Hữu Loan, đèo Cả

Với Hữu Loan qua cuộc đời dài non thế kỷ, sôi nổi, khói lửa, trầm luân, đánh giá từ đâu, kiểu gì đi nữa thì chúng ta đều phải công nhận hai nét son : tài hoa và tiết tháo.

Đặng Tiến

HL

Hữu Loan là khuôn mặt văn học đặc biệt trong nền thi ca đương đại từ hơn 60 năm nay. Ông làm thơ hay, hiện đại, tân kỳ, nhưng tên tuổi thường xuất hiện theo thời sự. Màu tím hoa sim, làm trong thời chống Pháp, là bài thơ nổi tiếng nhất, nhưng được nhắc nhở, đôi khi không phải vì lý do văn học, thậm chí còn làm nhiễu lý luận văn chương.

Khắc họa chân dung văn học chân chính và phức tạp của Hữu Loan là việc khó nhưng trước sau cũng phải làm.

Ông tên thật là Nguyễn Hữu Loan, sinh ngày 2.4.1916, tại làng quê, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, và qua đời cũng tại đây, ngày 18.3.2010. Qua non một trăm năm dâu biển, sinh và mất cùng một xóm quê, đã là nét đặc biệt, trong nhiều đặc biệt khác của Hữu Loan.

Ông thường kể lại là mình xuất thân từ một gia đình nông dân, tá điền nghèo. Nhưng chắc là không nghèo lắm nên mới được học và đỗ tú tài năm 1938. Thời đó là học hàm cao : với văn bằng này Xuân Diệu đã đi làm Tây Đoan, Vũ Hoàng Chương đi làm thanh tra hỏa xa, còn Hữu Loan thì không dính dáng gì đên quan trường. Thỉnh thoảng giận đời – năm ba lần trong đời – ông đã bỏ bút mực về quê cầy ruộng, đánh cá, từ 1958 thì đi xe thồ chở củi, chở đá nặng nhọc. Cũng lại là điều không giống ai.

Ông cưới vợ giàu và gia thế, dù cho bà ấy có mất sớm, thì nếu muốn nhờ cậy, ông vẫn có nơi dựa, nhất là quan hệ với « ba người anh đi bộ đội », trước kia là học trò ông dạy kèm trong nhiều năm, về sau là chức trọng quyền cao. Cũng là nét đặc thù. Thêm nhiều chi tiết khác, tổng hợp lại, có thể vẽ lên chân dung Hữu Loan. Ông có chìm nổi, có gian lao thật, nhưng là cuộc đời ông chọn lựa làm một « khúc gỗ vuông »; lịch sử có eo ép thật, nhưng là lịch sử chung, còn hoàn cảnh riêng, có phần do ông tạo ra, không phải là quy luật.

Điều thiệt thòi cho ông là : khi nhắc đến Hữu Loan, ít người quan tâm, bàn luận đến những đóng góp của ông vào nghệ thuật thi ca từ thời 1945 đến nay. Ít nhiều cũng do chính bản thân ông không mấy quan tâm đến sự nghiệp văn học, dù ông là một trong những người đi tiên phong trong việc cách tân thơ Việt Nam.

*

Bắt đầu là bài Đèo Cả , làm năm 1946 :

Đèo cả ! Đèo Cả
Núi cao ngút
Mây trời  Ai Lao
Sầu đại dương
Dặm về heo hút
Đá Bia mù sương
Bên quán «
Hồng Quân » người ngựa mỏi
Nhìn dốc ngồi than,
Thương ai lên đường !
Chầy ngày lạc giữa núi
Sau chân lối vàng xanh tuôn
Dưới đây bên suối độc
Cheo leo chòi biên cương
(…) Rau khe, cơm vắt
Áo phai màu sa trường
Ngày thâu vượn hú
Đêm canh gặp hùm lang thang

Trên báo Văn Nghệ, Việt Bắc, số 7, tháng 12-1948, trong mục Tiếng Thơ, Xuân Diệu đã giới thiệu trích đoạn này trong bài viết tại Vĩnh Yên, ngày 23.11.1948 :

« Tôi yêu, tôi phục bài thơ hoang vu Đèo Cả. Một Đỗ Phủ của thời mới đã gọi cái đèo chênh vênh ấy, đứng trong đất nước ta, đứng giữa Phú Yên với Khánh Hòa, mà lại hóa thành heo hút quá. Vì bên này là ta, bên kia là giặc. Nhất là khi chiến tranh chưa lan toàn quốc, từ Bắc Bộ, đi suốt vào Đèo Cả, lên Đèo Cả thấy bên kia giặc rắc tai ương. Đèo Cả biên thùy, đứng trên đầu bể thẳm đụng tới mây cao, Đèo Cả treo giữa biên thùy, mà cái đẹp trầm hùng ngang với lòng chiến sĩ » (tr.35).

Xuân Diệu viết hào hứng, vì rung cảm trước bài thơ, chứng tỏ giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Ông không đề xuất tên tác giả, có lẽ vì bài thơ không ký tên, được đăng trên báo Chiến Sĩ, của Quân khu IV, in tại Vinh, số 8, năm1947 ; lý do không ký tên có lẽ vì chính tác giả Hữu Loan làm chủ biên tờ báo. Lại là một nét đặc biệt.

Bài Đèo Cả, có lẽ làm trong chiến dịch Nam tiến ; không khí nhắc đến bài thơ đồng thời, là Nhớ Máu của Trần Mai Ninh, làm xong ngày 9.11.1946 tại Tuy Hòa, hay bài Ngoại Ô Mùa Đông 46 của Văn Cao, cùng đăng trên báo Văn Nghệ, năm đầu tiên, 1948.

Cùng một mạch thơ, khoảng cuối 1950, đầu 1951, Hữu Loan có bài Tình thủ đô do bè bạn ghi theo trí nhớ, và tác giả đã duyệt lại :

Trên những chuyến xe bò
đi về đường Trèm, Vẽ
Việt Bắc âm u
Đường dài Thanh Nghệ
Người Thủ đô tản cư
Đoàn xe bò
Chở nặng tâm tư
Một góc nhà
Một hè phố
Mắt em biếc
Một chiều xưa
(…) Những người bắt sống Le Page
và Charton
Những chiến sĩ Cao Bằng – Đông Khê
Những binh đoàn biên giới
Đang chuyển về Trung Du
Như đi từng dãy núi
Kẹp vòng quanh ngoại vi Thủ đô.

(trích theo Dương Tường, phụ lục « Chỉ tại con Chích Chòe », nxb Hội nhà Văn, Hà Nội, 2009)

Bài này phảng phất ít nhiều hơi hướm, tình cảm lãng mạn, như trong Màu Tím Hoa Sim, viết về người thật và việc thật xảy ra trong đời Hữu Loan : người vợ trẻ mới cưới, tên Lê Đỗ Thị Ninh, chết vì tai nạn – té xuống sông – ngày 25 tháng 5 âm lịch 1948 , theo lời kể Hữu Loan.

Nàng có ba người anh đi bộ đội…
(…) Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
(…) Tôi ở đơn vị về
cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến chinh
mấy người đi trở lại
(…) Nhưng không chết người trai khói lửa
mà chết người gái nhỏ hậu phương
Tôi về không gặp nàng

(…)

Sự việc, tự nó đã buồn. Nó còn bi thảm hơn nữa khi người đọc tưởng tượng ra cảnh người vợ chết vì bom đạn, và qua lời thơ bi thiết :

Những chiều hành quân
qua những đồi sim
Màu tím hoa sim
Tím cả chiều hoang biền biệt
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa…

Cái chết ở đây là do tai nạn, thời nào, nơi nào, cũng có thể xảy ra ; nhưng nó đã xảy ra trong thời chiến tranh ; và tác giả đã khéo lồng vào khung cảnh khói lửa :

Ba người anh từ chiến trường Đông Bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng…

Do đó bài thơ có giá trị truyền cảm và biểu tượng mạnh mẽ, trên một đất nước tan nát vì một chiến cuộc kéo dài ; giới văn học ngày nay gọi là « liên văn bản ». Điều này không loại trừ chất nghệ thuật của tác phẩm và tài năng của Hữu Loan, nhưng thời đại cũng đã góp phần hậu thuẫn cho tác phẩm.

Chưa kể là bài thơ khi ra đời, đã bị ngăn chặn, vì tính cách bi quan, « phản chiến » của nó, trong giai đoạn chiến đấu quyết liệt. Tác phẩm miêu tả sự thật, mà bị cấm đoán thì càng được truyền tụng, nhất là về phía « bên kia ». Câu chuyện dài dòng – thậm chí ngoài đề – tôi sẽ trở lại trong một bài khác.

Trong nguồn thơ kháng chiến, tháng 12 – 1956, ông có bài thơ mừng xuân « Ôm Tết vào lòng », phấn khởi sau chiến thắng và hòa bình, nhưng vẫn còn bầm tím vết tích của chiến tranh :

Tết và mùa xuân
Như mắt người ứa lệ
Những người đầu tang còn
Rối tóc rối khăn
Ôm Tết vào lòng
Băng bó lại mùa xuân
Cùng nói lên
nói lớn
một lần
Không được giẫm lên mùa xuân
Không được giẫm lên Tết nữa
Không được
giẫm chân lên
lòng người.

(Giai Phẩm, Xuân 1957, nxb Văn Nghệ, Hà Nộị)

« không được giẫm lên lòng người » là một khuynh hướng trong tâm đạo Hữu Loan, thiết tha với tự do, thường xuyên phản kháng. Ông can dự vào phong trào Nhân văn giai phẩm, và trên Giai phẩm mù Thu, tập 2, ông có bài « Cũng những thằng nịnh hót », làm tháng 9-1956 :

Một điều đau xót
Trong chế độ chúng ta
Trong chế độ Dân chủ Cộng hòa
Những thằng nịnh còn thênh thang đất sống
(…) Chúng nó ngụy trang
Bằng tổ chức
bằng quan điểm nhân dân
bằng lập trường chính sách
Chúng nó còn thằng nào
Là chế độ chúng ta chưa sạch
Phải làm tổng vệ sinh cho kỳ hết
mọi thằng.
Những người đã đánh bại xâm lăng
Đỏ bừng mặt vì những tên quốc sỉ
Ngay giữa thời nô lệ
Là người, chúng ta
không ai biết
cúi đầu.

Trên Giai phẩm mùa Đông, tập 1, tháng 12.1956, ông còn có truyện ngắn « Lộn sòng » mô tả những tiêu cực trong đời sống khó khăn của giáo giới Thanh Hóa.

Thời điểm này, ông phải đi tham gia Cải cách ruộng đất, chứng kiến nhiều cảnh ngộ bất nhẫn. Bà vợ sau của ông, gốc gác địa chủ lại là nạn nhân trực tiếp của chính sách. Ông bỏ công việc biên tập viên nhà xuất bản Văn Nghệ, bỏ Đảng, bỏ Hà Nội, về quê Thanh Hóa sống lao động lam lũ và vất vả : đốn củi, thồ củi, thồ đá bằng xe bò bánh gỗ và bị áp bức mọi mặt. Ông vẫn dũng cảm và kiên quyết sống bất khuất, nuôi nấng đàn con mười đứa.

Năm 1988, Hữu Loan lại xuất hiện trong thời sự văn chương và chính trị, vì tham gia một chuyến đi xuyên Việt do một vài anh em văn nghệ tỉnh Langbian tổ chức, để cổ động cho tự do, dân chủ, và có bài thơ Chuyện Di Tề :

Lịch sử là một
trò hề
diễn lại
diễn đi
chưa


mới mẻ
chỉ có bọn
Trùm Hề

nhiều
ngón
bịp
mới hơn

Trong bối cảnh đó, ông tự chọn cách tồn tại :

Tôi là cây
gỗ
vuông
chành chạnh
suốt đời
đã làm thất bại
mọi âm mưu đẽo tròn
để muốn tùy tiện
lăn lóc thế nào
thì lăn lóc.
Chân
tính
đấy
Hỡi
Rìu
Bào
Phó mộc

Lưu ý : những chữ Rìu, Bào, Phó mộc viết hoa.

*

Người xưa có câu « cái quan định luận » : đóng nắp quan tài, mới định luận được phẩm giá một người. Ngày nay sự việc có phần phức tạp hơn.

Nhưng với Hữu Loan qua cuộc đời dài non thế kỷ, sôi nổi, khói lửa, trầm luân, đánh giá từ đâu, kiểu gì đi nữa thì chúng ta đều phải công nhận hai nét son : tài hoa và tiết tháo.

Làm nhớ đến một câu văn tế xa xưa :

Ngọc dầu tan,
vẻ trắng nào phai
Trúc dẫu cháy,
tiết ngay vẫn để.

Đặng Tiến

Orléans, vào Xuân, 21.3.201

@Dien dan

Bánh xèo chinh phục người sành ăn

Ẩm thực Việt Nam đã được bạn bè các nước biết đến nhiều, như phở, chả giò, bánh mì Sài Gòn… Và không chỉ có vậy, mới đây, bánh xèo vừa được bình chọn là món ăn thú vị thuộc lĩnh vực ẩm thực của chương trình “TP.HCM – 100 điều thú vị”.

Con đường bánh xèo

Ăn nóng là điều bắt buộc với chiếc bánh xèo nên khi bánh vừa lấy ra khỏi chảo là phải đến ngay tay người ăn. Ảnh: Minh Cúc

Bánh xèo đã có ở miền Nam tự thuở nào chẳng ai nhớ được. Có lẽ nó đã có từ trước thời phở Bắc vào Nam hay bánh mì Sài Gòn bắt đầu có mặt từ những năm 40 – 50 thế kỷ trước. Ngày xưa ở chợ, khu xóm, từ thành thị đến thôn quê miền Nam thế nào cũng có hàng bánh xèo như một món ăn bình dân phổ biến mà ai cũng biết.

Đầu thập niên 80, với những khó khăn của đất nước sau chiến tranh, hàng quán ở Sài Gòn giảm đáng kể, trong đó có cả những hàng bán bánh xèo. Nhưng đến giữa thập niên 80, đột ngột trên những đoạn đường nhiều người qua lại, xuất hiện một số quán bán một thứ bánh chiên bằng bột có màu vàng như bánh xèo. Tuy nhiên khuôn đổ bánh chỉ nhỏ bằng khuôn đổ bánh khoái, nhân bao gồm tép, thịt ba rọi, giá, củ hành như bánh xèo và nước chấm là nước mắm chứ không phải bằng nhân và nước chấm của bánh khoái. Đa số người bán là người miền Trung, thế nên món bánh được đặt tên là “bánh xèo miền Trung”. Bánh xèo miền Trung chiếm được cảm tình của nhiều người thành phố lúc bấy giờ vì sự hấp dẫn riêng của mình: độ nóng giòn vừa phải, ăn với nhiều rau và nước mắm, ngon miệng mà giá chỉ vào khoảng 1.000đ/cái (trong khi phở khoảng 6.000 – 7.000đ/tô).

Từ thập niên 90 trở đi bánh xèo Nam bộ bắt đầu khởi sắc trở lại với những nơi bán có tiếng như bánh xèo Đinh Công Tráng – Q.1, Ngô Quyền – Q.5, A Phủ. Và đến năm 2007, bánh xèo Ăn Là Ghiền xuất hiện với quy mô lớn, bài bản, chuyên nghiệp hơn nhằm giới thiệu cho công chúng món bánh xèo miền Tây và những món ăn dân dã Việt Nam. Sau đó một năm, bánh xèo Mười Xiềm của Cần Thơ cũng góp mặt tại thành phố. Vậy là bánh xèo Việt Nam bắt đầu sánh vai cùng các thương hiệu bánh crêpe Pháp, pizza Ý, bánh xèo Nhật, bánh roti pum Ấn Độ, bánh tasco Mexico…

Tiếng xèo lôi cuốn

Ăn nóng là điều bắt buộc với chiếc bánh xèo nên khi bánh vừa lấy ra khỏi chảo là phải đến ngay tay người ăn. Tiếng “xèo !.. xèo..!” của bột chiên trên lửa, những làn khói bốc lên như còn vương vấn trên mặt bánh vàng ươm. Bánh bột gạo chiên ấy được gọi tên là “bánh xèo”, rất dân dã và gần gũi với mọi người Việt. Bánh xèo hiện nay do có thêm phiên bản mới giữa bánh xèo miền Nam và bánh khoái miền Trung nên được tạm coi là có hai loại, khác nhau chủ yếu ở kích thước. Nếu chiếc bánh xèo miền Trung nằm gọn trong lòng chiếc chảo nhỏ, đường kính khoảng 10 – 15cm, trông dày dặn và giòn rụm thì bánh xèo miền Nam kích thước bằng cái chảo lớn, bột đổ thật khéo để tạo lớp rìa mỏng tang và giòn xốp, ít ngậm dầu như bánh xèo miền Trung.

Vẫn với tép tươi, thịt ba rọi, giá sống, củ hành, phần nhân bánh ở miền Nam có thêm đậu xanh nên béo và bùi hơn. Tuỳ theo mùa, bánh xèo miền Nam có thể thêm vào nấm mối, kim châm, nấm tràm, cổ hũ dừa, bông điên điển… Thời gian qua, các thương hiệu bánh xèo nổi tiếng như Ăn Là Ghiền, Mười Xiềm đã mạnh dạn cải tiến nên bánh xèo đã có nhiều loại nhân khác nhau giúp chiếc bánh xèo trở nên đa dạng, phong phú hơn.

Bánh xèo có cách ăn đặc trưng, đó là ăn bằng tay. Bánh vừa lấy ra khỏi chảo còn nóng hôi hổi, tay xé một miếng vỏ vàng ruộm, thêm đầy đủ nhân, cuốn thành cuốn dày cộp toàn những rau là rau, từ cải bẹ xanh, cải xà lách và năm, sáu thứ rau thơm. Tai nghe được tiếng bột “xèo” trên mặt chảo nóng, nghe tiếng rôm rốp giòn tan khi bẻ và nhai bánh. Mũi ngửi hương thơm lựng. Mắt nhìn được đủ sắc màu vàng óng của bánh, xanh mượt mà của rau và đỏ au của nước mắm ớt. Cuộn miếng bánh xèo từ từ cho vào miệng, vị ngọt của bột hòa cùng vị ngọt của tép, thịt, vị béo của mỡ vừa được đưa đẩy chạm đến ngưỡng của đô ngậy. Tức khắc mùi vị the nhẩn của cải bẹ xanh, thơm nồng của rau thơm hoà quyện đưa vị béo bay biến đi. Bao nhiêu hương vị mặn, ngọt, chua, cay như thay nhau đánh thức toàn bộ vị giác của người thưởng thức.

Không gì khoái khẩu cho bằng được thưởng thức món ăn đơn sơ mà tinh tế đến tuyệt vời. Bánh xèo được chọn lựa để trở thành một món ăn độc đáo, đại diện cho những món ăn Việt trong cuộc bình chọn “TP.HCM – 100 điều thú vị” lần này đã giới thiệu thêm kho tàng ẩm thực Việt còn nhiều lắm những món ăn thú vị.

Quang Tâm – Minh Cúc

@ Sgtt

Nhân đại hội đảng- Đọc “Một di sản gây tranh cãi”

Sau kết quả của điều gọi là “vụ án xét lại – chống Đảng”, cán cân quyền lực trong Bộ Chính trị và Ban Chấp

Ông Lê Duẩn

hành Trung ương Đảng nghiêng hẳn về phía ông Lê Duẩn.

Những người ủng hộ quan điểm của ông Lê Duẩn được đề bạt và trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu lãnh đạo.

Các đồng minh

Sự trợ giúp mà ông Lê Duẩn nhận được từ ông Lê Đức Thọ trong suốt tiến trình thâu tóm quyền lực là vô cùng quan trọng.

Tham gia cách mạng từ những năm 1920, ông Lê Đức Thọ trải qua nhiều năm trong tù. Khi được thả năm 1945, ông được gửi vào miền Nam và làm phó cho ông Duẩn trong suốt giai đoạn xung đột giữa Việt Minh và Pháp. Quan hệ giữa hai người này sẽ có một ảnh hưởng sâu sắc trong đảng. Khi ông Lê Duẩn trở thành Tổng Bí thư, ông Lê Đức Thọ được cử làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương, một vị trí mà theo William Duiker, được nhanh chóng “biến thành bộ máy hiệu quả để điều tra và kiểm soát các đảng viên.”

Pierre Asselin nói thêm rằng ông Lê Duẩn “không thể củng cố uy quyền một cách hiệu quả như đã làm nếu không có sự ủng hộ của ông Lê Đức Thọ; sự trung thành và trợ giúp của người này tỏ ra cần thiết để thanh lọc ban lãnh đạo ở Hà Nội.”

Một người đóng vai trò lớn trong cuộc chiến Việt Nam là đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Cho đến giữa thập niên 1960, miền Bắc chỉ có hai đại tướng bốn sao là ông Võ Nguyên Giáp (Bộ trưởng quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh) và ông Nguyễn Chí Thanh (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị).

Một số chuyên gia nước ngoài như Douglas Pike đã ghi nhận sự cạnh tranh và khác biệt trong tư tưởng quân sự giữa hai vị tướng này.

“Why the South Won the American War in Vietnam,” Robert Brigham ghi nhận tướng Giáp “từ lâu đã chỉ trích tư tưởng quân sự của tướng Thanh, và ông công khai bày tỏ nghi ngờ về hiệu quả của chiến lược tấn công của tướng Thanh…Ông Võ Nguyên Giáp ngày càng trở nên thận trọng và thực tiễn trong cuộc chiến chống Mỹ. Một số người nói điều này rốt cuộc khiến ông đánh mất uy quyền chính trị.”

Ông Lê Duẩn hiểu rằng việc giảm uy thế của tướng Giáp có thể tạo ra chỉ trích và chống đối. Vì thế, nói như lời của chuyên gia Pierre Asselin, “bằng cách đề bạt và tạo điều kiện cho sự nghiệp của tướng Nguyễn Chí Thanh, ông Lê Duẩn thành công trong việc tạo nên một thần tượng mới trong quân đội.”

Mặc dù đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua đời đột ngột năm 1967, nhưng quan điểm của ông, rằng cuộc chiến nhân dân không thể thắng lợi nếu thiếu hỗ trợ của các đơn vị chính quy lớn, tiếp tục giữ ảnh hưởng ở Hà Nội. Từ cuối 1965 đến khi chiến tranh kết thúc năm 1975, ngày càng nhiều các sư đoàn bộ binh chính quy được đưa từ miền Bắc vào Nam.

Bằng cách giảm ảnh hưởng của những người như ông Hồ Chí Minh và tướng Giáp, và đề bạt những người trung thành, ông Lê Duẩn đã tạo ra một cơ cấu lãnh đạo mà những niềm tin và nguyên tắc lãnh đạo của nó để lại ảnh hưởng sâu sắc ở Việt Nam.

Thời hậu chiến

Cuối năm 1976, tại Đại hội Bốn, Đảng Lao động Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Lê Duẩn tái đắc cử chức Tổng Bí thư . Bộ Chính trị gồm 14 ủy viên chính thức: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn, Văn Tiến Dũng, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Linh, Võ Chí Công và Chu Huy Mân. Ba ủy viên dự khuyết là Tố Hữu, Võ Văn Kiệt và Đỗ Mười.

Nói về những người cộng sản giai đoạn hòa bình lập lại, David Elliott, trong quyển sách được đánh giá cao The Vietnamese War (2003), nhận xét những thành viên cách mạng còn sống đến phút cuối cuộc chiến “thường là những người cứng rắn, giáo điều và tin tưởng tuyệt đối vào cách mạng. Nhưng đây không phải lúc nào cũng là những người đủ khả năng đưa VN đi tiếp trên đường phát triển.”

“Họ đã từng thể hiện sự dũng cảm phi thường, thậm chí anh hùng. Nhưng họ cũng đã học những thói quen để sống còn mà giờ đây kiềm chế sự phát triển của một hệ thống cởi mở hơn thời hậu chiến…Quan trọng nhất, niềm tin rằng phong trào cách mạng quan trọng hơn mọi quyền lợi cá nhân đã dẫn tới sự coi thường quyền và lợi ích của nhân dân, và thường trở thành cớ cho việc lạm dụng quyền lực của những cán bộ, những người coi thường quy tắc pháp trị tư sản và cho rằng mục tiêu cách mạng có thể biện minh cho phương pháp.”

Pierre Asselin, trong tiểu luận về Lê Duẩn, đã nói thay nhiều người khi cho rằng “dưới thời Lê Duẩn, ít thay đổi tích cực nào xảy ra ở Việt Nam giai đoạn sau khi thống nhất.”

Tháng Bảy năm 1986, trước lúc diễn ra Đại hội Đảng lần thứ Sáu, ông Lê Duẩn qua đời. Sự ra đi này mở cánh cửa cho quan hệ gần hơn với Bắc Kinh – do ông Lê Duẩn sau này đã trở thành biểu tượng của sự không đồng thuận về nhiều điểm với Trung Quốc – và sau đó, với các chính phủ Tây phương, trong đó có Mỹ.

Cũng từ 1986, việc đề cử ông Nguyễn Văn Linh lên làm tân Tổng Bí thư, và chính sách Đổi mới, đã đánh dấu sự chấm dứt của thời kì lãnh đạo đất nước kiểu Stalin ở Việt Nam.

Ở đây, những thay đổi ngay sau năm 1986 ở Việt Nam cũng có thể được xem là tương tự giai đoạn “tan băng” ở Liên Xô sau khi Stalin qua đời, hơn là giống quá trình perestroika đang diễn ra khi đó dưới thời Gorbachev.

Một tác giả, Seweryn Bialer, viết về Liên Xô giai đoạn sau khi Stalin qua đời và Khrushchev lên kế nhiệm: “Đó là giai đoạn xôn xao, có phản ứng sẵn sàng hơn trước các sức ép cả có thật lẫn được mong chờ, một giai đoạn có tiềm năng cho phép nới rộng sự tham gia chính trị. Sự kế nhiệm, bên cạnh tầm quan trọng tự nhiên của nó, cũng là chất xúc tác cho các sức ép và khuynh hướng vốn từ lâu tồn tại bên trong xã hội nhưng đã không có cơ hội được bày tỏ và nhận diện.” Những diễn biến ở Việt Nam sau khi ông Lê Duẩn qua đời gần với những gì đã xảy ra sau cái chết của Stalin hơn là thời Gorbachev.

Giai đoạn nắm quyền của ông Nguyễn Văn Linh, giống như thời Khrushchev, cũng chấm dứt đột ngột để Đảng có thể bổ nhiệm một lãnh đạo khác ít “cấp tiến” hơn, thận trọng hơn.

Có thể đánh giá thế nào về cuộc đời và di sản của ông Lê Duẩn?

Với cương vị Tổng Bí thư, vai trò chính của ông Lê Duẩn cần được thừa nhận trong những quyết sách của Đảng Cộng sản trong cuộc chiến Việt Nam.

Mặc dù miền Bắc đã nhận nhiều viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc, các nghiên cứu gần đây – như của Ilya Gaiduk, Chen Jian, Mari Olsen – cho thấy Hà Nội duy trì sự tự chủ trong cách tiến hành chiến tranh chống Mỹ. Tư liệu mới cho thấy trong từng thời kì, cả Bắc Kinh, Moscow và Hà Nội đều có sự bực bội và nghi ngờ lẫn nhau. Dưới thời ông Lê Duẩn, Đảng Cộng sản hợp tác với Liên Xô và Trung Quốc để đạt mục tiêu, nhưng không phải là con rối trong tay hai cường quốc.

Các tài liệu chính thống ở Việt Nam hiện nay đều dành sự ca ngợi vẹn toàn cho ông. Tuy nhiên, ẩn đằng sau những hàng chữ chính thống ấy còn là những sự tế nhị khác.

Cuối những năm 90, có quyển hồi ký của ông Trần Quỳnh – nguyên thư ký riêng của ông Lê Duẩn và sau này là Phó Thủ tướng.

Tập sách này không được lưu hành chính thức. Nội dung sách hoàn toàn ca ngợi ông Lê Duẩn, nhưng có thể cũng chính vì giọng văn quá ca ngợi này, cuốn sách – vô tình hay cố ý – đã khơi lại những tình cảm u uất trong nhiều người. Đáng lưu ý, tác giả nói một mục đích khi viết sách là để chống lại hành động “làm lu mờ bôi nhọ hình ảnh của Lê Duẩn.”

Nếu quả thật, như ông Trần Quỳnh cáo buộc, rằng “sau khi Lê Duẩn qua đời, những người lãnh đạo đất nước, những người trước đó đã ca ngợi Lê Duẩn, không dám hé răng nói một lời xấu về Lê Duẩn, đã cố ý hay vô tình để cho chiến dịch bôi nhọ và phủ định Lê Duẩn ngày càng qui mô hơn,” thì là vì sao?

Trong giai đoạn làm Tổng Bí thư, ông Lê Duẩn có kẻ thù ở hầu khắp mọi nơi. Vì thế, như chuyên gia Pierre Asselin chỉ ra, sự nghi ngờ của ông Lê Duẩn lớn đến mức ông “dựa vào chỉ một vài cá nhân trong việc tìm lời khuyên và chuyên môn.” Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà từ 1986, công thức cân bằng vùng miền (Bắc – Trung – Nam) đã được dùng khi xét đến ba vị trí lãnh đạo nhà nước ở Việt Nam. Những bất mãn về sự tập trung quyền lực trong tay vài người đã là một trong các nguyên nhân dẫn tới việc phân bổ quyền lực rộng hơn sau 1986.

Stein Tonnesson, trong lời giới thiệu cho tư liệu “Lê Duẩn and the Break with China” (2001), nhận xét ông Lê Duẩn “là lãnh đạo có quyền lực lớn thứ hai ở Việt Nam trong thế kỷ 20.” Quyền lực ấy đã được sử dụng thế nào có lẽ là câu hỏi lớn mà bất kì nghiên cứu nào trong tương lai đều sẽ muốn tìm một câu trả lời đầy đủ.

@bbc

Đảng Cộng sản VN họp bàn nhân sự

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nông Đức MạnhÔng Nông Đức Mạnh chủ trì hội nghị

Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản khóa X lần thứ 12 vừa khai mạc sáng thứ Hai 22/03 tại Hà Nội với các nội dung quan trọng là bàn về các văn kiện trình Đại hội XI và nhân sự.

Được biết trong các dự thảo, văn kiện sẽ được thảo luận và thông qua tại hội nghị lần này có Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH bổ sung phát triển năm 20XI, Chiến lược phát triển kinh tế -xã hội 2011-2020, Báo cáo chính trị Ban Chấp hành Trung ương khoá 10 tại Đại hội XI và Báo cáo tổng kết việc thi hành điều lệ Đảng và đề xuất, bổ sung sửa đổi điều lệ Đảng.

Giáo sư Carlyle Thayer từ Học viện Quốc phòng Hoàng gia Úc châu, nhà nghiên cứu Việt Nam nhận xét:

“Tại Hội nghị Trung ương 11 tháng 10/2009, các đại biểu đã bàn về một số dự thảo văn kiện như Cương lĩnh xây dựng đất nước và dự thảo Báo cáo Chính trị.”

“Hội nghị Trung ương 12 được cho là sẽ phải thông qua các dự thảo văn kiện này, và do vậy có tầm quan trọng rất lớn.”

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, người chủ trì Hội nghị Trung ương 12, đã có bài diễn văn khai mạc.

Ông Mạnh nói các dự thảo văn kiện Đại hội XI sau khi được thông qua tại hội nghị sẽ được công bố để lấy ý kiến đóng góp của đảng bộ các cấp và của nhân dân.

Trước đó, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản cũng thông báo việc thảo luận các văn kiện Đại hội XI tại đại hội Đảng các cấp và trong nhân dân, cũng như việc tổng hợp ý kiến góp ý sẽ được tổ chức trong một tháng, từ 15/10-15/11/2010.

Quá trình thảo luận, lấy ý kiến của người dân do Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện.

Nội dung văn kiện thảo luận tại Hội nghị Trung ương 12 như Cương lĩnh xây dựng đất nước, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XI cũng sẽ được mang ra thảo luận và góp ý trong kỳ họp Quốc hội cuối năm 2010.

Vấn đề nhân sự

Hội nghị 12 diễn ra như thường lệ trong một tuần, kết thúc ngày 28/03/2010.

Chủ đề thuộc loại quan trọng nhất và được quan tâm nhất là công tác nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, trong đó sẽ quyết định về số lượng và phân bổ đại biểu tham dự Đại hội XI vào tháng 01/2010.

Tuy nhiên giáo sư Thayer cho rằng, quá trình lựa chọn nhân sự lãnh đạo Đảng Cộng sản luôn được giữ kín.

“Chúng ta biết rằng Hội nghị Trung ương 10 (29/06- 04/07/2009) đã thông qua thành lập tiểu ban có trách nhiệm lựa chọn nhân sự cho Đại hội XI.”

“Tiểu ban nhân sự chắc đã có đủ thời gian để đưa ra một danh sách các ứng cử viên vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản khóa XI. Tôi cho là danh sách này sẽ được mang ra thảo luận tại hội nghị hiện thời, nhưng chưa chắc đã đạt thống nhất mà sẽ còn được mang ra bàn tiếp vào các Hội nghị 13 và 14 nữa.”

“Vậy cho nên, tôi không trông đợi thông báo gì về nhân sự sau hội nghị này.”

Ông Thayer cũng chia sẻ một vài suy đoán về nhân sự Đại hội Đảng năm tới.

“Đại hội XI sẽ là lúc ba Ủy viên Bộ Chính trị là các ông Nông Đức Mạnh, 71 tuổi, Nguyễn Minh Triết, 69 tuổi và sức khỏe yếu; và Trương Vĩnh Trọng, 69 tuổi, sẽ rút lui.”

“Để trở thành Tổng Bí thư, ứng viên sẽ phải là người đã đứng trong Bộ Chính trị ít nhất một nhiệm kỳ, do vậy tôi thấy có 5 ứng cử viên hàng đầu là các ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng, Hồ Đức Việt, Phạm Quang Nghị và Nguyễn Văn Chi.”

“Tất nhiên nói điều gì lúc này thì cũng rất khó, nhưng tôi cho là hai ông Sang và Trọng đang có lợi thế hơn cả.”

Theo giáo sư Thayer, việc lựa chọn ban lãnh đạo mới có thể sẽ gây ngạc nhiên, trước hết là vì một số ủy viên Ban Chấp hành Trung ương sẽ không được tái cử.

@ bbc

Ông nói: “Cũng có khả năng số ứng viên được đề cử tại Đại hội Đảng trúng cử vào Ban Chấp hành sẽ nhiều hơn trong quá khứ.”