Rực rỡ sắc hoa sứ ngày xuân

Thú chơi hoa kiểng là một môn giải trí lành mạnh, ngoài mang lại vẻ đẹp cho ngôi nhà của gia chủ, nó còn giúp cho người chơi được thư giãn đầu óc sau những giờ làm việc căng thẳng.

Trong số những loại hoa kiểng phổ biến được nhiều người ưa chuộng hiện nay phải kể đến hoa sứ vì hoa đẹp, nở lâu, tương đối dễ trồng, việc chăm sóc không quá cầu kỳ như các loại hoa kiểng khác. Đây là loài cây chịu được khô hạn, rất phù hợp với thời tiết miền Nam, dễ tạo dáng lại có tuổi thọ trung bình cao, có thể sống đến 60-70 năm.

Ngoài hoa sứ truyền thống (hoa đơn có năm cánh) có từ lâu thường gọi là sứ Thái đã rất quen thuộc với mọi người thì từ vài năm nay, xuất hiện các giống sứ cánh kép (sứ hoa hồng có nhiều cánh) do lai tạo có xuất xứ từ Thái Lan, Indonesia, Đài Loan…

Nhiều nghệ nhân Việt Nam cũng đã lai tạo thành công, cho ra nhiều giống hoa sứ mới lạ, góp phần đa dạng vào thế giới muôn màu muôn vẻ của hoa sứ. Nếu sứ kiểng nguyên thủy chỉ có màu hồng thì hiện nay, hoa sứ có cả trăm loại, rực rỡ đủ màu.

Các giống sứ tương đồng nhưng có sự khác nhau ở hình dạng lá lớn, nhỏ và cánh hoa (nhọn, tròn, xoăn…) cũng như độ đậm nhạt của màu sắc với nhiều tên gọi như bướm tiên, cát tường, bạch thiên hoa, đại mỹ nhân, gia bảo, hoàng lộc, hoàng thị, hồng thiên nga, huyết long, huyết vân, huy hoàng, ngọc ẩn, nhất điểm hồng, nhật nguyệt, nữ hoàng, quý ngọc, thần tài, thiên phúc, thiên quân, tiên nữ…

Cây sứ kiểng mini được tạo dáng như một chú rùa
Cây sứ đẹp phải cân đối về dáng, thế, hoa nở đều

Trong giới chơi sứ kiểng ở Sài Gòn, cái tên nghệ nhân Nguyễn Phúc Ánh (thường gọi là Út Ánh) được nhiều người biết đến, bởi ông rất “mát tay” trong việc “rinh” giải thưởng trong các hội thi hoa xuân hằng năm bằng những tác phẩm độc đáo, công phu. Hiện ông là thành viên sáng lập Hội Hoa lan Cây cảnh huyện Bình Chánh, thường tư vấn, hướng dẫn cho người mới chơi.

Người đàn ông lục tuần này đến với thú chơi hoa sứ cũng rất tình cờ để rồi bén duyên, hơn hai chục năm qua cuộc sống của ông không rời hoa sứ. Từ lúc còn trẻ, thích trồng vài loại hoa cho vui cửa vui nhà, ông thấy hoa sứ trổ bông quanh năm nên xin hàng xóm vài nhánh về trồng, chăm sóc rồi có tình cảm với nó.

Khi phong trào chơi sứ Thái có mặt ở Việt Nam từ những năm đầu 1990, ông mua về tập ghép nhánh cho ra nhiều loại hoa đẹp, dần dà thành đam mê, chuyên tâm vui thú điền viên với vườn sứ kiểng. Không chỉ mê sứ lạ, hoa nhiều màu, ông còn chơi cả sứ cổ thụ, hì hục cắt tỉa, uốn nắn từng cành nhánh, gốc rễ để tạo thế, dáng cho cây.

Với nhiều người, tài sản là của cải, tiền bạc nhưng với nghệ nhân Út Ánh thì tài sản lớn nhất của ông chính là hoa sứ. Trong khuôn viên nhà vườn của ông tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh là một vườn hoa sứ với hàng trăm loại mà theo đánh giá của người trong giới là thuộc hàng “khủng”. Có nhiều gốc sứ to được tạo dáng công phu như dáng người, rồng bay, thác đổ… và rất nhiều giống sứ mới như thần tài, kỳ duyên, bạch thiên hoa… đang chuẩn bị ra hoa dịp tết.

Sau khi dẫn khách tham quan vườn sứ, “lão nông” khề khà nhả khói từống điếu thuốc lào kể chuyện trồng sứ mà không giấu giếm kinh nghiệm, bởi “thú chơi là đam mê, nếu chỉ biết mà không đam mê thì khó đạt đến đỉnh cao”.

Ông cho biết, có hai cách trồng sứ là gieo hạt và giâm cành, nhưng hiện nay đa số người chơi sứ đều dùng phương pháp giâm cành. Chậu trồng sứ cần đục lỗở đáy để thoát nước, tránh đất trồng bịt kín lỗ, hoặc rễ sứ chìa ra ngoài lỗ thoát nước, lâu ngày rễ lớn sẽ làm bít lỗ thoát nước.

Cây sứ trồng lâu ngày, bộ rễ phình to thì chuyển sang chậu to hơn, đồng thời nâng bộ rễ cao lên khỏi miệng chậu và tạo dáng cho cây. Cây cũng như người, muốn đẹp, có giá trị phải biết chăm sóc đúng cách. Cây phải có rễ đều, thân một cốt, tàng phân chia đồng bộ theo hình tháp.

Còn muốn sứ có bông đẹp cần phải chọn giống để ghép. Kỹ thuật ghép sứ không quá khó, chỉ cần giữ gốc sứ khô, tránh ẩm ướt, xong dùng bao nhựa hay giấy báo phủ gốc lại để nhanh ra rễ. Nhờ vào kỹ thuật lai tạo thành công nên ngày nay hoa sứ phong phú hơn về màu sắc và chủng loại. Trên thị trường đã có bán những giống sứ 10 cánh, 15 cánh.

Hoa sứ thường có dạng hình phễu nhỏ, xòe năm cánh to bên ngoài. Chùm hoa từ 3-10 chiếc, thường tập trung ở đỉnh. Trong một chùm hoa, hoa lớn nở trước hoa nhỏ nở sau, mỗi hoa nở khoảng 8-10 ngày mới tàn nên rất lâu mới nở hết chùm hoa.

Cây sứ rất nhiều nhánh, nhiều hoa nên hoa nở gần như quanh năm. Một cây có thể ghép lên nhiều giống có màu sắc hoa khác nhau. Ngoài vẻ đẹp của hoa, cây sứ còn có thể uốn tạo thành cây kiểng, cây thế nhờ bộ rễ (củ) đẹp.

Nghệ nhân Út Ánh bên chậu hoa sứ trong vườn nhà
Bộ rễ cũng là một điểm nhấn tạo nên vẻ đẹp tổng thể cho cây sứ
Sứ được lai tạo cho ra nhiều giống đa dạng về màu sắc và hình dạng cánh hoa

Ông Út Ánh cho biết, bộ rễ cây sứ dễ sửa, nhất là sứ trồng từ hạt càng đẹp vì giữa thân và bộ rễ không có eo như sứ giâm cành hoặc chiết cành. Tùy theo dáng bộ rễ mà có thể sửa theo ý muốn và thẩm mỹ của người chơi, có thể tỉa bỏ bớt các rễ con và bôi vôi lên vết cắt.

Khi uốn sửa bộ rễ không nên tưới nước, đến khi vết cắt thành mô sẹo mới được tưới nước. Có thể nhổ cây sứ lên, rũ sạch đất, để nơi râm mát cho mềm bộ rễ rồi mới uốn sửa và cắt tỉa, sau đó để cho cây lành sẹo rồi trồng trở lại.

Cây sứ lâu năm to cao, cành nhánh nhiều có thể uốn thành nhiều tầng như kiểng cổ, kiểng thế. Ông Út Ánh ví von, trồng sứ mà chăm kỹ quá thì giống như con cưng, cha mẹ chiều con mà thiếu tìm hiểu sẽ làm con dễ hư. Có người mới chơi, chăm sóc cây kỹ quá mà chưa nắm kỹ thuật, dễ làm cây bị hư thối.

Hiện nay ở TP. Hồ Chí Minh, những vườn sứ kiểng thường tập trung ở các quận, huyện vùng ven như Thủ Đức, quận 9, Bình Chánh, Tân Phú, Hóc Môn… hay Long An thường xuyên có nhiều giống sứ mới để cung cấp cho người chơi. Chơi hoa sứ không khắt khe, kỳ công như các loại bonsai, kiểng cổ, phù hợp với người dễ tính nên loại hoa này ngày càng được người Sài Gòn ưa chuộng.

Thu Ngân – Ảnh Bùi Đức Tầm/DNSGCT

Đại biểu Quốc hội VN bị tố ‘bán nhà ảo’

Dự án B5 Cầu Diễn trên mô hình

Dự án B5 Cầu Diễn vẫn chưa có móng sau ba năm thu tiền của khách hàng

Một nữ đại biểu quốc hội Việt Nam bị tố bán những ‘căn nhà ảo’ và hiện đang trốn chạy khách hàng.

Theo đơn tố cáo BBC nhận được, công ty mà Đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị đã nhận hàng trăm tỷ đồng của khách hàng từ vài năm nay với lời hứa sẽ giao cho họ những căn hộ tại công trình mang tên B5 Cầu Diễn vào năm 2015.

Tuy nhiên dự án hiện vẫn chỉ là một bãi đất trống và một số khách hàng cũng tố cáo chủ dự án bán cả những căn nhà ở tầng 20 hoặc cao hơn trong khi B5 Cầu Diễn chỉ có giấy phép xây cao tới 13 tầng.

BBC không thể liên hệ với bà Nga theo số điện thoại di động của bà để hỏi về các cáo buộc này.

Hiện Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất Housing group của bà Nga bị cho là không thể hoàn trả tiền cho khách hàng theo các điều khoản của hợp đồng trong khi tại công ty đối tác trong liên danh, Công ty MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuẫn đã bị Bấm bắt tạm giam và khởi tố cách đây hơn ba tháng.

Ông Tuẫn bị buộc tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” khi thu hàng trăm tỷ đồng từ khách hàng và sử dụng không đúng mục đích.

Hàng chục khách hàng đã ký đơn gửi lên Quốc hội và Bộ Công an yêu cầu xử lý cả bà Nga vì có những hành động mà họ gọi là “lừa dối và gây ra cảnh khốn cùng cho nhiều người dân”.

Những thông tin về vị Đại biểu này trên Bấm trang của Quốc hội Việt Nam cũng nói bà còn là Phó trưởng ban điều hành mạng các sàn giao dịch bất động sản khu vực miền Bắc, thành viên Tổ chuyên gia liên ngành thuộc Ban chỉ đạo trung ương về chính sách nhà và thị trường Bất động sản, Ủy viên thường vụ Ban chấp hành hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng như Ủy viên Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội và một số chức danh khác.

‘Trái quy định’

Về nguyên tắc trong xây dựng họ làm như thế [bán nhà ở các tầng vượt quá mức có trong giấy phép xây dựng] là vi phạm pháp luật bởi vì khi anh có giấy phép xây dựng nào thì anh chỉ có thể thu đến tầng đó thôi.

Ông Nguyễn Hồng Chương

Một trong những khách hàng của Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất, người nói đã đóng cho công ty hơn 800 triệu đồng và đã hai lần trực tiếp gặp bà Nga nhưng không đòi được tiền, là ông Nguyễn Hồng Chương, năm nay 60 tuổi.

Ông Chương đã có nhà ở Mỹ Đình nhưng muốn mua thêm căn hộ để sau này con cái ở.

Cũng như nhiều người khác, ông Chương nộp tiền cho công ty của bà Nga cách đây khoảng ba năm để nhận lời hứa sẽ có căn hộ trên 90m2 trên tầng 21 ở B5 Cầu Diễn.

Ông Chương nói ông quyết định mua căn hộ vào lúc đang “sốt” bất động sản và phải qua trung gian môi giới mới có thể mua được.

Về sau này các khách hàng mới biết chủ đầu tư chỉ có giấy phép xây dựng các khu nhà cao tối đa 13 tầng và là nhà ở phục vụ tái định cư là chính chứ không phải nhà thương mại.

“Về nguyên tắc trong xây dựng họ làm như thế [bán nhà ở các tầng vượt quá mức có trong giấy phép xây dựng] là vi phạm pháp luật bởi vì khi anh có giấy phép xây dựng nào thì anh chỉ có thể thu đến tầng đó thôi.

“Còn bán như thế nó thuộc về ‘những căn hộ ảo’, những chuyện mà bán như thế là hoàn toàn trái với quy định.”

‘Sợ công an’

Ông Chương cũng nói chủ đầu tư mới chỉ làm động tác “khoan lõi”, tức khoan ở giữa bãi đất vì trước sau gì họ cũng sẽ phải đào đất làm móng.

Bà Châu Thị Thu Nga

Bà Nga hứa gặp tập thể khách hàng nhưng không bao giờ thực hiện

Tuy nhiên do chưa định hình được cụ thể khu nhà sẽ như thế nào nên thậm chí chưa thể khoan xung quanh.

Ông Chương nói: “Hiện nay đã là năm 2014 rồi và họ đã thu từ 30-40% giá trị của công trình rồi. Thế thì chỉ còn một năm nữa không thể xây được cái tòa nhà, kể cả [chỉ] 13-15 tầng.

“Hiện nay cái cơ bản là chủ đầu tư, cái khoản tiền [mà họ thu của chúng tôi] đó người ta không lý giải được [đã dùng vào việc gì].

“Chúng tôi đã tổ chức họp với chủ đầu tư ở khách sạn Daewoo và yêu cầu đòi lại tiền.

“[Sau] ba lần họp, bản thân vị chủ tịch hội đồng quản trị đấy, là Đại biểu Quốc hội Việt Nam ấy, cam kết từ 14-18 tháng 10 [năm 2013] sẽ tổ chức hội nghị khách hàng vì ba năm rưỡi rồi mà không thi công gì cả nhưng sau đó quá thời hạn cam kết đó họ cũng không gọi điện lại và cũng không tổ chức.

“Cái cơ bản là bây giờ không có tiền mà xây những nhà đó … bởi vì số tiền đó họ đã dùng vào việc khác rồi.”

Ông Chương nói các khách hàng được quyền rút tiền nếu sau một năm chủ đầu tư không triển khai dự án theo hợp đồng ký kết giữa hai bên.

Tuy nhiên hiện nay công ty của bà Nga đã không tiếp xúc với khách hàng trong khi việc khiếu nại và tốc cáo lên Quốc hội và Bộ Công an chưa mang lại kết quả.

Bản thân ông Chương cũng nói công an từng gọi ông lên để tìm hiểu thêm về vụ việc nhưng ông chưa lên vì sợ chính công an cũng “cùng cánh” với chủ đầu tư.

Trong khi đó báo Bấm Thanh Niên từng dẫn lời ông Trần Văn Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất Housing Group nói mọi “vấn đề” của B5 Cầu Diễn đều xuất phát từ phía đối tác và Housing Group “gần như trở thành nạn nhân vì đang phải gánh vác phần việc bỏ dở của đối tác.”

Ông Thành cũng cam kết sẽ tiếp tục dự án và giao nhà cho những người đã đóng tiền cho công ty dù không nói khi nào có thể làm được điều này.

@bbc

Lịch sử – Trung – Nhật và cuộc chiến năm Giáp Ngọ

Trong lúc người Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm trận hải chiến Hoàng Sa 1974, lịch sử châu Á đã có không ít các cuộc chiến xảy ra vào năm có số 4 để lại hệ quả cho nhiều các nước.

Chiến tranh Trung – Nhật lần thứ nhất đã quyết định số phận Triều Tiên

Với Phương Tây, chiến thắng của Nhật trong trận cảng Lữ Thuận với Nga (1904-05) là quan trọng hơn cả vì người Nhật lần đầu đã thắng ‘người da trắng’, nhưng với châu Á thì cuộc chiến Trung – Nhật (1894-95) lại có ý nghĩa sâu xa hơn.

Trận chiến Giáp Ngọ (Jiawu) năm 1894 đánh dấu sự vươn lên của một cường quốc ‘đồng văn đồng chủng’ với Trung Quốc nhưng sớm tự cường và bắt đầu bành trướng, hạ bệ nhà Thanh.

Vì thua trận, Thanh triều phải ký hòa ước Mã Quan (1895) mà Phương Tây gọi là hòa ước Shimonoseki, lấy tên địa điểm ký kết tại thành phố phía Nam Nhật Bản và rơi vào các đợt nhượng bộ ở phía Bắc với Nhật, Nga và các nước khác.

Cuộc đọ sức về hải quân tuy nhỏ nhưng đã diễn ra theo đúng quy luật của trào lưu các nước công nghệ cao xâm lấn các nước lạc hậu trên toàn châu Á và để lại nhiều bài học đến ngày nay.

Vỡ một trật tự

Bắc Kinh phải bồi thường chiến phí cho Nhật và rút quân khỏi Triều Tiên, thừa nhận nước này không còn là chư hầu, tương tự như 10 năm trước khi nhà Thanh phải ký với Pháp hiệp ước Patenotre buông Việt Nam ra.

Về mặt quân sự, không phải nhà Thanh không tìm cách tăng cường quân bị mà trái lại, Từ Hy Thái hậu đã hoàn toàn ý thức được sức mạnh của vũ khí Tây Phương.

Ngay từ thời nội chiến với phe Thái Bình Thiên Quốc, quân Thanh đã có những chỉ huy như Charles Gordon ‘Chinese’, người Anh, và có các đơn vị được huấn luyện và dùng vũ khí Phương Tây.

Quân Thanh thua Nhật trong trận đánh tại sông Áp Lục chính vì quá tự tin vào chiếm hạm Định Nguyên do Đức thiết kết và coi thường hải quân Nhật.

Tượng ở Thành Đô kỷ niệm cuộc chiến Trung – Nhật lần thứ hai 1937-1945

Tăng cường quân sự không thôi đã không đủ để Trung Quốc chiến thắng.

Sau Chiến tranh Trung – Nhật lần một, Triều Tiên dần dần bị lệ thuộc vào Nhật Bản, rồi mất chủ quyền, trở thành thuộc địa bị Nhật khai thác tàn khốc.

Triều đại Joseon của Triều Tiên, giống như nhà Nguyễn ở Việt Nam, đã mất nước vì chậm chân trong cuộc chạy đua hiện đại hóa.

Ở cả hai nước này, vì giới cầm quyền không dứt được khỏi tư duy hệ thống nặng về Hán học, quan chế, lễ nghĩa nên xã hội đã không thể tiến lên được.

Tại Hán Thành khi đó cũng có phái cải cách (như Nguyễn Trường Tộ ở Việt Nam) nhưng yếu hơn phe bảo thủ và hậu quả là hai phe đánh nhau (chính biến Gapsin), khiến Trung Nhật có cớ can thiệp rồi chiếm đóng.

Hàn Quốc ngày nay không còn như vậy nhờ họ quyết tâm tự cường sau nhiều cuộc chiến.

Với Việt Nam, quân sự đang dần được hiện đại hóa, ngoại giao cũng đa phương nhưng hiện đại hóa hệ thống quyền lực thế nào để có một quốc gia khoẻ mạnh thì vẫn là câu hỏi lớn.

Trên thực tế, bài học năm 1894 vẫn còn nguyên giá trị cho mọi quốc gia trong vùng.

Một trật tự cũ gồm các mặt như thể chế, kinh tế và cán cân quân sự thường chỉ thay đổi khi có chiến tranh.

Cẩn thận chiến tranh

Trong lịch sử xung đột Trung Nhật, cuộc chiến năm Giáp Ngọ 1894 không phải là lần đầu tiên.

Nhà Nguyên đã tấn công đảo Nhật Bản hai lần, vào năm 1274 và 1281 nhưng không thành.

Sau trận chiến 1894, đế quốc Nhật chiếm toàn bộ Trung Hoa (1937-1945) và chỉ thất bại khi Hoa Kỳ và đồng minh vào cuộc.

Nhìn chung Nhật Bản chưa bao giờ thua Trung Quốc, nước lớn hơn gấp bội, trong tất cả các trận đánh từ thế kỷ 13 đến nay.

Nhà văn Nhật được giải Nobel, Kenzaburo Oe thăm bảo tàng Thảm sát Nam Kinh

Điều này khiến một số nhà quan sát tin rằng một phần dư luận Trung Quốc có nhu cầu ‘rửa hận’, nhất là sau các tội ác chiến tranh quân đội Nhật Hoàng gây ra tại Trung Quốc vẫn để lại vết thương khó phai mờ cho người dân nước này.

Một số tác giả như James Holmes tin rằng nếu xảy ra chiến tranh Trung Nhật lần nữa trong thế kỷ 21, đây sẽ là ‘cơn ác mộng cho châu Á’ (Asia’s Worst Nightmare: A China-Japan War).

Trong cuốn sách vừa ra, Bấm David Pilling đánh giá truyền thống ‘biến tàn phá thành sức mạnh’ của người Nhật và kết luận rằng đừng ai vội loại Nhật Bản ra khỏi cuộc chơi trong thế kỷ này cả về kinh tế và quân sự.

Nước Nhật ngày nay đã khác xưa và đang là một nền dân chủ và người dân đa số yêu hòa bình.

Hồi 2005, chính tòa tối cao Nhật còn cho một công dân Trung Quốc thắng kiện trong vụ kiện nhà văn cánh hữu Nhật, Matsumura Toshio tội bôi nhọ vì cuốn sách về Thảm sát Nam Kinh.

Là quốc gia tự do, Nhật Bản cũng có những gương mặt khác như nhà văn được giải Nobel, ông Kenzaburo Oe đã viết cuốn sách khác hẳn về vụ thảm sát.

Nhưng có thể chế dân chủ – chẳng hạn như Mỹ, Anh, Pháp – không có nghĩa là chính phủ không đem quân tham chiến hoặc gây chiến bên ngoài.

Cùng lúc Trung Quốc cũng đang không chỉ tăng cường quân bị mà còn dùng truyền thông dân tộc chủ nghĩa để tăng tính chính danh cho hệ thống.

Không khí dân tộc chủ nghĩa nguy hiểm đang kéo đến với xã hội chúng ta

Nhà văn Kanzaburo Oe

Cuộc chiến nào cũng cần một lý do cụ thể, thường là không quan trọng lắm nhưng lại xảy ra trong một bối cảnh quan trọng, để bùng nổ.

Cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á quả là đáng lo ngại vì các chính phủ nhiều khi tìm cách ‘chuyển lửa’ ra ngoài, thổi lên tinh thần dân tộc nhằm làm dịu đi bức xúc nội bộ vì tham nhũng hoặc khoả lấp đi bế tắc kinh tế.

Nhiều trí thức, sử gia châu Á không làm gì để lý giải các vấn đề phức tạp này mà còn hà hơi tiếp sức cho thái độ cực đoan nhằm ghi điểm với dư luận.

Ngoài nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, châu Á đang có nhiều tranh chấp lãnh hải, đôi khi chỉ vì một vài mỏm đá, bãi san hô không người ở nhưng mang giá trị danh dự dân tộc, biểu tượng của sức mạnh trong cuộc đọ găng giành vị thế.

Tính cố chấp của các bên liên quan thậm chí có thể khiến một khi xảy ra xung đột, Hoa Kỳ cũng chỉ có thể can dự ngắn hạn vì dư luận Mỹ không sẵn sàng ủng hộ lâu dài cho các tranh chấp khó hiểu với họ.

Với Việt Nam, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, Đài Loan, Philippines thì vấn đề không phải chỉ là tự cường trước mắt mà các xã hội đó chọn định hướng gì nếu cục diện an ninh biến đổi nhanh trong quan hệ Trung – Nhật, kể cả khi xảy ra chiến tranh.

Vì như đã thành quy luật, các xã hội nhỏ hơn sẽ luôn phải chọn những gì hoàn cảnh đưa lại khi các nước lớn có chuyện.