“Yếu” hơn vì ăn ngẩu pín

Không chỉ quý ông mà cả quý bà cũng đua nhau ăn ngẩu pín động vật để “bồi bổ tình yêu”. Nhưng không ít người đã phải trả giá cho sự kém hiểu biết của mình.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Viện phó Viện Dinh dưỡng, cho biết thực tế chưa có công trình khoa học nào chứng tỏ các chất chứa trong “của quý” các loài có tác dụng tăng cường sinh lực. Bộ phận này thực chất là một hệ cơ, gân, mạch máu, hệt như các bộ phận khác trong cơ thể, chỉ khác ở cơ chế hoạt động.

Ăn để bổ “âm, dương”

Gần đây, ngày nào chị Trần Thu Giang cũng dặn những người bán hàng ở chợ để phần cho chị đủ loại “của quý” của bò, chó, dê, thậm chí cả lợn. Vợ chồng chị đã bắt đầu bước vào tuổi “suy yếu”, nên chị mua về để “tẩm bổ”. Lúc đầu, Giang chỉ mua để “ông xã” thưởng thức, nhưng một vài lần ăn thử, chị thấy ngon và từ đó, nó là món ăn đêm của hai vợ chồng. Được một thời gian, cả hai đều bị mỡ cao trong máu và  huyết áp tăng cao.

Nghe bạn bè, chị Minh Thúy cũng mua về cho chồng sử dụng nhưng chỉ một thời gian, chồng chị mất hẳn khả năng “yêu” vợ. Bác sĩ cho biết chồng chị thuộc dạng âm hư nên việc ăn ngẩu pín khiến bệnh càng nặng.

Trên thực tế, không riêng gì các quý ông thích món “súng ống” động vật. Dạo quanh một vài hàng chuyên bán món này ở phố Nguyễn Khuyến, Ngã Tư Sở… (Hà Nội), Hồng Hà, Phạm Ngũ Lão… (TP HCM) mới thấy thực khách nữ chẳng thua kém gì nam. Chị L., làm việc ở đài truyền hình, cho rằng, món này chẳng những giúp chị em “vùng lên mạnh mẽ” mà còn có tác dụng đẹp da.

Dễ mang thêm bệnh

Theo thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Đông y Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ngẩu pín là món ăn được chế từ dương vật và tinh hoàn của một số động vật như chó, bò, trâu, dê, hải cẩu, hươu, hổ… Tuy là loại thực phẩm có dinh dưỡng, nhưng không nên lạm dụng và không phải ai cũng dùng được.

Không nên dùng cho những người bị âm hư hoặc bị bệnh thuộc thể âm hư (hỏa vượng) với các chứng trạng như: cơ thể gầy khô, hay có cảm giác nóng hâm hấp về chiều, lòng bàn tay và bàn chân nóng, trong ngực bức bối không yên, họng khô, miệng khát, ra mồ hôi trộm; hay ù tai, hoa mắt, chóng mặt; tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện táo….  Với những người này, dương đang vượng, dùng ngẩu pín tức là làm cho dương càng vượng, khiến âm đã hư càng hư, các bệnh lý vốn có thuộc về âm hư như cao huyết áp, viêm gan… càng nặng thêm.

Bác sĩĐào Xuân Dũng, chuyên gia về tình dục học, khẳng định chỉ nên coi đây là thứ “Viagra tinh thần” bởi khi quý cô thưởng thức món này cùng với “mồi” là những câu chuyện thầm kín chốn phòng the, nó cũng có tác dụng xả stress và đôi khi còn giúp tìm ra giải pháp hữu hiệu cho những vấn đề riêng tư của mình. Khi đầu óc thoải mái, cảm xúc dĩ nhiên sẽ đến một cách tự nhiên và mạnh mẽ hơn.

Các chuyên gia khuyến cáo, ngẩu pín chứa nhiều cholesterol, vì vậy ăn nhiều không tốt cho cơ thể, nhất là đối với người béo, bị bệnh tim mạch, cao huyết áp… Đặc biệt, đây là loại thực phẩm dễ bị ôi thiu, vì vậy cần chú ý trong khâu bảo quản và chế biến.

Tường Linh
@ DatViet

Đông Nam Á đang chạy đua vũ trang? (Phần I)

Tác giả: Richard A. Bitzinger

Có một mối lo ngại ngày càng lớn dần là Đông Nam Á đang bị cuốn vào của một cuộc chạy đua vũ trang cấp khu vực. Thực tế cho thấy nhiều quốc gia trong khu vực này đang thực sự ở trong “ngày hội mua sắm” vũ khí thông thường tân tiến, và kế hoạch này được thúc đẩy bởi sự gia tăng tương ứng chi tiêu cho quân sự.

Vậy nên hiểu hiện tượng này là gì? Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài phân tích của tác giả Richard A. Bitzinger, một thành viên Đại học Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam của Singapore.

Phải chăng Đông Nam Á đang bị hút vào một cuộc chạy đua vũ trang (CĐVT) khu vực? Nhìn bề ngoài, có năm diễn biến chính cho phép kết luận rằng khả năng xảy ra CĐVT như vậy là không thể phủ nhận và là một điềm dữ.

Đầu tiên, Singapore vừa mua máy bay chiến đấu F-15 của Mỹ, trong khi Malaysia và Indonesia tậu Su-30 của Nga, còn Thái Lan đặt mua Gripen của Thụy Điển. Thứ hai, Singapore và Malaysia đều đã mua nhiều tàu ngầm mới hoặc trang bị mới cho các tàu ngầm sẵn có của mình.

Việt Nam cũng đã ký kết một hợp đồng với Nga mua 6 tàu ngầm Kilo-class. Thứ ba, năm 2002, Malaysia đã đặt mua 63 xe tăng chiến đấu hạng nặng của Ba Lan; và để đuổi kịp thương vụ này, Singapore năm 2007 mua gần 100 xe tăng Leopard-2 của Đức. Thứ tư, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan mới đây đều đã có những đơn đặt hàng lớn gồm những xe bọc thép (APC) hiện đại từ một loạt các nhà cung cấp trong và ngoài nước. Thứ năm, Singapore đã đuổi kịp vụ Malaysia mua hệ thống bệ phóng tên lửa đa năng ASTROS-II (MRL) của Brazil bằng việc mua hệ thống HIMARS MRL của Mỹ.

Chưa hết, các thương vụ mua vũ khí mới đây đi kèm với việc gia tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng trong khu vực. Theo số liệu do Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cung cấp, ngân sách quốc phòng của Malaysia đã tăng gấp đôi trong 8 năm (2000-2008), từ 1,7 tỷ USD lên 3,5 tỷ (theo tỷ giá USD năm 2005). Chi tiêu cho quốc phòng của Indonesia trong cùng thời gian này cũng tăng từ 2,2 tỷ USD lên 3,8 tỷ (tăng 72%) trong khi các con số tương ứng  của Thái Lan là 2,1 tỷ lên 3 tỷ (tăng 43%).

Cùng thời gian này, ngân sách quốc phòng của Singapore tăng 26%, từ 4,6 tỷ USD lên 5,8 tỷ (theo tỷ giá USD năm 2005, nếu tính theo tỷ giá hiện nay thì ngân sách quốc phòng năm 2008 của nước này là 7,5 tỷ USD). Nếu gộp chung, chi tiêu cho quốc phòng của khu vực này tăng ít nhất 50% trong thời gian từ năm 2000 – 2008.

Ảnh minh họa: vitinfo

Tất nhiên, các diễn biến này cho thấy xu hướng phần nhiều rối loạn trong các tính toán an ninh của khu vực. Một số người thậm chí cho rằng Đông Nam Á có thể đang là trọng tâm của một cuộc chạy đua vũ trang có nguy cơ gây bất ổn toàn khu vực. Vì vậy, dễ thấy trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều lời kêu gọi hạn chế chuyển giao vũ khí cho khu vực này hoặc khuyến khích các chính quyền địa phương tự kiềm chế việc mua sắm vũ khí mới, cũng như phải chế ngự hoặc ngăn cản tình trạng được cho là một cuộc CĐVT này.

Vậy liệu có đúng đắn không khi mô tả việc mua vũ khí nói trên là mầm mống của một cuộc CĐVT? Nếu đó không phải là CĐVT thì phải giải thích hiện tượng này thế nào? Rõ ràng quy mô và cường độ của việc mua sắm vũ khí của một số quốc gia Đông Nam Á không chỉ đơn giản là việc thay thế các trang thiết bị quân sự đã cũ bằng những hệ thống tân tiến hơn. Kết quả là cuộc cạnh tranh vũ khí kiểu “rượt đuổi nhau” cũng gây ra không ít lo lắng và nguy cơ gây bất ổn khu vực trong thời gian dài. Trong bối cảnh này, sẽ có ích khi nghiên cứu kỹ các thương vụ mua sắm vũ khí đặc biệt của các quốc gia chính trong khu vực.

Indonesia

Nhiều năm qua, Indonesia đã vực dậy từ cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á những năm 1990 để bắt đầu đầu tư các nguồn lực mới vào các lực lượng vũ trang của mình. Quân đội Indonesia (TNI) chủ yếu được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh nội địa và bảo vệ Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng hơn 6 triệu km2 của đất nước. Vì vậy, khi nói đến các khả năng quân sự, ưu tiên hàng đầu là đối phó với các mối đe dọa bờ biển và trên không.

Lực lượng Hải quân của TNI được giao nhiệm vụ xây dựng được một khả năng “biển xanh” vào năm 2020, vì vậy đã mở rộng quy mô bằng cách thay các tàu cũ bằng những chiến hạm mới đa năng hơn. Jakarta mới đây đã mua thêm 4 tàu hộ tống Sigma-class của Hà Lan, ít nhất 1 tàu đổ bộ của Triều Tiên và trang bị các tàu chiến Exocet của Pháp và C-802 ASCMs của Trung Quốc. Các tàu cũ được chuyển sang dùng cho công tác tuần tra bờ biển. Indonesia cũng thông báo ý định mua 4 tàu ngầm Kilo-class và 2 tàu ngầm Lada-class của Nga, tuy nhiên thỏa thuận chưa được ký vì hai bên chưa nhất trí về vấn đề tài chính. Ngoài Nga, Indonesia cũng dự định mua thêm nhiều tàu ngầm của Đức, Hàn Quốc và Pháp.

Lực lượng Không quân của TNI (TNI-AU) vẫn ở quy mô nhỏ với 72 máy bay, chủ yếu là F-16 và F-5E/F đã cũ, cùng một số Su-27 và Su-30 của Nga. Quyết định mua 24 chiếc máy bay ném bom Su-30 năm 1997 đã bị hoãn lại vì khủng hoảng tài chính châu Á, nhưng năm 2003, Jakarta cuối cùng đã ký được hợp đồng mua 2 chiếc Su-27 và 2 chiếc Su-30, thêm vào đó là 6 Sukhoi đặt mua năm 2009. TNI-AU hy vọng mua hơn 40 chiếc Su-27 hoặc Su-30.

Sự hiện đại hóa lực lượng Bộ binh của TNI tương đối ít, với việc mua những trực thăng Mi-17 và Mi-35, và xe bọc thép BTR-80 của Nga. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp vũ khí của Indonesia đã tự chế tạo loại xe bọc thép Panser bánh 6×6, và sản xuất loại súng bắn tỉa theo bản quyền mua của Bỉ, súng tiểu liên của Italy, súng cối của Phần Lan và Israel, hay máy phóng lựu của Singapore.

Malaysia

Quân đội Malaysia (MAF) đã chuyển đổi từ một lực lượng chống quân nổi dậy thành một lực lượng quân sự thông thường từ cuối những năm 1980. Quá trình này xuất phát từ nhu cầu an ninh, trong đó có việc bảo vệ các vùng EEZ, bảo vệ eo biển Malacca chống lại khủng bố và hải tặc, cũng như mối lo ngại ngày càng lớn về các hoạt động quân sự tăng cường của Trung Quốc ở biển Đông. Năm 2005, Malaysia đã thành lập Lực lượng bảo vệ bờ biển (MMEA).

Hiện, nước này đang thực hiện chương trình kéo dài nhiều năm nhằm mở rộng và hiện đại hóa các lực lượng vũ trang, mang tên Các lực lượng vũ trang linh hoạt Malaysia trong thế kỷ 21 (VMAF21), cùng với các Kế hoạch Malaysia thứ Tám và Chín.

Từ cuối những năm 1990, Malaysia là một trong những nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất Đông Nam Á. Kuala Lumpur đã chi hơn 5 tỷ USD mua xe tăng chiến đấu, MRL, APC, máy bay chiến đấu, máy bay vận tải đường dài, tàu ngầm và tàu hộ tống tuần tra. Năm 2003, Không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF) đặt mua 18 chiếc Su-30 MKM của Nga – trị giá 900 triệu USD – để thêm vào lực lượng hiện có gồm 18 chiếc MiG-29 Fulcrums (được trang bị tên lửa không đối không AA-12 có radar dẫn đường), 8 chiếc F/A-18D, 13 chiếc F-5E/F và 25 máy bay tấn công Hawk.

Hiện, RMAF cũng muốn mua thêm 18 máy bay chiến đấu và 4 máy bay AEW. Các thương vụ khác bao gồm 4 máy bay vận tải quân sự của Airbus A400M và có thể cả các tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến (AMRAAM). Mới đây, Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) đã nhận hàng gồm hai tàu ngầm Scorpene-class liên doanh giữa Pháp và Tây Ban Nha, cùng 6 tàu tuần tra ngoài khơi (OPV) loại MIKO A100 do Đức thiết kế và 2 tàu khu trục nhỏ Lekiu-class của Anh.

Cuối cùng, quân đội Malaysia đang đặt mua 48 xe tăng chiến đấu PT-91M Twardy của Ba Lan, 15 phương tiện hỗ trợ, phương tiện chiến đấu trên bộ (IFV) của Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc, cùng các hệ thống pháo tự hành từ Nam Phi và bệ phóng tên lửa đa năng ASTROS-II của Brazil.

Myanmar

Sau cuộc đảo chính quân sự năm 1988, Myanmar đã mở rộng lực lượng vũ trang Tatmadaw của mình về số lượng, lên tới 400.000 lính. Song, lực lượng này chủ yếu được cấu trúc và trang bị vũ khí cho các chiến dịch chống nổi dậy và kiểm soát quân sự trong nước. Hầu hết các đơn mua sắm vũ khí trong hai thập kỷ cuối của thế kỷ trước chủ yếu đặt của Trung Quốc (thiết giáp Type-69II, Type-63 và Type-85), trong khi nước này cũng tự sản xuất một lượng lớn thiết giáp hạng nhẹ BTR-3U theo mẫu thiết kế của Ukraine.

Không quân Myanmar cũng chủ yếu mua phi cơ chiến đấu của Trung Quốc, hiện có 60 chiếc F-7M và 42 chiếc A-5. Bên cạnh đó, họ đã mua máy bay phản lực huấn luyện/tấn công hạng nhẹ G4 Super Galeb của Nam Tư cũ và những phi cơ huấn luyện K-8 của Trung Quốc. Mới đây, Không quân cũng đã mua 10 chiếc MiG-29 của Nga thêm vào 20 chiếc đã có.

Hải quân Myanmar chủ yếu sở hữu các tàu hộ tống nhỏ cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đơn đặt hàng ba chiếc tàu khu trục nhỏ đã không được thực hiện, tuy nhiên Myanmar đã tự sản xuất tàu khu trục Aung Zay Ya, được trang bị những ASCM C-802 của Trung Quốc và hiện đang tự chế tạo tàu hộ tống nhỏ của mình.

Singapore

Singapore đang bước vào “thế hệ thứ ba” (3G) trong lĩnh vực quân sự. Các lợi ích của Lực lượng vũ trang Singapore (SAF) trong sự chuyển đổi quốc phòng xuất phát từ ba nhân tố. Thứ nhất, quan niệm về các mối đe dọa phi thông thường – như khủng bố, hải tặc, tình trạng nổi dậy và bất ổn tại một nước láng giềng – kéo theo nhiều loại chiến tranh, như chiến tranh đô thị và sự cần thiết phải bảo vệ các cơ sở trọng yếu. Thứ hai, sự yếu kém về chiến lược truyền thống của Singapore là vì chưa có tầm chiến lược, một dân số nhỏ và già, cộng với các nguồn lực quốc phòng tương đối hạn chế.

Thứ ba, lực lượng lao động lành nghề và sức mạnh công nghệ thông tin, mà SAF coi là một lực đẩy quan trọng. Vì vậy, các nỗ lực chuyển đổi quốc phòng tập trung vào mua vũ khí mới, phát triển và hòa nhập với các loại công nghệ điều khiển và kiểm soát với hệ thống ISR và các loại vũ khí điều khiển từ xa chính xác. Hiện, SAF tập trung phát triển 3G trong các lĩnh vực như hệ thống tín hiệu điện tử, an ninh thông tin, hệ thống điều khiển tân tiến, chiến tranh điện tử, máy cảm ứng và các phương tiện không người lái.

Ảnh minh họa: vndefence.info

Hải quân Cộng hòa Singapore (RSN) cũng đã được mở rộng đáng kể trong thập kỷ vừa qua. Đặc biệt mới đây, họ vừa đưa vào sử dụng 6 tàu khu trục Formidable-class chủ yếu nhằm kiểm soát các đường thông tin trên biển (SLOC) xung quanh Singapore, và sẽ được trang bị Harpoon ASCM và các tên lửa phòng không Aster-15 của Pháp, có khả năng tạo một lá chắn tên lửa đạn đạo. Quan trọng hơn, các tàu khu trục Formidable-class sẽ được trang bị loại máy cảm ứng tân tiến nhất và các hệ thống thông tin và xử lý chiến đấu. Bên cạnh các tàu khu trục mới, giữa những năm 1990, RSN cũng đã mua 4 tàu ngầm đã qua sử dụng của Thụy Điển, đổi tên là Challenger-class.

Năm 2009, Singapore nhận thêm 2 tàu ngầm Västergötland-class của Thụy Sĩ, đổi tên là Archer-class và trang bị thêm động cơ đẩy không dùng không khí (AIP), cho phép tàu lặn lâu hơn các loại tàu ngầm điện tử chạy bằng động cơ điện – diesel. Đây là tàu đầu tiên ở Đông Nam Á được trang bị AIP. Cuối cùng, RSN đã đưa vào sử dụng hai tàu sân bay Endurance-class, mỗi tàu có khả năng chở 350 lính, 18 xe tăng, 4 trực thăng và 4 sân bay.

Không quân Singapore (RSAF) được xếp vào loại tân tiến nhất Đông Nam Á. Trong thập kỷ qua, RSAF đã mua 74 chiếc F-16. Năm 2005, RSAF đã đặt mua 24 chiến đấu cơ F-15SG; 12 chiếc trong số này đã được giao hàng và đang đặt tại Mỹ để tập luyện. Bên cạnh đó là 9 máy bay tiếp dầu trực tiếp trên không. Hiện RSAF đang thay thế những máy bay E-2C Hawkeye AEW của mình bằng 4 chiếc Gulfstream G550, được trang bị Hệ thống kiểm soát và cảnh báo trên không (AWACS) Phalcon của Israel. Singapore cũng đặt mua 20 trực thăng tấn công AH-64D Apache Longbow.

Cuối cùng, Singapore là đối tác duy nhất ở Đông Nam Á của chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm (JSF). RSAF có thể sẽ đặt mua khoảng một chục chiếc JSF nhằm thay thế hoặc nâng cấp những chiếc F-16 của mình. Ngoài ra, ngành công nghiệp quốc phòng của Singapore cũng rất phát triển. Nước này có thể tự sản xuất các loại vũ khí nhỏ, quân nhu cho bộ binh như các hệ thống pháo, đạn và súng trường.

Thái Lan

Cho đến gần đây, việc hiện đại hóa quân đội Thái Lan vẫn bị ngăn cản do chưa có cơ sở vững chắc. Theo thống kê của Tổ chức tình báo quốc phòng Australia (DIO), ngân sách quốc phòng của Thái Lan giảm hơn 30% trong những năm 1996 – 1999 do khủng hoảng tài chính châu Á. Tuy nhiên, ngay trước cuộc đảo chính tháng 9/2006, chi tiêu cho quân đội đã tăng vọt. Năm 2006, ngân sách quốc phòng đạt khoảng 2,4 tỷ USD khi Thủ tướng Thaksin Shinawatra thông qua kế hoạch hiện đại hóa lâu dài cho quân đội tổng trị giá 6,6 tỷ USD từ năm 2005-2015, cộng với khoản ngân sách quốc phòng hàng năm là 20 tỷ bạt (gần 700 triệu USD).

Việc trang bị vũ khí mới đã được tiến hành với những máy bay chiến đấu, trực thăng vận tải, xe tăng chiến đấu, APC, pháo tự hành, các hệ thống phòng không, các loại máy bay không người lái (UAV), tàu khu trục, OPV, máy bay tìm kiếm và cứu hộ (SAR)… đồng thời cải tiến mạng lưới kiểm soát, điều hành, thông tin, tình báo và vi tính hóa quân đội. Nói cách khác là mọi thứ.

Dù là một nước mạnh trong đất liền hơn, nhưng Thái Lan cũng rất quan tâm đến các lợi ích ngoài biển, trong đó có việc bảo vệ các mỏ dầu và khí đốt ngoài khơi, chống khủng bố, hải tặc và buôn bán bất hợp pháp tại các vùng lãnh hải của mình. Hải quân Hoàng gia Thái Lan (RTN) chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh bờ biển và các EEZ ngoài khơi. Mới đây, RTN đã mua mới và sử dụng nhiều tàu khu trục từ Mỹ và Anh, cũng như 2 chiếc OPV của Trung Quốc. RTN cũng muốn mua tàu ngầm nhưng ngân sách hiện chưa cho phép.

Hiện, RTN đang vận hành chiếc hàng không mẫu hạm duy nhất trong khu vực – nặng 10.000 tấn, loại Chakri Nareubet của Tây Ban Nha – được trang bị máy bay phản lực AV-8A Harrier và 6 trực thăng S-70B Seahawk đang được sử dụng của họ. Chiếc hàng không mẫu hàm này có nhiệm vụ bảo vệ vùng trời và tiến hành các chiến dịch chống tàu ngầm trong thời chiếc và khi gặp thảm họa trong thời bình. Kể từ khi Chakri Nareubet được chuyển giao cho RTN năm 1997, hàng không mẫu hạm này hầu như chỉ “ngủ” trong cảng vì chi phí vận hành cao, ngoài lần được huy động duy nhất trong các hoạt động cứu hộ sau vụ sóng thần ở Ấn Độ Dương ngày 26/12/2004.

Không quân Hoàng gia Thái Lan (RTAF) đã chịu đựng cảnh liên tiếp thiếu vốn sau cuộc khủng hoảng châu Á. Cuối những năm 1990, RTAF có ý định mua chiến đấu cơ F/A-18, nhưng đơn đặt hàng này đã bị hoãn lại vì khủng hoảng tài chính. Những nỗ lực sau này nhằm mua phiên bản “C/D” của F-16 cũng lại bị bỏ qua để nhường chỗ cho việc mua thêm những F-16A/B đã qua sử dụng. Tuy nhiên, năm 2007, RTAF cuối cùng đã quyết định mua 6 chiếc (sau này tăng lên 12) chiến đấu cơ Gripen của Thụy Điển. Các đơn mua hàng gần đây của quân đội Thái bao gồm súng trường TAR-21 của Israel, trực thăng M-17 của Nga, pháo xe tải CAESAR 155mm của Pháp, và xe bọc thép BTR-3E1 của Ukraine.

Việt Nam

Việt Nam có lợi ích rõ ràng trong việc bảo vệ các EEZ của mình trên biển và thúc đẩy việc đòi chủ quyền lãnh thổ ở quần đảo Trường Sa. Hải quân Việt Nam đang gia tăng đáng kể các khả năng quốc phòng trong những năm gần đây. Hải quân đã mua 3 tàu hộ tống nhỏ mới, được trang bị động cơ của Đức và các radar của Anh và Mỹ; cùng một chục tàu tuần tra cao tốc Svetlyak-class. Việt Nam cũng ký một thỏa thuận vũ khí lớn với Ba Lan năm 2005 về việc mua 10 máy bay tuần tra trên biển M-28 và 40 máy bay Su-22M. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tự chế tạo 40 tàu tuần tra ngoài khơi nặng 400 tấn và 6 tàu tuần tra ven biển nặng 150 tấn.

Đặc biệt, Hải quân Việt Nam mới đây tuyên bố ý định mua 6 tàu ngầm Kilo-class chạy bằng động cơ điện – diesel của Nga trị giá 2 tỷ USD. Trong cùng thời gian này, Không quân Việt Nam là một lực lượng mạnh nhưng lạc hậu, chủ yếu sở hữu những chiếc MiG-21 và Su-22. Lực lượng này đã hiện đại hóa trong những năm 1990 bằng việc mua các chiến đấu cơ Sukhoi Su-27, và sau đó mua loại Su-30MKK đa năng hơn vào năm 2003, nhưng quá trình này vẫn còn chậm và khiêm tốn. Cho đến năm 2009, họ mới chỉ mua 12 chiếc Su-27 và 12 chiếc Su-30MKK. Gần đây, họ đã tuyên bố có thể mua thêm một chục chiếc Su-30.

(Còn nữa)

Quốc Thái theo FP

@ TuầnVietNam.Net

Tâm lí tham nhũng

Hôm nọ, đọc bài phân tích của Nguyễn Trần Bạt về tâm lí tham nhũng rất thú vị, làm tôi nhớ đến một nghiên cứu về tham nhũng ở Phi Luật Tân. Phi Luật Tân là một nước nhỏ hơn nước ta một chút, một quốc gia có thể nói là dân chủ hơn nước ta, nhưng tham nhũng ở Phi Luật Tân cũng có vẻ không kém gì so với nước ta. Do đó, tôi nghĩ nhìn sang xem họ (người dân Phi Luật Tân) nghĩ gì về tham nhũng cũng có thể cung cấp cho chúng ta một vài kinh nghiệm và bài học. Do đó, tôi đọc lại bài báo về tham nhũng của tác giả Regina M. Hechanova trên đăng trên tờ Inquirer của Phi Luật Tân. Hechanova là phó giáo sư tâm lí học của Đại học Anteneo de Manila và giám đốc trung tâm nghiên cứu về tổ chức và phát triển thuộc đại học này.

Đọc những phát hiện và phân tích trong bài này tôi thấy sao mà giống Việt Nam thế! Hình như tham nhũng ở các nước nghèo đều có nhiều đặc điểm giống nhau. Chỉ có điều là ở Phi Luật Tân người ta có những công trình nghiên cứu như thế này, còn ở ta thì hình như vấn đề còn “nhạy cảm” nên các chuyên gia ở đại học chưa ai dám làm nghiên cứu.

Tâm lí tham nhũng

http://avii13.files.wordpress.com/2009/07/imgname-west_colludes_with_corruption-50226711-newbribe.jpg

Regina M. Hechanova

Chúng ta đánh ngã một nhà độc tài và nghĩ rằng chúng ta đã tiêu diệt những tay chân của y. Thế mà với 4 chính phủ sau đó, vấn đề tham nhũng và hối lộ tiếp tục gây tác hại cho đất nước chúng ta. Trong viễn cảnh lịch sử tự lặp lại, một số người bắt đầu hỏi thay đổi tổng thống có thật sự xóa bỏ tham nhũng? Có lẽ không, nếu như chúng ta không hiểu lí do tại sao tham nhũng tiếp tục tồn tại ở nước ta và chúng ta phải làm một cái gì đó về tham nhũng.

Một công trình nghiên cứu gần đây về thái độ của người Phi Luật Tân liên quan đến vấn đề tham nhũng và hối lộ đã soi sáng cho chúng ta hiện tượng tiêu cực trong xã hội này. Ba nghiên cứu sinh Tanya Gisbert, Therese Posas và Karla Santos phỏng vấn 12 người và thăm dò ý kiến của 380 người từ 3 thành phần xã hội có thu nhập cao, trung bình, và thấp, tất cả đều là cư dân ở thủ đô Manila. Họ hỏi về định nghĩa thế nào là tham nhũng, hành động nào được xem là tham những, tại sao tham nhũng tồn tại, và có muốn dính dáng vào tham nhũng hay không. Những kết quả của nghiên cứu này có thể tóm lược qua các điểm sau đây:

Tham nhũng là một hình thức ăn cắp

Công trình nghiên cứu phát hiện rằng người dân định nghĩa tham nhũng là một hình thức ăn cắp. Tham nhũng được chia thành 2 loại theo qui mô: tham nhũng nhỏ và tham nhũng lớn. Tham nhũng nhỏ thường liên quan đến thường dân và thương gia cấp nhỏ. Tham nhũng lớn thường xảy ra ở cấp nhà nước và các “đại gia” trong thương trường. Tham nhũng nhỏ bao gồm những hành động như đút lót cảnh sát để tránh bị phạt, bôi trơn các quan chức chính phủ để công việc được trôi chảy. Trong môi trường kinh doanh, tham nhũng cũng bao gồm việc bòn rút tiền công ti bằng cách làm hóa đơn với số tiền chi nhiều hơn số tiền chi trong thực tế.

Phổ biến

Khi được hỏi tại sao tham nhũng tồn tại, thì nhiều người chỉ ra những “tấm gương” tiêu cực của quan chức nhà nước. Một số người mô tả tình trạng tham nhũng ở Phi Luật Tân như đã thấm vào máu.

Khi được hỏi tại sao lại can dự vào tham nhũng và đút lót, những người có thu nhập thấp cho biết đó chỉ là một cách để duy trì sự sống còn của gia đình. Nhưng những người có thu nhập cao thì cho rằng phải hối lộ cho quan chức nhà nước để công việc được trôi chảy, tức là một cách vượt rào hay “đi tắt đón đầu”. Một người nói thẳng rằng: tại sao lại chuốc lấy phiền phức cho mình khi mà chỉ cần một một số tiền nhỏ là có thể giải quyết xong vấn đề.

Một phát hiện thú vị của công trình nghiên cứu là các đối tượng giàu có (thu nhập cao) thường chấp nhận tham nhũng và sẵn sàng đút lót, nhưng những đối tượng có thu nhập thấp và trung bình thì thường không chấp nhận tham nhũng. Giai cấp có mức thu nhập trung bình là giai cấp chống tham nhũng nhiều nhất. Nhiều người phàn nàn rằng tiền thuế họ đóng góp cho nhà nước bị tiêu phí cho những dịch vụ vô hình và kém chất lượng. Một người phản ảnh rằng có lần một quan chức tuyên bố sẽ có dịch vụ khám sức khỏe và phát thuốc miển phí, nhưng thật ra chẳng có gì miển phí, mà sau đó người ta thấy vị quan chức đó có xe hơi mới và nhà của ông ta được xây dựng khang trang hơn.

Nên hiểu những phát hiện này như thế nào? Dù tham nhũng có thể nhìn với nhiều quan điểm, nhưng nó có thể xem là một hiện tượng xã hội có nguồn gốc từ nhiều quan niệm tâm lí. Những yếu tố tâm lí đó có thể tóm lược như sau:

Thiếu tấm gương tốt. Chúng ta học từ hành động của người khác, và người dân “đến” với tham nhũng qua những tương tác với chính quyền. Chúng ta thấy quá nhiều tham nhũng trên báo chí, quá nhiều hành động tham nhũng của các quan chức nhà nước, nhưng có rất ít người có tấm gương sáng để đối chọi lại tham nhũng. Hệ quả là giới trẻ và những quan chức tương lai xem hành động tham nhũng là điều có thể chấp nhận được.

Vô cảm. Mặcc dù người dân chỉ trích tham nhũng trong chính quyền, nhưng người dân lại thấy những hành động đút lót và “bôi trơn” để đạt được mục tiêu của mình là một điều có thể chấp nhận được! Vấn đề ở đây là làm sao có thể có một đường ranh để phân biệt đâu là tham nhũng nhỏ và đâu là tham nhũng lớn. Tham nhũng lớn ắt phải bắt đầu bằng tham nhũng nhỏ.

Hợp lí hóa. Những người hành xử tiêu cực sẽ tìm cách biện minh cho hành vi xấu của họ để tự cảm thấy họ không có mâu thuẫn. Họ từ chối trách nhiệm, và biện minh rằng họ tham nhũng vì tình thế bắt buộc chứ không còn lựa chọn nào khác. Kiểu giải thích “gặp thời thế, thế thời phải thế”. Một biện minh khác là phủ nhận tai hại của tham nhũng, cho rằng tham nhũng chẳng làm hại ai, tức là một cách lí giải kiểu cứu cánh biện minh cho phương tiện!

Củng cố vị trí xã hội. Sự khác biệt về thái độ đối với tham nhũng giữa các thành phần kinh tế có thể giải thích bằng khái niệm củng cố quyền lực. Đối với những người có thu nhập cao, chi phí cho tham nhũng chẳng là bao nhiêu so với lợi ích mà họ đạt được. Đối với người có thu nhập trung bình hay thấp, họ thấy tham nhũng là bòn rút đồng tiền mà họ làm làm lụn rất vất vả mới có được, và chi phí cho tham nhũng có khi còn nhiều hơn thu nhập của họ. Do đó, người giàu dễ dễ dàng chấp nhận tham nhũng hơn là người nghèo.

Bất lực. Mặc dù người dân nói chung bực tức trước tình trạng tham nhũng, nhưng người dân cũng cảm thấy bất lực, không làm gì được để cải tiến tình hình. Người dân thấy rằng khó mà diệt được tham nhũng, bởi vì chính những người có quyền lực cao nhất cũng chính là những kẻ tham nhũng.

Với những yếu tố tạo nên văn hóa tham nhũng mà chúng ta đã biết qua nghiên cứu này, câu hỏi đặt ra là chúng ta có thể làm gì? Tham nhũng, như trình bày trong nghiên cứu này, là một hiện tượng phức tạp bắt nguồn từ tâm lí và văn hóa. Nghiên cứu này cho thấy ngoài những hành động của giới lãnh đạo và cơ chế xã hội, chúng ta cần có niềm tin rằng có thể tiêu diệt tham nhũng. Một sự thay đổi về nhận thức như thế đòi hỏi nhiều thế hệ và cần một nỗ lực của nhiều thành phần – từ gia đình, trường học và các định chế xã hội.

Lược dịch từ bài “Psychology of corruption” của Regina M. Hechanova, đăng trên báo Philippine Daily Inquirer số ra ngày 3/15/2008.

http://opinion.inquirer.net/inquireropinion/talkofthetown/view/20080315-124939/Psychology-of-corruption

@nguyenvantuan.net

HOANG MANG TA HỎI TRỜI CAO …

Nguyễn ngọc Tư

Như những hòn tuyết lăn, cái ác càng đi xa càng lớn dần. Dường như bạn hiểu được chút nào, dường như càng hiểu càng ngơ ngác…
Người cha gặp lại con khi con đã mười bốn tuổi và vừa từ cõi chết trở về. Lần gặp gần nhất giữa hai cha con là khi nó ba ngày tuổi.
Người mẹ để con đi ở mướn đổi lấy chút tiền còm cõi, quên bỏ nó ở đâu đó mà không hay con bị chủ tra tấn bằng những nhục hình được cho là “kinh điển của thời Trung cổ”, và suýt chút nữa bà lại tiếp tục thò tay lấy tiền đổi bằng những vết thương chí mạng của con mình.
Người mẹ đánh đập con đẻ của mình, bỏ đói, nhốt nó trong chuồng chó, hắt nước sôi lên người nó…
Vị trí đặt quảng cáo
Người cha ném chết con khi đứa bé vẫn còn nằm trên giường đẻ đầm đìa mùi than lửa, mùi sữa mẹ…
Mỗi ngày lật trang báo ra lại gặp một vài câu chuyện cay xé. Những tin tức giống vậy ngày càng thường xuyên, đều đặn, thản nhiên như tình hình thời tiết, chứng khoán, giá vàng… Cha mẹ bán con cho đường dây chăn dắt trẻ ăn xin. Cha mẹ bán gả con cho bọn buôn người xuyên biên giới. Cha mẹ bỏ rơi con. Bạn tự hỏi chuyện gì đang xảy ra? Tại sao và tại sao?
Tất cả họ đều có câu trả lời, như bà mẹ kia nói vì bà nghèo khổ quá nên mới đợ con. Bà mẹ này bảo vì hận người chồng tệ bạc nên thấy con là như thấy người xưa, đánh nó để trả thù cha nó. Bà mẹ nọ nói do bà với con kỵ tuổi nhau. Và vụ ném đứa con một tháng tuổi chết là do người cha không được đáp ứng tình dục từ vợ mình (đang nằm cữ). Đôi khi là những lý do rất ơ hờ như “hoàn cảnh đẩy đưa…”.
Nhà giáo dục nói do trình độ văn hóa thấp, nhận thức kém, những nền tảng đạo lý bị phá vỡ. Nhà nghiên cứu văn hóa nói vì dân tộc tính, cô Tấm không bạo lực sao? Chuyên gia nói vì tâm lý họ có vấn đề, vì cuộc sống căng thẳng, bẩn chật quá. Nhà quản lý nói luật pháp chưa đến với người dân. Nhà văn nói họ không đọc một trang sách nào, nên những vẻ đẹp tâm hồn đã chết đói. Người bi quan nói con người đã lên đến đỉnh cao nên giờ thoái hóa mất rồi, đi một vòng luẩn quẩn từ thú thành người giờ từ người thành thú.
Người ta viện dẫn bao nhiêu lý do rồi bạn vẫn quay quắt bởi câu hỏi, chuyện gì đang xảy ra? Không hiểu được. Khó hiểu quá. Bởi bạn là người thấy móng tay con mình bị xước cũng xót xa, nó bị muỗi cắn vài chỗ cũng thót ruột, tí rôm xảy trên trán cũng lo lắng, nó khóc giữa cơn mơ bạn cũng hoảng hồn, phải chạy vô chiêm bao được bạn cũng chạy vô đó để an ủi nó. Bất đắc dĩ khi con rời khỏi tay mẹ đến trường, bạn chạy vạy để con học ở ngôi trường thoáng mát có sân chơi, có cây xanh, bạn tặng quà cho cô giáo những mong cô chăm chút con thêm tí…
Nhưng những ông cha bà mẹ kia, họ sao vậy? Chuyện gì đang xảy ra? Họ được gọi là người – cha, người – mẹ mà… Bạn cố hiểu…
Sáng sáng bạn mở trang báo thấy có người bị giết chỉ vì một va chạm nhỏ trên đường, có người tàn phế cả đời vì vô tình đi lạc vào đồn điền kẻ khác, có người đi trộm chó bị dân làng đánh đến chết, chẳng hiểu sao bạn nghĩ, trong số những người ra tay tàn độc này, có nhiều người từng là những đứa trẻ lớn lên với roi vọt làm cơm, nhục hình như nước uống. Họ học sự nhẫn tâm từ chính cha mẹ mình. Và biết đâu họ cũng lại là những người cha người mẹ nhẫn tâm.
Như những hòn tuyết lăn, cái ác càng đi xa càng lớn dần.
Dường như bạn hiểu được chút nào, dường như càng hiểu càng ngơ ngác…