Thêm một đảng viên từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê Nin

Mặc Lâm

Mới đây lại thêm một đảng viên lên tiếng phản đối việc chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục sử dụng cụm từ “Chủ nghĩa Mác Lê Nin” trong khi vận hành nền kinh tế đặc thù của chủ nghĩa Tư bản.

TS Đỗ Xuân Thọ, một đảng viên kỳ cựu và là người đưa ra ý kiến này cho rằng nếu không mạnh dạn từ bỏ học thuyết này thì nhà nước đang trực tiếp làm cho nội bộ Đảng phân hóa và tiếp tay với tình trạng tham nhũng hiện nay.

Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn đặc biệt với TS Thọ, để biết thêm những quan điểm của ông về vấn đề này.

Mặc Lâm: Thưa ông, chúng tôi được biết ông có một bài viết phân tích về việc nên từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê Nin để thay vào đó là chủ nghĩa Dân Tộc. Thưa, sau khi bài viết được phổ biến thì ông có nhận được phản hồi nào từ phía chính quyền hay không ạ?

TS Đỗ Xuân Thọ: Tất cả các đồng chí ở trong Viện đều là những người đồng đội của tôi, kể cả những đồng chí đã đánh nhau ở trong Quảng Trị cùng với tôi hồi xưa đấy đều là anh em cả. Mấy bác ở phường đến đây họ đều khuyên là phải ngừng lại bởi vì có một số người đã đăng trên mạng và có những lời bình luận không được hay lắm.

Thực ra là tôi tranh luận với các bác thì các bác hiểu rõ cái lập luận của tôi rồi cho nên tôi không trình bày một cách kỹ lưỡng, tôi bị một khuyết điểm là lẽ ra có thể được bảo lưu ý kiến cho đến tận Ban Chấp Hành Trung Ương nhưng mà không được tung lên mạng. Họ phê bình cái chuyện đó.

Chủ nghĩa không tưởng

Mặc Lâm: Trước tinh thần đó thì ông có bảo lưu ý kiến của mình hay không?

TS Đỗ Xuân Thọ: Quan điểm của tôi rất là trong sáng. Tôi 56 tuổi rồi, tôi không có một ý định làm quan, làm chức gì cả. Bố tôi cũng là người nuôi các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, rồi nói chung là tôi không nhờ vả, không cậy thần cậy thế gì cả. Tôi đi bộ đội về, tôi phục viên, rồi vào đại học, rồi cố gắng làm tiến sĩ. Nói chung là tất cả mọi cái tôi đều hết sức cố gắng, nhưng mà một cái điều không thể nào rứt ra được là lúc nào tôi cũng nghĩ về đất nước.

Mặc Lâm: Ông vừa nói là rất quan tâm về đất nước, ông có thể cho biết cụ thể hơn những quan tâm đó là gì ạ?

TS Đỗ Xuân Thọ: Tôi nghĩ về đất nước phải đến hàng chục năm nay rồi. Cái lần đại hội đảng lần thứ 10 tôi cũng đã viết một bức thư lên BCH Trung Ương Đảng là hãy loại bỏ tính giai cấp ra khỏi nội hàm khái niệm đảng mà thay vào đó là tính dân tộc, và cũng đổi tên đảng là Đảng Lao Động Việt Nam, mà đảng nghe có một nữa thôi, họ đã phải chỉnh lại. Tất nhiên không phải chỉ có mình tôi. Họ phải chỉnh lại cái điều lệ đảng là “Đảng CSVN là đội quân tiên phong của dân tộc Việt Nam, của giai cấp công nhân Việt Nam” đồng thời họ phải nèo vào một câu như thế.

Hồi đầu tiên thì tôi uất ức cái thời sống vào thời bao cấp ghê gớm, chẳng hạn như là những người nhưng mà về sau này tôi nghĩ là ngay cả Khrushev, Honecker ở Đức, rất nhiều người còn lầm tưởng đấy là cái chủ nghĩa tuyệt vời nhất có thể xây dựng được một cái xã hội tốt đẹp cho nên là họ mới làm như thế. Đúng là không đáng trách đâu nhưng mà tôi không thù hận gì nữa, nhưng bây giờ tôi có thể bỏ qua và thông cảm được.

Quan điểm của tôi, nếu mà đảng không lấy chủ nghĩa dân tộc làm nền tảng tư tưởng thì cái chủ nghĩa Mác Lê Nin sẽ bằm nát đảng ra với những cái mũi nhọn tấn công từ phía ngoài, nó chỉ cần đánh vào cộng sản và đánh tham nhũng là chết rồi, là tan đảng rồi.

Tôi là người không chủ trương đa đảng vì đa đảng lúc này là nội chiến ngay, tôi nghĩ là như thế.

Phân hóa nội bộ

Mặc Lâm: Ông từng cho rằng chính chủ nghĩa Mác Lê Nin đã làm mất đoàn kết trong nội bộ Đảng, ông có thể giải thích thêm được hay không?

TS Đỗ Xuân Thọ: Mất đoàn kết là như thế này, thực chất của công cuộc đổi mới là chúng ta dám phá bỏ những luận điểm cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác-Lênin, đó là đấu tranh giai cấp. Toàn bộ Mác là muốn giai cấp công nông là người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản, thì cái đó là chúng ta phản bội lại chủ nghĩa Mác-Lênin trong cái thời đổi mới này cho nên mới được như ngày hôm nay.

Đại hội đảng CSVN diễn ra 5 năm một lần, quyết định tất cả mọi đường lối, chính sách cũng như thành phần lãnh đạo đất nước. AFP photo. Thế thì cái công cuộc đổi mới đang được tiến hành, tức là chúng ta càng phát triển cái nền kinh tế nói là kinh tế xã hội chủ nghĩa nhưng mà thực chất là kinh tế tư bản chủ nghĩa, có nghĩa là càng đổi mới thì càng phá bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, thế mà cái chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn ghi vào điều lệ là nền tảng tư tưởng, vì thế cho nên là có cái mâu thuẫn đảng đã bị chia ra làm ít nhất là hai phe: phe thứ nhất bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, phe thứ hai là không quan tâm đến sự thắng thua của chủ nghĩa Mác-Lênin mà tất cả vì dân giàu nước mạnh, tất cả vì dân tộc và cái quyền lợi kinh tế nữa chứ.

Và ngoài ra nó còn bị thọc từ bên ngoài vào bởi những bọn phản động sẽ tấn công vào những cái thứ mà chúng ta đang làm trái chủ nghĩa Mác-Lênin. Chúng nó đang hô hào công nông kiện cáo đấu tranh. Đấy, chúng nó làm đúng chủ nghĩa Mác-Lênin. Chúng nó làm như thế là coi như trong đảng bị phân rã ngay. Tôi có thể khẳng định rằng ngay trong Bộ Chính Trị đã có sự phân rã, nếu như chúng ta còn giữ chủ nghĩa Mác-Lê Nin làm nền tảng tư tưởng. Cái chủ nghĩa Mác-Lênin này nó làm cho chúng ta nhầm lẫn giữa ý thức hệ và dân tộc, ý thức dân tộc và ý thức hệ tư tưởng.

Dân tộc là mục tiêu chứ không phải XHCN

Mặc Lâm: Vừa mới đây Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tuyên bố là Việt Nam tiếp tục tiến theo con đường phát triển lên chủ nghĩa xã hội trong đó mô hình kinh tế thị trường mà theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa. Vậy đề nghị của ông sẽ đi ngược lại các tuyên bố này hay sao?

TS Đỗ Xuân Thọ: Tôi nghĩ là cái khẩu hiệu xã hội chủ nghĩa nó rất mù mờ. Tôi là một trong những người ra đầu tiên cái khẩu hiệu là “tất cả vì dân giàu nước mạnh”, về sau này họ mới thêm là “xã hội công bằng dân chủ văn minh”. Đấy là mục tiêu của dân tộc ta, chớ còn tôi không tán thành cái mục tiêu xã hội chủ nghĩa.

Tất nhiên là tôi sẽ bảo lưu ý kiến đến Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng. Thực chất là khi mà đảng hỏi ý kiến thì tôi sẽ phát biểu ý kiến đó lại một lần nữa. Và nếu mà có thể đối thoại được với TBT Nông Đức Mạnh thì tôi cũng sẽ nói như nói với anh vậy thôi.

Tuy nhiên tôi là một đảng viên cho nên khi mà ý kiến của tôi vẫn chưa được tán thành thì tôi vẫn chấp hành tuyệt đối những nghị quyết của đảng. Tôi chỉ quan tâm đến sự hùng mạnh của dân tộc Việt Nam. Chứ nếu mà theo chủ nghĩa Mác-Lê Nin thì là còn phải quan tâm đến cả giai cấp công nông ở Mỹ nữa cơ, ở Pháp nữa cơ, lo cho họ thất nghiệp. Nói thật với anh là tôi chỉ lo cho dân tộc Việt Nam.

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

@ rfa.org/vietnames

Khép lại quá khứ với kẻ thù – Khoét sâu hận thù với dân!

Đối với thù ngoài thì “khép lại quá khứ” còn đối với ngay người dân trong nước và kiều bào hải ngoại thì lại đào sâu hận thù và chia rẽ. Chính sách vọng ngoại cầu vinh và chống lại nội lực của dân tộc không chỉ sai lầm mà còn tạo ra những nguy hiểm cho việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của VN. Nó đang phá vỡ sức mạnh đoàn kết của nhân dân trước hiểm họa xâm lăng trước mắt từ phương Bắc. Một đường lối phản động nguy hiểm như vậy cần phải được toàn dân, kể cả những người CS tiến bộ, cương quyết chống đối. Đó là lời kêu gọi thiết tha của trái tim và mệnh lệnh của trí tuệ đối với tất cả người VN ở trong nước cũng như hải ngoại!

© Âu Dương Thệ

Xin đọc tiếp ở đây :

Khép lại quá khứ với kẻ thù – Khoét sâu hận thù với dân!

Căn hộ triệu đô và khu nhà ổ chuột ở Sài Gòn

Văn Lang

Nhưng có lẽ mấy ai trong men rượu nồng, trong cái khoái cảm mơn trớn những đồng tiền “trúng quả” và nụ cười giai nhân lại có thể nhớ tới phận người trong những khu ổ chuột đang lặng lẽ bước mưu sinh trong bóng tối của cuộc đời, với họ – những con người ấy, mỗi bình minh lại là khởi đầu của một ngày nhọc nhằn, nặng trĩu đôi bờ vai…
Gần tháng nay Sài Gòn ồn ào lên vì tin của mấy báo lá cải trên mạng về việc cô ca sĩ kiêm người mẫu chân dài H.N.H có thai 3 tháng với “C. đô la.”

Tìm hiểu thân thế thì thiếu gia “C. đô la” là con của một nữ doanh nhân “xem xem” cỡ “bầu Ðức” của Hoàng Anh Gia Lai và vị phu nhân này cũng là người dựng cơ nghiệp bằng nghề “đốn cây rừng,” hiện “C. đô la” cũng đang là tổng giám đốc của một công ty bất động sản tầm cỡ ở Sài Gòn.

Liên kết giữa sự ồn ào của dư luận và bất động sản làm chúng tôi nhớ lại vụ ồn ào trước kia về dự án Diamond Island (đảo Kim Cương).

Dự án này ra đời cũng ồn ào và làm choáng váng thế giới bất động sản như vụ H.N.H. và thiếu gia “C. đô la,” và có phần còn hơn thế nữa.

Ðảo Kim Cương nằm tại khu vực ngã 3 sông Sài Gòn và Giồng Ông Tố, nếu đi từ bến Bạch Ðằng ra đảo bằng… du thuyền (do bên chủ đầu tư đưa đi) thì mất khoảng 10 phút. Dự án này do công ty Bình Thiên An (BTA) thắng thầu và do kiến trúc sư nổi tiếng của Nhật Bản là Arata Isozaki thiết kế.

Các căn hộ trong tương lai của Diamond Island đã được chào bán với giá khởi điểm là từ $300 ngàn tới $3 triệu. Gây “shock” hơn nữa, dự án chỉ chào bán cho những người thành đạt mà BTA đã tuyển chọn và cũng chỉ bán ra 50% căn hộ, số căn hộ còn lại dùng để làm gì thì chưa nghe nói. Theo nguồn tin của giới chức cao nhất của BTA đưa ra thì tài tử Brad Pitt và ca sĩ hải ngoại T.N đã ra thăm Diamond Island, nhưng chưa “ngỏ ý” gì về việc mua căn hộ trong tương lai.

Khu đô thị đảo Kim Cương

Tin tức về sự ăn chơi của giới nhà giàu mới nổi ở Việt Nam luôn làm cho giới độc giả “rỗi hơi” ở Việt Nam choáng váng. Nhưng có nhiều tin tức chính thức, theo chúng tôi gây shock gấp vạn lần, nhưng buồn thay những tin ấy lọt thỏm giữa rừng thông tin và mất tăm giữa dòng chảy cuộc đời thờ ơ, vô cảm.

Ðó là, theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Xây Dựng thì Sài Gòn có khoảng hơn 1,000 (một ngàn) khu ổ chuột, trong đó nhiều khu mới hình thành ở vùng ven và ngoại thành Sài Gòn. Cũng theo tin tức trên báo chí Việt Nam thì nhiều nhà trong khu ổ chuột của Sài Gòn có diện tích chỉ là 10 mét vuông nhưng phải chứa số nhân khẩu lên tới… 12 người.

Khu nhà ổ chuột bên dòng kinh nước đen, quận 8, Sài Gòn.

Chưa hết, những “căn nhà không số,” “khu phố không tên” giữa Sài Gòn nóng hầm hập này còn không có nước và phải chịu mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ những dòng kênh đen hoặc từ cống rãnh đầy chất thải của những con hẻm không lối thoát.

Nói tới khu ổ chuột ở Sài Gòn, đầu tiên người ta thường liên tưởng tới quận 4, quận 8 nơi có những dòng kinh nước đen chảy qua. Rồi sau đó tới khu kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè với phía mặt tiền đã được giải tỏa nhưng phía trong vẫn còn những “ốc đảo” ổ chuột nằm lọt thỏm giữa những tòa cao ốc đã mọc lên.

Nổi tiếng không kém những khu kinh nước đen là khu đường rầy xe lửa thuộc quận 3, quận Phú Nhuận. Khu ổ chuột mới xuất hiện ở các quận ven như Gò Vấp, Bình Thạnh, đặc biệt lan ra các quận ngoại thành như ven Thủ Ðức, khu Thới Tam Thôn (Hóc Môn), khu Tân Chánh Hiệp (quận 12), khu Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân)…

Tòa tháp Bitexco Financial Tower đang xây tới tầng thứ 57, khi hoàn tất sẽ cao 68 tầng và là tòa tháp cao nhất Sài Gòn.

Về dự án chỉnh trang đô thị của Sài Gòn thì từ nay tới năm 2015, chỉ riêng quận 8 thôi đã phải di dời trên 25 ngàn hộ dân, chiếm khoảng 1/3 dân số của quận 8. Ðó là cư dân của mấy vùng kinh nước đen như rạch Ụ Cây, bờ đông rạch Xóm Củi, kênh Ðôi, kênh Ông Lớn, kênh Tàu Hũ…

Vướng mắc đầu tiên trong dự án chỉnh trang đô thị, giải tỏa khu ổ chuột của Sài Gòn là quỹ đất dành cho khu tái định cư đã gần như cạn kiệt. Như quận 8 đã dự kiến phải lấy khu bến bãi, kho hàng dọc theo bờ sông và luôn cả đất dự định làm công viên cây xanh để xây nhà tái định cư cho dân. Như vậy lá phổi – là cây xanh của Sài Gòn đã rất thiếu thì bây giờ lại càng thêm… tệ.

Chưa hết, khi 300 hộ dân từ rạch Ụ Cây được đưa tới tái định cư tại chung cư Tân Mỹ, thuộc quận 7, sát khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng thì lại phát sinh nhiều vấn đề. Ðầu tiên, một số hộ dân bán căn hộ tái định cư để chuyển đi nơi khác vì thiết kế căn hộ không phù hợp với họ, không có nơi để xe ba gác, xe hủ tiếu, xe bán bánh mì…

Một người dân cho biết về căn hộ tái định cư, “Nhà thì đẹp, nhưng bụng thì… đói, vì không có nơi buôn bán cho người nghèo, đành phải đi thôi!” Kế tiếp, vì vị trí khá đắc địa của Tân Mỹ nên nhiều cò nhà và người của công ty địa ốc kéo tới dụ dỗ người dân tái định cư ở đây sang bán lại căn hộ cho họ. Vì đa số dân tái định cư còn nợ tiền ngân hàng trong việc mua căn hộ tái định cư, dù thời hạn trả góp là 20 năm thì với số tiền thu nhập ít ỏi của người buôn gánh bán bưng họ cũng không kham nổi số tiền lời hàng tháng. Vì vậy, khi nghe đám cò nhà vừa nói ngon, nói ngọt vừa dựa trên tâm lý hù dọa sẽ mất nhà nếu không đóng tiền hàng tháng cho ngân hàng, thế là một số người đành phải sang lại căn hộ để lấy một khoản tiền chênh lệch rồi ra đi, tiếp tục mở khu ổ chuột ở vùng ven ngoại thành.

Tỉ lệ số hộ nghèo phải bán lại căn hộ tái định cư của mình chiếm tỉ lệ khá cao tại Sài Gòn và cả nước. Do vậy, một đại biểu Quốc Hội đã phải thốt lên trên diễn đàn, “Nhà ở dành cho người nghèo tái định cư đang rơi vào tay những người giàu!”

Một bài toán đơn giản cũng đã cho thấy tính lúng túng, bế tắc của chương trình tái định cư. Ðó là, với những căn nhà lụp xụp ven kênh rạch thường có diện tích từ 10 tới 15 mét vuông, căn hộ tái định cư thường từ 40 tới 55 mét vuông, sau khi trừ đi diện tích cũ, phần dư ra của căn hộ người dân phải trả “bèo” nhất cũng trên… nửa tỉ đồng VN. Với thu nhập bấp bênh của người nghèo số tiền trên quá lớn, do vậy nhà tái định cư cuối cùng rơi vào tay nhà giàu là như vậy. Ðó cũng là lý do giải thích tại sao khu nhà ổ chuột ở vùng ven và ngoại thành tăng lên nhanh chóng. Dù sao, thì những người được hưởng chương trình tái định cư vì căn hộ lụp xụp của họ may mắn có giấy tờ nên được đền từ vài chục tới vài trăm triệu còn hơn gấp ngàn lần những chủ hộ không có giấy tờ nhà nên bị xếp vào diện nhà lấn chiếm, xây dựng bất hợp pháp, vì vậy chỉ được đền cái xác nhà có… mấy triệu. Cầm mấy triệu giữa đất Sài Gòn này, rồi họ đi về đâu?

Có người nói, chương trình tái định cư cho người nghèo thực ra không khó, nếu như Việt Nam học theo tấm gương của Thái Lan hoặc Ấn Ðộ, có ngân hàng cho người nghèo và những công ty bất động sản ở Việt Nam không phải chỉ toàn là đám “đục nước béo cò.”

Sắp tới đây, Sài Gòn sẽ khánh thành tòa tháp cao nhất Sài Gòn với 68 tầng lầu mang tên Bitexco Financial Tower, theo tin từ giới truyền thông, đứng trên những tầng cao của tòa tháp này người ta sẽ nhìn thấy bao quát toàn cảnh của Sài Gòn. Hy vọng khi đó người ta chẳng những nhìn thấy kiến trúc tân kỳ của dự án đảo Kim Cương đang triển khai, mà họ sẽ còn nhìn thấy những dòng kênh đen, những khu nhà ổ chuột giữa các tòa cao ốc mới của Sài Gòn.

Nhưng có lẽ mấy ai trong men rượu nồng, trong cái khoái cảm mơn trớn những đồng tiền “trúng quả” và nụ cười giai nhân lại có thể nhớ tới phận người trong những khu ổ chuột đang lặng lẽ bước mưu sinh trong bóng tối của cuộc đời, với họ – những con người ấy, mỗi bình minh lại là khởi đầu của một ngày nhọc nhằn, nặng trĩu đôi bờ vai…

@ NguoiViet