Ảnh về sự bề thế và tinh xảo của đền Preah Vihear

Đền Preah Vihear bắt đầu được xây dựng vào đầu thế kỷ 9 để thờ thần Shiva. Dưới thời các vua Suryavarman I và Suryavarman II (thế kỷ 11 và 12), ngôi đền tiếp tục được hoàn thiện và có cấu trúc như ngày nay.

Toạ lạc trên một chỏm núi thuộc núi Dangrek ở khu vực biên giới Campuchia – Thái Lan, Preah Vihear là một trong những ngôi đền Khmer hoành tráng nhất còn tồn tại đến nay. Ảnh: Fresh News.

Theo các nghiên cứu, ngôi đền bắt đầu được xây dựng vào đầu thế kỷ 9 để thờ thần Shiva. Dưới thời các vua Suryavarman I và Suryavarman II (thế kỷ 11 và 12), ngôi đền tiếp tục được hoàn thiện và có cấu trúc như ngày nay. Ảnh: Hotels.com.

Toàn thể đền Preah Vihear là một kiến trúc phức hợp chạy theo trục Bắc Nam dài 800 mét, bao gồm một con đường đắp cao và những bậc tam cấp dẫn lên điện thờ nằm trên đỉnh khu vực đền thờ phía Nam. Ảnh: Travel Hub.

Khu vực xung quanh đền chính từng có nhiều thư viện và các tháp cao, nhưng hiện nay phần lớn đã bị đổ nát nghiêm trọng. Ảnh: Rice is the new bread.

Những tác phẩm điêu khắc trên đá sa thạch của ngôi đền được đánh giá là tinh xảo hiếm có. Ảnh: Wikipedia.

Năm 2008, đền Preah Vihear được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa thế giới của Campuchia. Ảnh: Flipside Travel.

Bên cạnh giá trị di sản, thế giới cũng biết đến ngôi đền này do cuộc tranh chấp quyền sở hữu đền giữa Thái Lan và Campuchia. Ảnh: Cambodia Golden Tours.

Do ngôi đền nằm ở một khu vực không được phân định rõ ràng trên biên giới Campuchia và Thái Lan nên tranh chấp đã xảy ra giữa hai quốc gia trong nhiều thập niên. Ảnh: Cambodia Golden Tours.

Sau khi Preah Vihear được công nhận là Di sản thế giới, xung đột đã nổ ra gây thương vong về người cho cả hai phía. Ảnh: Audley Travel.

Ngày 11/11/2013, Tòa án Công lý Quốc tế ra phán quyết rằng khu vực quanh ngôi đền cổ này thuộc về Campuchia và tuyên bố Thái Lan phải rút quân đội và cảnh sát khỏi Preah Vihea. Kể từ đó tình hình trở nên lắng dịu. Ảnh: Tripadvisor.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Chuyện tướng Phạm Chuyên và ông Nguyễn Cao Kỳ

 Lần đầu trở lại quê hương, ông Nguyễn Cao Kỳ không vào nhà thắp hương, mà đứng lặng trước ngõ hồi lâu. Chỉ đăm đắm chiếu cái nhìn vào ngôi nhà. Không nói gì. Rồi lên xe đi thẳng…

Bao nhiêu là chuyện về một Nguyễn Cao Kỳ ngang tàng, chịu chơi?

Trong thời gian dài dài ở cố quốc, ông Nguyễn Cao Kỳ có nhiều cuộc gặp với kha khá chính khách thương gia và văn nhân. Nhiều cuộc, lắm chuyện đã viết nhưng chưa thấy nói đến các cuộc gặp cuộc tụ của ông Kỳ khá dài, dai và tương đắc với ông tướng Phạm Chuyên?

Cứ ngỡ đã quen đã định hình, nhưng ông tướng Phạm Chuyên này thi thoảng phát lộ lắm cái lạ.

Lần lo việc an ninh cho phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ Hillary Clinton cùng cô con gái Chelsea thăm thôn Phú Tàng (Sóc Sơn – Hà Nội), giời đang im mát mấy hôm, bữa ấy tự dưng bật nắng lòe. Mà cái nắng tiết tận xuân sơ hạ xứ mình thì độc. Đánh nhoáng cái, chả biết ông rỉ tai quân cán thế nào mà một loáng đã kiếm đủ ở đâu cho cả mẹ cả con hai cái nón lá. Tôi thấy như bừng thêm vẻ khả ái khi họ thướt tha tự nhiên cứ thể như tạo dáng với hai vành nón lá kia!

Ông Nguyễn Cao Kỳ – cựu tướng không quân, thủ tướng và phó tổng thống chính quyền miền Nam Việt Nam 

Hồi ông mới đóng chức Chánh sở cẩm Hà Thành, tôi ít gặp và cũng chả có việc chi để đụng ông cả. Mà nói thật cũng không mấy hứng đối diện hay chuyện trò với sếp của đội quân cẩm đông đúc. Nhưng cái cung cách ứng xử phát lộ từ ông, khi thì mình bất ngờ bắt gặp hoặc nghe đám viết lách nó tụng nó nhắc lại thì tự dưng khoảng cách nếu có nó cứ xích gần lại?

Ông Nguyễn Cao Kỳ có tặng ông hai chai vang loại đặc biệt. Cất bẵng đi lâu lâu. Một bữa có cuộc tụ vui. Ông chợt nhớ ra. Giữa đám chính khách hưu lẫn văn nhân quây tụ, hai chai vang được mang ra. Ông hồn nhiên giới thiệu.

Cái gì? Rượu của Nguyễn Cao Kỳ à? Không uống rượu Nguyễn Cao Kỳ!

Ba ông bạn già từ chối thẳng thừng xua xua tay.

Tôi ngó ra.

Một ông hồi những năm 70 làm nghề công an mật. Ông từng chỉ huy việc bắt giam hai tên ở thị xã Sơn Tây giấu mấy tờ truyền đơn phía bên kia rải khắp vùng Thành Sơn báo tin người con của đất Sơn Tây của Xứ Đoài Nguyễn Cao Kỳ vừa đắc cử chức Phó Tổng Thống chánh quyền Sài Gòn.

Một ông có 3 tập thơ bỏ tiền ra in, đi đâu cũng xưng mình là nhà văn. Ông đứng lên gay gắt, uống gì của cái thằng vong ân bội nghĩa mất gốc ấy. Ông hùng hồn dẫn ra việc năm 2002 gì đó, ông Kỳ lần đầu trở lại quê, về dâng hương chùa Mía qua nhà 51 Ngô Quyền ở thị xã Sơn Tây mà không vào nhà thắp hương. Mà nơi ấy là nhà ông anh ngành trưởng lâu nay đang thờ tự ông bà nội của Nguyễn Cao Kỳ!

Tôi nghi hoặc ngó cái cười cười của lão Phạm Chuyên. Ông này mà nhệch ra kiểu cười vậy là sắp có chuyện đây?

Mà có chuyện thật. Giọng ông Chuyên nhỏ nhẹ.

Ông có để ý hôm ấy ông Kỳ dừng xe rồi đứng như trời trồng trước nhà 51 không? Mà khi đó bao nhiêu là ống kính của giới truyền thông đang chĩa vào ông Kỳ. Chưa kể hơn 2 đại đội nhà báo đã phục sẵn trong ngôi nhà 51 ọp ẹp suốt cả buổi sáng để rình đợi giây phút ông Kỳ vào nhà dâng nén hương lên bàn thờ tiên tổ. Họ đợi những sải chân ông Kỳ ướm lên những hàng gạch cổ từng in dấu chân ông thời thơ bé vui đùa chơi nhởi với đám trẻ mà ông gọi bằng anh, bằng chị!

Nhưng ông Kỳ chỉ đứng lặng trước ngõ hồi lâu. Chỉ đăm đắm chiếu cái nhìn vào ngôi nhà. Và không vào nhà. Không nói gì. Rồi lên xe đi thẳng.

Ông bạn ơi, nội động thái lặng lẽ ấy thôi đã nói lên bao điều. Mà ông luôn xưng mình là nhà văn nhà thơ thì tưởng ông thừa sức giải mã động thái ấy của cái nhà ông Nguyễn Cao Kỳ vốn tính tình ngược ngạo, thất thường ấy chứ!

Trong các cung bậc cười vui vẻ, hai chai vang quý ấy chả còn một giọt. Và lây sang các chai khác nữa…

Tướng Chuyên sau này có nói, nhà thơ Bằng Việt về viết bài thơ Uống rượu Nguyễn Cao Kỳ. Nhưng lâu rồi tôi không có dịp gặp nhà thơ.

Cũng chưa rõ cuộc gặp đầu tiên của cựu Sở Cẩm Hà thành với ông Kỳ là như nào? Cuộc đầu đâu như bữa chả cá phố Cổ? Hay là cuộc gặp cà phê, rồi trà sen?

Trước khi trích đoạn của một cuộc gặp mà tôi cho là lạ của ông Kỳ và ông Phạm Chuyên, cảm phiền bạn đọc cho phép dài dòng lan man chút!

Lần ấy ngồi lâu lâu với Dương Trung Quốc. Mạn phép trích ra đây cái đoạn rỉ rả hiếm hoi của nhà sử học.

“Ông Nguyễn Cao Kỳ thua nhạc sĩ Phạm Duy không đầy một con giáp, đều là người Hà Nội (cho dù cả hai ông có quê gốc ở Sơn Tây, nay đều là Hà Nội) vì cả hai ông đều lớn lên và soi gương trên những bóng nước Hà Thành. Phạm Duy có thói quen cứ ra Hà Nội là chọn đúng một cái khách sạn được cất lên ngay từ đất nền ngôi nhà ông đã sống thuở thiếu thời ở phố Hàng Dầu, nên Hồ Hoàn Kiếm là cái không gian gần gũi và thân thiết nhất của ông.

Còn ông Nguyễn Cao Kỳ, quê ở Sơn Tây nhưng gần như những năm tuổi trẻ sống gần hồ Trúc Bạch, gắn bó với mái trường Chu Văn An bên bờ Hồ Tây mà có lần tôi cùng ông đến dự Ngày hội kỷ niệm 100 năm Trường Bưởi. Ông có nói với tôi rằng, lần đầu khi từ Mỹ về, có hai địa điểm làm ông bồi hồi lâu nhất. Một là sân bay Tân Sơn Nhất, nơi ông đã tự lái máy bay vọt ra biển để bắt đầu cuộc sống tha hương (1975). Còn khi ra Hà Nội thì ngôi trường Bưởi bên Hồ Tây lại là nơi gợi nhớ nhất vì nó gắn với tuổi mới lớn của chàng trai Xứ Đoài. Ông giải thích rằng ở bên Ta thì cái tình đồng hương sâu nặng còn ở bên Tây thì cái tình đồng môn còn quan trọng hơn…

Tôi biết ông từ lâu vì ông là một nhân vật của lịch sử thời hiện đại. Ông là chính khách và thủ lĩnh “phía bên kia” thường được “phía bên này” coi là… “ngụy”. Và vì ông từng mang hàm cấp tướng lại còn làm đến chức Thủ tướng, Phó Tổng thống nên ông thuộc loại cả “nguỵ quân” lẫn “nguỵ quyền”… Vì thế, tôi cũng chẳng bao giờ nghĩ có một ngày gặp được một Nguyễn Cao Kỳ tại Hà Nội..

Nhưng rồi vẫn gặp. Đó là khi ông mới lần đầu ra Hà Nội.

Mà cái vẻ xã giao, giữ kẽ vẫn diễn ra trong buổi gặp ban đầu. Ngó lại vài tấm ảnh mọi người đều ăn mặc chỉn chu, kiểu cách, bắt tay, trao đổi như những chính khách…

Nhưng với ông Nguyễn Cao Kỳ mọi khoảng cách dường như được xoá bỏ nhanh hơn nhờ cách ứng xử đơn giản nhưng rất rõ ràng của ông… Ông nói không úp mở rằng: là một tướng lĩnh ông là người thua trận; là một chính khách ông là người thất bại; là một người trung thực với chính mình ông không ân hận về những gì mình đã làm.

Sau những biến cố khắc nghiệt ông vẫn được trở về với quê hương. Và trong những lần về thăm quê gốc ở Sơn Tây, ông ước mong sẽ có một vuông đất để ẩn mình lần cuối ở Xứ Đoài…

Tôi ít hơn ông gần hai thập kỷ tuổi. Một hồi cứ ra Hà Nội là ông trọ ở cái khách sạn nằm trong phố cổ, phố Hàng Đường gần nhà tôi. Giống như Phạm Duy thích ở Hàng Dầu vì một bước khỏi cửa là đã thấy nước, thấy gió của Hồ Gươm. Còn ông Kỳ thì thích cái khách sạn này vì một bước ra cửa là thấy Chợ Đồng Xuân và đêm nằm tĩnh mịch vẫn hình dung ra tiếng rít của bánh xe tàu điện giảm tốc trước khi dừng trước bến đỗ cửa chợ. Chỉ người Hà Nội xưa cũ mới có cái cảm giác ấy… Có lần, ông sang nhà thăm bà mẹ tôi cũng chỉ hơn ông 5 tuổi, vì ông là bạn học với em của mẹ tôi, người mà tôi gọi bằng cậu đang sống bên Pháp, nên câu chuyện giữa hai người là câu chuyện cùng thế hệ của người Hà Nội kẻ ở người đi…

Có lần ông thổ lộ “sẽ là một bi kịch cho những chính khách không có tuổi già để chiêm nghiệm” – hết trích.

Ông Nguyễn Cao Kỳ (thứ 2 trái sang) được nguyên Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt đón tiếp.

Và tôi để ý đến cụm từ thể hiện cái cảm giác bồi hồi xao xuyến nhất của ông Kỳ là trường Bưởi bên Hồ Tây là nơi gợi nhớ nhất vì nó gắn với tuổi mới lớn của chàng trai Xứ Đoài.

Và gì nhỉ, cái tình đồng môn còn quan trọng hơn…

Tôi cũng có nghe tướng Chuyên kể qua về chi tiết như ông Dương Trung Quốc bộc bạch là ông Kỳ ước mong sẽ có một vuông đất để ẩn mình lần cuối ở Xứ Đoài…

Không phải một vuông đất mà là một quả đồi con con.

Tướng Phạm Chuyên đã dẫn tướng Kỳ lên công viên Vĩnh Hằng chỗ gần Nghĩa trang Yên Kỳ.

Ở đó có Phạm Chuyên có chú đệ tử làm Giám đốc.

Ông Kỳ ngỏ với tay đệ ấy kiếm cho một quả đồi be bé để Nguyễn Cao Kỳ tính chuyển toàn bộ phần mộ gia tiên về!

Chuyện lạ quá. Nhưng là sự thật.

Nhưng rồi việc đã không thành. Hình như chưa gặp duyên?

Có lần gặp, chỉ hai người ngồi riêng với nhau. Mà rõ lâu.

Mà như chất giọng bồi hồi của ông Kỳ đang minh chứng sinh sắc cho câu ngạn ngữ, muốn yêu xứ nào thì người ta phải yêu một người cụ thể xứ ấy?

Ông Kỳ khẽ khàng nói tên cô bạn Trường Bưởi cùng lớp cái năm tít xa. Mà hình như trên cả tình bạn nữa?

Vâng từ năm 1950. Chưa hề gặp lại. Chao ôi ngần ấy thời gian. Bao nhiêu đổi thay. Những mây bay nước chảy cùng bóng chim tăm cá.

Ông Chuyên vội lảng đi không muốn nhìn thêm ánh mắt bâng khuâng nhìn mà như chả nhìn gì của ông Kỳ hướng về Hồ Tây đang mênh mông sương khói.

Nhưng ông Chuyên nhớ rành rẽ cái tên mà ông Kỳ lẩm bẩm, nhắc đi nhắc lại ấy. Và không nói gì thêm.

Khỏi kể ra đây những công đoạn và lộ trình không phải nhuốm mà na ná mà đặc sệt tính trinh thám. Ông Chuyên vốn có vô số mối quan hệ mà. Hà Nội và vùng phụ cận với ông hình như quá hẹp?

Chỉ mấy ngày, mà lính lác của ông đã lần tìm được địa chỉ của cụ bà quả phụ K.A.

Dường như thời gian tuổi tác không làm giảm thiểu đi bao nhiêu những nét khả ái trên gương mặt người đẹp thuở nào? Phạm Chuyên thở dài rồi bật lên một câu khen thầm lão Cao Kỳ tài hoa lẫn đào hoa. Ông bỏ ngay vào túi tấm hình chụp lén nhưng rất nghề của cậu lính. Rồi quyết định gặp ngay Nguyễn Cao Kỳ. Ông cho người dẫn ông Kỳ đi. Nhưng ảnh thì giấu biệt!

Khi hai thày trò đã lên đường đến cái nơi cần đến. Ông Phạm Chuyên còn ngồi lại chưa vội về. Dường như ông còn chưa dứt cái cảm giác ngạc nhiên là lạ rằng một ông tướng, một người từng trải như Nguyễn Cao Kỳ mà khi ông Chuyên điềm tĩnh truyền đạt cái khúc nhôi là như thế, nên thế…ông tướng Kỳ nhà ta bất ngờ trở nên lúng túng. Bàn tay ông quờ quạng như vô thức làm đổ cái ly cà phê trên mặt bàn!

Ông bạn này già thật rồi chăng? Hay là như thiên hạ vẫn đồn, rằng tình yêu không có tuổi?

Tôi với tướng Chuyên ghé chỗ ngồi quen bên góc Tây Hồ không xa ngôi trường Bưởi có tên cũ là trường Bảo hộ Lycée du protectorat.

Vâng, cả những người trong cuộc như Phạm Chuyên sẽ không bao giờ biết thêm chút gì về buổi gặp lại ý trung nhân, cố nhân Trường Bưởi thuở xa ấy nữa!

Sau cuộc gặp gỡ đó, nhoằng cái, mỗi người đều vướng bận rồi chìm lút đi bao việc. Và tướng Phạm Chuyên đã không có dịp gặp lại ông bạn già mà ông coi như người anh, Nguyễn Cao Kỳ!

Cái chết ở xứ người đã đột ngột cắt ngang cắt phăng mọi mối dây thân ái.

Kia, chất giọng trầm khàn của Phạm Chuyên đang như vỡ vạc thêm một Nguyễn Cao Kỳ chầm chậm những nốt trầm của bản ngã, của tuổi tác. Ông đang nhắc đến thi sĩ Quang Dũng nhà thơ Xứ Đoài yêu thích của Nguyễn Cao Kỳ. Hầu như lần nào ngồi cùng, ông Kỳ cuãng nhắc thơ Quang Dũng.

U uẩn chiều lưu lạc/Buồn viễn xứ khôn khuây/… Vầng trán em vương trời quê hương/Mắt em dìu dịu buồn Tây phương/Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/Em có bao giờ em nhớ thương…/ Sông Đáy chậm nguồn quanh phủ Quốc/ Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng…/Bao giờ ta gặp em lần nữa/Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa….

Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm…

Ông Nguyễn Cao Kỳ đã thành mây trắng!

Trên thinh không kia dường như có khoảng bạch vân đang lang thang dạt dần về xứ Đoài?

XUÂN BA / Theo Viet Times

Đây chính là lý do khiến nhịn ăn giúp chống tình trạng viêm nhiễm

Nghiên cứu trước đây chỉ ra nhịn ăn giúp chống lại tình trạng viêm nhiễm, vì vậy các nhà nghiên cứu ở Đại học Cambridge (Anh) đã xem xét kỹ hơn về mối liên hệ này và cách nó xảy ra như thế nào.

Qua nghiên cứu mẫu máu của 21 tình nguyện viên được yêu cầu ăn một bữa ăn 500 calo, nhịn ăn trong 24 giờ và sau đó ăn một bữa ăn 500 calo khác, các nhà nghiên cứu đã xác định được sự gia tăng của một hợp chất gọi là axit arachidonic do nhịn ăn, theo trang Science Alert.

Axit arachidonic là chất béo có liên quan đến tình trạng viêm nhiễm.

 Nhịn ăn giúp chống lại chứng viêm nhiễm
Nhịn ăn giúp chống lại chứng viêm nhiễm – (Ảnh: SCIENCE ALERT)

Nhà miễn dịch học Clare Bryant ở Đại học Cambridge cho biết: “Điều này đưa ra lời giải thích tiềm năng về cách thay đổi chế độ ăn uống của chúng ta – đặc biệt là bằng cách nhịn ăn – bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng viêm nhiễm, đặc biệt là dạng gây hại gây ra nhiều bệnh liên quan đến chế độ ăn nhiều calo của phương Tây”.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm trên các tế bào được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và phát hiện ra axit arachidonic đã làm giảm hoạt động của phức hợp protein có tên là inflammasome NLRP3.

Inflammasomes là cơ chế kích hoạt tình trạng viêm và NLRP3 – là loại chuông báo động yêu cầu hệ thống miễn dịch nhanh chóng hành động. Có vẻ như đây là con đường mà việc nhịn ăn giúp giảm viêm.

Điều này đặt ra một số mối liên hệ thú vị, đặc biệt là aspirin cũng được biết là có tương tác với NLRP3. Chất gây viêm cũng đang được các nhà khoa học đặt câu hỏi liên quan đến các bệnh như Alzheimer.

Nhà miễn dịch học Bryant cho biết: “Điều trở nên rõ ràng trong những năm gần đây là một loại vi rút đặc biệt, vi rút NLRP3, rất quan trọng trong một số bệnh chính như béo phì và xơ vữa động mạch, cũng như trong bệnh Alzheimer và Parkinson” .

“Còn quá sớm để nói liệu việc nhịn ăn có chống lại các bệnh như Alzheimer và Parkinson hay không vì tác dụng của axit arachidonic chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục bổ sung thêm số lượng tài liệu khoa học chỉ ra lợi ích sức khỏe của việc hạn chế calo”, bà Bryant nói.

Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Cell Reports.

Thông qua hình dáng, khoảng cách của mỗi ngón tay ta có thể đoán được tính cách của người đó. Ngoài ra, mỗi người có một ngón tay “mạnh, yếu” khác nhau cho thấy bạn giỏi yếu ở lĩnh vực nào.

Ngón tay mạnh sẽ là ngón tay đặc biệt của bạn, đôi khi nó thể hiện cả đặc điểm tính cách bạn.

==============

HÌNH DẠNG NGÓN TAY NÓI LÊN TÍNH CÁCH CỦA BẠN

Sau đây là đặc tính được ấn định tương ứng với mỗi ngón tay

Ngón tay cái:  Dẫn đến thành công.

Ngón trỏ: Quyền lực, sức mạnh, tầm nhìn và sự ảnh hưởng.

Ngón giữa: Trách nhiệm, hiệu quả, an toàn, sự phát triển và sự khôn ngoan.

Ngón nhẫn: Sự sáng tạo, tính thể hiện bản thân, và sự mong mỏi được chú ý, được nổi bật.

Ngón út: Phong cách, giỏi giao tiếp.

Mỗi ngón tay thể hiện một đặc tính riêng
Ảnh minh họa: RS

Làm sao biết ngón tay nào của mình “mạnh” và ngón tay nào “yếu”?

Hãy quan sát: Ngón tay nào uốn cong, vẹo, nghiêng về phía ngón tay khác, hoặc cong về phía trước, hoặc có chỗ nào đó không được bình thường thì là ngón yếu. Còn nếu ngón tay thẳng, dài đó là ngón mạnh.

Hình dáng của đầu ngón tay cho biết điều gì?

Đầu ngón tay tròn: Bạn mong muốn sự hòa hợp, tránh xung đột bất hòa.

Đầu ngón tay vuông: Bạn thích mọi thứ rõ ràng, không mơ hồ.

Đầu ngón tay rộng, loe ra: Bạn thích sự độc đáo và xem thường sự rập khuôn theo thói quen máy móc.

Đầu ngón tay nhọn: Bạn lảng tránh thực tế thích theo đuổi những thứ bất thường và huyền bí.

Mỗi bàn tay có ngón mạnh, ngón yếu

Bạn biết gì qua khoảng cách giữa các ngón tay?

Đặt tay bạn một cách tự nhiên lên mặt phẳng, hoặc giữ chúng thoải mái trong không trung:

5 ngón tay có kẻ hở

Nếu khoảng cách giữa các ngón tay của bạn rộng thì có nghĩa bạn là người độc lập, cởi mở để có những khám phá mới.

5 ngón tay khít lại gần nhau

Nếu chúng khít nhau, bạn là người thận trọng, rất cẩn thận, và khép kín.

Nếu ngón giữa và ngón đeo nhẫn cách xa nhau

Bạn là người không dễ dàng gì bị ảnh hưởng bởi dư luận. Nếu chúng gần nhau, bạn có xu hướng bị ảnh hưởng của xã hội và khá là nguyên tắc.

Bạn biết gì qua khoảng cách giữa các ngón tay?

Ngón áp út và ngón út có khoảng cách rộng

Người này hành động rất độc lập, có tư tưởng yêu chuộng tự do, đối với mọi chuyện xảy ra thường đã có sự phòng bị chu đáo.

Còn nếu khoảng cách trung bình (so sánh với bạn bè người thân của mình), điều đó có nghĩa bạn là người có suy nghĩ độc lập.

Ngón cái và ngón trỏ có khoảng cách rộng

Người này rất độc lập và có sự cạnh tranh cao, họ có tinh thần rất nghĩa hiệp, có thể duy trì một tình bạn thân thiết và bền chặt.

Ngón cái và ngón trỏ khít chặt

Người này rất thận trọng, luôn có sự đề phòng người khác, phụ thuộc vào tâm lý rất nặng.

Ngón trỏ và ngón giữa có khoảng cách rộng

Người này tư duy độc lập, không thích bị người khác can thiệp hay trói buộc.

4 ngón tay có khoảng cách khá rộng (ngoại trừ ngón cái)

Người này không thích trói buộc, tư duy độc lập, yêu thích sự tự do.

4 ngón tay khít lại với nhau (ngoại trừ ngón cái)

Người này chỉ thích làm theo ý mình, cố chấp, kiêu căng ngạo mạn.

Theo Khoa học TV

‘Nóc nhà Nam Bộ’ sẽ có tới 4 thành phố, một trong những tỉnh có nhiều thành phố nhất Việt Nam

Giai đoạn 2026 – 2030, tỉnh được mệnh danh là “nóc nhà Nam Bộ” sẽ có tới 4 thành phố, 2 thị xã và 3 huyện.

Tỉnh Tây Ninh có diện tích 4.041km2, gồm 9 huyện, thị xã, thành phố. Đây là một trong 2 tỉnh của Nam Bộ có núi cao, trong đó núi Bà Đen cao nhất với 986m, được mệnh danh là nóc nhà của Nam Bộ. Địa phương nằm ở vị trí cầu nối giữa TP HCM và thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia; và là một trong những tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, Tây Ninh trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống. Công nghiệp và dịch vụ du lịch là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch của Vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Tầm nhìn đến năm 2050, Tây Ninh trở thành một tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao; thương mại, du lịch phát triển và là cửa ngõ thương mại quốc tế của Vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Đáng chú ý, ngoài TP Tây Ninh hiện trạng, dự kiến giai đoạn năm 2026 – 2030, tỉnh sẽ có thêm 3 thành phố khác. Cụ thể, thị xã Hoà Thành, thị xã Trảng Bàng và huyện Gò Dầu sẽ lên thành phố. Dự kiến huyện Gò Dầu lên thị xã giai đoạn 2024 – 2025, sau đó lên thành phố giai đoạn 2026 – 2030.

Ngoài ra, tỉnh có huyện Bến Cầu và huyện Minh Châu sẽ phát triển thành thị xã; cùng 3 huyện Châu Thành, Tân Châu, Tân Biên.

Như vậy, theo lộ trình này, tỉnh Tây Ninh sẽ có tới 4 thành phố, 2 thị xã và 3 huyện. Nếu việc quy hoạch này trở thành sự thật, Tây Ninh sẽ trở thành một trong những tỉnh có nhiều thành phố nhất Việt Nam.

Hiện tại, 2 tỉnh có nhiều thành phố nhất Việt Nam là Quảng Ninh và Bình Dương, với 4 thành phố. Tiếp đó 3 tỉnh có 3 thành phố trực thuộc là Thái Nguyên, Đồng Tháp và Kiên Giang. Trong tương lai, Quảng Ninh dự kiến có 7 thành phố, còn Bình Dương sắp có thành phố thứ 5. Thái Nguyên, Đồng Tháp và Kiên Giang dự kiến không quy hoạch thêm thành phố mới.

Tỉnh có khu công nghiệp lớn nhất cả nước

Năm 2023, kinh tế Tây Ninh tiếp tục phục hồi sau đại dịch, tăng trưởng 6,12%- cao hơn mức bình quân chung của cả nước (GRDP cả nước tăng 5%), xếp thứ 2 vùng Đông Nam Bộ.

'Nóc nhà Nam Bộ' sẽ có tới 4 thành phố, một trong những tỉnh có nhiều thành phố nhất Việt Nam- Ảnh 1.

Giá trị sản xuất các ngành nông nghiệp – công nghiệp – thương mại, dịch vụ đều tăng so với cùng kỳ. Du lịch tiếp tục là điểm sáng, tăng cả về doanh thu và số lượng du khách (tăng 36,5% so cùng kỳ, lần đầu tiên vượt ngưỡng 2.000 tỷ đồng. Khách du lịch đạt trên 5,1 triệu lượt người, tăng 13,2% so cùng kỳ).

Xuất khẩu vẫn duy trì ở mức khá, đạt 5,7 tỷ USD, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,5%, đạt 751 triệu USD, nằm trong top 15 tỉnh, thành phố thu hút đầu tư nước ngoài cao. Giải ngân vốn đầu tư của Tây Ninh trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao.

Năm 2023, toàn tỉnh chỉ còn 547 hộ nghèo, chiếm 0,17% tổng số hộ dân (giảm 490 hộ nghèo, tỷ lệ giảm 0,15% so với năm 2022); 1.620 hộ cận nghèo, chiếm 0,5% tổng số hộ (giảm 842 hộ, tỷ lệ giảm 0,27% so với năm 2022). Như vậy, 5 năm liên tục Tây Ninh nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước.

Đáng chú ý, Tây Ninh cũng là tỉnh sở hữu khu công nghiệp Phước Đông – KCN lớn nhất Việt Nam hiện nay với quy mô 2.190 ha. KCN này nằm trong khu phức hợp 3.285 ha, tọa lạc tại huyện Gò Dầu và Trảng Bàng. Khu phức hợp Phước Đông có vị trí chiến lược, tọa lạc gần đường dẫn vào đường Cao tốc TP HCM – Mộc Bài; cảng trung chuyển Thanh Phước và cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Do đó, khu Phước Đông có những lợi thế về vận chuyển đường bộ và thủy nội địa đến TP HCM cũng như thị trường các nước lân cận như Campuchia, Thái Lan.

Năm 2024, tỉnh phấn đấu tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 7% trở lên. GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 4.250 USD. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 11.100 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,03%-0,046% (tương đương 100 hộ đến 150 hộ).

Về phát triển KCN, CNN, tỉnh dự kiến triển khai giai đoạn 3 Khu công nghiệp Phước Đông; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hiệp Thạnh, Cụm công nghiệp Tân Phú và Cụm công nghiệp Tân Hội 2.

Nhật Ninh / Theo An ninh tiền tệ / Shoha

17 công ty bỗng bị đưa vào 500 lệnh trừng phạt Nga: Trung Quốc tức tốc hành động, đòi Mỹ phải sửa sai ngay

“Mỹ cần phải sửa chữa hành vi sai trái của mình ngay lập tức…”, đại diện Trung Quốc lên tiếng.

Vào ngày 23/2, Mỹ tuyên bố sẽ ban hành hơn 500 lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga. 

Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao đã chỉ định hơn 4.000 thực thể và cá nhân phải chịu các lệnh trừng phạt liên quan đến [Nga] trong hai năm qua, mức trừng phạt lớn nhất từng được áp đặt đối với một nền kinh tế lớn“, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết.

Đáng chú ý, theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, 17 công ty đến từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông cũng nằm trong danh sách này.

Trong đó, Bộ Tài chính Mỹ nêu tên 6 nhà sản xuất và xuất khẩu Trung Quốc bị cáo buộc vận chuyển thiết bị vi điện tử sang Nga, giúp Moscow né tránh các lệnh trừng phạt trước đó. 

Bộ này đã phong tỏa tài sản ở Mỹ cũng như cấm các doanh nghiệp Mỹ giao dịch với các công ty này.

17 công ty bỗng bị đưa vào 500 lệnh trừng phạt Nga: Trung Quốc tức tốc hành động, đòi Mỹ phải sửa sai ngay- Ảnh 1.
Mỹ sẽ ban hành hơn 500 lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga. Ảnh: CNN

Ba trong số các thực thể Trung Quốc – Công ty TNHH Công nghệ Ausay Quảng Châu, Công ty TNHH Thương mại Biguang Thâm Quyến, Công ty TNHH Điện tử Yilufa – cũng có tên trong danh sách trừng phạt của Liên minh Châu Âu được công bố hôm 20/2, bị cáo buộc giúp Nga tiếp cận hàng hóa do Châu Âu sản xuất với mục đích kép dân sự-quân sự.

Jiangxi Liansheng Technology, một nhà sản xuất quang điện ở miền trung Trung Quốc, cũng bị cáo buộc đã vận chuyển các linh kiện phòng thí nghiệm quang học và các thiết bị công nghệ khác sang Nga.

Hai công ty Trung Quốc còn lại là Công ty Xuất nhập khẩu Quảng Châu Hesen và Công ty Công nghệ Quảng Châu Sáng tạo Mới.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng áp đặt lệnh trừng phạt đối với hơn 250 thực thể và cá nhân, trong đó có ba công ty Trung Quốc, với cáo buộc cung cấp cho các thực thể Nga có quan hệ với quân đội nước này: Zhejiang Oulong Electric, Wuhan Maiwe Communication và Corebai Microelectronics Beijing.

Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã áp đặt các hạn chế thương mại đối với 93 thực thể, trong đó có một thực thể từ Trung Quốc đại lục và 7 thể từ Hồng Kông.

Chúng ta phải duy trì sự hỗ trợ của mình cho Ukraine…“, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen bình luận. 

Điều quan trọng là Quốc hội phải tăng cường tham gia cùng các đồng minh trên khắp thế giới trong việc trao cho Ukraine các phương tiện để tự bảo vệ mình…“.

Trung Quốc yêu cầu Mỹ sửa sai

Trước động thái của Nhà Trắng, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington Liu Pengyu khẳng định, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các công ty Trung Quốc là “một động thái điển hình của ép buộc kinh tế, chủ nghĩa đơn phương và bắt nạt”.

Mỹ cần phải sửa chữa hành vi sai trái của mình ngay lập tức, đồng thời ngừng ngăn chặn và đàn áp các công ty Trung Quốc. Trung Quốc sẽ tiếp tục làm những gì cần thiết để bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc“, ông Liu nói.

Hiện nay, bất chấp các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt từ khi chiến dịch quân sự ở Ukraine bùng phát tháng 2/2022, nền kinh tế Nga vẫn trụ vững một cách đáng kinh ngạc.

Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã tăng hơn gấp đôi dự báo về tăng trưởng kinh tế của Nga vào năm 2024, nâng mức dự báo từ 1,1% hồi tháng 10/2023 lên mức 2,6%.

17 công ty bỗng bị đưa vào 500 lệnh trừng phạt Nga: Trung Quốc tức tốc hành động, đòi Mỹ phải sửa sai ngay- Ảnh 3.
Nhiều công ty Trung Quốc cũng nằm trong danh sách trừng phạt Nga của Mỹ. Ảnh: CGTN

Thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nga cũng ghi nhận mốc tăng trưởng với tốc độ 25% đến 30% mỗi năm do Moscow đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc cũng như việc Bắc Kinh mua dầu khí từ Moscow.

Về xung đột Ukraine, Bắc Kinh cũng kêu gọi hai bên ngừng bắn và đàm phán để chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, các nước phương Tây đang gây áp lực buộc Bắc Kinh phải làm nhiều hơn để giúp chấm dứt xung đột.

Michael O’Hanlon, giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Brookings, nói rằng dù ít hành động nhưng Trung Quốc giúp đỡ Nga không nhiều như Mỹ đang giúp đỡ Ukraine.

Ông nhấn mạnh: “Điều rất quan trọng là Trung Quốc chưa vận chuyển vũ khí tới Moscow. Đó là một thực tế chiến lược rất quan trọng. Ngoài ra, có những yếu tố trong ‘kế hoạch hòa bình’ của Trung Quốc mà chúng ta có thể chấp nhận và nên cố gắng hợp tác“.

An An / Cafe VN