NHÂN NGÀY PHỤ NỮ-TÌM HIỂU BẢN TÍNH ĐÀN ÔNG

BẢN TÍNH ĐÀN ÔNG – PHIẾM BÀN

Bản tính của đàn ông (hoặc Tại Sao đàn ông thích của lạ)

BS NĐĐ đã có 20 năm kinh nghiệm trong ngành y dặn sinh viên: “Khi chữa bệnh liệt dương cho người ta,trước hết các anh phải hỏi liệt dương với ai?”.
Học trò ngơ ngác bảo nhau: “Tưởng đã bị liệt dương thì với ai chả liệt?”.

BS Đội cười: “Liệt dương với vợ thì đừng chữa cho phí thuốc.Bởi vì với vợ thì ai chả liệt. Kể cả tôi”.

Nhiều bà vợ vô cùng kinh ngạc khi phát hiện chồng có bồ. Có bà theo dõi phục kích bắt quả tang ở nhà nghỉ. Cô bồ trẻ nhanh chân chuồn mất chỉ còn ông chồng già lúng túng bị bà tóm được. Một tay bà túm cổ áo chồng, một tay vỗ đồm độp: “Của nhà không có à?
Tôi có để ông thiếu thốn gì không? Tại sao máy nhà chạy chưa hết công suất lại đi chạy máy người?”.
Ông chồng cứ đứng ngây ra miệng há hốc không trả lời được. Có bà đến tận nơi, gặp tận mắt kẻ địch, lại càng không thể nào hiểu nổi.
Giá như chồng họ kiếm được người nào tài giỏi hơn, nhan sắc hơn, đã đi một nhẽ.Họ lạ lùng tự hỏi: “Nó hơn mình ở chỗ nào?”.Nhan sắc không, tài cán không, tiền bạc không, mà có khi cả tuổi trẻ cũng không.
Có chị vừa uất ức vì bị chồng phản bội, vừa thấy mình bị xúc phạm ghê gớm. Họ đề nghị chuyên gia tâm lý giải thích tại sao lại như vậy?
Phần lớn phụ nữ không thể lý giải được điều này nhưng bất cứ ai là đàn ông đều không lấy thế làm lạ.

Nhà tâm lý học Trung Hoa, Điều Vũ Canh, trong cuốn “Những bí mật của đàn ông” khẳng định:
“Một người đàn ông dù đã có người yêu hay vợ đẹp vẫn có thể ngủ với người đàn bà không lấy gì làm đẹp. Khi nghe nói hoặc những trường hợp như vậy, bạn thường quy nguyên nhân là do mối quan hệ vợ chồng đã xấu đi. Nhưng đó không phải là nguyên nhân thực sự của vấn đề.
Sở dĩ một người đàn ông có thể lên giường với đối tác khác, không phải vì người đó hơn vợ anh ta mà chỉ vì đó là… người khác”.Ông cho rằng: “Mới lạ là chất xúc tác cực mạnh với ham muốn tình dục của đàn ông. Rất nhiều người có lối suy nghĩ đó, không loại trừ người đàn ông của bạn.
Hãy tin điều tôi nói, vì tôi cũng là đàn ông”. Chắc Cha này cho rằng ăn Hột vịt lộn không phải ăn với rau răm,
mà phải ăn với rau Thì Là “Lộn Là” (ghi chú của LGD)Phải chăng thám hiểm, khám phá là gien di truyền của đàn ông?.
Từ Magielan đi vòng quanh thế giới đến Christophe Colomb phát hiện ra châu Mỹ không có ai là đàn bà. Ham thích khám phá cái lạ như ngấm vào trong máu đàn ông.Từ đứa trẻ con trai mới nứt mắt ra đã phá cả đồ chơi ra xem bên trong có gì mà lại chạy được?
Trong khi hầu như chẳng có bé gái nào làm thế với đồ chơi của mình.Hiếm khi có phụ nữ đang hạnh phúc đủ đầy trong hôn nhân mà còn ngoại tình. Thường họ chỉ “ăn nem” khi không có tình yêu trong hôn nhân hoặc bị chồng “ăn chả” nên cũng làm thế để “trả thù”. Thế nhưng có người bắt gặp đàn ông ngoại tình rành rành vẫn cố cãi:
“Vô lý, vợ anh ta trông “ngon” thế, đời nào anh ta lại ngoại tình với một kẻ như thế”. Họ chưa hiểu gì về đàn ông cả. Có một ông kiến trúc sư nổi tiếng nuôi một thằng bé để nó giúp việc nấu nướng vì vợ ông cũng bận đi công việc suốt ngày. Một hôm nhân lúc vắng vẻ chỉ có hai thầy trò ngồi chơi với nhau, thằng bé hỏi thật:
-”Con thấy bà nhà đẹp thế mà sao ông còn cứ bồ bịch lăng nhăng bắt con nói dối bà, nhỡ bà biết thì con chết”.
Ông ta hỏi nó:
-”Theo mày thì các món ăn mày làm hàng ngày, món nào tao thích nhất?”.
Thằng bé trả lời ngay:
-”Món gà rán”.
-”Thế thì chiều nay cho tao ăn gà rán”.
Hôm sau thằng bé lại hỏi:
-”Bữa nay ông muốn ăn món gì?”.
Chủ lại nói:
-”Gà rán”.
Được 3 hôm ăn toàn gà rán thì thằng bé phải thốt lên kinh ngạc:
-”Ông ăn mãi gà rán mà không biết chán à?”.
Lúc bấy giờ ông ta mới nhìn nó:
– “Mày thấy chưa? Đó là chính mày đã trả lời câu hỏi của mày mấy hôm trước đấy!”.

Lăng nhăng cũng chỉ nhất thời
Suy cho cùng sống ở trên đời chẳng ai không thích cái mới lạ. Nhưng có lẽ đàn bà thích áo quần, giày dép, giỏ xách, trang sức mới nhiều hơn, còn cái thích nhất của đàn ông là của lạ. Làm ăn chiêu đãi nhau, cho dù cao lương mỹ vị gì nhưng chưa có cái đó thì như vẫn còn thiếu.
Từ lâu, một nhà nho có tên tuổi ở nước ta đã tự bạch:
“Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó hại ta
Chừa được thứ nào hay thứ ấy
Có chăng chừa rượu với chừa trà?”
Có chị đứng soi gương một lúc lấy làm tự mãn, quay ra thách chồng:
“Có giỏi tìm đâu được đứa nào hơn gái này thì cho đi đấy!”. Có lẽ chị nghĩ rằng, chồng mình lấy được mình đã là tốt số quá rồi, làm gì anh ta có sức với cao hơn được nữa. Chị không biết rằng, đàn ông có thể không với cao hơn được nhưng biết đâu họ lại với… xuống.
Một chị có chồng làm giám đốc một doanh nghiệp. Thấy chồng có những biểu hiện khả nghi trong mối quan hệ với một bạn hàng nữ, chị đã ngờ ngợ. Nhưng lại nghĩ có lẽ chỉ vì mình quá yêu chồng nên sinh ra ghen tuông vớ vẩn thế thôi. Tuy nhiên chị cũng trút niềm tâm sự với cô em ruột. Nghe xong, cô em bật cười khanh khách: “Có mà điên! Vô tư mà nói, mụ ấy không thể sánh với chị về bất cứ mặt nào”. Thế mà đến khi bắt được quả tang mới biết chuyện phi lý đó lại có thật.

Hẳn bạn sẽ thất vọng trước phẩm chất thấp hèn này của đàn ông, vì nó rất gần với bản năng sinh dục của động vật. Nhưng trong thế giới tự nhiên, chính nhờ dục vọng vô cùng tận của giống đực khiến nó giao phối với càng nhiều con cái càng tốt mà giống loài
mới nảy nở sinh sôi, tồn tại đến bây giờ. Nếu mỗi con đực cứ chung thủy suốt đời vói một con cái thì biết đâu nhiều loài đã tuyệt chủng từ lâu rồi.

Tuy nhiên do xã hội loài người có những quy tắc đạo đức khiến đàn ông không thể hành động tùy tiện như động vật nhưng dầu sao tính hiếu kỳ về giới, cũng như sự ham muốn của lạ vẫn là những đặc tính di truyền đã được tạo hoá cài đặt trong gien của họ từ thượng cổ rồi.
Tính hiếu kỳ mãnh liệt này với tình yêu là hai lĩnh vực khác nhau, nhiều khi giữa chúng không có liên hệ nào hết.

Sống ở đời không có cái gì mới mà cứ mới mãi. Phần lớn chuyện lăng nhăng của đàn ông chỉ có tính nhất thời. Các nhà tâm lý cũng gọi là ngoại tình nhưng xếp vào dạng ngoại tình đột xuất.
Những người đàn ông này không phải là chán vợ hay có ý định “đổi đời” mà thực ra chỉ là có cơ hội thì “ăn vụng” và nếu bị vợ phát hiện, họ thường tỏ ra rất ăn năn hối lỗi.

Tuy nhiên, có những người vợ không chấp nhận sự hối cải đó, kiên quyết đòi ly hôn và không ít cuộc hôn nhân đã tan vỡ vì thế.

Tất nhiên, nếu cho qua chuyện này một cách dễ dàng, e có ngày ngựa lại quen đường cũ. Bởi vậy, cách ứng xử của người vợ như thế nào còn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, vào mức độ khoan dung của người phụ nữ cũng như người chồng có sự hối cải hay không?

Điều quan trọng là đừng để sau một thời gian, cơn nóng giận lắng xuống mới thấy mình khờ khạo, đem chồng nộp cho đối phương hoặc để mất người đàn ông về cơ bản là người chồng, người cha tốt, làm cho con cái cũng phải hứng chịu nhiều nỗi thiệt thòi.

(Bài do bạn bè sưu tầm gửi.)

NGHE BẰNG KIỀU HÁT



SỰ TÍCH BÁNH TẺ – MỘT CÂU CHUYỆN TÌNH BUỒN

Thảo thơm bánh tẻ quê mình

Ai đã từng lớn lên từ hạt gạo, từ đồng đất quê nhà chắc không thể quên mùi cơm mới sau mùa gặt.

Những hạt gạo dẻo thơm ngậm đủ phù sa, sương nắng và công sức người trồng cấy từng mùa vụ không chỉ thổi thành cơm trong các bữa ăn chính mỗi ngày, mà từ đó còn làm ra nhiều loại bánh như những thứ đặc sản dân gian của nhiều miền quê, những món bánh ấy đã trở thành những món quà quê thơm thảo, lưu truyền tại nơi thôn dã, theo chân người kẽo kẹt trên những đôi quang gánh rong ruổi khắp các phố phường Hà Nội

Bánh tẻ gần gũi với người Hà Nội từ thuở nào thì cũng chưa ai xác định được chỉ biết rằng xuất xứ của nó là ở làng Phú Nhi, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây. Bánh tẻ Phú Nhi có nguồn gốc từ một câu chuyện tình rất mộc mạc, giản dị của anh chàng họ Nguyễn và cô gái họ Hoàng. Chuyện kể rằng, Phú và Nhi biết nhau qua những buổi chợ hằng ngày, vì Nhi phải đem hàng cho mẹ. Cuộc tình cứ thế lớn dần theo ngày tháng, rồi một hôm chàng đánh bạo sang nhà nàng chơi, lúc Nhi đang khuấy nồi bánh đúc cho mẹ và quên bẵng việc cho vôi vào nồi bột khi ra mở cổng và mời chàng Phú vào nhà. Hai người ngồi tâm tình nói chuyện mà quên mất nồi bánh đúc đang nấu dở trên bếp lửa cho đến khi mở ra thì đã quá muộn, nồi bánh đúc thành nửa sống, nửa chín, còn ngọn lửa trên bếp đã tắt tự bao giờ. Bố mẹ Nhi biết chuyện của hai người, vốn rất nghiêm khắc, ông bà tìm mọi cách ngăn cản mối tình trong trắng, đẹp đẽ ấy rồi ông cấm Nhi không được mang hàng cho mẹ. Thế là từ đó hai người mãi mãi chẳng có dịp được gặp nhau. Hoàng Nhi sinh bệnh, ốm rồi qua đời. Nguyễn Phú khi xảy ra chuyện hỏng nồi bánh đúc bèn mang nồi bột về nhà. Bỏ đi thì tiếc, nên đã nghĩ ra cách là ra vườn ngắt lá dong, lá chuối khô lau sạch rồi thái hành làm nhân, một mình tự thao tác phết bột vào lá dong, cuốn lá chuối khô bên ngoài, lấy dây giang cuốn lại rồi bắc lên bếp đồ (luộc). Khi có mùi thơm bốc lên, Phú đoán là bánh chín, bóc ra để nguội ăn thấy ngon hơn bánh đúc. Và, thế là chiếc bánh tẻ ở buổi sơ khai đã ra đời từ đó. Phú đã làm và nhân rộng ra thật nhiều để mẹ mang đi chợ bán. Hàng bánh ngày càng đắt khách. Gia đình Phú trở nên khá giả, giàu có. Bánh làm ra càng nhiều Phú càng nhớ Nhi nhiều hơn. Những ngày giỗ nàng, chàng tự tay cải tiến cách làm bánh và làm những chiếc bánh thật ngon để gửi sang nhà cúng tưởng nhớ người yêu xưa. Chàng không lấy vợ, chỉ chuyên tâm cho nghề. Bánh tẻ Phú Nhi có tên gọi từ đó và trở nên có tiếng một vùng với câu ca dao: “Em là con gái Phú Nhi/ Bánh đúc bỏ bị vừa đi vừa nhòm”.

Bánh tẻ hay còn có tên khác là bánh răng bừa, được làm từ gạo tám, thứ gạo thon, dài mỏng mình, mầu trắng xanh, có mùi thơm đặc biệt mà chỉ cần hé mở nắp vung là trong nhà, ngoài ngõ đã ngửi thấy rồi. Gạo được vo kỹ rồi xay mịn, ngâm chừng 3-4 ngày vào mùa hè, 4-5 ngày vào mùa đông, trong thời gian ngâm phải thay nước hàng ngày (gạn bỏ nước cũ, thay bằng nước mới), mỗi lần thay nước phải khuấy đều bột, để bột bánh sau khi hấp được trong, được mịn. Khâu xay bột sao cho bột nước thật nhuyễn và dẻo được cho là quan trọng nhất vì khâu này quyết định chất lượng bánh có ngon hay không nên nó là cả một tâm huyết và cũng là bí truyền của nghề làm bánh tẻ Phú Nhi. Trong khi quấy bánh, người làng Phú Nhi thường láng mỡ một chút vào nồi bánh, và chỉ một chút thôi, đủ để cho bánh ngậy và trơn mặt. Điều cần là bột phải xay cho thật nhuyễn, nước vôi gia vừa tay, bánh quấy thật kỹ, để nguội ăn không nồng và bẻ cái bánh thì giòn mà nhai vừa, không cứng. Bánh tẻ được gói bằng lá dong loại nhỏ, đã được hơ qua hơi nước cho mềm. Khi gói xong cái bánh chỉ nhỉnh hơn hai ngón tay, trông bé bé mà lại xinh xắn. Bánh gói xong rồi là bánh sống, muốn ăn phải nấu chín bằng cách đồ giống như đồ xôi hoặc luộc chín. Bánh tẻ khi ấy bóc ra rất ráo, không dính tay, xanh mướt một màu xanh của lá dong. Cắn miếng bánh thấy giòn nhưng lại dai, cái đặc biệt mà các loại bánh tẻ khác không có được. Mùi gạo tẻ đưa lên thơm mùi cơm mới, cái thơm của hành, ngọt của thịt, giòn của mộc nhĩ lan rất nhanh, khi ta ăn được vài ba miếng đã hết cái bánh tạo nên cảm giác thèm thuồng, muốn bóc thêm cái nữa. Bánh tẻ ngon nhất là khi ăn nóng, ăn ngay khi lúc bánh vừa vớt ở nồi ra, khói lên nghi ngút; ta rưới một ít hành chưng mỡ, rồi xắn từng miếng chấm nước mắm pha giấm ớt nhưng ăn lúc bánh nguội cũng lại có cái thú riêng vì nó mát, vừa ăn vừa nhởn nha suy nghĩ thì trong cái mềm, cái mát hơi nồng của nước vôi lại có cái thơm, bùi của hành mỡ chưng lên vừa mặn, không sống mà cũng không khét. Điều đặc biêt là đối với các loại bánh khác, người ta có thể kết hợp với các loại món ăn khác nhau như bánh đúc với đậu rán, bánh cuốn với chả hoặc thịt quay… nhưng đến cái thứ bánh tẻ này thì tôi chưa thấy ai ăn với thứ khác bao giờ, có chăng chỉ ăn kèm với nước mắm hay tương, có lẽ vì bản thân cái vị thanh mát, đậm đà của hành mỡ bên trong đã đủ để ẩm khách hài lòng mà không ngó ngàng tới việc kết hợp với các món ăn khác. Chính vì thế mà bánh tẻ trở thành món ăn mộc mạc mà đằm sâu tinh túy đất trời… Chỉ một lần thưởng thức mà nhớ mãi.

Nếu ai đó bảo rằng bánh tẻ là thứ quà nhà quê thì có một hôm nào đó, bạn thử đi qua những cửa hiệu buôn bán sầm uất trên dãy phố cổ mà chợt thấy bà chủ tiệm sai người làm mua bằng được vài tấm bánh tẻ mới biết được người Hà Nội thích ăn bánh tẻ đến như thế nào. Bánh tẻ bây giờ về hình dáng có thể đã khác xưa, lạt tre thay bằng dây nilon, lá dong thay bằng lá chuối cho tiện và rẻ hơn nhưng cách chế biến và hương vị thì chẳng thể nào đổi khác được. Vẫn phải là cái vị ngầy ngậy mà không béo, giòn vừa thôi, mà lại thoang thoảng một mùi nồng rất nhè nhẹ của nước vôi, để rồi thể nào cũng cố tìm về tận gốc để lại thêm một lần thưởng thức, thêm một lần nhớ mãi những hương vị thảo thơm của đồng đất quê làng, đơn sơ mà thuần khiết, giản dị mà sâu xa, đã và mãi mãi là cội nguồn của mỗi người dân đất Việt.

LAN HƯƠNG