Đàn ông huýt sáo khi tuyệt vọng

Thuỳ Minh

…Vì mỗi lần tôi đi trên đường, trông có vẻ xinh đẹp hơn bình thường, là nghe thấy tiếng huýt sáo ở phía sau lưng mình. Không phải khi phụ nữ đã đi tuột qua mất rồi và đàn ông tụt lại phía sau lưng, họ mới huýt sáo hay sao?

Điều làm tôi ngạc nhiên nhất, choáng váng nhất, đấy là đàn ông ở New York thường nhìn thẳng vào mặt mình trước tiên. Ảnh: J.An

Phụ nữ chúng ta có thể ngồi xuống với nhau và phàn nàn cả ngày về văn hoá ứng xử của đàn ông Việt trên đường phố. Bởi vì họ rất hay nhìn chòng chọc vào phụ nữ. Rồi sau đó, khi phụ nữ đã nhắm mắt làm ngơ, lưng thẳng, hông đánh bước qua, thì họ… huýt sáo. Hoặc giả, họ nhìn thấy từ xa một cô nàng trông có vẻ nóng bỏng ở tận phía bên đường, không có cách nào mục sở thị, đàn ông lại chỉ còn cách là… huýt sáo!!!

Có hai nghịch lý về tâm lý đàn ông. Nhiều nhà nghiên cứu nhận định họ ít khi để ý chi tiết, khuyên nhủ những phụ nữ tự ti, rằng đàn ông chỉ nhìn thấy tổng thể, sẽ chưa thể nhận ra ngực hay mông bạn không đầy đặn cho lắm, nếu cơ thể bạn có một tổng hoà “đánh lừa” con mắt họ. Nhưng ngược lại, lại có thêm một thực tế nữa là, đàn ông cứ thấy cái gì bắt mắt là chỉ còn nước nhìn ngay và luôn. Dù đó là mẫu điện thoại Vertu mới nhất, một cái bánh xe hơi mới độ, hay là một cặp chân phụ nữ trắng ngần. Vậy thì tổng kết lại, dù là tổng thể hay cục bộ, thì đàn ông đều nhìn cuộc sống bằng con mắt tò mò, có khi là soi mói một cách hồn nhiên của họ. Phụ nữ vì thế đôi khi được cho thật… dũng cảm, nếu dám mặc một cái áo cổ trễ, một chiếc quần có khoe eo hay một chiếc jupe ôm vào vòng 3, vì đương nhiên, sẽ được nghe… huýt sáo!

Cũng có đôi khi, phụ nữ đành có một câu cửa miệng tuyệt vọng không kém: Anh ơi, mắt em ở phía trên này cơ mà!

Những ngày tháng 10, tôi hưởng một kỳ nghỉ dài bằng việc đi bộ lang thang ở thành phố New York, Mỹ. Ở đây người ta chủ yếu đi bộ và phụ nữ thì luôn đẹp hơn bình thường. Có điều làm tôi ngạc nhiên nhất, choáng váng nhất, đấy là đàn ông ở đây thường nhìn thẳng vào mặt mình trước tiên. Có đôi khi họ khen: Em đẹp lắm. Cũng có đôi khi, họ chỉ nhìn trìu mến và cười rồi bước đi. Tuyệt đối không ai huýt sáo.

Tất nhiên, tôi không tự huyễn hoặc mình rằng mình đẹp hơn khi ở Mỹ. Cũng như tôi không lạc quan đến mức độ nghĩ rằng đàn ông ở trời Tây thì sẽ khác với đàn ông ở Việt Nam. Có thể khác nhiều thứ khác, nhưng cảm quan và những gì thuộc về thói quen cơ bản – điều này khó lòng thay đổi. Thế thì, tại sao, họ lại – tuyệt vời thế – nhìn vào mắt và mặt, thay vì ngực và mông chúng ta?

Rồi thì ngoài lúc lạc đường tại những ga tàu điện ngầm nhốn nháo, người đi lại như mắc cửi, tôi thường làm một việc rất điển hình ở New York, đấy là mua một ly càphê nóng hổi bốc khói, đứng dựa tường bên cạnh một vòi nước cứu hoả, ở góc phố Prince và Broadway của khu Soho, ngắm nhìn những người đi qua mình. Là một thành phố trong mơ – ai cũng đều muốn đến thăm và ngắm nhìn New York. Nhưng chỉ những người đẹp nhất, giỏi nhất hoặc… liều lĩnh nhất ở lại. Một anh chàng bồi bàn người Áo mới chuyển đến đây bốn tháng, nhún vai nói với tôi: Nước tao rất đẹp, nhưng đây là New York!

New York hình thành một lối sống và phong cách đặc trưng, trộn lẫn tất cả các loại người, màu da và chủng tộc, truyền thống và sự đào thải… Nhưng đặc biệt là thời trang và sự tự do. Đúng là phải đến Mỹ, tôi mới hiểu, thời trang phải đi với sự tự do, mới thể hiện hết được tất cả những gì sống động, đẹp đẽ, liều lĩnh tôi đang nhìn thấy trên đường phố. Có những anh chàng diện bộ vest màu xanh da trời lịch lãm, những cô gái có đôi ủng nhựa có hoa văn tuyệt đẹp, hay một anh chàng hipster đầu tóc rối bù có chiếc áo len cổ lọ màu cam, có một “Lady Gaga” cao nghều đi lại… Chẳng ai có dáng điệu gò bó, không ai đeo khẩu trang giống nhau, tóc giống nhau, thậm chí không chạy theo một kiểu mốt thời trang đặc biệt nào. Và cái này – đúng chỉ có ở phụ nữ Mỹ – nhiệt tình khoe eo, mông và ngực. Họ mặc những chiếc váy bó ôm sát hông và lênh khênh trên những đôi bốt sành điệu. Hoặc chỉ là những chiếc quần soọc ngắn cũn cỡn với chiếc áo T-shirt quá khổ ở trên. Và đầu ngẩng cao, bước đi đầy tự tin qua những ngã tư đông người. Bản thân tôi cũng là phụ nữ, mà vô thức cũng cứ nhìn họ chằm chặp vì ngưỡng mộ. Rồi nghĩ bụng, là đàn ông Mỹ, hẳn “no mắt” từ lâu.

Hoá ra là thế! Đàn ông ở Mỹ chịu khó nhìn mặt mũi phụ nữ, vì đã “no đủ” những phần còn lại. Họ trở nên thánh thiện, vì đã “quá độ” qua thời “tội lỗi”. Nói cách khác, đàn ông không bao giờ thèm huýt sáo khi mà họ có cơ hội bày tỏ với một người phụ nữ đẹp bằng ánh nhìn trìu mến.

Nói cách khác, đàn ông ở nước mình cần được huýt sáo rất nhiều trước khi có thể nhìn vào mắt một người phụ nữ mà anh gặp ở trên đường, và nói: Em thật sự rất đẹp!

Còn phụ nữ, vẫn phải đắn đo rất nhiều mỗi khi đứng trước gương, phớt lờ rất nhiều mỗi khi bước chân trên đường phố… cho đến ngày ta có thể bay bổng lãng mạn đến mức nhận một lời mời uống càphê của một người đàn ông lạ mặt gặp gỡ tình cờ.

Cuộc sống luôn cần sự lãng mạn, sự tưởng tượng và chờ đợi thì luôn có giá trị của nó!

CẬP NHẬT TIN 11-11-2011

Tràn ngập hạnh phúc ngày 11.11.11

SGTT.VN – Ngày 11.11.2011 được xem là ngày “đại cát” với sáu số 1 tiếp nhau. Nhiều cặp đôi trên thế giới đã chọn ngày này để kết hôn, các bà mẹ nhờ vào can thiệp y học để con ra đời vào ngày cát tường này.

Quý tử ngày vàng

Cặp song sinh Betsy và Katie Overman sẽ mừng sinh nhật tuổi 11 vào ngày 11.11.2011 – Ảnh: AP

Đối với cặp song sinh Betsy và Katie Overman ở Madison, bang Winsconsin (Mỹ), ngày thứ sáu sẽ là khoảnh khắc đặc biệt không thể quên vì sinh nhật lần thứ 11 của các em diễn ra vào ngày 11.11.11. Hai em đã nhận được quà sinh nhật sớm từ dì của mình, là 11 túi với 11 món quà nhỏ trong mỗi túi. Cũng được thổi nến trong ngày sinh nhật tuổi 11 vào ngày 11.11.11 là cô bé Tamsin Jarvis ở phố Agnes, Cornwall (Anh), sẽ tổ chức sinh nhật tại nhà lúc 11g11 g đêm 11.11.2011. So với cặp song sinh ở Mỹ, Tamsin có một chút may mắn hơn vì cách đây 11 năm, em cũng được sinh ra tại chính phòng sản thứ 11. Mẹ cô bé, thợ làm đầu Mum Sara cho biết lẽ ra thời hạn sinh của cô bé là vào cuối tháng 10 nhưng Tamsin ra đời trễ. “Tôi đã không để ý đến ngày sinh mãi đến khi các bác sĩ nói nó là ngày 11.11. Tamsin cũng ý thức được và hào hứng với sự may mắn này của cháu”.

Cũng vì mong sinh con đúng ngày vàng nên các bà mẹ Hàn Quốc đã đến bệnh viện đề nghị được sinh mổ. Số ca phẫu thuật sinh mổ tại Hàn Quốc vào ngày 11.11 năm nay cao hơn cùng kỳ năm ngoái 20%. Giấy chứng minh nhân dân của Hàn Quốc gồm có 13 con số, trong đó sáu số đầu tiên là con số ngày tháng năm sinh của em bé. Tình hình tương tự tại thành phố Mumbai đông dân nhất ở Ấn Độ, với nhiều ca sinh nở đã được lên lịch trong ngày 11.11. Bà mẹ trẻ Poornima Tickoo, 32 tuổi nằm chờ sinh đứa con đầu tiên tại bệnh viện Lilavati nói: “Tôi không dự định sẽ sinh vào ngày này. Nhưng bác sĩ của tôi đã nói sẽ giúp tôi sinh con vào thời điểm đặc biệt ấy”.

Hạnh phúc ngày đại cát

Nhiều đôi uyên ương khắp thế giới đã chọn ngày này để tổ chức đám cưới. Một quan chức văn phòng đăng ký kết hôn ở thủ đô Moscow (Nga) nói: “Chúng tôi đã nhận được 1.179 đơn đăng ký kết hôn, quá nhiều so với tháng 11 và ngày thứ sáu. Bình thường chúng tôi chỉ nhận được khoảng 500 đơn ở thời điểm này”. Kỉ lục về số lượng đám cưới từng diễn ra ở Moscow là 1.678 cặp tổ chức kết hôn vào ngày 07.07.07.

Ở hạt Clark, Mỹ, nơi có thủ đô cờ bạc nổi tiếng Las Vegas, đã có ít nhất 3.500 cặp đăng ký kết hôn vào ngày 11.11.11. Cô dâu Stacy Alsen 32 tuổi ở bang Idaho sẽ tổ chức đám cưới tại nhà nguyện Flowers ở Las Vegas lúc 1g chiều ngày thứ sáu. “Đây là cơ hội chỉ có một lần trong đời”. Nhà nguyện này sẽ tổ chức kết hôn cho 77 cặp đã đăng ký trong ngày thứ sáu, gấp ba lần mức bình thường. Những dịch vụ đám cưới ở Las Vegas xem đây là cơ hội tốt để làm ăn. Có ít nhất 100 nhà nguyện tại đây tung ra các chương trình quảng bá cưới trọn gói ngày 11.11.11. “Tổ chức lễ cưới trong ngày này hiển nhiên sẽ là một thách thức, nhưng chắc chắn sẽ có nhiều niềm vui”, đại diện nhà nguyện A Elvis cho biết. Tại đây sẽ có 40 cặp đôi trao lời thề nguyện trong ngày “lục nhất”, so với tỉ lệ bình thường là 40 cặp mỗi tuần.

Tại Malaysia, cục Đăng ký quốc gia (NRD) cho biết hơn 1.000 đôi uyên ương đã chọn ngày 11.11.2011 để kết hôn. Bang có số lượng đơn đăng ký kết hôn cao nhất là Sabah với 117 cặp, theo sau là thủ đô hành chính Putrajaya với 111 cặp và 100 cặp tại Kuala Lumpur. 70 đôi sẽ được tổ chức đám cưới tập thể tại quảng trường thành phố Johor Baru trong ngày này.

Các doanh nghiệp nhạy bén “ăn theo”

Tại Hàn Quốc, ngày 11.11 còn được gọi là ngày Pepero, đặt theo tên những cây bánh chocolate làm theo hình số 1 dài và nhỏ. Ngày này xuất hiện tại Hàn Quốc từ những năm 1990 và là ngày lễ quan trọng với các cặp tình nhân trong nước, tương tự lễ Giáng sinh hay Valentine. Trong năm nay, các công ty thực phẩm đã đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu Ngày Pepero Thiên niên kỉ ngàn năm một lần. “Năm nay, kì thi đại học diễn ra một ngày trước ngày Pepero. Cho nên chúng tôi có kế hoạch quảng bá bánh quy và chocolate là đại diện cho những điểm số tốt đẹp”, cô Shin Yooon Hee làm việc tại một cửa hàng tiện lợi ở Seoul nói. Công ty bánh kẹo Lotte nổi tiếng đặt ra mục tiêu đạt doanh thu bán bánh Pepero là 85 tỉ won năm nay, tăng 10% so với năm trước.

Những người cô đơn ở Trung Quốc cũng sẽ có một ngày vui bên bạn bè mình. Ngày 11.11 từ lâu trở thành ngày Cô đơn không chính thức ở Trung Quốc, vì con số 1 được xem là biểu tượng cho sự đơn độc đối với thanh niên nước này. Nhân ngày Cô đơn, báo Hoàn cầu có bài viết “Ngày Cô đơn nhất của thế kỉ” đánh động về tình trạng mất cân bằng giới tính và những thay đổi trong quan điểm hôn nhân của giới trẻ Trung Quốc. Trong ngày 11.11, các hội độc thân sẽ tụ tập và mở tiệc vui chơi

======================================================

Quốc hội dự kiến thu thuế trên 35 tỷ đôla

Việt Nam tiếp tục thâm hụt ngân sách trong năm 2012

Quốc hội Việt Nam trong phiên họp sáng thứ Năm ngày 10/11 đã thông qua các chỉ tiêu ngân sách chủ yếu cho năm 2012.

Theo đó, Quốc hội dự kiến trong năm 2012, tổng thu của chính phủ từ nguồn thuế là gần 763.000 tỷ đồng, tương đương với trên 35 tỷ đôla.

Quốc hội cũng dự toán chi ngân sách trên 903.000 tỷ đồng, tương đương với gần 43 tỷ đôla.

Do đó, thâm hụt ngân sách của Việt Nam trong năm tới sẽ vào khoảng 140.000 tỷ đồng, chiếm 4.8% tổng sản phẩm quốc nội.

Tỷ lệ thâm hụt ngân sách này đã giảm được 0.1% so với năm 2011.

Để đảm bảo các mục tiêu ngân sách này, Quốc hội yêu cầu chính phủ tiếp tục thắt chặt chi tiêu, sắp xếp lại danh mục các khoản chi và chống thất thoát lãng phí.

Quốc hội cũng cho phép chính phủ huy động thêm 45.000 tỷ đồng thông qua trái phiếu để đầu tư cho giao thông, y tế và giáo dục.

Trong cơ cấu chi ngân sách năm 2012, chính phủ Việt Nam sẽ dành khoảng 100.000 tỷ đồng, tức là khoảng 11% tổng chi ngân sách, để trả các khoản nợ đến hạn cũng như trả vốn vay từ viện trợ phát triển chính thức ODA.

Con số 100.000 tỷ đồng tiền trả nợ này tăng thêm 14.000 tỷ so với năm 2010.

Theo số liệu của chính phủ, nợ công của Việt Nam đến hết năm 2011 ở vào mức 54% GDP và dự kiến sẽ đạt mức 65% cho đến năm 2015.

Trong phiên họp trước đó một ngày, Quốc hội cũng thông qua các mục tiêu kinh tế xã hội cho năm 2012.

Theo đó, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP vào khoảng từ 6 đến 6,5%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng không tăng quá hai con số.

Lạm phát ở Việt Nam trong những tháng vừa qua có lúc vượt quá 20% và nằm trong mức cao nhất ở châu Á.

Quốc hội cũng yêu cầu chính phủ lập kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế trong năm sau để chuyển ̣đổi mô hình kinh tế của Việt Nam, trong đó có tái cơ cấu đầu tư theo hướng giảm dần đầu tư công, tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện đang tiềm ẩn rủi ro rất lớn với nhiều khoản nợ xấu có nguy cơ đưa các ngân hàng này vào tình cảnh vỡ nợ.

 

 

‘Công an dọn đường để bắt chúng tôi’

Cô Huỳnh Thục Vy là một blogger được nhiều người biết

Ông Huỳnh Ngọc Tuấn nói việc công an cáo buộc ‘tàng trữ tài liệu chống phá Nhà nước’ rồi tới nhà khám xét và tịch thu tài sản là ‘để dọn đường bắt’ ba cha con ông.

Ông Tuấn, một người viết văn, đã từng bị ngồi tù 10 năm từ 1992 tới 2002 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN.

Ông nói với BBC từ nhà riêng tại Tam Kỳ, Quảng Nam, rằng với các động thái mới đây của chính quyền cho thấy “gần như chắc chắn họ sẽ bắt cha con tôi cũng về tội Tuyên truyền chống Nhà nước”.

Hiện ông Huỳnh Ngọc Tuấn đang sống cùng con gái, cô Huỳnh Thục Vy, và con trai Huỳnh Trọng Hiếu.

Hôm thứ Ba 08/11, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cuộc kiểm tra đột xuất tới nhà ông Tuấn. Báo chí trong nước nói đoàn kiểm tra này ‘phát hiện 5 cuốn vở có các bài viết chống phá Nhà nước’.

Sau đó, đoàn kiểm tra cũng đã niêm phong một số tài sản của cha con ông Huỳnh Ngọc Tuấn, bao gồm máy tính, máy in và USB, tịch thu để ‘điều tra làm rõ hoạt động chống phá’ của ba người.

Họ đã yêu cầu cha con ông Tuấn lên cơ quan chức năng để ‘làm rõ việc tàng trữ tài liệu chống phá Nhà nước’ vào thứ Năm 10/11 nhưng ông từ chối.

Ông giải thích: “Tôi đã nói trước với họ rằng, một khi đồ đạc tài sản của tôi bị tịch thu ra khỏi nhà thì tôi không chịu trách nhiệm về các tài sản đó nữa và sẽ không lên làm việc như đòi hỏi.”

Tuy vắng mặt ông Huỳnh Ngọc Tuấn và các con ông, công việc kiểm tra các tài liệu và tài sản tịch thu vẫn được tiến hành. Cũng qua phương tiện thông tin đại chúng, nhà chức trách nói đã “phát hiện rất nhiều bài viết có nội dung bôi nhọ, phản động của ba cha con ông Tuấn. Ngoài ra, trong máy tính còn lưu lại rất nhiều tài liệu, hình ảnh chống phá Nhà nước”.

Quan điểm cá nhân

Ông Huỳnh Ngọc Tuấn nói ông được biết rằng các giấy tờ tài liệu, nay bị coi là chứng cứ, sẽ được chuyển tới cơ quan công an để tiếp tục điều tra.

“Gần như chắc chắn họ đang dọn đường để bắt cha con tôi về tội Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN.”

Ông Huỳnh Ngọc Tuấn (ảnh của báo Người Lao Động)Ông Huỳnh Ngọc Tuấn đã từng chịu án tù 10 năm

Ông Tuấn cho rằng tội chống phá Nhà nước là ‘một khái niệm hết sức nhập nhằng của chính quyền vì tôi và các con tôi chỉ thực thi quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm cá nhân của mình’.

“Có thể quan điểm của chúng tôi đi ngược lại với quan điểm của Nhà nước, có thể là quan điểm phê phán Nhà nước, nhưng đó là quan điểm của cá nhân và bày tỏ nó là quyền của công dân đã được minh định trong Hiến pháp cũng như các công ước quốc tế.”

Ông Huỳnh Ngọc Tuấn cho rằng không thể nói một vài bài báo, một số ý kiến cá nhân là có thể chống phá được một “Nhà nước với bốn triệu đảng viên và hai triệu công an quân đội”.

“Quy kết đó là cường điệu và không hợp lý.”

Ông Tuấn (46 tuổi) và hai con Thục Vy (26 tuổi), Trọng Hiếu (22 tuổi) bị cáo buộc đã tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII hôì tháng Năm 2011, đồng thời có nhiều cuộc phỏng vấn với đài báo hải ngoại về việc đó.

Ông cho BBC hay rằng năm 1992, ông đã bị bỏ tù vì viết một truyện ngắn với nội dung cũng bị cho là ‘Chống phá’.

Cô Huỳnh Thục Vy cũng là một blogger có nhiều bài viết trên mạng mang tính phê phán chính quyền.

“Quần chúng tự phát”, chiếc gai trong thực thi dân chủ

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Biểu tình ở Hanoi

Quần chúng tự phát là nhóm từ đã có từ lâu trong các vụ đàn áo tôn giáo, đặc biệt là Công giáo nay đã xuất hiện trở lại trên báo hà Nội Mới. Liệu hành động này nói lên điều gì đối với nền dân chủ tại Việt Nam?

Mặc Lâm phỏng vấn luật gia Lê Hiếu Đằng để tìm câu trả lời sau đây.Mới đây báo Hà Nội Mới bình luận việc hàng trăm quần chúng tự phát đã tràn vào đập phá nhà thờ Thái Hà do bức xúc việc nhà thờ đòi lại đất bệnh viện Đống Đa. Ông có cho rằng với truyền thống hiền hòa của dân tộc thì những quần chúng mà báo Hà Nội Mới gọi là tự phát này có phải là tự phát hay không?

-Tôi nhớ trước đây cái vụ Bát Nhã ở Lâm Đồng-Bảo Lộc cũng có một tình hình tương tự. Về mặt tôn giáo tôi không biết sự việc nó như thế nào nhưng tôi cho trách nhiệm của nhà nước là phải giữ gìn an ninh trật tự, thành ra nếu quả thật là quần chúng tự phát nhưng vào nhà thờ để mà làm như vậy thì trách nhiệm của nhà nước là phải dẹp chứ không thể để người ta làm như vậy được.

Thật ra tranh chấp giữa nhà thờ và nhà nước về vấn đề đất đai hiện nay đang còn tồn tại. Về nguyên tắc tôi biết ngay tại thành phố Hồ Chí Minh những cái gì mà mượn những gì phải trả lại vẫn còn nhiều. Theo trình bày của mấy vị linh mục Thái Hà thì đó là đất của nhà thờ và bây giờ biến thành bệnh viện hay cái gì đó thì tôi không biết rõ nhưng việc gọi là quần chúng tự phát với hàng trăm người vào đó thì lẽ ra công an phải can thiệp.

Bởi vì nếu xảy ra đụng độ giữa giáo dân và số người tự phát đó thì tình hình sẽ phức tạp hơn. Tôi cho trong việc này đã tạo ra một số hoài nghi trong quần chúng là nhà nước dàn dựng. Việc này tôi thấy không nên nó làm cho uy tín của chính quyền Hà Nội sẽ bị giảm sút.

Người ta đặt vấn đề tại sao biểu tình yêu nước, lý do rất là chính đáng thì anh lại dẹp? Anh dùng những biện pháp mạnh, anh huy động cả một lực lượng công an cảnh sát chìm nổi rất hùng hậu để đàn  áp, dẹp biểu tình. Trong khi việc này cần sự thương lượng, đối thoại để tìm giải pháp thì anh lại dùng quần chúng tự phát để giải quyết? Tôi cho là việc làm này đứng về mặt quản lý nhà nước là không có trách nhiệm.

Ban tôn giáo chính phủ đang giữ vai trò gì?

-Là người từng giữ chức Phó chủ tịch UBMTTQ thành phố ông nhận thấy vai trò của Ban tôn giáo Chính phủ có thực sự là gạch nối giữa chính quyền và tôn giáo hay không, và nếu chưa thì phải cải tổ như thế nào để giảm bớt căng thẳng giữa nhiều giáo hội và nhà nước như trong thời gian vừa qua?-Đúng là vai trò của Ban Tôn giáo Chính phủ là phải hiểu hết những vấn đề của tôn giáo và phải thật sự khách quan trong việc đó để có tiếng nói có sức thuyết phục. Nếu Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đứng về mặt quản lý nhà nước để có những biện pháp này kia thì tôi cho là người ta không cần phải dựa vào Ban Tôn giáo Chính phủ nữa.

Tôi nhớ trường hợp trên Bảo Lộc cũng vậy, Ban Tôn giáo Chính phủ không có vai trò gì cả. Thành ra tôi cho rằng đã là Ban Tôn giáo Chính phủ thì anh phải khách quan, phải nhìn nhận vấn đề một cách trung thực chứ không phải vì anh là Ban Tôn giáo Chính phủ mà anh đứng về phía nhà nước, hay là anh bị vô hiệu hóa, hoặc anh thờ ơ không có ý kiến gì cả thì như vậy sẽ rất là tai hại và vai trò của Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ rất hình thức không có ý nghĩa thực tiễn gì.

-Cho tới nay nhiều người bị bắt và giam giữ quá thời hạn quy định của luật cho phép mà thân nhân của họ không biết tin tức cũng như sự sống chết của họ điển hình như trường hợp của blogger Điếu Cày. Dưới quan điểm của một luật gia thì việc này có thể chấp nhận hay không và nếu không thì điều gì khiến ông quan ngại nhất?-Tôi cho rằng việc bảo vệ quyền công dân là vấn đề rất lớn hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói nếu chúng ta có độc lập mà nhân dân không có tự do hạnh phúc thì cái độc lập đó không có ý nghĩa gì. Vì vậy khi chúng ta độc lập rồi thì các quyền tự do dân chủ của người dân phải được tôn trọng theo luật pháp.

Tôi phản đối bất cứ những ai bị bắt quá luật định, bị bắt không được xử một cách công khai minh bạch thì chính bản than nhà nước lại vi phạm luật pháp thì điều này không thể chấp nhận được. Trường hợp anh Điếu Cầy hay bất cứ người nào cũng vậy thôi, bản thân tôi phản đối và tôi đề nghị chính quyền phải hết sức minh bạch và công khai trong việc bắt bớ giam giữ công dân.

Nếu họ có tội thật sự thì phải công khai minh bạch, tội đó là tội gì, bằng chứng ra sao? Còn nếu không thì phải thả họ ngay theo đúng quy định của luật pháp. Với tư cách quản lý nhà nước mà lại vi phạm luật pháp thì không chấp nhận được.

Tranh luận dân chủ: tại sao lại sợ?

-Ông đã tiếp xúc với nhiều người, nhiều giới và chia sẻ nguyện vọng cũng như ý kiến trái chiều của họ. Ông đánh giá thế nào về những ý kiến khác nhau đôi khi gay gắt này?-Tôi nhớ trong một nghị quyết của Bộ Chính Trị trước đây có nói rằng trong xã hội thì vấn đề có những ý kiến khác nhau thì đây là việc tự nhiên, không có gì nghiêm trọng cả và phải tôn trọng những ý kiến khác nhau đó. Tôi nghĩ trong xã hội dân chủ thì phải vậy. Nếu chúng ta chỉ một chiều, chúng ta nói một cách không thật, không có ý kiến phản biện của người dân, nhất là giới trí thức thì xã hội như vậy sẽ đi đến độc đoán mà chúng ta thường nói trở thành một nhà nước toàn trị.

Vì vậy chính vì có nhiều ý kiến khác nhau, có phản biện xã hội và tạo nên xã hội công dân hiện nay là yêu cầu hết sức lớn của Việt Nam. Giữa nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự mới có sự giám sát để đi đến một nhà nước thật sự dân chủ. Nếu chúng ta không có ý kiến đa chiều, ý kiến phản biện xã hội thì nhà nước sẽ trở thành độc đoán và các quyền tự do dân chủ của người dân sẽ bị hạn chế.

Vì vậy hiện nay nhân dịp sửa đổi hiến pháp nhiều trí thức trong nước cũng đặt vấn đề chính hiến pháp năm 1946 là hiến pháp rất tiến bộ vì đã tôn trọng tự do dân chủ của người dân và chúng ta cần nghiên cứu vì một số điều khoản trong hiến pháp mà hiện nay vẫn còn phù hợp, vẫn còn sức sống để tạo nên một xã hội dân chủ thật sự.
Một sự đồng thuận trong xã hội thật sự chứ không phải đồng thuận một cách giả tạo, một chiều như một số trường hợp hiện nay.

Hiến pháp 1946

-Thưa ông để tiếp tục câu chuyện về dân chủ hôm nay xin được nêu câu hỏi với ông, hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng hiến pháp năm 1946 là bản hiến pháp dân chủ nhất, điều này có ý nghĩa như thế nào thưa ông?-Hiện nay nhân dịp sửa đổi hiến pháp nhiều trí thức trong nước cũng đặt vấn đề chính hiến pháp năm 1946 là hiến pháp rất tiến bộ vì đã tôn trọng tự do dân chủ của người dân và chúng ta cần nghiên cứu vì một số điều khoản trong hiến pháp mà hiện nay vẫn còn phù hợp, vẫn còn sức sống để tạo nên một xã hội dân chủ thật sự.

Một sự đồng thuận trong xã hội thật sự chứ không phải đồng thuận một cách giả tạo, một chiều như một số trường hợp hiện nay.

-Là một luật gia chắc ông cũng đồng ý rằng có quá nhiều luật được ghi trong hiến pháp nhưng thiếu văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện, như luật biểu tình chẳng hạn. Hay có văn bản nhưng lại sai lệch nội dung một cách nguy hiểm. Đây có phải là sự trì hoãn cố tình của các cơ quan trách nhiệm nhằm bảo vệ quyền lợi hay lợi ích nhóm của họ hay không thưa ông?

-Tôi cho rằng hiến pháp là văn bản cao nhất do đó nếu có văn bản hướng dẫn, hay văn bản dưới luật thì phải tôn trọng những điều khoản trong hiến pháp. Có trường hợp văn bản hướng dẫn lại đi ngược lại cái tinh thần của hiến pháp, của các bộ luật cơ bản. Những văn bản dưới luật là cần thiết nhưng tôi nghĩ nên hạn chế bởi vì đôi lúc nó đi ngược lại hiến pháp và các bộ luật cơ bản.

Văn bản dưới luật, nên chăng?

Một số bộ luật cơ bản đã ghi rất cụ thể rồi, ví dụ tôi nói vấn đề biểu tình, đây là cái quyền của người dân, bây giờ chúng ta phải cần có luật để thể chế hóa, cụ thể thêm về luật biểu tình thì rất cần thiết thì mới đáp ứng được yêu cầu của người dân. Trong khi đó thì Quốc hội lại có những cái luật vớ vẩn như luật nhà văn, trong khi một số luật mà quốc hội đặt vấn đề như luật Trưng cầu dân ý, Luật biểu tình và một số luật cần thiết khác thì lại không làm.

Tôi cho là những văn bản nào đi ngược lại với hiến pháp thì người dân có quyền tự mình áp dụng những điều khoản đã quy định trong các luật cơ bản. Còn những văn bản hướng dẫn dưới luật mà đi ngược lại hiến pháp thì chính nhà nước và chính phủ đã vi phạm những văn bản cao nhất tức là bộ luật cơ bản.

-Theo ông thì cách cảm nhận và ý thức dân chủ trong dân chúng nói chung và cán bộ đảng viên nói riêng có theo định hướng của đảng hay họ ý thức theo cách riêng?

-Tôi cho rằng hiện nay trào lưu dân chủ tiến bộ trên thế giới người dân Việt Nam người ta cũng hiểu rất nhiều bởi vì các phương tiện Internet, những thông tin rất phong phú và người dân thấy rằng nó là khuynh hướng không thể nào đi ngược lại.

Nếu đổi mới về kinh tế mà không đổi mới chính trị để có xã hội dân chủ thì nó sẽ đi đến chỗ kinh tế khó phát triển nhưng mà những lợi ích thì lại thuộc về các nhóm, vào tay các cá nhân chứ nó không đem lại lợi ích cho quần chúng.

Lợi ích nhóm, cá nhân trước lợi ích nhân dân

Ví dụ bây giờ nhà nước đang chủ trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nhưng thật ra chính những ngân hàng nó làm ẩu, nợ xấu tràn ngập bây giờ lại lấy tiền dân để giải cứu ngân hàng đó thì rất vô lý. Nó tương tự như trường hợp ở Mỹ. Tôi tiếp xúc rất nhiều tầng lớp, người ta thấy rằng vấn đề sinh tử, sống còn hiện nay là dân chủ và tiếng nói của người dân sẽ quyết định vì quốc hội, các tổ chức mặt trận tổ quốc, các đoàn thể hiện nay còn rất hình thức.Tôi tham dự rất nhiều cuộc họp thì thấy bản thân Đảng cộng sản Việt Nam cũng đánh giá vai trò hiện nay là hình thức. Điều này sẽ tạo nên bầu không khí mất dân chủ và người dân người ta thấy rằng không thể yên tâm sống trong một xã hội không được luật pháp bảo hộ.

Theo nhận xét của ông thì người dân hiện nay có cho rằng việc trực tiếp tranh luận hay phản biện một vấn đề gì đó với một ông chủ tịch Xã hay Phường là quyền mà họ được hiến pháp bảo vệ hay không?

-Thật ra họ có ý thức về việc đó nhưng bây giờ trong xã hội Việt Nam có một vấn đề lớn là họ sợ. Họ sợ bởi vì đã có những trường hợp không biết lý do gì mà họ bị bắt, bị đe dọa, thậm chí con cái họ bị uy hiếp.

Ai trói tay bịt miệng họ?

Có những người đi biểu tình vừa rồi thì bị đối xử như vậy thành ra vấn đề là họ rất muốn nhưng không dám. Chẳng hạn chung quanh vấn đề ruộng đất, đất đai là vấn đề rất lớn. Họ muốn đấu tranh để bảo vệ những quyền lợi của họ nhưng lại không dám.Nếu trong một xã hội tôn trọng những cái quyền của người dân thật sự thì sẽ có những người đứng ra để mà đấu tranh phản biện lại với chính quyền, và tôi cho cái chuyện này là nên, miễn họ đấu tranh trong vòng trật tự, không làm xã hội rối loạn, không có những hành động quá khích thì như vậy chính quyền phải tôn trọng và xem đó là thước đo lòng dân đối với chủ trương chính sách của nhà nước chứ không nên xem đó như là một việc cấm kỵ.

-Xin được cám ơn ông.
@RFA