Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hứa nhưng thất hứa, không nghe, không biết, và cũng không từ chức

Bức tâm thư gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và 14 vị Bộ Chính trị đứng đầu là Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng *

Lão thành cách mạng Nguyễn Văn Bé

1. Lời hứa “kiên quyết và quyết liệt” nhưng lại… không thực hiện

Tháng 10/2006, ông Nguyễn Tấn Dũng nhậm chức Thủ tưởng thay ông Phan Văn Khải về hưu, tuyên bố: “Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay”.

Gần 5 năm nay, nạn tham nhũng chẳng những không chống được mà ngày càng phát triển, từ các cơ quan Trung ương xuống tận xã, phường, thôn ấp. Điển hình theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa mới kết luận, tạm xử lý 45 trường hợp nổi cộm khắp toàn quốc khiến dư luận xã hội rất bất bình. Tôi thử thống kê theo thông báo này thì thấy có 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 4 Tập đoàn công ty trực thuộc Chính phủ quản lý, đối tượng toàn là Bí thư, Phó bí thư, Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Tập đoàn từ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng và Phó tổng giám đốc. Đây là những vụ việc động trời có nguy cơ làm mất hết uy tín của Đảng và Nhà nước ta. Thật khiến cho những đảng viên suốt đời đi theo Đảng như tôi nhỏ máu trong tim.

Riêng trường hợp chưa từng xảy ra trong Đảng và Nhà nước từ khi thành lập Đảng và chính quyền đến nay (65 năm) là việc ông Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang suốt mấy năm liên tục xâm hại tình dục các em bé học sinh đáng bậc con, cháu của mình, là hành động dã man thua cả loài cầm thú, lại còn tổ chức dâm dục tập thể, mơn trớn cười đùa trên thân xác của trẻ thơ, chụp ảnh toàn thân lõa lồ đủ mọi động tác. Ông Bí thư Tỉnh ủy và Giám đốc Sở Công an tỉnh Hà Giang đã nhận nhiều đơn tố cáo, phản ánh nhưng cũng đồng tình để cho ông Chủ tịch cứ liên tục tung hoành. Thế mà thật lạ, UBKTTW chỉ đề nghị cách các chức vụ trong Đảng và chính quyền của ông ta thôi. Tại sao không khai trừ tên đó ra khỏi Đảng ngay? Tại sao không bỏ tù nó ngay đi (Vi phạm luật hình sự hiếp dâm trẻ chưa đến tuổi vị thành niên kia mà?). Tình trạng ở thôn xã thì từ Bí thư, Chủ tịch, cán bộ xã và thôn lấy tiền hỗ trợ của Nhà nước cho người nghèo chia nhau ăn nhậu hầu như sờ đâu cũng thấy trong khi dân chúng khắp nơi khốn quẫn, kiếm cái ăn không ra.

Những bằng chứng như thế rõ ràng khẳng định ông Nguyễn Tấn Dũng đã không hoàn thành nhiệm vụ trong suốt 5 năm qua. Ông Dũng và toàn bộ 14 Ủy viên Bộ Chính trị khác đã hoàn toàn không chống được tham nhũng. Vậy tại sao ông Nguyễn Tấn Dũng không tự nguyện làm đơn xin từ chức ngay như lời ông đã đoan quyết trước dân?

Ông Nguyễn Tấn Dũng là Thủ tướng Chính phủ của một chế độ cộng sản tốt đẹp nhất nhưng lại thua xa ông Thủ tướng Nhật Bản: khi ra ứng cử Thủ tướng ông này đã hứa với nhân dân Nhật rằng mình sẽ dời bằng được căn cứ của Mỹ đi khỏi Okinawa. Sau 8 tháng lên làm Thủ tướng thấy không có cách gì thực hiện được lời hứa đó vì những lý do khách quan là tàu hải quân Trung Quốc tăng cường đe dọa an ninh vùng biển Nhật Bản, ông liền tuyên bố với nhân dân, Quốc hội, Nhật hoàng kiên quyết xin từ chức. Và ông từ chức thật. Nhật Bản là chế độ quân chủ lập hiến mà sao họ tự giác cao đến như thế? Còn ông Nguyễn Tấn Dũng, đường đường một vị Thủ tướng của nước Việt Nam cộng hòa xã hội chủ nghĩa lại thất hứa với nhân dân, mà thất hứa về một nhiệm vụ hết sức lớn lao quyết định tồn vong của Tổ quốc, của dân tộc và của Đảng ta, đó là “Quốc nạn tham nhũng”, thế thì phải tính thế nào đây?

Xin nêu một ví dụ thứ hai, Thủ tướng Hàn Quốc cách đây mấy ngày cũng đã tuyên bố từ chức vì một đề án quan trọng do bản thân Thủ tướng và Chính phủ Hàn quốc đưa ra Quốc hội, kết quả bị Quốc hội bác bỏ. Liên hệ đến nước ta, ông Nguyễn Tấn Dũng là Thủ tướng đã cùng toàn thể Chính phủ của ông kiên quyết đưa ra Quốc hội để gần như bắt buộc thông qua dự án tầm cỡ quốc gia về xây dựng “Đường sắt cao tốc Bắc Nam”. Nhưng 493 đại biểu trong đó có 92% là đảng viên cộng sản đã thấy rõ sự cần thiết phải phát huy quyền dân chủ thực sự của mình, không muốn nằm mãi trong “vòng kim cô” của Bộ Chính trị và Chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng như trước đây nữa, nên cuối cùng đã bác bỏ dự án hết sức phiêu lưu và nguy hiểm cho tương lai của dân tộc này.

65 năm kể từ khi Đảng ta và Bác Hồ tổ chức bầu cử, tổ chức ra Quốc hội và Quốc hội chính thức bầu Chính phủ cho đến nay đã qua 12 kỳ Quốc hội, đây là lần đầu tiên đa số ĐBQH không thông qua một đại chủ trương mà cả bộ máy Chính phủ từ ông Thủ tướng đến ông Phó thủ tướng, cho đến ông Bộ trưởng chuyên trách ông nào cũng hăm hở muốn làm bằng được, chứng tỏ một cái nhìn vô cùng sáng suốt, tất cả đều vì lợi ích thiết thực của nhân dân, không muốn đất nước gánh lấy một khoản nợ khổng lồ 56 tỷ đô la Mỹ (mà khi thực hiện chắc chắn còn tăng lên gấp đôi là ít) chỉ để cho một tầng lớp giàu có ngao du bằng tàu cao tốc, trong khi cuộc sống tối thiểu thì đại đa số nhân dân trên khắp mọi miền chưa biết bao giờ mới đạt được: nào những chuyện ăn, mặc nông thôn nhìn đâu cũng đầy những người không có đất để cày, lang thang ra thành phố kiếm cơm không có; chuyện ốm đau 5, 6 người chen chúc trên một giường bệnh bẩn thỉu hôi hám; chuyện học hành ở ngay Hà Nội mà phụ huynh phải sắp hàng suốt đêm vẫn không kiếm ra chỗ cho con mình vào trường mầm non, miền núi thì các em học sinh suốt năm trời qua sông đi học bằng cách đu dây… Những chuyện ấy Quốc hội đã hiểu là chuyện trọng đại hơn rất nhiều những mơ tưởng viển vông mà Chính phủ “của dân do dân vì dân” đưa ra. Xin hỏi ông Nguyễn Tấn Dũng sao không học lấy hành động cao cả của ông Thủ tướng Hàn quốc từ chức luôn sau khi dự án của mình không được chấp thuận?

2. Toàn những chuyện tày trời mà “không nghe không biết”

1. 18 tỉnh cho nước ngoài thuê rừng, riêng Trung Quốc đại lục và Đài Loan thuê đến 2/3 trong số 160.000 ha rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng bảo vệ an ninh Quốc phòng, chuyện tày trời này lẽ ra Nhà nước phải tỉnh táo nắm bắt thông tin trước tiên và xử lý từ trong trứng nước thì hóa ra một cụ già hưu trí lại phát hiện ra trước và báo lên Chính phủ, lúc ấy Chính phủ mới hớt hơ hớt hải cho người đi kiểm tra. Thế mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát là một cánh tay quyền lực của Thủ tướng trả lời Quốc hội vẫn ấm ớ nói chỉ 10 tỉnh cho thuê rừng thôi. Đúng là họ thực hiện khẩu hiệu: Không nghe không biết.

2. Tập đoàn Điện lực xây dựng 2 nhà máy nhiệt điện tốn hàng ngàn tỷ đồng rồi bỏ hoang đắp chiếu mấy năm nay, gây tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên làm khổ sở cho dân, điêu đứng các ngành kinh doanh sản xuất. Thế mà ông Thủ tướng Dũng cũng không biết, không nghe.

3. Tập đoàn Vinashin trong vòng bốn năm hoạt động thua lỗ liên tiếp đến mức cụt vốn trong số 90 nghìn tỷ đồng chỉ còn lại vỏn vẹn 10 nghìn tỷ đồng, mua hai chiếc tàu thủy của Italy mỗi chiếc đều trên nghìn tỷ đồng rồi về đắp chiếu nằm đấy để chờ bán sắt vụn, vậy mà ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn hà hơi tiếp sức cho cái tập đoàn đó, mọi sự lộng hành của nó ông vẫn không hay không biết, thực oái oăm vô cùng.

Với bấy nhiêu việc ngổn ngang, rối loạn trong vòng hơn một nhiệm kỳ điều hành Chính phủ của mình, đến nay đã đủ độ lùi để tự kiểm mình làm được hay không làm được, vậy tại sao ông Dũng không tự giác nộp đơn xin Quốc hội từ chức và loan báo cho toàn dân biết:

Tôi, Nguyễn Tấn Dũng, làm Thủ tướng gần 5 năm nay, đã thất lời hứa với nhân dân là không chống được tham nhũng mà bọn tham nhũng ngày càng hoành hành khắp mọi nơi, mọi ngõ từ trung ương đến khắp xã phường thôn ấp;

Tôi, Nguyễn Tấn Dũng, đã cùng bộ sậu Chính phủ kiên quyết đưa dự án có tầm cỡ Quốc gia xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh cốt vay nước ngoài 56 tỷ đô la Mỹ, nhưng đã bị Quốc hội bác bỏ vì không sát thực tế, không hợp lòng dân;

Tôi, Nguyễn Tấn Dũng, trong suốt thời gian làm Thủ tướng đã để xảy ra những chuyện phá nước hại dân như chuyện 18 tỉnh bán rừng, như vụ Vinashin thất thoát đến 80 nghìn tỷ đồng, như chuyện một kẻ sa đọa chui được vào lãnh đạo cơ quan cấp tỉnh làm những hành vi đồi bại trái luân thường đạo lý khiến cho cả nước phải tím mặt.

Bây giờ xin noi gương các vị Thủ tướng đạo cao đức trọng Nhật Bản và Hàn quốc, tôi tự nguyện rời khỏi chiếc ghế mà trong thâm tâm tôi vẫn thiết tha với nó lắm.

Làm được thế, ông Nguyễn Tấn Dũng nhất định sẽ được toàn dân nhiệt liệt hoan hô, trong đó có bản thân tôi.

Để kết thúc, tôi xin kể lại một câu chuyện phim về chống tham nhũng do KTV truyền hình Khánh Hòa chiếu lúc 11-12h ngày 04/07/2010 cho các vị lãnh đạo tối cao nghe chơi. Cuốn phim nhan đề: “Chàng trai Hông Di Đông” của Hàn Quốc. Dưới triều nhà Vua Hàn Quốc nọ, quan lại tham nhũng cướp bóc của dân không biết bao nhiêu mà kể, dân đen uất ức không biết kêu ai. Bấy giờ có một chàng thanh niên tên là Hông Di Đông đứng lên thành lập Hội người nghèo đi giết bọn tham quan lại nhũng của nhà vua, đem của cải cướp được từ tay bọn chúng chia cho dân nghèo. Vua ra lệnh quân lính truy lùng, bắt được một số người trong Hội định đưa ra pháp trường xử trảm thì chàng thanh niên Hông Di Đông tình nguyện đến nói với nhà vua rằng: “Tôi là thủ lãnh Hội người nghèo làm việc đó, yêu cầu nhà vua thả số người nghèo kia, một mình tôi xin chịu tử hình”. Nhà vua nghe vậy đồng ý thả tất cả chỉ đem Hông Di Đông ra pháp trường. Trước khi chết, chàng Hông Di Đông xin phép được nói một lời trực tiếp với nhà vua: “Chính ngài là vua đã đẻ ra quan tham. Quần thần ở trên làm mọi điều tàn ngược, bóc lột dân chúng đến xơ xác nên tôi phải đứng ra tổ chức Hội người nghèo để chống lại. Mục đích của chúng tôi là giết bọn đệ tử tham nhũng của ngài, cướp tài sản của họ chia cho dân chúng. Chính ngài, nhà vua là kẻ đẻ ra tham nhũng”. Xem xong phim này tôi tự hỏi: bọn tham quan mà chúng ta vừa phát hiện là lãnh đạo ở 12 tỉnh và bốn Tập đoàn của Nhà nước do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ chính trị quản lý. Như thế có phải Bộ chính trị đẻ ra tham nhũng hay không? Tại sao Đảng ta, Nhà nước ta mấy năm không chống được bọn tham nhũng này mà lực lượng chúng ngày càng phình lớn?

Trên đây là ý kiến chân thành của tôi, một lão già cách mạng. Khẩn thiết kính mong quý vị sớm trả lời cho tôi và nhân dân được biết.

Kính chúc quý vị dồi dào sức khỏe.

Nha Trang, ngày 07-7-2010

Ký tên

Nguyễn Văn Bé

Lão thành cách mạng tiền khởi nghĩa – Cán bộ tiền bối công an Khánh Hòa – Chiến sĩ thi đua, dũng sĩ diệt Mỹ 1965-1968 – Huy chương vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc và nhiều huân chương khác.

___________

* Cụ Nguyễn Văn Bé ở Nha Trang vừa gửi đến BVN lá thư, khẩn thiết xin đăng. Đọc nội dung, nhận thấy đây là những vấn đề thời sự nóng hổi và bức thiết của đất nước, sau khi cân nhắc chúng tôi xin trân trọng đăng lên để đáp ứng tâm nguyện một vị lão thành cách mạng năm nay 87 tuổi mà cả nước đều biết tiếng, và không dám thêm những lời bình có thể làm sai lạc ý tưởng của tác giả, bởi những ý tưởng này không thuộc bản quyền của BVN.

Bauxite Việt Nam

Tôi yêu bồ trẻ của mẹ

Thưa ban biên tập và các bạn.

Tôi gửi thư này, hết sức mong các bạn đừng vội mắng nhiếc, rằng tôi đã làm việc xấu xa lại còn đòi tư vấn hay chia sẻ nỗi gì. Tôi đã 21 tuổi, sắp ra trường, hoàn toàn tự phán xét được việc mình làm đúng hay sai. Dù đúng hay sai thì việc cũng đã xảy ra và điều tôi cần nhất bây giờ là làm sao để mọi sự ít tổn thất nhất. Dù đã làm gì đó tốt hay xấu, con người ta vẫn mong mọi chuyện sẽ qua và hướng đến điều tốt đẹp.

Hai mẹ con tôi là những số phận đàn bà không may mắn. Khi tôi bốn tuổi thì bố mẹ ly hôn. Bố tôi mang anh trai vào sống tận cực Nam đất nước, đến nay tôi chỉ gặp anh ba lần, còn bố thì không lần nào. Sống với mẹ, tôi chưa từng thiếu thốn về vật chất, nhưng tôi vừa tự hào vừa xấu hổ về mẹ, vừa yêu vừa hận mẹ. Trong ngành, mẹ tôi khá nổi tiếng vì giỏi chuyên môn và sắc sảo, năng động, người ta dù yêu hay ghét thì vẫn phải nể phục và cần mẹ. Nhưng mẹ tôi cũng nổi tiếng cả về nhan sắc và chuyện yêu đương.

Mẹ luôn có tình nhân, người ta yêu mẹ như điên cuồng và mẹ cũng vậy, nhưng kiểu gì rồi cũng chia tay sau mấy năm, người lâu nhất được 8 năm. Từ khi học cấp hai, tôi bắt đầu chịu đau khổ vì mọi người cứ xì xầm vào tai tôi về chuyện yêu đương của mẹ. Tôi đã khóc hết nước mắt, gây gổ với mẹ bao lần. Năm lớp 7, cố gắng suy nghĩ kiểu người lớn, tôi đề nghị mẹ nếu yêu ai thì cưới người đó đàng hoàng. Mẹ vuốt tóc tôi, bảo: “Vì con, mẹ sẽ không bao giờ lấy chồng nữa”. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu nổi vì tôi nghĩa là sao, vì tuy không cưới nhưng mẹ luôn có người đàn ông trong nhà.

Minh họa: Inmagine

Mẹ càng có tuổi thì những người tình của mẹ càng trẻ. Giờ mẹ tôi 45 tuổi, còn anh, người ở bên mẹ từ ba năm nay, mới 34. Anh vốn là một nhân viên của mẹ, nay thì đã ra quản lý công ty riêng (không rõ trong công ty ấy có bao nhiêu phần tiền của mẹ tôi). Hồi đầu, tôi rất khinh ghét anh, nhất là anh lại đẹp trai, ăn mặc sành điệu, nói năng điềm đạm. Kiểu người này, tôi nghĩ, chẳng qua chấp nhận làm phi công trẻ để đào mỏ máy bay bà già thôi, đàn ông như thế chẳng bằng cái giẻ rách. Ngay lần gặp đầu tiên, tôi nhếch mép cười khẩy khi thấy anh ta xưng chú và gọi tôi là cháu ngọt xớt, dù tôi chỉ kém có 13 tuổi. Còn mẹ tôi thì anh ta gọi bằng tên, cả khi nói chuyện với tôi cũng vậy. Trong sinh hoạt hằng ngày, bồ trẻ của mẹ cư xử tự nhiên và tự tin với tôi, cứ như tôi là đứa con nít 7 tuổi, còn anh ta thì đã già cả rồi vậy.

Sau mấy năm sống cùng nhà, dần dần tôi bớt ghét anh ta, thấy anh cũng không đến nỗi, rồi thông cảm hơn với chuyện “phi công trẻ” và “chó chui gầm chạn” của anh (vì anh sống trong nhà mẹ tôi). Đến tận lúc này, tôi vẫn nghĩ rằng anh sống với mẹ tôi vì lý do thực dụng nào đó chứ không phải vì tình yêu thực sự. Mặc dù vậy, không hiểu sao càng ngày tôi càng bị anh hấp dẫn. Tôi muốn lôi kéo sự chú ý của anh, lợi dụng địa vị “con gái” để gần gũi, nũng nịu, đòi hỏi cái nọ cái kia… Hồi đầu, anh vui vì sự thay đổi thái độ của tôi, sau đó là ngờ ngợ và cảnh giác. Rồi khi tôi ôm chầm lấy anh và bày tỏ tình cảm, anh đã nghiêm khắc đẩy tôi ra mà nói rằng: “Thương là con của Hằng (tên mẹ tôi), vì thế tôi cũng luôn coi Thương như con gái thôi”. Tôi vô cùng bẽ mặt, nên đã quát vào mặt anh: “Anh được mấy tuổi mà đòi làm bố tôi? Anh đã biết có con là thế nào chưa mà đòi coi tôi như con gái?”.

Dù tránh tôi, nhưng tôi nhận ra càng ngày anh càng chú ý đến tôi hơn, và bắt đầu nhìn tôi không phải như nhìn “con gái bé bỏng” nữa. Một hôm, khi biết anh sẽ ở nhà cả ngày, tôi cũng quay về nhà ngay sau tiết học đầu tiên. Và chúng tôi đã làm tình với nhau. Rồi suốt một tuần liền như thế, cho đến khi anh nói rằng không thể như thế được nữa. Như là một người lớn nói với trẻ con, anh nhận hết tội lỗi vào mình. Anh nói anh yêu mẹ tôi, và không muốn đánh mất tình yêu đó.

Suốt một tháng nay, tôi cố gắng thuyết phục anh, bởi tôi cảm thấy mình đã yêu anh chứ không đơn thuần là sự hấp dẫn giới tính hay hiếu thắng. Nhưng anh cố gắng tránh mặt tôi, khi nào không tránh được thì cư xử với tôi như ngày xưa, làm như không có gì xảy ra cả, và từ chối các cuộc nói chuyện riêng. Tôi thực sự vừa tức giận vừa đau khổ. Tôi muốn anh chịu nói chuyện để đề nghị anh cùng tôi bỏ đi. Tôi tin rằng anh không muốn bỏ mẹ vì phụ thuộc vào mẹ thôi. Mẹ tôi dù vẫn rất đẹp nhưng vẫn là thế hệ trước của anh, tôi mới là người phù hợp. Tôi trẻ, đẹp, không hề yếu đuối, tôi dám làm tất cả cho tình yêu của mình.

Nhiều lúc tôi muốn nói thẳng sự thật này với mẹ, bảo mẹ hãy buông tha cho anh ấy để anh ấy được sống đúng với con người thật, tình cảm thật của mình, yêu một người phù hợp với mình. Không hiểu sao tôi không hề thấy có lỗi với mẹ, tôi thấy mẹ như đang chiếm lấy một thứ không phải của mình nhờ những lợi thế riêng. Nhìn hai con người chênh lệch tuổi tác đó cư xử với nhau như những cặp vợ chồng hạnh phúc, tôi thấy thật khó mà sống nổi. Thực sự là tôi không thể tiếp tục như thế này. Tôi nghĩ, sẽ phải tìm cách nói chuyện với anh. Nếu có thể thuyết phục anh từ bỏ sự bảo bọc của mẹ tôi để yêu tôi, tôi nói sự thật với mẹ rồi bỏ ra ngoài sống, hoặc cứ tạm thời tách ra đã rồi nói với mẹ sau. Nếu anh không chấp nhận, có lẽ tôi cũng phải ra đi thôi.

Rất mong sự chia sẻ của các bạn.

Hoài Thương
@ DatViet

Phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Toàn về người tù Trương Văn Sương

Ông Nguyễn Khắc Toàn

Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt

Sáng 12 tháng 7, 2010, nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội phóng thích một tù nhân chính trị nổi tiếng, là ông Trương Văn Sương, từ trại giam Ba Sao, Nam Hà. Ông Trương Văn Sương là tù nhân có thời gian bị cầm tù dài nhất Việt Nam, tổng cộng 33 năm từ sau năm 1975 đến nay, vì ông liên quan đến một lực lượng kháng chiến xâm nhập từ Thái Lan về Việt Nam nhằm mục đích lật đổ nhà cầm quyền Hà Nội.

Trước năm 1975, ông mang cấp bậc trung úy, giữ chức vụ phân chi khu trưởng chi khu Mỹ Tú, Ba Xuyên. Sau năm 1975, ông bị đưa đi tập trung cải tạo sáu năm, từ 1975 tới năm 1981 tại Quảng Bình. Sau khi ra khỏi trại, ông vượt biên sang Thái Lan và tham gia tổ chức của ông Trần Văn Bá, ông Lê Quốc Túy và Hồ Thái Bạch, xâm nhập vào Việt Nam nhằm xây dựng những cơ sở đấu tranh vũ trang chống lại nhà cầm quyền.

Tổ chức của ông bị công an khám phá, ba người bị tử hình là Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân và Hồ Thái Bạch; riêng ông Mai Văn Hạnh thì được giảm án từ tử hình xuống chung thân và sau đó do áp lực của quốc tế, ông Hạnh được thả và về sinh sống tại Pháp.

Ðể tìm hiểu chân dung của người tù Trương Văn Sương trong suốt thời gian bị giam cầm, Người Việt liên lạc bằng điện thoại với nhà tranh đấu cho dân chủ Việt Nam hiện đang sống tại Hà Nội là ông Nguyễn Khắc Toàn. Ông Toàn từng có thời gian ở tù chung với ông Trương Văn Sương. Cuộc phỏng vấn do Ðinh Quang Anh Thái thực hiện.

– ÐQAThái (NV): Ông ở tù chung với ông Trương Văn Sương trong những giai đoạn nào?

– Nguyễn Khắc Toàn: Năm 2003, sau khi bị xử xong cả án sơ thẩm và phúc thẩm, tôi bị kết án 12 năm và bị đưa đến trại giam Ba Sao Nam Hà phân trại 3, cục số 6. Tại đây tôi gặp một số tù nhân, chẳng hạn anh Tung, anh Ðồng, anh Khiêm, là những tù nhân phạm tội an ninh quốc gia, những người này bán tài liệu cho Trung Quốc nên bị kết án nhiều năm tù; và họ từng ở trực tiếp với anh Trương Văn Sương ở buồng số 6, phân trại 1 trại giam Nam Hà. Họ kể cho tôi nghe về trường hợp tù nhân Trương Văn Sương, rất dũng cảm và bất khuất, trong suốt thời gian bị giam giữ.

Tôi ở đây đến cuối tháng 12, 2003 thì bị chuyển về phân trại 1 trại Ba Sao Nam Hà, ở cùng phân trại của anh Trương Văn Sương, nhưng khác buồng giam.

– NV: Trong thời gian ở cùng trại giam, ông có những ghi nhận gì về ông Trường Văn Sương?

– Nguyễn Khắc Toàn: Tên tuổi tù nhân Trương Văn Sương thì cả trại giam Nam Hà ba phân trại gồm gần 4 nghìn tù nhân ai cũng biết, vì anh ta có một khí phách đấu tranh rất can đảm rất dũng cảm, bất khuất.

Mỗi một lần ban giám thị trại giam Nam Hà cho tù nhân viết kiểm điểm để nhận tội thì không bao giờ anh Trương Văn Sương nhận tội, và anh viết thẳng vào trong bản kiểm điểm mà ban giám thị đã phát sẵn cho tù nhân rằng anh là người đấu tranh cho lý tưởng tự do dân chủ, cho chính nghĩa quốc gia, không bao giờ có tội; và sẽ đấu tranh đến cùng để giải thể chế độ độc tài của đảng Cộng Sản Việt Nam.

Mỗi lần viết như vậy, anh lại bị công an, quản giáo báo cáo với ban giám thị để đưa đi cùm, biệt giam. Khi đội cưỡng chế đưa anh xuống khu biệt giam thì anh hô vang những khẩu hiệu “Ðả đảo đảng Cộng Sản Việt Nam, đả đảo chế độ độc tài, Trương Văn Sương này suốt đời đấu tranh cho lý tưởng dân chủ tự do, cho chính nghĩa quốc gia, các cán bộ có giỏi thì hãy bắn thẳng vào ngực Trương Văn Sương đây;” rồi anh phanh ngực ra.

Trước những lời hô bất khuất và dõng dạc như vậy, cán bộ công an rất tức giận và sợ. Có những trường hợp không kềm chế được thì công an xông vào bịt mồm anh, đánh đập anh. Tấm gương đấu tranh của anh như vậy làm cho hàng ngàn tù hình sự và rất nhiều tù chính trị của chúng tôi khâm phục.

Việc này lập đi lập lại không phải một hai lần mà kéo dài trong hàng chục năm ở tất cả các trại giam anh từng đặt chân đến, như trại Suối Máu, Xuân Lộc Ðồng Nai, ở trại Quy Nhơn, ở Thanh Hóa và cuối cùng là trại giam Ba Sao Nam Hà. Mà cũng không phải trong một năm anh bị cùm một lần hai lần mà ba bốn lần, đó là điều chúng tôi hết sức khâm phục ngưỡng mộ tinh thần đấu tranh của anh Trương Văn Sương.

Một điểm nữa tôi muốn nhấn mạnh là Tổng Cục An Ninh là cơ quan quản lý theo dõi các án tù chính trị ở trại giam Ba Sao Nam Hà nhiều lần đến làm việc với anh ở trại giam Ba Sao, yêu cầu anh ấy chỉ cần viết đơn xin khoan hồng, xin giảm án thì nhà nước sẽ tha tù nhưng anh trả lời thẳng với cán bộ là Trương Văn Sương này một là sẽ ở lại đến chết trong tù và hai là sẽ chờ đến ngày đa nguyên đa đảng có tự do dân chủ sẽ được tự phóng thích ra khỏi tù chứ không bao giờ đầu hàng, nhận tội.

Ðấy là anh Trương Văn Sương. Ngoài ra anh ấy còn cầm đầu các cuộc đấu tranh trong buồng giam số 6, phân trại 1 trại giam Nam Hà đòi cải thiện chế độ lao tù, thí dụ không ăn cơm khi nấu cháy khê hoặc nấu sống không đủ định lượng, hai là phát những đồ đựng thức ăn cho những tù nhân ở tù chính trị nhưng thiếu tôn trọng họ như là bát đũa, xô chậu bị méo mó không sạch sẽ, anh cương quyết đấu tranh không nhận khẩu phần ăn, nên ban giám thị ở đây họ hết sức kiêng nể và tôn trọng những yêu sách của tù nhân buồng số 6 do anh Trương Văn Sương dẫn đầu.

Trong những năm cuối cùng trước khi tôi rồi rời trại vào tháng 1 năm 2006 thì anh Trương Văn Sương là một trong những người “cứng đầu” nên công an đưa anh ấy xuống khu giam riêng gọi là buồng 17 nơi Linh Mục Nguyễn Văn Lý và nhiều những tù nhân chính trị, trọng án bị giam ở đây như ông Huy, Bùi Thúc Du, Phan Văn Bàng…

– NV: Phía công an trông coi trại giam đánh giá thế nào về người tù nhân bất khuất này?

– Nguyễn Khắc Toàn: Ðối với quản giáo của trại giam Nam Hà, ví dụ như ông Hoàng Xuân Nam là trung tá, người được ban giám thị và Tổng Cục An Ninh phân công chuyên theo dõi các buồng giam tù chính trị và án tù nhân tôn giáo như buồng số 1, 2, 6 và buồng 17 trong đó có anh Trương Văn Sương và nhiều những tù chính trị, và ông quản giáo thứ hai là Trung Tá Nguyễn Văn Tiên người trực tiếp quản lý những buồng giam này, họ coi trường hợp Trương Văn Sương là một người đấu tranh đối kháng kiên cường, họ rất nể trọng cho nên từng lời ăn tiếng nói đối với anh Trương Văn Sương và những tù nhân tại buồng này, họ hết sức dè chừng và tỏ ra cũng có một phần nào kính trọng các vị này; bởi vì họ cho đó là những tù nhân không thể khuất phục được.

– NV: Là một người đã từng ở tù chung với ông Trương Văn Sương, bây giờ nếu được gặp nhau thì ông sẽ thể hiện cảm xúc của ông ra sao và ông sẽ nói gì với ông Sương?

– Nguyễn Khắc Toàn: Cách đây hơn bốn năm, tôi đã viết trong một bài sau khi ra tù, tựa đề bài đó là “Tù nhân Trương Văn Sương, một Nelson Mandela của Việt Nam”, tôi ngợi ca, mến phục, biểu dương khí phách đấu tranh của anh Sương. Nếu như bây giờ tôi được gặp anh Trương Văn Sương thì tôi sẽ chúc mừng một trong những người anh hùng của chúng ta đã bất khuất không hề lùi bước trước đòn roi và nhiều chục năm tù đày của chế độ.

– NV: Cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn của Người Việt.

@ NguoiViet

Thái lan có “loạn” như chúng ta tưởng?

Kami

Xếp hàng xin cho con học tại trường Mầm Non, Tây Hồ, Hà Nội

“Gần đây báo chí của nhà nước vẫn hay dùng tình hình chính trị Thái lan để hù dọa nhân dân và cho rằng đó là sự hỗn loạn, mất ổn định xã hội nếu tiến hành dân chủ hóa đa nguyên đa đảng. Nhưng thực chất những cái gọi là hồn loạn ấy chỉ là các hành động bày tỏ nguyện vọng của người dân đối với chính quyền nhà nước để gây áp lực lên đảng cầm quyền mà luật pháp cho phép.  Đó chính là lý do vì sao nhân dân Thái lan lại được hưởng một chế độ an sinh xã hội tốt đẹp như vậy”.

Mùa hè năm nay ở tỉnh N quê tôi nóng quá, điện mất liên tục nhiều đêm không ngủ được, đã thế lại cộng với cái giải bóng đá World cup 2010 ở Nam phi đó là cái niềm vui và nỗi buồn của hàng tỷ người trên hành tinh này. Vốn là kẻ đam mê bóng đá, đêm nào tôi cũng cố thức để theo dõi các trận đấu qua TV. Tức mỗi một điều là lúc đang căng thẳng nhất của trận đấu, mắt đang dán vào xem truyền hình trực tiếp, thì lại rụp một cái, quý ông Sở điên.. nặng mang cái “cup” điện đến trao.

Không chỉ một ngày hay một lần mà là cắt điện liên tục vô tội vạ bất kể giờ giấc, buồn vì cái nóng, bực vì cái điện đóm chập chờn, lúc có lúc mất, căng thẳng quá nhiều lúc muốn phát điên.

Đúng lúc ấy chán chường ấy thì tôi nhận được điện thoại của anh bạn người Thái lan tên là Somsack sang Hà nội công tác, nghe tôi kể nỗi cơ cực mà tôi đang phải gánh chịu ở Việt nam, anh Somsack liền rủ tôi qua Thai lan trốn cái nóng và xem bóng đá cho thoải mái và lập tức chỉ sau đó hai hôm, sau khi anh Somsack họp xong chúng tôi đã cùng nhau lên đường sang Thái lan, xứ sở của bất ổn và bạo loạn như báo chí của đảng ở Việt nam thường tuyên truyền cho người dân với hàm ý mang tính dọa dẫm rằng đó là hậu quả của sự đa đảng và dân chủ.

Với vốn tiếng Thái lan đủ dùng, tại Thái lan tôi có thể đi lại một mình và giao thiệp với người dân Thái lan một cách dễ dàng và thoải mái mà không cần bạn bè hướng dẫn. Với một chuyến đi miễn phí trong vòng hai tuần, tôi có suy nghĩ cần phải tìm hiểu và đầy đủ đời sống và sinh hoạt mọi mặt của người dân Thái lan, trong hoàn cảnh loạn lạc vô chính phủ như được biết qua sách báo của nhà nước. Được biết tôi có ý định đó, vốn là bạn bè rất thân thiết anh Somsack đã ủng hộ suy nghĩ của tôi và nói rằng cũng muốn qua tôi để bạn bè Việt nam hiểu về đất nước Thái lan và cuộc sống của người dân nước họ hôm nay ra sao.

” Nó (Thái lan) vẫn bình yên và ngày một tốt lên, những người biểu tình xuống đường tuy đôi lúc quá khích, nhưng đều có một cái đích chung là vì sự tiến bộ của đất nước Thái lan chúng tôi. Thái lan đã từng trải qua chế độ độc tài quân sự vài chục năm, cũng như Việt nam của các anh hôm nay. Chắc sau này khi Viêt nam hết chế độ độc tài thì mọi người mới thấy và hiểu hết giá trị của nền dân chủ trong việc xây dựng và phát triển đất nước” anh Somsack giải thích cho tôi nghe.

Chúng tôi quyết định chỉ ở lại Bangkok hai ngày, sau đó quyết định đi về quê anh Somsack ở tỉnh Ayuthya vốn là cố đô cũ của Thái lan với lý do muốn cùng ăn, cùng ở và cùng sinh hoạt với người dân Thái lan để tránh cảnh cưỡi ngựa xem hoa mà phải mắt thấy tay sờ để hiểu được sự thật.

Đã nhiều ngày nay, tuy bản thân tôi đang sống ở Thái lan nhưng tâm vẫn một nửa ở Việt nam, hàng ngày tôi vẫn biết rõ mọi  tin tức Việt nam, qua trang  Tin tức hàng ngày chuyên cập nhật tin tức Việt nam liên tục 24/7. Hôm trước đọc tin xã hội ở Việt nam thì tờ Vnexpress vừa đưa tin:”Một trong những nội dung bàn thảo ở kỳ họp HĐND giữa năm của Hà Nội vào tuần tới là nghị quyết thu, sử dụng học phí ở trường học phổ thông công lập. Trong đó, mức tăng đối với học sinh ở nội thành lên tới 4-5 lần…”.  Đọc tin trên còn đang ngất ngây vì choáng, lại thêm cái cảnh trong tin Nhảy tường xin học cho con (trich) “Theo Hiệu trưởng trường mầm non Tuổi Hoa Nguyễn Thị Báu, năm nay, phường Láng Hạ có 620 cháu sinh năm 2007, bước vào lớp mẫu giáo bé. Trong khi đó, trường mầm non Tuổi Hoa, trường mầm non công lập duy nhất của phường chỉ tiếp nhận được 60 cháu vào học. Tỷ lệ chọi 1/10, còn cao hơn cả kỳ thi đại học!”

Hôm sau 11/7 thì trang Vitinfo đưa tin Viện phí sẽ tăng 7 – 10 lần?Bộ Y tế vừa công bố dự thảo Hướng dẫn thanh toán theo viện phí mới, tăng rất cao so với hiện nay, chẳng hạn tiền khám tăng 10 lần, tiền giường bệnh tăng 8 lần… Theo bảng viện phí mới, giá khám bệnh lâm sàng từ 3.000 đồng lên 30.000 đồng; giường bệnh (chưa tính sử dụng máy thở) tăng từ 12.000 đồng (tối thiểu), 18.000 đồng (tối đa) lên 100.000 – 120.000 đồng mỗi ngày” .

Chưa hết báo Dân trí còn cho biết Tăng viện phí, đừng quên người nghèo (trich) “Thông tin dự kiến tăng viện phí đã khiến không ít bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện (BV) lo lắng, bởi với họ, thêm chi phí là thêm gánh nặng, nhất là với người nghèo, mắc bệnh nặng, điều trị dài ngày

Những tin “tức” mình đó, đã làm tôi liên tưởng và so sánh về vấn đề giáo dục và y tế giữa một xứ sở loạn lạc và bất ổn như Thái lan với Việt nam của chúng ta. Về tình hình đời sống xã hội của người dân Thái lan có được hôm nay mà ít người còn chưa biết rõ sự thật, nó không phải một xã hội loạn lạc, vô chính phủ như người ta tuyên truyền, thật ra đất nước Thái lan của họ chưa thực sự hoàn hảo, nhưng những cái mà hôm nay người dân Thái lan đang được hưởng đã là cái quá tốt nếu chúng ta so với Việt nam. Những cái đó là những cái người Việt nam làm ăn lương thiện mong muốn vì nó thực sự thiết thân với cuộc sống của họ, đặc biệt là những người lao động.

Chỉ một thời gian ngắn, qua tìm hiểu, trò chuyện và đi thực tế tôi mới biết rằng ở Thái lan không như những thông tin mà báo chí nhà nước tuyên truyền về sự loạn lạc và bất ổn chính trị. Mà ngược lại đất nước Thái lan ngày nay là một nền kinh tế khá phát triển, hơn nữa họ đã có một chế độ an sinh xã hội mà khi nói đến có lẽ những người đang sống các nước tư bản phát triển cũng phải thèm muốn và mong ước có được. Hôm nay xin chỉ nói về hai vấn đề thiết thực nhất đó là Giáo dục và Y tế của Thái lan.

1. Về Giáo dục:

Học sinh lớp 11 PTTH Chuyên Khoa học tự nhiên Tỉnh Ayuthya

Ở Thái lan có chế độ giáo dục phổ cập miễn phí 100% áp dụng cho 15 năm học, trong đó có 12 năm học phổ thông và ba năm học nghề cho mọi đối tượng không phân biệt giàu nghèo. Học sinh tại các trường ngoài việc miễn phí học phí, mỗi học kỳ nhà nước chi tiền cho mua sắm toàn bộ quần áo (4 bộ khác nhau cho 5 ngày hoc/tuần), giầy tất đồng phục, cặp sách, sách vở học tập v.v.. Chưa đủ, hàng ngày vào buổi sáng học trò được uống 150 ml sữa tươi trước khi vào lớp và ăn một bữa cơm trưa miễn phí. Chế độ này được áp dụng cho cả các đối tượng học sinh học trường dân lập nhưg nhà nước chỉ trả bằng 65 % so với học sinh trường công lập.

Ở Thái lan, trẻ em từ lớp 1-6 gọi là Po 1 – Po 6, từ lớp 7-9 gọi là Mo 1-Mo 3 và 10-12 gọi là Mo 4-Mo 6. Học hết Mo 3, học trò không thích học cao hơn sẽ đi học tại các trường học nghề (trung cấp) kỹ thuật hoặc thương mại, sau ba năm có chứng chỉ để xin việc làm, Những học sinh học nghề nào có điều kiện kinh tế, sẽ chưa đi làm và muốn học tiếp thì sẽ học tiếp 3 năm và sẽ được cấp bằng tương đương với bằng Đại học với điều kiện trong ba năm đó phải tự túc toàn bộ chi phí. Số học sinh không đi học nghề, mà muốn học tiếp sẽ tiếp tục học chương trình Mo4-Mo6 (như PTTH của Việt nam), sau khi học tốt nghiệp Mo6 sẽ thi vào Đại học. Các trường học ở Thái lan nhiều vô kể, của cả nhà nước và tư nhân. Ở Thái lan hiệ nay đang có tình trạng thừa trường học và giáo viên. Các cơ sở giáo dục của Thái lan được trang bị đầy đủ mọi phương tiện hiện đại phục vụ học tập và giảng dạy, cái họ thiếu duy nhất là học sinh.

Điều đó thể hiện các trường tiểu học công lập ở cấp xã, các thầy cô giáo phải đến từng nhà xin phụ huynh cho con em đi học ở trường của họ, bởi vì nếu số học trò không đủ buộc nhà nước sẽ phải giải thể, hoặc sát nhập. Chính vì lẽ đó theo quy định trẻ em tròn ba tuổi mới đủ tuổi đến đến lớp mẫu giáo, nhưng thực tế dù trẻ chưa đủ ba tuổi nhưng nhà trường vẫn tiếp nhận. Viết đến đây lại nhớ tới cảnh ở Việt nam phụ huynh học sinh phải ăn trực nằm chờ qua đêm để xếp hàng đăng ký cho con đi học các trường mẫu giáo mầm non. Mẫu giáo mầm non còn thế còn nói gì tới thi vào đại học.

Chính vì trường học quá nhiều nên việc học sinh đi học rất thoải mái về tư tưởng, học giỏi học kém cũng không sợ vì đến hẹn lại lên lớp trên, hơn nữa thầy cô giáo rất có trách nhiệm với nghề nên buộc học sinh phải học. Tỷ lệ trúng tuyển vào các trường Đại học của học sinh tốt nghiệp phổ thông là 41-47%, nghĩa là tỷ lệ chỉ ở mức gần 2 chọi 1. Vì lý do đó học trò của họ đâu phải tranh giành thi thố, học đêm học ngày không đủ còn phải tranh thủ học thêm để đối phó với cảnh 1 chọi 10, 1 chọi 20 của con em chúng ta ở Việt nam.

2. Về y tế:

39.jpg picture by luulechinhchinh

Phòng điều trị của bệnh nhân Bệnh viện tỉnh Ayuthya – Thailand

Ở Thái lan chế độ y tế miễn phí 100% cho mọi chi phí khám và chữa bệnh phục vụ nhân dân tất cả mọi đối tượng. Không có sổ y bạ, không có giấy giới thiệu mà duy nhất chỉ cần giấy chứng minh thư nhân dân (smart card), trường hợp cấp cứu thì đặc biệt hơn nếu không có giấy CMT do mất hay quên chỉ cần bệnh nhân khai đúng tên tuổi đúng như hồ sơ lưu trong máy tính là ổn. Bệnh nhân đến bệnh viện của cấp Huyện hay Tỉnh được điều trị tương đương với cán bộ trung cấp ở Việt nam, mỗi người một giường, nằm phòng máy lạnh.

Người bệnh đến bệnh viện với tay không và khỏi bệnh về cũng không mất một xu và thêm một túi một lô thuốc men. Cũng như chuyện giáo dục, ở Thái lan người ta quá nhiều bệnh viện và trạm y tế. Các bệnh viện và hay các bệnh xá ở cấp xã của nhà nước được đầu tư đầy đủ trang thiết bị để phục vụ người bệnh ở mức tương đương với điều kiện phục vụ đối với cán bộ trung cấp ở Bệnh viện hữu nghi Việt xô hay Quân y viện 108 ở Việt nam. Tuy vậy các cơ sở y tế của nhà nước cũng không thu hút được người bệnh, bởi vì phần lớn dân có thu nhập cao và ổn định có mua bảo hiểm nhân mạng nên khi ốm đau họ có quyền chọn những bệnh viện tư nhân lớn hay bệnh viện danh tiếng chữa bệnh mất tiền, toàn bộ chi phí khám chữa bệnh đều được các công ty bảo hiểm trả toàn bộ tiền và ngoài ra người bệnh còn được nhận một khoản tiền bồi thường cho những ngày ốm đau(khoảng 30USSD/ ngày). Đó là lý do vì sao các bệnh viện công rất ế, đối tượng phục vụ chỉ là những người nghèo ít có khả năng về tiền bạc.

Tôi thử ra một trạm xá y tế xã để khảo sát thực hư thì thấy các trạm y tế xã thiết kế chung một mẫu, đó là một tòa nhà 2 tầng với 16 phòng có kích thước 4x6m có đầy đủ thiết  bị y tế cần thiết để sơ cứu và điều trị cho 10 giường bệnh có đủ bác sĩ, y tá và các nhân viên y tế khác phục vụ. Người dân trong khu vực bị ốm đau thì đến đây xin thuốc và khám bệnh, do bệnh nhân ít nên họ “chiều” người bệnh lắm cũng vì sợ ít người bệnh thì giả thể. Muốn thuốc gì cho thuốc đó, không cần hay không thích thì người bệnh có quyền đổi các thứ thuốc khác tốt hơn theo ý mình.

Chỉ qua hai vấn đề y tế và giáo dục mà người dân Thái lan đang được hưởng, tôi nghĩ lại cảnh phải dùng phong bì lót tay cho thầy cô giáo, bác sĩ, y tá và cả mấy nhân viên hộ lý nếu không muốn người ta gây khó dễ ở bệnh viện, trường học nói riêng hay ở các chốn quan quyền nói chung ở Việt nam mà sợ khiếp người. Những khi ấy tôi tự thầm hỏi những người bạn Thái lan mà hiểu rằng ở Việt nam có cái thứ văn hóa “phong bì” kỳ quặc ấy lại là chuyện đương nhiên được cả xã hội chấp nhận như một thứ thông lệ “Vấn đề đầu tiên là tiền đâu?” thì họ sẽ nghĩ ra sao?

Ngoài ra , qua tìm hiểu tôi còn biết rằng còn rất nhiều vấn đề an sinh xã hội của Thái lan mà người dân đang được hưởng đó là:

– Người trên 60 tuổi được nhà nước hỗ trợ 500 baht/tháng
– Gia đình nghèo dùng điện dưới 90 số được miễn phí.
– Gia đình nghèo dùng nước máy dưới 15 m3 được miễn phí.
– Xe bus tại Bangkok không có máy lạnh được miễn phí cho mọi đối tượng
– Xe lửa ghế cứng hạng 3 (kể cả tàu tốc hành) được miễn phí cho mọi đối tượng.

v.v…

Qua đó để cho thấy chính quyền nhà nước ở Thái lan hôm nay thực sự là một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Người dân Thái lan đã và đang thực sự hưởng thành quả của một xã hội mà nhân dân thực sự làm chủ quyền lực nhà nước và được ăn những cái bánh thật chứ không phải là thứ bánh vẽ mà đảng CSVN và chính quyền nhà nước của họ đang dùng để “dử” nhân dân trong mấy chục năm qua.

Tăng viện phí vẫn không giảm đi tình trạng quá tải, người bệnh phải nằm ghép 2-3 người/giường.

Những cái đó có được hôm nay chính là là kết quả của việc cạnh tranh quyết liệt của các đảng phái chính trị để lấy lòng dân chúng. Bởi một khi người dân là lực lượng duy nhất có quyền quyết định cho đảng chính trị nào lên nắm quyền lực thông qua các cuộc bầu cử dân chủ công bằng và đích thực.

Đó chính là lý do vì sao các đảng chính trị ở Thái lan luôn luôn phải dựa vào dân, mọi chủ trương đường lối và việc tổ chức thực hiện của các đảng chính trị đều phải xuất phát từ ý nguyện của đa số dân chúng và thực sự phải đảm bảo là vì nhân dân. Do đó từ sự cạnh tranh lành mạnh này đã mang lại quyền lợi cho dân chúng quá nhiều, giá như người dân Việt nam có một phần cũng thành tiên, nhất là những gia dình sống bằng đồng lương không có thu nhập “lậu”.

Điều này cũng cho thấy những nhà lãnh đạo chính quyền Việt nam đã quên trách nhiệm của họ là phải cải thiện đời sống nhân dân đặc biệt là vấn đề giáo dục và chăm sóc sức khỏe cộng đồng mà bất kỳ chính quyền nhà nước nào cũng phải có trách nhiệm cố gắng hướng tới. Hình như chính quyền hiện tại họ chỉ chuyên chú vào mấy chuyện làm ăn của cá nhân họ, thông qua các dự án trời ơi không thực tế với số vốn bạc tỷ đô la, bởi chỉ có những dự án ấy mới mang lại cho họ những món lại quả khổng lồ. Và buồn cười hơn là khi thấy hơn 80 triệu người Việt nam, là chủ nhân của đất nước lại im như thóc và quên bẵng đi cái quyền lợi phải có của mình.

Nếu bạn qua Thái lan, nếu bạn hỏi tất cả những người dân là đất nước họ đang đi theo chủ nghĩa gì thì ít có người biết, vì họ không hề quan tâm đến cái gọi là chủ nghĩa này nọ. Với họ điều quan tâm nhất chỉ đơn giản là sẽ dùng lá phiếu bầu của mình để ủng hộ chính quyền của nhà nước do đảng chính trị nào mang lại quyền lợi cho đất nước họ và bản thân họ nhiều nhất ở mức có thể.

Ở Việt nam, hàng chục năm nay kể cả từ khi nhà nước tiến hành sửa sai (gọi là đổi mới cho đỡ ngượng) từ năm 1986 thì xem ra vấn đề giáo dục và y tế có chiều hường thụt lùi. Ngày xưa thời bao cấp trẻ em đi học cũng phải đóng học phí gía trị rất ít và phần lớn là được nhà nước miễn giảm học phí đối với các gia đình đông con. Tương tự như vậy về y tế khi đó tuy còn thiếu thốn, nhưng người dân vẫn được khám chữa bệnh hầu như miễn phí.

Còn ngày nay thì sao? Dưới sự sáng suốt của đảng CSVN con em chúng ta hôm nay ngoài việc bắt buộc phải học thêm kể cả để thi vào lớp 1 (!?) và đóng vô số các khoản lệ phí ngoài tiền học phí. Thế cũng chưa đủ, còn cảnh phụ huynh học sinh phải dùng phong bì lót tay để chạy trường, chạy chỗ cho con em mình. Về y tế thì càng trầm trọng hơn, bệnh viện quá tải triền miên  Tám bệnh nhân trên… một giường , nằm hành lang trong điều kiện vệ sinh rất kém. Những cái đó không khổ bằng thái độ phục vụ của các bác sỹ và nhân viên y tế mà y đức không còn. Ngoài tiền trả viện phí theo quy định người nhà bệnh nhân còn phải trả khoản phụ phí dưới dạng phong bì lót tay kiểu tiền trao cháo mới múc.

Dân tình thì được hưởng các thành quả ưu việt như thế, nhưng ngược lại các quan cách mạng lại có các bệnh viện đặc biệt dành riêng cho cán bộ trung cấp và cao cấp như BV Việt-Xô và các Quân y Viện, như vậy thử hỏi vì dân và do dân ở chỗ nào?

Gần đây báo chí của nhà nước vẫn hay dùng tình hình chính trị Thái lan để hù dọa nhân dân và cho rằng đó là sự hỗn loạn, mất ổn định xã hội nếu tiến hành dân chủ hóa đa nguyên đa đảng. Nhưng thực chất những cái gọi là hồn loạn ấy chỉ là các hành động bày tỏ nguyện vọng của người dân đối với chính quyền nhà nước để gây áp lực lên đảng cầm quyền mà luật pháp cho phép (tương tự như điều 69 của HP Việt nam). Bởi các áp lực đó của nhân dân mới chính là động lực buộc chính quyền nhà nước bằng mọi cách phải có sự cải thiện phù hợp với đòi hỏi của dân chúng để lấy lòng cử tri. Đó chính là lý do vì sao nhân dân Thái lan lại được hưởng một chế độ an sinh xã hội tốt đẹp như vậy.

Mọi kết quả của cuộc sống đều phải được trả giá, không có chính quyền nào tốt với dân chúng tới mức tự họ mang đến các điều kiện sống và các chế độ an sinh xã hội cho người dân mà không có sự đòi hỏi của dân chúng. Đừng quên rằng một chế độ dân chủ, với một nhà nước pháp quyền và một xã hội dân sự chính là điều kiện duy nhất để nhân dân có được các lợi ích chính đáng phù hợp với nguyện vọng của mình.

Đất nước Thái lan không theo Chủ nghĩa xã hội, không theo Chủ nghĩa Marx-Lênin, không theo Tư tưởng Hồ Chí Minh  nhưng họ đã và đang có một chế độ an sinh xã hội tuyệt vời cho người dân, nhân dân Thái lan có một cuộc sống được đảm bảo về mọi phương diện, mà giáo dục và y tế nêu trên chỉ là hai trong hàng chục hàng trăm vấn đề của cuộc sống của họ. Họ đạt được những cái đó bởi người dân Thái lan đã biết sử dụng quyền làm chủ của họ để buộc các đảng cầm quyền (đầy tớ của dân)phải thỏa mãn yêu cầu, chứ họ không bao giờ (dù chỉ là suy nghĩ) phải ơn đảng, ơn ai như chúng ta.

Việt nam ta cũng vậy, nếu bỏ đi mấy cái chủ nghĩa vớ vẩn, mấy cái tư tưởng linh tinh để đổi lại chúng ta có được đời sống nhân dân tốt hơn với giáo dục miễn phí 100%, y tế miễn phí 100% v.v.. thì mới là vì dân chứ? Biết thế tại sao chúng ta không vứt những cái đó vào sọt rác như hầu hết các quốc gia họ đã làm, hãy dũng cảm bước ra khỏi nhúm các nước cộng sản còn rơi rớt đếm không hết đầu ngón tay của một bàn tay như Trung quốc, Cu ba, Bắc Triều tiên và Lào.

Nếu có quyền được lựa chọn, bạn sẽ chọn cái gì cho mình? Hãy suy nghĩ cho thật kỹ để quyết định tương lai của bạn trong cuộc trưng cầu dân ý “Sửa đổi Hiến pháp năm 1992″ sắp tới. Còn nếu như các bạn hỏi tôi giữa hai con đường ổn định của Việt nam và loạn của Thái lan, tôi sẽ chọn cái nào?

Câu trả lời của tôi là “Tôi sẽ chọn cái “loạn” mà làm cho dân sung sướng, chứ chọn cái ổn định mà dân khổ quá anh Pha chị Dậu thời thuộc Pháp thì chọn làm chi cho mệt”

Ayuthya 13/7/2010

© Kami Blog

Tàu sân bay Mỹ “chạm thần kinh” Trung Quốc

Submarine Mỹ

Bản tin của mạng zaobao.com (Singapore) phát đi lúc 9h15 sáng (8h15 giờ Hà Nội) ngày 11 tháng 7 cho biết hôm thứ Sáu 9/7, tàu sân bay năng lượng hạt nhân “George Washington” của Mỹ đã rời căn cứ ở Nhật lên đường tới Hoàng Hải để tham dự cuộc tập trận chung Hàn Quốc-Mỹ. Tờ báo viết: sự việc này sẽ “chạm thần kinh” Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao và phía quân đội Trung Quốc đã nhiều lần tỏ ý phản đối Mỹ-Hàn Quốc tập trận ngay tại “cửa ngõ” Trung Quốc.

Hoàng Hải là eo biển giữa đại lục Trung Quốc với bán đảo Triều Tiên, chỗ hẹp nhất chỉ hơn 170 km, là cửa ngõ của Bắc Kinh-Thiên Tân. Cuối thế kỷ XIX tàu chiến của các nước phương Tây qua Hoàng Hải tiến vào cảng Thiên Tân (cách Bắc Kinh 120 km) bắt nạt chính quyền nhà Thanh và xâm lược Trung Quốc, vì vậy người Trung Quốc coi Hoàng Hải là một địa điểm rất nhạy cảm dính đến quá khứ bắt nạt và xâm lược Trung Quốc.

Cách đây ít lâu, khi biết tin Mỹ và Hàn Quốc sẽ tập trận chung tại Hoàng Hải, dân Trung Quốc đã sục sôi phản đối. Đặc biệt khi nghe nói tàu sân bay Mỹ có thể tham gia tập trận, sự phản đối càng gay gắt. Một số tướng lĩnh quân đội Trung Quốc nói Trung Quốc kiên quyết sẽ đáp trả. Mới đây nhất, Phó Tổng tham mưu trưởng Trung Quốc Mã Hiểu Thiên tuyên bố Trung Quốc kiên quyết phản đối cuộc tập trận chung Hàn Quốc-Mỹ.

Phạm vi hoạt động của máy bay trên tàu sân bay vào khoảng 700-1000 km, như vậy tàu sân bay Mỹ vào Hoàng Hải thì bao nhiêu bí mật quân sự của Trung Quốc tại vùng cửa ngõ chiến lược này sẽ bị Mỹ khám phá hết. Mỹ đang muốn tìm hiểu về Hoàng Hải, cuộc tập trận này với danh nghĩa là diễu võ dương oai với Triều Tiên sau vụ tàu Cheonan của Hàn Quốc bị ngư lôi Triều Tiên bắn chìm, là cơ hội trời cho để Mỹ có cớ vào Hàng Hải. Năm 1994 tàu sân bay Mỹ Kitty Hawk từng vào đây một lần và máy bay Mỹ có chạm trán với máy bay Trung Quốc.

Cuộc tập trận bắn đạn thật mới đây của Quân Giải phóng tại vùng biển phía Đông Trung Quốc là một biểu hiện quyết tâm đuổi hải quân Mỹ ra khỏi vùng biển phía Đông và phía Nam Trung Quốc. Tờ Quang Minh nhật báo mới đây có đăng một bài viết rất gay gắt của Tôn Nhất Sơn, coi việc Mỹ tập trận ở Hoàng Hải là gây sức ép với Trung Quốc, bắt Trung Quốc gánh nợ. Vì nếu Trung Quốc có chiến tranh với Mỹ thì khoản tiền Mỹ vay của Trung Quốc (900 tỷ USD công trái Mỹ mà Trung Quốc đã mua) sẽ được xí xoá. Nói khác đi, công sức mấy chục năm kiếm ngoại tệ của Trung Quốc sẽ là công dã tràng. Bài báo viết đây là cơ hội trời cho để Trung Quốc đánh chìm tàu sân bay Mỹ; nếu Mỹ gây chiến tranh với Trung Quốc thì nhất định Trung Quốc sẽ thắng.

Gần đây Mỹ đã cho 3 “siêu tàu ngầm” mang một lượng lớn tên lửa Tomahawk đến và nổi lên tại các vùng gần Trung Quốc, điều đó cho thấy Mỹ muốn chứng tỏ họ vẫn là bá chủ Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương..

Tin từ Hàn Quốc cho hay cuộc tập trận chung Hàn Quốc-Mỹ tại biển Hoàng Hải tuy quy mô đã có thu nhỏ so với dự định ban đầu nhưng vẫn có nhiều khả năng là tàu sân bay Mỹ có thể tham gia.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh: tuy rằng hiện nay chưa xác định thời gian và phương thức cụ thể của cuộc tập trận nhưng khẳng định là sẽ tiến hành trong tháng 7 này.

Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ hướng đi của tàu George Washington. Trên các mạng Trung Quốc đang xuất hiện nhiều bài bàn về vấn đề nên đối phó với việc tàu sân bay Mỹ tiến vào Hoàng Hải như thế nào; nhìn chung giọng điệu các bài viết đã bớt ồn ào.

Một bài viết trên mạng Thiết Huyết có đầu đề “Nếu đánh nhau với Mỹ bây giờ thì Trung Quốc ắt sẽ thua”, nêu ra mấy lý do Trung Quốc thua: – 30 năm nay quân đội Trung Quốc không đánh nhau nên không có kinh nghiệm tác chiến, chỉ tập trận, quân ta đánh quân mình cho vui thế thôi; còn Mỹ thì liên tục đánh nhau khắp nơi; – Trang bị vũ khí của Trung Quốc kém xa Mỹ, khác tầng nấc, không thể so sánh được; Trung Quốc chỉ mạnh bề ngoài, Mỹ mạnh thực chất; – Nếu có chiến tranh, Trung Quốc sẽ ở vào thế cô lập không ai giúp. Mỹ thì nhiều đồng minh như Anh, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ … ủng hộ; – Dân Trung Quốc bao năm nay quen coi trọng đồng tiền trên hết, hưởng lạc trên hết, kém dân Mỹ về ý thức quốc gia, ý thức dân tộc.

Một số bài viết lên án thái độ Nga đang muốn bắt tay với Mỹ và e ngại cuộc tập trận Vostok 2010 ở Siberia là gián tiếp nhằm vào Trung Quốc, đặt câu hỏi tại sao Nga lại tập trận vào đúng lúc này, khi 2 cuộc tập trận lớn có Mỹ tham gia đang sắp diễn ra (tập trận chung với Hàn Quốc ở Hoàng Hải và tập trận Rimpac ở vùng biển Haiwaii).

Tóm lại cuộc đối đầu Trung Quốc – Mỹ đang đi tới chỗ gay go, tất cả tuỳ thuộc vào hướng đi của tàu sân bay Washington. Có người dự đoán tàu này sẽ đỗ bên ngoài Hoàng Hải để hỗ trợ thôi. Hãy chờ xem cuộc đối đầu này ra sao./.

Nguyễn Hải Hoành

@ VITINFO