Trung Quốc bất ngờ, bối rối trước sự “liên kết phá Trung” của Mỹ và EU

Trung Quốc bất ngờ, bối rối trước sự “liên kết phá Trung” của Mỹ và EU

Những thỏa hiệp Mỹ – EU được đưa ra khiến Trung Quốc bất ngờ, bị động ứng phó.

Ngày 26/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Jean Juncker đã cùng nhau tuyên bố: quan hệ Mỹ – EU đã bước vào gian đoạn mới, Mỹ đồng ý tạm thời hoãn đánh thuế xe hơi nhập từ EU, EU sẽ gia tăng nhập khẩu đậu tương và khí hóa lỏng của Mỹ; đồng thời hai bên cũng đạt được thỏa thuận bước đầu về gỡ bỏ rào cản mậu dịch về tất cả mọi sản phẩm công nghiệp (trừ xe hơi) giữa hai bên và cùng nỗ lực cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Mỹ bất ngờ ra đòn liên tiếp

Sau khi đạt được “hiệp định đình chiến mậu dịch” này, hai bên lập tức chĩa mũi giáo vào Trung Quốc. Nhà Trắng hôm 26/7 thông báo, EU đã đồng ý liên kết với Mỹ để chống lại vấn đề mậu dịch không công bằng của Trung Quốc. Trung Quốc lập tức bày tỏ sẽ không khuất phục và không chấp nhận những quy tắc mậu dịch mang tính trói buộc; phê phán Mỹ mưu đồ “ma quỷ hóa Trung Quốc”, sẽ dùng cách tăng cường đầu tư xây dựng cơ bản trong nước để hạn chế những ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại.

Theo trang tin Đông Phương, ông Larry Kudlow, Chủ tịch Ủy ban kinh tế quốc gia của Nhà Trắng khi trả lời các nhà báo hôm 26/7 đã nói: “Mỹ và EU sẽ liên minh để đối phó Trung Quốc – kẻ phá hoại thể chế mậu dịch thế giới. Ngài Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Juncker đã bày tỏ rất rõ ràng, sẽ giúp đỡ chúng ta trong vấn đề (đối phó) Trung Quốc”.

Trung Quốc bất ngờ, bối rối trước sự “liên kết phá Trung” của Mỹ và EU - Ảnh 1.

Các ông Donald Trump và Jean Juncker họp báo chung tuyên bố cùng nhau đối phó Trung Quốc

Ông cũng tiết lộ: cùng nhau xử lý hành vi lạm dụng thị trường của Trung Quốc là một phần trong hiệp nghị đạt được giữa Mỹ và EU; EU cũng muốn giúp Mỹ cải cách WTO. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thì nói, nếu Trung Quốc muốn thay đổi thực sự thì Mỹ cũng vui lòng khởi động lại việc đàm phán mậu dịch với họ.

Cùng ngày, Đại diện Thương mại Mỹ, ông Robert Lighthizer khi tham dự cuộc điều trận của Thượng nghị viện đã dự báo: sẽ mất mấy năm để giải quyết vấn đề mậu dịch với Trung Quốc. Ông cáo buộc Trung Quốc nhân cơ hội Mỹ mở cửa kinh tế, sử dụng “chủ nghĩa tư bản nhà nước” để thủ lợi. Ông phủ nhận ý kiến cho rằng phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc là cách làm ngu xuẩn và nói thẳng: tiến hành chiến tranh thương mại để ngăn chặn Trung Quốc đánh cắp kỹ thuật công nghệ Mỹ và lấy đi tương lai của trẻ em Mỹ.

Mỹ cũng đã đưa ngọn lửa chiến tranh thương mại Mỹ – Trung lan sang hội đồng WTO. Đại biểu Mỹ chỉ trích Trung Quốc là nền kinh tế có tư tưởng chủ nghĩa bảo hộ, có tư tưởng coi trọng thương mại nhất thế giới, không thể dung thứ cách làm Chính phủ chủ đạo kinh tế của Trung Quốc gây hại đến mậu dịch và đầu tư.

Bên cạnh đó, ngày 26/7, Hạ viện Mỹ đã thông qua Luật ủy quyền quốc phòng 2019 với tỷ số phiếu 359 phiếu thuận/54 phiếu chống chấp thuận ngân sách quốc phòng 716 tỷ USD với nội dung quản chế chặt đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ và cấm chính phủ Mỹ sử dụng các thiết bị kỹ thuật thông tin mua của Trung Quốc xuất phát từ việc xem xét an ninh quốc gia của Mỹ.

Đặc biệt, cùng ngày 26/7, ông Ted Yoho, Chủ tịch Tiểu ban châu Á – Thái Bình dương, Ủy ban sự vụ ngoại giao Hạ viện Mỹ đã phát biểu trước cuộc hội thảo về Biển Đông do Trung tâm nghiên cứu chiến lược và vấn đề quốc tế Mỹ (CSIS) tổ chức đã cho rằng: “Quan hệ Mỹ – Trung đã chuyển từ cạnh tranh sang đối đầu” và đề nghị Mỹ cần có lập trường nghiêm khắc hơn, kiên quyết hơn đối với những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, thậm chí chuẩn bị tốt cho việc có thể xảy ra xung đột.

Vị Hạ nghị sĩ Cộng hòa này còn kiến nghị: Mỹ cần thay đổi lập trường giữ trung lập trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông hiện nay để thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Trung Quốc bất ngờ, bối rối trước sự “liên kết phá Trung” của Mỹ và EU - Ảnh 2.

Ông Ted Yoho cho rằng quan hệ Mỹ – Trung đã chuyển từ cạnh tranh sang đối đầu.

 

Trung Quốc bối rối đối phó

Trước những động thái của phía Mỹ, phía Trung Quốc đã phản ứng mạnh trên các diễn đàn. Ông Trương Hướng Thần, đại biểu Trung Quốc tại WTO đã lên tiếng phê phán Mỹ đánh lừa dư luận, định đổ vấy tình hình quan hệ mậu dịch căng thẳng hiện nay là do mô thức kinh tế của Trung Quốc. Ông khẳng định chính sách công nghiệp của Trung Quốc là thực thể kinh tế thị trường tự chủ, trong đó chính sách chỉ đạo, các công ty tự chịu lỗ lãi.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải thì bày tỏ: quan hệ mậu dịch Trung – Mỹ là dựa vào nhau, cùng có lợi và nhấn mạnh trước các thách thức của thế giới hiện nay, Trung Quốc và Mỹ vẫn cùng trên một con thuyền.

Ông khẳng định, bất cứ quốc gia nào cũng không thể thực sự thay đổi được Trung Quốc và cũng đừng nên lấy đó (thay đổi Trung Quốc) là mục tiêu trong chính sách với Trung Quốc. Ông chỉ trích Mỹ gần đây đã làm rất nhiều điều để thay đổi quy tắc quốc tế.

Ngày 27/7, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Mỹ và EU liên kết đối phó Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao  Trung Quốc Cảnh Sảng nói: “Trung Quốc, Mỹ và EU đều là các  thực thể kinh tế chủ yếu và cường quốc mậu dịch trên thế giới. Giữa Trung Quốc và Mỹ, Trung Quốc và EU có quy mô mậu dịch rất lớn, việc tồn tại một số bất đồng và va chạm là điều khó tránh khỏi; mấu chốt là xem xét và giải quyết vấn đề với thái độ như thế nào.

Trung Quốc trước sau chủ trương thông qua đối thoại hiệp thương giải quyết bất đồng và va chạm về mậu dịch trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi; thực thi chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ mậu dịch sẽ không có lối thoát”.

Cảnh Sảng có ý trách móc EU khi nói: lãnh đạo Trung Quốc và EU cách đây ít lâu đã gặp gỡ ở Bắc Kinh. Tuyên bố chung được công bố đã nêu rõ hai bên cùng nhau chống lại chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Trung Quốc cho rằng, các bên liên quan, đặc biệt là những thực thể kinh tế chủ yếu trên thế giới đều cần cùng nhau nỗ lực thúc đẩy xây dựng thể chế kinh tế thế giới kiểu mở cửa.

Tân Hoa xã ngày 27/7 có bài bình luận: “Mỹ – EU tạm ngừng chiến chỉ là kế hoãn binh mà thôi”. Bài báo viết, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch EU Jean Juncker khi gặp gỡ báo chí ở Nhà Trắng, tuyên bố đồng ý thông qua đàm phán hạ thấp các trở ngại mậu dịch giữa hai bên và làm hòa dịu những va chạm mậu dịch, tạm ngừng việc đánh thuế mới đối với hàng hóa của nhau.

Một dạo, những tiếng nói bắt tay hòa bình trong vấn đề kinh tế mậu dịch giữa Mỹ và EU gia tăng; chính phủ Trump có tiền lệ về việc thay đổi bất thường; mọi người khi xem xét hiệp nghị ông ta đạt được với EU cần rất thận trọng, nên coi đó chỉ là cuộc “ngừng bắn” tạm thời chứ không phải là “đình chiến” chính thức.

Trung Quốc bất ngờ, bối rối trước sự “liên kết phá Trung” của Mỹ và EU - Ảnh 3.

Ông Thôi Hồng Kiện cảnh báo Trung Quốc thận trọng trong xử lý quan hệ với EU.

Trong khi đó, học giả nổi tiếng của Trung Quốc, Tiến sĩ Thôi Hồng Kiện, Giám đốc Sở nghiên cứu châu Âu, Viện nghiên cứu vấn đề quốc tế Trung Quốc khi trả lời hãng tin Đa Chiều đã cho rằng: EU đạt được hiệp nghị mậu dịch với Mỹ xuất phát từ việc xem xét lợi ích mậu dịch của họ, không thoát khỏi tình thế bị động; Trung Quốc không nên quá chỉ trích EU; trước cục diện hiệu quả phản kích Mỹ bị suy yếu, cách làm của Trung Quốc bây giờ là cần kết hợp với các chính sách mở rộng cải cách mở cửa toàn diện, nhanh chóng hoàn thành nâng cấp kết cấu ngành nghề, kết cấu kinh tế, giữ nhất trí giữa hành động với đề xướng tự do mậu dịch.

Thôi Hồng Kiện cho rằng, Trung Quốc cần tránh không để xảy ra ảnh hưởng bất lợi về lòng tin chính trị với EU. Cả Trung Quốc và EU đều chống chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ mậu dịch, đừng nên vì sự thay đổi này (ý nói EU ngả về phía Mỹ) mà hoài nghi thành ý của EU.

Trung Quốc và châu Âu trước đây đã đạt được nhiều hiệp nghị liên quan đến các ngành nghề và các công ty khởi nghiệp ngành kỹ thuật mới. Hãy đặt tiêu điểm và sự chú ý trong quan hệ Trung Quốc – EU vào những mặt đó, không nên vướng bận bởi việc EU có “lá mặt lá trái” trong quan hệ với Trung Quốc hay không, điều này chả có ý nghĩa gì.

theo Viettimes

Giảm nguy cơ đau tim nhờ vài giờ… đạp xe

Giảm nguy cơ đau tim nhờ vài giờ... đạp xe

Nguy cơ xảy ra cơn đau tim lần đầu giảm 9% và đau tim tái phát giảm đến 31% nếu mỗi tuần bạn bỏ ra 4 giờ để đạp xe. Hiệu quả lên đến 58%, nếu bạn có thêm 3 thú vui thể chất khác.

Nghiên cứu mới công bố do Đại học Copenhagen (Đan Mạch) thực hiện cho thấy hiệu quả chống lại đau tim vẫn cực kỳ cao cho dù bạn đạp xe giữa đường phố ô nhiễm.

Giảm nguy cơ đau tim nhờ vài giờ... đạp xe - Ảnh 1.

Đạp xe rất có lợi cho người trung niên và cao niên – ảnh: THE SUN

Ô nhiễm làm tăng nguy cơ đau tim nhưng việc tập thể dục thường xuyên bằng một môn “tốn calo” như đạp xe có thể áp đảo được phần thiệt hại trên, theo như công bố vừa đăng tải trên tạp chí khoa học Journal of the American Heart Association.

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm khoa học gia đến từ Đan Mạch, Đức, Tây Ban Nha và ghi nhận dữ liệu trên 51.868 người, tuổi từ 50-65.

Trong 17,7 năm theo dõi, đã có 2.936 cơn đau tim lần 1 và 324 cơn đau tim tái phát xảy ra với những người được ghi nhận. Họ cũng được để ý về thói quen hoạt động thể chất: đạp xe, đi bộ, chơi thể thao, làm vườn.

Trong các hoạt động trên, đi xe đạp phát huy tác dụng hiệu quả hơn. Chỉ cần đạp xe 4 giờ/tuần, bạn đã giảm nguy cơ xảy ra cơn đau tim lần đầu đến 9%, cho dù sống trong một thành phố ô nhiễm.

Nếu có thêm vài thú vui thể chất khác, ví dụ như đi bộ, làm vườn hay chơi thêm môn thể thao khác, hiệu quả giảm đau tim là 15%.

Ở người từng bị đau tim, đạp xe trở thành liều thuốc phòng ngừa tái phát hữu hiệu đến ngạc nhiên: giảm 31% nguy cơ đau tim tái phát.

Hiệu quả lên đến 58% nếu bạn có 3 thói quen thể chất khác và duy trì nó hàng tuần với thời lượng tương đương.

Nói cách khác, chỉ cần 16 giờ mỗi tuần cho các hoạt động thể chất – xen lẫn các hoạt động nhẹ nhàng như làm vườn lẫn hoạt động nặng như đạp xe, ta sẽ cắt giảm đến 15% nguy cơ đau tim lần đầu và 58% nguy cơ tái phát.

theo Người lao động

Nguyễn Thiện Nhân bán đất Sài Gòn kiếm tiền nuôi đảng?

Khó có thể hình dung khác hơn, việc “hô biến” 26,000 hécta đất nông nghiệp thành đất dịch vụ ở Sài Gòn là một lý do rất quan trọng để bí thư TP.HCM cống hiến cho ngân sách đảng và cũng cho chế độ cầm hơi được thêm một năm.

Bí thư Thành Ủy Sài Gòn, ông Nguyễn Thiện Nhân đến thăm người dân bị cướp đất ở Thủ Thiêm, quận 2 hôm 16 Tháng Bảy, 2018 và ông lại tiếp tục “hứa hẹn” trước những đau khổ của người dân mất đất. (Hình: Báo Pháp Luật TP.HCM)

26,000 hécta đất = 1.5 triệu tỷ đồng chi ngân sách năm 2018!

Chính quyền TP.HCM – được thừa hưởng dĩ vãng sáng rực của “Hòn Ngọc Viễn Đông” và cái tên Sài Gòn – Gia Định trù phú mà trên thực tế đã trở thành thủ đô của miền Nam Việt Nam, đang phải chịu áp lực nặng nề từ Bộ Chính Trị đảng cầm quyền để giữ vững danh hiệu “Con bò sữa” cùng cái giá siết thuế doanh nghiệp và dân chúng ít nhất 1,000 tỷ đồng mỗi ngày.

Nguyễn Thiện Nhân, nhân vật ủy viên bộ chính trị kế nhiệm cho bí thư TP.HCM đời trước là Đinh La Thăng (hiện thời đang rên rỉ trong nhà lao về “Hãy đối xử với bị cáo như một con người”), cũng đang phải cố chứng tỏ tinh thần cống hiến thu vét được đồng nào hay đồng nấy cho đảng, không phụ lòng mong mỏi lẫn quyết định của Tổng Bí Thư Trọng chọn Nhân về Sài Gòn mà không phải các quan chức ngang cấp khác như Tòng Thị Phóng, Võ Văn Thưởng hay Trương Hòa Bình, đã vừa có ý khoe khoang thành tích khi thông báo việc TP.HCM dự kiến chuyển 26,000 ha đất nông nghiệp thành đất nhà xưởng, dịch vụ để đem đấu giá với giá trị sơ bộ đến 1.5 triệu tỷ đồng.

Rất nhanh sau thông báo rất đặc biệt trên, dự kiến đó đã không còn là dự kiến khi thủ tướng “Cờ Lờ Mờ Vờ” đã thông qua chủ trương “hô biến” 26,000 hécta đất nông nghiệp thành đất dịch vụ.

1.5 triệu tỷ đồng dự kiến thu được từ việc đấu giá 26,000 hécta đất dịch vụ lại bằng đúng con số chi ngân sách năm 2018 mà vào đầu năm nay Quốc Hội “nghị gật” đã mau mắn và đầy tự tin phóng ra, bất chấp kết quả thu ngân sách năm 2017 chỉ đạt 96.8% so với dự toán – không những không được xem là thành tích mà còn bị coi là một thất bại, bởi đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, thu ngân sách quốc gia không đạt so với dự toán. Cũng là năm thứ ba liên tiếp, thu ngân sách từ khối trung ương không đạt dự toán.

Không chỉ có thế. Thất bại 96.8% thu ngân sách năm 2017 còn là một chỉ dấu lớn cho thấy thu ngân sách 2018 nhiều khả năng còn tồi tệ hơn năm 2017 và có thể sẽ sụt tới 5-7% so với dự toán đầu năm 2018, nếu không tính tới phần đè dân thu thuế và “bán mình” – tức tìm cách bán sạch những doanh nghiệp nhà nước ăn nên làm ra, nhằm có tiển trang trải cho một ngân sách đang lao vào thảm cảnh kiệt quệ với tỉ lệ chi thường xuyên cho đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức “ngủ ngày” luôn vượt trên 70% tổng chi ngân sách hàng năm.

Chăm bẵm nguồn thu từ đất

Tăng giá và thuế má là một trong những biểu đạt cực đoan nhất trong giai đoạn cuối của một cơ chế cưỡng bức và cưỡng đoạt. Nền chính trị độc đảng – nguồn gốc của tham nhũng – đang xô đẩy xã hội Việt Nam lao nhanh vào một thời kỳ thẳng tay bóp siết mà không thể khác.

Xã hội cùng dân chúng cũng bởi thế đang lâm vào cảnh thảm thương đọa đày – chẳng khác gì bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hồ Chí Minh cách đây 72 năm đã mô tả về thực dân Pháp: “chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy.”

Chỉ có điều, sức dân đã kiệt. Phản ánh từ nhiều người dân ở các tỉnh đói nghèo đều cho biết: “Túi chẳng còn gì để nộp thuế nữa. Nếu nhà nước cứ tróc nã thì dân chỉ còn cách hoặc trốn đóng hoặc phản ứng tự vệ thôi.”

Bởi khác hẳn với nhiều năm trước, năm 2017 chứng kiến không chỉ phần thu từ dân bị giảm mà thu từ khối doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước cũng giảm mạnh, cho thấy quả thực “sức dân và doanh nghiệp đã cạn.”

Một số chuyên gia đã ước tính tỷ lệ thu từ khối doanh nghiệp nhà nước, kinh tế ngoài quốc doanh và cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đạt khoảng 80 -85% so với dự toán – tức thấp hơn rất nhiều so với kết quả của những năm trước.

Đến Tháng Năm năm 2018, trong một cuộc báo cáo của Bộ Trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng cho Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, chính bộ trưởng “Bộ Bóp Cổ” (một cách gọi của dân gian đương đại dành cho vô số sắc thuế “kiến tạo” của Bộ Tài Chính đè đầu dân) đã phải thừa nhận một sự thật trần trụi và tàn nhẫn trong cơ cấu thu ngân sách của chính thể độc đảng ở Việt Nam vào năm 2017: dù tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2017 vượt 49.16 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc Hội, vượt 76.48 nghìn tỷ so với dự toán, nhưng số tăng thu đạt được chủ yếu không phải từ hoạt động sản xuất kinh doanh mà là nhờ tăng thu từ tiền sử dụng đất (61.58 nghìn tỷ đồng so với dự toán), và một phần khác từ thu cổ tức và lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp nhà nước (15.19 nghìn tỷ đồng), tăng thu từ dầu thô (11.28 nghìn tỷ đồng so với dự toán).

Vào năm 2017, ngoài việc “kiến tạo” sắc thuế VAT tăng từ 10% lên 12%, “Bộ bóp cổ” còn tham mưu cho chính quyền âm thầm, hoặc lén lút tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp gấp 3-4 lần mà không thông báo trước cho dân.

Trong cơ cấu thu ngân sách quốc gia, tiền thuế sử dụng đất chiếm khoảng 9%, tương đương khoảng 100 ngàn tỷ đồng. Nếu đồng loạt tăng thuế sử dụng đất ở các tỉnh thành, ngân sách sẽ có thể “móc túi” dân gấp ít ra vài ba lần con số trăm ngàn tỷ đó.

Cầm hơi chế độ

“Cái khó ló cái khôn” – có lẽ giới quan chức bị xem là “tư bản đỏ” là những kẻ thuộc lòng nhanh nhất và nhuần nhuyễn nhất câu tục ngữ vỡ lòng ấy.

Vậy là phải tính cả đến kế hoạch bán đất, sau khi đã “ăn đủ” từ cơ chế bán các doanh nghiệp “bò sữa” như vụ bán Sabeco được $5 tỷ.

Không quá khó hiểu, đó là nguồn cơn vì sao thị trường bất động sản ở Sài Gòn, chứ không phải Hà Nội, đã được “đánh lên,” tăng dữ dội gấp vài ba lần vào năm 2017 và có thể cả nửa cuối năm 2018, bất chấp mọi cảnh báo về trạng thái bong bóng đang nở ra rất gần mà có thể phát nổ bất kỳ lúc nào.

Sài Gòn – “con bò sữa” ấy – đang trở thành điểm nóng thu ngân sách của Bộ Chính Trị đảng.

Vào năm 2016, ngân sách màu mỡ của thành phố này thậm chí còn bị ngân sách trung ương “bóp cổ”: mức để lại sau thu của nó từ 23% chỉ còn 18%.

Còn bây giờ, vai trò của người kế nhiệm của Đinh La Thăng là làm đúng những gì mà Thăng đã làm, trừ việc ủng hộ hay thỏa hiệp với “phe cánh chính trị Nguyễn Tấn Dũng.”

Trong hơn một năm kể từ ngày bất ngờ được điều về Sài Gòn để tận hưởng giấc mơ “về nhà” của mình, Nguyễn Thiện Nhân về thực chất đã duy trì và thậm chí còn làm hơn những gì mà Đinh La Thăng đã lập thành tích cho đảng: hoặc nhắm mắt lờ đi, hoặc trực tiếp chỉ đạo công an TP.HCM thẳng tay và ngày càng dã man đàn áp nhân quyền, đánh đập và tra tấn đến mức phi nhân tính đối với người dân biểu tình phản đối “Luật Bán Nước” – một cách điềm chỉ về dự luật Đặc khu; cùng lúc thu vét đến đáy túi của các doanh nghiệp và dân chúng để có tiền chuyển ra Hà Nội nuôi đảng.

Khó có thể hình dung khác hơn, việc “hô biến” 26,000 hécta đất nông nghiệp thành đất dịch vụ ở Sài Gòn là một lý do rất quan trọng để bí thư TP.HCM cống hiến cho ngân sách đảng và cũng cho chế độ cầm hơi được thêm một năm.

Phạm Chí Dũng
Người Việt

Will Nguyễn ‘cần thời gian hồi phục’

Gia đình nói Will Nguyễn cần được yên tĩnh sau khi về Mỹ trong khi cựu sinh viên ĐH Yale buộc tội hiệu trưởng đã không công khai đấu tranh cho tự do của anh.
Will Nguyễn và em gái Victoria Nguyễn sau khi Will được trả tự do
Tin Will Nguyễn được thả tự do sau 41 ngày bị giam ở Việt Nam với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ khiến những người ủng hộ anh thở phào.
Trước đó, ai cũng sợ rằng chính phủ Việt Nam sẽ bỏ tù Will Nguyễn với mức án tối đa tới bảy năm, theo trang tin Yale Daily News của Đại học Yale nơi Will Nguyễn từng theo học,
Trong suốt một tháng vừa qua, các nhà lập pháp, dân biểu, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên tiếng trước công luận, và sinh viên Đại học Yale đấu tranh không ngừng ‘ở hậu trường’ để đảm bảo rằng Will được trở về nhà an toàn.
Tuy nhiên, những người ủng hộ Will Nguyễn nói ‘thất vọng lớn nhất’ là việc Hiệu trưởng Đại học Yale, Peter Salovey, đã không công khai kêu gọi trả tự do cho Will, bài viết trên Yale Daily News cho hay.
“Chúng tôi vô cùng buồn và thất vọng vì ban lãnh đạo trường Đại học Yale đã không đưa ra yêu cầu hay bình luận công khai nào,” Mary-Alice Daniel, một bạn thân của Will Nguyễn, người giúp điều phối phản ứng của cựu sinh viên Yale đối với việc Will bị giam giữ, nói với Yale Daily News.
“Thật đáng lo ngại khi các giá trị của các cựu sinh viên không đồng bộ với các giá trị của ban lãnh đạo trường. Chúng tôi muốn, nhưng không trông đợi, một lời giải thích liên quan đến việc họ thiếu nỗ lực hành động công khai và cả với tư cách cá nhân.”
Sau khi Will Nguyễn được thả tự do, Hiệu trưởng Đại học Yale, ông Salovey nói rằng ông “rất vui mừng”.
Ông cũng đã công bố một số lời cảm ơn tới “rất nhiều quan chức” Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đại sứ quán và Lãnh sự quán tại TP Hồ Chí Minh vì đã giúp đỡ Will Nguyễn, và tới bạn bè, người thân của Will Nguyễn vì nỗ lực vận động của họ.
Nhưng trong một cuộc phỏng vấn ngày 11/7 với Yale Daily News, khi Will Nguyễn vẫn đang chờ xét xử, Daniel bày tỏ sự thất vọng rằng Đại học Yale đã không nỗ lực làm việc với cô và những người khác, bất chấp yêu cầu giúp đỡ của họ.
“Chúng tôi rất bối rối, nhưng tôi quá mệt mỏi để tức giận”, cô nói vào thời điểm đó.
Trong khi đó, Pericles Lewis, phó hiệu trưởng Đai học Yale, nói rằng đối với Yale, sẽ hiệu quả khi sử dụng “ngoại giao yên lặng” để giúp Will Nguyễn hơn là gây áp lực công khai.
Ông nói thêm rằng sự kết hợp những nỗ lực công khai và cá nhân từ những người ủng hộ của Nguyễn, bao gồm cả Đại học Yale, “đã đạt kết quả tốt.”
Hôm 21/7, Mary-Alice Daniel cảm ơn Mạng lưới Cựu sinh viên Yale đã giúp thu hút giới truyền thông đưa tin về việc Will Nguyễn bị bắt giữ.
“Chính từ một bài đăng trên Facebook của cựu sinh viên Đại học Yale đã đem lại rất nhiều hỗ trợ và nguồn lực,” Daniel nói với News. “Nếu không có Mạng lưới Cựu sinh viên Yale, chúng tôi đã không thể liên lạc được với rất nhiều người để tin tức về chiến dịch thả tự do cho Will Nguyễn được phủ sóng rộng rãi như vậy.”
‘Will cần hồi phục’
Will Nguyễn cùng gia đình hiện đang ở Singapore và sẽ quay lại Houston, Mỹ, vào 1/8, theo thông tin trên Facebook của em gái Will, cô Victoria Nguyễn,
Gia đình Will Nguyễn gửi lời cám ơn tới tất cả cá nhân, tổ chức đã giúp đỡ kêu gọi thả tự do cho anh.
Em gái Victoria Nguyễn bày tỏ nguyện vọng để Will Nguyễn có được khoảng thời gian riêng tư sau sự kiện vừa qua.
“Điều xảy ra với Will rất chấn động, và trên hết, anh ấy không biết câu chuyện của mình đã được chú ý đến mức nào.”
“Anh ấy đã hoàn toàn bị cô lập khỏi thế giới bên ngoài, và thông tin bị giới hạn trong ba buổi gặp, mỗi buổi 30 phút với đại diện lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam… Anh ấy vẫn bị sốc khi nhìn thấy những hình ảnh của chính mình…”
“Vì vậy, anh ấy cần thời gian cho bản thân để đối phó với chấn thương, để tĩnh tâm, để trở về cuộc sống bình thường. Tôi mong mọi người có thể giúp anh ấy có được thời gian cho riêng mình.”
Will Nguyễn bị bắt hôm 10/6 trong cuộc biểu tình tại TP Hồ Chí Minh phản đối Luật An ninh mạng và Luật Đặc khu. Chính quyền Việt Nam khẳng định có bằng chứng Will Nguyễn ‘kích động’ biểu tình.
Thả Will có đủ cho Việt Nam?
Theo Asia Times, câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu việc trục xuất Will Nguyễn có đủ để làm dịu đi những chỉ trích nặng nề của các chính trị gia Mỹ về việc Việt Nam đã ‘nặng tay’ [với công dân Mỹ] tại thời điểm Hà Nội đang tìm cách thắt chặt quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ.
Nghị sĩ Chris Smith phát biểu trước phiên tòa xử Will Nguyễn rằng “nếu Will không được thả tự do cuối tuần, tôi sẽ yêu cầu Quốc Hội Mỹ cân nhắc việc rút lại các chương trình hỗ trợ kinh tế cho Việt Nam.”
Vào tháng Tư, ông Smith đã trình Quốc Hội Mỹ dự thảo Đạo luật Nhân quyền Việt Nam.
Dự thảo này dự kiến sẽ được Ủy ban Ngoại giao Hoa Kỳ tranh luận vào cuối tháng Bảy. Nếu được chấp nhận, Đạo luật này sẽ nhắm vào việc ràng buộc quan hệ Mỹ với Việt Nam dựa trên việc Hà Nội cải thiện vấn đề nhân quyền, cũng như thay đổi một số chính sách khác.
Bài viết trên Asia Times nhắc đến việc Việt Nam được cho là bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức, với bình luận rằng Will Nguyễn chỉ là trường hợp mới nhất trong một số sự cố ngoại giao do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng.
(BBC)

Hà Nội sau 10 năm mở rộng

VNE 

Sau cuộc đại điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô, nhiều câu hỏi vẫn bỏ ngỏ cho cả chính quyền, các chuyên gia quy hoạch và người dân.

Năm 2008, Đề án mở rộng địa giới hành chính thủ đô được đặt lên bàn Quốc hội. Lý do mà Chính phủ đưa ra là “hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện hữu của Hà Nội không thể đáp ứng được tốc độ đô thị hóa, sức hút đầu tư ngày càng lớn và sự gia tăng dân số ngày càng cao”.
Mười năm sau mở rộng, các đầu mối quản lý đã được tinh giản, nhiều trục giao thông cửa ngõ đã thành hình, hạ tầng nông thôn được hiện đại hoá. Song, nhiều dự tính từ năm 2008 vẫn nằm trên giấy. Quy hoạch Hà Nội đến 2030 đứng trước nguy cơ lùi tiến độ.


Cuộc mở rộng lịch sử

Tháng 5/2008, Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa 12 đã thông qua một quyết tâm chính trị cao trong việc mở rộng Hà Nội. Dù có những tranh luận gay gắt về lý do cũng như hiệu quả, nhưng cùng với việc quán triệt nghị quyết của Bộ Chính trị, Hà Nội được quyết định mở rộng với 92,9% số phiếu đồng ý.

Trong 5 phương án mở rộng Bộ Xây dựng trình, phương án sáp nhập tỉnh Hà Tây, một phần của tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Hòa Bình được chọn.
Ngày 1/8/2008, Hà Nội chính thức mở rộng, trở thành thủ đô có diện tích lớn thứ 17 thế giới với hơn 3.300 km2 (gấp 3,6 lần trước đó), số dân tăng 80% từ 3,4 lên 6,2 triệu người.
Hàng loạt dự án giao thông lớn được thực hiện kết nối trung tâm với các vùng ngoại vi như: Đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, dự án đường sắt trên cao Hà Nội Metro… Riêng 8 tuyến đường bộ lớn, tổng mức đầu tư đã lên tới hơn 2 tỷ USD, một con số tương đương 70% thu ngân sách trong năm 2007 của Hà Nội.

Một góc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.

Hạ tầng nông thôn cũng được cải thiện. Đường bê tông chạy tới những xã nghèo nhất ở cực Tây thành phố, nơi sinh sống của đồng bào Mường trước thuộc tỉnh Hòa Bình. Hạ tầng y tế và trường học được đầu tư đồng đều theo mặt bằng thủ đô. Đời sống người dân nhiều nơi được cải thiện.

Viễn cảnh về một đại đô thị trải dài từ tả ngạn sông Hồng đến cận vùng trung du phía Bắc đồng thời cũng tạo ra cơn sốt đất ở nhiều nơi. Giá đất thổ cư tại một số phường của Hà Đông từ quãng 5-7 triệu đồng lên tới 35-40 triệu đồng/m2. Một làn sóng đầu tư bất động sản lớn chưa từng có về các vùng Hà Nội mở rộng được kích hoạt.

Hơn 700 dự án bất động sản được đầu tư, hàng trăm nghìn hecta đất được thu hồi, 180.000 nông hộ bị ảnh hưởng.

Trong hai năm 2011-2012, hàng trăm dự án khắp các vùng Hà Tây và Vĩnh Phúc cũ trở thành dự án treo. Cư dân nhiều địa phương mất đi sinh kế cùng đất nông nghiệp.

“Quy hoạch Hà Nội nói chung, kể cả quy hoạch lõi có những vấn đề đang chệch hướng” – Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu trong một hội thảo tháng 1/2017, chín năm sau ngày mở rộng.
Áp lực giao thông và mật độ dân cư vùng lõi thủ đô có chiều hướng gia tăng
sau 10 năm mở rộng. Ảnh: Bá Đô.

Tương lai chưa rõ nét 

Mười năm sau ngày sáp nhập, bên cạnh những điểm sáng, Hà Nội vẫn đang phải rà soát các dự án đầu tư có thu hồi đất, đồng thời hoàn thiện các bản quy hoạch để thực hiện “mục tiêu giãn dân”.

Xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất là một trong những địa phương tiêu biểu cho cuộc mở rộng. Mảnh đất bán sơn địa nằm ở cực Tây Hà Nội, trước thuộc Hòa Bình, từng nổi tiếng vì đói nghèo và lạc hậu, nơi các thày cô chỉ ao ước một ngôi trường có sân gạch và tường bao; cán bộ y tế mong có tủ bảo quản vắc xin riêng.

Công cuộc mở rộng thủ đô đã mang đến cho vùng nông thôn này một hệ thống điện-đường-trường-trạm khang trang. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 40% xuống chỉ còn hơn 2%.

Nhiều dự án dang dở tại vùng Hà Tây cũ trở thành bãi chăn trâu. Ảnh: Đỗ Mạnh Cường.

Nhưng cuộc sáp nhập cũng mang đến cho Tiến Xuân một trong những khu đô thị treo lớn nhất miền Bắc. Dự án khu đô thị Tiến Xuân với 1.200 hecta đất được thu hồi, nay vẫn nằm trên giấy như rất nhiều dự án lớn khác ở phía Tây Hà Nội.

Sơn Tây, với quy hoạch đến 2030 trở thành một “đô thị văn hóa lịch sử du lịch sinh thái, phát triển tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp” nay gặp bế tắc trong việc làm du lịch; không phát triển được làng nghề có thương hiệu và giá trị sản xuất nông nghiệp không tăng đáng kể.
Công cuộc xây dựng các đô thị vệ tinh vẫn ngổn ngang. Thậm chí với Hòa Lạc, tiến trình này gần như chưa bắt đầu vì “chưa phê duyệt quy hoạch”. Các tuyến đường kết nối khu đô thị vệ tinh Phú Xuyên, Sơn Tây, Xuân Mai, Sóc Sơn vẫn chưa hoàn thiện.
Trong khi đó, các vùng đất nông nghiệp trù phú thuộc Hà Tây cũ bị xé nhỏ bởi hàng trăm đại dự án bất động sản.
10 năm qua, cùng với việc đầu tư cho nông thôn, Hà Nội tiếp tục khắc phục các điểm yếu trong quy hoạch và thu hồi nhiều dự án chậm triển khai. Tuy nhiên, các nhà quy hoạch chưa thống nhất về triết lý phát triển Hà Nội trong tương lai: xây dựng “đô thị nén” – tập trung phát triển hạ tầng trung tâm để tăng tải; hay theo đuổi mô hình “đô thị vệ tinh”, giãn dân từ nội đô ra bên ngoài.
Thực tế này khiến không ít người nhớ lại tháng 5/2008, thời điểm Quốc hội thông qua Nghị quyết mở rộng Hà Nội với nhiều kịch tích bất ngờ.
Ban Thời sự
Mời độc giả đón đọc: Mở rộng Hà Nội, thảo luận kịch tích trong lịch sử Quốc hội
VnExpress thực hiện chuyên đề “Hà Nội 10 năm mở rộng” để nhìn nhận các mặt tích cực và còn thiếu của thủ đô sau một thập niên mở rộng địa giới hành chính. Nhiều khía cạnh của tiến trình sáp nhập, các hoài bão của chính quyền 10 năm trước, hiện trạng phát triển ở năm 2018 sẽ được đưa tới bạn đọc, nhằm hình thành một bức tranh toàn cảnh về vùng thủ đô.

Chính trường Mỹ mạnh tay áp đảo kết hợp quân sự với Nga

Chính trường Mỹ mạnh tay áp đảo kết hợp quân sự với Nga

Quốc hội Mỹ muốn có những biện pháp cứng rắn trong quan hệ với Nga.

Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang muốn cải thiện quan hệ với Nga, các nhà lập pháp Mỹ tiếp tục coi Nga là đối thủ.

Quốc hội Mỹ có kế hoạch gia hạn lệnh cấm hợp tác quân sự giữa Mỹ và Nga, Sputnik dẫn theo một báo cáo của Ủy ban quân vụ thượng viện Mỹ.

“Quân đội Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức trên nhiều mặt trận, bao gồm một sự gia tăng đáng báo động về số vụ tai nạn nghiêm trọng trong quá trình tập luyện”, báo cáo trên ghi rõ, đồng thời chỉ ra Nga là một “đối thủ cạnh tranh” của Hoa Kỳ.

Ngoài ra, văn bản này cũng đề cập đến nhu cầu “hỗ trợ sự linh hoạt cho các đối tác chiến lược và đồng minh để chuyển đổi từ việc sử dụng vũ khí Nga sang vũ khí của Mỹ”, không chấp nhận “việc sáp nhập” Crimea, trong khi sẽ phân bổ 250 triệu USD để cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.

Báo cáo này nói thêm rằng, đạo luật quốc phòng cho năm tài khóa 2019 là nhằm mục đích giới thiệu các cải cách mới nhằm đẩy nhanh quá trình ra quyết định và tác chiến quân sự.

Vào tháng 5, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật chi tiêu quốc phòng hàng năm trị giá 717 tỷ USD cho năm tài chính 2019.

Sau khi dự thảo này được chấp thuận bởi thượng viện, hạ viện, nó sẽ được đệ trình lên Tổng thống Donald Trump.

Theo Sputnik, các nhà lập pháp Mỹ tuyên bố Nga đã vi phạm tất cả các thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng, mở rộng và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của nước này, thử nghiệm các hệ thống phòng thủ tên lửa mới và sử dụng những tiến bộ công nghệ mới để “làm mất ổn định các nước láng giềng”.

Quốc hội Mỹ cũng muốn Tổng thống Trump đưa ra một câu trả lời dứt khoát về việc Nga có vi phạm nghiêm trọng các điều khoản của Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung INF hay không.

theo Tổ Quốc

SCMP: Thống nhất Đài Loan không đơn giản, quân đội TQ coi chừng bỏ mạng tại tử huyệt 160km

SCMP: Thống nhất Đài Loan không đơn giản, quân đội TQ coi chừng bỏ mạng tại tử huyệt 160km

Nữ phi công Đài Loan Yang Yun-hsuan. Ảnh: EPA.

Theo chuyên gia Mỹ, cho dù Trung Quốc có sức mạnh quân sự đáng gờm đến mấy, thì họ cũng khó có thể thành công trong một cuộc tấn công toàn diện – trực diện trên đảo Đài Loan.

* Bài viết được đăng tải trên báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP – Hồng Kông), thể hiện quan điểm riêng của tác giả Denny Roy – nhà nghiên cứu tại Trung Tâm Đông-Tây (East-West Center), Honolulu, Hawaii.

Thống nhất Đài Loan không hề dễ dàng như Trung Quốc vẫn tưởng

Bên cạnh luồng ý kiến cho rằng Bắc Kinh sớm muộn gì cũng sẽ thống nhất Đài Loan – cho dù phải dùng đến vũ lực nếu cần thiết – trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thôi nhiệm, nhiều nhà phân tích Mỹ vẫn tin rằng việc tấn công Đài Loan sẽ đem đến nhiều rủi ro cho Trung Quốc.

Khi chiêu xoa dịu – quyền lực mềm của Trung Quốc không còn tác dụng đối với Đài Loan, Bắc Kinh đã chuyển hướng sang đối sách cứng rắn hơn. Ban lãnh đạo Trung Quốc đã đặt mục tiêu rằng trong những năm tới sẽ tiếp tục củng cố và phát triển năng lực quân sự, nới rộng thêm khoảng cách với Đài Loan trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, Bắc Kinh hoàn toàn có thể thống nhất Đài Loan mà không cần đối đầu quân sự trực diện, ví dụ như chiếm các đảo nhỏ xung quanh Đài Loan, phong tỏa các cảng biển và sân bay chính, tấn công mạng nhằm vào hệ thống dữ liệu và các cơ sở liên lạc, và tấn công tên lửa vào những phần nhỏ của Đài Loan.

Hiện nay Trung Quốc dường như vẫn đang trì hoãn kế hoạch tấn công quân sự và chờ đợi Đài Loan tự nguyện đầu hàng.

Tuy vậy, lịch sử lại cho thấy các cuộc tấn công bằng vũ lực thường đem đến kết quả ngược lại so với kỳ vọng ban đầu: thay vì chịu đầu hàng, đối tượng bị tấn công sẽ phản kháng dữ dội hơn.

Trước đây Đài Loan từng chiến đấu rất dữ dội khi bị Nhật Bản đô hộ năm 1895, và điều này có thể sẽ lặp lại nếu Bắc Kinh quyết định tấn công quân sự.

Cách chắc chắn nhất để khiến Đài Loan đầu hàng là quân đội Trung Quốc (PLA) phải tấn công vào các thành phố lớn của đảo này. Tuy nhiên, cho dù Trung Quốc có sức mạnh quân sự đáng gờm đến mấy, thì họ cũng khó có thể thành công trong một cuộc tấn công toàn diện – trực diện trên đảo Đài Loan.

SCMP: Thống nhất Đài Loan không đơn giản, quân đội TQ coi chừng bỏ mạng tại tử huyệt 160km - Ảnh 2.

Tàu khu trục Đài Loan trong một cuộc tập trận hải quân hồi tháng 4 vừa qua. Ảnh: AP.

Để tiếp cận các thành phố lớn của Đài Loan, lực lượng của PLA sẽ phải vượt biển, mà cụ thể là trên những chiến hạm lớn và di chuyển chậm. Eo biển Đài Loan với chiều rộng 160km có thể được coi là “tử huyệt” – nơi các binh lính Trung Quốc rất dễ bị tấn công bất ngờ.

Hơn nữa, ngay cả khi các quân đoàn của Trung Quốc tiếp cận được đảo Đài Loan, thì con đường từ bờ biển tiến vào các thành phố cũng đầy thử thách, khi họ phải mang vác những vũ khí nặng và di chuyển trong tầm đạn của quân đội Đài Loan.

Ngoài ra, Trung Quốc chỉ có thể di chuyển được vài vạn quân lính mỗi lượt. Lực lượng này quá mỏng so với 180.000 quân nhân tại ngũ và 1,5 triệu quân nhân dự bị của Đài Loan.

Nếu Mỹ quyết định can thiệp, thì các chiến đấu cơ từ căn cứ của Mỹ trong khu vực có thể được điều động đến đảo Đài Loan chỉ trong vòng vài giờ.

Trung Quốc có thể dùng tên lửa bắn phá các đường băng dành cho chiến đấu cơ Mỹ, tuy nhiên đòn tấn công này sẽ tiêu tốn một số lượng tên lửa đáng kể mà Bắc Kinh định dùng để tấn công Đài Bắc.

Ngoài ra, ta cũng không thể loại trừ khả năng quân đội Nhật sẽ tham chiến trong cuộc đối đầu quân sự trên đảo Đài Loan.

Mỹ vẫn nắm chắc “con bài đối trọng” Đài Loan 

Ngay cả khi Trung Quốc dành thắng lợi trong chiến dịch quân sự này, thì chính quyền Bắc Kinh vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó bao gồm việc quản lý đảo Đài Loan, khi có rất nhiều người dân trên đảo này phản đối việc Trung Quốc thống nhất bằng vũ lực.

Một thách thức lớn khác mà Trung Quốc chắc chắn sẽ phải đối mặt là phản ứng của Mỹ.

Hiện tại chính phủ Mỹ vẫn đang nỗ lực tìm cách ngăn cản Trung Quốc tấn công Đài Loan. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng đặt câu hỏi về giá trị của các liên minh với Mỹ tại châu Á.

Vừa qua, trong hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore, ông Trump đã tiết lộ rằng ông hy vọng các binh sĩ Mỹ sẽ rút khỏi Hàn Quốc trong tương lai.

Tuy nhiên, sau 1 năm rưỡi cầm quyền, ông Trump vẫn chưa có những bước đi cụ thể như rút khỏi liên minh, hay cắt giảm số quân Mỹ đồn trú tại nước ngoài.

Các cố vấn cấp cao của ông Trump dường như không chỉ muốn duy trì vai trò lãnh đạo chiến lược của Mỹ trên khu vực phía Tây Vành đai Thái Bình Dương, mà còn có xu hướng muốn tăng cường đối đầu với Trung Quốc. Điều này được thể hiện rất rõ trong các chính sách về an ninh và quốc phòng được chính quyền ông Trump công bố gần đây.

Các chính sách này đều nhấn mạnh Trung Quốc là “đối thủ” của Mỹ thay vì “đối tác” như trong chính sách thời Tổng thống Obama. Một ví dụ điển hình là gần đây chính sách “tự do hàng hải” được chính quyền Tổng thống Trump đẩy mạnh hơn so với người tiền nhiệm.

Các cuộc khảo sát tại Mỹ cho thấy rất ít người dân nước này ủng hộ quân nhân Mỹ tham chiến để bảo vệ Đài Loan. Trái lại, Quốc hội Mỹ dường như lại ủng hộ điều này. Họ nhận ra rằng vị thế lãnh đạo của Mỹ có thể bị ảnh hưởng không nhỏ nếu Mỹ đứng bên lề cuộc chiến có nguy cơ nổ ra này.

SCMP: Thống nhất Đài Loan không đơn giản, quân đội TQ coi chừng bỏ mạng tại tử huyệt 160km - Ảnh 5.

Chiến đấu cơ Trung Quốc tham gia diễn tập. Ảnh: Xinhua

Đối với Mỹ, xung đột Đài Loan – Trung Quốc Đại lục không đơn thuần là vấn đề địa chính trị, nó còn là con bài mặc cả giúp Washington kìm chân Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Đông Á.

Trước đây, trong thời gian ông Trần Thủy Biển lãnh đạo Đài Loan (2000-2008), Washington từng tuyên bố sẽ không can thiệp vào xung đột địa chính trị này nếu có các dấu hiệu cho thấy Đài Bắc gây sự trước với Bắc Kinh. Tuy nhiên các nhà hoạch định chính sách Mỹ hiện nay dường như đều không coi lãnh đạo Thái Anh Văn là “người gây hấn”.

Bắc Kinh đang áp dụng chính sách sai lầm đối với Đài Loan, và chính sách ấy đang phản tác dụng.

Sự ám ảnh về vấn đề Đài Loan có thể khiến Trung Quốc mất tập trung trước những mục tiêu quan trọng khác, ví dụ như kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế. Rõ ràng Bắc Kinh cần tìm một giải pháp khác cho vấn đề này, thay vì liên tục đe dọa tấn công Đài Loan như hiện nay.

Theo Thoidai

Những cơ quan bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đái tháo đường

Những cơ quan bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đái tháo đường

Đái tháo đường là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, nó không chỉ làm suy giảm sức khỏe mà khi bị biến chứng còn gây ảnh hưởng tới nhiều bộ phận trong cơ thể, gây hậu quả nghiêm trọng.

Bộ phận nào bị ảnh hưởng?Tim mạch: Bệnh đái tháo đường và tim mạch có liên quan chặt chẽ đến nhau. Đường huyết trong máu cao làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và bệnh mạch vành.

Mắt: Khi bị đái tháo đường mắt cũng là cơ quan bị ảnh hưởng nhiều, bởi đường huyết tăng cao trong khoảng một thời gian dài sẽ khiến các mạch máu nhỏ ở võng mạc bị tổn thương. Bên cạnh đó, sự thay đổi của tĩnh mạch làm cho thành mạch dày và giòn hơn nên dễ vỡ, giảm chức năng cung cấp máu cho võng mạc khiến mắt mờ đi. Nguy cơ bị mù lòa cao, nếu không có biện pháp điều trị tốt.

Thận: Khi lượng đường máu tăng cao khiến cho thận phải làm việc nhiều hơn và làm tổn thương những mạch máu nhỏ trong nephron làm chức năng thận dần suy giảm, nếu tình trạng này kéo dài sẽ hủy hoại chức năng của thận, dẫn tới suy thận.

Hệ tiêu hóa: Có khoảng 50% bệnh nhân bị đái tháo đường có các rắc rối liên quan tới tiêu hóa. Các triệu chứng người bệnh thường gặp đó là ăn không ngon, khó tiêu, đi ngoài nhiều lần nhưng phân lại bị táo. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc cũng khiến cho bệnh nhân dễ gặp các vấn đề về tiêu hóa.

Da: Lượng đường trong máu cao, dẫn tới dây thần kinh và hệ tuần hoàn làm da trở nên khô, ngứa, vết thương khó lành hơn, trường hợp không được điều trị sớm có thể dẫn đến hoại tử. Đặc biệt, lượng đường trong máu cao là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, nấm phát triển trên da.

Phòng ngừa biến chứng

Bệnh nhân có thể ngăn chặn biến chứng và bảo vệ những cơ quan khác trong cơ thể bằng cách dùng thuốc đều đặn để duy trì đường huyết ổn định, có chế độ ăn uống luyện tập hợp lý, tránh hút thuốc, uống rượu để đảm bảo sức khỏe. Đặc biệt phải thường xuyên kiểm tra đường huyết bằng máy đo đường huyết tại nhà.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Từ trợ lý kỹ thuật ở Viettel đến Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin & Truyền thông

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Từ trợ lý kỹ thuật ở Viettel đến Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin & Truyền thông

Ngày 23/7, Ban Bí thư đã có quyết định chỉ định ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), giữ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2016-2021.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Từ trợ lý kỹ thuật ở Viettel đến Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin & Truyền thông  - Ảnh 1.

Đức Minh / Theo Trí thức trẻ