10 Tỷ phú làm giàu từ tay trắng

(Forbes/Hieuhoc) Cảnh nghèo, thân phận côi cút, bệnh tật và thậm chí cả bị lạm dụng tình dục cũng không thể quật ngã được những người có ý chí mạnh mẽ. Vượt qua nghịch cảnh, từ tay trắng họ thành tỷ phú hàng đầu thế giới.

Khi được hỏi về việc tại sao những người này có thể vượt qua những thách thức từ khi còn rất trẻ, Jim Ellis, giảng dạy môn doanh nghiệp tại trường Đại học Stanford nói: “Có những con người, trong những thời điểm nào đó ở vào thế không còn gì để mất. Lúc đó, quyết tâm vươn lên, thậm chí sự sẵn sàng mạo hiểm của họ cao hơn người có hoàn cảnh bình thường rất nhiều”.

10 tỷ phú được Forbes liệt kê làm đại diện tiêu biểu cho các tấm gương vượt qua nghịch cảnh, làm giàu từ tay trắng:

1. Larry Ellison – 28 tỷ USD

Khi sinh Larry Ellison vào năm 1944, mẹ ông vẫn là một trẻ vị thành niên. Do đó, bà phải gửi Larry đến ở với cô bác ở Chicago và sau đó những người này nhận luôn Larry Ellison làm con nuôi. Ông không biết sự thật về bố mẹ đẻ cho đến tận lúc ông 48 tuổi. Bố mẹ nuôi của ông chỉ là những công chức bình thường. Sau khi mẹ nuôi mất, Larry Ellison bỏ ngang trường đại học. Đến năm 1977, ông thành lập công ty phần mềm Oracle bằng toàn bộ tài sản mà ông có lúc đó là 1.400 USD. Ngày nay, Oracle trở thành một trong những công ty phần mềm lớn nhất thế giới. Hồi năm ngoái, với mức lương thưởng 130 triệu USD, Larry Ellison trở thành CEO được trả lương cao thứ 2 nước Mỹ. Ngoài ra, ông còn là người ham mê thể thao, cùng từng đồng đội đoạt cúp vô địch trong cuộc đua thuyền America’s Cup. Ảnh: Courtesy Luxottica

2. Li Ka-shing – 21 tỷ USD

Sinh ra tại Trung Quốc vào năm 1928, gia đình Li Ka-shing chuyển đến Hong Kong vào 1940. Sau khi cha ông qua đời vì bệnh lao, Li Ka-shing phải bỏ học năm 15 tuổi vì nhà quá nghèo. Sau đó, ông làm việc trong nhà máy sản xuất nhựa. Đến tuổi trưởng thành, ông bắt tay vào công việc kinh doanh, tự mình sản xuất các loại hoa nhựa và xuất sang Mỹ. Ngày nay, Li Ka-shing có trong tay hai đế chế là Cheung Kong và Hutchison Whampoa, tham gia vào nhiều lĩnh vực từ cảng biển, dầu mỏ và khí gas, điện năng, bán lẻ. truyền thông và bất động sản. Từ một đứa bé nghèo khổ, nay ông vươn lên thành người giàu thứ 14 thế giới. Quá khứ cơ cực khiến Li Ka-shing có lòng cảm thông sâu sắc với những người nghèo. Cho đến nay, ông đã đóng góp 1,45 tỷ USD cho công tác giáo dục và y tế.

Tỷ phú Hong Kong Li Ka-shing, nói: “Ký ức thời thơ ấu đau buồn nhất của tôi là khi chứng kiến bố ngày chết dần chết mòn vì bệnh lao. Chính bản thân tôi cũng bị lây bệnh. Gánh nặng đói nghèo ngày càng đè nặng lên vai đứa trẻ 15 tuổi. Cay đắng hơn, tôi không thể nào quên sự ghẻ lạnh của những người xung quanh do họ sợ bị lây bệnh. Tôi từng tự hỏi liệu có thể thay đổi số phận mình? Liệu tôi có thể vươn lên bằng những kế hoạch vạch ra cho cuộc đời thật tỉ mỉ?”. Ảnh: AP

3. Roman Abramovich – 11,2 tỷ USD

Bố mẹ của nhà tài phiệt Nga này lần lượt qua đời khi ông mới lên 4. Sau đó, Roman Abramovich được những người họ hàng đón về nuôi nấng. Sau khi trải qua một khóa huấn luyện quân ngũ, ông tham gia thị trường chợ đen, bán các sản phẩm như đồ nhựa, nước hoa, kem đánh răng. Dần dần, Abramovich ngày càng dấn sâu vào thương trường với những phi vụ làm ăn đầy tranh cãi. Ngày nay, Roman Abramovich trở thành một trong những tỷ phú nổi tiếng nhất thế giới. Ông có trong tay câu lạc bộ bóng đá Chelsea, chiếc du thuyền lớn nhất thế giới. Sau 2 lần ly dị, Abramovich hiện sống với người bạn gái Dasha Zhukova. Hồi tháng 12 vừa rồi, người bạn gái này đã sinh cho tỷ phú Nga người con thứ 6. Ảnh: Newscom

4. Leonardo Del Vecchio – 10,5 tỷ USD

Leonardo Del Vecchio sớm mồ côi cha, qua đời 5 tháng trước khi ông ra đời vào năm 1935 tại Italy. Người mẹ góa bụa không đủ tiền để nuôi nấng 5 đứa con nên phải gửi ông vào trại trẻ mồ côi. Khi lớn lên, Leonardo Del Vecchio làm việc trong một xưởng sản xuất gọng kính. Đến tuổi 23, ông mạnh dạn mở một cửa hiệu riêng bán gọng kính do tự mình sản xuất. Đến năm 167 khi 32 tuổi, ông bắt đầu bán những sản phẩm kính hoàn chỉnh, mang thương hiệu Luxottica. Đến năm 1981, công ty mở đại lý đầu tiên tại nước ngoài ở Đức. Sự kiện này mở đầu cho quá trình phát triển nhanh chóng của hãng. Ngày nay, thương hiệu Luxottica của ông là một trong những nhà sản xuất kính mắt lớn nhất thế giới với những nhãn hiệu như Ray-Ban, Oakley. Hiện nay, Leonardo Del Vecchio là người giàu thứ 2 tại Italy. Ảnh: Credit

5. Steve Jobs – 5,5 tỷ USD

Sinh ra là trẻ mồ côi năm 1955, Steve Jobs được một cặp vợ chồng không mấy khá giả tại California nhận về làm con nuôi. Đến tuổi đi học đại học, ông vào trường Reed College nhưng sau đó đành bỏ ngang vì không đủ tiền đóng học phí. Mặc dù vậy, ông vẫn quyết tâm theo đuổi học hành bằng cách tham gia các lớp dự thính. Đến năm 1976, thương hiệu Apple đã ra đời trong garage xe của gia đình Steve Jobs. Trải qua nhiều thăng trầm, thậm chí có lần bị sa thải khỏi công ty do chính mình thành lập, cuối cùng Steve Jobs cũng được cả thế giới thừa nhận khi ông biến Apple thành người tiên phong với những sản phẩm công nghệ đột phá như iPod, iPhone, iPad. Ảnh: Reuters

6. John Paul DeJoria – 4 tỷ USD

Sinh năm 1944, John Paul DeJoria từ nhỏ đã sống cảnh nghèo khổ với người mẹ độc thân. Ông từng tìm mọi cách để giúp đỡ mẹ phần nào như đi bán bưu thiếp, bán báo. Nhưng cuối cùng, bà mẹ vẫn gửi ông vào trại trẻ mồ côi do không đủ tiền nuôi con. Khi lớn lên, John Paul DeJoria trải qua một thời kỳ dài không nhà cửa, sống trong chiếc ôtô cũ rách, bán các sản phẩm chăm sóc tóc giao tận nhà để kiếm sống. Vào năm 1980, sau khi tích cóp được 700 USD, John Paul DeJoria hùn vốn khai trương một nhãn hiệu sản phẩm chăm sóc tóc. Ngày nay, thương hiệu John Paul Mitchell Systems mang lại doanh thu trên dưới 1 tỷ USD mỗi năm. Ngoài ra, hiện ông còn tham gia nhiều lĩnh vực khác như kinh doanh rượu, kim cương. Ngày nay, ông là vị khách mời quen thuộc của thế giới giải trí, thường xuyên xuất hiện trên các thảm đỏ trước ánh đèn của paparazzi. Ảnh: Newscom. (Xem thêm: Lòng nhiệt tình).

7. Micky Jagtiani – 2,8 tỷ USD

Sinh năm 1952 tại Ấn Độ, ông tìm đường tới Anh để học kế toán với hy vọng đổi đời. Tuy nhiên, do không có tiền tiếp tục việc học, Micky Jagtiani đành bỏ ngang và đi làm đủ mọi nghề từ lái taxi đến lau chùi phòng khách sạn ở London. Tai họa giáng xuống đầu ông liên tiếp sau đó khi người anh trai duy nhất, cha và mẹ lần lượt qua đời ở Ấn Độ. Mới 21 tuổi nhưng Jagtiani đã trở thành người bơ vơ, không gia đình. Sau khi anh trai qua đời, ông trở về quốc gia vùng Vịnh Bahrain để tiếp quản cửa hàng bán lẻ của người Anh, đồng thời dùng số tiền thừa kế 6.000 USD để mở rộng công việc làm ăn. Ngày nay, Micky Jagtiani có trong tay cả một đế chế bán lẻ Landmark Internationala trị giá 2,5 tỷ USD đặt trụ sở tại Dubai. Hiện nay, ông là người giàu thứ 21 tại Ấn Độ, sống hạnh phúc cùng vợ và hai người con. Ảnh: The Hindu

8. Guy Laliberte – 2,5 tỷ USD

Guy Laliberte sinh ra tại thành phố Quebec năm 1959. Thời trẻ, ông từng làm việc trong gánh xiếc, làm diễn viên đi cà kheo, đóng chú hề. Đến năm 1984, ông cùng với người bạn diễn chung thành lập gánh xiếc Cirque du Soleil. Đến năm 1991, số phận mỉm cười với Guy Lalibertekhi ông trùm ngành cờ bạc Steve Wynn đưa gánh xiếc đến biểu diễn tại Las Vegas. Kể từ đó, ông mở rộng công việc kinh doanh và biến Cirque du Soleil ngày nay thành một công ty giải trí tầm cỡ. Ảnh: Forbes

9. Oprah Winfrey – 2,4 tỷ USD

Oprah Winfrey cũng có một người mẹ là trẻ vị thành niên và sống với bà ngoại sau khi được sinh ra. Lúc nhỏ Oprah nghèo đến nỗi thường phải mặc quần áo may từ bao tải đựng khoai tây. Mặc dù vậy, bà ngoại đã dạy Oprah biết đọc từ năm 3 tuổi. Đến năm 6 tuổi, Oprah chuyển đến sống với mẹ tại Wisconsin. Theo lời kể của Oprah sau này, từ lúc 9 tuổi, bà đã trở thành nạn nhân của nạn lạm dụng tình dục, có thai năm 14 tuổi nhưng đứa con nhanh chóng qua đời sau đó. Tuy nhiên, số phận đã không đánh gục được Winfrey. Tại trường, cô quyết tâm học hành để thoát nghèo, trở thành nữ sinh danh dự của trường. Tốt nghiệp trung học, Oprah Winfrey giành được học bổng toàn phần vào Đại học Tennessee State, ngành truyền thông. Năm 1983, Oprah Winfrey nhận vai trò dẫn talkshow AM Chicago, đưa nó từ một chương trình bị xếp hạng bét về số lượng người xem lên xếp hạng đầu. Sau đó, talkshow này được đổi tên thành The Oprah Winfrey Show, phát sóng toàn thời gian trên phạm vi cả nước từ năm 1986. Ngày nay, bà được mệnh danh là Nữ hoàng truyền hình Mỹ. Ảnh: Reuters

10. J.K. Rowling – 1 tỷ USD

Trước khi trở thành một nữ văn sĩ kiếm tiền tỷ như hiện nay, J.K. Rowling từng phải sống nhờ tiền trợ cấp xã hội. Trong những ngày cơ cực đó, từ chiếc máy đánh chữ cũ kỹ bà đã miệt mài viết nên cuốn sách Harry Porter và hòn đá phù thủy, hoàn thành năm 1995. Tuy nhiên, mất tới cả năm sau cuốn sách vẫn chưa ra mắt công chúng do bị 12 nhà xuất bản từ chối. Đó là thời kỳ bà trở nên bế tắc và từng nghĩ đến chuyện tự tử. Cuối cùng, đứa con gái 8 tuổi của Chủ tịch nhà xuất bản Bloomsbury tỏ ra thích thú với bản thảo, khiến ông này đồng ý xuất bản cuốn sách. Mặc dù vậy, ông cảnh báo Rowling rằng ít có khả năng thu lợi được từ nó và chỉ xuất bản 1.000 cuốn. Tuy nhiên, cuốn sách lại liên tiếp gặt hái được hàng loạt giải thưởng. Hãng Warner Bros mua bản quyền làm phim vào năm 1998 và bộ phim đầu tiên ra đời vào năm 2001. Với những thắng lợi đầu tiên, bà sáng tác liên tiếp 7 phần tiếp theo. Tiền tác quyền từ xuất bản sách và bộ phim đã biến nữ văn sĩ thành tỷ phú như hiện nay. (Ảnh: Newscom).

@ TamnhinUtah


Hoàng Cầm: “Trời bắt tội tôi yêu sớm”

Cậu bé ngày nào mải miết đi tìm lá diêu bông vì trót thương thầm nhớ trộm người chị xứ Kinh Bắc, giờ đã thành ông lão tuổi 84. Dấu ấn thời gian đổ cả vào mái tóc bạc trắng của ông để giữ lại vẹn nguyên đôi mắt tinh anh và một tâm hồn thi nhân rộng mở. Thi sĩ Hoàng Cầm trò chuyện với VnExpress.

– Thưa ông, chàng trai trẻ Hoàng Cầm đã đến với những vần thơ tình như thế nào?
Nhà thơ Hoàng Cầm.

– Tôi sớm viết thơ tình vì trời “bắt tội” tôi yêu sớm. 8 tuổi đã biết say mê. Nàng thơ đầu tiên của tôi hơn tôi 8 tuổi. Ngày ấy, mẹ tôi bán hàng xén. Một lần từ tỉnh lỵ trọ học về thăm nhà, tôi nhìn thấy chị mua hàng ở chiếc quầy nhỏ. Trong ánh nắng chiều, chị hiện ra trước mắt tôi, đẹp rực rỡ như một thiên thần.

Từ đó trái tim tôi lao đao, choáng ngợp vì chị. Tôi hiểu đó là thứ tình cảm gái trai thật sự chứ không phải là tình chị em con trẻ. Trước, mỗi thứ bảy tôi mới về thăm nhà một lần thì từ khi biết chị, cứ đều đặn đến thứ tư và thứ bảy là tôi mua vé tàu về quê. Rồi tôi lẽo đẽo đi theo chị, chỉ để ngắm thôi. Hai chị em cứ quyến luyến nhau như thế cho đến ngày chị đi lấy chồng. Chị tên là Vinh, là người con gái đã gợi hứng cho bài thơ Lá Diêu Bông của tôi.

– Cuộc đời ông có khá nhiều “lá diêu bông” bay qua. Tại sao không có chuyện tình nào kéo dài?

– Khi yêu nhau, ai chẳng muốn có một tình yêu bền vững. Tôi cũng muốn tình yêu của mình được lâu dài chứ, nhưng hoàn cảnh và số phận vốn mang nhiều điều éo le, bất trắc. Khi một mối tình đi qua, cũng có nhớ, có tiếc thương, khổ đau… đủ cả. Nhưng số tôi vốn đào hoa, luôn luôn được sống trong trạng thái yêu và say mê. Thời gian dành để bâng khuâng và buồn đau quá ít. Bóng hồng này đi qua chưa lâu lại đã có bóng hồng khác tới.

– Ngày xưa, ông thường tỏ tình như thế nào?

– Ngày còn là cậu bé, say mê chị Vinh, tôi viết những vần thơ tình đầu tiên để mỗi dịp về quê lại dúi ngay vào tay chị. Những lần như thế, chị lại thận trọng đút vào túi áo. Tôi biết là chị Vinh hiểu rõ tình cảm của tôi.

Còn những mối tình về sau là do các bà ngỏ lời trước. Cũng có những lúc vì nguyên nhân này nọ tôi phải từ chối nhưng thường thì họ cứ tỏ tình là tôi đồng ý luôn.

– Trong cuộc đời mình, mối tình nào khiến ông phải hối tiếc, ân hận?

– Đấy là chuyện tình với cô Ninh. Mối tình này ập đến khi tôi đã có vợ con đề huề. Nhưng cuộc hôn nhân đầu tiên không xuất phát từ tình yêu mà do mẹ thày sắp đặt và ấn định ngày cưới từ khi 17 tuổi.

Ninh là một người xinh đẹp, sắc sảo, con gái của một gia đình địa chủ giàu có, chúng tôi đã quen biết nhau từ trước. Nhưng đến năm 1942, trong những ngày về Tiên Du (Bắc Ninh) với ý định nhờ Ninh đóng vai Kiều Loan, tôi mới thực sự mê cô ấy. Sau 3-4 chuyến đi đi về về giữa Hà Nội và Bắc Ninh, tôi đã chinh phục được cô Ninh. Ngày đó Ninh đẹp, thông minh, có nhiều gia đình thanh thế giàu có dạm hỏi. Nhưng mà Ninh từ chối hết để nhận lời tôi. Bởi vì tôi ngâm thơ rất hay, nhất là những đoạn trong kịch thơ Kiều Loan. Tôi còn đẹp trai nữa, nhất là khi diện complet, đi giày tây vào thì trông oách lắm. Từ đó, thỉnh thoảng tôi lại lặn lội từ Hà Nội về Bắc Ninh thăm Ninh. Ban ngày chúng tôi xuống làng chơi, còn ban đêm, nhất là những đêm trăng sáng thì đi dạo với nhau, lãng mạn vô cùng.

Nhưng con gái có thì, cũng đến lúc Ninh phải lấy chồng, mà không thể lấy một người đàn ông đã có vợ con như tôi. Năm 1944, cô ấy rủ tôi bỏ trốn vào Sài Gòn nếu còn muốn duy trì mối tình oái oăm này. Đó là những tháng ngày tôi phải đấu tranh với bản thân rất quyết liệt. Bỏ đi là hành động đúng theo tiếng gọi của trái tim nhưng con người ta đâu chỉ có một tình yêu, mà còn biết bao mối quan hệ ràng buộc. Tôi còn bố mẹ già, vợ và con thơ. Đó là chưa kể, cuối năm đó hàng triệu người Việt Nam đang lâm vào cảnh chết đói. Trong lúc cả đất nước đang phải chống chọi với cái chết, tôi đâu đành bỏ tất cả vì hạnh phúc riêng tư. Chúng tôi chia tay nhau. Về sau cô ấy lấy chồng ở Hà Nội. Ông Trời cũng éo le. Trong những ngày tháng ăn ở với tôi, cô ấy không có mang. Nhưng khi lấy chồng, cô ấy đẻ một mạch 7-8 đứa con. Đến lần sinh nở cuối cùng thì cô ấy bị băng huyết và chết khi mới gần 40 tuổi. Đó là một cuộc tình vừa gây thương tiếc, vừa ân hận dẫu rằng nếu có quay ngược thời gian, tôi cũng không thể làm cách nào khác được. Cuộc chia tay ấy là tất yếu, như định mệnh vậy.

– Những mối tình thực trong cuộc đời ảnh hưởng thế nào đến thơ ca của ông?

– Thơ tôi thường nảy sinh từ những mối tình có thật trong đời. Tôi liên miên sống trong tình yêu, có những mối tình trở nên ám ảnh, khiến cho những bài thơ của tôi bật ra một cách tự nhiên và kỳ lạ như từ trong vô thức. Cũng có những bài thơ tôi làm có ý thức hẳn hoi nhưng cũng bắt nguồn từ những tiếc nhớ, yêu thương rất đỗi thật lòng dành cho một người phụ nữ nào đó.

– “Nhớ mưa Thuận Thành/Long lanh mắt ướt/Là mưa ái phi/Tơ tằm óng chuốt/Ngón tay trắng nuột/Nâng bồng Thiên Thai…” (Mưa Thuận Thành). Đấy là những câu thơ rất giàu nhạc điệu, nghe như chính tiếng mưa rơi. Vậy theo ông, nhạc điệu có vai trò như thế nào trong thơ?

– Nhạc điệu có vai trò rất quan trọng trong thơ tôi. Tôi học được điều này từ Verlaine (nhà thơ Pháp). Khi bàn về thơ, ông cho rằng: “Nhạc điệu trước hết”. Tôi luôn chăm chút đến nhạc điệu trong những vần thơ của mình. Và trong thơ tôi, nhạc điệu cũng vang lên một cách rất tự nhiên chứ không phải gượng ép, chắp nối. Nó như là thứ đã hình thành sẵn trong lòng mình.

– Trong số các tập thơ của mình, ông thích nhất tập nào?

– Về Kinh Bắc. Tôi từng nói với các nhà phê bình là muốn nghiên cứu về thơ Hoàng Cầm, chỉ cần mỗi tập thơ đấy thôi cũng đủ. Còn những thứ khác, có cũng tốt còn không thì cũng không sao. Tất cả đặc điểm, tính chất và linh hồn thơ Hoàng Cầm nằm cả trong Về Kinh Bắc.

– Ông nghĩ thế nào về thơ trẻ ngày nay?

– Thú thật là bây giờ tôi ít đọc hơn. Phần vì ốm đau, phải nằm một chỗ nên ít có cơ hội tiếp xúc thường xuyên với báo chí; phần vì tôi cũng tránh đọc. Bởi tôi không đọc thơ một cách dửng dưng mà phải suy nghĩ nhiều nên rất mệt.

Khi làm thơ về tình yêu, tôi không ngại bất cứ điều gì cả, kể cả việc đề cập đến tính dục. Còn hiện tượng nhà thơ, nhà văn trẻ viết về sex dung tục như hiện nay thì đó là những người không mang tâm hồn thi sĩ thực sự, có thể chỉ vì họ muốn nổi tiếng bằng cách tạo nên một điều gì khác lạ. Nhiều khi gặp những câu thơ hay những câu văn “gợn”, tôi thường bỏ đi mà không đọc tiếp nữa.

– Ông có ấn tượng như thế nào với những nhà thơ cùng thời như Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Văn Cao…?

– Thực ra, khi tôi mới vào nghề văn, những người như Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư… đã rất nổi tiếng. Tôi cũng thích làm bạn với họ lắm nhưng không dám vì thấy mình còn quá non nớt. Nói chung đối với những tác giả này, lúc bấy giờ tôi rất phục nhưng chỉ dám “kính nhi viễn chi”.

Văn Cao là bạn thân của tôi, nhưng thơ tôi và thơ ông khác nhau nhiều lắm. Tôi chú trọng đến nhạc điệu, trong khi Văn Cao không cần đến âm điệu, không cần đến vần. Thơ ông giàu ý tưởng, tư tưởng. Văn Cao là người thâm trầm, ít nói nhưng có rất nhiều tâm nguyện sâu xa.
Một bài thơ mới của Hoàng Cầm
Xanh xanh lại mùa ảo vọng
Óng thơm dài mái tóc em
Lênh đênh lại dềnh biển sóng
Bốn phương mây trắng nỗi niềm
Hễ nói đến quên lại nhớ
Nhớ nhiều sao chỉ về đêm
Giấc ngủ còn gì để thức
Toàn thân bụi đỏ thoa mềm
Ai vừa cười nụ bên thềm
Vườn cũ bông hồng rạng sáng
Vội vàng chi sập bóng đêm
Mắt cô láng giềng lai láng
Vâng thì em lại lấy chồng
Thế cũng vui đời đôi chút
Dẫu đến nơi nào heo hút
Mai đừng trở lại phòng không
Ta biết mai này mây trắng
Thường bâng khuâng cõi chiều hoang
Ni cô bỏ chùa Long Khám
Về xin đi lại đoạn đường
Vậy thì đi hết đoạn trường
Mới hiểu đâu là hạnh phúc
Thế gian những gì không thực
Thường vây hãm nẻo tâm linh
Tôi biết em đi hy vọng
Giữa rừng tìm một lá xanh.
(Mồng 2 Tết)

Hà Linh thực hiện

@VnExpress.

Bộ trưởng Quốc Phòng CSVN ‘gìn giữ quan hệ anh em với Trung Quốc’

Bộ Trưởng Phùng Quang Thanh: ‘Không để các thế lực thù địch bên ngoài lợi dụng, kích động để chia rẽ quan hệ giữa hai nước’


HÀ NỘI (TH) – Bộ Trưởng Quốc Phòng CSVN Phùng Quang Thanh, trả lời báo chí sau cuộc họp ngắn ngủi chỉ một buổi sáng các bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN ở Hà Nội ngày 11 tháng 5, 2010 nói rằng quan hệ với Trung Quốc hiện nay “đang rất tốt” và cam kết không vì các tranh chấp chủ quyền biển đảo mà “ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước.”

Bộ trưởng Quốc Phòng các nước ASEAN tại hội nghị sáng 11 tháng 5. (Hình: VNExpress)

Cũng trong dịp này ông Thanh đả kích “các thế lực thù địch bên ngoài lợi dụng, kích động để chia rẽ quan hệ giữa hai nước Việt-Trung, không để chia rẽ giữa hai Ðảng, nhà nước ta với quần chúng nhân dân.”

Chế độ Hà Nội luôn luôn tỏ ra rất kềm chế trong lời nói và hành động, tránh làm Bắc Kinh tức giận để có các hành động trả thù mạnh bạo hơn.

Cuộc họp cấp bộ trưởng của các bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN dự trù từ 10 đến 13 tháng 5, 2010 nhưng chỉ họp nội buổi sáng ngày 11 tháng 5, 2010 là đột ngột chấm dứt, không giải thích lý do tại sao về chương trình họp kéo dài 4 ngày bị thu ngắn như vậy.

Bản tuyên bố chung phổ biến sau buổi họp, “Khẳng định quyết tâm hợp tác và phối hợp giữa các thể chế quốc phòng giữa các nước thành viên trong ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài khu vực trong đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên.”

Trong cuộc họp báo ông Phùng Quang Thanh xác định phiên họp “không nói về biển Ðông,” tức sự tranh chấp chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên ông đã trả lời vấn đề này trong cuộc họp báo, trong đó ông cho rằng, “Không nước nào được lợi nếu biển Ðông mất ổn định,” theo tin tường thuật của VNExpress.

Trong bản tin của VietnamNet, ông Thanh nói trong cuộc họp báo rằng, “Quan hệ với Trung Quốc hiện nay có thể nói là rất tốt, trên tinh thần đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện, trên tinh thần 16 chữ và 4 tốt. Chúng ta là láng giềng hữu nghị, là đồng chí, anh em.” Ông nói thêm, “Bây giờ gay gắt nhất là vấn đề trên biển Ðông thôi. Hai bên còn có những tranh chấp, đều cam kết là giữ ổn định, không để vì tranh chấp đó ảnh hưởng đến quan hệ hai nước, làm mất ổn định. Chúng ta phải đàm phán hòa bình theo tinh thần dễ trước, khó sau… Vấn đề biển Ðông cũng cần đàm phán hòa bình để từng bước giải quyết, và phải hết sức kềm chế, không để các thế lực thù địch bên ngoài lợi dụng, kích động để chia rẽ quan hệ hai nước Việt-Trung, không để chia rẽ giữa Ðảng, Nhà nước ta với quần chúng nhân dân.”

Tháng 12, 2007 sang đầu năm 2008, hàng trăm thanh niên, sinh viên Việt Nam đã biểu tỉnh trước các cơ sở ngoại giao Trung Quốc ở Hà nội và Sài Gòn để phản đối một nghị quyết của Quốc Vụ Viện Trung Quốc thành lập thành phố cấp huyện bao gồm 3 quần đảo trên biển Ðông trong đó cả Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Khi thấy Bắc Kinh lên tiếng đe dọa “ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước,” công an CSVN đã đàn áp thẳng tay các vụ biểu tình đó. Một số người đã bị bắt, thẩm vấn và bị cấm không được biểu tình.

Nhà báo tự do Ðiếu Cày, một trong những người tích cực nhất trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc bá quyền bành trướng không những bị đánh đập dã man ngay trên đường phố mà còn bị bắt tù 2 năm rưỡi.

Các vụ tàu tuần Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam gần khu vực quần đảo Hoàng Sa, báo chí tại Việt Nam chỉ dám loan tin là bị “tàu lạ đâm chìm” và không hề thấy chế độ Hà Nội lên tiếng phản kháng.

Theo tin hãng thông tấn DPA, Hà Nội cố thuyết phục các nước ASEAN hợp tác để thương thuyết với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp biển Ðông nhưng người ta chỉ thấy ông Thanh ngừng lại ở sự kêu gọi tôn trong bản tuyên bố qui tắc ứng xử (DOC) được ký với Trung Quốc năm 2002 đến nay không được tôn trọng.

Ngày 29 tháng 4, 2010, khi Nguyễn Tấn Dũng mượn cớ đến Thượng Hải dự Triển Lãm Quốc Tế để gặp Hồ Cẩm Ðào, chủ tịch Trung Quốc, Bắc Kinh loan báo cấm đánh cá trên biển Ðông từ 15 tháng 6, 2010 đến 1 tháng 8, 2010. Phùng Quang Thanh cũng cầm đầu một phái đoàn quân sự gồm đủ mọi quân binh chủng đến Bắc Kinh từ ngày 21 tháng 4, 2010 đến 28 tháng 4, 2010.

Nhà cầm quyền Hà Nội cho phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao lên tiếng phản đối lệnh cấm đánh cá nói trên nhưng cũng chỉ là những sự phản ứng suông, ngư dân Việt Nam vẫn bị tàu tuần Trung Quốc bắt giữ, ngư dân bị đánh đập và bị tịch thu hết trang bị hải hành và ngư cụ.

Song song với những lệnh cấm đánh cá, Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận qui mô, đem các hạm đội đến biểu dương sức mạnh trên biển Ðông, trái ngược với những lời ca ngợi “16 chữ vàng” và tinh thần 4 tốt.”

@ Nguoi Viet