CẬP NHẬT TIN 14-11-11

Mỹ ‘ôm chặt’ châu Á trước sự ‘nhòm ngó’ của Trung Quốc
Ông Obama hy vọng “độc chiếm” châu Á – Thái Bình Dương? Ảnh: The State.
Những chỉ trích gay gắt của Tổng thống Mỹ Obama với Trung Quốc cũng như nỗ lực tăng cường đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Washington cho thấy rõ khát vọng “làm chủ” châu Á – Thái Bình Dương của ông.

Tuyên bố đanh thép

Trái ngược với những nụ cười ngoại giao khi xuất hiện trước báo giới, cuộc họp kín giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bên lề Hội nghị thượng đỉnh châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Hawaii, Mỹ diễn ra hết sức căng thẳng với những tuyên bố đanh thép.

Theo ông Michael Froman, Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Tổng thống nước chủ nhà công khai tăng áp lực lên Bắc Kinh về vấn đề tiền tệ và các chính sách thương mại khi cảnh báo Chủ tịch Hồ Cẩm Đào rằng Washington đã và đang trở nên “mất bình tĩnh” với tốc độ thay đổi trong chính sách kinh tế của Bắc Kinh.

“Tổng thống Obama khẳng định rõ ràng là người Mỹ cũng như cộng đồng thương mại Mỹ đang ngày càng mất bình tĩnh và nản lòng với tình trạng thay đổi trong các chính sách kinh tế của Trung Quốc và quá trình phát triển của quan hệ kinh tế Mỹ – Trung”, Phó Cố vấn Michael Froman cho hay.

Tổng thống Obama (phải) trao đổi với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (giữa). Ảnh: Wikipedia.

Bên cạnh đó, bằng ngôn ngữ sắc bén chưa từng thấy, Tổng thống Obama cũng đưa ra hàng loạt yêu cầu của Mỹ đối với Trung Quốc trong vấn đề thả nổi đồng nhân dân tệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

“Chúng tôi muốn các vị chơi theo luật và tiền tệ có lẽ là ví dụ tốt nhất. Đối với một nền kinh tế như Mỹ, nơi mà lợi thế cạnh tranh lớn nhất của chúng tôi là kiến thức, sự đổi mới, bằng sáng chế và bản quyền thì việc chúng tôi không có được sự bảo vệ cần thiết tại một thị trường lớn như Trung Quốc là điều không thể chấp nhận được”, ông Obama lên giọng.

Trước đó, trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo thành viên của APEC, ông Obama cũng nêu bật mối quan ngại của Mỹ về một Trung Quốc đang lên. “Mỹ là một nạn nhân bị mất thị trường từ tay Trung Quốc và Washington sẽ thay đổi tình hình này”, Tổng thống Mỹ quả quyết.

Chiến lược

Quyết tâm thay đổi tình hình của ông Obama không dừng lại ở những lời lẽ cứng rắn trên. Với vai trò chủ nhà Hội nghị APEC 2011 tại Hawaii, Tổng thống Obama tuyên bố đạt được thoả thuận “sơ bộ” về một Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Đối với Mỹ, châu Á-Thái Bình Dương là khu vực không chỉ quan trọng về địa-kinh tế mà còn quan trọng về mặt địa-chiến lược. Thái Bình Dương không chỉ là “cửa ngõ” nối nước Mỹ với thế giới mà nó còn là khu vực có dân số đông, chiếm khoảng 1/2 dân số thế giới với trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn.

Nếu thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại chặt chẽ với khu vực này, có thể vực dậy và tạo động lực cho nền kinh tế Mỹ trong tương lai.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đang hủy hoại nhiều cường quốc trên thế giới, tương quan lực lượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng theo đó mà thay đổi nhanh chóng; nhiều nguồn lợi tại khu vực đang có nguy cơ vượt ra khỏi tầm tay của Mỹ mà rơi vào tay Trung Quốc.

Trong khi Mỹ phải chật vật đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính và nỗ lực thoát khỏi vũng lầy Iraq và Afghanistan thì Trung Quốc đẩy nhanh hàng loạt thỏa thuận thương mại đa phương trên khắp châu Á.

Trong bối cảnh đó, Mỹ càng có ý thức quyết đoán hơn về vai trò, vị thế của mình tại khu vực.

Vì vậy, Tổng thống Obama tận dụng triệt để hội nghị APEC lần này thúc đẩy đàm phán TTP, đưa Mỹ vào trung tâm cấu trúc thương mại khu vực châu Á mà theo đó, giúp Washington tái tham gia vào thế kỷ châu Á – Thái Bình Dương trước sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, tham gia vào quá trình thúc đẩy thương mại tự do của châu Á – Thái Bình Dương dường như chưa đủ để Mỹ đảm bảo vai trò lãnh đạo của mình tại khu vực. Do đó, bằng cách đưa ra những rào cản nhất định, Mỹ gián tiếp loại Trung Quốc ra khỏi sân chơi châu Á – Thái Bình Dương.

Có lẽ nhận thấy ý đồ của Mỹ, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nhấn mạnh: “Cho dù chúng tôi có tham gia TPP hay không, chúng tôi cũng đang theo dõi sát sao những diễn biến liên quan đến hiệp định này và sẵn sàng giữ liên lạc với các quốc gia thành viên khác”.

Với những động thái trên, cạnh tranh trong khu vực được dự báo sẽ trở nên khốc liệt hơn, với sự hình thành của hai hình thái cạnh tranh hướng tới hội nhập thương mại khu vực – một xoay quanh Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác, một tập trung quanh Mỹ và TPP.

Rõ ràng, với sự xuất hiện của TPP mang đậm hình bóng Mỹ, việc xây dựng các cơ chế hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang thay đổi nhanh chóng. Washington hy vọng, TPP sẽ đưa châu Á-Thái Bình Dương trở về với kỷ nguyên mà ở đó, Mỹ chứ không phải Trung Quốc giữ vai trò lãnh đạo.

Trà My (tổng hợp)
=======================================================

Vì sao xuất hiện video ‘đâm tàu’?

Báo Hong Kong nói giới quan sát đang đặt câu hỏi về thời điểm xuất hiện đoạn băng video chiếu hình tàu Việt Nam đụng tàu hải giám Trung Quốc trên mạng YouTube.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post – SCMP) vừa có bài, trong đó nói tiếp sau video clip này là làn sóng bình luận mang đầy tính dân tộc chủ nghĩa của cư dân mạng ở cả hai bên, trong khi Bắc Kinh và Hà Nội vẫn chưa đưa ra ý kiến gì chính thức.

Tờ báo này dẫn lời một tùy viên quốc phòng của một quốc gia châu Á ở Hà Nội nói ông ta ‘lâu nay đã nghe từ phía Việt Nam rằng có thông tin về nhiều vụ đụng chạm cũng như đối đầu hơn là được loan báo”.

“Tuy nhiên chúng tôi cũng không biết có thực đã xảy ra việc như vậy hay không. Nếu căn cứ vào bên ngoài của cả hai tàu, sự kiện dường như là mới xảy ra.”

Trên video clip dài 3’44 làm dân mạng Việt Nam xôn xao, một chiếc tàu với thủy thủ đoàn nói tiếng Việt Nam, đang chạy song song một tàu hải giám của Trung Quốc.

Trên thành tàu Trung Quốc có dòng chữ tiếng Anh màu xanh dương ‘China Marine Surveillance’ (tiếng Anh: Hải giám) như thường thấy trên các tàu tuần tra của Trung Quốc.

Tàu Việt Nam không rõ thiết kế và số hiệu, nhưng dường như là của lực lượng cảnh sát biển.

Tàu này đuổi theo, ghé sát và đâm vào thành bên trái của tàu Trung Quốc lúc đó đang đi thẳng. Sau khi va chạm, hai tàu tách khỏi nhau trong khi vẫn tiếp tục phóng tới.

Báo SCMP viết đoạn video này xuất hiện khi Việt Nam và Trung Quốc đang có các nỗ lực ngoại giao gấp rút nhằm giảm căng thẳng xung quanh tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông.

Từ hồi giữa năm nay, làn sóng biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội đã khiến quan hệ đôi bên sụt xuống điểm mà báo Hong Kong nhận định là ‘thấp nhất trong 20 năm qua’.

Hà Nội và Bắc Kinh bình thường hóa quan hệ năm 1991, sau khi tham gia cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi nhưng đẫm máu hồi năm 1979.

‘Tính toán sai’

Một quan chức hải quân cao cấp của Hoa Kỳ được SCMP dẫn lời cảnh báo rằng các thông tin cường điệu về tranh chấp trong khu vực có thể dẫn tới các ‘tính toán sai về chiến lược’.

Trong khi đó, chuyên gia về an ninh biển Ian Storey từ Singapore thì cho rằng đoạn video trên YouTube đang gợi lên các câu hỏi lớn về tranh chấp Trung-Việt trên Biển Đông.

Tiến sỹ Storey từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á nói: “Tại sao video clip được tung ra vào thời điểm này? Tại sao Trung Quốc không lên tiếng phản đối?”

“Quan trọng nhất, vụ việc trên xảy ra khi nào? Có phải sau cuộc gặp hồi tháng Chín khi hai bên thống nhất kiềm chế căng thẳng hay không?”

Theo ông, vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng cho các câu hỏi này.

Hãng phân tích thông tin tình báo tư nhân Exclusive Analysis đặt tại London nói thực ra đoạn video nói trên được tung lên mạng xã hội của Việt Nam từ 28/10 và sau đó được một số mạng xã hội của Trung Quốc đăng tải “gây một làn sóng phản ứng mang tính dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ”.

Các chuyên gia Trung Quốc hiện đang đặt câu hỏi về độ tin cậy của clip này cũng như động cơ của việc đưa nó lên mạng.

Tiến sỹ Trương Minh Lượng từ Việt Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Tế Nam, Sơn Đông, Trung Quốc, nói báo chí Việt Nam từng đưa tin ba tàu hải quân Trung Quốc bắn cảnh báo vào bốn tàu cá Việt Nam ở Biển Đông hôm 31/05, khiến các nước Asean lên tiếng chỉ trích Trung Quốc tại hội nghị của khối này vào một tháng sau đó.

Theo tiến sỹ Trương, Việt Nam dường như đang sử dụng lại thủ thuật này trước thềm hội nghị thượng đỉnh Đông Á sắp họp tại Bali, Indonesia.

Ông Trương được dẫn lời nói: “Rõ ràng đoạn video là do chính quyền Việt Nam tổ chức quay và công bố. Việt Nam rất giỏi tạo cơ hội để tăng sức mặc cả trước các sự kiện lớn.”

“Tôi cho rằng Việt Nam đang chơi lại thủ thuật này trước hội nghị thượng đỉnh Đông Á EAS (17/11-19/11).”

Giáo sư Vương Hàn Lĩnh từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc thì nói Cục Quản lý Đại dương Trung nước này cho hay họ không có thông tin gì về cuộc va chạm trên biển giữa tàu hải giám Trung Quốc và tàu Việt Nam.

Trong khi đó chuyên gia về quốc phòng Trung Quốc Gary Li, hiện ở London, nói ông bất ngờ trước độ mạnh dạn của phía Việt Nam trên đoạn video đang gây bàn tán.

==================================================

Trung Quốc không nhận tiền thế chấp của Ngải Vị Vị

Nghệ sĩ Ngải Vị Vị vừa nói chuyện với luật sư ngày 14/11/2011.

Nghệ sĩ Ngải Vị Vị vừa nói chuyện với luật sư ngày 14/11/2011.

Luật sư của họa sĩ Trung Quốc, Ngải Vị Vị cho biết tin trên vào hôm nay, 14/11/2011, một ngày trước hạn ông phải nộp 15 triệu nhân dân tệ cho cơ quan thuế vụ.

Trả lời hãng thông tấn Pháp, AFP luật sư Phố Chí Cường giải thích : theo quy định của luật pháp Trung Quốc, nghệ sĩ Ngải Vị Vị phải đóng tiền thế chấp 8 triệu nhân dân tệ trước khi đệ đơn kháng cáo quyết định của tòa án phạt ông 15 triệu vì tội trốn thuế. Theo phán quyết của tòa án Trung Quốc, ông Ngải Vị Vị phải nộp khoản tiền 15 triệu nói trên trước ngày 15/11/11.

Trong những ngày qua rất nhiều người thuộc giới nghệ sĩ, bất đồng chính kiến và hàng ngàn người vô danh tại Trung Quốc đã đua nhau góp tiền giúp Ngải Vị Vị. Cho đến ngày 10/11/11 số tiền quyên góp được lên tới 6,7 triệu nhân dân tệ.

Tuy nhiên theo luật sư bảo vệ họa sĩ họ Ngải, hôm nay sở thuế Trung Quốc đã thay đổi ý kiến và từ chối nhận tiền thế chấp. Còn theo tiết lộ của Hòan cầu Thời báo ông Ngải Vị Vị có khả năng bị truy tố về tội « huy động vốn bất hợp pháp ». Đến nay Ngải Vị Vị vẫn bác bỏ cáo buộc về tội trốn thuế và ông lên án chính quyền Trung Quốc muốn bịt miệng ông.

Là một họa sĩ, một nhà điêu khắc, một kiến trúc sư nổi tiếng, ông là người đã thiết kế sân vận động Tổ chim tại thủ đô Bắc Kinh. Thế nhưng nghệ sĩ Ngải Vị Vị thường bị sách nhiễu vì ông không ngần ngại chỉ trích chính quyền, đặc biệt là đã mở cuộc điều tra độc lập về những trẻ em bị chết do sập trường trong vụ động đất ở Tứ Xuyên năm 2008.

Các căng thẳng của Trung Quốc chất thêm lửa vào tham vọng về hải quân của Việt Nam

Theo: The Economic Times
Lê Quốc Tuấn. X-Cafe chuyển ngữ

Tin từ Hải Phòng/VN: Phải đối mặt với một nước Trung Quốc táo bạo và trang bị vũ khí mạnh trong bế tắc về lãnh thổ, Việt Nam đang tìm cách thổi phồng thanh danh hải quân của mình với việc tăng cường hỏa lực và khơi lại niềm tự hào trong ngành hàng hải từ trong quá khứ.

Mặc dù có một bờ biển dài 32000 km, sức mạnh hải quân hầu như không được ai biết đến của Việt Nam, đang hết sức muốn biểu thị nỗ lực của mình cho hai quần đảo chiến lược quan trọng nổi tiếng giàu tài nguyên trong khu vực Biển Đông vốn cũng bị Bắc Kinh đòi hỏi về chủ quyền.

Các chuyên gia cho biết, trong những năm gần đây, Hà Nội cũng đã đẩy mạnh chi tiêu cho sức mạnh trên biển để chống lại sự thống trị ngày càng tăng của hải quân Trung Quốc và trấn an một dân số Việt Nam cảnh giác với người hàng xóm lớn hơn từng là thực dân cũ của mình.

Một tuyến đường biển cho đến nay vẫn còn ít ai biết đến, từng được miền Bắc Cộng sản sử dụng trong cuộc chiến chống lại miền Nam do Hoa Kỳ hậu thuẫn đã mang lại một cơ hội tuyên truyền đúng đắn để minh chứng rằng khi nói đến chiến đấu với Hà Nội, thì (kẻ) lớn hơn không có nghĩa là giỏi hơn.

Tại một sự kiện gần đây nhằm đánh dấu kỷ niệm 50 năm đường mòn Hồ Chí Minh trên biển – một đường tiếp liệu cung cấp binh sĩ, thuốc men và vũ khí cho Việt Cộng – đa phần đã được tạo nên từ những câu chuyện của những thủy thủ kém về hỏa lực nhưng đã đánh lừa được một kẻ thù hùng mạnh.

Lịch sử đang được sử dụng cho các tranh chấp hiện nay. Đấy là một minh chứng rằng Việt Nam có một truyền thống về hàng hải”, Carl Thayer , chuyên gia về Việt Nam của Đại học New South Wales ở Úc nhận xét.

Ông cho biết việc tập trung vào lễ kỷ niệm ấy “tác động vào chủ nghĩa yêu nước và khiến cho chính phủ trờ nên hợp pháp hơn vì là người thừa kế hiện đại của di sản ấy”.

Một buổi lễ tại thành phố biển Hải Phòng, vào khoảng hai giờ lái xe về phía bắc của Hà Nội, có sự tham dự của Chủ tịch Trương Tấn Sang , được phát sóng trực tiếp trên truyền hình và tường thuật nổi bật trên các báo chí nhà nước.
.
“Trong khoảng thời gian từ năm 1961 và 1975, những con tàu nhỏ này đã chiến thắng vũ khí hiện đại của Mỹ”, Sang cho biết, và nói thêm rằng “hàng ngàn vũ khí và hàng chục nghìn binh sĩ” đã từng được vận chuyển bằng đường biển.

Cựu chiến binh Nguyễn Quang Mùi, trông như vẫn dành nhiều thời gian trong bộ đồng phục hải quân của mình, tự hào nói với các phóng viên về thời gian của ông trên “đội tàu không số”, được gọi tên như vậy vì tàu của họ phải tước bỏ các dấu vết có thể xác định danh tính.

“Chúng tôi được lệnh bảo vệ lực lượng của mình và bí mật đưa hàng vào bờ bằng bất cứ giá nào … Chúng tôi không hề nghĩ đến cái chết”, người cựu chiến binh 70 tuổi nói với AFP tại sự kiện kỷ niệm tháng trước như thế.

Mùi mô tả chuyến đi “nguy hiểm nhất” của mình, khi được giao nhiệm vụ cung cấp vũ khí cho bờ biển miền Nam Việt Nam dưới sự che của bóng tối, khi con tàu đã thấy mình bị bao vây bởi ba chiếc tàu Mỹ.

Mặc dù kẻ thù “hiện đại hơn cả trăm lần”, nhiệm vụ đã vẫn hoàn tất.

Kẻ cựu thù ấy giờ đã trở thành một đồng minh trong bối cảnh của cuộc tranh cãi ngày nay với việc Trung Quốc khẳng định về cơ bản tất cả vùng Biển Đông, tuyến đường thương mại quan trọng toàn cầu, đã khiến Mỹ phải cam kết tiếp tục hiện diện trong khu vực.

Ngân sách mua sắm hải quân hàng năm của Việt Nam đã tăng 150% kể từ năm 2008 đến 276 triệu trong năm nay và dự kiến sẽ đạt gần 400 triệu vào năm 2015, theo thông tin từ nhóm Quốc phòng và an ninh tình báo IHS Jane.

Nhưng trong tháng Tám, Lầu Năm Góc ước tính chi tiêu tổng thể có liên quan đến quân sự của Trung Quốc là hơn 160 tỷ trong năm 2010 và cho biết Bắc Kinh đã ngày càng tập trung vào sức mạnh hải quân, với việc đầu tư vào vũ khí công nghệ cao mới.

Cùng vào tháng đó, Việt Nam đã tiếp nhận chiếc thứ hai của hai khu trục hạm do Nga sản xuất từng được đặt mua vài năm trước đây như là một phần của một cuộc nâng cấp hải quân bao gồm cả các máy bay tuần tra hàng hải và sáu chiếc tàu ngầm.

Nhà phân tích Alex Page của IHS cho biết, “Trước cuộc mua sắm gần đây từ Nga, ngành hải quân từng ở trong tình trạng nghèo nàn, với phần lớn thiết bị là lỗi thời”.

Hầu hết các mua sắm gần đây của Việt Nam là các chiến hạm trang bị tên lửa nhỏ hơn để sẽ là một răn đe đối với lực lượng hải quân trang bị mạnh hơn của Trung Quốc, nhưng “sẽ không thể sống sót trong một kịch bản chiến tranh trực tiếp và kéo dài” ông nói thêm.

Trong khi xung đột vẫn chỉ là một mối đe dọa, một bài xã luận trên tờ Toàn Cầu Thời báo của Trung Quốc, tháng trước đã cảnh báo các quốc gia tranh chấp lãnh thổ hãy “chuẩn bị nghe âm thanh của các khẩu trọng pháo”.

Những nước láng giềng bất hòa về quần đảo Trường Sa – vốn cũng bị khiếu nại chủ quyền bởi các nước Philippines, Đài Loan, Brunei và Malaysia – cũng như quần đảo Hoàng Sa, bị sáp nhập vào Trung Quốc năm 1974, được cho rằng đã được sử dụng để thu thập tin tình báo.

Trong tháng Năm, Việt Nam đã cáo buộc các con tàu hải giám Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò một chiếc tàu khảo sát dầu bên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Một đoạn phim trên YouTube rõ ràng cho thấy một chiếc tàu Việt Nam không xác định đâm vào một tàu giám sát của Trung Quốc cũng đã nổi lên gần đây, mặc dù cả hai bên đều không xác minh sự kiện này.

Tháng trước, Trung Quốc và Việt Nam đã cam kết giải quyết tranh chấp của họ thông qua hiệp thương hữu nghị”.

Tuy nhiên, vấn đề lãnh hải đã gây ra một loạt các cuộc biểu tình yêu nưóc quy mô nhỏ nhưng chưa từng có ở các thành phố lớn của Việt Nam trong những tháng gần đây, thoạt đầu đã được các cơ quan có thẩm quyền bỏ qua, nhưng sau đó đã bị bẻ gãy với việc những người biểu tình bị bắt giữ.

Tại sự kiện lễ kỷ niệm, các mô hình tàu gần đây mua từ Nga được phô diễn nổi bật, cùng với các bức áp phích lãng mạn mô tả một người thủy thủ mắt đanh thép với lưỡi lê sẵn sàng bảo vệ quần đảo Trường Sa.

Một quan chức địa phương, chỉ tay vào một áp phích, nói với AFP rằng Trung Quốc muốn chiếm các quần đảo Việt Nam – ông kêu lên “Đấy là một sự bất công!”.

Nguồn: Economic Times