Hà Nội có phố “Cam Đai”

Nhiều người đàn ông thường úp mặt vào tường hay gốc cây trên các con phố Hà Nội đích thị bị mắc “bệnh đái đường”. Bệnh không chỉ tàn phá… đường mà còn giết chết nhiều thứ vô hình khác. “Triệu chứng lâm sàng” của “bệnh đái đường” thế nào, xin dạo một vòng qua các con phố Hà Nội sẽ được thấy tận mắt…

Phố cổ “tấc đất, tấc vàng” nên nhà vệ sinh ở phố Hàng Bồ bị biến
thành nơi mua bán. Ai dám vào đây “giải quyết nỗi buồn”? Ảnh: Thanh Chương

Đái bậy ở phố “Cấm Đái Bậy”

Con phố rất đẹp, mọc lên từ chợ 19.12, nối phố Hai Bà Trưng với phố Lý Thường Kiệt nhưng lại bị các cư dân hay qua đây gọi là phố “cấm đái bậy”. Phải mang cái tên đó bởi tuy chỉ dài 200m, nhưng con phố này “cõng” trên mình hơn chục cái biển “cấm đái bậy”. Những tấm biển và cả những dòng chữ viết tay cùng nội dung hiện lên rất dày trên hai bức tường chạy dọc phố. Cũng như muốn tìm rác hãy đến nơi có biển “cấm đổ rác”, ở Hà Nội, nơi nào xuất hiện chữ “cấm đái bậy” thì tại đó có rất nhiều người đái bậy.

Anh xe ôm đứng đầu đường bảo với tôi: “Trong vòng mười phút mà không có người úp mặt vào tường thì tôi xin bỏ nghề luôn”.

Chỉ 30 giây sau, một người đàn ông dừng xe máy, nhảy xuống tè ngay vào luống hoa cúc bên đường. Phía đầu phố Hai Bà Trưng, hai ba người đàn ông khác cũng dừng ôtô, điềm nhiên “xả”. Trong khoảng tám phút, tôi đã đếm được năm người tè ngay dưới tấm biển… “cấm đái bậy”.

Một quý ông mặc veston thản nhiên “tưới” vào luống hoa cúc, trở thành người thứ 39 tè bậy. “Người thứ 40 sẽ là ai nhỉ?” Tôi hỏi anh xe ôm. Anh xe ôm bảo: “Là tôi”, rồi bước tới bức tường cạnh khách sạn Melia và “xả”. Xong, anh ta cười: “Ở quê quen tiểu đồng, giờ thì tiểu phố chứ biết đi vào đâu. Anh cứ đứng đó sẽ trở thành người thứ 41”.

Vắng, không hàng quán, lại có nhiều bụi hoa che lấp bên hai bức tường, con phố “cấm đái bậy” này trở nên rất thuận tiện cho những ai không biết xả chỗ nào. Thế nên, nhiều người nước ngoài ở khách sạn năm sao Melia ngay cạnh đứng thứ trên tầng cao nhìn xuống, không hiểu vì sao lại có nhiều người đàn ông úp mặt vào tường đến vậy. Có em bé mẹ chở ngang phố ấy cũng thắc mắc: “Mẹ ơi, mấy chú kia bị cô giáo phạt hay sao mà cứ đứng úp mặt vào tường?”

Lại có chuyện một ông khách du lịch người nước ngoài đến thủ đô ta đã thắc mắc: “Tôi đã đi thăm hai vịnh rất nổi tiếng ở Việt Nam là “Ha Long bay” và “Cam Ranh bay” nhưng chưa biết “Cam dai bay” nằm ở đâu? (từ “bay” trong tiếng Anh nghĩa là vịnh)

Tôi đã cảm thấy choáng khi nhìn thấy những người đàn ông úp mặt vào bức tường và đưa tay vẩy vẩy ở trước cổng Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Trên con đường gốm sứ dài nhất thế giới vừa khánh thành vào dịp ngàn năm Thăng Long, khách đi đường thản nhiên “tưới… nước trong lòng” vào những hoa sen, chim lạc… Thứ nước ấy cũng đã chảy xuống những gốc cây bên hồ Gươm vào những đêm sáng đèn đường.

Bất cứ chỗ nào kín đáo một chút ở trên phố, người ta đều có thể “giải quyết nỗi buồn”. Chuyện thật như đùa: có ông đã phê phê bia rượu, dừng ôtô trên đường cao tốc, vẫn để nổ máy và đi ra phía lốp sau để “xả”. Khi đang “xả” thì có kẻ lẻn vào mở cửa lái xe đi mất hút. Lại có kẻ đang đái bên đường sắt thì đoàn tàu đi ngang chia cắt người một bên, xe máy một bên. Khi tàu đi qua thì không thấy xe máy đâu nữa. Đến trình báo, công an hỏi: “Có ai làm chứng việc anh mất cắp xe máy không?” Anh này trả lời: “Có cả đoàn tàu Bắc – Nam chứng kiến ấy chứ”.

Chuyện đái đường bị trả giá đắt như vậy cũng thỉnh thoảng xảy ra nhưng “bệnh” vẫn ngày càng tăng. Đái đứng, đái ngồi, lại thêm độc chiêu đái nằm. Một ngày đẹp trời ở trong công viên Thống Nhất, tôi thấy có ông già nằm trên ghế đá, có vẻ như đang thiu thiu ngủ. Nhưng một vòi nước cầu vồng bỗng tuôn chảy từ ghế đá. Xung quanh, công viên vẫn nhiều người qua lại, có cả bảo vệ đeo băng đỏ mà chẳng ai phát hiện ra.

Sức tàn phá của “bệnh đái đường”

Những ai từng đái đường đều “trần tình” rằng làm cái việc đó ở thành phố quả thật vạn bất đắc dĩ, khổ ải chứ chẳng xếp được vào “tứ khoái”.

Trên vườn hoa gần đường Lý Thánh Tông, một bác xe ôm sau khi đã “xả” vào gốc cây, lắc đầu bảo: “Chẳng muốn đái bậy đâu, nhưng ngặt vì muốn làm người lịch sự cũng khó, ở đây không tìm đâu ra nhà vệ sinh công cộng, mà cứ nhịn mãi thì vỡ bàng quang mất. Các ông lịch sự cứ thử ra phố đi bộ một buổi sáng xem ở Hà Nội này có bao nhiêu nhà vệ sinh công cộng?”

Nỗi “khổ tâm” ấy chưa giải quyết được nhưng trên thực tế, hậu quả của nó có sức tàn phá vượt xa hình dung của nhiều người. Một ngày nọ, cây đa trên phố Lò Đúc bỗng nhiên bật gốc. Cư dân quanh đó không hiểu vì sao cây đa cổ thụ rễ chùm rễ cọc bám sâu là vậy sao lại đổ kềnh ra? Hoá ra “cụ” đa ngày nào cũng phải hứng chịu hàng trăm lượt người tè vào gốc rễ. Thứ dung dịch ấy cứ tích tụ lại và ăn mòn, ăn rỗng hết cả rễ chùm rễ cọc, khiến cho “cụ” đa đã chết một cách lãng xẹt.

Ngay cả những bức tường gạch được xây chắc chắn cũng đã đổ sập vì nước đái. Bức tường trên phố Nguyễn Trãi sau nhiều năm bị người đi đường “tưới” vào chân móng, đã ngã xuống vào một ngày không hề có gió mưa. Cũng ở đường Nguyễn Trãi, một nhà chờ xe buýt đã đổ sập vị phải hứng chịu những “trận” đái đường năm này qua tháng khác.

Nhiều cột điện cũng chịu chung số phận như vậy. Cột điện bằng sắt đầu phố Nguyễn Bỉnh Khiêm đang như “ngọn nến trước gió” khi chân cột bị ăn mòn đến mức chỉ còn một lõi sắt bằng ngón tay. Nước chảy đá mòn, huống gì thứ nước có rất nhiều axít ấy.

Bệnh đái đường là cả một nỗi kinh hoàng cho nhiều người dân ở gần đường. Mùi hôi hám rất đặc trưng ấy bay vào nhà, gây buồn nôn, gây khó chịu. Có không ít gia đình mất ngủ triền miên vì thứ nước chứa nhiều chất amoniắc ban đêm cứ xộc vào.

Bài và ảnh: Thanh Chương

@Sgtt

Bước chuyển đến châu Á của Obama đặt chiến lược của Trung Quốc vào sự hoài nghi

Chris Buckley/Intellasia
Lê Quốc Tuấn. X-CafeVN chuyển ngữ

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, bị chú ý bởi bước chuyển của Tổng thống Barack Obama đến châu Á, hy vọng họ sẽ có thể đi đến một loại kết thúc như anh chàng cầu thủ bóng rổ nổi tiếng Yao Ming, người không được nhanh nhẹn như đối thủ nhưng cầm cự được bằng kích thước và sự lì lợm của mình.

Trong chuyến đi đến châu Á tuần trước, Obama cho biết Hoa Kỳ “ở lại tại đây”, đạt được một thỏa thuận để đặt một căn cứ quân sự mặc nhiên ở miền bắc Australia và khiển trách Trung Quốc từ chối thảo luận về các tranh chấp trên vùng Biển Đông của mình tại các diễn đàn khu vực.

Trước Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Bali, Trung Quốc tưởng chắc rằng mình có thể giữ vấn đề Biển Đông ở bên ngoài chương trình nghị sự, nhưng Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã phải cúi đầu trước áp lực từ các chính phủ châu Á và phải nhắc đến các tranh chấp lãnh hải một cách miễn cưỡng.

“Họ đã lại mang rắc rối đến cho chúng ta nữa”, một nguồn có quan hệ với các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã đề cập đến Hoa Kỳ như vậy.

“Nhưng chúng tôi sẽ không phản ứng thái quá. Chúng tôi không muốn bị vướng vào bất kỳ cuộc tranh cãi phải đối phó với Trung Quốc như thế nào trong các cuộc bầu cử (tổng thống Mỹ năm 2012),” nguồn tin cho biết, người yêu cầu được dấu tên vì sự nhạy cảm của các quan hệ với giới lãnh đạo.

Ổn định là trên hết

Nhìn hàng ngũ các lực lượng từng thuyết phục cho một phản ứng mềm mỏng – từ các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ đến quá trình chuyển đổi lãnh đạo của Trung Quốc vào năm tới – sự thiếu vắng phản ứng dữ dội từ Bắc Kinh là một điều hơi ngạc nhiên.

“Trung Quốc sẽ mất thời gian để hiểu được ý nghĩa của tất cả những điều này. Nhưng đối với (Chủ tịch) Hồ Cẩm Đào, điều này mang lại một áp lực chưa từng có về chính sách nước ngoài”, ông Zhu Feng, một giáo sư về quan hệ quốc tế chuyên về Trung Quốc-Hoa Kỳ tại đại học Bắc Kinh cho biết.

Trung Quốc xử lý khác trong chính sách đối ngoại. Bất kỳ sự tái thẩm định nào về chính sách có thể phải mất vài tuần hoặc vài tháng, có khi còn lâu hơn thế để có thể xuất hiện, Zhu nói.

Bắc Kinh vẫn còn đang liếm vết thương của mình kể từ năm ngoái, khi các tranh chấp hàng hải lớn với Nhật Bản, Việt Nam, Việt Nam và các nước láng giềng khác từng thổi lên những nghi ngờ về ý định của Trung Quốc.

Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, những lập luận ấy có một hậu quả ngoài ý muốn, một loại mà họ từng hy vọng điều ngược lại: đó là “Nó đã đẩy các nước về phía Hoa Kỳ” nguồn tin thân cận với các nhà lãnh đạo của Trung Quốc cho biết.

Một hội tụ của các yếu tố khác cũng cho thấy Trung Quốc sẽ không đáp ứng mạnh với lời đề nghị của Obama ở châu Á.

Trung Quốc đánh giá cao mối quan hệ ổn định với Hoa Kỳ, đặc biệt là khi phải đối mặt với cuộc chuyển đổi lãnh đạo của Đảng Cộng sản vào cuối năm 2012, khi cuộc khủng hoảng bên ngoài có thể là một sự mất tập trung gây ra thiệt hại. Bắc Kinh cũng không muốn trở thành một trọng tâm của chiến dịch tranh cử trong cuộc tranh cử tổng thống vào năm tới của Mỹ, ngay cả khi đồng tiền và sức mạnh thương mại của mình đã trở thành một loại cột thu lôi cho một số bên tranh cử.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Tập cận Bình, người có thể kế nhiệm Hồ Cẩm Đào là lãnh đạo cao nhất, sắp đến kỳ viếng thăm Hoa Kỳ vào đầu năm tới để đánh bóng uy tín lãnh đạo của ông và đặt thêm các lý do để mối quan hệ được tốt hơn.

Ngoài ra, đường lối quyết định từ trên xuống của Trung Quốc sẽ đòi hỏi một sự thay đổi đột ngột từ chính Chủ tịch Hồ Cẩm Đào – một lời thú nhận nguy hại rằng ông đã thiết lập một tiến trình sai – để có thể viết lại chính sách. Điều đó sẽ có nghĩa là bất kỳ điều chỉnh chính sách nào sẽ phải mất một thời gian.

“Tôi hy vọng họ sẽ tìm cách chống lại những gì họ thấy khi Mỹ di chuyển để phân cách Trung Quốc khỏi các nước láng giềng bằng cách thu hút các nước có quyền lợi trong việc giữ gìn các mối quan hệ tốt với Trung Quốc, không phải bằng cách thuyết phục họ làm suy yếu mối quan hệ của với Mỹ, vì hành động như thế sẽ là một sự phản tác dụng”, ông Bonnie Glaser, một chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington DC nói.

Hành động nhằm vào Trung Quốc ?

Tuy nhiên, một số người ở Trung Quốc nghi ngờ rằng Hoa Kỳ đang nắm lấy một thời điểm thuận lợi để thúc đẩy những lợi ích riêng của mình bằng tổn phí của Trung Quốc.

“Chúng tôi không muốn bỏ qua một bên tất cả các cân nhắc về sĩ diện, nhưng tâm lý và thái độ của Mỹ thì khác”, một nguồn gần gũi thứ hai với các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết, lập luận rằng Washington đang lợi dụng sự do dự của Bắc Kinh để làm hỏng các quan hệ.

Bất chấp phản ứng công khai hết sức bảo thủ của giới lãnh đạo Bắc Kinh về thúc đẩy ngoại giao của Obama, có những khu vực ở Trung Quốc như muốn đòi hỏi một phản ứng cứng rắn hơn đến khúc dạo đầu trong khu vực và áp lực trong các tranh chấp trên biển của Mỹ.

Năm ngoái, các học giả đạo mạo của Quân đội Giải phóng Nhân dân yêu cầu một phản ứng cứng rắn đến sức ép của Mỹ cùng một số học giả và nhà bình luận tiếp tục theo đuổi phương cách ấy đã cảnh báo rằng Bắc Kinh đang bước vào vùng biển nguy hiểm về địa chính trị.

Tuy nhiên, trong nửa cuối năm ngoái, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nói rõ rằng ông đã không thể kham nổi một đợt căng thẳng khác trong khu vực khiến có thể làm hỏng mối quan hệ với Washington trước năm 2012, một năm xây dựng di sản của ông vốn lại trùng hợp với cuộc tranh cử tổng thống Mỹ.

Hồ Cẩm Đào cũng đã cảnh cáo giới quân đội để cho cán bộ nói chuyện lớn tiếng về các tranh chấp nhạy cảm, chẳng hạn như ở vùng Biển Đông và căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên, một học giả quen thuộc với các cuộc bàn cãi của các giới chức, người đã cho biết với điều kiện giấu tên.

Trung Quốc không nhường nhịn trong những tranh chấp quan trọng với các nước láng giềng của mình, bao gồm cả các cuộc tranh cãi về lãnh hải với Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á, nhưng cũng không dương oai diễu võ đối đầu, các nhà phân tích cho biết.

“Chúng tôi hiểu rằng Hoa Kỳ muốn cho thấy mình đã trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương như một ưu tiên, do đó họ muốn tăng cường quan hệ với các đồng minh và tương tự, nhưng sự tiến hành của Mỹ dường như đã đi hơi quá một chút”, ông Yuan Peng, Giám đốc nghiên cứu Mỹ tại Viện Quan hệ Quốc tế đương đại Trung Quốc, một cơ quan tư vấn nhà nước ở Bắc Kinh, cho biết.

“Những hành động này có thể được coi là nhằm vào Trung Quốc, đặc biệt là khi họ thường đi kèm theo những lời bình luận về hiệu quả ấy, và từ đó chúng tôi đã có những quan tâm”.

Nhiều chính phủ trong khu vực – và khá nhiều nhà phân tích bên trong Trung Quốc – nghĩ rằng dù cố ý hay không, sẽ là cực kỳ khó khăn cho Bắc Kinh để mở rộng quyền lực và lợi ích của mình mà không tạo ra xung đột.

“Tại thời điểm này, chúng tôi thua, nhưng trong mười năm, Mỹ sẽ thua”, ông Shen Dingli, một giáo sư tại trung tâm Nghiên cứu về Hoa Kỳ tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải nói.

“Chúng tôi có thể kiên nhẫn hơn so với chính quyền Mỹ”.

Nguồn: Intellasia

@X-Cafe

Việt Nam ‘đòi chủ quyền’ Hoàng Sa

Trong động thái mà giới chuyên gia nhận định là có ‘dịch chuyển về chính sách’, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa tuyên bố rằng chủ trương của Việt Nam là đàm phán để đòi hỏi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đoạt hoàn toàn từ năm 1974.

Ông Dũng đã đề cập tới vấn đề chủ quyền Biển Đông khi trả lời chất vấn của đại biểu trong kỳ họp thứ hai của Quốc hội Khóa 13 vào sáng thứ Sáu 25/11 tại Hà Nội.

Tuy nhiên ông thủ tướng nói thêm Việt Nam cũng chủ trương “đàm phán giải quyết, đòi hỏi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình”.

Được biết phần phát biểu về Biển Đông của ông Nguyễn Tấn Dũng tại Quốc hội kéo dài khoảng 10 phút.

Ông được truyền thông trong nước dẫn lời nói: “Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta có đủ căn cứ và lịch sử pháp lý để khẳng định điều này”.

Theo ông, việc đàm phán đòi hỏi chủ quyền là phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước LHQ về Luật biển.

Ông thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam đã “làm chủ thực sự” đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, “ít nhất từ thế kỷ 17 khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào”.

Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Chính phủ Trung Quốc tuyên bố tổ chức tour du lịch tới Hoàng Sa.

Áp lực bên trong nước

Hôm 22/11, chính quyền tỉnh Hải Nam đã cấp phép cho một công ty du lịch đưa khách đi tham qua từ Hải Nam tới quần đảo Hoàng Sa.

Việt Nam cũng đã nhanh chóng lên tiếng phản đối kế hoạch này. Hôm thứ Năm 24/11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nói tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội rằng việc tổ chức du lịch Hoàng Sa của Trung Quốc là ‘vi phạm chủ quyền của Việt Nam’.

Thủ tướng Nguyễn Tấn DũngÔng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời chất vấn trước Quốc hội

Ông Nghị tuyên bố: “Mọi hoạt động của nước ngoài tại khu vực này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và trái với tinh thần Tuyên bố chung về Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (DOC) mà các nước Asean đã ký với Trung Quốc năm 2002”.

Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Quốc hội dường như chỉ là khẳng định ở cấp cao hơn quan điểm của Việt Nam về chủ quyền tại Biển Đông, nhưng theo Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam, nó mang tầm quan trọng đặc biệt, nhất là khi được truyền thông đại chúng Việt Nam tường thuật chi tiết.

Ông Thayer nhận xét: “Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm nay, một lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam công khai tuyên bố rành rẽ về vấn đề Hoàng Sa”.

“Khác với Trường Sa, vốn được cho là khu vực tranh chấp, Hoàng Sa luôn được Trung Quốc coi là lãnh thổ của nước này một cách hiển nhiên và không bao giờ đặt Hoàng Sa vào trong nội dung các cuộc đàm phán.”

Theo ông Thayer, do vậy vấn đề Hoàng Sa cũng không được lãnh đạo Việt Nam nhắc đến, và việc hai chữ Hoàng Sa được nhắc tới một cách chính thống những ngày này cho thấy một sự dịch chuyển trong chính sách.

Ông giáo sư, người vừa có mặt ở Hà Nội hồi đầu tháng, nói lý do có thể là vì “áp lực vô cùng lớn ở trong nước, từ phía dư luận và người dân đòi hỏi chính phủ phải có hành động cứng rắn về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Thái độ của Hoa Kỳ

Một lý do nữa, theo ông Carlyle Thayer, là phản ứng của Việt Nam trước những động thái mới đây của các cường quốc tại Biển Đông.”Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm nay, một lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam công khai tuyên bố rành rẽ về vấn đề Hoàng Sa.”

Mới hôm thứ Tư 23/11, Trung Quốc loan báo kế hoạch tập trận hải quân ở khu vực Tây Thái Bình Dương, kể cả Biển Đông, vào cuối tháng này.

Tuy quân đội nước này giải thích đây là hoạt động ‘thường kỳ và không nhắm vào bất cứ quốc gia nào’, giới quan sát vẫn cho rằng nó được đưa ra để đối trọng lại chính sách của Hoa Kỳ trong khu vực.

Tuần trước, Mỹ thông báo sẽ điều thủy quân lục chiến tới Darwin, miền bắc Australia, với quân số có thể lên tới 2.500 trong tương lai.

Trái ngược với thái độ dè chừng xưa nay trước các diễn biến quốc tế, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 24/11 đưa ra bình luận hiếm hoi về kế hoạch điều quân của Mỹ, gọi đây là ‘việc hợp tác’ giữa các nước.

Ông Lương Thanh Nghị nói: “Chúng tôi mong rằng việc hợp tác giữa các quốc gia sẽ có đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào các nỗ lực chung nhằm duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới”.

Chính sách biển ngày càng hung hăng và khả năng quân sự ngày càng tăng cường của Trung Quốc, theo các nhà bình luận, đang đẩy các nước trong khu vực lại gần nhau và xích lại với Hoa Kỳ.

@bbc