Tại sao cho thuê ???

Biển Việt Nam giàu đẹp
Trần Khải

“…Hãy nhớ lại: Cuộc chiến Việt-Trung 1979, tại sao Hà Nội các thập niên trước đã nổi giận chỉ vì 60 cây số vuông bị Trung Quốc chiếm đóng, và tại sao Hà Nội bây giờ đã không xem 3050 cây số vuông rừng đầu nguồn có giá trị nào tương đương các mảnh quần hồng nho nhỏ…”

Vẫn chưa ai thực sự tìm được một câu trả lời thích đáng nhất, khả dĩ được nhiều người đồng ý nhất đối với câu hỏi “Tại sao cho thuê hàng trăm nghìn hecta rừng đầu nguồn?” Bởi vì trên một diện rộng ở 10 tỉnh như thế, không thể nói trung ương không biết. Thêm nữa, chúng ta cũng biết rằng từng thước đất biên giới đã gìn giữ được rất là gian nan, với nhiều hy sinh của nhiều triệu người qua nhiều năm, vậy thì chính sách nào đã cho phép cho thuê rừng như thế?

Câu hỏi nữa: Tại sao 10 ông Tỉnh Uỷ không cho thuê vợ của các ông? Hỏi như thế là để thấy rằng, không đơn giản vì tiền mà người ta có thể cho thuê mọi thứ. Thậm chí, chưa chắc các ông đã chịu cho thuê bồ nhí của các ông. Và có hỏi như thế, mới thấy rằng lãnh thổ xương máu mà nhiều triệu người đã gìn giữ thực sự không hề được các ông xem là cái gì cần gìn giữ, cỡ như cái đang ở trong nhà quý ông. Thế đấy, diện tích ba trăm ngàn hecta rừng còn không được quý trọng bằng một chút xíu thân thể tuyệt sắc diễm kiều (nói chữ nghĩa dài dòng như thế để tránh nói kiểu trực tiếp giang hồ bến xe).

Diện tích cho thuê rừng như thế, là rộng bao nhiêu? Theo lá thư của Tướng Nguyễn Hữu Anh, các quan đã cho thuê diện tích rộng bằng một tỉnh Việt Nam. Cho thuê 50 năm, hay cho thuê 100 năm? Hay cho thuê 1000 năm?

Trên mạng Bôxit Việt Nam, bài viết nhan đề “Thêm một lão tướng phản đối cho thuê đất rừng: Thư của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Anh gửi UBTVQH” đăng ngày 9-3-2010, cho biết về diện tích rừng cho thuê:

“…Trong một thời gian ngắn, ở một không gian khá rộng trên địa bàn 10 tỉnh, miền Bắc có, miền Trung – Tây Nguyên có, miền Nam có, có cả những địa bàn hiểm yếu về quốc phòng, an ninh, kinh tế, 10 tỉnh đã cho trên 10 doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông thuê dài hạn (50 năm) đất rừng có cả rừng đầu nguồn để họ kinh doanh rừng, với diện tích trên 305.000 hecta = 3050 cây số vuông tương đương diện tích đất một tỉnh như Hà Nam.

Việt Nam đất đã hẹp, người lại đông, vài ba chục năm nữa dân số có thể lên tới 120 triệu người, dân miền núi, dân nông thôn lấy đất ở đâu để canh tác?

Một việc làm động trời vậy mà các ông Chánh văn phòng UBND và Giám đốc sở kế hoạch đầu tư Lạng Sơn còn dám cao giọng nói là không có gì đáng lo ngại! Đã thẩm định kỹ càng! đã cân nhắc lợi hại! Không vi phạm gì chủ trương chính sách chung…”

Nghĩa là, đã cho thuê 3050 cây số vuông. Bằng cả một tỉnh Hà Nam. Thế đấy, không một tiếng súng, một cách lặng lẽ nhiều ngàn cây số vuông đã cho thuê.

Không thể nói chính phủ không biết rằng chính sách này tai hại thế nào. Cứ xem chuyện, từ khi quân Miền Bắc VN chiến trọn Miền Nam VN, rất nhiều khu đất, khu nhà và tài sản của dân đã được chính phủ CSVN “mượn dài hạn”, và sau này có trả một số, và tất nhiên là trưng thu rất nhiều phần còn lại. Đã có tay nghề “thuê, mượn… đất dài hạn” như thế, không thể nào Hà Nội không biết được âm mưu của Bắc Kinh.

Nếu đọc lại lịch sử, chúng ta sẽ thấy rằng sau cuộc chiến biên giới Việt-Trung 1979, quân Trung Quốc đã bị đẩy lùi, và không có nơi nào vào sâu lãnh thổ quá 5 km. Như thế, từng mét vuông đất đã phải trả giá bằng rất nhiều sinh mạng của quân và dân Việt Nam. Cần ghi nhận rằng, trước khi cuộc chiến Việt-Trung 1979 bùng nổ, một lý do làm chính phủ Hà Nội lớn tiếng kết án dã tâm chính phủ Bắc Kinh là vì quân TQ lúc đó trấn đóng trên 60 km2 lãnh thổ VN. Nghĩa là, chính phủ CSVN lúc đó quý trọng 60 km2 lãnh thổ tới mức sẵn sàng chiến tranh, trong khi chính phủ CSVN hiện nay không quý trọng 3050 km2 lãnh thổ nên mới cho thuê phứt cho rồi.

Mục từ “Chiến tranh biên giới Việt-Trung, 1979” được viết trên Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, có đoạn như sau:

“Chiến tranh biên giới Việt – Trung, 1979 là một cuộc chiến ngắn nhưng khốc liệt giữa Trung Quốc và Việt Nam, nổ ra vào vào ngày 17 tháng 2 năm 1979 khi Trung Quốc đem quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước…

Khi quân Trung Quốc rút khỏi Việt Nam tháng 3 năm 1979, Trung Quốc tuyên bố họ không tham vọng dù “chỉ một tấc đất lãnh thổ Việt Nam”. Trên thực tế, quân Trung Quốc chiếm đóng khoảng 60km2 lãnh thổ có tranh chấp mà Việt Nam kiểm soát trước khi chiến sự nổ ra. Tại một số nơi như khu vực quanh Hữu Nghị Quan gần Lạng Sơn, quân Trung Quốc chiếm đóng các lãnh thổ không có giá trị quân sự nhưng có giá trị biểu tượng quan trọng. Tại các nơi khác, quân Trung Quốc chiếm giữ các vị trí chiến lược quân sự làm bàn đạp để từ đó có thể tiến đánh Việt Nam.

Việc Trung Quốc chiếm đóng các lãnh thổ biên giới làm cho Việt Nam căm giận, và giữa hai phía nổ ra một loạt trận giao tranh nhằm giành quyền kiểm soát các khu vực đó… (…)

Đặc biệt tại Hà Tuyên, trong tháng 4-tháng 7 năm 1984, quân Trung Quốc đánh vào dải đồi thuộc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang mà Trung Quốc gọi là Lão Sơn. Quân Trung Quốc chiếm một số ngọn đồi thuộc dải đồi này, giao tranh kéo dài dằng dai, nhưng không có nơi nào quân Trung Quốc tiến sâu được hơn vào lãnh thổ Việt Nam quá 5km, dù quân đông hơn nhiều…”

Tới đây, chúng ta có thể hỏi, trong cuộc tranh chấp Biển Đông hiện nay, có phần lãnh hải nào thực sự là đang lặng lẽ cho thuê? Điều thấy rằng, trong khi chúng ta không có chứng cớ nhà nước CSVN cho thuê đảo, lãnh hải… thì lại biết rằng nhiền bờ biển đẹp cũng đang được cho thuê dài hạn.

Trang web Bauxite Việt Nam cũng có bài viết của tác giả NH, nhan đề “Thư bạn đọc: Kính gửi các bác Đồng Sỹ Nguyên, Nguyễn Trọng Vĩnh, Nguyễn Hữu Anh!” trong này báo nguy về tình hình cho thuê bờ biển:

“…sau khi đọc những kiến nghị tâm huyết của các bác trên trang Bauxite Việt Nam, VietNamNet, cháu vô cùng cảm phục. Mặc dù tuổi đã cao, sức khoẻ có hạn nhưng trách nhiệm đối với vận mệnh của dân tộc, đất nước và tương lai của thế hệ con cháu mai sau của các bác thật là lớn lao vô bờ…

…hiện nay, đất ven biển Đà Nẵng cũng đã cho nước ngoài (có cả Trung Quốc, Đài loan…) thuê 50 năm. Cháu mong rằng việc các tỉnh, thành phố cho nước ngoài thuê đất ven biển 50 năm ở những địa bàn hiểm yếu về quốc phòng, an ninh, kinh tế cũng cần được Trung ương kiểm tra, thống kê và ngăn chặn kịp thời vì vấn đề Biển Đông của chúng ta đang “rất nóng”.

Việc cho nước ngoài thuê đất rừng, đất ven biển hình như mang lại siêu lợi nhuận về kinh tế cho nên các tỉnh, thành phố đã coi nhẹ vấn đề an ninh quốc gia, hay còn một lý do nào khác nữa mà sao cháu thấy họ đua nhau cho thuê nhiều đến thế…? Một vị lãnh đạo cao nhất của thành phố trực thuộc Trung ương đã trả lời và phân tích cho cử tri, khi họ thắc mắc về việc thành phố cho nước ngoài thuê 50 năm quá nhiều đất ven biển: chúng ta chẳng phải làm gì cả mà lại có tiền thu được từ việc cho thuê đất và từ các dịch vụ kinh doanh của họ thì sướng quá chứ còn kêu ca, thắc mắc cái gì. Thành phố chỉ cho thuê có 50 năm chứ có bán đâu mà sợ mất Nước! Cháu thấy câu trả lời, phân tích của vị lãnh đạo này sao mà giản đơn quá, và hình như là còn chưa xứng tầm nữa phải không các bác?”

Xin đọc kỹ lời của vị lãnh đạọ cao nhất của thành phố trực thuộc Trung ương… rằng “cho thuê có 50 năm chứ có bán đâu mà sợ mất Nước!”. Trời ạ, xin đọc kỹ câu này của vị cán bộ lãnh đạo.

Xin hỏi: Vị lãnh đạo này có cho thuê vợ của ông trong 50 năm không? Thậm chí, có cho thuê trong 5 năm không? Hay chỉ cho thuê có 5 ngày không? Hay chỉ cho thuê có 5 giờ đồng hồ không? Hay chỉ cho thuê có 5 phút không? Trời ạ, thưa cán bộ, có bán vợ đâu mà sợ mất, có phải không?

Hãy nhớ lại: Cuộc chiến Việt-Trung 1979, tại sao Hà Nội các thập niên trước đã nổi giận chỉ vì 60 cây số vuông bị Trung Quốc chiếm đóng, và tại sao Hà Nội bây giờ đã không xem 3050 cây số vuông rừng đầu nguồn có giá trị nào tương đương các mảnh quần hồng nho nhỏ.

@Thongluan

Nữ tính như rượu ngon!

Dù sao thì mỗi phụ nữ đều biết rằng, với đàn ông, nữ tính luôn là thứ gây say…

Tôi có một chị bạn, giám đốc doanh nghiệp, tóc cắt ngắn, thích mặc veste. Ghét áo đầm. Có hôm họp căng thẳng, chị đứng lên đập bàn làm cả phòng khiếp đảm. Mấy nhân viên trong công ty luôn kháo nhau rằng chị “dữ dằn” lắm. Nhưng khi nghe tin chồng có bồ, chị gọi điện cho tôi kể, khóc rũ rượi vì ghen tuông và đau đớn. Chị bảo có người trách chị cứng rắn quá, “đàn ông” quá nên mất chồng. Có người nói chị ham công việc không chịu sinh con nên anh chán. Nhưng họ lầm. Chị không hề cứng rắn với chồng. Chị yêu anh đến mức quỵ luỵ. Chị luôn nhỏ nhẹ chiều chuộng anh. Người cương quyết từ chối sinh con chính là anh. Những người nhìn thấy chị giải quyết công việc ở công ty sẽ bổ ngửa ra khi thấy chị tựa vai chồng thỏ thẻ: “Ngon không anh? Hôm bữa đối tác mời đi ăn ở X, em thấy món này lạ mà ngon quá nên hỏi công thức”. Tuần bốn buổi tối, xong việc chị về nhà tự tay nấu món ăn cho chồng.

Chị nói chính chị đã hỏi chồng như vậy. “Có phải vì em thiếu dịu dàng không?” Nhưng chồng chị lắc đầu. Đôi khi, anh vẫn nghe những câu: “Vợ anh thật quyết đoán, thông minh, cứng rắn. Hẳn anh mệt mỏi khi sống với cô ấy” Nhưng anh mỉm cười, và lắc đầu. Chỉ anh biết chị dịu dàng thế nào ở nhà, trong bếp, trong phòng the. Chỉ anh biết chị luôn đỏ mặt dưới ánh đèn khi anh vòng tay và hôn lên tai chị. Đối với anh, không có gì nữ tính hơn thế.

Việc anh ngoại tình không hề liên quan đến sự thiếu nữ tính bề ngoài của chị. Anh không bị thu hút bởi những người phụ nữ có bề ngoài yểu điệu. Cô bồ của anh cũng không khác chị, cũng là chủ một công ty, cá tính mạnh mẽ, tóc ngắn. Anh nói, đó chỉ là một lối rẽ của trái tim. Vậy mới là vô phương cứu chữa, với chị. Tôi đến nhà, thấy chị nằm cuộn mình trên ghế sofa, đắp một cái chăn ngang ngực, vừa thổn thức vừa cắn móng tay nát bét. Khoảnh khắc ấy, chị “đàn bà” hơn bất cứ ai.

***

Hồi chưa lấy chồng, tôi cứ nghĩ rằng một người con gái nữ tính phải giữ mái tóc dài, hay uốn bồng bềnh, phải đi nhẹ nói khẽ, đôi khi nũng nịu, hờn giận, thích mặc áo đầm hay áo dài. Dáng điệu uyển chuyển.

Tôi thì không được như vậy. Tôi ưa mặc jeans và áo sơmi bỏ ngoài khi đi học. Chân tay tôi lòng khòng vụng về nên không bao giờ được chọn vào đội văn nghệ. Chẳng ai khen tôi dịu dàng. Tận sâu trong lòng mình, tôi luôn mang cái mặc cảm: “Sao mình thiếu nữ tính quá”. Mẹ tôi còn chọc: “Cứ sợ con gái không lấy được chồng, may mà cũng có người rước”.

Lấy chồng, sinh con rồi. Giờ thì tôi biết rõ, có chồng con tôi chứng giám, rằng mình cũng “nữ tính” chẳng kém ai. Tôi nhớ lại ngày xưa và mỉm cười. Tôi đã nhận ra rằng nữ tính của người phụ nữ không chỉ thể hiện ra bằng bề ngoài. Đàn ông ưa thích nữ tính. Hẳn rồi. Vấn đề là đôi khi một cô gái nhìn nhận về sự nữ tính khác một người đàn ông.

Thật ngạc nhiên. Tôi phát hiện ra rằng thực sự đàn ông tinh tế hơn đàn bà tưởng. Những người chồng, hơn ai hết, hiểu rằng một bộ ngực phô bày, cái eo thon, mái tóc mượt, chiếc váy thướt tha, thậm chí một giọng nói êm ái chưa hẳn thể hiện nữ tính thực sự. Đó là nữ tính bề ngoài. Muốn biết phụ nữ thực sự có nữ tính hay không, phải thấy họ khi họ làm đàn bà: làm vợ, làm mẹ, làm người tình.

Đó là khi đàn ông nhìn người vợ đang nấu bếp, từ phía sau, mái tóc bới lên rủ vài sợi loà xoà xuống gáy thể hiện một trời nữ tính trong mắt người chồng. Hay khi người vợ ôm đứa con vào lòng và nói “Thương quá đi à! Thương quá đi”.

Những người chồng tìm thấy sự nữ tính ở cách vợ mình khóc khi vui quá cũng như buồn quá, cách họ thử đi thử lại hai đôi giày xem đôi nào hợp với cái túi xách hơn, cách họ ướm lên mình chiếc áo mới và thẹn thùng hỏi: “Đẹp không anh?”

Đàn ông không nhìn một người phụ nữ tóc cắt ngắn, thích mặc quần jeans bụi, cá tính mạnh mẽ là thiếu nữ tính. Đó là lầm tưởng của những cô gái trẻ, và cả những chàng trai trẻ. Nữ tính không nhất định phải là tóc dài, luôn dịu dàng thỏ thẻ.

***

Người ta thường nghĩ rằng phụ nữ thành đạt, làm lãnh đạo, làm kinh doanh, quyết đoán ắt thiếu nữ tính. Nhưng tôi tin các ông chồng hiểu hơn ai hết rằng họ chẳng mất đi chút nào. Chỉ có điều họ không thể hiện nữ tính trong công việc, không phải bởi họ không có mà bởi nó không cần thiết hay không nên. Họ nữ tính ở nơi họ cần và muốn, và nên.

Cái nữ tính ta phô bày với chồng, và với thiên hạ… là hoàn toàn khác nhau. Một người lạ nhìn thấy nữ tính qua một chiếc áo đầm hoa dài mềm rủ hay cách nói chuyện nhẹ nhàng. Một người bạn thân phát hiện nữ tính qua tiếng hét thất thanh khi… thấy chuột. Một đồng nghiệp ngạc nhiên bởi vẻ nữ tính trước một chậu hoa nhỏ đặt trên bàn làm việc…

Nhưng một người chồng thì khác, một người chồng sẽ thấy nữ tính của vợ nằm ở da thịt mềm mại, ở cái nhón chân khi hôn. Ở tình mẫu tử khi chăm sóc con. Ở sự luỵ tình. Ở sự quay quắt vì muốn làm vừa lòng người đàn ông của mình. Và ở chỗ luôn muốn biết rõ mình được yêu nhiều bao nhiêu…

Như thế, nữ tính thật ra là thứ không lời mà đa diện. Là thứ còn để hiểu, để cảm chứ không chỉ để nhìn thấy hay phô bày. Mọi phụ nữ đều sở hữu nữ tính, nhưng hiểu nó để bộc lộ nó lúc nào, như thế nào là cả một nghệ thuật.

Nữ tính… cũng như mọi thứ khác, nên vừa đủ. Sự vừa đủ này giống như rượu ngon vậy, tuỳ theo “đô” của người đối diện. Vậy thì tốt nhất là tuỳ theo người, theo cảnh mà mời. Cũng vẻ nũng nịu đó, ở nơi này, là sự quyến rũ khôn lường. Nhưng ở nơi khác, là sự lả lơi khó tha thứ.

Dù sao thì mỗi phụ nữ đều biết rằng, với đàn ông, nữ tính luôn là thứ gây say…

Hiên Mai

@ Sgtt

Trung Quốc với 40 triệu ”quang côn”

Ngô Nhân Dụng

“…các chính quyền độc đoán bao giờ cũng gây tình trạng thù nghịch với các nước khác để kích thích tự ái quốc gia, đánh lạc nỗi bất mãn của dân…”

Người Tàu đọc là “Guang-gun”, đọc lối Việt là Quang Côn. Quang là sáng, cũng nghĩa là trống trải, như khi ta nói “phong quang, quang đãng”. Côn là cây gậy dùng để đánh nhau, “Côn quyền ra sức lược thao gồm tài”. Quang côn là cây gậy trơ trụi, là cành cây không lá không hoa, người nói tiếng Anh dịch là Bare Branches. Hai tác giả Valerie Hudson và Andrea den Boer đã viết cuốn sách mang tựa đề Bare Branches, dịch từ hai chữ Quang Côn, trình bày tình trạng nhiều đàn ông ở nước Tàu “không thể kiếm được vợ”. Sách do nhà xuất bản Ðại Học MIT in năm 2004. Trong từ điển Hán Việt cũng ghi nghĩa chính rất thông dụng đó: quang côn là đàn ông con trai chưa có vợ, độc thân, cũng gọi là ế vợ.

Ðề tài cuốn sách này có vẻ không đáng chú ý, vì người Việt chỉ lo con trai nhà mình khó kiếm vợ, chẳng ai cần quan tâm đến tình trạng đàn ông bên Tàu ế vợ! Nhưng khi đọc thấy con số 40 triệu đàn ông con trai độc thân dự đoán trong mười năm tới ở lục địa Trung Hoa thì thấy cũng đáng suy nghĩ. Gần đây, một tuần báo Anh viết một bài dài, nhấn mạnh đến cảnh đàn ông ế vợ ở nhiều nước, đặc biệt là ở Trung Cộng, khi họ trình bày tình trạng phá thai hoặc giết trẻ gái sơ sinh khắp thế giới. Hàng trăm triệu em bé gái đã bị giết ngay trong bụng mẹ vì cha mẹ không muốn có con gái. Một hậu quả là cảnh đàn ông ế vợ vì nhiều trai, ít gái quá, ở những nước như Trung Hoa, Ấn Ðộ, Armenia, Georgia, vân vân.

Người Việt phải nên chú ý đến chuyện bên Tàu.

Theo báo Nhà Kinh Tế (The Economist, số ra ngày 6/3/2010) thì Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc (CASS) vào đầu năm 2010 đã tiên đoán trong mười năm nữa ở nước Tàu cứ 5 thanh niên đến tuổi cưới vợ sẽ có một chàng không thể tìm được cô nào để “rước về” cả. Họ tính ra con số trên dựa trên tỷ lệ số trẻ em trai và gái sinh ra trong khoảng từ 5, 10 năm trước tới nay. Vào năm 2020 trong lớp tuổi 19 trở xuống, sẽ có từ 30 đến 40 triệu thanh niên “dư” so với số phụ nữ độc thân cùng tuổi, nghĩa là không thể kiếm được vợ.

Ðể độc giả thấy rõ con số đó lớn hay nhỏ ra sao, báo The Economist đã so sánh: Con số 40 triệu này lớn bằng tất cả số thanh niên ở nước Mỹ vào năm 2020, có vợ hoặc chưa có vợ. Con số đó cũng cao gần gấp đôi số thanh niên trẻ ở ba nước Ðức, Pháp và Anh quốc cộng lại, ba nước đông dân nhất Âu Châu. Trong lịch sử, chưa bao giờ có một quốc gia nào trên thế giới lại “chứa” một lực lượng đàn ông độc thân và ế vợ cao đến thế, trong thời gian không có chiến tranh. Nếu so sánh với Việt Nam thì con số 40 triệu đó cũng xấp xỉ một nửa dân số nước ta, tức là gần bằng tổng số người đàn ông, con trai người Việt, kể từ trẻ sơ sinh tới các cụ già.

Nhưng đối với người Việt Nam thì con số 40 triệu này có phải một điều đáng lo nghĩ hay một mối đe doạ hay không?

Có, nếu chúng ta tin một số quy luật dân số học trong quá khứ có thể được lập lại trong tương lai. Nhiều nhà nghiên cứu nhận thấy rằng khi dân số một nước tăng lên nhanh hơn khả năng sản xuất, đặc biệt là khi số thanh niên trai tráng lên cao, có nhiều người trong tuổi lao động bị thất nghiệp, đặc biệt hơn nữa là trong số đó có quá nhiều người không thể nào kiếm được vợ vì thừa trai thiếu gái, thì một hệ quả là các nước ế vợ thường hay gây chiến với lân bang. Có thể họ thấy đó là một cách giải quyết số đàn ông thặng dư này, nhất là để tránh không cho đám thanh niên “bức xúc” bất mãn đó không còn thời giờ mà phạm tội, hoặc quay ra làm cách mạng, nổi loạn chống chính quyền nữa. Không phải cuộc chiến tranh nào cũng xảy ra vì quá nhiều thanh niên ế vợ; nhưng trong một xã hội mà số đàn ông thặng dư đông quá thì những người cầm quyền thường hay gây chiến, nhất là khi kinh tế suy yếu.

Hy vọng là thế giới nay đã thay đổi, chuyện này sẽ không diễn ra trong tương lai. Vì hiện nay loài người đã văn minh hơn, kinh tế toàn cầu hoá, các nước tôn trọng tự do mậu dịch; sẽ không để cho nước nào thiếu việc làm hay thiếu thực phẩm. Miễn là có trao đổi thương mại, có công việc làm là ai cũng có gạo ăn và có đủ trò giải trí.

Nhưng theo Valerie Hudson và Andrea den Boer thì có những hậu quả khác khó tránh được khi số thanh niên ế vợ tăng cao quá. Một, là số người phạm tội sẽ gia tăng; cho nên, chế độ chính trị sẽ thiên về đường lối độc tài để đối phó với mối lo bất ổn.

Bình thường, những người phạm tội và bạo động trong xã hội đa số vẫn là giới trẻ. Những người trẻ ế vợ, không phải gánh trách nhiệm đối với vợ và con thì dễ phạm tội hơn, lý do cũng dễ hiểu. Trong nhiều xã hội, những thanh niên ế vợ quá lâu còn bị mọi người chung quanh coi thường, nếu không nói là coi khinh, gạt ra ngoài lề xã hội, họ càng có lý do để nổi loạn. Hai chữ “quang côn”, cành cây trụi lá, chứa ý nghĩa khinh thường, ai cũng thấy – cũng giống như người Việt Nam gọi họ là “bị sao Mộc Ðức (tức là đực mốc) chiếu mạng!”

Tất cả các yếu tố đó dễ thúc đẩy đám thanh niên bị gạt ra bên lề xã hội sinh ra bạo động và phạm tội. Nhiều người sẽ gia nhập băng đảng, để được kính trọng hơn, và để thể hiện “nam tính” của mình. Ở các xã hội thừa trai thiếu gái, những vụ hiếp dâm, bắt cóc phụ nữ ép làm vợ, và nạn mãi dâm đều cao hơn các xã hội bình thường.

Ðể đối phó với đám thanh niên bất mãn dễ gây tội và dễ làm loạn đó, Valerie Hudson và Andrea den Boer nhận xét, các chính quyền thường quay sang khuynh hướng độc tài.

Hudson và den Boer viết, các chính phủ “phải giảm bớt mối đe doạ của những chàng trai trẻ này đối với xã hội. Hậu quả là họ trở nên độc đoán hơn để đối phó với các tội phạm như băng đảng, buôn lậu, vân vân”.

Tại sao có tình trạng 30 đến 40 triệu “quang côn”, đàn ông ế vợ, ở nước Trung Hoa trong vòng 10 năm tới? Người ta nghi rằng đó là do nhiều bậc cha mẹ đã phá thai khi biết bào thai sẽ sinh ra là một em gái; và tệ hơn nữa, có người giết trẻ em gái ngay lúc lọt lòng. Nhiều cô mụ đỡ đẻ được trả tiền để làm việc này. Một tác giả người Trung Hoa đang sống ở Anh đã mô tả cảnh tượng đó, mà cô là người chứng kiến. Có những người mẹ sau đó hối hận đã tìm cách tự tử. (Cuốn sách là Message from an Unknown Chinese Mother của Xinran Xue).

Chính sách thời Mao Trạch Ðông hạn chế mỗi gia đình chỉ được có một con chỉ là một trong nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tội lỗi này. Vì người ta đã thấy khắp thế giới, không riêng gì ở Trung Cộng đã xảy ra tình trạng nhiều con trai, ít con gái. Và tại Trung Hoa, những tỉnh có chính sách dễ dãi trong việc hạn chế số con, nhiều khi cho phép các cặp vợ chồng có 2 con, thì chính ở những tỉnh đó tỷ lệ sinh con trai cao hơn sinh con gái còn nặng nề hơn ở các tỉnh khác. Những vùng kinh tế phát triển cao thì tỷ lệ chênh lệch cũng cao hơn, những nơi nhiều người có học, biết dùng các phương pháp dò để biết trước thai nhi là trai hay gái, thì tỷ lệ chênh lệch cũng cao hơn nữa.

Trong các xã hội bình thường, cứ 100 trẻ em gái sinh ra thì có từ 103 đến 106 trẻ sơ sinh con trai. Vì trẻ em con trai dễ bị chết yểu hơn con gái, cho nên khi chúng lớn lên đến tuổi lập gia đình thì số trai gái cao sấp sỉ bằng nhau. Nhưng tại nhiều nước hiện nay tỷ lệ 100 gái/105 trai không còn giữ được nữa. Trong những năm từ 1985 đến 1989, tỷ lệ nam nữ ở Trung Hoa đã chênh lệch thành 100/108, tức là 100 bé gái thì có 108 bé trai. Trong những năm từ 2000 đến 2004, tỷ lệ càng nghiêng lệch thêm, 100 bé gái sinh ra thì sinh 124 bé trai. Tại nhiều tỉnh ở miền Nam và trung nước Tàu, tỷ lệ này lên tới 100/130 hay 140.

Tỉnh Quảng Ðông là một nơi cứ 100 em gái ra đời thì có 120 em trai, trong mười lăm, hai mươi năm nữa, cứ 100 cô gái sẽ có 120 cậu trai muốn cưới làm vợ. Quảng Ðông ở ngay sát nước ta. Nếu trong mươi năm tới ở tỉnh này, thuộc loại trù phú nhất Trung Quốc, mà có dăm, mười triệu thanh niên ế vợ, thì có ảnh hưởng gì tới xã hội Việt Nam hay không?

Ảnh hưởng hay không còn tuỳ thuộc vào chính sách của những người cầm quyền ở Việt Nam. Người Trung Hoa có thể đối phó với nạn hàng chục triệu đàn ông ế vợ bằng cách đi mua hay dụ dỗ, bắt cóc phụ nữ ở các nước đem về. Những phụ nữ này có thể bị mua hoặc ép làm vợ, hay bị khai thác làm nghề mại dâm. Chính phủ của họ có thể làm ngơ, các chính quyền địa phương có thể khuyến khích những hành động phi pháp và vô đạo này. Những nước chung quanh, trong đó có Việt Nam, phải biết tự vệ. Những nước nghèo tất nhiên phải ngăn ngừa cẩn thận hơn nạn buôn người, xuất cảng phụ nữ.

Một lối thoát khác của thanh niên ế vợ ở Trung Hoa là đem họ ra nước ngoài làm việc. Hiện nay trong nước Tàu đang có cảnh nhiều ngành công nghiệp thiếu nhân lực, nhưng chính phủ Trung Cộng vẫn khuyến khích việc đem các công nhân Trung Hoa đi làm việc ở nước ngoài. Nhiều công trình xây dựng hạ tầng cơ sở, phi trường, nhà máy, do các công ty Trung Cộng phụ trách sử dụng toàn người Trung Hoa từ lục địa đem qua. Nay lại thêm các chương trình thuê đất trồng rừng hoặc trồng cây kỹ nghệ của người Trung Hoa, đó cũng là những nơi sử dụng công nhân Trung Cộng. Nếu chính phủ các nước biết thì họ phải đưa ra chính sách ngăn ngừa những công nhân ngoại quốc bất hợp pháp này. Nếu không thì đây cũng là một cách giải quyết nạn “quang côn” quá đông của người Trung Hoa.

Nếu như lời tiên đoán của hai tác giả Valerie Hudson và Andrea den Boer đáng chú ý thì người Việt Nam còn phải tính trước đề phòng với một nước Trung Hoa nằm dưới một chế độ cộng sản càng ngày càng độc tài hơn, vì họ lo sợ cảnh hỗn loạn, bạo động do các “quang côn” gây ra. Một nước Trung Hoa tự do dân chủ sẽ không có tham vọng bành trướng mạnh mẽ như một nước Trung Hoa độc tài chuyên chế. Vì các chính quyền độc đoán bao giờ cũng gây tình trạng thù nghịch với các nước khác để kích thích tự ái quốc gia, đánh lạc nỗi bất mãn của dân. Một chính phủ tự do dân chủ khó gây chiến tranh, vì rất khó thuyết phục dân chúng đồng ý; còn một chính quyền độc tài thì họ không cần hỏi ý kiến dân. Khi nước Trung Hoa có 30 tới 40 triệu thanh niên không tìm đâu ra vợ thì các nước chung quanh đều phải lo ngại, nhưng Việt Nam đáng lo nhất. Vì chính phủ cộng sản ở hai nước đều độc tài chuyên chế, và họ đang coi nhau là đồng chí và anh em. Chính sách ngoại giao của hai đảng không cho phép một định chế độc lập nào của người dân để kiểm soát; mà dân chúng cũng không có quyền tự do ngôn luận để góp ý kiến.

@ Người Viet