Định hướng niềm vui!

Mẹ Nấm

Hôm nay, ngày 19/5, sinh nhật Hồ Chí Minh, Hồ Chủ Tịch, cúp điện từ sáng sớm đến 8h tối.

(Chắc đây là chiến công của ngành điện lực lập ra để noi theo tấm gương tiết kiệm của ông Hồ quá).

Nóng điên, muốn chửi thề.

Đưa con đi học về gặp thằng kia, nó hỏi:
– Vui không em?
– Không vui.
– Sao thế, sinh nhật bác mà không vui?
– Cúp điện, trời nóng, đang muốn chửi thề đây.

(Hên cho nó là nắng quá, mình muốn đi về nên quên mất tiêu cái vụ chất vấn nó về việc Công an nhân dân, chỉ biết còn Đảng, còn mình)

Ngộ thiệt, mắc gì cứ đến 30/4 , 19/5, 2/9 .. là nhất định phải vui?

Đến vui, buồn mà cũng được nhắc nhở nữa, thì còn gì là vui hay buồn nữa hả trời?

Mà nhân cái vụ cúp điện này mình mới nhớ, bà con mình kêu ca cúp điện, hoặc cùng lắm là chửi thằng điện lực, có ai nghĩ tới việc đứng ra ký tên vào một cái đơn chung, yêu cầu nó thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng đã ký với mình hông ta?

@ Mẹ Nấm blog

Picasso vẽ chân dung bác… Hiệt

Nguyễn Tôn Hiệt

Có một bài khiến tại hạ phải tò mò đọc hết. Đó là bài “Bác Hồ và họa sĩ Picasso” trên báo Công An thành phố Đà Nẵng…

Hôm nay, 19/5/2010, tại hạ vào internet đọc báo, thì thấy có rất nhiều bài ca tụng ông Hồ Chí Minh. Loại bài ca tụng kiểu này thì đã quá mứa nên tại hạ chỉ thấy cái tít là bỏ chạy, không đọc nổi nữa. Thế nhưng có một bài khiến tại hạ phải tò mò đọc hết. Đó là bài “Bác Hồ và họa sĩ Picasso” trên báo Công An thành phố Đà Nẵng.

Bài này thuật lại câu chuyện do ông Vũ Đình Huỳnh (đã chết) thuật lại (lúc nào chẳng rõ) về bức chân dung (đã mất!) do hoạ sĩ Picasso (đã chết) vẽ ông Hồ Chí Minh (đã chết). Thế mới hay!

Chuyện xảy ra hồi năm 1946, lúc Hồ Chí Minh qua Pháp để dự Hội nghị Fontainebleau, và nhân dịp đó, ghé thăm Picasso tại tư gia của nhà danh hoạ. Sau một lúc chuyện trò lai rai về mỹ thuật (mà ông Vũ Đình Huỳnh còn nhớ chính xác từng câu, từng chữ! Thế mới tài!), thì đến lúc Picasso vẽ chân dung Hồ Chí Minh.

“Ông mời Bác uống nước, rồi phác mấy nét chân dung Bác. Xong, ông cất vào cặp giấy vẽ. Đến lúc tiễn Bác ra cửa, ông mới trao cho Bác.

Sau đó, Bác trao lại cho tôi cất giữ…”

Theo báo Công An thành phố Đà Nẵng thì ông Vũ Đình Huỳnh kể y như vậy!!!

Ái chà! Tuyệt quá! Vậy chứ bức chân dung Hồ Chí Minh do Picasso vẽ ấy bây giờ nó nằm ở đâu? Thì cứ đi hỏi ông Vũ Đình Huỳnh, vì ông ấy “cất giữ” mà! Nhưng ông Vũ Đình Huỳnh đã chết từ khuya rồi, thế mới chán! Cả Picasso và Hồ Chí Minh cũng đều đã chết, thì biết kiếm ai mà hỏi thực hư bây giờ?

Chán lắm, nếu đọc bài báo ấy như một ký sự hiện thực. Nhưng nếu đọc nó như một truyện ngắn, thì tại hạ phải phục lăn trước tài hư cấu của tác giả bài báo. Kính bái.

*

Nhân đây, tại hạ cũng xin khép nép trình làng một bức chân dung của tại hạ do chính Picasso vẽ năm 1946 (lúc tại hạ chưa ra đời. Thế mới hay!). Chuyện này đã diễn ra trước sự chứng kiến của đồng chí Nguyễn Ái Quấc (ai không tin thì cứ đi tìm ông Quấc mà hỏi).

Đây là bức chân dung Nguyễn Tôn Hiệt, do nhà đại danh hoạ Pablo Picasso vẽ tại Paris năm 1946, lúc Nguyễn Tôn Hiệt cùng đồng chí Nguyễn Ái Quấc đến thăm Picasso:

Sau khi vẽ xong chân dung của tại hạ, Picasso năn nỉ tại hạ cho phép ông vẽ chùm “cà dái dê” của tại hạ. Tại hạ quá mắc cở, nhưng vì ham lấy tiếng nên đã bẽn lẽn kéo quần xuống cho Picasso vẽ. Chứng kiến cảnh đó, đồng chí Quấc có vẻ hơi bực mình, vì thấy quả cà dái dê của tại hạ cường tráng hơn cả quả cà dái dê “vĩ đại” nhất ở Annam. Nay tại hạ xin đem ra trình làng:

Hiện nay, cả hai bức tranh này vẫn còn hiện hữu, chứ không hề “bị thất lạc” như bức chân dung của Hồ Chí Minh do ông Pi-kát-xô nào đó vẽ.

Bức chân dung Nguyễn Tôn Hiệt, được nhà đại danh hoạ Pablo Picasso đặt tên là Le Pichet Noir Et La Tete De Mort (Bình nước đen và cái đầu lâu), hiện đang được trưng bày ở Museum of Fine Arts, Boston. Còn bức vẽ “cà dái dê” của Nguyễn Tôn Hiệt, được nhà đại danh hoạ Pablo Picasso đặt tên là Nature morte à l’aubergine (Tĩnh vật cà dái dê), hiện đang được công ty Masterworks Fine Art ở San Francisco rao bán (bản in lithograph) với giá $50,000. Còn bản chính hiện ở đâu, thì tại hạ xin miễn tiết lộ.

@ Tiền Vệ

Trung Quốc đang trưởng thành một cách nguy hiểm (Phần 2)

Đồng tác giả: Gudrun Dometeit, Joachim Hirzel, Anja Obst, Susanne Frank và Jochen Schuster

Hoàng Linh Vương dịch

Khi lá cờ đỏ phất phới…
Trung Quốc vẫn còn đang còn ở xa tầm của một lực lượng hải quân chủ động. Nhưng ở những vùng láng giềng lân cận, càng ngày họ càng có thế. Những hải cảng đã được xây dựng ở Sri-Lanka, ở Bangladesch. Một cảng tiếp nhận tầu ngầm được thực hiện đã xong ở Malediven. Mục đích của họ là bảo vệ tuyến vận chuyển nhiên liệu thô. Bắc Kinh vận chuyển 80% dầu hỏa qua ngả Malakka. Họ còn có thêm một lý do quan trọng khác để tăng cường hải quân. Đó là tối tân hoá vũ trang cho trường hợp khi có cọ xát với Đài Loan, hay khi có tranh chấp lãnh phận với những nước láng giềng.

Liu Mingfu, chỉ huy trưởng Quân đội Nhân dân:
“Ở thế kỷ 21, Trung Quốc muốn trở thành số 1 của thế giới”

Đây là „ước mơ thép“ của người Tàu, nẩy nở từ những bước tiến của họ trong qúa khứ. Họ đã tạo ra được kết quả này với nhiều lắt léo. Từ lâu, thế lực cánh giữa đã đứng trên đẩu của đất nước này. […]

Trong thế kỷ thứ 19, Trung Quốc đã được đánh giá là nước phát triển cao nhất ở tầm vĩ mô. Rồi sau đó, cuồng vọng của Mao về „một bước nhảy vọt“ đã đem đến một sự khủng hoảng trong nghèo đói. Nhưng bây giờ, người Tầu tin tưởng sự trở lại huy hoàng của lịch sử đang trước mặt. Họ đang lạc quan. „Cái đích của Trung Quốc đang nhắm tới là trở thành số 1 cuả thế giới trong thế kỷ 21“ tướng Liu Mingfu tuyên bố. Ông Liu đang là giảng viên của trường đại học Quân sự thuộc viện đào tạo Sĩ Quan quân đội. „Hãy biến những bao tiền thành những thùng đạn” Liu đòi hỏi trong quyển „Giấc Mơ Trung Quốc“ do ông ta viết. Bắc kinh nên xử dụng sức mạnh của kinh tế để tăng cường cho lực lượng quân sự. Mặc dù ông Liu nói đây chỉ là ý kiến riêng của cá nhân ông, nhưng sách lược mà ông ta viết rõ ràng là tương hợp với một quan niệm mới, quan niệm này đang phổ biến trong quân đội và đội ngũ các nhà khoa học. Càng ngày họ càng ít chấp nhận giáo khoa của Đặng Tiểu Bình, đã chủ trương dè dặt và nhẹ nhàng đối với những chuyển động của bước toàn cầu hóa.

„Người Mỹ thiết lập trên toàn thế giới những cứ điểm quân sự.

Tại sao chúng ta lại không được làm?“, lý luận Shen Dingli, trưởng ban tổ chức của Trung tâm nghiên cứu về Châu Mỹ của trường đại học ở Shanghai. „Chúng ta có tiền, chúng ta hãy làm đi!“. Shen, 49 tuổi, trẻ , hùng hổ phóng lời trong lúc điện thoại di động của ông ta cũng liên tục đổ chuông. Và thêm nữa: Trung Quốc cần phải có những căn cứ quân sự ngay trong sân sau nhà của Mỹ, đó là lực đối trọng đối với những cứ điểm quân sự của Mỹ ở Nhật và ở nam Triều tiên.„Các người nên hiểu tư tưởng của người Trung Quốc từ trong tâm não“, ông Shen chì chiết như thế. Shen Dingli đã từng là giáo sư của trường đại học Colorado (Mỹ) và đang là ủy viên Bộ chính trị của đảng Cộng Sản Trung Quốc. „Nếu chúng tôi có thể thắng, chúng tôi sẽ thử. Nếu chúng tôi bị tấn công, chúng tôi sẽ phản pháo, ngay cả trong khi trong Luật Quân Sự là không được phép khai hoả trước. Chúng tôi không phải là người Phật giáo“ ông ta khẳng định như vậy.

Như những viên ngọc trai trong xâu chuỗi, hết những hải cảng này đến những hải cảng khác nối đuôi nhau ở Á châu xuất hiện, được xây thành tiền đồn từ chính những đội quân người Tầu. Ở đó, những trạm này có nhiệm vụ bảo đảm quyền lợi của Trung Quốc. Ngoài bề nổi, nó chỉ là để phục vụ cho những thương vụ dầu hoả và khí đốt. Nhưng theo nhận định của những chuyên gia nhạy cảm, những hải cảng đầu cầu như ở Pakistan hoặc ở Birna có thể trở thành những cứ điểm quân sự mấu chốt để phục vụ chiến tranh.

Những toan tính như thế sẽ càng trở nên quan trọng hơn cho mục đích kế tiếp đó là tối tân hóa hải quân! Những nhà quân sự tây phương cho rằng: Trung Quốc tham gia tích cực vào chương trình hành động chống hải tặc ở vùng biển Somalia của Liên Hiệp Quốc chỉ là để thao dợt hỏa lực của họ ở trên biển.
Từ ngân sách dành cho trang thiết bị quốc phòng -được nâng cao hằng mấy chục phần trăm mỗi năm-, Bắc Kinh đã mua tầu ngầm nguyên tử, tự chế tạo hạm đội có phi lực. „Đây là giấc mơ của mỗi thế lực quân sự“ tướng Qian Lihua, tham mưu trưởng bộ Quốc phòng, nói một cách khát khao.

Những phi vụ bí mật dưới mã số „9985“ hay „9935“ đã được thực hiện từ những năm 90. Bắc kinh đã mua ít nhất là 3 „cầu nổi“ -được gọi là „những bánh xe cũ“ hay „phao nổi khổng lồ chưa hoàn thiện“ của Liên Xô trước đây, được nói là để sửa thành những con tàu đánh bài giải trí, hay bảo tàng viện, nhưng trên thực tế, đội quân kỹ thuật của quân đội đã nghiên cứu từng cái đinh vít để tìm hiểu cấu trúc của những chiến hạm sừng xỏ này.

Tiêu biểu của một cường quốc là… vũ khí:
Chi phí quốc phòng (tỷ US-Dollar)
Mỹ: ……………………….607
Trung Quốc: …………..85
Pháp: …………………….66
Anh: ………………………65
Nga: ………………………59
Đức: ………………………47
Nhật: ……………………..46
Ý: …………………………..41
Saudi-Arabien: ……….38
Ấn độ: ……………………30

Tuy nhiên, người Tầu dù nhanh nhẹn, nhưng họ sẽ phải kiên nhẫn chờ đợi thêm một thời gian nữa. Theo hiểu biết của quân sự tây phương, hạm đội có phi đạo cho trực thăng và chiến đấu cơ của Trung Quốc -tốn kém khoảng 10 tỷ US-Dollar cho mỗi cái- sẽ có thể hoạt động khoảng 10 năm sau. Nhưng dù với bộ quân phục hay dân phục, người Tầu đang ở thế thượng phong. Người Đức nếu muốn biết mức độ tự tin của những nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cao ở mức độ nào, chỉ cần hỏi He Kaijun. Ông He, 71 tuổi, -người đã từng lãnh học bổng của hội Konrad-Adenauer (Đức)- sẽ truyền cho một thông điệp dữ: „Nước Đức phải nhìn thẳng vào sự thực là một lúc nào đó sẽ bị qua mặt“. He đang điều hành Trung tâm thúc đẩy và phát triển đèn dioden tại Xiamen.

Ai không muốn hợp tác, sẽ bị hợp tác hoá

He khuyên những người trong ngành sản xuất cơ khí của Đức rằng: để ít nhất có lợi nhuận cao trong thời gian dài, quí vị phải đặt hàng sản xuất ở Trung Quốc -nơi đây cũng là thị trường có nhu cầu tiêu thụ rất cao đối với những loại mặt hàng này (2009: 300 tỷ Euro). Khi được hỏi: Rồi thị trường việc làm ở Đức sẽ ra sao? Ông ta trả lời câu hỏi này bằng cách.. nhún vai. Ở Đức, hiệp hội VDMA (Cơ khí) cảnh cáo về một „luồng khí loang“ từ Á châu. Rudiger Kapiza, Giám đốc tập đoàn Gildermeister nói: „ Người Tầu đang rất khỏe. Họ có thể vượt ngành sản xuất dụng cụ cơ khí của Đức trong 5 năm nữa“. […]

Vào thời điểm này, trong khi nền kinh tế thế giới đang bị khủng hoảng, lúc mà nhiều hãng Tây phương đang rối ren về tiền bạc, người ta có thể bám víu vào những thương vụ mua lại hãng xưởng của Trung Quốc. Đất nước này đang có đầy rẫy những của cải. Bước tấn mới đây nhất là Geely đã mua Volvo (hãng xe của Thụy Điển). Người Tầu cũng đang rất thích hãng xe Opel (hãng của Đức, đang có vấn đề vể tài chính). Mua lại hãng xưởng là phương tiện nhanh nhất để chiếm đoạt kỹ năng.  Những tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc hầu như đều phải nằm dưới điều kiện là phải cộng tác với một đơn vị kinh tế của bản xứ. Chất xám của phương Tây đương nhiên sẽ tiếp tục rò rỉ ra từ đó. Và khi mà những nhà chức trách người Đức báo cáo về tình hình gián điệp kinh tế, thì trong bản tường trình của họ dứt khoát phải có cái tên China thật to.

Thêm nữa, ngoài kia còn lau nhau ồ ạt những quả trứng đang nở của rùa nước (tên gọi dân gian dành cho những sinh viên người Tầu sau khi đã tốt nghiệp ở nước ngoài trở về phục vụ quê hương). Khi về nước họ thường nắm những chức vụ đầu ngành. Lúc này đây, nhà nước Trung Quốc đang tung nhiều chiến dịch chiêu dụ công dân của họ, đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc, đang sống ở nước ngoài. Hằng năm, trong nước vẫn đang có khoảng 500 ngàn kỹ sư ra trường, nhưng họ cũng vẫn đang cần một „cú tót“ lịch sử.

Những người có trình độ văn hóa cao có thể nhận được tới 500.000 Euro để thiết lập cơ quan. Công chức nhà nuớc động viên sinh viên của họ từ ở trong các trường đại học ở nước ngoài. Lời kêu gọi của Tổ quốc đã có hàng trăm ngàn sinh viên bước theo trong những năm vừa qua.

Bộ trưởng bộ khoa học và kỹ thuật Wan Gang:
„Chúng ta học hỏi những kỹ thuật hiện đại nhất của các nước qua hội chợ và triển lãm“

Một sự trở về điển hình là Wan Gang. Ông kỹ sư 57 tuổi này, đã giảng dạy ở trường Đại học kỹ thuật Clausthal (Đức), đã làm việc cho Audi với chức vụ điều hành ban nghiên cứu và phát minh. Năm 2000 ông ta trở về Trung Quốc để tham gia cộng tác vào chương trình phát triển xe hơi với động cơ điện. Từ năm 2007 trở thành bộ trưởng Bộ khoa học kỹ thuật.

(còn tiếp)

Sự Hán hóa Biển Đông Nam Á : tình hình dầu sôi lửa bỏng (*)

André Menras (1)

Vùng biển có tên là Biển Trung Hoa mà người TQ gọi là Biển Nam, còn người VN thì gọi là Biển Đông đang trở thành điểm nóng trên hành tinh của chúng ta. Vùng địa trung hải Đông Nam Á này được bao quanh bởi 10 quốc gia với hàng trăm hòn đảo, trong đó có 200 đảo được phân bố thành 2 quần đảo là Paracels và Spratleys (tiếng Việt là Hoàng Sa và Trường Sa).Vùng biển và đảo này có tầm quan trọng cực kì về mặt chiến lược và kinh tế : đây là lộ trình bắt buộc của tất cả các tàu chở dầu và các tàu vận chuyển nguyên vật liệu và các hàng hóa khác đi từ châu Âu, châu Phi, Trung Đông thông qua eo biển Malacca, hướng về TQ, Triều Tiên, Nhật Bản. Vùng biển này vừa là nguồn tài nguyên dồi dào về thủy sản, vừa là kho báu đầy hứa hẹn về trữ lượng dầu và khí đốt thiên nhiên. Hoàng Sa nằm ở phía đông bờ biển miền Trung VN, đang là đối tượng tranh chấp về chủ quyền giữa VN và TQ. Trường Sa, nằm ở vị trí trung tâm, đang bị tranh chấp bởi 7 nước : Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Phi-lip-pin, Mã Lai, Bru-nây và In-đô-nê-xi-a.

Việt Nam và biển Đông

Lịch sử, quyền lợi và sức mạnh

Nói về Hoàng Sa, trên phương diện lịch sử cũng như luật quốc tế, không nghi ngờ gì, chủ quyền thuộc về VN. Yêu sách mà TQ đưa ra không thể đứng vững trước một trọng tài xét xử quốc tế. Thế nhưng quần đảo này đã bị TQ nuốt chửng bằng sức mạnh quân sự. Đó là vào 2 thời kì : năm 1956, sau sự thất bại của thực dân Pháp và năm1974, khi Mỹ bắt đầu nhảy vào VN. Đối với quần đảo Trường Sa, tình hình có phức tạp hơn nhưng chủ quyền của VN trên một số lớn các hòn đảo và trên các lãnh hải lân cận cũng đã được xác lập về mặt lịch sử cũng như về pháp lí. Những mâu thuẫn với các nước thành viên ASEAN có thể được giải quyết bằng cách thỏa thuận và vì lợi ích chung. Nhưng người « Anh Cả TQ » lại không muốn như vậy. Sau khi đột nhập vùng biển năm1988, giết hại 74 thủy thủ VN, hải quân TQ đã không ngừng gặm nhắm các hòn đảo nhỏ.

Từ gặm nhắm đến nuốt chửng

Sau đó, TQ đi từ chính sách gặm nhắm đến nuốt chửng : ngăn cản các công ty dầu khí nước ngoài kí hợp đồng khai thác với các nước trong vùng, trong khu vực kinh tế độc quyền của họ ; bắt bớ và cầm tù trong nhiều tuần các đoàn tàu đánh cá, tịch thu cá đánh bắt được cùng với thuyền chài, đánh đập dã man các ngư dân, trả tự do bằng cách đòi gia đình họ đưa tiền chuộc ; đâm thủng và làm đắm các tàu thuyền, đơn phương ngăn cấm đánh cá – dĩ nhiên là chỉ đối với người VN- từ tháng 5 đến tháng 8 trong khu vực, viện cớ là khu vực sinh thái.

Trong suốt tháng 4, TQ đã phát động các cuộc diễn tập hải-không quân với quy mô lớn ở Trường Sa với các thao tác như đổ bộ, thả lính nhảy dù, tập bắn súng. Về cấp độ pháp lý, năm 2009 các nhà lãnh đạo TQ đã đưa ra yêu sách chính thức về chủ quyền « không thể chối cãi » trước Tiểu ban của Liên Hiệp Quốc về quyền trên biển : 80% biển và toàn bộ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Như để cảnh báo, họ vừa chuyển đến các nhà ngoại giao Mỹ thông điệp : « Biển phía Nam là bộ phận « thiết yếu » của lãnh thổ quốc gia ». Có nghĩa là nơi mà họ sẵn sàng sử dụng các biện pháp quân sự như đối với Tây Tạng hoặc Đài Loan. Đồng thời , TQ cũng từ chối mọi cuộc đàm phán minh bạch và đa phương. Họ đã từ chối thẳng thừng việc áp dụng luật quốc tế của Liên Hiệp Quốc năm 1982 về chủ quyền trên biển. Nói tóm lại, họ tự cho mình đứng ngoài vòng pháp luật, và họ thật sự đã làm như vậy, theo đúng nghĩa đen của từ này.

Tình hình VN trước sự đối mặt với TQ

Sự thiếu hụt về cán cân thương mại giữa VN và TQ thật là khổng lồ. Hơn 50% các trao đổi thương mại của VN được thực hiện với TQ. Hàng hóa TQ đủ loại tràn ngập thị trường đã bóp nghẹt nền sản xuất và nghề thủ công của VN. Các dự án lớn về khai thác mỏ chủ yếu bị các nhà thầu TQ được Bắc Kinh hỗ trợ hết mình cuỗm mất. Lĩnh vực xây dựng cũng bị Hán hóa mạnh và nhân công không lành nghề của TQ bắt đầu đến. Hàng trăm ngàn hec-ta đất cũng bị đem cho các doanh nghiệp lâm nghiệp TQ thuê trong vòng 50 năm…Đôi khi cả trong những vùng có ý nghĩa chiến lược. Các nhóm vận động hành lang của TQ nằm trong các cơ quan lãnh đạo rất mạnh mẽ và có thế lực.

« Sự kiên nhẫn » đầy độ lượng của các nhà lãnh đạo VN

Trong tình thế rất nguy hiểm đó đối với nền độc lập của đất nước, các nhà lãnh đạo VN ngày càng lâm vào thế kẹt giữa những sự câu thúc và tham vọng ngày càng quá đáng của anh láng giềng « thân thiết » và phản ứng kháng cự, tự hào, vì sự sống còn của người dân. Từ lâu, họ đã bưng bít thông tin về những cuộc xâm lược của Trung Quốc tại Biển Đông. Thậm chí họ đã đình chỉ các tờ báo, rút lại các bài viết, « bãi nhiệm » các nhà báo. Họ chưa bao giờ phổ biến rộng rãi trên toàn quốc tình hình các ngư dân đồng bào của họ đã bị bắt và bị cầm tù như thế nào ! Họ đối xử theo kiểu TQ với những người yêu nước đang phẫn nộ, đồng hóa họ với « các thế lực phản động phục vụ nước ngoài ». Thậm chí họ còn kính cẩn làm ngơ trước những lá thư cảnh báo của đại tướng Võ Nguyên Giáp, huyền thoại trăm năm của nền độc lập VN, người bạn chiến đấu ngay từ buổi đầu của chủ tịch Hồ Chí Minh…

Những dấu hiệu phản ứng « cứng rắn » của VN

Nhưng thái độ ấy không thể cứ kéo dài như thế mãi bởi sự nhục nhã đã trở thành quá lớn đối với một dân tộc có truyền thống yêu nước sáng ngời và một tính cách vô cùng mạnh mẽ. Cũng không thể bỏ qua yếu tố kinh tế hiển nhiên: tương lai của đất nước, dải đất có chiều rộng đôi khi chưa đến 100 cây số nhưng lại có bờ biển dài hơn 3000 cây số, sẽ là một tương lai chết nếu như vùng biển bị tịch thu. Không ai có thể chối cãi rằng Đảng Cộng Sản VN có quyền đòi hỏi vinh quang trong quá khứ, nhưng ngày nay họ phải hết sức thận trọng để không phải trả giá cho sự nhục nhã của hiện tại và thảm kịch của tương lai.

Do đó, trước sự phô trương sức mạnh quân sự của Bắc Kinh, VN đã thành lập một vùng quân sự mới, vùng số 2, chịu trách nhiệm bảo vệ vùng biển và hải đảo từ miền Trung đến miền Nam đất nước, bảo vệ các dân chài, nhà cửa, dân cư. Họ đang cố gắng trang bị vũ trang hiện đại : tàu khu trục, tàu tuần tra, máy bay thám thính, tên lửa, trực thăng… Việc quân sự hóa cần thiết để sống còn này làm cho nền kinh tế thêm trì trệ và kìm hãm mạnh mẽ sự phát triển của đất nước.

Sự căng thẳng dâng cao

Trước quyết định kháng cự được thể hiện của VN, các nhà lãnh đạo TQ lồng lên vì tức giận. Trong hàng trăm trang internet chịu sự kìểm soát gắt gao của Bắc Kinh, người ta có thể đọc được bài báo ngày 29/4/2010 có nhan đề : « Trung Quốc phải sử dụng vũ lực quân sự để tấn công bọnViệt Nam lòng lang dạ sói». Tác giả mô tả quan hệ giữa 2 nước giống như quan hệ giữa « người nông dân và con rắn »…Có đoạn còn viết rằng : « cuộc chiến tranh Trung – Việt năm 79 vẫn chưa đủ dạy cho Việt Nam một bài học huỷ diệt thì lần này, chúng ta cần làm triệt để, để Việt Nam có được bài học nhớ đời và cũng là vì lợi ích lâu dài của Trung Quốc ». Cũng trong ngày 29/4, trên trang Web « Hoàn cầu Thời báo » và « Nhân Dân » (cơ quan ngôn luận Dảng Cộng Sản TQ), người ta thấy một bài với đầu đề hùng hồn: “ Giải quyết vấn đề Biển Đông, then chốt là hành động.”

Sau khi giới thiệu TQ giống như một nạn nhân vô tội trong một vụ cướp bóc tài nguyên trong khu vực, bởi « một số nước », các tác giả đã nêu lên mối nguy hiểm : « … Nước Mỹ, dưới sự giúp đỡ của các nước đồng minh như Sin-ga – po và Phi-lip-pin đã tăng cường sự hiện diện quân sự thường trực tại Biển Đông … có kế hoạch trở lại vịnh Cam Ranh ». Họ lạnh lùng đưa ra chiến lược lấn chiếm khắp nơi của TQ. Và kết luận như sau: “Chìa khoá là quyết định dám mở ra đột phá bằng hành động cụ thể…”

Về phía Việt Nam, ngày 7/5 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội VN Nguyễn Phú Trọng, nhân vật số 4 trong Bộ chính trị của Đảng Cộng Sản VN đã kêu gọi hải quân «… sẵn sàng hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng khác nhằm đánh bại mọi cuộc tiến công trên hướng biển ». Cũng trong buổi lễ hôm ấy, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, trong bài diễn văn của mình, đã nhắc lại « sứ mệnh lịch sử » của hải quân VN là « dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng… ».

Ngày 1/4/2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, trong chuyến viếng thăm đảo Bạch Long Vĩ của VN, cách Hải Phòng 70 hải lý, đã tuyên bố rõ ràng, không còn gì rõ hơn được nữa : « Đối với biên giới, lãnh hải, chúng ta luôn muốn hòa bình hữu nghị giữa hai dân tộc, giữa các dân tộc có biên giới với chúng ta … Làm việc này trên cơ sở thương lượng, trao đổi, vận động, thuyết phục… Không để bất cứ ai xâm lấn bờ cõi của mình, biển đảo của mình… Chúng ta không tham của ai, nhưng một tấc đất quê hương chúng ta cũng không nhân nhượng .»

Cuối ngày 11/5, tại Hà Nội, nhân Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (mà TQ không phải là thành viên), bộ trưởng VN, đại tướng Phùng Quang Thanh đã tuyên bố rằng sự hiện đại hóa quân sự là chuyện bình thường, nhằm để bảo vệ đất nước tốt hơn và cũng để « tạo sự răn đe ». Răn đe : lần đầu tiên từ này được tuyên bố công khai bởi một vị lãnh đạo của VN. Nhưng răn đe ai ? Chắc chắn không phải là các nước khác trong ASEAN.

Kết luận :

Mối đe dọa bùng nổ quân sự trong khu vực là có thật. Đó không phải là việc của các nước « nhỏ » ASEAN, bởi vì không ai trong số họ đe dọa TQ và họ cũng không có lợi gì để làm việc ấy. Dĩ nhiên càng không phải là VN. Tuy nhiên, có những giới hạn đối với các hành động chiếm đoạt đe doạ sự sống còn của các nạn nhân. Chúng ta cũng có thể chờ xem phản ứng của các cường quốc quan tâm tới vấn đề an ninh trong khu vực.

Liệu rằng triều đại TQ hiện nay có dám coi thường quyền lợi của các dân tộc và luật pháp quốc tế bằng cách đem 1 tỉ 3 người TQ được điều kiện hoá cùng với bom nguyên tử và các đòn trả đũa về kinh tế ra đe dọa hay không ? Liệu TQ có thể khôi phục được uy quyền dựa trên nòng súng của thực dân cũ rích ngày xưa, với sự thông đồng của các bạn hàng quốc tế và các chính khách đại biểu hay không ? Tuy nhiên, không ai trong số các nhà quan sát lỗi lạc, các chuyên gia và các nhà phân tích của chúng ta có thể nói rằng họ không hay biết điều đó bởi vì TQ không còn giấu mặt nữa !

Chẳng sớm thì muộn, càng không nói, càng lùi bước trong sự ích kỉ, tham lam và hèn nhát thì rồi đây chúng ta sẽ phải gánh chịu những thảm kịch đang xảy ra ở nơi khác mà chúng ta có thể ngăn chặn được. Munich (3) đâu đã xa xôi gì và thế giới thì ngày càng nhỏ lại. Nếu chúng ta không hành động vì dân tộc VN và các dân tộc lân cận thì ít ra hãy hành động vì chính mình.
André Menras

(*) Nguyên tác bằng tiếng Pháp, đăng trên nhật báo La Marseillaise ngày 17.5.2010, Diễn Đàn đăng lại với sự cho phép của tác giả, tại đây

Chú thích:

(1) Từng bị giam ở các nhà tù chế độ Sài Gòn cũ vì ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, A.M. là tác giả tài liệu được đăng trong tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 86, tháng 4- 6/2009 : « Lào, Cam-pu-chia và Việt Nam, những quân cờ đô-mi-nô đầu tiên của chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc ? »

(2) Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á

(3) Munich : Thành phố của Đức, nơi mà vào năm 1938, các đại diện của chính phủ Pháp và Anh đã bật đèn xanh cho Hitler tấn công Ba Lan và Tiệp Khắc vì họ muốn tránh chiến tranh xảy ra ở nước họ. Chỉ hai năm sau đó, Hitler đã tuyên chiến với Anh và Pháp !.

@Diễn Đàn