Lãnh đạo lâm thời Ukraina cử ông Yatsenyuk làm thủ tướng

Ông Arseniy Yatsenyuk

Ông Arseniy Yatsenyu

Những nhà lãnh đạo lâm thời của Ukraina đã cử nhân vật đối lập có tiếng Arseniy Yatsenyuk làm thủ tướng mới của nước này.
Họ công bố đề cử ông Yatsenyuk hôm thứ Tư trước một đám đông lớn tại Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kyiv. Quốc hội dự kiến sẽ xem xét đề cử vào ngày thứ Năm.
Ông Yatsenyuk là cựu bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng kinh tế thân phương Tây. Một trong những công việc quan trọng đầu tiên của ông là ngăn nền kinh tế Ukraina khỏi sụp đổ.
Tòa Bạch Ốc cho biết họ ủng hộ mạnh mẽ những nhà lãnh đạo Ukraina khi họ làm việc để thành lập một chính phủ đa đảng đại diện cho tất cả người dân Ukraina. Tòa Bạch Ốc gọi một chính phủ đa thành phần cam kết theo đuổi hòa giải là nền tảng cần thiết cho viện trợ quốc tế.
Ngoại trưởng John Kerry cho biết Mỹ đang cân nhắc 1 tỉ USD bảo lãnh vay vốn cho Ukraina.
Ông Kerry hôm thứ Tư cũng cảnh báo Nga rằng sẽ là một “sai lầm nghiêm trọng” nếu can thiệp quân sự tại Ukraina.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh tập quân sự khẩn cấp, bao gồm ở những khu vực gần biên giới Ukraina.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết cuộc tập trận sẽ kiểm tra “tính sẵn sàng ứng phó với những tình huống khủng hoảng đe dọa an ninh quân sự của quốc gia.”
Kremlin không nhắc gì tới Ukraina. Nga từng nói sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraina. Moskva ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống bị lật đổ Ukraina Viktor Yanukovych.
Ukraina bị chia rẽ giữa phần phía tây ủng hộ châu Âu và phần phía đông và nam ủng hộ Nga.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra ở Ukraina khi ông Yanukovych thoái lui trước một thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu để chọn viện trợ kinh tế từ Nga. Bạo lực leo thang tuần qua và khiến gần 100 người thiệt mạng.
Các nhà lãnh đạo lâm thời của Ukraina đã giải thể lực lượng an ninh tinh nhuệ bị cáo buộc thực hiện một số những vụ tấn công chết người biểu tình.
Cũng vào hôm thứ Tư, đụng độ nổ ra giữa những người biểu tình ủng hộ Nga và những người ủng hộ chính phủ mới ở thành phố phía nam Simferopol – thủ phủ bán đảo Crimea của Ukraina.

Khu vực này có dân số chủ yếu là người nói tiếng Nga ủng hộ Moskva. Nơi đây cũng là nơi cư ngụ của sắc dân thiểu số Hồi giáo Tatar đa phần chống Nga.

@VOA

 

Hoàng Dũng Cdvn – Chị Hằng

Hoàng Dũng Cdvn

Tôi không còn nhớ lần đầu gặp chị ở đâu, ngày nào. Hình như là gặp ở một bữa tiệc ở nhà anh Phạm Bá Hải. Đến lúc đấy tôi mới được gặp chị ngoài đời, bởi tôi là thằng sinh sau đẻ muộn trong lớp người đấu tranh. Hồi đấy tôi vẫn đang bị nghi là an ninh gài. Tôi biết điều đó, nhưng chẳng lấy gì làm phiền lòng hehe. Thời gian & thành thật luôn là câu trả lời tốt nhất mà.

Nghe về chị nhiều, cho đến hôm đấy mới được gặp và nói chuyện dăm ba câu. Bẵng sau rất lâu mới có dịp đi bên cạnh chị trong một số hoạt động. Có lẽ đến tận lúc đó những suy nghĩ của tôi về chị mới rõ ràng hơn. Trước kia toàn là nghe nói, đọc và hiểu qua những nghe nói, đọc đó.

Sau này, đôi khi cũng nhận được những lời phàn nàn của bạn bè facebook về chị, nhưng tôi thường không giơ nanh, giơ vuốt ra tìm mọi cách bảo vệ chị, mà thường chỉ cười và nói rằng: Cần phải tiếp xúc, đi chiến đấu cùng chị Hằng, thì mới hiểu đích xác về chị. Tôi ít khi giải thích, thanh minh những hiểu lầm của người ta về một vấn đề gì đó, rất ít khi.

Với anh-em, chị Hằng nóng như lửa, dữ như bà chằn. Lơ mơ là bị độp ngay lập tức. Tôi cũng bị độp nhiều lần. Nhưng xong rồi thôi, chị chả nhớ là đã độp chuyện gì. Giỏi thì độp lại, nghĩ là mình đúng, mình thắng thì phải độp lại. Nếu nín nhịn thì chấp nhận mình thua đi, chứ đừng nín nhịn rồi quay lưng với nhau, nếu đã xác định là đồng đội.

À, nhớ cái hôm chị Hằng, chị Tân bị té rạch ở nhà Uy, tôi nhìn mà tôi cười rũ rượi. Đi với những người như vậy, tôi chẳng phải e dè gì cả, thoải mái, sống thật lòng.

Với nhân viên công lực, chị nhiều khi mắng chửi họ té tát. Đó là khi vào ‘trận’, chị say máu. Đây có thể coi là điểm yếu của chị. Vì thế mà chị bị một số nhà-quan-sát-học-trên-mạng không ưa. Nhưng như đã nói ở trên, cần phải đi chiến đấu cùng chị thì mới hiểu đích xác. Muốn hiểu rõ nhất, ấy là khi đấu tranh trong đồn công an cùng chị. Tôi may mắn một lần được ngồi bấm bụng cười trong đồn công an P1 Tân An, Long An. Bên kia thì Huỳnh Công Thuận phun mưa cho cán bộ điều tra ướt tóc, tối tăm mặt mũi. Bên này thì Bùi Hằng lên bổng xuống trầm, lúc căng thẳng, lúc cười hề hề với điều tra viên… Tôi không muốn viết chi tiết về chuyện này, vì có thể sẽ lộ bí mật đấu tranh he he.

Sau này chị bảo: Chị có những kinh nghiệm ấy là vì chị đã từng là người kinh doanh. Cái này tôi đồng ý. Không biết có phải vì tôi cũng đã từng là roanh-nhân hay không. Nhưng có một điều bây giờ tôi đang chắc chắn là Đồng Tháp chẳng khai thác được gì ở chị, chỉ có 3 từ Ê, Ê và Ê. Ê mặt.

Chị coi chuyện tù đày chẳng là gì, thế nên dù Đồng Tháp có ghép chị vào bất cứ điều vớ vẩn nào của một bộ Luật vớ vẩn nào chỉ để cầm tù chị, cũng chẳng bao giờ khuất phục được chị. Giấc ngủ trưa thôi. Có chăng chỉ là ghìm được ‘con ngựa bất kham’ Bùi Hằng này trong một thời gian ngắn.

Tôi sẽ chẳng kể những gì chị làm được. Bởi kể ra thì có vẻ như là khoe khoang quá, ngay kể cả là khoe khoang giùm người khác. Bạn chị biết chị làm được những gì. Còn những nhà-quan-sát-học-trên-mạng? Kể cũng thế thôi!

Tôi đang mong chị về, từng ngày, từng ngày…

Độ giàu có của đại gia Đông Âu Hồ Hùng Anh

Với việc nắm lượng vốn lớn tại Techcombank và đặc biệt là tại “ông lớn” Masan, ông Hồ Hùng Anh đang là một trong những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Gia đình ông Hồ Hùng Anh đang nắm bao nhiêu vốn Techcombank, Masan?Hồ Hùng Anh – một trong những cái tên nổi bật trong giới ngân hàng nhiều năm qua khi là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).Ông Hùng Anh hiện cũng là một trong những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam khi nắm lượng lớn cổ phiếu MSN của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan – một trong những công ty có vốn hóa cao nhất thị trường.

Tỷ phú, Đông-Au, giàu, siêu-giàu, Techcombank, Masan, cổ-phiếu, Hồ-Hùng-Anh, MSN,

Ông Hồ Hùng Anh

Vậy ông Hồ Hùng Anh và gia đình hiện đang nắm bao nhiêu vốn 2 công ty lớn này?

Với Techcombank, theo báo cáo quản trị 2013 của ngân hàng này, Chủ tịch Hồ Hùng Anh hiện đang nắm hơn 11,93 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 1,34% vốn Techcombank.

Vợ ông Hùng Anh là bà Nguyễn Thị Thanh Thủy nắm lượng cổ phiếu Techcombank “khủng”, lên tới gần 27,69 triệu cổ phiếu, tương đương gần 3,12% vốn.

Ngoài ra, 2 thành viên khác trong gia đình ông Hùng Anh là ông Hồ Anh Ngọc, em trai ông Hùng Anh, và bà Nguyễn Thị Thanh Tâm – mẹ ông Hùng Anh – cũng đang nắm lần lượt hơn 8,88 triệu cổ phiếu và 80.158 cổ phiếu Techcombank.

Như vậy, hiện tại gia đình ông Hồ Hùng Anh đang nắm gần 48,59 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 5,47% vốn Techcombank. Nếu tính theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, giá trị tài sản gia đình ông Hùng Anh đang nắm là gần 486 tỷ đồng.

Tại Masan, ông Hồ Hùng Anh đang giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng quản trị. Theo báo cáo quản trị 2013, ông Hùng Anh đang nắm hơn 15,77 triệu cổ phiếu Masan, tương đương 2,15% vốn.

Tính theo giá chốt phiên hôm qua (25/2/2014) của cổ phiếu MSN là 100.000 đồng/cổ phiếu, giá trị cổ phiếu Masan ông Hùng Anh đang nắm giữ lên tới gần 1.577 tỷ đồng.

Người nhà ông Hùng Anh không nắm cổ phiếu Masan nào.

Liên quan đến các cổ đông của Techcombank, Masan hiện chính là cổ đông lớn nhất của ngân hàng này với hơn 19,5% vốn, tương đương hơn 173,15 triệu cổ phiếu. Tiếp đến là HSBC với hơn 19,41% vốn, tương đương hơn 172,35 triệu cổ phiếu.

Một cổ đông khác có liên quan đến cả Masan và Techcombank là ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Masan, đồng thời cũng là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng quản trị Techcombank.

Ông Đăng Quang hiện chỉ nắm 10 cổ phiếu MSN của Masan, nhưng vợ ông là bà Nguyễn Hoàng Yến nắm tới 21,78 triệu cổ phiếu MSN, tương đương 2,96% vốn Masan. Bà Yến hiện cũng là Thành viên Hội đồng quản trị tập đoàn này.

Với việc nắm lượng lớn cổ phiếu MSN, bà Nguyễn Hoàng Yến cũng là một trong những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với gần 2.178 tỷ đồng.

Tại Techcombank, ông Đăng Quang đang nắm hơn 2,85 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 0,32% vốn. Bà Hoàng Yến nắm hơn 6,94 triệu cổ phiếu tương đương 0,782% vốn Techcombank.

Theo BizLIVE

Tống Văn Công – Lời chia tay với Đảng cộng sản Việt Nam

Tống Văn Công

Trong bản tự kiểm điểm ngày 22-2, ở phần “tự nhận một hình thức kỷ luật”, tôi đã viết:

Ảnh bên: Ông Tống Văn Công, nguyên tổng biên tập báo Lao động

Là một đảng viên hơn 55 năm đứng trong hàng ngũ Đảng, sống thanh bạch, 82 tuổi còn làm việc hợp đồng, lúc nào cũng nghĩ về vận nước và sự suy thoái của Đảng, tôi nghĩ rằng, tôi không phải thuộc số không nhỏ đảng viên thoái hóa chính trị mà chính những người bảo thủ, giáo điều không sáng suốt chấp nhận đổi mới chính trị, khiến cho một Đảng cách mạng, anh hùng trong sự nghiệp giải phóng, nay trở thành một Đảng độc đoán, tham nhũng mới đúng là những kẻ suy thoái chính trị. Do đó tôi không thể nhận bất cứ hình thức kỷ luật nào có tên là suy thoái tư tưởng chính trị.

Tuy vậy, tôi không muốn tuyên bố từ bỏ Đảng mà xin nhường cho Đảng quyền khai trừ mình. Bởi vì làm như vậy, tôi sẽ yên lòng rằng, Đảng khai trừ tôi không phải là Đảng mà tôi từng tha thiết xin được gia nhập và thề phục vụ suốt đời. Và có lẽ nhờ đó mà mai kia tôi sẽ không còn quá băn khoăn về trách nhiệm đối với Đảng, không còn quá bức xúc cứ muốn góp ý xây dựng.

Ngày 24 tháng 2 năm 2014, tôi nhận được văn thư của đảng ủy cho rằng tự kiểm điểm của tôi “chưa đạt yêu cầu”, phải “nghiêm túc viết lại bản tự kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật“. Cùng với văn thư trên, có bản gợi ý nêu ra ba trường hợp mà theo Quyết định 47 -QĐ/TW là phải khai trừ: “Có quan điểm ủng hộ hoặc tán thành đa nguyên chính trị, đa đảng; công khai phê phán bác bỏ chủ nghĩa Mác -Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng.

Tôi hiểu, Ban chỉ đạo muốn bảo rằng: Khuyết điểm của tôi là phải tự nhận hình thức khai trừ ra khỏi Đảng. Không làm như vậy thì tôi gây khó cho tổ chức Đảng. Nhưng làm như vậy thì thật là khó cho tôi. Bởi vì cho đến nay, tôi vẫn tự hào về cái ngày là anh lính vệ quốc đoàn, viết đơn xin vào Đảng để được noi gương các đảng viên trong giờ phút gay go của chiến dịch Cầu Kè năm 1950 (Trà Vinh) đã hô to “Các đảng viên cộng sản! Xung phong!” Tôi vẫn tự hào ngày được vào Đảng, giơ tay thề hy sinh chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập, thống nhất, dân chủ cho nhân dân. Còn chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản là gì thì, thú thật không chỉ tôi mà cả các bậc đàn anh cũng chẳng hiểu!

Càng tự hào về lý tưởng cao cả mà mình đã bỏ cả đời để phục vụ, tôi càng day dứt, xấu hổ vì sự thoái hóa, tham nhũng của một bộ phận không nhỏ những người trong guồng máy lãnh đạo, khiến Đảng cầm quyền phạm nhiều sai lầm, làm mất hết niềm tin của nhân dân, làm khoảng cách tụt hậu của đất nước càng ngày càng xa so với các nước khu vực. Những người lúc nào cũng hô hào kiên trì ý thức hệ lỗi thời, cấm không được tự diễn biến, thực ra, họ chỉ nhằm duy trì quyền lực, khai thác “lợi ích nhóm”, làm giàu cho bản thân, bất chấp thiệt hại của nhân dân lao động và đất nước. Giặc “nội xâm” bao giờ cũng là chỗ dựạ của giặc “ngoại xâm”. Bất kể bọn bành trướng hung hăng ra rả khẳng định toàn bộ Hoàng Sa, Trường Sa, cả “lưỡi bò” biển Đông là của Trung Quốc, lời họ đáp lại chủ yếu vẫn là kiên trì “16 chữ vàng” và “bốn tốt”, vì đây là “đồng chí cùng chung ý thức hệ”, cùng chống lại các thế lực thù địch phương Tây. Truyền thống bất khuất, lòng tự tôn dân tộc bị xúc phạm nghiêm trọng, làm mất dần sự đồng thuận xã hội trước hiểm họa đe dọa sự tồn vong của dân tộc, mà thực ra cũng là sự tồn vong của chính Đảng cộng sản Việt Nam.

Vì những lẽ đó mà thời gian qua, tôi hết sức tự kiềm chế, cố gắng tiếp tục đứng trong hàng ngũ Đảng để cùng với các đảng viên chân chính trực tiếp đấu tranh, góp ý xây dựng Đảng, hi vọng những người lãnh đạo nhận ra sai lầm, vứt bỏ ý thức hệ lạc hậu, tiến tới một Đại hội Đảng đổi mới lần 2: Đổi mới chính trị, thực hiện nhà nước pháp quyền đúng như các thể chế chính trị hiện đại. Từ đó mà vực dậy niềm tin đang cùng kiệt của nhân dân, tiếp tục sứ mệnh mà đảng viên và nhân dân giao cho.

Hôm nay, con đường ấy đã bị chặn lại. Đau lòng lắm, nhưng phải đành vậy thôi! Từ giờ phút này, từ ngày hôm nay, 25-2-2014, tôi xin nói lời chia tay với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 25 tháng 2 năm 2014
Tống văn Công

Lượm lặt tin 26-2-14

Cảnh sát Ukraine quỳ gối xin lỗi người biểu tình

(NLĐO) – Trong bối cảnh làn sóng lên án vì đã gây ra cái chết hàng chục người ở Quảng trường Độc lập tại thủ đô Kiev đang dâng cao, cảnh sát Ukraine đã quỳ gối xin lỗi người dân.

clip_image001

Cảnh sát quỳ gối xin lỗi nhân dân. Ảnh: Reuters

Cảnh sát chống bạo động ở Ukraine đã quỳ gối xin lỗi người dân tha thứ cho những đồng nghiệp họ đã ra tay bắn người biểu tình chống chính phủ.  Cảnh tượng bất thường này diễn ra ở Lviv, khi lượng lượng cảnh sát chống bạo động Berkut trở về sau nhiệm vụ bảo vệ chính quyền ở thủ đô.

“Tôi cầu xin các bạn hãy tha thứ cho chúng tôi. Tôi xin quỳ gối”, một người lên tiếng.

Dưới sân khấu, người dân thường hô to “Nhục nhã” và “Ra tòa án”. Tuy nhiên, những cảnh sát này nhấn mạnh rằng đó là những hành động của đồng nghiệp, họ không giết hoặc đánh đập đồng bào mình.

clip_image002

Lời xin lỗi được đưa ra trong một cuộc biểu tình tối qua, 24-2, tại Lviv

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine cho biết họ đã mở một cuộc điều tra về các sĩ quan cảnh sát đàn áp khiến hàng chục người biểu tình thiệt mạng trên quảng trường tuần trước. Một tiết lộ mới cũng cho thấy một số nhân viên cảnh sát chống bạo động Berkut đã chạy trốn cùng vũ khí.

Trong khi đó, Ukraine đang kêu gọi sự hỗ trợ khẩn cấp từ quốc tế để cứu giúp nền kinh tế có khả năng “lao xuống vực thẳm”. Tổng thống lâm thời Oleksander Turchinov cho biết có thể Kiev sẽ bị vỡ nợ và nói rằng nước này cần 35 tỉ USD trong hai năm tới để tránh nguy cơ đó. Điều này làm dấy lên nỗi nghi ngại về khả năng Nga dừng tiếp tục giải ngân gói cho vay trị giá 15 tỉ USD cho Ukraine như đã cam kết.

Ông Turchinov nói rằng kinh tế Ukraine đang trong giai đoạn “tiền vỡ nợ.” Ông kêu gọi tổ chức một cuộc hội nghị các nhà tài trợ quốc tế, đồng thời nhấn mạnh Ukraine cần một khoản hỗ trợ tài chính trong 1-2 tuần tới. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng kinh tế Ukraine sẽ không sụp đổ.

L. Thoa (Theo Daily Mail. Reuters)

Nguồn: nld.com.vn

———————————-

Cáo trạng blogger Trương Duy Nhất nói gì?

Gia đình ông Trương Duy Nhất đã nhận được bản cáo trạng đề ngày 17/12/2013 cho phiên xử ông vào đầu tháng Ba và đề nghị công bố.

Một số trang mạng đăng bản chụp lại cáo trạng theo đó ông Nhất sẽ ra tòa xử ông vào ngày 4/3/2014 tại Tòa án Nhân dân Đà Nẵng về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (Điều 258 BLHS).

Điểm đáng chú ‎ý là cáo trạng mô tả vụ án hình sự được khởi tố chỉ một ngày sau khi xuất hiện một công văn của công ty cổ phần viễn thông trong nước.

Blogger  Trương Duy Nhất bị bắt hôm 26/5/2013 tại Đà Nẵng sau khi có quyết định khởi tố cùng ngày.

FTP là công ty được nêu tên đã gửi công văn ngày 25/05/2013 phản ánh việc có các bài việt nội dung “bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước” trên trang blog ‘Một góc nhìn khác’ của ông Nhất.

Cáo trạng nói trong giai đoạn 2007-2010 ông Nhất đã tự lập các blog lấy tên mình trong đó có cả trang đuôi .vn mà ông chính thức đăng k‎ý với một công ty cổ phần truyền thông tại Hà Nội.

‘Bôi nhọ lãnh đạo Đảng’

Tên của lãnh đạo VN được nhắc tới trong các bài blog của ông Nhất.

Cáo trạng cho biết trong giai đoạn 2011-2012 Sở Thông tin và Truyền thông Đà nẵng và Công an Thành phố Đà Nẵng “đã bốn lần làm việc, nhắc nhở, yêu cầu Trương Duy Nhất chấm dứt hành vi viết, đăng tải, các bài viết, ‎ý kiến bình luận có nội dung làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Tuy nhiên nhà chức trách Việt Nam chú ý tới 12 bài viết đăng trên blog này trong đó có 11 bài của ông Nhất mà cáo trạng mô tả là “có nội dung không đúng sự thật, xuyên tạc, bôi nhọ xâm phạm nghiêm trọng đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, làm giảm uy tín, mất lòng tin của Nhân dân đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và công dân.”

‘Chấm điểm Thủ tướng’, ‘Chấm điểm Bộ tứ nguyên thủ’, ‘Chất lượng Chính phủ; quá tệ’, ‘Tổng Bí thư và Chủ tịch nước nên ra đi’, và ‘Bỏ phiếu cùng Quốc hội’ là một số bài kể trên.

Trương Duy Nhất

  • Sinh năm 1964 tại Hà Nội
  • 1983-1987 Sinh viên khoa Văn, Đại Học Tổng hợp Huế
  • 1987-1995 Phóng viên Báo Công an Tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng
  • 1995-2011 Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết
  • Từ 2011-lúc bị bắt: Lao động Tự do

Nguồn: Cáo trạng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao

Cáo trạng cũng mô tả trong quá trình sử dụng, lập và quản trị trang blog của mình ông Nhất đã nhận sự “giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật của ba người” tại Đà Nẵng và một người khác đang sống ở Australia giúp ông xử lý sự cố khi website của ông không truy cập được.

Ông Trương Duy Nhất sinh năm 1964 tại Hà Nội trong gia đình có sáu anh chị em. Vợ ông là giáo viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng và ông có một con 21 tuổi.

Luật sư Trần Vũ Hải, đại diện cho ông Nhất, mới đây nói với BBC rằng thân chủ của ông “sức khỏe và tinh thần đều tốt”.

“Ông Trương Duy Nhất vẫn khẳng định mình vô tội, và các quan điểm trong các bài viết của ông chỉ là quan điểm cá nhân.”

Ông Nhất là một trong số hàng chục cây viết mà Việt Nam đã bắt giam trong vài năm qua.

Một blogger nổi tiếng khác, ông Phạm Viết Đào, cũng bị bắt theo điều 258 vào tháng 6/2013 nhưng hiện chưa có ngày xét xử.

Bài học cho Việt Nam từ sự kiện Ukraine

Ông Yanukovych trong chuyến thăm Hà Nội tháng 3/2011

Chính quyền của ông Viktor Yanukovych đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi xử lý các quan hệ đối nội và đối ngoại, dẫn đến bị sụp đổ và đây là những gì mà Việt Nam có thể học hỏi được, theo một số ý kiến nhìn từ Việt Nam và hải ngoại.

Hôm 24/2/2014, Tiến sỹ Khoa học Lương Văn Kế từ Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng về đối nội, Tổng thống Yanukovych đã không nghe theo nguyện vọng của đông đảo nhân dân khi quần chúng mong muốn Ukraine gia nhập vào mô hình phát triển của Liên minh Châu Âu (EU), mà cố gắng lái đất nước theo hướng thân Nga, một mô hình làm nhiều người dân Ukraine lo ngại.

Về mặt đối nội, vị Tổng thống bị phế truất phạm phải một sai lầm nghiêm trọng đó là quyết định sử dụng bạo lực, dùng cảnh sát bắn vào biểu tình của nhân dân dân, vi phạm một quyết nghị mà cộng đồng châu Âu đã nghiêm cấm kể từ thập niên 1960 – đó là chính quyền không được bắn vào người biểu tình.

Điều này làm cho quần chúng thêm phẫn nộ, bất mãn với chính quyền, cộng đồng quốc tế cũng khó có thể ủng hộ, và kết cục, những người làm Cách mạng đã phế truất chính quyền.

Theo nhà nghiên cứu về châu Âu học và khu vực học, một sai lầm nữa của chính quyền Yanukovych là ngay từ đầu họ đã không lựa chọn một phương án mở là đối thoại với quần chúng, thậm chí mời các đại diện của phe đối lập tham gia vào chính quyền để đạt được sự đồng thuận tốt hơn.

Nói về nguyên nhân ông Yanukovych bị phế truất, Tiến sỹ Khoa học Lương Văn Kế nói:

“Đấy chính là một sai lầm chiến lược, ở chỗ Yanukovych đã dùng bạo lực để chống lại dòng người biểu tình và cuối cùng phe đối lập đã chiếm lĩnh toàn bộ chính quyền của ông ta.”

“Tôi nghĩ rằng Yanukovych là một người chịu ảnh hưởng rất nhiều của một nền văn hóa chính trị kiểu khác, tức là khác xa với nền văn hóa chính trị kiểu Tây Âu hay Liên minh châu Âu,

“Cho nên chuyện dùng bạo lực để giải tán đám biểu tình, dùng các biện pháp mang tính chất quyết liệt, không phải là biện pháp mang tính chất thương lượng và đàm phán, đây cũng có thể hiểu được, Yanukovych là con đẻ của các chế độ coi bạo lực là rất quan trọng.”

‘Nếu được làm lại’

Theo Tiến sỹ Kế, đặt giả thuyết có thể làm lại, ông Yanukovych có thể và nên chấp nhận một phương án khác mang tính hài hòa hơn.

Nhà nghiên cứu nói: “Đó là ngay từ đầu đã phải mời các nhân vật đối lập tham gia Chính phủ và thay đổi một số điều kiện trong Hiến pháp để đảm bảo thỏa mãn nhu cầu của nhân dân…

Chính quyền Yanukovych đã cho bắn chết trên 70 người biểu tình

Theo ông Kế, ông Yanukovych nên chấp nhận thỏa hiệp và ngồi vào đàm phán cùng với Liên minh Châu Âu và Nga, để cả hai khối sức mạnh này đều có tiếng nói, và qua đó ông có “một lựa chọn sáng suốt” để cân bằng các xung đột chính trị, cũng như tìm ra lời giải hài hòa các khác biệt trong lợi ích và kỳ vọng giữa các khối dân cư phía Đông thiểu số và phía Tây, phần còn lại, của Ukraine.

“Tôi nghĩ trong mặt nào đó, ông ấy đã thiên hướng lệch về phía gắn bó với nước Nga và đi ngược lại trông đợi của đa số dân chúng Ukraine là gia nhập các nền dân chủ hay là nền kinh tế phát triển của Liên minh Châu Âu,

“Liên minh Châu Âu không phải là hoàn hảo, nhưng trong con mắt của người Ukraine, cũng như nhiều dân tộc khác, thì Liên minh Châu Âu dù sao cũng là đỉnh cao nhất hiện nay trong quá trình của các xã hội.

“Nếu được làm lại ở Ukraine, thì ông Yanukovych cũng cần tôn trọng xu thế chung của đa số dân chúng Ukraine là hướng về mô hình phát triển của Liên minh Châu Âu.”

Dự đoán về số phận của ông Yanukovych và những người cộng sự trong chính quyền đã ra quyết định sử dụng bạo lực và chĩa súng bắn vào nhân dân, nhà quốc tế học cho rằng ông Yanukovych sớm muộn cũng sẽ phải đối mặt với pháp luật, cũng như những người khác có liên quan trong chính quyền của ông.

Giữa Ukraine với Nga và Việt Nam với Trung Quốc cũng có một sự tương đồng nhất định

Ông Kế cũng cho rằng, nếu ông Yanukovych có thể đi thoát sang Nga, thì Nga khi đó có thể sẽ xem xét việc “bảo kê” hay “bảo trợ” cho một người đã có công lái Ukraine theo hướng “thân Nga”, thế nhưng mọi động thái của ông Putin, theo ông Kế, đều dựa trên sự toan tính lấy Ukraine làm phương tiện cân bằng hay có thể hiểu là để mặc cả trong quan hệ với phương Tây mà thôi.

Ông Kế cũng khẳng định cả phương Tây và Nga sẽ tìm ra cách thức xử lý cuộc khủng hoảng của Ukraine dù sớm hay muộn và nước Nga sẽ khó có hành động quân sự hay can thiệp nào, trong khi phương Tây sẽ có thể có những nhượng bộ với Nga.

‘Xử lý đi dây’

Về xử lý cân bằng mối quan hệ tay ba với các khối sức mạnh, hay cường quốc, mà trong trường hợp này là lực hấp dẫn từ Liên minh Châu Âu và vòng ảnh hưởng của nước Nga láng giềng, trong so sánh để rút ra kinh nghiệm cho trường hợp Việt Nam đang tìm đường đổi mới với Trung Quốc ở bên cạnh, Tiến sỹ Kế nêu quan điểm:

“Giữa Ukraine với Nga và Việt Nam với Trung Quốc cũng có một sự tương đồng nhất định,”

“Ví dụ Nga và Trung Quốc đều là những đại quốc, hay những cường quốc, và các nước nhỏ xung quanh một cách tự nhiên chịu ảnh hưởng của những khối sức mạnh như vậy.”

Nhà nghiên cứu cho rằng cách thức địa chính trị cổ điển nhìn nhận vai trò nước lớn với các quốc gia nhỏ, yếu hơn ở xung quanh phải chịu ảnh hướng như một tất yếu nay đã trở nên lạc hậu.

Ông nói: “Lực hấp dẫn như thế thì Ukraine khó thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Nga. Nhưng tôi nghĩ rằng ở mức độ nào đó có thể nói rằng Việt Nam không phụ thuộc vào Trung Quốc”.

Nhà nghiên cứu nêu quan điểm về việc nên và không nên có vai trò, thái độ và xử thế ra sao trước Trung Quốc.

Người dân Kiev tưởng niệm các nạn nhân đợt bạo lực vừa qua

Ông nói: “Còn chuyện người ta muốn Việt Nam trở thành con đê ngăn sóng, hay muốn Việt Nam trở thành xung kích, đối trọng với Trung Quốc, tôi nghĩ rằng chuyện đó là ảo tưởng.

“Bởi vì Việt Nam không bao giờ muốn đối đầu với Trung Quốc, mà chỉ là muốn cân bằng để giữ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, cũng như để đảm bảo môi trường an ninh trong khu vực Đông Nam Á, cũng như Biển Đông.

“Tôi nghĩ rằng với một chính sách đối ngoại khôn ngoan và thông minh, Việt Nam có thể giải quyết được vấn đề, những bước đi rất nguy hiểm của Trung Quốc và chúng ta có thể bẻ gẫy, có thể ngăn chặn được các toan tính rất là thâm hiểm của Trung Quốc.”

‘Bạo lực không lâu dài’

Cũng quan sát các diến biến đầu năm ở Ukraine, hôm 23/2 một cựu quan chức ngoại giao Việt Nam với nhiều năm làm việc ở châu Âu, ông Đặng Xương Hùng, nói với BBC, chính quyền Việt Nam có thể lựa chọn giữa hai cách nhìn hoặc tích cực, hoặc tiêu cực.

Ông nói: “Ukraine cũng là bài học để mà họ có thể nhìn, nếu học tích cực hơn, thì họ nhìn theo một quan điểm tích cực, tức là quan hệ nhân – quả,

“Tôi muốn nói tới quan hệ ai bắn vào nhân dân… chính người đó sẽ là những người có tội với nhân dân với đất nước,

“Còn nếu họ không nhìn theo hướng tích cực, họ sẽ rút ra ở đấy những bài học về đàn áp, bài họ về làm sao ngăn chặn tất cả những sự bùng lên của nhân dân, rồi bài học về sự gọi là có những thay đổi nhất định để có thể mị dân, để có thể làm dịu đi tình hình của nhân dân,” nguyên Phó Vụ trưởng, Bộ Ngoại giao đồng thời là cựu Lãnh sự Việt Nam tại Geneva, Thụy Sỹ, nói.

Việt Nam phải có một mức độ chính trị thích ứng với sự chuyển đổi đó, tức là chuyển đổi từ trong nước, với chuyển đổi ở những nước ngoài mà mình muốn gia nhập với

GS Nguyễn Mạnh Hùng

Trước đó, hôm 22/2, một chuyên gia về quan hệ quốc tế từ Đại học George Mason, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, cũng rút ra bài học của Ukraine với Việt Nam.

Ông nói với BBC: “Việt Nam đã chuyển đổi về kinh tế, mà lại gia nhập cái hội nhập thế giới nữa, thì hai điều kiện đó bắt buộc Việt Nam phải có một mức độ chính trị thích ứng với sự chuyển đổi đó, tức là chuyển đổi từ trong nước, quan niệm của người dân, nhu cầu của người dân, với chuyển đổi ở những nước ngoài mà mình muốn gia nhập với, đó là nhu cầu của sự chuyển đổi.

“Nhưng vấn đề chuyển đổi ra sao thì lại là một vấn đề không phải là dễ, không ai tự nhiên muốn mất chức cả, thành ra chuyển đổi làm sao để vừa có một chính quyền hữu hiệu, vừa thỏa mãn những đòi hỏi tự do hơn của dân chúng, tôi không nói là hoàn toàn dân chủ, và những quyền căn bản của họ phải được tôn trọng,

“Thì đó là những điều mà quốc gia nào cũng phải tìm cách giải quyết, chừng nào mà những vấn đề đó chưa được giải quyết, thì tình trạng gọi là ổn cố chính trị chỉ là cái ổn cố về bề mặt thôi luôn luôn phải hỗ trợ bằng bạo lực, mà bạo lực thì không bao giờ lâu dài được cả,” Giáo sư Hùng nói.

@bbc

Trung Quốc được cai trị như thế nào: Vì sao việc trị dân ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với Bắc Kinh?

David M. Lampton
Trần Ngọc Cư chuyển ngữTheo Bauxite Việt Nam

 


Công nhân làm sạch tượng Mao, 24 tháng Chín, 2013 (ảnh: Reuters)Trung Quốc trải qua ba cuộc cách mạng trong thế kỷ 20. Đầu tiên là sự sụp đổ của nhà Thanh năm 1911, và đi kèm với nó, là sự sụp đổ của đường lối cai trị truyền thống tại nước này. Sau một thời kỳ nhiễu nhương kéo dài, cuộc cách mạng thứ hai diễn ra năm 1949, khi Mao Trạch Đông và Đảng Cộng sản giành được thắng lợi trong cuộc Nội chiến Quốc-Cộng và khai sinh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; việc sử dụng quyền hành bằng bạo lực và bất bình thường của Mao chỉ chấm dứt cùng với cái chết của ông năm 1976.Cuộc cách mạng thứ ba còn đang tiếp diễn, và cho đến nay, kết quả của nó là tích cực hơn nhiều so với hai cuộc cách mạng trước. Tiến trình này bắt đầu vào giữa năm 1977 với việc lên nắm quyền của Đặng Tiểu Bình, người đã phát động một thời kỳ cải tổ chưa từng thấy trong lịch sử Trung Quốc, kéo dài hàng chục năm nay, chuyển đổi nền kinh tế cô lập sang một nền kinh tế dẫn bước toàn cầu, đưa hàng trăm triệu người Trung Hoa thoát cảnh đói nghèo và mở đường cho một cuộc di dân vĩ đại từ vùng quê vào các thành thị. Cuộc cách mạng này đã tiếp diễn qua nhiệm kỳ của những người kế vị Đặng Tiểu Bình, đó là Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, và Tập Cận Bình.

Dĩ nhiên, cuộc cách mạng do Đặng khởi xướng đã không mang tính cách mạng trong một ý nghĩa quan trọng: Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn duy trì độc quyền chính trị. Tuy nhiên, lối nói rập khuôn cho rằng Trung Quốc đã cải tổ kinh tế mà không cải tổ chính trị trong những năm kể từ 1977 đã che mờ một sự thật quan trọng: rằng cải tổ chính trị, như một nhà chính trị Trung Quốc nói riêng với tôi năm 2002, “đã diễn ra một cách lặng lẽ và thiếu công khai.”

Thực tế là, chính quyền trung ương Trung Quốc ngày nay đang hoạt động trong một môi trường trên cơ bản khác xa với môi trường đã hiện hữu vào đầu nhiệm kỳ của Đặng Tiểu Bình trong ba cung cách chủ yếu. Một, quyền lực của các cá nhân lãnh đạo Trung Quốc đã dần dần trở nên yếu hơn trong tương quan giữa họ với nhau và với phần còn lại của xã hội. Hai, xã hội Trung Quốc, cũng như nền kinh tế và hệ thống thư lại, đã nứt rạn, làm gia tăng các khối cử tri mà các lãnh đạo Trung Quốc phải đáp ứng, hay chí ít phải quản lý. Ba, lãnh đạo Trung Quốc hiện phải đối đầu với một dân số có nhiều nguồn lực hơn bao giờ cả – bằng tiền bạc, tài năng, và thông tin.

Vì tất cả những lý do này, việc cai trị Trung Quốc ngày nay đã trở nên thậm chí khó khăn hơn so với thời của Đặng. Bắc Kinh đã phản ứng lại những chuyển biến này bằng cách tiếp thu công luận vào việc làm chính sách của mình, trong khi vẫn giữ nguyên những cấu trúc chính trị cơ bản. Tuy nhiên, các lãnh đạo Trung Quốc đã sai lầm nếu họ tin rằng họ có thể duy trì ổn định chính trị và xã hội vô hạn định mà không cần nhanh chóng cải tổ hệ thống điều hành đất nước. Một Trung Quốc với một nhà nước yếu hơn và một xã hội dân sự mạnh hơn sẽ đòi hỏi một cấu trúc chính trị khác với hiện nay rất nhiều. Nó đòi hỏi một cam kết mạnh mẽ hơn đối với chế độ pháp trị, thông qua các cơ chế đáng tin cậy hơn – như tòa án và các cơ quan lập pháp – để giải quyết xung đột, đáp ứng các lợi ích khác nhau, và phân phối các nguồn lực. Trung Quốc cũng cần điều hành chính phủ tốt hơn, cần có tính minh bạch, và trách nhiệm giải trình. Nếu thiếu những phát triển này, Trung Quốc sẽ lâm vào bất ổn chính trị trong tương lai, còn nghiêm trọng hơn tình trạng nó đã kinh qua trên bốn thập niên nay. Những hậu chấn chắc chắn sẽ lan đến các nước láng giềng của Trung Quốc và nhiều vùng khác trên thế giới, nếu căn cứ vào ảnh hưởng toàn cầu ngày càng lớn của Trung Quốc. Những cải tổ vừa qua của Trung Quốc đã tạo ra các tình thế mới mà lãnh đạo nước này cần phải nhanh chóng thích nghi. Việc cải tổ cũng giống như đi một chiếc xe đạp: nếu không tiếp tục đạp cho xe đi tới, thì bạn sẽ ngã.

KHÔNG PHẢI TẤT CẢ CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO ĐỀU GIỐNG NHAU

Theo nhà xã hội học Đức Max Weber, các chính phủ có thể tiếp nhận thẩm quyền của mình từ ba nguồn: truyền thống, phẩm chất và sức thu hút của cá nhân lãnh đạo, và các qui phạm hiến định và pháp lý. Trung Quốc, qua quá trình của thời kỳ cải tổ, đã diễn biến xa dần hai dạng thức đầu của tính chính danh và đang hướng tới dạng thức thứ ba.

Cũng như Mao, Đặng đã hưởng được một sự pha trộn thẩm quyền gồm yếu tố truyền thống và sức thu hút cá nhân. Nhưng những nhà lãnh đạo sau ông đã tạo được chính danh bằng cách khác. Giang (lãnh đạo Trung Quốc từ 1989 đến 2002) và Hồ (cai trị từ 2002 đến 2012) ở nhiều mức độ khá nhau đã được chính Đặng chỉ định, còn việc đưa Tập lên địa vị chóp bu, vào năm 2012, lại là sản phẩm của một tiến trình chính trị tập thể trong nội bộ ĐCSTQ. Qua thời gian, một loạt tiêu chuẩn qui định việc tuyển chọn lãnh đạo đã phát triển, gồm việc giới hạn nhiệm kỳ và tuổi tác, những thước đo thành tích, và việc lấy ý kiến trong nội bộ Đảng. Mặc dù những chuẩn mực này là quan trọng, nhưng người ta không nên nhầm lẫn chúng với luật pháp – vì chúng vẫn còn nhiều bất cập, thiếu chính thức, và có thể bị đảo ngược – song những chuẩn mực này thực sự đánh dấu một cuộc chia tay ngoạn mục với hệ thống lãnh đạo bốc đồng của Mao.

Khi các nền tảng của tính chính danh đã thay đổi, những người kế vị Đặng nhận thấy khả năng tự mình đưa ra các chính sách suy giảm đi nhiều. Mặc dù Đặng không hưởng được quyền lực vô hạn như Mao, nhưng trong các quyết định chiến lược, ông có thể hành động độc đoán và quả quyết sau khi đã tham khảo các nhân vật có thế lực trong Đảng. Hơn nữa, tầm cỡ và phạm vi ảnh hưởng của những quyết sách do Đặng đưa ra thường là vô cùng to lớn. Ngoài việc phát động cải tổ kinh tế, Đặng còn thực hiện một số quyết định then chốt khác, như đưa ra chính sách một con năm 1979, đàn áp phong trào Bức tường Dân chủ cũng trong năm ấy, và, năm 1989, thiết quân luật và triển khai binh lính [trong vụ thảm sát Thiên An Môn] tại Bắc Kinh. Còn về vấn đề Đài Loan, Đặng cảm thấy đủ yên tâm để chấp nhận một thái độ mềm dẻo với đảo quốc này, dành việc giải quyết các quan hệ xuyên Eo biển Đài Loan cho thế hệ sau.

Trái lại, Giang, Hồ, và Tập bị hạn chế nhiều hơn. Sự khác biệt này được biểu hiện đầy đủ vào cuối năm 2012 bước sang 2013, vào thời điểm Tập kế vị Hồ. Trong những năm 1970, nhằm xây dựng quan hệ với Nhật Bản, Đặng đã tránh né được thứ chính trị dân tộc chủ nghĩa rất dễ bùng nổ quanh các vấn đề chủ quyền trên đảo Điếu Ngư (mà Nhật Bản gọi là đảo Sensaku). Nhưng Tập, vừa mới vươn lên địa vị chóp bu và muốn củng cố quyền lực của mình tiếp theo sau việc Nhật Bản quốc hữu hóa đảo Sensaku, cảm thấy bị bó buộc phải hành động một cách cứng rắn để phản ứng lại động thái này của Tokyo.

Nói cách khác, Trung Quốc đã đi từ tình trạng được cai trị bởi các thủ lĩnh độc tài (strongmen) dựa vào uy tín cá nhân đến các nhà lãnh đạo bị hạn chế bởi quyết sách tập thể, bởi giới hạn nhiệm kỳ và các qui phạm khác, bởi công luận, và bởi tính cách kỹ trị (technocratic characters) của mình. Như một nhà ngoại giao cao cấp Trung Quốc đã nói với tôi năm 2002, “Mao và Đặng có thể tự mình quyết định; Giang và các nhà lãnh đạo hiện nay phải lấy ý kiến.”

Các lãnh đạo Trung Quốc còn đi ra khỏi lề lối của Mao và Đặng trong một phương diện quan trọng khác: họ bắt đầu nhận thấy mục đích của mình không chủ yếu nằm ở việc tạo nên các thay đổi to lớn, mà ở nỗ lực duy trì hệ thống chính trị và cải thiện thành tích của nó. Mục tiêu của Đặng là chuyển hóa vận mạng đất nước. Đặng tìm cách nâng cao Trung Quốc trên thang kinh tế cũng như trên đẳng trật quyền lực toàn cầu, và ông đã thực hiện được điều này. Ông mở cửa Trung Quốc để đón nhận kiến thức từ ngoài vào, khuyến khích giới trẻ Trung Quốc đi ra nước ngoài học hỏi (một thái độ được ảnh hưởng bởi chính những năm trưởng thành của ông tại Pháp và Liên Xô), và cho phép nguyên tắc lợi thế so sánh (comparative advantage), mậu dịch, và giáo dục tạo phép lạ của chúng.

Người kế vị Đặng, là Giang, lên cầm quyền chỉ vì ông ta tiêu biểu một sự thay đổi trong phong cách lãnh đạo: tiếp theo sau những cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, cả thế lực ủng hộ cải tổ lẫn lực lượng lo ngại cải tổ đều coi Giang là một người có khả năng và không đe dọa lợi ích của họ. Nhưng cuối cùng ông từ bỏ thái độ đứng giữa để ngả theo xu thế cải tổ nhanh chóng. Giang đưa Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại Thế giới, chuẩn bị đưa người đầu tiên lên thám hiểm không gian, và tuyên bố, lần đầu tiên, rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải kết nạp vào hàng ngũ của mình những con số đông đảo gồm những người có đầu óc sáng tạo và có kỹ năng. Trong 13 năm cầm quyền của ông, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trung bình 9,7% mỗi năm.

Tuy nhiên, do cá tính và hoàn cảnh riêng, Giang khó trở thành một thủ lĩnh độc tài có khả năng chuyển đổi đất nước như Đặng. Vốn là một kỹ sư được đào tạo theo bài bản, Giang có đầu óc thực tiễn và thường chú tâm làm cho mọi việc vận hành có hiệu quả. Năm 1992, chẳng hạn, ông kể lại với một nhóm người Mỹ rằng một thập kỷ trước đó, khi còn là một quan chức nhỏ, ông đã đến thăm Chicago và đặc biệt chú ý đến việc thu nhặt rác của thành phố này vì ông hi vọng tìm ra một giải pháp cho vấn đề vệ sinh do các vỏ dưa hấu bị thải bỏ bừa bãi ở quê nhà. Rồi Giang khoe với những người Mỹ này rằng khi làm thị trưởng Thượng Hải, ông đã tiết kiệm diện tích đất bằng cách xây các đường dốc vào cầu theo hình xoắn ốc, nhờ vậy giảm bớt nhu cầu di dời cư dân thành phố. Những việc như thế này chắc chắn không thay đổi xã hội nhanh chóng, song những bận tâm của Giang thực sự cải thiện đời sống của người dân Trung Quốc bình thường.

Hồ và vị thủ tướng của mình, là Ôn Gia Bảo, lại càng tỏ ra ít có khả năng chuyển đổi xã hội hơn. Người ta có thể thấy trước diễn biến này thậm chí từ năm 2002, vào thời điểm Hồ sắp nhậm chức. “Một xu thế khác sẽ hướng tới lãnh đạo tập thể, chứ không phải là những lãnh đạo tối cao,” một nhà ngoai giao cao cấp Trung Quốc đã nói với tôi vào thời đó. “Việc lãnh đạo đất nước trong tương lai sẽ có tính cách tập thể và dân chủ hơn; các lãnh đạo sẽ tìm kiếm đồng thuận chứ không đưa ra những quyết sách độc đoán. Nhưng mặt yếu là, họ sẽ ít có quyền hạn hơn. Vì việc ra các quyết sách táo bạo khi đất nước cần đến những quyết sách táo bạo sẽ trở nên khó khăn hơn đối với họ.” Hồ gần như không thực hiện một cải tổ chính trị hay kinh tế nào; thành tựu đáng ghi nhận nhất của ông là đã cải thiện được quan hệ với Đài Loan. Cách lý giải độ lượng nhất đối với những năm tháng cầm quyền của Hồ là, ông ta đã tiêu hóa những cải tổ sâu rộng mà Đặng và Giang đưa ra.

Sau khi được đưa lên địa vị lãnh đạo cao nhất trong Đảng vào tháng Mười Một năm 2012, Tập đã củng cố quyền lực của mình một cách ấn tượng trong năm 2013, cho phép một cuộc tranh luận sôi nổi về các cải tổ xuất hiện, thậm chí khi ông đã thắt chặt các giới hạn về tự do bày tỏ. Cốt lõi của cuộc tranh luận này liên quan đến phương cách để tiếp sinh lực lại cho tăng trưởng kinh tế và mức độ theo đó một cuộc thay đổi chính trị có thể trở thành điều kiện tiên quyết cho tiến bộ kinh tế hơn nữa.

Sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung Ương tháng Mười Một 2013 (Hội nghị toàn thể lần thứ 3), chính quyền Tập tuyên bố ý định “làm sâu sắc thêm việc cải tổ một cách toàn diện” và đã thành lập một nhóm chuyên trách để thực hiện điều này. Việc cần đến một bộ phận như thế báo hiệu rằng nhiều tranh chấp chính sách vẫn còn tồn tại và rằng chính phủ trung ương có ý định tiếp tục tập trung vào cải tổ chí ít cho đến năm 2020. Nhưng giản dị là, không có một lộ trình đưa ra thật rạch ròi, vì trong vài lãnh vực, Trung Quốc cần thị trường hóa; trong một số lãnh vực khác, Trung Quốc cần phải phân tán quyền hành; và trong vài lãnh vực khác nữa, Trung Quốc cần phải tập trung quyền hành.

Mặc dù vẫn còn nhiều chỗ hàm hồ [trong tuyên bố của Hội nghị], nhưng cốt lõi của chính sách đang triển khai là cho phép thị trường đóng một vai trò quyết định trong việc phân phối các nguồn lực, đồng thời Bắc Kinh sẽ tạo sân chơi bình đẳng ở trong nước giữa các công ty nhà nước và các công ty phi-nhà nước và giản lược các thủ tục hành chánh về việc cấp giấy phép. Doanh nhân nước ngoài có thể tìm thấy một số điều vừa ý khi chính phủ hứa hẹn “nới lỏng tiếp cận đầu tư, tăng tốc việc xây dựng các khu tự do mậu dịch, và triển khai chính sách cởi mở kinh tế ở nội địa và miền duyên hải.” Những chính sách này cũng sẽ mang lại nhiều hậu quả chính trị, và thông cáo của phiên họp nói trên đã nhắc đến nhu cầu cải tổ trong ngành tư pháp và trong chính quyền địa phương, đồng thời một cách mơ hồ đề xuất thêm nhiều quyền cho người nông dân. Tuy vậy, trong việc kêu gọi thành lập hội đồng an ninh quốc gia, bản thông cáo đã xác định an ninh đối nội và đối ngoại là những quan tâm chính. Một cuộc trường chinh nằm trước mặt.

XÃ HỘI PHÂN HÓA

Những thay đổi này trong phong cách lãnh đạo cá nhân đã diễn ra đồng thời với một thay đổi cơ cấu khác: đó là tiến trình phân hóa xã hội, kinh tế, và bộ máy thư lại của Trung Quốc. Trong thời đại của Mao, các lãnh đạo quyết đoán rằng họ chỉ phục vụ một lợi ích – đó là lợi ích của quần chúng Trung Hoa. Công việc của chính phủ là đàn áp các thế lực ngoan cố và giáo dục người dân về lợi ích thực sự của họ. Việc quản trị quốc gia không nhắm vào hòa giải các dị biệt, mà là loại bỏ các dị biệt ấy đi.

Tuy nhiên, kể từ Mao về sau, xã hội và bộ máy thư lại Trung Quốc đã phân hoá ra nhiều mảng, khiến Bắc Kinh khó làm các quyết định và thi hành các chính sách hơn trước. Để đối phó với thử thách này, chính phủ Trung Quốc, đặc biệt từ thời Đặng, đã phát triển một hệ thống chính trị độc tài nhưng có khả năng đáp ứng một số đòi hỏi, rõ ràng quân bình các nhóm lợi ích quan trọng liên quan đến địa lý, chức năng, phe phái, và chính sách bằng cách cho chúng được đại diện ở những cấp cao nhất trong ĐCSTQ. Mặc dù những con đường dẫn đến việc bày tỏ thái độ chính trị riêng vẫn còn bị hạn chế và việc làm chính sách của giới lãnh đạo chóp bu vẫn thiếu công khai, nhưng các lãnh đạo Trung Quốc hiện nay cố gắng giải quyết, chứ không triệt tiêu, các xung đột giữa những nhóm lợi ích cạnh tranh nhau, chỉ dập tắt chúng khi họ nhận thấy chúng đặc biệt trở thành những đe dọa to lớn. Lãnh đạo Trung Quốc cố gắng thu hút hàng ngũ của các nhóm cử tri khác nhau, đồng thời đàn áp những người đứng đầu các phong trào chống chính phủ.

Nhiều nhóm lợi ích mới và có thế lực của Trung Quốc từ bản chất là lợi ích kinh tế. Giới lao động và giới quản lý hiện nay thường xung đột nhau về điều kiện làm việc và tiền lương. Trong một cung cách tương tự, khi các doanh nghiệp Trung Quốc trở nên giống các tập đoàn kinh tế phương Tây, chúng chỉ tuân theo các chỉ thị của Đảng một phần nào đó thôi. Chẳng hạn, như học giả Tabitha Mallory đẫn chứng, công nghiệp đánh bắt cá ngày càng được tư hữu hóa – năm 2012, có đến 70 phần trăm công ty đánh bắt cá “ở các vùng nước xa bờ” nằm trong tay tư nhân – khiến chính phủ trung ương ngày càng khó ngăn chặn việc đánh bắt cá vượt số lượng qui định [overfishing].

Đồng thời, trong khu vực quốc doanh, Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đang hậu thuẫn những chính sách tăng cường tính quyết đoán tại biển Hoa Nam [Biển Đông Việt Nam], nơi người ta cho rằng có trữ lượng hydrocarbon to lớn nằm dưới lòng đất, và do đó tập đoàn kinh tế này tìm thấy một mẫu số chung với hải quân Trung Quốc, là lực lượng đang đòi hỏi một ngân sách lớn hơn và một hạm đội được hiện đại hóa. Trong các vấn đề đối nội cũng như đối ngoại, các nhóm lợi ích đã trở thành những kẻ tham gia ngày càng có tiếng nói trong tiến trình làm chính sách.

Giới thư lại Trung Quốc đã tìm cách thích nghi với sự lan tràn của các nhóm lợi ích bằng cách tự mình phân hóa ra nhiều mảng. Các quan chức sử dụng những diễn đàn gọi là “tiểu tổ lãnh đạo” (lingdao xiaozu) để giải quyết các xung đột giữa những tổ chức và địa phương tranh chấp nhau. Do đó, các Phó Thủ tướng và các Ủy viên Quốc vụ viện mất nhiều thì giờ giải quyết những tranh chấp này. Trong khi đó, các tỉnh, các thành phố lớn như Thượng Hải chẳng hạn, và các hiệp hội công nghiệp và thương mại ngày càng dựa vào các người đại diện tại Bắc Kinh để đẩy mạnh lợi ích của mình bằng cách vận động hành lang các nhà làm quyết sách ở cấp quốc gia – một mô hình cũng đã được sao chép ở cấp tỉnh.

QUYỀN LỰC CỦA NGƯỜI DÂN

Mao gần như không bao giờ cho phép công luận hạn chế những chính sách của mình; ý dân là điều mà ông tự mình định nghĩa lấy. Nhưng về sau, Đặng lại đưa ra các cải tổ, vì ông sợ rằng ĐCSTQ có nguy cơ mất chính nghĩa, nhưng Đặng chỉ nghe theo công luận khi nó phù hợp với sự phân tích của chính ông.

Ngày nay, trái lại, gần như tất cả lãnh đạo Trung Quốc đều công khai nói về tầm quan trọng của công luận, với mục đích là để chặn trước các vấn đề có thể xảy ra. Vào tháng Tám 2013, chẳng hạn, tờ báo nhà nước Trung Quốc Nhật báo nhắc nhở người đọc rằng Ủy ban Phát triển và Cải tổ Quốc gia đã ra điều lệ đòi hỏi quan chức địa phương tiến hành các cuộc đánh giá rủi ro [risk assessments] để định khả năng xảy ra các xáo trộn trong dân chúng khi họ phản ứng chống lại các dự án xây dựng quan trọng và nói rõ rằng những công trình như thế phải đóng cửa tạm thời nếu chúng tạo ra một sự chống đối “ở mức trung bình” trong dân chúng.

Trung Quốc đã xây dựng một bộ máy đồ sộ với mục đích đo lường quan điểm của người dân – vào năm 2008, là năm gần đây nhất mà ta có thể tìm thấy dữ liệu, khoảng 51.000 hãng, nhiều hãng có hợp đồng với chính phủ, đã tiến hành các cuộc thăm dò dư luận – và thậm chí Bắc Kinh đã bắt đầu sử dụng các dữ liệu thăm dò để hỗ trợ việc đánh giá xem các quan chức ĐCSTQ có đáng được thăng thưởng hay không. “Sau Đặng, cho đến nay chưa có một thủ lĩnh độc tài nào xuất hiện, vì thế công luận đã trở thành một loại xã hội dân sự,” một chuyên gia thăm dò ý kiến, một người ngày càng nhận thêm nhiều hợp đồng từ chính phủ trung ương, đã nói với tôi năm 2012. “Tại Hoa Kỳ, thăm dò dư luận được sử dụng trong các cuộc tuyển cử, nhưng tại Trung Quốc, một công dụng chính của việc thăm dò là để theo dõi thành tích của chính phủ.”

Những diễn biến như thế này cho thấy rằng các lãnh đạo Trung Quốc hiện nay nhìn nhận rằng chính phủ cần phải đáp ứng các đòi hỏi nhiều hơn nữa, hay chí ít phải tỏ ra như thế. Thật vậy, từ năm 2000 trở đi, càng ngày họ càng viện dẫn công luận nhiều hơn trong việc giải thích các chính sách của mình về tỉ giá trao đổi ngọai tệ, thuế má, và cơ sở hạ tầng. Công luận thậm chí có thể là động lực thúc đẩy tính quyết đoán của Bắc Kinh trong khu vực vào năm 2009 và 2010. Niu Xinchun, một học giả Trung Quốc, tranh luận rằng Bắc Kinh đã theo đuổi một lập trường cứng rắn hơn trong các tranh chấp biển đảo và trong các vấn đề đối ngoại khác vào giai đoạn nói trên như một cách đáp ứng trực tiếp cơn phẫn nộ của công chúng về những chỉ trích từ phương Tây đối với hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, nhất là trong thời gian gần Thế vận hội 2008, khi một số lãnh đạo phương Tây gợi ý là có khả năng họ sẽ không tham dự. Người Trung Quốc đặc biệt chán ghét thái độ của Pháp đến nỗi Trung Quốc Nhật báo đưa tin rằng “nhân dân Trung Quốc không muốn thấy Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh.”

Thái độ sẵn sàng đáp ứng rộng rãi hơn của Bắc Kinh phần lớn phát xuất từ việc nhìn nhận rằng khi các chính quyền địa phương, các tổ chức phi-nhà nước, và các cá nhân càng có nhiều quyền lực, thì chính phủ trung ương càng mất dần độc quyền về ngân quĩ, nhân tài, và thông tin. Ta hãy xét đến vấn đề vốn. Kể từ thời Đặng trở về sau, càng ngày vốn càng được tích lũy trong các ngân quĩ nằm ngoài thẩm quyền của chính phủ trung ương. Từ năm 1980 đến năm 2010, số tiền trong thu nhập tổng cộng của nhà nước được chi tiêu ở cấp địa phương đã tăng lên từ mức 42 phần trăm đến 82 phần trăm. Trong khi đó lượng hàng hóa trong toàn bộ sản phẩm công nghiệp do khu vực nhà nước sản xuất đã rớt xuống từ mức 78 phần trăm năm 1978 xuống 11 phần trăm năm 2009. Tất nhiên, nhà nước vẫn nắm quyền kiểm soát chặt chẽ các khu vực chiến lược liên quan đến quốc phòng, năng lượng, và các cơ sở hạ tầng công cộng có qui mô lớn, và người dân Trung Quốc bình thường vẫn chưa hưởng được bất cứ một điều gì gần gũi với tự do kinh tế vô giới hạn. Sự thay đổi chính sách này cũng làm lợi cho các quan chức tham nhũng địa phương, các lãnh đạo quân sự, các tổ chức tội phạm, và các doanh nhân côn đồ (rogue entrepreneurs), vì tất cả bọn họ đều có thể đi ngược lại các lợi ích công dân. Nhưng khi người dân giành được quyền kiểm soát các nguồn lực kinh tế, họ có rất nhiều lựa chọn hơn trước về nơi họ muốn ở, về tài sản họ muốn mua, về cách họ muốn giáo dục con cái, và về những cơ hội họ muốn theo đuổi. Đây chưa phải là tự do không hạn chế, nhưng chắc chắn đây là một khởi đầu.

Còn về vốn con người (human capital), vào niên khóa 1977-78, niên khóa đầu tiên sau cuộc Cách mạng Văn hóa, có khoảng 400.000 học sinh trúng tuyển vào các đại học tại Trung Quốc; vào năm 2010, con số đó đã tăng lên 6,6 triệu. Ngoài ra, hiện nay có nhiều sinh viên Trung Quốc đang du học ở nước ngoài – trong niên khóa 2012-13, riêng tại Mỹ có hơn 230.000 sinh viên Trung Quốc đến học tập – và nhiều người sẽ trở về nước sau khi tốt nghiệp. Kết quả là Trung Quốc đang có một vựa nhân tài đồ sộ, những người có khả năng tạo sức mạnh cho các tổ chức và các doanh nghiệp nằm ngoài kiểm soát của nhà nước. Những thực thể này đang lớn mạnh từng ngày về số lượng và quyền lực, và trong một số trường hợp, chúng đã bắt đầu thực hiện những chức năng trước đây chỉ được nhà nước đảm trách – hay chẳng được ai ngó ngàng đến. Chẳng hạn, Viện Nghiên cứu các Vấn đề Công cộng và Môi trường, một tổ chức phi chính phủ chuyên thu thập và công bố các dữ liệu về cách vất bỏ đồ phế thải của các nhà máy, đã tạo được sức ép buộc một số công ty gây ô nhiễm môi trường phải sửa đổi lề lối làm việc của mình.

Người dân Trung Quốc bình thường cũng đang tiếp cận được một lượng thông tin đồ sộ chưa từng thấy. Hiện nay đã có hơn nửa tỉ người Trung Quốc sử dụng Internet. Ngoài việc khống chế dòng chảy thông tin bằng cái gọi là bức Đại Tường thành Lửa [the Great Firewall], hiện nay chính phủ cần phải dùng thông tin để chọi lại thông tin. Chẳng hạn, nhằm đối phó các đồn đãi trên mạng về quan chức ĐCSTQ bị thất sủng Bạc Hi Lai, chính phủ đã công bố những phần đã kiểm duyệt của các lời chứng tại toà án cho các mạng xã hội Trung Quốc. Chính phủ trung ương đã thực hiện các nỗ lực phi thường vừa để vận dụng những lợi ích của Internet vừa để ngăn chặn những hệ quả gây bất ổn nhất của nó.

Đồng thời, ngày càng nhiều công dân Trung Quốc lũ lượt tràn vào các thành thị. Tiến trình đô thị hóa có xu thế gắn liền với trình độ giáo dục và mức lương cao hơn trước, đồng thời nâng cao những kỳ vọng của người dân. Như một chuyên gia kinh tế Trung Quốc có nhiều thâm niên đã nói với tôi năm 2010, “Ở thành thị, người dân có thể thở một không khí tự do tươi mát.”

Việc kết hợp những yếu tố gồm các khối dân cư ngày càng sống chen chúc trong các thành thị, cùng với những kỳ vọng của người dân tăng lên nhanh chóng, với sự bành trướng tri thức, và sự dễ dàng hơn về trong việc phối hợp các hành động xã hội, có nghĩa là các lãnh đạo Trung Quốc sẽ thấy việc cai trị dần dần trở nên thách thức hơn đối với họ. Thật ra họ đã thấy rõ điều này. Vào tháng Mười Hai 2011, chẳng hạn, một bí thư địa phương thuộc tỉnh Quảng Đông trong khi phải đối đầu với các nông dân đang phẫn nộ về việc đất đai của họ bị cưỡng chế, đã xẵng giọng trước đám đông, “Chỉ có một bọn người thật sự chịu nhiều gian khổ chồng chất, từ năm này sang năm khác. Đó là ai, quí vị biết không? Đó là cán bộ, chính là cán bộ, trong đó có tôi.”

CÔNG DÂN HAY THẦN DÂN?

Cuộc cách mạng cải tổ của Trung Quốc đã đi tới một điểm mà Đặng và đồng bào của ông chưa bao giờ có thể dự kiến. Hiện nay các lãnh đạo chóp bu Trung Quốc đang phấn đấu vất vả để cai trị bằng đường lối tập thể, đừng nói chi đến việc quản lý một bộ máy thư lại ngày càng phức tạp và một xã hội ngày càng phân hóa. Việc lãnh đạo của họ càng trở nên khó khăn hơn do Trung Quốc thiếu hẳn các định chế để kết hợp các nhóm lợi ích khác nhau, phân xử một cách vô tư các xung đột giữa chúng với nhau, và để đảm bảo việc thực thi chính sách có trách nhiệm và công bằng. Nói thế khác, mặc dù Trung Quốc có thể có một nền kinh tế sung sức và một quân đội hùng mạnh, nhưng hệ thống cai trị của nó đã trở nên dễ gãy đổ.

Những sức ép này có thể đưa Trung Quốc vào một trong những lộ trình có thể xảy ra sau đây. Một lựa chọn là, lãnh đạo Trung Quốc sẽ cố gắng tái lập hệ thống trung ương tập quyền độc tài, nhưng việc này cuối cùng sẽ không đáp ứng nhu cầu của một xã hội Trung Quốc đang nhanh chóng chuyển mình. Khả năng thứ hai là, trước tình trạng hỗn hoạn và thối nát, một lãnh tụ có sức thu hút quần chúng và có khả năng thay đổi vận mạng đất nước sẽ đứng ra thiết lập một trật tự mới – có lẽ sẽ dân chủ hơn nhưng cũng có thể độc tài hơn. Kịch bản thứ ba nguy hiểm hơn nhiều: Trung Quốc tiếp tục phân hóa, mà không xây dựng được những định chế và qui phạm cần thiết để quản trị đất nước một cách có trách nhiệm và công bằng và để hành xử một cách xây dựng đối với nước ngoài. Con đường này có thể dẫn đến hỗn loạn.

Nhưng còn có một kịch bản thứ tư, trong đó các lãnh đạo Trung Quốc sẽ thúc đẩy quốc gia đi tới, bằng cách thiết lập chế độ pháp trị (the rule of law) và các cơ cấu điều hành có khả năng phản ánh trung thực hơn các lợi ích đa dạng của đất nước. Bắc Kinh còn cần phải tìm kiếm thêm chính nghĩa cho mình ngoài phạm vi tăng trưởng kinh tế, chủ nghĩa duy vật, và địa vị toàn cầu, bằng cách xây dựng các định chế có nền móng là hậu thuẫn đích thực của người dân. Điều này không có nghĩa là phải chuyển sang một thể chế hoàn toàn dân chủ, mà có nghĩa là phải chấp nhận những đặc điểm dân chủ như: sự tham gia của người dân vào sinh hoạt chính trị ở cấp địa phương, tính minh bạch của quan chức nhà nước, những cơ quan tư pháp và chống tham nhũng độc lập hơn, và một xã hội dân sự dấn thân hơn, những kiểm soát có tính định chế (institutional checks) đối với quyền hành pháp, và những định chế lập pháp và dân sự để giúp những nhóm lợi ích đa dạng trong nước thể hiện được nguyện vọng của mình. Chỉ sau khi tất cả những biện pháp này được thực hiện đầy đủ, chính phủ Trung Quốc mới có thể bắt đầu thử nghiệm việc cho phép người dân có tiếng nói trong việc tuyển chọn các lãnh đạo hàng đầu trong chính phủ.

Những câu hỏi then chốt cần đặt ra hiện nay là, liệu Tập có ủng hộ một đường lối như vậy không, thậm chí chỉ trên lý thuyết, và liệu ông ta có đủ bản lĩnh để theo đuổi đường lối này đến nơi đến chốn không. Các dấu hiệu sơ bộ cho thấy rằng những phần tử ủng hộ cải tổ kinh tế đã thắng thế dưới sự lãnh đạo của ông, và những chính sách quan trọng được Hội nghị toàn thể lần thứ 3 phê chuẩn sẽ gia tăng sức ép đòi cải tổ chính trị. Nhưng thời đại Tập Cận Bình chỉ mới bắt đầu, và hãy còn quá sớm để ta có thể nói là thời gian ở trong quân đội và kinh nghiệm phục vụ của Tập tại những vùng được hiện đại hóa, những đô thị lớn, có giao lưu toàn cầu nhất – Phúc Kiến, Chiết Giang, và Thượng Hải – có mang lại cho nhà lãnh đạo này thẩm quyền và viễn kiến cần thiết để đẩy đất nước theo hướng đi của lịch sử hay không. Tập và sáu thành viên khác trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị hiện nay, cơ quan làm quyết sách có quyền lực nhất Trung Quốc, xuất thân từ những bối cảnh giáo dục khác nhau hơn so với thành viên của các Ban Thường vụ trước đây. Tính đa dạng này có thể báo trước một giai đoạn sáng tạo, nhưng nó cũng có thể tạo ra tình trạng tê liệt.

Thông thường vẫn có một nguy cơ là những người đã leo được lên địa vị chóp bu của một hệ thống chính trị rồi, có thể không còn thấy gì xa hơn nữa. Nhưng lịch sử vẫn cho người ta hi vọng: tại Trung Quốc, Đặng đã nhìn xa hơn Mao và hệ thống chính trị mà Mao nặn ra, và tại Đài Loan Tưởng Kinh Quốc đã mang lại những cải tổ nhằm tự do hóa xã hội vào thập niên 1980, một điều mà cha ông là Tưởng Giới Thạch trước đó đã tìm cách ngăn chặn.

Những nguy cơ khiến Trung Quốc đứng yên một chỗ thì nhiều, mà những cơ may vươn tới phía trước thì ít, và Trung Quốc chỉ có thể hi vọng rằng các lãnh đạo của mình nhận ra được sự thật này để đẩy đất nước đi tới, thậm chí dù không biết chính xác là họ sẽ đi đâu. Nếu Tập và phe nhóm của ông không làm được điều này, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng: chính phủ sẽ đánh mất tăng trưởng kinh tế, lãng phí tiềm năng con người, và có lẽ thậm chí hũy hoại cả ổn định xã hội. Tuy nhiên, nếu các lãnh đạo mới của Trung Quốc có thể vạch ra một lộ trình để tiến tới một hệ thống quản trị quốc gia nhân đạo hơn, có sự tham dự của người dân, và đặt cơ sở trên luật lệ – trong khi vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh và ổn định xã hội – thì họ sẽ phục hồi được sức sống của quốc gia, vốn là tiêu chí của những nhà yêu nước và cải tổ suốt một thế kỷ rưỡi nay.

D. M. L.

DAVID M. LAMPTON là Giáo sư ngành Trung Quốc học – ngạch giáo sư vinh danh George và Sadie Hyman – và là Giám đốc SAIS-China tai Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp của Đại học Johns Hopkins. Bài tiểu luận này dựa vào cuốn sách của ông nhan đề Following the Leader: Ruling China, From Deng Xiaoping to Xi Jinping (Đi theo lãnh đạo: việc cai trị tại Trung Quốc, từ Đặng Tiểu Bình đến Tập Cận Bình), do the University of California xuất bản, 2014.

Nguồn: Foreign Affairs, Jan/Feb 2014

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

 

 

Phiếu đấu tố

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

clip_image001

Phiếu tố giác tội phạm do Ban chỉ huy công an Quận 4 vừa phân phối đến từng gia đình. Citizen photo

Ban chỉ huy công an Quận 4 vừa phân phối đến từng gia đình một phiếu mang tên phiếu tố giác tội phạm trong đó có nhiều mục vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng. Mặc Lâm tìm hiểu câu chuyện qua ý kiến của những người từng liên quan đến các mục trong phiếu tố giác này.

Biểu hiện nghi vấn?

Phản ứng đến từ nhiều người, nhiều thành phần xã hội và có lẽ hầu hết những người tranh đấu cho nhân quyền, tự do dân chủ hay dân oan đều cho rằng tấm phiếu mà công an gọi là phiếu tố giác tội phạm ấy thực chất chỉ là một cách đấu tố công khai và rộng khắp đối với những người mà công an cho là đang phá hoại sự ổn định của chế độ.

Một bản photo của phiếu này cho thấy việc chỉ dẫn người dân đánh vào ô vuông trước mỗi mục được gọi là “Những biểu hiện hành vi nghi vấn”.  Có hai hạng mục quan trọng là An ninh chính trị và Trật tự xã hội.

Trong mục An ninh chính trị công an Quận 4 yêu cầu người dân chú ý và báo cho công an nếu thấy những biểu hiện: kích động nói xấu chế độ, vận động khiếu kiện tập thể, tung tin đồn nhảm, tổ chức hội họp trái phép.

Bốn điều này là cơ sở để kết tội những người dấn thân tranh đấu cho nhân quyền, tự do dân chủ hay khiếu kiện đòi công lý của người dân hiện nay.

Theo tôi nghĩ cái phiếu đó rất là phi lý. Còn nói về bản thân hai anh tôi họ nói chúng tôi đi đây đó là bất minh vậy chớ bất minh là như thế nào?

-Huỳnh Anh Tú

Sau khi phiếu này ra đời thì một bài viết nghiêm túc, viện dẫn những sai trái của chế độ hay một status dí dỏm của ai đó trên trang facebook cá nhân có thể sẽ bị chính bạn bè của nạn nhân mang ra đấu tố là nói xấu chế độ vì động cơ ghen ghét hay hiềm thù cá nhân. Người dân Dương Nội, Phụng Công của Văn Giang rồi đây sẽ bị đồng loạt đấu tố vì dám cùng nhau hơn trăm gia đình kéo về khiếu kiện tập thể tại Hà Nội.

Bất cứ ai cũng có thể bị công an mời lên làm việc sau khi ngồi tại quán cà phê bàn chuyện Phạm Quý Ngọ bị ám sát chứ không phải ung thư, công an sẽ đặt ra cho người bị tố giác tại sao tung tin đồn nhảm và do ai kích động?

Người dân từ lâu vẫn tự hỏi không biết hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có cho phép công an giam lỏng người dân trong chính căn nhà của họ qua tờ hộ khẩu hay không khi khách đến nhà phải xin phép công an qua mỹ từ trình báo để khỏi mang tội hội họp trái phép. Ông Huỳnh Anh Tú một người vừa ra khỏi trại giam đã cùng 20 người khác xuống Lấp Vò thăm gia đình anh Nguyễn Bắc Truyển nói về cáo buộc hội họp bất hợp pháp như sau:

“Chúng tôi không hội họp bất hợp pháp do tình thân với anh Nguyễn Bắc Truyển, là bạn tù của tôi khi nghe anh ấy bị đánh đập bắt bớ trái phép, phá nhà phá cửa ảnh thì lương tâm một người Việt Nam khi nghe thì phải có một cái gì đó thì chính cái chỗ động lòng nên tôi xuống thăm anh ấy thôi chứ có gì đâu gọi là hội họp?”

clip_image002

Ông Nguyễn Bắc Truyển tham gia phản đối điều 258 (năm 2013)

Trong mục trật tự xã hội có hai điểm đáng chú ý là “Tụ tập gây rối trong khu phố”, và “không nghề nghiệp đi lại bất minh” cũng như nhiều loại tội phạm khác trong bộ luật tố tụng hình sự kể cả trốn thuế.

Tụ tập gây rối là việc xảy ra trước mắt mọi người, công an khu vực ở đâu mà phải để người dân điền vào phiếu tố giác mới biết và khi biết rồi thì người tụ tập có còn đâu mà xử lý?

Không nghề nghiệp và đi lại bất minh được định nghĩa như thế nào? Một người từ nhà quê lên thành phố lang thang tìm việc, trong tay không có bất cứ một nghề nghiệp gì và dĩ nhiên chỗ ở cũng không họ chỉ trông cậy vào bạn bè, hay người hảo tâm cho ăn nhờ ở đậu. Vậy họ có bất minh hay không?

Ông Huỳnh Anh Tú vừa ra khỏi trại giam sau 14 năm tù, không có nghề nghiệp và chẳng còn đâu để nương thân, bức xúc khi nghe cái phiếu tố giác này, ông nói:

“Theo tôi nghĩ cái phiếu đó rất là phi lý. Còn nói về bản thân hai anh tôi họ nói chúng tôi đi đây đó là bất minh vậy chớ bất minh là như thế nào? Nhà cửa không có, nơi nương tựa không xong thì buộc lòng tới nhà bạn bè để mà tá túc như thế là bất minh sao? Án tù 14 năm anh em tôi cũng đã trả xong rối. Tôi là con người Việt Nam, trên đất nước Việt Nam tôi có quyền đi đứng chứ tại sao lại gọi là bất minh? Tôi nghĩ là hai chữ bất minh ấy chỉ là gán ghép và chụp mũ cho anh em tôi thôi.”

Thông tin cảm tính

Về những điều mà công an Quận 4 gợi ra có liên quan đến trốn thuế thì rõ ràng là không hiệu quả. Thuế má phải do cơ quan chuyên nghiệp quản lý vì tính chất phức tạp của nó. Dựa vào đâu một người dân bình thường lại có thể biết người này hay người kia trốn thuế. Khi bị tố giác công an có xâm phạm thời giờ tiền bạc hoạt động làm ăn của người dân khi mời họ về cơ quan điều tra với những thông tin rất cảm tính?

Điều này làm người ta liên tưởng tới các vụ án trốn thuế khác sẽ diễn ra sau khi đem Điếu Cày và LS Lê Quốc Quân ra làm thí điểm.

Không cần phải ra cái phiếu đó. Nhà cầm quyền cộng sản vẫn dùng chính sách con tố cha, cha tố con vợ tố chồng điều đó đã xảy ra mấy chục năm nay rồi.

-Nguyễn Bắc Truyển

Phiếu tố giác tội phạm cũng gây liên tưởng tới việc tố giác địa chủ của những năm 50 khi miền Bắc học tập Mao Trạch Đông lập những Tòa án Nhân Dân lưu động đấu tố và giết chết hàng chục ngàn người. Lúc ấy đội cải cách tới từng nhà bị cho là địa chủ mặc dù chỉ có vài sào đất, mớm lời hay ép buộc những người giúp việc, phu phen, thậm chí khai thác xung đột cá nhân trong gia đình để đấu tố nạn nhân.

Ông Nguyễn Bắc Truyển một tù nhân lương tâm khác cho biết kinh nghiệm về việc đấu tố này:

“Không cần phải ra cái phiếu đó. Nhà cầm quyền cộng sản vẫn dùng chính sách con tố cha, cha tố con vợ tố chồng điều đó đã xảy ra mấy chục năm nay rồi. Những nhà đấu tranh cho dân chủ nhân quyền tại Việt Nam thì họ không ngại gì chuyện đó đâu bởi vì nếu họ làm những cái phiếu đó tố cáo nhà đấu tranh thì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải đưa ra chứng cớ chứ không thể dùng chung chung những lời buộc tội được.

Ngoài ra mặc dù mình là công dân nước Việt Nam nhưng đồng thời cùng là công dân của Liên Hiệp Quốc. Chúng ta báo thông tin đến các tồ chức nhân quyển để cho Hội đồng nhân quyển và cả Liên Hiệp Quốc cho họ biết đây là tình trạng khủng bố tinh thần, một sách nhiễu mới mà nhà nước Việt Nam đang đẻ ra nhắm tới những nhà đấu tranh trong nước.”

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu đưa ra ý kiến của ông về quyết định được ông gọi là xúi bẫy người dân theo dõi lẫn nhau như một cái cớ để dễ cho công an ghép tội người bất đồng chính kiến:

“Bây giờ nhân dân thành lập các tổ chức xã hội dân sự rất nhiều và phê phán đảng rất nhiều mà bây giờ họ phát giấy tố giác tội phạm đến từng gia đình thì chả có cái chính phủ nào làm như thế cả. 90 triệu người mà phát động phong trào nghi vấn lẫn nhau, cứ ghét nhau thì bảo gia đình kia có câu chuyện như thế… hoặc giả công an muốn trị ai thì lấy một địa chỉ nào đó đặt nghi vấn là người ta có tội. Vậy là 90 triệu người trở thành trận địa nội bộ đánh lẫn nhau.”

Truyền thống người Việt hàng ngàn năm nay không tố cáo người khác nếu họ chẳng gây hại tới mình ngoại trừ tranh chấp hay có thù hằn cá nhân. Nhà nước sẽ không nhận được phiếu tố giác nào có giá trị và vì vậy không còn cách nào khác là phải thu nhận thêm dư luận viên để họ làm điều này.

Nhiều người trên mạng xã hội đưa ra ý kiến rằng: yếu tố thuận lợi để công an yên tâm thuê dư luận viên đó là những người trong đội cải cách trong phong trào cải cách ruộng đất năm xưa đã bị kiểm điểm nặng nề và nếu bây giờ xuất hiện trở lại với căn cước “dư luận viên”, tức là không ai cả, chỉ là dư luận nói chung cho nên khi xảy ra hậu quả sẽ không ai chịu trách nhiệm cụ thể như hồi cải cách ruộng đất.

M. L.

Nguồn: rfa.org

Lượm lặt tin 25-2-14

Blogger Trương Duy Nhất sẽ ra tòa đầu tháng Ba, sau gần 1 năm tạm giam

Blogger Trương Duy Nhất  (DR)

Blogger Trương Duy Nhất (DR)

Trọng Thành

Phiên tòa xét xử nhà báo blogger Trương Duy Nhất, chủ trang blog « Một góc nhìn khác », bị tạm giam từ gần một năm nay, sẽ diễn ra ngày 04/03/2014 tại Đà Nẵng. Ông Trương Duy Nhất, 50 tuổi, nổi tiếng với các bài viết chỉ trích đích danh nhiều lãnh đạo cao cấp nhất trong chính quyền Việt Nam. Vụ ông Trương Duy Nhất bị bắt giữ gây chấn động công luận vào thời điểm ông bị bắt.
Luật sư Trần Vũ Hải, người đại diện cho ông Trương Duy Nhất, đã xác nhận ngày ông Trương Duy Nhất ra tòa với RFI vào hôm nay. Luật sư cũng cho biết là nguyên phóng viên báo Đại Đoàn Kết bị khép vào tội danh « lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước… » theo điều 258 Bộ luật Hình sự.

Hiện tại, gia đình và luật sư đã nhận được bản cáo trạng từ Viện Kiểm sát. Về đề nghị triệu tập phía bị hại tới phiên xử sắp tới của bị cáo, Luật sư Trần Vũ Hải nói hiện nay chưa nhận được trả lời chính thức từ phía tòa án.

Theo báo chí trong nước, trong suốt thời gian bị giam giữ, ông Trương Duy Nhất kiên quyết từ chối thừa nhận mình phạm tội.

Ngày 26/05 năm ngoái, nhà báo Trương Duy Nhất, chủ trang blog « Một góc nhìn khác », bị bắt ít ngày sau khi hội nghị trung ương lần thứ 7 của đảng Cộng sản Việt Nam kết thúc. Ông Trương Duy Nhất có bài viết kêu gọi ông Nguyễn Bá Thanh từ chức Trưởng ban nội chính trung ương, sau khi đề nghị đưa nguyên Bí thư Đà Nẵng vào Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương 7 bị bác bỏ.

Trang blog của nhà báo Trương Duy Nhất, một địa chỉ mạng được nhiều người truy cập, đã ngừng hoạt động kể từ khi ông bị bắt.

Cùng bị bắt trong khoảng thời gian đầu mùa hè năm ngoái với blogger Trương Duy Nhất còn có một blogger nổi tiếng khác, nhà báo Phạm Viết Đào, nguyên trưởng phòng Thanh tra hành chính và phòng chống tham nhũng của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch.

Giới bảo vệ nhân quyền trong và ngoài nước cáo buộc chính quyền Việt Nam thường xuyên sử dụng điều 258 Bộ Luật hình sự cùng một số điều luật khác để bắt bớ nhiều người bất đồng chính kiến. Ít lâu sau hai vụ bắt giữ này, cùng vụ câu lưu blogger Đinh Nhật Uy, giữa tháng 7/2013, hàng chục blogger Việt Nam ra « Tuyên bố 258 » để lên án chính quyền sử dụng điều 258 trấn áp quyền tự do ngôn luận.

——————————

Tờ đô la Mỹ được in từ hơn 150 năm trước

Đồng đô la Mỹ là đồng tiền thông dụng tại nước Mỹ và cả trên toàn thế giới. Do đó đảm bảo đồng tiền này khác biệt rõ ràng với những đồng tiền khác và đáng tin cậy là điều rất quan trọng. Đây là công việc của một cơ quan chính phủ đã in các đồng đô la hơn 150 năm nay. Thông tín viên Đài VOA Julie Taboh thăm trụ sở cơ quan tại Washington để thấy tận mắt tiền được in như thế nào.

——————————————

Hơn 30 tập đoàn Mỹ tìm hiểu thị trường Việt Nam

Một đoàn đại diện của hơn 30 tập đoàn Mỹ vừa đến thăm Việt Nam để tìm hiểu thị trường trong chuyến làm việc từ ngày 22 đến 26 tháng 2 do Hội đồng kinh doanh Mỹ ASEAN tổ chức.

Các lãnh đạo tập đoàn Mỹ trong chuyến thăm này sẽ có các cuộc gặp và làm việc với các đại diện chính phủ, bộ trưởng và thứ trưởng các bộ.

Chuyến thăm diễn ra giữa lúc, 12 bộ trưởng các nước tham gia hiệp định TPP, trong đó có Việt Nam, đang đàm phán tại Singapore.

Theo ông Alex Feldman, Chủ tịch điều hành USABC, trong số các đại diện công ty Mỹ đến Việt Nam lần này, có những ông ty đã có mặt ở Việt Nam từ lâu và đang chờ cơ hội mới do TPP mở ra để mở rộng kinh doanh. Ông Feldman cũng cho biết có một doanh nghiệp Mỹ sử dụng nhiều lao động ở Việt Nam sẽ tăng gấp đôi số lượng tuyển dụng một khi TPP được thông qua.

Phá hay giữ cầu Long Biên: Chuyên gia Pháp lên tiếng

“Việc di chuyển cây cầu khỏi vị trí ban đầu của nó, dù có giữ nguyên trạng cấu trúc hiện tại, vẫn làm cho công trình mất đi rất nhiều giá trị lịch sử”.

Sự kiện Bộ Giao thông Vận tải đề xuất ba phương án cải tạo cầu Long Biên đang tạo ra nhiều cuộc tranh luận trong giới chuyên môn cũng như những ý kiến trái chiều trong công luận.

Để góp thêm tiếng nói cho dự án quan trọng này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với một chuyên gia quy hoạch người Pháp, ông Emmanuel Cerise, đại diện Vùng Ile-de-France (tức Vùng thủ đô Paris) tại Hà Nội và cũng là Đồng giám đốc của Dự án hợp tác Phát triển đô thị Hà Nội – Ile-de-France (IMV), cơ quan hợp tác giữa Vùng Ile-de-France và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội được thành lập từ năm 2001 và đã thực hiện nhiều dự án hợp tác về quy hoạch đô thị cũng như bảo tồn và phát huy giá trị các di sản đô thị của Hà Nội.

PV: Từ lâu nay người ta vẫn nói cầu Long Biên là một công trình di sản rất có giá trị của Hà Nội nhưng ít ai chỉ rõ đó cụ thể là những giá trị gì. Là một chuyên gia quy hoạch rất quan tâm tới các di sản đô thị của Hà Nội, theo ông đâu là những giá trị nổi bật nhất của cầu Long Biên ?

Để nói về các giá trị nổi bật thì cầu Long Biên có nhiều lắm, nhất là những giá trị về lịch sử. Trước hết phải khẳng định rằng đó là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng, con sông cái quan trọng nhất góp phần tạo nên cả một vùng châu thổ rộng lớn cùng tên với nó mà trước khi có cầu Long Biên, người ta chỉ có một cách qua sông duy nhất là dùng thuyền.

Thứ hai, đây có lẽ cũng là cây cầu thép đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á bởi trước đó, hầu hết các cây cầu được xây dựng trong khu vực này đều chưa phải là cầu thép.

Thứ ba, với cá nhân tôi thì đây không chỉ là cây cầu vắt qua sông Hồng mà còn là cây cầu vắt qua lịch sử cận đại của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, nhất là các giai đoạn kháng chiến.

Là người Việt Nam, hẳn bạn không thể không biết đến hình ảnh những đoàn quân đã từng đi qua cây cầu này tiến vào giải phóng thủ đô. Bạn cũng không thể quên được những cuộc đối đầu khốc liệt giữa lực lượng phòng không của Việt Nam với Không lực Hoa Kỳ ngay trên cầu Long Biên, thậm chí rất nhiều nhịp cầu không còn nguyên vẹn cũng là kết quả của những cuộc đọ sức đầy khói lửa đó.

Về mặt lịch sử xây dựng, cây cầu này cũng là một nhân chứng vô cùng sống động cho thời hoàng kim của ngành công nghiệp sắt thép và những công trình xây dựng có kết cấu chủ yếu bằng thép. Nó có thể được coi là “người đương thời” với tháp Eiffel ở Paris hay cầu thép Gustave Eiffel ở Bordeaux (Pháp). Không phải ngẫu nhiên mà đã có người ví von cầu Long Biên là “tháp Eiffel nằm ngang” trên sông Hồng.

Cầu Long Biên lưu giữ nhiều giá trị không chỉ của Hà Nội.

PV: Vậy hãy quay trở lại với câu chuyện về ba phương án cải tạo cầu Long Biên đang gây ra nhiều ý kiến đa chiều hiện nay. Nếu đặt mình vào vị trí của người phải đưa ra lựa chọn cuối cùng đối với một trong ba phương án này thì ông sẽ lựa chọn phương án nào và có bổ sung hay điều chỉnh gì không ?

Đúng là bạn đang đặt tôi vào tình huống khó đấy. Tôi có được biết về ba phương án này và tôi cũng hiểu rất rõ những khó khăn đang gặp phải của những người đã đề xuất các phương án đó.

Mỗi khi nói đến một dự án cải tạo đô thị tại Hà Nội, nhất là trong khu vực trung tâm thành phố, người ta luôn bị ám ảnh nhất với khâu giải phóng mặt bằng khiến cho chi phí dự án thường bị đội lên gấp nhiều lần.

Vì thế, đôi khi các phương án chọn cũng chịu tác động không nhỏ từ yếu tố này. Nếu đặt mình vào vị trí phải lựa chọn thì tôi sẽ nghiêng theo phương án 3 nhưng có sự điều chỉnh một chút. Tôi sẽ phân tích lần lượt từng phương án để bạn thấy tại sao tôi lựa chọn phương án 3.

Phương án 1 chưa thực sự tôn trọng các nguyên tắc cơ bản về bảo tồn công trình di sản. Việc di chuyển cây cầu khỏi vị trí ban đầu của nó, dù có giữ nguyên trạng cấu trúc hiện tại, vẫn làm cho công trình mất đi rất nhiều giá trị lịch sử.

Ngoài các giá trị về thời điểm xây dựng hay phong cách kiến trúc, mỗi công trình di sản đều có thêm một giá trị lưu giữ ký ức về nơi chốn, tức là chỉ thực sự giữ nguyên được giá trị khi nó gắn với đúng nơi nó đã hình thành chứ không phải bị xê dịch đi nơi khác.

Việc di chuyển vị trí của cầu Long Biên đi vài chục mét thì cũng chẳng khác gì di chuyển nó đến một địa điểm hoàn toàn mới vì khi đó nó không còn gắn với nơi nó sinh ra nữa.

Mặt khác, xu thế hiện nay về bảo tồn công trình cổ không phải là bảo tồn theo hình thức bảo tàng mà nên kết hợp giữa bảo tồn và phát triển, trừ trường hợp công trình đã trở thành phế tích chứ không còn công năng sử dụng.

Phương án 2 lại càng ít coi trọng vấn đề bảo tồn hơn bởi việc dựng lại một cây cầu có hình dáng gần như nguyên vẹn nhưng đã có ít nhiều thay đổi về quy mô chẳng khác gì việc phá bỏ một thứ đồ cổ thực sự để thay bằng một món đồ giả cổ.

Để làm lại một bản sao nguyên vẹn của cầu Long Biên, về mặt kỹ thuật người ta có thể làm được điều đó tại bất kỳ nơi nào nhưng sẽ không bao giờ nhận được sự đánh giá cao của những người thực sự yêu quý di sản đó bởi người ta không thể tìm thấy tại công trình đó những dấu ấn thực sự của thời gian hay những dấu vết còn sót lại của những sự kiện mà nó đã trải qua.

Chắc bạn đã từng nghe nói về những món “hàng nhái” chính xác tới 100% của tháp Eiffel hay thậm chí của cả một ngôi làng cổ của nước Áo tại Trung Quốc, nhưng chắc chắn những người thực sự am hiểu và trân trọng di sản sẽ không bao giờ đánh giá cao những sản phẩm đó mà trái lại chỉ coi đó là một sự cóp nhặt vô giá trị.

Phương án 3 theo tôi là có tính khả thi nhất xét theo góc độ bảo tồn di sản nhưng phải là một cây cầu mới hoàn toàn chạy song song với cầu cũ để đảm bảo không tác động gì đến cầu cũ.

Có thể nhận xét này của tôi sẽ gây bất ngờ hoặc phản ứng của không ít đồng nghiệp ở Việt Nam, nhưng đó là phương án phù hợp nhất trong số ba lựa chọn được đề xuất tính đến thời điểm hiện nay.

Việc xây dựng một cây cầu đường sắt mới chạy song song với cầu Long Biên hiện tại sẽ đảm bảo được cả hai mục đích là giải quyết yêu cầu mới về công năng (phải có một cây cầu đường sắt vượt sông Hồng tại vị trí không làm thay đổi nhiều hướng tuyến của tuyến đường sắt đô thị số 1), đồng thời vẫn giữ được cầu Long Biên để bảo tồn theo hướng chuyển đổi công năng nhưng không gây ra những tác động quá lớn. Vấn đề còn lại chỉ là giải quyết một cách hài hòa hai khía cạnh: hình dáng kiến trúc của cây cầu mới và khoảng cách giữa hai cây cầu để đảm bảo không ảnh hưởng đến cầu Long Biên.

Xây cầu mới gần như song song với cầu cũ theo phương án của ông Emmanuel Cerise

Về hình dáng kiến trúc, theo tôi cây cầu mới cần loại bỏ các vòm cuốn phía trên và thu gọn bề rộng bản mặt cầu để chỉ có kết cấu bao gồm các trụ cầu và bản mặt cầu phẳng đủ bố trí được hai làn đường sắt. Ngoài ra, vị trí các trụ cầu mới sẽ nằm song song đúng với các trụ của cầu Long Biên.

Với cấu trúc như vậy, sự hiện diện của cây cầu mới sẽ không “gây nhiễu” làm ảnh hưởng tới hình dáng của cầu Long Biên dù có vị trí gần kề. Còn về khoảng cách giữa hai cây cầu, chúng ta có thể có hai lựa chọn khác nhau: hoặc là nằm thật gần kề nhau để cây cầu mới gần như bị “chìm” vào bóng dáng của cầu cũ, hoặc là phải có khoảng cách đủ xa để tạo ra một “vùng đệm” không ảnh hưởng tới hình ảnh của cầu cũ. Nếu theo trường hợp thứ hai thì khoảng cách tối thiểu phải là 200 mét.

Tôi biết là nhiều đồng nghiệp người Việt Nam sẽ cho rằng lựa chọn thứ hai dễ chấp nhận hơn, nhưng tại sao tôi dám mạnh dạn đề cập đến lựa chọn thứ nhất bởi như ở đầu cuộc nói chuyện này, tôi đã nhấn mạnh rằng tôi hiểu những khó khăn về khâu giải phóng mặt bằng trong các dự án ở Việt Nam, nhất là ở những thành phố lớn như Hà Nội. Lựa chọn thứ nhất sẽ giúp chúng ta dung hòa được cả hai yếu tố là giảm thiểu sự tác động của cây cầu mới về mặt hình ảnh đối với cây cầu di sản nhưng vẫn không gây quá nhiều khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng và tính khả thi của dự án.

PV: Khi nhắc đến lựa chọn xây cầu mới với cấu trúc đơn giản ở mức tối thiểu và khoảng cách gần kề với cầu Long Biên, dường như ông muốn liên hệ đến trường hợp của cây cầu di sản Gustave Eiffel bắc qua sông Garonne ở thành phố Bordeaux ? Ông có thể chia sẻ thêm về trường hợp này được không ?

Bạn rất tinh ý. Cũng thật tình cờ là có khá nhiều điểm trùng hợp giữa cầu Long Biên và cầu Gustave Eiffel. Trước hết, cả hai cây cầu đều có kết cấu khung thép và được xây dựng gần như cùng thời kỳ, tức là giai đoạn nửa cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Về công năng ban đầu, cả hai đều là cầu dành cho đường sắt chạy ở giữa và hai bên dành cho người đi bộ cũng như các phương tiện thô sơ. Và cuối cùng là cả hai cây cầu này đều do công ty đã từng tham gia xây dựng tháp Eiffel tiến hành khâu thi công, thậm chí cầu Gustave Eiffel còn do chính kiến trúc sư này trực tiếp chỉ đạo thi công, vì vậy mới được gắn với tên ông.

Đến năm 2008, cầu Gustave Eiffel chính thức được dừng khai thác sau đúng 140 năm sử dụng và một cây cầu đường sắt mới đã được xây dựng ngay liền kề về phía thượng lưu sông Garonne với cấu trúc chỉ gồm các trụ đỡ và bản mặt cầu phẳng, tuyệt đối không có các kết cấu chịu lực hay trang trí phía trên mặt cầu.

Với phương án đó, người ta vẫn giữ được cầu Gustave Eiffel ở nguyên vị trí cũ để bảo tồn, nhưng hướng tuyến của các tuyến đường sắt quan trọng đi qua vị trí này không thay đổi quá lớn trong khi hình dáng của cây cầu mới cũng không gây ảnh hưởng quá nhiều đến cây cầu lịch sử. Đặc biệt khi nhìn từ phía hạ lưu, người ta gần như không thấy có sự ảnh hưởng đáng kể nào của cầu mới đối với hình ảnh của cầu Gustave Eiffel.

Dù sao tôi cũng phải nói thêm rằng việc tôi liên hệ với trường hợp của cầu Gustave Eiffel để đưa ra ý kiến của mình không phải để đi tìm một giải pháp tối ưu cho dự án cải tạo cầu Long Biên mà chỉ là tìm một giải pháp tôn trọng di sản nhất nhưng không vì thế mà hy sinh mọi nhu cầu phát triển để chỉ phục vụ việc bảo tồn di sản.

Mọi cuộc tranh luận về chuyên môn đều là cần thiết nhưng đến một lúc nào đó nó cũng phải khép lại để nhường chỗ cho một quyết định phù hợp nhất với tình hình thực tại. Mọi câu chuyện về dung hòa giữa bảo tồn và phát triển đều đòi hỏi chúng ta cần có một cách tiếp cận linh hoạt và cân đối giữa các nhu cầu. Nếu quá nghiêng về phía nào thì dự án của chúng ta cũng đều khó trọn vẹn.

Xin cảm ơn ông !

QUỐC NGỌC (thực hiện)

@Infonet