Giải pháp “vàng” cho bệnh nhân đột quỵ não

Nguy cơ tử vong ở những người đột quỵ do tắc động mạch não có thể lên tới 90% nếu không được điều trị kịp thời. Một số trường hợp có thể qua khỏi cơn nguy kịch nhưng lại phải gánh chịu di chứng nặng nề. Điều đáng lưu tâm là hiện nay, tắc động mạch não không chỉ thường thấy ở người cao tuổi mà xu hướng trẻ hóa bệnh đang ngày một gia tăng. Một phương pháp điều trị mới đang được ứng dụng tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai trở thành hy vọng cho người bệnh và mang đến một cách nhìn mới cho các thầy thuốc trước căn bệnh này.

Cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu não.

Chạy đua với thời gian

Không bị tăng huyết áp, không đái tháo đường, chỉ mới ở tuổi 48 nên ông Trần Văn B. (Cẩm Giàng – Hưng Yên) khá tự tin với sức khỏe của mình. Đột nhiên ông B có dấu hiệu liệt nửa người bên phải và không nói được. Ngay lập tức bệnh nhân được gia đình nhanh chóng đưa đến Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai sau 55 phút khởi phát bệnh. Các bác sĩ cho biết, khi vào khoa, tình trạng của bệnh nhân rất nguy kịch, bệnh nhân hôn mê, không nói được, liệt hoàn toàn nửa người bên phải. Ngay lập tức, ông B. được khám và tiến hành làm các xét nghiệm máu, chụp CT sọ não. Đây là trường hợp nhồi máu não do tắc động mạch não giữa giờ thứ nhất. Đúng vào thời điểm này, Khoa Cấp cứu bắt đầu ứng dụng phương pháp mới nhất điều trị tắc mạch máu não bằng thuốc tiêu sợi huyết. May mắn hơn nữa là bệnh nhân đã đến viện kịp thời, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn lựa chọn để dùng thuốc tiêu sợi huyết theo quy trình điều trị chuẩn. Sau hai tuần điều trị, ông B. thoát khỏi bàn tay tử thần và dần hồi phục hoàn toàn, trở lại cuộc sống bình thường.

ThS. Mai Duy Tôn, người trực tiếp học hỏi và ứng dụng phương pháp điều trị mới này cho biết, có rất nhiều nguy cơ dẫn đến tắc mạch máu não. Đó là tuổi cao, tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch (đặc biệt rung nhĩ), hút thuốc lá, nghiện rượu, béo phì, đái tháo đường, hẹp động mạch cảnh… Để có cơ may được điều trị hiệu quả, người bệnh cần nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh như: Đột ngột yếu hoặc tê bì mặt, tay hoặc chân, đặc biệt hay xảy ra ở một bên của cơ thể; Đột ngột rối loạn ý thức; Có bất thường về lời nói hoặc hiểu lời nói; Chóng mặt hoặc mất thăng bằng; Đau đầu dữ dội xảy ra đột ngột mà không rõ căn nguyên.

Đột phá trong điều trị tai biến mạch máu não

Theo các chuyên gia hồi sức cấp cứu và tim mạch, hiện nay trên thế giới cũng như Việt Nam, tai biến mạch máu não là nguyên nhân gây tàn phế và tử vong thứ 2 sau các bệnh lý tim mạch. Bệnh nhân không chỉ là người cao tuổi mà ngày một trẻ hóa. Bản chất của nhồi máu não là do giảm đột ngột lượng máu đến não, có thể do tắc nghẽn hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn mạch máu do cục máu đông, làm cho tế bào não không được tưới máu, không được nuôi dưỡng, làm giảm ôxy… Quá trình này nếu kéo dài sẽ làm tổn thương tế bào não, thậm chí làm chết tế bào và gây ra các hậu quả mà biểu hiện bằng các dấu hiệu khi ta quan sát, tiếp xúc với người bệnh như đột ngột liệt một bên tay, chân, nói ngọng, nói khó, không nói được, không thể nhận biết được bản thân và người xung quanh.

Theo ThS. Mai Duy Tôn, cùng với các biện pháp cấp cứu, điều trị bệnh triệt để nhất hiện nay là dùng thuốc tiêu sợi huyết sớm trong vòng 3 giờ đầu kể từ khi có triệu chứng đầu tiên, nếu bệnh nhân đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chỉ định và không có các chống chỉ định. Đây là một phương pháp điều trị mới đang được áp dụng tại một số bệnh viện ở phía Nam, còn tại miền Bắc, phương pháp này cũng đang được áp dụng điều trị tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân khi có chỉ định dùng thuốc sẽ được truyền trong vòng 1 giờ, trong thời gian dùng thuốc và sau dùng thuốc, bệnh nhân sẽ được chăm sóc và theo dõi sát tại các đơn vị hồi sức.

Theo kết quả công bố của rất nhiều nước trên thế giới cho thấy, những bệnh nhân được dùng thuốc làm tan cục máu đông này đã mang lại kết quả rất tốt và an toàn cho bệnh nhân.
ThS. Mai Duy Tôn, đơn vị điều trị tắc mạch máu não – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai:

Thế nào là thời gian vàng trong điều trị tắc mạch máu não?

Thuật ngữ “thời gian vàng” trong điều trị tắc mạch máu não là thời gian kể từ khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đột quỵ đầu tiên đến khi bệnh nhân được dùng thuốc tiêu sợi huyết, đây là thời gian rất quan trọng quyết định sự thành công trong điều trị tiêu sợi huyết cho những bệnh nhân nhồi máu não giai đoạn cấp, thường thời gian này chỉ trong vòng 3 giờ đầu tính từ khi bệnh nhân có triệu chứng đầu tiên, tốt nhất là trong vòng 1 giờ.

Có phải tất cả bệnh nhân bị nhồi máu não đều có thể sử dụng thuốc chống đông?

Hiện tại, bệnh nhân tai biến mạch máu não được điều trị bằng các biện pháp hồi sức về hô hấp, tuần hoàn, điều chỉnh huyết áp, kiểm soát tăng đường máu, tăng cường tuần hoàn não, dùng các thuốc chống ngưng tập tiểu cầu… Trong đó thuốc tiêu sợi huyết là một trong những phương pháp điều trị rất có hiệu quả nếu bệnh nhân chẩn đoán nhồi máu não đến viện sớm trước 3 giờ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn dùng thuốc và không có các chống chỉ định. Chúng tôi đã tiến hành điều trị cho 3 bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch mai với kết quả rất tốt.

Bệnh nhân có được cơ quan bảo hiểm chi trả không?

Điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết hiện nay cần chi phí khoảng 10 triệu đồng/1 lọ thuốc tuỳ thuộc cân nặng của bệnh nhân, thường thì một bệnh nhân chỉ cần dùng 1 lọ. Hiện nay chúng tôi đang đề nghị Bộ Y tế, Bảo hiểm y tế xem xét công nhận thuốc này trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả.

Hà Anh

@khoahocdoisong

Khi về già, “yêu” có hại không?

Tôi năm nay 60 tuổi nhưng vẫn còn ham muốn chuyện chăn gối (1lần/tuần). Nhiều người cho rằng ở độ tuổi của tôi nếu vẫn còn sung mãn thế thì sẽ rất tổn thọ, nhưng tôi được biết, nếu mà vẫn còn ham muốn tình dục mà cố gắng kìm hãm thì sẽ bị ảnh hưởng tới sức khoẻ. Xin quý báo cho lời khuyên.

Hoàng Trọng Hiếu

Thực tế cho thấy tình dục không phụ thuộc vào tuổi tác mà phụ thuộc nhiều vào sức khỏe và văn hoá tình dục. Sinh học tình dục và nhu cầu tình dục ở mỗi người mỗi khác, đối với người cao tuổi, nhất là nam giới thì đó cũng chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường. Theo nghiên cứu, nếu bạn làm chuyện ấy thích hợp, hài hoà sẽ giúp tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể, giúp người cao tuổi giải tỏa căng thẳng, loại bỏ cảm giác cô độc. Vì vậy khi còn sung mãn, mặc dù tuổi đã cao, bạn đừng cố gắng kìm hãm. Người già áp dụng biện pháp cố gắng tự kiềm chế có thể dẫn đến tình trạng chất cặn bã của tinh dịch, dịch tuyến tiền liệt do tinh hoàn, túi đựng tinh hoàn, tuyến tiền liệt tiết ra không được đào thải tự nhiên, có thể làm cho bụng dưới có cảm giác nặng nề khó chịu. Nếu kiềm chế trong một thời gian dài còn có thể bị liệt dương, tạo nên bóng đêm u ám trong đời sống vợ chồng. Ở phụ nữ có hiện tượng hồi xuân, thời điểm này, tinh thần các bà trở nên phấn khởi kéo theo sự ham muốn tình dục cũng tăng cao. Lúc này, sự thoả mãn về tâm lý chuyện phòng the quan trọng hơn thoả mãn về sinh lý. Vì vậy, khi đã đến tuổi về hưu, các bạn nên chú trọng tới sự hài hoà, lắng nghe đối phương và cần phải duy trì sự điều độ trong sinh hoạt tình dục. Khi về già, cơ thể, sức khoẻ không còn như thời trẻ, những bệnh tim mạch, huyết áp sẽ xuất hiện. Chuyện quan hệ vợ chồng cũng phải được lưu ý, không nên cố gắng khi cơ thể mệt mỏi. Thế nhưng cũng không nên mặc cảm cho rằng mình đã già, có cháu nội ngoại nên không thể sinh hoạt tình dục được nữa. Chuyện phòng the ở người cao tuổi là “liệu cơm gắp mắm”. Khi đàn ông ở tuổi 60 vẫn còn ham muốn nhưng các cụ bà ở tuổi này, lửa lòng đã nguội nên thường xuyên tìm cách né tránh khiến cuộc sống tình dục mất hài hoà. Vì thế, muốn chuyện ấy, phải căn cứ vào sức khoẻ, vào tâm lý của đối tác, đừng cố gượng ép mà để xảy ra những  hậu quả đáng tiếc.

ThS. Hà Hùng

@Suckhoedoisong

Trò chuyện với 2 học sinh thủ khoa gốc Việt tại Mỹ

Câu Chuyện Nước Mỹ hôm nay sẽ giới thiệu cùng quí vị vài học sinh gốc Việt đã đoạt thành tích cao trên con đường học vấn, đó là hai thủ khoa của hai trường trung học, một ở California và một ở Texas.

Các học sinh này chỉ là hai trong số khá đông các em học sinh trung học gốc Việt đứng đầu bảng vào dịp hoàn tất năm cuối cùng ở trung học. Mời quí vị theo dõi bài viết sau đây với Lan Phương.

Jenny Lê, thủ khoa trường trung học Clear Lake, Houston, bang Texas

Em Jenny Lê, học sinh trường trung học Clear Lake, Houston, bang Texas, thích đọc sách từ nhỏ, sách em đọc là sách lịch sử và tiểu thuyết. Jenny cho biết cha mẹ em không muốn em đọc tiểu thuyết nhiều nên Jenny dồn chú ý vào lịch sử, vì vậy khi vào trường, em đã có sẵn kiến thức về bộ môn này. Jenny Lê giải thích lý do mà em thích lịch sử: nó thường giúp các chính trị gia tránh được vết xe cũ. Và không phải chỉ có học không thôi, Jenny còn tham gia vào các hoạt động khác của nhà trường.

Em nói: “Ở trong trường mỗi tuần con thường xuyên đi tranh luận, với các trường khác, qua tổ chức có tên là National Forensic League. Trong mỗi cuộc tranh luận có hai người, mỗi tham dự viên vừa phải là diễn giả nói chuyện một mình trước cử tọa, và sau đó tham gia cuộc tranh luận với một học sinh khác. Trong loại diễn giả nói chuyện một mình trước cử tọa, tham dự viên có 30 phút để viết một bài luận văn và rồi nói chuyện trước cử tọa không được cầm giấy, về một đề tài, thí dụ về nước Germany (Đức) đang làm gì với bà Thủ tướng mới, hoặc là chuyện gì xảy ra sau vụ động đất ở Trung Quốc. Sau đó là phần tranh luận với một học sinh khác.”

Ngoài những hoạt động trong nhà trường như vừa kể, Jenny Lê còn tham gia vào các hoạt động ở bên ngoài: em đã theo học tiếng Việt vào cuối tuần từ 11 năm nay, và em đọc sử Việt cũng khá nhiều, tuy nhiên em không đọc sử hiện đại của Việt Nam mà là sử của những thời trước, và Jenny Lê cho biết em thường hay quên tên các nhân vật trong lịch sử Việt Nam vì “tên thường hay giống nhau quá”.

Dự tính của Jenny Lê là sẽ theo ngành luật, nhưng trong 4 năm đầu đại học em sẽ học về kinh tế hoặc chính trị. Còn về tương lai xa Jenny muốn làm việc cho chính phủ trong ngành ngoại giao.

Được biết Jenny Lê được chọn là 1 trong số hai đại biểu của bang Texas tham gia chương trình US Senate Youth Program. Chương trình này được thành lập năm 1962, được Thượng Viện Hoa Kỳ bảo trợ và kể từ khi bắt đầu, chương trình được hội Hearst Foundation tài trợ hoàn toàn. Mục tiêu của chương trình này là “gia tăng sự hiểu biết của giới trẻ Hoa Kỳ về quan hệ giữa 3 ngành của chính phủ, tầm cỡ và trách nhiệm của các giới chức công cử cũng như các giớ chức được bổ nhiệm của liên bang, và tầm mức tối thiết yếu của việc đưa ra những quyết định dân chủ không những chỉ cho nước Mỹ mà cho người dân trên khắp thế giới nữa.”

Để được tham gia chương trình này, các học sinh phải cạnh tranh gay go. Lọt vào chương trình này, các học sinh được đến thủ đô trong 1 tuần để học hỏi về chính trị, tham dự các cuộc họp và tường trình của giới lãnh đạo Thượng viện, gặp gỡ các Thượng nghị sỹ khác và ban nhân viên của quốc hội., gặp Tổng thống, một thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, lãnh đạo các cơ quan trong chính phủ, một vị đại sứ của một nước nào đó tại Hoa Kỳ. Ngoài ra mỗi em còn được học bổng 5 ngàn đô la để trả tiền học bậc cử nhân. Tháng Ba vừa qua, Jenny Lê đã đến thủ đô Washingon trong chương trình này. Em kể lại một số kinh nghiệm trong một tuần lễ tham gia chương trình:

“104 học sinh chúng con đi lên đó, tụi con được nói chuyện vói ông Tổng thống Obama và rất nhiều người khác như bà Sotomayor của Supreme Court (Tối Cao Pháp Viện), thành ra tụi con được học rất nhiều về chính trị. Chúng con cũng nói chuyện với nhau để coi chúng con làm gì trong cộng đồng, và chúng con sẽ làm gì sau khi được vào đại học. Kinh nhgiệm con nhớ nhiều nhất là được gặp Tổng thống Obama. Chúng con không ngờ là được gặp ông Tổng thống. Chúng con được bắt tay và nói chuyện với ông. Chúng con không hỏi gì khó, chỉ hỏi đại khái ông có thích làm Tổng thống không, nhưng còn đối với những dân biểu, có chức nhỏ hơn, chúng con đặt những câu hỏi rất khó, thí dụ như ông dân biểu đó làm chương trình này năm 2006, tại sao năm 2007 lại không tiếp tục nữa, hoặc là tại sao ông lại sử dụng phí phạm 450 ngàn đô la trong năm này.

Khi được hỏi là các em đặt câu hỏi khó với ông dân biểu như vậy thì các ông có trả lời hay không? Em Jenny cho biết:

“Nói thật với cô, có mấy ông dân biểu không trả lời đúng câu hỏi đó, mấy ông bắt đầu nói về những chuyện khác.”

Năm nay Jenny Lê tốt ngiệp hạng đầu bảng của nhà trường và đã được học bổng của đại học Harvard để theo học ban cử nhân suốt 4 năm. Học phí tại Harvard là 53 ngàn đô la một năm. Jenny chỉ phải bù thêm có 4 ngàn đô la mỗi năm, nhưng em lại được nhiều học bổng khác, nên đủ để đắp vào chỗ còn thiếu.

Amy Lê, thủ khoa trường trung học Edison, thành phố Huntington Beach

Qua sang California, em Amy Lê, 17 tuổi, tốt nghiệp thủ khoa trường trung học Edison, thành phố Huntington Beach, với điểm số là 5.2.

Em nhận được học bổng Young Entrepreneur Awards 2010 của Sam’s Club và National Charity League. Ngoài ra em còn được các đại học nổi tiếng nhận và cấp học bổng để theo học, kể cả University of Pennsylvania ở miền đông. Tuy nhiên Amy Lê quyến luyến ông bà, cha mẹ, nên đã chọn học ở UCI cho gần nhà.

Cũng giống như Jenny Lê, Amy Lê ham thích đọc sách từ nhỏ. Em rất thích toán, vật lý và văn chương.

Amy Lê dự tính sẽ theo học ngành công nghệ sinh học y khoa tại UCI. Em chưa biết là có muốn theo học ngành y hay không, nhưng biết chắc là muốn làm việc trong lãnh vực y tế. Nói về mục tiêu dài hạn trong đời, Amy Lê cho biết:

“Mục đích lớn nhất là cháu muốn sau này làm cái gì giúp ích cho mọi người. Đi học thì con mói học được nhiều advencement (tiến bộ) của nước Mỹ. Ở Mỹ người ta chế được các thứ thuốc, hầu như bệnh gì cũng đều có thuốc để chữa. Nhưng vấn đề lớn nhất là những thuốc này quá đắt. Những nơi nghèo như Việt Nam, thuốc thì có, nhưng dân nghèo không thể nào mua được để chữa trị vì thuốc quá đắt. Điều đó làm cho cháu rất buồn vì những cái chết xảy ra. Nên mục đích của cháu là học về thuốc, về y tế để sau này bào chế những thứ thuốc rẻ hơn để mọi người đều có thể có thuốc chữa bệnh. Đấy là mục đích của con nhưng không biết có đạt được hay không.”

Ngoài vấn đề học hỏi ở nhà trường, Amy Lê có những sinh hoạt khác.

Em cho biết: “Cháu rất thích làm việc từ thiện, làm việc cho cộng đồng. Cháu ở Huntington Beach, trong thành phố có community service department (phân bộ về dịch vụ cộng đồng), cháu tình nguyện làm ở đấy. Tới mùa Noel, tiệm sách Barnes and Noble cho sách, cháu tới giúp sắp xếp cả ngàn cuốn sách để phân phối cho những nơi khác nhau, cho các em bị ba mẹ bỏ, hay những gia đình có vấn đề hay những trường trung học, tiểu học. Mỗi chủ nhật, cháu đi lên chùa tham gia hoạt động của Phật tử, từ đó có nhiều hoạt động khác nhau. Thí dụ như khi xảy ra trận bão Katrina hay động đất ở Haiti có những hoạt động quyên tiền, cháu cũng tham gia.”

@ VOA

Bấm nút thôi

Hôm 28 tháng 5 QH họp quyết toán chi ngân sách năm 2008 của chính phủ. Nhìn vào một số diễn biến sự việc ở phiên thảo luận được tường thuật trên các trang báo lề phải, người dân tự hỏi vai trò của QH là gì trong trò đùa dai này của đảng. Phải chăng cái vở kịch của cái gọi là dân chủ ngày càng được công diễn tồi tệ hơn bởi chính các diễn viên chuyên nghiệp mà thiếu chuyên nghiệp. Hay nói cách khác hơn là vì diễn quá hăng say đến nỗi quên đi cả lời thoại được bú mớm trước khi diễn? Một thực tế phủ phàng cho các vai diễn là không nắm được nội dung của vở kịch theo ý của “tổng đạo diễn”, thành ra thay vì diễn bi mà hóa thành hài là vậy?

Tất nhiên trong vở kịch họp hành này bao giờ cũng có ba phân đoạn. Phần báo cáo của chính phủ về đề tài sẽ phải mỗ xẻ, phần thảo luận cho vui lòng công chúng của các ông bà “đảng cử nghị”, và phần cuối cùng là bấm nút thông qua đề tài trên.

Nói chung thì vở diễn ngày 28 tháng 5 cũng không có gì đáng bàn, nhưng cái đáng bàn là phần thoại của diễn viên(phân đoạn II), sau khi nghe xong báo cáo quyết toàn ngân sách của chính phủ năm 2008(phân đoạn I).

“Diễn viên Nguyễn Văn Ba (Khánh Hoà) nói thật: “Phải bấm nút thôi vì tiền đã chi xong cả rồi”. Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng nói: “Tôi sẽ bấm nút thông qua quyết toán ngân sách thôi. Vì tiền thu đã thu rồi, tiêu đã tiêu xong”. Theo ông Lịch, cách làm ngân sách hiện nay khiến QH không thể kiểm soát được chi tiêu của Chính phủ. Từng giảng dạy tài chính công tại đại học, nguyên là viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM nhưng ông Lịch khẳng định ông đọc bản báo cáo của Chính phủ vẫn… không hiểu được” (TT).

Thật lòng mà nói với cách chơi này của chính phủ thì người dân không còn mong đợi gì hơn nữa vai trò của quốc hội? Mong đợi gì khi mà chính những người trong cuộc còn than vãn như thế. Điều này cho thấy một thực tế không thể chối cãi cho cái kiểu làm xem thường dân chúng của chính phủ. Thay vì việc chi tiêu ngân sách phải được chính những người đại diện cho dân giám sát thì chính phủ làm ngược lại. Làm rồi báo cáo cho người đại diện giám sát sau. Đặt người giám sát chính phủ vào chuyện đã rồi, chuyện phải bấm nút?

QH thì khá đa dạng về trình độ và kiến thức. Có người thì trình độ đại học, tiến sĩ, kỹ sư, công nhân, nông dân,…thành ra trong bản cáo với phép tung hứng ngôn từ, người có trình độ cao nhất như ngài Lịch đây còn mù mờ khó hiểu thì hỏi còn ai hiểu đây? Thành thử hành động bấm nút là khôn ngoan nhất? vừa là được lòng chính phủ, vừa khỏi phải mang tiếng họp quốc hội mà đọc báo cáo của chính phủ chẳng hiểu mô tê gì?

Nhưng không thể không đặt ra đây một vấn đề nữa là cỡ 90% có hơn các vị đại biểu của dân là đảng viên thì việc cùng đặt tay trên nút bấm nhất loạt cũng là chuyện thường tính?

Cao trào của vở kịch được đẩy lên cao khi đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) cũng cho biết Ủy ban Tài chính ngân sách đã nhất trí với số chi của Chính phủ, đại biểu QH chẳng có cơ sở nào để phản đối- đây có lẽ là phần bi duy nhất trong vở kịch này. Thay vì quân lính phải tung hô vạn tuế thì nhà vua làm ngược lại. Ông Lợi đã quên mất cái vai trò làm vua của mình khi mà ông nói là làm vua mà chẳng ai tung hô vạn tuế thì thôi mình cũng phải tung hô quân hầu vậy? Trong QH dĩ nhiên cũng sẽ có ủy ban này ủy ban nọ. Vai trò của ủy ban có lẽ là cao siêu lắm hay sao mà ngày Lợi đây thấy ý kiến cuối cùng và rốt ráo của ủy ban hẳn là chỉnh chu lắm nên ngài không có đủ cơ sở lý luận để phản đối. thân phận ngài làm to là thế mà ngài còn thiếu cơ sở lý luận thì thử hỏi dân đen còn biết dựa vào ai mà cậy nhờ. Thôi thì cũng trong tinh thần chung vì ích nước lợi nhà QH cũng nên dẹp đi là vừa. Vừa là đỡ phải tốn tiền tập dượt kịch bản, vừa tốn tiền tàu xe cho các vị phải vượt cả ngàn cây số tốn kém tiền của dân chúng mà lại chẳng tích sự gì, vừa làm trò hề cho thiên hạ?

Cái gì chơi lâu hóa thành nhàm chán. Chúng nhàm đến nỗi nhiều khi các vị nghĩ làm gì cho phí thời gian. Thôi thì cái gì của chính phủ cũng là của ta cứ thế theo trình tự mà bấm nút. Thảo luận cốt là đừng để các vị ngủ gật không hay lắm? Tất nhiên cũng có vài vị thấy vở kịch không còn thu hút quần chúng hâm mộ nên cũng có vài đề nghị sửa đổi thêm thắt cho có phần sinh động hơn. Cụ thể như đại biểu Phan Trung Lý – phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật – cho rằng QH có thể sẽ phê chuẩn quyết toán nhưng cần có cách khác để tránh kiểu mọi sự đã rồi. Chắc có lẽ cụ Lý làm ở bên bộ phận pháp luật, nên ít nhiều cụ am hiểu luật pháp nên thấy kiểu chơi của chính phủ như vậy sẽ làm cho vai trò quốc hội ngày càng trở thành một tổ chức bù nhìn hóa, ê mặt với dân?

Rồi đây cái dự án to đùng và hoành tráng của thế giới nhà giàu 56 tỉ đô chi chi đó cũng sẽ bấm nút thôi? Chính phủ đang quyết liệt mà lị ! Rừng thì cũng đã cho thuê rồi, QH cũng phải bấm nút thôi. Khai thác tài nguyên khoáng sản liên doanh với TQ bất chấp sự phản đối của dân chúng, nhưng vì là chủ trương lớn của đảng và chính phủ, QH cũng bấm nút thôi. Ngư dân bị hà hiếp ngược đãi bởi anh bạn láng giềng bốn tốt, Chính phủ cấm đề cập trong chương trình nghị sự họp QH, QH cũng bấm nút thôi. Đường Hồ Chí Minh cũng được bấm nút thông qua đã tạo điều kiện cho việc phá rừng và săn bắt muôn thú thuận tiện hơn là lợi ích kinh tế mà nó mang lại. QH cứ bấm, và bấm thoải mái. Nút trước mặt cứ bấm, hư thì thay nút khác. Các vị bấm nút là vì ai cũng bấm nút. Các vị bấm nút vì chính phủ là cấp trên của quí vị. Bấm nút thông qua chẳng phải là hành động mà chính phủ muốn ở các vị đó sao?

Các vị cứ bấm nút nhiều vào thì dân chúng cũng sẽ “bấm nút” thôi? nhưng theo cái nghĩa chiều ngược lại!

@nghianhan.multiply.com

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh – Sao phải hạ mình đến thế?


Lời dạy khẽ khàng của bậc cha chú đối với đàn con cháu, nhưng sức nặng của nó là một trận đòn rát mông (yêu cho roi cho vọt) cho những ai kém hiểu biết và thiếu tự trọng, không được dạy dỗ đến cả phép tắc ngoại giao hoặc có được dạy qua quýt nhưng vì mặc cảm nên đánh rơi ngay khi vừa bệ kiến “đàn anh”, làm nhục đến quốc thể. “ Bauxite Việt Nam”


Phó chủ tịch Quân uỷ Trung ương nước CHND Trung Hoa Từ Tài Hậu chúc mừng Đại tướng Phùng Quang Thanh sang thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc.

Trên thế giới giữa các quốc gia bất kể lớn, nhỏ, giàu nghèo đều bình đẳng. Trong quan hệ giao dịch và thăm viếng xã giao phải đối đẳng (ngang cấp). Chủ tịch thăm và hội đàm với Tổng thống hoặc ngược lại, tùy theo tên gọi của nguyên thủ từng nước; Thủ tướng đón tiếp và hội đàm với nhau; Bộ trưởng với Bộ trưỏng.

Trong chuyến thăm Trung Quốc mới rồi của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh thì Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đón và hội đàm, Còn Chủ tịch nước, Thủ tướng Trung Quốc là cấp cao hơn có tiếp hay không còn tùy họ. Tại sao có chuyện Phó Chủ tịch Quân ủy Từ Tài Hậu tiếp và Bộ trưởng Phùng Quang Thanh phải báo cáo với Từ Tài Hậu? Nên nhớ Từ Tài Hậu chỉ là đồng cấp (nếu không nói là dưới cấp) với ông Phùng Quang Thanh. Trước đây ở nước ta cấp Đảng trong quân đội cao nhất cũng gọi là Quân ủy Trung ương. Bí thư thứ nhất hoặc Tổng bí thư kiêm Bí thư Quân ủy, Ủy viên Bộ Chính trị Bộ trưởng Quốc phòng là Phó bi thư Quân ủy Trung ương. Sau ta thay đổi gọi cấp Đảng cao nhất trong quân sự gọi là Đảng ủy quân sự trung ương vẫn Tổng bí thư Đảng kiêm Bí thư đảng ủy quân sự trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị là Phó bí thư Đảng ủy quân sự trung ương, ngang cấp với Phó chủ tịch quân sự trung ương Trung Quốc (chỉ là tên gọi khác nhau). Bộ trưởng Phùng Quang Thanh còn biểu thị trước ông Từ lời biết ơn sự giúp đỡ của Trung Quốc với lời lẽ rất đậm đà thành kính.

Năm 1975 sau ngày toàn thắng của nước ta, khi làm Đại sứ ở Bắc Kinh, trước cuộc mít tinh lớn ở quảng trường Thiên An Môn tôi cũng đã bày tỏ lòng biết ơn của Nhà nước và nhân dân ta đối với sự giúp đỡ to lớn của Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, với những lời lẽ chân thành và thắm thiết (dầu biết rằng việc giúp đỡ ta đánh Mỹ cũng có lợi ích của Trung Quốc). Nhưng đến năm 1979 Đặng Tiểu Bình huy động mấy quân đoàn sang đánh ta, tàn phá bốn tỉnh biên giới của ta và giết hại đồng bào ta, thì tự Trung Quốc đã phủ định ân tình của chúng ta đối với họ, làm sao tôi có thể cảm ơn được nữa? Nỗi đau 1979 luôn nhói trong lòng tôi. Chắc cũng không đến nỗi trong lòng Bộ trưởng Phùng Quang Thanh không có chút đau nào.

Tôi lại nghĩ đến những chuyến thăm nhiều tỉnh, thành Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Khi thì Thủ tướng hội đàm với Chủ tịch tỉnh, khi thì làm việc với Phó bí thư… Nếu tôi không nhầm thì mới đây, khi thăm Triết Giang, Thủ tướng được Phó chủ tịch Chính hiệp tiếp (như Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc bên ta). Thật không bình thường! Dù có kém cỏi đi chăng nữa thì ông Nguyễn Tấn Dũng cũng đường đường là Thủ tướng của một nước. Tại sao lại tự hạ mình xuống ngang hàng với một tỉnh của người ta?!

Tôi làm Đại sứ nước ta ở Bắc Kinh từ năm 1974-1987. Đó là thời kỳ quan hệ hai nước xấu đến hết mức. Vì là Đại sứ lâu năm nên tôi trở thành “Trưởng đoàn ngoại giao” (theo quy ước quốc tế). Có những chuyến nước chủ nhà tổ chức đi tham quam các địa phương, họ không muốn cho tôi thay mặt các Đại sứ phát biểu ý kiến với tư cách Trưởng đoàn, muốn Đại sứ khác nói thay, tôi nhất định không chịu, cuối cùng họ đuối lý phải thôi.

Tôi thường được mời lên Bộ Ngoại giao gặp lãnh đạo Bộ Ngoại giao của họ để nghe họ phản đối việc này việc kia, tôi phải tranh cãi với họ, luôn luôn tôi là người nói được lời cuối cùng, không thể để nhục quốc thể.

Giờ đây, trước hành xử của các vị như trên, tôi không còn biết nói thế nào, chỉ muốn chui xuống đất.

Bauxite Việt Nam