Lượm lặt tin 14-1-13

Đề nghị tử hình hàng chục bị cáo

34 bị cáo bị đề nghị mức án tử hình

34 người có thể bị án tử hình trong vụ xử đường dây mua bán, vận chuyển 32.000 bánh heroin tại tỉnh Quảng Ninh.

Ngày 13/1, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã đề nghị mức án dành cho 89 bị cáo thuộc bốn đường dây buôn ma túy.

Những người này bị cáo buộc tham gia mua bán số lượng ma túy “đặc biệt lớn… có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước với người nước ngoài”.

89 bị cáo đối mặt tám tội danh: mua bán tàng trữ trái phép chất ma túy, làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức, giả mạo trong công tác, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, kinh doanh trái phép, không tố giác tội phạm, đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ.

Bên công tố hôm 13/1 đề nghị mức án tử hình với 34 người, gồm 12 người thuộc đường dây của bị cáo vợ chồng Sa Văn Cầu và Nguyễn Thị Bích Ngọc, 11 người thuộc đường dây Nguyễn Hùng Dũng, 9 người thuộc cặp vợ chồng Nguyễn Văn Tuân-Vũ Thị Thanh Hiền và hai người hoạt động cho bị cáo Nguyễn Thị Hoàn.

9 người khác bị đề nghị mức án chung thân, 9 bị cáo bị đề nghị mức án 20 năm.

Cáo trạng nói từ năm 2006, bị cáo Nguyễn Bích Ngọc, trú tại tỉnh Bắc Giang, cầm đầu đường dây đưa heroin từ Lào vào Việt Nam.

Sau đó công an tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện thêm các đường dây khác, chuyên mua bán, vận chuyển ma tuý đưa về các địa phương Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình…

Truyền thông nhà nước nói dự kiến phiên tòa còn kéo dài đến ngày 20/1.

————————–

Vinashin ‘có lãi hàng nghìn tỉ đồng’

Vinashin trở thành Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (SBIC)

Trong một thông tin gây bất ngờ, Vinashin, từng nợ đầm đìa và mới đây đã đổi tên sau đề án tái cơ cấu, xác nhận có lãi 7.900 tỉ đồng (371 triệu USD) trong năm 2013.

Trả lời báo Sài Gòn Tiếp Thị, Chủ tịch Công ty, Nguyễn Ngọc Sự, giải thích con số này là nhờ tái cơ cấu tài chính, không phải nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Vinashin đã chính thức mang tên mới Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (SBIC) từ ngày 1/1/2014.

‘Giảm lãi vay’

Ông Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin, trở thành tân Chủ tịch của SBIC, trong khi Tổng giám đốc là ông Vũ Anh Tuấn, vốn là quyền Tổng giám đốc Vinashin.

Ông Sự nói với báo Sài Gòn Tiếp Thị: “Tôi phải nhấn mạnh khoản lãi 7.900 tỉ không phải do hoạt động sản xuất kinh doanh mang lại mà là kết quả của hoạt động tái cơ cấu, nhất là tái cơ cấu tài chính.”

“Thực ra, sau khi tái cơ cấu tài chính, chúng tôi được giảm gốc và giảm lãi vay rất nhiều.”

Theo ông, “sau khi được xoá lãi vay thì báo cáo tài chính đã không còn âm nữa mà dương lên rất nhiều”.

Sau khi được xoá lãi vay thì báo cáo tài chính đã không còn âm nữa mà dương lên rất nhiều

Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin, trở thành tân Chủ tịch của SBIC

Ông Sự cho biết SBIC chỉ còn giữ lại tám doanh nghiệp đóng tàu, “sẽ thay đổi về chất thật sự”.

Theo vị chủ tịch, SBIC hiện có đối tác Damen, tập đoàn của Hà Lan, đã đầu tư vào ba công ty của SBIC.

“Damen đã ký thoả thuận ghi nhớ, theo đó họ sẽ mang hợp đồng từ các nước khác về cho các công ty của SBIC đóng tàu, họ cũng sẽ lo tài chính,” ông Sự giải thích.

Theo báo cáo của tập đoàn Vinashin vào tháng 09/2013 thì trong tám tháng đầu năm 2013, tổng doanh thu của Vinashin mới đạt 39,67% kế hoạch của cả năm, đạt mức 2.700 tỷ đồng, tương đương khoảng 130 triệu đô la Mỹ.

Tháng Tám 2012, trong phiên tòa phúc thẩm, chủ tịch Vinashin, Phạm Thanh Bình, bị tòa giữ nguyên phán quyết 20 năm tù.

Ông Bình bị tuyên có tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong vụ án Vinashin, còn có bảy người khác bị các án phạt từ 10 đến 19 năm tù.

Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong một thông báo năm 2010, cho biết Vinashin khi đó nợ 86.000 tỉ đồng.

Hồi tháng 9/2013, Vinashin được Tòa thượng thẩm của Anh chấp nhận cho tái cơ cấu khoản nợ không trả được theo luật Anh.

Đây là lần đầu tiên một công ty nước ngoài không có hoạt động, cũng không có tài sản ở Anh, được tòa án Anh tạm bác đơn của chủ nợ cho tới khi việc tái cơ cấu có kết quả.

Đơn kiện phát sinh các khoản vay liên quan tới việc Vinashin, công ty thuộc sở hữu nhà nước, phát hành 600 triệu đô la trái phiếu quốc tế hồi năm 2007, với thời hạn tám năm và được Chính phủ Việt Nam viết thư ủng hộ cho giao dịch vay.

Lẽ ra Vinashin đã phải trả khoản đầu tiên, 60 triệu đô la, vào cuối năm 2010 nhưng không trả được.

‘Mở rộng điều tra’ vụ Bầu Kiên

Ông Kiên được cho là một trong những doanh nhân giàu có nhất Việt Nam.

Tòa tại Hà Nội trả hồ sơ vụ án kinh tế tại Ngân hàng ACB để làm rõ vai trò và dấu hiệu đồng phạm của các bị can, theo báo Bấm An ninh Thủ đô.

Báo này dẫn chiếu tới điều họ gọi là các phân tích của Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội muốn làm rõ vai trò đồng phạm của các bị can trong hai hoạt động chính.

Hoạt động thứ nhất được mô tả là việc làm “vi phạm Luật các Tổ chức tín dụng” theo đó lãnh đạo ACB “ủy thác cho nhân viên mang tiền của ngân hàng đi gửi vào các ngân hàng khác để vừa nhận được lãi suất tiền gửi, lại vừa được hưởng “hoa hồng”, khuyến mại theo quy định của từng ngân hàng.

Cựu Tổng Giám đốc Lý Xuân Hải bị cáo buộc “đã chỉ đạo và ủy quyền cho kế toán trưởng thực hiện việc ủy thác hơn 718 tỷ đồng cho 19 nhân viên của ACB gửi tiền tiết kiệm vào Vietinbank – Chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh.

“Toàn bộ số tiền gửi này đã nhanh chóng bị Huỳnh Thị Huyền Như – nguyên quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, thuộc Vietinbank – Chi nhánh TP Hồ Chí Minh sử dụng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt hết,” bài báo cho hay.

Hiện đang diễn ra vụ Bấm xử vụ lừa Vietinbank theo dự kiến diễn ra khoảng ba tuần và sẽ kết thúc vào cuối tháng 01/2014.

Bà Huyền Như bị cáo buộc lừa đảo hơn 200 triệu đôla (4.000 tỷ đồng) bằng hình thức huy động vốn tại hai chi nhánh Nhà Bè và TP Hồ Chí Minh của Vietinbank và dùng số tiền trên chi trả cho các khoản tín dụng đen mà bà đã dùng để đầu tư thất bại vào bất động sản, ngoài ra còn bỏ túi 43 triệu đôla, theo nội dung cáo trạng đọc tại tòa.

Hoạt động thứ hai được mô tả là việc cá nhân ông Nguyễn Đức Kiên được Hội đồng Quản trị chấp thuận cấp hạn mức 700 tỷ đồng cho Hội đồng Đầu tư để mua một số cổ phiếu có giá trị tốt và tính thanh khoản cao.

‘Xác định lại’

Tổng Bí thư Trọng hiện là Trưởng Ban Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng Chống Tham nhũng.

Điểm đáng chú ý là bài báo nói về điều họ gọi là Cơ quan Điều tra của Bộ Công an đã đề nghị VKSND Tối cao “truy tố tất cả các bị can nhưng vào thời điểm chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan xét xử (ngày 18/12/2013), cáo trạng lại chỉ truy tố có hai người (Lê Vũ Kỳ và Nguyễn Đức Kiên).

“Tòa án Hà Nội cũng đề nghị VKSND Tối cao xác định lại vai trò, mức độ của Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang và Lý Xuân Hải vì có dấu hiệu đồng phạm với Lê Vũ Kỳ, Nguyễn Đức Kiên ở hành vi đầu tư cổ phiếu,” bài báo cho hay.

Bảy người thuộc dàn lãnh đạo của Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) đã bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố và tổng số tiền thiệt hại do 7 bị can gây ra trong vụ án này được nói là hơn 1.695 tỷ đồng (khoảng 80 triệu USD).

Hồi tháng Mười năm 2013, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nói đã có kết luận điều tra, hoàn tất cáo trang sáu “đại án” để đem ra xử trong năm 2013 trong đó có vụ Bầu Kiên.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh khi tiếp xúc cử tri ở Đà Nẵng trong tư cách đại biểu Quốc hội vào hôm 2/12/2013 nói sẽ đưa ra xét xử vụ án ông trùm ngân hàng Nguyễn Đức Kiên, còn gọi là Bầu Kiên, trước Tết.

Mới đây Trưởng Ban Ban Nội chính Trung Ương Nguyễn Bá Thanh mô tả Ban này đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy công tác phòng chống tham nhũng lên một bước phát triển mới..

“Năm 2014, Ban sẽ tham mưu, thành lập và phục vụ các đoàn công tác của BCĐ kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp,” ông Thanh được truyền thông trong nước dẫn lời.

@bbc

Dương Chí Dũng gọi Tướng Ngọ bằng ‘sim tứ quý’

Ông Dương Chí Dũng đã dùng số điện thoại “sim rác tứ quý” để liên lạc với Thượng Tướng Phạm Quý Ngọ, thứ trưởng Bộ Công An CSVN, và được ông này “mật báo” và xúi đi trốn.

Ông Dương Chí Dũng khai báo tại phiên tòa xử ông Dương Tự Trọng. Ông đã dùng “sim rác tứ quý” để liên lạc với Thượng Tướng Phạm Quý Ngọ, thứ trưởng Bộ Công An.. (Hình: Infonet)

Đây là chi tiết mới được báo Dân Việt bật mí thêm về những lời khai của ông Dương Chí Dũng trong phiên tòa xử người em của ông, đại tá công an Dương Tự Trọng, mà những tờ báo khác chưa dám nói ra.

Từ số điện thoại này, việc mò lần ra về ngày giờ và nội dung, ai gọi, ai trả lời, là vấn đề kỹ thuật không có nhiều khó khăn khi chúng là ký hiệu điện tử được lưu trữ trong hệ thống.

“Khi chủ tọa Trương Việt Toàn hỏi dùng số điện thoại nào để gọi, Dương Chí Dũng trả lời: ‘Tôi đã dùng số sim rác của mình để gọi.’ Số điện thoại của tôi là: 0975.00.8888,” báo Dân Việt ngày Thứ Bảy 11/1/2014 kể lại.

Ngày 8/1/2014 khi tờ Tuổi Trẻ phổ biến trên mạng đoạn audio clip các lời khai của ông Dương Chí Dũng ở phiên tòa nói trên đã bị lược bỏ đoạn này.

Trên đoạn ghi âm của tờ Tuổi Trẻ (sau đã bị gỡ xuống) khai đưa hai lần tiền cho Tướng Ngọ, lần ở Tuần Châu $10,000 và tại nhà Tướng Ngọ $500,000 vào buổi tối ngày 2/5/2012. Các số tiền này là tiền ông Dũng “chạy án” vì Tướng Ngọ là trưởng ban chuyên án điều tra vụ tham nhũng tại Vinalines.

Trước đó, ông Dũng khai đã cầm tới nhà ông Ngọ hai túi tiền tổng cộng $1 triệu, khoảng 20 tỉ đồng, do bà Trương Mỹ Lan (chủ tịch công ty Tân Thịnh Phát ở Sài Gòn) nhờ chuyển để ông này đừng phá chuyện bà ta muốn xí phần đầu tư “chuyển đổi công năng dự án cảng Sài Gòn.” Lời khai của ông Dũng về số tiền hối lộ còn dính cả Bộ Trưởng Công An Trần Đại Quang để ông này nói “anh Ngọ không can thiệp hay gây khó doanh nghiệp (Tân Thịnh Phát) nữa”.

Theo báo Dân Việt “khi Thẩm Phán Toàn hỏi tiếp Dương Chí Dũng gọi cụ thể vào số máy nào, thì ông Dũng trả lời không nhớ cụ thể và cho biết đã lưu trong danh bạ điện thoại của máy di động hay dùng.”

Nhiều phần, số điện thoại này cũng là số điện thoại mà Tướng Ngọ thông báo cho ông Dũng là ông thủ tướng ra lệnh bắt giam và khuyên “chú nên lánh mặt một thời gian”.

Với những dữ kiện như vậy, chỉ trừ trường chính quyền cố tình dìm đi, việc xác định từ số điện thoại “tứ quý” của ông Dũng, việc điều tra ra sự thật chỉ còn là vấn đề thời gian. Thêm nữa, qua cái “sim rác tứ quý” đó, có thể còn rất nhiều điều liên quan đến các vụ hối lộ, chuyện đi trốn của ông Dương Chí Dũng sẽ còn chờ đợi cuộc điều tra.

Trước các thông tin được do ông Dương Chí Dũng cung cấp, Thẩm Phán Trương Việt Toàn đã “công bố quyết định khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước theo quy định tại Điều 263 Bộ Luật Hình Sự.” Không thấy đụng chạm gì đến các số tiền hối lộ mà ông khai ra.

Giữa tháng 12/2013, ông Dương Chí Dũng đã bị tòa án sơ thẩm ở Hà Nội kết án tử hình với hai tội danh “cố ý làm trái các quy định về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng…” và nhận hối lộ khi ông còn làm chủ tịch hội đồng quản trị tổng công ty quốc doanh hàng hải Vinalines. Ông chỉ bị kết tội chung quanh việc mua “Ụ Nổi 83M” vốn chỉ là một đống sắt phế thải nhưng lại được phù phép, đội giá, mua và sửa chữa tổng cộng lên gần $20 triệu trong khi trị giá thật của nó chưa tới $2 triệu cho khối sắt dỉ.

Nhờ sự tiếp tay mánh mung của nhiều người mà băng nhóm ma mãnh của ông đã chia nhau số tiền lại quả $1.66 triệu gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước. Hiện cái “Ụ Nổi 83M” sắt vụn này đang dật dờ ở khu vực cảng Gò Dầu B thuộc công ty cổ phần Cảng Đồng Nai. Tiền chi phí bảo vệ, trông coi, bảo đảm an toàn số tiền tiêu tốn là khoảng 1 tỷ/tháng.

Có vẻ như số tiền mà ông Dương Chí Dũng bỏ ra rất lớn mà kết cục vẫn bị kêu án tử hình, dẫn đến việc ông nhất định tố cáo, khai thật để những người nhận tiền của ông cũng phải gánh phần thiệt hại.

Theo tin tức, sau khi bị bắt từ Cambodia về, ông từng khai những số tiền hối lộ cho những ai. Sau đó, có thể vì áp lực và những hứa hẹn, ông đã đảo ngược lời khai, lại còn viết thư xin lỗi Tướng Phạm Quý Ngọ.

Ông đã không khai lại những điều đó ở phiên tòa xử cá nhân ông và các cộng sự tại Vinalines hồi cuối năm ngoái, mà nay mới tố cáo ngược lại ở phiên tòa mà ông ra làm nhân chứng khi em ông bị xử tội giúp anh chạy trốn.

@NguoiViet