Bệnh tăng huyết áp là gì?

Bệnh tăng huyết áp là một bệnh mãn tính, ít biểu hiện triệu chứng và đang ảnh hưởng đến hơn 1 tỷ người (gồm cả người lớn lẫn trẻ em) trên khắp thế giới. Cách tốt nhất để bạn phòng tránh, kiểm tra nguy cơ hay phát hiện kịp thời bệnh tăng huyết áp là tăng cường hiểu biết về căn bệnh này và đến bác sĩ để được tư vấn thêm.

tăng huyết áp là gì

Huyết áp là gì?

Tim chúng ta luôn hoạt động không ngừng để bơm máu chứa oxy và năng lượng đi khắp cơ thể thông qua những mạch máu nhỏ gọi là động mạch (arteries). Quá trình này diễn ra được là do có một áp lực nhất định lên thành mạch máu. Áp lực này được gọi là huyết áp. Thông thường, huyết áp của bạn sẽ luôn biến đổi tùy thời gian và hoạt động của bạn.

Để xác định mức huyết áp, giới y học có một thông số gọi là chỉ số huyết áp (blood pressure reading) với đơn vị đo là mmHg. Chỉ số này bao gồm hai thành phần: huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương.

  • Huyết áp tâm thu (systolic reading) là áp lực sinh ra trong động mạch khi tim co bóp. Thông thường mức huyết áp tâm thu dao động quanh ngưỡng 120 mmHg.
  • Huyết áp tâm trương (diastolic reading) là áp lực trong động mạch khi tim nghỉ ngơi giữa hai lần co bóp. Huyết áp tâm trương bình thường không vượt quá ngưỡng 80 mmHg.
  • Mức huyết áp lý tưởng cho người bình thường là xấp xỉ 120/80 mmHg.

Tăng huyết áp diễn ra như thế nào?

Diễn tiến bệnh tăng huyết áp

Động mạch của chúng ta luôn co giãn tương đối dưới tác động của huyết áp. Tuy nhiên nếu huyết áp tăng lên quá cao (140/90 mmHg hoặc hơn) và kéo dài, cơ thể sẽ bắt đầu ghi nhận những tổn thương ở động mạch cũng như nhiều cơ quan quan trọng khác. Đây cũng là khi bạn bị chẩn đoán bị bệnh tăng huyết áp.

Tăng huyết áp là một bệnh mãn tính, xuất hiện khi huyết áp lên thành động mạch liên tục ở mức cao bất thường và dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Huyết áp Huyết áp tâm thu                (mmHg)   Huyết áp tâm trương (mmHg)
Bình thường thấp hơn 120 thấp hơn 80
Tiền cao huyết áp 120 – 139 hay 80 – 89
Tăng huyết áp giai đoạn 1 140 – 159 hay 90 – 99
Tăng huyết áp giai đoạn 2 160 hoặc cao hơn hay 100 hoặc cao hơn
Cơn tăng huyết áp cao hơn 180 hay cao hơn 100

Tìm hiểu thêm về cơn tăng huyết áp

Huyết áp tăng cao sẽ khiến động mạch phải co giãn quá mức, gây ra vết rách vi thể trên thành động mạch. Theo thời gian, những vết rách này biến thành mô sẹo (scar tissue), làm xơ cứng và giảm độ đàn hồi của động mạch. Mô sẹo còn giữ lại tế bào máu và cholesterol lưu thông ngang qua, tạo nên các cục máu đông (blood clots). Đây chính là nhân tố làm hẹp động mạch và khi vỡ ra, máu đông thậm chí gây tắc hoàn toàn động mạch. Động mạch bị tắc sẽ mất chức năng lưu thông máu, khiến một số cơ quan trong cơ thể bị thiếu oxy và năng lượng.

Mặt khác, tim của bạn cũng phải co bóp mạnh hơn để bơm máu qua những động mạch bị xơ vữa, dễ dẫn đến tình trạng phì đại cơ tim. Về lâu dài, biến chứng phì đại sẽ khiến tim yếu dần, mất khả năng bơm đủ lượng máu cho các cơ quan và cuối cùng bạn sẽ đối mặt với nguy cơ trụy tim. Bên cạnh đó cơ tim không được cung cấp đủ oxy do tắc mạch sẽ chết dần. Nói một cách đơn giản, động mạch bị nghẽn càng lâu do huyết áp thì tim bạn càng phải chịu tổn thương nghiêm trọng.

Trên đây là những hiện tượng ban đầu diễn ra trong cơ thể bạn khi bị bệnh tăng huyết áp. Tuy không biểu hiện triệu chứng nhưng bệnh lý sẽ ngày càng trở nên trầm trọng và kéo theo nhiều biến chứng. Đó cũng là lý do tăng huyết áp được gọi là kẻ giết người thầm lặng.

Ghi Nhớ
  • Tim bơm máu đi khắp cơ thể thông qua mạng lưới động mạch
  • Quy trình trên diễn ra nhờ một áp lực nhất định, gọi là huyết áp
  • Huyết áp bao gồm 2 thành phần: huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương (mức lý tưởng là 120/80 mmHg)
  • Bệnh tăng huyết áp xảy ra khi huyết áp của bạn liên tục ở mức cao trên 140/90 mmHg
  • Ban đầu, tăng huyết áp sẽ khiến tim và động mạch của bạn bị tổn thương sau đó sẽ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn dẫn đến tử vong.

Những dự đoán vừa đáng sợ, vừa thú vị về những điều sẽ xảy ra chỉ trong vài năm tới của Elon Musk

Elon Musk là một nhà phát minh, doanh nhân, tỉ phú người Nam Phi. Ông được biết đến với tư cách người sáng lập SpaceX và đồng sáng lập Tesla Motors và PayPal. Là người nổi tiếng với nhãn quan hướng về tương lai, những dự đoán của Elon Musk dù vậy  nhiều khi lại có phần táo bạo, gây tranh cãi nhưng đều dựa trên những cơ sở vững chắc của ông và công nghệ hiện tại.

Những dự đoán vừa đáng sợ, vừa thú vị về những điều sẽ xảy ra chỉ trong vài năm tới của Elon Musk

Văn hóa độc lạ của các quốc gia trên thế giới

Dạo quanh một vòng thế giới, hẳn bạn sẽ bất ngờ với những nét văn hóa độc đáo và có phần kỳ lạ của nhiều quốc gia mà đôi khi bạn rất khó có thể tưởng tượng được nếu lần đầu đặt chân đến đây.

1. Sự thân thiện của người Mỹ

Người Mỹ là một dân tộc hết sức thân thiện. Trong giao tiếp, họ luôn thể hiện sự thân mật và cởi mở. Họ tự giới thiệu về bản thân, chủ động giới thiệu những người khác và liên tục đặt câu hỏi. Đặc biệt, họ luôn tạm biệt với một “Nice meeting you”, ngay cả khi người ta không đi xa hơn một cái bắt tay.

Tổng thống Trump dẫn người đồng cấp Pháp Macron tới Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng ngày 24/4 vừa qua. (Ảnh: BI)

Nếu lần đầu tiên tiếp xúc với người Mỹ, bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi một người lạ trên xe bus cũng sẵn sàng kể cho bạn nghe việc bố họ đang mắc ung thư hoặc họ sắp ly hôn hay chuẩn bị bỏ việc vì ông sếp khó tính… Đa số người Mỹ sẽ chẳng ngần ngại kể chuyện cá nhân cho một người lạ mặt nghe, dù đó là lần đầu tiên họ gặp bạn.

Ngoài ra, người Mỹ thường bắt đầu cuộc trò chuyện bằng một lời khen: Người thu ngân trong siêu thị khen ngợi chiếc áo thun của bạn, người đạp xe đạp cạnh bên khen chiếc xe màu cam của bạn, người bán hàng khen tên của bạn… Nói chung, người Mỹ luôn tìm thấy những điều tuyệt vời ở người khác và nói ra điều đó, đây là một phần trong tính cách của họ. Có lẽ một người dù “sắt đá” đến mức nào cũng sẽ cảm thấy vui lên một chút với những điều dễ thương này.

2. Sự tử tế của người Canada

Ở Canada, khi bạn đi ngoài đường, gặp một người đi ngược chiều, thông thường họ sẽ mỉm cười và nói “chào buổi sáng”, mặc dù họ chẳng biết bạn là ai.

Chưa hết, người Canada thường bị “cười” vì luôn xin lỗi, và xin lỗi vì bất cứ lý do gì. Họ xin lỗi bạn vì bạn đã va phải họ, thậm chí xin lỗi cái cây mà họ đâm phải… Có lẽ vì không muốn bất kỳ ai hay vật gì phải chịu tổn thương nên người Canada đã lựa chọn xin lỗi như một cách “chịu trách nhiệm”.

Ở Canada, ngay cả những con vật cũng được nhường sang đường trước. (Ảnh: NewshoundEdwin)

Đặc biệt, nếu bạn muốn sang đường tại Canada, hãy sử dụng cử chỉ thể hiện muốn sang đường, toàn bộ dòng xe đang lưu thông sẽ dừng lại chờ bạn. Các tài xế ở Canada sẽ dừng xe chờ bạn đi sang đường, bất kể có vạch trắng hay có đèn giao thông hay không. Thậm chí, những con vật cũng được nhường sang đường trước. Có lẽ đây là nét văn hóa đặc biệt chỉ có thể tìm thấy ở Canada.

Báo chí Canada đăng tải rất nhiều câu chuyện về sự tử tế của người dân. Ví dụ như, ở Ontario, một tên trộm gửi trả lại món đồ mà hắn đã trộm kèm với 50 đô la đính kèm và một bức thư xin lỗi: “Tôi không thể nói thành lời tôi hối lỗi đến mức nào. Hãy mở rộng tấm lòng tha thứ cho kẻ lạ mặt đã gây hại cho quý vị.”

3. Ngủ trưa kiểu Tây Ban Nha

Theo nhiều ghi chép từ sử sách, giấc ngủ trưa có nguồn gốc chính từ những người Tây Ban Nha. Trong ngôn ngữ nước này có một danh từ riêng cho giấc ngủ trưa là ‘siesta’, và giờ đây ‘siesta’ đã nổi tiếng toàn thế giới. Nhiều người còn nói vui rằng, văn hóa ngủ trưa của người Tây Ban Nha có thể được xếp vào danh sách các di sản phi vật thể của nhân loại.

Tại Tây Ban Nha, có lẽ chỉ Madrid hay Barcelona mới có các cửa hàng, trung tâm dịch vụ mở xuyên trưa, còn ở nhiều địa phương khác, phố xá đều im lìm trong khoảng thời gian nửa buổi chiều, có khi đến hết buổi chiều. Các cửa hàng ở Tây Ban Nha thường đóng cửa để nghỉ trưa từ 2 đến 4 tiếng đồng hồ, các căng tin của nhiều trường Đại học cũng sẽ không phục vụ bữa trưa vào lúc 12 rưỡi hoặc 1h chiều, vì cho rằng khoảng thời gian này là…quá sớm.Thậm chí, Thị trưởng thành phố Ador còn chính thức áp dụng quy định ngủ trưa cho toàn dân kéo dài khoảng 3 tiếng (từ 14h đến 17h). Trong thời gian ngủ trưa chính thức này, người dân được yêu cầu phải giữ im lặng, tránh gây ồn ào đến xung quanh.

Theo nhiều ghi chép từ sử sách, giấc ngủ trưa có nguồn gốc chính từ những người Tây Ban Nha. (Ảnh: trithuctre)

Thói quen sinh hoạt kỳ lạ này không chỉ bắt nguồn từ quan niệm ngủ trưa là cách để tăng tuổi thọ và tận hưởng cuộc sống của người dân Tây Ban Nha mà còn bởi người Tây Ban Nha đã sống lệch múi giờ hơn 70 năm nay. Tây Ban Nha nằm cùng vĩ độ với Vương quốc Anh, Bồ Đào Nha và theo múi giờ của Greenwich (GMT). Tuy nhiên, trên thực tế, họ lại theo múi giờ Trung Âu (CET).

Sống lệch với múi giờ cộng với văn hóa ngủ trưa quá dài, người Tây Ban Nha bị đánh giá là có nhịp sinh hoạt lộn xộn. Chính vì mất quá nhiều vào thời gian nghỉ trưa, người Tây Ban Nha phải tăng giờ làm việc đến đêm, có khi đến 9, 10 giờ tối họ mới từ chỗ làm ra về. Vì vậy mà họ lại dùng bữa tối cũng vô cùng muộn. Trong thời đại ngày nay, giữa sự phát triển nhộn nhịp của nền kinh tế, văn hóa siesta bị coi là làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của Tây Ban Nha.

Những bữa ăn tối mỗi khi đồng hồ đã điểm 10h đêm (Ảnh: trithuctre)

Năm 2016, Thủ tướng nước này thông báo rằng Chính phủ đang có kế hoạch áp dụng giờ làm việc mới, kết thúc vào lúc 6h chiều thay vì 8h tối. Tuyên bố này ngay lập tức đã tạo làn sóng tranh cãi lớn trên cả nước. Những người hay ngủ trưa rất tức tối vì bị thay đổi một thói quen. Người Tây Ban Nha lâu nay đã thích nghi với việc thức khuya, không dành thời gian uống cà phê vào giữa giờ sáng mà tập trung làm việc, sau đó họ sẽ ăn và ‘seista’. Đó là một lối sống thư thái vô cùng ‘Tây Ban Nha’

4. Quỳ gối xin lỗi ở Nhật Bản

Ở Nhật Bản có một văn hóa lâu đời là Dogeza (quỳ xuống cúi đầu) dùng để thể hiện sự hối lỗi và mong muốn được tha thứ.

Vào ngày 19/10/2016, trong một cuộc biểu tình đòi quyền lợi cho phụ nữ giải khuây (những người phụ nữ từ các quốc gia thuộc địa cũ của Nhật Bản, phần lớn là từ Hàn Quốc, bị quân đội Nhật cưỡng ép trở thành những nô lệ tình dục) – giờ đây đều đã là những cụ bà lớn tuổi – diễn ra trước cửa Đại sứ quán cũ của Nhật Bản tại Seoul (Hàn Quốc). Hành động của một cụ ông Endo Doru (79 tuổi), một giáo sư Nhật Bản đã trở thành một điểm nhấn đầy ấm áp và xúc động.

Tại cuộc biểu tình, vị giáo sư lớn tuổi nghẹn ngào: “Tôi cảm thấy vô cùng có lỗi trước những nỗi đau không thể bù đắp mà Nhật Bản đã gây ra cho dân tộc của các bạn trong quá khứ. Với tư cách một công dân Nhật Bản, tôi muốn gửi tới một lời xin lỗi sâu sắc nhất”. Người đàn ông ấy kính cẩn quỳ gối, hạ thấp đầu, và gửi tới những người phụ nữ giải khuây Hàn Quốc lời xin lỗi tới từ tận đáy lòng.

Vị giáo sư quỳ gối xin lỗi tới những người phụ nữ giải khuây cũng như toàn bộ dân tộc Hàn Quốc trước những gì đã xảy ra. (Ảnh: trithuctre)

Được biết, ông Endo Doru đã lặn lội từ Nhật Bản tới Hàn Quốc và sẽ ở lại đây trong nhiều ngày để thể hiện tấm lòng thành và sự quan tâm đặc biệt của mình tới vấn nạn nô lệ tình dục trong chiến tranh.

Nghĩa cử chân thành của ông Endo Doru đã khiến những người chứng kiến, đặc biệt là các cụ bà – những nạn nhân trực tiếp của tội ác chiến tranh trong quá khứ – hết sức xúc động. Mặc dù điều này không thể nào bù đắp lại những đau khổ, tủi nhục mà họ từng trải qua nhưng sự thành khẩn của người đàn ông Nhật chắc hẳn đã phần nào hàn gắn được vết thương nhức nhối trong lòng họ.

Thiện Nam / Daikynguyen

Người anh hùng thầm lặng đã giúp thế giới tránh khỏi cuộc chiến tranh hạt nhân

Cách đây 56 năm, thế giới suýt bị hủy diệt vì chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô trong 13 ngày cân não căng thẳng từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. May mắn thay, có một người đã cứu vãn khỏi tình thế nguy hiểm ấy. Đó là người anh hùng thầm lặng Vasili Alexandrovich Arkhipov.

Để hiểu tầm quan trọng của quyết định ấy, chúng ta cần quay trở lại cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.

Mồi lửa nhen nhóm

Tháng 5/1962, Tổng Bí thư Liên Xô Nikita Khrushchev và Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã đạt được thỏa thuận “bí mật” cho phép Liên Xô bắt đầu xây dựng các trận địa tên lửa ở Cuba, trong đó có tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa mang đầu đạn hạt nhân.

Năm 1962, Liên Xô bắt đầu xây dựng lắp đặt tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân tại Cuba. (Ảnh: http://www.todayifoundout.com)

Vào thời điểm này, Mỹ có tên lửa hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ và Ý có thể tấn công Moscow trong vòng 16 phút sau khi được phóng. Liên Xô khi ấy dù có rất nhiều vũ khí hạt nhân hoàn toàn có khả năng hủy diệt các mục tiêu của đồng minh Mỹ trên khắp châu Âu, nhưng lại không có khả năng tiêu diệt các mục tiêu ở Mỹ. Vì vậy, Liên Xô cần phải có vũ khí hạt nhân ở Cuba, để lấy lại sự cân bằng trong Chiến tranh Lạnh.

Từ một bức ảnh do thám

Mùa thu năm 1962, một chiếc máy bay U-2 của Mỹ bay qua Cuba để tìm cách xác nhận thông tin tình báo về các trận địa tên lửa của Liên Xô ở San Cristobal (Cuba).

Ngày 14/10/1962, chiếc U-2 trở lại Mỹ đem theo hình ảnh xác thực các vị trí Liên Xô bí mật lắp đặt tên lửa đạn đạo tầm xa và tầm trung mang đầu đạn hạt nhân, cách bờ biển Florida của Mỹ chỉ khoảng 90 dặm. Một ngày sau, những bức ảnh này được đặt lên bàn làm việc của Tổng thống J.F. Kennedy.

Ngày 15/10/1962 được coi là ngày khởi đầu cho Cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sử, kéo dài 13 ngày vào đúng thời điểm cao trào trong Chiến tranh Lạnh, khiến tình hình thế giới trở nên vô cùng căng thẳng trước nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Ngày 22/10, Tổng thống Kennedy tuyên bố: “Vũ khí hạt nhân tên lửa đạn đạo có sức tàn phá khủng khiếp, bất kỳ việc triển khai đột ngột nào cũng có thể được coi là mối đe dọa nhất định đối với hòa bình thế giới … Tên lửa chiến lược của chúng ta chưa bao giờ được chuyển tới lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào dưới lớp vỏ choàng bí mật và dối trá”.

Hải quân Mỹ thực hiện chiến dịch kiểm soát nghiêm ngặt các vũ khí vận chuyển vào Cuba bằng đường biển. (Ảnh: learning-history.com)

Tổng thống Kennedy cũng công bố những hành động mà chính phủ Mỹ thực hiện để đáp trả việc triển khai vũ khí hạt nhân của Liên Xô tại Cuba, bao gồm “một chiến dịch kiểm soát nghiêm ngặt” tất cả các thiết bị quân sự chuyển tới Cuba bằng đường biển. Thuật ngữ “kiểm soát” để nhằm chỉ hành động “phong tỏa” của hải quân Mỹ, chặn mọi ngả đường dẫn vào bờ biển Cuba.

Ngày 24/10, Tổng thống Kennedy ra lệnh triển khai hàng trăm tàu chiến, bao gồm 4 tàu sân bay và nhiều máy bay tuần tra, máy bay săn tàu ngầm để phong tỏa bờ biển Cuba, đồng thời thông báo cho phía Liên Xô rằng, Mỹ sẽ thả bom chìm cảnh cáo nếu họ xác định đúng các tàu ngầm của Liên Xô và buộc tàu ngầm phải trồi lên mặt nước và quay trở về.

Có một điều mà Tổng thống Kennedy không biết được rằng, thời điểm đó Tổng bí thư Khrushchev đã gửi một biên đội tàu ngầm có trang bị vũ khí hạt nhân đang trên đường tới Cuba. Tất cả các tàu ngầm này đều được quyền tự quyết khai hỏa phóng ngư lôi hạt nhân nếu họ mất liên lạc với Moscow.

Đòn cân não

Ngày 1/10/1962, một đội gồm bốn tàu ngầm tấn công hạt nhân Foxtrot diesel di chuyển từ căn cứ Bắc Cực, gồm chiến hạm B-59, và ba tàu chị em, B-36, B-4 và B-130 thuộc Lữ đoàn tàu ngầm số 69 bí mật tìm đường băng qua hàng rào phong tỏa của tàu chiến Mỹ để tiếp cận Cuba.

Chỉ huy của nhóm tàu là thuyền trưởng Vasili Alexandrovich Arkhipov đi trên chiếc B-59 nhưng không chỉ huy nó. Thuyền trưởng của chiếc B-59 là Valentin Grigorievitch Savitsky. Ba trong bốn chiếc tàu ngầm ấy, chỉ cần sự đồng ý của chỉ huy tàu và sĩ quan chính trị là có quyền khởi động “vũ khí đặc biệt” trên tàu.

Tuy nhiên, trên chiếc B-59, cần phải có sự đồng ý của chỉ huy tàu, sĩ quan chính trị và “thuyền trưởng thứ hai”, Vasili Arkhipov. Thêm nữa, gần như không có thủy thủ nào biết trên tàu của họ mang theo một quả ngư lôi đầu đạn hạt nhân, có sức mạnh hủy diệt tương đương với quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima.

Không có thủy thủ nào trên B-59 biết trên tàu có vũ khí hạt nhân có sức hủy diệt như quả bom tại Hiroshima. (Ảnh: dailystar.co.uk)

Ngày 27/10/1962, trên hải phận quốc tế, lực lượng đặc nhiệm của tàu khu trục và máy bay tuần tra Mỹ đã phát hiện tàu ngầm B-59 khi nó đang nổi lên mặt nước để sạc ắc quy. Để tránh sự truy lùng của máy bay Mỹ, B-59 buộc phải lặn sâu xuống nước khi ắc quy chưa được nạp đầy.

Một cuộc vây lùng tàu B-59 với sự tham gia của 11 tàu khu trục Mỹ bắt đầu chiến dịch “quấy rối” bằng sóng siêu âm và thả bom chìm xung quanh chiếc B-59, như một dấu hiệu cho thấy đối phương muốn nó phải trồi lên mặt nước.

Lẩn trốn trong lòng đại dương, chịu áp lực bởi những quả bom chìm khiến tàu B-56 rung lắc dữ dội, bên trong nó là một trận chiến nảy lửa của đội ngũ cấp cao chỉ huy tàu, cùng thủy thủ đoàn hoàn toàn kiệt quệ vì căng thẳng và mệt mỏi.

Quan ngại là người Mỹ không hề biết mục tiêu họ đang truy kích dữ dội ấy là một tàu ngầm có mang theo đầu đạn hạt nhân và chỉ huy tàu B-59 khi ấy đang lưỡng lự: Liệu có khai hỏa?

Căng thẳng tột cùng

Trước sự bao vây của các chiến hạm Mỹ, tính tới thời điểm này, tàu B-59 đã lặn sâu dưới biển gần 4 tuần và gần 1 tuần mất liên lạc với Moscow, các thành viên trên tàu hầu như kiệt sức và không nhận thức được hoàn cảnh.

Điều quan trọng là B-59 được thiết kế để chịu được điều kiện băng giá của Bắc cực nhưng giờ lại phải chịu nhiệt độ quá nóng ở Đại Tây Dương. Vì hệ thống làm mát không được thiết kế cho vùng biển nhiệt đới nên khi nhiệt độ bên ngoài tàu lên tới hơn 30 độ C thì nhiệt độ trong tàu tăng tới 45 đến 60 độ C, mức CO2 đã trở nên nguy hiểm khiến nhiều thủy thủ bị ngất xỉu.

Độ ẩm cũng là một vấn đề nghiêm trọng, khẩu phần ăn bị cắt giảm và mỗi người chỉ được phép uống một ly nước mỗi ngày. Thủy thủ Anatoly Andreyev ghi trong nhật ký: “Ở đây, tình hình rất nghiêm trọng và ngày càng tồi tệ hơn, nhiều người bị bệnh, một số bị ngất xỉu, số khác bị phù nề. Không ai ngủ được trong cái nóng khủng khiếp và không khí ngột ngạt này. Hầu hết mọi người bị sốt phát ban”.

Việc chỉ huy tàu Savitsky ra lệnh cho B-59 lặn sâu hơn dưới đại dương để lẩn trốn khỏi sự truy lùng của tàu Mỹ đồng nghĩa với việc mọi liên lạc với bên ngoài đều bị cắt đứt. Họ không thể nghe được bất cứ phương tiện truyền thông nào của Mỹ, cũng như không nhận được bất cứ liên lạc nào từ Moscow.

Lần hiếm hoi B-59 nổi lên sạc ắc quy nhưng đã bị máy bay Mỹ phát hiện nên buộc phải lặn sâu xuống biển. (Ảnh: learning-history.com)

Thời điểm ấy, họ không biết được rằng hải quân Mỹ đã thông báo cho phía Liên Xô biết “Thủ tục xác định vị trí và Nhận dạng Tàu ngầm”, rằng phía Mỹ sẽ thả bom chìm loại nhỏ để báo hiệu cho tàu ngầm Liên Xô biết họ đã bị phát hiện và buộc phải nổi lên mặt nước trước khi Mỹ sử dụng loại bom chìm uy lực hơn. Thật không may, Moscow không thể truyền đạt thông tin này cho chiếc B-59 do nó lặn quá sâu dưới nước.

Sức công phá của bom chìm dù nhỏ nhưng vẫn làm hỏng cột ăng ten vô tuyến khiến thủy thủ tàu B-59 không liên lạc được với sở chỉ huy. Bởi vậy, các sĩ quan trên tàu ngầm không hề biết đến “Thủ tục xác định vị trí và nhận dạng tàu ngầm” mà Mỹ đã thông báo cho phía Liên Xô dẫn đến việc Mỹ quyết định gửi tín hiệu cảnh báo mạnh mẽ hơn bằng cách sử dụng loại bom uy lực hơn.

Vadim Pavlovich Orlov, một sĩ quan tình báo truyền thông trên tàu B-59 đã mô tả về bom chìm nổ ngay bên cạnh thân tàu như sau: “Nó giống như bạn đang ngồi trong một thùng kim loại, mà ai đó liên tục nổ mìn bằng búa tạ”.

Trong không gian chật hẹp với nhiệt độ tăng lên tới mức cực điểm 60 độ C, những thành viên trên tàu B-59 đã trải qua những thời khắc không khác gì địa ngục. Anatoly Andreev viết trong thư gửi cho vợ: “Bốn ngày qua, bọn anh lặn sâu dưới nước…. Tưởng chừng như đầu nổ tung vì không khí ngột ngạt trên tàu…. Hôm nay, ba thủy thủ bị ngất xỉu vì quá nóng… Máy lọc không khí chạy ì ạch, hàm lượng CO2 đang gia tăng và trữ lượng điện đang giảm xuống mức thấp nhất. Những thủy thủ hết ca trực thì ngồi yên bất động, mắt nhìn vào hư không… Nhiệt độ trên tàu lúc nào cũng duy trì liên tục trên 50 độ C”.

Hải quân Mỹ thả bom chìm buộc tàu ngầm B-59 phải nổi lên mặt nước. (Ảnh: hague6185.wordpress.com)

Lúc này, sự căng thẳng bao trùm toàn bộ thành viên. Andreyev viết về chỉ tàu Savitsky như sau: “Điều tồi tệ nhất là tinh thần của chỉ huy tàu căng như dây đàn. Ông la mắng mọi người và hành hạ bản thân mà không nhận ra rằng nên tiết kiệm sức lực của chính mình và của những thành viên khác, nếu không sẽ không thể kéo dài lâu. Ông ấy trở nên hoang tưởng, lo sợ mọi thứ và điều đáng ngại nhất là những hành động bộc phát của ông.”

Chỉ huy tàu Valentin Savitsky đang ở trong tâm trạng lo lắng, kiệt sức, thiếu thông tin trong suốt chuyến đi kéo dài cả tháng trời dưới biển. Ông cho rằng trên mặt đất đã xảy ra chiến tranh hạt nhân và nghĩ tới khả năng phóng ngư lôi đầu đạn hạt nhân. Theo chỉ thị từ trước, trong trường hợp mất liên lạc với mặt đất, tàu ngầm có quyền phóng ngư lôi mang theo tên lửa hạt nhân nếu cả ba người có thẩm quyền trên tàu đều đồng ý.

Sau nhiều giờ bị tra tấn vì bom chìm và nguồn oxy dần cạn kiệt, chỉ huy tàu Savitsky “hoàn toàn kiệt sức” và “trở nên giận dữ” sau khi không liên lạc được với Moscow. Savitsky hét: “Có lẽ cuộc chiến đã bắt đầu ở trên đó, trong khi chúng ta đang nhào lộn ở đây! Chúng ta sẽ nổ chúng ngay bây giờ! Chúng ta sẽ chết, nhưng chúng ta sẽ đánh chìm tất cả – chúng ta sẽ không làm ô nhục Hải quân!”.

Và ông ra lệnh cho thứ “vũ khí đặc biệt” sẵn sàng vào bệ phóng hướng tới mục tiêu USS Randolph – tàu sân bay khổng lồ đang dẫn đầu lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ vây lùng B-59.

Với cái đầu nóng của mình, hẳn thứ vũ khí đặc biệt ấy theo lệnh của Savitsky sẽ dễ dàng làm bốc hơi tàu sân bay Mỹ cùng các tàu khu trục đang hộ tống nó, và Mỹ có thể phản ứng lại bằng bom hạt nhân phá tàu ngầm. Điều đó có thể, như nhà văn Nga nổi tiếng Svetlana Savranskaya viết, sẽ “khởi đầu một chuỗi những sự phát sinh vô ý, dẫn đến hậu quả thảm khốc cho loài người”.

Sĩ quan chính trị Ivan Semonovich Maslennikov trên chiếc B-59 cũng đồng tình với chỉ huy tàu Savitsky. 11 tàu khu trục của Mỹ đang lởn vởn gần đó không ngờ rằng suýt chút nữa, chúng trở thành mục tiêu của “thứ vũ khí hủy diệt” trên con tàu B-59 cùng quẫn ấy.

Người hùng xuất hiện

May mắn thay, một người thứ ba đã mạnh mẽ phủ quyết quyền khai hỏa của chỉ huy tàu Savitsky và sĩ quan chính trị Maslennikov. Đó chính là vị chỉ huy thứ hai trên chiếc B-59 – Vasili Arkhipov.

Vasili Arkhipov đã kịch liệt phản đối, lập luận rằng trong một thời gian dài, vì không có mệnh lệnh nào truyền từ Matxcova nên một hành động quyết liệt như vậy là không thích hợp.

Vasili Arkhipov đã mạnh mẽ phủ quyết quyền khai hỏa vũ khí hạt nhân của chỉ huy tàu B-59. (Ảnh: alchetron.com)

34 tuổi, điềm tĩnh và khiêm nhường, người ta không biết làm thế nào mà Vasili Arkhipov có thể bình tĩnh thuyết phục người đồng nghiệp – chỉ huy tàu Savitsky đang điên cuồng và sở hữu một lá phiếu ủng hộ. Không ai biết chính xác, nhưng theo lời kể của các nhân chứng, đã có một cuộc đối đầu căng thẳng giữa 3 người cấp cao trên tàu B-59 khi ấy.

Cuộc tranh luận giữa chỉ huy tàu Savitsky và Vasili Arkhipov diễn ra khi nhiệt độ trong tàu ngày một tăng cao. Vasili Arkhipov vẫn giữ được vẻ lạnh lùng, bình tĩnh của mình để lập luận với viên chỉ huy rằng, B-59 không gặp nguy hiểm và đó không phải là một cuộc tấn công.

“Người Mỹ thả bom chìm bên trái, bên phải mạn tàu và luôn luôn tắt mục tiêu, đó là những tín hiệu mà người Mỹ muốn gửi tới tàu B-59 rằng, chúng tôi biết các vị đang ở đó. Hãy xác nhận và nổi lên mặt nước để nói chuyện. Chúng tôi không có ý định gây thiệt hại cho con tàu”, Arkhipov lập luận.

Ngày 27/10/1962, tên lửa không khai hỏa mà thay vào đó, B-59 từ từ nổi lên mặt nước trong tình trạng kiệt quệ mọi thứ. Nó từ chối sự trợ giúp của các tàu khu trục Mỹ, xoay lưng về phía Cuba và hướng về phía bắc trở về Liên Xô, nơi nó được chào đón một cách đáng quan ngại.

Khi B-59 trở về, thủy thủ đoàn đã gặp phải sự ghẻ lạnh thờ ơ. Dưới con mắt của những lãnh đạo cấp cao Xô Viết khi ấy, hành động quay đầu trở về của B-59 được cho là hành động đầu hàng người Mỹ và họ chẳng khác gì những kẻ tội đồ. Một đô đốc Liên Xô khi ấy từng nói: “Sẽ tốt hơn nếu các vị chìm cùng tàu của mình”.

Người Mỹ không lên tàu, không kiểm tra, vì vậy Hải quân Hoa Kỳ không thể ngờ rằng, B-59 sở hữu vũ khí hạt nhân cho tới khoảng nửa thế kỷ sau, khi các cựu chiến binh gặp nhau tại một cuộc hội ngộ kỷ niệm 50 năm sự kiện đó vào năm 2012.

Vai trò của Vasili Arkhipov trong việc cứu thế giới thoát khỏi một cuộc chiến tranh hạt nhân vẫn là một bí mật cho đến tận khi ông qua đời vào năm 1998. Và với thế giới, ông có lẽ là một trong những người anh hùng vô danh của thời đại.

Quyết định hủy bỏ ngòi nổ cận kề cuộc chiến tranh thế giới thứ ba đã không được thực hiện tại điện Kremlin hay Nhà Trắng, mà trong phòng điều khiển của một chiếc tàu ngầm đang trong lằn răn của việc khai hỏa vũ khí hủy diệt.

Quyết định hủy bỏ ngòi nổ chiến tranh hạt nhân không phải ởTổng thống Mỹ Kennedy hay Tổng bí thư Liên Xô Khrushchev. (Ảnh: AP)

Như Thomas Blanton, Giám đốc Cục Lưu trữ An ninh Quốc gia Hoa Kỳ phát biểu vào năm 2002: “Vasili Arkhipov từ chối tuân lệnh chỉ huy tàu ngầm và dám đối mặt với những thách thức từ cuộc đối đầu của mình. Chúng ta nên cảm ơn vì sự bất tuân đó”.

Thế giới hỗn loạn vẫn còn tồn tại một số quốc gia vẫn đang tiếp tục coi việc phát triển vũ khí hạt nhân như sự sống còn của thể chế mà Bắc Triều Tiên là một ví dụ điển hình. Xử lý hạt nhân, sử dụng hạt nhân, hay không sử dụng chúng đòi hỏi sự thận trọng và bình tĩnh cao độ.

Xuân Trường / Daikynguyen

Tin tức thế giới

Triều Tiên bày tỏ ‘quyết tâm vững chắc’ mong đợi Hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về hội nghị thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên bị hủy bỏ tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 25/5/2018. (Ảnh: REUTERS / Kim Hong-Ji)

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết hôm Chủ nhật (27/5), giới chức Mỹ đã tới Triều Tiên để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh của ông với Kim Jong-un, Triều Tiên bày tỏ “quyết tâm vững chắc” mong đợi cuộc gặp gỡ với tổng thống Mỹ, theo Reuters.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các quan chức Mỹ và Triều Tiên đã gặp nhau tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm thuộc khu vực phi quân sự dọc theo biên giới quân sự Triều Tiên – Hàn Quốc.

Tổng thống Trump viết trên Twitter “Phái đoàn Hoa Kỳ của chúng tôi đã đến Triều Tiên để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh sắp diễn ra giữa Kim Jong Un và tôi”, chính thức xác nhận việc đến Triều Tiên của các quan chức Hoa Kỳ. “Tôi thực sự tin rằng Triều Tiên là một quốc gia vô cùng có tiềm năng để có thể trở thành cường quốc về kinh tế và tài chính trong tương lai. Kim Jong Un cũng đồng ý với tôi về điều này. Đây là điều sẽ xảy ra!” ông Trump bổ sung.

Xoay quanh cuộc đàm phán, phát ngôn viên Nhà Trắng, bà Sarah Sanders cho biết đã có “một nhóm tiền trạm” tới Singapore – địa điểm dự kiến tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều vào sáng Chủ nhật (12/6) – để thực hiện các công tác hậu cần.

“Phái đoàn Hoa Kỳ của chúng tôi đã đến Triều Tiên để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh sắp diễn ra giữa Kim Jong Un và tôi”, ông Trump viết trên Twitter.(Ảnh: Politico)

Cuộc gặp bất ngờ thứ Bảy giữa ông Moon và ông Kim

Trước đó một ngày, thứ Bảy (26/5) Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã có một cuộc gặp bất ngờ, hai bên đồng ý rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều cần phải được diễn ra.

Cuộc gặp giữa ông Moon và ông Kim cho thấy một bước ngoặt quan trọng trong một tuần thăng trầm về triển vọng của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Đây cũng là dấu hiệu rõ nhất cho thấy những nỗ lực để giữ lại các cuộc đàm phán theo đúng kế hoạch của nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên .

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, trong cuộc gặp lần hai tại làng Bàn Môn Điếm, ông Kim tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa “hoàn toàn” bán đảo Triều Tiên và vẫn đang lên kế hoạch hội nghị thượng đỉnh với ông Trump.

Ông Moon cho hay: “Lãnh đạo Kim và tôi đồng ý rằng việc tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều 12/6 là cần thiết, và trách nhiệm của chúng tôi là kiên định với tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên, hướng tới hòa bình”.

Tổng thống Hàn Quốc thừa nhận Bình Nhưỡng và Washington có thể có những cách nhìn khác nhau về ý nghĩa “phi hạt nhân hóa”, ông kêu gọi Mỹ và Triều Tiên tiến hành các cuộc đàm phán cấp cao để có thể xóa bỏ những bất đồng.

Ngờ vực từ cả hai phía

Giới chức Mỹ hoài nghi về việc ông Kim sẵn sàng từ bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân của mình. Trong khi đó, Triều Tiên không thực sự tin tưởng lời hứa bảo đảm an ninh của Hoa Kỳ.

“Tuy nhiên, trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hàn, Tổng thống Mỹ Trump đã rõ ràng nhấn mạnh triển vọng nhìn thấy không chỉ trong việc kết thúc mối quan hệ thù địch mà cả những hợp tác kinh tế về sau, với điều kiện Triều Tiên đồng ý phi hạt nhân hóa,” ông Moon cho hay.

Hôm thứ Ba (22/5), ông Moon đã gặp ông Trump tại Washington trong nỗ lực giữ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều diễn ra đúng kế hoạch. Hàn Quốc cũng cho biết hai miền Triều Tiên đang thảo luận về một hiệp ước hòa bình và cam kết không xâm lược nhằm giải quyết các vấn đề an ninh của Bình Nhưỡng trước thềm  đàm phán Mỹ – Triều.

Tuyên bố mới đây được đưa ra bởi cơ quan Thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) cho biết  lãnh đạo Triều Tiên bày tỏ “quyết tâm vững chắc” về cuộc gặp với Tổng thống Trump.

============================

Phá hủy Punggye-ri bị nghi ‘làm màu’, Triều Tiên chuyển vũ khí hạt nhân vào núi sâu

Triều Tiên

Tỉnh Chagang nằm ở biên giới Triều Tiên – Trung Quốc. (Ảnh: Daily NK)

Triều Tiên đã chọn tỉnh miền núi hẻo lánh Chagang là Đặc khu Cách mạng Songun (tiên quân) làm dấy lên nghi ngờ lễ phá hủy bãi thử Punggye-ri chỉ là chiêu trò “làm màu” của Bình Nhưỡng và Chagang sẽ trở thành địa điểm quan trọng để cất giấu vũ khí hạt nhân.

Phá hủy Punggye-ri bị nghi 'làm màu', Triều Tiên chuyển vũ khí hạt nhân vào núi sâu
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ đạo các chuyên gia hạt nhân Triều Tiên ngày 3/9/2017. (Ảnh: KCNA)

Trang Daily NK (trụ sở ở Seoul – Hàn Quốc) dẫn nguồn tin cấp cao từ Bình Nhưỡng tiết lộ các quan chức Bộ An ninh Quốc gia Triều Tiên đã được thông báo về quyết định này từ tháng 4.

Theo nguồn tin, Chagang sẽ trở thành “cơ sở chiến lược cho quân đội khi xảy ra chiến tranh hiện đại”. Ông Kim Jong-un đã làm điều đó để tôn trọng di sản của cha và ông nội, vì vậy quyết định đặt tỉnh miền núi này làm Khu vực Cách mạng Songun đặc biệt đã không vấp phải bất kỳ trở ngại nào.

Với diện tích hơn 16.500 km2 và nằm ở biên giới Triều Tiên – Trung Quốc, 98% diện tích tỉnh Chagang là núi. Khu vực này ít dân cư và rất phù hợp để xây công trình ngầm nhằm che giấu kho dự trữ vũ khí và phương tiện, cơ sở nghiên cứu hạt nhân, báo Telegraph nhận xét.

Hầu hết các cơ sở được đặt ở tỉnh Chagang và các vùng sâu vùng xa khác, một phần hoặc toàn bộ ở dưới lòng đất nhằm giảm thiểu thiệt hại trong chiến tranh. Hai trong số các cơ sở bao gồm nhà máy số 65 và nhà máy số 81 ở Junchon, tỉnh Chagang. Khi chiến tranh xảy ra, nguồn nhân công và vật liệu có sẵn sẽ giúp quy trình sản xuất không bị gián đoạn.

Triều Tiên cũng đã mở rộng mạng lưới đường hầm và boongke để giấu tài sản quân sự, cung cấp nơi trú ẩn cho giới chức lãnh đạo trong trường hợp chiến tranh nổ ra, xây dựng các đường hầm nối sang biên giới Trung Quốc.

Nhật báo Nikkei ngày 26/5 dẫn nhận định của các chuyên gia cho biết việc phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên sẽ khó xác nhận nếu không có sự giám sát chặt chẽ mặc dù nó được tiến hành trước mặt hơn 20 phóng viên quốc tế.

Hãng KCNA hôm 25/5 đã đăng tải các hình ảnh cùng tuyên bố khẳng định bãi thử hạt nhân Punggye-ri đã “bị phá hủy hoàn toàn”.

Thuốc nổ được kích hoạt vào lúc 11h sáng 24/5 ở đường hầm nơi 5 vụ thử hạt nhân gần nhất của Bình Nhưỡng được tiến hành. Tiếp theo đó, hoạt động phá hủy được thực hiện tại một đường hầm mới xây được một nửa, và một đường hầm đã xây xong nhưng chưa sử dụng.

Bằng việc cho nổ tung từ khu vực sâu nhất của đường hầm cho đến cửa hầm, các công trình đã sập đổ, đi kèm theo là khói bụi và tiếng nổ lớn. Các đoạn video được các nhà báo ghi lại đã cho thấy điều đó.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định hình ảnh được đăng tải chỉ chứng minh rằng các cấu trúc gần cửa hầm bị phá hủy, trong khi cấu trúc sâu bên trong vẫn có thể “bình yên vô sự”. Điều này làm dấy lên lo ngại Bình Nhưỡng sẽ cho tu sửa bãi thử.

“Họ muốn chúng tôi chứng kiến các vụ nổ, nhưng chúng tôi chỉ có thể xác nhận họ đã cho nổ tung các cửa hầm. Nếu các đường hầm trong núi vẫn còn tồn tại, bãi thử này có khả năng vẫn được sử dụng cho các vụ thử hạt nhân trong tương lai”, phóng viên Ben Tracy của Đài CBS News(Mỹ) tường thuật.

Cheryl Rofer, một chuyên gia hóa học nói rằng bà rất lấy làm tiếc khi Triều Tiên chỉ mời các nhà báo mà không mời các chuyên gia tới chứng kiến việc phá hủy bãi thử Punggye-ri, theo CNN.

“Các nhà báo Mỹ, Nga, Trung Quốc và Anh được mời đến nhưng chỉ có thể theo dõi sự kiện từ xa, họ không hiểu điều gì đang xảy ra bên trong các đường hầm ở bãi thử”, chuyên gia nhấn mạnh.

Phá hủy Punggye-ri bị nghi 'làm màu', Triều Tiên chuyển vũ khí hạt nhân vào núi sâu
Phá hủy Punggye-ri bị nghi 'làm màu', Triều Tiên chuyển vũ khí hạt nhân vào núi sâu
Lễ phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri. (Ảnh: Yonhap)

Các chuyên gia cũng đặt vấn đề về khả năng phát tán phóng xạ tại khu vực này và đặc biệt là hành động tịch thu các dụng cụ đo bức xạ được một số nhà báo đem theo trước khi họ lên đường đi tới Punggye-ri.

Theo lời kể của các nhà báo, chỉ một vài người trong số họ mang mặt nạ, trong khi không ai mặc quần áo bảo hộ.

“Triều Tiên cho phép chúng tôi đi thẳng tới các đường hầm ở bãi thử và nói rằng không có lo ngại gì về phóng xạ. Họ nói rằng họ chưa bao giờ phát hiện phóng xạ tại đây. Tuy nhiên, thứ duy nhất mà họ tịch thu từ hành lý của chúng tôi là thiết bị phát hiện bức xạ”, phóng viên Ben Tracy kể lại.

Đến nay, chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên vẫn còn là ẩn số và còn quá sớm để đánh giá tính tích cực và thiện chí của Bình Nhưỡng trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo.

Thùy Linh ?Daikynguyen