Chuyện về bộ ngực của hai người đàn bà

Vòng  một của chị hơi đuối. Từ ngày con gái, vòng một của chị đã khiêm tốn rồi. Khi chị mang thai, nó có khá hơn một tí nhưng sau khi con thôi bú thì rất tệ. Hình như chị không còn vòng ngực nữa thì phải!

Thường người ta thiếu cái gì thì thèm cái đó. Chị thiếu một bộ ngực gợi cảm, biết là thiệt thòi nhưng chị không thấy thèm một vòng một đẫy đà như anh. Trên phông máy vi tính của anh luôn là những bộ ngực bốc lửa. Chị biết thế nhưng không hề có ý định cải thiện vòng một của mình. Phẫu thuật thì sợ đau, đặt túi nước sợ bị vỡ, vả lại đã có chồng có con rồi sao còn phải mất công tốn tiền vào những việc ấy. Nhưng anh thì nghĩ khác. Theo anh, phụ nữ hấp dẫn nhất ở vòng một.

Như trông được ước thấy, anh đã bắt gặp một bộ ngực bốc lửa, không phải trên mạng, trong tranh ảnh mà bằng da thịt hẳn hoi. Nàng làm nghề gội đầu và chăm sóc sắc đẹp. Khi anh ngồi vào ghế, nàng đứng phía sau, áp má vào gần má anh và hỏi rất khẽ: “Anh ơi, dùng dầu gì?”. Lúc đó vòng một của nàng chạm vào lưng anh, tạo một cảm giác rất dễ chịu. Vì cửa hàng vắng khách nên hôm đó nàng gội đầu cho anh lâu hơn. Họ nói chuyện rất cởi mở và tỏ ra khá hiểu nhau.

Ảnh: Inmagine.


Từ đó, mỗi tuần ba lần, anh đến đây gội đầu. Rồi không gội đầu, anh cũng đến, chỉ để cho nàng một quả bưởi da xanh hoặc một bông hoa và nhìn trộm vòng một của nàng qua chiếc áo cổ xẻ. Căn phòng nàng thuê làm cửa hàng chỉ rộng chừng 16 m2 nhưng là một căn hộ khép kín. Ngoài các thiết bị của nghề gội đầu, nàng còn có một tủ kính bày bán các loại mỹ phẩm cao cấp. Ai mua một lọ mỹ phẩm cao cấp ở đây đều được chăm sóc sắc đẹp miễn phí theo một lịch trình nhất định. Và anh đã mua một chai kem dưỡng da dành riêng cho đàn ông để được nàng chăm sóc. Cửa hàng của nàng có một cái gác xép dùng làm phòng ngủ, nơi đó có một cầu thang gỗ 9 bậc như của người Mường.

Một buổi tối, sau khi được chăm sóc sắc đẹp, anh chỉ cái cầu thang gỗ, nói với nàng: “Có một nhạc sĩ đã gọi cái cầu thang này là 9 bậc tình yêu”. “Em cũng thích bài hát đó. Nhưng 9 bậc tình yêu này thì chưa có ai lên cả”. Anh hôn tay nàng rồi chỉ vào cái cầu thang 9 bậc. Nàng lặng lẽ gật đầu rồi vội vã đóng cửa nhà hàng. Lần đầu tiên sau khi lấy vợ, anh ngủ xa nhà, và cũng là lần đầu tiên anh tắt máy điện thoại di động. Vòng một của nàng đầy sức quyến rũ. Nó như ngọn núi lửa làm bùng cháy những gã đàn ông tràn trề sinh lực. Người đàn bà lịch sự buổi sáng biết nói với người đàn ông một câu thân mật: “Chào buổi sáng!”. Còn người đàn bà tuyệt vời thì ghé tai người đàn ông và thì thầm: “Anh ơi! Sáng rồi!”. Nàng là người đàn bà như vậy. Trước khi ra về, anh đưa cho nàng một xấp tiền: “Em cầm lấy để trả tiền thuê nhà”. Nàng cầm xấp giấy bạc, nhét trả lại túi ngực của anh và nói: “Biết là anh rất quan tâm đến em, nhưng nếu em cầm những đồng tiền này thì không ra gì”.

Một đêm không về nhà, anh cũng hơi lo, không biết vợ con ở nhà ra sao. Vợ anh đón chồng bằng gương mặt cau có và tối sầm: “Cả đêm qua anh đi đâu?”. “Mạng ATM bị sập nên anh phải khắc phục suốt đêm mới xong”. “Sao không gọi điện thoại về?”. “Máy của anh hết pin”. Đúng lúc đó thì nàng gọi tới với một câu hỏi rất dịu dàng: “Anh đã về nhà chưa? Có mệt lắm không anh?”. Vợ anh cướp ngay được điện thoại rồi quát lên gay gắt: “Pin đầy ắp như thế này mà bảo hết à? Anh cút đi cho khuất mắt tôi”. Chị đẩy anh ra rồi khoá trái cửa và ngồi khóc tu tu như một đứa trẻ. Chiều hôm đó anh về nhà, chị vẫn không ra mở cửa. Thế là anh lại đi và cái cầu thang 9 bậc tình yêu lại đón anh. Và tổ ấm của họ đứng trước nguy cơ bị tan vỡ.

Lẽ ra tình thế của cặp vợ chồng này sẽ không đến nỗi bi đát như vậy. Việc anh đưa tiền cho cô thợ gội đầu chứng tỏ anh xem đó như một vụ ăn vụng, bóc bánh trả tiền mà thôi. Nhưng nàng không chịu cầm tiền bởi nàng không muốn anh xem mình là một gái bán dâm. Với anh, nàng không cần tiền mà chỉ cần tình yêu. Cuộc tranh chấp tay ba này mới ở vòng một chứ chưa phải là vòng chung kết. Việc anh sốt ruột chạy ngay về nhà chứng tỏ anh vẫn xem gia đình, vợ con là  quan trọng nhất. Nếu chị bình tĩnh một chút, bao dung hơn một chút thì chị sẽ giữ được chồng. Tình yêu có nhiều cung bậc. Hạnh phúc gia đình cũng có nhiều cung bậc, lúc thấp, lúc cao, lúc thăng, lúc trầm. Sự khôn ngoan của người đàn bà là giữ bằng được những cung bậc đó, kể cả lúc trầm.

Theo Giadinh

ETON-“LÒ”ĐÀO TẠO THỦ TƯỚNG

Với việc ông David Cameron trở thành Thủ tướng Anh, trường trung học dành cho nam sinh Eton đạt thành tích “ra lò” 19 Thủ tướng của Anh, một của Bắc Ireland và một của Thái Lan.

>>  Nước Anh có tân Thủ tướng

Eton có thể không phải là trường học đắt nhất nước Anh và chắc chắn không phải là trường có kết quả thi cử tốt nhất. Tuy nhiên, theo cựu học sinh Palash Dave của Eton hồi những năm 1980: “Trẻ em tới trường này có cảm giác đặc biệt, biết rằng các em sau này sẽ điều hành đất nước”.

Cơ sở giáo dục bên bờ sông Thames được thành lập cách đây hơn 500 năm.

Ông Dave không cho mình là người trong số đó. Ông nói rằng, lứa của ông không đầy tự tin như vậy. “Nhưng xin thưa là tới khi chúng tôi rời đi thì chúng tôi cũng có chính cảm giác như vậy”, ông chia sẻ.

Palash Dave nói điều này một phần là do hàng loạt các khách mời tới nói chuyện trong trường thường nói với học sinh rằng, các em là các lãnh đạo tương lai.

Ông cũng nói rằng, trường đặc biệt chú trọng đến chủ nghĩa cá nhân: “Bạn được khuyến khích theo đuổi bất cứ giấc mơ nào bạn muốn. Eton còn cho phép có một mức độ đối kháng nhất định và ở một khía cạnh nào đó, còn khuyến khích nó. Điều này là rất có ích cho ai muốn đóng vai trò lãnh đạo”.

Theo BBC, với các bộ đồng phục từ thời Victoria và những quy định có từ vài thế kỷ nay, Eton thường bị coi là một thể chế cứng nhắc, bắt buộc phải phục tùng.

Học sinh mặc đồng phục có từ thời Victoria.

Tuy nhiên, theo Nick Fraser, tác giả của cuốn Tầm quan trọng của Eton, thành công của trường này thực ra là nhờ mức độ tự do hiếm thấy mà trường dành cho học sinh.

Ông cho rằng, học sinh của Eton được chuẩn bị đặc biệt tốt để theo đuổi sự nghiệp chính trị vì có rất nhiều hiệp hội, các câu lạc bộ thể thao và các hoạt động khác trong trường do chính học sinh điều hành.

Ông nói: “Các học sinh tự bầu nhau vào những vị trí có ảnh hưởng. Do vậy, từ khi còn rất trẻ, họ quen với việc phải tạo sức thu hút, mua phiếu biểu quyết, phải biết lấy lòng”. Dĩ nhiên, hành động lấy lòng, cũng như sự kiêu ngạo, có thể làm tổn hại sự nghiệp chính trị của ai đó có nhiều tiềm năng.

Ticky Hedley-Dent từ tạp chí Tatler, cho rằng, khả năng đặc biệt của học sinh Eton là thể hiện sự tự tin, mà không tỏ ra ngạo mạn hay tự cao tự đại.

“Bạn có thể nhận ra một học sinh Eton, vì họ tới một nơi nào đó với mục đích nhất định trong đầu và làm mọi cách để đạt được mục đích đó, bất kể người khác nghĩ gì”.

Hedley-Dent gặp rất nhiều học sinh Eton ở các cuộc tụ tập và thừa nhận rằng họ có sức cuốn hút: “Một học sinh tốt ở Eton thường là thông minh, đối xử bặt thiệp. Còn ai muốn gì hơn nữa?”.

Vu Lan

@bbc

Trung Quốc và láng giềng: ai đe dọa ai?

Việc hàng loạt quốc gia láng giềng như Thái Lan, Kyrgyzstan, Triều Tiên… rối loạn khiến an ninh quốc gia Trung Quốc bị đe dọa và ngược lại, Trung Quốc cũng là nhân tố gây bất ổn khu vực.

>>  Chỉ có Mỹ mới là đối thủ xứng tầm của Trung Quốc

Láng giềng đe dọa Trung Quốc…

Hồi đầu tháng 4, các cuộc biểu tình rầm rộ tại Thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan cùng nhiều thành phố dẫn tới tình trạng rối loạn, bạo lực tràn lan trên đường phố…và kết quả là Chính phủ của ông Kurmanbek Bakiyev bị lật đổ.

Thay vào đó, Chính phủ lâm thời của bà Roza Otunbayeva được thành lập nhưng tới nay chưa thể kiểm soát được toàn bộ tình hình.

Kyrgyzstan chưa yên tĩnh hoàn toàn.

Đi xuống phía Tây Nam Trung Quốc, người ta lại gặp sự rối loạn khác: bọn khủng bố tiếp tục tổ chức các cuộc tấn công đẫm máu ở Ấn Độ, Pakistan và Afghanistan, tạo cớ cho Mỹ tăng cường sự hiện diện trong khu vực.

Ở phía Nam, Thái Lan vẫn chìm trong bất ổn chính trị, tiếp tục bị giằng xé giữa một bên là phe ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và phe đối lập. Ngay cạnh đó, Chính phủ Myanmar đẩy mạnh cuộc chiến chống lại các nhóm vũ trang thiểu số tại miền Bắc, dọn đường cho tổng tuyển cử.

Khủng hoảng chính trị Thái Lan chưa biết bao giờ sẽ kết thúc.


Điểm qua một số quốc gia láng giềng đang trong tình trạng bất ổn, dễ thấy họ nằm ở những khu vực khác nhau, có đặc điểm khác nhau nhưng vẫn có thể chia họ thành ba nhóm.

Thứ nhất là các quốc gia mà phương Tây gọi là “dân chủ” như Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ…nơi các bất ổn chính trị diễn ra tạm thời và có thể kiểm soát được.

Thứ hai là bất ổn chính trị tại các “quốc gia đang chuyển đổi cơ cấu” như nhiều nước từng thuộc Liên Xô. Tại đây, nạn tham nhũng tràn lan, Chính phủ hoạt động thiếu hiệu quả, thường xảy ra đảo chính trong quá trình chuyển đổi, trở thành “chiến trường” của các hào phú và lực lượng vũ trang.

Cuối cùng là các quốc gia có hệ thống chính trị “mong manh” như Iraq, Afghanistan, Pakistan, Myanmar và Triều Tiên, những quốc gia bị phương Tây coi là “có vấn đề” nhưng có vị trí địa chiến lược quan trọng.

Pakistan thường xảy ra khủng bố.

Theo nhà nghiên cứu Chen Xiangyang, có nhiều kiểu bất ổn xung quanh Trung Quốc nhưng tựu chung lại, chúng đều bắt nguồn chủ yếu từ các nguyên nhân nội tại.

Lấy Thái Lan làm ví dụ. Nền chính trị nước này bị rơi vào tình trạng “đa cực và tiến thoái lưỡng nan”. Họ rơi vào ngõ cụt bởi không thể giải quyết được cuộc chiến giữa hai phe đối lập và có nhiều sức mạnh nhất đất nước. Ngoài ra, việc bất bình đẳng về kinh tế, nhất là trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, cũng là nguyên nhân lớn dẫn tới bất ổn chính trị; khi mà phe “có tất cả” (giàu có) và phe “không có gì” (nghèo đói) đấu tranh bằng nhiều hình thức, kể cả bạo lực như những gì vừa diễn ra tại Kyrgyztan.

Ngoài hai nguyên nhân trên, sự rối loạn chính trị tại nhiều quốc gia quanh Trung Quốc còn bắt nguồn từ chủ nghĩa khủng bố quốc tế, từ bọn cực đoan, những kẻ ly khai thiểu số; cũng như sự can thiệp của nhiều quốc gia phương Tây, nổi bật là Mỹ, vào công việc nội bộ các quốc gia này.

Việc hàng loạt quốc gia láng giềng như Thái Lan, Kyrgyzstan, Triều Tiên… rối loạn khiến an ninh quốc gia Trung Quốc bị đe dọa. Dễ thấy nhất là tình trạng trên khiến các vùng biên của Trung Quốc bị ảnh hưởng, an ninh bị đe dọa. Ngoài ra, tình trạng bất ổn còn tạo điều kiện cho các cường quốc phương Tây tranh thủ cơ hội, áp sát biên giới Trung Quốc.

Với danh nghĩa chống khủng bố, Mỹ đưa quân ồ ạt vào Afghanistan.

… hay Trung Quốc đe dọa láng giềng?

Trong khi nhà nghiên cứu Chen Xiangyang nhận định an ninh Trung Quốc bị đe dọa bởi tình trạng rối loạn tại một số quốc gia láng giềng, nhiều nhà phân tích lại coi Trung Quốc chính là yếu tố gây bất ổn trong khu vực và thế giới, nhất là khi nước này liên tục tăng cường sức mạnh quân sự, mở rộng phạm vi hoạt động của hải quân cũng như có nhiều hành động vi phạm chủ quyền nước khác.

Đơn cử như chỉ với việc đóng tàu sân bay, Trung Quốc khiến an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương “chao đảo”. Tư lệnh Hải quân Mỹ Gary Roughead  khẳng định, hàng không mẫu hạm của Trung Quốc khiến nhiều nước láng giềng lo lắng, vì Bắc Kinh không tuyên bố mục đích của nó là gì ngoài việc khẳng định đây đơn thuần là hành động gia tăng sức mạnh hải quân và không đe dọa các nước khác.

Hãng AP dẫn lời nhà phân tích quốc phòng John Pike, hàng không mẫu hạm làm gia tăng nguy cơ xung đột trên biển giữa các cường quốc quân sự trong khu vực, gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Thậm chí, nó còn đẩy khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào cuộc chạy đua vũ trang.

Hải quân Trung Quốc khiến nhiều nước lo ngại. Ảnh minh họa.

Chưa dừng lại ở việc gây mất ổn định an ninh qua việc tăng đầu tư cho quân đội, Trung Quốc đã và đang có nhiều hành động gây bất ổn, mà điển hình là nhiều lần cử tàu ngư chính tuần tra khu vực quần đảo Trường Sa, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; hay như việc Trung Quốc hôm 3/5 cử tàu Hải Giám 51 truy đuổi tàu Shoho Nhật Bản trong khu vực Tokyo tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Ngoài ra, Trung Quốc còn có nhiều hành động gây bất ổn khác tới mức cựu lãnh đạo của Singapore là ông Lý Quang Diệu phải kêu gọi Mỹ tiếp tục duy trì sự hiện diện trong khu vực nhằm ổn định an ninh khu vực.

Và bản thân Thiếu tướng quân đội Trung Quốc là Yang Yi cũng tự tin khẳng định, hiện chỉ có Mỹ mới đủ sức đe dọa lợi ích, an ninh quốc gia Trung Quốc một cách toàn diện. Nhật Bản chưa đủ sức mạnh, Ấn Độ thì còn yếu, lo ngại chứ chưa nói chuyện thách thức Trung Quốc, còn Moscow không có động cơ đối kháng Bắc Kinh.

Trần Lâm (tổng hợp)

@ ĐấtViet

Sự lớn mạnh của kinh tế TQ đem lại cơ hội, thách thức gì cho VN?

Trung Quốc đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và ngày càng gia tăng sự hiện diện của họ tại các nền kinh tế mới nổi trong đó có Việt Nam. Sự lớn mạnh của nền kinh tế Trung Quốc, cũng như sự hiện diện ngày càng nhiều của các công ty Trung Quốc ở Việt Nam đem lại cơ hội, thách thức hay tác động gì tới nền kinh tế của Việt Nam. Mời quí vị nghe ý kiến của nữ Giáo sư Regina Abrami, tại trường đại học Harvard của Hoa Kỳ về vấn đề này.

Minh Anh | Washington, D.C Thứ Bảy, 15 tháng 5 2010

Giáo sư Regina AbramiGiáo sư Regina Abrami

Thưa quí vị, Giáo sư Regina Abrami có bằng Tiến sĩ về Khoa học chính trị tại Đại học California, Berkely, và hiện là giảng viên của chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) tại trường Đại học Harvard của Hoa Kỳ. Bà chuyên nghiên cứu về kinh tế chính trị so sánh, đặc biệt tập trung vào Trung Quốc và Viêt Nam.


VOA: Thưa giáo sư Abrami, được biết bà đang có một cuộc nghiên cứu về những cơ hội cũng như tác động của việc Trung Quốc gia tăng sự hiện diện ở các thị trường mới nổi, xin bà vui lòng cho biết đôi chút về kết quả nghiên cứu tới thời điểm này, đặc biệt là trường hợp của Việt Nam?


GS. Regina Abrami: Việt Nam là một trong số những nước mà tôi đang nghiên cứu và chắc chắn trường hợp của Việt Nam là một trường hợp khá phức tạp bởi lịch sử và mối quan hệ giữa hai nước. Với quan điểm như vậy, khi xét tới sự hiện diện của Trung Quốc ở Việt Nam, thì tôi thấy có nhiều điểm tích cực hơn tiêu cực trong bối cảnh là sự tăng cường quan hệ thương mại và kinh tế giữa Trung Quốc và Việt Nam đã đem lại kết quả là nhiều hàng hóa Việt Nam có cơ hội được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, sự tăng cường quan hệ kinh tế này cũng khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc đến việc bao gồm hai nước vào một chiến lược đầu tư rộng lớn hơn, và điều đó rất có lợi cho Việt Nam.

Nói về khía cạnh rộng lớn hơn thì sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở các thị trường mới nổi là một bức tranh hỗn hợp.  Dĩ nhiên là không còn nghi ngờ gì về việc Trung Quốc xuất khẩu công nhân nước họ đến làm việc tại những dự án đầu tư của họ ở nước ngoài như những công trình xây dựng v..v. và nhiều chính phủ cũng như cộng đồng người dân địa phương không ủng hộ điều này, bởi đối với họ, đầu tư nước ngoài là cơ hội để tạo công ăn việc làm cho người dân của chính nước họ. Chính phủ Trung Quốc cũng nhận ra điều này và đang tìm cách điều chỉnh.  Trong khi đó, ngày càng có nhiều chính phủ tại các thị trường mới nổi bắt đầu tiến hành đàm phán các hợp đồng trong đó đưa ra những qui định nhằm hạn chế số công nhân nước ngoài làm việc tại nước họ cho các dự án do Trung Quốc đầu tư.

VOA: Bà vừa nói đến việc Trung Quốc đưa công nhân sang các nước khác, chắc hẳn bà cũng biết về dự án bauxite ở Tây Nguyên của Việt Nam, và Trung Quốc cũng đưa nhiều công nhân của họ sang đó. Do bối cảnh lịch sử của hai nước cũng như những tranh chấp về chủ quyền chưa được giải quyết mà có nhiều người Việt Nam lo ngại về ý định thực sự của Trung Quốc trong những dự án như vậy. Còn ý kiến của bà thì sao?

GS. Regina Abrami: Tôi không nghĩ là họ nên lo ngại về ý định thực sự của Trung Quốc trong việc đầu tư vào Việt Nam, vì nếu là nỗi lo ngại thì cũng nên có những sự lo ngại như vậy đối với Hoa Kỳ. Nếu quí vị lo ngại về những nước trước đây có quan hệ căng thẳng và bây giờ lại đầu tư rất nhiều vào đất nước quí vị thì nỗi lo ngại đó phải được đặt cả vào hai bên. Ở Tây Nguyên cũng có những công ty mỏ của Mỹ đang đầu tư tại đó, nhưng không gây tranh cãi như với trường hợp của Trung Quốc. Tôi nghĩ là người Việt Nam nên xét xem tại sao họ lại đặc biệt thù nghịch với sự đầu tư của Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng rủi ro sẽ cao hơn nếu đóng cửa với Trung Quốc thay vì đảm bảo duy trì mối quan hệ kinh tế, quan hệ thương mại vững mạnh, bởi đó vẫn là biện pháp tốt nhất để duy trì một mối quan hệ tích cực.

VOA: Vâng, nhưng thưa bà ngoài lịch sử lâu đời giữa hai nước và những tranh chấp chủ quyền khác thì sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc cũng khiến cho nhiều người có lý do để lo ngại, hơn nữa Trung Quốc lại là một nước láng giềng gần kề Việt Nam.

GS. Regina Abrami: Tôi hiểu điều đó, tôi không phủ nhận rằng nỗi lo ngại ấy bắt nguồn tử lịch sử và tình cảm mạnh mẽ của người Việt Nam. Dĩ nhiên là có một nước láng giềng hùng mạnh ở phương bắc thì người ta sẽ cảm thấy đó là mội mối đe dọa to lớn hơn so với một nước cách Việt Nam cả một đại dương. Nhưng chúng ta biết là những nước có quan hệ kinh tế và xã hội tích cực thì cũng có xu hướng có quan hệ chính trị tốt đẹp hơn. Vì vậy thực tế là bất cứ điều gì ít hơn một chiến lược giao tiếp và làm đối tác với Trung Quốc thì đều không có lợi cho Việt Nam.

Việt Nam phải giao thiệp với Trung Quốc và không nên né tránh nước này, và mối quan hệ đó không cần thiết phải là một mối quan hệ không công bằng. Tôi nghĩ là Trung Quốc hiện không tìm cách thôn tính Việt Nam và chắc chắn là người Việt Nam cũng sẽ không bao giờ cho phép điều đó xảy ra. Vì vậy với tinh thần độc lập mạnh mẽ của hai nước, chắc chắn là hai nước có thể hợp tác rất tốt với nhau thông qua các hoạt động kinh tế và đầu tư trong những thập niên tới, điều này sẽ giải quyết được những vấn đề mà người Việt Nam lo ngại.  Chúng ta cũng cần nhớ rằng về mặt lịch sử trong quá khứ hai nước không chỉ có xung đột mà còn có cả mối quan hệ giao thương với nhau.

VOA: Trung Quốc sẽ vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, và theo các phân tích gia thì một trong những nguyên nhân thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tới Trung Quốc là do nền kinh tế phát triển nhanh chóng của nước họ, vậy so với Trung Quốc thì Việt Nam có lợi thế cạnh tranh gì trong việc thu hút đầu tư nước ngoài thưa giáo sư?

GS. Regina Abrami: Tôi nghĩ là Việt Nam đã thu hút được một khối lượng đầu tư nước ngoài lớn, nếu nhìn vào số liệu năm 2008, ý tôi là chúng ta chưa nên nhắc đến số liệu năm 2009, vì đó là năm xảy ra cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu vì vậy mà nhiều nền kinh tế bị co cụm.  Nếu nhìn vào số liệu của năm 2007 và 2008 thì Việt Nam đã trên đà thu hút rất nhiều đầu tư nước ngoài và số vốn đầu tư nước ngoài đã tăng một cách đáng kể, tôi cũng dự đoán rằng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng.

Về việc Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, điều đó đã xảy ra rồi, ý tôi là tùy thuộc vào cách tính toán số liệu, tôi không nghĩ điều này sẽ làm sao lãng các cơ hội thu hút vốn nước ngoài vào Việt Nam. Chúng ta đã chứng kiến nhiều công ty sử dụng chiến lược Trung Quốc + 1 (China +1), vì vậy có thể dự báo rằng Việt Nam sẽ là một đối thủ cạnh tranh với các lợi thế như lao động, giá lao động của Việt Nam rẻ hơn nhiều so với giá lao động của Trung Quốc, điều đó khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất.

Thêm vào đó, Việt Nam cũng là một nước thuộc khu vực Đông Nam Á, vì vậy chúng ta sẽ thấy khi một công ty tìm hiểu cơ hội đầu tư vào khu vực này, đặc biệt là với thỏa thuận tự do thương mại (FTA) giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, thì họ ngày càng coi Việt Nam như một phần trong chiến lược rộng lớn hơn ở khu vực.  Vì vậy tôi thấy việc Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới sẽ không làm sao lãng các cơ hội thu hút đầu tư của Việt Nam, và cuối cùng thì đầu tư vào Trung Quốc sẽ trở nên tốn kém hơn.

VOA: Thưa bà còn về lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa, Trung Quốc lâu nay vẫn bị cáo buộc là giữ giá tiền tệ của họ thấp một cách giả tạo để hàng hóa của họ cạnh tranh tốt hơn trên thị trường thế giới, vậy Việt Nam cần có chiến lược gì để cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc?

GS. Regina Abrami: Tôi nghĩ do giá lao động rẻ nên hàng hóa Việt Nam vẫn mang tính cạnh tranh cao so với hàng hóa Trung Quốc. Về ý kiến cho rằng Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh không công bằng nhờ tỷ giá cố định, chúng ta sẽ ngày càng thấy nhiều lời phàn nàn như vậy. Từ trước tới nay chúng ta chỉ thấy Hoa Kỳ và các nước Châu Âu lên tiếng, nhưng thực tế là ngày càng có nhiều nền kinh tế mới nổi cũng cáo buộc Trung Quốc về vấn đề này. Tôi hy vọng là chính phủ Trung Quốc sẽ phải đáp ứng lại những lời phàn nàn này. Hơn nữa, sẽ không phù hợp ngay với bản thân họ nếu tiếp tục trợ cấp cho chính phủ Hoa Kỳ bằng việc mua trái phiếu ngân khố của Mỹ trong khi lại giữ giá tiền tệ của họ thấp hơn trị giá thực tế. Vì vậy tôi không nghĩ là chính sách này sẽ tồn tại mãi mãi.

VOA: Xin hỏi bà một câu hỏi cuối cùng, theo bà thì thách thức trước mắt của nền kinh tế Việt Nam là gì?

GS. Regina Abrami: Thách thức trước mắt của Việt Nam là khả năng nâng cấp cơ sở hạ tầng lên một mức độ hiệu quả hơn và có giá trị gia tăng nhiều hơn. Hiện tại cơ sở hạ tầng của Việt Nam không bằng với Trung Quốc và cũng không bằng với một số nước khác ở Đông Nam Á. Và chừng nào mà Việt Nam không khắc phục được tình trạng này thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ sẽ chỉ có thể giậm chân tại chỗ với hoạt động sản xuất hàng hóa cấp thấp mà lại với chi phí vận chuyển cao.  Việc vận chuyển hàng hóa ở Việt Nam do vậy sẽ không thể được thực hiện một cách hiệu quả.

VOA: Còn rất nhiều câu muốn hỏi bà, nhưng vì thời gian hạn hẹp nên hy vọng sẽ có cơ hội trao đổi với bà vào một dịp khác. Xin cảm ơn Giáo sư Abrami rất nhiều.

@ VOA