Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương : Một vòng đai vây quanh Trung Quốc ?

Trọng Nghĩa (RFI)  Việt Nam có lợi khi thành đối tác kinh tế thuộc hàng chiến lược với một số quốc gia trong vành cung Thái bình dương và giảm dần sự lệ thuộc tai hại vào kinh tế Trung Quốc. Nhưng lãnh đạo Hà Nội có muốn vậy không? Nếu muốn gia nhập thì lãnh đạo phải coi lại ưu tiên đầy tốn kém của các doanh nghiệp nhà nước mà gỡ bỏ dần như một cách bày tỏ thiện chí…” – Nguyễn Xuân Nghĩa.
*
Nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh APEC tổ chức trong hai ngày 12/11 và 13/11/2011, Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy một số quốc gia xúc tiến việc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương, hay Trans-Pacific Partnership (TPP).
Tháng 11 này có hai hội nghị đáng chú ý. Thứ nhất là Hội nghi Thượng đỉnh APEC vào hai ngày 12-13 tại Hawaii, tập hợp lãnh đạo 21 nền kinh tế. Một tuần sau, ngày 19 tại Bali (Indonesia) sẽ là Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á gồm 18 nước, năm nay lần đầu tiên có sự tham dự của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Nhân Hội nghị Thượng đỉnh APEC, Mỹ sẽ thúc đẩy một số quốc gia xúc tiến việc đàm phán Hiệp định Trans-Pacific Partnership, gọi tắt là TPP.
RFI có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại Hoa Kỳ về nội dung và những mục tiêu chìm nổi của sáng kiến TPP. Trước hết anh Nghĩa nhắc lại xuất xứ của Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương. 
Nguyễn Xuân Nghĩa : – Ban đầu, và bên lề Thượng đỉnh APEC tại Mexico vào năm 2002, có ba quốc gia ở ba góc Thái bình dương có sáng kiến thành lập một liên minh kinh tế liên Thái Bình Dương, đó là xứ Chile ở Nam Mỹ, xứ New Zealand hay Tân Tây Lan tại cực Nam biển Thái bình và Singapore ở Đông Nam Á. Sáng kiến ấy được xứ Brunei hưởng ứng và bốn nước đã có năm kỳ họp để tiến tới một khối hiệp thương kinh tế tự do. Mục đích cụ thể là từng bước và cho đến năm 2016 này là tháo gỡ hết mọi rào cản về thuế quan giữa các hội viên. Bốn nước tiên phong mở đường gọi là nhóm P-4 cũng cho biết là sẵn sàng đón nhận các hội viên mới.
RFI: Thế thì Hoa Kỳ tham dự vào sáng kiến này từ khi nào? 
Nguyễn Xuân Nghĩa : – Với sức nặng của mình, Hoa Kỳ can dự vào hồ sơ nào, dù chỉ về kinh tế chẳng hạn, thì hồ sơ ấy cũng trở thành chiến lược!
– Đầu năm 2008, Chính quyền George W. Bush thấy sáng kiến của bốn nước tiên phong ấy có giá trị nên chính thức xin gia nhập. Cuối năm đó, ba nước khác cũng muốn gia nhập là Úc, Việt Nam và Peru tại Nam Mỹ. Qua năm 2010, có thêm Malaysia rồi các nước như Canada, Đài Loan, Philippines, Nam Hàn và Nhật cũng muốn là thành viên của một hiệp định rõ ràng là đối tác chiến lược về kinh tế. Khi Chính quyền Obama nhậm chức vào đầu năm 2009 thì các nước khác có vẻ dụ dự vì xu hướng bảo hộ mậu dịch khá mạnh của đảng Dân Chủ tại Mỹ, nên vòng đàm phán hồi Tháng Ba năm đó bị đình hoãn.
Nhưng đến cuối năm, Hoa Kỳ xác nhận là quyết chí theo đuổi hồ sơ này. Tháng trước đây, khi Quốc hội Mỹ phê chuẩn ba hiệp định tự do thương mại song phương với Colombia, Panama và nhất là Nam Hàn, người ta tin rằng việc thành hình một liên minh Xuyên Thái Bình Dương sẽ có nhiều hy vọng, nhất là với sự gia nhập của Nam Hàn mà dư luận Mỹ cho là quan trọng gần như Hiệp định tự do mậu dịch Bắc Mỹ NAFTA đã ký kết với Canada và Mexico đầu năm 1994.
RFI: Thưa anh, dù không nói ra, ai cũng thấy rằng liên minh đó lại không có Trung Quốc ! Chuyện ấy có đáng chú ý chăng ? 
Nguyễn Xuân Nghĩa : – Rất đáng chú ý và lý thú nữa !
– Thứ nhất, Chính quyền Obama tái khẳng định rằng Hoa Kỳ đang trở lại Đông Á. Thực tế thì nước Mỹ chưa hề rời Đông Á. Từ vào chục năm qua, luồng giao lưu ngoại thương với Mỹ qua Thái bình dương tiếp tục gia tăng và đã vượt qua lượng hàng hóa buôn bán với Âu châu. Cụ thể thì lượng hàng hóa mà Mỹ vận chuyển qua Thái bình dương chiếm hai phần ba tổng số của Mỹ.
– Thứ hai, sáng kiến Xuyên Thái bình dương này sẽ khiến toàn khu vực trở thành một vùng tự do mậu dịch đáng kể. Hai ngoại lệ đáng chú ý: Canada thì bị các nước tiên phong từ chối, nhất là Mỹ và New Zealand, vì chính sách nông nghiệp và sản phẩm về sữa của xứ này. Còn Nhật Bản thì vẫn do dự vì phải mở cửa thị trường nông sản và tháo gỡ chế độ bảo hộ nông nghiệp của họ. Cho đến nay, hai xứ này vẫn chỉ gửi quan sát viên đến tìm hiểu mấy đợt đàm phán mà thôi. Ta sẽ xem Hoa Kỳ khuyến khích hai xứ đó như thế nào.
– Thứ hai và trở lại chuyện Trung Quốc, Hoa Kỳ có 10 năm bất định sau khi Liên Xô tan rã năm 1991; rồi 10 năm tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo từ năm 2001. Thời khoảng ấy là cơ hội bành trướng của Trung Quốc và Bắc Kinh còn củng cố quan hệ với Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á là tổ chức ASEAN. Với sáng kiến Xuyên Thái bình dương, Trung Quốc coi như đứng ngoài.
– Mà nếu có mon men bước vào thì sẽ gặp ngay trở ngại với nhiều nước khác vì vai trò khống chế của hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Khu vực kinh tế nhà nước này hoàn toàn xa lạ và không thể chấp nhận được trong tinh thần tự do ngoại thương và đối tác kinh tế Xuyên Thái bình dương. Vì vậy, nếu Hoa Kỳ cùng các nước kia xây dựng quan hệ đối tác chiến lược trong khi tích cực tăng cường quan hệ ngoại giao, chính trị và quân sự thì tất nhiên Trung Quốc thấy là bị bao vây. Bắc Kinh sẽ tìm cách chinh phục hay thuyết phục từng nước Đông Á riêng lẻ, như họ đã thực hiện với khối ASEAN.
RFI: Câu hỏi cuối, thưa anh. Việt Nam có mặt trong vòng đàm phán Xuyên Thái bình dương, đâu là chuyện lợi hại trong hồ sơ này ? 
Nguyễn Xuân Nghĩa : – Lợi cho ai và hại cho ai mới là vấn đề !
– Việt Nam có lợi khi thành đối tác kinh tế thuộc hàng chiến lược với một số quốc gia trong vành cung Thái bình dương và giảm dần sự lệ thuộc tai hại vào kinh tế Trung Quốc. Nhưng lãnh đạo Hà Nội có muốn vậy không? Nếu muốn gia nhập thì lãnh đạo phải coi lại ưu tiên đầy tốn kém của các doanh nghiệp nhà nước mà gỡ bỏ dần như một cách bày tỏ thiện chí.
Điều ấy có lợi cho kinh tế và người dân nhưng lại đụng vào quyền lợi của nhiều đảng viên và các nhóm thế lực trên thượng tầng. Với Hoa Kỳ thì đây là chuyện nhỏ, vì nước Mỹ chú trọng đến toàn khối Đông Á và vị trí của Trung Quốc. Nhưng với Việt Nam, đây là một cơ hội bước ra khỏi bóng rợp của Trung Quốc.
@RFI

Ngoại giao ‘nhà nước’ thay ‘nhân dân?’

Tác giả nhấn mạnh chính quyền không nên hạn chế lòng yêu nước của người dân trong đấu tranh chủ quyền với Trung Quốc.

Theo dõi các diễn biến mới đây về các chuyến thăm nước ngoài của các lãnh đạo đảng, nhà nước, quân đội liên quan tới Biển Đông, nhiều trang mạng của người Việt Nam trong nước và hải ngoại nhận xét rằng có vẻ chính quyền đang cố gửi đi một thông điệp kép về “đối ngoại.”

Mặt thứ nhất, đảng và nhà nước dường như muốn tỏ ra đang “làm đối ngoại” theo cách của “nhà nước” với các chuyến ngoại giao con thoi.

Lúc thì Thủ tướng chủ trì tiếp đại diện phương Tây như người tương nhiệm phía Đức ở Hà Nội, dự kiến thăm Nhật Bản ở Đông Bắc Á.

Lúc thì Chủ tịch Nước ghé thăm khu vực tại Ấn Độ, rồi hội đàm với Philippines. Còn Tổng Bí thư viếng thăm Trung Quốc, sau hàng loạt đoàn tiền trạm từ quân sự tới dân sự.

Các trang mạng và dư luận còn bàn tán tới các khác biệt trong tuyên bố hay hành xử lúc này thì “đa phương hóa,” lúc khác lại tuyên bố “song phương” v.v… về câu chuyện Biển Đông.

Nhưng mặt thứ hai, với đối nội, thông điệp đối ngoại này, vẫn theo các cư dân mạng, có vẻ cho thấy một bộ phận lãnh đạo trong nội bộ đảng, quân đội, nhà nước muốn người dân “hãy nằm im” để nhà nước lo liệu “an ninh quốc gia” theo lối của mình.

Và chính quyền nhiều cấp tiếp tục có dấu hiệu “dè chừng,” “giơ đèn đỏ” đối phó với “ngoại giao nhân dân” mà một trong các đối tượng rõ nhất, như nhiều trang mạng và dư luận trong nước bàn luận, là các cuộc “biểu tình, tuần hành yêu nước.” Nhiều đơn thư, khiếu nại, kêu oan và thậm chí cả đơn kiện của họ đã bị “lờ đi” hoặc “bị bác bỏ” thẳng thừng.

Nhưng liệu “ngoại giao nhà nước” do Đảng lãnh đạo có thay thế được “ngoại giao nhân dân” có từ ngàn năm với những vai trò, ý nghĩa và thế mạnh riêng của nó hay là không?

“Bạo lực, thô lỗ”

Quân đội Trung QuốcTrung Quốc đang tăng cường thế và lực trên trường quốc tế không chỉ qua kinh tế mà còn bằng quân sự.

Chưa biết hiệu quả của các chuyến thăm ngoại giao con thoi, lúc “đa phương”, lúc “song phương” của lãnh đạo đảng, quân đội và nhà nước tới đâu, nhưng người dân không thể không khỏi thận trọng khi nghe thấy những gì mà người đồng chí Trung Quốc cho truyền thông của họ phản hồi.

Gần đây nhất, tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) một trong những cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung quốc, trung tuần tháng Mười, không lâu sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Bắc Kinh, cho đăng một bài báo «đe dọa» các nước thách thức chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông một cách không dè dặt và úp mở.

Bài báo đại ý “hăm dọa” rằng bất cứ quốc gia nào dám cả gan như thế sẽ phải dè chừng nếu không muốn ngửi mùi «thuốc súng,» điều ngay lập tức đã bị Philippines, không giống Việt Nam, phản đối ngay lập tức và kịch liệt cả chính thức lẫn trên mạng và cho đó là hành vi, phát ngôn đầy «bạo lực và thô lỗ.»

Trước đó, cũng tờ Hoàn Cầu Thời báo này ngày 27/9/2011 đăng một bài đằng đằng sát khí mang tựa đề đại loại là “Thời cơ tốt để có hành động quân sự tại Nam hải” của tác giả ký tên Long Tao.

Bài báo này, nằm trong một chuỗi vô số những bàì báo được cho là « chuẩn bị tinh thần, tâm thế », nhằm thúc đẩy Trung Quốc đánh chiếm Việt Nam «càng sớm càng tốt.»

Và người đọc không thể không có những liên tưởng mang tính cập nhật. Có người thì cho rằng, Trung Quốc đưa ra thông điệp để nắn gân, rồi giành phiếu nội bộ v.v…

Thế nhưng nếu Trung Quốc đánh chiếm Việt Nam thật, thì sẽ ra sao? Vị Tổng Bí thư nào, vị Thủ tướng nào và vị Trung tướng, Đại tướng nào có thể đảm bảo điều đó dứt khoát sẽ không xảy ra? Họ đảm bảo bằng gì ? Hay là bằng cách tiếp tục chế áp «ngoại giao nhân dân» chăng?

Nếu bây giờ tiếp tục đàn áp, bôi nhọ những người biểu tình chống ngoại xâm, người phản biện, người dám nói lên sự thật, vu cáo họ – trong đó có những nhân sĩ trí thức yêu nước rất đáng kính trọng là “ phản động”, là “chà đạp lên lòng yêu nước chân chính của nhân dân”….thì rồi đây, khi cuộc chiến vệ quốc bất đắc dĩ phải xảy ra, ai sẽ là người dám đứng lên bảo vệ tổ quốc?

Mặt khác, các cư dân mạng cũng đặt ra câu hỏi, khi chính quyền được cho là đã, đang quy chụp tội “phản động” như vậy với dân, họ có làm dân mất lòng không? Và nếu người dân không chịu đựng được hơn nữa, họ trở nên phẫn nộ thì hậu quả sẽ ra sao?

Và khi nội bộ Việt Nam rối loạn giữa dân và nhà nước, thì Trung Quốc có để yên cho Việt Nam hay là không ? Hoàng Sa đã mất trong hoàn cảnh nào ? Và Trường Sa hay nhiều thác Bản Giốc, Ải Nam Quan khác nữa có yên thân với họ hay là không?

Hẳn rằng bên kia biên giới, những người luôn mềm nắn, rắn buông với ‘dã tâm’ và âm mưu ‘hàng trăm, hàng nghìn năm’ thôn tính Việt Nam có thể đã và đang vô cùng hởi lòng hởi dạ với cách thức «ngoại giao nhân dân» mà thực chất là lòng dân yêu nước được coi là đang bị chính quyền Việt Nam “hạn chế” và “hạ thấp một cách tệ hại”.

‘Trả lại công bằng’

Biểu tình yêu nướcNhà văn Nguyên Ngọc (phải) cùng Giáo sư Huệ Chi (trái) và trí thức, nhân sỹ tham gia biểu tình chống TQ Hè 2011.

Nhà văn Nguyên Ngọc – một người yêu nước có công trạng lớn, hiện đã và đang là một trong số nhiều nạn nhân của sự thể bị ‘đè nén và hạ thấp’ này.

Trong một thư ngỏ gửi Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị ngày 25/8/2011, liên quan tới một phóng sự của truyền hình Hà Nội được cho là «hạ thấp ngoại giao nhân dân», ông viết:

“… Họ còn sử dụng một thủ đoạn ti tiện mà tôi nghĩ ở tuổi ông hẳn có thể đã từng được biết, vào thời Cải cách ruộng đất và Nhân văn giai phẩm, dùng những người không được bất cứ ai cử ra nhưng lại được coi là “đại biểu của quần chúng nhân dân” lớn tiếng vu khống và chửi bới chúng tôi trên một phương tiện truyền thông chính thức của Đảng bộ và chính quyền Hà Nội…”.

Cần nhắc lại rằng sự vu cáo, bôi nhọ, đàn áp những người yêu nước, người bất đồng chính kiến, những người tham gia biểu tình ôn hòa đang làm nhiều người dân Việt Nam phẫn nộ, trong khi kẻ thù ngoại bang có thể rất “hài lòng”.

Bởi vì phen dậu quan trọng và mạnh nhất bảo vệ quốc gia là lòng dân, điều mà lịch sử Việt Nam đã từng chứng minh, nay được cho là đang bị chính chính quyền, rồi một số cơ quan truyền thông quan trọng làm cho ‘suy yếu’ và ‘tổn thương.’

Sự hành xử trái Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ở một số tổ chức và cá nhân trong chính quyền các cấp gần đây là không thể tưởng tượng nổi và hy vọng chỉ có thể giải thích điều đó là một sự nhầm lẫn, manh động nhất thời.

Chứ lẽ nào điều đó lại được chỉ đạo bởi những người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Công an và Quân đội?

Nhưng bất kỳ sự manh động, nhầm lẫn, thậm chí sai lầm ‘chỉ đạo nào’ dù đến từ đâu, bởi ai, mà làm cho nước mất sẽ mãi mãi bị lịch sử quốc gia và dân tộc trê trách, con cháu và hậu thế lên án, “nếu” chúng ta vẫn còn giữ được tên của Tổ quốc và dân tộc của mình toàn vẹn trên tấm bản đồ thế giới mai sau.

@bbc

Trung Quốc cứu thế giới, hay sẽ tự nổ tung?


Kinh tế Trung Quốc trên hai chân không vững

Hà Tường Cát (theo Time)

  Ðiều đáng sợ là nền kinh tế Trung Quốc phát triển như một cái bong bóng, sẵn sàng nổ vỡ và ảnh hưởng tai hại toàn cầu. Ðó là nhận định của tác giả Ken Miller, trên tuần báo Time tuần này.

Ðiều mà người ta lo ngại là nền kinh tế với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) $6,000 tỷ của Trung Quốc, liệu có góp phần cho sự ổn định của thế giới, hay sẽ sụp đổ, và tác động đến tất cả các quốc gia khác.

Các bà nội trợ Trung Quốc chọn rau quả trong một tiệm Walmart ở Chongging hôm 25 tháng 10,2011. (Hình: ChinaFotoPress/Getty Images)

Những ai am hiểu quá trình tăng trưởng nhanh chóng vượt bực của Trung Quốc đều tin rằng, nguy cơ ấy sẽ không tránh khỏi, trong tương lai.

Theo ước lượng, trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2011, có 24% là do Trung Quốc.

Từ hơn 30 năm, “phép lạ kinh tế” Trung Quốc đã tạo được nhờ các yếu tố căn bản: Nhân công rẻ, đất đai rẻ và… tiền “rẻ”. Nhưng khuôn mẫu này đang bắt đầu nứt rạn. Các ngân hàng cho vay quá nhiều nợ xấu, cũng lâm vào tình thế khốn khó như những ngân hàng Tây phương.

Ở một đất nước hệ thống tài chính còn kém cỏi, dân Trung Quốc với bản chất tiết kiệm không biết dùng tiền dành dụm của họ như thế nào. Gởi trương mục ngân hàng bình thường thì lãi suất thấp, dưới mức lạm phát. Do đó những khoản tiền này được cho vay, chuyển vào các xí nghiệp quốc doanh và nhờ tiền ấy mà Bắc Kinh có thể thực hiện những công trình xây dựng lớn lao, từ nhà máy đến cao ốc, thay đổi hẳn bộ mặt của đất nước hơn 1 tỷ dân này.

Những giới có chức quyền là người hưởng lợi nhiều nhất, họ có thể mua đất với giá rẻ, nhiều khi dưới giá thị trường; và rồi, người bán đất chỉ có thể được tham gia đầu tư ở giai đoạn chót của phát triển địa ốc.

Năm 2010, trị giá tiền bán đất trên toàn quốc là $500 tỷ, tăng gấp đôi so với năm 2009.

Từ ít năm gần đây, nơi đâu tại Trung Quốc cũng thấy những phi trường, cầu cống đường lộ tân kỳ, tuyến xe lửa cao tốc đang được xây dựng. Tại các thành phố và khu vực ngoài thành phố, những khu nhà mới mọc lên, có khi là một thành phố hoàn toàn tân tạo.

Nhưng cuối cùng thì cầu đường chưa được sử dụng tới mức, có thể là sẽ thích hợp trong tương lai chứ không phải ngay bây giờ, và nhiều khu nhà xây lên còn bỏ trống chưa có người cư ngụ. Tính cách phù phiếm của thị trường địa ốc ở các đô thị lớn Trung Quốc vượt xa (nhưng khác hẳn về tính chất) so với thời điểm “hot” nhà cửa ở Hoa Kỳ, đưa tới vụ khủng hoảng tài chính năm 2007.

Xây dựng là một ngành cần nhân công, chính quyền giải quyết vấn đề nhân dụng bằng những dự án kiến thiết lớn và các cơ xưởng mở mang để sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Mô hình ấy thích hợp trong 30 năm qua kể từ thời Ðặng Tiểu Bình và đưa Trung Quốc lên vị trí cường quốc kinh tế. Nhưng đến bây giờ, người ta thấy xuất hiện thêm nhiều khó khăn khác. Cơ xưởng sản xuất ở Trung Quốc hầu hết cũ kỹ và lỗi thời trong khi những nước Châu Á khác đang là những đối thủ cạnh tranh ngày càng mạnh. Ðó là chưa kể, tiền lương công nhân tăng lên dần cùng với lạm phát, không còn ở mức quá rẻ so với nước ngoài như trước kia nữa.

Tất cả những sự kiện vừa kể đưa đến hậu quả là sự thu hồi tư bản đầu tư chậm lại và lợi nhuận giảm đi.

Kế hoạch phát triển 5 năm gần đây nhất của Trung Quốc chủ trương chuyển từ trọng tâm xuất cảng và xây dựng sang gia tăng sức tiêu thụ nội địa dù điều này dễ nói nhưng khó làm được.

Từ 10 năm nay, thu nhập bình quân (tính theo hộ gia đình) giảm đi. Một con số rất lớn tư bản do các ngân hàng nhà nước cho những doanh nghiệp quốc doanh vay thuộc loại nợ khó đòi, đã hai lần nhà nước phải thi hành biện pháp cứu nguy, xóa nợ và có thể sắp có một đợt xóa nợ nữa, lớn hơn. Nhà nước sở hữu các ngân hàng và với việc xóa nợ, người dân không còn được hưởng gì từ tiết kiệm mà họ ký thác ở đó. Trong những điều kiện ấy, chờ đợi dân chúng gia tăng tiêu thụ khó có thể là thực tế mà Bắc Kinh mong muốn.

Trong nhiều năm, mức tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc luôn quanh quẩn ở mức 10% và các chuyên gia cho rằng nền kinh tế phát triển như vậy là quá nóng, cần phải hạ xuống ở mức 7% để giảm áp lực lạm phát.

Năm 2010, trị giá hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ xuất cảng sang Trung Quốc là $92 tỷ. Nếu Trung Quốc thành công trong việc chuyển từ mô hình kinh tế phát triển dựa trên đất đai và tiết kiệm của dân chúng sang mô hình một thị trường tiêu thụ nội địa, thì nhu cầu nguyên liệu và hàng tiêu dùng nhập cảng cũng giảm và ảnh hưởng chung đến thị trường mậu dịch thế giới. Nhưng Trung Quốc không thể để cho nền kinh tế mà Thủ Tướng Ôn Gia Bảo đã phải nhìn nhận là “bất quân bình, không điều hợp và không thể chịu đựng được” của họ nổ như bong bóng.

@NguoiViet

ĐỌC TRUYỆN CUỐI TUẦN : Chuyện đời cong, thẳng và trong, đục…

Phạm Lưu Vũ

Trong kiệt tác kiếm hiệp kiêm chính trị cổ điển Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung tiên sinh từng ca ngợi cây dâu cổ thụ mọc trong sân nhà anh thợ đóng dép Lưu Bị là linh mộc, là hiện thân của phong thủy, đến nỗi bịa ra một ông thầy, đi qua nhìn thấy cái cây ấy bèn phán: “Cây dâu này mọc thẳng tắp, tán xoè như cái ô. Nhà ở dưới gốc cây này ắt sinh quý nhân“.  Quý nhân ấy chẳng phải Lưu Huyền Đức thì còn ai vào đây nữa. Cây dâu đó là cái ô Trời, là bản mệnh sự nghiệp của Lưu Bị sau này. Quả là về sau, Lưu Bị nhờ có cái bản mệnh ấy mà gặp được khối người ngay thẳng. Trong số đó, người quan trọng số 1 phải kể đến là vị quân sư Gia Cát Lượng (Khổng Minh).

Thế nhưng La Quán Trung tiên sinh đã “lờ“ đi không chép việc cái “ô“ vĩ đại ấy rồi cũng đến lúc đổ kềnh. Số là một hôm, trời nổi bão giông. Cây dâu cổ thụ bỗng nghiêng ngả, quay cuồng rồi đổ sập xuống, đè nát đúng bàn thờ nhà Lưu Bị. Lúc ấy Lưu Bị đã lên ngôi hoàng đế bên đất Thục. Giá như ông thầy kia lại nhìn thấy, chắc thể nào cũng bảo vị quý nhân nhà này có nhẽ sắp đến lúc… toi. Quả nhiên một thời gian ngắn sau đó, Thục chủ Lưu Bị gặp hạn ở thành Bạch Đế rồi “toi“ luôn tại đó. Trước khi chết, ngài không ngại nước Ngụy của Tào Tháo, cũng chẳng thèm ngại nước Ngô của Tôn Quyền. Ngài chỉ ngại mỗi… quân sư Khổng Minh mà thôi. Vì thế ngài đã phải triệu Khổng Minh đến tận giường bệnh mà chơi bài ngửa, tiếng là gửi gắm con côi, song lại “thòng“ một câu rùng rợn rằng nếu nó bất tài, thì hay là ông thay nó, làm chủ quách nước Thục đi!

Lưu Bị nói thế là có ý muốn “đe“ Khổng Minh, rằng ta biết tỏng ông là người như thế nào rồi. Trước khi gặp ta, ông có tiếng là một người ngay thẳng. Ông bắt ta phải ba lần hạ cố mới chịu ra, giả vờ không thèm màng đến danh vọng. Có thật ông không thèm màng danh vọng? Sao ở lều tranh mà ông theo dõi việc thiên hạ kĩ thế? Lại còn lặn lội đi gài sẵn “thạch trận“ ở những đâu đâu. Giờ ta mới biết ông rất có tài ảo thuật, dễ dàng mê hoặc được lòng ngưỡng mộ của thiên hạ không chỉ trong một vài đời. Ông mẹo vặt có thừa, song bụng dạ lại hẹp hòi. Trong thiên hạ, bất cứ ai tài hơn, ông cũng tìm cách chiêu nạp về rồi nghĩ kế trừ đi. Đã mượn tay Trương Nhiệm giết ngóm một Bàng Thống ngây thơ cả tin, kẻ “học giỏi gấp mười ông“ (ý này do chính ông từng nói ra), lại còn định chém Ngụy Diên ngay trước mắt ta. Ham hố danh tiếng như ông thì sau khi ta chết đi rồi, dẫu có làm chuyện thoán nghịch cũng chẳng có gì lạ…

Khổng Minh lúc đó sợ toát mồ hôi, vội vàng sụp xuống dập đầu thề lấy thề để (thề cá trê chui ống). Màn chơi bài ngửa này tuy chỉ có Lưu Bị và Khổng Minh biết, song khó mà che được cặp mắt thế gian. La Quán Trung về sau nhân đó cũng “lờ“ đi cho văn vẻ sạch sẽ, sử sách trơn tru. Ấy là cái truyền thống chép sử xưa nay nó thế. Sử sách vốn chỉ ưa chép những chỗ thơm mà giấu nhẹm đi chỗ thối. Và La Quán Trung đã tỏ ra là một người chép sử khéo, song lại là một tay kể chuyện tồi, bởi ông vẫn để lộ những chỗ thối của lịch sử ra.

Lưu Huyền Đức quả có con mắt tinh đời. Về sau, chỉ vì ghen tài mà Khổng Minh đã quyết không thực hiện diệu kế của Ngụy Diên, lại còn dùng lời lẽ ngụy biện để chê bai, dè bỉu. Rốt cuộc cả 6 lần đem binh ra Kì sơn đều công cốc, đến nỗi thân phải bỏ ở gò Ngũ Trượng. Thế mà trước khi chết vẫn còn nghĩ kế để giết Ngụy Diên cho bằng được. Vị quân sư ngay thẳng ấy thù dai hay sợ Ngụy Diên sau này được đắc dụng thì sẽ thành công hơn mình? Vì thân mà hy sinh béng cả cơ nghiệp của chúa như thế, chẳng trách nước Thục do Lưu Bị tốn công gây dựng chẳng bao lâu cũng mất toi về tay cha con Tư Mã Ý, không để lại được chút hơi hám gì.

Vậy thì cái điềm cây dâu cổ thụ kia bị đổ, làm nát cả bàn thờ nhà Lưu Bị quả là nghiệm lắm. “Mệnh“ trời quả không thể xem thường. Tuy thế, song những màn “ảo thuật,“ những “mẹo“ vặt của Khổng Minh vẫn được người đời thích thú, tôn sùng, đã lưu truyền được danh tiếng lẫy lừng của ông cho đến tận bây giờ. Danh tiếng ấy bao đời nay át cả Lưu Bị, đến mức bất cứ ai nghe thấy cũng phải trợn mắt thán phục. Thế thì có thể nói rằng Khổng Minh mới chính là người đã “vớ“ được Lưu Bị, còn Lưu Bị, là người đã “vớ“ phải Khổng Minh vậy.

Tóm lại, việc đời thường tuân theo quy luật quân tử khởi xướng, tiểu nhân a dua, quân tử thiệt thân, tiểu nhân thủ lợi. Cho nên cái triết lý “đầu voi đuôi chuột“ dẫu chẳng ra gì, vẫn luôn tỏ ra đúng với mọi thời đại. Cái “ô Trời“ ấy ở nhà Lưu Bị ban đầu dẫu có mang cái “lý“ của một “con voi,“ thì cuối cùng, “con voi“ ấy vẫn phải có lúc đổ kềnh. Và một khi nó đã đổ, thì kết quả bao giờ cũng vô cùng thảm hại.

Việc của Trời Đất còn như thế, huống hồ là việc của con người. Một cây cổ thụ còn như vậy, huống chi những loài cỏ lác. Vậy mà có kẻ vẫn còn muốn bền vững muôn năm? Có biết đâu rằng cái tử tế mãi chính là cái đáng nghi nhất trên đời. Cứ xem những sự khởi đầu và kết thúc của mọi cuộc đổi thay trên thế gian này thì biết. Sự thật rốt cuộc chẳng mang tí dáng dấp nào của những bản tuyên ngôn kinh điển viển vông. Tuy rằng cây dâu kia ở nhà Lưu Bị (có vẻ) chẳng liên quan gì đến Khổng Minh. Song việc mọc thẳng của nó hóa  ra lại là một cái “triệu“ bất tường. Thật chẳng biết rồi nó sẽ đổ về phía nào để mà đề phòng vậy. Giá như nó đừng đứng thẳng, mà cứ cong hẳn về một phía, để ông cha Lưu Bị cất nhà ở bên phía ngược lại, thì bàn thờ nhà ông đâu đến nỗi bị đập nát, và duyên trời biết đâu đã chẳng dun rủi cho ông gặp phải con người cũng có tiếng ngay thẳng là Khổng Minh? Tưởng gặp phúc mà thành ra vô phúc, tưởng kì duyên mà lại hóa  vô duyên. Chắc chỉ có giời mới đùa nổi kiểu ấy. Trên đời, có ai lại ngu đến mức không tự nhận mình là người ngay thẳng, nhất là những hạng được coi là kẻ sĩ. Thế nhưng so với cái trò đùa ghê gớm ấy của cơ trời, thì sự dối trá kinh niên của con người xem ra chẳng thấm tháp vào đâu.

Ấy là chuyện cong, thẳng. Thế còn chuyện trong, đục… thì như thế nào?

Có một vị hoàng đế (mà người viết không nhớ rõ cụ thể là ai), vốn được các bầy tôi, lâu la xưng tụng là bậc thánh, đạo đức trong vắt như pha lê, không hề gợn chút dơ đục nào của cuộc đời. Một hôm cải trang vi hành (tất nhiên ngài sẽ đến lầu xanh. Bởi lầu xanh bao giờ cũng là đích cuối cùng của mọi cuộc vi hành trên thế gian này), ngài vớ được một cô gái đẹp lắm, mắt liếc như thu ba, thân hình ngon như đùi gà rán. Bèn tán tỉnh rồi đưa nhau vào phòng trọ. Lâu lắm rồi hoàng đế mới được một phen thỏa chí mày mò trên thân xác của một ả thần dân như vậy. Đang lúc hứng đến cao trào, vị hoàng đế bỗng buột mồm ngôn ra một lời dạy mà các thần dân của ngài ai ai cũng thuộc lòng từ thuở lên ba. Ngay lập tức, cô gái kia phát hiện ra chân tướng của ngài và kiên quyết cự tuyệt. Ngài năn nỉ thế nào cũng vô ích. Đành tiếc nuối nuốt nước bọt, mặc quần áo vào rồi than thở, rằng giá ta đừng mang tiếng là một kẻ đạo đức trong suốt như pha lê thì có phải đỡ thiệt thòi. Đằng này… Té ra lũ bầy tôi kia sở dĩ xưng tụng ta như thế đâu phải vì chúng yêu ta, mà chính vì cái lợi ích của chúng…

Sách Phật kể rằng trong một kiếp, Đề Bà Đạt Đa và Phật cùng đầu thai làm con cá chép. Con cá chép là Đề Bà Đạt Đa chỉ thích bơi vào chỗ dòng nước trong vắt để phô bày cái hình dáng tuyệt đẹp của mình. Những giống xấu xí khác như cá mại, cá mè, cả lũ đòng đong cân cấn cứ rùng rùng bám theo, vừa bơi vừa luôn miệng trầm trồ. Trái lại, con cá chép là Phật thì chỉ luẩn quẩn trong những chỗ nước đục, chẳng con nào thèm để ý tới làm gì. Một bữa có con chim bói cá đậu trên cây nhòm xuống. Trong làn nước trong vắt, nó nom rõ con cá chép Đề Bà Đạt Đa, liền lao xuống đớp gọn rồi nuốt chửng vào bụng. Đề Bà Đạt Đa chui vào bụng con bói cá, chẳng bao lâu bị nó tiêu hóa , biến thành một cục phân. Con bói cá bay qua sông, ỉa cục phân đó xuống giữa đàn cá vẫn thường bơi theo Đề Bà Đạt Đa khi trước. Lập tức, từ cá mại, cá mè đến lũ đòng đong cân cấn đều tỏ ra hết sức ghê tởm. Con nào con nấy vội cố hết sức bơi vào chỗ nước đục để lẩn trốn. Sau đây là mẩu đối thoại giữa cục phân Đề Bà Đạt Đa và Phật:

“Ngài thấy tôi bây giờ so với trước thế nào?“   – Cục phân hỏi.

“Không khác gì cả“ – Phật trả lời.

“Thế tại sao lũ mạt hạng kia giờ lại xa lánh tôi?“   – Cục phân hỏi tiếp.

“Bởi bây giờ chúng mới nhìn rõ ngài thực ra là cái gì“ – Phật trả lời.

“Ôi! Giá như ta đừng chọn chỗ nước trong“ – Cục phân than thở.

Câu chuyện chỉ đơn giản thế. Vậy mà có một số học thuyết rất đứng đắn đã căn cứ vào đó để chứng minh một cách đầy thuyết phục, rằng Đề Bà Đạt Đa nếu không là thủy tổ của cả loài người nói chung, thì ít nhất cũng là thủy tổ của cái giống mũi tẹt da vàng.

Chuyện khác: trong một lần giảng giáo lý Đại thừa, một vị Tổ của thiền tông kể rằng kiếp trước ông từng là một con sáo. Một bữa đang bay lượn, chợt bắt gặp một quả bầu rất to. Bèn khoét một lỗ rồi chui vào. Bảy bảy bốn chín ngày nằm trong đó, chén hết già nửa ruột bầu thì bỗng ngộ ra ba nghìn thế giới. Mừng vì đắc đạo, vị thiền sư (con sáo) bèn chui ra khỏi quả bầu rồi bay mãi, bay mãi… Bầu trời trước mắt ông như khác hẳn, rộng bao la và thơm ngát mùi hương. Tất cả, từ một sợi lông cho đến những quả núi, cánh rừng… đều được thu vào cặp mắt chỉ bé bằng hai hạt tấm của ông. Mới hay sự đắc đạo là vô cùng thỏa chí. Có lẽ ông sẽ bay mãi như thế, tự do tự tại, như lai như ý không gì câu thúc, không cần phải xác định phương hướng… nếu ông không vô tình bay qua một dòng suối. Dòng suối trong veo, nhìn thấu tận đáy. Nước suối ấy có thể rửa sạch mọi thứ. Có ai ngờ nó lại “rửa“ luôn cả cái tâm Phật vừa mới được nhen nhúm trong ông. Soi mình xuống dưới, thiền sư bỗng thấy mình rõ ràng đang là một… con nhặng. Vậy mà vẫn không hề kinh ngạc (đã là thiền sư thì không bao giờ kinh ngạc). Có điều đôi cánh của con nhặng lúc đó dường như cứ bị hút về một phương nào đấy không thể cưỡng nổi. Lại bay mãi, bay mãi… Cuối cùng té ra ông lại trở về đúng cái quả bầu ấy. Bấy giờ nó đã thối nhủn từ bao giờ. Con nhặng là ông bị cái mùi thối ấy hấp dẫn, lập tức lao vào thò vòi ra hút lấy hút để… Thế là toi một kiếp tu hành. Toi từ lúc nào? Thiền sư hỏi rồi tự trả lời: không phải vì ông hút phải cái thứ ruột bầu thối tha ấy. Mà toi vào đúng cái lúc ông thấy mình là một con nhặng. Kể đến đây, thiền sư chép miệng: giá như dòng suối kia đừng có trong vắt như thế, mà nó đục ngầu, thì ông đã đắc đạo ngay từ kiếp đó rồi. Và câu chuyện ấy đã giải thích tại sao con người hiện đại ngày nay không thể trở thành thiền sư.

Cũng vẫn vị Tổ ấy, một hôm muốn truyền lại y bát, bèn hỏi đệ tử thứ nhất:

“Trước mắt con là hai cốc nước, một trong, một đục. Con chọn cốc nào?“.

Đệ tử thứ nhất trả lời:

“Con chọn cốc nước trong“.

Sư nhắm mắt không nói gì. Để tử thứ nhất lui ra. Đệ tử thứ hai vào. Thiền sư vẫn hỏi câu ấy. Đệ tử thứ hai trả lời:

“Con chọn cốc nước đục“.

Sư lại nhắm mắt không nói gì. Đến lượt đệ tử thứ ba. Nghe xong câu hỏi, đệ tử thứ ba lặng im hồi lâu. Sư hỏi:

“Sao con không trả lời?“.

Đệ tử thứ ba bảo:

“Con không thể nào phân biệt được thế nào là trong, thế nào là đục…“

Sư liền trao ngay y bát.

3/2007

@ PhamluuVu Blog

Ôn Châu Bốc Khói

Nguyễn Xuân Nghĩa
“Kinh Tế Cũng Là Chính Trị”
Tư bản chủ nghĩa dẫy chết thế nào… tại Trung Quốc? 
*Sông Ôn Châu đấy: Nước bẩn thì lấy gì mà rửa?*

Thành phố Ôn Châu của tỉnh Chiết Giang bên bờ Đông hải của Trung Quốc là nơi đặc biệt về kinh tế.

Với dân số trên chín triệu và các danh hiệu như trung tâm sản xuất số một của quốc gia về giày, đồ điện gia dụng, v.v., hoặc “hãng xưởng số một của thế giới”, Ôn Châu được coi là “cái nôi của tư bản chủ nghĩa” tại Trung Quốc. Cư dân được gọi là “Do Thái phương Đông” và nổi tiếng vì đã thử nghiệm kinh tế thị trường trước khi Trung Quốc tiến hành cải cách, hơn 30 năm về trước.
Cuộc thử nghiệm thành công mỹ mãn và người ta đã nói đến “Mô Thức Ôn Châu“, một mẫu mực cho nhiều địa phương khác từ nhiều thập niên qua.
Gần đây chính dân Ôn Châu lại đăng lời Cáo Phó: “Mô Thức Ôn Châu đã từ trần”.
Chuyện ấy không dính dáng gì đến tai hạn xe lửa cao tốc xảy ra ngày 23 Tháng Bảy vừa qua trong huyện Lộc Thành của Ôn Châu, một “sự cố kỹ thuật” khiến hơn 40 người thiệt mạng đã tạm chấm dứt giấc mơ cao tốc vĩ cuồng của Bắc Kinh. Việc “Mô Thức Ôn Châu” từ trần còn là sự tiêu vong của giấc mơ tư bản chủ nghĩa của cả nước.
Bài này sẽ nói về chuyện đó – như một lời phân ưu!
***
Người dân Ôn Châu hãnh diện về khả năng tháo vát và luôn luôn đi bước tiên phong trong kinh tế để tìm ra nguồn lợi vào đúng thời điểm. Sự ứng hợp của họ có thể là tiêu biểu cho sự xoay trở của cả Trung Quốc vì những gi Ôn Châu thực hiện đều được các địa phương khác noi theo như một mẫu mực.
Những kẻ ghen tức thì gọi đó là phản ứng bầy đàn nhưng cả một đàn trên một tỷ dân thì tất nhiên phải tạo ra “phép lạ Trung Quốc”.
Từng là một tô giới hiếm hoi vẫn do người Trung Quốc kiểm soát trong thế kỷ 19 – khi nhà Đại Thanh bị liệt cường khuất phục – Ôn Châu có gần 340 cây số bờ biển nhưng lại hiếm tài nguyên nông sản và đất đai. Vì vậy, ngay từ “tiền kiếp” – trước khi Đặng Tiểu Bình mở cửa – Ôn Châu tự chọn sự nghiệp của một hãng xưởng. Khi Trung Quốc mở cửa buôn bán với bên ngoài thì Ôn Châu trở thành trung tâm ráp chế.
Người dân tự động lập ra các cơ sở tiểu doanh và tuyển nhân công lãnh thầu cung cấp cơ phận và phụ tùng cho các doanh nghiệp Trung Quốc ở trên. Theo đúng màu sắc Trung Quốc, vì vậy mới thành mẫu mực, tiểu doanh nghiệp Ôn Châu chọn chiến lược “lấy công làm lãi” và góp phần thấp nhất vào tiến trình sản xuất các mặt hàng kỹ nghệ nhẹ cho thị trường toàn cầu với giá rất rẻ, và mức lời rất mỏng.
Sự thành công của Ôn Châu trong mấy thập niên đổi mới liền được cả nước noi theo, khiến Trung Quốc và sản phẩm “Chế tạo tại Trung Quốc” chinh phục thế giới. Mô Thức Ôn Châu lại phù hợp với chiến lược phát triển của lãnh đạo, là lấy xuất cảng làm đầu máy tăng trưởng, nên cả nước tràn vào vào kinh tế thị trường.
Đó là tư bản chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của đảng, với sức dân là chính.
Xuất cảng đóng góp hơn một phần ba sản lượng quốc gia, lãnh đạo nắm lấy một dự trữ ngoại tệ khổng lồ và người dân thắt lưng buộc bụng để ráp chế những mặt hàng rẻ tiền, có phẩm chất kém. Các doanh nghiệp hỳ hục dưới đáy thì nhận mức lời cực thấp. Muốn mưu sinh thì họ chỉ còn giải pháp… ăn gian về phẩm chất.
Khi kinh tế toàn cầu còn thịnh đạt và ai ai cũng hài lòng với hàng Trung Quốc rẻ như bèo thì tiến trình phân công lao động ấy còn tồn tại.
Nhưng không hổ với danh hiệu tiên tiến, doanh gia Ôn Châu sớm thấy ra rằng làm ăn kiểu đó quả là khó khá khi kinh tế thế giới suy trầm, giới tiêu thụ toàn cầu bắt đầu thắt lưng buộc bụng và trở thành khó tính hơn với hàng họ Trung Quốc. Họ ôm tài sản tích lũy được để đặt vào cửa khác.
Lần đầu vào năm 1998 là khi nhà nước khuyến khích phát triển gia cư, lần thứ hai là 10 năm sau, là hiện nay, khi kinh tế thế giới bị tổng suy trầm. Ở giữa là một đợt bùng phát vào năm 2004.
Năm đó, tư bản Ôn Châu lặng lẽ giã từ thị trường ráp chế và bước vào thị trường địa ốc với 100 tỷ đô la. Và bước như chạy vì phải đánh nhanh rút lẹ – đầu cơ – khi cả nước cũng theo mẫu mực Ôn Châu mà mở ra trào lưu chiếm đất xây nhà. Mô thức Ôn Châu trên quy mô toàn quốc đã thổi lên quả bóng địa ốc và dân Ôn Châu bèn lách khi thấy bóng có thể xì.
Họ đầu tư vào thương phẩm, nguyên nhiên vật liệu làm cả nước chạy theo như bị ma đuổi – và lại thổi lên một vài trái bóng khác.
Khi thấy nhà nước bước vào với cây kim chính sách để xì bóng trước khi bóng bể, khi thấy nhà cửa và thương phẩm đều ế ẩm mất giá, tư bản Ôn Châu bèn nương theo mà đánh vào cửa khác. Họ đi vào thị trường cho vay lãi. Đó là thị trường tín dụng “tự do”, một sinh hoạt được báo chí quốc doanh cho biết là có sự tham dự của 80% các hộ gia đình Ôn Châu!
Trong một chế độ mà tư doanh không thể cạnh tranh được với các đại gia, với hệ thống doanh nghiệp nhà nước và các ngân hàng tài trợ cũng của nhà nước, có nhiệm vụ cho nhau vay theo diện chính sách, thì Ôn Châu trở thành “chủ nợ sau cùng”. Đó là trung tâm tài trợ các tiểu doanh nghiệp tư nhân, với lãi suất xám, là rất cao vì có rủi ro quá lớn.
Ngày nay, các địa phương khác cũng học thói Ôn Châu.
Và cả nước sinh hoạt trong trạng thái vay lãi cắt cổ. Ở trên cùng là các đại gia có thể vay tiền với lãi suất âm, vì thuộc diện chính sách, rồi cho ở dưới vay lại theo nhiều tầng, mỗi tầng lại đắp thêm một phân lời như một loại bảo phí an toàn. Ở dưới cùng là tư doanh, các cơ sở tiểu doanh có mức lời cực thấp lại bị phân lời tín dụng bào mỏng và thị trường xuất cảng co cụm. Cho nên mới rụng như ruồi!
Việt Nam mới chỉ có năm vạn tiểu doanh vỡ nợ thì vẫn còn… bảnh.
Lãnh đạo Bắc Kinh không thể không thấy ra mối nguy đó. Tổng lý Quốc vụ viện là Ôn Gia Bảo đến tận Ôn Châu để xem xét tình hình và ra quyết định tung tiền chuộc nợ để tránh một vụ phá sản dây chuyền. Nhưng việc thi hành lại vẫn có… màu sắc Trung Hoa: các đại gia ở trên ưu tiên nắm hết và chỉ cấp cứu những cơ sở có quan hệ tốt và biết đền ơn đáp nghĩa một cách hậu hĩnh!
Vì vậy, sau khi lòng vòng thử nghiệm mọi giải pháp – từ ráp chế đến xây nhà và cho vay lãi, v.v…. – Ôn Châu tiên tiến bắt đầu dẫy chết.
***
Mấy chục năm thử nghiệm tư bản chủ nghĩa tại một trung tâm tiên tiến nhất có thể là một tóm gọn của bài toán Trung Quốc.
Chiến lược phát triển bằng xuất cảng mà Bắc Kinh học lại từ các nước Đông Á đã đi đến giới hạn cuối cùng. Thực tế thì bị nạn tổng suy trầm đẩy vào giới hạn đó còn nhanh hơn khả năng ứng phó của lãnh đạo. Và lệnh ứng phó của trung ương lại bị từng cấp cao thấp ở dưới bẻ quặt cho mục tiêu riêng vì đặc quyền đặc lợi phe nhóm, mà triều đình ở trên không thể chặn được. Cứ bần thần như bà Từ Hy vậy!
Cho đến nay, nhiều tổ hợp đầu tư Mỹ vẫn ngợi ca sự kỳ diệu của Trung Quốc mà cứ lờ đi chuyện Ôn Châu bốc khói. Quả là “Mỹ đế” lại vần với “Mỹ điếm”! Thực tế thì tư doanh Ôn Châu, tiểu doanh Trung Quốc và cả một quần chúng lầm than ở dưới đang bẽ bàng với tư bản chủ nghĩa.
Bao giờ họ sẽ noi gương “Phong trào 15-M” của Tây Ban Nha (Espana, Spain, Espagne) phát động ngày 15 Tháng Năm vừa qua, hoặc phong trào “Chiếm đóng Wall Street” của Hoa Kỳ vừa manh nha vào Tháng Chín vừa rồi, mà… xuống đường biểu tình chống tư bản chủ nghĩa?
@ Dainamax

TÌNH YÊU GIỚI TÍNH : “Hormone âu yếm” làm ngây dại những người đang yêu

Quét cộng hưởng từ cho thấy khi người ta yêu nhau não bộ sáng lên cùng một khu vực như khi sử dụng cocaine và morrphine, phản ứng này có tác dụng như là một loại thuốc giảm đau hiệu quả. Oxytocin hay còn gọi là “hormone âu yếm” đủ mạnh để làm ngây dại những người đang yêu.

Vấn đề về tình dục

Bất cứ ai đã từng trải qua trạng thái cương cứng, bị kích thích, biết rằng khi ham muốn dâng cao, nó lấn át tâm trí ta và làm cơ thể mất khả năng kiểm soát. Vậy tại sao tình dục lại có một động năng mạnh mẽ như vậy? Trên phương diện nhân chủng học nó cần thiết cho sự duy trì nòi giống. Bên cạnh đó, tình dục mang đến những khoái cảm. Vì vậy, chúng ta khao khát nó với bản năng tự nhiên.
Tình dục tuyệt vời khác nhau theo cảm nhận của từng người ham muốn khác nhau, tưởng tượng khác nhau và động cơ khác nhau. Tuổi tác, sự giáo dục, sức khỏe và hoàn cảnh cá nhân đều có tác động tới ham muốn của mỗi người và quan điểm cá nhân cũng có thể thay đổi sau một thời gian.

“Hormone âu yếm” làm ngây dại những người đang yêu
 Ảnh minh họa

Trong một số trường hợp, hôn và vuốt ve chậm rãi một cách gợi cảm có thể làm phát sinh ham muốn, tình dục có thể là sự thể hiện ham muốn hay tình yêu, cám dỗ hoặc tán dương, thương cảm hay đơn giản chỉ là chiếm hữu.

Đa số chúng ta cảm thấy thoải mái hưởng thụ, tìm hiểu và khám phá tình dục có hiệu quả nhất khi hoàn toàn khỏa thân, đối mặt với ham muốn của bản thân và sẵn sàng khám phá cơ thể của bạn tình để tìm ra những điểm nhạy cảm là phần thiết yếu tạo nên quan hệ tình dục tuyệt vời. Tình dục sau cùng không phải chỉ phục vụ ham muốn của bản thân. Để thật sự thăng hoa, tình dục là sự hòa nhập ham muốn, nhu cầu của hai bạn tình, để tìm ra các điểm giao thoa.

Cách tìm hiểu về bạn tình

Tán tỉnh là hình thức cặp đôi của con người. Đó là cách chúng ta đưa ra mong muốn của mình, và một loạt các ngành công nghiệp được xây dựng xung quanh nó, từ nơi hẹn hò riêng tư, cho đến quán rượu, câu lạc bộ, các môi trường mang tính xã hội đem lại cơ hội tán tỉnh nhiều hơn các cuộc gặp gỡ đơn lẻ.

Tán tỉnh ám chỉ một cách tinh tế sự quan tâm của bạn để hình thành một quan hệ sâu sắc hơn, mà không mang tính áp đặt. Những cách giao tiếp bằng ánh mắt trực tiếp và một nụ cười rộng mở biểu lộ mong muốn và bộc lộ sự quyến rũ giới tính. Cho dù một số người có khả năng tán tỉnh bẩm sinh, đó cũng là một kỹ năng có thể học hỏi và phát triển.

Việc tán tỉnh giúp khắc phục sự thiếu tự tin và nỗi sợ bị từ chối. Mục tiêu chính là để phát triển trí tưởng tượng của đối tượng bạn quan tâm. Một điều quan trọng cần ghi nhớ khi bạn đang tán tỉnh là ngôn ngữ cơ thể. Mặc dù bạn không muốn hoàn toàn xâm chiếm không gian cá nhân của ai đó, một ít choàng lấn gửi tín hiệu cho đối tượng rằng, bạn muốn nhiều hơn là chỉ trò chuyện đơn thuần. Một nụ cười chào đón, một sự động chạm của bàn tay, hoặc đơn giản lắng nghe chăm chú một chút sẽ giúp bạn trở nên hấp dẫn.

Một số người thích cách tiếp cận công khai hơn nữa, ngả người về phía ai đó, thường cần thiết trong một môi trường ồn ào, là một cách thể hiện quan tâm của bạn, càng tự tin, bạn sẽ càng hấp dẫn hơn. Bằng cách thư giãn, tận hưởng và sử dụng những tín hiệu khéo léo trên, bạn có thể xác định ai là một bạn tình tiềm năng và nếu có, ai mà biết mối quan hệ đó có thể dẫn đến đâu

Sự mong muốn về tình dục

“Hormone âu yếm” làm ngây dại những người đang yêu
 Ảnh minh họa

Tình dục là một nhu cầu về cốt lõi của con người và tự nhiên như hơi thở, ngủ và ăn uống, và cũng như nhu cầu này, sự khao khát quan hệ tình dục có thể tạo một động cơ thúc đẩy mạnh mẽ. Cơ thể chúng ta bị đốt cháy vì ham muốn tình dục, và một khi có nhu cầu, đó là bước đầu tiên hướng tới những khoái cảm mà sự thân mật có thể mang lại.

Sự lôi cuốn về thể xác là một phần thiết yếu của dục vọng. Đôi khi hình ảnh của một cánh tay cơ bắp hoặc một khiêu khích có thể kích hoạt hormone, đánh thức cơ thể và tâm trí cho hành động giới tính, điều khó khăn nhất để thỏa mãn ham muốn là tìm được người thực sự hòa hợp trong tình dục.

Gặp đúng đối tượng não bộ sẽ tiết ra hợp chất phức tạp, đưa đến phấn khích và hạnh phúc, liên kết chúng ta với người yêu và làm ta mãn nguyện, để tăng cường sản xuất hợp chất này. Đồng tử giãn ra làm ta trông hấp dẫn hơn, trong khi máu dồn đến các bộ phận của cơ thể, biểu hiện cho sự ham muốn, kết quả là xuất hiện các dấu hiệu bên ngoài như dương vật cương cứng, núm vú nhô lên… nhằm khêu gợi bạn tình.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, 90% các cặp có quan hệ lâu năm cảm thấy họ có được bạn tình thích hợp. Ham muốn thể xác và quan hệ tình dục tốt đẹp cung cấp cho các cặp đôi năng lượng và nhiệt tình cho cuộc sống của họ.

@Yahoo

CẬP NHẬT TIN 28 – 10 – 11

VN sẽ ký thỏa thuận hạt nhân với Nhật

Việt Nam khẳng định sẽ sử dụng công nghệ hạt nhân của Nhật Bản bất chấp sự cố Fukushima

Quan chức cao cấp của Việt Nam nói Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ ký thỏa thuận về việc xây nhà máy điện hạt nhân với Nhật Bản.

Phó Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc ký kết này với nhật báo Mainichi tại Hà Nội trước chuyến thăm Tokyo của ông Nguyễn Tấn Dũng từ ngày 30/10-2/11.

Ông Phúc trả lời phỏng vấn của Trưởng ban Xã luận báo Mainichi hôm 25/10.

Mainichi nói thỏa thuận sắp được ký kết sẽ mở đường cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sử dụng công nghệ của Nhật Bản.

Họ cũng nhắc lại việc cựu Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan xác nhận chuyện Việt Nam sẽ dùng công nghệ hạt nhân của Nhật Bản khi ông tới Việt Nam hồi tháng Mười năm ngoái.

Việt Nam cũng khẳng định sẽ vẫn dùng công nghệ hạt nhân của Nhật theo sau cuộc khủng hoảng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

‘Đối tác chiến lược’

Mainichi nói Việt Nam và Nhật Bản đã thỏa thuận về một số điểm chính trong các đàm phán mới đây về điện hạt nhân.

“Trong đàm phán, Việt Nam đã đưa ra sáu điều kiện cho chính phủ Nhật Bản bao gồm việc sử dụng công nghệ tối tân và được kiểm định an toàn bên cạnh các điều khoản về xử lý chất thải hạt nhân.

“Nhật Bản đã chấp nhận các điều kiện này,” Mainichi cho biết.

Nhật báo này nói thêm Tokyo cũng đã đồng ý cho Việt Nam vay vốn với lãi suất thấp để thực hiện dự án điện hạt nhân.

Mainichi dẫn lời ông Phúc nói Nhật Bản và Việt Nam đã ký kết quan hệ “đối tác chiến lược” và không có gì thay đổi về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân theo sau sự cố Fukushima.

===============================================

Việt Nam sẽ nằm trong top 4 nước lạm phát cao của thế giới?

(TNO) “Mặc dù tỷ lệ lạm phát của Việt Nam so với tháng 12.2010 sẽ có xu hướng giảm tốc và đạt được mức dự báo khoảng 19% vào cuối năm nay, song con số này vẫn sẽ đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu trên thế giới về lạm phát tăng cao vào cuối năm 2011”.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra nhận định trên trong Bản tin kinh tế vĩ mô số 5 (10.2011) sẽ gửi tới các ĐBQH ngày hôm nay 26.10, như một kênh thông tin tham khảo hữu ích về tình hình kinh tế trong và ngoài nước.

Lạm phát năm 2011 dự báo 18,98%

Phân tích những áp lực dẫn tới gia tăng chỉ số lạm phát từ nay đến cuối năm, như áp lực tăng giá USD so với VND, áp lực điều chỉnh tăng giá điện, áp lực tăng lương…, Ủy ban Kinh tế nhận định khả năng kiềm giữ lạm phát dưới 18% theo mục tiêu của Chính phủ “trở nên rất khó khăn”.

Đáng chú ý, theo Ủy ban Kinh tế, tỷ lệ lạm phát chung của Việt Nam năm 2011 (so với tháng 12.2010) được dự báo sẽ ở mức khá cao: 18,98%. Tuy nhiên, tùy theo tình hình thực hiện Nghị quyết 11, cộng với việc thúc đẩy ưu đãi tín dụng cho vay đối với sản xuất lương thực và thực phẩm, cũng như kịch bản kiểm soát tăng trưởng tín dụng dưới 17%, tổng phương tiện thanh toán không vượt quá 12% và nỗ lực kiềm chế điều chỉnh tăng giá điện cho đến hết năm 2011, mà lạm phát của Việt Nam sẽ biến thiên từ 17 – 21% với độ tin cậy 70%.

Tương ứng với đó, tỷ lệ lạm phát cơ bản (đã loại trừ nhóm lương thực, thực phẩm và năng lượng) của Việt Nam năm 2011 dự báo ở mức 9,45% so với thời điểm tháng 12.2010 (biến thiên từ 9 – 9,9% với độ tin cậy 70%).

Lạm phát nằm trong top 4 thế giới?

Đáng chú ý, trong Bản tin kinh tế vĩ mô, Ủy ban Kinh tế đánh giá bao quát là kể từ năm 2001 – 2010, tỷ lệ lạm phát chung của Việt Nam luôn biến động rất mạnh theo chiều hướng gia tăng về thứ hạng lạm phát cao so với các nước trên thế giới trong danh sách gồm 182 nước được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) xếp hạng.

Nhận định trên xuất phát từ chỉ số lạm phát biến động theo hằng năm. Cụ thể là nếu như năm 2001, Việt Nam có vị trí xếp hạng khá an toàn và rất thấp (152/182 nước) thì đến năm 2007 đã tăng vọt lên vị trí thứ hạng khá rủi ro (27/182 nước), rồi tiếp tục tăng nhanh lên mức đáng báo động cao vào năm 2008 (xếp hạng 14/182 nước) và chỉ giảm nhẹ vào năm 2010 (đứng thứ 17/182 nước).

Cũng theo Ủy ban Kinh tế, trong 8 tháng đầu năm 2011, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức rất cao khiến các tổ chức quốc tế như UNDP, vào tháng 5.2011, đã xếp hạng Việt Nam vào trong nhóm 5 nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ lạm phát tăng cao, tiếp đó là đến cuối tháng 8.2011, Việt Nam tiếp tục dẫn đầu châu Á và đứng thứ 2 trên thế giới về tỷ lệ lạm phát tăng cao so với thời điểm cùng kỳ năm trước.

“Mặc dù tỷ lệ lạm phát của Việt Nam so với tháng 12.2010 sẽ có xu hướng giảm tốc và đạt mức dự báo khoảng 19% vào cuối năm 2011 song con số này quả thực vẫn sẽ đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu trên thế giới về lạm phát tăng cao vào cuối năm 2011. Điều đó cho thấy tồn tại nguy cơ tiềm ẩn rủi ro khá cao về bất ổn kinh tế vĩ mô ở Việt Nam”, Ủy ban Kinh tế nhận định.

=====================================================

Đi chợ “nửa tỉnh nửa quê”

(Dân trí) – Ngày Hà Nội chưa mở rộng, chợ quê chỉ cách trung tâm mươi cây số. Bây giờ, nếu lấy Tháp Rùa làm tâm quay com-pa bán kính 30 km cũng chưa chắc đã gặp “mảnh” chợ quê nào cho đúng nghĩa…
Chợ luôn là một phần không thể tách rời đời sống xã hội, phản ánh khá trung thực đời sống kinh tế ở nơi đã sinh ra nó và đương nhiên, là yếu tố cấu thành đời sống văn hóa vùng miền. Người sang đi chợ lớn, người nghèo đi chợ cóc, chợ quê.
Ngày Hà Nội chưa mở rộng, chợ quê chỉ cách trung tâm mươi cây số là thấy. Bây giờ, nếu lấy tháp rùa làm tâm quay com- pa bán kính 30 km cũng chưa chắc đã gặp “mảnh” chợ quê nào cho đúng nghĩa. Lối sống thành phố đã quen dần với siêu thị, cửa hàng bách hóa.
Người nông thôn tiêu dùng nhỏ lẻ thì quen chợ quê, bởi ít tiền mà tính toán chi li kiểu “năm xu một hào” – đấy là một cách nói vui. Còn kiểu chợ nửa tỉnh nửa quê thì mọc ra ở vùng giáp ranh, giữa nông thôn với thành thị. Pha lẫn sự dồi dào hàng hóa của các chợ đầu mối với mớ tôm mớ tép mà người nông dân đi làm đồng kiếm được, chợ cho thấy hai nửa sang – nghèo của vùng “biên” vẫn chưa thực sự thoát nghèo.
Chợ Khê là một ví dụ. Chợ nằm trên triền đê tả sông Hồng, xã Văn Khê, huyện Mê Linh – Hà Nội, trong vùng giáp ranh với Vĩnh Phúc, cách trung tâm thành phố khoảng 30 km. Mặc dù không phải là một kiểu chợ quê đúng nghĩa, nhưng những người bán hàng ở đây vẫn gợi nhớ về một “văn hóa chợ” mà chắc không lâu nữa có thể sẽ không còn.

Xã Văn Khê là vùng khá nóng về thị trường bất động sản khi được các nhà đầu tư nhòm ngó.

Chợ nằm trên đê tả sông Hồng, phía sau là khá nhiều những ngôi nhà lớn, mới xây dựng.

Một bà cụ đi chợ với kiểu chít khăn mỏ quạ.

Khi chiều muộn là lúc chợ đông, trông nó giống một chợ đầu mối.

Có rất nhiều cụ già với dăm mớ rau và đôi quang gánh đến chợ bán hàng. Tổng thu cả buổi ước chừng khoảng dưới 100 nghìn đồng.


Một bà bán rau hiền lành. Bà cụ nhỏ thó, nên những người bán hàng ở chợ thường gọi là cụ Mẩu.