Đọc cuối tuần – Sốt ruột tháng Giêng

Nguyễn Ngọc Tư

unnamedTết nhứt, người miệt miền tây xưa rày hay chưng mâm trái cây mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài mà đọc trại âm là một ước mơ : cầu vừa đủ xài. Mua được giống đu đủ vàng thì coi như cầu đủ vàng. Thay dừa bằng chùm sung một bước lên cầu xài sung. Năm nay người ta bày bán trái gọi là dư, nói gọi là vì những cây có tên rất rủng rỉnh là phát tài hay kim ngân lượng, đều không phải mớ tên sơ khai của chúng. Trái dư này, biết đâu tụi con nít quê xó nào kêu bằng trái chọi (không ăn được thì để chọi nhau chứ biết làm gì) nhưng thứ chỉ bày chơi đó thay đổi chắc nụi mâm quả Tết. Ước vọng trên đó giờ gọn lỏn như vầy : Cầu Dư.

Nó làm cho cái thế cầu vừa đủ xài cả trăm năm nay trở nên khiêm tốn, dù khái niệm “đủ xài” cũng đã là vô cùng. Mâm trái cầu dư trên bàn thờ mờ nhạt lòng thành, lẩn khuất sự tham lam, sự bất kính với vong linh người khuất mặt. Ông bà vốn bó miệng vì sung chát, đu đủ non, giờ chỉ biết ngồi ngó thứ trái lạ mà bọn người kia sợ chết dại không dám rớ. Thời của ngoại tôi, cúng vú sữa đầu mùa lên bàn thờ họ luôn chọn những trái chín ngon nhất. Bà ngoại tin người chết gì cũng biết, có lòng hay chỉ qua quýt họ đều hay. Mâm cúng thành kính xưa giờ nhuốm mùi đổi chác. Không phải ai đội hoa quả đến chùa cũng với tâm thế cho đi, chẳng cầu xin gì. Từ cầu no đủ cho đến cầu dư dả,  trong lòng tham tăng bậc có sự kiên nhẫn xuống thang.

Thời thế gì mà sốt ruột. Nhà hàng xóm lại đổi chiếc xe hơi đời mới. Thằng bạn học giờ là doanh nhân trẻ vào tốp mười cả nước. Cô bạn cùng sở làm vừa sắm túi Cucci. Ông anh bên vợ trúng số. Có hàng ngàn lý do để sốt ruột, nhấp nhổm sau cái quãng chỉ so đo chuyện mâm cơm có thịt hay không có thịt, độn khoai hay không độn khoai. Cơn khát này không phải chỉ giàu, mà phải giàu nhanh như thể thời gian chỉ dành cho những người biết chụp giật, kể cả chụp giật ơn phước của tổ tiên, thánh thần.

Nhìn cảnh người ta giẫm đạp lên nhau xin (hoặc cướp) lộc chốn đền chùa, nghĩ xứ sở gì mà hỗn mang, nhập nhoạng. Không phải vì đạo, vì sự thiêng liêng của đức tin mà người này đạp lên vai, lưng người khác. Trong đám đông cướp ấn đền Trần, hẳn có nhiều người miệt mài làm việc nửa đời mà con đường quan trường vẫn xa. Bạn bè có đứa nhiều tiền nên mua được ghế, có đứa con ông cháu cha nên được nâng đỡ, còn mình bơ vơ chỉ có cách đi xin ấn đền Trần. Như để nuôi một hy vọng. Biết có cày cục làm lụng cả đời thì sự thăng tiến vẫn lừ lừ chậm bước. Những vị trí phải đợi lâu hoặc không bao giờ người ta có được nếu chỉ nhờ vào sức của mình, trong một hệ thống thăng tiến không mấy quan tâm tới khả năng làm việc.

Cái sự cuồng tín với những thứ xung quanh thánh thần (không phải với thánh thần), là hệ thống đức tin sụp đổ. Người ta không quên cái câu có làm thì mới có ăn của ông bà dạy, nhưng nhìn lên họ nhìn thấy nhan nhản những kẻ chẳng làm gì mà vẫn phờn phơ, vẫn ngồi trên trước. Nhìn xuống lại muôn trùng người tốt lăn lóc mưu sinh, sống thua thiệt cả đời. Chỉ có một thứ thay đổi số phận con người : phép màu của thần thánh. Nhưng thần thánh chưa chắc công bằng, biết đâu lại chiều chuộng kẻ có tiền có quyền. Thôi cướp lấy cho chắc ăn. Chẳng có gì chắc chắn trong việc đứng chờ thì sẽ đến lượt mình như là đến tuổi sẽ nhận được số hưu.  

Trong tờ giấy mà mấy chị đàn bà xúi nhau học thuộc lòng để khấn vái lúc đi chùa, bốn chữ gia đạo bình an đứng sau cùng, sau “làm một được hai, trồng một gặt mười…”. Mấy chị, cũng như nhiều người khác, vào chùa không phải để cầu an. Bây giờ, lúc rạp mình trước đức Phật là lúc tâm chúng sinh bất an nhất.

Chịu khó ngồi lâu nhìn tháng Giêng (không chỉ năm nay) thì sẽ thấy nó trở thành một lễ hội vơ vét khổng lồ. Kẻ vét hy vọng từ trời, kẻ vét túi khách hành hương, địa phương vét phí. Đứng ở đền chùa, thấy lòng người đang loạn lạc rõ ràng hơn bất cứ chỗ nào. Vỡ đê đạo đức, cháu vác dao rượt chém bà. Vỡ đê đức tin, lộc trời rủ nhau đi cướp. Mai kia không biết thêm hệ thống tinh thần nào đổ nữa đây, chính quyền nhìn thấy cảnh đền Trần mà không lo thì hơi lạ. Bởi chuyện ở sân đền là họ sốt ruột lắm rồi, đến nỗi giẫm đạp trên đồng loại, đức tin. Ai dám chắc sốt ruột đến thế thì thôi.

Những món thưởng Tết độc cười ra nước mắt

Thưởng Tết bằng hương nhang, tương ớt, quần đùi, giấy vệ sinh… là những món quà Tết cười ra nước mắt và độc bởi chỉ ở Việt Nam mới có.

Cứ vào cuối năm, chuyện thưởng Tết lại trở thành chủ đề “nóng” nhất với mọi người. Bên cạnh những mức thưởng lớn, vẫn có những câu chuyện bi hài xung quanh việc này.

Tặng hương nhang cho người lao động

Một cơ sở sản xuất hương ở Đan Phượng, Hà Nội đã thưởng Tết cho công nhân 100 nghìn đồng/người và mỗi loại hương thắp một bó.

Lý giải việc thưởng Tết bằng món đồ “cây nhà lá vườn” ấy là bởi sếp ở đây quan niệm “Năm hết, Tết đến, nhà nào chẳng phải thắp hương”. Những công nhân ở đây đã phải cười ra nước mắt trước món quà Tết “độc” của sếp mình.

thưởng tết, quần đùi, tương ớt, hương, giấy vệ sinh
“Năm hết, Tết đến, nhà nào chẳng phải thắp hương”.

Mỗi nhân viên 1 thùng tương ớt Theo chia sẻ từ nhân viên của một công ty ở TP.HCM, công ty vừa quyết định thưởng cho mỗi nhân viên một thùng tương ớt ăn Tết, riêng lãnh đạo sẽ được nhận tận 2 thùng.

Dẫu biết rằng năm nay kinh tế khó khăn, thưởng Tết sẽ có thể giảm nhiều, không thể bằng những năm khác, thế nhưng, khi nghe lãnh đạo thông báo thưởng Tết bằng tương ớt thì ai nấy đều bất ngờ.

Dở khóc dở cười với khoản thưởng Tết ấy, nhiều nhân viên còn bàn nhau, mang thùng tương ớt đem bán cho các tiệm tạp hóa, được đồng nào hay đồng ấy.

Thưởng Tết bằng dầu ăn, nước mắm

Chưa hết bất ngờ với thưởng Tết bằng tương ớt, nhiều người tiếp tục ngỡ ngàng vì biết được món quà thưởng Tết bằng hiện vật của các giáo viên vùng cao ở Gia Lai, Kon Tum.

thưởng tết, quần đùi, tương ớt, hương, giấy vệ sinh
Giáo viên được tặng 3 lít dầu ăn và một chai nước mắm làm quà thưởng Tết.

Đồ biếu quà Tết là những món đồ hết sức bình dị, thiết thực cho cuộc sống hàng ngày: 3 lít dầu ăn và một chai nước mắm.

Giấy vệ sinh làm quà Tết

Đó là khoản thưởng Tết của công ty trách nhiệm hữu hạn Truyền thông T.V. Anh N. D, Giám đốc công ty này cho biết: “Đúng là thưởng bằng giấy vệ sinh cũng kỳ, nhưng thực ra giấy vệ sinh thì nhà nhà, người người đều cần đến… Thôi thì thời buổi khó khăn, thà có một tí cho anh em đỡ tủi còn hơn là không có gì”.

Anh cũng nói thêm, ngoài thị trường giá mỗi bịch vệ sinh có giá khoảng 30.000 đồng/ bịch 10 cuộn. Như vậy, nếu tính ra thưởng cho mỗi nhân viên 10 bịch, sẽ tương đương với 300.000 đồng.

Thưởng gạch để sau này xây nhà thì dùng

Chuyện đùa như thật, tại công ty vật liệu xây dựng N.D (trụ sở tại đường Lương Ngọc Quyến – thành phố Thái Nguyên), Giám đốc L.T. đã có ý tưởng sẽ quy tiền thưởng cho nhân viên ra… gạch.

Ông T. cho biết, đặc thù công ty ông là chuyên buôn bán vật liệu xây dựng, nhưng do các cửa hàng của ông đều vắng khách, hàng tồn kho nhiều, chính vì vậy, ông quyết định thưởng cho nhân viên gạch để đó sau này xây nhà sẽ dùng tới, hoặc có thể bán, đổi cho ai cũng được.

Độc đáo quà Tết bằng… 70 cái quần đùi

Những năm gần đây, nhiều công ty may mặc hoạt động không mấy khởi sắc, đơn hàng giảm mạnh, do đó không có tiền chi thưởng Tết.

thưởng tết, quần đùi, tương ớt, hương, giấy vệ sinh
Thưởng Tết bằng 70 cái quần đùi.

Để khích lệ nhân viên, một công ty dệt may tại Hoàng Mai, Hà Nội đã sử dụng ngay sản phẩm của công ty sản xuất thưởng cho nhân viên.

Những năm trước, nhân viên được thưởng một tháng lương, nhưng năm nay, thưởng Tết là 70 chiếc quần đùi.

Trước khoản thưởng Tết độc đáo ấy, nhiều nhân viên phàn nàn rằng vào những ngày đông như hiện nay, thưởng bằng quần đùi thì thật “vô duyên, vô dụng”.

Sốc với thưởng Tết bằng vé ô tô

Dầu ăn nước mắm hay thậm chí là giấy vệ sinh thì có thể lý giải rằng đó là đồ dùng hàng ngày, cần thiết cho cả ngày Tết. Nhưng dùng vé ô tô làm quà Tết thì thật là chẳng giống ai.

Đó là vật phẩm làm quà Tết của một công ty ở khu công nghiệp Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội). Biết người lao động gặp nhiều khó khăn trong việc mua vé tàu, xe về quê ăn Tết thế nên lãnh đạo công ty đã nghĩ ra kiểu thưởng Tết rất “độc” là thưởng vé ô tô.

Theo tiết lộ của một nhân viên tên Thảo, các tổ trưởng trực tiếp quản lý công nhân đã yêu cầu nhân viên mỗi người đóng 100.000 đồng, rồi giải thích là năm nay công ty sẽ có xe ô tô đưa đón mọi người về quê ăn tết.

Vậy nên, ai cũng đăng kí để các sếp lên danh sách, sắp xếp, bố trí xe cho tiện. Nếu ai không đi, sau này sẽ mất 100.000 đồng. Còn nếu ai đi xe của công ty thì ra Tết, khi nào đi làm trở lại sẽ được hoàn tiền. Tuy nhiên, xe chỉ đưa đón chiều về quê, còn tự túc phương tiện từ quê ra Hà Nội.

(Theo Đời sống pháp luật)

Mẹ của Đinh Nguyên Kha trở về Việt Nam sau chuyến đi vận động quốc tế đòi trả tự do cho con trai

Dân Luận tổng hợp
1501074_621871541194418_706035834_o.jpg
8h51 sáng nay, thứ bảy 18/1/2014, gia đình và bạn bè đã tới sân bay Tân Sơn Nhất để đón bà Nguyễn Thị Kim Liên đáp chuyến máy bay từ Manila trở về Việt Nam, kết thúc chuyến đi Hoa Kỳ vận động đòi trả tự do cho con của mình là Đinh Nguyên Kha. Trong hình từ trái qua phải là chồng bà Liên, con gái đầu của bà Liên và cô cháu ngoại đang đợi đón bà.Như Dân Luận đã đưa tin, nhận lời mời của một số tổ chức phi chính phủ quốc tế, bà Liên đã đi Hoa Kỳ vào ngày 5/12/2013 nhằm gặp gỡ giới chức Hoa Kỳ, từ Thượng và Hạ viện cho tới Bộ Ngoại Giao và các tổ chức quốc tế quan tâm đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam.Ngày 16/1/2014 bà Liên đã có mặt tại phiên điều trần của Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos thuộc Hạ Viện Hoa Kỳ, cùng với bà Trần Thị Ngọc Minh (mẹ của tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh), bà Nguyễn Trị Trâm (mẹ của luật sư Lê Quốc Quân) và ông Trần Văn Huỳnh (phụ thân tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức).

1492626_617378678335119_1386332442_o.jpg

Ngay sau phiên điều trần bà Liên đã bay về Manila để quá cảnh về Việt Nam.

891861_594589743946117_1061623184_o.jpg
Blogger Peter Lam Bui đón bà Liên tại Manila.

Nhưng ngay sau khi máy bay hạ cánh, bà đã bị an ninh giữ lại ở sân bay, dù biết sức khỏe của bà không tốt. Anh Đinh Nhật Uy, con trai bà Liên cho biết an ninh đã tách riêng bà Liên và hành lý, đưa vào một phòng riêng chờ giải quyết. An ninh thuộc Bộ Công An đã có mặt tại sân bay, trong đó có những khuôn mặt quen thuộc trong vụ bắt bớ Đinh Nguyên Kha.

Peter Lâm Bùi, người đón bà Liên tại Manila cho biết: “Gần 20 tiếng bay từ Mỹ về Philippines, về đến nhà 1h30 sáng, loay hoay công việc đến 4h00 sáng cô mới chợp mắt chút xíu.

5h00 sáng là phải đi lên sân bay, vì 7h00 là bay về Việt Nam. Cô rất mệt, nhưng vì muốn về sớm gặp chồng con, và ” về mau thăm thằng Kha con ơi, nó nhớ cô lắm rồi, nó trong mẹ lắm mày ơi”. Chắc vì thế mà cô có thể vượt qua sự mệt mõi sau một chặn đường dài như thế, dù cô đang bệnh đau cột sống.

Nhưng về đến quê nhà, chưa phút nghỉ ngơi, chưa gặp được chồng con là bị câu lưu rồi. Mong cho cô mau sớm ra để về nghỉ ngơi, chứ mà theo kinh nghiệm của mình thì tụi này nó chả cho nghỉ ngơi đâu. Nó sẽ làm việc, hỏi lung tung mệt cả đầu (vì toàn hỏi tào lao, và nhảm). Và ít nhất chiều nó mới để cô về.”

Và cuối cùng trong sự trông đợi của bạn bè và gia đình, bà Liên đã ra khỏi khu vực an ninh sân bay để trở về nhà vào lúc 10h09:

Một số hình ảnh trong chuyến đi vận động của bà Nguyễn Thị Kim Liên tại Hoa Kỳ:

1543977_795028967178665_1022323778_n.jpg1080468_795029027178659_1181222436_n.jpg1543817_795029010511994_1668764914_n.jpg1552899_795028927178669_2025918392_n.jpg1558697_795028897178672_59557887_n.jpg

Status facebook trước khi quay về Việt Nam của bà Liên: “Chào bà con FB, mình về quê để thăm nuôi cháu Kha, Kha trông mong Mẹ lắm rồi. Mình xin chúc bà con Hải ngoại năm mới AN KHANG THỊNH VƯỢNG. Mình cảm ơn tất cả bạn bè trên FB đã giúp đỡ mình trong những ngày qua, hẹn gặp lại tại VIỆT NAM nhé.”

Tan hoang nhà đất cuối năm: Lời nào tả nổi?

Giá biệt thự liền kề và nhiều phân khúc khác của thị trường BĐS tiếp tục giao dịch ảm đạm sau thời gian dài giảm giá.

Biệt thự liền kề héo hon

Hàng nghìn căn biệt thự liền kề nằm ở phía Tây Hà Nội đang bắt đầu đi vào bàn giao nhà sau khoảng 5 năm triển khai nhưng không có một bóng người, bỏ hoang cỏ mọc. Mặc dù giá đã giảm mạnh nhưng giao dịch gần đóng băng. Đây chính là thực trạng chung tại nhiều khu đô thị mới hiện nay.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, một số khu đô thị hiện nay về cơ bản đã hoàn thiện, nhưng gần như rất nhiều biệt thự đang để hoang, trong khi giá trị của biệt thự có thể lên đến cả triệu đô la.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, giá nhà đất đã giảm mạnh, trở về giá tương đương với thời điểm năm 2006, nhưng vẫn không có người mua. Hầu hết các dự án đã giảm giá từ 10-30%, nhiều dự án giá giảm tới 50%, trở về tương đương thời điểm năm 2006.

Ghi nhận của Savills trong quý IV cho thấy, hoạt động của thị trường vẫn trầm lắng. Giá biệt thự giảm bình quân 3%, nhà liền kề giảm 1% so với quý trước đó. Tính chung cả năm 2013, giá biệt thự, nhà liền kề đã giảm tới 16% so với năm 2012.

Thị trường biệt thự, liền kề Hà Nội bao gồm125 dự án, cung cấp 42.400 căn. Trong đó, khoảng 30.400 căn nhà gồm 17.300 nhà liền kề và 13.100 biệt thự đến từ 101 dự án hợp đồng mua bán. Nguồn cung còn lại đến từ các dự án dạng hợp đồng góp vốn.

chung-cư, bất-động-sản, nhà-đất, thị-trường-biệt-thự, liền-kề, nhà-biệt-thự,
Giá nhà đất giảm mạnh trong năm 2013

Trong khi đó, CBRE VN cho biết, mức giá biệt thự, nhà liền kề trong khu đô thị được các chủ đầu tư đưa ra trong 3 quý gần đây thường thấp hơn mức giá của chính các dự án đó trên thị trường thứ cấp. Điều này cho thấy, các chủ đầu tư đang gặp nhiều khó khăn khi chào bán do áp lực thị trường cũng như nguồn vốn, không chỉ vậy còn tạo ra sự cạnh tranh với những người đầu cơ muốn bán tháo khỏi thị trường.

Nhận định về tương lai của thị trường, đại diện Savills VN, bà Đỗ Thu Hằng cho rằng, ttrong năm 2014, phân khúc biệt thự, nhà liền kề trong khu đô thị tiếp tục ảm đạm. Các khu vực hiện còn nhiều hàng tồn kho thuộc vùng ven như Quốc Oai, Hoài Đức, Đông Anh… sẽ khó có cải thiện về giao dịch và thanh khoản.

Căn hộ lao đao

Theo Savills, tại thị trường Hà Nội nếu tính từ 2008 đến nay, hiện giá trung bình căn hộ bán tại Hà Nội đang ở mức thấp nhất trong 5 năm qua, giảm khoảng 21%. Giá căn hộ hạng A và B có mức giảm mạnh nhất, hạng C đang chiếm lĩnh thị trường với giao dịch khoảng 20 triệu đồng/m2.

Các chủ đầu tư đang chào bán thận trọng, thống kê của CBRE trong quý IV/2013, lượng căn hộ mở bán giảm 30% so với quý trước, chỉ 1.400 căn. Chủ đầu tư đang tập trung giải quyết hàng tồn kho hơn là tung ra sản phẩm mới. Nguồn cung căn hộ hoàn thiện tăng mạnh đạt 7.500 căn, đến từ các dự án quy mô như Đại Thanh, The Sparks (Lê Văn Lương Residential), và Mandarin Garden…

chung-cư, bất-động-sản, nhà-đất, thị-trường-biệt-thự, liền-kề, nhà-biệt-thự,
Nguồn cung căn hộ hoàn thiện tăng mạnh

Đại diện CBRE dự báo, năm 2014 dự kiến đón nhận một lượng hoàn thiện khá lớn, gây áp lực cạnh tranh mạnh mẽ lên các dự án sẽ chào bán mới. Người mua hiện chủ yếu quan tâm đến các dự án đã hoặc gần hoàn thiện nhằm tránh tranh chấp về chất lượng hoàn thiện và thời gian bàn giao. Các dự án chất lượng được kỳ vọng sẽ có lượng giao dịch tăng, dù giá cả có thể không tăng tương ứng.

Mậc dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn kỳ vọng, phân khúc căn hộ để bán là điểm sáng của thị trường BĐS năm 2014.  Ông Trần Như Trung, Phó Giám đốc Savills nhận khẳng định: “Năm 2014, sân chơi vẫn tập trung ở phân khúc nhà ở, bởi các sân khác vẫn khó cho người chơi”.

Duy Anh

@Vietnamnet