Cho nước người thuê đất trồng rừng – Nuôi ong tay áo!

Tại phiên họp ngày 9/6/2009 của kỳ họp thứ 7 QH khóa XII, đại biểu QH Nguyễn Minh Thuyết đã gửi câu hỏi chất vấn đến Thủ tướng. Nội dung chất vấn đề cập vấn đề cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng. “Dư luận bức xúc việc cho tổ chức nước ngoài thuê đất rừng biên giới, rừng đầu nguồn. Khi cho thuê, các tỉnh có xin ý kiến Chính phủ không? Trách nhiệm quản lý của Chính phủ?”
Việc các địa phương cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng bộc lộ nhiều vấn đề tồn tại, bức xúc mà dư luận quan tâm và kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước giải quyết thỏa đáng.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết trong kỳ họp thứ 7 QH khóa XII.

Vào tháng 7-2005, tập đoàn Innov Green (Hồng Kông, Trung Quốc) được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Việt Nam  và sau đó được cấp phép thuê đất 50 năm trồng rừng nguyên liệu tại một số địa phương.


Tính đến tháng 4/2008 đã triển khai dự án tại 6 tỉnh trên toàn quốc, đó là: Thanh Hóa, Quảng Ninh, Nghệ An, Lạng Sơn, Kon Tum, Quảng Nam.


Đến 2008, Innov Green đã triển khai dự án tại 6 tỉnh

Cho đến nay, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đã có 10 tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư trồng rừng cho các nhà đầu tư nước ngoài là Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng,  Thanh Hóa , Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Bình Dương.


Mười tỉnh này  đã cho các các doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích dự kiến là 305.353 ha, trong đó các doanh nghiệp  từ Hongkong, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 ngàn ha, 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới.

Công ty Innov Green đốt thực bì, chuẩn bị trồng cây ở bản Cắm,
xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. (vnnews)

Tính đến 1/4/2010, các tỉnh đã quyết định cho thuê và cho phép liên doanh, liên kết được 33.824 ha (bằng 11,1% so với diện tích dự kiến được cấp giấy chứng nhận đầu tư). Diện tích đã cho thuê là 15.664 ha (5,2%) và diện tích cấp phép liên doanh, liên kết giữa các nhà đầu tư với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước là 18.160 ha (bằng 5,7%).


Những vấn đề dư luận quan tâm

Cho thuê đất quá dễ dàng

Các địa phương, nhất là cấp tỉnh, cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất quá dễ dàng, thủ tục buông lỏng, gây khó cho cấp dưới, cho người dân. Công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện của doanh nghiệp không sát sao, chặt chẽ, do đó, trong số các dự án ở các địa phương kể trên, nhiều dự án chưa được địa phương cấp phép, nhưng doanh nghiệp nước ngoài đã tự ý tiến hành trồng rừng.


Tại Quảng Nam, sau khi xin phép và chọn khu vực đầu tư là miền núi, công ty Innov Green Quảng Nam được nhanh chóng triển khai dự án trồng rừng công nghệ cao tại địa bàn 8 huyện miền núi Quảng Nam với diện tích được UBND tỉnh cấp lên đến 30.000 ha, trong thời hạn 50 năm.

.

Rừng bạch đàn của công ty nước ngoài ở xã Lăng, huyện Tây Giang,
Quảng Nam (Ảnh: vietnamnet)


Tại Lạng Sơn, Ông Vi Sỹ Phóng, Chủ tịch UBND xã Đông Quan, huyện Lộc Bình, cho biết, dự án trồng rừng của công ty Innov Green (Hồng Kông – Trung Quốc) vẫn chưa được tỉnh cấp phép. Tỉnh Lạng Sơn có giao cho huyện hướng dẫn cho xã đi khảo sát đất rừng rồi trình lên để cấp. “Nhưng giờ đã trình đã cấp gì đâu mà họ đã trồng rồi, cả ở huyện Tràng Định cũng tiến hành trồng rồi. Vừa rồi Sở Tài nguyên Môi trường cũng nói là chưa cấp gì đâu nhưng cứ cho họ (Công ty Innov Green) làm đi”.

Khu rừng 60 ha do công ty Innov Green thuê trồng rừng tại xã Đông Quan
(Ảnh: vietnamnet)


Hiệu quả kinh tế

Cho thuê đất thì dễ dàng như vậy, mà giá cho thuê đất cũng cực kỳ thấp, gần như “cho không” nhà đầu tư: 2,75 đồng/m2 đất, rẻ gấp nhiều chục lần một điếu thuốc lá bán lẻ!


Tại Quảng Nam, diện tích lớn đất còn lại tại địa bàn 7 huyện miền núi cao, biên giới được miễn tiền thuê đất trong toàn bộ thời gian 50 năm của dự án triển khai. Như vậy, có thể nói, toàn bộ diện tích đất tại 7 huyện miền núi với hàng chục nghìn ha gần như “cho không” nhà đầu tư nước ngoài để trồng rừng!


Dân mất đất canh tác

Trong khi cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất dễ dàng như vậy thì người dân vẫn thiếu đất để canh tác. Họ không chỉ lo lắng không biết sắp tới làm gì mà ăn, mà còn lo lắng cho tương lai con cháu mai sau không có tấc đất cắm dùi. Trước mắt, họ không có đất làm rừng, làm nương rẫy, chăn thả gia súc để đảm bảo cuộc sồng hàng ngày.

Nhiệu hộ dân thôn Bản Danh (Tiên Yên, Quảng Ninh) lo lắng không biết
sẽ chăn thả gia súc ở đâu (Ảnh: vietnamnet)

Tại  Lạng Sơn, “Nhiều hộ thận trọng lo cho công ăn việc làm của con cháu mai sau nên nhất quyết không giao đất rừng cho công ty”, ông Vi Văn Mài, trưởng thôn Song Sài, xã Đông Quan cho biết.


Báo cáo của Bộ Nông nghiệp cũng đã xác nhận một sự thật là một số nơi đã thu hồi đất của dân (đất lâm nghiệp thực tế đã có chủ) để giao cho nước ngoài thuê. Khi đó, chủ rừng trở thành người làm thuê.

Tại huyện Hải Hà, Quảng Ninh, anh Tằng Chăn Thống (thôn Cấu Phòng, xã Quảng Sơn) kể: “Cánh rừng này, bao đời nay, gia đình tôi và người dân địa phương đã từng trồng rừng, cấy hái. Nhưng bây giờ, Công ty Innov Green lấy đất rồi, chúng tôi phải đi làm thuê cho công ty thôi”.


Đe dọa an ninh quốc phòng

Theo Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, diện tích rừng được giao cho các nhà đầu tư nước ngoài có cả rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng tại các vị trí xung yếu về an ninh – quốc phòng.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Nhiều địa điểm mà doang nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng thuộc các tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng. Tại Nghệ An, họ thuê ở các địa điểm gần với đường 7 và 8 sang Lào. Họ thuê ở Quảng Nam, có đường thuận tiện đi lên Tây Nguyên, qua Campuchia.


Nhiều vị trí thuộc rừng đầu nguồn, nằm trong đất căn cứ kháng chiến hoặc ở vùng biên giới. Ví dụ. Nghệ An đang cho thuê ở Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp đây là 3 địa bàn phên dậu quốc gia. Lạng Sơn cũng vậy.

Diện tích rừng trồng dự án nước ngoài tại xã Lăng, Tây Giang nằm lọt thỏm
trong rừng nguyên sinh (Ảnh: vietnamnet)

Ngoài ra, kinh nghiệm cho thấy khi làm các dự án, doanh nghiệp Trung Quốc đều đưa nhiều người đến và sau một thời gian sẽ thành các làng mạc, thị trấn.

Hơn nữa, thời gian cho thuê đất kéo dài 50 năm, trải qua tới 3 thế hệ, sẽ rất khó kiểm soát sau này. Về vấn đè này, Đại tá Hoàng Công Hàm, Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn, phát biểu: “Rừng là thế mạnh của miền núi tại sao lại để cho dự án nước ngoài trồng cây vào đấy. Họ thuê 50 năm thì mình khó mà kiểm soát được. Họ sử dụng trồng rừng 50 năm thì sẽ ảnh hưởng đến thế trận quân sự phòng thủ của nước ta… “

Đại tá Vũ Công Hàm (Ảnh: vietnamnet)


Thất thoát tài nguyên khoáng sản

Trong hàng trăm ngàn ha rừng đầu nguồn ở các tỉnh biên giới đã cho doanh nghiệp nước ngoài thuê không chỉ có gỗ mà còn có nhiều tài nguyên khoáng sản. Lịch sử quan hệ cho thấy, khi có chủ quyền trên đất, họ không bỏ qua cơ hội ngàn năm có một để khai thác tài nguyên khoáng sản. Khi đó thì ngoài việc mất của cải quốc gia trong lòng đất, việc khai thác quặng còn kéo theo sự tàn phá rừng đầu nguồn. Đó sẽ là hai tác nhân gây ra thảm họa môi trường như lũ bùn đất như đã từng xảy ra ở sơn La, Lào Cai, Tuyên Quang, Cao Bằng…


Khai thác quặng trái phép làm môi trường bị hủy hoại (Ảnh minh họa)


Trung Quốc thuê đất ở nước ngoài và chính sách “Biên giới mềm”

Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm lịch sử trong vấn đề thuê đất. Việc “mượn đất nông nghiệp” là một phương thức có nguồn gốc lịch sử và không chỉ đơn thuần là phục vụ mục đích nông nghiệp.

Thời Tây Hán, Triệu Sung Quốc đã áp dụng phương sách này và mang lại hiệu quả to lớn, lương thực không những dư thừa mà đất đai còn rộng mở. Kế sách mượn đất này được các thế hệ sau tiếp thu và thực hiện, trở thành “văn hóa mượn đất”, tác động mạnh mẽ tới tận thời nay.

Gần đây nhất, việc thu hồi các nhượng địa Hongkong và Macau sau 99 năm cho nước ngoài thuê làm tô giới đã cho Trung Quốc nhiều bài học lợi hại về vấn đề cho thuê đất và cùng với đó là đi thuê đất.

Thành phố Hongkong

Thuê đất ở nước khác để trồng rừng chính là một hành động cụ thể trong việc thực thi chính sách “Biên giới mềm” của Trung Quốc.

Diện tích Trung Quốc rộng gấp 30 lần Việt Nam, dân số Truong Quốc gấp 15 lần Việt Nam. Như vậy, tính theo bình quân đầu người, diện tích đất Trung Quốc gấp 2 lần Việt Nam. Họ có thiếu đất canh tác hơn người Việt Nam không? Tại sao họ không trồng rừng, cải tạo môi trường, phát triển kinh tế lâm nghiệp trên đất nước bao la của họ trước khi đi thuê đất của nước ngoài?

@VITINFO

Bình luận về bài viết này