Tin 22-2-13

Mỹ sắp nhận lại con nuôi Việt Nam?

Trẻ em mồ côi ở Thanh Hóa được nhà chùa cho áo ấmNhiều người Mỹ đến Việt Nam để nhận các trẻ mồ côi làm con nuôi

Việt Nam và Hoa Kỳ đang tiến gần đến một thỏa thuận cho phép các công dân Mỹ nhận con nuôi người Việt Nam, hãng tin Mỹ AP dẫn lời một thượng nghị sỹ Mỹ đang ở thăm Việt Nam cho biết.

Mỹ đã tạm dừng nhận con nuôi Việt Nam hồi năm năm trước do xuất hiện những cáo buộc rằng việc này đã bị lợi dụng để buôn bán trẻ em.

AP dẫn lời bà Mary Landrieu, thượng nghị sỹ Dân chủ từ Louisiana, nói hôm 20/2 rằng bà hy vọng việc nối lại chương trình nhận con nuôi sẽ diễn ra ‘trong tương lai gần’ do kết quả của việc Chính phủ Việt Nam củng cố các điều luật liên quan.

Bà nói rằng “lúc nào cũng có khả năng xảy ra những việc làm sai trái nhưng điều đó không nên làm cho các em nhỏ mất đi cơ hội được có gia đình”.

Việt Nam đã từng là một nơi mà nhiều người Mỹ tìm con nuôi tìm đến trước khi Washington ra lệnh cấm hồi năm 2008 sau khi một cuộc điều tra cho thấy có tham nhũng, gian lận và buôn bán trẻ em trong việc cho, nhận con nuôi, theo AP.

Bà Landrieu đang dẫn đầu một phái đoàn nghị sỹ Hoa Kỳ đi thăm Việt Nam từ ngày 19 cho đến ngày 21/2 để bàn về vấn đề chăm sóc trẻ em và nhận con nuôi.

Tờ Tuổi Trẻ cũng đưa tin rằng phái đoàn Mỹ đã nói với họ rằng hai nước sẽ nối lại việc nhận con nuôi nhưng hiện không rõ thời điểm chính xác.

Tờ báo này cũng dẫn lời Thượng nghị sỹ Landrieu nói rằng bà mong muốn Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh việc cho, nhận con nuôi ở trong nước và với các nước khác vì ‘trẻ em được nuôi dưỡng tốt nhất trong môi trường gia đình chứ không phải ở các viện, nhóm’.

‘Có tiến bộ’

Trong thời gian ở Việt Nam, phái đoàn của bà Landrieu, bao gồm ba hạ nghị sỹ khác của Đảng Dân chủ, đã có các buổi làm việc với các quan chức của Quốc hội, Bộ Tư pháp và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để bàn thảo về những cải cách trong chương trình cho nhận con nuôi của Việt Nam theo hướng tuân thủ Công ước Hague về cho nhận con nuôi.

“Lúc nào cũng có khả năng xảy ra những việc làm sai trái nhưng điều đó không nên làm cho các em nhỏ mất đi cơ hội được có gia đình”

Thượng nghị sỹ Mỹ Mary Landrieu

Phái đoàn Hoa Kỳ cũng xem xét các bước đi của Chính phủ Việt Nam để cải thiện hệ thống chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Thông cáo của Sứ quán Mỹ ở Hà Nội cho biết hai nước vẫn đang bàn thảo về một chương trình cho nhận con nuôi theo nhu cầu đặc biệt.

Theo đánh giá của phía Mỹ, trong ba năm qua, Việt Nam đã khẳng định cam kết cải cách chương trình cho nhận con nuôi của mình qua việc ra một luật mới và nghị định hướng dẫn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã phê chuẩn một chương trình quốc gia để thực thi Công ước Hague.

Phía Mỹ “hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện hệ thống chăm sóc trẻ em”, thông cáo của Sứ quán Mỹ cho biết.

Tháng 9/2012, Ireland và Việt Nam đã ký một thỏa thuận cho mở lại chương trình nhận con nuối bị ngưng năm 2009.

Nhìn chung, trên thế giới các vụ nhận con nuôi giảm tới mức thấp nhất từ 15 năm qua một phần vì lo ngại tệ nạn buôn bán trẻ em.

Theo một khảo sát do Peter Selman từ Đại học Newcastle ở Anh thực hiện thì trên toàn cầu, con số các vụ cha mẹ người nước ngoài nhận con nuôi từ xứ sở khác giảm từ 45 nghìn năm 2004 xuống còn 25 nghìn năm 2012.

Khu vực Đông Nam Á cũng là nơi xảy ra các vụ  buôn bán trẻ em, mà gần nhất là ở Indonesia bán qua ngả Singapore sang các nước khác.

—————————————————-

‘Hàng chục tỷ USD bị tuồn lậu ra khỏi Nga’

Thống đốc Sergei IgnatievThống đốc Sergei Ignatiev nói các giao dịch là phi pháp

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, Sergei Ignatiev, nói 49 tỉ USD đã bị tuồn khỏi nước này một cách bất hợp pháp vào năm ngoái.

Các vụ chuyển vốn này, bằng khoảng 2,5% sản lượng kinh tế hàng năm của Nga, được điều khiển bởi các nhóm có tổ chức cao.

Ông Ignatiev nói với một tờ báo của Nga rằng các giao dịch chuyển tiền có thể được sử dụng để thanh toán cho các nguồn cung cấp ma túy, hối lộ và tránh thuế.

Tuy nhiên một phát ngôn viên của chính phủ cho rằng con số này đã “phóng đại quá cao”.

Thống đốc Ignatiev nói với tờ báo địa phương Vedomosti, nhưng từ chối nêu tên các cá nhân:

“Quý vị có ấn tượng rằng tất cả các giao dịch này đều được một nhóm người có tổ chức chặt chẽ kiểm soát.”

“Với độ tập trung các nỗ lực của các cơ quan thực thi pháp luật, tôi nghĩ có thể tìm ra những người này”, ông nói thêm.

Ông Ignatiev nói con số 49 tỷ USD là do một nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương đánh giá các dòng tiền ra vào Nga.

Quá nửa lượng tiền được chuyển đi dưới dạng các khoản chuyển vốn “mơ hồ”, hay “các khoản thanh toán được thực hiện bởi các tổ chức của Nga cho những người không phải là cư dân, mục đích được nêu của các giao dịch này đều sai rõ ràng”, theo ông Ignatiev.

‘Nguyên nhân suy sụp’

“Các giao dịch có thể được dùng để thanh toán ma tuý… nhập lậu hàng hóa… hối lộ và lại quả cho quan chức và nhà quản lý để biến các thứ đó thành các khoản mua sắm quy mô lớn.”

Thống đốc Ngân hàng Nga

Thống đốc nói thêm:

“Các giao dịch này có thể được dùng để thanh toán ma tuý… nhập lậu hàng hóa… hối lộ và lại quả cho các quan chức và các nhà quản lý để biến các thứ đó thành các khoản mua sắm quy mô lớn. Chúng có thể được sử dụng để tránh thuế.”

Ông Ignatiev, người dự kiến sẽ rời nhiệm sở vào tháng Sáu sau 11 năm nắm quyền lãnh đạo ở Ngân hàng Trung ương, cũng nhấn mạnh hiện tượng phổ biến ở Nga về các “công ty chỉ tồn tại đúng một ngày” vốn được sử dụng như những công cụ để chuyển tiền, sau đó biến mất trước khi chi trả các loại thuế.

Chúng là “nguyên nhân suy sụp của nền kinh tế của chúng ta”, ông nói.

Tuy nhiên, Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Vladimir Putin, đã bác bỏ phát giác của Ngân hàng Trung ương, nói rằng con số này đã bị “phóng đại quá cao”.

Tổ chức mang tên Global Financial Integrity có trụ sở tại Washington nói hàng năm trung bình có 62 tỷ USD thu về từ tham nhũng, buôn lậu vũ khí, buôn lậu người và các hoạt động bất hợp pháp khác đã ra vào nước Nga kể từ năm 2004.

Ông Alexander Lebedev, chủ các tờ báo The Independent và Evening Standard ở Anh, đồng thời là người thường chỉ trích Kremlin, đã bình luận trong một bài blog của ông về nhận xét của ông Ignatiev.

Ông nói: “Hãy hy vọng lãnh đạo tiếp theo ở ngân hàng trung ương sẽ chú ý đến những lời này.”

Tuy nhiên, ông Ignatiev đã không đề cập đến chủ đề này khi ông làm chứng trước Thượng viện Nga hôm thứ Tư.

Bình luận về bài viết này