Các thành phố đáng sống nhất thế giới 2016

Melbourne - thành phố đáng sống nhất thế giới

Melbourne – thành phố đáng sống nhất thế giới

Tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) thuộc Tạp chí The Economist của Anh vừa công bố bảng xếp hạng các thành phố đáng sống nhất cũng như các thành phố nên tránh xa nhất thế giới năm 2016.

Bảng xếp hạng này đánh giá mức độ đáng sống của 140 thành phố trên thế giới dựa trên các tiêu chí về mức độ ổn định, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, văn hóa và môi trường, giáo dục và cơ sở hạ tầng dựa trên thang điểm 100.

Theo đó, các thành phố ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Australia và Nhật Bản, tiếp tục giữ các vị trí hàng đầu.

Với số điểm 97,5, thành phố Melbourne của Australia tiếp tục giành danh hiệu thành phố đáng sống nhất thế giới trong năm thứ 6 liên tiếp. Các lĩnh vực y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng của Melbourne đạt số điểm tuyệt đối.

Các thành phố khác của Australia cũng có vị trí cao trong bảng xếp hạng này, trong đó Adelaide xếp thứ 5, Perth xếp thứ 7 và Sydney xếp thứ 11.

Thủ đô Vienna của Áo vẫn giữ vị trí thứ 2 trong năm thứ tám liên tiếp với 97,4 điểm.

Ba thành phố khác cũng không thay đổi vị trí xếp hạng so với năm trước, và đều thuộc về Canada, gồm Vancouver đạt 97,3 điểm, Toronto đạt 97,2 điểm và Calgary đạt 96,6 điểm.

Một số thành phố khác nằm trong top 10 thành phố đáng sống nhất thế giới năm 2016 là Auckland của New Zealand, Helsinki của Phần Lan và Hamburg của Đức.

Top 10 thành phố đáng sống nhất thế giới 2016. Nguồn EIU
Top 10 thành phố đáng sống nhất thế giới 2016. Nguồn EIU

Ở đầu kia của danh sách này, thủ đô Damascus của Syria và thủ đô Tripoli của Libya là những thành phố “chán” nhất thế giới, chủ yếu do nội chiến đang diễn ra tại 2 nơi này.

Damascus đứng ở cuối bảng các thành phố đáng sống nhất khi chỉ đạt 30,2 điểm, đứng vị trí thứ 140, còn Tripoli đứng trên 1 bậc với số điểm 35,9.

Top 10 thành phố không đáng sống nhất 2016. Nguồn EIU
Top 10 thành phố không đáng sống nhất 2016. Nguồn EIU

EIU cho biết mức độ đáng sống đã giảm tại 29 trong số 140 thành phố được khảo sát trong 12 tháng qua, chủ yếu do lo ngại về chủ nghĩa khủng bố.

Các thành phố của Việt Nam không được đề cập đến trong báo cáo sơ bộ này. Trong xếp hạng của năm 2015, Hà Nội xếp thứ 118 và Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ 122.

Hạo Nhân/Daikynguyen

TIẾNG SÚNG YÊN BÁI CÓ RÚNG ĐỘNG BA ĐÌNH?

FB Nguyễn Anh Tuấn

Người dân xuống đường ở Ordu trong lần đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/7/2016

Người dân xuống đường ở Ordu trong lần đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/7/2016

Chuyện quan chức xử lý mâu thuẫn bằng súng ống thực ra có đáng ngạc nhiên lắm không khi mà việc quản lý vũ khí quân dụng ở Việt Nam khá lỏng lẻo? Nhiều giới khác đã từng xử nhau theo cách này thì đến lúc nào đó quan chức cũng sẽ sử dụng thôi, chẳng lạ.

Vậy nên vụ nổ súng ở Yên Bái có thể hơi bất thường song không đến nỗi quá đặc biệt và sẽ là suy diễn quá xa nếu đưa ra những thuyết âm mưu như thanh trừng nội bộ, xung đột phe phái…mà không có bất kì căn cứ nào. Sự kiện này cũng quá cá biệt để đại diện cho bất kỳ xu hướng chính trị nào.

Tuy nhiên, hiện tượng xảy ra sau đó – sự hân hoan, vui mừng và phần nào đó là hỉ hả của đông đảo người dân trước cái chết của ba quan chức – mới là điều thực đáng quan tâm.

Bởi nó là một thông điệp.

Địa chỉ gửi thì không thể rõ hơn, chính là các quan chức cấp cao.

Những phát súng ở Yên Bái như nhắc một sự thật mà đôi khi người ta quên khuấy đi:

Quan chức cấp cao tưởng rằng đứng trên triệu người với quyền lực vô song hoá ra cũng là người thường, không chịu nổi một viên đạn. Trong khi đó, sự an toàn của họ dựa trên bộ máy vũ trang – thứ mà trong lịch sử nhân loại luôn dao động theo lòng dân.

Những diễn biến của dư luận xã hội sau vụ Yên Bái, trớ trêu, lại đưa đến một ngụ ý cực kỳ nguy hiểm:

Dân chúng hoá ra không quá phẫn nộ nếu có ai đó bắn chết một quan chức cấp cao. Thế nếu đó là một lực lượng vũ trang phản loạn bắn bỏ hàng loạt quan chức cấp cao thì liệu dân chúng có phẫn nộ không?

Hoặc cho phép tôi thẳng thắn hơn:

Nếu có một nhóm quân nhân đảo chính định xử toàn bộ quan chức chóp bu như Thổ Nhĩ Kỳ thì dân chúng có đổ xuống đường biểu tình, và có ai nằm xuống lấy thân mình cản bước xe tăng như ở đường phố Ankara để bảo vệ chính quyền dân sự không?

Có vẻ là không.

Vì sao vậy? Đơn giản thôi, chả ai chuốc lấy nguy hiểm để bảo vệ những thứ không phải của mình.

Dân sẽ không bảo vệ chính quyền nếu họ thấy chính quyền đó không phải của họ. Nghĩa là, không phải là một chính quyền dân chủ.

Và trong nghĩa này, sẽ không quá phóng đại nếu nói rằng tiếng súng Yên Bái qua hàn thử biểu dư luận trên mạng xã hội đã làm rúng động toàn bộ Ba Đình.

Thế quan chức cấp cao nên làm gì để an tâm?

Cũng không khó, lo rủi ro thì phải mua bảo hiểm. Bản chất của bảo hiểm là mất cái gì đó để nhận lại sự an tâm, không thể chả mất gì mà lại đòi được an toàn. Đã đến lúc giới chóp bu chính trị thôi khăng khăng muốn ĐƯỢC TẤT CẢ vì coi chừng, có thể kết quả sẽ là MẤT TẤT CẢ. Lựa chọn sáng suốt hơn là mất một phần để được an toàn những phần còn lại.

Một lộ trình dân chủ hoá sẽ đóng vai trò như một bản hợp đồng bảo hiểm trong đó những người nắm quyền chấp nhận trả lại cho dân những quyền chính trị căn bản để dân chúng tham gia sâu hơn vào việc quản trị quốc gia – cách duy nhất để người dân thấy chính quyền phần nào đó là của mình, và sẵn sàng xả thân bảo vệ nó khi cần.

Thái độ đó lan rộng trong xã hội là sẽ là lời nhắc nhở nghiêm khắc, phòng ngừa mọi ý định chiếm đoạt quyền lực quốc gia bằng đảo chính của bất kỳ nhóm quân nhân phiêu lưu nào.

Nghĩ ngợi về vụ đồng chí giết nhau ở Yên Bái

Nguyễn Thông

– Vụ nổ súng ở Yên Bái 3 khiến cán bộ chết sẽ còn rất nhiều điều để nói để viết. Tôi cạn nghĩ dân chúng nếu bàn thì nên có cả ý (trí) lẫn tình (tâm). Thôi thì người chết rồi, dù có là cán bộ đi chăng nữa, đừng sẵn ghét cán bộ mà nói nhời nặng nhẹ, cho hồn người chết đi được dễ dàng, trong cái tháng đặc âm khí này.

Nhưng ở góc độ khác, với người sống, tôi thấy các vị cấp cao xử lý vụ việc (gọi là xử lý khủng hoảng) lần này có nhiều tiến bộ: nhanh, khá kịp thời, cởi mở. Tuy nhiên, ban đầu có điều không hay, cần lên án. Báo Pháp luật VN (phapluatplus) đã nhanh nhất có thông tin, chỉ sau hai mươi phút xảy ra vụ việc, rất đáng nể. Ngay sau đó, có lệnh cấm thông tin, bắt báo Pháp luật phải rút xuống, theo cái thói xử lý cấm đoán xưa nay.

Bài báo đã bị rút, gây nhiều tò mò, hoang mang. Hơn một tiếng đồng hồ sau, các báo mới được lần lượt đăng tin. Để truy ra kẻ nào ban cái lệnh cấm đoán đó không khó. Cần xử lý cho nghiêm, không thể để dạng như vậy chui vào bộ máy lãnh đạo, quản lý nhà nước để làm bậy, dù viện bất cứ lý do gì.

– Cái lý không phải của người Mèo. Bà Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trong cuộc họp báo vừa xảy ra (chiều 18.8) đã nhầm lẫn nghiêm trọng. Không những bà cố tình né tránh nguyên nhân “tổ chức cán bộ” (mà chính ông trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng bị bắn chết đã chứng minh điều ấy), bà còn nói “Điều quan trọng nhất lúc này, đó là ổn định tư tưởng của đông đảo bà con các dân tộc Yên Bái; nhanh chóng sớm ổn định tư tưởng để người dân tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị của địa phương”.

Đối tượng cần ổn định nhất là nội bộ đảng của bà, là đội ngũ cán bộ, chứ không phải dân. Dân chúng không hoang mang bởi xưa nay họ chấp nhận ông bà nào cai trị thì cũng vậy. Ngoài ra, tưởng bà nói mau chóng để làm gì, hóa ra để dân “tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị” thì quả thật tôi chịu thua cái lý của bà, không lúc nào tha cho dân lấy một phút.

Tôi mà là ông Huynh, ông Thưởng, chắc tôi phải nát óc khi có không ít người dân vốn hiền lành chất phác lại tỏ ra dửng dưng (tôi chỉ nói ở mức độ “hiền” nhất) trước cái chết của cán bộ to trong bộ máy cai trị của các ông. Họ còn hát “tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” như dự báo một điều gì ghê gớm lắm, đã gần lắm.

Thế thì, hãy chú ý đến cán bộ, chứ không phải đến dân, các ông ạ. Ăn ở ra sao, mà lòng dân như vậy.

– Nói mãi cũng chả hết, chắc phải có một bài cho đầu đuôi. Nhưng rõ ràng chuyện đồng chí Đỗ Cường Minh – Chi cục trưởng Kiểm lâm bắn chết đồng chí Phạm Duy Cường – Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Ngô Ngọc Tuấn – Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái đã nói lên rằng khi cái ung nhọt tình đồng chí bị vỡ thì nó kinh khủng hơn rất nhiều so với những mụn nhọt của dân (kiểu đánh chết kẻ trộm chó chẳng hạn). Ngày xưa những vụ tàn hại nhau ở cấp cao thế (không phải là ít) có thể giấu được, chứ bây giờ nó văng tóe loe, ai cũng thấy là rất kinh khủng, ngoài sức tưởng tượng. Chả biết bác Cả có cám cảnh than thở trước sự thực này, mấy bữa nay chẳng thấy nói gì.

– Còn khá nhiều tỉnh chuẩn bị họp HĐND, phen này thì cứ phải kiểm tra cho kỹ, cái ngoáy tai cũng không cho đem vào. Tỉnh nào mà chả chứa đầy xung đột âm ỉ, cứ ép nhau cho lắm thì tức nước vỡ bờ, rồi lại tinh dững Chí Phèo, Binh Chức, Năm Thọ, Bá Kiến chọi nhau.

Làm cán bộ thời này quả là một nghề nguy hiểm, nhất là cán bộ đảng, chết như chơi.