Y Phụng khoe nhan sắc tuổi U40

Mỹ nhân ảnh lịch một thời chọn phong cách kín đáo với áo dài gấm họa tiết và vấn khăn sắc màu.

Y Phụng từng được xem là “Biểu tượng gợi cảm” màn ảnh Việt thập niên 90. Dù vậy, chị luôn yêu thích tà áo dài kín đáo.

Tà áo dài gấm có họa tiết ao làng – hình ảnh quen thuộc của làng quê miền Bắc.

Người đẹp 37 tuổi trang điểm mắt tông vàng đồng, kết hợp son đỏ hồng.

Chị chọn khăn lươn (rí) quấn tóc ăn ý với họa tiết trên áo, kết hợp phụ kiện là chiếc quạt nan.

Y Phụng hiện độc thân. Chị đã ly hôn chồng sau bảy năm chung sống tại Mỹ.

Nhiếp ảnh Tiên Nguyễn, stylist Tân Đà Lạt, trang điểm Phúc Nghĩa, tóc Võ Cường – Bằng Nguyễn, trang phục Thủy Nguyễn.

Tâm Giao /VNExpress

Cuộc sống sinh viên trong ký túc xá ổ chuột ở Nga

Sinh viên sống chung với rệp và gián bên dưới trần nhà bị mưa dột là hình ảnh được ghi lại tại nhiều ký túc xá đại học ở Moscow.

Trong khi ký túc xá ở Mỹ có mức chi phí lên tới 14.000 đôla/năm, ký túc xá ở Nga lại khác hoàn toàn. Phóng viên kiêm nhiếp ảnh gia Pascal Dumont đã ghi lại hình ảnh từ nhiều trường đại học cho tờ The Moscow Times. Obshaga (từ dùng để chỉ ký túc xá ở Nga) không phải là lựa chọn tối ưu, nhưng nhiều sinh viên không còn cách nào khác.

Kudakwashe Ndlovu, sinh viên 25 tuổi theo học Đại học Công nghệ Hóa học Lomonosov Moscow, ở chung với một sinh viên Nga. Ndlovu vào trường theo diện được học bổng và chỉ phải trả 10 đôla/tháng cho căn phòng này. “Giá rẻ, tất nhiên rồi” – anh nói với Dumont. Tuy nhiên, Ndlovu lo lắng những giọt nước rò rỉ từ trần nhà có thể gây chập điện bất cứ lúc nào.

Christopher Onoja (trên) và Issac Ismaila (dưới) đều là sinh viên người Nigeria đến Nga nhờ giành được học bổng. “Thành thật mà nói, tôi không thích bất kỳ điều gì ở đây, các phòng đầy rệp và gián. Chúng tôi đã cố gắng cải thiện bằng bóng đèn và giấy dán tường, tuy nhiên lúc mới đến thì tất cả là một mớ hỗn độn”, Onoja nói.

Theo Dinara Vafina, sinh viên âm nhạc 26 tuổi tại Đại học Sư phạm quốc gia Moscow, cô không có vấn đề gì với bạn cùng phòng nhưng sau này muốn có không gian riêng. Một phòng 3-4 người ở có mức giá khoảng 50 đôla/tháng/người, nếu không phải là sinh viên thuộc diện học bổng.

Yang Zhao, sinh viên 25 tuổi đến từ Bắc Kinh, đã cố gắng tìm một căn hộ để ở khi đến Nga du học. “Tôi đã gọi điện hỏi thuê nhà trong suốt hai tháng, và ngay khi ai đó nhận ra tôi là người Trung Quốc, họ sẽ nói không”.

Tại ký túc xá Đại học Kinh tế, thứ bảy và chủ nhật là ngày dọn dẹp theo quy định. Công việc thường bao gồm lau cửa sổ, sàn nhà, tường, bếp và phòng tắm.

Không phải ký túc xá nào cũng được được trang bị máy giặt. Hầu hết sinh viên giặt quần áo bằng tay.

An ninh ở các ký túc xá rất chặt chẽ. Bảo vệ thường khóa cửa vào 23h đêm và mở cửa vào 5h sáng. Mặc dù có thể vào khi đã quá giờ giới nghiêm, sinh viên thường không hứng thú với điều này.

Quy trình khá phức tạp. Để vào một ký túc xá ở Nga, bạn cần phải đi kèm với một người ở trong ký túc xá, cung cấp hộ chiếu và đăng ký ra vào. Elena Gasyukova, sinh viên 24 tuổi của Đại học Kinh tế cho biết thêm, bảo vệ sẽ đi kiểm tra vào 21h tối hàng ngày. “Họ sẽ hỏi thăm bạn, cho bạn biết cần làm sạch sàn nhà nếu nó bẩn. Nếu họ không thấy bạn trong một thời gian, họ sẽ lưu ý và báo với phụ huynh”.

Zalkar Toktogulov đến từ Kyrgyzstan, 24 tuổi, học về hội họa, đang luyện tập trong phòng thể thao thuộc ký túc xá Học viện Nghệ thuật quốc gia Moscow. “Cuộc sống ở đây rất tốt. Tôi đến phòng tập mỗi ngày dù không phải là võ sĩ chuyên nghiệp”, anh nói với Dumont.

“Cấm hút thuốc” là biển cấm vô nghĩa trong các ký túc xá ở Nga. Sinh viên luôn tìm được chỗ để hút thuốc mà không bị phát hiện. “Tầng 12 là nơi tốt nhất để hút thuốc”, Manguse đến từ Latvia cho biết.

Nhiếp ảnh gia Dumont phản ánh về cuộc sống ký túc xá của sinh viên Nga: “Mỗi obshaga có một văn hóa độc đáo và các quy tắc riêng, tuy nhiên sinh viên đều phải đối mặt với thử thách biến một nơi chật hẹp, thiếu thốn trở thành ngôi nhà gắn bó trong nhiều năm”.

  Phiêu Linh/VNExpress

Về câu chuyện tình của con gái Tổng Bí thư Lê Duẩn với viện sĩ khoa học Nga

Thảo Nguyên/CAND

Bà Bẩy Vân, phu nhân Tổng bí thư Lê Duẩn và hai cháu ngoại. Ảnh: CAND/ Lê Kiên Thành

Bà Bẩy Vân, phu nhân Tổng bí thư Lê Duẩn và hai cháu ngoại.

Ảnh: báo CAND/ Lê Kiên Thành

Từ lâu, tôi đã hiểu rằng, một gia đình như gia đình tôi, thì hầu như sẽ chẳng có gì là của riêng; mọi niềm vui và nỗi buồn đều bị người ngoài nhìn theo cách của họ, hiểu theo cách của họ… Nhưng việc ai đó nghĩ rằng, cha tôi – vì lợi ích chính trị của mình, có thể hi sinh tính mạng của người con gái mà ông hằng yêu quý, thực sự khiến tôi đau đớn đến tận cùng…

LTS: Dù quen biết với Tiến sĩ Lê Kiên Thành đã lâu và từng có nhiều cuộc trò chuyện thẳng thắn về Tổng Bí thư (TBT) Lê Duẩn, nhưng tôi chưa một lần hỏi về câu chuyện tình của con gái TBT Lê Duẩn là Lê Vũ Anh và người chồng Nga, bởi tôi tôn trọng sự riêng tư; mà bất cứ gia đình nào cũng có quyền giữ cho mình sự riêng tư đó.

Nhưng những ngày này, khi mà dư luận xôn xao về đoạn hồi ký của Viktor Maslov (người con rể Nga của TBT Lê Duẩn) được lưu truyền trên mạng, trong một buổi làm việc, Tiến sĩ Lê Kiên Thành đã lần đầu tiên chia sẻ với tôi về câu chuyện đó. Và tôi đã xin phép được viết lại những gì ông kể, với tinh thần tôn trọng và trung thành với sự thật mà tôi được nghe!

1. Khi còn bé, tôi và em trai không bao giờ thực sự hiểu được lý do vì sao mình phải xa mẹ. Trong trí óc non nớt của mình, chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng chúng tôi phải sống với ba vì mẹ đi công tác xa. 

Nhưng chị tôi – Lê Vũ Anh – thì sớm hiểu hết tất cả những điều đó. Vì nhạy cảm, chị cũng rất dễ tổn thương nếu có ai đó nhắc đến nỗi đau riêng của mình. Ba tôi yêu chị Vũ Anh bằng một tình yêu rất đặc biệt. Ông yêu đứa con gái đã sớm cảm nhận được nỗi đau gia đình; và vì ông luôn nhìn thấy bóng dáng của mẹ tôi qua chị.

Trong khi tôi thường bị mắng và bị đòn roi mỗi khi mắc lỗi, thì ba tôi luôn cư xử với chị Vũ Anh rất đỗi dịu dàng. Khác với tôi, luôn cảm thấy không biết phải nói gì với ba mỗi khi ngồi cùng nhau, chị Vũ Anh có thể ngồi trò chuyện với ba nhiều tiếng đồng hồ không chán. Và ba tôi cũng luôn lắng nghe chị một cách kiên nhẫn và say sưa.

Ba tôi dành rất nhiều kỳ vọng cho chị Vũ Anh. Ông luôn tin chị tôi có thể làm được nhiều điều lớn lao sau này. Chị tôi là học sinh giỏi văn miền Bắc và được kết nạp Đảng từ năm lớp 10. Tôi nhớ mãi một lần, khi đón chị em tôi trở về từ nơi sơ tán, phút đầu gặp gỡ ba đã ôm chầm lấy chị Vũ Anh đầy trìu mến và thốt lên: “Chào người đồng chí của tôi!”.

Nhưng sau khi học xong, chị Vũ Anh lại xin phép ba tôi vào miền Nam chiến đấu. Điều đó khiến ông giận dữ vô cùng. Ông nói: “Chiến trường gian khổ thế nào con biết không? Đường vào chiến trường vất vả thế nào con biết không? Ba chỉ sợ con sẽ làm vướng chân người khác ngay khi bắt đầu hành quân. Con hãy đi học và đem những kiến thức con học được về đây cống hiến cho đất nước này”.

Chị tôi chỉ nặng hơn 30kg khi đó. Và lần đầu tiên trong đời ba tôi từ chối chị Vũ Anh một điều gì đó. Chiều hôm đó, tôi thấy chị Vũ  Anh chạy khỏi phòng làm việc của ba trong nước mắt. Đó là lần duy nhất trong đời tôi chứng kiến chị bị ba mắng. Và rồi chị tôi sang Liên Xô học, nơi chị gặp, yêu và kết hôn với Viktor Maslov, trong câu chuyện đầy bi kịch sau này…

2. Viktor Maslov hơn chị tôi 20 tuổi, là một nhà khoa học thiên tài với trí tuệ siêu việt nhưng cũng hết sức lập dị. Từ rất nhiều năm trước, khi Liên Xô còn là một cường quốc khiến nhiều quốc gia phương Tây nể sợ, Maslov đã dùng những thuật toán về bất cân bằng để chứng minh với tôi, rồi xã hội này sẽ khủng hoảng và sụp đổ trong nay mai.

Phải đến tận sau này, khi chứng kiến dòng chảy lịch sử xảy ra đúng như thế, tôi mới hiểu Maslov là một thiên tài. Còn khi đó, tôi chỉ nghĩ ông ta là một kẻ phản động.

Maslov cũng là một trong những nhà khoa học hiếm hoi ở Nga được phong thẳng từ Tiến sĩ lên Viện sĩ (bỏ qua chức danh Viện sĩ thông tấn) – một chức danh khẳng định uy tín lớn lao của ông trong giới khoa học ở Nga. Nhưng Maslov cũng rất “điên”. Maslov có những cách nghĩ và hành vi rất khác với người bình thường.

Thay vì cho con cái của mình đến trường để chúng dễ thích nghi với xã hội và có điều kiện giao tiếp, ông ta chỉ để con cái quanh quẩn ở khu nhà ngoại ô và mời các giảng viên về dạy học cho con mình.

Maslov cũng luôn bị ám ảnh một điều: luôn có âm mưu nào đó từ Việt Nam đe doạ sự an nguy của ông ta và các con. Nên có lần, khi chúng tôi đến thăm các cháu, Maslov đã dùng máy đo phóng xạ để kiểm tra người chúng tôi, phòng trừ hiểm hoạ!

Nhưng có lẽ, chính cái vẻ vừa thiên tài, vừa lập dị đó của Maslov đã lôi cuốn chị Vũ Anh và khiến chị mê đắm. Vì chị Vũ Anh cũng là người mà trong sâu thẳm, luôn cất giấu sự nổi loạn ngấm ngầm. Chị tôi hiểu hoàn cảnh của mình, hiểu xuất thân của mình, nên đã tìm mọi cách để cưỡng lại tình yêu đó, thậm chí là cả việc kết hôn với một người bạn học mà chị không yêu.

Nhưng cuối cùng, chị tôi vẫn đi theo tiếng gọi của trái tim. Chị ly dị một cách bí mật với người chồng đầu tiên, bí mật có con, bí mật đăng ký kết hôn với Maslov rồi mới báo tin cho ba tôi biết. Dĩ nhiên là ba tôi giận dữ. Dĩ nhiên là ba tôi phản đối cuộc hôn nhân đó.

Thực ra, khác với nhiều gia đình lãnh đạo khác ở Hà Nội, ba tôi chưa bao giờ yêu cầu hay chỉ định con cái mình phải kết hôn với người này, người kia. Ông cũng không bao giờ đặt nặng chuyện môn đăng hộ đối. Bố vợ tôi làm cán bộ ở thư viện quốc gia, mẹ vợ tôi làm việc ở Bộ Lao động  – Thương binh và Xã hội, gia đình còn có người di cư vào Nam. Nhưng chúng tôi vẫn được ba cho phép kết hôn với nhau.

Khi chị Muội (con gái của TBT Lê Duẩn và bà Lê Thị Sương – PV) yêu và muốn kết hôn với một người mà gia đình có xuất thân là quan lại triều Nguyễn, cơ quan nơi chị công tác đã đề xuất phản đối cuộc hôn nhân đó,  lại là ba tôi đã phải gặp rất nhiều người để xin cho chị Muội được phép kết hôn với người mình yêu.

Nhưng cuộc hôn nhân của chị Vũ Anh là một chuyện hoàn toàn khác. Ba tôi chưa từng hình dung ông sẽ có một người con rể nước ngoài, và sẽ có những đứa cháu có dòng máu chỉ có một nửa Việt Nam. Tôi nhớ có lần, nhìn con tôi và con chị Vũ Anh chơi đùa với nhau, tôi chợt nghe ông nói một mình: “Người Việt Nam đẹp thật”.

Tôi hiểu ông, và thấy nhói đau một tình yêu với ông và cả với chị mình. Nhưng ông cũng không vì thế mà dùng quyền lực của mình để ngáng trở hạnh phúc của chị tôi. Điều duy nhất ông làm là chấp nhận sự lựa chọn của con gái mình. Và sau này, mỗi khi sang Moscow, ông vẫn rất vui vẻ và hạnh phúc mỗi lần được gặp chị tôi và các cháu.

Tôi vẫn nhớ năm 1977, tôi gặp ba khi ông từ Moscow về Hà Nội sau khi chị Vũ Anh thông báo kết hôn, ông chỉ nói: “Có lẽ phải chờ 5 – 10 năm nữa, “người ta” mới chấp nhận cuộc hôn nhân của chị con”. Đó cũng là năm mà mối quan hệ của Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu trở nên vô cùng căng thẳng. Mỗi khi gặp ba, tôi luôn cảm nhận được những gánh nặng khủng khiếp đang đè nặng lên vai ông.

Và cuộc hôn nhân của chị Vũ Anh với Maslov, vào đúng thời điểm đó, cũng gây cho ba tôi nhiều khó khăn và áp lực. Một số người có suy nghĩ không tốt đã nói rằng: Ông Lê Duẩn vì muốn kết thân với Liên Xô mà đã bán con gái mình, để con gái mình kết hôn với người nước ngoài.

Thú thật là tôi đã từng rất giận chị Vũ Anh mỗi khi nhìn ba. Tôi luôn tự hỏi: Tại sao chị tôi làm thế, tại sao không phải là lúc khác mà lại là lúc này, vào thời điểm này, khi ba tôi đang phải đối diện với ngần đó những khó khăn? Nhưng ba tôi quá mạnh mẽ và vững vàng để ai đó có thể gây áp lực hay khiến ông suy sụp chỉ vì cuộc hôn nhân của chị tôi.

Cho nên, sẽ thật phi lý nếu ai đó nghĩ rằng chị tôi đã chết vì một âm mưu chính trị nào đó. Sẽ thật nực cười và ngu ngốc khi có ai đó nghĩ rằng, ba tôi đã hy sinh tính mạng của con gái mình vì lợi ích chung của dân tộc, hay vì lợi ích chính trị của ông.

Sẽ thật bất công nếu ai đó nghĩ rằng một người cha có thể làm điều gì ảnh hưởng đến sự an nguy của con mình, dù là vì lý do gì đi chăng nữa. Sự thật rất đỗi đơn giản: Chị tôi đã qua đời vì băng huyết, ngay sau khi sinh hạ người con thứ ba Anton. Chị tôi qua đời, vì không một bác sĩ nào ở bệnh viện khi đó dám mạo hiểm quyết định việc phẫu thuật cho chị, bởi họ đều biết chị tôi là con gái của Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam.

Lúc chị tôi rơi vào tình trạng hiểm nghèo, người ta đã gọi các bác sĩ đầu ngành đến bệnh viện nơi chị tôi đang nằm cấp cứu sau sinh để hội chẩn. Nhưng chị Vũ Anh đã qua đời trước khi họ kịp đến. Chị tôi qua đời, vì sự cẩn trọng thái quá của những người biết chị tôi là ai, chứ không phải vì bất cứ âm mưu chính trị nào đằng sau đó.

3. Sau khi chị Vũ Anh mất, Viktor Maslov một mình nuôi ba đứa con nhỏ. Anton – đứa con út của chị, chỉ vừa mới lọt lòng mẹ đã mồ côi. Mẹ tôi sang Moscow đưa bình tro của chị Vũ Anh về Việt Nam.

Bà đến thăm Maslov cùng các cháu ngoại và gần như khóc nghẹn khi chứng kiến Maslov nuôi ba đứa cháu ngoại của bà. Mẹ tôi – một người đàn bà cẩn thận đến kỹ càng, không thể có niềm tin vào việc một người đàn ông làm khoa học, sống cẩu thả và có phần “điên rô”ì có thể nuôi được ba đứa trẻ mà đứa lớn nhất chưa đầy 4 tuổi.

Và bà đã tha thiết được nuôi đứa cháu nhỏ nhất cho đến khi nó cứng cáp. Đó là lý do Anton được mẹ tôi đưa về Việt Nam nuôi. Tôi không biết vì sao Maslov viết trong hồi ký rằng ông đã bị cướp mất đứa con của mình và đã phải tính đến chuyện tạo ra cả scandal chính trị để giành lại Anton.

Nhưng sự thật là mối quan hệ của chúng tôi vẫn bình thường và tốt đẹp hơn nhiều so với những gì mà nhiều người đã đọc được. Sau khi Anton về sống với chúng tôi ở Việt Nam, có lần khi tôi quay lại Moscow và đến thăm Maslov, ông ta đã nói với tôi rằng: “Thành, có lẽ cũng là may mắn khi mẹ giúp tôi nuôi Anton. Vì tôi quả thật không biết xoay sở thế nào với 3 đứa trẻ”.

H1Lê Vũ Anh và hai con chụp cùng cô Tú Khanh, vợ Tiến sĩ Lê Kiên Thành, khi đến thăm ông Lê Duẩn tại Moscow năm 1980.

Nhưng như bao người cha khác luôn thương nhớ con mình, Maslov cũng thường hỏi tôi: “Thành, bao giờ thì mẹ sẽ đưa Anton quay lại với tôi?”. Và khi tôi về Việt Nam, tôi đã nói với mẹ rằng: “Mẹ sẽ già đi. Và mẹ không thể giữ thằng bé mãi bên mình. Nó phải sống bên cạnh cha nó và các chị nó, những người ruột thịt nhất của nó”.

Mẹ tôi yêu Anton vô cùng và không rời cháu ngoại của mình nửa bước từ khi bà đón thằng bé về Việt Nam. Nhưng mẹ tôi luôn hiểu đó là lẽ đương nhiên: một đứa trẻ sẽ được nuôi dạy tốt nhất bởi ba mẹ chúng.

Và vào năm Anton lên 4 tuổi, bà đồng ý đưa Anton quay lại Liên Xô với Maslov, chỉ với một điều kiện mà bà bắt Maslov phải tuân thủ: Anton nhất định phải được đi nhà trẻ, chứ không sống cô lập trong ngôi nhà ngoại ô. Mẹ tôi, Maslov và Anton đã cùng chụp với nhau một bức ảnh vào ngày bà trả lại thằng bé cho bố nó mà đến giờ bà vẫn giữ. Họ thực sự không hề ghét bỏ nhau…

Dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, thì số phận đã sắp đặt chúng tôi là một gia đình, và người gắn kết không ai khác chính là chị tôi – Lê Vũ Anh. Vì tình yêu với chị Vũ Anh – chúng tôi vẫn phải yêu thương nhau và cùng nhau dành những gì tốt đẹp nhất cho những đứa trẻ. Tháng 11 năm nay, Anton sẽ cùng bạn gái sang Việt Nam thăm bà ngoại.

Nhưng ngay từ lúc này, cả gia đình tôi đã mong chờ ngày được đón thằng bé trở về. Đoạn hồi ký lưu truyền trên mạng những ngày qua đã chạm vào nỗi buồn sâu thẳm của gia đình tôi nhiều năm qua. Nhưng tôi coi đây cũng là dịp để một lần duy nhất, chúng tôi nói về những điều riêng tư mà chúng tôi chưa từng nói. Chuyện tình của chị tôi là một câu chuyện tình đẹp đẽ và cảm động. Nhưng nó sẽ đẹp hơn rất nhiều nếu người ta biết về nó với tất cả sự thật mà nó vốn có!

(Ghi theo lời kể của Tiến sĩ Lê Kiên Thành)

______

Mời xem lại: Bản dịch hoàn chỉnh, bài “Lê Vũ Anh, con gái ông Lê Duẩn, bị đầu độc?” (ĐTGL/ BS). – Hậu duệ nhà Lê Duẩn hay “Mối tình ngang trái Việt-Nga” (Phương Đoàn/ BS). – Rà soát lại bản dịch “Maslov – Giành lại các con” của Cao Kim Ánh (BS).

Sống khổ như thời bao cấp trong khu biệt thự giữa lòng thủ đô

Bỏ ra vài tỷ đồng mua nhà liền kề ở khu đô thị Ao Sào – Lexington Etaste, dự án nổi đình đám vài năm trước, nhưng người mua nhà đang khóc dở mếu dở khi phải sống cảnh không nước sạch, không đường…

Còn nhớ năm 2014, Dự án đất nền diện tích nhỏ Ao Sào tại Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội do Công ty cổ phần Lũng Lô 5 làm chủ đầu tư là hiện tượng sốt hiếm có trên thị trường. Thời điểm đấy, đất nền dự án được quảng bá là rẻ hơn chung cư với giá chỉ trên 20 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, cùng với mức giá công bố rẻ nhất Hà Nội lúc bấy giờ cũng là giá chênh cao chót vót, có những nền giá chênh tới cả tỷ đồng.

Hơn 1,5 năm sau, khi những căn biệt thự đầu tiên được bàn giao cũng là lúc dự án này lại tiếng tục nổi danh trên thị trường với hàng loạt tiếng xấu. “Khu biệt thự 3 không”, “Sống khổ như thời bao cấp”, “Bỏ tiền tỷ mua nhà hoang”….là những cụm từ luôn xuất hiện cùng tên tuổi khu biệt thự Ao Sào.

Cuối tháng 8, chúng tôi có mặt tại dự án mới thấy hết được cảnh sống khổ của những cư dân đã bỏ tiền tỷ mua nhà tại đây. Bà Hương, một cư dân mua căn biệt thự gần 100m2 tại đây cho biết: “Cư dân ở đây khổ hết đường, đến nước sạch cũng không có mà dùng, đường cũng không có mà đi…chứ chưa nói gì đến sổ đỏ”.

Theo quan sát của chúng tôi, hiện tại cả chục hộ dân tại đây đang phải dùng nước giếng khoan do gia đình Anh Lê Trung Hiếu ở nhà 12BTT1 tự bỏ ra số tiền gần 70 triệu đồng để lắp. Một số hộ khác thì nối ống mua nước sinh hoạt từ các nhà dân xung quanh với giá đắt đỏ 30.000- 50.000 đồng/m3 để có thể duy trì cuộc sống tại khu đô thị.

qw1

Hệ thống nước giếng khoan do người dân tự xây lắp để duy trì cuộc sống suốt hơn 1 năm qua.

“Mặc dù biết nước ngầm khu vực này rất bẩn nhưng chúng tôi chẳng còn sự lựa chọn nào khác và vẫn phải dùng. May còn có nước nhà anh Hiếu chứ không chúng tôi không biết sống qua ngày thế nào”, bà Hương cho biết.

qw2

Nước giếng khoan được bơm lên vàng khè khi chưa qua máy lọc.

Không chỉ vấn đề nước, cư dân khu đô thị Ao Sào còn cho biết ngay cả một con đường tử tế dẫn vào khu đô thị cũng chưa có. Muốn ra ngoài chỉ có con đường cấp phối hoang vu, lầy lội và bẩn thỉu dài hơn 1km qua dự án của Công ty Licogi ra đường Tân Mai, hoặc đi qua con đường nhỏ ven bờ mương qua làng Giáp Tứ.

“Đường đi nhờ qua khu đất của Công ty Licogi cứ trời mưa thì lầy lội, đi lại rất nguy hiểm, còn trời nắng thì bụi mù mịt, đêm hôm không điện đóm tối om, không ai dám đi lại”, chị Thủy, người dân sống tại khu đô thị Ao Sào cho biết.

qw3

Đường vào khu đô thị Ao Sào đang phải đi tạm qua khu đất

của Tổng Công ty Licogi, rất lầy lội, bẩn thỉu.

Liên quan đến vấn đề trên, chiều ngày 25/8, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Xuân Nghiên, Phó giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Lũng Lô 5, chủ đầu tư dự án cho biết: “Khu đô thị Ao Sào nằm trong tuyến thoát nước cuối cùng của TP Hà Nội, là vùng vốn sình lầy, hoang hóa trước đây. Đây có thể nói là vị trí xấu nhất Hà Nội, tuy nhiên để xây dựng dự án chủ đầu tư đã rất cố gắng”.

Về vấn đề nước sạch, ông Nghiên lý giải, trước khi bàn giao nhà cho các hộ dân (tháng 11/2014), đơn vị đã ký hợp đồng với Công ty nước sạch Hà Nội. Tuy nhiên qua nhiều lần nhân viên nước sạch xuống đấu nối họng nước ở khu dân cư Giáp Tứ (Thịnh Liệt) thì bị một số người cản trở vì cho rằng nếu họng nước này cung cấp cho khu biệt thự liền kề, nguy cơ họ không có nước sạch sẽ rất cao.

Theo ông Nghiên, bản thân nhà đầu tư không mong muốn chuyện không có nước sạch xảy ra. Tuy nhiên, vấn đề này lại liên quan đến người dân xung quanh nên chúng tôi vẫn đang chờ biện pháp xử lý từ chính quyền.

Còn về vấn đề dự án không có đường vào, ông Nghiên khẳng định: “Chúng tôi chỉ có thể chịu trách nhiệm về phía bên trong dự án, còn đường phía bên ngoài dự án thì nằm ngoài trách nhiệm của chúng tôi. Đường quy hoạch thì đã có, tuy nhiên con đường này phụ thuộc vào sự đầu tư của nhà nước”.

Cũng theo ông Chiến: “Cư dân phải biết chia sẻ với chủ đầu tư, bởi khi họ xác định mua nhà họ đã nhìn thấy hạ tầng dự án rồi. Họ đã thấy đường vào dự án như thế nào trước khi mua rồi rồi. Con đường hiện nay cư dân đang đi qua khu đất của Tổng Công ty Licogi cũng chỉ là đất mượn, nếu sau này Licogi triển khai dự án thì sẽ không còn con đường này nữa”.

Trả lời câu hỏi nếu Licogi không cho mượn đất thì cư dân sẽ vào nhà bằng cách nào, ông chiến giải thích: “Có con đường quy hoạch gần 30m2 rất to của nhà nước. Trong tương lai, đây sẽ là đường chính để vào khu biệt thự Ao Sào”.

Trong khi phải chờ biện phát xử lý nước từ chính quyền, chờ đường quy hoạch của thành phố….thì người dân biệt thự tiền tỷ Ao Sào vẫn hàng ngày phải sống lay lắt không nước sạch, đi đường đất…. khổ không khác gì thời bao cấp.

Theo Trí thức trẻ

Nợ công Việt Nam tăng chóng mặt lên đến 2,3 triệu tỷ đồng, do đâu?

Vốn giao chưa đảm bảo tiến độ nhiều dự án, dẫn đến giải ngân ngoài dự toán lớn là nguyên nhân chính làm tăng bội chi ngân sách. Đây là một trong số những nguyên nhân khiến nợ công Việt Nam tăng “không ngừng nghỉ” được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra.

nợ công đến 31/12/2014 là 2,3 triệu tỷ đồng . Trong đó, nợ Chính phủ là 1,8 triệu tỷ đồng, bằng 46,4% GDP, chiếm 79,95% nợ công; nợ được Chính phủ bảo lãnh là 0,42 triệu tỷ đồng, chiếm 18,5% nợ công; nợ chính quyền địa phương là 0,035 triệu tỷ đồng, chiếm 1,55%. Tổng nợ ngân sách bằng 58,02% GDP, tăng thêm 17,1% so với năm 2013.


Theo Kiểm toán nhà nước , nợ công năm 2014 so với GDP vẫn nằm trong phạm vi được Quốc hội cho phép, tức là dưới 65% và nợ của Chính phủ so với GDP thấp hơn 55%.

Tuy nhiên, cũng theo Kiểm toán nhà Nước, nợ công và công tác quản lý nợ công vẫn còn nhiều hạn chế, bao gồm:

dư nợ nợ công giai đoạn 2010 – 2014 tăng bình quân 18,6% năm, đến 31/12/2015, nợ công chiếm khoảng 62,2% GDP và nợ chính phủ khoảng 50,3% GDP.

Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng công tác tổ chức quản lý nợ công phân tán, thiếu sự đối chiếu, thống nhất trước khi tổng hợp, báo cáo. Bộ Tài chính chưa cung cấp đầy đủ các bằng chứng làm cơ sở để Kiểm toán nhà nước xác nhận số dư nợ công đến 31/12/2014 tại Báo cáo về các chỉ tiêu giám sát nợ năm 2014.

việc giao kế hoạch vốn ngoài nước tại Quyết định số 2011/QĐ-BKH&ĐT ngày 31/12/2013 của bộ KH&ĐT chưa phù hợp với đăng ký nhu cầu vốn của các Bộ, các cơ quan trung ương và địa phương, chưa đảm bảo theo tiến độ của các dự án.

Cụ thể, 143 dự án theo kế hoạch kết thúc năm 2011, 2012, 2013 nhưng không giao đủ vốn từ năm trước, đến năm 2014 vẫn phải bố trí kế hoạch; 156 dự án kế hoạch phải kết thúc năm 2014 nhưng năm 2015 vẫn phải bố trí kế hoạch vốn.

Bộ Tài chính ghi thu – ghi chi vốn vay nước ngoài chưa kịp thời, đúng tiến độ. Theo đó với 30 dự án được kiểm toán nhà nước chọn mẫu thì thấy Bộ Tài chính ghi thu – chi thiếu 3.046,8 tỷ đồng, bằng 3,14% tổng số ghi thu – chi.

41/43 dự án thuộc đối tượng phải thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay được chính phủ bảo lãnh chưa thực hiện các biện pháp để giảm thiểu rủi do về tỷ giá và lãi suất. Nhiều sự án vay lại và vay được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, khó khăn trong việc trả nợ – con số tương đương được tính ra là 1.290,6 triệu USD, nhiều dự án phải dừng kinh doanh, bán, giải thể hoặc phá sản.

Một số địa phương không lập kế hoạch vay và trả nợ vay như Sóc Trăng, Bình Định, Đồng Tháp…Một số khác không bố trí đủ dự toán để trả nợ như Quảng Trị, Hoà Bình, An Giang,… 19/50 địa phương được kiểm toán có mức dư nợ tại thời điểm 31/12/2014 vượt 30% vốn đầu tư ngân sách cấp tỉnh theo quy định của luật Ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, Bộ Tài chính chưa phản ánh đầy đủ số liệu của Quỹ tích luỹ trả nợ và chưa sử dụng tiền nhàn rỗi của Quỹ để mua trái phiếu Chính phủ theo quy định tại khoản 1, Điều 7, Quyết định số 01/2013/QĐ-TTg.

Theo Trí thức trẻ