Giới ‘quý tộc đỏ’ Trung Quốc đã bị thanh trừng như thế nào?

Các quý tộc đỏ của Trung Quốc Cộng sản hiện đại cư xử rất giống với các quý tộc máu xanh của thế giới phương Tây thời trung cổ. Nhóm ưu tú này khác biệt bởi dòng máu di truyền: họ bao gồm hậu duệ của những nhà cách mạng đã chiến đấu bên cạnh Mao Trạch Đông và con cái của các lãnh đạo Trung Quốc sau khi Đảng Cộng sản lên tiếp quản vào năm 1949. Vì địa vị xã hội cao của họ, những quý tộc đỏ này đôi khi được gọi là “thái tử” — được hưởng đặc quyền tiếp cận và ảnh hưởng trong mọi khía cạnh của xã hội Trung Quốc. Nhận thức về địa vị của mình đôi khi có thể khiến họ có ý thức về nghĩa vụ quý tộc.

Đây là một nhóm cực kỳ độc quyền – và đại diện tiêu biểu nhất của nó chính là Tập Cận Bình, tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và chủ tịch nước. Là con trai của Tập Trọng Huân, một thành viên trong thế hệ những người sát cánh với Mao, ông Tập bị tách biệt khỏi xã hội bình thường ngay từ khi sinh ra: rất có thể ông được sinh ra trong khu đặc biệt của một bệnh viện ở Bắc Kinh dành riêng cho hàng ngũ lãnh đạo Đảng. Ông lớn lên trong một khu nhà dành riêng cho các nhân vật cấp cao trong đảng. Ông được nhận vào Đại học Thanh Hoa không phải vì thành tích mà vì lý lịch của mình.

Ông Tập bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình ở vị trí thư ký cho một lãnh đạo trong Quân ủy Trung ương, một vị trí mơ ước đối với một người chưa thể hiện được tài năng và năng lực gì. Ông sau đó tiếp tục được Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị chu đáo, một lần nữa vì huyết thống của mình, và thăng tiến đều đặn trong hàng ngũ của Đảng. “Quyền lực phải được trao lại cho con cháu chúng ta; nếu không, sau này mồ của chúng ta sẽ bị đào lên,” cựu phó thủ tướng Trần Vân từng nói với Đặng Tiểu Bình sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Ông Tập được ưu tiên trên con đường sự nghiệp của mình, và cứ hai hoặc ba năm lại được thăng chức một lần – trong suốt khoảng thời gian 30 năm. Đối với một cán bộ bình thường, nếu được thăng chức mỗi 5 năm đã là may mắn lắm rồi.

Trên con đường ông Tập tiến lên vai trò lãnh đạo cao nhất của Đảng, nhóm quý tộc đỏ là chỗ dựa vững chắc nhất cho ông. Tuy nhiên, mối quan hệ trở nên phức tạp sau khi ông lên nắm quyền vào năm 2012, và với những nỗ lực sau đó nhằm củng cố quyền kiểm soát.

Trong quá khứ, đã có sự chia sẻ quyền lực ngầm giữa các gia tộc đỏ nổi tiếng. Điều này cho phép một số người gây ảnh hưởng chính trị mạnh mẽ lên một số tỉnh, một số ngành công nghiệp chính, hay thậm chí là cả hai. Chẳng hạn, người ta hiểu rõ trong một số bộ phận nhất định của xã hội Trung Quốc rằng gia đình Diệp Kiếm Anh “sở hữu” Quảng Đông, gia đình Vương Chấn “kiểm soát” Tân Cương, và gia đình Lý Bằng nắm quyền kiểm soát ngành điện lực. Sự sắp xếp độc quyền này đã mang lại lợi nhuận tài chính khổng lồ cho một số gia tộc.

Ông Tập vốn coi các gia đình danh giá khác là mối đe dọa tiềm tàng đối với nền cai trị độc tài của ông. Bạn có thể lập luận rằng chỉ có giới quý tộc đỏ, với nguồn lực và quyền lợi huyết thống của mình, mới đủ sức cùng nhau dựng nên một cuộc chiến để lật đổ ông Tập.

Đáp lại, ông Tập đã xử lý nghiêm khắc các quý tộc đỏ đã thể hiện sự phản đối hoặc lên tiếng chỉ trích ông – trong số đó có Bạc Hy Lai, cựu Ủy viên Bộ Chính trị và bí thư đảng ủy Trùng Khánh, người bị bỏ tù vì tham vọng chính trị của mình; và Nhậm Chí Cường, cựu giám đốc một công ty bất động sản nhà nước, người đang thụ án 18 năm tù vì công khai chỉ trích ông Tập, chẳng hạn như gọi ông là “thằng hề không mặc quần áo.” Ông Tập cũng đã “khuyến khích” các quý tộc đỏ khác rút lui khỏi vai trò lãnh đạo cấp cao trong Quân đội Giải phóng Nhân dân.

Trung Quốc có một lịch sử lâu dài về việc các hoàng đế dùng quan lại từ giai cấp nông dân để cân bằng với quan lại từ tầng lớp quý tộc. Ông Tập cũng vậy. Để tăng cường hơn nữa sự kiểm soát của mình và tiếp tục nới lỏng quyền lực chính trị lâu dài của tầng lớp quý tộc đỏ, ông đã liên tục nâng các quan chức từ bên ngoài dòng máu đỏ lên các chức năng quyền lực trung tâm của Đảng. Trong cơ cấu hiện tại của Ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm bảy thành viên, không một người nào có thể được coi là có dòng dõi quý tộc đỏ. Điều này chưa bao giờ xảy ra trước đây.

Ngoài việc mất đi đặc quyền chính trị, giới quý tộc đỏ còn phải chịu những tổn thất kinh tế đáng kể dưới thời ông Tập. Với tư cách là những chủ sở hữu tài sản lớn của Trung Quốc, giới quý tộc đỏ đã phải gánh chịu một phần thiệt hại nặng nề của chứng khoán Trung Quốc trong những năm gần đây.

Của cải mà các gia tộc đỏ tích lũy được trong những thập niên gần đây, cả trong và ngoài nước, là một phần quan trọng trong quyền lực của họ. Tiền bạc để ở nước ngoài cũng là bảo hiểm cho họ nếu mọi việc không suôn sẻ ở Trung Quốc. Vì vậy, cách ông Tập chọn xử lý những tài sản đó – và mức độ mà ông sẵn sàng tịch thu chúng để giữ cho các quý tộc đỏ phải phục tùng – có tầm quan trọng rất lớn đối với họ.

Việc tịch thu tài sản như một cách để hạ bệ những nhân vật có quyền lực chính trị hoặc có ảnh hưởng về mặt tài chính đã được sử dụng trong suốt lịch sử Trung Quốc, kể cả bởi ĐCSTQ kể từ khi lên nắm quyền vào năm 1949. Ông Tập đã nhắm tới một số tỷ phú đỏ. Một trường hợp điển hình gần đây là sự sụp đổ của Ngô Tiểu Huy, nhà sáng lập Tập đoàn Bảo hiểm Anbang và là cháu rể của Đặng Tiểu Bình. Hồi năm 2018, ông này đã bị kết án 18 năm tù và bị tước toàn bộ cổ phần trong công ty do mình thành lập.

Hơn nữa, những hạn chế đã được đặt ra đối với việc tạo ra của cải mới của giới quý tộc đỏ. Ví dụ, việc Ant Group của Alibaba hủy bỏ đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào phút chót hồi năm 2020 đã ngăn cản nhiều gia đình đỏ kiếm tiền từ cổ phần của họ. Có tin đồn rằng lệnh hủy bỏ đến từ cấp cao nhất của chính quyền.

Mạng lưới ảnh hưởng của giới quý tộc đỏ, trải dài khắp bộ máy quan liêu, lực lượng vũ trang, và doanh nghiệp, đã bị xoay vòng suốt bảy thập niên kể từ khi ĐCSTQ tiếp quản Trung Quốc. Họ tiếp tục được hưởng các đặc quyền — bao gồm quyền tham gia vào các cuộc tụ họp có chủ đề chính trị — và vẫn là một nhóm gắn kết và có ảnh hưởng. Nhưng quyền lực của họ đã bị một người trong số họ làm suy yếu. Sau một thập niên quyền lực được tập trung thông qua chiến dịch “chống tham nhũng” của ông Tập, các gia tộc giờ đây không còn đủ mạnh để gây ra mối đe dọa chính trị nghiêm trọng cho ông. Thời hoàng kim của họ đã qua.

Nguồn: “Desmond Shum on how Xi Jinping beat down China’s red aristocrats”, The Economist, 24/04/2024. / Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Desmond Shum là tác giả của cuốn “Red Roulette: An Insider’s Story of Wealth, Power, Corruption and Vengeance in Today’s China” (2021).

Vài nhận định về vấn đề định vị của ông Tập Cận Bình và ĐCSTQ

Rất nhiều sự kiện trọng đại xảy ra ở Trung Quốc khiến người dân Trung Quốc và giới quan sát sửng sốt đều mang đậm dấu ấn cá nhân của ông Tập, xảy ra nhanh, khó lường, không lộ trình, không giải trình và bất chấp hậu quả.

Từ khi ông Tập trở thành Tổng Bí Thư ĐCSTQ năm 2012, Trung Quốc liên tiếp gây hấn với thế giới, từ Mỹ, châu Âu tới các quốc gia láng giềng…
Trải qua hai nhiệm kỳ và hiện đang ở nhiệm kỳ thứ 3, trong hơn 10 năm là Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Tập Cận Bình ngày càng khiến cộng đồng quốc tế, người dân Trung Quốc và giới quan sát lo ngại trước các chính sách đối nội và đối ngoại của ông. Bài viết này chia sẻ một góc tiếp cận chính sách của ông Tập từ lăng kính định vị của Tập Cận Bình trong dòng chảy của thời đại và trong quan hệ đối ngoại đối nội.

1. Định vị Trung Quốc trong dòng chảy thời đại

Thời gian gần đây, giới quan sát Trung Quốc trong và ngoài nước nhận định, ông Tập Cận Bình có xu hướng quay đầu xe đưa Trung Quốc quay trở về thời đại Mao Trạch Đông và từng bước đóng cửa đất nước với thế giới.

Nhìn về quá khứ, vào thời kỳ tiền hiện đại khi giao thông chưa phát triển, các quốc gia trên thế giới tồn tại tương đối biệt lập với nhau, thi thoảng có giao lưu kết nối như qua Con Đường Tơ Lụa. Nhưng sau khi giao thông phát triển, cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh kéo theo sự phát triển của ngành đường sắt, đặc biệt ngành hàng hải với các phát kiến địa lý của các nhà thám hiểm như Vasco da Gama, Christopher Columbus, Fedinand Magellan v.v… đã khởi nguồn cho các cuộc chiến tranh khai thác thuộc địa.

Nhiều quốc gia nghèo lạc hậu ở châu Á, trong đó có Việt Nam, bị các quốc gia phương Tây giàu mạnh xâm lược và trở thành thuộc địa. Trung Quốc, do diện tích quá lớn, không thuộc địa hóa hoàn toàn mà bị nhiều quốc gia phương Tây đến xâm chiếm, chia cắt đất nước.

Ban đầu thương nhân Anh muốn giao thương với Trung Quốc, nhưng triều đình Mãn Thanh cự tuyệt và đóng cửa đất nước, nên năm 1840 nổ ra cuộc chiến tranh Nha phiến. Từ đó đến năm 1949, Trung Quốc luôn trong tình trạng bị ngoại bang xâm chiếm lãnh thổ và chiến tranh liên miên. Sau này, Trung Hoa Dân Quốc và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đàm phán thành công xoá bỏ các Điều ước bất bình đẳng mà triều Mãn Thanh ký kết với các quốc gia phương Tây cũng là nhờ phong trào phi thực dân hóa trên thế giới.

Cuộc kháng chiến chống Nhật (1931-1945), hai đội quân hùng hậu của Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông giao chiến với quân Nhật 14 năm không thể đánh đuổi quân Nhật ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc. Chỉ đến năm 1945, Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, Liên Xô đưa quân vào đánh quân Nhật mới rút khỏi Trung Quốc. Sau khi quân Nhật rút, Trung Quốc rơi vào nội chiến giữa quân đội Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch và quân đội Đảng Cộng Sản của Mao Trạch Đông. Thời điểm đó, quân đội của Tưởng mạnh và tinh nhuệ hơn quân của Mao nhiều lần, vũ khí hiện đại hơn. Nhưng cuối cùng năm 1949 Mao và ĐCSTQ đã chiến thắng thành lập nên nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa ở Đại Lục. Tưởng cùng quân đội, nội các và những người trung thành phải chạy sang Đài Loan. Mao và ĐCSTQ chiến thắng Tưởng vì nhận được cảm tình của người dân Trung Quốc và cộng đồng quốc tế.

Công cuộc cải cách mở cửa năm 1978 giúp nền kinh tế Trung Quốc phát triển thần kỳ cũng bởi Trung Quốc thực hiện chính sách mở cửa với thế giới, hợp tác kinh tế với các quốc gia, đặc biệt sau khi Trung Quốc gia nhập WTO.

Điểm qua các sự kiện lịch sử nổi bật ở Trung Quốc từ cuối thế kỷ 19 đến nay có thể thấy, tất cả những gì xảy ra trên lãnh thổ Trung Quốc đều gắn chặt với các trào lưu xu thế của thế giới, không thể tách rời dòng chảy chung của thời đại. Vì vậy, hiện nay trong khi cả thế giới đang phát triển như vũ bão hướng về tương lai, ông Tập muốn quay đầu xe đưa Trung Quốc quay trở về thời Mao Trạch Đông và đóng cửa đất nước là điều bất khả thi.

2. Định vị vị thế của Trung Quốc trên thế giới

Từ khi ông Tập trở thành Tổng Bí Thư (TBT) ĐCSTQ năm 2012, Trung Quốc liên tiếp gây hấn với thế giới, từ Mỹ, châu Âu tới các quốc gia láng giềng, hành xử ngỗ ngược ở biển Đông, phản bội cam kết trong vấn đề Hong Kong, cứng rắn trong vấn đề Đài Loan v.v… Trung Quốc nay dọa trừng phạt nước này, mai cấm nước kia, hung hăng với chính sách ngoại giao chiến lang.

Đại dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, nhưng cho đến nay ông Tập Cận Bình và ĐCSTQ vẫn từ chối hợp tác với các tổ chức quốc tế, các quốc gia trong việc truy tìm nguồn gốc của Corona virus.

Trung Quốc đúng là quốc gia lớn mạnh, nhưng vẫn còn nhỏ bé so với phần còn lại của thế giới. Thế giới cần Trung Quốc và thị trường khổng lồ đầy tiềm năng hơn tỷ dân. Ngược lại, Trung Quốc cũng cần thế giới, cần đơn hàng từ Mỹ và châu Âu, cần công nghệ của phương Tây.

3. Định vị vai trò của ông Tập Cận Bình và ĐCSTQ với người dân TQ

Ông Tập Cận Bình quản trị quốc gia theo mô hình gia trưởng. Cả đất nước Trung Quốc là một gia tộc lớn, ông Tập là trưởng tộc với quyền lực tuyệt đối trong tay. Ông Tập “đập bàn” là một tập đoàn tư nhân điêu đứng, như trường hợp Jack Ma và tập đoàn Alibaba. Gần như sau một đêm cả hệ thống giáo dục tư nhân dạy thêm sụp đổ khiến nhiều người mất việc làm.

Rất nhiều sự kiện trọng đại xảy ra ở Trung Quốc khiến người dân Trung Quốc và giới quan sát sửng sốt đều mang đậm dấu ấn cá nhân của ông Tập, xảy ra nhanh, khó lường, không lộ trình, không giải trình và bất chấp hậu quả.

Chính sách “Zero Covid” đóng cửa cả đất nước trong 3 năm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân và nền kinh tế đất nước. Không ai có thể lý giải vì sao ông Tập làm như vậy trong khi cả thế giới đã mở cửa hoạt động trở lại bình thường. Khi đó tác giả bài viết này từng nhận định, sau Đại Hội 20 của ĐCSTQ, ông Tập tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3, vị trí được củng cố vững chắc, ông Tập sẽ chấm dứt chính sách Zero Covid, mở cửa đất nước. Không ngoài dự đoán, sau Đại Hội 20, Trung Quốc chấm dứt phong tỏa đất nước và Coronavirus cũng biết mất.

Bộ máy nhà nước không tạo ra của cải, chính xã hội và từng người dân là chủ thể tạo ra nguồn lực kinh tế của đất nước. Chính quyền chỉ đại diện cho người dân điều tiết các nguồn lực quốc gia, xây dựng ngôi nhà chung an toàn, giàu đẹp để người dân có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Vì vậy, quan hệ giữa chính quyền và người dân cũng là quan hệ hợp tác, nếu chính quyền không làm tốt nhiệm vụ của mình, người dân sẽ không hợp tác.

Hiện nay chúng ta đang thảo luận về khủng hoảng kinh tế Trung Quốc ở tầng quản trị quốc gia. Tiền và tài sản trong dân vẫn còn đó, rất nhiều, những bộ óc tuyệt vời còn đó, rất nhiều. Có lẽ hiện nay họ không hợp tác. Trung Quốc có câu: “上有政策,下有对策” (trên có chính sách, dưới có đối sách). Ngay sau khi ông Tập Cận Bình lên làm lãnh đạo Trung Quốc năm 2012, đã có làn sóng giới siêu giàu tháo chạy khỏi Trung Quốc, ví dụ như ông Li Jiacheng (李嘉诚), vợ chồng ông Pan Shiyi (潘石屹) v.v…, sau này là tầng lớp trung lưu.

Hiện nay ở trong nước, người lao động thu nhập thấp, nhóm yếu thế trong xã hội thể hiện sự tuyệt vọng của họ qua phong trào “nằm ngửa” (平躺). Nhiều nhà máy, công ty, cửa hàng, trung tâm thương mại ở các thành phố lớn như Thượng Hải, Quảng Châu, Thành Đô, Vũ Hán v.v… đóng cửa hàng loạt. Họ kinh doanh thua lỗ do giảm đơn hàng từ Mỹ, châu Âu, sức mua của người dân giảm, chính sách của chính phủ thay đổi liên tục, nhiều loại thuế phí v.v…

Người làm của cải biết phải làm sao bảo vệ tải sản của mình bằng nhiều cách khác nhau.

Ngô Tuyết Lan (*) / VOA

(*) Tác giả là nhà quan sát Trung Quốc đương đại, nhà nghiên cứu văn hoá và lịch sử cận hiện đại Trung Quốc, từng tu nghiệp tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh.

Cao nguyên Bắc Hà, chiêm ngưỡng vẻ đẹp mỗi năm chỉ xuất hiện 1 lần

Hoa mận phủ trắng cao nguyên Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) đang thu hút nhiều du khách ghé thăm.

Mùa hoa mận ở cao nguyên Bắc Hà, Lào Cai nở rộ nhất vào đầu tháng 2 kéo dài chừng 4 tuần. Thời gian này, khắp các xã Bản Phố, Tà Chải, Na Hối, Lầu Thí Ngài… phủ một sắc trắng tinh khôi. Đây cũng là mùa du khách từ khắp nơi đổ về cao nguyên Bắc Hà ngắm hoa.

Cứ vào dịp tháng 2, cao nguyên Bắc Hà lại khoác lên mình một mào trắng tinh khôi của bạt ngàn hoa mận.

Sắc trắng phủ kín các thung lũng Bắc Hà. Ảnh: Phạm Ngọc Bằng

Những mái nhà đơn sơ thấp thoáng ẩn hiện giữa những “rừng” hoa mận. Ảnh: Phạm Ngọc Bằng

Du khách từ khắp nơi đổ về chiêm ngưỡng vẻ đẹp mỗi năm chỉ xuất hiện 1 lần ở cao nguyên Bắc Hà. Ảnh: Phạm Ngọc Bằng

Những vườn hoa cải vàng mướt mát càng nổi bật giữa sắc trắng của hoa mận. Ảnh: Phạm Ngọc Bằng

Trang phục với màu đỏ chủ đạo của phụ nữ Mông bản địa càng nổi bật giữa bạt ngàn sắc trắng của hoa mận. Ảnh: Phạm Ngọc Bằng

Một gia đình người Mông đi giữa vườn hoa mận bung nở khiến không gian vô cùng thanh bình. Ảnh: Phạm Ngọc Bằng

Bé gái người Mông hồn nhiên bên những cành mận nở trắng hoa. Ảnh: Phạm Ngọc Bằng

Mùa hoa mận Bắc Hà đã trở thành một trong những điểm du lịch thưởng hoa độc đáo, rất nhiều những bạn trẻ tìm về, để có thể chụp cho mình những bức ảnh lung linh bên cạnh loài hoa sắc thắm này mỗi độ xuân sang. Ảnh: Phạm Ngọc Bằng

Mùa hoa mận ở Bắc Hà gắn liền với hình ảnh những cô gái trẻ vùng cao nổi bật trong trang phục rực rỡ rảo bước qua những khu vườn “nhuộm” một màu trắng tinh khôi. Ảnh: Phạm Ngọc Bằng

Rất nhiều du khách từ khắp nơi đổ về Bắc Hà vào mỗi mùa hoa mận để được chiêm ngưỡng, đắm mình trong không gian tưởng như chỉ có trong cổ tích. Hiện Bắc Hà đã và đang phát triển du lịch gắn với thiên nhiên. Tại các bản làng, đồng bào các dân tộc làm dịch vụ homestay để đáp ứng nhu cầu nghỉ chân của du khách khi đến khám phá vẻ đẹp mùa hoa mận. Những homestay được thiết kế ngay tại nhà ở của cư dân bản địa. Ngay tại những homestay này, du khách sẽ có cơ hội vừa ngắm hoa mận, vừa thưởng thức những đặc sản mang đậm tính địa phương như thắng cố, xôi ngũ sắc, cá nướng, vịt bầu lam, lợn bản, măng rừng… Ảnh: Phạm Ngọc Bằng / Viet nam Net

Truyện ngắn : Ăn phàm nói “tợn”

Khi chồng đi làm về đến nhà, vừa thấy anh bước chân qua cửa, cô đã ngán ngẩm, thở dài thườn thượt. Rồi cô căng thẳng nhìn về hướng chồng và đột nhiên ngỏ ý muốn ly hôn.

– Cái gì? Em muốn ly hôn sao? Bộ em bị điên hay sao mà nói vậy? Thế tóm lại ý của em là gì? Hay vì do anh nghèo hèn, anh kém tài? Hay vì do tính cách anh bốc đồng ngang ngược, không chịu luồn cúi ai nên em mới như vậy? Nhưng em cũng hiểu đó là con người của anh cơ mà? – Anh chồng liến thoắng một hồi không ngớt.

Ăn phàm nói “tợn” -0
Minh họa Lê Tâm

Cô vợ hạ giọng nói:

– Không phải như vậy đâu anh à. Em…

Anh chồng chặn họng ngay không để vợ nói thêm:

– Phải rồi, tôi hiểu rồi. Tại vì tôi ít tới nhà thăm hỏi bố mẹ cô. Gia đình nhà cô địa vị rất cao lại giàu có, tôi nhất định không bao giờ nịnh bợ, tâng bốc để nhờ cậy họ đâu. Tôi muốn dựa vào chính khả năng của bản thân. Mà kể ra gia đình bố mẹ cô chấp nhận thằng con rể như tôi là vì điểm này cơ mà, cô quên rồi sao? Cuộc sống cần phải tự lập, không nên dựa dẫm vào người khác.

Cô vợ vẫn kiên nhẫn:

– Cũng không phải như vậy. Là…

Anh chồng lại nói liên hồi như súng máy:

– Hay lý do cô muốn ly hôn là tại vì chúng ta chưa có con? Tôi nói cho cô biết, chưa có con có thể tạm thời cảm thấy trống vắng. Thế nhưng cuộc sống vợ chồng không vì vậy mà trở nên vô nghĩa.

Cô vợ nói:

– Không có con em cũng không cảm thấy trống vắng.

– Thế rốt cuộc là vì lý do gì? À, tôi biết rồi, là vì tôi không cho cô uống rượu cùng? Rượu là thứ không tốt cho sức khỏe. Tôi vì đối tác, công việc, bất đắc dĩ lắm  mới phải uống. Tôi vì thương cô nên mới cấm tiệt cô uống rượu, để cô được khỏe mạnh. Dựa vào rượu để giải sầu là việc làm không tốt, cô hiểu không?

– Từ trước giờ em không thích uống rượu.

Mới chỉ để vợ nói dứt câu, anh chồng tiếp tục:

– Cô có tình nhân? Nhưng cô nghĩ mà xem, chẳng phải cô yêu tôi mới kết hôn với tôi hay sao? Tình nhân của cô hơn tôi ở điểm gì cơ chứ? Nhưng thôi, điều đó chẳng quan trọng nữa, có lẽ từ lâu cô đã chán tôi rồi. Ký giấy ly hôn thì nhanh lắm, cô muốn đi tìm người đàn ông khác chứ gì?

Cô vợ chen ngang vào được một câu:

– Em không muốn đi tìm người đàn ông khác.

– Vậy thì em đã chán ghét cuộc sống này? Anh có thể hiểu được. Anh cũng có thời gian gặp phải tình trạng này. Thế nhưng em à, mình phải lạc quan lên và hướng tới tương lai. Tuy mệt mỏi vì có những điều không được như mong muốn, nhưng cuộc sống vẫn còn rất dài, chúng ta vẫn còn thời gian. Em thấy có đúng không?

– Em không hề chán ghét cuộc sống, chỉ là có một chuyện mà thế nào em cũng không thể chịu nổi.

– Như thế chỉ cần giải quyết vấn đề đó là được. Em nói đi, rốt cuộc thì chuyện đó là gì?

– Đó chính là cái bệnh ăn phàm nói “tợn” của anh. Đụng một cái là chặn họng người khác, chỉ chăm chăm giáo huấn không ngừng là giỏi. Nghe xong, anh chồng mắt trợn ngược lên, mồm há hốc, không nói thêm được câu nào.

Nghiêm Hiếu (dịch) / Truyện vui của Lương Dật Thám (Trung Quốc)

4 triệu chứng sau khi uống nước là “lời cầu cứu” từ thận của bạn

Uống nước là việc chúng ta làm hàng ngày rất nhiều lần, và chỉ cần để ý một chút khi làm, bạn có thể biết được sức khỏe của thận.

Thận là “máy lọc nước” của cơ thể con người, xử lý và thải ra một số chất thải trao đổi chất do cơ thể con người tạo ra; nó còn có thể duy trì sự cân bằng của chất lỏng và chất điện giải trong cơ thể, đồng thời còn có một số chức năng nội tiết…

Là một cơ quan quan trọng như vậy, nhưng thận lại “khá kín tiếng”, bị thương cũng có thể không đau, ngứa hoặc không có triệu chứng gì. Điều này tạo điều kiện cho các bệnh thận mãn tính ở giai đoạn đầu diễn ra âm thầm, khó phát hiện.

Tuy nhiên, có một số biểu hiện nhỏ khi uống nước sẽ nói cho bạn biết thận đang gặp vấn đề, đừng bỏ qua chúng.

4 triệu chứng sau khi uống nước là

1. Xuất hiện tình trạng phù

Thận chịu trách nhiệm chuyển hóa nước và chất lỏng. Khi thận không tốt, sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể dễ bị bất thường, dẫn đến phù nề.

Bạn phải đặc biệt cẩn thận khi bị phù nề ở mặt và tay chân.

2. Tăng tiểu đêm

Theo các bác sĩ, người lớn bình thường đi tiểu 0 đến 1 lần vào ban đêm và lượng nước tiểu chỉ bằng khoảng 1/3 đến 1/2 số nước tiểu ở mỗi lần tiểu trong ngày. Khi số lần đi tiểu vượt quá 2 lần, hoặc lượng nước tiểu về đêm vượt quá 500ml và kéo dài nhiều ngày thì bạn nên cảnh giác.

Tổn thương thận do tăng huyết áp, viêm thận kẽ mãn tính, tổn thương thận do thuốc, tổn thương thận liên quan đến bệnh miễn dịch hoặc chuyển hóa và bệnh thận giai đoạn cuối đều là những bệnh thận phổ biến gây tăng tiểu đêm.

3. Nước tiểu có bọt

Bọt sinh lý thường biến mất trong vòng 1 phút. Trên lâm sàng, nước tiểu có bọt biến mất trong vòng 5 phút thường được coi là bình thường.

Nước tiểu có bọt bệnh lý có đặc điểm là bọt dày đặc, nhiều, lâu không tan.

4. Huyết áp cao

Hệ tim mạch của con người giống như một hệ tuần hoàn nước, tim giống như một cái máy bơm nước, liên tục đưa máu đi khắp cơ thể; thận giống như máy thoát nước của cơ thể con người, điều chỉnh và thay đổi lượng máu tuần hoàn và thể tích cơ thể, ổn định huyết áp và cân bằng môi trường bên trong.

Nếu thận không tốt, nước uống vào không thể đào thải ra ngoài, nước sẽ bị giữ lại và tích tụ trong mạch máu, dẫn đến huyết áp tăng cao.

Ngoài các triệu chứng trên, ngứa da, thiếu máu, nhức đầu, mệt mỏi, giảm trí nhớ, ngủ kém, chán ăn… cũng có thể do bệnh thận gây ra và cần phải cảnh giác.

Nguy cơ suy thận tăng vào mùa hè

Khoảng 1,2 lít máu chảy qua cơ thể mỗi phút đến thận để “lọc”, nơi rác thải, chất độc… được lọc ra và chuyển hóa. Nếu tiếp tục sử dụng mà không có lượng nước bổ sung liên tục tương đương với việc thận “cháy khô”, nguy cơ gặp vấn đề về thận tăng. Nổi bật là:

– Giảm lưu lượng máu

Thời tiết mùa hè nóng và khô, lượng nước bốc hơi trên da nhiều hơn. Nếu uống ít nước vào thời điểm này sẽ dễ khiến cơ thể bị mất nước.

Lúc này, lượng máu qua thận sẽ giảm, gây giảm tưới máu hoặc thiếu máu cục bộ. Nó có thể dễ dàng dẫn đến hoại tử ống thận và thậm chí là suy thận cấp, phải chạy thận nhân tạo trong trường hợp nặng.

– Tích tụ độc tố

Nếu lượng nước cơ thể cần trong thời gian dài không được đáp ứng, lượng nước tiểu thải ra sẽ giảm dần, nồng độ chất độc tích tụ trong thận tăng cao, dẫn đến sỏi thận. Uống đủ nước có thể làm loãng nước tiểu và giúp loại bỏ chất thải trao đổi chất.

5 việc cần làm để bảo vệ sức khỏe thận

Bệnh nhân tăng huyết áp, tiểu đường và các bệnh tự miễn; người thừa cân béo phì; người có tiền sử sử dụng chất kích thích lâu ngày; người có tiền sử bệnh thận, viêm gan hoặc nhẹ cân khi sinh non; người bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát; người có thói quen sinh hoạt không tốt như hút thuốc, uống rượu, thức khuya… là những đối tượng cần đặc biệt cẩn thận về tổn thương thận.

Nếu bạn là một người bình thường, có sức khỏe tốt, bạn cũng cần bảo vệ thận bằng những việc sau:

1. Kiểm soát chế độ ăn uống

Ăn quá nhiều thực phẩm giàu protein cùng một lúc sẽ làm tăng gánh nặng cho thận, ăn quá nhiều trong thời gian dài cũng có hại cho thận.

Ăn nhiều rau và các thực phẩm khác có hàm lượng chất xơ cao để tránh táo bón và tích tụ độc tố. Lượng muối ăn vào mỗi người không được vượt quá 5g mỗi ngày.

2. Bổ sung nước kịp thời

Uống nhiều nước và không nhịn tiểu. Lượng nước khuyến nghị hàng ngày cho người lớn là 1500-1700ml. Bạn đổ mồ hôi nhiều vào mùa hè. Điều này có thể được điều chỉnh phù hợp tùy theo hoạt động thể chất hàng ngày và môi trường. Đối với những người có chức năng tim phổi kém, lượng nước uống nên theo lời khuyên của bác sĩ.

3. Sử dụng thuốc thận trọng

Đặc biệt cẩn thận với thuốc hạ sốt và giảm đau, kháng sinh aminoglycoside và thuốc cổ truyền có chứa axit aristolochic. Sử dụng kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ khi có tình trạng viêm nhiễm.

4. Quan sát việc đi tiểu

Quan sát những thay đổi trong nước tiểu, chẳng hạn như màu sẫm hơn đáng kể, bọt rõ ràng, tiểu đêm tăng đột ngột… Nếu những tình huống này xảy ra, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời.

5. Tập thể dục đúng cách và chú ý đến việc kiểm tra thể chất

Tốt nhất nên đi khám sức khỏe mỗi năm một lần. Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường và tăng huyết áp là nhóm có nguy cơ mắc bệnh thận cao nhất. Họ nên chú ý đến chức năng thận thường xuyên và kiểm tra nồng độ protein trong nước tiểu và nồng độ creatinine trong máu thường xuyên.

Nguồn và ảnh: QQ, The Healthy / Phụ nữ mới

Tâm lý học: Người không bao giờ nổi giận thường rất “đáng sợ”?

Trong cuộc sống, nhiều người trông có vẻ điềm tĩnh, ít nổi giận, nhưng đằng sau đó là những điều mà bạn không thể tưởng tượng được.

Bạn đã từng gặp hoặc chính mình là người như thế không?

Bị oan ức thường chịu đựng một mình, ngay cả khi có người phát hiện và hỏi, chỉ nói “Tôi không sao”, “Tôi ổn lắm”… Rõ ràng rất buồn, nhưng vẫn cố gượng cười với mọi người xung quanh, sau đó một mình trốn đi khóc lén… Bị tức giận đến run rẩy, nhưng lại không dám bùng nổ ngay, nhưng lại cứ suy nghĩ trằn trọc trước khi ngủ. 

Những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, oan ức, đau khổ, buồn bã đều được giấu kín, sống thành người luôn luôn ôn hòa, tốt bụng, không bao giờ nổi giận – “người tốt”.

Thực tế, trong cuộc sống có nhiều người có quan niệm sai lầm, cho rằng người không nổi giận thường là người có học thức, có thể kiểm soát tốt cảm xúc của mình. Nhưng trong tâm lý học có một quan điểm, không nổi giận có thể là một dạng khiếm khuyết tâm lý. Những người không bao giờ tức giận, bề ngoài nhìn có vẻ ôn hòa, thực tế có thể ẩn chứa nguy cơ sức khỏe tâm lý lớn.

Tâm lý học: Người không bao giờ nổi giận thường rất "đáng sợ"?- Ảnh 1.

Cảm xúc bị áp chế quá mức, khi bùng phát thì khó kiểm soát

Những người không nổi giận không phải là vì họ không bao giờ tức giận, mà là vì họ thường xuyên chôn giấu cảm xúc của mình, không muốn biểu lộ trước người khác và cũng không tìm kiếm phương thức giải tỏa khác, cứ thế kìm nén trong lòng.

Họ thường có những đặc điểm này: Không biết cách biểu đạt cảm xúc tức giận một cách hợp lý, không biết cách giải tỏa năng lượng tiêu cực trong lòng, thiếu khả năng đối phó với áp lực cuộc sống, cẩn trọng ở khắp mọi nơi, thậm chí để làm hài lòng người khác mà tự đóng chặt bản thân, sợ rằng người khác không hài lòng với mình.

Nếu cứ tiếp tục như vậy, những cảm xúc tiêu cực bị kìm nén sẽ tích tụ đến một mức độ nhất định, giống như một quả bom hẹn giờ, chỉ cần bị ảnh hưởng bởi một chút chuyện nhỏ cũng sẽ bùng nổ, gây tổn thương lớn cho bản thân và người xung quanh.

Những người có mối quan hệ càng thân cận càng dễ trở thành đối tượng giải tỏa của họ, chịu đựng những tổn thương do sự sụp đổ của họ mang lại. Những người này khi mất lý trí có thể có hành vi cực đoan, ra quyết định khiến người ta hối tiếc sau này.

Tích tụ bất mãn lâu dài, dễ gây tổn thương cho bản thân

Những người thích kìm nén bản thân được bác sĩ kiêm diễn giả người Mỹ, Meyer Friedman trong học thuyết về tính cách gọi là “tính cách C”, còn là “tính cách ung thư” trong tâm lý học hiện đại, nguy cơ mắc bệnh ung thư cao gấp ba lần người bình thường.

Những người có kiểu tính cách này thường không muốn bày tỏ cảm xúc tiêu cực, đặc biệt là sự tức giận, họ thường rất hợp tác, dễ chịu, kiên nhẫn, bị động, hiền lành, và có xu hướng hướng nội và tránh xung đột. Khi xung đột đến, họ cũng không thể hiện sự tức giận và bất mãn đối với người khác về hành vi và lời nói, mà là kìm nén những cảm xúc này trong lòng mình.

Do đó, người xung quanh hiếm khi thấy họ nổi giận. Nói từ thực tế, việc tự điều chỉnh hành động và cảm xúc của bản thân một cách phù hợp là một điều tốt, nhưng mọi thứ đều cần có một giới hạn, nếu kìm nén quá mức, sẽ gây ra hậu quả xấu.

Tâm lý học: Người không bao giờ nổi giận thường rất "đáng sợ"?- Ảnh 2.

Lấy tức giận làm ví dụ, nếu một người không biết cách bày tỏ sự tức giận một cách hợp lý, khi gặp chuyện luôn giữ tức giận trong lòng, cuộc sống không như ý muôn phần, sau một chuyện không vui này đến chuyện không vui khác, cảm xúc kìm nén chất chồng lên nhau. Cuối cùng, lòng không thể chịu đựng nổi sức nặng của năng lượng tiêu cực khổng lồ, cảm xúc tiêu cực bùng nổ, tâm hồn cũng sẽ chịu tổn thương từ sự sụp đổ của cảm xúc.

Giữ kín cảm xúc thực sự của bản thân trong thời gian dài và không học được cách giải tỏa sẽ tiêu hao rất nhiều nguồn lực của cơ thể, khiến người ta cảm thấy kiệt sức. Thậm chí còn có thể gặp phải nhiều vấn đề cảm xúc khác: Dễ nổi giận, nhạy cảm, cáu kỉnh, mất ngủ, trầm cảm, cuộc sống mất đi ý nghĩa…

Những người có tính cách C do kìm nén cảm xúc thực sự của mình trong thời gian dài, có thể đối mặt với một loạt vấn đề sức khỏe tâm lý, như trầm cảm, lo âu và vấn đề sức khỏe thể chất.

Làm thế nào để tức giận một cách đúng đắn?

Từ góc độ cuộc sống xã hội, trong cộng đồng mà chúng ta sống, đôi khi việc kìm hãm cảm xúc là rất cần thiết, chẳng hạn như không muốn làm tổn thương người khác, không muốn tạo ra xung đột với người khác… những điều này đều có thể hiệu quả giúp chúng ta tránh được mâu thuẫn và xung đột.

Nhưng việc biểu đạt cảm xúc, đặc biệt là cảm xúc tiêu cực là cần thiết và có ích. Học cách thích hợp bày tỏ cảm xúc với người khác, biết ơn suy nghĩ và cảm xúc của mình, có lợi cho việc thúc đẩy sức khỏe tâm thần và thể chất của chúng ta.

Vậy, chúng ta nên bày tỏ sự tức giận như thế nào?

1. Thừa nhận bản thân đang tức giận

Cảm xúc là bản năng của con người, cả cảm xúc tiêu cực cũng vậy, vì vậy khi mình có cảm xúc không nên kìm nén hay phủ nhận nó, mà là phải thừa nhận sự tồn tại thực sự của nó, không tự nói với mình “cứ nhịn đôi chút sẽ qua”.

Hãy hòa giải với cơn giận của chính mình, thoát khỏi tình trạng tự đấu tranh với cảm xúc. Chỉ có sự đối chọi và kìm nén cảm xúc mới làm bạn cảm thấy bức bối, ủ rũ.

2. Biểu lộ nhu cầu một cách trực quan

Công thức biểu đạt nhu cầu: 30% thông tin + 70% cảm xúc.

Thường thì bạn cảm thấy tức giận vì hành vi của người khác không đáp ứng được kỳ vọng của mình. Do đó, hãy nói rõ ràng với họ về nhu cầu của bạn, điểm khác biệt trong hành vi của họ nằm ở đâu, và họ nên làm gì khi gặp lại tình huống tương tự. Sau đó, hãy bày tỏ cảm xúc của mình, về sự đau khổ hoặc thất vọng mà bạn cảm nhận, để cảm xúc và thông điệp của bạn được người khác lắng nghe. 

Như thế, sự hiểu biết lẫn nhau sẽ tăng lên, và chất lượng mối quan hệ  sẽ được cải thiện.

Tâm lý học: Người không bao giờ nổi giận thường rất "đáng sợ"?- Ảnh 3.

3. Đối thoại dựa trên sự kiện cụ thể, trình bày sự thật khách quan

Hãy nhắm vào hành vi cụ thể, tìm giải pháp cho vấn đề một cách có mục tiêu. Tránh việc lợi dụng cơ hội để lan tràn cảm xúc tiêu cực sang các vấn đề khác, hoặc đào lại chuyện cũ, khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn.

4. Phân tích lại sau cùng

Mục đích cuối cùng của bất kỳ cuộc tranh cãi nào cũng là để hiểu và chấp nhận lẫn nhau một cách tốt hơn. Sau mỗi cuộc tranh luận, hãy sắp xếp một thời gian để cả hai cùng bình tâm lại, phân tích lại nguyên nhân và hậu quả của mâu thuẫn, làm rõ giới hạn của mỗi bên và tổng kết cách thức giao tiếp sau này, để mỗi người đều giữ được tính toàn vẹn của bản thân.

Sự giận dữ vẫn là một loại cảm xúc quan trọng

Nếu được xử lý đúng cách, giận dữ có thể trở thành một nguồn năng lượng quan trọng, khích lệ chúng ta hành động, giúp cải thiện mối quan hệ giữa mọi người, thậm chí làm cho chúng ta hạnh phúc hơn.

Trong giao tiếp hàng ngày, một tâm trạng tốt quả là quan trọng, nhưng không phải là tiêu chuẩn duy nhất. Nếu chỉ để làm hài lòng người khác mà kìm nén cảm xúc và nhu cầu của bản thân, cuối cùng sẽ phải trả giá bằng sức khỏe tâm lý của mình. Thay vì giữ cảm xúc trong lòng, hãy tìm cách thích hợp để giải phóng chúng, bởi điều này sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe tâm lý của mình và thúc đẩy sự phát triển của mối quan hệ cá nhân.

Theo Trung Hạ / Phụ nữ số

Tội phạm đang sử dụng AI theo những cách đáng sợ như thế nào?

– Trí tuệ nhân tạo là con dao hai lưỡi. Nó đang thúc đẩy công nghệ y tế với tốc độ đáng kinh ngạc và cải thiện chất lượng cuộc sống trên toàn cầu, nhưng nó cũng đang được sử dụng cho những mục đích bất chính.

Tội phạm đang sử dụng AI theo những cách đáng sợ như thế nào?- Ảnh 1.

Bà Lisa Palmer, chiến lược gia trưởng về AI của công ty tư vấn AI Leaders, nói với The Post rằng, tình trạng lừa đảo trên mạng, “đang diễn ra trên quy mô toàn cầu. Đây không chỉ là điều đang xảy ra ở Mỹ. Đó là một vấn đề ở nhiều quốc gia.”

Thông qua AI, dữ liệu khuôn mặt của các cá nhân đã được sử dụng để tạo ra hình ảnh khiêu dâm, trong khi những người khác bị sao chép giọng nói cho mục đích lừa gia đình và bạn bè thân thiết của họ qua điện thoại – thường là để gửi tiền cho kẻ lừa đảo.

Có rất nhiều cách đáng sợ mà AI đang được sử dụng để khai thác và lừa đảo con người – và tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn.

AI tạo sinh và Deepfakes

Các ứng dụng ảnh phổ biến nơi người dùng gửi ảnh chụp của chính họ và nhờ AI biến chúng thành nhân vật khoa học viễn tưởng hoặc một tác phẩm nghệ thuật thời Phục hưng có một mặt rất đen tối. Khi Melissa Heikkilä của MIT Technology Review thử nghiệm ứng dụng đình đám Lensa AI, nó đã tạo ra “hàng tấn ảnh khỏa thân” và “khiêu dâm một cách công khai” mà không có sự đồng ý của cô ấy, cô ấy cho biết vào cuối năm 2022.

Bà Palmer, người hôm 8/5 đã có bài phát biểu quan trọng về những lợi ích và nhược điểm tiềm ẩn của AI cho Hiệp hội Quản lý Thông tin, cho biết: “Một vài trong số những ứng dụng đó, theo điều khoản dịch vụ, nói rất rõ ràng rằng bạn đang chia sẻ khuôn mặt của mình với bộ lưu trữ dữ liệu của họ”.

Các chuyên gia cảnh báo, AI đang trở nên tiên tiến đến mức chúng ta sẽ sớm không thể phân biệt được hình ảnh giả với hình ảnh thật.

Và nếu rơi vào tay kẻ xấu, việc đánh cắp dữ liệu sinh trắc học khuôn mặt của một người có thể là thảm họa.

Bà Palmer nói thêm rằng, “đó là một tình huống khủng khiếp khi ai đó có thể xâm phạm cơ sở quân sự hoặc chính phủ do có dữ liệu sinh trắc học của ai đó.”

Nội dung AI giả mạo được tạo ra một cách dễ dàng – như những hình ảnh sai sự thật về vụ bắt giữ cựu Tổng thống Donald Trump – cũng đang xuất hiện. Bà Palmer “đặc biệt lo ngại” đây sẽ là một vấn đề trong các cuộc bầu cử tiếp theo.

Đặc biệt, bà Palmer lo ngại những cách sử dụng phi đạo đức – nhưng không bất hợp pháp – mà một số chính trị gia có thể coi là “tiếp thị thông minh”.

Bà J.S. Nelson, một chuyên gia an ninh mạng và là nhà nghiên cứu về đạo đức kinh doanh tại Trường Luật Harvard, cũng lo ngại rằng việc dễ dàng tiếp cận AI tạo sinh có thể dẫn đến tin tức giả và sự hoảng loạn hàng loạt – chẳng hạn như một sự kiện thời tiết khắc nghiệt do máy tính tạo ra được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.

Chiến lược gia trưởng về AI của công ty tư vấn AI Leaders Palmer cho rằng, “nó sẽ tiếp tục đi chệch hướng. Chúng ta mới chỉ bắt đầu thấy những điều này xảy ra.”

Tấn công giả mạo (phishing)

Các chuyên gia cảnh báo, AI đang mang lại mức độ tinh vi cao cho các email lừa đảo và cuộc gọi tự động.

“Nó rất hấp dẫn,” bà Palmer nói đồng thời cho biết thêm rằng, “bây giờ họ có thể tạo những email lừa đảo này ở quy mô lớn và được cá nhân hóa,” đồng thời cho biết thêm rằng những kẻ lừa đảo sẽ bao gồm những mẩu thông tin cá nhân thuyết phục được lấy từ hồ sơ trực tuyến của mục tiêu.

ChatGPT gần đây đã giới thiệu Code Interpreter – một plug-in có thể truy cập và phân tích các bộ dữ liệu chính trong vài phút. Nó có thể làm cho cuộc sống của kẻ lừa đảo dễ dàng hơn nhiều.

AI cũng đang tăng cường khả năng tạo ra các cuộc gọi điện thoại giả mạo. Palmer cho biết, tất cả những gì cần thiết là ba giây ghi lại một người đang nói – 10 đến 15 giây sẽ có được kết quả gần như chính xác.

Tháng trước, một bà mẹ ở Arizona đã tin rằng con gái mình đã bị bắt cóc với số tiền chuộc 1 triệu USD sau khi nghe thấy giọng nói của đứa trẻ được sao chép qua điện thoại.

Trợ lý đặc vụ phụ trách văn phòng Phoenix của FBI Dan Mayo cho biết: “Nếu bạn công khai thông tin của mình, bạn đang cho phép mình bị lừa bởi những người như thế này. Họ sẽ tìm kiếm những hồ sơ công khai có càng nhiều thông tin về bạn càng tốt và khi họ nắm được thông tin đó, họ sẽ tìm hiểu sâu hơn về bạn.”

Bà Nelson dự đoán rằng các nhân viên, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và tài chính, cũng có thể nhận được cuộc gọi bằng giọng nói giả của sếp ở đầu bên kia. Bà cảnh báo: “Bạn đang làm việc với một chatbot có vẻ giống sếp của bạn theo đúng nghĩa đen”. Nhưng những công dân bình thường không phải là những người duy nhất gặp phải những vụ lừa đảo kiểu như vậy. Vào cuối tháng 4, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell đã bị những kẻ giả mạo lừa rằng ông đang nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Những kẻ lừa đảo sau đó đã cho phát sóng cuộc trò chuyện kéo dài với ông Powell.

Ngay cả người đồng sáng lập Apple Steve Wozniak cũng lo ngại về tình trạng lừa đảo gia tăng. Ông Steve Wozniak nói với BBC News rằng: “AI rất thông minh, nó mở cửa cho những người chơi xấu, những kẻ muốn lừa bạn về danh tính của họ. Con người thực sự phải chịu trách nhiệm về những gì do AI tạo ra.”

Phần mềm độc hại (Malware)

Khả năng tăng cường phần mềm độc hại của AI mà các chuyên gia đã thử nghiệm gần đây với ChatGPT cũng đang khiến các chuyên gia cảnh báo.

Bà Palmer cho biết: “Phần mềm độc hại có thể được sử dụng để cung cấp cho kẻ xấu quyền truy cập vào dữ liệu bạn lưu trữ trên điện thoại hoặc trong iCloud của mình. Rõ ràng đó sẽ là những thứ như mật khẩu của bạn vào hệ thống ngân hàng, mật khẩu của bạn vào hồ sơ y tế, mật khẩu của bạn vào hồ sơ trường học của con bạn, bất kể trường hợp nào, bất cứ thứ gì được bảo mật.”

Cụ thể, những gì AI có thể làm để tăng cường phần mềm độc hại là tạo ra các biến thể tức thời, “điều này ngày càng gây khó khăn hơn cho những người đang nỗ lực bảo mật hệ thống để có thể đi trước chúng,” bà Palmer nói.

Ngoài những người bình thường – đặc biệt là những người có quyền truy cập vào hệ thống chính phủ – bà Palmer dự đoán rằng những cá nhân cấp cao sẽ là mục tiêu cho các nỗ lực tấn công được hỗ trợ bởi AI nhằm đánh cắp thông tin và ảnh nhạy cảm.

Bà nói: “Ransomware là một mục tiêu chính khác của những kẻ xấu. Họ chiếm quyền điều khiển hệ thống của bạn, thay đổi mật khẩu, khóa bạn khỏi hệ thống của chính bạn và sau đó yêu cầu bạn trả tiền chuộc.”

Kiệt Linh / Shoha VN