10 điều bạn chưa biết về tiền ảo Bitcoin

Giao dịch đầu tiên, nhân viên chính phủ nhận lương bằng Bitcoin, đại học, thẩm mỹ viện thanh toán bằng Bitcoin… những điều có thể bạn chưa biết về loại tiền này.

Bitcoin là một loại tiền mới được phát minh vài năm trước và gần đây được báo chí thế giới nhắc đến nhiều. Về cơ bản, đây là loại tiền tệ cho phép hai cá nhân thực hiện các giao dịch mua bán, nhưng nó không được quản lý với bất kỳ ngân hàng, chính phủ nào. Khởi điểm với giá trị thấp, nhưng hiện nay 1 Bitcoin đổi được 800-1.000 USD.

1. Ai phát minh ra Bitcoin vẫn còn là điều bí ẩn

Năm 2008, một người được biết đến với cái tên Satoshi Nakamoto đã đăng tải một tài liệu với tiêu đề “Bitcoin: Hệ thống tiền mặt điện tử ngang hàng”. Trong tài liệu này, Nakamoto phát thảo khái niệm về tiền mật mã, không cần tới ngân hàng trung ương hay cơ quan chức năng nào mà vẫn có thể thực hiện các giao dịch tài chính giữa hai người ẩn danh.

Điều đáng nói là không ai biết được chính xác ai là Satoshi Nakamoto. Sau khi Bitcoin được đưa vào sử dụng, Nakamoto ít xuất hiện trên mạng và hoàn toàn biến mất vào giữa năm 2010. Trong khi đó, giá trị của Bitcoin đang dần tăng khiến nhiều người phỏng đoán rằng hiện Nakamoto đã cực giàu có.

2. Bánh Pizza 10.000 Bitcoin

Những ngày đầu hoạt động, giá trị của Bitcoin rất thấp bởi nó vẫn chỉ còn là lý thuyết. Vào ngày 22/5/2010, một người tên Laszlo Hanyecz đã đồng ý chuyển cho một người Anh 10.000 bitcoin để anh này đặt giúp một chiếc pizza của Papa John’s. Sau khi giao dịch hoàn thành, Laszlo đã đăng hình ảnh chiếc Pizza lên mạng để chia sẻ. Đây chính là giao dịch đầu tiên của Bitcoin trong đời thực. Với giá trị hiện này của Bitcoin, đây chính là chiếc pizza đắt nhất mọi thời đại.

3. Cảnh sát trưởng nhận lương bằng Bitcoin

Trên thế giới, từ Bitcoin xuất hiện hầu như mỗi ngày trên báo chí, khiến nhiều người bắt đầu nhận thức về nó và tìm hiểu cách sử dụng. Cảnh sát trưởng của thị trấn nhỏ Vicco, bang Kentucky, Mỹ (dân số dưới 300 người) đã được báo chí nhắc đến khi yêu cầu được trả lương bằng Bitcoin và được cấp trên chấp nhận. Đây chính là nhân viên nhà nước đầu tiên trên thế giới nhận lương bằng tiền điện tử Bitcoin.

4. Trả học phí bằng Bitcoin

Đại học Nicosia tại Cyprus, Hy Lạp đưa ra chương trình Thạc Sỹ khoa học ngành tiền điện tử, và chấp nhận tiền học phí cho chương trình này bằng Bitcoin. Cyprus cũng đang cố gắng để trở thành nơi nóng nhất trên thế giới của các giao dịch bằng Bitcoin.

5. Mất 7.500 Bitcoin do vô tình vứt ổ cứng

Dù việc thiếu nhiều quy định là một phần hấp dẫn của loại tiền tệ này, nhưng điều đó cũng có nghĩa, Bitcoin có thể biến mất nếu ví điện tử của người sử dụng biến mất. James Howells là một trong những người sử dụng Bitcoin từ rất sớm, từng có 7.500 Bitcoin trong ổ cứng. Tuy nhiên, trong một lần dọn dẹp, ông đã vô tình ném ổ cứng đó vào thùng rác.

6. Những Bitcoin bị bỏ quên hiện đáng giá hàng triệu USD

Năm 2009, một người đàn ông người Na Uy tên Kristoffer Koch đã bỏ ra 27 USD để mua 5.000 Bitcoin và hoàn toàn quên lãng việc này. Đến tháng 10/2013, ông chợt nhớ ra số Bitcoin đó, với giá trị hiện nay của chúng, Koch đã có thể mua một căn hộ tại khu vực cho giới giàu có ở Oslo khi bán đi 1.000 Bitcoin.

7. Cuộc hôn nhân sử dụng Bitcoin

Tháng 7/2013, cặp đôi Austin Craig và Beccy Bingham tại Provo, Utah, Mỹ đã thề sẽ không sử dụng tiền tệ nào khác ngoài Bitcoin, và họ đã sử dụng Bitcoin làm phương tiện mua bán thay tiền trong vòng 90 ngày sau khi kết hôn. Họ đã quay lại 90 ngày đó làm tài liệu và tiếp tục cập nhật lên blog của mình.

8. Bitcoin trên vũ trụ

Tỷ phú Richard Bransen luôn là người đi đầu trong xu hướng tiên tiến và dự án mới nhất của ông cũng chấp nhận loại tiền tệ mới Bitcoin. Virgin Galactic, câu lạc bộ du lịch thám hiểm vũ trụ của các tỷ phú hiện chấp nhận Bitcoin trong thanh toán.

9. Dùng Bitcoin để phẫu thuật thẩm mỹ

Trung tâm phẩu thuật chỉnh hình có tên Vanity Plastic Surgery tại Miami, Florida, đã chấp nhận Bitcoin làm phương tiện thanh toán cho tất cả các dịch vụ của mình, bao gồm hút mỡ bụng, nâng ngực…

10. Bài hát đầu tiên về Bitcoin

Hai nhà soạn nhạc có nghệ danh là ZhouTong đã sáng tác và hát các bài hát về Bitcoin dựa trên nền nhạc của các ca khúc nổi tiếng. Ví dụ như bài hát có tên Mr. Bitcoin, sáng tác dựa trên bài Mr. Sandman.

HOÀI THU/TRI THỨC TRẺ

——————————————

Kiếm hàng triệu USD trong 4 ngày nhờ tiền ảo

Tiền ảo Bitcoin đang trở thành mỏ vàng với Sam Cole, Marcus Erlandssona và Andreas Kennemer – giám đốc KnCMiner (Thụy Điển).

Sam Cole và Marcus Erlandssona đã đồng sáng lập KnCMiner. Ảnh: Coin Board

Trong khoảng thời gian 7 – 10/11, giá Bitcoin tăng chóng mặt, từ 264 USD lên 336 USD một đồng. Do thế giới ngày càng cho rằng đồng tiền này sẽ là thay thế đáng tin cậy cho phương pháp thanh toán truyền thống.

Việc này đã giúp KnCMiner bán được 5.000 máy tính chỉ trong bốn ngày. Mỗi chiếc có giá 7.000 USD. Thậm chí, có thời điểm, sản phẩm của họ cháy hàng đến mức KnCMiner thu được 600.000 USD chỉ trong chưa đầy 5 phút. Và dĩ nhiên, họ nhận thanh toán bằng Bitcoin.

Theo Business Insider, có ba cách cơ bản để sở hữu Bitcoin. Thứ nhất là mua, sau đó là bán đồ vật hoặc dịch vụ và nhận thanh toán bằng Bitcoin. Cách cuối cùng là lên mạng và tạo ra chúng (mine).

Tạo ra một đồng Bitcoin rất khó với một máy tính thông thường do phải xử lý hàng loạt thuật toán phức tạp. Phần lớn máy tính không đủ khả năng để làm việc đó.

Vì thế, các công ty như KnCMiner đã tạo ra loại máy tính đặc biệt, dùng các chip xử lý có tên ASIC (Vi mạch tích hợp chuyên dụng). Chúng chỉ chuyên làm một nhiệm vụ, đó là tạo ra Bitcoin. Mới thành lập 7 tháng trước, nhưng KnCMiner đã bán được 5.000 máy tính, thu về hàng chục triệu USD và có khách hàng tại 120 quốc gia.

Andreas Kennemar – CEO KnCMiner cho biết: “Chúng tôi đã nhận thấy nhu cầu sản phẩm tăng đột biến từ quý trước. Tuy nhiên, việc xảy ra trong 4 ngày đó đúng là chưa hề có tiền lệ với KnCMiner, và có lẽ cũng là với cả ngành công nghiệp tạo ra Bitcoin”.

Theo Telegraph, tháng 8 vừa rồi, Bộ Tài chính Đức vừa thông qua điều luật quy định Bitcoin có chức năng của tiền, do đó việc tạo ra Bitcoin sẽ xem như làm ra tiền và phải đóng thuế. Giống như cổ phiếu, cổ phần, bất kỳ khoản lợi nhuận hay hoạt động thương mại nào có sử dụng Bitcoin sẽ là mục tiêu của thuế thặng dư vốn tại Đức, khoảng 25% và những người dùng đồng tiền này cũng phải chịu thuế VAT.

Ra đời năm 2009 trong cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đồng Bitcoin được tạo ra từ tổ hợp mã nguồn phức hợp máy tính. Nói cách khác, đồng tiền được tạo ra từ các thuật toán và do một hệ thống máy tính ngang hàng tạo nên bởi các máy tính của người dùng.

Quá trình xử lý số liệu được gọi là “mining” và thuật toán được thiết lập để ngày càng khó “đào” được Bitcoin. Trong khi đó, tổng số đồng được tạo ra tối đa là 21 triệu. Quy tắc này nhằm đảm bảo không ai có thể phát hành ồ ạt giảm giá trị cũng những đồng tiền đang lưu thông.

Đồng tiền ảo này ban đầu là một phương pháp thanh toán xác lập bởi lập trình viên nặc danh. Hiện giờ, Bitcoin đã vươn xa hơn giá trị ban đầu, người dùng có thể mua bán chính Bitcoin hoặc dùng để quy đổi ra đồng tiền khác, áp dụng từ đánh bạc trực tuyến cho tới mua pizza.

Những U30 giàu nhất sàn chứng khoán Việt

Trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán, số lượng doanh nhân trẻ ngày một nhiều lên. Họ có thể là những người tự thân lập nghiệp hoặc kế thừa sản nghiệp của gia đình.

Tuy vậy, những người ở độ tuổi dưới 30 (U30), tài sản có được chủ yếu vẫn nhờ sự giúp đỡ của cha mẹ. Sau đây là 8 triệu phú U30 nổi bật trên sàn chứng khoán, tất cả đều đang trực tiếp nắm giữ lượng cổ phiếu từ 40 tỷ đồng trở lên.

Không chỉ giàu có, nhiều người còn sở hữu những thành tích học tập rất ấn tượng như Trần Phương Ngọc Thảo, con gái bà chủ PNJ có bằng tiến sỹ đại học Harvard.

Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh – Con gái bà chủ REE: 22 tuổi

Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh là con gái của bà Nguyễn Thị

Mai Thanh, chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của CTCP Cơ điện lạnh (REE Corp).Sinh ra trong một gia đình doanh nhân giàu có, Nhất Hạnh vẫn qcó một thành tích học tập rất đáng nể.Từ năm 2007, khi mới học lớp 10, cô giành chứng chỉ Tốt nghiệp Phổ thông cơ sở Quốc tế. Năm 2009, cô trở thành là một trong những thí sinh đạt điểm IELTS cao nhất Việt Nam khi mới 18 tuổi.Nhờ mua thêm và cổ phiếu REE tăng giá gần gấp đôi trong năm qua, khối tài sản của cá nhân Nhất Hạnh hiện có trị giá hơn 90 tỷ đồng. Tổng cộng, Nhất Hạnh và gia đình hiện đang nắm giữ lượng cổ phiếu REE trị giá xấp xỉ 900 tỷ đồng.

Trầm Khải Hòa – Thành viên HĐQT Sacombank: 25 tuổi

Một nhân vật đình đám trên sàn chứng khoán năm ngoái sau khi cùng cha là ông Trầm Bê gia nhập Hội đồng quản trị Sacombank.Với lượng cổ phiếu Sacombank đang nắm giữ có trị giá hơn 400 tỷ đồng, Trầm Khải Hòa là người giàu nhất sàn chứng khoán ở độ tuổi U30. Trong năm qua không có thông tin gì mới về vị doanh nhân trẻ này.

Nguyễn Minh Nhật – Thành viên HĐQT Alphanam: 25 tuổi

Chưa đầy 26 tuổi nhưng ông Nguyễn Minh Nhật hiện đã có 2 bằng thạc sỹ về quản trị kinh doanh và quản trị tài chính. Ông Nhật được kỳ vọng sẽ thay cha, ông Nguyễn Tuấn Hải, gánh vác tập đoàn Alphanam trong tương lai.Trong một cuộc trao đổi gần đây, ông Hải đã thể hiện sự kỳ vọng rất lớn vào con trai mình. Đối với một số công ty của gia đình, ông Hải sẽ áp dụng hình thức quản trị khá lạ: con trai ông sẽ nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT để hoạch định chiến lược còn cá nhân ông Hải sẽ đóng vai trò là tổng giám đốc trực tiếp điều hành.

Lê Thị Dịu Minh – con gái ông chủ Thủy sản Minh Phú: 27 tuổi

Lê Thị Dịu Minh con cả trong số 4 người gái của ông Lê Văn Quang – chủ tịch tập đoàn thủy sản Minh Phú – doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam.Năm ngoái, Dịu Minh đã bán đi hơn một nửa số cổ phiếu của mình, hiện cô còn nắm giữ hơn 3,1 triệu cổ phiếu, trị giá 76 tỷ đồng.

Hiện tổng giá trị cổ phiếu mà gia đình Dịu Minh sở hữu có trị giá xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.

Đặng Thành Duy – Phó Tổng giám đốc Vinasun: 29 tuổi

Taxi Vinasun có thêm một năm tăng trưởng tốt với giá cổ phiếu tăng cực kỳ ấn tượng: xấp xỉ 180%, đưa lượng cổ phiếu mà Phó TGĐ Đặng Thành Duy nắm giữ tăng lên mức 284 tỷ đồng.Đặng Thành Duy là con trai ông Đặng Phước Thành, chủ tịch Vinasun. Hiện doanh nhân trẻ này là người đứng đầu Vinasun Green, công ty con của Vinasun hoạt động kinh doanh taxi ở địa bàn Đà Nẵng.

Trong thời gian tới, Vinasun dự kiến sẽ nhảy vào thị trường taxi tại Nha Trang và Hà Nội.

Nguyễn Thái Nga – Thành viên HĐQT Bóng đèn Điện Quang: 29 tuổi

Nữ doanh nhân trẻ Nguyễn Thái Nga hiện là cổ đông cá nhân lớn nhất của Bóng đèn Điện Quang với tỷ lệ sở hữu 12,9%, tương ứng lượng cổ phiếu trị giá 96 tỷ đồng.Thái Nga tham gia vào HĐQT Điện Quang từ tháng 4/2013 và hiện còn là giám đốc chi nhánh Hà Nội của Điện Quang. Cô cũng chính là con gái của bà Hồ Thị Kim Thoa, thứ trưởng Bộ Công thương. Bà Kim Thoa là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Điện Quang từ năm 2005 tới năm 2010.

Trần Phương Ngọc Thảo – Con gái bà chủ PNJ: 29 tuổi

Giống như Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh, Trần Phương Ngọc Thảo cũng sinh ra trong một gia đình kinh doanh đầy nổi tiếng và giàu có và cũng có một thành tích học tập rất xuất sắc. Cô đã bảo vệ luận án tiến sĩ kinh tế tại Đại học Harvard.Bố cô là ông Trần Phương Bình Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á còn mẹ là bà Cao Thị Ngọc Dung chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Ngọc Thảo có một thành tích học tập xuất sắc khi du học tại Mỹ. Hiện cô sở hữu 1,8 triệu cổ phiếu PNJ trị giá 56 tỷ đồng và em gái Trần Phương Ngọc Giao sở hữu 2,7 triệu cổ phiếu, trị giá 85 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, 3 người con gái của ông Bình bà Dung còn nắm giữ lượng cổ phiếu ngân hàng Đông Á có mệnh giá xấp xỉ 240 tỷ đồng.

Đỗ Hữu Hậu – Thiếu gia tập đoàn Hoàng Huy: 29 tuổi

Hoàng Huy hiện là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực kinh doanh ô tô, có trụ sở tại Hải Phòng. Đỗ Hữu Hậu là con trai của ông Đỗ Hữu Hạ, chủ tịch Tập đoàn Hoàng Huy.Doanh nhân trẻ này hiện đang giữ chức vụ Thành viên HĐQT của CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS) và sở hữu lượng cổ phiếu HHS trị giá 240 tỷ đồng.

@Doanhnhansagon

Nguyễn Gia Kiểng – Bước vào một năm đầy thử thách

Theo eThongLuan

“…Như vậy nhu cầu khẩn cấp của đất nước trên ngưỡng cửa của một năm đầy bất trắc là thúc đẩy sự hình thành nhanh chóng của một đội ngũ trí thức chính trị, đội ngũ của những người có kiến thức chính trị thực sự và quyết tâm tổ chức lại xã hội một cách hợp lý. Tình hình sau đó sẽ thay đổi hẳn… Điều quan trọng nhất là hiểu rằng tổ chức…”

Chúng ta vừa bước vào một năm mới.

Năm 2014 sẽ là một năm đầy bất trắc.

Kinh tế nước ta sẽ khủng hoảng nặng. Sau nhiều năm che giấu sự thực bằng những con số thống kê giả tạo, chính quyền cộng sản, qua lời bộ trưởng kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh tại quốc hội ngày 24-10 vừa qua, đã phải thú nhận sự thực bi đát là đầu tư phát triển cho năm 2014 sẽ giảm một nửa so với năm trước. Đầu tư có đặc tính riêng của nó. Nó không cần phải giảm, chỉ cần không tăng với tỷ lệ cao hơn năm trước là kinh tế đã bắt đầu suy thoái rồi, vậy mà đầu tư của nước ta trong năm 2014 sẽ giảm và giảm một cách nghiêm trọng như chưa bao giờ thấy. Như vậy kinh tế sẽ suy thoái rất nặng, theo ông Bùi Quang Vinh thì Việt Nam có thể bị tụt hậu so với cả Lào và Campuchia. Hậu quả tức khắc là nhân dân ta sẽ phải trải qua một năm rất khó khăn và sự phẫn nộ sẽ lên tới tột độ.

Cùng với năm 2014, bản hiến pháp mới của chế độ cũng bắt đầu được áp dụng. Sau những thất bại liên tục và những vụ tham nhũng nghiêm trọng được phơi bày cũng như với tình trạng phân hóa trong nội bộ đảng, người ta chờ đợi ở đảng cộng sản một thái độ khiêm tốn. Nhưng điều ngược hẳn lại đã xảy ra. Bản hiến pháp này là một thách đố trắng trợn và xấc xược đối với dân tộc Việt Nam. Nó qui định các lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với đảng cộng sản, trước cả nhà nước. Đây không phải là một bản hiến pháp – hiểu theo nghĩa phải có của một hiến pháp là qui ước sống chung và xây dựng một tương lai chung của một dân tộc – mà chỉ là qui định của một lực lượng chiếm đóng thống trị dân tộc. Trước một lực lượng chiếm đóng thái độ tự nhiên và bắt buộc là chống lại. Chống lại một cách ôn hòa bất bạo động nhưng chống lại một cách dứt khoát và quả quyết. Những người dân chủ ôn hòa nhất cũng đã hiểu như vậy. Nhóm “Kiến nghị 72″ của các trí thức xuất phát từ guồng máy Đảng và nhà nước cộng sản – nhiều người còn là đảng viên cộng sản – đã ra tuyên bố, thay vì kiến nghị – bác bỏ bản hiến pháp này và coi quyền bất tuân dân sự từ nay là chính đáng. Đây là một bước tiến quả quyết và đáng hoan nghênh của trí thức trong nước, lần đầu tiên họ công khai tuyên bố bất phục tùng chế độ. Nó chứng tỏ rằng ngay cả những người cộng sản cũng phải chống lại bản hiến pháp thô bạo này nếu họ còn là người Việt Nam.

Nhưng chính quyền cộng sản có đủ khả năng để thách thức nhân dân Việt Nam không? Chắc chắn là không và đàng nào thì cũng là một thái độ liều lĩnh. Theo những tin tức dần dần được tiết lộ vụ sửa đổi hiến pháp vừa rồi chỉ là một buớc hụt hẫng. Nó đã được manh nha từ trước đại hội đảng lần thứ 11, tháng 01/2011. Mục đích của nó là để rập khuôn theo chế độ Trung Quốc và ông Nguyễn Tấn Dũng đã rất nhiệt tình với việc tập trung mọi quyền lực trong tay một tổng bí thư kiêm chủ tịch nước vì lúc đó ông hoàn toàn tin tưởng sẽ nắm được vai trò này. Nhưng rồi đại hội đã không diễn ra như ông mong muốn vì nhiều vụ tai tiếng – Vinashin, cho Trung Quốc thuê rừng đầu nguồn, bôxit Tây Nguyên, Đường Sắt Cao Tốc Bắc Nam, Vinalines – liên tục được đem ra ánh sáng khiến ông Dũng trở thành người bị chê trách nhất nước và đã không giành được chức tổng bí thư. Tuy vậy dự định sửa đổi hiến pháp vẫn được tiến hành, lần này bởi những người muốn hạ bệ ông trong khi ông Dũng không thể phản đối vi chính ông đã từng bảo vệ nhiệt tình. Kết quả là hiến pháp mới được thông qua và tạo ra một tình trạng hoàn toàn mâu thuẫn với thực tại. Kể từ ngày 01/01/2014, theo bản hiến pháp mới này, mọi quyền lực sẽ được tập trung vào tay chủ tịch nước Trương Tấn Sang, một người không có thế lực đáng kể nào làm hậu thuẫn, trong khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người nắm được cả quân đội, công an và tài phiệt gần như bị tước hết quyền lực. Mâu thuẫn này có thể làm nổ tung chế độ vì hai ông Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng không chỉ tranh giành quyền lực mà còn thù ghét nhau thậm tệ. Phản ứng của ông Dũng ra sao? Nhượng bộ và chấp nhận cơ cấu mới tương đương với chấp nhận bị đào thải và sau đó rất nhiều người thân cận của ông, thậm chí cá nhân ông, sẽ phải chịu số phận của Dương Chí Dũng, nhất là vào lúc chính quyền đang cần những con dê tế thần. Hay đảo chính để nắm quyền? Với thế lực hiện có ông Dũng có thể đảo chính và cũng không sợ bị buộc tội đã không tôn trọng một chế độ tự nó đã mất hết tính chính đáng hay một bản hiến pháp tự nó đã là một sự xúc phạm đối với dân tộc; nhưng ông sẽ chỉ tạo ra một tình trạng không kiểm soát được. Có nhiều triển vọng là ông Dũng không làm gì cả và vẫn cứ tiếp tục cầm quyền như trước, coi như không có gì thay đổi. Trong trường hợp này ông sẽ lố bịch hóa chế độ và tự đặt vào thế vừa không chính đáng vừa không chính danh.

Cũng không thể loại trừ trường hợp là tất cả đã được Trung Quốc dàn xếp rồi và sẽ không có đấu đá ở cấp cao nhất. Nhưng nếu như thế thì nước ta đã mất chủ quyền. Tình hình còn bi đát hơn, nhưng cuộc vận động dân chủ sẽ được thêm chính nghĩa và sức mạnh của một cuộc đấu tranh chống lại ách thống trị ngoại bang.

Một điểm đáng chú ý là một triệt thoái quan trọng của bản hiến pháp mới so với dự thảo sửa đổi được công bố hồi đầu năm 2013. Trong dự thảo ban đầu không có câu “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Như thế có nghĩa là bản hiến pháp mới đã rút lại một thay đổi quan trọng và giữ nguyên chính sách “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của hiến pháp cũ. Nhưng tại sao định thay đổi rồi lại thôi dù không gặp chống đối nào? Có thể giải thích việc bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là một bắt buộc để có thể tham gia khối Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và chế độ đã trở lại đường lối cũ sau khi hy vọng tham gia TPP tan biến. Các cuộc thảo luận để tham gia TPP đã không đưa tới kết quả trong năm 2013 như Hà Nội mong muốn, nhưng việc giữ nguyên vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước sẽ khiến hy vọng được tham gia TPP của Việt Nam trở thành rất mong manh trong tương lai. Đây là một thiệt hại lớn, và sẽ càng làm cho tình hình kinh tế xấu thêm, bởi vì TPP là một khối hợp tác không biên giới quan thuế với trọng lượng kinh tế gần bằng một nửa kinh tế thế giới. Không tham gia TPP cũng có nghĩa là chúng ta sẽ gặp khó khăn trên hai thị trường lớn và thuận lợi nhất cho Việt Nam hiện nay, Mỹ và Nhật.

Đàng nào thì năm 2014 cũng sẽ là một năm đầy ẩn số, đầy thử thách nhưng cũng đầy hy vọng. Đàng nào thì chế độ cộng sản cũng sẽ rất chao đảo vì kinh tế khủng hoảng, nội bộ chia rẽ và quần chúng phẫn nộ. Tình huống này đòi hỏi ở những người dân chủ Việt Nam rất nhiều cố gắng, quyết tâm và sáng suốt.

Chúng ta sẽ gặp những thuận lợi và bất lợi nào?

Một bất lợi cho phong trào dân chủ cần được cảnh báo là hậu thuẫn tại hải ngoại sẽ tiếp tục sút giảm. Cộng đồng người Việt hải ngoại đang ở cao điểm của điều mà các nhà nghiên cứu về các cộng đồng người di dân gọi là “hiệu ứng của thế hệ thứ hai”. Theo họ mỗi cộng đồng di dân đều chỉ ổn vững sau ba thế hệ: thế hệ đầu thương nhớ quê hương nhưng tập trung cố gắng để làm lại cuộc đời và thích nghi với quê hương mới, thế hệ thứ hai hội nhập hoàn toàn vào quê hương mới và không còn quan tâm tới quê hương cũ, thế hệ thứ ba cố tìm lại nguồn gốc của mình. Cộng đồng người Việt hải ngoại đã được hơn 38 năm. Hiệu ứng thế hệ thứ hai đã bắt đầu từ hơn mười năm qua và đã đạt tới cao điểm của nó từ vài năm qua. Ở những mức độ khác nhau tất cả các tổ chức chính trị hải ngoại đều bị tổn hại nặng vì phần lớn thành viên đã già, nhiều người không còn nữa. Thật là đáng tiếc vì lúc này phong trào dân chủ trong nước đang khởi sắc, sự hỗ trợ của hải ngoại đang lẽ phải mạnh lên thay vì yếu đi. Nhưng đây không phải là lỗi của cộng đồng người Việt hải ngoại. Không ai cấm được thời gian trôi qua. Điều thực sự đáng tiếc là phong trào dân chủ trong nước đã ra đời quá chậm. Vào lúc bức tường Berlin sụp đổ, cuối năm 1989, tinh thần tranh đấu ở hải ngoại rất sôi sục nhưng Việt Nam chưa có đối lập dân chủ trong nước. Và chúng ta đã lỡ hẹn.

Hy vọng rằng sự lớn mạnh của phong trào dân chủ trong nước sẽ đem lại sự phấn khởi cho hải ngoại và làm giảm bớt những thiệt hại của hiệu ứng thế hệ thứ hai. Hy vọng này không hão huyền. Một sự kiện rất mới, và thuận lợi, là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đã có một lớp trí thức chính trị. Đây là một thay đổi lớn và sẽ có ảnh hưởng quyết định sau một thời gian dọ dẫm. Một thế hệ trí thức dân chủ mới đang nhập cuộc, thế hệ của những người ở lứa tuổi 25 -35, đã học xong đại học hay cao đẳng nhưng phần lớn không tìm được việc làm phù hợp; họ được thông tin đầy đủ về tình hình Việt Nam và thế giới và ngày càng phẫn nộ trước một chính quyền vừa bạo ngược vừa tồi dở và tham nhũng. Trái với thế hệ đàn anh lớp trí thức trẻ này có kiến thức và ưu tư chính trị. Họ đang gặp gỡ trao đổi với nhau trên mạng, họ gần như đã làm chủ được không gian ảo và có thể từ không gian ảo dắt tay nhau bước ra đời thực như một lực lượng dân chủ.

Nhưng làm thế nào để tạo ra lực lượng dân chủ này?

Phan Châu Trinh là nhà tư tưởng chính trị lỗi lạc nhất của Việt Nam trong thế kỷ 20. Tuy vậy trên một điểm ông đã sai lầm và lôi kéo trí thức Việt Nam vào sai lầm. Đó là việc ông đề cao nhu cầu nâng cao dân trí một cách vừa quá đáng vừa hạn hẹp. Khi ông viết “cũng bởi thằng dân ngu quá lợn, cho nên quân đó mới làm quan” ai cũng phải hiểu rằng “thằng dân” có nghĩa là quần chúng Việt Nam. Nhưng hiểu như vậy là rất sai. Châu Âu và Hoa Kỳ đã bắt đầu xây dựng dân chủ vào lúc mà tuyệt đại đa số dân chúng của họ chưa biết đọc biết viết, không hơn gì trình độ học vấn của quần chúng Việt Nam vào thời đại Phan Châu Trinh. Điều khác biệt là họ đã có một lớp trí thức chính trị, nghĩa là những người có học hỏi về chính trị và quyết tâm tổ chức lại xã hội họ một cách hớp lý hơn để vươn lên. Thảm kịch của Việt Nam là chúng ta đã không có lớp trí thức chính trị này chứ không phải vì dân trí thấp. Việc Phan Châu Trinh đặt nặng “khai dân trí” không sai lắm vì lúc đó quả thật trình độ hiểu biết của đa số người Việt còn thấp, nhưng ông đã lôi kéo trí thức Việt Nam vào một sai lầm lố lăng hơn nhiều. Nhiều người khoa bảng cho tới lúc này vẫn còn nghĩ một cách rất tự mãn là Việt Nam chưa có dân chủ bởi vì dân trí Việt Nam – nghĩa là trình độ hiểu biết của quần chúng – còn quá thấp, trong khi sự thực ngược hẳn. Việt Nam chưa có dân chủ bởi vì chính họ quá thấp.

Cần ý thức rằng cho tới nay sự hiểu biết về chính trị của trí thức Việt Nam thấp hơn quần chúng. Điều này thoạt nghe có vẻ vô lý nhưng quả thực là như thế. Tại sao? Trí thức Việt Nam là hậu duệ của giai cấp sĩ ngày xưa và vẫn còn là những kẻ sĩ. Nhưng giai cấp sĩ là gì? Đó là những người mà nghề nghiệp và ước mơ là làm tay sai cho các vua chúa để đàn áp và bóc lột quần chúng. Các vua chúa quyết định chính sách, nghĩa là làm chính trị. Người dân chịu đựng chính sách nên cũng cảm nhận được chính trị. Nhưng kẻ sĩ chỉ là dụng cụ của các vua chúa. Và những dụng cụ không suy nghĩ. Một cách tương tự cho tới một ngày gần đây những người “trí thức xã hội chủ nghĩa”, đôi khi cũng được gọi là những người “lao động trí óc” chỉ là công cụ thống trị của Đảng Cộng Sản. Họ không quyết định chính sách như những người lãnh đạo Đảng mà cũng không phải là nạn nhân của chính sách như quần chúng. Về mặt chính trị họ là những người ngoài cuộc. Họ đứng ngoài chính trị và không hiểu chính trị, ngay cả nếu chính vì không hiểu họ tưởng là mình hiểu.

Như vậy nhu cầu khẩn cấp của đất nước trên ngưỡng cửa của một năm đầy bất trắc là thúc đẩy sự hình thành nhanh chóng của một đội ngũ trí thức chính trị, đội ngũ của những người có kiến thức chính trị thực sự và quyết tâm tổ chức lại xã hội một cách hợp lý. Tình hình sau đó sẽ thay đổi hẳn. Bởi vì chỉ cần học hỏi một cách nghiêm túc người ta sẽ hiểu ngay rằng chỉ có thể giành thắng lợi cho dân chủ nếu có được một tổ chức dân chủ mạnh. Sẽ không còn những trí thức nói một cách hãnh diện rằng mình không thuộc một tổ chức nào cả. Và chúng ta sẽ có đủ kiên trì và nhẫn nại để xây dựng tổ chức thay vì phí uổng thời giờ và sinh lực để tìm kiếm những tiếng vang nhất thời. Điều quan trọng nhất là hiểu rằng tổ chức là điều quan trọng nhất.

Xây dựng một tổ chức lớn mạnh đòi hỏi rất nhiều thời giờ trong khi những biến chuyển của năm 2014 và giai đoạn sắp tới có thể sẽ rất dồn dập và không cho chúng ta thời gian cần thiết. Chúng ta có thể nghĩ đến một Mặt Trận Dân Chủ qui tụ nhiều tổ chức trên một kế hoạch chung trong giai đoạn chuyển tiếp. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẽ tham gia một cách quả quyết và với tất cả sự khiêm tốn. Giành thắng lợi cho dân chủ là mục tiêu duy nhất.

Vậy thì cùng với lời chúc một năm 2014 an khang hạnh phúc chúng ta cũng chúc nhau nghị lực, sáng suốt và may mắn để làm cố gắng lịch sử đưa đất nước ra khỏi bóng đêm của độc tài và vào vùng ánh sáng của tự do và dân chủ.

Nguyễn Gia Kiểng
(01/01/2014)

Việt Nam ‘phải ưu việt hơn về dân chủ’

Thủ tướng Dũng nói động lực từ những cải cách trước đã “không còn đủ mạnh”

Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh vai trò của đổi mới thể chế trong thông điệp đầu năm, đồng thời cho rằng xã hội chủ nghĩa là chế độ “phải ưu việt hơn về dân chủ”.

Trong bài viết được các báo trong nước đăng toàn văn hôm 1/1, ông Nguyễn Tấn Dũng thừa nhân năng lực cạnh tranh, tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam đang “chậm lại” trong những năm gần đây.

Bên cạnh đó, “xã hội cũng không có ít vấn đề bức xúc,” ông nhận định.

Theo ông Dũng, nguyên nhân xảy ra những vấn đề nêu trên là do “động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển” và vì vậy, “cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững”.

“Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân”, trích bài viết.

“Ưu việt hơn về dân chủ”

Trong bài viết của mình, ông Dũng nói “dân chủ và nhà nước pháp quyền là cặp song sinh trong một thể chế chính trị hiện đại” và dân chủ là “xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người”.

Mặc dù thừa nhận từ chế động phong kiến lên chế độ tư bản là “những bước tiến dài về dân chủ”, Thủ tướng Việt Nam vẫn cho rằng chế độ xã hội chủ nghĩa sẽ “ưu việt hơn”.

Kinh tế Việt Nam trải qua nhiều biến động trong những năm qua

“Chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng phải ưu việt hơn về dân chủ và Đảng ta phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ,” bài viết có đoạn.

“Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, cũng là nhằm phát huy tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân”.

Bài viết của ông Dũng khẳng định “Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm … Cơ quan nhà nước … chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép”.

Tuy nhiên, ông cũng biện minh rằng “mọi hạn chế quyền tự do của công dân” hiện nay là “nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và những giá trị văn hóa, lịch sử, đạo đức tốt đẹp của dân tộc.”

“Tư tưởng tiến bộ”

Trả lời phỏng vấn BBC ngày 2/1, Giáo sư Tương Lai nói ông “mừng” và “thú vị” trước thông điệp của thủ tướng mà ông cho là đại diện cho một tư tưởng “tiến bộ”.

“Đã lâu lắm rồi mới được nghe một người lãnh đạo có trọng trách nói lên một sự thật lớn lao, một khát vọng của nhân dân,” ông nói.

“Việt Nam giành được độc lập, nhưng độc lập mà không có dân chủ, không có tự do, thì độc lập đó cũng không có ý nghĩa gì.”

Ông cũng cho rằng “người ta biết rõ điều này từ lâu lắm rồi”, nhưng “sợ nếu làm thì sẽ lung lay mất chế độ toàn trị mà người ta đang cố duy trì” và nhận định “đó là nguồn gốc sâu xa đẩy tới sự khủng hoảng toàn diện của xã hội Việt Nam trong thời gian qua”.

“Nhà nước không cai trị bằng pháp luật, mà bằng nghị quyết. Mà nghị quyết là của ai? Của một nhóm người. Đó không phải là cai trị bằng pháp luật”, ông nói.

“Một xã hội toàn trị phản dân chủ thì làm sao xã hội phát triển lành mạnh, nền kinh tế làm sao phát triển bền vững?”

“Vì thế tôi rất thú vị khi ông nhấn mạnh dân chủ và nhà nước pháp quyền là một cặp song sinh trong một thể chế chính trị hiện đại.”

“Phải nói đây là một tư tưởng tiến bộ.”

Vì sao nhắc đến dân chủ?

Bây giờ đòi hỏi thông điệp của ông ấy phải bỏ luôn xã hội chủ nghĩa thì tôi chắc rằng ông ấy không thể tồn tại trên ghế thủ tướng được

Giáo sư Tương Lai

Trả lời câu hỏi của BBC về việc liệu có nên đặt dân chủ chung với Chủ nghĩa xã hội như trong thông điệp của Thủ tướng Dũng hay không, Giáo sư Tương Lai nói:

“Bây giờ đòi hỏi thông điệp của ông ấy phải bỏ luôn xã hội chủ nghĩa thì tôi chắc rằng ông ấy không thể tồn tại trên ghế thủ tướng được.”

“Nhưng khi ông ấy nói rằng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng phải là xã hội gắn với dân chủ và Đảng phải nắm lấy ngọn cờ dân chủ thì tôi thấy nói như vậy, trong bối cảnh hiện nay, thì có thể chấp nhận được.”

“… Đó là nội dung mà chúng ta mong muốn, còn đặt tên cho nó là gì thì có thể tính sau. Cái tôi cần, là nội dung cốt lõi của nó, chứ đừng mượn ngôn từ bịp bợm để lừa dối nhân dân.”

Bình luận về lý do vì sao ông Dũng lại chọn thời điểm này để nhấn mạnh về vấn đề dân chủ, giáo sư Tương Lai cho rằng “muốn được lòng dân, muốn nhân dân tán thành với mình, không có gì hơn là bây giờ phải nói lên sự thật.”

“Tôi thấy đã đến lúc đem vấn đề dân chủ gắn liền với chủ nghĩa yêu nước. Đó là nội dung bức xúc nhất mà người dân Việt nam mong muốn. Ai nói được điều này, là đáp ứng được lòng mong mỏi của dân,” ông nói.

“Cho nên việc nêu vấn đề dân chủ lúc này là rất đúng lúc và kịp thời.”

“Người nào làm được điều đó, sẽ nhận được sự ủng hộ của dân, dù là x,y,z hay a,b,c cũng không quan trọng.”

@bbc