Luật sư Công Nhân: ‘Đã hy sinh phải hy sinh đến cùng’

Luật sư Lê Thị Công Nhân

Hình: AP Photo

Hồi tháng 5 năm 2007, luật sư Lê Thị Công Nhân đã bị tòa án ở Hà Nội kết án 4 năm tù giam, 3 năm quản chế vì ‘tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa’ và vi phạm điều 88 Bộ Luật hình sự

Một luật sư Công Nhân trước và sau 3 năm tù giam có gì thay đổi? Sau những gì trải nghiệm, ý chí, niềm tin, và sự khao khát về một nền dân chủ của cô gái 31 tuổi được nhiều người biết đến và ca ngợi như một “thiên thần trong bóng tối” giờ đây như thế nào? Đó là một số câu hỏi được đặt ra trong cuộc trao đổi hôm nay với người bạn trẻ từ Hà thành, Lê Thị Công Nhân.

Câu chuyện của chúng ta được bắt đầu từ những tháng ngày trong trại giam. Công Nhân kể lại:

Công Nhân: Buồng giam của tôi trung bình có khoảng 60 người. Gần một nửa trong số này là án chung thân. Tôi là người hiếm hoi trong đây bị tù đầu, tức là chưa có tiền án, tiền sự, mà lại án ngắn là 3 năm. Nhà tù thì quá tải. Ví dụ mỗi người đựơc quy định chỗ nằm là 2 mét vuông, mọi người được chiều dài là 2m, nhưng chiều ngang chỉ còn được 60cm, vai kề vai.

Trà Mi: Thế còn lịch sinh hoạt như thế nào ạ?

Công Nhân: Buổi sáng 5 giờ kẻng thức dậy. Buổi tối 5 giờ rưỡi điểm danh nhốt vào trong buồng giam.

Trà Mi: Trong ngày chị phải làm những công việc gì?

Công Nhân: Có nhiều công việc khác nhau. Đội thêu, đội ra đồng trồng rau, trồng lúa, nuôi lợn, làm hàng mã, móc ren..v.v… Họ phân công tôi cắt cỏ, tưới cây, lau nhà quét nhà.

Trà Mi: Làm cùng công việc trong suốt 3 năm?

Công Nhân: Hơn hai năm tại trại cải tạo, còn ở trại tạm giam Hoả Lò thì không làm những việc đó.

Trà Mi: Ngoài giờ lao động, chị có được đọc sách, học tập, xem thông tin qua báo đài thế nào chăng?

Công Nhân: Vào những giờ nghỉ, họ cho mình xem TV. Họ cũng cho mình đọc sách báo. Cũng nhiều loại sách báo, nhưng trại cấm đọc những sách báo về tôn giáo, đặc biệt là đạo Thiên Chúa. Họ tịch thu hết tất cả kinh thánh. Tôi là tù nhân duy nhất được có quyển kinh thánh để đọc.

Trà Mi: Cuốn kinh thánh đó là của gia đình chị chuyển vào hay là…

Công Nhân: Đây là cuốn kinh thánh mà Ủy ban Tôn giáo Hoa Kỳ họ vào gặp tôi khi tôi ở Hoả Lò, được dẫn đầu bởi ông Nguyễn Văn Hưởng, thứ trưởng Bộ Công an. Vì ông Hưởng dẫn họ vào nên tôi mới được giữ quyển kinh thánh. Và việc giữ lại quyển kinh thánh đó cũng là một cuộc tranh đấu. Họ cho phép tôi nhận trước mặt những người kia như là một trò hề. Khi tôi đem vào buồng giam thì họ lại không cho. Và đây cũng là một cuộc tranh luận rất căng thẳng. Từ Hoả Lò họ cho phép tôi dùng, nhưng khi tôi chuyển về trại giam ở Thanh Hoá thì họ thu luôn của tôi, dẫn đến việc tôi tiếp tục nhịn ăn vì họ thu kinh thánh của tôi. Trước khi chuyển trại 1 tuần, tôi đã nhịn ăn ở Hoả Lò, phản đối việc trại cho chúng tôi ăn quá bẩn thỉu. Nói về bẩn thỉu thì ô uế, hôi thối không thể tả được, vì nhà vệ sinh ở ngay chỗ nằm luôn. Khi vào đấy, tôi cảm thấy là địa ngục cũng không đến mức như vậy. Đây là vấn đề nhân quyền và tôi sẽ kể lại một cách chi tiết trong một dịp khác.

Trà Mi: Trong lúc chị bị giam, chị có biết những dư luận bên ngoài liên quan đến bản án của mình như thế nào không?

Công Nhân: Thông tin cơ bản nhất thì có, nhưng những tình tiết thì quả thật là không. Mẹ tôi lên thăm chỉ nói được sơ sơ ví dụ như anh Định bị bắt rồi, chẳng hạn vậy, chứ không thể nói được hơn. Nếu không, họ sẽ không cho gặp. Chúng tôi lại có những nguồn thông tin rất đặc biệt. Những người tù có quan hệ tốt với cán bộ do đút lót bằng tiền thường có những tờ báo bị cấm mang vào tù như báo An ninh hay báo Công an. Qua đó thì tôi cũng có biết, nhưng tất nhiên tôi phải có kỹ năng đọc báo của riêng tôi. Khi họ chửi một vấn đề gì đấy ghê gớm thì mình phải hiểu thêm một hướng ngược lại. Tôi luôn phải đọc báo theo kiểu hai bán cầu não phải hoạt động theo 2 hướng khác nhau.

Trà Mi: Những tờ báo đó là báo chính thống của nhà nước. Vì sao họ lại cấm không cho mang vào tù?

Công Nhân: Họ bảo sợ mình biết được những thông tin rồi lật cung, thông cung.

Trà Mi: Hồi nãy chị có chia sẻ là trong lúc chị bị giam có phái đoàn của Ủy ban Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ vào thăm. Ngoài ra, có những cuộc thăm viếng nào khác của các phái đoàn quốc tế không chị?

Công Nhân: Khi tôi chuyển ra trại Thanh Hoá, đại sứ Hoa Kỳ có đến gặp tôi.

Trà Mi: Cuộc gặp đó diễn ra trong bao lâu? Nội dung chính như thế nào?

Công Nhân: Trong 30 phút, hoàn toàn là những lời hỏi thăm hết sức thân tình. Tôi cảm thấy rất xúc động.

Trà Mi: Tin cho biết phía Hoa Kỳ có ngỏ ý can thiệp, đòi hỏi sự phóng thích cho chị bằng cách muốn đưa chị sang Mỹ tị nạn chính trị, nhưng chị đã từ chối. Điều này có đúng không ạ?

Công Nhân:
Tôi biết điều đó qua công an vào tháng 6/2008. Ngài đại sứ Hoa Kỳ gặp tôi vào tháng 10. Từ tháng 6, công an vào thẩm vấn tôi trong trại 2 ngày liên tục. Họ có nói với tôi rằng: “Bây giờ Công Nhân có muốn đi nước ngoài không. Muốn đi thì nói một tiếng thôi, nhà nước sẽ tạo điều kiện hết sức, đưa thẳng luôn ra Nội Bài đi luôn. Bởi vì bên Mỹ họ nhận bảo lãnh cho em đấy.” Đến giờ phút này tôi chưa nghĩ đến việc đi tị nạn chính trị.

Trà Mi: Chị có thể cho biết lý do?

Công Nhân: Chúa an bài cho tôi một cuộc sống ở một nơi khác thì tôi sẽ vui mừng trong sự an bài đó, nhưng bây giờ tôi không cảm thấy điều đấy. Còn về mặt lý trí, tôi sẽ đi tị nạn chính trị khi nào mà cuộc sống của tôi bị chà đạp đến mức độ tôi không thể chịu đựng được nữa. Nhưng bây giờ thì tôi vẫn còn chịu đựng được. Cho nên tôi không hề nghĩ về chuyện đi tị nạn chính trị vào lúc này. Cái tự do quan trọng nhất là tự do trong tư tưởng, trong tâm hồn, thì tôi đã có. Ở Việt Nam bây giờ tôi không được tự do về mặt thân thể, về mặt đi lại. Những cái đó, tới thời điểm này tôi vẫn còn đang chịu đựng được.

Trà Mi: Đối với việc nhà nước Việt Nam đồng ý cho phép chị tự do sớm hơn thời hạn với điều kiện chị phải xuất ngoại, chị suy nghĩ gì về điều này?

Công Nhân: Tôi cảm thấy rằng cứ như họ tống được con nhỏ này đi thì thật là nhẹ nợ. Không có chuyện đó đâu, chưa đến, chưa đến lúc.

Trà Mi:
Có nhiều ý kiến cho rằng “nước có quốc pháp, gia có gia uy”, nghĩa là công dân một nước phải tuân theo với điều kiện luật pháp của nước đó, nhất là đối với người luật sư am hiểu luật lệ thì chắc chắn phải hiểu điều đó hơn ai hết. Vì chị đi ngược lại với những điều pháp luật quy định nên mới gặp phải những điều không hay phải gánh chịu như vậy. Phản hồi của chị trước những ý kiến đó như thế nào?

Công Nhân:
Tôi nghĩ rằng họ đang nói theo hướng nguỵ biện. Pháp luật là sự chính thức hoá những thoả thuận trên cơ sở những thoả ước bắt nguồn từ những điều đơn sơ nhất, những hình thức đơn giản nhất để tạo thuận lợi cho mọi người trong xã hội được sống, làm việc, và tiến bộ. Họ bảo pháp luật của Việt Nam là như thế. Đúng. Họ quy định như vậy thật, nhưng cái đúng này không phải là cái “đúng chân lý” mà là cái “đúng sự kiện”, rằng có cái việc họ quy định như vậy. Chúng ta đừng nhầm lẫn các từ “đúng” ở đây. Họ đề ra quy định sai, khi tôi vi phạm cái quy định sai của họ thì họ khẳng định rằng: “Đúng rồi, cô Công Nhân này đã vi phạm quy định”. Nhưng họ không xét đến cái quy định ấy là gì. Nếu không có sự cởi mở, nếu luôn bảo thủ là mình đúng, mình đã hoàn hảo, thì lấy đâu ra sự tiến bộ và phát triển? Tại sao nó sai mà được duy trì? Bởi vì không có người kịp phát hiện ra. Vậy khi có một người kịp phát hiện ra điều đó sai, người đó phải chuẩn bị tinh thần đối diện với một nhóm rất đông những người cho rằng anh ta đã sai, còn họ mới là đúng.

Trà Mi: Nhưng lập luận của nhà nước Việt Nam thì cho rằng mỗi nước có luật lệ riêng, đặc điểm riêng về văn hoá, bản sắc, cũng như luật lệ. Giả sử như ở Thái Lan có điều cấm không được xúc phạm nhà vua, thì ở Việt Nam có điều cấm không được tuyên truyền chống phá nhà nước. Phản hồi của chị ra sao?

Công Nhân: Nhà nước của họ không hoàn hảo, chúng tôi chống lại những điều không hoàn hảo đó, thì chúng tôi đúng. Như thế nào gọi là “tuyên truyền chống phá nhà nước CHXHCN Việt Nam”?

Trà Mi:
Giữa lúc chưa có sự rõ ràng đó, những người nào vi phạm, tức vượt qua lằn ranh cho phép ấy, sẽ trở thành những nạn nhân bất đắc dĩ…

Công Nhân:
Trường hợp của tôi cũng không hẳn là bất đắc dĩ. Tôi cố ý làm những việc này, tôi xác định trước tôi sẽ là nạn nhân. Tôi hoàn toàn biết. Tất nhiên là không thể biết cụ thể ngày giờ nào tôi sẽ bị bắt.

Trà Mi: Biết trước những điều không hay có thể xảy ra cho mình mà chị vẫn dấn thân vào. Điều gì đã khiến chị có một niềm tin mãnh liệt như vậy?

Công Nhân: Muốn phát triển tốt lên, cần phải thay đổi những cái gì xấu đang hiện diện. Mình đã xác định tranh đấu, mình phải xác định hy sinh. Đó là hệ quả tất yếu, nếu không đừng tranh đấu nữa. Đã xác định hy sinh thì phải hy sinh đến cùng. Chứ nếu hy sinh dang dở thì hy sinh để làm gì? Khi tư tưởng và tinh thần thông suốt thì hành vi của mình cũng sẽ chủ động hơn. Tôi bị tống vào tù nhưng tôi đã biết trước điều đó, và tôi chuẩn bị tinh thần và mọi thứ có thể để đối mặt với điều đó. Không còn cách nào khác.

Trà Mi: Những gì chị đã trải qua trong 3 năm qua cũng là một bài học trả giá cho những điều chị đã dấn thân. Sau 3 năm đó, chị đã nghiệm ra điều gì cho bản thân mình?

Công Nhân:
3 năm trong tù, tôi đã đọc kinh thánh trọn bộ. Trong tù, Chúa là người bạn của tôi, người thầy của tôi, và là người đồng đội của tôi. Khi tôi trở về, tôi nhận đựơc rất nhiều những lời ngợi khen, lời yêu thương, lời quý trọng, tôi cảm thấy choáng váng về điều đấy. Tôi thật sự cảm thấy là tôi chưa xứng đáng được như vậy đâu. Tôi nghĩ rằng tôi cần phải sống một cách dũng cảm hơn. Chính nhờ việc ở tù đấy đã củng cố hơn niềm tin của tôi vào sự đúng đắn của con đường mà tôi đã lựa chọn. Trứơc đây nó là một mũi tên, và bây giờ nó là một thành trì.

Trà Mi:
Nếu có một người hỏi thăm chị Nhân rằng một luật sư Công Nhân trước và sau 3 năm tù giam có gì thay đổi. Chị sẽ trả lời như thế nào?

Công Nhân:
Tôi có ước mơ trở thành một luật sư từ năm 8 tuổi sau khi xem một bộ phim. Đến năm 2003, tôi trở thành một luật sư thì cái cảm giác cực kỳ tuyệt vời. Bởi vì ước mơ của tôi bền bỉ, xuyên suốt, không hề thay đổi một lần nào. Nhưng bây giờ khi tôi ra tù, bị tước bằng luật sư, tôi cũng không cảm thấy nó nặng nề lắm. Tôi nhớ về nó như một kỷ niệm đẹp vậy.

Trà Mi: Một ước mơ chị đã vun đắp trong lòng mình từ thuở bé. Nay, sau 3 năm bước ra khỏi trại giam, nó cũng đã tuột mất khỏi tầm tay của chị. Chị hình dung con đường trước mắt của mình ra sao, về tương lai, về sự nghiệp, về lý tưởng của mình?

Công Nhân: Chắc chắn tôi sẽ vẫn tiếp tục đấu tranh vì lý tưởng của tôi. Tôi cảm thấy vui, thú vị, bay bổng, mạnh mẽ, và có ích khi tôi sống theo con đường đó. Tôi nghĩ không bất kỳ một lý do gì có thể làm tôi từ bỏ. Còn cụ thể như thế nào, quả thật, tôi cũng chưa thể nào trả lời được. Vào trong tù, có một điều nữa tôi giác ngộ thấm thía rằng cộng sản chẳng sợ gì cả, ngoài nói thật. Bạn hãy nghĩ mà xem, nói thật không hề khó, nếu bạn có can đảm. Nó chỉ là một ranh giới thôi, bạn hãy bước qua.

Trà Mi: Gần đây ở Việt Nam, một số nhà bất đồng chính kiến gặp rắc rối có liên quan nhiều đến nghề luật. Mình nên hiểu việc này như thế nào, thưa chị?

Công Nhân: Tôi nghĩ đây là điều tất yếu, một dấu hiệu rất đáng mừng cho giới luật ở Việt Nam. Chúng tôi làm về pháp luật, chẳng có ngành nghề nào có thể gần gũi hơn, hiểu biết hơn về chính trị như những người làm luật.

Trà Mi: Đối với những người trẻ biết đến một chị Công Nhân qua báo chí nhà nước và những người biết đến Công Nhân qua các chiến dịch ủng hộ, vận động, bảo vệ dân chủ-nhân quyền, chị sẽ nói gì?

Công Nhân:
Tôi không ngờ rằng tôi lại được nhiều đến như vậy. Sau những sự việc này, có những người bạn ở khắp 5 châu-4 biển thương yêu tôi một cách chân thành, quý trọng tôi một cách sâu sắc. Tôi cần phải cố gắng thật nhiều hơn nữa để xứng đáng với điều đó. Tôi rất thích thanh niên bởi vì tôi là một thanh niên. Đó là một lý do. Lý do thứ hai, tôi luôn hiểu rằng Đông-Tây, kim-cổ ai cũng nói rằng quãng đời thanh niên là quãng đời tươi đẹp nhất. Đấy là ở sự nhiệt tình và thể hiện bản thân mình. Nếu các bạn để quãng đời đó của mình trôi qua một cách nhạt nhẽo thì bạn sẽ ân hận suốt cuộc đời. Sự không nhạt nhẽo nhất mà các bạn có thể có được liên quan đến tất cả những người khác. Chính trị là cái liên kết tất cả mọi người với nhau để ai cũng có thể hoạt động một cách tốt nhất trong lĩnh vực của mình. Nếu như bạn tham gia vào chính trị thì bạn sẽ thấy thú vị vô cùng và vô cùng.

Trà Mi: Một lần nữa xin chân thành cảm ơn chị Công Nhân đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này. Xin chúc chị mọi điều tốt đẹp nhất trong thời gian sắp tới.




LOạn….sứ quân

“…Chỉ có một thể chế chính trị tự do và công bằng, phải có chế độ đa đảng thì tình trạng sứ quân mới có thể chấm dứt và có thể hoạt động một cách bình thường trong khuôn khổ luật pháp và hiến pháp…”

Như chúng ta đều biết, năm 939, Ngô Quyền đã đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng và mở ra một thời kỳ mới cho Việt Nam, một kỷ nguyên độc lập và tự chủ. Ngô Quyền có công lớn vì đã chấm dứt gần một nghìn năm Bắc thuộc cho dân tộc Việt Nam.Tiếc thay ông chỉ làm vua được 6 năm. Sau khi ông mất, đám con cháu và cận thần bất tài nên mới để xảy ra tình trạng “loạn 12 sứ quân”. Đất nước Việt Nam hồi đó do 12 sứ quân chia nhau cát cứ, chiến tranh liên miên suốt 20 năm trời và sau đó nhờ Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp “12 sứ quân” và thống nhất đất nước.

Tưởng rằng đó là chuyện quá khứ chỉ còn lại trong sử sách, thế nhưng đã hơn một nghìn năm trôi qua, vào thời đại mà chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 thì nạn “loạn sứ quân” ở Việt Nam vẫn đang diễn ra. Lịch sử thật là trớ trêu.

Mùa thu năm 1945, sau gần một thế kỷ sống dưới sự đô hộ của thực dân và hơn 1000 năm phong kiến, Hồ chủ tịch đã kêu gọi người dân đứng dậy giành độc lập. Cách mạng Tháng Tám thành công. Niềm vui vì giành được độc lập chưa được bao lâu thì Việt Nam bị lôi kéo vào các cuộc chiến tranh liên miên, hết với đế quốc này đến các đế quốc khác. Cuối cùng thì mùa xuân năm 1975 hậu duệ của Hồ chủ tịch cũng đã “thống nhất đất nước”, giang sơn qui về một mối.

Tưởng rằng từ đây người dân Việt Nam sẽ được sống trong tự do và hạnh phúc sau bao nhiêu là mất mát và hy sinh đó, nhưng số phận luôn đùa cợt với người dân Việt Nam. Những người Việt Nam yêu nước, đòi tự do và nhân phẩm cho mình và dân tộc mình vẫn phải bước vào tù.

Tại ai? Có lẽ nào tại trời? Hay là cái số dân Việt nam mình phải vậy? Hay là do Ngô Quyền ngày xưa và Hồ chủ tịch ngày nay dù rằng rất anh hùng và giỏi giang trong chiến trận nhưng lại không chuẩn bị cho việc “xây dựng đất nước” trong thời bình? Vì mải mê chiến trận mà hai người anh hùng này đã không chú trọng đến việc xây dựng bộ máy quản lý nhà nước sau khi chiến tranh kết thúc? Ngô Quyền có thể hiểu được vì ngày xưa tất cả đều như vậy, chế độ phong kiến là cha truyền con nối, dù con có là 2-3 tuổi cũng là thiên tử, là cha của thiên hạ.

Hồ chủ tịch đã nhầm lẫn khi mang học thuyết chủ nghĩa cộng sản về áp dụng cho Việt Nam. Mọi tai hại sau này đều bắt nguồn từ đó. Vì không có dân chủ và minh bạch nên những người lãnh đạo Việt nam không khác gì những ông vua ngày xưa. Chỉ có họ là người có quyền định đoạt duy nhất về mọi việc liên quan đến vận mệnh và giang sơn của dân tộc Việt Nam. Theo thời gian, đám con cháu của những người lãnh đạo sinh sôi nảy nở nhiều lên và với việc Việt Nam “định hướng” chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, thì mùi của đồng tiền và đô la đã có sức cám dỗ mạnh mẽ đám người này.
Với quyền lực trong tay đám người này đã trở thành những “sứ quân” thực sự. Báo chí gọi họ bằng những cái tên khác nhau như: “nhóm thân hữu”, “nhóm lợi ích”, “tư bản đỏ”, “maphia đỏ” hay “con cha cháu ông”…Nhưng tất cả đều chưa sát với thực tế mà phải gọi họ là những “sứ quân” mới đúng. Và những sứ quân này quá nhiều và quá đông nên không biết gọi là loạn bao nhiêu sứ quân nên đành gọi là “hậu loạn sứ quân” để phân biệt với “loạn 12 sứ quân” thời Ngô Quyền.

Về lý thuyết, Việt Nam chỉ có một đảng duy nhất là đảng cộng sản đang cầm quyền, mọi đảng viên của các đảng khác, nếu xuất hiện đều phải vào tù ngồi. Đảng cộng sản luôn tuyên truyền và xuất hiện trước dân chúng với dáng vẻ luôn “đoàn kết và nhất trí”; thế nhưng đấy chỉ là bên ngoài, bên trong đảng cộng sản tồn tại hàng trăm sứ quân (phe phái) và do các sứ quân này đều được hậu thuẫn của các “đại công thần” cho nên mặc sức tự tung tự tác.

Các sứ quân, ngoài việc có hậu thuẫn từ sứ quân trung ương Ba Đình họ còn “thống nhất và đồng thuận” với nhau là duy trì tình trạng “một đảng lãnh đạo” như hiện nay để dễ bề thao túng và kiếm chác. Sứ quân Ba Đình tuy biết vậy nhưng cũng phải làm ngơ, o bế các sứ quân địa phương vì họ cần “giữ ổn định chính trị”. Và cần sự “đồng thuận” dù giả tạo trong con mắt người dân.

Vụ bà Trần Thị Ngọc Sương, cựu giám đốc nông trường Sông Hậu bị kết án 8 năm tù vì “lập quĩ trái phép” gây ầm ĩ dư luận, có liên quan đến tỉnh uỷ Cần Thơ, đến nay cũng đã chìm xuồng, ông chủ tịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô đã năm lần chống lệnh thủ tướng và đang bị nghi ngờ dính vào vụ bê bối tình dục với các em học sinh, rồi chính quyền các tỉnh như Lâm Đồng “tấn công” tu viện Bát Nhã hay tỉnh Quảng Bình tấn công giáo dân Tam Toà, có thể chỉ để chiếm đất đều được chính quyền trung ương bỏ qua. Rồi việc các sứ quân ở Tây Nguyên kiên quyết đòi khai thác bô xít và mới đây nhất là các sứ quân ở 10 tỉnh biên giới cho Trung Quốc “thuê” 300.000ha đất đầu nguồn để trồng nguyên liệu gây bất bình lớn cho nhân dân mà sứ quân Ba Đình vẫn làm ngơ, các “ông nghị gật” cũng không ai hay biết gì.

Những vụ việc động trời này có bị xử lý đến nơi đến chốn không? Chắc chắn là sẽ không. Ông Nguyễn Tấn Dũng đã long trọng hứa như vậy qua một tuyên bố nổi tiếng là ‘Ba năm làm thủ tướng tôi chưa kỷ luật một ai và… tôi sẽ không kỷ luật một ai’.

Ông tướng công an Phạm Xuân Quắc, thượng tá Huynh và hai phóng viên Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến phải hầu toà vì dám đụng vào sứ quân của ngành giao thông, tức Nguyễn Việt Tiến.

Trong kinh tế nạn sứ quân thấy rõ hơn cả. Bất cứ bộ ngành nào đều có cứ điểm riêng và cát cứ một lĩnh vực nào đó. Các sứ quân này hoạt động độc lập với nhau. Các cơ quan cấp uỷ đảng hay thậm chí cả quân đội, công an đều có các bộ phận làm kinh tế riêng và có thu chi riêng. Các tập đoàn kinh tế hay các doanh nghiệp nhà nước thì có cả ngân hàng riêng để giữ tiền.

Một vụ tranh cãi đang diễn ra giữa tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) xung quanh việc cho thuê cột điện đã hé mở một phần việc tranh dành lãnh địa và quyền lợi giữa các sứ quân. Nếu hai tập đoàn này là của tư nhân thì không nói làm gì nhưng đây là các doanh nghiệp nhà nước mà cổ đông là toàn thể nhân dân Việt Nam, nếu họ đặt lợi ích của nhân dân lên trên thì sẽ không có sự tranh cãi vì đằng nào tiền đó cũng thu vào cho ngân sách nhà nước. Ở đây họ tranh cãi ‘một mất một còn’ vì rằng quyền lợi của các lãnh chúa bị ảnh hưởng, người dân không được gì trong việc này ngoài việc tăng giá thường xuyên các dịch vụ liên quan.

Một chuyện cũng cho ta thấy rõ rằng quyền lợi của các sứ quân đã vượt qua mọi luật lệ, ví dụ tập đoàn Than-Khoáng sản (TKV), cũng là doanh nghiệp nhà nước (tức là của nhân dân) họ đào bới tài nguyên của đất nước đem bán và tiền họ giữ lại cho mình thông qua các ngân hàng của họ mở ra. Năm 2009 khi thế giới lâm vào khủng hoảng thì ở Việt Nam ông Nguyễn Tấn Dũng phải lên báo ‘năn nỉ’ các tập đoàn nhà nước bán lại ngoại tệ cho ngân hàng trung ương để chính phủ bình ổn giá ngoại tệ. Sau một thời gian dài các tập đoàn này chỉ bán lại cho chính phủ một phần nhỏ số ngoại tệ (trong hơn 10 tỉ đô la của mình) cho ngân hàng trung ương.

Nói chung ở Việt Nam tất cả các ngành nghề béo bở và kiếm ăn tốt đều nằm trong tay các sứ quân, một vài lĩnh vực ‘khó gặm’ mới đến phần các doanh nghiệp tư nhân như may mặc, thuỷ sản, nông nghiệp…

Các quan chức chính phủ tuy lý thuyết là người ‘công bộc’ của nhân dân nhưng thực ra họ đều là người của các ‘sứ quân’, ông bộ trưởng Vũ Văn Ninh, bộ trưởng Bộ Tài chính ‘ăn lương’ của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hàng tỉ đồng mỗi năm. Ông Bùi Xuân Khu, thứ trưởng Bộ Công thương từng tuyên bố rằng ‘tăng giá điện phải từ từ xem người dân có chịu đựng nổi không rồi hãy tăng giá tiếp’, ông ta phát biểu giống phát ngôn viên của sứ quân Điện lực hơn là một viên chức của chính phủ.

Rồi Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tăng giá bán xăng liên tục trong thời gian qua cũng đã tác động rất xấu đến tình hình lạm phát ở Việt Nam sau Tết Nguyên Đán đến nay, chính phủ đã không hài lòng nhưng cũng sẽ không làm gì được sứ quân ‘xăng dầu’.

Sứ quân ‘hàng không’ Việt Nam sau khi ‘loại bỏ’ hãng hàng không của nhạc sĩ Hà Dũng và làm khó dễ hãng hàng không giá rẻ Jetstar thì giá vé của hàng hàng không Việt Nam được thông báo tăng giá ngay lập tức.

Quyền lợi của các sứ quân ‘độc quyền’ này hoàn toàn đi ngược lại quyền lợi của nhân dân, tuy cùng là cán bộ công nhân viên của nhà nước nhưng nhân viên ở các sứ quân như ngân hàng, điện lực, hàng không, dầu khí… đều có lương cao hơn các ngành nghề khác như sư phạm chẳng hạn. Và để có ‘chân’ trong các ngành nghề này người dân phải mất hàng chục đến hàng trăm triệu để mua xuất.

Tình trạng sứ quân ở Việt Nam sẽ không thể kéo dài được lâu, trước sau gì thì vì quyền lợi của các lãnh chúa và các sứ quân mà các quan hệ tưởng chừng rất đồng thuận này sẽ bị phá vỡ.

Làm thế nào nào để các sứ quân này có thể hoạt động bình thường? Chỉ có một thể chế chính trị tự do và công bằng, phải có chế độ đa đảng thì tình trạng sứ quân mới có thể chấm dứt và có thể hoạt động một cách bình thường trong khuôn khổ luật pháp và hiến pháp.

Đại hội 11 của đảng cộng sản sắp diễn ra, nếu ai đó muốn trở thành Đinh Bộ Lĩnh của thế kỷ 21 thì phải thay đổi được thể chế hiện nay và phải thay đổi sang thể chế đa đảng và dân chủ. Nếu không mọi thay đổi chỉ là xức dầu ngoài da cho con bệnh đã ung thư.

Nếu còn chế độ cộng sản thì ông Nông Đức Mạnh không thể nào trừng phạt đám con cái và đệ tử của ông ta được, nhưng nếu trong một chế độ đa đảng thì ông ta không thể nào bênh vực được Nguyễn Việt Tiến trong vụ PMU-18 vì rằng ông ta sẽ mất ghế khi ra tay cứu Nguyễn Việt Tiến. Chắc nhiều người trong chúng ta đã đọc bài báo viết về cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, khi ông ta còn làm thống đốc bang Arkansas, một lần cảnh sát bắt được người anh của ông có giấu ma túy trong người, cảnh sát đã điện hỏi ý kiến Clinton rằng nên giải quyết thế nào, ông ta đã trả lời rằng cứ theo luật mà làm. Nếu ông Clinton vì tình máu mủ mà can thiệp cho người anh của ông thì sự nghiệp chính trị của ông sẽ chấm hết ở tiểu bang Arkansas.

Một thể chế đa đảng và dân chủ sẽ giúp ích và có lợi cho các công chức cao cấp trong chính phủ, họ không thể bao che và bỏ qua các sai phạm của người thân và họ hàng, vì nếu làm vậy bản thân họ sẽ mất chức. Nhưng trong thể chế cộng sản độc tài hiện nay thì nếu họ không cứu giúp con cháu và đàn em họ sẽ bị oán giận suốt đời.

Giải pháp đa đảng và dân chủ không chỉ có lợi cho người dân, giải thoát để mọi người bay lên mà còn giúp cho các quan chức và các sứ quân cạnh tranh một cách bình đẳng trong một môi trường pháp lý rõ ràng.

Tất nhiên không phải con cái nào của các vị ‘tai to mặt lớn’ cũng đều tầm thường và vô dụng, rồi sẽ có những thành phần ưu tú trong số đó vượt qua số phận để vươn tới những tầm cao của chân lý và lẽ phải, họ sẽ đồng hành cùng dân tộc, một người nổi bật trong số đó là luật sư Cù Huy Hà Vũ.

Chúng ta hãy tin tưởng và cổ vũ cho họ với một niềm tin tất thắng. Rồi Việt Nam sẽ có dân chủ, người Việt Nam sẽ được sống trong tự do và hạnh phúc.

Bánh xe lịch sử luôn tiến về phía trước.

Việt Hoàng
(Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)

© Thông Luận 2010

PHÂN TRONG VĂN NGUYỄNHUY THIỆP

Không nói đến thì thôi; nhưng đã nói đến chuyện hố xí hai ngăn, chuyện hốt phân ở Hà Nội mà lại không nhắc đến Nguyễn Huy Thiệp thì đúng là một thiếu sót không thể tha thứ được.

Có thể nói, trong văn chương Việt Nam đương đại, không ai quan tâm đến cứt nhiều như Nguyễn Huy Thiệp.

Trong các truyện ngắn, ông cho chữ ấy xuất hiện khá nhiều, một cách trần trụi, hung hãn, đầy bạo động. Nó tuôn ra từ miệng của vua Quang Trung khi quát tháo Ngô Khải: “Ta cho mày ăn cứt, xem có chê lợm không?” (Phẩm tiết). Ngay cả khi Nguyễn Huy Thiệp viết về tình yêu, một thứ tình yêu rất thơ mộng giữa Trương Chi và Mỵ Nương, ông cũng phun chữ “cứt” ra. Không phải một lần mà là nhiều lần.

Câu truyện bắt đầu bằng cảnh Trương Chi đứng đái:

“Trương Chi đứng ở đầu mũi thuyền. Chàng trật quần đái vọt xuống dòng sông. Phía xa kia là chân trời rực hồng ráng đỏ. Nhà nàng ở phía ấy. Sương xuống lạnh. Một nỗi buồn da diết choáng ngợp lòng chàng.”

Đái xong, chàng hát. “Tiếng hát vút cao. Đêm xuống. Bóng tối mù mịt.” Hát xong, Chàng duỗi thân, ngả người vào lòng thuyền. Chàng nói: “Cứt!”

Rồi chàng nhớ đến Mỵ Nương, nàng công chúa đẹp tuyệt trần. Nguyễn Huy Thiệp tả: “Giờ đây, gặp Mỵ Nương rồi, chàng hiểu chắc chắn rằng cuộc sống của chàng thật là cứt, là cứt chó, không sao ngửi được. Không chỉ riêng chàng, mà cả bầy. Tất cả đều thối hoắc. Cứt!”

Cứ thế, trừ đầu đến cuối truyện, Trương Chi cứ chửi “Cứt” luôn miệng. Trước khi nhảy xuống sông tự trầm, Trương Chi cũng lại chửi “cứt”:

“Hình ảnh Mỵ Nương biến mất đâu rồi, trước mặt chàng là sông nước trắng xóa một màu, trời mây trắng xóa một màu. Trương Chi chèo thuyền ra giữa tim sông.
Chàng lại nói: ‘Cứt!’”

Hết.

Hình như vẫn bị ám ảnh bởi chuyện cứt, Nguyễn Huy Thiệp sau này viết hẳn một truyện nhan đề là “Chuyện Ông Móng” để kể về chợ bán phân ở ngoại thành Hà Nội.

“Chợ phân họp chừng một giờ đồng hồ từ 3 giờ sáng đến 4 giờ sáng ở ngay bên đường đi Sơn Tây. Đây là vùng trồng rau, trồng cà nổi tiếng. Giống cà pháo, cà bát rất hợp với việc bón phân tươi, nhất là phân người. Người ta cũng dùng phân để bón cho lúa, nhưng phân bón cho lúa phải được ủ cho mục ra, cho chín phân.”

“Thế nào là ủ phân? Phân tươi có nhiều loại: phân trâu bò, phân lợn, phân gà (gọi chung là phân chuồng), phân người (còn gọi là phân bắc) nhưng được ưa quý hơn cả là phân lợn, phân gà. Phân lợn quý vì nó mát, có thể dùng ngay, bón được ngay cho cây, mà cây nào cũng hợp. Phân gà cũng quý nhưng phân gà nóng, chỉ hợp bón cho cây ớt mà thôi.”

“Riêng phân người (phân bắc) có lẽ bởi có nhiều đạm, nhiều chất khó phân huỷ nên bón trực tiếp thì cây xót, chết ngay. Riêng chỉ cây cà là chịu đựng được, lại hợp với việc bón loại phân này.”

“Nhìn chung, tất cả các loại phân đều phải được ủ thì mới nên dùng. Người ta đào một cái hố ở ruộng, chất phân vào cùng với tro, trấu, rồi trát bùn non trộn với rơm bên ngoài, trông như một cái mả, để đấy chừng dăm bữa nửa tháng cho ngấu dần. Phân được ủ chín, cứ thế mục ra, oải ra. Những con dòi ăn hết phân cũng chết đi, bản thân nó cũng hoá thành phân.”

“Khi tôi đến thăm chợ phân thì chợ đang họp. Đây là chợ phân tươi, hoàn toàn không có phân ủ (phân chín), không có phân xanh (phân làm từ các loại lá cây) hay phân hoá học. Cũng rất ít có phân chuồng, tức là phân lợn, phân gà hay phân trâu bò. Tất cả đều là phân người.”

“Phân người được cho vào những thùng gò bằng tôn như thùng gánh nước. Cũng có một số người dùng thùng gỗ hoặc cho phân vào sọt (sọt được lót bằng bao ni-lông). Có lẽ phần lớn phân ở đây đều được lấy từ các nhà xí công cộng trong thành phố ra, nhiều thùng phân còn thấy lẫn cả giấy vở học sinh hay giấy báo.”

“Chợ phân không đông, chỉ có chừng hơn ba chục người vừa mua vừa bán. Hình như họ vốn đã quen biết nhau và khá thuộc “mặt hàng” của nhau nên việc mua bán thoả thuận cũng nhanh. Dưới ánh đèn cao áp tựa như ánh trăng và không khí hơi lạnh buốt, chợ phân cũng có phần nào giấu đi được sự bẩn thỉu, sự nghèo hèn, lam lũ và cần lao.”

Tại sao một nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp lại bị ám ảnh nhiều về chuyện đi cầu, đi tiêu và phân người như vậy? Tại sao Trương Chi cứ chửi “cứt” mãi? Trương Chi trong truyện cổ tích đâu có như vậy? Tiếng “cứt” vang lên sang sảng từ đầu truyện đến cuối truyện có làm tăng thêm chút giá trị thẩm mỹ hay nhân văn nào trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp?

Cuối cùng, đọc xong các câu chuyện của Nguyễn Huy Thiệp với những “phân””, “cứt” nhiều như vậy, chúng ta có thể thấy thô và tục không? Tại sao? Chúng có góp phần tạo nên nét gì riêng trong phong cách Nguyễn Huy Thiệp hay không?

Xin nhường các câu trả lời lại cho quý bạn đọc.
Nguyễn Hưng Quốc

MỜI NGHE NHẠC PHẨM “KHỐI TÌNH TRƯƠNG CHI”

SỰ BẤT HIẾU NGỌT NGÀO

Có một sự thật là: tình thương yêu và hy sinh vô bờ của người mẹ cho những đứa con từ khi có loài người đến nay chẳng hề thay đổi, nhưng lòng hiếu thảo của những đứa con đối với mẹ mình càng ngày càng trở thành một nguy cơ trầm trọng.

Hai bộ phim hành động Mỹ nổi tiếng mà tôi xem đi xem lại nhiều lần là Godfather và American Gangster. Và trong cả hai bộ phim đầy cảnh bắn giết này có một câu chuyện luôn luôn làm tôi thực sự xúc động. Đó là tình yêu của hai ông trùm Mafia Mỹ đối với người mẹ của mình. Lòng hiếu thảo là một chiếc thước đo đạo đức có giá trị nhất. Đó cũng là phần nhân tính cuối cùng của con người mà nếu đánh mất thì con người không còn gì để nói nữa. Có lẽ vì ý nghĩa ấy mà những nhà làm phim Hollywood đã cố níu giữ lại cho xã hội một niềm tin cuối cùng về nhân tính con người. Bởi phần nhân tính này với nhiều yếu tố là phần nhân tính khó bị suy đồi nhất.

Lòng hiếu thảo là một chiếc thước đo đạo đức có giá trị nhất. Ảnh: vns.hnue.edu

Những năm gần đây, chúng ta phải đau đớn chứng kiến những chuyện bất hiếu. Và có những chuyện bất hiếu đã trở thành những tội ác man rợ. Đó là những câu chuyện bất hiếu đã được các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin và lên tiếng cảnh báo. Nhưng còn có một phía khác của sự bất hiếu mà chúng ta chưa lên tiếng hoặc chưa ý thức rõ về nó mà có người gọi nó bằng một cái tên “Sự bất hiếu ngọt ngào”.

“Sự bất hiếu ngọt ngào” là chỉ những đứa con có đủ điều kiện vật chất để nuôi những người mẹ. Nhưng những đứa con đó không cho mẹ mình được tham gia vào những sinh hoạt tinh thần của gia đình. Sự thật là có những bà mẹ chỉ sống giữa những đứa con như một thực thể sống tự nhiên chứ không phải là một trung tâm của tình cảm. Với lý do công việc và với muôn vàn lý do khác, những đứa con đã để mẹ mình sống cô độc ở một làng quê gần, xa nào đó hoặc ngay trong chính thành phố mà họ đang sinh sống.

Thay cho sự hiện diện của họ trước mẹ mình trong những ngày nghỉ là sự hiện diện của một gói quà và những đồng tiền. Thay cho những lời tâm sự của những đứa con với mẹ mình trong những buổi tối khó ngủ của người già là những người giúp việc được trả lương cao. Với đức hạnh của sự hy sinh vô bờ của mình, những người mẹ lại một lần nữa đã ghánh chịu một cuộc sống cô đơn như vậy cho đến khi chết.

Một thời gian chúng ta có nói đến việc những đứa con gửi cha mẹ vào nhà dưỡng lão trong các nước phương Tây hoặc châu Âu. Và có không ít người quan niệm đó là sự trốn tránh trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ khi cha mẹ về già. Nhưng sau một thời gian quan sát và có nghiên cứu thực tế ở các nước đó, tôi thấy đó là cách những đứa con tìm cho cha mẹ họ một không gian thích hợp và có ý nghĩa nhất với cha mẹ khi ở tuổi già và đó cũng là một trong những văn hoá sống của các nước đó. Nhất là khi cha mẹ họ có những vấn đề của tuổi tác, sức khoẻ và tâm lý. Nhưng hầu như hàng ngày, họ gọi điện trò chuyện với cha mẹ và hàng tuần, họ vẫn đến thăm cha mẹ trong nhà dưỡng lão. Họ ở lại với cha mẹ có khi cả ngày để trò chuyện và vui chơi cùng cha mẹ.

Có không ít người mẹ đã bỏ về quê sống một mình trong ngôi nhà cũ của mình.
Ảnh: namlo.conggiao.net

Có những người mẹ trong những năm cuối đời chỉ mơ một giấc mơ giản dị nhưng thật đau đớn và thương cảm là có một cái Tết được ăn Tết với con cháu mình. “Con bận lắm. Nhiều khách khứa đến làm việc lắm. Mà nhà cửa bỏ đấy trộm nó vào nó khuân hết. Tết con không về được. Bà cần gì thì cứ bảo. Con sắm sửa đầy đủ cho bà”. Đấy là những ngôn từ càng ngày càng trở lên quen thuộc của những đứa con nói với mẹ mình trong một ngày cuối năm về thăm mẹ vội vã. Những lý do trên chỉ là sự bao biện cho thói ích kỷ và sự hoang hoá tình thương yêu của những đứa con đối với mẹ mình. Còn vị khách nào quan trọng hơn mẹ mình nữa? Còn của cải nào quí hơn mẹ mình nữa? Và đối với những bà mẹ, tài sản duy nhất có ý nghĩa là những đứa con.

Nhưng những đứa con đó không bao giờ hiểu được người mẹ của chúng không cần bất cứ quyền chức hay tiền bạc chúng đang có mà chỉ cần chúng ngồi xuống bên bà như thuở nhỏ đầy yếu đuối, sợ hãi và tin cậy trong sự che chở của bà hoặc thấy chúng lớn lên làm một người tốt. Nhưng chúng đã xa rời bà mà bà không có cách nào kéo chúng gần lại. Không phải chúng xa rời xa bà bởi không gian và thời gian do điều kiện sống và công việc mà chúng đang xa rời xa sự thiêng liêng của tình mẫu tử. Bà đã và đang mất chúng.

Tôi đã chứng kiến một bà mẹ gần 90 tuổi mắt đã mờ lần mò làm một con gà cúng đêm giao thừa trong khi những đứa con của bà đang quây quần vui vẻ đón giao thừa với gia đình riêng của họ ở thành phố chỉ cách nơi bà ở không quá 30 km. Không có bất cứ lý do gì có thể biện minh cho những đứa con khi bỏ quên mẹ mình trong những ngày đặc biệt và quan trọng như thế.

“Sự bất hiếu ngọt ngào” còn để chỉ những đứa con bỏ quên những người mẹ trong chính ngôi nhà của họ. Nhưng những người mẹ đó không bị bỏ đói mà ngược lại được “nuôi giấu” trong một đời sống vật chất đầy đủ. Trong không ít những ngôi nhà to, đẹp và đầy đủ tiện nghi, những đứa con đã “giấu” mẹ mình mà nhiều lúc chúng ta không làm sao có thể phát hiện ra là trong ngôi nhà đó có một bà mẹ.

Có những người thi thoảng lại đến thăm bạn mình trong suốt mấy năm trời nhưng không bao giờ được gặp bà mẹ của anh ta.  Anh ta đã “giấu” mẹ trong một căn phòng trên tầng 3, tầng 4 gì đó của ngôi nhà. Anh ta dậy sớm đi làm vội vã nhiều lúc không còn kịp leo lên tầng chào mẹ. Trưa thì đương nhiên anh ta không về nhà. Tối anh ta về muộn. Vợ anh ta hoặc người giúp việc đã cho bà mẹ ăn cơm trước với lý do để cụ đi nghỉ sớm kẻo mệt. Anh ta trở về nhà ăn tối cùng vợ con và chuyện trò rồi điện thoại và cuối cùng lăn ra ngủ. Có không ít ngày anh ta hoàn toàn quên mẹ mình đang sống trong cùng ngôi nhà và âm thầm mong nhìn thấy con mình và trò chuyện mấy câu với con.

Càng ngày chúng ta càng được chứng kiến những đứa con khi có khách đến chơi thì khoe hết đồ này vật nọ đắt tiền, thậm trí khoe một con chim cảnh quí hàng ngàn đô la với một giọng nói thật “say đắm” mà chẳng thấy họ khoe một người mẹ vừa ở quê ra chơi hay đang ở đâu đó trong ngôi nhà to, rộng của họ.

Có những người không bao giờ để mẹ ngồi ăn cơm cùng khi vợ chồng anh ta có khách. Có lẽ sự xuất hiện của người mẹ đã già nua không còn phù hợp với những thù tạc, những vui buồn của anh ta nữa chăng. Nhưng anh ta đâu biết rằng, có những đêm khuya bà mẹ không thể ngủ và đầy lo lắng khi nghe tiếng ho của anh ta hay khi vợ chồng anh ta to tiếng. Bà mẹ sống giữa con cháu mà như sống trong một thế giới xa lạ.

Vì thế, có không ít người mẹ đã bỏ về quê sống một mình trong ngôi nhà cũ của mình. Bởi cho dù ở đó bà không được sống với những đứa con của mình thì bà cũng được sống với những gì vốn rất thân thương với bà như con chó, con mèo, cái cây, cái cối. Và thay vào sự chia sẻ, an ủi của những đứa con là sự chia sẻ và an ủi của những thứ kia kể cả những thứ vô tri vô giác. Và thực sự điều này làm cho chúng ta vô cùng xấu hổ và đau đớn.

Đức Phật dạy: Tội lớn nhất của đời người là bất hiếu. Có những kẻ đánh đập, nhiếc mọc mẹ mình, có những kẻ bỏ đói, bỏ rét mẹ mình, có những kẻ xưng “bà” xưng “tôi” với mẹ mình như với một người qua đường, qua chợ… Tất cả những kẻ đó đều là kẻ có tội. Và những kẻ vẫn cho mẹ mình ăn ngon, mặc đẹp nhưng bỏ quên mẹ mình trong thế giới tình cảm của họ thì họ cũng mang tôi như những kẻ nói trên.

@ TuanVietnam