Ông chủ tiệm may Hà Nội chăm ốc đảo cây xanh ‘nhàn tênh’

Anh Thắng lựa chọn cây dễ chăm sóc như hoa giấy, cỏ nhện, lắp vòi tưới nước tự động.

Làm chủ một tiệm may ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), anh Thắng là người rất yêu thích cây cỏ. Khi xây xong nhà vào năm 2008, anh bắt đầu làm một khu vườn nhỏ 20 m2 trên sân thượng tầng 5.

Lúc đầu, anh trồng cây liêm hồ đằng rồi bổ sung thêm hoa giấy cho leo phủ kín giàn dây thép.

Ngoài ra, anh còn trồng những cây dễ chăm sóc, phát triển nhanh như cỏ nhện. Đó cũng là loại cây giúp loại bỏ các chất độc hại, đem lại nguồn không khí trong lành giữa nơi đô thị đông đúc.

Anh Thắng chia sẻ: “Tôi mong muốn tìm được một khoảng không gian xanh giữa mùa hè nóng bức và có chỗ thư giãn, tĩnh tâm trong cuộc sống”.

Trên sân thượng, anh kê một bộ bàn ghế nhỏ để có thể tụ tập cùng bạn bè, vừa thân thiện vừa không tốn kém.

Người chủ khéo tay cũng tận dụng những chai nước, đôi dép cũ bỏ đi thành nơi trồng cây ngộ nghĩnh.

Để việc chăm cây được thuận tiện, anh Thắng lắp thêm cả hệ thống tưới nước tự động, chỉ cần mở vòi là nước chảy đến từng chậu cây.

Cây mẫu đơn lá xanh tốt, hoa nở tưng bừng.

Anh Thắng học hỏi kinh nghiệm chủ yếu qua mạng và tự mày mò thêm.

Làm vườn cũng là cách để anh và mọi người trong nhà thư giãn, lấy lại năng lượng sau một ngày dài.

Khu vườn vào đêm được thắp đèn sáng lung linh.

Hồng Liên
Ảnh: Thắng Li Ko

Ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá quá tới 30% giới hạn tái sinh, biển Đông đứng trước nguy cơ “không còn gì để bắt”

Một trong những nguyên nhân khiến các ngư dân Trung Quốc ngày một manh động hơn là do nước này đang dần cạn kiệt nguồn tài nguyên biển.

Ngày 17/8 vừa qua, Indonesia cho nổ những tàu đánh bắt cá trái phép bị lực lượng an ninh nước này tịch thu, trong đó có nhiều tàu cá của Trung Quốc . Mặc dù Trung Quốc không có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ với quốc gia này nhưng những ngư dân của nước này vẫn tiếp tục xâm nhập vào các vùng biển của Indonesia cũng như các vùng biển nước khác.
Trong tuần qua, các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho biết việc đánh bắt thủy sản quá mức cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường đã làm cạn kiệt nguồn tài nguyên biển ở nước này và thậm chí đang lan dần sang một số lãnh hải khác, như Biển Đông. Trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc gần đây, vùng Biển Đông được đánh giá là “không còn cá” để đánh bắt.

Đây là một viễn cảnh đáng sợ với quốc gia đông dân nhất thế giới và cũng có số người thuộc dạng nghèo đói đứng thứ 2 toàn cầu, sau Ấn Độ.

ww

Hiện Trung Quốc đang chiếm 35% tổng số tiêu thụ thủy sản trên toàn thế giới vào năm 2015, cao gấp 3 lần tổng sản lượng tiêu thụ của Châu Âu và Trung Á gộp lại. Chính nhu cầu tăng cao với nguồn tài nguyên biển đã khiến các ngư dân nước này ngày một đi xa hơn trong quá trình đánh bắt. Bình quân mỗi năm ngành thủy sản nước này đánh bắt được khoảng 13 triệu tấn hải sản các loại trong những năm gần đây, cao hơn nhiều so với mức quy định 8-9 triệu tấn/năm của Bộ Nông nghiệp.

Dẫu vậy, chính tình hình này đã khiến vấn đề cạn kiệt nguồn cá lan càng rộng. Theo hãng tin Bloomberg, nguồn thủy sản dự trữ tại Biển Đông đã giảm 95% so với thập niên 50. Rõ ràng, Trung Quốc đang không chỉ khiến quốc gia của mình dần cạn tài nguyên biển mà đang kéo nhiều nước Châu Á khác chịu thiệt hại theo.

Trung Quốc là một trong những nước tăng trưởng nóng nhất trong vài thập niên trở lại đây và lẽ đương nhiên, cố người giàu và tầng lớp trung lưu của nước này ngày một tăng cao, kéo theo đó là chất lượng cuộc sống và nhu cầu về tiêu chuẩn ăn uống. Hệ quả là hải sản, vốn là loại thực phẩm không rẻ ở nhiều nước dần được người dân ưa chuộng hơn.

Số liệu của ngân hàng thế giới (World Bank) cho thấy tiêu thụ thủy sản tại Trung Quốc đã tăng bình quân 6% trong khoảng 1990-2010 và lượng tiêu thụ cá ở Trung Quốc có thể còn tăng thêm 30%, đạt 41 kg/người vào năm 2030, cao gấp đôi so với mức bình quân toàn cầu.

Mặc dù số thủy sản nuôi trồng chiếm 73,6% lượng tiêu thụ tại Trung Quốc nhưng nhu cầu ngày một tăng cao đang khiến ngư dân nước này tích cực đánh bắt nhiều hơn, xa hơn.

Đội tàu cá bán quân sự của Trung Quốc

Hiện Trung Quốc là nước tiêu thụ cũng như xuất khẩu thủy sản nhiều nhất thế giới, kéo theo đó là sự bùng nổ của việc đánh bắt cá vô tội vạ.

Trong khoảng 1979-2013, số tàu đánh bắt cá của nước này đã tăng từ 55.225 lên 694.905 chiếc, còn số người làm việc trong ngành thủy sản đã tăng từ 2,4 triệu người lên 14 triệu người. Tính đến cuối năm 2014, số phương tiện đánh bắt cá của nước này ước tính đạt 1,04 triệu chiếc và được coi là nước có nhiều tàu đánh bắt cá nhất thế giới.

Thu nhập của các ngư dân Trung Quốc cũng dã tăng từ 15 USD/tháng lên 2.000 USD/tháng. Ngày nay, ngành đánh bắt thủy sản của Trung Quốc thu về hơn 260 tỷ USD mỗi năm, chiếm khoảng 3% GDP của nước này.

Việc các ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá quá nhiều đã phải trả cái giá khủng khiếp về môi trường. Hiện sông Dương Tử, nới cung cấp 60% nguồn tài nguyên thủy sản nước ngọt của nước này đã có ít hơn 1/4 số cá so với năm 1954. Tồi tệ hơn, gần 170 loài thủy sản tại dòng sông này đang trên bờ vực tuyệt chủng.

Thậm chí chính quyền Bắc Kinh cũng đã phải thừa nhận rằng ngư dân Trung Quốc thường xuyên đánh bắt vượt quá ít nhất 30% giới hạn tái sinh trong “lãnh hải” nước này. Nếu dạo quanh những khu chợ thủy sản tại Trung Quốc, khách hàng có thể bắt gặp những con cá hay hải sản với kích cỡ nhỏ dưới tiêu chuẩn, vốn không nên đánh bắt để duy trì nguồn lợi biển.

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc dường như không mấy tích cực trong việc bảo toàn nguồn lợi biển cũng như tình trạng ngư dân nước này xâm phạm lãnh hải quốc gia khác để đánh bắt cá. Riêng trong năm 2013, nước này đã chi 6,5 tỷ USD hỗ trợ cho ngành đánh bắt cá.

Phần lớn số tiền trên được đầu tư giảm giá nhiên liệu cho ngư dân, qua đó giúp họ đi đi đánh bắt được xa hơn tại các vùng biển của nước khác như Indonesia. Tồi tệ hơn, nhiều tàu đánh cá thậm chí còn được huấn luyện cơ bản về quân sự, được quân đội tiếp tế muối, đá hay định vị GPS trong các cuộc đánh bắt xa bờ như vậy.

Chính quyền Bắc Kinh cũng từng ban hành lệnh cấm đánh bắt cá theo mù ở Biển Đông vào năm 1999 hay năm 2002 tại sông Dương Tử, nhưng những ngư dân cần phải kiếm sống còn chính phủ địa phương lại kiểm soát quá lỏng lẻo khiến các quy định này bị bỏ qua.

Mặc dù Biển Đông chỉ chiếm 2,5% diện tích bề mặt trái đất nhưng nguồn lợi thủy sản tại đây lại thuộc hàng nhiều nhất thế giới với hơn 3.000 loài khác nhau cũng như chiếm tới 12% tổng sản lượng đánh bắt trên toàn cầu.

Việc đánh bắt cá trên vùng Biển Đông đóng vai trò khá quan trọng với nhiều nước trong khu vực này. Hiện Philippine có khoảng 1,5 triệu ngư dân và ngành đánh bắt thủy sản đóng góp 2,7% GDP cho nước này, trong đó đánh bắt cá từ Biển Đông chiếm tới 3/4 sản lượng.

Thủy sản chiếm tới 35,3% tổng lượng tiêu thụ thực phẩm động vật tại Việt Nam và con số này đạt 42,6% và 57,3% tương ứng tại Philippine và Indonesia.

Với nguồn lợi thủy sản to lớn như vậy cũng như vai trò quan trọng với kinh tế, cuộc sống người dân nhiều nước, không có gì là khó hiểu khi Trung Quốc trở thành tâm điểm tranh cãi trong các tranh chấp lãnh hải tại khu vực này.

Bất chấp những phản đối từ các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục khai thác tài nguyên thủy sản tại đây một cách vô tội vạ trước nhu cầu tăng cao của người dân trong nước cũng như nhằm đạt các mục tiêu về địa chính trị.

“Việc đánh bắt ngày càng nguy hiểm khi nhiều tàu cá của nước khác cũng đang đánh bắt tại Biển Đông. Tuy nhiên vị thế của Trung Quốc đang lớn và tôi tin rằng chính phủ sẽ bảo vệ ngư dân chúng tôi”, anh Huang Jing, một chủ tàu cá tại Baimajing-Trung Quốc nói.

Hoàng Nam

Chân dung nghi phạm bắn Bí thư và Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái

Lan Anh/soha

Ông Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái, nghi phạm bắn chết Bí thư tỉnh Yên Bái và Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái.
Ông Đỗ Cường Minh trưởng thành trong lực lượng kiểm lâm, nhiều năm giữ chức Phó chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm Yên Bái.
Sáng 18/8, một vụ án nghiêm trọng đã xảy ra tại Yên Bái trước phiên khai mạc kỳ họp HĐND tỉnh.
Ông Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái đã đi vào trụ sở tỉnh ủy sau đó vào phòng làm việc của Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường và bất ngờ rút súng bắn vào đầu đồng chí này.
Ông Minh ngay sau đó đi sang phòng ông Ngô Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND tỉnh, kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái và tiếp tục bắn ông Tuấn. Sau khi bắn 2 lãnh đạo của tỉnh Yên Bái, ông Minh dùng súng tự sát.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái Đỗ Cường Minh.
Xác nhận với Báo Tuổi Trẻ lúc 13h chiều cùng ngày, một lãnh đạo tỉnh Yên Bái cho biết, khoảng 12h30′, ông Ngô Ngọc Tuấn đã tử vong vì vết thương quá nặng tại bệnh viện Bệnh viện Đa khoa Yên Bái. Trước đó, ông Phạm Duy Cường cũng đã tử vong. Nghi phạm Đỗ Cường Minh, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái, tự bắn vào đầu cũng đã tử vong sau đó.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái Đỗ Cường Minh sinh năm 1963 tại P. Yên Ninh, thành phố Yên Bái.
Ông Đỗ Cường Minh trưởng thành trong lực lượng kiểm lâm, nhiều năm giữ chức Phó chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm Yên Bái.
Ngày 4/4/2014, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức công bố quyết định số 389/QĐ-UBND ngày 28/3/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái bổ nhiệm ông Đỗ Cường Minh – Phó Chi cục trưởng giữ chức Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Yên Bái thay ông Nguyễn Quang Vinh nghỉ hưu.
Tờ Nông nghiệp Việt Nam đưa tin, trong lễ nhậm chức, ông Đỗ Cường Minh hứa với lãnh đạo tỉnh Yên Bái sẽ mang hết sức mình cùng lực lượng kiểm lâm sát cánh với các cấp chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái và các ngành có liên quan bảo vệ tốt 414.565 ha rừng, trong đó có 236.837 rừng tự nhiên, 177.727 ha rừng trồng.
Tháng 11/2014, trả lời Truyền hình Yên Bái sau khi nhậm chức, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Yên Bái Đỗ Cường Minh, cho biết lực lượng kiểm lâm Yên Bái còn mỏng so với yêu cầu.
Sau đó, trả lời về việc báo chí phản ánh rừng tại Yên Bái bị lâm tặc hoành hành trong phạm vi trải dài đến 20.000 ha, ông Đỗ Cường Minh từng phát biểu: “Kiểm lâm tỉnh và các cơ quan liên quan vẫn bố trí các đội túc trực trong rừng tại những vị trí trọng yếu nhằm ngăn chặn người dân chặt phá rừng.
Ngoài ra, còn có các lực lượng liên ngành chốt chặn tại các ngả đường, nếu phát hiện vụ vận chuyển gỗ nào thì lập tức bắt giữ”.
Trước đó, trao đổi với phóng viên báo Yên Bái về các giải pháp ngăn chặn nạn phá rừng, ông Đỗ Cường Minh cho hay, năm 2016, Chi cục tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhân dân quản lý BVR; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ kiểm lâm, tăng cường lực lượng kiểm lâm về các địa bàn xã phụ trách…
Trưa 18/8/2016, trao đổi với Zing.vn, một cựu lãnh đạo kiểm lâm tỉnh Yên Bái cho hay, Đỗ Cường Minh là cán bộ trưởng thành từ địa phương là cán bộ có năng lực, chưa sai phạm trong công tác và có nhân thân tốt.
Tại sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2016, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái khẳng định, việc quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành kiểm lâm vì vậy công tác quản lý bảo vệ rừng luôn được quan tâm đặt biệt.
Về Công tác tác phòng cháy chữa cháy rừng, trong 6 tháng đầu năm 2016 toàn tỉnh Yên Bái có 9 vụ cháy rừng với diện tích thiệt hại 100% là 108,1 ha. Công tác thanh tra – pháp chế đã tăng cường kiểm tra tại cơ sở chế biến và tiêu thụ lâm sản theo kế hoạch.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Kiểm lâm Yên Bái đã phát hiện và xử lý được 95 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng giảm 8 vụ so với cùng kỳ năm 2015, thu nộp ngân sách nhà nước 360,4 triệu đồng.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái năm 2015 số vụ cháy rừng giảm 2 vụ và diện tích thiệt hại giảm trên 500 ha so với cùng kỳ năm trước. Năm 2015, lực lượng Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đã phát hiện và xử lý 182 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, giảm 40 vụ so với cùng kỳ năm trước, thu nộp ngân sách trên 747 triệu đồng.

Tại sao Việt Nam triển khai bệ phóng rocket ở Trường Sa?

tsa

Nguồn: Le Hong Hiep, “Understanding Vietnam’s rocket launcher deployment in the Spratlys”, The Straits Times, 17/08/2016.

Tuần trước, truyền thông quốc tế đưa tin rộng rãi rằng Việt Nam đã âm thầm triển khai một số lượng không rõ các bệ phóng rocket EXTRA trên năm thực thể thuộc quần đảo Trường Sa. Các hệ thống rocket di động tối tân này được cho là có khả năng bắn tới các đường băng và cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo lân cận được Trung Quốc xây dựng gần đây.

Mặc dù Bộ Ngoại giao Việt Nam bác bỏ những thông tin trên là “không chính xác”, nhưng Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã tuyên bố vào tháng Sáu năm nay rằng Hà Nội có quyền triển khai các vũ khí như vậy nhằm mục đích tự vệ.

Diễn tiến này đã chứng minh cho thực tế rằng nhiệt độ ở Biển Đông đang tăng lên, và các quốc gia tham gia tranh chấp có nguy cơ bị đẩy vào tình trạng leo thang quân sự, điều cuối cùng có thể làm suy yếu hòa bình và ổn định khu vực.

Tuy vậy, việc triển khai các bệ phóng rocket của Việt Nam không phải là một bất ngờ. Thay vào đó, nó là một diễn tiến logic nếu xét đến quỹ đạo gần đây của tình hình tranh chấp Biển Đông.

Thứ nhất, để bảo vệ tốt hơn lợi ích của mình ở Biển Đông, Việt Nam đã theo đuổi một chương trình hiện đại hóa quân sự trong một thời gian. Ví dụ, theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, tổng số vũ khí nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn 2011-2015 đã tăng 699 phần trăm so với giai đoạn 2006-2010, đưa Việt Nam thành nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ tám trên thế giới trong cùng thời gian. Hầu hết các loại vũ khí và trang thiết bị mới đều liên quan đến các năng lực trên biển.

Các bệ phóng tên lửa EXTRA mà Việt Nam triển khai tới quần đảo Trường Sa được cho là được nhập khẩu từ Israel, một trong những đối tác quốc phòng mới nổi của Việt Nam. Chúng góp phần vào nỗ lực của Hà Nội nhằm xây dựng một mức độ răn đe khả tín chống lại các cuộc tấn công có thể có vào các thực thể trong quần đảo Trường Sa hiện đang do Việt Nam kiểm soát.

Theo nghĩa đó, tin tức trên không nhất thiết phải là một điều xấu đối với Việt Nam. Để đảm bảo răn đe có hiệu quả, ngoài việc phát triển các khả năng áp đặt chi phí một cách đáng tin cậy, người ta cũng cần làm cho đối thủ mà mình muốn răn đe biết được điều đó. Do đó, việc triển khai các bệ phóng tên lửa được báo chí đề cập có thể giúp Hà Nội truyền đạt một thông điệp, đặc biệt là tới Bắc Kinh, không chỉ về các năng lực sẵn có của Việt Nam, mà còn về quyết tâm chính trị của Việt Nam trong việc bảo vệ các lợi ích của mình ở Biển Đông.

Thứ hai, từ quan điểm của Hà Nội, việc triển khai các bệ phóng không phải là một động thái khiêu khích hoặc leo thang. Thay vào đó, nó được xem như một phản ứng tự vệ cần thiết để chống lại các mối đe dọa mới được thiết lập bởi Bắc Kinh ở Biển Đông. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng giàn khoan dầu năm 2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vị trí cách bờ biển miền Trung Việt Nam 119 hải lý, hay việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa bảy đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, đã mạnh mẽ đánh động Việt Nam về ý đồ chiến lược của Trung Quốc cũng như khả năng dễ bị tổn thương của Việt Nam ở Biển Đông. Do đó, các phản ứng mạnh mẽ nhưng được tính toán kỹ lưỡng là cần thiết để bảo vệ tốt hơn lợi ích của Việt Nam ở đó.

Trong khi không ai biết thời gian chính xác của việc triển khai các bệ phóng nêu trên, nó có thể đã diễn ra trước khi các tin tức được loan báo tuần trước khá lâu. Thật vậy, một số nguồn tin cho rằng Hà Nội có thể đã bắt đầu xem xét việc triển khai này từ tháng Năm năm ngoái, khi xuất hiện những báo cáo về việc Trung Quốc triển khai các xe tên lửa di động trên một trong những hòn đảo nhân tạo mà nước này đang xây dựng. Dù là trường hợp nào đi nữa, mức gia tăng nhận thức các mối đe dọa xuất phát từ sự quân sự hóa các đảo nhân tạo gần đây của Trung Quốc rõ ràng đã khuyến khích Hà Nội đưa ra một phản ứng mạnh mẽ hơn.

Từ góc nhìn lịch sử, việc triển khai các dàn phóng rocket nêu trên phản ánh mẫu hình truyền thống trong cách Việt Nam ứng xử với Trung Quốc, trong đó kết hợp giữa sự tôn trọng và thách thức.

Là bên nhỏ hơn trong mối quan hệ, Việt Nam luôn mong muốn duy trì quan hệ hòa bình và ổn định với Bắc Kinh. Trong thời kỳ tiền hiện đại, Việt Nam đã sẵn sàng thể hiện sự tôn trọng Trung Quốc bằng cách tham gia vào hệ thống triều cống của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã sẵn sàng đứng lên chống lại Trung Quốc nhiều lần khác nhau khi chủ quyền, quyền tự chủ và sự toàn vẹn lãnh thổ của mình bị xâm phạm.

Trong những thập niên gần đây, tổng thể quan hệ Việt -Trung đã được cải thiện đáng kể, nhưng các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông tiếp tục là một thách thức lớn cho cả hai nước. Tuy nhiên, mức độ giao lưu kinh tế song phương chưa từng có đã giúp giữ hai nước khỏi xung đột với nhau.

Cụ thể, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng một phần năm tổng giá trị thương mại hàng năm của Việt Nam. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ chín tại Việt Nam. Vì vậy, trong khi Việt Nam có xu hướng hành động cứng rắn để bảo vệ lợi ích trên biển của mình, Việt Nam cũng không muốn để cho các tranh chấp ở Biển Đông leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang, điều sẽ phá hủy những lợi ích rộng lớn hơn mà các mối quan hệ với Trung Quốc mang lại.

Vì vậy, việc triển khai các bệ phóng tên lửa ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam nên được nhìn nhận trong bối cảnh rộng lớn hơn của các biến đổi gần đây trong tranh chấp Biển Đông, cũng như cách ứng xử truyền thống của Việt Nam đối với Trung Quốc.

Động thái này, chủ yếu nhằm mục đích phòng vệ, không nên khiến các nước trong khu vực quan ngại. Chắc chắn rằng xung đột quân sự với một Trung Quốc hùng mạnh hơn nhiều là điều cuối cùng mà Việt Nam muốn vấp phải.

Lê Hồng Hiệp là nghiên cứu viên chính tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute), Singapore.