Những câu hỏi xin được người cộng sản Việt Nam trả lời

Hoàng Hưng

Theo thông báo của ĐCSVN thì từ nay đến cuối năm 2010, Đảng sẽ đưa ra dự thảo nghị quyết Đại hội 11 để lấy ý kiến đóng góp lần lượt của các cơ quan các cấp và cuối cùng là toàn dân. Dù muốn hay không, tương lai của đất nước và dân tộc trong điều kiện hiện nay và một thời gian nữa (lâu hay mau chưa rõ) vẫn được quyết định chủ yếu ở sự cầm chịch của ĐCS; và Đại hội lần thứ 11 sắp tới có ý nghĩa mấu chốt đối với bước ngoặt lớn của vận mệnh quốc gia: VN hoặc sẽ trở nên phụ thuộc hoàn toàn vào siêu cường phía Bắc, lợi ích dân tộc bị hy sinh trước sức ép của ngoại bang, bị nguy hại vì rập khuôn đường lối độc tài của họ để phát triển không bền vững; hoặc sẽ giữ được độc lập tự cường và phát triển bền vững bằng con đường độc lập, dân chủ hóa, phát huy được sức mạnh của toàn dân, tranh thủ được sự hỗ trợ của thế giới văn minh.

Tôi là một công dân Việt Nam ngoài đảng CS, đã sống và làm việc gần 60 năm dưới sự lãnh đạo của ĐCS, đã bằng lời nói và ngòi bút góp chút phần vào những thành tích cũng như sai lầm của Đảng, cũng đã từng là nạn nhân của sự độc tài thiếu sáng suốt của Đảng. Hôm nay, sắp vào tuổi “xưa nay hiếm”, trong phạm vi những từng trải và hiểu biết của riêng mình, cố gắng giữ một cái nhìn công bằng, không thiên kiến, tôi muốn chân thành đối thoại với Đảng về những quyết định của Đảng, những quyết định sẽ chi phối cuộc sống của bản thân tôi, con cháu tôi cũng như tất cả đồng bào tôi. Nhưng trước tiên, để tôi hiểu thật đúng, thật rõ về ĐCSVN của ngày hôm nay, tôi đề nghị những người Cộng sản, bao gồm các nhà lãnh đạo, các nhà lý luận, cho đến đảng viên các cấp: hãy nghiêm túc, thẳng thắn, thật thà trả lời một số câu hỏi sau đây của tôi. Nếu câu trả lời của các vị khách quan, thuyết phục, tối thiểu là phù hợp với Hiến pháp và pháp luật hiện hành của Nhà nước Việt Nam, không né tránh sự thật, tôi xin nguyện sẽ là một trong những người kiên quyết ủng hộ sự độc quyền lãnh đạo của Đảng, chống lại mọi âm mưu xâm hại sự độc quyền ấy, để giữ vững sự ổn định và tiến lên của đất nước.

Tôi xin chia các câu hỏi thành từng cụm vấn đề:

I/ Về con đường phát triển của đất nước:

1/ Mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” mà Đảng đề ra có gì khác với mục tiêu phấn đấu của các thể chế hiện hành ở Mỹ, Pháp, Nhật, Đức, Hàn Quốc, Bắc Âu?

2/ “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” có gì khác với mô hình kinh tế của những nước theo đường lối dân chủ xã hội (social democracy), thị trường xã hội (social market) như Đức, Bắc Âu, nhà nước phúc lợi (welfare state) như Anh…?

3/Ý nghĩa, nội hàm của cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” là gì?

–          Là phân phối công bằng sản phẩm xã hội, bênh vực kẻ yếu, người kém may mắn?

–          Là tiến tới xóa bỏ tư hữu tư liệu sản xuất?

–          Là tiến tới xóa bỏ bóc lột giá trị thặng dư?

–          Là sự thống trị của bộ phận kinh tế sở hữu nhà nước trong đó có sự độc quyền về những ngành then chốt?

–          Là độc quyền lãnh đạo của ĐCS?

4/ Nền độc lập dân tộc đang và sẽ bị đe doạ chủ yếu từ phương Bắc hay phương Tây?

5/ Giữa âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ độc quyền lãnh đạo của ĐCS với âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm thôn tính nước VN, cái nào nguy hiểm cho dân tộc hơn?

II/ Về bản chất của Đảng Cộng sản VN:

1/ Có bao nhiêu đảng viên CS hoặc vợ/chồng, con cái của họ là chủ cơ sở kinh tế tư nhân sử dụng người làm thuê?

2/ Có bao nhiêu đảng viên có tài sản trị giá từ 5 tỷ đồng trở lên, có thu nhập bình quân trong gia đình từ 50 triệu đồng/năm trở lên, có từ 1 người con du học ở các nước tư bản?

Trong số ấy có bao nhiêu là quan chức của Đảng và Nhà nước?

3/ Có bao nhiêu đảng viên là công nhân trực tiếp sản xuất?

4/ Có bao nhiêu đảng viên cho rằng học thuyết Mác-Lênin, chủ nghĩa cộng sản cho phép tích lũy tư hữu tư liệu sản xuất thay vì xóa bỏ nó?

5/ Có bao nhiêu đảng viên thực lòng tin rằng mình vào đảng là để phấn đấu cho lý tưởng cộng sản thành công trên đất nước này?

III/ Về sự độc quyền lãnh đạo của ĐCS:

1/ Độc quyền lãnh đạo của ĐCS có đồng nghĩa cả nước chỉ có 1 chính đảng duy nhất?

2/ Độc quyền lãnh đạo có đồng nghĩa 90% cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, 90% đại biểu Quốc hội phải là đảng viên CS?

3/ Có đồng nghĩa mọi cấp mọi ngành phải có 1 cơ quan của Đảng song song với bộ máy chính quyền?

4/ Có đồng nghĩa việc lớn việc nhỏ trong ba quyền (lập pháp, hành pháp, tư pháp) đều do các cấp ủy quyết định sẵn, cơ quan dân cử chỉ có việc biểu quyết thông qua và chính quyền chỉ làm nhiệm vụ chấp hành, cơ quan tư pháp chỉ làm công việc hợp thức hóa?

5/ Tại sao lại thay khẩu hiệu “Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân…” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra thành “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân”?

6/ Tại sao lại tránh trớ việc “luật hóa” sự lãnh đạo của ĐCS, một việc rất cần thiết để tránh nguy cơ người thay mặt Đảng lạm quyền, đứng trên pháp luật, dẫm chân vào sự điều hành của chính quyền?

V/ Về lòng tin của nhân dân đối với đảng:

Đảng có dám làm một cuộc thăm dò rộng rãi dư luận nhân dân (nếu không là trưng cầu dân ý) một cách vô tư trung thực (không dùng mánh lới kiểm soát, khống chế) với những câu hỏi như sau:

1/ Có tán thành để ĐCS tiếp tục độc quyền lãnh đạo đất nước?

2/ Đảng độc quyền lãnh đạo nhưng nên đổi tên, thay từ Cộng sản bằng từ khác?

3/ Độc quyền lãnh đạo nhưng phải thay đổi tận căn bản cơ chế, phương pháp lãnh đạo, trước hết là thực hành dân chủ ngay trong nội bộ Đảng và thực sự tuân thủ nền pháp trị?

4/ Nên có hai Đảng với chiến lược khác nhau (tuy vẫn chung 1 mục tiêu “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”) thay nhau lãnh đạo theo sự lựa chọn định kỳ của nhân dân thông qua bầu cử?

5/ Nên có thêm vài đảng khác cùng với Đảng CS tham gia quản lý đất nước?

VI/ Về lòng tin của Đảng đối với nhân dân:

1/ Đảng có cho rằng trình độ dân trí, đặc biệt là giác ngộ chính trị, của nhân dân VN hiện nay thấp hơn nhân dân các nước Thái Lan, Indonesia, Philippin, Campuchia…?

2/ Đảng có cho rằng nhân dân dễ tin theo những luận điệu xuyên tạc, nói xấu đảng của các thế lực thù địch với đất nước?

3/ Đảng có tin rằng trong thời đại ngày nay, có thể dùng hệ thống tuyên truyền một chiều để làm cho dân tin vào những điều sai sự thật, ngược lại có thể ngăn chặn những thông tin nói lên sự thật nhưng không có lợi cho người cầm quyền?

4/ Đảng có tin rằng nếu công khai cho dân biết những công việc của đảng có ảnh hưởng lớn đến quyền lợi chung của nước của dân, như những tranh luận trong Đảng về đường lối phát triển đất nước, về nhân sự sẽ lãnh đạo bộ máy nhà nước; ngân quỹ của Đảng, tài sản của đảng viên cao và trung cấp, hoạt động kinh tài của Đảng, thì dân sẽ càng tin tưởng và yêu quý Đảng?

5/ Có thể thực sự thi hành tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do biểu tình, tự do tín ngưỡng (không cần sự kiểm soát gắt gao của hệ thống phối hợp đảng-hành chính-công an) mà không sợ mất quyền lãnh đạo, ngược lại càng tăng uy tín của Đảng, vì Đảng tự tin mình luôn là chính nghĩa, và đại đa số nhân dân luôn tin tưởng vào Đảng và trung thành với Đảng?

Trên đây là những câu hỏi của một công dân trung bình, không đi vào lý luận về chính trị, triết học, nhưng rất thiết thực, cụ thể để hiểu thực chất của một chính đảng mà mình phải gửi gắm sinh mệnh, tương lai của bản thân và con cháu vào tay. Kính mong sớm được phúc đáp.

TP HCM, 19/3/2010

HH, 68 tuổi, làm thơ, viết báo, dịch sách

@BauxitVN

Mùa xuân hoa nở đầy vườn

Sau những cơn mưa, trời ấm dần, hoa nở khắp nẻo vuờn cho một mùa xuân thật vui mắt….

Một cành hoa lê

Hoa đào nở rộ


Hoa dại phủ kín sau nhà


Hoa cúc Phi Châu

Trái chanh to thế !

Cỏ xanh rờn dưới chân những cây cọ già

Đối đầu với Trung Quốc

Paul Krugman

(giải thưởng kinh tế Nobel 2008)

Bình luận trên New York Times, 15/3/2010

Đỗ Trọng Tiến phỏng dịch

Tình hình càng ngày càng căng về chính sách kinh tế của Trung Quốc (TQ), và thật đáng như vậy. Chính sách của Trung Quốc giữ cho đồng nhân dân tệ (NDT) thấp giá so với tiền của các nước khác đã làm chậm việc phục hồi kinh tế toàn cầu. Ta cần phải hành động.

Vấn đề có thể hiểu được như sau: Nhiều nước đã than phiền từ năm 2003 là TQ đã dùng thủ thuật tiền tệ, bán đồng NDT và mua ngoại tệ để hạ thấp giá trị của đồng NDT và làm hàng hóa TQ xuất khẩu có tính cách cạnh tranh. Vào thời điểm đó TQ thu vào ngân khố khoảng 10 tỉ đôla tiền dự trữ mỗi tháng, và năm 2003 có được thặng dư xuất nhập là 46 tỉ đôla.

Ngày nay, TQ thâu vào ngân khố 30 tỉ đôla mỗi tháng và có 2400 tỉ đôla tiền dự trữ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế tính rằng TQ sẽ có cán cân xuất nhập dương là 450 tỉ đôla vào năm nay (2010), nghĩa là 10 lần nhiều hơn năm 2003. Đây là một chính sách trao đổi tiền tệ méo mó nhất từ xưa tới nay mà một nước lớn đã theo đuổi.

Và đó cũng là một chính sách làm thiệt hại cho các nước khác trên thế giới. Hầu hết các nước có kinh tế lớn trên thế giới đều bị vướng vào cái bẫy tiền tệ không lưu thông – kinh tế rất chậm nhưng không thể phục hồi bằng cách giảm lãi suất bởi vì lãi suất đã xuống gần số không. Với thủ thuật tiền tệ làm tăng cán cân xuất nhập một cách vô lý, TQ mặc nhiên đã cản trở việc kích động kinh tế tại các nước này mà họ không sao tìm cách chống lại.

Trước tình hình này, chúng ta phải làm gì? Trước hết, Bộ Tài chính Hoa Kỳ không nên dối trá các con số và che giấu sự kiện.

Theo luật, Bộ Tài chính phải xuất bản hai lần mỗi năm báo cáo về các nước “có thủ thuật xảo trá về hối suất giữa tiền nước họ và đồng đôla với mục đích cản trở việc thanh toán sự mua – trả hoặc trục lợi bất xứng trong mậu dịch quốc tế”. Nội ý của luật thật là rõ ràng: báo cáo phải đặt trên sự kiện chứ không phải chỉ nói chính sách. Nhưng trong thực tế, Bộ Tài chính đã không muốn hành động gì về đồng NDT và không muốn làm việc luật pháp đòi hỏi là phải cắt nghĩa cho Quốc hội biết là tại sao lại không hành động. Thay vào đó, Bộ Tài chính đã làm như không nhìn thấy sự thật hiển nhiên này trong sáu bảy năm qua.

Chúng ta hãy xem báo cáo vào ngày 15 tháng 4 này còn như vậy không.

Nếu Bộ Tài chính kết luận rằng TQ đã dùng thủ thuật tiền tệ thì ta sẽ phải làm gì? Trước hết, ta phải đánh tan một điều hiểu sai thông thường: ta không dám khiêu khích cho TQ bán tống tháo công phiếu đôla vì TQ đã làm Hoa Kỳ bị ở thế kẹt.

Ta nên hỏi: Điều gì sẽ xẩy ra khi TQ muốn bán một số lớn các công phiếu Mỹ? Lãi suất sẽ tăng phi mã ư? Lãi suất ngắn hạn sẽ không thay đổi vì ngân khố đã giữ lãi suất ở mức gần zero và sẽ không tăng cho tới khi tỉ số người thất nghiệp hạ. Lãi suất dài hạn có thể sẽ tăng đôi chút, nhưng chính ra sẽ được định đoạt bởi sự tiên đoán của thị trường về lãi suất ngắn hạn ở thời điểm tương lai. Ngân khố cũng có thể chống lại hệ quả về lãi suất do việc TQ làm, bằng cách bành trướng việc mua công khố phiếu dài hạn.

Dĩ nhiên nếu TQ bán tống tháo công phiếu Mỹ thì đồng đôla sẽ hạ giá so với các tiền tệ khác như đồng euro. Nhưng đó lại tốt cho Hoa Kỳ, bởi vì hàng hóa của ta sẽ có thể cạnh tranh hơn và càn cân xuất nhập của ta sẽ tốt hơn. Ngược lại, TQ sẽ thiệt thòi vì tài sản tính bằng đôla bị thua lỗ. Nói tóm lại, hiện nay Hoa Kỳ làm TQ ở thế kẹt, chứ không phải là ngược lại.

Vậy thì ta không có lý do gì phải sợ TQ. Nhưng ta phải làm gì?

Có người vẫn cho rằng ta phải lý luận nhẹ nhàng chứ không nên đối đầu với TQ. Nhưng ta đã lý luận với TQ bao nhiêu là năm mà vẫn chẳng đi tới đâu, trong khi đó thì ngân khố TQ tăng phồng. Vào ngày 13/3/2010 Thủ tướng Ôn Gia Bảo của TQ tuyên bố kỳ cục là tiền tệ của TQ không phải giá thấp. Và ông Ôn còn cáo buộc các nước khác là muốn hạ giá đồng tiền của mình để tăng xuất khẩu, một việc mà chính TQ đang làm. (Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tTế Peterson phỏng tính rằng đồng NDT bị thủ thuật làm thấp giá từ 20 tới 40 phần trăm.)

Nhưng nếu lý luận ngọt ngào không ăn thua thì ta còn có cách nào khác? Vào năm 1971, Hoa Kỳ đã giải quyết một vấn đề tương tự nhưng không trầm trọng như bây giờ về việc các đối tác mậu dịch giảm giá tiền tệ của họ, bằng cách đánh thuế 10% vào hàng nhập khẩu. Và Hoa Kỳ loại bỏ thuế này vài tháng sau khi Đức, Nhật và các nước khác tăng hối suất tiền nước họ so với đồng đôla. Ngày nay, khó mà TQ thay đổi chính sách tiền tệ trừ phi phải đối diện với một hành động tương tự. Nhưng lần này sự tăng thuế hàng TQ nhập khẩu vào Mỹ phải lớn hơn, ví dụ 25 phần trăm.

Tôi không đề nghị chính sách cứng rắn này một cách hời hợt. Bởi chính sách tiền tệ của TQ đang làm tăng các khó khăn kinh tế của thế giới khi các khó khăn này đã rất nặng nề. Đã đến lúc ta cần phải quả quyết.

@ BauxitVN

Phải chăng Bộ Chính Trị Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết một trận hơn thua với Hoa Kỳ?

Ambrose Evans-Pritchard

The Telegraph, 14 tháng 3, 2010

Túy Vân phỏng dịch

Xung đột âm ỉ từ lâu giữa hai đại cường thế giới đang đến hồi gay cấn có nhiều nguy biến cho hệ thống mậu dịch toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay ông Zhou Wenzhong, Đại sứ Trung  Quốc tại Mỹ, trên Vạn Lý Trường Thành. Ảnh của ReutersHinh Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay ông Zhou Wenzhong, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, trên Vạn Lý Trường Thành. Ảnh của Reuters

Trung Quốc (TQ) đã quá say mê với đà hùng cường của mình. TQ đã nhầm lẫn chính sách mềm mỏng của Obama là yếu đuối, nhầm lẫn cơn khủng hoảng tín dụng tại Hoa Kỳ (HK) là Mỹ xuống dốc, và nhầm lẫn cái bong bóng ngoại thương của mình là TQ có uy thế của một đại cường. Quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung hiện nay đang vang vọng những cuộc tranh cãi giữa Anh và Đức trước Thế chiến I, khi Berlin dưới đế chế Wilhelm đã hiểu lầm nghiêm trọng về cán cân lực lượng chiến lược tại châu Âu và vì thế đã đi quá đà.

Trong vòng tháng tới, Bộ Tài chánh HK phải ra quyết định là TQ có phải là một quốc gia “đã dùng thủ đoạn tiền tệ để thao túng thị trường” hay không; nếu đúng thế HK sẽ tuân thủ luật pháp đã có sẵn mà đưa ra những hình phạt về mậu dịch với TQ. Tình hình này trước đây còn được châm chế, nhưng nay thì khác: chúng ta đang ở trong một thế giới hoàn toàn mới với nạn thất nghiệp ở mức U6, có đến 16.8% người thất nghiệp kể cả những người khiếm dụng hay không còn muốn đi kiếm việc làm.

“Một lần nữa, Bộ Tài chánh khó nhắm mắt trước sự kiện rõ mồn một là TQ đang dùng thủ đoạn tiền tệ để thao túng thị trường. Nếu không đưa ra một lời đe dọa khả tín, chúng ta sẽ không đi tới đâu”, kinh tế gia Paul Krugman, người được giải Nobel kinh tế năm 2008 đã phát biểu như thế.

Về phía TQ, Thủ tướng Ôn Gia Bảo vẫn giữ thái độ hung hăng thách đố.

Ông Ôn Gia Bảo đã nói hôm qua: “Tôi không nghĩ đồng nguyên (yuan) được định giá ở mức quá thấp. Chúng tôi phản đối những quốc gia chỉ biết xỉa xói người khác và thậm chí còn đòi quốc gia khác phải tăng giá trị tiền tệ của mình”. Một lần nữa, ông đòi HK phải thực hiện “những bước cụ thể để trấn an giới đầu tư” về sự an toàn tài sản đầu tư tại Hoa Kỳ.

Ôn Gia Bảo còn tuyên bố: “Một số người cho rằng TQ càng ngày càng trở nên kiêu ngạo và cứng rắn. Một số người đưa ra lý thuyết về cái gọi là ‘TQ say men chiến chắng’. Nhưng lương tâm tôi không hề bị hoen ố trước những lời bôi bác đến từ bên ngoài.”

Mấy hôm trước đó Quốc vụ viện TQ lên án HK đã gây ra hàng loạt hành động gian ác. Cơ quan này nói: “Tại HK, quyền dân sự và quyền chính trị bị Chính phủ hạn chế và vi phạm nghiêm trọng. Quyền của công nhân cũng bị chà đạp”.

Và họ nói: “Hoa Kỳ, với lực lượng quân sự hùng mạnh của mình, luôn luôn theo đuổi mộng bá quyền thế giới, chà đạp chủ quyền của các quốc gia khác và xâm phạm nhân quyền của họ”.

Giọng điệu của Quốc vụ viện TQ tiếp tục: “Trong lúc thế giới đang chịu thảm họa nhân quyền nghiêm trọng vì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, mà đầu mối là do khủng hoảng địa ốc tại Mỹ, thì chính phủ HK lại bừng bừng lên án nhiều nước khác”.

Phải chăng Bộ chính trị TQ đang ngây ngất với khói cần sa?

Tôi muốn để người khác bàn luận về cái đúng cái sai trong lời cáo buộc trên của TQ, mà bản thân nó chỉ là một phản ứng đáp lại bản tường trình của HK về hành vi của TQ. Rõ ràng là Bắc Kinh chối phăng trách nhiệm của mình về những bất quân bình trong cán cân mậu dịch toàn cầu, một sự kiện nằm đằng sau cuộc khủng hoảng tín dụng. Thật ra, trách nhiệm của TQ nằm ở chỗ đã đẩy mạnh thặng dư mậu dịch một cách hệ thống và đã đưa lãi suất dài hạn xuống thấp qua việc ào ạt mua trái phiếu đôla và euro. Dĩ nhiên, các nước phương Tây cũng mắc nhiều sai phạm, nhưng cách nhìn vụ việc của TQ bị méo mó đến độ gần như hoang tưởng.

Điều làm cho tôi chú ý ở đây là đầu óc muốn thách đố của Bắc Kinh. TQ đe dọa trừng phạt bất cứ công ty HK nào  tham dự vào thương vụ vũ khí 6,4 tỉ đôla với Đài Loan, một đe dọa có thể cấm luôn hãng Boeing hoạt động tại TQ và là bước leo thang mới trong cuộc tranh chấp Mỹ-Trung liên quan đến Đài Loan.

Tại Copenhagen, Ôn Gia Bảo đã phái một viên chức thấp đến thương thuyết với ông Obama, một hành vi cố tình hạ nhục Mỹ– và đã được Mỹ hiểu đó là một hành vị sỉ nhục. Tổng thống Mỹ đã xẳng giọng nói: “Tôi không còn muốn đùa bỡn với việc này thêm nữa”. Phát biểu này đã gói ghém thái độ của Nhà Trắng đối với Trung Quốc hiện nay.

Chúng ta đã tự thuyết phục chính mình để tin rằng TQ hiện nay là một quốc gia cực mạnh (a hyper-power). TQ có thể trở thành một quốc gia như thế, nhưng hiện nay thì chưa. Trung Quốc bị vây quanh bởi những quốc gia sẽ trở thành đồng minh của HK khi cuộc đối đầu trở nên nghiêm trọng – như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và  Ấn Độ. TQ còn phải đối diện với một nước Nga đầy gai góc trên một đường biên giới dài 4.000 km, nơi mà dân TQ đang thèm khát di qua sinh sống ở vùng nhiều tài nguyên bên kia Hắc Long Giang. Các quốc gia tân hưng ở châu Á, cùng là Ba Tây, Ai Cập và cả châu Âu đều rất khó chịu với thủ đoạn hạ giá đồng tiền (nguyên) của TQ để bán phá giá các mặt hàng xuất khẩu.

Michael Pettis của Đại học Bắc Kinh lý luận rằng lượng tiền dự trữ khoảng 2.400 tỉ đôla của TQ – có thể lên đến 3.000 tỉ – là một dấu hiệu của thế yếu chứ không phải thế mạnh. Chỉ có hai lần trong lịch sử hiện đại một quốc gia đã tích lũy một lượng trữ kim tương đương với 5 đến 6% tổng sản lượng GDP toàn cầu. Đó là Hoa Kỳ trong thập niên 1920 và Nhật Bản trong thập niên 1980. Cả hai lần đều dẫn đến khủng hoảng kinh tế tại nước đó.

TQ không thể sử dụng lượng tiền dự trữ ấy ở trong nước để chống đỡ cho nền kinh tế của mình. Lượng tiền dư thừa đó là một thứ trọng lượng chết (dead weight), vượt ra ngoài mọi mức cần thiết để có được sự tín nhiệm vĩ mô (macro-credibility). Thật vậy, những lượng tiền dự trữ kếch xù này là hậu quả của một chiến lược bị rối loạn chức năng (dysfunctional strategy), theo đó TQ bắt buộc phải mua 30 – 40 tỉ đôla trái phiếu nước ngoài mỗi tháng, chỉ để giữ thấp trị giá đồng nguyên, không cho nền kinh tế thích nghi với tình hình thực tế của thương mại thế giới. Kết quả là TQ đã đầu tư quá tải vào các hãng xưởng, – làm tràn ngập thị trường thế giới bằng hàng hóa xuất khẩu chỉ có hơn giá sản xuất chút xíu. Lượng thép sản xuất quá mức của TQ hiện nay còn lớn hơn toàn bộ sản lượng thép của châu Âu.

Nước cờ kinh tế này cũng đang mang lại hậu quả đáng ngại cho TQ. Giáo sư Victor Shuh của Đại học Northwestern cảnh báo rằng 8.000 cơ sở tài chính mà các chính quyền địa phương tại TQ dựa vào để nới rộng khả năng vay mượn của mình đã tạo những món nợ và những cam kết cho vay nợ tương đương với 3.500 tỉ đôla, phần lớn liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Shuh cho rằng ngân hàng TQ có thể phải cần Chính phủ tiếp cứu một số tiền xấp xỉ 500 tỉ đôla.

Là chủ nợ của Hoa Kỳ – sở hữu đến 1.400 tỉ đôla gồm công khố phiếu của Bộ Tài chính HK, trái phiếu của các cơ quan, và các văn kiện đầu tư tại Mỹ – TQ có khả năng sử dụng đòn bẩy tài chính của mình. Nhưng sự đời trông vậy mà không phải vậy. Nếu Bộ chính trị ĐCSTQ triển khai sức mạnh ảo tưởng của mình, Washington có khả năng bóp nghẹt nền kinh tế xuất khẩu của TQ bằng cách tức khắc đóng cửa thị trường. Trong trường hợp này, ai sẽ là kẻ bắt giữ ai để đòi tiền chuộc?

Mọi âm mưu trả đũa bằng cách gây ra một cuộc khủng hoảng trái phiếu tại Mỹ sẽ đập ngược vào mặt Trung Quốc và, trong tình thế cực đoan, âm mưu này có thể bị chặn đứng bằng các biện pháp kiểm soát tư bản. Roosevelt đã từng thay đổi luật lệ kiểm soát tài chính năm 1933. Những động thái như thế có thể xảy ra. Hẳn nhiên, Trung Quốc và Hoa Kỳ có tương quan cộng sinh, nhưng nếu một cuộc đụng độ xảy ra thì không có nghĩa là “chắc chắn hai bên đều bị hủy diệt” như người ta vẫn thường rêu rao. Hoa Kỳ sẽ thắng.

Trái với những lý giải đầy tính huyền thoại, tiến trình đi đến chế độ bảo hộ mậu dịch, theo sau Đạo luật thuế quan Smoot-Hawley năm 1930, thực sự đã không gây ra cuộc Đại khủng hoảng kinh tế (1929 – 1940). Vào thập niên 1930, hoạt động mậu dịch suy giảm chậm chạp hơn hiện nay. Bài học rút ra từ đạo luật Smoot-Hawley cho ta biết rằng hàng rào thuế quan mang lại những hệ quả không đối xứng. Nó tác hại ghê gớm cho nước thặng dư hàng hóa (surplus countries), lúc bấy giờ là Hoa Kỳ. Trong khi đó, Anh Quốc là nước thâm thủng mậu dịch (deficit) lại trở nên khấm khá hơn nhờ biết rút về chế độ ưu đãi thuế quan đối với các nước trong Liên hiệp Anh (Imperial Preference).

Barack Obama chưa bao giờ đề cao tự do mậu dịch. Lý thuyết thương mại chính thống này dẫu sao cũng đang bị đe dọa ở phương Tây. Cố vấn kinh tế hàng đầu của Obama, Larry Summers, đã chủ ý buột miệng tại Davos rằng những luận cứ của tự do mậu dịch không còn đứng vững trong việc giao dịch với các nước lớn có thủ đoạn tráo trở mậu dịch. Chính Adam Smith cũng nhận biết điều này, mặc dù những người chủ trương tự do mậu dịch cực đoan luôn dùng danh tiếng của ông để hô hào cho lý luận của họ.

Sự chuyển đổi của Trung Quốc đã diễn ra ngoạn mục kể từ ngày Đặng Tiểu Bình khai thác sức mạnh của tư bản. Nhưng như cựu viên chức ngoại giao George Walden đã viết trong cuốn China: a Wolf in the World? (Trung Quốc: một con sói trên thế giới?), không ai có thể thoải mái với một chế độ vẫn còn bao che cái chủ nghĩa tận diệt đẫm máu của Mao (Mao’s murderous nihilism). Walden còn nhắc nhở chúng ta rằng Trung Quốc chưa bao giờ bỏ qua những tủi nhục dưới bàn tay của phương Tây khi hai nền văn minh chạm trán nhau vào thế kỷ XIX. Trung Quốc vẫn nuôi ý chí phục thù. Ta phải ứng xử thận trọng với Trung Quốc.

@BauxitVN

http://www.telegraph.co.uk/finance/comment/ambroseevans_pritchard/7442926/Is-Chinas-Politburo-spoiling-for-a-showdown-with-America.html