Con gái Hà Nội ở đâu?

Mẹ tôi nể phục mấy cô gái Hà Nội lắm. Dưới con mắt của người nhà quê ra Hà Nội làm việc vặt, bà thấy các thiếu nữ nơi đây ứng xử khôn khéo, nói năng lễ độ, và khuôn phép lắm. Đó là chưa kể thêu thùa may vá, nữ công gia chánh,… Nói chung là đảm. Mỗi khi thấy mấy cô Sài Gòn tân thời quá, tự nhiên quá, bà lại chép miệng, con gái Hà Nội đâu có thế. Bà nói riết, nói riết…, khiến tôi ngờ…bà muốn thằng con của bà nên đi tìm một thiếu nữ Hà Nội.

Vũ Thế Thành

Nhưng thế giới của tôi lại khác. Tôi sinh ra ở Sài Gòn, lớn lên ở Sài Gòn, bạn bè Sài gòn, trong đầu tôi, nếu có, cũng chỉ là con gái Sài Gòn cho hợp… thủy thổ.

Mà con gái Bắc (di cư 54) hồi đó gớm lắm, vờn qua vờn lại, làm duyên, đá lông nheo, õng ẽo  làm điêu đứng con trai Nam Kỳ đến là khổ. Một thanh niên xứ Biên Hòa đã phải cay đắng thế này:

“ Em nhớ giữ tính tình con gái Bắc

Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền,

Nhớ khiêm nhường nhưng thâm ý khoe khoang,

Nhớ duyên dáng ngây thơ mà xảo quyệt…”

Tôi không có ý kiến gì về bài thơ trên, mà cũng chẳng dại gì có ý kiến. Mấy bà mấy cô Bắc Kỳ đọc bài thơ trên có nổi cơn tam bành rủa xả, thì chắc cũng chỉ mình rủa mình nghe thôi, chứ tác giả, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên chết rồi, chết trong một chiếc xe hơi cũ kỹ ở sân chùa bên California.

Dù sao cũng nên đọc tiếp thêm vài câu nữa mới thấy “cảm thương” cho tác giả:

“…Ta vẫn nhớ dặn dò lòng tha thiết,

Nên vội vàng tin tưởng chuyện vu vơ

Nên yêu đương bằng gương mặt khờ khờ

Nên hùng hổ để đợi giờ thua thiệt…”

Những ngày sau 75, trên tivi Sài Gòn là những đoàn quân “chiến sĩ gái”, bước theo nhịp quân hành, chiếu cận cảnh với đôi mắt rực lửa căm hờn, giọng nói lanh lảnh. Cảm giác đầu tiên của tôi với các cô gái Bắc Kỳ (thứ thiệt) là…ớn lạnh. Tôi cười, “Đấy con gái Hà Nội của mẹ đấy…”. Bà cụ lại thở dài, chép miệng… “Hồi trước đâu có thế…”.

Dĩ nhiên, mẹ tôi không thể phát hiện cái trò đánh lận rẻ tiền của thằng con, tỉnh bơ xem tất cả các cô Bắc Kỳ đều là các cô Hà Nội.

Thực ra trong đầu tôi cũng có một chút gì đó mơ hồ về con gái Hà Nội. Biết tả thế nào nhỉ! Có thể là hình ảnh dịu dàng đằm thắm của cô Liên trong Gánh Hàng Hoa, hay thiếu nữ tân thời một cách bảo thủ, không sao thoát ra khỏi vòng lễ giáo của cô Loan trong Đoạn Tuyệt. Tôi cảm được nỗi cô đơn của Loan khi thả bộ trên bờ đê Yên Phụ,… Đại loại là tôi đã nhìn thiếu nữ Hà Nội qua lăng kính của những tiểu thuyết trong Tự Lực Văn Đoàn mà tôi được học thời trung học.

Cũng chẳng dừng ở đấy đâu. Khi đọc “Tuấn, chàng trai nước Việt”, một thứ tiểu thuyết hồi ký của Nguyễn Vỹ, tôi biết thêm rằng, các cô nữ sinh Hà Nội cũng lãng mạn ra rít. Họ kín đáo lập ra hội “Ái Tino”. Tino Rossi là ca sĩ người Pháp lừng danh thưở đó, và là thần tượng của vô số thiếu nữ, chẳng riêng gì thiếu nữ Hà thành. Cái “hội” kín đáo, chỉ lèo tèo dăm ba cô thế thôi, nhanh chóng tan hàng, và rồi mạnh ai người nấy tam tòng tứ đức, xuất giá tòng phu, công dung ngôn hạnh… Cái “lãng mạn tân thời” chỉ là đóm lửa, và họ nhanh chóng quay lại với sự thanh lịch, nề nếp theo giáo dục của gia đình.

Năm 1980, lần đầu tiên tôi ra Hà Nội công tác. Anh bạn đồng nghiệp trạc tuổi, tốt nghiệp từ Đông Đức, chở tôi trên chiếc Simson lòng vòng Hà Nội. Nơi đầu tiên tôi muốn ghé thăm là phố Khâm Thiên. Anh bạn tròn xoe mắt, “Làm gì còn hố bom mà ghé thăm”. Tôi chợt hiểu vì sao anh bạn ngạc nhiên, nhưng không thể giải thích. Môi trường giáo dục trong Nam ngoài Bắc khác nhau.

Cái máu phóng đãng đã dẫn tôi đến phố Khâm Thiên, chứ không phải bom rơi đạn lạc ở đó. Đến, dù chỉ để nhìn vài căn nhà xiêu vẹo, cũng thỏa đôi chút tò mò về một thời vang bóng. Phong lưu tài tử giai nhân, đúng, nhưng không phải cách phong lưu của Vân Hạc trong Lều Chõng của Ngô Tất Tố. Anh chàng Vân Hạc khi chờ kết quả thi, ra vào chốn ả đào để vui say bè bạn, để trấn an nhau, để bốc nhau, để chờ ngày bảng vàng ghi tên.

Tôi nhớ đến kiểu cách phong lưu của Cao Bá Quát, một tay chơi thứ thiệt, khi làm sơ khảo trường thi, tiếc bài thi hay mà phạm húy, đã dùng muội đèn để sửa. Việc lộ, bị kết án giảo giam hậu, ông phải đi dương trình hiệu lực, nghĩa là đi làm phục dịch cho phái đoàn đi công tác nước ngoài. Con người tài hoa này, mang theo nỗi cô đơn đến phố ả đào giải sầu bên chén rượu, làm vài bài hát nói, đào nương hát, mình gõ nhịp…

“Giai nhân nan tái đắc

Trót yêu hoa nên dan díu với tình

Mái tây hiên nguyệt gác chênh chênh

Rầu rĩ lắm xuân về oanh nhớ…”

Cũng lần đầu ở Hà Nội, buổi chiều chập choạng tối, lang thang ở phố Huế, tôi thấy một bà đi xe đạp ngược chiều, bị cảnh sát ngoắc lại. Bà năn nỉ thông cảm? Không. Bà phân bua? Không. Bà cãi tay đôi với cảnh sát rằng, nhất định mình đúng. Lương và nhu yếu phẩm phân phối còn không đủ sống, đâu dễ gì chịu nộp phạt. Đôi co với nhau mà cả hai vẫn một mực xưng hô…đồng chí. Tôi phì cười. Hà Nội có những điều không nằm trong trí tưởng tượng của một người Sài Gòn, lần đầu ra Hà Nội như tôi.

Bây giờ, Hà Nội khác xa rồi. Hà Nội nhiều nhà cao tầng, cầu vượt. Hà Nội nhiều xe hơi hơn, Hà Nội giàu hơn. Hà Nội không còn những cảnh cãi tay đôi với cảnh sát buồn cười như thế nữa.  Hà Nội văn minh hơn, nhưng có thể họ phải “cãi tay đôi” với chính mình, khi mà còn những cảnh thanh niên thiếu nữ “ à la mode” hái hoa, giẵm hoa bẻ cành để chụp ảnh, hay gào thét tung hô thần tượng minh tinh Hàn Quốc. Đó là chưa kể bún mắng cháo chửi, rải rác vẫn còn đâu đó. Thương hiệu chăng? Tôi chịu! Ăn ngon mà nghe chửi, thôi thà ăn độn dễ nuốt hơn.

Tôi có bà bạn già (hơn tôi) là dân Hà Nội mấy đời. Cha bà là một trong số rất ít người xong bậc đại học thời Tây. Sau 54, nhà đông con, xoay sở không nổi, ông bố định cho 2 đứa con lớn tạm nghỉ học, đi làm rồi học bổ túc sau. Nhưng bà mẹ thì không, nhất quyết không. Bà đến gặp ông bà bác sĩ nhà bên mượn…tiền để các con tiếp tục ăn học. Họ cùng ở trong thành như bà, không vướng bận con cái, còn chút của ăn của để, đồng ý cho vay tín chấp, một thứ tín chấp tình người, thời nay khó tìm. Tôi hiểu ra, dân trí thức Hà Nội xưa có kiểu chơi “chẳng giống ai” (lúc này). Họ kín đáo giúp đỡ nhau trong những tình huống khắc nghiệt. Trong họ dường như  chất “nhân” và lòng tự trọng được rèn luyện qua giáo dục, giấy rách phải giữ lấy lề. Mực đen và bão tố không thể vấy bẩn hay phá sập.  Những năm sau 75, trong Sàigòn tôi cũng thấy vài trường hợp như thế.

Bà bạn (già) này, về chuyên môn, thì kiến thức mênh mông chứ chẳng vừa. Ăn nói nhẹ nhàng, nhưng quyết liệt khi cần. Vậy mà cư xử thì cứ dạ dạ,..cám ơn. Bà nói chuyện với tôi cũng thế, cũng dạ dạ,..cám ơn.  Tôi cười, sao chị khách sáo thế. “Không phải đâu, tôi được giáo dục trong nhà từ nhỏ như thế. Các anh chị em tôi cũng đều như vậy chứ chẳng riêng tôi. Hồi đi học, chỉ vì dạ dạ…cám ơn mà chúng tôi bị phê bình là tiểu tư sản. Ông bà cụ dạy con nghiêm khắc lắm. Tôi là con gái, đi học về là phải tập tành bếp núc, ăn trái chuối là phải bẻ đôi. Ở trường là chuyện khác, còn về nhà là đâu ra đó, vào khuôn phép.”. Tôi cũng nhận ra sự  “khách sáo chân thành” của bà, chứ không phải khách sáo đãi bôi.

Dạo sau này, vì công việc tôi thường ra Hà Nội. Đi ăn hàng với bè bạn ở đó thì không sao, nhưng hễ đi một mình là bị chặt (giá), dù chỉ là chai nước tinh khiết, 10.000 đồng ở quán ven đường phố cổ. Bị chặt riết thành quen. Tôi nhủ thầm, lần nào ra Hà Nội mà không bị chặt coi như trúng số.

Dù tôi cũng có vài người bạn thân ở Hà Nội, nhưng giữa tôi và Hà Nội, dường như vẫn còn khoảng cách nào đó. Tôi đến Hà Nội như một kẻ xa lạ, đến như đi nước ngoài không cần visa.

Sài Gòn dễ hội nhập. Cứ ở Sài Gòn là thành người Sài Gòn. Chưa thấy mình là người Sài Gòn, ở lâu thêm chút nữa cũng biến thành người Sài Gòn. Sài Gòn đồng hóa con người nhanh lắm.

Nhưng Hà Nội có lẽ khác, người ta đồng hóa Hà Nội như vũ bão, đồng hóa cạnh tranh từ nhiều nguồn khác nhau để tạo ra một văn hóa Hà thành hiện đại khó mô tả. Còn người Hà Nội (thứ thiệt) đành phải co cụm, khép kín, và giáo dục con cái theo cách riêng của họ để bảo tồn…di sản. Giáo dục từ gia đình mới tạo ra gốc rễ, chứ  không phải là quy tắc ứng xử, hay giàu sang, quyền thế.

Hà Nội nhiều hồ. Hà Nội đẹp vì hồ vào những buổi sáng thật sớm, khi trời còn nhá nhem. Sáng lên, Hà Nội biến mất. Con gái Hà Nội (xưa) chắc cũng thế. Cuộc đời dâu bể đã làm họ biến mất, nhưng thực ra cũng chỉ lẩn quất, âm thầm đâu đó thôi.

Năm ngoái, đi ngang qua ngõ nhỏ trong khu phố cổ, tôi ghé tiệm tạp hóa mua chai nước lạnh. Bà bán hàng dễ cũng gần 70, đưa chai nước: “Thưa, của ông đây, giá 5.000. Cám ơn ông…”. Tai tôi lùng bùng. Trong tiềm thức có cái gì nghe quen quen, đọc đâu đó rồi. Đã dợm chân đi, nhưng cũng quay lại: “Thưa bà, bà là người Hà Nội?”. “Vâng ạ, nhà tôi ở  ngõ này đã ba đời rồi, từ thời ông nội tôi ra làm quan ở đây”.

Mẹ tôi nói đúng về con gái Hà Nội. Họ hiếm hoi, ẩn mình như giọt nước đọng ở mặt dưới của lá cây sau cơn mưa. Có duyên mới gặp, phải tìm mới thấy.

Vũ Thế Thành

 

Nhà ống hẹp Sài Gòn có ánh sáng lan tỏa mọi ngóc ngách

Ngôi nhà dùng tông màu trắng, mở nhiều ô cửa sổ nên trông rộng hơn diện tích thực tế.

Nhà ống hẹp Sài Gòn có ánh sáng lan tỏa mọi ngóc ngách

Ngôi nhà ở quận Bình Thạnh (TP HCM) có ưu điểm lớn là hướng nhìn ra kênh Nhiêu Lộc và công viên. Tuy nhiên, nhà lại làm trên khu đất khá hẹp (37 m2), có mặt tiền hướng Tây.

Nhà ống hẹp Sài Gòn có ánh sáng lan tỏa mọi ngóc ngách

Bởi vậy, các KTS chủ trì Vũ Văn Minh, Phạm Hồng Đức (MD Studio) đã đưa ra giải pháp mặt tiền vừa kín vừa mở để hạn chế nắng hướng Tây. Lớp tường xây vát có những ô vuông được bố trí ngẫu nhiên giúp nhà có lượng ánh nắng vừa phải và thông thoáng.

Nhà ống hẹp Sài Gòn có ánh sáng lan tỏa mọi ngóc ngách

Phần mái nhà cũng được trổ các ô lấy sáng tạo hiệu ứng bóng nắng lung linh.

Nhà ống hẹp Sài Gòn có ánh sáng lan tỏa mọi ngóc ngách

Ngôi nhà có 4 tầng dạng ống nhưng mọi ngóc ngách trong nhà đều có ánh sáng, không cần bật đèn vào ban ngày.

Nhà ống hẹp Sài Gòn có ánh sáng lan tỏa mọi ngóc ngách

Không gian tầng một có chỗ để xe, phòng ngủ cho ông bà, WC. Cầu thang xoắn ốc dẫn lên tầng 2 giúp tiết kiệm diện tích.

Nhà ống hẹp Sài Gòn có ánh sáng lan tỏa mọi ngóc ngách

Lên tầng trên, cầu thang chuyển sang vật liệu bê tông và được bố trí sát phía sau nhà để tạo sự linh hoạt, cảm giác khác biệt khi di chuyển.

Nhà ống hẹp Sài Gòn có ánh sáng lan tỏa mọi ngóc ngách

Khu sinh hoạt chung gồm phòng khách, bếp ăn được bố trí ở tầng 2 để tận dụng góc nhìn đẹp ra công viên, dòng kênh bên ngoài.

Nhà ống hẹp Sài Gòn có ánh sáng lan tỏa mọi ngóc ngách

Khu bếp ăn gọn gàng với bộ bàn ăn linh hoạt, có thể xếp lại khi không cần sử dụng giúp nhà rộng rãi hơn.

Nhà ống hẹp Sài Gòn có ánh sáng lan tỏa mọi ngóc ngách

Vật liệu chính của nhà có tông màu trắng pha trộn gỗ sồi và những mảng trần bê tông thô để nhà được rộng hơn.

Nhà ống hẹp Sài Gòn có ánh sáng lan tỏa mọi ngóc ngách

Do cách thiết kế mặt tiền vát với các ô trống hợp lý nên gia chủ có thể thoải mái mở cửa ở phòng ngủ mà vẫn đảm bảo được sự kín đáo, riêng tư.

An Yên
Ảnh: Quang Dam

7 dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc chứng trầm cảm mà không hề hay biết

Theo WHO, hiện nay trên thế giới có hơn 300 triệu người mắc chứng trầm cảm và số lượng đang ngày càng tăng lên. Đáng buồn hơn, gần một nửa trong số đó không được phát hiện kịp thời hay điều trị đúng cách, đặc biệt ở nam giới.

Khi bị suy nhược cả về thể chất lẫn tinh thần, thông thường mọi người sẽ nghĩ đến ung thư, bệnh tim mạch, thậm chí là bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, ít ai nghĩ đến nguy cơ mắc chứng trầm cảm, đặc biệt là nam giới.

Theo WHO, hiện nay trên thế giới có hơn 300 triệu người mắc chứng trầm cảm và số lượng đang ngày càng tăng lên. Đáng buồn hơn, gần một nửa trong số đó không được phát hiện kịp thời hay điều trị đúng cách, đặc biệt điều này càng đúng hơn ở nam giới vì các triệu chứng thường không liên quan đến trầm cảm.

Một khi căn bệnh trầm cảm trở nên nghiêm trọng hơn, nó có thể gây ra những triệu chứng khác như khó chịu, mệt mỏi, chán ăn, thậm chí đau đớn thể chất. Dưới đây là 8 dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc chứng trầm cảm mà bạn thường bỏ qua:

Luôn cảm thấy chán nản, buồn rầu

Cuộc sống của bất kỳ ai đều có những ngày vui cũng như những ngày buồn. Tuy nhiên, nếu bạn mắc chứng trầm cảm, nỗi buồn có thể kéo dài ngày này sang ngày khác mà không có dấu hiệu chấm dứt.

Bạn luôn bị đè nặng bởi tâm trạng tiêu cực trong nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng. Chính điều đó khiến bạn không tìm thấy niềm vui và động lực trong công việc và học tập.

Luôn giận dữ, cáu gắt với mọi chuyện xung quanh

Các triệu chứng của trầm cảm luôn đi liền với buồn bã, mệt mỏi, sụt hoặc tăng cân không rõ nguyên nhân – là dấu hiệu của sự yếu đuối. Vì vậy, bạn rất dễ trở nên tức giận ai hoặc chuyện gì đó một cách khó hiểu. Bạn có thể ném mọi thứ, hoặc la lên, hoặc cố gắng làm tổn thương người khác (về thể xác hoặc tình cảm) như một cách để đối phó.

Khi bạn bị trầm cảm, những cơn tức giận của bạn có thể bùng phát ở bất cứ đâu. Chẳng hạn như trong bữa ăn, mọi người trong gia đình đang thảo luận với nhau và đột nhiên bạn cảm thấy khó chịu, ném bát đũa và chửi rủa. Đây không chỉ là một phản ứng cảm xúc đơn thuần mà nó bắt nguồn từ bên trong cơ thể bạn.

Rất nhiều người đàn ông cảm thấy họ sẽ mất nam tính khi thừa nhận rằng mình đang chán nản hay mệt mỏi chính vì thế rất khó để mọi người có thể nhận ra.

Làm rất nhiều điều ngu ngốc và liều lĩnh

Hành động liều lĩnh, táo bạo thường xảy ra ở những người đàn ông mắc chứng trầm cảm hơn là phụ nữ. Khi bạn không thể diễn đạt cảm xúc của mình, bạn sẽ đối phó với chứng trầm cảm theo hướng có thể gây nguy hiểm cho bản thân hoặc người khác. Ví dụ, bạn lái xe trong khu vực dân cư với 110 dặm/giờ chỉ để chứng minh rằng mình có thể, hoặc bạn có thể sẵn sàng gây chiến và đánh nhau với người khác.

Hơn nữa, nó có thể báo hiệu một loại trầm cảm cụ thể được gọi là rối loạn lưỡng cực. Đây là một loại bệnh lý tâm thần phổ biến trong xã hội hiện đại. Người bệnh trải qua sự biến đổi tâm lý không ổn định – chuyển từ cảm xúc hưng phấn (hưng cảm) sang cảm xúc ức chế (trầm cảm).

Liên tục kiệt sức

Không thể ngủ được? Gặp khó khăn khi thức giấc vào ngày hôm sau? Hoặc tỉnh dậy vào lúc nửa đêm? Rối loạn giấc ngủ là một trong những dấu hiệu sớm nhất và phổ biến nhất của bệnh trầm cảm. Trong thực tế, ba phần tư bệnh nhân bị trầm cảm có triệu chứng mất ngủ, theo một đánh giá được công bố trong Đối thoại trong khoa học thần kinh lâm sàng.

Khi bạn có hàng triệu suy nghĩ chạy qua tâm trí, bộ não sẽ luôn khiến bạn tỉnh táo, chính vì thế bạn không buồn ngủ và dẫn tới mệt mỏi quá mức suốt cả ngày. Hơn nữa, nó cũng khiến cho các triệu chứng khác nghiêm trọng hơn.

Đẩy mọi người ra xa

Những người chán nản có quan điểm tiêu cực về bản thân và tương lai của họ. Nếu bạn bị trầm cảm, bạn có thể cảm thấy như bạn không có gì để mong đợi, vì vậy bạn có xu hướng quên đi tất cả những phần tích cực trong cuộc sống, như mối quan hệ của bạn với những người khác.

Vì thế, bạn bắt đầu cô lập bản thân khỏi gia đình và bạn bè. Một nghiên cứu năm 2011 đã phát hiện ra rằng những người bị các triệu chứng trầm cảm ở tuổi thiếu niên thực sự đã gặp nhiều xung đột trong chuyện tình cảm nam nữ hơn so với thanh thiếu niên không bị trầm cảm.

7 dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc chứng trầm cảm mà không hề hay biết - Ảnh 1.

Giảm ham muốn tình dục

Các nghiên cứu của đại học Stanford cho thấy rằng 75% bệnh nhân bị trầm cảm không có hứng thú trong vấn đề tình dục. Trong thực tế,ham muốn tình dục giảm là một trong những dấu hiệu sớm nhất của trầm cảm, đặc biệt là ở các chàng trai trẻ.

Đó là bởi vì trầm cảm có thể làm suy yếu các bộ phận của hệ thống limbic của bạn, một vùng não của bạn kiểm soát sự thèm ăn, giấc ngủ, năng lượng và ham muốn tình dục. Hơn nữa, một số loại thuốc chống trầm cảm cũng làm giảm ham muốn tình dục của bạn. Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs), bao gồm Prozac và Lexapro, có thể trì hoãn xuất tinh và thậm chí có thể làm giảm testosterone.

Tăng hoặc giảm cân mà không rõ nguyên nhân

Chúng ta có xu hướng nghĩ đến việc giảm cân là một điều tốt trong hầu hết các trường hợp. Nhưng nếu bạn có cảm giác thèm ăn và đột nhiên giảm một vài cân mà không rõ nguyên nhân hay thay đổi chế độ ăn kiêng hoặc thói quen tập luyện, đó có thể là triệu chứng trầm cảm. Nếu bạn quá chán nản khi đến phòng tập thể hình hoặc suy nghĩ cẩn thận về những gì bạn ăn, thì hãy đến gặp bác sĩ của bạn.

Bạn sẽ làm gì khi nghĩ rằng mình bị trầm cảm

Trầm cảm có thể là nguyên nhân gây tử vong. Theo Tổ chức phòng chống tự tử của Mỹ, nam giới có khả năng tử vong cao gấp 3,5 lần so với nữ giới, khiến tự tử trở thành “kẻ giết người” thứ bảy phổ biến nhất của đàn ông. Và hầu hết những người đã tự sát trước đó đã phải vật lộn với một dạng trầm cảm nào đó.Nhưng với việc điều trị thích hợp, nó có thể phục hồi.

Hầu hết mọi người đều điều trị tâm lý hoặc dùng thuốc để điều trị chứng trầm cảm, nhưng nghiên cứu thực sự gợi ý rằng sự kết hợp cả hai là con đường tốt nhất để thoát khỏi căn bệnh nguy hiểm này.

Anh Thơ / Theo Nhịp sống kinh tế/Men’s health

Bản đồ Thủ Thiêm, tiếng súng Tây Nguyên

dang van hien
“Nước mắt rơi và tiếng khóc vang lên ở bến đò Đak Ngo.” – Mai Quốc Ấn/ANTGCT.
(Ảnh: antgct.cand.com.vn)

1. Không có bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm, tức kẻ chủ mưu đã đẻ ra một quy hoạch ảo để “cướp” trắng đất của dân. Một tội ác có hệ thống đã được bưng đậy, che chắn đến bây giờ mới vỡ toác kinh khủng.

Sự xảo trá cổ cồn đã trở thành điểm tựa cho lâu la bên dưới, làm nên những cuộc trấn áp kinh động ở Thủ Thiêm. Nơi có người chết tức vì đất, có người á khẩu vì oan trái. Có những bàn thờ lập vội đêm trước, sáng hôm sau đã bị phá nát. Nơi có những nhà báo dấn thân vì dân cũng chịu lây những uất ức đè nặng, cho đến tận bây giờ.

Những kẻ cướp quyền lực đã dày công vẽ nên một kịch bản để lấy đất của dân với giá chai nước suối và hóa phép nó thành cao ốc triệu đô. Hốt dân đi nơi khác để tạo đất sạch, sau đó giao cho doanh nghiệp làm BT đổi hạ tầng. Mà thực chất hạ tầng ấy, dẫn vào dự án.

Chính sách đất đai, đã tạo cho quan chức một lưỡi hái tử thần, mặc sức múa gậy vườn hoang mà tội ác đó đã có thể vĩnh viễn bị vùi chôn cùng các dự án, nếu như không có cuộc can qua ngày hôm nay.

Nói về nhân quả. Hạt mầm man trá của quan chức, đã tạo ra biết bao nhiêu nỗi đắng cay ai oán cho dân. Dù bất kỳ ai vào lò lửa hay vạc dầu, thì 15 nghìn hộ, cũng đã như chim mất tổ, người chết người điên không còn trở lại được nữa.

2. Không có mốc thực địa, nghĩa là việc công ty Long Sơn giữa đêm “đánh úp” gia đình anh Đặng Văn Hiến là đánh cướp. Nghĩa là lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông đã dựa trên ý chí và quyền năng của mình “ngắt” một miếng đất chỉ có giá trị quy ước cho Long Sơn, rồi sau đó điềm nhiên như không còn liên quan đến mình. Bằng chứng là không hay không biết việc Long Sơn tự tổ chức “cưỡng chế” trái luật, nhiều lần.

Đoàn cưỡng chế tự phát đang đêm hù dọa, ném đá vào căn nhà của Hiến giữa núi rừng hoang vắng, nơi anh cùng vợ con đang say giấc. Hiến bắn chỉ thiên, đoàn người vẫn ập vào. Hiến nhả đạn… 3 người chết.

Đoàn người hung bạo ấy, họ cũng là những con người chân chất. Họ làm thứ mà họ tin là nhiệm vụ, trong hiểu biết hạn hẹp của mình. Và vì thiếu hiểu biết, chỗ dựa duy nhất của họ là sự tham lam đến hung bạo của Long Sơn cộng hưởng với sự bàng quan đến tàn nhẫn của chính quyền.

Chó cùng rút dậu, thỏ cùng mọc nanh. Tiếng súng của Hiến, chát chúa thân phận của những người thấp cổ bé họng trong xã hội này. Lòng tham bặm trợn trộn với sự vô cảm thành hạt giống, quả của nó, là 3 mạng người. Và sẽ là 4, nếu phiên tòa ngày mai, bồi thẩm đoàn vẫn nhìn anh như một tên tội phạm nguy hiểm, thay vì nhìn vào một thân phận cùng đường.

……….

Đất đai chiếm gần 80% khiếu nại khiếu kiện cả nước. Thực tế quản lý đất đai lạc hậu duy ý chí, đã khiến đất trở thành ngòi nổ kích hoạt bao nhiêu cuộc xung đột và khai sinh nhiều mầm mống bất ổn cho xã hội, đe dọa cả sự tồn vong của chính thể. Thực tế ấy, không chỉ đẻ ra tham nhũng chính sách mà còn đẻ ra cả hình thức cướp bằng chính sách vô cùng bạo tàn. Cần phải nhìn thẳng vào thực tế ấy để thay đổi.

Để những oan dân không còn ai oán, chỉ bấu víu vào nhân quả để mà hy vọng. Nếu biết nhìn thẳng vào thực tế, Thủ Thiêm đã không thất thủ, và kẻ phải chết, không phải là những người như Đặng Văn Hiến! (*)

Theo Facebook Nhà báo Nguyễn Tiến Tường

(*) Đoạn trên có chỉnh sửa chi tiết nội dung so với nguyên bản.

Tin tức thế giới

Trump gặp Kim ở Singapore ngày 12/6

Kim Jong-un and Donald Trump
 hình ảnhREUTERS

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố sẽ gặp lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un ở Singapore ngày 12/6.

Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa một tổng thống Mỹ đương nhiệm và một lãnh đạo Bắc Hàn.

Viết trên Twitter, ông Trump nói: “Chúng tôi sẽ cố gắng đưa nó thành khoảnh khắc đặc biệt cho Hòa bình Thế giới.”

Hôm thứ Tư tuần này, thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nói Mỹ đã xác định ngày và địa điểm, nhưng chỉ thông báo “vào vài ngày tới”.

Nhiều giới chức Mỹ cho rằng vị trí trung lập của Singapore là lợi thế.

Cũng hôm thứ Tư, chính Tổng thống Donald Trump xác nhận ông đã không chọn làng đình chiến Bàn Môn Điếm nằm trong khu vực phi quân sự ngăn cách hai miền Triều Tiên.

Ông Trump đã đón mừng ba người Mỹ vừa được Bắc Hàn trả tự do -Kim Hak-song, Tony Kim và Kim Dong-chul.

Nhà Trắng nói họ được thả vì Bình Nhưỡng muốn tỏ thiện chí trước cuộc họp thượng đỉnh.

=====================

Bầu cử Malaysia: Phe đối lập dành thắng lợi lịch sử

Cựu thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, 92 tuổi, giành chiến thắng lịch sử trong cuộc tổng tuyển cử ngày 9/5 tại Malaysia.

Ủy ban bầu cử cho biết liên minh đối lập của ông Mahathir giành được 115 ghế, vượt ngưỡng 112 ghế cần thiết để thành lập chính phủ mới.

Chiến thắng của ông Mahathir chấm dứt 60 năm cầm quyền của liên minh Barisan Nasional (BN).

“Chúng tôi không tìm cách trả thù, chúng tôi muốn khôi phục lại luật pháp”, ông Mahathir nói với các phóng viên.

Ông nói ông hy vọng một buổi lễ tuyên thệ sẽ được tổ chức hôm nay 10/5.

Ông Mahathir sẽ trở thành thủ tướng cao tuổi nhất trên thế giới.

Những người ủng hộ đảng đối lập đổ ra đường ăn mừng khi kết quả kiểm phiếu được công bố.

Liên minh BN và đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) đã lãnh đạo Malaysia từ khi đất nước giành độc lập từ tay Anh Quốc năm 1957, nhưng uy tín giảm trong những năm gần đây.

Ông Mahathir, người từng là một phần không thể thiếu của liên minh BN và là cố vấn cho Thủ tướng đương nhiệm Najib Razak, đã từ bỏ liên minh vào năm 2016.

Khi đó, ông nói cảm thấy “xấu hổ” khi dính líu với một đảng “được xem là hỗ trợ tham nhũng”.

Ông Najib tứng dính vào một vụ bê bối tham nhũng, bị cáo buộc bỏ túi khoảng 700 triệu đô la từ Quỹ Phát triển 1Malaysian Berhad, một quỹ đầu tư quốc gia.

Trong cuộc tổng tuyển cử này, các cử tri đã bỏ phiếu cho 222 thành viên của quốc hội cũng như các thành viên hội đồng nhà nước ở 12 trong số 13 tiểu bang.

===========================

“Canh bạc Iran”, cuộc trả đũa của ông Trump và cú đòn giáng vào nền kinh tế thế giới

"Canh bạc Iran", cuộc trả đũa của ông Trump và cú đòn giáng vào nền kinh tế thế giới
Ảnh: Arab News

Trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm 2016-2017, ứng cử viên Donald Trump đã nhắc đi nhắc lại rằng ông muốn đảo ngược các di sản của Barack Obama.

Để làm được điều đó, ông Trump đề ra khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên” và “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran là việc cuối cùng trong danh sách một loạt các chính sách mà ông Trump đã sửa đổi, bao gồm: hạn chế nhập cư bất hợp pháp, rút khỏi thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu, gỡ bỏ các hạn chế doanh nghiệp, rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tái thiết quân đội, cắt giảm một lượng lớn tiền thuế, đối đầu thương mại với Trung Quốc, và đưa ra chính sách cứng rắn với Triều Tiên.

Tất cả những động thái ấy của ông Trump cho thấy ông đã giữ lời hứa khi còn tranh cử.

Do đó, không ai nên cảm thấy bất ngờ khi ông Trump tái áp đặt các cấm vận lên chương trình hạt nhân Iran và kêu gọi tái đàm phán lại thỏa thuận. Tuy vậy, cả thế giới vẫn bàng hoàng khi ông Trump chính thức tuyên bố quyết định của mình!

Bối cảnh

Tại sao ông Trump phản đối thỏa thuận hạt nhân?

Ngoại trưởng John Kerry dưới thời ông Obama đã chủ trì các cuộc đàm phán giữa các đại diện từ các nước Anh, Pháp, Đức, liên minh châu Âu (EU), Nga và Trung Quốc. Trong một nỗ lực đạt được thỏa thuận, ông Kerry đã thành công trong việc yêu cầu Iran phải đóng băng – chứ không phải hủy bỏ hoàn toàn – chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này.

Để Iran đồng ý thỏa thuận, ông Kerry đã cho phép Tehran tiếp tục phát triển chương trình tên lửa đạn đạo (với khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân) và làm giàu uranium (có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí).

Ông Kerry khiến các thanh tra vũ khí của Liên Hợp Quốc khó có thể giám sát sự tuân thủ của Iran. Bên cạnh đó, ông cũng giúp gỡ bỏ các quy định cấm Iran sử dụng hệ thống ngân hàng quốc tế và tham gia hàng loạt hoạt động tài chính quốc tế khác.

Canh bạc Iran, cuộc trả đũa của ông Trump và cú đòn giáng vào nền kinh tế thế giới - Ảnh 1.

Nhà máy hạt nhân ở Bushehr, Iran. Ảnh: AP

Qua các cuộc đàm phán của ông Kerry, Iran đã nhận lại được khoản tài sản trị giá 100 tỉ USD bị phong tỏa ở nước ngoài sau khi nước này vi phạm các lệnh cấm về vũ khí hạt nhân của Mỹ và Liên Hợp Quốc. Theo một số thông tin mật, ông Kerry còn bí mật chuyển 1,7 tỉ USD cho Iran để đổi lại các con tin Mỹ bị Iran bắt giữ.

Thỏa thuận vũ khí hạt nhân là một phần trong chính sách đối ngoại ở Trung Đông của ông Obama. Ông Obama cảm thấy hầu hết các vấn đề ở Trung Đông đều xuất phát từ tầm ảnh hưởng sâu rộng của Ả Rập Xê út cũng như từ sự tách biệt của Iran trong khu vực.

Cựu tổng thống Obama đã giúp Iran trở nên mạnh mẽ hơn trong khi các nước Ả rập – đồng minh lâu năm của Mỹ – phải chịu thiệt thòi. Mặc khác, từ năm 1979, Iran đã là quốc gia đối địch với Mỹ, bị gắn mác là quốc gia tài trợ khủng bố điển hình trong khu vực.

Thay vì ra tay ngăn chặn Iran tài trợ khủng bố và gây ra hàng loạt vấn đề tại Lebanon, Syria, Yemen, Palestine, Iraq và Israel – một đồng minh khác của Mỹ, ông Obama đã “nhắm mắt làm ngơ” và cho phép Iran trở thành quốc gia nắm tầm ảnh hưởng lớn ở Trung Đông.

Khi gỡ bỏ các cấm vận lên Iran, ông Obama hi vọng Tehran sẽ tái gia nhập cộng đồng các nước chuộng hòa bình. Nhưng Iran không làm như vậy. Cuộc nội chiến Syria và Yemen là những kết quả dễ thấy nhất. Tehran đã đe dọa các đường giao thương trên biển xung quanh biên giới nước này.

Hồi năm 2015, nhận thấy Quốc hội ít có khả năng chấp nhận thỏa thuận hạt nhân Iran, ông Obama đã thực hiện một loạt các động thái để thỏa thuận này có hiệu lực mà không thông qua Quốc hội. Quốc hội Mỹ không ủng hộ và chưa từng đồng thuận với cam kết hạt nhân Iran.

Tệ hơn nữa, rất nhiều hạng mục của thỏa thuận đã bị chính quyền Mỹ hiểu sai, trong khi các phần khác không được tuyên bố công khai trước công chúng.

Theo thông cáo, các thanh tra của LHQ sẽ có quyền kiểm tra khu sản xuất vũ khí hạt nhân của Iran 24/7, nhưng trên thực tế, những khu thuộc quyền quản lí của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRG) được miễn trừ khỏi sự giám sát này.

Ông Netanyahu tiết lộ số tài liệu tình báo về chương trình hạt nhân Iran.

Tháng 4/2018, Israel tung loạt tài liệu chứng tỏ Iran không trung thực về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này. Theo Israel, Iran đã vi phạm Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT).

Vậy nên, vấn đề của ông Trump nằm ở cả ông Obama, ông Kerry và Iran.

Theo như thỏa thuận đó, tại sao Iran tiếp tục được phát triển chương trình vũ khí trong vài năm qua? Tại sao Iran cần tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân? Tại sao Iran cần năng lượng hạt nhân khi quốc gia này có trữ lượng dầu mỏ dồi dào? Tại sao Mỹ cho phép Iran thổi bùng các mâu thuẫn và tài trợ khủng bố ở Trung Đông? Và còn rất nhiều vấn đề khác nữa?

Canh bạc của ông Trump

Tháng 10/2017, theo luật Mỹ, ông Trump tuyên bố Iran không tuân thủ “tinh thần và điều khoản” của thỏa thuận. Ông Trump sau đó buộc châu Âu phải mở lại các cuộc đàm phán với Iran, yêu cầu nước này phải dừng chương trình tên lửa đạn đạo và cắt giảm chương trình phát triển vũ khí hạt nhân một cách nghiêm túc hơn.

Ông Trump đã cho châu Âu tới hạn ngày 8/5/2018 để tái đàm phán. Châu Âu từ chối, cho rằng việc tái đàm phán thỏa thuận sẽ khiến thỏa thuận sụp đổ. Vấn đề nằm ở chỗ, châu Âu khẳng định thỏa thuận hạt nhân có nhiều lỗ hổng, nhưng cùng lúc lại không muốn xử lí triệt để các vấn đề. Vậy nên, ông Trump rút lui khỏi thỏa thuận.

Một yếu tố phức tạp khác là trước đây, các giám sát viên vũ khí hạt nhân của Liên Hợp Quốc đã báo cáo rằng Iran tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận. Theo tờ National Review, ông Kerry đã buộc LHQ báo cáo những kết quả không rõ ràng và khó kiểm chứng.

Mọi chuyện chưa dừng ở đó. Nga và Trung Quốc – ở mức độ nào đó – ủng hộ Iran một cách nhiệt tình. Gần đây, Nga đã bán cho Iran vài nhà máy năng lượng hạt nhân và một hệ thống phòng không tối tân. Tất nhiên, các lực lượng quân sự của Iran và Nga ở Syria đều ủng hộ tổng thống Bashar al-Assad.

Chưa kể, 1/3 người Mỹ ủng hộ Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Thú vị hơn cả, ngay từ lúc kí thỏa thuận, 2/3 người Mỹ đã cho rằng cam kết này không có hiệu quả. Đảng Dân chủ tại Quốc hội sẽ không ủng hộ ông Trump và một số thành viên đảng Cộng hòa cũng chọn không tham gia. Vậy nên, có rất ít hỗ trợ về mặt chính trị.

Canh bạc Iran, cuộc trả đũa của ông Trump và cú đòn giáng vào nền kinh tế thế giới - Ảnh 3.

Ảnh: RedState

Điểm mấu chốt ở đây là: ông Trump có rất ít hoặc gần như không nhận được sự ủng hộ cả ở trong nước lẫn trên thế giới, mặc cho những hành động của ông có đúng đắn tới đâu đi chăng nữa.

Mặc dù không ai biết chắc, nhưng có thể quyết định của ông Trump đã nhận được sự ủng hộ từ các vị trí quan trọng mới được ông bổ nhiệm vào Nhà Trắng.

Cựu ngoại trưởng Rex Tillerson, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia H. R. McMaster, Chánh Văn phòng John Kelly và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã từng theo sát và buộc ông Trump phải tuân thủ chính sách an ninh quốc gia và quốc tế của Mỹ.

Ông Trump đột ngột sa thải ông Tillerson và ông McMaster vài tuần trước, thay thế họ bằng những nhân vật “diều hâu”, cụ thể là ông Mike Pompeo trong vị trí Ngoại trưởng và ông John Bolton ở vị trí Cố vấn An ninh. Cả hai người này đều muốn đối đầu với Iran.

Kể từ cuộc sa thải, ông Mattis và ông Kelly đều giữ yên lặng một cách bất thường. Do đó, không còn ai trong vòng thân cận của tổng thống Trump lên tiếng phản đối quyết định của ông nữa.

Chính trường kì lạ

Cuộc cạnh tranh Obama/Trump dường như đã làm bộc lộ những điểm yếu nhất trong chính trường Mỹ, hai trong số đó là vấn đề về Iran và Nga.

Dưới thời ông Obama, các cơ quan tình báo Mỹ đã thu thập thông tin xoay quanh lời nhắn của các nhân viên chiến dịch tranh cử của ông Trump với nước ngoài. Hàng loạt cơ quan tình báo bắt đầu chia sẻ thông tin cho nhau.

Chia sẻ tin nhắn và thông tin của công dân Mỹ là bất hợp pháp. Những “chiêu trò bẩn” này đã dẫn tới ít nhất 4 cuộc điều tra quốc hội, một cuộc điều tra của FBI và một cuộc điều tra từ công tố viên đặc biệt nhằm vào ông Trump.

Thú vị ở chỗ, Ben Rhodes, người soạn thảo diễn văn của ông Obama, cũng được cho là liên quan đến việc chia sẻ thông tin nói trên. Sau khi nói dối trên chương trình truyền hình quốc gia về thỏa thuận hạt nhân Iran, ông Rhodes đã trở nên nổi tiếng theo hướng tiêu cực.

Tháng 5/2016, trong cuộc phỏng vấn với tạp chí New York Times, ông Rhodes thú nhận rằng ông đã nói dối nhiều lần và thao túng các phương tiện truyền thông về thỏa thuận hạt nhân Iran.

Nhiều tuần trước thông báo của ông Trump, ông Kerry đã gặp mặt các lãnh đạo châu Âu và Iran để cứu vãn thỏa thuận Iran.

Tuy nhiên, nỗ lực thay đổi chính sách ngoại giao của Mỹ theo phương thức này là bất hợp pháp theo Đạo luật Logan (luật liên bang Mỹ được kí từ năm 1799, cấm các cá nhân không đại diện cho chính phủ đứng ra đàm phán với các nước có tranh chấp hoặc mâu thuẫn với nước Mỹ – ND).

Ông Trump cho rằng ông Kerry không thể thừa nhận rằng bản thỏa thuận Iran cực kì tồi tệ, và đó là lí do ông Kerry muốn bảo vệ nó.

Không để bị vượt mặt, các đơn vị dưới quyền ông Trump bí mật hợp tác cùng phía Israel để thu thập thông tin bất lợi đằng sau những người tham gia đàm phán dưới thời ông Obama, đặc biệt là Ben Rhodes.

Đây là sự trả đũa của ông Trump. Ông Rhodes chịu một phần trách nhiệm trong thỏa thuận Iran dù ông không có kinh nghiệm trong chính sách với nước ngoài.

Hậu quả xấu

Thỏa thuận hạt nhân Iran rất phức tạp và đa phần nội dung đều được giữ bí mật, nên không ai dám chắc về tầm ảnh hưởng của nó.

Ông Trump tin rằng những người Iran đang cư xử không đúng mực, đang ủng hộ những cuộc nội chiến, tài trợ khủng bố và phát triển tên lửa đạn đạo. Một vài năm tới, có thể Iran sẽ có tên lửa hạt nhân.

Từ phía ông Trump, lo ngại về cách Iran trả đũa đã được nhắc tới và giải quyết trong thỏa thuận. Các chuyên gia e ngại Iran sẽ tấn công Israel, nhưng Iran đã dự định làm điều đó bất kể có thỏa thuận hay không.

Nhiều người khác cho rằng Trung Quốc và Nga sẽ dựa vào Mỹ để trả đũa. Đối với Trump, hai nước này đã dựa vào Mỹ. Không ai dám chắc hành động của ông Trump sẽ ảnh hưởng tới thỏa thuận vũ khí hạt nhân mà Mỹ có thể đàm phán với Triều Tiên như thế nào.

Canh bạc Iran, cuộc trả đũa của ông Trump và cú đòn giáng vào nền kinh tế thế giới - Ảnh 5.

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam gặp mặt Tổng thống Iran Hassan Rouhani.

Triều Tiên rất khác Iran ở chỗ ông Kim Jong Un đã thể hiện năng lực vũ khí hạt nhân có thể tấn công Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Ông Kim đã tới Trung Quốc gặp mặt Chủ tịch Tập Cận Bình về cuộc họp thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên sắp tới. Có khả năng nội dung trong cuộc họp này sẽ được tiết lộ.

Trong thời gian này, nền kinh tế thế giới có thể gặp nhiều khó khăn. Ông Obama đã gỡ bỏ hàng trăm cấm vận áp lên ngân hàng và hệ thống tài chính của nước này. Việc tái thiết là rất khó. Các nhà đầu tư, nhà xuất/nhập khẩu sẽ gặp xáo trộn, không biết hệ thống tài chính mới sẽ đòi hỏi gì.

Chính quyền ông Trump đã phạm phải sai lầm tương tự khi cấm dân nhập cư từ một số quốc gia Trung Đông mà không thiết lập khung hành pháp rõ ràng. Hệ thống vận tải quốc tế sẽ rơi vào hỗn loạn. Mỹ và các nền kinh tế khác sẽ hứng chịu hậu quả.

Hãng Boeing và Airbus đã kí hợp đồng thay thế các máy bay thương mại với Iran. Tới thời điểm này, mỗi công ty sẽ thiệt hại 35 tỉ USD trong các hợp đồng tương lai. Châu Âu lo ngại rằng sẽ mất nguồn dầu từ Iran. Chính quyền ông Trump khẳng định đã tìm được nguồn dầu khác để thay thế nên không cần lo ngại về vấn đề này.

Iran nói các cấm vận sẽ không ảnh hưởng tới nền kinh tế của họ. Nhưng nền kinh tế Iran đang ở trong tình cảnh không mấy khả quan, kể cả khi chưa có cấm vận.

Lệnh trừng phạt chỉ đặt thêm áp lực lên đất nước này. Ông Trump tin rằng điều đó sẽ buộc Iran phải kí một thỏa thuận hạt nhân mới.

Tờ Washington Post và các nguồn tin khác cảnh báo rằng nguy cơ chiến tranh ở Trung Đông đã tăng lên đáng kể.

Những người khác nhận định chiến tranh đã nổ ra. Mỹ đang đối đầu với Iran tại Syria và hỗ trợ Ả Rập Saudi trong cuộc chiến chống lại Iran ở Yemen. Iran đang hỗ trợ Hamas ở Palestine chống lại Israel, quốc gia nhận được sự hậu thuẫn từ Mỹ. Chiến tranh ủy nhiệm đã bùng phát mọi nơi ở Trung Đông.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là ông Trump cần phải tiếp tục đàm phán với Iran, châu Âu, Nga và Trung Quốc.

Ông Trump không tiết lộ thêm về dự định của mình. Như thường lệ, thế giới lại “nín thở” chờ đợi những điều sẽ tới trong tương lai.

theo Thời đại