Truyện ngắn vui : Cả tin

Lão Tôn bị mất một chiếc túi xách. Chính lão cũng không thể nhớ chính xác mình đã đánh mất nó như thế nào vì hôm bị mất túi lão đi rất nhiều nơi uống rượu cùng bạn bè. Trong túi có hơn một ngàn tệ tiền mặt, một chùm chìa khóa nhà và cả thẻ ngân hàng, điều quan trọng nhất là có hơn chục giấy biên nhận, lão thề nhất định phải tìm bằng được cái túi

Lão Tôn nhờ bạn bè tư vấn xem làm thế nào để lấy lại được cái túi nhưng họ đều lắc đầu nói rằng có rất ít hy vọng vì trong túi có tiền nên chắc chắn người ta không trả lại. Một số người còn cho rằng nếu có phần thưởng hậu hỹ mới có thể lấy lại được cái túi. Lão Tôn nghe mọi người nói thấy có lý nên đăng một mẩu quảng cáo trên báo, nội dung là lão bị mất một chiếc túi ở đâu đó vào một ngày nào đó, trong túi có những gì, nếu ai nhặt được cho lão xin lại, chủ nhân sẵn lòng hậu tạ 2 ngàn tệ.

Ba ngày sau khi quảng cáo được đăng, có người gọi điện cho lão Tôn nói rằng người đó nhặt được chiếc túi và sẵn sàng “trả ngọc về nước Triệu”.

Lão Tôn vô cùng vui mừng lập tức hẹn người kia địa điểm gặp nhau và lão lái xe tới đó ngay. Khi đến nơi lão thấy hai người thanh niên, một béo một gầy, gã béo đưa chiếc túi cho lão Tôn và hỏi lão Tôn xem có đúng túi của lão không?

Cả tin -0
Minh họa của Lê Tâm.

Lão Tôn mở túi kiểm tra và thấy mọi thứ đủ cả, lão mừng quá lập tức đưa cho hai thanh niên 2 ngàn tệ. Gã béo nói: “Nếu ông không ngại thì đi ăn với chúng tôi một bữa”. Lão Tôn thấy đề nghị của bọn họ cũng hợp lý nên bảo hai thanh niên lên xe đi đến một nhà hàng gần đó gọi rượu và đồ ăn ngon, ba người vừa ăn vừa trò chuyện như những người đã quen nhau từ lâu. Ba người kể cho nhau nghe mọi chuyện về mình, kể cả địa chỉ số nhà và số điện thoại. Càng ngày, cuộc trò chuyện càng trở nên sôi nổi, rượu vào càng nhiều, lão Tôn rất vui cảm thấy mình đã thực sự tìm được bạn tri kỷ.

Lúc này, điện thoại di động của gã gầy bỗng vang lên, hắn bắt máy, vừa nói vài câu rồi nói với lão Tôn: “Xin lỗi, ở nhà tôi có việc gấp tôi phải về trước”. Nói xong gã đứng dậy rời khỏi đó ngay.

Gã béo nói: “Hắn có việc mặc cho hắn đi, hôm nay chúng ta phải uống hết mình”. Nói xong hắn gọi nhân viên nhà hàng lấy thêm một chai rượu.

Lão Tôn thấy gã béo rất hiếu khách nếu không uống thì thật không phải và lại cùng gã béo cụng ly. Bữa tiệc kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ, lão Tôn choáng váng lái xe về nhà. Khi lão vừa đỗ xe thì một người hàng xóm chạy tới hỏi: “Ông Tôn, không phải là ông đã dọn nhà đi rồi mà?”.

Lão Tôn ngây người: “Chuyển nhà, chuyển nhà đi đâu?”.

Người hàng xóm cũng cảm thấy ngạc nhiên: “Vừa rồi có một người đàn ông gầy gầy dẫn người tới nói là giúp ông chuyển nhà mà?”. Lão Tôn chợt bừng tỉnh: “Tôi không chuyển nhà! Chìa khóa vẫn ở trong túi của tôi, ai có thể chuyển nhà thay tôi được?”. Người hàng xóm nói: “Họ có chìa khóa mở cửa nên chúng tôi tưởng là ông nhờ họ chuyển nhà”.

Lão Tôn vội vàng chạy lên lầu mở cửa, chỉ thấy trong nhà trống rỗng… Sau khi nghe lão Tôn trình báo, Cảnh sát nói với lão: “Túi của ông đã bị bọn trộm lấy cắp”.

Lão Tôn vẫn bán tín bán nghi: “Vậy tại sao họ trả lại túi cho tôi?”.

Cảnh sát phân tích cho lão hiểu: “Sau khi xem quảng cáo của ông, bọn chúng đã đi đánh thêm chùm chìa khóa nhà ông rồi cố tình trả lại chiếc túi để lấy lòng tin của ông. Thực ra, mục đích của bọn chúng là tìm được địa chỉ của nhà ông để có thể trộm được toàn bộ tài sản trong nhà. Ông đã bị bọn chúng lừa dối, tên gầy giả vờ nhà có việc về trước để đưa đồng phạm đến nhà ông trộm đồ, còn tên béo tìm cách giữ chân ông lại để chúng đủ thời gian hành sự.

Lão Tôn nghe xong chỉ biết giậm chân hối hận.

Nguyễn Thiêm (dịch) / Truyện vui của Lý Cảnh Nguyên (Trung Quốc) / Văn nghệ CA

Từ ‘Đào, phở và piano’ đến phân cực phe phái trên Facebook

Cuộc chiến quan điểm trên mạng xã hội đem khán giả đến cho Đào, phở và piano; nó cũng đồng thời mang đến cho người dùng một cơ hội để ngẫm nghĩ: ta có đủ tỉnh táo, để không lún quá sâu vào những cuộc tranh cãi không hồi kết trên các nền tảng online?

Tác giả: Lang Minh, nhà tư vấn giáo dục cao cấp cho Hệ sinh thái giáo dục khởi nghiệp MindX.

Bạn tôi, một doanh nhân bận rộn, quyết định lùi chuyến công tác nước ngoài lại một ngày, đi xem bằng được phim “Đào, phở, và piano” để tự kiểm chứng xem bên nào có lý hơn trong cuộc chiến quan điểm đang diễn ra trên mạng xã hội.

Giữa muôn vàn lý do để thưởng thức tác phẩm điện ảnh, chúng ta có thêm một lý do mới lạ: xem vì mạng xã hội cãi nhau. Theo lý thuyết marketing cổ điển, đây là tiếp thị bằng truyền miệng (hiệu quả cao và gần như miễn phí) hoặc kiểu quảng cáo bằng vấn đề gây tranh cãi.

Nhưng điều làm tôi chú ý là cuộc tranh cãi này chứa đựng đa dạng thông tin tiêu cực điển hình của mạng xã hội: tin giả, sự kiện ngụy tạo (alternative fact); và đặc biệt là phân cực phe phái (polarization) khi cố đặt bộ phim vào bối cảnh nặng tính yêu/ghét: chủ nghĩa thực dân, thị trường hóa điện ảnh…

Một sự kiện văn hóa xã hội không quá hệ trọng cũng gây ra sự chia rẽ sâu như vậy thì những sự kiện hệ trọng hơn sẽ gấp bội lên mức nào; hay trên mạng xã hội, lòng người lúc nào cũng sẵn sàng chia phe?

Câu hỏi tương tự cũng xuất hiện trong cuốn Cỗ máy hỗn loạn (The Chaos Machine) – xuất bản năm 2022 của Max Fisher, ký giả chuyên theo dõi các vấn đề chính trị quốc tế cho tờ New York Times. Cuốn sách mở đầu từ câu chuyện bài đăng của các hội nhóm chống tiêm vaccine bỗng xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội. Cứ lũy tiến dần theo thời gian, tác giả bàng hoàng nhận ra mối liên hệ giữa bài đăng tiêu cực trên mạng xã hội với những cuộc thảm sát có yếu tố chính trị ở Myanmar và Sri Lanka.

Fisher cho rằng thuật toán phân phối tin tức – cơ chế tự động quyết định cái gì sẽ xuất hiện trên bảng tin (newsfeed) của cá nhân giữa hàng vạn bài đăng – đang ưu tiên cho các tin tức có tính chia rẽ. Tại sao tin tức gây chia rẽ lại cuốn hút con người tương tác trực tuyến đến vậy?

Về kỹ thuật, các thuật toán có ưu tiên cho tin tức chia rẽ bởi một bà mẹ sẵn lòng tin tưởng vào vaccine có thể không dành nhiều thời gian cho mạng xã hội. Nhưng khi tin tức về chống vaccine xuất hiện, bà mẹ đó sẽ phải đọc, phải tương tác để phản đối những quan điểm trái ngược nhằm khẳng định lại niềm tin của mình cũng như bảo vệ cộng đồng (một trẻ không tiêm vaccine có thể mắc bệnh rồi lây nhiễm cho các trẻ còn lại). Sự bất đồng nhanh chóng bùng phát thành phẫn nộ khi cuộc tranh cãi về khoa học sớm chuyển sang công kích cá nhân, công kích niềm tin, tín ngưỡng của nhau… do mạng xã hội chẳng có quy định cứng nào về tranh luận.

Lượng tương tác tăng nhanh và các cỗ máy phân phối tin tức tin rằng mình đã thành công cả về lượng lẫn chất (tăng cả các tin tức về khuyến khích vaccine). Chúng tiếp tục vòng lặp kỹ thuật đó.

Nhưng về mặt xã hội, hệ quả phức tạp hơn. Dần dần người dùng sẽ bị bao vây bởi các tin tức gây chia rẽ; họ sẽ thấy mạng xã hội của mình thành cộng đồng “đạo đức”, ngập tràn các tin tức có tính xúc phạm, những lời kêu gọi “thánh chiến” để bảo vệ những gì cộng đồng tin là đúng, khỏi những kẻ thù vô hình sau bàn phím. Những cuộc chiến ấy dần hình thành nên nhân dạng số (digital persona) của bạn, khiến bạn có xu hướng rơi sâu vào việc nhìn tin tức nào cũng thành chia phe tranh cãi. Những thông tin tự thân (không chứa tính phân cực), dần dần và vô hình, biến mất khỏi bảng tin mạng xã hội của bạn.

Một nghiên cứu từ Đại học New York phân tích hơn 500.000 tin nhắn về các vấn đề chính trị nóng bỏng (ví dụ: biến đổi khí hậu, kiểm soát súng, LGBTQ) trên Twitter. Đối với mỗi từ mang tính cảm xúc đạo đức mà mọi người sử dụng trong tin nhắn, khả năng được người khác đăng lại tin nhắn đó cao hơn từ 15 đến 20%.

Nghiên cứu này với dữ liệu Facebook cũng chỉ ra việc bổ sung tên phe nhóm, đảng phái vào bài đăng sẽ tăng tỷ lệ bài đăng đó được chia sẻ lên 67% và tăng số lượng phản ứng “tức giận”.

Dù chưa có nghiên cứu nào khẳng định thuật toán là tác nhân chính yếu gây nên tình trạng trên, hay chúng là quy trình không thể đảo ngược, đa số khẳng định rằng mạng xã hội có vai trò nhất định. Các nhà sáng lập mạng xã hội đã có nhiều hứa hẹn chấm dứt thuật toán có tính chia rẽ, nhưng tình hình chưa được cải thiện là bao.

Từ góc độ xã hội, cơn phẫn nộ đạo đức trực tuyến này gây cản trở nghiêm trọng cho nhận thức và hành động của cộng đồng. Sự tác động của cảm xúc, hạ thấp và đơn giản hóa vấn đề thành hai mặt đúng – sai hạn chế cách tiếp cận theo hướng đa dạng góc nhìn và các phương hướng giải quyết. Người dùng ít quan tâm đến chất lượng tin tức mà chú trọng vào thang đo của sự phẫn nộ. Tất cả cản trở cộng đồng đưa ra một tầm nhìn chung, cùng phát triển trong đa dạng.

“Rã cực” (thoát khỏi tình trạng phân đôi mọi thứ) thành cái đích mà cả chính quyền, xã hội, công ty công nghệ và cá nhân hướng đến. Nhưng con đường có vẻ ngày một dài thêm trong thời đại của thuật toán gây phẫn nộ. Từ góc độ người dùng mạng xã hội, mỗi bài đăng đều có thể tác động đến nền tin tức chung của cộng đồng trực tuyến, và khi ảnh hưởng đó là tiêu cực, tác động ngược lại với mỗi cá nhân sẽ được nhân lên gấp nhiều lần.

Cuộc chiến quan điểm trên mạng xã hội đem khán giả đến cho Đào, phở và piano; nó cũng đồng thời mang đến cho người dùng một cơ hội để ngẫm nghĩ: ta có đủ tỉnh táo, để không lún quá sâu vào những cuộc tranh cãi không hồi kết trên các nền tảng online?

Theo VNEXPRESS

Vì sao loài người xuất hiện đầu tiên ở châu Phi?

Tổ tiên của chúng ta xuất hiện đầu tiên ở châu Phi, nhưng vì sao lại ở đó mà không phải nơi khác?

Người hiện đại sống ở khắp nơi trên thế giới và có bằng chứng cho thấy người đứng thẳng (Homo erectus) tổ tiên của chúng ta cũng xuất hiện đầu tiên ở châu Phi. Vậy vì sao chỉ có hậu duệ ở châu Phi của người đứng thẳng mới sinh ra người hiện đại?

Tất cả mọi người trên Trái đất đều có thể truy vết tổ tiên của mình ở châu Phi, nơi người thông minh (Homo sapien) xuất hiện ít nhất 300.000 năm trước.

Nhưng tổ tiên của chúng ta là người đứng thẳng sống ở khắp châu Phi, châu Âu và châu Á, và người heidelberg (Homo heidelbergensis) hậu duệ của người đứng thẳng cũng sống ở khắp nơi như vậy.

Người heidelberg đã sinh ra ít nhất ba tông người ở các nơi khác nhau: người Neanderthal ở lục địa Á Âu, người Denisovan ở châu Á và người hiện đại ở châu Phi.

Vậy thì vì sao người heidelberg lại sinh ra người thông minh ở châu Phi?

Nhà di truyền học dân số Brenna Henn ở Trường đại học California, Mỹ, nói rằng “đây là một câu hỏi vô cùng hóc búa” .Theo bà, để trả lời câu hỏi này, trước tiên chúng ta cần xem xét quá trình tiến hóa đầu tiên của người thông minh.

Một kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí “Thiên nhiên” vào năm 1987 đã đưa ra kết quả tập hợp tất cả DNA ty thể của người hiện đại bắt nguồn từ một quần thể dân số ở châu Phi cách đây 200.000 đến 150.000 năm.

Tuy nhiên, nhà di truyền học Henn và các nhà khoa học khác đặt vấn đề về quan điểm cho rằng chỉ có một quần thể duy nhất tạo ra người hiện đại. Khi người hiện đại bắt đầu xuất hiện, tổ tiên người thông minh của chúng ta đã sống rải rác thành hàng chục quần thể chuyên biệt trên khắp châu Phi.

Châu Phi là một lục địa rộng lớn với hệ sinh thái rất đa dạng, vì thế những quần thể này phải thích nghi để phù hợp với điều kiện cụ thể nơi họ sống.

Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí “Thiên nhiên” vào năm 2023, nhà di truyền học Henn và đồng nghiệp cho biết rất có thể đã có ít nhất hai trong số những quần thể dân cư này là tổ tiên của người thông minh.

Các nhà khoa học cho rằng mặc dù sống tách biệt trong hàng nghìn năm nhưng mỗi quần thể dân cư này vẫn hòa nhập với nhau ở một thời điểm nào đó, tạo ra một quần thể gốc chung mà cuối cùng trở thành loài người chúng ta.

Các nhà khoa học suy luận rằng, đặc điểm đa dạng sinh thái của lục địa Phi và sự pha trộn sau đó của nhiều quần thể dân cư đã khiến cho người hiện đại tiến hóa.

Giáo sư cổ nhân loại học Curtis Marean ở Viện Nguồn gốc con người, Trường đại học bang Arizona, Mỹ, nói rằng các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất ý kiến về việc liệu một quần thể hay một số ít các quần thể đã tạo ra người hiện đại.

Tuy nhiên, ông cho biết hai giả thuyết này được chấp nhận nhiều hơn so với một giả thuyết mới hơn về liên lục địa Phi.

Giả thuyết liên lục địa Phi cho rằng các tông người tiến hóa cùng một lúc trên toàn lục địa Phi. Giáo sư Marean nói “điều này không phù hợp với bất kỳ thuyết tiến hóa nào”. Ông đồng tình với ý kiến của nhà di truyền học Henn rằng diện tích rộng lớn của châu Phi rất có thể đã tạo nên tính đa dạng gene, tạo điều kiện để người hiện đại phát triển nhận thức tiên tiến và khả năng hợp tác xã hội.

Ông nói rằng càng đa dạng gene thì càng có khả năng tiến hóa lên những thứ tốt đẹp. Mặc dù lục địa Âu và lục địa Á kết hợp lại cũng có diện tích vô cùng lớn, nhưng khí hậu ấm áp hơn của lục địa Phi đã tạo điều kiện cho người thông minh.

Những giai đoạn khí hậu lạnh khắc nghiệt xuất hiện cứ 100.000 năm một lần đã làm hạn chế sự tiến hóa của các tông người ở lục địa Á – Âu, còn người thông minh châu Phi mất đi rất ít diện tích sinh sống vào cùng những thời gian đó. Với phạm vi kết nối rộng hơn, người thông minh có nhiều không gian để trở nên đa dạng và tiếp xúc với nhau nhiều hơn, tạo điều kiện để có nhiều dòng gene hơn.

“Nghiên cứu sự tiến hóa loài người là tìm hiểu về quá trình chúng ta biến đổi để trở thành như chúng ta ngày nay

Ông nhấn mạnh rằng tất cả những nhận định này mới là lý thuyết và vẫn còn nhiều điều để khám phá, chẳng hạn như (những) quần thể dân cư nào đã tiến hóa thành người hiện đại và ngôn ngữ có đóng vai trò trong sự phát triển nhận thức của người hiện đại hay không. Ông hy vọng các nghiên cứu trong tương lai sẽ trả lời cho những câu hỏi này.

Theo Khoa học TV

Có một kiểu người không bao giờ già đi, vì họ sống theo 3 cách ít ai nhận ra này

Những ai có khả năng giữ vững tâm hồn trong trẻo và ngây thơ của mình thì mới luôn trẻ trung, tràn đầy tình yêu với cuộc sống.

Trong cuộc hành trình dài của đời người, có những bước ngoặt mà tại đó, chúng ta dừng lại để suy ngẫm, đánh giá lại cuộc sống của mình.

Đạo diễn người Trung Quốc, Vương Triều Ca từng diễn giảng với lời lẽ sâu sắc: “12 năm là một chu kỳ hoàn chỉnh. Khi đến 36 tuổi, gia đình, công việc và cuộc sống dường như đã tìm được sự ổn định.

Con người cũng có thể được phân chia thành hai loại: Một là lặp lại bản thân ở tuổi 36, còn kiểu kia thì bắt đầu tìm kiếm hành trình mới cho cuộc đời.

Phần lớn mọi người ‘chết’ ở tuổi 36, không phải cái chết của thể xác, mà là cái chết của sự mệt mỏi, lo âu, im lặng, và thiếu đi lòng khao khát đối với cuộc sống”.

Quả thực, tuổi tác không nên trở thành nguyên nhân khiến tâm hồn ta khô cằn.

Có câu: “Người trưởng thành là người không mất đi tâm hồn ngây thơ của trẻ nhỏ”.

Có một kiểu người, họ chẳng bao giờ già đi.

1. Không quan trọng đã trải qua bao nhiêu mùa xuân, chỉ cần giữ tâm hồn luôn trẻ trung

Doanh nhân người Nhật, Matsushita Konosuke từng nói: “Cái gọi là thanh xuân, chính là sự trẻ trung trong tâm hồn”.

Thanh xuân không phụ thuộc vào số tuổi, mà phụ thuộc vào tâm hồn bạn. Tuổi tác chỉ là con số, còn tâm hồn ấn định tuổi trẻ của bạn. Nhiều người già đi không phải vì tuổi tác, mà là vì tâm hồn họ đã già. Chỉ cần tâm hồn bạn luôn mơ ước và tiến lên phía trước, tâm hồn bạn sẽ luôn sáng ngời.

Quan niệm về tuổi tác của bạn quyết định tuổi trẻ bạn có. Hãy nhớ rằng, dù tuổi tác có thế nào đi chăng nữa, tâm hồn luôn trẻ trung, bạn mới có thể giữ mãi thanh xuân.

2. Không quên sơ tâm, luôn tràn đầy lòng biết ơn

Việc giữ gìn một tâm hồn trẻ trung quả thật quan trọng, nhưng những người trẻ trung đó biết rằng không có gì quan trọng hơn việc làm người tốt bụng và biết ơn.

Nhà triết học người Đức, Nietzsche từng nói: “Lòng biết ơn chính là sức khỏe của tâm hồn”.

Trong tâm hồn của những người luôn giữ gìn sự trẻ trung, lòng biết ơn và tốt bụng là nền tảng của việc làm người. Nếu bạn quên mất hai điều này, bạn không chỉ mất đi danh nghĩa là một con người, mà còn mất cả khả năng giữ gìn tuổi trẻ.

Muốn giữ gìn sự trẻ trung, bạn không thể bỏ qua sơ tâm. Không quên sơ tâm, luôn giữ tâm biết ơn, đó là một niềm tin vững chắc, giúp chúng ta giữ được tâm trí tỉnh táo giữa những việc nhỏ nhặt của cuộc sống, và cũng là điều khiến bạn và tôi tỏa sáng.

Có một kiểu người không bao giờ già đi, vì họ sống theo 3 cách ít ai nhận ra này- Ảnh 2.

3. Yêu bản thân và luôn không ngừng hoàn thiện chính mình

Dù tuổi tác có thế nào, trong bất cứ việc gì, chúng ta đều phải coi trọng bản thân. Không từ bỏ việc tự hoàn thiện, bất kể tuổi tác, chúng ta đều cần chú trọng đến việc học hỏi và tiến bộ.

Có người từng nói: “Chúng ta từng khao khát được công nhận từ bên ngoài đến mức độ nào, nhưng cuối cùng mới nhận ra rằng, thế giới là của chính mình, không liên quan gì đến người khác”.

Một người chỉ khi làm được điều này, họ mới có thể trải nghiệm được vẻ đẹp chân thực của thế giới, cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống qua từng giây phút trôi qua, và sở hữu một trái tim tràn đầy sức sống và tuổi trẻ. Đây chính là quan niệm giá trị giữ gìn tuổi trẻ, cũng là bí quyết để tuổi tác không thể hiện qua nét mặt.

Có một câu nói rằng: “Đừng để tâm hồn bạn bị trói buộc quá chặt, đôi lúc hãy cho nó được thả lỏng. Hãy nói những điều bạn muốn nói, hãy đến những nơi bạn muốn đến, hãy gặp những người bạn muốn gặp, hãy làm những việc bạn muốn làm”.

Bắt đầu cảm nhận vẻ đẹp của sự trẻ trung từ bây giờ, từ chính bản thân bạn. Nếu thực hiện tốt ba điều này, bạn sẽ nhận ra mình không còn bị ràng buộc bởi thời gian và sự trôi qua của năm tháng. Tuổi trẻ không chỉ là một quãng thời gian, mà còn là một tâm thái sống.

Trong phần đời còn lại, mong rằng bạn và tôi đều có thể sở hữu một tâm hồn không già, không bị giới hạn bởi tuổi tác, để thế giới của mỗi chúng ta luôn tràn ngập sắc màu.

Trung Hạ / Phụ nữ số

Quét radar Thung lũng sông Nile, phát hiện bí mật kinh ngạc về kim tự tháp Ai Cập

Rốt cuộc, ai là ‘tác giả’ của hàng loạt kim tự tháp khổng lồ ở Ai Cập?

Những lăng mộ kim tự tháp dành cho bậc đế vương thời Ai Cập cổ đại là một trong những công trình kiến trúc nhân tạo tráng lệ nhất còn tồn tại cho đến ngày nay.

Người Ai Cập xưa đã thành công trong việc thu hút sự tò mò của vô số nhà sử học, nhà khảo cổ học và những người theo thuyết âm mưu, những người đã dành cả cuộc đời để cố gắng làm sáng tỏ bí mật về cấu trúc phức tạp và mục đích của những công trình thách thức thời gian này.

Dù trải qua nhiều thế kỷ nghiên cứu kỹ lưỡng đã mang lại những hiểu biết sâu sắc về bản chất của các kim tự tháp và người tạo ra chúng, thì vẫn còn đó vô số bí ẩn. Trong số đó có câu hỏi lớn là: Làm sao người Ai Cập có thể xây dựng được một chuỗi 31 kim tự tháp ở một khu vực khắc nghiệt thuộc sa mạc Sahara, Ai Cập ngày nay?

Bí ẩn này vừa có câu trả lời

Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Communications Earth & Environment tháng 5/2024, các nhà nghiên cứu đã sử dụng hình ảnh vệ tinh radar và dữ liệu địa vật lý để điều tra lớp dưới bề mặt và trầm tích ở Thung lũng sông Nile gần các kim tự tháp.

Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một “nhánh sông Nile lớn đã mất” mà họ đặt tên là Nhánh Ahramat (có nghĩa là “kim tự tháp” trong tiếng Ả Rập) từng chạy dọc theo vị trí hiện nay của 31 kim tự tháp.

Quét radar Thung lũng sông Nile, phát hiện bí mật kinh ngạc về kim tự tháp Ai Cập- Ảnh 1.
Nhánh sông Nile có tên Ahramat đã giúp người Ai Cập tạc nên những công trình kỳ vĩ, thách thức thời gian. Ảnh: Eman Ghoneim / Communications Earth & Environment

Các tác giả viết: “Nhánh Ahramat đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng chuỗi kim tự tháp. Nhánh sông đã mất này hoạt động như một tuyến đường thủy vận chuyển vật liệu xây dựng đến từng địa điểm xây dựng của các kim tự tháp”.

Nhánh sông Ahramat dài 63 km — có chiều rộng thay đổi từ 200 đến 700 mét — đủ lớn để mang một lượng đáng kể nước sông Nile chảy suốt hơn 4.000 năm trước trong thời kỳ Cổ và Trung Vương quốc Ai Cập.

Điều đó có nghĩa là nhánh sông đã hoạt động trong thời gian người Ai Cập xây dựng chuỗi kim tự tháp này, trong số đó có Đại kim tự tháp Giza và các kim tự tháp Khafre, Cheops, Mykerinos cùng nhiều công trình nổi bật khác như đền thờ trong thung lũng.

Sự tồn tại của nhánh sông Ahramat làm sáng tỏ lý do tại sao người Ai Cập cổ đại lại chọn khu vực đặc biệt này để xây dựng các kim tự tháp để cho các vị pharaoh yên nghỉ.

Quét radar Thung lũng sông Nile, phát hiện bí mật kinh ngạc về kim tự tháp Ai Cập- Ảnh 2.
Đoàn lạc đà đi qua kim tự tháp Khufu và Khafre vĩ đại gần Giza. Ảnh: JEWEL SAMAD/AFP QUA GETTY IMAGES.

“Nhánh sông Ahramat đã hoạt động trong khoảng thời gian 1.000 năm khi chuỗi các kim tự tháp được xây dựng, bắt đầu khoảng 4.700 năm trước trong thời kỳ Cổ Vương quốc Ai Cập và kéo dài qua nhiều triều đại” – Các tác giả viết.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng các kim tự tháp thời Trung Vương quốc Ai Cập (kéo dài từ năm 2050 TCN đến 1700 TCN) được xây dựng xa hơn về phía đông so với kim tự tháp thời Cổ Vương quốc Ai Cập (từ 2686 TCN đến năm 2181 TCN) và ở độ cao thấp hơn so với bãi bồi.

Bằng cách sử dụng các công nghệ cao, nhóm nghiên cứu có thể nhìn sâu bên dưới bề mặt cát và tìm kiếm các đặc điểm trên vùng đất cung cấp manh mối về nhánh sông đã bị chôn vùi. Khi đến hiện trường, nhóm đã khoan lõi trầm tích để xác nhận vị trí cũ của nhánh sông.

Lý giải về việc nhánh sông Ahramat biến mất, các nhà khoa học tin rằng ngay sau khi xây dựng các kim tự tháp, những trận gió lớn và bão cát liên tục trong nhiều năm đã khiến nhánh sông này bị cát sa mạc lấp kín. “Những thay đổi môi trường phức tạp và sự xâm nhập của cát từ Cao nguyên sa mạc phía Tây Sahara có thể đã dẫn đến việc nhánh Ahramat bị vùi lấp sau nhiều thiên niên kỷ”.

Theo dữ liệu mới, quần thể kim tự tháp Giza được xây dựng trên một cao nguyên có lẽ chỉ cách nhánh sông cổ này vài trăm mét.

Eman Ghoneim, tác giả chính của nghiên cứu, thuộc Đại học Bắc Carolina Wilmington (Mỹ), nói với AFP rằng người Ai Cập xưa có thể đã tạo ra một bến cảng dọc theo nhánh sông Ahramat tại Valley Temps. Bến cảng này đóng vai trò là nơi tiếp nhận nguyên vật liệu xây dựng kim tự tháp.

Chưa hết, theo nhà nghiên cứu Suzanne Onstine, thuộc Đại học Memphis (Mỹ), thì bến cảng này không chỉ cho phép vận chuyển đá nặng và vật liệu xây dựng mà còn là địa điểm quan trọng để đoàn tùy tùng tang lễ của các pharaoh tập trung lại trước khi di chuyển thi thể các vị vua vào trong các ngôi đền.

Các tác giả viết: “Phát hiện của chúng tôi đã lấp đầy lỗ hổng kiến thức rất cần thiết liên quan đến một tuyến đường thủy cổ xưa từng chảy từ sông Nile để kết nối các địa điểm kim tự tháp và liên kết chúng với các thành phố và thị trấn quan trọng ở Ai Cập cổ đại, bao gồm cả thủ đô cổ đại Memphis”.

Như vậy, không phải người ngoài hành tinh hay một thế lực bí ẩn nào đó đã tạo nên những công trình mọc lên sừng sững ở sa mạc cát cháy của Ai Cập như nhiều thuyết âm mưu đã dựng lên, mà chính là những con người nhỏ bé với trí thông minh to lớn đã tạc nên chúng.

Sông Nile hiền hòa không chỉ mang lại nguồn nước mát lành, làm tươi tốt mùa vụ mà còn giúp người Ai Cập vận chuyển hàng loạt phiến đá khổng lồ cần thiết để xây dựng các kỳ quan kiến trúc tồn tại đến tận ngày nay.

Tham khảo: PM, IGN / Cafe VN

Khoan sâu 3.200m, tìm thấy vật thể 50.000 năm tuổi ‘tiên tri’ điều nhức nhối nhất về tương lai nhân loại

Quá khứ đang dạy chúng ta bài học đắt giá!

Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS), các nhà khoa học từ Đại học Bang Oregon đã xác định tốc độ tăng CO2 tự nhiên trên Trái đất hiện tại đang nhanh nhất trong 50.000 năm qua.

Để làm được điều này, nhóm nghiên cứu đã khai thác các bong bóng không khí bị mắc kẹt trong lõi băng tại Thềm băng Tây Nam Cực (WAIS). Về cơ bản, đây là nơi ghi lại nhiệt độ tương đối ổn định trong Thế Holocen giữa (Holocen là một thế địa chất bắt đầu vào khoảng 11.700 năm trước và còn tiếp tục đến ngày nay).

Khoan sâu 3.200m, tìm thấy vật thể 50.000 năm tuổi 'tiên tri' điều nhức nhối nhất về tương lai nhân loại- Ảnh 1.
Một lát cắt từ lõi băng ở WAIS. Ảnh: Katherine Stelling, Đại học Bang Oregon, Mỹ

Nhóm nghiên cứu đã phải khoan sâu khoảng 3.200 mét để có đủ lượng băng cổ có niên đại khoảng 50.000 năm về trước. Các nhà nghiên cứu sau đó tìm kiếm các hóa chất bị mắc kẹt trong lớp băng cũ để tìm hiểu về khí hậu trong quá khứ.

Sau khi tiến hành phân tích hóa học sâu rộng, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra mức độ CO2 đang gia tăng hiện nay gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu hiện tại của chúng ta cực đoan và khác thường như thế nào so với phần còn lại của lịch sử địa chất gần đây của Trái đất.

CO2 đang tăng kỷ lục

Cụ thể, tốc độ tăng CO2 trong khí quyển ngày nay nhanh hơn 10 lần so với bất kỳ thời điểm nào khác trong 50.000 năm qua, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra thông qua phân tích hóa học chi tiết về băng Nam Cực cổ đại.

“Nghiên cứu về quá khứ dạy cho chúng ta biết ngày nay đang khác biệt như thế nào. Tốc độ thay đổi CO2 hiện tại thực sự là chưa từng có. Tốc độ tăng CO2 tự nhiên trong thế kỷ này đang diễn ra nhanh nhất trong lịch sử từng được quan sát, phần lớn là do khí thải của con người” – Kathleen Wendt, trợ lý giáo sư tại Trường Khoa học Trái đất, Đại dương và Khí quyển của Đại học bang Oregon, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Carbon dioxide, hay CO2, là một loại khí nhà kính xuất hiện tự nhiên trong khí quyển. Khi CO2 đi vào khí quyển, nó góp phần làm khí hậu nóng lên do hiệu ứng nhà kính. Trong quá khứ, mức độ này đã dao động do chu kỳ kỷ băng hà và các nguyên nhân tự nhiên khác, nhưng ngày nay chúng đang tăng lên do khí thải của con người.

Theo báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), lượng phát thải CO2 liên quan đến năng lượng toàn cầu đã tăng 1,1% vào năm 2023, để đạt mức cao kỷ lục mới là 37,4 tỷ tấn CO2. Trong đó, khí thải từ than đá chiếm hơn 65% mức tăng trong năm 2023.

Khoan sâu 3.200m, tìm thấy vật thể 50.000 năm tuổi 'tiên tri' điều nhức nhối nhất về tương lai nhân loại- Ảnh 2.
CO2 là khí nhà kính chính do con người phát thải trong quá trình sản xuất, sinh hoạt, giao thông. Ảnh minh họa: Chris Leboutillier/Pexels

Sử dụng các mẫu từ lõi băng ở Thềm băng Tây Nam Cực, Kathleen Wendt và các đồng nghiệp đã điều tra những gì đang xảy ra trong Kỷ băng hà cuối cùng. Họ đã xác định được một mô hình cho thấy lượng CO2 tăng vọt này xảy ra cùng với các đợt lạnh ở Bắc Đại Tây Dương được gọi là Sự kiện Heinrich có liên quan đến sự thay đổi khí hậu đột ngột trên khắp thế giới.

‘Bức tranh tương lai’ đáng sợ

Thông thường—tức là khi con người không phát thải khí nhà kính ồ ạt từ những hoạt động sản xuất, giao thông, nông nghiệp… —Trái đất sẽ trải qua sự gia tăng định kỳ nồng độ CO2 do một hiệu ứng được gọi là Sự kiện Heinrich.

Được đặt theo tên nhà địa chất biển người Đức Hartmut Heinrich, những sự kiện này trùng hợp với một đợt giá lạnh ở Bắc Đại Tây Dương do các tảng băng trôi vỡ ra từ dải băng Laurentide. Điều này gây ra một loại phản ứng dây chuyền dẫn đến sự thay đổi các kiểu khí hậu toàn cầu.

Khoan sâu 3.200m, tìm thấy vật thể 50.000 năm tuổi 'tiên tri' điều nhức nhối nhất về tương lai nhân loại- Ảnh 3.
Cảnh chạy lụt khổ sở của một gia đình bị dòng nước lũ tàn phá khu vực Githurai ở Nairobi, Kenya, ngày 24/4/2024. Ảnh: AP Photo/Patrick Ngugi

Christo Buizert, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết trong một thông cáo báo chí: “Chúng tôi nghĩ rằng Sự kiện Heinrich là do sự sụp đổ nghiêm trọng của dải băng ở Bắc Mỹ. Điều này tạo ra một phản ứng dây chuyền bao gồm những thay đổi đối với gió mùa nhiệt đới, gió tây Nam bán cầu và những lượng CO2 lớn thoát ra từ các đại dương.”

Trong thời kỳ gia tăng tự nhiên lớn nhất, CO2 đã tăng khoảng 14 phần triệu trong 55 năm. Và những bước nhảy xảy ra khoảng 7.000 năm một lần. Với tốc độ hiện nay, mức độ gia tăng đó chỉ mất từ 5 đến 6 năm.

Nghiên cứu khác cho rằng gió tây Nam bán cầu này sẽ mạnh hơn trong thế kỷ tới do biến đổi khí hậu. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, nếu điều đó xảy ra, nó sẽ làm giảm khả năng hấp thụ CO2 do con người tạo ra của Nam Đại Dương.

Khi đó, hành tinh này sẽ tràn ngập CO2 – một trong những loại khí nhà kính mạnh gây nóng lên toàn cầu. Hậu quả của việc này sẽ rất nghiêm trọng. Đơn cử, Trái đất sẽ diễn ra nhiều đợt nắng nóng hơn nữa với tần suất và cường độ mạnh; nhiệt độ tăng cũng khiến băng tan mạnh gây mực nước biển dâng, bão lũ sẽ xảy ra thường xuyên kèm theo đó là hạn hán, lũ lụt khắp nơi…

Trong báo cáo Số người chết vì thiên tai trên toàn cầu 2000-2023 của Statista, chỉ riêng năm 2023 có khoảng 95.000 trường hợp tử vong được báo cáo do thiên tai trên toàn thế giới. Đây là con số cao kỷ lục kể từ năm 2010. Tổng thiệt hại kinh tế do thiên tai trên toàn thế giới gây ra năm 2023 lên tới 380 tỷ USD.

Khi biến đổi khí hậu làm tăng rủi ro xảy ra nhiều hiện tượng cực đoan nhiều hơn thì nỗi đau mất mát về con người và vật chất vẫn khiến thế giới nhức nhối.

Tham khảo: Eurekalert, PM, Statista / Trang Ly- Đời sống & Pháp luật