Đào Hiếu – Kẻ địch trong nhà bếp

Đào Hiếu

Blog Lề trái

Có những người đàn ông rất hào phóng, thấy bạn bè nghèo không có chỗ ở liền mời về nhà ở chung, vô quán nhậu nhớ bạn hiền cũng bấm phone rủ đến lai rai ba sợi, có cái xe hơi, bạn muốn mượn, cứ lấy đi thoải mái. Loại đàn ông ấy trên đời này không phải là hiếm.Nhưng có một thứ mà người đàn ông không bao giờ chịu chia sẻ với ai, đó là vợ mình. Chỉ cần một câu nói, một cái liếc mắt là anh chồng đã “xù lông” lên, sẵn sàng chiến đấu.Vậy mà có một gã từ nhiều năm nay đã phải chia sẻ bà vợ duy nhất của mình cho một người đàn ông khác mà không hề than thở. Gã này là một quan chức nhà trời, có quyền gặp trực tiếp Ngọc Hoàng để báo cáo tình hình dưới trần gian mỗi năm.Đó chính là ông Táo.*

Dân Việt Nam ta, hễ cứ đến ngày 23 Tết là cúng ông Táo, đốt vàng mã, lưu luyến tiễn ngài về trời mà không hề xét lý lịch xem ông ta là ai, có đáng để cho ta tin cậy và tôn kính đến như thế không?

Trước hết, ông ta là một thằng bất tài vì trên thế gian này dù sang hay hèn, dù giàu hay nghèo, dù quân tử hay tiểu nhân… ai ai cũng có một bà vợ, chỉ riêng ông Táo là không thể có. Ông ta phải chia sẻ vợ với một táo quân khác trong nhiều ngàn năm nay. Và như thế thực chất ông ta chỉ có nửa bà vợ.

Táo quân còn là một thằng hèn vì đã không đủ dũng khí để giành vợ mình khỏi tay người khác. Đêm nào ông cũng nghiến răng nhìn vợ mình “quằn quại” dưới ách xâm lược của người đàn ông khác mà không dám hé nửa lời.

Bất tài, hèn lại còn khiêu dâm nữa! Có lần Táo quân từ nhà bếp ra chợ để mua một con cá chép làm phương tiện bay về trời, ông ta bị quần chúng phát hiện đang … ở truồng! Lũ con nít chạy theo tốc áo lên coi, Táo quân giận quá rút đôi hia ra ném, tụi nhỏ vừa bỏ chạy vừa cười nhạo.

Nhưng chúng ta hãy bỏ qua cái chuyện Táo quân ở truồng ra phố đi, vì dẫu sao cái mốt “đội mũ mang hia chẳng mặc quần” cũng là đồng phục của nhà Táo.

Hãy sang một vấn đề khác.

Xưa nay ai ai cũng kính trọng Táo quân vì nghĩ rằng ông ta đứng về phía lẽ phải, hàng năm đều có dâng sớ lên Ngọc Hoàng Thượng Đế để tố cáo tham nhũng và những tệ nạn khác dưới trần gian, nhưng sự thật là Táo quân chỉ báo cáo những vụ bê bối lặt vặt ở trong…bếp như anh chồng ăn vụng với cô sen, bà chủ tò te với anh tài xế, còn những vụ tham nhũng lớn tầm cỡ quốc gia, trị giá hàng trăm hàng ngàn tỷ đồng thì ông ta đếch dám động tới. Kết quả là tham nhũng và tệ nạn ngày càng nhiều, lộng hành trên khắp Việt Nam, vô phương cứu chữa.

Còn nữa, Táo quân là một kẻ tham quyền cố vị vào loại nhất thế giới. Quý vị chỉ cần điểm mặt một số kẻ tham quyền cố vị nổi tiếng của nhân loại thì sẽ rõ ngay: Này nhé, Fidel Castro làm vua xứ Cu Ba nghèo đói suốt 49 năm trời không chịu nhường cho ai, cuối cùng già quá, tay chân run rẩy, hết xíu oách đành phải nhường ngôi cho…em trai mình. Kim Nhật Thành làm vua xứ Triều Tiên 46 năm và tự phong là “chủ tịch vĩnh cửu”, cuối cùng trao ngai vàng cho con trai minh là Kim Jong-il, anh này còn chơi ngoạn mục hơn: đưa một thằng con nít miệng còn hôi sữa tên là Kim Jong-un lên làm đại tướng, ngồi chờ sẵn khi nào bố ra hiệu thì đặt mông vô ngai vàng liền, đố người nào tranh cướp được! Người thứ ba là Mao Xếnh Xáng, ngồi trên ngai vàng 33 năm, cuối đời dùng mọi thủ đoạn trong Cách Mạng Văn Hóa để loại bỏ đồng chí mình, âm mưu đưa… bà xã Giang Thanh lên ngai, tiếc thay đã thất bại. Tóm lại, xưa nay “bám ghế” lâu nhất cũng bốn năm chục năm, chưa có ai bám ghế kỷ lục như Táo quân nhà ta. Từ khi có dân tộc Việt Nam, cứ tạm cho là đời Hùng Vương tới giờ, ông ta cứ giữ rịt lấy cái ghế Táo quân ấy suốt hơn bốn ngàn năm nay “một tấc không đi, một ly không rời”. Và chắc chắn ngày nào còn dân Việt, có lẽ ông ta vẫn còn giữ chặt cái ghế đó.

Và vì suốt nhiều ngàn năm nay ông ta không chịu về hưu cho nên cứ được hưởng lương trăm phần trăm dài dài, chưa kể các khoảng “lộc” khác như nhà, đất, đi du lịch nước ngoài… Và có thể nói Táo quân là anh cán bộ duy nhất trên đời này không bao giờ nghỉ hưu.

Nhưng ông ta làm công tác gì mà quan trọng đến nỗi không ai có thể thay thế được?

Chẳng qua ông ta chỉ là một tên chỉ điểm, tối ngày lẩn quẩn trong xó bếp rình rập nhà dân xem có ai phát ngôn bừa bãi, bôi xấu chế độ, xúc phạm lãnh tụ, xúc phạm lãnh đạo, xem có trang web nào phản động, có blog cá nhân nào chống Đảng, chống tham nhũng, độc tài, tay sai ngoại bang … để lập báo cáo mật chờ đến cuối năm cưỡi cá chép về trời, chạy thẳng vô đồn công an tâng công lấy điểm.

Như vậy, xét về tư cách thì Táo quân chỉ được không điểm, xét về đạo đức, người dễ tính cũng cho nửa điểm là cùng. Còn xét về trình độ văn hóa thì một thằng cha tối ngày chỉ biết “đội” đít nồi, chưa hề thấy hắn đi học bao giờ, thì chỉ có thể làm một tên chỉ điểm hạng bét mà thôi.

ĐÀO HIẾU

Sài Gòn hẻm và người

Hẻm là không gian sống bày biện tất cả sinh hoạt ban ngày của cư dân Sài Gòn.

Hẻm Sài Gòn bao dung không phân biệt người ngụ cư lâu đời với người mới đến.

Những ngày mới vô đại học, tôi ở trọ căn gác trên đường Cao Thắng, quận Phú Nhuận. Gọi là nhà nhưng thật ra đó là cửa hiệu tạp hoá có hai mặt đều là hẻm.

Hồi đó, chợ chưa xây kiên cố như bây giờ. Phía trước các bà các chị buôn bán ngồi san sát, chỉ còn lại lối đi nhỏ xíu. Phía sau cũng là hẻm, con hẻm ngoằn ngoèo ăn thông được ra tới chân cầu Công Lý.

Hồi đó, chợ Phú Nhuận còn là ngôi chợ sầm uất của Sài Gòn. Tại đây có cộng đồng nhỏ người Bến Tre từ miệt Giồng Trôm – Ba Tri nhập cư từ năm 1954. Ngay trước cửa tiệm có bà Tám bán gà vịt rau quả…

Tuần hai lần, bà đáp xe đò mang theo hàng hoá từ Giồng Trôm lên Phú Nhuận để buôn bán. Cùng mỗi chuyến hàng từ Giồng Trôm lên, bà mang theo cơ man là chuyện: cây cầu Kinh sắp sập, dừa khô mất giá (thành câu hát ai có má đem đổi dừa khô!), đường độ này mới thêm trạm, thị trường chận bắt dữ lắm…

Mỗi sáng sớm, tôi luôn được đánh thức bằng tiếng những chiếc ba gác máy lấy bánh mì đi từ lò bánh ngay con hẻm sau nhà. Lò bánh mì đốt bằng củi, đương nhiên, làm hoàn toàn thủ công với khoảng bảy – tám thợ nhồi bột, vỗ bột nặn bánh thình thịch từ lúc nửa đêm.

Tôi thức dậy, mặc quần áo rồi dắt xe đạp len qua hẻm chợ ồn ào đông đúc ra hướng cầu Công Lý, rồi chui tiếp vào con hẻm sâu ngoằn ngoèo chạy dọc suốt khu nhà ổ chuột bên dòng kinh Nhiêu Lộc để ra hướng cầu Lê Văn Sỹ, đến trường.

Chắc chắn ai đã từng sống nhiều năm ở Sài Gòn cũng ít nhất vài ba lần cảm thấy hoang mang khi lạc bước trong ngõ cụt. Sài Gòn hồi đó chưa kẹt xe triền miên như bây giờ nên cũng chưa có những tấm bảng chỉ dẫn mỗi đầu con hẻm, giả dụ như: “Hẻm này thông ra đường Nguyễn Kiệm”.

Đang đi tưởng như bít lối, bỗng con hẻm bất ngờ mở ra một cái ngách ăn thông ra đường cái. Đang trong hẻm sâu hun hút chợt gặp một bùng binh rộng với một khu chợ nhỏ giống như hoạt động bí mật trong lòng phố. Tôi chợt ngộ ra rằng, tất cả những con đường đều liên thông với nhau bằng cách nào đó và ở đâu có người thì ở đó chắc chắn có lối ra.

Trong nhiều năm lang bạt, người viết bài đã từng khám phá không biết bao nhiêu đường hẻm. Dài có, ngắn có. Có con hẻm dài thẳng tắp với hàng loạt nhánh cắt ngang như hẻm Bùi Thị Xuân nối từ Nhiêu Lộc – Phú Nhuận tới Tân Bình.

Có hẻm lòng vòng người lạ đi một hồi sẽ ngạc nhiên thấy mình quay về chỗ cũ nằm trong khu làng dệt Bảy Hiền. Hẻm chợ Đoàn Văn Bơ dài vô tận mà tên gọi từng khu vực chỉ có người địa phương mới hiểu: kho 2, kho 3, kho 4, kho 5… Hẻm nối liền hẻm, làm thành một hệ thống mạch máu lưu thông hoàn chỉnh mở ra một thế giới khác giữa lòng đô thị.

Những thế giới mang màu sắc cộng đồng riêng biệt dễ thấy nhất là những ngôi chợ nằm ẩn mình trong hẻm phố. Có thể liệt kê ra những cái tên như chợ Bà Hoa – nằm trên con đường Trần Mai Ninh, quận Tân Bình, khu chợ được biết đến như là nơi tập trung đầy đủ các đặc sản của xứ Quảng.

Chợ Long Vân nằm sâu trong một con hẻm trên đường Bạch Đằng thuộc phường 24 quận Bình Thạnh – họp từ sáng sớm với đủ các thứ hàng rong dành cho công nhân và dân lao động. Chợ Phạm Văn Bạch ở khu vực giáp giới Gò Vấp – Tân Bình mang dáng dấp của người miền Bắc.

Một trong những hẻm chợ lâu đời nhất có lẽ là hẻm Đoàn Văn Bơ ở quận 4. Bên trong hệ thống hàng trăm con hẻm chằng chịt đan cài vào nhau như tấm mạng nhện ẩn giấu tất cả những gì xưa cũ nhất của đất Sài Gòn xưa.

Ở đây người ta có thể tìm thấy dấu ấn sót lại của những làng nghề như nghề đóng giày, làm đàn guitar, làm mứt tết…, nghề lên đồng và hát cải lương. Tại đây còn có đền thờ Đức Thánh Trần và những ngôi miếu cổ mà tuổi có thể còn xa hơn cả những thợ thuyền theo tàu Tây vào lập nghiệp nơi đất cảng vào những năm đầu thế kỷ 20.

Có nhà nghiên cứu nhận định rằng, “hẻm là phần hồn không thể thiếu của thành phố này”. Còn tôi hình dung nếu cuộc sống đô thị Sài Gòn là một thân cây thì hẻm giống như bộ rễ phồn thực âm thầm cắm sâu vào lòng đất, hút những mạch ngầm để nuôi sống nó.

Nếu ngoài đường phố cuộc sống lúc nào cũng tất bật, náo nhiệt thì trong hẻm nhịp sống chầm chậm, nhẩn nha. Buổi sáng có người ngồi quán càphê, nhâm nhi trang báo và lắng nghe chim hót. Hẻm chật chội nhưng đủ chỗ cho bà Tư bán gánh phở, cô Lý bán trái cây, ông Ba cắt tóc và chú Bốn sửa xe đạp. Cũng một chỗ dưới gốc me, buổi sáng chị Lan bán rau thì đến chiều dì Mai dọn bếp bánh xèo…

Hẻm Sài Gòn bao dung không phân biệt người ngụ cư lâu đời với người mới đến. Rồi đến lúc nào đó, người mới bỗng nhận ra mình đã trở thành người Sài Gòn tự hồi nào.

 

Như Thuần

 

@sgtt

Huyền Như nhận án tù chung thân

Huỳnh Thị Huyền Như tại tòa (ảnh Tuổi Trẻ)

Bà Huỳnh Thị Huyền Như, cựu cán bộ ngân hàng VietinBank, lãnh án tù chung thân vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong phiên tòa kết thúc trưa thứ Hai 27/1.

Hội đồng xét xử cũng phán quyết rằng VietinBank “không biết về các hành vi lừa đảo” của bà Như nên không phải chịu trách nhiệm về khoản tiền lừa đảo lên tới 4.000 tỷ đồng (200 triệu đôla Mỹ).

Tổng cộng 23 bị cáo đã ra tòa trong phiên xử kéo dài ba tuần với các tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Cho vay nặng lãi và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Ngoài bà Như, 5 bị cáo khác bị từ 9 tới 20 năm tù vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

12 bị cáo bị từ 4 tới 17 năm tù vì tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Hai bị cáo bị 7 và 14 năm tù tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

5 bị cáo bị tội Cho vay nặng lãi, án nặng nhất là 1 năm cho hưởng án treo.

Bà Huỳnh Thị Huyền Như, 35 tuổi, còn bị 6 năm tù giam vì tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Tổng hợp các hình phạt là án chung thân.

Bà cũng phải bồi thường bên bị hại, gồm 9 tổ chức, 3 ngân hàng và 3 cá nhân, gần 4.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên khả năng hoàn lại số tiền này gần như không có.

Trách nhiệm của VietinBank

Sau khi phán quyết của tòa được đưa ra, thắc mắc về vai trò và trách nhiệm của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) vẫn chưa được giải tỏa.

Bà Như nguyên là phó Phòng Quản lý rủi ro của VietinBank, chi nhánh TP.HCM. Bà bị bắt tạm giam từ tháng 10/2011.

Hội đồng xét xử cho rằng trong vụ lừa đảo này, bà Huỳnh Thị Huyền Như là chủ mưu, đã nhận hoàn toàn trách nhiệm và VietinBank không hay biết về các hành vi lừa đảo của bà.

Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước – cơ quan chủ quản VietinBank, một ngân hàng quốc doanh, với trách nhiệm quản lý nhà nước và chủ sở hữu vốn nhà nước là rõ ràng, đã thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh

Tại phiên tòa, các luật sư đều đã đưa ra nhiều lập luận quy trách nhiệm cho VietinBank nhưng đều bị Viện Kiểm sát bác bỏ, giữ nguyên kết luận Vietinbank không có trách nhiệm.

Trong số các bên bị hại có công ty cổ phần chứng khoán SaigonBank-Berjaya (SBBS) bị chiếm đoạt 210 tỷ đồng. Công ty này có chủ người Malaysia do vậy đại diện công ty này nói chính phủ Malaysia ‘quan tâm vụ án’.

SBBS đòi VietinBank bồi thường thiệt hại, nhưng không được chấp thuận.

Vụ án, được biết dưới tên Đại án 4.000 tỷ đồng, được cho là vụ xử lừa đảo lớn nhất nước.

Bình luận về vụ này, Tiến sỹ Kinh tế Lê Đăng Doanh cảnh báo: “Hệ quả sẽ rất nghiêm trọng”.

“Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước – cơ quan chủ quản VietinBank, một ngân hàng quốc doanh, với trách nhiệm quản lý nhà nước và chủ sở hữu vốn nhà nước là rõ ràng, đã thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”

Ông Doanh cũng đặt câu hỏi về tác động của đại án này đến toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại quốc doanh và hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam nói chung: “Liệu còn bao nhiêu ‘Huyền Như’ khác chưa bị phát hiện?”

Niềm tin của người dân sau vụ này vào các ngân hàng, trước tiên là VietinBank, chắc chắn giảm sút.

Trên các mạng xã hội đã có kêu gọi người dân rút tiền gửi khỏi VietinBank.

@bbc

‘Ngân hàng VN đang ngoài vòng pháp luật’

Huỳnh Thị Huyền Như nhận án tù chung thân.

Tòa tại Việt Nam vừa tuyên án tù với hàng chục bị cáo trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, được gọi vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam.

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành bình luận về phán quyết này cũng như tình trạng mà ông gọi là hệ thống ngân hàng Việt Nam đang hoạt động ngoài vòng pháp luật.

BBC: Ông có ngạc nhiên khi tòa ra phát quyết trách nhiệm cá nhân thay vì trách nhiệm ngân hàng với lập luận là ngân hàng “không biết” [hoạt động lừa đảo]?

Theo tôi thì ngân hàng [VietinBank] hoàn toàn có trách nhiệm chứ làm sao nói rằng đó là chuyện cá nhân được. Ngân hàng phải có nhiệm vụ quản lý nhân sự của mình. Một người thực sự là giám đốc của một chi nhánh mà làm những việc như thế thì thanh tra kiểm tra ở đâu mà để xảy ra những việc như vậy. Bây giờ nói là việc cá nhân là không được. Nền tư pháp Việt Nam phải làm tốt hơn nữa.

Việt Nam thì nói là không có tam quyền phân lập. Thế thì nghĩa là tư pháp phải nghe theo lệnh của ông khác để xử.

Sẵn đây cũng nói là hiện ở Việt Nam cái việc tổ chức nhà nước chưa được hoàn chỉnh. Việt Nam thì nói là không có tam quyền phân lập. Thế thì nghĩa là tư pháp phải nghe theo lệnh của ông khác để xử lý thì như vậy sao được.

Tư pháp, hành pháp và lập pháp không thực sự phân lập ra để khi xử lý một việc lớn thì có tính khách quan trong đấy. Tòa án ở Việt Nam có nhiều vấn đề lắm, không riêng gì vụ này. Tòa án Việt Nam chưa có hoàn toàn độc lập. Còn riêng về vụ này mà các ông xử thế thì các ông nên suy nghĩ lại, nghiên cứu lại về cơ sở pháp l‎ý về hoạt động của ngân hàng chứ còn nói như vậy là không có chính xác.

BBC: Nhìn rộng ra VietinBank cũng chịu sự quản lý và kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thì phải chăng NHNN cũng có trách nhiệm liên đới?

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm theo dõi đôn đốc quản lý của các ngân hàng thương mại, không chỉ riêng VietinBank mà còn bao nhiêu ngân hàng thương mại khác đều chịu sự kiểm soát, kiểm tra thanh tra của NHNN, mà các nước khác gọi là ngân hàng trung ương, thì việc đấy rõ ràng là có vấn đề. Vai trò ngân hàng trung ương quản lý ở đâu. Còn Vietinbank là ngân hàng lớn thì anh làm sao lại để việc lớn như vậy xảy ra với nhân viên của anh. Ra tòa anh từ chối thì chuyện từ chối trách nhiệm là chuyện không thể chấp nhận được. Cho nên phải xem lại cả hệ thống ngân hàng chứ không riêng gì VietinBank.

Trong 10 năm nay hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam hoàn toàn không có sự quản lý chặt chẽ. Lãi suất huy động mười mấy, hai chục phần trăm, rồi cho các doanh nghiệp vai tới hai mươi mấy phần trăm là không thể chấp nhận được. NHNN phải quản lý mặt bằng lãi suất như thế nào cho nền kinh tế phát triển ổn định bền vững chứ không thể bơm lãi suất độc hại như thế để giết chết doanh nghiệp, do đó phải nghiêm túc và nhanh chóng hoàn chỉnh việc quản lý hệ thống ngân hàng.

BBC: Thủ tướng Việt Nam cũng nói về điều ông gọi là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam thì theo ông động thái đó có đi đến điều mà người ta mong muốn hay không?

Trách nhiệm ở Trung ương là thế nào, trách nhiệm của Chính phủ là sao, trách nhiệm của nhà cầm quyền tối cao là Bộ Chính trị là như thế nào? Anh có biết hay anh không biết? Nếu anh không biết thì cực kỳ nguy hiểm và nếu anh biết mà anh vẫn để xảy ra như thế thì lại còn nguy hiểm hơn

Chuyên gia Tài chính Bùi Kiến Thành

Tôi là chuyên gia chứ không phải chính trị gia. Ông Thủ tướng nói thế là với tính chất Thủ tướng Chính phủ, một nhà chính trị lãnh đạo của một đất nước. Hai việc đấy nó khác nhau. Còn nếu hỏi tôi về phương án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam như hiện nay thì tôi có thể trả lời thẳng thắn, với tư cách là một chuyên gia, là chúng ta chưa làm một cái gì cả, chúng ta chưa đạt được cái gì cả. Hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay đang hoạt động ngoài vòng pháp luật, không tôn trọng điều khoản của luật về vấn đề lãi trần cho vay, vân vân.

Mọi chuyện rất đáng trách, NHNN ở đâu mà không xử lý các việc vi phạm của cả hệ thống ngân hàng như thế? Đưa đến nợ xấu tràn lan, chiếm tới 15%-17% tổng dư nợ là như thế nào. Đồng thời tạo điều kiện để giết chết hàng vạn, hàng chục vạn doanh nghiệp với lãnh suất độc hại hai mươi mấy phần trăm là như thế nào?

Tức là anh có biết rõ trách nhiệm và quyền hạn của một ngân hàng trung ương hay không? Hay là anh không biết? Không thể nào lại có ngân hàng trung ương mà để xảy ra hoạt động trong hệ thống ngân hàng thương mại mà chúng ta thấy như thế trong cả 10 năm nay được. Do vậy quản lý ngân hàng ở Việt Nam nó có vấn đề từ gốc của nó chứ không phải là một trường hợp riêng lẻ.

BBC: Giới quan sát nói rằng một trong các nhóm lợi ích chính là ngân hàng vì ngân hàng đẻ ra ra các công ty hay doanh nghiệp “sân sau” hay còn gọi là sở hữu chéo. Vậy nếu không xử lý những vấn đề nhùng nhằng thì làm sao có thể giải quyết được bình ổn kinh tế vĩ mô?

Ở Việt Nam ai chẳng biết có sở hữu chéo, ai chẳng biết những ngân hàng nhỏ nhỏ đang làm loạn lên và đưa nền kinh tế đến suy thoái kinh khủng

Tình trạng ấu trĩ của hệ thống ngân hàng Việt Nam là một. Việc thiếu nghiêm túc, thiếu thanh tra kiểm tra của ngân hàng nhà nước thì mới để xảy ra những việc như thế thì chúng ta phải xem lại xem trách nhiệm ở đâu và phải xử lý người nào có trách nhiệm đấy.

Ở Việt Nam ai chẳng biết có sở hữu chéo, ai chẳng biết những ngân hàng nhỏ nhỏ đang làm loạn lên và đưa nền kinh tế đến suy thoái kinh khủng.

Tất cả các việc đấy là việc của NHNN quản lý mà anh lại không quản lý để đưa đến tình trạng kinh tế bất ổn rồi đấm lưng nhau rồi vỗ ngực nhau khen thưởng nhau trong lúc cả nền kinh tế đang chết thì thế là như thế nào. Phải xem lại các việc làm từ mấy năm nay và cần coi lại tại sao để lãi suất cao ngất ngưởng như vậy. Và từ cấp tối cao cho những cấp ở dưới phải xem lại tại làm sao để có những việc như thế.

Ai chịu trách nhiệm? Trách nhiệm ở đâu? Trách nhiệm ở Trung ương là thế nào, trách nhiệm của Chính phủ là sao, trách nhiệm của nhà cầm quyền tối cao là Bộ Chính trị là như thế nào? Anh có biết hay anh không biết? Nếu anh không biết thì cực kỳ nguy hiểm và nếu anh biết mà anh vẫn để xảy ra như thế thì lại còn nguy hiểm hơn.

Do đó chúng ta nên nhân cơ hội này đặt lại cả vấn đề là trách nhiệm của ai trong việc hoạt động không có tôn trọng luật pháp, không tôn trọng qui định của thế giới về hoạt động ngân hàng, không tôn trọng quyền lợi của nhân dân Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam rằng họ cần phải phát triển. Anh để xảy ra những việc như thế là sao? Ai trách nhiệm đây? Đó là những vấn đề ta cần phải suy nghĩ và đặt câu hỏi.