* Đồng chí X ‘nắn gân’ ông Nguyễn Bá Thanh?
![]() |
Buổi họp báo của Thanh Tra Chính Phủ ‘nắn gân’ ông Nguyễn Bá Thanh |
* Đồng chí X ‘nắn gân’ ông Nguyễn Bá Thanh?
![]() |
Buổi họp báo của Thanh Tra Chính Phủ ‘nắn gân’ ông Nguyễn Bá Thanh |
Tôi rời Campuchia trước khi Việt Nam rút hết “Quân tình nguyện”. Khi học ở trường chuyên gia quân sự 481, chúng tôi được chuẩn bị tư tưởng để “giúp bạn lâu dài”. Nhưng thay vì ở lại hàng thập niên, tôi chỉ phải ở lại Campuchia gần bốn năm. Tôi quyết định rời quân đội. Một cá nhân cũng như một quốc gia, súng ống chỉ nên được lựa chọn khi không còn con đường nào khác.
Cuối năm 1987, tôi bắt đầu làm việc ở Văn phòng huyện ủy Nhà Bè. Thời gian ấy, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đang viết “Những việc cần làm ngay”. Công việc ở Văn phòng huyện ủy thật an nhàn, tôi đã sử dụng phần lớn thời gian để viết văn và viết bài cho các báo. Sau khi đọc những bài báo ấy, Bí thư huyện ủy Trần Văn Đông giao cho tôi phụ trách biên tập tờ tin và đài truyền thanh huyện Nhà Bè. Chỉ mấy tháng sau, tôi được nhà văn Nguyễn Đông Thức đưa về Tuổi Trẻ.
Không chỉ có kho sách cực kỳ phong phú của thư viện Đắc Lộ mà tờ Tuổi Trẻ tiếp quản sau khi các giáo sỹ dòng Tên bị bắt năm 1979, đội ngũ Tuổi Trẻ thời “161 Lý Chính Thắng” cũng là một “kho tư liệu” vô giá. Không phải ai ở trong cái không khí “thanh niên sôi nổi” ấy cũng biết hết những trắc ẩn trong lòng các đồng nghiệp của mình.
Ở đây, tôi gặp những đồng nghiệp về sau trở thành nhân vật trong cuốn sách của mình. Ở đây, tôi gặp những con người lặng lẽ, tưởng quá khứ đã được chôn chặt, như: biên tập viên Lệ Xuân, con gái ông Nguyễn Thành Đệ, người sau khi đóng 200 lượng vàng để vượt biên theo Phương án II không thành bị lấy nốt căn nhà cuối cùng[1]; thư ký tòa soạn Võ Văn Điểm – chủ biên đầu tiên của tờ Tuổi Trẻ Chủ Nhật, Tuổi Trẻ Cười – người có vợ và hai con chết trên biển trong một chuyến vượt biên.
Thế hệ chúng tôi may mắn được làm báo sau “đổi mới”. Những người viết có trách nhiệm nhận thấy một cơ hội to lớn sau tuyên bố “cởi trói” của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh để không còn tiếp tục sự nghiệp viết lách bằng thứ văn chương minh họa hay báo chí tô hồng. Đó là một thời đáng nhớ của văn nghệ và báo chí. Rất tiếc là chỉ hơn một năm sau khi Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh kêu gọi văn nghệ sỹ tự cứu mình, tự ông đã có nhiều thay đổi.
Ngay trong khuôn viên 161 Lý Chính Thắng, chúng tôi có thể cảm nhận sự căng thẳng. Có lúc một số phóng viên Tuổi Trẻ đã phải chuẩn bị cho khả năng bị khởi tố. Có những buổi chiều, nhất là sau khi Tổng biên tập Vũ Kim Hạnh đi gặp Phó bí thư Thành ủy Bảy Dự Nguyễn Võ Danh, đi gặp Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, đi gặp Bộ trưởng Bộ Nội vụ Mai Chí Thọ trở về…, chúng tôi nín thở chờ chị bàn bạc với anh Ba Lãng[2]. Những hôm gay cấn, hai người còn phải tham vấn Cựu Tổng biên tập Võ Như Lanh[3]. Cho đến trước khi ông Nguyễn Văn Linh hết nhiệm kỳ, những người tiên phong trong văn nghệ, báo chí đều phải ra đi gần hết.
Tuổi Trẻ còn tạo cơ hội cho tôi bước ra bên ngoài khuôn viên “161 Lý Chính Thắng”. Tôi may mắn được phân công viết đủ các loại đề tài, từ chính trị tới xã hội, từ kinh tế tới văn hóa, từ hoạt động của các cơ quan tố tụng đến các hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, từ trung ương tới địa phương. Từ năm 1989, tôi trực tiếp đưa tin hầu hết các vụ án lớn xảy ra trên cả nước, theo dõi từ giai đoạn khởi tố điều tra cho đến khi nội vụ được đưa tới tòa. Cũng từ năm 1989, tôi được giao viết về các kỳ họp Hội đồng nhân dân và sau đó có mặt ở Hội trường Ba Đình gần như mỗi kỳ Quốc hội họp.
Những năm đầu thập niên 1990, chúng tôi được bố trí ăn, ở với các đoàn đại biểu tại nhà khách số 8 Chu Văn An; được dự hầu hết các phiên thảo luận mà các đại biểu đang là ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ chính trị. Chúng tôi cũng dễ dàng gặp gỡ, trò chuyện với Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Tổng bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo và Tổng bí thư Nông Đức Mạnh… Cánh nhà báo chúng tôi[4] có nhiều cơ hội trao đổi, đủ loại thông tin, với các nhà lãnh đạo cả khi tác nghiệp, cả khi bên tách trà và không ít khi bên chén rượu.
Chính trường được phản ánh trong cuốn II bao gồm những gì mà tác giả có thể quan sát từ cự ly rất gần. Ở những thời điểm nóng bỏng nhất, tôi có thể vào tận phòng làm việc hỏi chuyện Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải; tôi cũng có không ít dịp đến nhà riêng, vào phòng làm việc của Tổng bí thư Đỗ Mười, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu… phỏng vấn. Chúng tôi chứng kiến một cách trực tiếp các xung đột giữa những người chủ trương kinh tế thị trường với những người lo “chệch hướng”, những xung đột đã làm biến dạng khá nhiều chính sách.
Tất cả những tư liệu ấy đều được tôi lưu trữ. Nhưng không chỉ dừng lại ở những ghi chép của mình, từ năm 2003, khi bắt đầu tập trung phần lớn thời gian cho cuốn sách này, tôi ngồi điểm lại toàn bộ tư liệu mình đã thu thập được, đánh dấu các khoảng trống và bắt đầu tiến hành thêm hàng ngàn cuộc phỏng vấn. Với sự giúp đỡ của một nhóm sinh viên và một số nhà nghiên cứu trẻ, tôi bắt đầu đối chiếu lời kể của các nhân chứng với các ghi chép của chính họ, của tôi (với các sự kiện mà mình trực tiếp quan sát trong thời gian làm báo), đối chiếu với báo chí ở các thời điểm khác nhau, với lời kể giữa các nhân chứng và đặc biệt là đối chiếu với các tài liệu gốc, gồm thư từ, công văn, chỉ thị, nghị quyết và biên bản các cuộc họp.
Cuốn II bắt đầu từ thời điểm ông Nguyễn Văn Linh lên cầm quyền cho đến khi ba ông cố vấn đưa ông Lê Khả Phiêu ra khỏi chiếc ghế tổng bí thư. Tuy có những câu chuyện còn kéo dài đến sau Đại hội Đảng lần thứ XI (1-2011), nhưng hai chương cuối của cuốn II chủ yếu nói về “cái đuôi” chủ nghĩa xã hội và những hệ lụy mà xã hội Việt Nam đang gánh chịu.
Chương Tướng Giáp được đặt ở vị trí cuối phần “Dấu ấn Nguyễn Văn Linh”, bắt đầu bằng một nỗ lực nhằm hạ uy tín của “vị tướng Điện Biên” diễn ra cuối nhiệm kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nhưng chủ yếu nói về mối quan hệ giữa Lê Duẩn – Tướng Giáp – Lê Đức Thọ. Những xung đột quyền lực đã chi phối phần lớn các quyết định liên quan đến cuộc chiến diễn ra thời thập niên 1960, kéo dài tới giữa thập niên 1980, liên quan đến không ít máu xương và để lại khá nhiều di chứng. Phần còn lại của cuốn II chủ yếu viết về những gì diễn ra bên trong Ba Đình thời thập niên 1990. Thời mà ý thức hệ không chỉ tồn tại như một đức tin của những người cầm quyền mà còn trở thành những công cụ chính trị phục vụ cho quyền lực.
Tuy nhiên, Quyền Bính không phải là một cuốn sách nói chuyện “thâm cung bí sử” cho dù có nhiều câu chuyện, có nhiều nhân vật được đặc tả rất cận cảnh. Những câu chuyện được kể trong cuốn sách này là sự chia sẻ của rất nhiều người trong cuộc về một giai đoạn mà Việt Nam đã bỏ lỡ những cơ hội có thể đi tới mục tiêu “công bằng, dân chủ, văn minh” do chính đảng cầm quyền đề ra. Tuy kinh tế thị trường đã làm thay đổi bộ mặt quốc gia và đời sống nhân dân nhưng Việt Nam vẫn tụt hậu cho dù “nguy cơ” này đã được chỉ ra từ năm 1994.
Chính sách đất đai, thay vì lựa chọn những phương thức sở hữu giải phóng tối đa tiềm lực trong đất và trong dân lại cứ tự trói buộc vào sở hữu toàn dân, chỉ vì phương thức này được coi là đặc trưng của chủ nghĩa xã hội. Nền kinh tế thay vì chọn phương thức hiệu quả nhất đã phải để cho kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Hệ thống chính trị thay vì lấy sự minh bạch, đảm bảo nguyên tắc kiểm soát quyền lực để có thể mang lại công lý và tránh tham nhũng, lạm quyền lại ưu tiên đảm bảo vị trí cầm quyền của Đảng.
Quyền Bính tiếp tục nói về những khúc quanh của Việt Nam. Nói về những thời điểm mà Đảng cầm quyền thay vì nắm bắt tư duy của thời đại và ý chí của nhân dân, chỉ có thể loay hoay trong một cái vòng tự vẽ. Hệ thống chính trị, trải qua nhiều thế hệ, càng về sau lại càng có ít khả năng khắc phục sai lầm.
Sài Gòn – Boston (2009-2012)
___________________
[1] Cho đến Năm 2005, ông Nguyễn Thành Đệ đã chết gục trên bàn tiếp dân của Sở Xây dựng, kết thúc bi kịch đòi lại căn nhà mà ông đã bị tịch thu năm 1979.
[2] Tên thường gọi của ông Trần Minh Đức, Phó tổng biên tập Tuổi Trẻ 1981-1997, người được coi là “bộ óc chiến lược” của báo.
[3] Tổng biên tập Tuổi Trẻ 1979-1983, Phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng 1983-1990 và sau đó là Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn 1990-2006.
[4] Gồm Lê Thọ Bình, Tâm Chánh, Thanh Tâm, Phan Ngọc, Bùi Thanh, Kim Trung, Minh Đức, Minh Hà…
Bắt đầu một năm mới, nhà nước cộng sản đã huy động toàn lực để dập tắt những đối lập chính trị trong nước. Hơn ba tháng nay, rất nhiều bản án vô nhân dành cho những người yêu nước mang đầy tính cách khủng bố đe dọa được ĐCSVN áp dụng hầu làm tê liệt những người đang đấu tranh cho quyền con người, cho toàn vẹn lãnh thổ và cho một nước Việt Nam dân chủ, đồng thời họ cố tình làm nhụt chí, gây sợ hãi hoang mang cho những người có ý tưởng đấu tranh.
Bản án gần nhất nhà nước cộng sản dành cho 14 anh chị em trẻ biểu tình chống ngoại xâm đã vượt lên trên mọi sự ghê tởm và bỉ ổi nhất hành tinh trong bối cảnh lịch sử hôm nay. Rất nhiều người dân không đồng tình và tức giận với sự chuyên quyền độc tài của nhà nước cộng sản. Những người yêu nước can đảm bất chấp tù đày đã thắp sáng ngọn nến nhỏ của mình và ước mong mọi người mọi giới cùng thắp lên ngọn nến mình đang có trong tay để xua tan bóng tối của một chế độ bạo tàn đang dày xéo chà đạp quê hương tổ quốc. Sau các anh chị chắc chắn sẽ có nhiều người và nhiều người can đảm khác thắp sáng ngọn nến của mình nhưng những vầng sáng nhỏ lẻ loi có lẽ sẽ bị cường bạo dập tắt với những bản án bất công vô đạo cho dù một số trong các anh chị chưa trực tiếp đòi chế độ cộng sản phải giải thể, trả quyền làm chủ cho toàn dân. Mỗi lần nghe tin một người trong các anh chị bị tù đày tra tấn là mỗi lần nhiều triệu con tim phải bật khóc. Khóc vì ngưỡng mộ và đồng cảm. Khóc vì uất ức và cảm thấy bất lực bó tay trước chế độ tàn ác này. Nhưng khóc không thể đem tự do dân chủ cho quê hương.
Đã đến lúc chúng ta phải đoàn kết bên nhau để đấu tranh trực diện với chế độ cộng sản, không lòng vòng trông chờ những thay đổi của ĐCSVN, không mơ tưởng một phép lạ từ trên trời ban xuống hay các nước tự do khác đánh tan cộng sản giúp chúng ta. Sự đoàn kết một lòng sẽ là sức mạnh vô biên để đưa đất nước thoát khỏi nanh vuốt cộng sản và để bảo vệ cho những người công khai lên tiếng đấu tranh. Sức mạnh đoàn kết sẽ dồn chế độ cộng sản vào ngõ cụt và làm tê liệt những lực lượng vũ trang đang phục vụ cho chế độ, chúng chỉ có thể trấn áp những người đấu tranh lẻ tẻ nhưng khi đối mặt với một khối đoàn kết toàn dân chúng sẽ không còn sức mạnh.
Khi nói đến đoàn kết phải nghĩ đến tổ chức. Khi bàn về tổ chức phải nghĩ đến lãnh tụ, linh hồn của cuộc đấu tranh. Từ lâu nhân dân Việt Nam trông chờ một lãnh tụ và cũng từ lâu những người có khả năng làm lãnh đạo mong chờ nhân dân đón nhận. Chúng ta cùng có những mong muốn giống nhau nhưng nhịp cầu nhiệm mầu chưa xuất hiện để tay trong tay toàn dân đồng lòng đứng chung cùng thuyền với vị thủ lãnh đánh tan chế độ cộng sản, đưa đất nước vào một thế giới mới của tự do và dân chủ. Một tương lai rực sáng trước mắt đang chờ đón dân tộc chúng ta, nó gần sát bên như chỉ cần nhích thêm một bước, bước cuối cùng quyết định đó là sự đoàn kết .
Hiện nay có rất nhiều người trong và ngoài nước có đủ bản lãnh cùng với lòng yêu quê hương để làm một lãnh tụ. Những người này không có tham vọng sẽ làm tổng thống tương lai, vị tổng thống sẽ do dân cử qua một cuộc bầu phiếu, họ chỉ mong được đóng góp tài sức của mình cùng với toàn dân đưa đất nước qua cơn hấp hối vì thù trong và giặc ngoài.
Nếu chúng ta tiếp tục đấu tranh không tổ chức sẽ còn nhiều người hy sinh vào lao tù oan uổng. Sức mạnh chúng ta đang có, nó rất mãnh liệt có thể dời sông lấp biển nhưng mỗi người đang cầm giữ một phần của sức mạnh đó như một ngọn nến. ĐCSVN biết rõ nên chúng rất sợ khi nghĩ đến lúc những ngọn nến đồng loạt thắp sáng, vì thế chúng đã thẳng tay giáng những cú đòn thật mạnh và tàn ác, cho dù bị cả thế giới chỉ trích phỉ nhổ, để hòng dập tắt sự phản kháng của nhân dân.
Phải có một tiếng hô dẫn đầu, phải có một lý tưởng mục đích cho tương lai và phải có một dự án chính trị khả thi, trong sáng, đạo đức. Một lần nữa người viết mạnh dạn giới thiệu ông Nguyễn Gia Kiểng, thường trực Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là người có thể nối kết với những nhà đấu tranh trong nước, với giới trí thức và sinh viên để cùng với toàn dân đấu tranh cho một Việt Nam dân chủ.
Tại sao là ông Nguyễn Gia Kiểng?
Nhiều người đều đồng ý ông Nguyễn Gia Kiểng là một học giả uyên bác, một nhà phân tích lý luận chính trị vững vàng và có tầm cỡ. Anh em trí thức đấu tranh trong nước không xa lạ gì với ông NGK và thành viên của THDCĐN đã có mặt nhiều nơi, nhiều thành phố trong nước. Với người viết, ngoài những tài năng kể trên điều đáng trân trọng nhất là ông NGK có một tâm hồn nhân đạo chan chứa tình người, tình đồng bào phản ảnh bàng bạc trong phương pháp và chiến thuật đấu tranh cho Việt Nam dân chủ. Những điều này cũng thể hiện rất rõ trong tập Dự Án Chính Trị do ông viết với tất cả tâm huyết và là kim chỉ nam cho THDCĐN tiến bước. Chính lòng bao dung nhân đạo với chủ trương « hoà giải và hòa hợp dân tộc » để xây dựng đất nước ông đã bị không ít những chỉ trích phê bình của nhiều người, nhiều nhóm. Mặc dù có một lòng bao dung lớn lao nhưng ông NGK không khoan nhượng với cái ác và những người đã gây nên đau khổ cho đồng bào mình.
Vấn đề thứ hai cho câu hỏi trên là vì sự an toàn cho những người lãnh đạo trong nước. Một thủ lãnh công khai đứng bên ngoài kết hợp với những người lãnh đạo bí mật bên trong nước sẽ tạo thành một sức mạnh bền bỉ.
Một vài dòng không thể nói hết về ông NGK, nếu ai muốn làm quen để hiểu biết thêm xin vào trang facebook với tên Nguyễn Gia Kiểng để trực tiếp tìm hiểu con người này.
Từng ngày và từng ngày trôi qua, nhiều anh chị em đấu tranh dân chủ và quyền con người trong nước đang cam chịu đếm tháng ngày trong lao tù dưới sự cai trị tàn ác của các cai tù. Họ xứng đáng được lịch sử nhớ tên, nhưng sự hy sinh của họ không phải để cho hết người này tới người khác vào cùng chung số phận. Sự đoàn kết và đấu tranh có tổ chức đã đến lúc cần phải thể hiện để đối đầu với nhà nước cộng sản độc tài tàn ác.
Mỗi người có một gia đình nhỏ để lo toan nhưng chúng ta cũng có chung một tổ quốc để gánh vác.
Bắc Trung Nam