Chùa Nôm – ngôi chùa mang vẻ đẹp trường tồn cùng thời gian

Tương truyền, xưa kia ở vị trí của chùa Nôm vốn có một am nhỏ nằm giữa rừng thông cổ thụ, sau này trở thành chùa. Vào năm 1680, chùa được xây lại và trải qua nhiều lần trùng tu để có quy mô như ngày nay.

Nằm ở làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, chùa Nôm là một trong số ít những ngôi chùa cổ có quy mô lớn của vùng Bắc Bộ còn lưu giữ và bảo tồn được những nét kiến trúc xưa.

Chùa có tên chữ là Linh Thông Cổ Tự, nằm trên một diện tích rộng khoảng 15ha. Tương truyền, xưa kia ở vị trí của chùa vốn có một am nhỏ nằm giữa rừng thông cổ thụ, sau này trở thành chùa. Vào năm 1680, chùa được xây lại và trải qua nhiều lần trùng tu để có quy mô như ngày nay.

Ấn tượng đầu tiên về chùa Nôm là tòa tam quan bằng gỗ được xếp vào hạng to, cao nhất nhì Việt Nam.

Không chí bề thế, tòa tam quan chùa Nôm còn là một tác phẩm điêu khắc gỗ tuyệt đỉnh với nhiều mảng chạm khắc vô cùng tinh xảo.

Bước qua tam quan là một hồ nước hình vuông, hai bên là lầu chuông và lầu trống nằm đối xứng.

So với nhiều ngôi chùa cổ Bắc Bộ khác, lầu chuông và lầu trống của chùa Nôm đồ sộ hiếm thấy, có ba tầng mái cong vút dựng trên bộ khung gỗ chắc chắn.

Sau hồ nước là khoảng sân gạch rộng và tòa tam bảo nằm ẩn mình trầm mặc dưới những tán cây cổ xum xuê.

Không gian bên trong tòa tam bảo được bài trí theo kiểu cách điển hình của các ngôi chùa cổ miền Bắc.

Các lớp tượng Phật, Bồ tát được bài trí ở gian trung tâm tòa tam bảo.

Từ hai bên nhà tam bảo có hai dãy hành lang có mái che dẫn xuống nhà Mẫu.

Một nét đặc sắc trong kiến trúc chùa Nôm là sự hiện diện của hơn 100 pho tượng bằng đất tuyệt đẹp có tuổi hàng trăm năm. Các pho tượng được tạc ở nhiều trạng thái, tư thế, kích thước… khác nhau nhằm thể hiện các chủ đề Phật giáo.

Điều đặc biệt là hệ thống tượng này được lằm bằng kỹ thuật đặc biệt nên rất bền vững, vẫn nguyên vẹn sau khi trải qua rất nhiều trận lũ lụt trong lịch sử và trở thành một sưu tập tượng đất cổ độc nhất vô nhị Việt Nam.

Ngoài khu vực chùa chính, chùa Nôm còn nhiều công trình kiến trúc khác, trong đó ấn tượng nhất là lầu Quan Âm nằm giữa một hồ nước trong khuôn viên chùa. Tòa lầu nguy nga này nối với bờ bằng một cây cầu đá mô phỏng cây cầu Nôm cổ.

Phía trước cầu là hai tháp Cửu phẩm liên hoa bằng đồng được tạo tác rất kỳ công.

Cách lầu Quan Âm không xa là khu vườn tháp với nhiều tòa tháp bằng đá ong, là nơi an nghỉ của những nhà sư tu hành ở chùa.

Nhà thờ Tổ và nhà khách nằm phía sau khu chùa chính, có quy mô khá bề thế giữa một không gian rộng lớn.

Chùa còn lưu giữ được hai tấm bia đá cổ các bia đá ghi lại ghi lại lịch sử xây dựng, trùng tu chùa từ những thế kỷ trước…

Theo KIẾN THỨC VIÊT NAM

10 ẩn số không có lời giải trong lịch sử Việt Nam

Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam tồn tại nhiều uẩn khúc mà có thể hậu thế sẽ không bao giờ giải đáp được.

Các vua Hùng trị vì bao nhiêu năm?

Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, triều đại các vua Hùng ở Việt Nam bắt đầu khi vua Kinh Dương Vương lên ngôi năm Nhâm Tuất (2879 TCN). Triều đại này kéo dài đến năm Quý Mão (258 TCN) thì kết thúc với 18 đời vua Hùng nối nhau trị vì trong 2.622 năm. Tính trung bình, mỗi thời vua Hùng Vương kéo dài tới… 150 năm. Đây rõ ràng là một con số khó tin. Vì vậy, nhiều sử gia đã tỏ ý nghi ngờ và đưa ra các cách lý giải khác nhau về niên đại của thời kỳ Hùng Vương.

Theo đó, con số 18 ở đây không phải 18 đời vua mà là 18 ngành vua, mỗi ngành gồm nhiều đời vua mang chung vương hiệu, khi hết một nhành mới đặt vương hiệu mới. Nếu tính như vậy thì có thể có đến 180 đời vua Hùng, và thời gian trị vì trong 2.622 năm là hoàn toàn hợp lý.

Cũng có một số nhà nghiên cứu cho rằng nước Văn Lang của các vua Hùng chỉ tồn tại trong khoảng 300 – 400 năm và niên đại kết thúc là khoảng năm 208 TCN chứ không phải là năm 258 TCN.

Ai sát hại Vua Đinh Tiên Hoàng?

Sử sách chính thống của Việt Nam đều ghi rằng người giết chết Đinh Tiên Hoàng – vị vua sáng lập triều đại nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt là hoạn quan Đỗ Thích. Sử chép rằng, viên quan này mơ thấy sao rơi vào miệng, tưởng là điềm báo được làm vua nên đã giết chết cả Đinh Tiên Hoàng và Thái tử Đinh Liễn.

Tuy vậy, nhiều sử gia đã bày tỏ sự hoài nghi với các ghi chép này, vì Đỗ Thích chỉ là một viên hoạn quan, chức nhỏ, sức mọn, không hề có uy tín hay vây cánh, dù có gan đến mấy cũng không thể liều lĩnh đến như vậy được. Một giả thuyết được đặt ra: Đỗ Thích chỉ là tấm bình phong che đậy cho thủ phạm thực sự, Lê Hoàn và Dương Vân Nga mới chính là thủ phạm.

Theo lý giải, việc Lê Hoàn làm Phó vương khi Đinh Toàn lên ngôi, cấm cố họ Đinh cùng với việc các trung thần chống đối có thể là biểu hiện cho thấy mưu đồ chiếm ngôi của Lê Hoàn. Hành động của Lê Hoàn nhiều khả năng đã có sự trợ giúp của Dương Vân Nga.

Có thể giữa Dương Vân Nga và các hoàng hậu khác (Tiên Hoàng có những 5 hoàng hậu) đã xảy ra cuộc đua giữa họ về tương lai của ngôi thái tử. Do yếu thế trong cuộc cạnh tranh này, Dương Vân Nga đã chọn Lê Hoàn làm chỗ dựa.

Do vậy, dù động cơ có phần khác nhau, Dương hậu đã cùng Lê Hoàn tiến hành vụ ám sát chấn động lịch sử và dùng Đỗ Thích như một hình nhân thế mạng.

Lê Long Đĩnh có thật là vị vua tồi tệ nhất lịch sử?

Trong chính sử Việt Nam, Lê Long Đĩnh được mô tả là người bạo – ngược, tính hay chém giết, ác bằng Kiệt, Trụ ngày xưa. Ông nổi danh vì những thú vui tàn ác như tra tấn tù binh bằng các cách thức mạn rợ, lấy mía để trên đầu nhà sư mà róc cho tóe máu… Do sống dâm dục quá độ nên Lê Long Đĩnh mắc bệnh không ngồi được, đến buổi chầu thì cứ nằm mà thị triều, cho nên tục gọi là “Ngọa-triều”.

Tuy vậy giới sử học Việt Nam gần đây đã có những cách nhìn khác về vị vua tai tiếng này.

Nhiều nguồn sử liệu khẳng định, Lê Long Đĩnh là ông vua đầu tiên cử người đi lấy kinh Đại Tạng cho Phật giáo và sư Vạn Hạnh, thiền sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu cũng như các cao tăng khác thời đó đều được Lê Long Đĩnh rất trọng vọng… Và một ông vua đề cao Phật pháp như vậy có thể nào “lấy mía để trên đầu nhà sư mà róc” ?

Trước khi chết ở độ tuổi 24, Lê Long Đĩnh còn chăm lo việc đào kênh, mở mang đường sá và đến tận nơi xem xét rồi xuống chiếu đóng thuyền bè đi lại cho dân. Một ông vua suốt ngày ham mê tửu sắc không đi lại được đến mức phải “ngọa triều”, ông vua đó có thể làm được những chuyện ý nghĩa như vậy không?

Không chỉ vậy, trong 4 năm làm vua, Lê Long Đĩnh đã 6 lần trực tiếp cầm quân ra trận, lần cuối cùng chỉ cách 2 tháng trước khi ông mất. Cầm quân đánh giặc liên miên như vậy phải có sức vóc, người “dâm dục quá độ, mắc bệnh không ngồi được” sao có thể cáng đáng nổi?

Ai là tác giả bài thơ Nam Quốc Sơn Hà?

Bài thơ Nam quốc sơn hà được xem là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam, gắn với tên tuổi của danh tướng Lý Thường Kiệt (1019-1105) và thắng lợi trước quân Tống xâm lược tại sông Như Nguyệt. Hiện nay, nhiều người vẫn ngộ nhận tác giả bài thơ là Lý Thường Kiệt.

Tất cả sử liệu Việt Nam, từ chính sử đến dã sử đều không nhắc đến tác giả bài thơ. Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi rằng, vào một đêm, quân sĩ nhà Lý chợt nghe thấy có tiếng đọc to bài thơ này được trong đền Trương tướng quân. Trong khi đó, sách Lĩnh Nam Chích Quái cho rằng “Thần nhân tàng hình ở trên không” đã đọc bài thơ. Cũng theo Lĩnh Nam Chích Quái, bài thơ đã xuất hiện từ thời Lê Hoàn chống Tống, và cũng được đọc trên con sông Như Nguyệt.

Nguồn gốc bí ẩn đó đã khiến Nam quốc sơn hà được người đời coi là một bài thơ Thần.

Một số sử gia thời hiện đại đã đưa ra giả thiết tác giả bài thơ là những bậc đại sư như Khuông Việt hay Pháp Thuận, nhưng tính thuyết phục không cao vì chỉ dựa vào mối quan hệ của các Thiền sư với các vua thời đó.

Công chúa Huyền Trân tư thông với Trần Khắc Chung?

Công chúa Huyền Trân sinh năm 1287, là con gái của vua Trần Nhân Tông và em gái vua Trần Anh Tông. Năm 1306, vua Chế Mân dâng hai châu Ô, Lý (Nam Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế ngày nay) cho nhà Trần làm của hồi môn để lấy Huyền Trân. Vua Trần đã đồng ý gả công chúa.

Về Chiêm Thành, Huyền Trân được phong làm hoàng hậu. Một năm sau, bà sinh cho Chế Mân một hoàng tử, đặt tên là Chế Đa Đa. Ít lâu sau Chế Mân băng hà, nhà Chiêm sai sứ sang Đại Việt báo tang.

Theo tục lệ Chiêm Thành, khi vua chết hoàng hậu phải lên dàn hỏa thiêu để chết theo. Vua Trần Anh Tông biết điều này bèn sai Trần Khắc Chung vờ sang viếng tang rồi tìm cách cứu Huyền Trân. Trần Khắc Chung đã bày kế thành công và cứu được Huyền Trân, đưa công chúa về Đại Việt bằng đường biển.

Theo một số nguồn sử liệu, cuộc hành trình về nước của công chúa Huyền Trân đã kéo dài tới một năm, và bà đã tư thông với Trần Khắc Chung trong khoảng thời gian đó.

Cuốn Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “..hai người tư thông với nhau, trùng trình ở trên mặt biển, lâu lắm mới về đến kinh sư. Hưng Nhượng vương Quốc Tảng lấy làm ghét lắm, hễ thấy Khắc Chung liền mắng rằng: ‘Họ tên người này là “Trần Khắc Chung”, đối với nước nhà có điều không tốt, có lẽ nhà Trần sẽ mất về người này chăng?’. Khắc Chung thường phải sợ mà lánh mặt..”.

Tuy vậy cũng có một số sử gia đưa ra các lý lẽ khác nhau để minh oan cho Công chúa Huyền Trân. Có lẽ, thực hư của câu chuyện này ra sao mãi mãi là một ẩn số trong lịch sử Việt Nam.

Ai là thủ phạm trong thảm án Lệ Chi Viên?

Cho đến nay, vụ án Lệ Chi Viên với cái chết bí ẩn của vua Lê Thái Tông và việc tru di tam tộc quan đại thần Nguyễn Trãi vẫn là đề tài bàn luận sôi nổi của giới nghiên cứu sử học Việt Nam.

Theo sử sách, ngày 4/8/1442, vua về Lệ Chi (nay thuộc huyện Gia Lương, Bắc Ninh). Cùng đi với Vua có Nguyễn Thị Lộ, một người thiếp của Nguyễn Trãi, khi ấy đã vào tuổi 40, rất được nhà vua yêu quý vì sắc đẹp, văn hay. Tại Lệ Chi Viên, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ, rồi băng hà.

Triều đình đã quy cho Nguyễn Thị Lộ tội giết vua. Nguyễn Trãi và gia đình bị án tru di tam tộc và bị giết ít lâu sau đó. Đến năm 1464, vua Lê Thánh Tông đã rửa oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng ông tước Tán Trù bá và bổ dụng người con còn sống sót của ông là Nguyễn Anh Vũ.

Sau này, nhiều sử gia đã tán đồng với giả thuyết cho rằng chủ mưu vụ án chính là Nguyễn Thị Anh – vợ thứ vua Lê Thái Tông.

Về động cơ, thứ nhất là do bà đã có sẵn tư thù với Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Thứ hai là do thời đó, nhiều người trong triều dị nghị rằng Nguyễn Thị Anh đã có thai trước khi vào cung và Thái tử Bang Cơ không phải là con Vua Thái Tông, sợ Nguyễn Trãi gièm pha nên bà đã sai người sát hại vua rồi đổ tội cho vợ chồng Nguyễn Trãi.

Vì sao vua Quang Trung băng hà?

Vào tuổi tứ tuần, giữa lúc chuẩn bị mở một chiến dịch tổng lực để tiêu diệt liên minh Nguyễn Ánh – Pháp, hoàn thành việc thống nhất đất nước; đồng thời nỗ lực giành lại hai tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông từ nhà Thanh, hoàng đế Quang Trung đột ngột băng hà. Biến cố này là một trong những nghi vấn lớn nhất của lịch sử Việt Nam.

Theo chính sử nhà Nguyễn, hoàng đế Quang Trung chết vì một chứng bệnh kỳ bí, bắt đầu từ một cơn đột quỵ khiến ông rơi vào trạng thái mê man nhiều ngày. Chứng bệnh này sử gia nhà Nguyễn giải thích như sự trừng phạt của thần thánh dành cho việc quân đội của ông đã xâm phạm các tôn lăng của chúa Nguyễn khi chiếm thành Phú Xuân (Huế).

Nếu gạt bỏ những yếu tố hoang đường và dụng ý chính trị thì những mô tả trong Ngụy Tây liệt truyện đã hé mở phần nào nguyên nhân dẫn đến cái chết của vua Quang Trung trên phương diện y học hiện đại.

Theo giả thuyết của các nhà nghiên cứu ngày nay, nhiều khả năng vị hoàng đế vĩ đại của nhà Tây Sơn đã bị suy sụp bởi một cơn tăng huyết áp đột ngột và qua đời vì tai biến mạch máu não.

Ngoài ra, còn một giả thuyết khác khá hoang đường khác về cái chết của vua Quang Trung, đó là ông đã bị trúng tà thuật từ chiếc áo bị yểm bùa do vua Càn Long của nhà Thanh ban tặng. Một biến thể của giả thuyết này là chiếc áo kể trên đã bị tẩm thuốc độc.

Vợ con của Hoàng tử Cảnh thông dâm với nhau?

Hoàng tử Cảnh của nhà Nguyễn (Nguyễn Phúc Cảnh, 1780 – 1801) là một người có số phận bi kịch, khi mới 3 tuổi đã bị đưa sang Pháp làm con tin, ngoài 20 tuổi đã bị bệnh đậu mùa mà mất sớm.

Sau khi ông mất, vua Gia Long quyết định chọn hoàng tử Đảm (Minh Mạng) – em cùng cha khác mẹ với Hoàng tử Cảnh thay vì chọn Nguyễn Phúc Mỹ Đường – con trai hoàng tử Cảnh làm người nối ngôi như thông lệ. Một bi kịch mới bắt đầu từ đây.

Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, vào năm Minh Mạng thứ 5 (1824), có người bí mật tố cáo rằng Mỹ Đường thông dâm với mẹ ruột là Tống thị. Vua Minh Mạng đã sai tướng Lê Văn Duyệt dìm nước chết Tống thị, còn Mỹ Đường thì phải giao trả hết ấn tín và dây thao, đồng thời bị giáng xuống làm thứ dân và chết trong nghèo khó.

Về vụ án thông dâm kì lạ này của triều Nguyễn, các sử gia sau này có rất nhiều lời bàn. Một quan điểm được nhiều người ủng hộ, đó là vua Minh Mạng đã dựng lên vụ án loạn luân để loại bỏ Mỹ Đường – người có thể sẽ tìm cách dành lại ngôi vua, đồng thời là chỗ dựa về chính trị của một số triều thần chống đối.

Việt sử giai thoại cho rằng: Thời ấy, có hai tội thuộc hàng đại ác không thể tha, ấy là bất trung và thất đức. Bất trung thì con trai trưởng của Hoàng tử Cảnh chẳng có biểu hiện gì, vậy thì Minh Mạng muốn được yên vị trên ngai, ắt phải khép Mỹ Đường vào tột thất đức là thông dâm với mẹ.

Vì sao có bể xương chùa Thầy?

Hang Cắc Cớ thuộc khu di tích chùa Thầy ở xã Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội) được dư luận quan tâm đặc biệt vì trong hang này có một chiếc bể chứa hàng nghìn bộ xương người.

Theo lời kể được truyền qua nhiều thế hệ, khi tìm thấy hang, người ta chứng kiến những bộ hài cốt này nằm trong một hố như cái giếng, nằm chồng chất lên nhau. Cách đây hàng trăm năm, người dân xây một chiếc bể vuông, tựa vào vách dùng để chứa hài cốt. Trên tấm bia ghi bên ngoài bể bằng tiếng Hán, dịch ra đại ý là “Lữ Gia chống Hán lưu sử sách/Bể hận ngàn xương mãi mãi ghi”.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lữ Gia là tướng nhà Triệu, nước Nam Việt (thế kỷ 2 TCN). Dưới triều Thuật Dương Vương (111 TCN), ông giữ chức Tể tướng. Tuy vậy, giới sử học và khảo cổ Việt Nam đưa ra nhiều phỏng đoán khác về nguồn gốc bể xương này.

Theo các giả thuyết, đây có thể là xương cốt của nghĩa quân người Việt bị quân nhà Minh giết khoảng thế kỷ thứ 14, 15 hoặc xương của người dân địa phương khi chạy trốn quân Cờ Đen ở nhà Thanh do Lưu Vĩnh Phúc cầm đầu tràn sang nước ta và hoành hành quanh vùng núi Thầy cuối thế kỷ 19. Cũng có thể các bộ xương này là của chính quân Cờ Đen.

Vua Khải Định có phải là cha của vua Bảo Đại?

Vua Khải Định (1885 – 1925), là vị Hoàng đế thứ mười hai nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Ông có tất cả 12 bà vợ, nhưng chỉ có một con trai duy nhất là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, con bà Hoàng Thị Cúc, người sau này là vua Bảo Đại.

Theo sử sách chép lại, vua Khải Định bất lực, không thích gần đàn bà, chỉ thích đàn ông. Điều này đã gây ra nhiều đồn đại về việc ai là người cha thực sự của vua Bảo Đại.

Nhiều ý kiến cho rằng, nàng hầu Hoàng Thị Cúc đã có thai từ trước khi vào cung, nhưng vẫn được vua Khải Định công nhận sau khi Vĩnh Thụy ra đời. Hồi ký của một số người trong hoàng tộc Nguyễn đồng ý với nhận định này và còn đưa ra khẳng định rằng, Hoàng tử Vĩnh Thụy chỉ là con nuôi của vua Khải Ðịnh.

Theo KIẾN THỨC VIETNAM

Những người nhanh già hơn tuổi thường có “4 ít, 4 nhiều”, hãy mau chóng sửa

Lão hóa là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên ở cùng một độ tuổi sẽ có những người già đi nhanh hơn người khác vì rất nhiều lý do khác nhau.

Lão hóa không chỉ nói tới sự già đi về mặt ngoại hình mà còn là sự suy giảm chức năng của các cơ quan, sức khỏe yếu đi. Khi nói về nguyên nhân dẫn tới tốc độ lão hóa, nhiều người thường cho rằng đó là do “cơ địa” hay do gen, nhưng thực tế thì đa số yếu tố gây lão hóa sớm đến từ lối sống và có thể thay đổi được. Sau đây là “4 ít, 4 nhiều” thường gặp ở những người nhanh già hơn so với tuổi không phải ai cũng nhận ra.

“4 ít” thường gặp ở những người già nhanh hơn tuổi

Ngủ ít hơn người khác:

Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân khiến bạn già nhanh, suy giảm tuổi thọ dù ở bất cứ giới tính nào. Nghiên cứu mới nhất về vấn đề này được Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) công bố tháng 3/2024, cho thấy thiếu ngủ đẩy nhanh quá trình lão hóa cơ thể cả bên trong và bên ngoài. Các nhà nghiên cứu kết luận ngủ 7 giờ mỗi ngày có thể kéo dài tuổi thọ nhiều nhất và thời gian ngủ quá dài hoặc quá ngắn đều làm tăng tuổi kiểu hình và thúc đẩy quá trình lão hóa sinh học.

Những người nhanh già hơn tuổi thường có “4 ít, 4 nhiều”, hãy mau chóng sửa- Ảnh 1.
Ngủ ít là một trong những yếu tố khiến ngoại hình của bạn già đi nhanh hơn tuổi

Uống ít nước hơn người khác:

Năm 2023, một nghiên cứu được công bố trên The Lancet cho thấy uống đủ nước mỗi ngày có thể là cách hiệu quả để trì hoãn lão hóa và kéo dài tuổi thọ. Nghiên cứu này cho thấy khi lượng natri trong máu vượt quá tiêu chuẩn thì nguy cơ lão hóa, bệnh mãn tính và tử vong sớm tăng lên đáng kể. Ngoài ra, uống đủ nước cũng khiến làn da trẻ trung hơn và mọi cơ quan trong cơ thể hoạt động trơn tru. Lời khuyên là nên uống khoảng 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày và uống nước chủ động, rải rác nhiều lần trong ngày để trẻ lâu, khỏe mạnh.

Vận động ít hơn người khác:

Năm 2021, các nhà nghiên cứu từ Đại học Arkansas ở Hoa Kỳ cho thấy ngay cả khi bạn chỉ bắt đầu vận động thường xuyên, tập thể dục khi đã về già thì vẫn có thể  làm chậm tác động của lão hóa. Bởi tập thể dục có thể tác động quá trình methyl hóa và làm giảm sự thoái hóa của cơ xương do lão hóa biểu sinh. Điều quan trọng là bạn không cần tập luyện quá sức, hãy tập trung vào sự đều đặn.

Chống nắng ít hơn những người khác:

Ngoài lão hóa nội sinh là điều tất yếu và tự nhiên, các yếu tố bên ngoài như tia cực tím, hút thuốc, tiếp xúc với gió, nắng và tiếp xúc với các hóa chất độc hại cũng có thể gây lão hóa da và tóc. Trong số đó, tia cực tím là yếu tố quan trọng nhất gây ra tình trạng lão hóa da ngoại sinh hay còn gọi là lão hóa da do ánh sáng. Vì vậy, nếu muốn có ngoại hình không già nhanh so với tuổi, hãy chú trọng chống nắng, ngay cả vào mùa đông hay những ngày râm mát bằng phương pháp vật lý và các loại kem chống nắng chuyên dụng phù hợp.

Những người lão hóa sớm thường gặp phải “4 nhiều”

Chịu nhiều áp lực hơn người khác:

Vào năm 2023, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí “Cell Metabolism” cho thấy con người sẽ thực sự già đi khi bị căng thẳng nghiêm trọng. Nhưng tin tốt là quá trình lão hóa do căng thẳng gây ra có thể được đảo ngược khi một cá nhân hồi phục sau căng thẳng nghiêm trọng. Nên nếu muốn trì hoãn lão hóa, bạn phải học cách giải tỏa căng thẳng.Tắm nước nóng, hít thở sâu thường xuyên, kết bạn nhiều hơn và thường xuyên ra ngoài để thư giãn đều là những cách đơn giản và hiệu quả để giảm căng thẳng.

Những người nhanh già hơn tuổi thường có “4 ít, 4 nhiều”, hãy mau chóng sửa- Ảnh 2.

Ăn nhiều hơn người khác:

Ngoài việc khiến con người tăng cân và tăng nguy cơ bệnh tật, ăn quá nhiều còn có thể khiến con người già đi nhanh hơn. Điều này đã một lần nữa được khẳng định bởi nghiên cứu năm 2023 từ Đại học Cologne ở Đức. Bởi vì ăn quá nhiều làm tăng gánh nặng trao đổi chất của con người, ngăn chặn quá trình chuyển hóa một số chất độc hại và có hại, đồng thời đẩy nhanh quá trình lão hóa của con người. Nhưng đừng ăn quá ít. Ăn no 70% – 80% sẽ giúp bạn sống lâu và khỏe mạnh.

Tâm trạng tiêu cực nhiều hơn người khác:

Năm 2022, nghiên cứu công bố trên tạp chí “Aging-Us” chứng minh rằng lão hóa không chỉ được quyết định bởi yếu tố sinh lý mà còn bị ảnh hưởng bởi trạng thái tâm lý. Họ chia các trạng thái tâm lý tiêu cực bao gồm: lo lắng, thiếu tập trung, trầm cảm, vô vọng, sợ hãi, khó ngủ, buồn bã và cô đơn. Mỗi kiểu tiêu cực này kéo dài có thể làm bạn lão hóa nhanh hơn 1,65 năm so với người khác. Điều quan trọng là rất khó để tránh chúng trong xã hội hiện đại, nên hãy tìm cách giải tỏa, chia sẻ thay vì cố gắng chịu đựng. Tìm cho mình những sở thích lành mạnh để điều hòa cảm xúc.

Những người nhanh già hơn tuổi thường có “4 ít, 4 nhiều”, hãy mau chóng sửa- Ảnh 3.

Có gen dễ già hơn người khác:

Phải thừa nhận rằng tốc độ lão hóa, đặc biệt là về ngoại hình có liên quan tới gen. Từ năm 2016, các nhà khoa học đã tìm ra và công bố trên tạp chí “Current Biology” gen có tên là thụ thể melanocortin 1 (MC1R) có liên quan chặt chẽ đến việc con người già đi. Gen MC1R có liên quan đến sắc tố da mặt, cấu trúc da, đốm sắc tố, khả năng sửa chữa tế bào và nguy cơ viêm nhiễm. Gen MC1R bị đột biến có thể khiến con người nhạy cảm hơn với tia cực tím và dễ bị thay đổi cấu trúc da, khiến da kém đàn hồi và chảy xệ, sắc tố… nên trông già đi nhanh hơn so với người cùng tuổi.

Theo Ngọc Ái / Phụ nữ mới/ Cafe VN / (Nguồn và ảnh: QQ, Healthline, webMD)

Elon Musk: AI sẽ lấy đi công việc của con người

Elon Musk cho rằng trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế hầu hết các công việc hiện tại. Ông dự đoán tương lai công việc sẽ trở thành sự tùy chọn.

Elon Musk, CEO của Tesla và SpaceX, đã đưa ra một dự đoán gây chú ý tại hội nghị công nghệ VivaTech 2024 ở Paris. 

Ông cho rằng trong tương lai, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay thế hầu hết các công việc hiện tại, khiến cho việc làm trở thành “tùy chọn”. 

“Có lẽ không ai trong chúng ta sẽ có một công việc,” Musk nói trong buổi hội thảo. Tỷ phú công nghệ miêu tả một viễn cảnh tương lai nơi mà công việc chỉ là một lựa chọn cá nhân, giống như một sở thích. “Nếu bạn muốn làm một công việc giống như một sở thích, bạn có thể làm việc đó,” Musk giải thích. “Nhưng ngoài ra, AI và robot sẽ cung cấp mọi hàng hóa và dịch vụ mà bạn muốn”.

Ông cũng nhận định rằng sẽ không có sự thiếu hụt hàng hóa hay dịch vụ trong tương lai này. Tuy nhiên, AI đã phát triển rất nhanh trong vài năm qua, đến mức các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn đang tìm cách sử dụng công nghệ này một cách có trách nhiệm. Những lo ngại cũng đang gia tăng về cách mà các ngành công nghiệp và công việc sẽ thay đổi khi AI ngày càng phổ biến trên thị trường.

Elon Musk: AI sẽ lấy đi công việc của con người- Ảnh 1.

ChatGPT là công cụ đang gây sốt trong trong giới công nghệ toàn cầu.

Một báo cáo vào tháng 1 từ Phòng thí nghiệm Khoa học Máy tính và Trí tuệ Nhân tạo của MIT cho thấy, các nơi làm việc đang tiếp nhận AI chậm hơn so với dự đoán và lo ngại của một số người. Báo cáo cũng chỉ ra rằng phần lớn các công việc được cho là dễ bị AI thay thế không mang lại lợi ích kinh tế cho nhà tuyển dụng vào thời điểm đó.

Các chuyên gia cũng tin rằng nhiều công việc đòi hỏi trí tuệ cảm xúc cao và tương tác giữa con người, chẳng hạn như các chuyên gia tâm lý, những người sáng tạo và giáo viên, sẽ không cần thay thế.

Musk đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về AI. Trong bài phát biểu của mình, ông gọi công nghệ này là nỗi sợ lớn nhất của mình. Ông cũng trích dẫn Culture Book Series của Ian Banks, một loạt truyện viễn tưởng về một xã hội do công nghệ tiên tiến điều hành, như là một viễn cảnh tương lai AI thực tế nhất.

Tuy nhiên, trong một tương lai không có công việc, Musk đặt câu hỏi liệu con người có cảm thấy thỏa mãn về mặt tinh thần hay không. 

“Câu hỏi thực sự sẽ là về ý nghĩa – nếu máy tính và robot có thể làm mọi thứ tốt hơn bạn, cuộc sống của bạn có ý nghĩa gì? Tôi nghĩ có lẽ vẫn có vai trò cho con người trong việc này – chúng ta có thể đem lại ý nghĩa cho AI”, Musk nói.

Theo Thái Nghĩa / VTV / Cafe VN

Phân tích: Vấn đề chọn phe của ASEAN trên bàn cờ chính trị Trung – Mỹ


Trong bàn cờ chính trị Mỹ – Trung, mỗi bên đều nỗ lực lôi kéo tầm ảnh hưởng, đáng chú ý dường như tại khu vực ASEAN (Đông Nam Á) đang có những dấu hiệu cho thấy xu thế nhích lại gần Trung Quốc. Bài viết của học giả Hà Thanh Liên bàn về vấn đề này.

Bộ trưởng ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gặp người đồng cấp Mỹ Antony Blinken tại Diễn đàn khu vực ASEAN ở Indonesia vào tháng 7/2023. (Ảnh chụp màn hình video)
Trong Chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ nhằm mục đích kiềm chế bành trướng sức mạnh của Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các đồng minh trong chiến lược không chỉ có Nhật Bản và Hàn Quốc mà còn khu ASEAN. Tháng trước, Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore đã công bố “Báo cáo tình hình ASEAN: 2024”, được một số cơ quan truyền thông Trung Quốc và nước khác đưa tin làm dấy lên tranh luận, theo đó nhận định cho rằng vấn đề chọn phe của ASEAN có chuyển hướng về gần Trung Quốc hơn, do tiềm ẩn khả năng sức mạnh Trung Quốc vượt Mỹ, ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực sẽ tiếp tục gia tăng nếu không có đối trọng tương xứng.

Tại sao có thay đổi này? Phải chăng đây là thế không thể đảo ngược hay sẽ tiếp tục tình trạng lắc lư?

Bối cảnh quốc tế của “Báo cáo tình hình ASEAN: 2024”
Kể từ năm 2020 khi Viện ISEAS-Yusof Ishak bắt đầu công bố “Báo cáo tình hình ASEAN”, báo cáo này đã trở thành đánh giá thường niên về quan điểm của giới tinh hoa trong khu vực liên quan đến các vấn đề quan trọng của khu vực và toàn cầu. Cuộc khảo sát năm nay dựa trên các cuộc phỏng vấn với 1994 người ở 10 nước ASEAN gồm các nhà hoạch định chính sách, nhà báo, doanh nhân và chuyên gia. Kết quả cho thấy: 50,5% số người cho rằng ASEAN nên liên kết với Trung Quốc thay vì Mỹ, tăng đáng kể so với mức 38,9% ở năm 2023; ở Mỹ, con số này giảm xuống 49,5% từ mức 61,1% của năm ngoái. Đây là lần đầu tiên kể từ khi thống kê bắt đầu vào năm 2020, mức thiện cảm dành cho Trung Quốc cao hơn Mỹ.

Tình hình chi tiết chọn phe cũng thú vị: Trong ASEAN chỉ có Philippines, Singapore và Việt Nam có đa số người được hỏi ưu tiên chọn Mỹ, trong khi 7 nước còn lại thích liên minh với Trung Quốc hơn. Những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ ​​sáng kiến “Vành đai và Con đường” và thương mại với Trung Quốc như Malaysia, Indonesia và Lào có lập trường rõ ràng nhất về việc chọn Trung Quốc với hơn 70% người ủng hộ.

Trong hơn 20 năm, các nước ở ASEAN theo đuổi chiến lược “dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh chính trị và dựa vào Trung Quốc để phát triển kinh tế”. Cho đến năm ngoái, hầu hết trong số 10 nước ASEAN đều kiên quyết phản đối việc Trung Quốc mở rộng vùng biển. Giờ đây lại có thay đổi thái độ như vậy, chỉ có thể hiểu rằng niềm tin của họ đối với Mỹ đã bị lung lay bởi cuộc chiến ở Gaza.

Trong 3 năm kể từ khi ông Biden nhậm chức ở Nhà Trắng, Mỹ đã tham gia vào 2 cuộc chiến mà tạm thời chưa thể có kết quả. Chiến tranh Nga xâm lược Ukraine bắt đầu vào cuối tháng 2/2022, cộng đồng quốc tế phần lớn tin rằng chiến tranh sẽ sớm kết thúc và ông Putin sẽ từ chức thì đến nay vẫn chưa có dấu hiệu khả năng ngừng chiến. Nhưng tác động của cuộc chiến Israel-Palestine đối với Mỹ kể từ tháng 10/2023 phức tạp hơn nhiều so với cuộc chiến Nga-Ukraine; một là những nhóm nền tảng của Đảng Dân chủ Mỹ bao gồm sinh viên đại học, LGBTQI+ (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới và người đồng tính hoặc đang cân nhắc) và BLM đã biểu tình phản đối ủng hộ của chính phủ dành cho Israel, các cuộc biểu tình gần đây ở nhiều khuôn viên trường đại học chỉ là một làn sóng bùng phát mới; thứ hai, Mỹ đang trong tình trạng đơn độc về vấn đề ủng hộ Israel, bằng chứng thấy rõ là các tuyên bố của Mỹ tại nhiều cuộc họp của Liên Hợp Quốc, gần đây 3 nước châu Âu gồm Ireland, Na Uy và Tây Ban Nha công nhận nhà nước Palestine. Cả 2 yếu tố này quả thực đã làm lung lay niềm tin của các đồng minh vào Mỹ.

Đối với các nước ASEAN còn có yếu tố tôn giáo. Trong khu vực có 3 nước Hồi giáo là Indonesia, Malaysia và Brunei; 7 nước còn lại thì Campuchia và Singapore có dân số theo đạo Hồi không nhỏ, còn Việt Nam và Lào có dân số theo đạo Hồi nhỏ hơn. Thành phần dân số như vậy đã ảnh hưởng đến thái độ của khu vực đối với Mỹ liên quan cuộc chiến tranh Israel-Palestine.

Từ quan điểm này, trong mối quan hệ tam giác Trung Quốc – ASEAN – Mỹ thì không có nhiều yếu tố biến số đối với Trung Quốc. Nhưng đối với Mỹ có nhiều biến số: Một là chính trị trong nước Mỹ (chẳng hạn như kết quả bầu cử), hai là chính sách và cách xử lý quan hệ quốc tế của Mỹ. Ngoài ra, bản thân nền chính trị các nước ASEAN cũng có nhiều biến động.

Không thể thống nhất quan điểm thân Mỹ hay thân Trung Quốc
Chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ nay đã được 12 năm – bắt đầu từ việc ông Obama trở lại Thái Bình Dương trong nhiệm kỳ thứ hai, chính quyền ông Biden kể từ khi nhậm chức vào năm 2021 đã có nhiều chuyến thăm cấp cao với các chính phủ ASEAN – đặc biệt 2023 được coi là đỉnh cao liên lạc giữa Mỹ và ASEAN. Năm ngoái, Hạ viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Đối tác ASEAN, trong đó liệt kê ASEAN là một tổ chức quốc tế ngang hàng với Liên minh châu Âu và Liên minh châu Phi, đồng thời tuyên bố sẽ mở rộng trao đổi ngoại giao và kinh tế trong khu vực ASEAN. Nhưng cho đến nay, hầu hết các nước ASEAN đều từ chối chọn phe. Lý do đơn giản là 10 nước ASEAN có quan hệ khác nhau với Trung Quốc, chẳng hạn như khác biệt trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, mức độ đe dọa khác nhau, lượng trao đổi kinh tế khác nhau, thái độ đối với Mỹ cũng có chia rẽ…

Ví dụ “Báo cáo tình hình ASEAN: 2024” cho thấy, trong số những nước chọn liên minh với Mỹ thì những nước tiêu biểu nhất là Philippines, Singapore và Việt Nam, nhưng nhìn chung sự ủng hộ dành cho Mỹ ở các nước khác đã giảm. Khi Mỹ tái khẳng định cam kết quốc phòng với Philippines, thì niềm tin của Philippines vào Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục 83,3% (từ mức 78,8% của năm ngoái). Tuy nhiên thái độ đối với Trung Quốc của Singapore và Việt Nam lại khác với Philippines – những nước có mối đe dọa lãnh thổ không mạnh bằng Philippines.

Singapore không còn “của nhà họ Lý”
Trong một số hội nghị châu Á-Thái Bình Dương và ASEAN trước đây, thời Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhiều lần lên tiếng cho hầu hết các nước ASEAN bày tỏ quan điểm với Mỹ: Không nên gây áp lực buộc các nước ASEAN chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng tháng Tư năm nay, ông Lý Hiển Long đã từ chức thủ tướng và ông Hoàng Tuân Tài (Lawrence Wong) kế nhiệm. Tất nhiên, thế giới bên ngoài cũng lo ngại liệu ông Hoàng Tuân Tài có và kế thừa chính sách Trung Quốc của ông Lý Hiển Long hay không.

Trung Quốc đã lên tiếng: Sau khi ông Lý Hiển Long chính thức tuyên bố sắp nghỉ hưu, ông cũng đăng bài trên mạng xã hội kêu gọi toàn thể người dân Singapore ủng hộ đội ngũ lãnh đạo Singapore thế hệ thứ 4 thời Hoàng Tuân Tài. “Đội ngũ lãnh đạo thế hệ thứ 4” mà ông Lý Hiển Long nhắc đến ngay từ tháng 12 năm ngoái đã dẫn đầu một phái đoàn Singapore đến thăm Trung Quốc, thời điểm ngay sau khi ông Lý Hiển Long xác nhận ông Hoàng Tuân Tài là người kế nhiệm. Phái đoàn đến thăm có quy mô lớn và bao gồm hơn 1/3 quan chức cấp cao của nội các Chính phủ Singapore, trong đó 7 người là các bộ trưởng có quyền lực, và hầu hết đều là thành viên cốt lõi của đội ngũ lãnh đạo thế hệ thứ 4.

Khi ông Hoàng Tuân Tài nhậm chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông đã nhiều lần thể hiện rõ thái độ đối với Trung Quốc. Ví dụ vào tháng 12 năm ngoái, ông một lần nữa nhấn mạnh rằng không bao giờ nên đặt cược vào suy thoái của Trung Quốc, họ tiếp tục là nền kinh tế có thể mang lại cơ hội lớn cho hợp tác song phương. Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ Economist  của Anh vào ngày 6/5 năm nay, phóng viên đặt câu hỏi rằng: Singapore nên ứng phó như thế nào các biện pháp trừng phạt công nghệ và hạn chế xuất khẩu của Mỹ đối với Trung Quốc, làm dấy lên mối lo ngại về việc hệ thống công nghệ toàn cầu bị chia đôi? Ông Hoàng Tuân Tài nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng rằng việc đưa ra các hạn chế xuất khẩu sẽ được cân nhắc thận trọng, [cho dù] điều này là dễ hiểu trong trường hợp có vấn đề về an ninh quốc gia”. Nhưng đồng thời ông cũng chỉ ra, nếu tình hình ngày càng lớn hơn thì cuối cùng sẽ dẫn đến sự phân chia công nghệ (bifurcation) trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, điều này không chỉ gây hại cho Singapore mà còn cả Mỹ và thế giới.

Đã có quan điểm khẳng định rằng Singapore thời ông Hoàng Tuân Tài nhìn chung sẽ đi theo đường lối ngoại giao của thời Lý Hiển Long, đối với quan hệ với Trung Quốc về cơ bản sẽ chỉ là “bình mới rượu cũ”. Hơn nữa, Mỹ đang trong năm bầu cử, giai đoạn này quan hệ Mỹ – Trung đã ổn định và không bên nào muốn gây rắc rối, không có áp lực phải chọn phe sau khi ông Hoàng Tuân Tài lên nắm quyền.

Việt Nam một lần nữa tuyên bố tuân thủ chính sách ‘Một Trung Quốc’
Mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc và Mỹ rất phức tạp, sau một thời gian tưởng như gần gũi hơn với Mỹ thì nay lại như quay trở lại đường trung lập. Hai động thái gần đây có thể làm Mỹ không vui. Một trong số đó là thông tin được Reuters tiết lộ ngày 9/5 rằng khi Việt Nam chuẩn bị cho chuyến thăm có thể có của Tổng thống Nga Putin,nước này đã hoãn cuộc họp dự kiến ​​vào giữa tháng Năm với quan chức hàng đầu của EU chịu trách nhiệm về các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, lý do “chưa bố trị được thời gian gặp mặt”.

Một động thái khác là vào ngày 20/5 khi ông Lại Thanh Đức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Đài Loan, người phát ngôn Phạm Thu Hằng của Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh khi trả lời câu hỏi của phóng viên về chính sách “Một Trung Quốc” rằng Việt Nam sẽ kiên quyết theo đuổi chính sách “Một Trung Quốc” và thừa nhận Đài Loan trên cơ sở là một phần lãnh thổ không thể chia cắt của Trung Quốc; Việt Nam duy trì và phát triển các mối quan hệ phi chính phủ và không chính thức với Đài Loan trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục…, không phát triển bất kỳ mối quan hệ cấp nhà nước nào với Đài Loan. Người phát ngôn cũng nhắc lại Việt Nam tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, khẳng định rằng việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác trên eo biển Đài Loan đóng vai trò quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Những năm gần đây, Mỹ đã thực hiện nhiều hạn chế thương mại với Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc ngày càng dựa vào Việt Nam để giúp lách các hạn chế thương mại đó của Mỹ. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ vào năm 2023 đạt gần 105 tỷ USD, gấp 2,5 lần so với năm 2018 khi chính quyền Trump lần đầu áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc.

Việt Nam – Con đường tránh thuế quan Mỹ của công ty Trung Quốc?
Trong bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, ASEAN đã trở thành một đấu trường địa chính trị mà cả hai bên đều tích cực ve vãn nhau. Tuy nhiên, thái độ của các nước ASEAN luôn ở trạng thái lắc lư. Mặc dù “Báo cáo tình hình ASEAN: 2024” cho thấy những thay đổi bất lợi đối với Mỹ, nhưng thực tế nó bị ảnh hưởng bởi Chiến tranh Gaza. Sau cuộc bầu cử năm nay, nếu có những thay đổi lớn về chính trị trong nước Mỹ và theo đó xảy ra những điều chỉnh quan trọng trong chính sách quốc tế, thì thái độ của các nước ASEAN cũng sẽ thay đổi giữa thân Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên trừ Philippines, những điều chỉnh ở 9 nước còn lại sẽ chỉ giới hạn ở việc “sẽ gắp đĩa nào nhiều hơn giữa hai đĩa Trung Quốc và Mỹ, tuyệt đối không có chuyện chỉ chọn một đĩa mà từ bỏ đĩa kia”.

Hà Thanh Liên
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả đăng trên Đài RFA.)