Day: 04/05/2018
4 đặc điểm chỉ có ở người trường thọ

Những nghiên cứu khoa học được thực hiện trên nhiều đối tượng đã chỉ ra rằng, hầu hết những người trường thọ đều sở hữu một trong bốn đặc điểm dưới đây.
1. Telomere dài và mức độ viêm nhiễm thấp
Mới đây, trang Sina Health đã đăng tải kết quả nghiên cứu của Đại học Keio (Nhật Bản) và Đại học Newcastle (Anh) chứng minh rằng những người trường thọ đều có mức độ viêm nhiễm thấp và telomere tương đối dài.
Telomere là những trình tự lặp lại của DNA ở các đầu mút nhiễm sắc thể. Ở những người trẻ tuổi, các telomere có chiều dài khoảng từ 8.000 đến 10.000 phân tử hữu cơ.
Các nhà khoa học đến từ hai trường đại học trên đã tiến hành nghiên cứu trên 684 người sống thọ hơn 100 tuổi và 536 người ở độ tuổi từ 85 tới 99. Kết quả phân tích các chỉ số sinh hóa cơ thể như máu, trao đổi chất, chức năng gan, thận và lão hóa tế bào (độ dài telomere) đã cho thấy 2 đặc trưng chung trong cơ thể những người trường thọ là telomere dài và khả năng viêm nhiễm thấp.
Một nghiên cứu khác được tiến hành bởi các nhà khoa học Nhật Bản thực hiện trên 1.554 người cao tuổi và con cháu trực hệ của họ đã phát hiện ra rằng, những người cao tuổi càng có ít dấu hiệu viêm nhiễm trong cơ thể thì năng lực nhận thức và năng lực sống của họ càng cao.
Điều này đã chứng minh rằng khả năng ức chế viêm nhiễm có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa. Bởi chứng viêm được biết tới như một trong những động lực chính của quá trình lão hóa trong cơ thể con người.
2. Nhịp tim chậm vừa phải
Nhịp tim của mỗi người thường không giống nhau. Trong khi có người sở hữu nhịp tim đập 60 lần/phút thì có người lại có nhịp tim dao động tới 90 lần/phút.
Tim đập quá nhanh sẽ gây hao tốn nhiều sức lực, dẫn tới tình trạng căng thẳng và là một trong những yếu tố làm giảm tuổi thọ.
Trong khi đó, nhịp tim đập chậm ở mức vừa phải có thể đảm bảo hoạt động co bóp bình thường, đáp ứng đủ nhu cầu lưu thông máu trong các mạch máu, giúp cơ thể ổn định lâu dài và có tác dụng kéo dài tuổi thọ.
Nhịp tim đập chậm một cách vừa phải đồng nghĩa với việc bạn có tuổi thọ cao hơn người bình thường. (Ảnh: nguồn Internet).
3. Lực nắm mạnh
Các nhà nghiên cứu đến từ Mỹ và Anh đã chỉ ra rằng, lực nắm của người cao tuổi không chỉ phản ánh sự khỏe mạnh của thể trạng mà còn thể hiện công năng của các cơ quan trong cơ thể.
Bởi vậy, người sở hữu lực nắm mạnh đồng nghĩa với việc họ đang có một cơ thể khỏe mạnh từ trong ra ngoài, cùng với đó là mật độ xương cao và khả năng sống thọ hơn những người khác.
Độ mạnh của sức nắm là một trong những yếu tố liên quan tới tuổi sinh học của con người. (Ảnh: nguồn Internet).
4. Dung tích phổi lớn
Dung tích phổi là tổng lượng khí phổi có thể dung nạp trong một lần hít vào hết cỡ, đồng thời có thể thở ra hết sức chỉ trong một lần.
Đa số chúng ta sở hữu dung tích phổi giảm dần theo độ tuổi. Tuy nhiên, số ít những người trường thọ lại có khả năng bảo toàn dung tích phổi như thời tráng niên.
Hiện nay, nhiều tổ chức nước ngoài đã dùng dung tích phổi là một trong những hạng mục hàng đầu trong việc thử nghiệm sự lão hóa.
*Theo Sina Healt
Sắp có Chủ tịch nước và Ủy viên Bộ Chính trị mới?

Nhiều khả năng sẽ có thay đổi ở vị trí chủ tịch nước và sẽ có thêm một số gương mặt mới được đưa vào Bộ Chính trị tại hội nghị trung ương sắp tới của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo nhận định của các nhà quan sát bên ngoài Việt Nam.
Hội nghị toàn thể Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ Bảy được dự kiến diễn ra trong tháng này trong bối cảnh xuất hiện nhiều đồn đoán quanh tương lai của ông Trần Đại Quang, chủ tịch nước đương nhiệm, sau thời gian dài ông không thấy xuất hiện trước công chúng.
Biến động dồn dập
Cho đến trước Hội nghị 7, Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 13 đã chứng kiến nhiều biến động nhân sự dồn dập ở mức độ chưa từng thấy. Hồi năm ngoái, lần đầu tiên trong hàng chục năm, một Ủy viên Bộ Chính trị là ông Đinh La Thăng đã bị cách chức rồi sau đó bị tòa tuyên án 18 năm tù vì hành vi tham nhũng. Hồi đầu năm nay, một ủy viên Bộ Chính trị khác là ông Đinh Thế Huynh, thường trực Ban Bí thư và là người trước đó được coi là có triển vọng lên thay ông Nguyễn Phú Trọng trong chức Tổng bí thư, đã thông báo từ chức vì lý do sức khỏe. Hội nghị trung ương 6 họp vào tháng 10 năm ngoái đã khai trừ ông Nguyễn Xuân Anh ra khỏi Ban chấp hành trung ương vì những vi phạm về bằng cấp và phương cách lãnh đạo.
Như vậy, nếu như ông Trần Đại Quang cũng phải ra đi vì lý do sức khỏe như ông Đinh Thế Huynh thì Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết sách tối cao của Đảng, sẽ giảm từ 19 xuống còn 16 thành viên. Đây là biến động nhân sự lớn nhất trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiều thập niên.
Một bài báo của tác giả David Hutt trên tạp chí The Diplomat dự đoán Hội nghị Trung ương 7 lần này sẽ bổ sung thêm ba gương mặt mới vào Bộ Chính trị. Nếu dự đoán này là đúng thì nhiều khả năng ba ủy viên Bộ Chính trị mới sẽ thay thế cho ông Đinh La Thăng, ông Đinh Thế Huynh và cả ông Trần Đại Quang.
Cũng đã từng có diễn biến tương tự tại Hội nghị Trung ương 7 khóa 12 cách nay 5 năm khi Bộ Chính trị lúc đó được bổ sung thêm hai thành viên là ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân.
Lần này, ông Nhân, người đang giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sau cú rớt đài của ông Đinh La Thăng, được cho là sẽ được cất nhắc lên làm Chủ tịch nước, tác giả David Hutt dẫn một bài viết của ông Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu đông nam Á Yusof Ishak ở Singapore, cho biết.
Người ba phải
Theo nhận định của David Hutt thì ông Nhân được nhìn nhận rộng rãi là một ‘người ba phải’ dễ phục tùng người khác. Theo lời ông Hutt thì một nhà phân tích chính trị mà ông không nêu tên đã từng nói với ông là ông Nhân là một người có “tác phong lãnh đạo thụ động và kết quả làm việc tầm thường”. Ông Nhân từng có thời gian giảng dạy rồi quản lý tại Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, sau đó được cất nhắc lên làm Phó Chủ tịch thành phố này trước khi ra trung ương làm Bộ trưởng Giáo dục, rồi Phó Thủ tướng. Sau khi vào Bộ Chính trị, ông được đưa qua làm Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, một tổ chức đặt các hội đoàn dân sự dưới sự lãnh đạo của Đảng.
“Ông Nhân có thể được xem là một ủy viên Bộ Chính trị khác thường vốn dường như đã bị thất sủng sau kết quả làm việc tệ hại trên cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo vào những năm 2000,” David Hutt viết trên tờ Diplomat.
Tuy nhiên, kiểu người ba phải như ông Nhân lại “chính là tuýp người mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thích”, ông Hutt nhận định. Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của ông Trọng, đã “thay đổi theo chiều hướng bảo thủ hơn”. Quyết sách của Đảng đã trở nên ‘tập trung hơn’ mặc dù vẫn đi theo sự “đồng thuận” dựa trên nguyên tắc “dân chủ tập trung”.
Ông Hutt dẫn lời ông David Brown, một nhà ngoại giao Mỹ từng làm việc ở Việt Nam, nhận định rằng ông Trọng muốn khôi phục kỷ cương trong Đảng và trừng phạt những Đảng viên cao cấp bị suy thoái về mặt tư tưởng. Điều này đã được cụ thể hóa trong “27 dấu hiệu về sự suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa” mà Trung ương Đảng đã đưa ra để cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương dựa vào để xem xét hành vi của các Đảng viên. Mục tiêu của 27 dấu hiệu này là nhằm vào những nhân vật lãnh đạo có phong cách quá chủ nghĩa cá nhân hay dân túy kiểu như cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay ông Đinh La Thăng.
Việc đưa ông Nguyễn Thiện Nhân về lại Thành phố Hồ Chí Minh để thay thế ông Đinh La Thăng chính là thể hiện cách thay đổi theo hướng này của ông Trọng. Ông Nhân, người được xem là dễ phục tùng trước nguyên tắc dân chủ tập trung của Đảng là kiểu người mà ông Trọng cần cho các vị trí lãnh đạo. “Thật ra, chúng ta hãy chờ xem trong hội nghị Trung ương lần này sẽ chứng kiến sự cất nhắc của những nhân vật trung thành nhưng tẻ nhạt, hầu hết là đi theo hình mẫu của ông Nguyễn Phú Trọng”.
Ứng viên Tổng bí thư
Tác giả David Hutt cũng dự đoán rằng ông Trần Quốc Vượng là người nhiều khả năng nhất sẽ lên làm Tổng bí thư thay ông Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội 13 của Đảng vào năm 2021. Điều này trái với dự đoán của ông Lê Hồng Hiệp rằng nếu được cất nhắc làm Chủ tịch nước, ông Nhân sẽ là một ứng cử viên cho vị trí tổng bí thư.
Ông Vượng hiện đang là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, người phụ trách chiến dịch chống tham nhũng của Đảng do ông Trọng đề xướng. Chức vụ này cũng giống như ông Vương Kỳ Sơn, cựu chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, người được xem là cánh tay phải của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc chiến chống tham nhũng ở nước này.
Nếu ông Trọng muốn duy trì nhịp độ và cường độ của cuộc chiến chống tham nhũng thì ông Vượng sẽ là một ứng viên khả dĩ nhất cho vị trí Tổng bí thư. Điều đáng lưu ý là ông Vượng đã lên thay ông Đinh Thế Huynh ở vị trí Thường trực Ban bí thư, một chức vụ bản lề để lên làm Tổng bí thư của Đảng.
Một nhân vật khác cũng thăng tiến nhanh chóng đáng được theo dõi, theo ông David Hutt, là ông Nguyễn Xuân Thắng, người được đưa lên làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương thay thế cho ông Đinh Thế Huynh hồi tháng Ba. Ông Thắng cũng đang là Bí thư Trung ương Đảng và Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Thật ra, ông Thắng đã nắm Hội đồng Lý luận Trung ương từ tháng 12 năm ngoái kể từ khi ông Huynh vắng mặt vì đi chữa bệnh. Điều đáng lưu ý là ông Trọng đã từng giữ chức vụ này trước khi ông lên làm Tổng bí thư. Ông Huynh, ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ Tổng bí thư trước khi ông ngã bệnh, cũng là người nắm các vấn đề lý luận trong Đảng.
“Với việc tư tưởng lý luận ngày càng được coi trọng trong hệ thống của Đảng Cộng sản thì Hội đồng Lý luận Trung ương càng có vai trò quan trọng, và do đó vai trò của ông Thắng cũng quan trọng,” ông David Hutt viết.
Tuy nhiên, ngoài các tin đồn về việc ông Nhân sẽ lên thay thế ông Quang làm Chủ tịch nước, hiện vẫn chưa ra ba gương mặt có thể vào Bộ Chính trị tại hội nghị trung ương Bảy sẽ gồm những ai. Nếu phân tích của David Hutt là đúng thì rất có thể ông Nguyễn Xuân Thắng sẽ là một ứng cử viên sáng giá.
VOA
Vụ Trịnh Xuân Thanh: Slovakia ‘triệu tập đại sứ VN’
Liên quan tới cáo buộc ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, lãnh đạo cao nhất của chính phủ Slovakia nay nói rằng Việt Nam đã “lợi dụng lòng hiếu khách” của họ.
![]() |
Thủ tướng Peter Pellegrini của Slovakia hôm 2/5/2018 có chuyến công du một ngày tới Đức, với vụ ‘bắt cóc ở Berlin’ nằm cao trong nghị trình thảo luận giữa ông với Thủ tướng Đức, Angela Merkel |
Thủ tướng Slovakia vừa có chuyến công du một ngày tới Đức, với vụ ‘bắt cóc ở Berlin’ nằm cao trong nghị trình thảo luận giữa ông với Thủ tướng Angela Merkel.
Hai thủ tướng Đức và Slovakia sau đó đã tổ chức họp báo trực tuyến tại Berlin chiều cùng ngày.
Trang Facebook của Thủ tướng Pellegrini đã chạy Live từ ngay cuộc họp báo.
Có mặt tại cuộc họp báo, ông Lê Trung Khoa, chủ biên trang tin thờibáo.de nói với BBC rằng cả phía Đức lẫn Slovakia đều đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ liên quan tới vụ Trịnh Xuân Thanh.
Cụ thể, bà Merkel nói Đức “đã có những biện pháp cụ thể về vụ Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh”, trong đó có việc tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược với Hà Nội và việc Tòa Thượng thẩm tại Berlin đang xét xử nghi phạm bị cho là có liên quan tới vụ bắt cóc.
Vị khách tới từ Slovakia nói nước ông đã nhận được đầy đủ hồ sơ từ phía Đức và nói sẽ triệu tập đại sứ Việt Nam tại Bratislava.
“Tôi bác bỏ Slovakia đã chủ ý đóng bất kỳ vai trò gì trong việc chuyên chở người bị bắt cóc.”
Thủ tướng Slovakia Pellegrini
“Tôi bác bỏ Slovakia đã chủ ý đóng bất kỳ vai trò gì trong việc chuyên chở người bị bắt cóc,” Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini nói với báo giới trước khi rời cuộc họp báo.
Trước đó, cũng trong ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Slovakia, Peter Susko tuyên bố trong ngày 3/5/2018 sẽ triệu tập đại sứ Việt Nam lên để yêu cầu giải thích về các khả năng liên quan tới việc bắt và đưa ông Trịnh Xuân Thanh từ Đức về Việt Nam, hãng thông tấn TASR của Slovakia tường thuật.
Ông Susko cho biết Bộ Ngoại giao Slovakia đã liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia để thông báo.
Theo báo chí hai nước, hồi tháng 1/2018, ông Dương Trọng Minh đã bắt đầu chính thức làm đại sứ Việt Nam tại Slovakia, sau khi bà Hồ Đắc Minh Nguyệt hết nhiệm kỳ.
Báo chí Đức nêu nhiều nghi vấn
Trước đó, truyền thông Đức nêu nghi vấn là ông Trịnh Xuân Thanh sau khi bị cơ quan an ninh Việt Nam bắt cóc tại Berlin hôm 23/7/2017 đã được đưa về Việt Nam qua ngả Slovakia.
Truyền thông Đức cũng nghi ngờ khả năng phái đoàn thuộc Bộ Công an Việt Nam do Bộ trưởng Tô Lâm dẫn đầu đã dùng chiếc chuyên cơ chính phủ mà Slovakia cho mượn hôm 26/7/2017 để đưa ông Trịnh Xuân Thanh ra khỏi EU.
Ban đầu, phía Đức đặt câu hỏi liệu Slovakia có chủ động tiếp tay cho Việt Nam không, nhưng sau nói vụ việc phức tạp hơn nhiều.
Slovakia luôn bác bỏ việc nước này có can dự vào việc vận chuyển người bị bắt cóc.
“Không có tên [ông Trịnh Xuân Thanh] trong bất kỳ tài liệu nào mà tôi được xem,” tờ Pravda.sk dẫn lời Thủ tướng Peter Pellegrini nói.
“Điều duy nhất có thể xảy ra là lòng hiếu khách của Slovakia và dịch vụ mà Slovakia cung cấp đã bị phía Việt Nam lợi dụng.”
Thay đối bất ngờ phút chót
Cuộc họp giữa Bộ trưởng Nội vụ khi đó của Slovakia, Robert Kalinak, và ông Tô Lâm, diễn ra tại khách sạn Borik ở Blatislava trong thời gian chóng vánh.
Trang tin aktuality.sk của Slovakia dẫn lời ông Robert Kalinak, người là Bộ trưởng Nội vụ kiêm Phó thủ tướng đã tiếp đón Tướng Tô Lâm tại khách sạn Borik, nói rằng việc cấp phi cơ riêng của chính phủ là ‘theo yêu cầu của đoàn Việt Nam’.
Theo kế hoạch ban đầu, ông nói, phái đoàn Việt Nam lẽ ra đến Vienna, và phái đoàn của Slovakia cũng sẽ tới sân bay Vienna để gặp họ.
Tuy nhiên, đoàn của ông Tô Lâm đã đột ngột đến Prague, khiến Slovakia đồng ý cho mượn máy bay để đưa đoàn từ Prague tới Bratislava, rồi sau đó là tới Moscow.
“Đây không phải là việc thường xảy ra, nhất là khi chương trình làm việc có sự thay đổi đột ngột như vậy,” ông Kalinak nói.
Tuy nhiên, “họ [đoàn Việt Nam] hỏi liệu chúng tôi có thể giúp được không. Và vì hai bên đang có quan hệ tiến triển tốt đẹp, nên chúng tôi đã tạo điều kiện giúp họ.”
Ông Kalinak nói ông không biết lý do dẫn đến sự thay đổi đột ngột trong lịch trình di chuyển của các vị khách, và cũng không hỏi vì coi ‘đó là chuyện riêng’.
Theo Bộ Nội vụ, cuộc họp được thu xếp trong chuyến đi trước đó của phái đoàn Slovakia tới Việt Nam nhằm củng cố quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Tờ FAZ của Đức, ngày 25/4/2018, nói rằng chỉ ba ngày sau vụ bắt cóc ở Berlin, vào ngày 26/7/2017, nhiều nhân vật tình nghi trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã từ Prague trên các xe thuê chạy tới Bratislava và đỗ xe tại bãi đỗ của khách sạn Borik.
Bộ Ngoại giao Đức hôm thứ Sáu tuần trước gọi Đại sứ Slovakia, ông Peter Lizák, lên để đặt câu hỏi, báo Spiegel của Đức đưa tin.
Tuy nhiên, phía Đức nói đây mới chỉ là cuộc gặp nhằm trao đổi thông tin chứ không phải để chính thức chất vấn theo trình tự ngoại giao.
(BBC)
(BBC)
‘Chống tham nhũng’ hay kéo dài độc tôn thêm quyền lực?
![]() |
Ông TBT Nguyễn Phú Trọng trong một phiên họp của Ban Chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng. |
Câu chuyện chống tham nhũng của đương kim TBT Nguyễn Phú Trọng tiếp tục là sự tranh luận với nhiều quan điểm trái chiều.
Một luật sư bầu chữa cho những nhà đấu tranh dân chủ – nhân quyền tại VN là ông Hà Huy Sơn đã tóm tắt câu chuyện chống tham nhũng bằng luận điểm: Cái vòng kim cô kìm hãm dân tộc. Tham nhũng là quốc nạn nhưng quan trọng hơn nó làm cho cái vòng kim cô lỏng lẻo. Chống tham nhũng mục đích chính là siết lại cái vòng đó.
Quan điểm này được hiểu là, cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay là cuộc chiến chống tham nhũng trong Đảng và do Đảng tự thiết lập, tiến hành. Hay nói như Facebooker Hoangducdoanh Hoang là ‘chống tham nhũng để… độc quyền tham nhũng!’.
Quan điểm này có sai?
Trong ngày 27.04, ông Tổng Bí thư đã ra chỉ đạo, theo đó, ông khẳng định, ‘nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong Phòng chống tham nhũng, củng cố niềm tin và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, đảng viên, được nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao’. Quan điểm này khoanh vùng trong chủ thể tham nhũng là đối tượng đảng viên và cơ quan chống tham nhũng là sự kết hợp giữa Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Và cuộc chiến chống tham nhũng chính lại cuộc chiến xây dựng lại sự uy tín, lớn mạnh của ĐCSVN.
Nhiều quan điểm của phía học giả nước ngoài cũng đồng tình về sự kiện này. Khi mới đây, David Brown – một nhà cựu ngoại giao Mỹ tại Việt nam đã chia sẻ quan điểm về cuộc chiến chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng trên trang Asia Sentinel. Theo đó, tác giả dẫn lại mục đích của cuộc chiến chống tham nhũng mà ông TBT Nguyễn Phú Trọng thừa nhận là nhằm tránh rơi vào ‘mất đảng và hệ thống chính trị; tránh cho cuộc cách mạng bị sụp đổ’.
Một logic có vẻ sẽ được đặt ra, đó là khi vai trò của Đảng đi xuống (thời kỳ TBT Nông Đức Mạnh), thì tệ tham nhũng sẽ gia tăng và ngược lại. Quan điểm này củng cố và ủng hộ sự gia tăng mạnh sự lãnh đạo toàn diện trở lại của ĐCSVN, và cuộc chiến chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ dễ dàng trở thành tiền đề để thiết lập luận điểm: đảng mạnh, thì dân tộc trường tồn trên cơ sở hạn chế tham nhũng. Hay câu nói quen thuộc hơn là ‘Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố cơ bản quyết định mọi thắng lợi của cách mạng (bao gồm cả cuộc cách mạng trong phòng chống tham nhũng)’.
Nhưng rõ ràng, tham nhũng trở thành quốc nạn hiện nay lại đến từ chính yếu tố ‘mạnh và lãnh đạo toàn diện của Đảng’. Hay đúng hơn, sự quyền lực thái quá trong Đảng là nguồn gốc của tệ tham nhũng hiện nay (độc tôn thêm quyền lực sinh ra quốc nạn tham nhũng).
Vậy tham nhũng tại Việt nam phải được hiểu như thế nào trong mối tương quan với ĐCSVN? Phải chăng chính cái thời kỳ phát sinh mạnh nhất của hoạt động tham nhũng là thời kỳ mà pháp luật và các quy định kèm theo của nó đã không được coi trọng, và bản thân các vụ án tham nhũng hiện nay không phải xuất phát từ làm trái các quy định của đảng mà ngược lại là lách luật và làm trái các quy định của nhà nước.
Ông Trọng làm tốt: rồi sao nữa?
Nhìn theo đúng bản chất của vấn đề, siết chặt tham nhũng hiện nay của ông Nguyễn Phú Trọng là đi theo con đường siết chặt kỷ cương – kỷ luật trong đảng, còn đặt trong chủ thể kiểm soát đảng trong xã hội thì dường như chưa được đụng chạm tới. Trong khi đó, một cá nhân lãnh đạo có thể làm tốt việc ‘kỷ luật’ và làm cho con sâu tham nhũng run sợ, bởi cá nhân đó chưa phát hiện hoặc bị dính líu một cách rõ ràng nào đến đường dây tham nhũng, cũng như bản thân sự ‘quá tuổi nghỉ hưu’ cũng đưa đến tâm thế không còn gì để mất. Tuy nhiên, khi ông Nguyễn Phú Trọng rời nhiệm sở, thì liệu người kế nhiệm của ông có đáp ứng được các yếu tố nêu trên? Hay lúc này, lại rơi vào một giai đoạn mới của sự thiết lập các giá trị lợi ích nhóm mới và mở đầu cho một sự tinh vi của tham nhũng?
Tất cả là sự lo ngại, và không thể loại trừ sự lo ngại đó. Vì vậy, tiến trình chống tham nhũng hiện nay có thể tạm thời đánh giá là thành công theo hướng ‘giai đoạn’, chứ không đồng nghĩa là đảng hoặc cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng đã kiểm soát được tham nhũng và dẫn đến tiến trình ‘Đảng trong sạch, đảng vững mạnh’ một cách hoàn toàn được. Mặc dù, người viết cũng chạm đến một quan điểm, liệu rằng ‘cho ông ấy một điểm tựa để ông ấy có thể “nhấc bổng” Việt Nam lên được không?’.
Vấn đề là, sự phấn khởi niềm tin của nhân dân, lại như một liều thuốc kích thần, khiến duy trì thêm hơn nữa tính chính danh của ĐCSVN, và tính chính danh này nếu không duy trì một chính sách kiểm soát quyền lực một cách rõ ràng thông qua chiến dịch chống tham nhũng lâu dài thì nó sẽ nhanh chóng đưa đến một hệ quả tồi tệ, đó là kéo dài khoảng thời gian dài cho sự độc tôn quyền lực – nơi mà tham nhũng và lạm dụng quyền lực sẽ bộc phát bất cứ khi nào.
‘Chống tham nhũng để gia tăng độc tôn quyền lực’ vì thế không phải là thiếu căn cứ và bản thân Đảng sẽ không bao giờ dừng nảy sinh những vấn đề tiêu cực. Do đó, chỉ có tiến hành rộng rãi các giá trị pháp luật, trong đó mở rộng sự cải cách liên quan đến pháp luật nhà nước, và lấy chủ thể nhà nước để kiểm soát quyền lực của đảng trong đời sống kinh tế – chính trị thì mới thực sự tạo ra động lực của một cuộc chiến chống tham nhũng toàn diện và lâu dài được, bởi nơi đó, không chỉ còn có một chủ thể là Tổng Bí thư với Ủy ban kiểm tra trung ương, mà phải có thêm sự xuất hiện sự giám sát của nhân dân, của xã hội dân sự,…
Và điều này là rất quan trọng!
Ánh Liên / (VNTB)
TIN TỨC THẾ GIỚI
Ông Kim Jong-un đồng ý gặp Tổng thống Donald Trump tại Bàn Môn Điếm
Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap ngày 1/5 cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay nói rằng, ông thích ý tưởng gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm.
![]() |
Hình minh họa, nguồn: Yonhap News. |
Tổng thống Donald Trump nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo chung với Tổng thống Nigeria:
“Chúng tôi đang xem xét các địa điểm khác nhau, bao gồm Singapore, và chúng tôi cũng đang đề cập đến lựa chọn khu phi quân sự, Nhà Hòa Bình / Nhà Tự Do và có điều gì đó tôi thấy hấp dẫn.”
Tổng thống Mỹ cũng đã trao đổi điều này với ông Moon Jae-in.
Trước đó ông Donald Trump viết trên Twitter:
“Nhiều quốc gia đang được cân nhắc cho cuộc gặp này;
Nhưng có lẽ là Nhà Hòa Bình / Nhà Tự Do trên biên giới Nam – Bắc Triều Tiên mang tính đại diện, quan trọng và bền vững hơn cả bên thứ 3? Hãy tự hỏi.
Hoa Kỳ chưa bao giờ tiến gần hơn khả năng có điều gì đó xảy ra với bán đảo Triều Tiên như lúc này. Có thể loại bỏ vũ khí hạt nhân, có thể tạo ra rất nhiều điều tốt đẹp, rất nhiều điều tích cực, hòa bình và an ninh cho thế giới.
Nhưng chúng ta sẽ thấy. Tôi xin nói điều này, nếu nó không thành công, tôi sẽ ra về. Nó rất đơn giản”
Cho đến nay, ông thấy nhà lãnh đạo Kim Jong-un rất cởi mở, rất chân thật.Tổng thống Donald Trump vẫn tin tưởng, hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều sẽ diễn ra và sẽ thành công.
Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã hoan nghênh thông tin ông Donald Trump xem xét địa điểm Bàn Môn Điếm:
“Chúng tôi nghĩ Bàn Môn Điếm rất có ý nghĩa như một nơi xóa bỏ sự chia rẽ và xây dựng cột mốc mới cho hòa bình. Đây sẽ là địa điểm mang tính biểu tượng nhất.” [2]
Trong một động thái khác có liên quan, cựu Đệ nhất phu nhân Hàn Quốc – vợ cố Tổng thống Kim Dae-jung đã đề nghị nên trao giải Nobel Hòa bình cho Tổng thống Moon Jae-in.
Ông Kim Dae-jung đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 2000 sau hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-il.
Tổng thống Moon Jae-in đã phản đối đề xuất này và nói rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể nhận giải Nobel Hòa Bình, miễn là người Hàn Quốc nhận được sự bình yên.
Ông Moon Jae-in nói: “Điều duy nhất mà chúng ta cần là hòa bình”.
Trong tuần này, Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ hệ thống loa phóng thanh công suất lớn lắp đặt tại biên giới hai miền để phục vụ chiến tranh tâm lý, phía Triều Tiên cũng hành động tương tự.
========================
Trung Quốc lặng lẽ cài đặt tên lửa bất hợp pháp ở Trường Sa
Đài CNBC ngày 2/5 (3/5 giờ Hà Nội) đưa tin, Trung Quốc đã lặng lẽ cài đặt (bất hợp pháp) tên lửa hành trình chống hạm và hệ thống tên lửa phòng không trên 3 đảo nhân tạo họ xây dựng (trái phép) ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).
Động thái này cho phép Bắc Kinh tiếp tục tăng cường quân sự hóa và khả năng kiểm soát khu vực, theo các nguồn thạo tin từ báo cáo tình báo của Hoa Kỳ.
Đánh giá của báo cáo tình báo Hoa Kỳ cho thấy, các hệ thống tên lửa này mới được cài đặt trong vòng 30 ngày qua.
![]() |
Tên lửa hành trình chống hạm YJ của Trung Quốc, hình minh họa, nguồn: Twitter. |
Việc lắp đặt tên lửa diễn ra sau khi cài đặt các thiết bị tác chiến điện từ gây nhiễu quân sự, có thể được sử dụng để làm gián đoạn các hệ thống truyền thông và ra đa đối phương.
Lắp đặt hệ thống tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa phòng không tại các địa điểm này là một bổ sung đáng kể vào danh mục quân sự hóa mà Bắc Kinh triển khai tại một trong những khu vực “tranh cãi nhất thế giới”.
Hoa Kỳ vẫn trung lập, nhưng bày tỏ lo ngại về những tuyên bố chủ quyền chồng chéo lên quần đảo Trường Sa.
Các nguồn tin cho hay, tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa phòng không đã được Trung Quốc bố trí lên các đảo nhân tạo ở Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn.
Tên lửa hành trình là loại YJ-12B có tầm bắn 295 hải lý được sử dụng để tấn công các tàu chiến mặt nước.
Còn hệ thống tên lửa phòng không tầm xa mới được lắp đặt là HQ-9B với tầm bắn 160 dặm nhằm vào các mục tiêu máy bay không người lái, máy bay quân sự và tên lửa hành trình đối phương.
Những vũ khí này cũng đã xuất hiện trong các bức ảnh vệ tinh chụp đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam; hiện quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp).
Nhà nghiên cứu Gregory Poling, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói với CNBC, bất cứ vũ khí nào nhìn thấy ở Phú Lâm cuối cùng cũng sẽ hiện diện trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa.
Trong một động thái khác có liên quan, Tân Hoa Xã ngày 3/5 đưa tin, Trung Quốc đã sử dụng 2 tàu lặn để nghiên cứu vùng biển sâu ở Biển Đông.
Đây là lần đầu tiên 2 tàu lặn biển sâu do Trung Quốc chế tạo, được sử dụng để nghiên cứu, tìm kiếm các khu vực chứa khí đốt tự nhiên và các lĩnh vực khoa học khác.
============================
Trung Quốc lo sợ Triều Tiên thống nhất đến mức nào?
Trong dư luận quốc tế bấy lâu nay vẫn có những ý kiến cho rằng Trung Quốc chính là “thủ phạm” ngăn cản sự thống nhất 2 miền Triều Tiên và biến nửa phía Bắc của bán đảo này thành một “bộ lạc” phụ thuộc nhằm phục vụ cho các mục đích kinh tế – chính trị của mình.
Cũng khó có thể phủ nhận hoàn toàn quan điểm này bởi ngay từ thời cố chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il còn nắm quyền, Trung Quốc đã rất tích cực đổ tiền vào đất nước này với những lợi ích kinh tế ngày một lớn và lộ rõ ý đồ muốn biến Triều Tiên thành một “thuộc địa” ngay tại thế kỷ 21. Để đảm bảo các lợi ích kinh tế lâu dài của mình, chắc chắn Trung Quốc sẽ cản trở việc thống nhất 2 miền Triều Tiên.
Nhưng theo phân tích của tờ Washington Post, dù lợi ích kinh tế của Trung Quốc ở Triều Tiên ngày càng đóng vai trò quan trọng thì nó cũng không thể nào sánh được với những lợi ích mà quốc gia đông dân nhất thế giới này thu được khi làm ăn với Mỹ hay châu Âu. Dù với danh nghĩa nào thì chính quyền Trung Quốc cũng tập trung vào Triều Tiên để đảm bảo cho chính họ chứ không vì ai khác. Thêm vào đó, nếu nhìn vào giả thiết này người ta sẽ thấy những gì (thuộc về kinh tế) mà Trung Quốc thu được từ Triều Tiên vẫn là con số âm. Trong suốt 30 năm qua, Trung Quốc đã đầu tư vào bán đảo Triều Tiên hàng tỷ USD dưới dạng viện trợ trực tiếp.
Nhưng hàng tỷ USD đấy để thu về cái gì? Đó chính là những giá trị vô hình về an ninh quốc gia và sự chắc chắn của Trung Quốc trong vị trí trên trường quốc tế. Cũng theo quan điểm của tờ tạp chí Washington Times, có thể Triều Tiên vẫn chưa nhận ra bộ mặt thực của người láng giềng tốt này khi Trung Quốc chỉ coi Triều Tiên là một tấm đệm hay là một lá chắn để họ chống lại những quốc gia phương Tây mà đặc biệt là Mỹ. Nhưng việc Triều Tiên có nhận ra điều đó hay không cũng không quan trọng bởi họ đã quá quen với việc nhận tiền và được tự theo đuổi mục đích của mình cũng giống như việc Trung Quốc theo đuổi ý đồ của chính họ.
Mối quan hệ này cũng đã bắt đầu rạn nứt. Một số chuyên gia về Đông Á đã khẳng định rằng sự tồn tại của “triều đại Kim” có ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của các chính sách đối ngoại của Trung Quốc và vị thế của Trung Quốc sẽ bị lung lay dữ dội nếu Triều Tiên chủ động chấm dứt mối quan hệ này. Có điều việc đó sẽ chưa thể sớm diễn ra bởi cả Trung Quốc và Triều Tiên đều đang vui vẻ với việc “trở thành con tin của nhau” hay nước nọ phụ thuộc vào nước kia để theo đuổi các mục đích của chính mình.
Nếu Trung Quốc lỏng dây cương với Triều Tiên, nước này sẽ phải đối mặt với một tình trạng rất nguy hiểm. Khi đó những thành phần theo chủ nghĩa dân tộc của Triều Tiên sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ của các nước phương Tây với những thỏa thuận hậu hĩnh hơn rất nhiều so với khi “chơi” với Trung Quốc như hiện nay. Đó là chưa kể việc khi Triều Tiên được mở cửa và “quốc tế hóa”, họ sẽ đưa con bài hạt nhân ra để đàm phán với cả Trung Quốc.
Cũng theo bình luận trên tờ Washington Post, đừng ai nghĩ là Triều Tiên đang quá “hồn nhiên và ngây thơ” để Trung Quốc điều khiển. Thực tế là quốc gia này có khá nhiều thứ để buộc Trung Quốc phải tôn trọng họ và sẵn sàng cho Trung Quốc “nếm mùi đau khổ” nếu đột nhiên trở nên hiếu chiến quá hay thò bàn tay vào can thiệp quá sâu trong chính trường Triều Tiên. Trong số những thứ vũ khí bí mật ấy, chắc chắn Trung Quốc cũng rất e ngại kho hạt nhân và chương trình tên lửa đầy tham vọng của Triều Tiên. Bằng một cách khéo léo, Trung Quốc sẽ biến Triều Tiên thành một quốc gia phụ thuộc vào họ để từ đó dùng thành một quân bài để mang ra mặc cả với Nga, Nhật, Hàn Quốc hay Mỹ.
Một bán đảo Triều Tiên thống nhất, đó sẽ là “thảm họa” đối với Trung Quốc vì khi đó, một nền kinh tế năng động, hiện đại và phát triển cao của Hàn Quốc được hỗ trợ bởi tiềm năng quân sự đáng gờm của Triều Tiên, sẽ chẳng còn bất cứ quốc gia nào chịu “làm thân” với Trung Quốc và họ sẽ cô độc hơn bao giờ hết. “Đó chính là nguyên nhân lớn nhất khiến Trung Quốc ngăn cản bằng được mọi tiến trình hòa giải, thống nhất 2 miền Triều Tiên”, Washington Post kết luận.
Nhưng rủi ro cũng sẽ đi kèm với cơ hội và ngược lại. Nếu bán đảo Triều Tiên thống nhất, hòa bình, yên ổn, chắc chắn họ cũng sẽ không “ngả về Mỹ” để tìm kiếm sự an toàn như hiện nay và đó cũng là cái đích mà Trung Quốc muốn hướng tới. Những ngày qua, khi Triều Tiên liên tục tỏ thái độ hung hăng, chính Trung Quốc cũng rất lo lắng bởi sẽ chẳng có cái cớ nào tốt hơn để Mỹ có thể can thiệp sâu vào khu vực này bằng những lời dọa dẫm của Kim Jong-un nên trong một sự kiện hiếm hoi, Trung Quốc đã tán đồng nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.
Theo INFONET (2013)