nghị quyết của BCH TƯ Đảng CSVN khóa 12 – là một sản phẩm hình thành từ sự đóng góp của toàn dân, bao gồm nhiều “ý kiến đa chiều” được thu thập từ “diễn đàn chính trị sâu rộng trong toàn xã hội”.
***
Đã có những thắc mắc rằng, lấy gì bảo đảm các Ủy viên BCH TƯ Đảng CSVN khóa 12 – giờ, đều đã trở thành “cán bộ cấp chiến lược”, được ví von là “tinh hoa của những tinh hoa quốc gia” – sẽ không tiếp tục phạm những sai lầm nghiêm trọng như xác định khai thác bauxite ở Tây Nguyên là chủ trương lớn của Đảng CSVN, như dốc toàn bộ nguồn lực quốc gia vào các tập đoàn, tổng công ty quốc doanh để làm xương sống cho “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”?…
Cũng đã có những thắc mắc rằng, lấy gì bảo đảm “tinh hoa của những tinh hoa quốc gia” sẽ đủ tinh minh để không tiếp tục bỏ phiếu bầu những cá nhân như Đinh La Thăng vào Bộ Chính trị, chọn những cá nhân như Nguyễn Bá Thanh làm Trưởng Ban Nội chính và sẽ không chọn thêm những cá nhân như Nguyễn Xuân Anh làm “tinh hoa của những tinh hoa quốc gia”?.. Chẳng lẽ không đủ tinh minh, liên tục phạm sai lầm, “tinh hoa của những tinh hoa quốc gia” vẫn có thể ung dung ngồi chọn những cá nhân khác làm “cán bộ cấp chiến lược”?
Ông Nguyễn Tấn Tuân, tác giả “Gáo nước lạnh giội vào những kẻ hiềm khích, chống phá”, bảo rằng, tại Hội nghị lần thứ bảy của BCH TƯ Đảng CSVN khóa 12, các Ủy viên đã góp ý cho “Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2017” rất “thẳng thắn”, “điểm mặt, chỉ việc, tách bạch giữa thành quả và hạn chế, giữa ưu và khuyết, giữa được và chưa được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp thu, đúc rút kinh nghiệm, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ Ban Chấp hành Trung ương giao phó” và “tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã cầu thị lắng nghe, tự phê bình sâu sắc”. Tuy “Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2017”, Ủy viên nào “điểm mặt” ai, “chỉ việc” gì, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự phê bình ra sao, không được công bố nhưng ông Tuân khẳng định “nhân dân cho rằng, Trung ương quyết liệt như vậy là rất quý và đáng kính”!
***
Cứ theo cách ông Tuân lập luận thì BCH TƯ Đảng… Cộng sản Trung Quốc còn… quý và đáng kính hơn vì đã đi tiên phong!
Một ngày trước khi Hội nghị lần thứ bảy của BCH TƯ Đảng CSVN khóa 12 khai mạc, lúc trò chuyện với VietNamNet, ông Phạm Quang Hưng, Vụ trưởng Vụ Theo dõi các cơ quan của BCH TƯ Đảng CSVN thuộc Ban Tổ chức Trung ương Đảng CSVN, loan báo đã kết thúc thử nghiệm về “nhất thể hóa” (chỉ để một cá nhân đảm nhiệm cả vai trò bí thư lẫn vai trò lãnh đạo cơ quan hành pháp). “Nhất thể hóa” đang chính thức được thực hiện ở cấp huyện và cấp tỉnh. Ông Hưng nói thêm rằng BCH TƯ Đảng CSVN “đang nghiên cứu” về “nhất thể hoá một số chức danh cán bộ cấp chiến lược như kinh nghiệm Trung Quốc, ví dụ Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước” (2).
Sáu năm trước, hàng trăm triệu người Trung Quốc công khai bày tỏ sự hoan hỉ của họ khi ông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi, săn sói, quét muỗi” và thề “chống tham nhũng không màng sống chết cá nhân”. Hơn một triệu viên chức thuộc đủ mọi cấp của hệ thống công quyền Trung Quốc đã bị xử lý theo nhiều hình thức khác nhau.
Từ vị trí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Bình được giao kiêm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Tháng ba vừa qua, Quốc hội Trung Quốc biểu quyết về giới hạn nhiệm kỳ của Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Thay vì phải thôi làm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào năm 2022 bởi đã ngồi tại đó đủ hai nhiệm kỳ thì có tới 2.964 đại biểu của Quốc hội Trung Quốc, nhất trí “hủy giới hạn nhiệm kỳ của Chủ tịch Nhà nước”, tạo điều kiện để ông Bình – nhân vật đề ra cam kết “tứ toàn” (Xây dựng kinh tế xã hội thịnh vượng toàn diện. Cải tổ xã hội sâu sắc toàn diện. Thực hiện Nhà nước pháp quyền toàn diện. Thực thi kỷ cương Đảng toàn diện) có thể làm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cho tới hết đời. Chỉ có hai đại biểu phản đối “hủy giới hạn nhiệm kỳ của Chủ tịch Nhà nước” và ba đại biểu bỏ phiếu trắng!
“Nhất thể hóa” là sản phẩm chính trị “made in China”.
“Lò” của Tổng Bí thư, rồi “Nghị quyết Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” mà BCH TƯ Đảng CSVN khóa 12 vừa biểu quyết thành định hướng cho “toàn Đảng, toàn quân, toàn dân” Việt không có gì mới với “toàn Đảng, toàn quân, toàn dân”… Trung Quốc.
***
“Dưới sự lãnh đạo vẻ vang của Đảng CSVN”, Trung Quốc đã và đang là “thầy” của Việt Nam. Lúc nào người Việt thôi phải bái vọng Trung Quốc là “sư” chưa xác định được.
Ngày 18 tháng 9 năm 2009, Nhân Dân Nhật Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc từng có một bài bình luận về chuyện “bắt chước mô hình Trung Quốc”, theo đó, từ Việt Nam, Cuba đến Bắc Hàn đều đang bắt chước Trung Quốc. Trong khi Cuba và Bắc Hàn chỉ bắt chước một phần thì Việt Nam “bắt chước 100%” và vì vậy, “Việt Nam cần thực sự nhớ ơn mô hình này bởi nhờ thế mà Việt Nam phát triển nhanh về kinh tế và chính trị thì ổn định” (3).
Bài viết vừa kể khiến nhiều người Việt tự ái. Trong số này có cả các cựu viên chức và học giả như ông Trần Đức Nguyên (cựu Trưởng Ban Nghiên cứu của ông Võ Văn Kiệt, người tham gia soạn thảo Cương lĩnh Đổi mới cho Đại hội 6 của Đảng CSVN), ông Đặng Phong (tác giả bộ Tư duy kinh tế Việt Nam), ông Tống Văn Công (cựu Tổng Biên tập tờ Lao Động),… Họ khẳng định, “đổi mới” (thực chất là từ bỏ quản lý – điều hành kinh tế theo kế hoạch, quay lại với kinh tế thị trường) là do thúc bách từ thực tế chứ không phải bắt chước Trung Quốc (4).
Có thể các cựu viên chức và học giả vừa kể không sai về “đổi mới” nhưng trật lất về mô hình chính trị.
Bất chấp xung đột về chủ quyền, những hiểm họa tiềm ẩn đối với kinh tế – xã hội, giới lãnh đạo Đảng CSVN vẫn tìm sang Trung Quốc “bái sư”, từ “Tiểu sư” ở trong rừng đến “Đại sư” giữa thủ đô:
– Ngày 11 tháng 9 năm 2016, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra BCH TƯ Đảng CSVN, hội kiến ông Vu Xuân Sinh, Bí thư Ủy ban Kiểm tra – Kỷ luật của Khu Tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc để cám ơn vì đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Đảng và phòng chống tham nhũng, đóng góp thiết thực cho công cuộc đổi mới, cải cách, mở cửa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước (5).
– Ngày 13 tháng 1 năm 2017, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng CSVN đến Bắc Kinh, gặp ông Vương Kỳ Sơn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Kiểm tra – Kỷ luật BCH TƯ Đảng Cộng sản Trung Quốc để tìm hiểu về các chủ trương của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc và hoạt động của Ủy ban Kiểm tra – Kỷ luật của BCH TƯ Đảng Cộng sản Trung Quốc trong chuyện chống tham nhũng, tăng cường quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện, thực hiện bố cục chiến lược “bốn toàn diện” của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ sau Đại hội 18 đến nay (6).
– Ngày 11 tháng 9 năm 2017, ông Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên BCH TƯ Đảng CSVN, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam đã dẫn một phái đoàn cao cấp của Đảng CSVN đến gặp ông Hàn Chính, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Công sản Trung Quốc, Bí thư Thành ủy Thượng Hải để học hỏi kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Trung Quốc về xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị (7).
Các Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH TƯ Đảng CSVN bái Trung Quốc làm “sư” chưa đủ. Quân đội cũng được cử sang Trung Quốc “bái sư”. Ngày 6 tháng 6 năm 2013, Ban Tổ chức của BCH TƯ Đảng CSVN cử 22 sĩ quan cao cấp là “cán bộ chủ trì công tác Đảng, công tác chính trị tại các đơn vị cấp chiến lược, chiến dịch toàn quân, được đào tạo cơ bản, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và là nguồn quy hoạch cho nhiệm kỳ tới”, sang Trung Quốc tham gia một khóa học 15 ngày Đoàn cán bộ chính trị cao cấp của Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ sang Trung Quốc tham gia khóa học 15 ngày về “các vấn đề lý luận và thực tiễn trong công tác Đảng, công tác chính trị của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc”. Từ 2009 đến 2013, Quân ủy Trung ương của Việt Nam đã cử sáu đoàn như thế sang Trung Quốc học tập (8).
Những đoàn như thế đã đặt nền móng cho nhiều hoạt động gần đây. Chẳng hạn tháng 4 năm ngoái, Chi đội Công an Biên phòng thành phố Phòng Thành Cảng, Quảng Tây, Trung Quốc đã sang Việt Nam “mở lớp trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho 40 cán bộ của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái với chủ đề: Ba bí quyết lớn giành thắng lợi vĩ đại của Đảng Cộng sản Trung Quốc” (9).
***
Cuối năm ngoái, khi tổng kết thời sự cả năm, hết The Economist (10) tới Bloomberg (11) cùng nhận định, Việt Nam tiếp tục sao chép đủ thứ từ Trung Quốc. Chẳng phải chỉ chống tham nhũng, Việt Nam còn bắt chước Trung Quốc đàn áp những người bất đồng chính kiến theo kiểu Tập Cận Bình!
Ông Tập Cận Bình từng khuyến dụ giới lãnh đạo Đảng CSVN vài lần rằng Trung Quốc và Việt Nam có “lý tưởng tương đồng, vận mệnh tương quan”. Sức nặng, mức độ hấp dẫn của tám từ đó đủ để ngoài “sơn thủy”, “văn hóa”, ngay cả “nghị quyết” cũng… “tương thông”!
Chú thích
(2) http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/600-can-bo-cap-chien-luoc-3-do-tuoi-co-dac-thu-449359.html
(3) http://nhanamsg.blogspot.de/2009/09/bat-chuoc-gioi-that.html
(4) https://boxitvn.wordpress.com/2010/02/26/hoc-hay-khong-hoc-trung-quoc/
(6) https://vov.vn/chinh-tri/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-hoi-kien-ong-vuong-ky-son-585914.vov
Giới chuyên gia nói gì về ý đồ “trở mặt” của Kim Jong-un?
Ngày 16/5, Bắc Triều Tiên lấy lý do Mỹ và Hàn Quốc diễn tập quân sự chung nên đã tuyên bố hủy hội nghị thượng đỉnh với Hàn Quốc, thậm chí còn dọa hủy cả Hội đàm Kim – Trump. Dù trước đó Kim Jong-un đã cho biết ông ta “có thể hiểu” tập trận chung của Mỹ – Hàn. Vì sao có sự thay đổi lớn này, nhiều chuyên gia đã có phân tích về lý do đằng sau thái độ của Kim Jong-un
Trump và Kim Jong-un (Ảnh: Getty Images).
Ngày 16/5, Bắc Triều Tiên bất ngờ lấy lý do Mỹ và Hàn Quốc diễn tập quân sự đã tuyên bố hủy hội nghị thượng đỉnh với Hàn Quốc vốn đã định sẽ tổ chức trong cùng ngày. Nhưng tập trận chung Mỹ -Hàn đã sớm diễn ra từ ngày 11/5.
Truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA cũng có nhận định, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều dự kiến tổ chức trong tháng Sáu, nhưng sẽ có thể bị hủy bỏ. Cùng với việc Mỹ và Hàn Quốc khiêu khích quân sự, vấn đề Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều đã định cũng phải cân nhắc lại. Hãng tin KCNA cho biết, cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn diễn ra quy mô “siêu sấm sét” có thể nói là đã thách thức “Tuyên bố Bàn Môn Điếm”, là động thái cố tình khiêu khích quân sự.
Kim Jong-un gây áp lực để tìm kiếm thêm nhượng bộ của Mỹ?
Trong thực tế, kể từ sau khi ông Kim Jong-un chơi trò đàm phán, thái độ của Kim Jong-un đã hoàn toàn khác, ông ta đã nhiều lần cho biết việc Mỹ – Hàn tập trận chung là có thể hiểu được. Nhưng lần này ông ta lại bất ngờ trở mặt, lấy lý do từ cuộc tập trận chung này. Nguyên nhân đằng sau là gì?
Trả lời thông tấn xã Hàn Quốc Yonhap, ông Tân Phàm Triết (Xin Fanzhe) người phụ trách Viện Nghiên cứu Chính sách Asan (The Asan Institute for Policy Studies, asaninst.org) tại Hàn Quốc cho biết, Mỹ liên tục gây áp lực đối với Bắc Triều Tiên trước Hội nghị Kim – Trump, ví dụ: yêu cầu Bắc Triều Tiên cho vận chuyển vũ khí hạt nhân ra, hủy vũ khí sinh học và nêu vấn đề nhân quyền, vì thế Bắc Triều Tiên hủy bỏ Hội đàm cấp cao liên Triều như một cái cớ để truyền đạt thái độ bất mãn đối với Mỹ.
Trả lời phỏng vấn hãng tin CNN Mỹ, nhà nghiên cứu Anthony Ruggiero thuộc Tập đoàn Tài chính Bảo vệ Dân chủ Mỹ cho rằng, ông không bất ngờ về hành vi của Bắc Triều Tiên, mục đích của Kim Jong-un là tìm kiếm thêm nhượng bộ của Mỹ tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều sắp tới.
Vai trò đằng sau của Bắc Kinh?
Ngoài ra cũng có chuyên gia cho rằng thái độ trở mặt của Bắc Triều Tiên liên quan đến vai trò đằng sau của Bắc Kinh.
Ngày 16/5, hãng tin Yonhap Hàn Quốc chỉ ra, trong hai ngày 7 – 8/5 ông Kim Jong-un đã có cuộc gặp bí mật lần thứ hai với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, đã ra điều kiện tiên quyết cho phi hạt nhân hóa là phải bỏ các chính sách thù địch và các mối đe dọa an ninh. Vì vậy có quan điểm cho rằng việc Mỹ -Hàn tập trận chung lần này có liên quan trực tiếp đến chuyện Kim Jong-un đưa ra điều kiện tiên quyết để phi hạt nhân hóa.
Thông tin chỉ ra, có suy luận rằng tại Hội nghị thượng đỉnh Trung – Triều, có thể Trung Quốc yêu cầu Bắc Triều Tiên nêu ra vấn đề diễn tập quân sự chung Mỹ -Hàn. Bởi vì trước đó Bắc Kinh từng đề xuất để giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên cần áp dụng biện pháp “hai bên cùng chấm dứt”, có nghĩa là việc Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân và việc tập trận chung Mỹ – Hàn Quốc phải đồng thời cùng ngưng.
Người phụ trách Viện Nghiên cứu Chính sách Asan tại Hàn Quốc phân tích rằng, do sự cải thiện quan hệ Trung – Triều, nhằm nâng cao vị thế đàm phán cho Bắc Triều Tiên, có thể Bắc Kinh “tư vấn” cho Bắc Triều Tiên nêu ra vấn đề tập trận chung Mỹ – Hàn để tăng cường áp lực ảnh hưởng.
Vẫn đang triển khai chuẩn bị Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều
Liên quan đến động thái của Bắc Triều Tiên, tại cuộc họp báo ngắn vào hôm thứ Ba, phát ngôn viên chính phủ Mỹ Heather Nauert cho biết Hội đàm Kim – Trump sẽ không bị ảnh hưởng. Bà nói, chính phủ Mỹ không nhận được bất kỳ thông tin chính thức hoặc thông tin liên quan nào cho thấy sẽ hủy kế hoạch hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều, hiện nay Mỹ vẫn đang xúc tiến cho kế hoạch này.
Lầu Năm Góc thì cho biết, cho dù Bắc Triều Tiên đưa ra đe dọa thế nào thì diễn tập quân sự chung “siêu sấm sét” giữa Mỹ và Hàn Quốc vẫn tiếp tục diễn ra.
Trên kênh thông tin Fox News, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ Rob Manning cho biết, tập trận chung Mỹ – Hàn diễn ra mỗi năm một lần, diễn tập lần này chỉ mang tính phòng ngự, là diễn tập thường xuyên hàng năm để đảm bảo tính chủ động trong công tác chuẩn bị về quân sự.
Huệ Anh
Bóc tách chiến thuật “lật mặt” của Triều Tiên
Tuyên bố mới đây của Bình Nhưỡng là sóng gió đầu tiên nổi lên, sau nhiều tuần ngập tràn tích cực trên bán đảo Triều Tiên.
Tại sao Bình Nhưỡng đột ngột đe doạ rút khỏi cuộc gặp gỡ được kỳ vọng giữa Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên?
Hôm thứ Tư (16/5), Nhà Trắng bày tỏ hy vọng rằng, cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump sẽ vẫn sẽ tiếp diễn như kế hoạch, bất chấp việc Bình Nhưỡng mới đây đe doạ sẽ huỷ bỏ gặp gỡ trước áp lực của Mỹ muốn quốc gia châu Á từ bỏ hạt nhân.
Những phát biểu của Triều Tiên về sự kiện được kỳ vọng – dự kiến tổ chức vào ngày 12/6 tại Singapore, là dấu hiệu rắc rối đầu tiên sau nhiều tuần ngập tràn không khí hữu nghị.
“Chúng tôi vẫn hy vọng, cuộc gặp sẽ diễn ra và chúng ta sẽ tiếp tục cuộc hành trình đã định,” Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nói với Fox News. “Cùng lúc… chúng tôi đã chuẩn bị rằng, có thể sẽ có đàm phán khó khăn”.
Bà Sanders cho biết thêm: “Ngài Tổng thống sẵn sàng nếu cuộc gặp diễn ra. Nếu không, chúng tôi sẽ tiếp tục chiến dịch gây sức ép tối đa như ở hiện tại”.
Trước đó cùng ngày, trong một thông cáo có phần giận dữ, Triều Tiên cảnh báo, họ có thể rút khỏi cuộc gặp thượng đỉnh nếu Mỹ ép Bình Nhưỡng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình.
“Nếu nước Mỹ cố gắng dồn chúng tôi vào góc để ép chúng tôi đơn phương từ bỏ [chương trình hạt nhân], chúng tôi sẽ không quan tâm đến những cuộc đối thoại như vậy nữa”, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-gwan tuyên bố. Theo ông Kim, trong trường hợp đó, Bình Nhưỡng sẽ “cân nhắc” việc tham dự hội nghị tại Singapore vào tháng sau.
Ngài Thứ trưởng cũng chỉ trích Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton vì đã đặt Triều Tiên và Libya cạnh nhau, và gọi sự so sánh này là “hoàn toàn lố bịch”. “Chúng tôi không hề che giấu cảm giác chán ghét với ông Bolton,” ông Kim nói.
Cố vấn Bolton đã đưa ra ý kiến về một thoả thuận với Triều Tiên tương tự như những gì Mỹ đã đạt được với cựu lãnh đạo người Libya, ông Muammar Gaddafi. Năm 2003, ông Gaddafi đã đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân và vũ khí hoá học, để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt cho đất nước Libya. Sau đó, chính trị gia này đã bị thiệt mạng trong một cuộc nổi dậy vào năm 2011.
Washington đang gây sức ép để có được một quá trình giải giáp hạt nhân toàn diện, đáng tin cậy và không thể quay ngược của Triều Tiên. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Bình Nhưỡng không hề nói rõ họ sẽ thực sự làm gì ngoài lời cam kết vì một bán đảo Triều Tiên không có bóng dáng hạt nhân.
Ông Kim Kye-gwan khẳng định, Triều Tiên “đã nhiều lần làm rõ rằng, điều kiện tiên quyết để giải giáp hạt nhân là dừng chính sách thù địch chống Triều Tiên và những đe doạ hạt nhân từ phía Mỹ”.
Trong quá khứ, Bình Nhưỡng đã yêu cầu Mỹ rút quân đội khỏi Hàn Quốc và kết thúc lời bảo hộ hạt nhân cho đồng minh châu Á.
Lời kêu gọi từ Trung Quốc
Còn Trung Quốc, đồng minh lớn gần như duy nhất của Triều Tiên, vẫn kêu gọi cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra theo đúng kế hoạch.
“Tình huống trên bán đảo đã giảm căng thẳng, và điều này cần phải được coi trọng,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lu Kang nói trong một cuộc họp báo thường kỳ.
Ngoài ra, Thứ trưởng Triều Tiên cũng gạt bỏ lời đề nghị của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là, Mỹ sẽ cung cấp viện trợ kinh tế nếu Bình Nhưỡng từ bỏ hạt nhân.
“Chúng tôi chưa từng có bất kỳ mong đợi gì vào sự hỗ trợ của Mỹ trong việc tiến hành xây dựng kinh tế và sẽ không đồng ý với những thoả thuận như vậy trong tương lai,” ông Kim nhấn mạnh.
Ngoại giao giằng co
Trước khi Bình Nhưỡng tung lời cảnh báo, bán đảo Triều Tiên đã có những tuần tràn đầy lạc quan với cuộc gặp gỡ lịch sử giữa các nhà lãnh đạo hai miền Nam – Bắc, cũng như hai chuyến công du tới Trung Quốc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình của ông Kim Jong-un.
Hy vọng càng được gia tăng khi Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ phá bỏ bãi thử nghiệm hạt nhân trong tuần sau.
Giới phân tích nhận định, Triều Tiên có thể đang cố gắng định hình các điều khoản của cuộc đàm phán.
“Đó là một chiến thuật ngoại giao,” ông Kim Hyun-wook, Giáo sư tại Viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc, đánh giá, đồng thời gọi đó là “chính sách bên miệng hố chiến tranh để thay đổi lập trường của Mỹ”.
“Có vẻ như Kim Jong-un bị đẩy vào thế phải chấp nhận các yêu của của Mỹ “giải giáp hạt nhân trước tiên”, nhưng giờ đây họ đang cố gắng thay đổi lập trường của mình sau khi bình thường hoá quan hệ Triều Tiên – Trung Quốc, và có được những hỗ trợ về kinh tế”, Giáo sư Kim nói. “Màn giằng co ngoại giao kinh điển giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu”
Trong khi đó, giới chức Mỹ vẫn thường khăng khăng rằng, chính sách “gây sức ép tối đa” của Washington là một trong những nguyên nhân chính đưa Bình Nhưỡng ngồi vào bàn thương lượng.
Theo chuyên gia Joshua Pollack của Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, Bình Nhưỡng thấy khó chịu bởi “giọng điệu mang tính chiến thắng” của người Mỹ. “Triều Tiên không hạnh phúc với những gì họ đang nhìn thấy và nghe thấy,” ông Pollack nói. “Vẫn có một khoảng cách lớn trong kỳ vọng ngoại giao giữa Bình Nhưỡng và Washington, D.C.”
Tâp trận chung Mỹ – Hàn Quốc
Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cũng tuyên bố, cuộc tập trận chung Max Thunder do Mỹ và Hàn Quốc đồng tổ chức là “một sự khiêu khích thô lỗ và quỷ quyệt”. Còn Seoul cũng tiết lộ, họ đã nhận được một thống báo huỷ bỏ “vô thời hạn”các cuộc gặp gỡ cấp cao theo kế hoạch.
Bắt đầu vào Thứ Sáu (11/5) và kéo dài hai tuần, tập trận Max Thunder có sự tham gia của khoảng 100 phi cơ chiến đấu của Mỹ và Hàn Quốc, bao gồm cả máy bay tàng hình F-22.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert chia sẻ với giới phóng viên, cơ quan này vẫn chưa nhận được “thông báo” nào về việc thay đổi lập trường từ Tiều Tiên, liên quan tới cuộc gặp thượng đỉnh tháng sau. Ngoài ra, các hoạt động tập trận không mang tính chọc tức, và vẫn sẽ được tiếp tục, bà Nauert khẳng định.