Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn – Nhà nước sẽ xem xét “Bên thắng cuộc” theo nghị định 97

Benthangcuoc

Trả lời bên lề Hội nghị toàn quốc về công tác tuyên giáo 2012, về cuốn sách “Bên thắng cuộc” của nhà báo Huy Đức “nói về một giai đoạn lịch sử Việt Nam” đang được phát hành trên mạng Internet, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Đỗ Quý Doãn cho rằng: Đây không phải là một xuất bản phẩm theo quy định của Luật Xuất bản. Mà là “Một ấn phẩm hoàn toàn nước ngoài”. Theo ông, nếu cuốn sách này được đưa lên Internet thì chính xác phải coi nó như một thông tin được đưa lên mạng. “Bây giờ mình chưa có nghị định thay thế nghị định 97 thì mình căn cứ vào nghị định 97 để xem xét các khía cạnh”.

Theo điều 6 nghị định 97, các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:

1. Lợi dụng Internet nhằm mục đích: Chống lại nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; tuyên truyền chiến tranh xâm lược; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác đã được pháp luật quy định; Đưa các thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức; danh dự, nhân phẩm của công dân; Lợi dụng Internet để quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật.

2. Gây rối, phá hoại hệ thống thiết bị và cản trở trái pháp luật việc quản lý, cung cấp, sử dụng các dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet.

3. Đánh cắp và sử dụng trái phép mật khẩu, khoá mật mã và thông tin riêng của các tổ chức, cá nhân trên Internet.

4. Tạo ra và cài đặt các chương trình virus máy tính, phần mềm gây hại để thực hiện một trong những hành vi quy định tại Điều 71 Luật Công nghệ thông tin.

Nguồn Blog Đào Tuấn

Tái lập Ban Nội chính TW: Khi ‘quyền lực bóng tối’ trỗi dậy

Lê Anh Hùng (Danlambao) – Mấy hôm nay, cả báo chí “lề đảng” lẫn “lề dân” đều bình luận rôm rả về sự kiện Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh được giao chiếc ghế Trưởng ban Nội chính TW và Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ được đặt vào vị trí Trưởng ban Kinh tế TW.

Cả hai ban mới tái lập này xem ra đều nhằm một mục đích: chia sẻ và giám sát quyền lực của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu. Ban Nội chính TW thì “gánh đỡ” trọng trách “phòng chống tham nhũng” của Thủ tướng trước đây, còn Ban Kinh tế TW thì đóng vai trò “tham mưu cho BCHTW mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực kinh tế – xã hội”.
Hơn 5 năm trước, Ban Kinh tế TW, Ban Nội chính TW và Ban Tài chính – Quản trị TW được sáp nhập vào Văn phòng TW Đảng theo Quyết định số 45-QĐ/TW ngày 11/4/2007 của Bộ Chính trị. Lúc đó, quyết định quan trọng này đã phát đi một tín hiệu tích cực về tiến trình cải cách thể chế của hệ thống theo hướng tinh giản bộ máy đảng, tránh sự dẫm chân hay can thiệp quá sâu của các cơ quan đảng vào bộ máy chính quyền, tiến tới nhất thể hoá bộ máy đảng – chính quyền.
Tuy nhiên, lẽ ra cùng với việc tinh giản bộ máy đảng, Quốc hội phải được trao quyền hạn thực chất để giám sát bộ máy hành pháp thì ngược lại, suốt nhiều năm qua, “cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam” lại bị khống chế và thao túng một cách rất bài bản và tinh vi.
Sự kiện Ban Kinh tế TW và Ban Nội chính TW được tái lập, trước hết, thể hiện sự trỗi dậy của quyền lực bóng tối của đảng trong mối tương quan với thứ quyền lực chính danh hơn của Quốc hội và Chính phủ.
Gọi quyền lực của đảng là “quyền lực bóng tối” bởi lẽ mặc dù Điều 4 Hiến pháp quy định “Đảng CSVN… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” song cho đến nay điều này vẫn chưa được luật hoá, chưa có một (bộ) luật cụ thể nào điều chỉnh hoạt động của bộ máy “siêu nhà nước” cồng kềnh từ trung ương xuống đến tận thôn xóm này.
Một hiện tượng mà ai cũng có thể nhận thấy là người dân có thể biết thời gian Quốc hội họp trước hàng tháng nhưng thời điểm diễn ra các hội nghị của Ban Chấp hành TW – thiết chế quyền lực cao nhất của hệ thống chính trị (nếu không tính Đại hội Đảng phải 5 năm mới diễn ra một lần) – thì luôn nằm trong màn bí mật, chỉ đến khi hội nghị diễn ra thì nhân dân mới biết (Hội nghị TW 6 khoá XI vừa qua là một ví dụ điển hình). Quy trình ra quyết định của Quốc hội và Chính phủ thì đã được luật hoá, ai cũng biết, và ở mức độ nào đấy còn được giám sát; trong khi đó, chẳng ai hình dung ra nổi thực chất quy trình ra quyết định của đảng là thế nào, từ Ban Chấp hành TW cho đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, và, quan trọng hơn, xem ra chẳng có ai đủ “tư cách” để “giám sát” cả.
Nhân dân chỉ được thấy hoạt động của các thiết chế “siêu quyền lực” trên qua hình ảnh ngài Tổng Bí thư trịnh trọng đọc diễn văn khai mạc và bế bạc Hội nghị BCHTW (thường mỗi năm hai kỳ) mà người ta phát lại trên chương trình thời sự VTV vào buổi tối của ngày diễn ra sự kiện, những gì còn lại như diễn ra trong bóng tối. (Các “ông chủ” thì cứ việc oằn lưng đóng thuế để nuôi đủ các loại “đầy tớ” vẫn không ngừng sinh sôi nẩy nở trong cả bộ máy đảng lẫn bộ máy nhà nước. Ai mà có “ý kiến ý cò” gì thì đích thị là “phản động” hay “thế lực thù địch”, hoặc không khéo lại phạm tội “trốn thuế” như trường hợp luật sư Lê Quốc Quân mới đây.)
Vì sợ “kỷ luật sinh thù oán” nên Hội nghị TW 6 khoá XI đã quyết định không kỷ luật “đ/c X”
Sự kỳ vọng của dư luận vào hai nhân vật này, đặc biệt là vị tân Trưởng ban Nội chính, cho thấy một thực tế phũ phàng: sự bất lực của cả hệ thống, cũng như của gần 90 triệu người dân Việt Nam, trước “đồng chí X” cùng phe nhóm của ông ta. Tuy nhiên, đằng sau sự kiện gây xôn xao dư luận nói trên lại là một thực tế còn đáng lo ngại hơn – đó là sự trỗi dậy của “quyền lực bóng tối” và sự bế tắc, thậm chí thụt lùi, của hệ thống trong giai đoạn quyết định hiện nay của nước nhà./.
 
Hà Nội, 9/1/2013
@Danlambao

Gã trương tuần hay ngài thủ tướng

Nguyen Tan Dung

Ngày 17 tháng 12 năm 2012 tại Hội nghị Công An toàn quốc ở Hà Nội, ngài thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới căn dặn: “Cương quyết không để nhen nhóm hình thành các tổ chức chính trị đối lập, chống phá và đi ngược lại các lợi ích của đất nước của nhân dân.”

Thêm một lần nữa, dân Việt Nam chua chát và thất vọng về một ngài thủ tướng mất căn bản. Ngài đã không đủ kiến thức để hiểu đúng ý nghĩa “Đối lập”.

Đối lập là gì mà sao ngài thủ tướng sợ đến mức phải mượn bàn tay lông lá của đám công an hòng bóp chết nó từ trong trứng nước?

Đối lập với chính mình:

Khi giải xong một bài toán khó, thầy thường khuyến khích trò hãy tìm thêm một cách giải khác. Thầy khuyên nên lật lại vấn đề. Tự hỏi “Tại sao nó lại như vậy? Nó khác đi có được không?” Đó là đối lập. Đối lập với chính mình. Đối lập với kết quả của mình. Hay nói cách khác, đó là một trong những cách tư duy để tìm ra một lời giải khác, ngắn gọn hơn, hay hơn, dễ hiểu hơn.

Đối lập ngoài xã hội:

Trong phòng thi. Đối lập với thí sinh là giám thị. Nếu thí sinh trung thực khi làm bài, và giám thị không thiên vị, thì mối quan hệ giữa thí sinh và giám thị là lành mạnh.

Trên đường. Đối lập với người điều khiển phương tiện giao thông là cảnh sát giao thông. Nếu người lái xe chấp hành luật giao thông, và cảnh sát hành xử công bằng thì mối quan hệ giữa người lái xe và cảnh sát là tốt đẹp.

Ngoài chợ. Đối lập với người buôn bán là nhân viên thu thuế. Nếu tiểu thương đóng thuế đủ và đúng, người thu thuế không gây phiền hà, thì mối quan hệ của họ không có gì để phàn nàn.

Chỉ những thí sinh có ý đồ gian lận, người đi đường vi phạm luật giao thông, hay dân buôn tìm cách trốn thuế mới căm thù những người đối lập.
Và ngược lại nếu có sự tồn tại những giám thị thiên vị, cảnh sát sách nhiễu, hay quan thuế gian lận thì mối quan hệ giữa hai lực lượng đối lập mới trở nên căng thẳng.

Đối lập tại Quốc hội:

Ở những nước dân chủ, thông qua một cuộc bầu cử, đảng nào chiếm được số ghế cao nhất, và hội đủ số ghế quy định trong Quốc hội thì đảng đó được thành lập chính phủ, và trở thành đảng cầm quyền.

Đảng có số ghế nhiều thứ hai, sẽ trở thành đảng đối lập. Đảng đối lập không có quyền lãnh đạo quốc gia. Chức năng của họ là quan sát và phản biện về những việc làm của đảng cầm quyền.

Ghế của đảng đối lập được sắp xếp đối diện với đảng cầm quyền trong Quốc hội.

Đối lập về niềm tin:

Ở Việt Nam, người bên lương có niềm tin vào vong linh của người đã khuất trong gia tộc. Khi có chuyện hệ trọng trong gia đình, họ thường đốt nhang khấn vái để tổ tiên ông bà hiện về phù hộ độ trì.

Ngược lại, người Công giáo lại có niềm tin mãnh liệt vào Chúa Jesus. Họ xin Chúa thứ tha khi tội lỗi, xin Chúa quan phòng lúc lâm nguy, xin Chúa chữa lành khi đau ốm, xin Chúa tiếp trợ lúc thiếu thốn, xin Chúa an ủi lúc khổ đau, xin Chúa dẫn đường khi tăm tối.

Rõ ràng là người bên lương và người Công giáo không cùng một niềm tin. Song, họ không đối kháng, không căm ghét, không hận thù. Họ vẫn học cùng lớp, làm cùng công sở, sống chung cộng đồng, và thậm chí còn hôn phối với nhau.

Theo Đảng từ tuổi 12

Ngài thủ tướng Dũng sinh ngày 17 tháng 11 năm 1949. Vào ngày 14 tháng 11 năm 2012, ngài nói trước Quốc hội: “Đối với tôi, còn 3 ngày nữa tròn 51 năm theo Đảng.” Như vậy ngài theo đảng ở tuổi 12.

Ở độ tuổi này, lẽ ra chú bé Dũng phải nghiêng mình trên những trang vở để tìm cách chứng minh hai đường thẳng song song cùng tồn tại đến vô cực mà không thể cắt nhau.

Ngược lại, chú được huấn luyện để làm những công việc giết người như bắn tỉa, bắn lén, gài bẫy, đặt mìn, cắm chông, quăng lựu đạn, đốt phá, cướp tài liệu, bắc cóc, quấy rối đối phương.

Những nhà viết sử tương lai sẽ khó tìm thấy một bằng chứng chú bé Dũng ở tuổi học đường được giáo dục để có đủ những tố chất trở thành một chính khách tương lai. Nhưng người ta lại có nhiều tư liệu chứng tỏ chú được huấn luyện kỹ lưỡng để giành quyền lực bằng vũ khí.

Ngài thủ tướng hay gã trương tuần

Bước vào Bắc bộ phủ, ngài thủ tướng vẫn mang thứ tư duy du kích: ta – địch. Kẻ nào không theo ta là địch. Ai không nghe ta là phản động. Giải quyết mọi mâu thuẫn bằng bạo lực.

Đất nước thời bình mà giống như cảnh đang có giới nghiêm. Ngài ban ra hàng loạt những lệnh cấm, cấm biểu tình, cấm phản biện, cấm hội họp, cấm tụ tập đông người, cấm đọc báo tự do, cấm xuất bản tự do, cấm khiếu nại tập thể, cấm đình công v.v

Ngài giải quyết mọi mâu thuẫn bằng cách cho công an khám nhà, bắt khẩn cấp, bắt cóc, nếu cần tạo hiện trường giả, bằng chứng giả, gây tai nạn giao thông, ném cứt vào nhà, gây áp lực tài chính, bôi nhọ danh dự trên phương tiện truyền thông, hay đưa thương binh đến văn phòng quấy rối. Ngài không trừ một thủ đoạn nào.

Ngài hành hạ dân tộc. Ngài tra tấn xã hội đến dã man. Thử nhìn vào bốn vụ cưỡng chế trong năm 2012 xảy ra ở miền Bắc: Tiên Lãng ở Hải phòng, Văn Giang ở Hải Hưng, Vụ Bản ở Nam Định, và Đông Triều ở Quảng Ninh, thì đủ hiểu.
Tiếng gào thét của những mẹ già, tiếng kêu than của phụ nữ, tiếng khóc của trẻ thơ, tiếng oán hờn của những người nông dân thấu trời thấu đất. Nhưng trong ngài không thông cảm, không trắc ẩn, không buồn rầu, không khổ đau, không dằn vặt, không xót xa, không tình, không lý.

Mức độ tàn nhẫn của những gã trương tuần xứ Bắc kỳ thời tiền sử còn phải gọi ngài thủ tướng bằng sư phụ.

Rõ quái thai

Tham nhũng là một hành động cướp tài sản, tiền bạc, đất đai của những người nắm quyền bính. Quyền càng to, cướp càng lớn. Nó là kẻ thù, là tội ác, là phản bội.

Thế nhưng tổng bí thư Trọng lại đánh tham nhũng bằng cách “tự nghiền ngẫm, tự giác sửa mình”, “bằng tính Việt, tư tưởng nhân văn, và tư tưởng Hồ Chí Minh.”

Trong khi “Đối lập” là một sản phẩm trí tuệ tuyệt vời của nhân loại thì thủ tướng Dũng lại dùng công an “cương quyết không để nhen nhóm”
Rõ quái dị chửa, một kẻ thù hiểm độc, phạm pháp, tàn ác, nhiều mưu ma, biến thái khôn lường, Đảng lại xử lý bằng tinh thần nhân văn, bằng tính Việt, bằng tư tưởng Hồ Chí Minh.

Còn “Đối lập” hiền lành đậm tính nhân văn, thì ngài thủ tướng lại rất run sợ, sợ đến mức phải cho công an bóp mũi cho nó chết ngay, không cho nó kịp cất tiếng chào đời.

Ôi! Có ở đâu như ở đây. Đánh tham nhũng bằng nhân văn. Đánh nhân văn bằng công an. Tội cho dân tộc mình. Tao loạn mãi đến bao giờ!

Theo Đảng 51 năm

Từ chú bé du kích vùng sông nước Cà Mau trở thành ngài thủ tướng. Ngài trút bỏ bộ bà ba của người nông dân Nam bộ, khoác lên mình bộ complet với cravate. Những vết rỗ trên mặt được ủi tẩy, mái tóc được cắt uốn bồng bềnh, nhưng não trạng của ngài hoàn toàn không đổi. Ngài không phân biệt nổi “phản biện” với “phản động”. Ngài không đủ trí tuệ để hiểu đúng nghĩa “Đối lập”.

Xét về cả nghĩa đen và nghĩa bóng, đối lập không hàm chứa nghĩa tiêu cực. Đối lập chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ “đi ngược lại quyền lợi của nhân dân” như Ngài nói.

Đối lập là những người có niềm tin khác, có phương pháp khác, có chính kiến khác, có cách nhìn khác, có khẩu vị khác, có tôn giáo khác, có văn hóa khác, có ngôn ngữ khác, có phong tục khác, có mơ ước khác, có tình yêu khác… Nhưng dù khác thế nào đi nữa thì họ vẫn chung sống thuận hòa và nhân ái.

Đối lập không những là cuộc cạnh tranh lành mạnh, mà còn là cuộc tranh luận mở. Nếu ngài thủ tướng không đồng ý với ai, điều gì, ngài có thể cùng với thuộc hạ của mình, tranh tụng công khai, minh bạch. Chớ sao lại lén lút sử dụng công an.

Đối lập mang lại cho loài người những cơ hội để học hỏi lẫn nhau, học hỏi kinh nghiệm, học hỏi ngôn ngữ, học hỏi phương pháp, học hỏi kiến thức. Nó là động lực thúc đẩy mỗi cá nhân hay toàn xã hội cùng tiến bộ. Lẽ nào ngài thủ tướng lại căm thù sự tiến bộ đến như vậy.

Ngài thủ tướng không có cái tâm để thương dân, không có tài để trị quốc. Nhưng số phận lại đặt ngài vào một ví trí trớ trêu. 51 năm theo đảng. Đảng đã hóa thân cho ngài. Nhưng hình ảnh của ngài trong mắt người dân xứ Bắc kỳ chỉ chỉ là bản copy của một gã trương tuần vừa tham vừa ác.

Tháng Giêng 2013

© Trần Hồng Tâm

© Đàn Chim Việt

Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ, hai con bài chủ dành để hạ bệ đồng chí X?

Kami’s Blog
RFA 8-1-13

Người Việt bây giờ đã hình thành cách tiếp nhận thông tin theo trào lưu, không khác gì chuyện lớp thanh niên mới lớn chạy theo mốt (mode). Vừa trước tết Dương lịch, trên hệ thống truyền thông hay mạng xã hội nếu để ý ta sẽ thấy nhà nhà, người người bàn chuyện đồng chí Thanh, để rồi sau kỳ nghỉ dài ngày đâu đâu cũng thấy dân tình xì xầm bàn chuyện đồng chí Thanh.

Đồng chí Thanh ở đây là hai con người khác nhau, chuyện ông Đại tá Trần Đăng Thanh vừa lắng xuống chưa lâu thì chuyện ông Nguyễn Bá Thanh nhanh chóng trở thành chủ đề nóng trong đề tài chống tham nhũng, đã làm nhiều người kỳ vọng vào khả năng của ông Nguyễn Bá Thanh ở vai trò Trưởng Ban Nội chính Trung ương. Vì theo họ ông Thanh sẽ là mối đe dọa và có khả năng kiềm chế đồng chí X. Mà theo suy nghĩ chung của mọi người thì sau một thời gian dài ở cương vị Thủ tướng, đồng chí X đã thả sức tung hoành như ở chốn không người. Và với kết quả của đồng chí X đã mang lại cho đất nước như hôm nay mọi người đã thấy, đó là một nền kinh tế suy thoái và khủng hoảng trầm trọng, với nợ công lên tới khoảng 13 tỷ USD cộng với những món nợ xấu Ngân hàng lên tới hàng ngàn tỷ VND. Và không thể không nói đến tình trạng tham nhũng trầm trọng của các quan chức chính quyền, đặc biệt là ở các Tập đoàn, Tổng Công ty… doanh nghiệp nhà nước như Vinashin, Vinaline, PetroVietnam… Vậy mà cả Ban chấp hành TW đảng họp mười mấy ngày (gần như đại hội đảng) mà kết quả là hòa cả làng. Không một ai bị kỷ luật. Đó là điều đã khiến không chỉ ông Tổng Trọng phải gạt lệ, mà cả ông 4S to thứ hai còn sợ đến nỗi đi nói chuyện với cử tri không dám gọi đích danh, phải nói lái ra là đ/c X. Điều đó đã khiến cho đảng CSVN đã mất lòng tin trầm trọng chưa từng có của các cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân. Vì vậy trong lúc lòng dân ngao ngán, thất vọng thì tin ông Nguyễn Bá Thanh được phân công đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Nội chính Trung ương được đón nhận như một tin mừng. Họ kỳ vọng ở ông Nguyễn Bá Thanh như một vị cứu tinh.

Điều đáng nói là ông Nguyễn Bá Thanh, là người được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu đích danh nhận nhiệm vụ vào thời điểm này, là thời điểm sau khi kết thúc Hội nghị Trung ương 6-Khóa XI. Hội nghị được coi là cuộc giao đấu giữa hai phe trong nội bộ lãnh đạo cao cấp đảng CSVN, một bên là phe chủ chiến gồm ông Tổng cộng ông 4S và một bên là đồng chí X. Và với kết cục là phe chủ chiến đã bị thua lấm lưng trắng bụng trong Hội nghị Trung ương 6-Khóa XI, đến mức ông Tổng Trọng phải phát khóc trong khi đọc Diễn văn bế mạc. Ông Tổng Trọng đã khóc vì ức, khóc vì biết họ sai mà không thể làm gì được đồng chí X. Với lý do rất đơn giản là không kiếm đâu ra một người đảm nhận trọng trách chức vụ Thủ tướng thay cho đồng chí X. Cho dù đồng chí X trong cuộc họp kiểm điểm trong Bộ Chính trị đã tự chấp nhận chịu kỷ luật, nhưng đưa ra điều kiện nếu bị kỷ luật thì sẽ từ chức. Điều này đã khiến không chỉ trong nội bộ đảng, mà ngay cả dư luận xã hội cũng rất bất bình về sự bất lực của ban lãnh đạo đảng CSVN. Thực ra ngay từ khi chưa nhậm chức hay đã nhậm chức Tổng Bí thư, ông Tổng Trọng nghe tham mưu cũng đã nhăm nhe kéo ông Nguyễn Bá Thanh ra Hà nội làm một suất Uỷ viên Bộ Chính trị, với mục đích để kìm và làm đối trọng với đồng chí X và để lấy lại quyền uy cho bên đảng. Điều mà trong sáu năm giữ chức Thủ tướng, đồng chí X đã vắt kiệt quệ đến mức đảng hầu như chẳng có quyền lực gì. Khi mà Ban Nội Chính Trung Ương đã bị bãi bỏ và sát nhập vào Văn Phòng Trung ương Đảng từ năm 2003, và Ban Kinh Tế Trung Ương cũng bị bãi bỏ và sát nhập vào Văn Phòng Trung ương Đảng từ năm 2006 khi Bộ chính trị giao cho Thủ tướng chính phủ là ông Nguyễn Tấn Dũng phụ trách lãnh vực kinh tế, để có đủ quyền hạn thành lập và quản trị toàn bộ các tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

Nhưng để thực hiện ý đồ này không hề dễ dàng, trước sức mạnh hùng hậu của phe đồng chí X, nên mong muốn của ông Tổng trọng không trở thành hiện thực. Chỉ đến sau khi kết thúc Hội nghị Trung ương 6 – Khóa XI bế mạc, khi đồng chí X bị tố cáo và bôi bẩn đến mức uy tín hầu như không còn, thì cũng là lúc con đường quan lộ của ông Nguyễn Bá Thanh bỗng trở nên hanh thông và vụt sáng. Nếu tinh ý chúng ta sẽ thấy, kể từ khi ông Tổng Trọng nhậm chức Tổng Bí thư, thì việc này đã được chính thức nhem nhóm, khi ông Tổng Trọng đến thăm và làm việc tại Đà Nẵng. Đặc biệt là khi ông 4S chính thức bắt tay được với ông Tổng Trọng để “chơi” đồng chí X, thì cũng là lúc ở Đà Nẵng ông Nguyễn Bá Thanh cũng bắt đầu xúc tiến công cuộc chống tham nhũng ở Đà Nẵng. Với mục đích để tẩy rửa bớt ung nhọt. Đi kèm theo là hàng loạt các phát biểu gây ấn tượng để xây dựng hình ảnh một Nguyễn Bá Thanh dám nghĩ, dám làm và đã nói là làm đến nơi đến chốn. Có lẽ cũng cần phải nhắc lại, chuyện đồng chí 4S đã từng cứu ông Nguyễn Bá Thanh trong vụ án nhận hối lộ 4,4 tỷ đồng vào năm 2008. Vụ này do ông tướng công an Trần Văn Thanh (nguyên giám đốc công an Đà Nẵng) là người đứng ra tố cáo. Nhưng cũng nhờ sự che chở của đồng chí 4S, Nguyễn Bá Thanh đã lật ngược thế cờ, tố ngược lại tướng Trần Văn Thanh về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Và Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã xử phạt Trần Văn Thanh 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo vào ngày 7.8.2009. Hay như việc giữa năm 2010, Thủ tướng đã yêu cầu UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo dừng hoạt động kinh doanh casino, khách sạn của Công ty liên doanh Du lịch và giải trí quốc tế Silvershore Hoàng Đạt. Đây là cái dư luận đánh giá là đỉnh điểm mâu thân giữa đồng chí X và Nguyễn Bá Thanh. Do đó, Nguyễn Bá Thanh được coi là người của ông 4S và chống lại các ảnh hưởng của ông Nguyễn Tấn Dũng tại Đà Nẵng. Khi vụ Vinalines xảy ra và Dương Chí Dũng bỏ trốn, ông Thanh là người phê bình nặng nhất với phát biểu bất hủ “chuyện Vinalines thật mà cứ như đùa”

Việc đưa ông Nguyễn Bá Thanh ra Hà nội giữ chức Trưởng Ban Nội chính Trung ương vào thời điểm này không chỉ vì ông Thanh có tố chất của một lãnh đạo, hơn nữa so với thế hệ lãnh đạo như ông Thanh ở trong đảng hiện nay, thì ông Thanh cũng thuộc vào loại vết nhơ ít hơn cả. Không chỉ thế, việc ra Hà Nội lần này cũng hết sức quan trọng đối với cá nhân ông Thanh, vào lúc khi ông Nguyễn Bá Thanh bước vào tuổi 60 thì việc này cũng là việc nối dài con đường chính trị cho ông ta. Vì theo nguyên tắc, Bí thư của Tỉnh hay Thành phố trực thuộc TƯ đến tuổi 60 thì chuẩn bị thu xếp để nghỉ hưu và sẽ không có ngoại lệ. Đấy là chuyện ân nghĩa mà ông Thanh phải nợ và sẽ phải trả. Việc đưa ông Nguyễn Bá Thanh ra Hà Nội giữ chức Trưởng Ban Nội chính Trung ương, được các quan chức trong cuộc cho rằng đây chỉ là bước đầu, bước kế tiếp là ông ta sẽ kiêm nhiệm Phó Ban Phòng chống tham nhũng TƯ. Tới khi đó nó thực chất là sự thay mặt ông Tổng. Như vậy thực chất sẽ gần như làm triệt để và thậm chí sẽ còn làm mạnh hơn nữa. Nhất là trong thời điểm phe đồng chí X đang co cụm để củng cố lại lực lượng cho nhân sự đại hội khóa sau, trong lúc một loạt đệ tử, đồng bọn cũ của đồng chí X đang lũ lượt quy hàng phe đối diện. Do vậy thì vai trò của ông Thanh là hết sức quan trọng, với cái chức Trưởng Ban Nội chính Trung ương này thì người ta cho rắng nó có thể bắt chết đồng chí X và có khả năng là đồng chí X phải lạy sống ông Nguyễn Bá Thanh để xin về nghỉ hưu khi hết nhiệm kỳ.

Cũng như việc đưa ông Vương Đình Huệ trở về nắm chức Ban Kinh Tế Trung Ương cũng vậy, trước khi làm Bộ trưởng Tài Chính, ông Vương Đình Huệ làm Phó và sau là Trưởng ban Kiểm toán Trung ương, một bộ phận làm việc rất gần với Ban Bí Thư của ông 4S, khi đó ông 4S còn nắm chức vụ Thường trực Ban Bí Thư (2006-2011), với nhiệm vụ chuyên kiểm tra tài chính các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước. Đây cũng là cái may của ông Vương Đình Huệ, ở vị trí mới này vừa thoát khỏi kìm kẹp của đồng chí X, lại mở ra con đường quan lộ sáng loáng có cơ sẽ lên chức Phó Thủ tướng. Nhưng quan trọng nhất là phe chủ chiến họ đã tính tới việc khi đồng chí X bị xử lý và lôi ra môt mớ tội lỗi, thì việc để ông Vương Đình Huệ còn ngồi ở chỗ cũ cũng có ngày vạ lây. Nhưng quan trọng hơn mà ít người biết, điều mang tính chất yếu tố quyết định sinh mệnh chính trị của đồng chí X, đó là ông Vương Đình Huệ hiện đang là linh hồn của Bộ Tài chính, khi ông Vương Đình Huệ chuyển sang công tác bên Ban Kinh tế Trung ương của đảng thì cánh cửa tham mưu về măt tài chính ngân hàng cho đồng chí X sẽ chính thức khép lại. Và ai sẽ là là người gánh vác để cứu đồng chí X trong thời gian còn lại? Khi đó sẽ buộc đồng chí X buộc phải tự lựa chọn, ở lại để giải quyết đống nợ hay là xin nghỉ? Trong lúc nếu đồng chí X xin nghỉ sẽ hơn là ở lại làm tiếp

Qua các điều kể trên cho thấy, việc đưa ông Nguyễn Bá Thanh và ông Vương Đình Huệ ra Hà nội giữ chức Trưởng các Ban Nội chính Trung ương, Kinh tế Trung ương vào thời điểm này là một việc làm có tính toán của phe chủ chiến. Việc đưa ông Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ sang phụ trách các Ban mới của đảng được dư luận đánh giá ví như “những khẩu đại pháo” được bổ xung trong cuộc chiến Ba-Tư, điều đó sẽ tăng thêm quyền lực cho phe nhóm của phe chủ chiến ở trong đảng. Hai nhân vật ông Thanh và ông Huệ vốn đều chịu ơn ông Tổng Trọng và ông 4S rất nhiều. Chính vì thế nên trước đây các ông có những hành động và những phát biểu rất mạnh trong Trung ương đảng. Việc làm này không chỉ nhằm củng cố lực lượng của phe mình, đó là sẽ đưa hai ông Nguyễn Bá Thanh và ông Vương Đình Huệ vào ghế Uỷ viên Bộ Chính trị, như lời của cựu Phó Ban Kinh tế Trung ương, ông Cao Sỹ Kiêm nói rằng các ban này cần phải có nhân sự là Ủy viên Bộ chính trị nắm giữ. Mà quan trọng nhất, là thể hiện sự quyết tâm của ông Tổng Trọng và ông 4S là kiên quyết loại đồng chí X ra khỏi vòng chiến trước khi đại hội đảng XII được triệu tập. Đây là điều hoàn toàn khác với dự trù trong quy hoạch cán bộ kế cận, là đồng chí X sẽ giữ chức vụ Tổng Bí thư trong nhiệm kỳ đại hội đảng tới.

Khi còn trị vì ở Đà nẵng ông Nguyễn Bá Thanh nổi tiếng vì dám nghĩ dám làm, làm đến nơi đến chốn nhưng đó chỉ là khi ông đang là vua của tỉnh lẻ. Nay ông Thanh ra trung ương, là chốn đô hội của kinh kỳ. Trong tình cảnh lạ nước, lạ cái. Do vậy, chỗ mới nơi mà ông Nguyễn Bá Thanh chỉ ở tầm vị trí đuôi con voi thì không phải những gì ông Thanh muốn là có thể làm được. Khi trước thì ông Nguyễn Bá Thanh vừa là người nghĩ cũng vừa là người làm, thì khả năng rủi ro ít. Nay ông chỉ là người thực hiện những mưu lược cả người khác nghĩ thì khả năng ruỉ ro sẽ cao hơn rất nhiều. Hơn nữa, đối tượng chính cuả ông là đồng chí X, một con người nổi danh với sự độc đoán, chuyên quyền và mưu lược thì nó sẽ là cả một vấn đề lớn. Nhiều khi nếu ông Thanh không tỉnh táo thì dễ bị biến thành người đổ vỏ và khi nếu bị phản công thì chắc chắn ông là người chết đầu tiên đấy ông Thanh ạ!

Ngày 08 tháng 1 năm 2013

Nguyễn Ngọc Già – Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ có thể làm gì?!

Nguyễn Ngọc Già

Có thể một số người sẽ không đồng ý với tôi, cũng có thể tôi bị đánh giá là quá vội vã, tuy nhiên nếu ai đó vẫn chưa quên nhiều vụ việc tày trời và động trời, xuất phát từ việc quản lý và cai trị của ĐCSVN trong hàng chục năm qua, sẽ bình tĩnh trở lại để đừng kỳ vọng như ông Trần Kỳ Trung [1], hay quá phấn khích và có phần hí hửng như ông Trương Duy Nhất (gọi ông Thanh là “cụ Bá”) [2].

Những vụ việc nóng hổi điển hình: Đoàn Văn Vươn, Văn Giang v.v… cho đến nay càng cho thấy, giới cầm quyền VN, ở trên thì tỏ ra bất lực, còn ở dưới hoàn toàn bất trị, trong khi người dân hoàn toàn bất mãn!

Cả “trên” và “dưới” không có những biểu hiện điển hình của những tổ chức được gọi là “nhà nước”, thay vào đó, nó mang nhiều chất cát cứ “sông, giếng” với những dấu hiệu chia rẽ trầm trọng. Một sự đổ vỡ hiển hiện, dù bên ngoài, giới cầm quyền cố giữ lớp sơn “đại đoàn kết”.

I. Vương Đình Huệ:

Người vừa được đưa vào vị trí “Trưởng ban kinh tế trung ương”, nhưng không biết còn giữ ghế “Bộ trưởng tài chính” hay không? Một khi ông Huệ nắm cả hai vị trí, quả là không còn gì để nói ngoài ý nghĩa: ĐCSVN hoàn toàn chà đạp pháp luật (do chính họ đẻ ra), bất chấp Hiến pháp đang kêu gọi người dân góp ý, trong khi đa số đều biết đó là trò diễn quá cũ.

Việc đưa ông Huệ vào vị trí mới càng cho thấy sự phân hóa nghiêm trọng, căng thẳng trong nội bộ giới cầm quyền VN, bởi một mặt “phe đảng” (tạm gọi) tiếp tục khẳng định trong dự thảo Hiến pháp [3]:

Điều 54 (sửa đổi, bổ sung các điều 15, 16, 19, 20, 21 và 25)
1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.

mặt khác, “phe chính phủ” (tạm gọi), luôn đề nghị các nước công nhận Việt Nam có “nền kinh tế thị trường” trong những chuyến công du, ví dụ như Vũ Văn Ninh – Phó thủ tướng kêu gọi Mỹ như sau[4]:

…đề nghị Chính phủ Mỹ sớm công nhận Quy chế Kinh tế thị trường (MES) và dành cho Việt Nam Quy chế Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP); loại bỏ các biện pháp hạn chế thương mại đối với các sản phẩm của Việt Nam như tôm, cá tra, cá ba sa, mật ong, tụ điện gió…

Cả hai phe có vẻ như đang đi ngược chiều nhau, bất chấp nguyện vọng nhân dân cùng với các cam kết quốc tế. Trong khi, “Việt Nam chấp nhận bị coi là nền kinh tế phi thị trường trong 12 năm (không muộn hơn 31/12/2018)” [5]

Ông Huệ, một vai là “Tài chính”, một vai là “Kinh tế”, hai vai “nặng gánh chỏi nhau” xuất phát từ “hai phe” nói trên.

Cũng chính từ mâu thuẫn này, cho thấy giới cầm quyền VN sửa Hiến pháp chẳng màng gì đến cam kết với thế giới cũng như tự bộc lộ với các quốc gia chất bội tín, bởi chỉ còn 5 năm nữa thôi! Không biết Việt Nam chúng ta sẽ ra sao khi đến hạn 2018 mà “kinh tế thị trường” vẫn xa ngái với sự “tại vị” của ĐCSVN còn nguyên vẹn?!

Dù ông Huệ có 5 nhiệm vụ [6] được cho là quan trọng về kinh tế – xã hội, nhưng cũng chỉ đến mức… “cơ quan tham mưu”. Điều này, không có gì mâu thuẫn về mặt đảng bởi theo điều lệ ĐCSVN tại:

Điều 9.
Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nội dung cơ bản của nguyên tắc đó là:
1.Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Tuy nhiên, ông Huệ sẽ xử lý ra sao, khi những đề xuất, chính sách từ “phe đảng” (giả sử) được thông qua, nhưng “phe chính phủ” nại lý do “chưa phù hợp trong giai đoạn hiện nay” (cụm từ mà người ta thấy đầy trong các lý luận ngụy biện để trì hoãn việc dân chủ hóa)?!

Thử hình dung, trong một chuyến công du nào đó, ông Huệ kêu gọi các nước công nhận Việt Nam là “kinh tế thị trường” hay “kinh tế thị trường định hướng XHCN”? Nan giải! Hơn thế, nếu ông kêu gọi công nhận “kinh tế thị trường” nghĩa là ông đã vi hiến! Một tội phạm quá nặng, bởi Hiến pháp là bộ luật cao nhất của một quốc gia.

Hình ảnh này, làm người dân nghĩ ông Huệ như nàng Mỵ Nương trước chàng Sơn Tinh và chàng Thủy Tinh. Nếu tạm xem “phe đảng” là Sơn Tinh, “phe chính phủ” là Thủy Tinh, thì có vẻ nàng Mỵ Nương kia nên hiểu, “rừng núi” đã mất ưu thế của nó, trong khi “biển” ngày nay đang “lên ngôi”, với đầy đủ nghĩa đen và nghĩa bóng, do đó vẻ như chàng Thủy Tinh đang chiếm hoàn toàn lợi thế :D

Ông Huệ sẽ như “gà mắc tóc”, loay hoay và hí hoáy, còn tệ hơn những người tiền nhiệm, dù cứ nghĩ tốt rằng ông có tâm thật sự, thì điều đáng quan tâm hơn chính là “hội nhập thế giới”, đó là điểm mấu chốt khi nhìn thấy khó khăn của ông Huệ sẽ vô cùng đắng cay so với tiền nhiệm.

Giới cầm quyền vẫn tỏ ra xem nhẹ vai trò ngoại giao trong một nền kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào xuất khẩu và buôn bán với thế giới. Ngay cả Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, ngày càng mờ nhạt dần, dù những ngày vừa nhậm chức tưởng rằng ông ta là người uyên bác, nhưng với lập luận chỉn chu và khoa học [7] của blogger Huỳnh Thục Vỵ, những lập luận sai lầm và ngụy biện của Phạm Bình Minh đã gãy đổ hoàn toàn!

Nói cách khác, việc lập lại “Ban kinh tế trung ương” và đưa ông Huệ vô vị trí này, chứng tỏ “phe đảng” quá bí đường trong việc muốn giành lại quyền lực thực, xuất phát từ kinh tế. Đã quá trễ tràng!

Trong trường hợp ông Huệ rời khỏi chức vụ “Bộ trưởng bộ tài chính”, điều này sẽ càng thảm hại hơn, liệu nguyên tắc “tập trung dân chủ” còn chút hiệu quả nào để ông có quyền điều khiển Bộ trưởng tài chính (mới) hay Thống đốc NHNN, được quy định rõ ràng (bằng luật) nằm trong tay Thủ tướng?

Ông Huệ làm sao có thể dựa vào điều 4 HP (tiếm quyền dân) để tìm kiếm sự ủng hộ từ Bộ trưởng tài chính (mới) và Thống đốc NHNN? Cần nhớ, các Luật dưới Hiến pháp vẫn do “phe chính phủ” soạn thảo và Quốc hội thông qua như xưa nay và chắc chắn trong các bộ luật không tài nào tìm thấy cụm chữ nào quy định “Trưởng ban kinh tế trung ương” với một nhiệm vụ và quyền hạn gì có tác động hữu hiệu để “phe chính phủ” buộc phải tuân theo!

Không làm gì được cả, ngoài việc, để không gây thù chuốc oán (như lời ông Trọng), ông Huệ có quyền chọn cho mình cách rút lui – điều bất khả đối với người đàn ông nho nhã, mềm mỏng ở tuổi 55 – khá trẻ so với các “đồng chí”!

“Phe chính phủ” lại tiếp tục dẫn trước như đã dẫn trước sau “hội nghị đen tối” vừa qua!

II. Nguyễn Bá Thanh:

Trong khi sự lên ngôi của ông Vương Đình Huệ có vẻ không ầm ĩ lắm thì việc ông Nguyễn Bá Thanh nắm vị trí “Trưởng ban nội chính trung ương”, lại gây quá nhiều tranh luận trên các diễn đàn.

Ông Đào Tuấn xem ông Thanh tựa như đang “Nhảy vào Lửa” [8] từ suy diễn cụm từ “NVL” một thuở của ông Nguyễn Văn Linh – người đã phát ngôn “Các đồng chí cứ kêu một tiếng là tôi đi ngay (qua Trung Quốc)” để xin nối lại tình hữu nghị, dẫn đến di họa ngày nay từ hội nghị Thành Đô 1990.

Tôi thì suy diễn “NVL” lại là “Nôn và Liều”. Tất nhiên, “nôn và liều” ở đây là dành cho ông Thanh và cả những ai đã “xúi giục” ông Thanh đảm đương vị trí “xương xẩu” này.

Ông Trương Duy Nhất viết:

Ra Ba Đình, ngồi ghế Trưởng ban Nội chính chẳng là gì. Nhiều người hi vọng ông sẽ thành “thủ lĩnh chống tham nhũng”, hi vọng ông bắt sâu… Đấy là những “hi vọng” rất sai lầm. Ông không phải tạng người làm việc đó. Nhưng ngồi đó, chắc chắn ông sẽ sớm được bổ sung vào Bộ Chính trị. Và cái ghế Thủ tướng trong một tương lai gần là có thể đoán được. Còn nếu không, cứ ngồi chết dí ở cái chân Nội chính, Nguyễn Bá Thanh chẳng những không diệt được sâu mà cũng không vung vẩy được gì và cũng sẽ chẳng có sự thay chuyển lớn lao nào.

Có lẽ, cái ghế “Trưởng ban nội chính” trở thành “bàn đạp” như ông Nhất nghĩ?

Tôi đồng ý, tạng người Nguyễn Bá Thanh là tạng “hành động” như nhiều việc mà ông ta đã làm tại/và làm cho Đà Nẵng một phần nào đó.

Ông Thanh nói và ông Nguyễn Quang Lập khen [9]:

CSGT làm việc vất vả, chịu nắng mưa gió rét thì TP đã hỗ trợ, còn sai phạm thì phải xử lý nghiêm, phát hiện anh nào mãi lộ là tước quân tịch, trả về địa phương ngay, không xem xét nâng lên đặt xuống gì hết.” …”Tôi còn giữ bản cam kết của các đồng chí CSGT, ra Hà Nội tôi cũng mang theo, tôi nghe có việc chi là tôi bay vô lại”

Nghe không khác một “ông nội” hay “ông ngoại” dọa mấy đứa cháu lười và bướng!

Ngoài ra, phát biểu này cho thấy: ông Thanh không những thể hiện cái chất “lão nông” gắn bó máu thịt với nơi “chôn nhao cắt rún” mà còn trân quý những gì bản thân đã làm cho người Đà Nẵng, song song đó, ông sợ những người kế nhiệm làm “hư bột hư đường”, bao nhiêu công sức, tâm huyết ông ta bỏ ra “đổ sông đổ biển”, làm ông ta không đành lòng nhìn “quê hương điêu tàn” nếu không có ông? Tuy vậy, việc ông ta “bay vô lại” dường như tỏ ra “vô pháp luật” và mang chất “gia trưởng” quá nặng!

Một người lãnh đạo hiện đại để giúp VN hòa nhập với thế giới không cần và không nên nói như thế, vì những lời nói đó phù hợp với “cụ cố” hay “ông nội” của một dòng tộc, hơn là của một ông từng nắm vị trí Bí thư thành ủy kiêm Chủ tịch HĐNDTP!

Bên cạnh “chất lực điền” của ông lão 60 tuổi nồng nhiệt, thể hiện qua những trận bóng đá làm từ thiện, giao hữu cộng với những phát ngôn võ biền, hành động bất chấp luật lệ (như: tiền “dưỡng liêm”, siết nhập cư, dọa ngân hàng để yêu cầu giảm lãi suất cho vay v.v…) nấp dưới danh nghĩa “dám nghĩ dám quyết”, “chịu làm chịu ăn”, người ta vẫn không quên hình ảnh Trần Văn Thanh nằm bất động trên cáng cứu thương vẫn bị khiêng ra tòa để xử tội, mà TS. Cù Huy Hà Vũ đã bình luận [10]:

“hành động vô cùng tàn bạo và man rợ, một phiên tòa chưa từng có trong lịch sử thế giới”.

cùng với cặp giò trắng nõn nà khi đá banh và ngôi biệt thự đồ sộ, tuy chưa thể gọi là đủ thẩm mỹ về kiến trúc [11] đã giúp tôi phải suy nghĩ lại và đồng ý với ông Nhất, nên gọi ông Thanh là “cụ Bá” [12]… “chịu chơi”.

Ngôi biệt thự của cụ Bá Kiến ngày xưa [13], dù có trùng tu tôn tạo lại cũng khó bì với biệt thự của “cụ Bá Thanh” ngày nay.

Hình ảnh ông Trần Văn Thanh nằm ngay đơ cán cuốc cùng cái chết của giáo dân Cồn Dầu và những thân phận dân đen trốn chui, trốn nhủi để tránh sự truy bức của người CS tại đất Thái Lan trước khi qua Mỹ càng làm hình ảnh tàn ác, lạnh lùng mang chất thổ phỉ của Nguyễn Bá Thanh nổi rõ! Tất nhiên, nếu có ai bùi ngùi, thì người đó có quyền nghe lại nhạc phẩm “Tình Đồng Chí” của Chính Hữu để an ủi Trần Văn Thanh, để cảm thông với nhiệm vụ “nặng nề, khó nhọc” của Nguyễn Bá Thanh và để sẻ chia với những người còn gọi nhau là “đồng chí”!

Viết đến đây, thấy thương anh Vũ quá! Vậy mà còn nghĩ đến việc ra Đà Nẵng tìm “một góc nhìn khác” để bàn chuyện giúp giáo dân Cồn Dầu! Cù Huy Hà Vũ nóng nảy thật, nhưng anh đúng là mẫu người “ruột để ngoài da”!

Đi vào điều quan trọng mà blogger Trương Duy Nhất phán đoán:

Nhưng ngồi đó, chắc chắn ông sẽ sớm được bổ sung vào Bộ Chính trị. Và cái ghế Thủ tướng trong một tương lai gần là có thể đoán được.

tôi thật băn khoăn để trình cho độc giả video clip [14] mà ông Nguyễn Tấn Dũng tham dự “World Economic Forum – 2012″ tại Thái Lan vào tháng 5/2012. Tại buổi hội nghị này, trong khi ông Dũng say sưa cầm giấy đọc, ông đã không thể nhận thấy được sự chán ngán đến nỗi phải thở hắt ra của Thủ tướng Thái Lan – Yingluck Shinawatra (xin chú ý kỹ từ phút 34:02 đến 34:11).. Một hành vi nhỏ hơn ngàn lời nói!

Tôi tự hỏi, liệu ông Nguyễn Bá Thanh có trở thành một ông “thủ tướng cầm giấy đọc” như ông Dũng khi đi ra nước ngoài? Liệu những phát biểu ồn ào, những trận cầu đỏm dáng, những hành động có vẻ quyết liệt và những lời nói tỏ ra thẳng thắn sẽ giúp ích gì cho Việt Nam được công nhận “kinh tế thị trường” – điều quan trọng nhất cho Việt Nam, một khi Nguyễn Bá Thanh nắm ghế Thủ tướng?!

Một lần nữa, giới cầm quyền VN tiếp tục quá xem thường vai trò ngoại giao của một đất nước đang rất cần vốn FDI cũng như những nguồn vốn vay khác, nếu như Nguyễn Bá Thanh trở thành Thủ tướng trong tương lai gần, như Trương Duy Nhất nhận định?

Chưa hết, xuất phát từ “tấm gương” Nguyễn Bá Thanh, lập luận “biết làm, biết ăn” vẫn được một số người tỏ ra nhiệt liệt đồng tình và ủng hộ, so với khối kẻ chỉ “ăn”, không làm ra trò trống gì, mà còn phá giỏi! Giả sử việc ông Thanh “biết làm biết ăn” là bình thường và nhân dân vui vẻ chấp nhận, trong bối cảnh suy đồi của Việt Nam hiện nay, thử đặt ra vài câu hỏi mang chất thách đố:

1. ĐCSVN có chấp nhận “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”?

2. Nếu câu trên được trả lời:(và chắc chắn phải trả lời): “YES”! Vậy tại sao những người tù lương tâm như: Cù Huy Hà Vũ, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Điếu Cày, Lê Thăng Long, Phạm Minh Hoàng v.v… không có quyền “được làm được ăn” như Nguyễn Bá Thanh? Cứ cho rằng những tù nhân lương tâm đấu tranh là vì cầu “danh lợi” thì đã sao?

3. So về tài năng, chưa có căn cứ nào nói họ thua ông Thanh cả?

III. Kết:

Có thể bài viết này sẽ làm phiền lòng những ai đang kỳ vọng và trông ngóng Nguyễn Bá Thanh, Vương Đình Huệ như là một đấng minh quân nhằm cứu nguy cho Việt Nam. Ngưỡng vọng và trân trọng tài năng là điều đáng quý, tuy thế liệu có đủ căn cứ để đặt niềm hân hoan vào ông Thanh, ông Huệ, vốn chỉ tỏ ra một chút khả năng nhỏ nhoi hơn là những gì bền vững mà hai ông này đã làm từ khi nhậm chức?

Ông Huệ được biết là [15]: “Học viên khoa Châu Âu, lớp tiếng Tiệp, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và Nghiên cứu sinh tại trường Đại học Kinh tế Bratislava, Cộng hòa Slovakia” và có danh vị Giáo sư – Tiến sĩ; ông Thanh được biết là “tiến sĩ” [16] (nhưng không biết ngành gì).

Anh ngữ không phải là điều quyết định, nhưng nó là công cụ không được phép thiếu trong hành trang ra nước ngoài của bất kỳ lãnh đạo cấp cao nào muốn đất nước mình bắt kịp thế giới trong thời đại ngày nay. Hình ảnh thở hắt ra của thủ tướng Thái Lan, quả thật đáng buồn tủi cho người Việt Nam!.

Liệu người dân trong nước có thể trông mong gì khả năng tiếng Anh [*] từ một ông tuổi 55 tốt nghiệp ở Slovakia, cùng một ông 60 tuổi mà ngay cái học vị “tiến sĩ” đã là cả nghi vấn khổng lồ như hàng chục cái bằng “tiến sĩ” của các “ông” khác?

Hơn cả vấn đề ngoại ngữ, tư tưởng gì, triết lý nào làm nền tảng cho ông Huệ, ông Thanh tiến hành quản lý khoa học và hiệu quả, ngoài cái nền ẩm ướt và trơn trợt như màu “xanh rêu” ẩm mốc mà Huy Đức đã chọn cho “Bên Thắng Cuộc”?

Trong khi ông Nguyễn Đình Hương ca ngợi ông Thanh như là Triệu Tử Long[17], thì người khác so sánh ông Thanh như là Lý Quang Diệu (!) Thật hết ý kiến! Nếu ai có đọc qua tiểu sử sơ lược của Lý Quang Diệu, mới thấy người Singapore quá diễm phúc khi tạo hóa ban cho dân tộc họ một Lý Quang Diệu.

Một số người Đà Nẵng sẽ buồn với sự ra đi của ông Thanh, song, một số khác vui và số khác bình thản. Đó cũng là điều bình thường ở đời, duy chỉ cách sử dụng “nhân tài” theo kiểu vừa bổ nhiệm ông Huệ, ông Thanh quả là… không đáng sợ, mà phải nói là… dễ sợ!

Tuy vậy, câu hỏi lớn cần đặt ra: Việt Nam đang đứng trước cơ hội hay thách thức nghiêm trọng qua cách bổ nhiệm cũ kỹ và lạc hậu cùng sự “tái xuất giang hồ” của hai “ban đảng” ngỡ đã lụi tàn một cách khách quan?

Không quá đáng, khi gọi việc tái lập hai “ban đảng” này như những cánh tay dứt khoát đóng sầm “cánh cửa Việt Nam” trước những cặp mắt đăm chiêu của bạn bè thế giới nhìn vào!

Đây có phải điềm cáo chung cho chế độ độc đảng toàn trị trong tương lai gần?

Đã đến lúc nên trở lại ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng?

Nguyễn Ngọc Già
_______________

p/s: nghe ông Nhất nói là ông Nguyễn Bá Thanh chăm vào mạng cũng như biết nghe những lời trái tai, do vậy, tôi hy vọng bài viết thô mọn này được ông Thanh ghé mắt.

http://trankytrung.com/read.php?616 [1]

Sao không gọi là “cụ” Thanh nhỉ? Hơn nữa, chữ “cụ” là cách người miền Bắc dùng hơn là người miền Trung và miền Nam, trong khi ông Nhất lại nói [2]:

truongduynhat says:
Tháng giêng 3, 2013 at 15:04

– Nguyễn Bá Thanh không phải tuýp người như Phan Diễn, Trương Quang Được. Ông Diễn ông Được chắc sống ở Bắc quá lâu nên nhiễm chất Bắc Kỳ rồi, không còn chất Quảng nữa.

– Nguyễn Xuân Phúc là con người gặp vận may, chứ không phải người tài. Và cái khí chất Quảng trong con người ông Phúc rất mờ nhạt. Ông nói tiếng Quảng chay nhưng cái khí chất trong ông lại có vẻ… Bắc Kỳ!

http://www.truongduynhat.vn/nhan-vat-dau-nam-nguyen-ba-thanh/

Tung hô Nguyễn Bá Thanh bằng cách gọi “cụ Bá”, nghe như là “bá Kiến” trong “Chí Phèo”, nếu không nhằm phô trương, cổ súy tư tưởng độc tài, hủ lậu phong kiến, thì có lẽ là cách khen đểu, “khen cho mày chết”.

https://danluan.org/tin-tuc/20130103/du-thao-hien-phap-2013-so-voi-hien-phap-1992 [3]

http://www.tinmoi.vn/pho-thu-tuong-vu-van-ninh-tham-va-lam-viec-tai-my-02757729.html [4]

http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/duong-vao-wto/2006/11/3b9f0224/ [5]

http://vneconomy.vn/20130107102115419P0C9920/5-nhiem-vu-chinh-cua-ban-kinh-te-trung-uong.htm [6]

https://danluan.org/tin-tuc/20111009/huynh-thuc-vy-liem-si-o-dau-khi-so-sanh-nhan-quyen-anh-viet [7]

https://danluan.org/tin-tuc/20130104/dao-tuan-nguyen-ba-thanh-noi-va-lam-hay-nhay-vao-lua [8]

http://quechoa.vn/2013/01/06/ong-nguyen-ba-thanh-nhan-dan-biet-het/ [9]

http://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B9_Huy_H%C3%A0_V%C5%A9 [10]

http://danlambaovn.blogspot.com/2013/01/nhan-inh-va-thien-ly.html#.UOvfKvnIrIU [11]. Nhìn ngôi biệt thự của Nguyễn Bá Thanh, chỉ đỡ thô hơn so với của Trầm Bê. Thẩm mỹ về kiến trúc, âm nhạc, phim ảnh, trang phục là những chỉ dấu góp phần cho người dân biết về trình độ văn hóa cao hay thấp của tầng lớp lãnh đạo.

https://danluan.org/tin-tuc/20130104/truong-duy-nhat-chia-tay-cu-ba [12]

http://vietnamnet.vn/vn/ban-doc-phap-luat/104158/ngoi-nha-ba-kien-hien-gio-ra-sao-.html [13]

http://www.youtube.com/watch?v=JyKNrq3lnTk [14]

[*] không chỉ là lưu loát, mà nó còn đòi hỏi Anh ngữ chuyên sâu học thuật đảm bảo tự tin để trực tiếp trả lời phỏng vấn, trình bày, tranh luận với mọi đối tượng. Muốn thế, khả năng ANh ngữ này đòi hỏi quá trình tự học, nghiên cứu dài lâu từ ghế nhà trường cho đến lăn lộn nhiều năm trong cuộc đời mới mong có được!

Lãnh đạo cao cấp các nước thường lăn lộn trong trường đời một thời gian đủ dài mới nhảy vào chính trường, ở ta thì ngược lại. Thật tiếc cho VN, khi những người như: Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Tiến Trung, Lê Quốc Quân, Nguyễn Quốc Quân v.v… cho đến Lê Thăng Long, Phạm Hồng Sơn, Phạm Minh Hoàng, Nguyễn Văn Đài v.v… và nhiều người tài khác đang nằm trong ngục tối!

http://vi.wikipedia.org/wiki/V%C6%B0%C6%A1ng_%C4%90%C3%ACnh_Hu%E1%BB%87 [15]

http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_B%C3%A1_Thanh [16]

http://hn.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/ong-nguyen-ba-thanh-giong-trieu-tu-long-o-tam-quoc-c46a511589.html [17]

@Danluan